Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Bảo vệ người tố cáo ở một số quốc gia trên thế giới-Kinh nghiệm cho Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (714.07 KB, 16 trang )

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC LẬP PHÁP

Thông tin chuyên đề

BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO Ở MỘT SỐ QUỐC GIA
TRÊN THẾ GIỚI – KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
(Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV)

Hà Nội, tháng 5 năm 2017

0


MỤC LỤC
1. Quy định về bảo vệ người tố cáo ở một số nước trên thế giới ..............................2
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật về bảo vệ người
tố cáo ........................................................................................................................12
Danh mục tài liệu tham khảo ...................................................................................15

1


MỞ ĐẦU
Bảo vệ người tố cáo là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo
Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa
học để hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến bảo vệ người tố cáo là việc
làm cần thiết. Thực tế cho đến nay, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu


quy định về bảo vệ người tố cáo ở một số nước trên thế giới và có những đề xuất
cụ thể1. Công trình nghiên cứu đã đưa ra thông tin tổng quan về bảo vệ người tố
cáo ở nhiều nước trên thế giới nhưng không đi sâu, cụ thể vào quốc gia nào. Do đó,
trên cơ sở tham khảo tài liệu của nước ngoài, nhóm nghiên cứu lựa chọn một số
quốc gia có thành công nhất định trong việc xây dựng pháp luật về bảo vệ người tố
cáo như: Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc2 để đi sâu vào nghiên cứu cụ thể các quy định
có liên quan (1). Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)
được trình tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa 14,
chúng tôi xin đề xuất một số kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi trong quá
trình xây dựng Luật Tố cáo (sửa đổi) (2).
1. Quy định về bảo vệ người tố cáo ở một số quốc gia trên thế giới
Bảo vệ người tố cáo không chỉ là vấn đề của quốc gia mà nó đã là vấn đề
được toàn thế giới quan tâm khi được quy định trong các văn kiện quốc tế và khu
vực như: Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) và một số
công ước chống tham nhũng ở khu vực Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi...Ngoài ra, ở
1

Tham khảo Mai Văn Duẩn, Kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo trong pháp luật quốc tế và một số quốc gia, Nghiên
cứu lập pháp số 04/T2 2017.
2

Theo Báo cáo về pháp luật về bảo vệ người tố cáo ở các quốc gia thuộc nhóm G20 do tổ chức minh bạch quốc tế
tại Úc thực hiện năm 2014 thì ÚC, Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trong số quốc gia có những thành tựu nhất định
trong thực thi bảo vệ người tố cáo từ những năm 2010 trở lại đây.

2


phạm vi hẹp hơn, một số cơ quan, tổ chức quốc tế như: Hội đồng Châu Âu, Ủy ban
Châu Âu, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế

(OECD) cũng đã đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn, chương trình bảo vệ người tố cáo.
Nhìn chung, các quy định nêu trên được xây dựng với mục đích tăng cường khả
năng minh bạch hóa, chống lại nạn tham nhũng bằng cách đưa ra các cơ chế bảo vệ
người tố cáo, để từ đó, khuyến khích họ tố giác hành vi trái pháp luật.
Với xu thế và nền tảng nêu trên, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã xây
dựng cho mình các quy định về bảo vệ người tố cáo. Các quy định này được thể
hiện với hình thức khác nhau ở mỗi nước, có thể bằng “Luật bảo vệ người tố cáo”
hoặc với tên gọi khác, hoặc lồng ghép trong các luật nội dung.
Để tránh bị trả thù, giảm tâm lý e ngại bị trả thù cho người tố cáo, tất cả
những gì liên quan đến nội dung tố cáo và người tố cáo cần được bảo vệ. Do vậy,
pháp luật các nước thường đề ra nội dung/ biện pháp bảo vệ người tố cáo như: Bảo
vệ thông tin/danh tính người tố cáo; Bảo vệ việc làm cho người tố cáo; Trao cho
người tố cáo quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền miễn trừ, đồng thời
quy định hình phạt cho những hành vi tiết lộ danh tính, trả thù nhắm vào người tố
cáo.
1.1. Kinh nghiệm của nước Úc
Nước Úc đưa ra các biện pháp bảo vệ người tố cáo ở các cơ quan nhà nước
bằng các quy định của Luật tiết lộ vì lợi ích công (Federal Public Interest
Disclosure Act 2013) và trong khu vực tư nhân bằng các quy định của Luật Doanh
nghiệp (Corporations Act 2001).
Ở khu vực công, Luật tiết lộ vì lợi ích công được xây dựng nhằm mục đích
tạo điều kiện cho việc tiết lộ và điều tra về hành vi sai trái trong khu vực công. Bảo
3


