Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Thảo luận tố tụng dân sự chương 8: THỦ TỤC SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.09 KB, 12 trang )

THẢO LUẬN MÔN LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
CHƯƠNG 8: THỦ TỤC SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ
_____________________
I. NHẬN ĐỊNH:
1. Nếu đương sự được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập hợp lệ mà không có mặt tại phiên tòa thì
Tòa án phải hoãn phiên tòa.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp nếu đương sự được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập hợp lệ mà không có
mặt tại phiên tòa thì Tòa án đều phải hoãn phiên tòa.
Căn cứ quy định tại Điều 227, BLTTDS 2015, trong trường hợp đương sự được Tòa án cấp sơ
thẩm triệu tập hợp lệ lần 1 hoặc lần 2 mà không có mặt tại phiên tòa nhưng họ có đơn đề nghị xét xử
vắng mặt thì Toà án không phải hoãn phiên toà. Mặt khác, nếu trong trường hợp triệu tập hợp lệ lần
2 nhưng đương sự vẫn không có mặt mà không vì lí do bất khả kháng thì tuỳ từng trường hợp Toà án
có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ hoặc tiến hành xét xử vắng mặt theo Khoản
2, Điều 227.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện thông qua đại diện theo ủy quyền.
Nhận định này là sai.
Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 189 BLTTDS, cá nhân có đủ năng lực hành vi tố tụng
dân sự thì trong đơn khởi kiện ở mục tên, địa chỉ cư trú của người khởi kiện phải điền tên và địa chỉ
của cá nhân đó vào, thêm vào đó phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của chính cá nhân đó ở phần cuối
đơn. Tức là trong đơn khởi kiện của cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì thông tin
của người khởi kiện phải chính là thông tin của cá nhân có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Do đó, cá
nhân sẽ không thể khởi kiện thông qua người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp
tại khoản 2 Điều 187, cá nhân có thể khởi kiện thông qua tổ chức đại diện tập thể lao động - được cá
nhân (người lao động) ủy quyền. Tóm lại cá nhân chỉ có thể thực hiện khởi kiện theo ủy quyền trong
trường hợp tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS, các trường hợp khác thì cá nhân phải tự mình thực hiện
quyền khởi kiện.

1



3. Khi sự việc đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của
Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đương sự
không có quyền nộp đơn khởi kiện lại.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp khi sự việc đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có
hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thì đương sự đều không có quyền nộp đơn khởi kiện lại.
Căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 192, BLTTDS, khi sự việc đã được Tòa án giải quyết
bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con,
thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi
người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn,
đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu
và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
4. Nếu người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ của bị đơn thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi
kiện.
Nhận định này là sai.
Không phải trong mọi trường hợp nếu người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ của bị đơn thì
Tòa án đều sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Căn cứ quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 192 BLTTDS, Toà án chỉ trả lại đơn khởi kiện khi
người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại
khoản 2 Điều 193 thì Toà án mới trả lại đơn kiện. Còn trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi
kiện đã ghi đầy đủ, đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định,
thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không có thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che
giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ thì Thẩm phán không trả lại đơn kiện. Do đó, trong trường hợp trên
người khởi kiện không cần phải cung cấp chính xác địa chỉ hiện tại của người bị kiện nhưng Tòa
không trả lại đơn kiện.

