Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Khóa luận được đề trình để đáp ứng yêu cầu cấp bằng kỹ sư ngành Nông Học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.26 MB, 115 trang )

NGHIÊN CỨU CHẾ ĐỘ KHAI THÁC THÍCH HỢP CHO DÒNG VÔ TÍNH
RRIV 3, RRIV 4 VÀ PB 260 TẠI VÙNG ĐẤT XÁM DẦU TIẾNG

Tác giả
NGUYỄN THỊ THÚY AN

Khóa luận được đề trình để đáp ứng yêu cầu cấp bằng kỹ sư ngành
Nông Học

Hội đồng hướng dẫn:
ThS. TRẦN VĂN LỢT
KS. NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN

Tháng 08 năm 2009
i


LỜI CẢM TẠ

Xin chân thành cảm tạ:
Ban giám hiệu Trường Đại Học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Ban chủ nhiệm
Khoa Nông Học và quý thầy cô đã tận tình giảng dạy trong suốt quá trình học tập.
Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam, Bộ môn Sinh Lý Khai Thác đã hỗ trợ, tạo mọi
điều kiện thuận lợi trong thời gian thực tập.
Lời cảm ơn chân thành xin gởi đến:
ThS. Trần Văn Lợt và KS. Nguyễn Thị Hoàng Vân đã tận tình hướng dẫn trong
suốt quá trình thực hiện đề tài.
KS. Kim Thị Thúy, ThS. Nguyễn Năng, KS. Nguyễn Nhân Ái đã có những đóng
góp quý báu cho đề tài.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo và các anh chị kỹ thuật viên Bộ môn Sinh Lý Khai
Thác – Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam đã giúp đỡ rất nhiều trong thu thập và xử lý


số liệu cho đề tài.
Cùng với:
Tình cảm tốt đẹp nhất xin gởi đến các bạn sinh viên lớp Nông Học 31, đã động
viên, giúp đỡ trong thời gian học tập cũng như thực hiện đề tài.
Lòng biết ơn vô vàn con xin kính dâng cha mẹ, người đã suốt đời nuôi dưỡng, hy
sinh cho con đạt được thành quả ngày hôm nay.

Tháng 08 năm 2009
Người viết

Nguyễn Thị Thúy An

ii


TÓM TẮT

NGUYỄN THỊ THÚY AN, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Tháng 8/2009.
NGHIÊN CỨU CHẾ ĐỘ KHAI THÁC THÍCH HỢP CHO DÒNG VÔ TÍNH RRIV 3,
RRIV 4 VÀ PB 260 TẠI VÙNG ĐẤT XÁM DẦU TIẾNG.
Hội đồng hướng dẫn:

ThS. TRẦN VĂN LỢT
KS. NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN

Nghiên cứu được tiến hành tại lô 65, 5A, 6A, 37, 38, Nông trường Thanh An, công
ty cao su Dầu Tiếng, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Mục tiêu nghiên
cứu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các chế độ cạo ngửa 1/2S với nhịp độ cạo và nồng độ
kích thích khác nhau đến năng suất và tình trạng sinh lý mủ trên ba dòng vô tính cao su
RRIV 3, RRIV 4 và PB 260, nhằm tìm ra chế độ khai thác thích hợp cho ba dòng vô tính

này.
Nghiên cứu gồm 3 thí nghiệm, mỗi dòng vô tính là một thí nghiệm.
Mỗi thí nghiệm gồm 8 nghiệm thức được đánh số thứ tự từ I đến VIII.
NT I: 1/2S d/3 10m/12 . ET 2,5% Pa 0/y (đối chứng).
NT II: 1/2S d/3 10m/12 . ET 2,5% Pa 4/y (kích thích tháng 5, 6, 11, 12).
NT III: 1/2S d/3 10m/12 . ET 2,5% Pa 6/y (kích thích tháng 5, 6, 9, 10, 11, 12).
NT IV: 1/2S d/3 10m/12 . ET 2,5% Pa 8/y (kích thích tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12).
NT V: 1/2S d/4 10m/12 (đối chứng, không bôi kích thích).
NT VI: 1/2S d/4 10m/12 . ET 2,5% Pa 4/y (kích thích tháng 5, 6, 11, 12).
NT VII: 1/2S d/4 10m/12 . ET 2,5% Pa 6/y (kích thích tháng 5, 6, 9, 10, 11, 12).
NT VIII: 1/2S d/4 10m/12 . ET 2,5% Pa 8/y (kích thích tháng 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12)
Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối đầy đủ hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD:
Randomized Complete Block Design), 8 nghiệm thức x 3 lần lặp lại = 24 ô cơ sở, mỗi ô
cơ sở là một phần cạo = 40 – 60 cây.
Dựa trên số liệu kế thừa từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 1 năm 2009 và số liệu
quan trắc mới từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009, đánh giá các chế độ khai thác với các chỉ
iii