vệ người tố cáo được quy định tại Chương 2, các điều từ 9 đến 24, bao gồm các nội
dung/biện pháp bảo vệ người tố cáo cơ bản như sau:
- Quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý;
- Bảo vệ người tố cáo khỏi các hành vi trả thù;
- Bảo vệ danh tính người tố cáo.

Đối với quyền miễn trừ pháp lý, điều 10 của Luật này quy định, người tố cáo
được miễn trừ khỏi các trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến hoạt
động tiết lộ thông tin vì lợi ích công/ tố cáo, kể cả các nghĩa vụ hợp đồng, trách
nhiệm bồi thường hợp đồng liên quan đến việc tố cáo. Tuy nhiên, theo quy định
của Úc thì quyền miễn trừ này có giới hạn. Cụ thể là: Quyền này sẽ không được áp
dụng nếu phát hiện tố cáo là sai sự thật; không áp dụng đối với một số hành vi quy
định tại các điều 137.1, 137.2, 144.1 or 145.1 của Luật Hình sự và không áp dụng
đối với việc tiết lộ vi phạm giới hạn của việc xuất bản.
Đối với việc bảo vệ người tố cáo khỏi hành vi trả thù và bảo vệ danh tính
người tố cáo, Luật của Úc quy định hành vi trả thù, đe dọa trả thù, chống lại và
hành vi tiết lộ danh tính người tố cáo là tội phạm. Một số hành vi trả thù được liệt
kê tại khoản 2 Điều 13 như: Sa thải người tố cáo; Gây thương tích cho người tố
cáo; Gây tổn hại cho người tố cáo bằng cách thay đổi vị trí của họ và phân biệt đối
xử với người tố cáo. Hành vi trả thù có thể phải chịu hình phạt hình sự hoặc phải
bồi thường thiệt hại hoặc áp dụng các biện pháp dân sự. Cụ thể là: về hình phạt
hình sự, hành vi trả thù, đe dọa có thể phải chịu phạt tù lên đến 2 năm hoặc 120
đơn vị tiền phạt hoặc áp dụng cả hai hình phạt. Hoặc, trường hợp nhẹ hơn, Tòa án
liên bang có thể ra quyết định bồi thường dân sự dưới hình thức: Bồi thường thiệt

4


hại, ra lệnh cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc khôi phục việc làm đối với các hành vi
trả thù nêu trên nhằm vào người tố cáo/ tiết lộ thông tin vì lợi ích công.
Hành vi tiết lộ và sử dụng thông tin về danh tính của người tố cáo sẽ có thể
phải chịu hình phạt tù lên đến 6 tháng hoặc 30 đơn vị tiền phạt hoặc áp dụng cả hai
hình phạt, ngoại trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ở khu vực tư, thông tin do người tố cáo cung cấp được bảo vệ, người tố cáo
được bảo vệ khỏi việc mất việc làm và người bị tố cáo được bồi thường thiệt hại.
Luật này gọi các thông tin do người tố cáo cung cấp là “điều tiết lộ được bảo

vệ” (protected disclosure), theo đó, thông tin do người tố cáo và danh tính của họ
sẽ không được tiết lộ trừ trường hợp pháp luật cho phép. Một ví dụ cụ thể về việc
bảo vệ thông tin và danh tính cho người tố cáo ở nước này được nêu lên tại Quy
định hướng dẫn số 103 về bảo mật và công bố thông tin (Regutory Guide 103
Confidentiality and Release of Information), theo đó, Ủy ban An toàn và Đầu tư
của Úc ASIC (Australia Securities and Investment Commission) chỉ ra các phương
pháp sẽ áp dụng liên quan đến việc tiết lộ thông tin nhận được. Các phương pháp
này được tổng kết từ quyết định của Tòa án cấp cao trong vụ án Johns với ASC
(1993) 178 CLR 408. Hướng dẫn nêu trên gồm 03 phần: (1) Nghĩa vụ giữ bí mật
của ASIC; (2) Một số trường hợp ASIC được quyền tiết lộ thông tin; (3) Cách
ASIC thực hiện nghĩa vụ tiến hành thủ tục công bằng. Trong số các quy định nêu
trên, đáng chú ý có các nội dung về nghĩa vụ giữ bí mật của nơi tiếp nhận thông tin
như sau:
- ASIC phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc sử dụng trái
phép và tiết lộ thông tin nhận được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (điều
103.4);
5