2



5. Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp người làm chứng vắng mặt
tại phiên tòa.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp hội đồng xét xử đều ra quyết định hoãn phiên tòa khi người làm chứng
vắng mặt tại phiên tòa.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 229, BLTTDS 2015, Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét
xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó người làm chứng đã có lời khai trực
tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án. Còn trong trường hợp xét thấy việc vắng mặt của người
làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án thì
Hội đồng xét xử mới ra quyết định hoãn phiên toà.
6. Hòa giải là hoạt động tố tụng bắt buộc trong trình tự giải quyết một vụ án dân sự.
Nhận định này là sai.
Hòa giải không là hoạt động tố tụng bắt buộc trong trình tự giải quyết một vụ án dân sự.
Căn cứ quy định tại Điều 206, 207 BLTTDS, nếu vụ án dân sự thuộc vào trường hợp những vụ án
dân sự không được hòa giải quy định tại Điều 206 và những vụ án dân sự không hòa giải được tại
Điều 207 thì vụ án dân sự đó không phải trải qua hoặc không trải qua được hoạt động hòa giải. Do
đó, hòa giải không phải là hoạt động tố tụng bắt buộc trong trình tự giải quyết một vụ án dân sự.
7. Tòa án chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
Nhận định này là sai.
Căn cứ quy định tại Khoản 3 và 4, Điề 195, BLTTDS 2015, Toà án chỉ thụ lí vụ án khi người khởi
kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm chứ không phải khi người khởi kiện nộp
tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Do đó, trong trường hợp người khởi kiện đã cho rằng mình đã
nộp tiền tạm ứng án phí nhưng không xuất trình được biên lai thu tạm ứng án phí thì Toà án không
thụ lí vụ án. Mặt khác, theo Khoản 4, Điều 195, nếu người khởi kiện thuộc trường hợp được miễn
hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện
và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
8. Tòa án có thể ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về một phần vụ án.
Nhận định này là sai.


3


Tòa án không thể ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về một phần vụ án.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 212, BLTTDS 2015, Toà án chỉ ra quyết định công nhận sự
thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ
vụ án. Bởi lẽ, Toà án không thể ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết
định giải quyết vụ án cùng một lúc. Do vậy, Toà án không thể ra quyết định công nhận sự thoả thuận
của các đương sự về một phần vụ án.
9. Tòa án có quyền tuyên án kín đối với những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần
phong mỹ tục của dân tộc.
Nhận định này là sai.
Tòa án không có quyền tuyên án kín đối với những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần
phong mỹ tục của dân tộc.
Căn cứ quy định tại Điều 267, BLTTDS 2015, Tòa án chỉ có quyền xét xử kín những trường hợp
đặc biệt quy định tại khoản 2 điều 15 của bộ luật, tức là đối với những vụ án cần giữ bí mật nhà
nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Còn khi tuyên án thì Hội đồng xét xử tuyên công khai
phần mở đầu và phần quyết định của bản án, chứ không phải tuyên án kín toàn bộ bản án.
10. Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sẽ
tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp.
Nhận định này là đúng.
Căn cứ Khoản 2 Điều 85, BLTTDS 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức khởi kiện để bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự
của người được bảo vệ. Do vậy, họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp nếu thỏa các
điều kiện để làm đại diện.
11. Đương sự có thể thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ
thẩm.
Nhận định này là đúng.
Căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 70 và Điểm a, Khoản 2, Điều 210, BLTTDS 2015, ta thấy

đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình khi được Thẩm phán hỏi về vấn đề này trong

4


phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tức trong giai đoạn
chuẩn bị xét xử.
12. Thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa đối với vụ án dân sự nói chung là 8 tháng kể từ thời điểm
Tòa án thụ lý vụ án.
Nhận định này là sai.
Thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa đối với vụ án dân sự nói chung không là 8 tháng kể từ thời điểm
Tòa án thụ lý vụ án.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 203 BLTTDS, đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều
32 thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án và đối với vụ án quy định tại
Điều 26 và Điều 28 thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Mặt khác, trong
trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì được
gia hạn thêm không quá 02 tháng đối với vụ án tại Điều 26, 28 BLTTDS, tức tối đa là 06 tháng đối
với loại vụ án này và gia hạn thêm không quá 01 tháng đối với vụ án tại Điều 30, 32 của BLTTDS,
tức tối đa là 03 tháng đối với vụ án tại Điều 30, 32. Như vậy, tính cả thời gian gia hạn vụ án dân sự
nói chung thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 06 tháng chứ không phải 8 tháng.
13. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được tham gia vào phiên hòa
giải.
Nhận định này là sai.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tham gia vào phiên hòa giải.
Căn cứ quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 210, BLTTDS 2015, Người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của một đương sự được quyền trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của đương sự
khác và những căn cứ để bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự mà mình bảo vệ tại phiên
hoà giải. Do vậy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tham gia vào phiên
hòa giải.
14. Đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì

Tòa án phải chấp nhận.
Nhận định này là sai.