tiêu theo dõi gồm: Năng suất, hàm lượng cao su khô (DRC), tổng hàm lượng chất khô
(TSC), hàm lượng thiols (R-SH), hàm lượng đường (sucrose), hàm lượng lân vô cơ (Pi),
tăng trưởng vanh thân và bệnh khô miệng cạo.
Kết quả cho thấy:
Chế độ cạo d/4 cho năng suất trung bình g/c/c cao hơn hẳn so với chế độ cạo d/3
trên cả ba DVT. Do số lần cạo ít hơn, năng suất cộng dồn (kg/ha/năm) của chế độ cạo d/4
chỉ đạt tương đương (RRIV 3) hoặc thấp hơn (RRIV 4 và PB 260) chế độ cạo d/3. Việc
gia tăng năng suất do bôi kích thích có thể phần nào bù đắp cho năng suất mất đi này.
DVT RRIV 3 cạo theo chế độ d/4 kích thích với tần số 4 lần/năm đạt 734,9
kg/ha/năm, có tỷ lệ gia tăng năng suất so với đối chứng (không kích thích) là 115 %.
Khi giảm nhịp độ cạo từ d/3 xuống d/4, RRIV 4 cạo chỉ nên kích thích với tần số 4

lần/năm, đạt 1235,2 kg/ha/năm, tăng 130 % so với đối chứng.
DVT PB 260 áp dụng nhịp độ cạo thấp (d/4) biểu hiện tốt ở tần số kích thích 6
lần/năm, đạt 1032,3 kg/ha/năm, tạo khác biệt thống kê so với đối chứng (117 %).
Tất cả các nghiệm thức có xử lý kích thích đều có hàm lượng cao su khô thấp hơn
so với đối chứng (không kích thích). Hàm lượng DRC % tỷ lệ nghịch với tần số kích thích.
Hàm lượng thiols, đường và TSC % của các nghiệm thức sau kích thích không có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Sau kích thích, hàm lượng lân vô cơ của các nghiệm
thức có bôi thuốc cao hơn các nghiệm thức đối chứng. Việc gia tăng hàm lượng Pi của hai
nhịp độ cạo cũng như tác động của các tần số kích thích lên từng chế độ cạo là như nhau.
Tỷ lệ khô mặt cạo trên ba DVT thấp, dưới 1%. Những cây khô toàn phần tập trung
chủ yếu ở các nghiệm thức cạo d/3 trên hai DVT RRIV 4 và PB 260.
Ảnh hưởng của các chế độ khai thác lên sự tăng trưởng vanh thân khi cạo không có
khác biệt thống kê.
Tóm lại, sau hơn một năm tiến hành thí nghiệm cho thấy, việc giảm nhịp độ cạo và
việc kích thích ngay năm đầu mở cạo với hai tần số 4 lần/năm (RRIV 3 và RRIV 4) và 6
lần/năm (PB 260) đã làm gia tăng đáng kể năng suất mà chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến
sinh trưởng, tình trạng sinh lý cũng như bệnh khô mặt cạo trên vườn cây thí nghiệm.

iv


MỤC LỤC
Trang tựa.................................................................................................................................. i

Lời cảm tạ ............................................................................................................................. ii
Tóm tắt.................................................................................................................................. iii
Mục lục .................................................................................................................................. v
Danh sách các chữ viết tắt................................................................................................. vii
Danh sách các hình ............................................................................................................. ix
Danh sách các bảng và hình ................................................................................................ x