- ASIC có thể nhận được thông tin bí mật từ 2 nguồn: Tự nguyện (từ đơn,
khiếu nại, cáo buộc vi phạm) hoặc Bắt buộc (từ thông báo yêu cầu điều tra). Và,
theo nguyên tắc công bằng thì ASIC chỉ được sử dụng thông tin này cho các mục
đích mà nó được thu thập hoặc cho mục đích khác do người cung cấp thông tin yêu
cầu (Điều 103.10 và 103.12).
Ngoài ra, ASIC còn cho phép tiếp nhận thông tin từ người tố cáo qua các
hình thức: gọi điện thoại (những thông tin chi tiết, danh tính của người cung cấp sẽ
được bảo vệ) hoặc nặc danh (tuy nhiên, giá trị thông tin cung cấp dưới hình thức
nặc danh khá thấp và người tố cáo sẽ không được hưởng những biện pháp bảo vệ
khác do không có đủ thông tin về người này)3.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp còn đưa ra các quy định bảo vệ người tố

cáo khỏi những tranh chấp (dân sự, hình sự và cả những tranh chấp liên quan đến
hợp đồng) liên quan đến thông tin cung cấp. Họ có thể được bảo vệ khỏi việc mất
việc làm hoặc trù dập từ người sử dụng lao động bằng cách trao cho người tố cáo
quyền được yêu cầu tòa án khôi phục lại vị trí ban đầu hoặc bố trí một việc làm
tương đương nếu người sử dụng lao động sa thải người lao động vì lý do người này
thực hiện tố cáo.
Và cuối cùng, để bù đắp cho người tố cáo khỏi những tổn thất do việc tiết lộ
thông tin/ tố cáo, Luật của Úc trao cho người tố cáo quyền yêu cầu bồi thường thiệt
hại do hành vi trả thù việc tố cáo gây ra. Tuy nhiên, nước này đã đặt ra điều kiện
đối với việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường đó là: Thiệt hại phải chịu là từ
việc thực hiện hành vi tố cáo và người tố cáo phải là người trực tiếp thực hiện yêu
3

Xem hướng dẫn của ASIC trên trang />
6


cầu bồi thường (pháp luật không cho phép những nơi tiếp nhận thông tin như ASIC
đòi bồi thường thay người tố cáo mà khuyến khích người tố cáo thực hiện quyền
của mình với sự hỗ trợ của luật sư độc lập).
Như vậy, dù ở khu vực công hay tư, người tố cáo ở Úc khi thực hiện việc tiết
lộ/ yêu cầu/ đề nghị một thông tin về hành vi sai trái đều được bảo vệ trước hết về
thông tin mình cung cấp, sau đó về danh tính, việc làm, tổn thất về thể chất và tinh
thần, thậm chí còn có quyền miễn trừ đối với với trách nhiệm pháp lý do hành
động tố cáo gây ra. Thêm vào đó, kinh nghiệm của nước Úc cho thấy, việc tố cáo
nặc danh được chấp nhận ở khu vực tư nhân nhưng phải chịu giới hạn và phạm vi
nhất định.
1.2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Do đặc thù chính trị, địa lý mà Hoa Kỳ có rất nhiều luật ở cấp độ liên bang,
tiểu bang và địa phương về tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Hơn nữa, mỗi một bang