5


Không phải mọi trường hợp đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong giai đoạn chuẩn bị
xét xử sơ thẩm thì Tòa án đều phải chấp nhận.
Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 210 BLTTDS, khi kiểm tra việc giao nộp,
tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương
sự về việc sửa đổi, bổ sung, yêu cầu khởi kiện. Theo đó khi đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu của
mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì Thầm phán sẽ xem xét chứ Tòa án không bắt buộc
phải chấp nhận.
15. Tòa án luôn phải tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ
việc dân sự.
Nhận định này là sai.
Không phải trong mọi trường hợp, Tòa án luôn phải tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với
nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
Căn cứ quy định tại Điều 206, BLTTDS 2015, có 2 trường hợp các bên không cần thoả thuận với
nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự:
- Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Do vậy, nếu rơi vào một trong hai trường hợp trên, Toà án không cần phải tạo điều kiện để các bên
có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
II. BÀI TẬP:
Câu 1: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số
0464 Nguyễn Huệ, thành phố Long An, ông Lạc, bà Dung đã tiến hành chuyển nhượng quyền
cho ông Chương, bà Thỉ. Trong quá trình chờ làm thủ tục sang tên, anh Lập (là con của ông
Lạc, bà Dung) cho rằng năm 1999 anh mua 18 m2 đất của ông Mứt (ở phía sau nhà của cha mẹ
anh) để cho thẳng ranh giới đất và đóng góp tiền xây dựng lại căn nhà trên nhưng việc chuyển

nhượng lại không có sự đồng ý của anh. Do đó, anh Lập làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông
Lạc, bà Dung trả lại 18 m2 đất và 150.000.000 đồng tiền đóng góp xây dựng nhà. Tại phiên tòa
xét xử sơ thẩm, anh Lập yêu cầu Tòa án tuyên hủy hợp đồng chyển nhượng nhà đất giữa ông
Lạc, bà Dung và ông Chương, bà Thỉ. Tòa án phải giải quyết trường hợp này như thế nào?

6


Ban đầu, anh Lập làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông Lạc, bà Dung trả lại 18 m 2 đất và
150.000.000 đồng tiền đóng góp xây dựng nhà. Đây là tranh chấp về dân sự, cụ thể là tranh chấp về
đất đai theo Khoản 9, Điều 26, BLTTDS 2015.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, anh Lập lại đưa ra yêu cầu mới đó là tuyên hủy hợp đồng chyển
nhượng nhà đất giữa ông Lạc, bà Dung và ông Chương, bà Thỉ. Đây là tranh chấp về hợp đồng
chuyển nhượng nhà đất theo Khoản 3, Điều 26, BLTTDS 2015. Do vậy, yêu cầu yêu cầu tại phiên
Tòa xét xử sơ thẩm mà anh Lập đưa ra đã vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu.
Theo Khoản 1 Điều 244 BLTTDS thì Hội đồng xét xử sẽ không chấp nhận yêu cầu mới của anh
Lập. Vì vậy Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu trước đó của anh Lập đó là giải quyết phần
của anh Lập yêu cầu ông Lạc và bà Dung trả lại cho anh 18 m 2 đất và số tiền 150.000.000 đồng tiền
đống góp xây dựng nhà.
Câu 2: Năm 2015, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và ông Chương ký kết Hợp
đồng tín dụng số 15/01 về việc Ngân hàng cho ông Chương vay số tiền 950 triệu đồng. Trong
thời hạn vay ông Chương không đóng lãi, đến hạn thanh toán ông Chương không thực hiện
nghĩa vụ nên Ngân hàng đã khởi kiện ông Chương yêu cầu thanh toán khoản vay.
a. Giả sử trong quá trình chuẩn bị xét xử, ông Chương bị tai nạn và đột ngột qua đời, Tòa án
phải giải quyết tình huống này như thế nào?
Theo khoản 1, Điều 74 BLTTDS thì ông Chương là cá nhân đang tham gia tố tụng chết nên quyền
và nghĩa vụ về tài sản - nghĩa vụ thanh toán khoản vay tại ngân hàng Nông nghiệp sẽ được người
thừa kế của ông kế thừa. Do đó, trong trường hợp này Tòa án phải liên lạc và đưa người thừa kế của
ông vào tham gia tố tụng. Từ đó, có các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Ông Chương chết và Toà án chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ

về tài sản cho ông Chương.
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 214 BLTTDS về Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
“1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau
đây:
a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể
mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá
nhân đó;”