Chương 1 MỞ ĐẦU .............................................................................................................1
1.1 Đặt vấn đề ...............................................................................................................1
1.2 Mục đích – yêu cầu – giới hạn đề tài ......................................................................2
Chương 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU....................................................................................4
2.1 Tổng quan về cây cao su .........................................................................................4
2.2 Điều kiện tự nhiên vùng cao su Đông Nam Bộ ......................................................6
2.3 Tổng quan về ba dòng vô tính.................................................................................7
2.4 Kích thích mủ..........................................................................................................9
2.5 Tổng quan về các thông số sinh lý mủ..................................................................12
2.5 Những nghiên cứu trong và ngoài nước: ..............................................................14
Chương 3 VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU...........................................16
3.1 Thời gian và địa điểm thực hiện ...........................................................................16
3.2 Vật liệu nghiên cứu ...............................................................................................16
3.2 Phương pháp nghiên cứu.......................................................................................19
Chương 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN...........................................................................30
4.1 Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất trên ba dòng vô tính ..................30
4.2 Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến một số thông số sinh lý mủ trên ba dòng vô
tính...............................................................................................................................44
4.3 Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến bệnh khô mặt cạo trên ba DVT .................55
4.4 Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến sự tăng trưởng vanh thân trên ba DVT......57
v


Chương 5 KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ...............................................................................59
5.1 Kết luận .................................................................................................................59
5.2 Đề nghị ..................................................................................................................60
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................................. 61
PHỤ LỤC ............................................................................................................................ 63

vi



DANH SÁCH CÁC CHỮ VIẾT TẮT
IRRDB :

Hiệp hội Nghiên Cứu và Phát Triển Cao Su Thiên Nhiên Quốc Tế
(International Rubber Reasearch Development Board).

IRSG :

Tập Đoàn Nghiên Cứu Cao Su Quốc Tế (International Rubber Study Group).

RRIV :

Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam (Rubber Research Institute of Viet Nam).

RRIM :

Viện Nghiên Cứu Cao Su Malaysia (Rubber Research Institute of Malysia).

RRIC :

Viện Nghiên Cứu Cao Su Sri - Lanka (Rubber Research Institute of Ceylon).

IRCA :

Viện Nghiên Cứu Cao Su Pháp (Institute de Recherches sur le Caoutchouc).

PB :


Trạm Nghiên Cứu Cao Su, đồn điền Golden Hope, Malaysia (Prang Besar).

GT :

Đồn điền cao su trên đảo Java, Indonesia (Gondang Tapeng).

DVT :

Dòng vô tính.

đ/c :

Đối chứng.

NT :

Nghiệm thức.

ET :

Ethephon (2-chloroethyl phosphonic acid).

Pa :

Phương pháp bôi thuốc trên mặt vỏ tái sinh (Panel application).

d/3 :

Nhịp độ cạo với một ngày cạo, hai ngày nghỉ (ba ngày cạo một lần).


d/4 :

Nhịp độ cạo với một ngày cạo, ba ngày nghỉ (bốn ngày cạo một lần).

4/y :

Bôi kích thích 4 lần trong năm.

6/y :

Bôi kích thích 6 lần trong năm.

8/y :

Bôi kích thích 8 lần trong năm.

g/c/c :

Gam cao su khô/cây/lần cạo.

Kg/pc/ngày :

Kilogam cao su khô/phần cạo/ngày.

Kg/cây/năm : Kilogam cao su khô/cây/năm.
Kg/ha/năm :

Kilogam cao su khô/hectare/năm.

LSD0.05 :


Trắc nghiệm phân hạng LSD với độ tin cậy là 95 %.

TKT :

Trước kích thích.

SKT :

Sau kích thích.

DRC % :

Hàm lượng cao su khô.
vii


R-SH :

Hàm lượng thiols có trong mủ nước.

SUC :

Hàm lượng đường có trong mủ nước.

Pi :

Hàm lượng lân vô cơ có trong mủ nước (Inorganic phosphorus).

TSC % :


Tổng hàm lượng chất khô (Total Solid Content).

mM :

Milimoles.

Mg :

Magie.

PR :

viii


DANH SÁCH CÁC HÌNH
Hình 3.1: Các dòng vô tính.................................................................................................18
Hình 3.2: Sơ đồ bố trí lô 65 ................................................................................................23
Hình 3.3: Sơ đồ bố trí lô 38 ................................................................................................24
Hình 3.4: Sơ đồ bố trí lô 37 ................................................................................................25
Hình 3.5: Sơ đồ bố trí lô 5A ...............................................................................................26
Hình 3.6: Sơ đồ bố trí lô 6A ...............................................................................................27
Hình 3.7: Phân tích các chỉ tiêu sinh lý ..............................................................................28
Hình 3.8: Các thao tác trong thí nghiệm.............................................................................29