trong số 50 bang của Hoa Kỳ còn đưa ra các các hình thức bảo vệ người tố cáo
riêng. Ở cấp độ liên bang, nước này có Luật Bảo vệ người tố cáo (Whisterblower
Protection Act) và Luật Tăng cường bảo vệ người tố cáo (the Whisterblower
Protection Enhancement Act).
Được ban hành vào năm 1989, Luật bảo vệ người tố cáo (luật liên bang) có
nhiệm vụ: Tăng cường và cải thiện việc bảo vệ quyền của người lao động liên
bang; chống lại hành vi trả thù và loại bỏ các hành vi sai trái trong khu vực công.
Để thực hiện các mục tiêu này, Luật quy định người lao động không phải gánh
chịu bất kỳ hệ quả bất lợi nào từ việc tố cáo hành vi sai trái, đồng thời, có chế tài
xử lý đối với những người thực hiện hành vi sai trái nêu trên. Các biện pháp được
đưa ra bao gồm:
7


Một là, thông tin cung cấp bởi người tố cáo được bảo vệ và pháp luật Mỹ
nghiêm cấm việc tiết lộ danh tính của người tố giác mà không có sự đồng ý trừ
trường hợp “xác định việc tiết lộ danh tính của cá nhân là cần thiết vì một mối
nguy hiểm sẽ xảy ra đối với sức khỏe hoặc an toàn công cộng hoặc vi phạm luật
hình sự4. Điều 2302(b)(8)(A) quy định: Bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi
người tố cáo mà có căn cứ cho rằng nó là bằng chứng cho một hành vi vi phạm
pháp luật hoặc bằng chứng cho hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, lãng
phí nghiêm trọng ngân sách, lạm dụng quyền lực, gây hại cho an toàn và sức khỏe
cộng đồng thì được bảo vệ với điều kiện: Việc tiết lộ thông tin/ tố cáo đó không bị
pháp luật cấm hoặc không thuộc những việc phải giữ bí mật theo quy định của cơ
quan hành pháp. Bên cạnh đó, Luật còn đặt ra quy định đối với thông tin được bảo
vệ, đó là, thông tin đó phải là sự thật. Như vậy, cũng giống như các quốc gia khác,
việc bảo vệ thông tin do người tố cáo cung cấp với các điều kiện nhất định được
quy định trong luật như là một trong những biện pháp để bảo vệ người tố cáo.
Ở một mức độ chi tiết hơn, Luật của Hoa Kỳ đã cụ thể hóa phạm vi và nội
dung của các thông tin, chẳng hạn, chỉ những thông tin về vi phạm quản lý

“nghiêm trọng”, lãng phí ngân sách “nghiêm trọng” và loại trừ các thông tin đã
gửi cho Hội đồng đặc biệt (Special Counsel) hoặc cho Tổng thanh tra (Inspector
General) của một cơ quan hoặc đơn vị được ủy quyền tiếp nhận thông tin tố cáo;
Hai là, Luật Bảo vệ người tố cáo của Hoa Kỳ bảo vệ người tố cáo khỏi hành
vi trả thù dưới các hình thức thực hiện hoặc không thực hiện các hoạt động quy
định tại điều 2302(a)(2)(A) như sau: Bổ nhiệm; thăng chức; kỷ luật hoặc yêu cầu
4

Tham khảo Mai Văn Duẩn, Kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo trong pháp luật quốc tế và một số quốc gia, Nghiên
cứu lập pháp số 04/T2 2017, trang 59.

8


bồi thường; thuyên chuyển; khôi phục việc làm; đánh giá kết quả làm việc; quyết
định về tiền lương, trợ cấp, thưởng, đào tạo cán bộ, bổ nhiệm, thăng chức, đánh giá
kết quả; quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra tâm lý; bất kỳ thay đổi nào
khác về nhiệm vụ, trách nhiệm và điều kiện làm việc;
Ba là, Luật của Hoa Kỳ còn đưa ra các hình thức hỗ trợ khác như: Làm
chứng, hỗ trợ pháp lý cho người tố cáo để họ thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện
có liên quan hoặc để tiết lộ/ tố cáo một hành vi (Điều 2302(b)(9)(A)). Để thực hiện
việc này, Luật của Hoa Kỳ đồng thời thiết lập 04 cơ chế thực thi bao gồm: (1) Gửi
khiếu kiện lên Hội đồng bảo vệ nhân viên khỏi các hành vi bất lợi của cơ quan
(Merit Systems Protection Board of agency’s adverse action against the employee);
(2) Gửi khiếu kiện tới Văn phòng của Hội đồng tư vấn đặc biệt (Office of Special
Counsel); (3) Kiện bảo vệ quyền cá nhân và (4) Khiếu nại theo thủ tục giải quyết
khiếu nại thỏa thuận ( Negotiated grievance procedure).
Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ người tố cáo đối với các vấn đề
thuộc an ninh quốc gia, Hoa Kỳ ban hành Luật Tăng cường bảo vệ người tố cáo
năm 2007 với các quy định cụ thể và chi tiết hơn phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Về