7


Theo quy định trên, rong trường hợp này ông Chương là bị đơn đã chết và Toà án chưa xác định
được người kế thừa quyền và nghĩa vụ về tài sản của ông Chương nên áp dụng theo quy định của
pháp luật Tòa án có đủ căn cứ để ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Căn cứ Điều 216
BLTTDS về Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, khi ông Chương đã có người kế thừa quyền
và nghĩa vụ về tài sản, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày lí do tạm đình chỉ giải quyết vụ án hết thì
Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo trình tự, thủ tục quy định trong
BLTTDS.
- Trường hợp 2: Ông Chương chết và không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ về tài sản.
Theo quy định của Điều 622, BLDS 2015 về Tài sản không có người nhận thừa kế thì Nhà nước
là chủ thể được thừa kế phần tài sản không có người thừa kế. Do vậy, vì Nhà nước là chủ thể có
quyền thừa kế trong trường hợp này nên nghĩa vụ về tài sản của ông Chương sẽ do Nhà nước kế thừa
khi ông Chương chết mà không có người thừa kế. Vì vậy, trong trường hợp này, Toà án vẫn tiếp tục
tiến hành giải quyết vụ án.
- Trường hợp 3: Ông Chương chết và có người kế thừa quyền và nghĩa vụ về tài sản.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 174, BLTTDS 2015 về Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thì
người thừa kế của ông Chương sẽ kế thừa nghĩa vụ về tài sản của ông Chương. Vì vậy, trong trường
hợp này, Toà án vẫn tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án.
b. Giả sử nguyên đơn và bị đơn đều làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Nêu hướng giải quyết của Tòa án.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 228 BLTTDS về Xét xử trong trường hợp đương sự, người
bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án
trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự khi có đủ các
điều kiện tại Điều 238 BLTTDS. Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, Chủ tọa phiên tòa công bố lý do
đương sự vắng mặt hoặc đơn của đương sự đề nghị Hội đồng xét xử vắng mặt; sau đó Chủ tọa phiên
tòa công bố tóm tắt nội dung vụ án và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử thảo
luận những vấn đề cần giải quyết trong vụ án; Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát; Hội
đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên án theo quy định của BLTTDS.
Câu 3: Bà Viêng khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu hợp đồng mua bán căn nhà số 118
đường Dân Chủ, thành phố Long Xuyên giữa bà và bà Thủy. Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần

8


thứ nhất, tất cả đương sự vắng mặt nên Tòa án hoãn phiên tòa. Khi phiên tòa được mở lại (mở
lần 2), bà Viêng có mặt tại phiên tòa, bà Thủy không có mặt nhưng có “đơn xin hoãn phiên
tòa” và “đơn xin xác nhận” có nội dung bà Thủy bị bệnh phải đi cấp cứu (đơn này đã được
Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang xác nhận). Tòa án cho rằng bà Thủy đã được triệu tập
nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng nên đã tiến hành xét xử vắng
mặt bà Thủy. Nhận xét về hành vi tố tụng nêu trên của Tòa án.
Tòa án cho rằng bà Thủy đã được triệu tập nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính
đáng nên đã tiến hành xét xử vắng mặt bà Thủy. Đây là hành vi tố tụng chưa hoàn toàn hợp lý của
Tòa án.
Khi phiên tòa được mở lại (lần 2) Bà Thủy không có mặt nhưng có “đơn xin hoãn phiên tòa” và
“đơn xin xác nhận” có nội dung bà Thủy bị bệnh phải đi cấp cứu (đơn này đã được Bệnh viện đa
khoa tỉnh Kiên Giang xác nhận). Trường hợp của bà Thủy vì phải đi cấp cứu (đơn này đã được Bệnh
viện đa khoa tỉnh Kiên Giang xác nhận) là trở ngại khách quan.
Theo khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015 thì trường hợp bà Thủy được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ
hai và vắng mặt vì trở ngại khách quan, do đó Tòa án có thể sẽ hoãn phiên tòachứ không được tiến