ix


DANH SÁCH CÁC BẢNG VÀ ĐỒ THỊ

Bảng 4.1: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT RRIV 3 trong năm 2008 ............................................................................................31
Bảng 4.2: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT RRIV 3 trong ba tháng đầu năm 2009 ......................................................................32
Bảng 4.3: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT RRIV 4 trong năm 2008 ............................................................................................33
Bảng 4.4: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT RRIV 4 trong ba tháng đầu năm 2009 ......................................................................34
Bảng 4.5: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT PB 260 trong năm 2008.............................................................................................36
Bảng 4.6: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến năng suất và hàm lượng cao su khô của
DVT PB 260 trong ba tháng đầu năm 2009 .......................................................................37
Đồ thị 4.1: Diễn biến năng suất trung bình g/c/c của ba DVT qua các tháng trong năm 2008
và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009 ...................................................................................39
Đồ thị 4.2: Diễn biến năng suất trung bình kg/ha/tháng của ba DVT qua các tháng
trong năm 2008 và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009.......................................................41
Đồ thị 4.3: Diễn biến năng suất trung bình DRC % của ba DVT qua các tháng cạo
trong năm 2008 và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009.......................................................43
Bảng 4.7: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến một số thông số sinh lý mủ của DVT
RRIV 3 trong năm 2008 và ba tháng đầu năm 2009 ..........................................................44
Bảng 4.8: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến một số thông số sinh lý mủ của DVT
RRIV 4 trong năm 2008 và ba tháng đầu năm 2009 ..........................................................45
Bảng 4.9: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến một số thông số sinh lý mủ của DVT
PB 260 trong năm 2008 và ba tháng đầu năm 2009 .........................................................46
Đồ thị 4.4: Diễn biến hàm lượng lân của ba DVT qua các tháng cạo trong năm 2008
và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009..................................................................................48
x


Đồ thị 4.5: Diễn biến hàm lượng đường của ba DVT qua các tháng trong năm 2008

và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009 .................................................................................50
Đồ thị 4.6: Diễn biến hàm lượng thiols của ba DVT qua các tháng trong năm 2008
và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009 .................................................................................52
Đồ thị 4.7: Diễn biến hàm lượng TSC của ba DVT qua các tháng trong năm 2008
và từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2009 .................................................................................54
Bảng 4.10: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến tỷ lệ bệnh khô mặt cạo trên ba DVT sau
năm đầu mở cạo..................................................................................................................56
Bảng 4.11: Ảnh hưởng của chế độ khai thác đến sự tăng trưởng vanh thân (cm/năm) của
ba DVT sau năm đầu mở cạo .............................................................................................57

xi


Chương 1
MỞ ĐẦU
1.1 Đặt vấn đề
Cao su là vật liệu cần thiết của ngành công nghiệp hiện đại (chế tạo vỏ ruột xe,
máy bay, xây dựng, dụng cụ y tế, đồ gia dụng, đồ chơi). Để có cao su, một thành phần của
mủ nước cao su, người ta tiến hành khai thác nhiều lần lớp vỏ kinh tế của cây cao su
Hevea brasiliensis Muell. Arg., một trong mười loài Hevea cho mủ cao su thuộc họ Thầu
Dầu Euphorbiaceae.
Trong thời gian đầu tiên, các thổ dân Châu Mỹ chỉ cần dùng các vật liệu bén nhọn
rạch vỏ các cây cao su rừng hoang dại để trích lấy mủ, cách khai thác này làm tổn thương
cây nghiêm trọng. Về sau, khi cây cao su được đưa khỏi nguyên quán Amazone vào cuối
thế kỷ 19, song song với các công tác cải tiến giống, các biện pháp chăm sóc thích hợp,
những nước trồng cao su trên thế giới đã đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu tìm ra kỹ
thuật cạo mủ hợp lý, nhằm đảm bảo không những thu được mức sản lượng tối hảo tại thời
điểm khai thác mà còn phải đảm bảo sức khỏe cho cây để có thể khai thác đủ niên hạn
kinh tế của nó.
Riêng ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu về chế độ khai thác thích hợp đối với những

dòng vô tính nhập nội cũng như mới tuyển tạo trong nước đã được thực hiện. Công tác
này là một việc làm không ngừng, lặp lại nhiều lần, để có thể xác định được đặc tính khai
thác của từng dòng vô tính nhằm phát huy tốt tiềm năng sản lượng của chúng.
Hiện nay, bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái đã và đang tác động lớn đến tất cả
các ngành nghề trên thế giới, trong đó có ngành sản xuất cao su. Theo dự báo của Tập
Đoàn Nghiên Cứu Cao Su Quốc Tế (International Rubber Study Group – IRSG) thì mức
tiêu thụ cao su trên quy mô toàn cầu có thể giảm tới 5 % trong năm 2009, khi ngành công