cơ bản, văn bản này tuân thủ Luật Bảo vệ người tố cáo và chỉ làm rõ hơn phạm vi
và nội dung các khái niệm. Chẳng hạn, đối với giới hạn nội dung và phạm vi thông
tin tố cáo được bảo vệ, văn bản này quy định chi tiết hơn “thông tin tố cáo về hành
vi lạm quyền bao gồm hành vi vi phạm tính hợp lệ hoặc chính xác của liên bang
trong việc nghiên cứu hoặc phân tích” và “phổ biến thông tin sai hoặc các thông
tin gây hiểu nhầm về khoa học, y tế, kỹ thuật”. (Điều 13)….Thành công của văn
bản này là đã khuyến khích người dân tham gia tố cáo; mở rộng thêm nhiều các
hành vi vi phạm là đối tượng của tố cáo; bảo vệ người tố cáo khỏi quy tắc không
công khai của các cơ quan. Kết quả đạt được là: Từ năm 2007 đến 2012, số lượng
9


tố cáo ở Hoa Kỳ tăng từ 482 lên 1.148 và số lượng vụ việc trả thù người tố cáo
được giải quyết tăng từ 50 lên 223.1205. Đây là một con số ấn tượng, chứng minh
cho sự hiệu quả trong việc bảo vệ người tố cáo ở khu vực công ở Hoa Kỳ.
Ở khu vực tư, nước này bảo vệ người lao động tố cáo bằng các quy định về
doanh nghiệp (có khoảng 47 luật về doanh nghiệp ở 40 bang của Mỹ có các quy
định cho người lao động), các chương trình mang tên Sarbanes-Oxley and DoddFrank (được xây dựng từ những tranh chấp ở Phố Wall) tạo cơ chế trao thưởng cho
người tố cáo vì những đóng góp trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận. Ngoài
ra, Luật Khiếu nại về hành vi sai trái (False Claim Act) còn cho phép người lao
động ở khu vực tư được quyền khởi kiện thay mặt chính phủ để đòi thu hồi vốn bị
đánh cắp từ gian lận hợp đồng, đồng thời, cho họ được hưởng từ 15-25 % số tiền
họ thu hồi được. Đây là một kinh nghiệm hay trong việc khuyến khích người tố
cáo thực hiện việc phát hiện và tố cáo hành vi sai trái. Tại nơi làm việc, người lao
động được quyền được tố cáo về những nguy hiểm về sức khỏe và an toàn lao
động mà không sợ bị trả thù theo quy định của Luật An toàn và Sức khỏe nghề
nghiệp (Occupational Safety and Health Act). Như vậy, về cơ bản, ở khu vực công
hay tư, bên cạnh việc trao quyền tố cáo cho người lao động, có các khuyến khích,
động viện để họ thực hiện việc tố cáo, thì pháp luật Hoa Kỳ cũng như các nước
trên thế giới đều có cơ chế bảo vệ người tố cáo bằng cách liệt kê các hành vi trả thù

có thể được thực hiện và áp dụng chế tài cho các hành vi này. Đây là cách đảm bảo
an toàn cho người tố cáo khi khuyến khích họ thực hiện tiết lộ các thông tin về
hành vi sai trái6.
5

Theo báo cáo năm tài khóa 2012 gửi tới Nghị viện thực hiện bởi Văn phòng Hội đồng đặc biệt (Report to Congress
for Fiscal Year 2012,” U.S. Office of Special Counsel)
6

Báo cáo về pháp luật về bảo vệ người tố cáo ở các quốc gia thuộc nhóm G20, 2014, Tổ chức minh bạch quốc tế tại
Úc thực hiện.