hành xét xử vắng mặt bà Thủy. Tòa án làm như vậy sẽ không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp
của bà Thủy.
Câu 4: Năm 2001, ông Vị cất một căn nhà tạm trên diện tích 100 m2 thuộc thửa tại đường
Nguyễn Công Trứ, thành phố Rạch Giá. Anh Tuấn cho rằng đây là di sản thừa kế bà nội anh
để lại cho ông Vị và ông Vị đã phân chia cho anh, nên anh khởi kiện yêu cầu ông Vị hoàn trả
cho mình toàn bộ diện tích đất nêu trên. Về phần mình, ông Vị cho rằng đây là tài sản chung
của vợ chồng ông, việc ông tự ý cho anh Tuấn là sai nên ông yêu cầu Tòa án buộc anh Tuấn
phải trả lại đất cho mình.
a. Sau khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, anh Tuấn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, Tòa án ra
quyết định thay đổi địa vị tố tụng của anh Tuấn từ nguyên đơn sang bị đơn và ông Vị từ bị đơn
sang nguyên đơn. Nhận xét hành vi tố tụng trên của Tòa án.
Hành vi tố tụng trên của Tòa án là hợp lý.
Anh Tuấn là người khởi kiện yêu cầu ông Vị hoàn trả cho mình toàn bộ diện tích đất nêu trên. Do
vậy, trong vụ án này, anh Tuấn là nguyên đơn (theo Khoản 2, Điều 68, BLTTDS) và ông Vị là bị đơn
(theo Khoản 3, Điều 68, BLTTDS).

9


Về phần mình, ông Vị yêu cầu Tòa án buộc anh Tuấn phải trả lại đất cho mình. Do vậy, theo Điểm
b, Khoản 2, Điều 200, BLTTDS 2015 thì đây là yêu cầu phản tố của ông Vị (bị đơn).
Căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 217, BLTTDS 2015 về Đình chỉ giải quyết vụ án
dân sự:
“b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải
quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành
bị đơn;”
Trong trường hợp này, anh Tuấn – là nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình và ông
Vị không rút yêu cầu phản tố của mình thì Toà án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu
cầu khởi kiện của anh Tuấn. Mặt khác, địa vị tố tụng cũng sẽ bị thay đổi, ông Vị (bị đơn) sẽ trở thành
nguyên đơn và anh Tuấn (nguyên đơn) sẽ trở thành bị đơn. Hành vi tố tụng trên của Tòa án là hợp lý.

b. Giả sử tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận được với nhau về việc giải
quyết toàn bộ vụ án. Hội đồng xét xử giải quyết tình huống trên như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 246 BLTTDS, nếu nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận được với nhau về
việc giải quyết toàn bộ vụ án, đồng thời thỏa các điều kiện về sự tự nguyện của hai bên, không vi
phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử sẽ ra Quyết định công nhận
sự thỏa thuận của ông Vị và anh Tuấn, kết thúc quá trình giải quyết vụ án.
Câu 5: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà
số 294 quốc lộ 15, thành phố Bình Dương được ký kết giữa bà Xuân và ông Tươi với giá
chuyển nhượng là 3,5 tỷ đồng. Sau khi thanh toán 2,5 tỷ đồng và nhận nhà ở, ông Tươi không
tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nên bà Xuân khởi kiện yêu cầu ông Tươi
tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bà
Xuân có đơn khởi kiện bổ sung với nội dung thay đổi yêu cầu khởi kiện từ “yêu cầu tiếp tục
thực hiện hợp đồng chuyển nhượng” sang “yêu cầu Tòa án hủy biên nhận chuyển nhượng nhà
đất, yêu cầu ông Tươi trả lại nhà”.
a. Tòa án cấp sơ thẩm có phải tiến hành hòa giải đối với yêu cầu mới của bà Xuân không?
Tòa án cấp sơ thẩm không phải tiến hành hòa giải đối với yêu cầu mới của bà Xuân.
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bà Xuân mới có đơn khởi kiện bổ sung với nội dung
thay đổi yêu cầu khởi kiện. Do đó, thời điểm mà bà Xuân thay đổi yêu cầu của mình là thời điểm sau