1


nghiệp ô tô phải hứng chịu hậu quả nặng nề của tình trạng suy thoái trên. Tuy nhiên, nhu
cầu cao su sẽ phục hồi vào năm 2010.
Chính vì vậy, công tác nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật khai thác vẫn luôn được
quan tâm tiến hành để đảm bảo một hướng đi lâu dài và bền vững của ngành trồng và sản
xuất mủ cao su sau này. Với lý do đó, dòng vô tính RRIV3, RRIV4 và PB260 là các dòng
vô tính nhiều triển vọng, được đánh giá tốt trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm và hiện
đang được Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam đề cử xếp vào bảng I, bảng II trong cơ cấu
bộ giống giai đoạn 2010 – 2015 tại khu vục Đông Nam Bộ, cần được quan tâm nghiên
cứu nhiều hơn nữa để phục vụ cho sản xuất. Góp phần hoàn thành mục tiêu trên, thí
nghiệm ‛‛Nghiên cứu chế độ khai thác thích hợp cho dòng vô tính RRIV 3, RRIV 4
và PB 260 tại vùng đất xám Dầu Tiếng’’ đã được thực hiện.
1.2 Mục đích – yêu cầu – giới hạn đề tài
1.2.1 Mục đích
Thí nghiệm được thiết lập nhằm mục tiêu:
-

Nghiên cứu ảnh hưởng của các chế độ khai thác khác nhau (về nhịp độ

cạo và tần số kích thích) đến năng suất của ba dòng vô tính RRIV3, RRIV4 và PB260.

-

Nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ khai thác đến tình trạng sinh lý mủ của

ba dòng vô tính RRIV 3, RRIV 4 và PB 260.
Từ đó đề xuất chế độ khai thác thích hợp cho ba dòng vô tính trên.
1.2.2 Yêu cầu
Tổng hợp, phân tích và đánh giá các số liệu kế thừa trong năm 2008.
Tham gia thực hiện quan trắc các chỉ tiêu theo dõi trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7
năm 2009.
Đánh giá các chỉ tiêu về năng suất, DRC %, các thông số sinh lý mủ, khô miệng
cạo thông qua số liệu kế thừa và quan trắc mới.
1.2.3 Giới hạn
Do thời gian thực hiện đề tài trong thời kỳ cao su thay lá nên không thể thực hiện
quan trắc nhiều và thu thập số liệu mới, chỉ sử dụng số liệu kế thừa là chủ yếu.

2


Đề tài chỉ là một phần nhỏ của đề tài lớn đang thực hiện trong khoảng thời gian
hơn 3 năm (từ tháng 01/2008 đến tháng 03/2011) nên có những hạn chế trong việc đánh
giá toàn phần.

3


Chương 2
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1 Tổng quan về cây cao su
2.1.1 Nguồn gốc:

Cây cao su Hevea brasiliensis được tìm thấy trong tình trạng hoang dại ở các nước
Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Ecuador, Venezuela thuộc vùng châu thổ sông Amazone
(Nam Mỹ), giới hạn trong 5 0 vĩ Bắc và Nam, một vùng nhiệt đới ẩm ướt, lượng mưa trên
2000 mm, nhiệt độ cao và đều quanh năm, có mùa khô kéo dài 3 – 4 tháng, đất thuộc loại
đất sét tương đối giàu chất dinh dưỡng, có pH = 4,5 – 5,5 với tầng canh tác sâu, thoát
nước trung bình. Ngoài vùng bản địa trên không tìm thấy cây cao su trong tự nhiên ở nơi
nào khác trên thế giới.
2.1.2 Đặc tính thực vật học:
Rễ cao su gồm 2 loại rễ là rễ cọc và rễ bàng. Trong đó, rễ cọc mọc thẳng vào lòng
đất giữ cho cây đứng vững và hút nước, dinh dưỡng từ các lớp đất sâu. Còn rễ bàng phát
triển rất rộng, trong khoảng 30 cm ở lớp đất mặt, tối đa vào thời gian cây ra lá non và tối
thiểu vào giai đoạn lá già trước khi rụng, có nhiều lông hút hấp thu chất dinh dưỡng nuôi
cây.
Lá cao su là lá kép gồm 3 lá chét với phiến lá nguyên, mọc cách. Lá non màu tím
sậm. Khi trưởng thành, lá có màu xanh đậm ở mặt trên lá và màu nhạt hơn ở mặt dưới lá.
Màu sắc, hình dáng, kích thước lá thay đổi khác nhau giữa các giống cây.
Hoa cao su bắt đầu trổ khi cây được 5 – 6 tuổi trở lên và thường là vào lúc cây ra lá
non tương đối ổn định vào tháng 2, tháng 3 trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Hoa cao su
là hoa đơn tính đồng chu, mọc thành chùm ở đầu cành, hình chuông nhỏ, màu vàng nhạt,
hương thoang thoảng. Tỷ lệ hoa cái và hoa đực trên mỗi chùm hoa là 1: 60. Hoa cái chín