10


1.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc không có luật riêng về tố cáo hay bảo vệ người tố cáo, tuy
nhiên, nước này được đánh giá là một trong những quốc gia có các quy định pháp
luật đạt hiệu quả cao. Các quy định của nước này về bảo vệ người tố cáo ở cả khu
vực tư và công được tìm thấy trong Hiến pháp, Quy định về xử phạt công chức
trong cơ quan hành chính (Regulation on the Punishment of Civil Servants of
Administrative organs), Tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ dành cho doanh nghiệp
(Basic Standard of Enterprise Internal Control).
Đối với khu vực công, việc bảo vệ người tố cáo trong các cơ quan nhà nước
được quy định tại Điều 41 của Hiến pháp. Điều luật này trao cho công dân quyền
“…quyền chỉ trích hoặc gửi đề nghị tới bất kỳ cơ quan nhà nước nào..”, “quyền
gửi khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp
luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của bất kỳ cơ quan nhà nước nào..”, đồng
thời, yêu cầu “các cơ quan nhà nước có liên quan phải giải quyết khiếu nại, tố cáo
của công dân một cách có trách nhiệm”. Điểm đáng chú ý là, Điều 41 của Hiến

pháp Trung Quốc đưa ra ngay biện pháp bảo vệ người tố cáo bằng việc quy định
“Không ai được ngăn chặn khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc trả đũa công dân”
và “Công dân được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cản trở thực
hiện quyền công dân của cơ quan nhà nước gây nên”. Như vậy, Hiến pháp của
Trung Quốc đã chỉ ra 2 biện pháp bảo vệ người tố cáo: (1) Nghiêm cấm mọi hành
vi ngăn chặn tố cáo và trả đũa và (2) Cho người tố cáo được quyền yêu cầu bồi
thường thiệt hại. Thêm vào đó, Quy định về xử phạt công chức trong cơ quan hành
chính còn đưa ra các hình phạt như “xử lý kỷ luật, tước bỏ danh hiệu hoặc sa thải”
đối với người có hành vi “đàn áp, trả đũa người tố cáo; hủy bỏ tố cáo hoặc tiết lộ
thông tin tố cáo cho người bị tố cáo” (Điều 25). Có thể thấy rằng, mặc dù không
11


có luật riêng về bảo vệ người tố cáo nhưng Trung Quốc đã đảm bảo được nội dung
cơ bản của bảo vệ người tố cáo.
Đối với khu vực tư, Điều 43 của Tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ dành cho
doanh nghiệp đặt ra đòi hỏi đối với các doanh nghiệp, đó là:
- Thiết lập hệ thống tiếp nhận và giải quyết khiếu nại bằng đường dây điện
thoại;
- Quy định trình tự, thủ tục và thời gian xử lý khiếu nại;
- Thông báo cho tất cả các nhân viên về hoạt động của hệ thống tiếp nhận,
giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo.
Các quy định nêu trên về bảo vệ người tố cáo ở Trung Quốc khá cô đọng và
xúc tích. Quyền được bảo vệ của người tố cáo và chế tài cho các hành vi trả đũa,
ngăn cản được quy định ngay ở Hiến pháp mà không cần thêm một luật chuyên
ngành nào. Việc bảo vệ người tố cáo vẫn phát huy hiệu quả, do đó, đây được xem
là ưu điểm của luật Trung Quốc.Tuy nhiên, một điểm yếu của Trung Quốc so với
các quốc gia kể trên đó là: Không có quy định về tố cáo nặc danh hay báo cáo bí
mật ở khu vực tư nhân.
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật về

bảo vệ người tố cáo
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) dành một chương để quy định về bảo vệ
người tố cáo (chương VI) nhìn chung đã bao quát được những nội dung như: bảo
vệ danh tính, tính mạng, tài sản, công việc, danh dự nhân phẩm của không chỉ
người tố cáo mà còn người thân thích của người tố cáo. Tuy nhiên, sau khi nghiên
cứu kinh nghiệm của 03 quốc gia nêu trên trong việc xây dựng và áp dụng thành
12