10


khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tức lúc này quá trình tố tụng đã qua giai đoạn chuẩn bị xét
xử.
Vì vậy, đối với yêu cầu trên của bà Xuân thì Tòa án sẽ đợi đến khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm để hỏi
lại, nếu bà Xuân vẫn tiếp tục muốn thay đổi yêu cầu khởi kiện thì theo Điều 244, BLTTDS 2015, Hội
đồng xét xử sẽ xem xét, việc thay đổi yêu cầu trên có vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu
của bà không, nếu không thì hội đồng xét xử sẽ chấp nhận yêu cầu của bà.
b. Tại phiên tòa, ông Tươi không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nên ông Tươi đã
đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để mời Luật sư. Ông Tươi có quyền đề nghị Hội đồng

xét xử hoãn phiên tòa trong trường hợp này không? Tại sao?
- Trường hợp 1: Ông Tươi không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ đầu.
Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử sẽ không hoãn phiên tòa vì việc đương sự không có người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không phải là một trong các căn cứ để hoãn phiên tòa theo quy
định tại khoản 1 Điều 233 BLTTDS.
- Trường hợp 2: Ông Tươi có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ đầu nhưng tại phiên
toà, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tươi không có mặt.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tươi không có mặt. Theo quy định
tại Khoản 1, Điều 233, BLTTDS 2015, trường hợp của ông Tươi không thuộc một trong các trường
hợp được pháp luật quy định có thể hoãn phiên toà.
Theo quy định tại Điều 241 BLTTDS, khi người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không
thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn
phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục của
BLTTDS và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị đó.
Do vậy, trong trường hợp này, ông Tươi có quyền đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa khi được
chủ toạ phiên toà hỏi.
Câu 6: Bà Viên và ông Hạnh kết hôn năm 2004, đến năm 2016 ông bà xin ly hôn và được Tòa
án nhân dân huyện Cư M’gar giải quyết tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, nhưng
khi ly hôn, ông bà chưa giải quyết tài sản chung, nay bà Viên yêu cầu Tòa án giải quyết phân
chia tài sản chung sau ly hôn gồm 01 lô đất diện tích 5.120 m2 và 01 lô đất diện tích 976,9 m2.
Ngoài ra, ông bà còn nợ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam 140 triệu đồng.

11


a. Giả sử người đại diện hợp pháp của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vắng mặt ở lần
triệu tập hợp lệ đầu tiên, không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Hội đồng xét xử giải quyết tình
huống này như thế nào?
Trong vụ án trên, bà Viên là nguyên đơn (theo Khoản 2, Điều 68, BLTTDS), ông Hạnh là bị đơn
(theo Khoản 3, Điều 68, BLTTDS), Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam là người có quyền lợi,

nghĩa vụ liên quan (theo Khoản 4, Điều 68, BLTTDS)
Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng Chính sách xã hội vắng mặt ở lần triệu tập hợp lệ đầu
tiên, không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 227, BLTTDS 2015 về Sự
có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ta có
hai trường hợp sau:
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người đại diện của Ngân hàng vắng mặt nhưng có đơn đề
nghị xét xử vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo Khoản 1, Điều 228, BLTTDS 2015.
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người đại diện của Ngân hàng vắng mặt và cũng không có
đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Toà án hoãn phiên toà theo Khoản 1, Điều 227, BLTTDS 2015.
b. Giả sử tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận được với nhau về việc giải
quyết toàn bộ vụ án. HĐXX giải quyết tình huống trên như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 246 BLTTDS, nếu nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận được với nhau về
việc giải quyết toàn bộ vụ án, đồng thời thỏa các điều kiện về sự tự nguyện của hai bên, không vi
phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử sẽ ra Quyết định công nhận
sự thỏa thuận của bà Viên và ông Hạnh, kết thúc quá trình giải quyết vụ án.

12



×