4


muộn hơn nên trường hợp thụ phấn trên cùng một phát hoa hầu như không xảy ra. Phấn
hoa cao su hình tam giác, được mang đến hoa cái của chùm hoa khác chủ yếu nhờ côn
trùng.
Quả cao su hình tròn hơi dẹp, là quả nang tự khai có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 1 hạt.
Lớp vỏ ngoài của hạt láng, màu nâu hoặc vàng đậm trên có các vân màu sậm hơn, mặt
bụng thường phẳng, mặt lưng cong gồ lên.

Vỏ cây cao su cắt ngang có thể phân biệt làm 3 lớp: lớp mộc thiêm (da me), lớp
trung bì (ngoài là da cát thô và trong là da cát nhuyễn), lớp nội bì (da lụa). Hệ thống ống
mủ nằm trong lớp nội bì là mối quan tâm chính yếu trong khai thác cây cao su. Các ống
mủ được tạo nên từ một phần của các tế bào libe chuyên hoá, xếp đứng, hơi nghiêng từ
phải trên cao xuống trái dưới thấp tạo thành một góc từ 2,10 đến 7,10 so với đường thẳng
đứng. Do đó khi cạo mủ cao su phải tạo một vết cắt theo chiều ngược lại để cắt nhiều ống
mủ hơn.
2.1.3 Sản xuất cao su trong và ngoài nước
Năm 1876, Henry WichKham đã đưa thành công cây cao su từ vùng thượng lưu
sông Amazone (Brazil) sang các nước Châu Á, mở đầu cho công việc phát triển cao su
trồng. Từ đó, diện tích và sản lượng cao su trồng phát triển rất nhanh. Theo báo cáo của
IRSG, sản lượng cao su thiên nhiên toàn thế giới năm 2008 dự kiến đạt gần 10 triệu tấn, tăng
3,1 % so với năm 2007. Các nước sản xuất cao su chính là Thái Lan (ước khoảng 3,1 triệu
tấn), Indonesia (2,86 triệu tấn), Malaysia (1,26 triệu tấn) và Việt Nam (644,2 nghìn tấn)
(Theo Báo cáo ngành hàng thường niên: Ngành cao su Việt Nam 2008 – Triển vọng 2009).
Cây cao su được du nhập chính thức vào Việt Nam năm 1897 và đã có những bước
phát triển đáng kể. Đến năm 2008, tổng diện tích cao su của Việt Nam đạt 618.600 ha,
được trồng ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và hiện đang được
mở rộng trồng mới tại Tây Bắc (khoảng 4.640 ha vào năm 2008). Diện tích khai thác ước
khoảng 399.000 ha (chiếm 64,5% tổng diện tích), năng suất bình quân đạt 1.661 kg/ha.
Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng trồng truyền thống của cây cao su có diện tích lớn nhất
374.950 ha, sản lượng đạt 472.400 tấn với năng suất 1.715 kg/ha (Trần thị Thuý Hoa,
2009).
5


2.2 Điều kiện tự nhiên vùng cao su Đông Nam Bộ
Điều kiện tự nhiên, có thể nói Đông Nam Bộ là vùng lý tưởng nhất ở nước ta đối
với việc trồng và phát triển cao su xét về tất cả mọi phương diện.
2.2.1 Khí hậu