công các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, chúng tôi nhận thấy, Dự
thảo cần được nghiên cứu bổ sung một số nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu cơ chế cho phép tiếp nhận tố cáo nặc danh. Hiện nay,
Dự thảo Luật của nước ta đang giới hạn việc tố cáo trong lĩnh vực công, do đó,
không thể áp dụng kinh nghiệm của Úc cho phép tố cáo nặc danh (ở khu vực tư)
tuy nhiên, luật có thể không nhất thiết thừa nhận tố cáo nặc danh mà cho phép
thành lập công cụ, phương tiện để tiếp nhận tố cáo nặc danh (đường dây nóng,
trang web)7. Tố cáo nặc danh sẽ được tiếp nhận và được yêu cầu cung cấp thêm
thông tin nếu cần thiết để có thể quyết định có tiến hành điều tra hay không. Việc
tạo điều kiện cho việc tiếp nhận tố cáo nặc danh như vậy vừa đảm bảo bảo vệ
người tố cáo (như nhận định của nhiều nước trên thế giới hiện nay) vừa nâng cao
hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực;
Thứ hai, Dự thảo Luật nên bổ sung thêm quy định về bồi thường thiệt hại,
trong đó có cả những tổn thất về mặt tinh thần khi người tố cáo thực hiện tố cáo.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, việc dự phòng được khả năng phải chịu
tổn thất về tinh thần của người tố cáo để có phương án bồi thường sẽ khuyến khích,
động viên người tố cáo tích cực thực hiện và tiếp tục thực hiện nội dung tố cáo của
mình. Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ mà đó còn là hình thức khuyến khích,
động viên. Hình thức này là cần thiết nhất là trong bối cảnh nước ta,tâm lý e ngại
bị trù dập, bị bêu riếu khiến cho những người biết hành vi sai trái mà không dám
đứng lên tố cáo;


7

Kinh nghiệm của Úc và ở khu vực Châu Á, Nhật Bản là nước cho phép tố cáo nặc danh khi nước này cho hoạt
động trang web whistleblowing.jp.

13


Thứ ba, nên có thêm điều khoản hoặc hình thức khuyến khích, động viên
người tố cáo như: Khen thưởng, trích % trong khoản thu hồi được đối với những
trường hợp sai trái làm thất thoát tài sản để tạo động lực hơn nữa cho người tố cáo;
Thứ tư, bên cạnh việc quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của cơ quan
có thẩm quyền, Dự thảo Luật nên quy định cả hình thức xử lý kỷ luật trong trường
hợp không thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo hoặc không tiếp nhận các
thông tin của người tố cáo để có thể bảo vệ kịp thời. Đồng thời, theo kinh nghiệm
của các nước trên thế giới, cần phải có phần chế tài cho hành vi trả thù người tố
cáo. Hơn nữa, việc liệt kê càng cụ thể các hành vi trả thù có thể dự đoán được và
có chế tài từ hình sự, hành chính, dân sự tùy theo mức độ sẽ đảm bảo hơn tính răn
đe của pháp luật đối với hành vi trả thù người tố cáo;
Thứ năm, nghiên cứu bổ sung các quy định về bảo vệ người tố cáo ở khu
vực tư sau khi hoàn thiện Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) theo kinh nghiệm của hầu
hết các quốc gia nêu trên.

14


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi);
2. Luật tiệt lộ vì lợi ích công (Federal Public Interest Disclosure Act 2013)

của Úc;
3. Luật về doanh nghiệp (Corporations Act 2001) của Úc;
4. Quy định hướng dẫn số 103 về bảo mật và công bố thông tin (Regutory
Guide 103 Confidentiality and release of information) của Úc;
5. Luật bảo vệ người tố cáo 1989 (Whisterblower Protection Act) của Hoa
Kỳ;
6. Luật tăng cường bảo vệ người tố cáo2007 (the Whisterblower Protection
Enhancement Act) của Hoa Kỳ;
7. Hiến pháp Trung Quốc;
8. Bộ tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ cho doanh nghiệp của Trung Quốc;
9. Tổ chức minh bạch quốc tế tại Úc, Báo cáo về pháp luật về bảo vệ người
tố cáo ở các quốc gia thuộc nhóm G20,2014;
10. Mai Văn Duẩn, Kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo trong pháp luật quốc
tế và một số quốc gia, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 04, T2/2017.

15



×