Miền Đông Nam Bộ có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ bình quân
năm 25 – 27 0C. Lượng mưa bình quân 1.300 – 1.900 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5
đến tháng 11 (chiếm hơn 90 % tổng lượng mưa). Số ngày mưa trong năm khoảng 140 – 160
ngày, các cơn mưa thường xảy ra vào buổi chiều không ảnh hưởng tới việc cạo mủ. Mùa
khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng bức xạ mặt trời lớn, bốc hơi xảy ra mãnh liệt
(1.200 – 1.400 mm/năm), dẫn tới sự phân hủy nhanh chất hữu cơ tầng đất mặt, gây hiện
tượng khô cằn lớp đất mặt, thiếu nước cho cây non tăng trưởng. Đông Nam Bộ là vùng
hầu như không có bão nhưng thỉnh thoảng xuất hiện gió lốc. Trong những năm gần đây,
tác hại của gió lốc trở nên đáng kể, làm giảm sản lượng và phải thanh lý sớm trên vài
ngàn hectare cây cao su do tình trạng gãy đổ lớn trong vườn.
2.2.2 Tính chất đất
Vùng cao su Đông Nam Bộ phát triển trên hai loại đất chính:
o Đất đỏ bazan: gồm một phần tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu,
nằm ở độ cao 150 – 245 m so với mực nước biển, độ dốc địa hình khoảng 0 – 8 0. Đất có
thành phần cơ giới thịt nặng, cấu tượng tốt, tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, tốc độ thấm
nước trung bình. Đất chua với pH = 4,3, tầng đất mặt giàu chất hữu cơ, hàm lượng mùn
trung bình (2,8 %). Đạm tổng số từ 0,07 – 1,3 %, lân tổng số và dễ tiêu khá, có khuynh
hướng tăng dần theo chiều sâu, kali tổng số ở tầng đất mặt khá nhưng giảm đột ngột theo
chiều sâu, kali dễ tiêu trung bình.
o Đất xám phù sa cổ: gồm các vùng trồng cao su thuộc tỉnh Tây Ninh, Đông
Nai, Bình Dương (trong đó có Dầu Tiếng), Bà Rịa Vũng Tàu. Địa hình tương đối bằng
phẳng với độ cao từ 30 – 50 m so với mặt nước biển. Đất tươi xốp, thành phần cơ giới
nhẹ, tốc độ thoát nước kém. Đất xám có pH thấp (4 – 4,3, đôi khi dưới 4), thường nghèo
chất hữu cơ, hàm lượng mùn lớp đất mặt thấp (1,56 %) và giảm đột ngột theo chiều sâu.

6


Đất nghèo chất dinh dưỡng ở dạng tổng số và dạng dễ tiêu, nhất là lân. Đạm tổng số từ
0,02 – 0,06 %. Đất rữa trôi mạnh.

2.3 Tổng quan về ba dòng vô tính
2.3.1 Dòng vô tính RRIV 3 (LH 82/158)
Phổ hệ: RRIC 110 x RRIC 117.
Xuất xứ: Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam lai tạo năm 1982, được khảo nghiệm
từ năm 1983, khu vực hóa từ năm 1994 và sản xuất diện rộng từ năm 1997.
Việt Nam: Được khuyến cáo ở bảng II cơ cấu giống giai đoạn 1999 – 2001, bảng I
giai đoạn 2002 – 2005, tiếp tục khuyến cáo trong bảng I giai đoạn 2006 – 2010 vùng
Đông Nam Bộ, Tây Nguyên 1 (< 600 m), Nam Trung Bộ.
Sinh trưởng: là dòng vô tính có sinh trưởng khỏe trong giai đoạn kiến thiết cơ bản,
tương đương hoặc vượt PB 235. Tăng trưởng khi cạo khá.
Sản lượng: tương đương hoặc vượt PB 235. Năng suất 4 năm đầu ở Đông Nam Bộ
đạt 1.332 kg/ha/năm.
Thân tròn, thẳng, chân voi không rõ. Vỏ nguyên sinh dày dưới trung bình, trơn
láng, tái sinh vỏ rất tốt, ít phản ứng với vết cạo phạm. Phân cành tập trung, thấp, về sau
cành thấp tự rụng thoáng. Tán tròn, rậm ở giai đoạn non. Ghép, nhân vô tính dễ, tỷ lệ
sống cao, nảy tược đồng đều. Thay lá không hoàn toàn, hạt ít.
Nhiễm bệnh nhẹ nấm hồng và rụng lá mùa mưa, nhiễm trung bình bệnh loét sọc
miệng cạo và bệnh phấn trắng. Có thể chịu gió nhờ cấu trúc tán thấp, cành ngắn.
DRC (%) trung bình. Nên áp dụng chế độ cạo nhẹ. Ít đáp ứng với chất kích thích.
Đặc tính sinh lý mủ: có giá trị cao về hàm lượng đường, lân vô sơ, thiols hơn các
dòng vô tính cùng khảo sát.
Các nhận xét khác: RRIV 3 là dòng vô tính có triển vọng với tán tương đối thấp, có
khả năng chịu gió, đồng thời với các thông số sinh lý tốt có thể dự đoán khả năng cho mủ
bền.

7


2.3.2 Dòng vô tính RRIV 4 (LH 82/182)
Phổ hệ: RRIC 100 x PB 235.

Xuất xứ: Viện Nghiên Cứu Cao Su Việt Nam lai tạo năm 1982, khảo nghiệm từ
năm 1983, khu vực hóa từ năm 1984 và năm 1997 bắt đầu trồng thử nghiệm.
Việt Nam: được khuyến cáo ở bảng II cơ cấu giống giai đoạn 1999 – 2001, bảng I
giai đoạn 2002 – 2005, và hiện nay dòng vô tính RRIV4 được khuyến cáo ở bảng II giai
đoạn 2006 – 2010 ở vùng Tây Nguyên 1 (< 600 m).
Sinh trưởng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản tốt. Tăng trưởng trong khi cạo kém.
Sản lượng: cao, tăng trưởng hơn hẳn so với PB 235 từ 20 – 26 %. Năng suất trong
bốn năm đầu ở vùng Đông Nam Bộ đạt bình quân 1.890 tấn/ha/năm.
Hoạt động biến dưỡng trung bình. Thân: thẳng tròn, chân voi không rõ. Vỏ nguyên
sinh hơi mỏng, trơn láng, có màu sáng. Vỏ tái sinh mỏng. Tán: cao, bầu dục, thoáng, phân
cành cao, gốc cành rộng. Hoa và hạt ít. Tỷ lệ ghép sống cao, nảy tược đều. Rụng lá từng
phần.
Bệnh nấm hồng nhiễm nhẹ đến trung bình. Bệnh loét sọc miêng cạo ít nhiễm. Bệnh
rụng lá mùa mưa nhiễm nhẹ đến trung bình. Bệnh héo đen đầu lá nhiễm trung bình đến dễ
nhiễm. Xì mủ thân ít. Kháng gió kém, dễ đổ gãy.
Đặc tính sinh lý mủ: Độ đường trung bình, các chỉ tiêu khác cho thấy có hoạt động
biến dưỡng mạnh. DRC (%) cao nên áp dụng chế độ cạo nhẹ. Đáp ứng với kích thích mủ.
Các nhận xét khác: RRIV4 là dòng vô tính triển vọng cho hướng sản xuất mủ ở
Đông Nam Bộ, nhược điểm rõ nhất là tăng vanh thân trong khi cạo thấp và khả năng
kháng gió kém.
2.3.3 Dòng vô tính PB 260
Phổ hệ: PB 5/51 x PB 49.
Xuất xứ: Tuyển tạo ở Malaysia.
Nhập vào Việt Nam năm 1978, được khuyến cáo trồng ở bảng II từ năm 1994,
bảng I từ năm 2002 – 2005, và hiện đang được khuyến cáo tiếp tục trồng ở bảng I giai
đoạn 2006 – 2010 cho vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

8



Sinh trưởng và sản lượng trung bình ở Đông Nam Bộ, chỉ tương đương với GT 1.
Tăng trưởng khi cạo trung bình.
Nhiễm nhẹ bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa. Nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh
phấn trắng và loét sọc miệng cạo, dễ khô mủ. Kháng gió khá.
Phản ứng mạnh khi cạo phạm, xuất hiện các bướu trên vỏ tái sinh. Vì vậy không
nên mở cạo sớm khi vỏ còn mỏng.
2.4 Kích thích mủ
Từ khi cây cao su trở thành một cây trồng phổ biến, người ta đã có nhiều nổ lực
trong việc tìm ra phương pháp thích hợp nhằm gia tăng năng suất bằng cách kết hợp với
chất kích thích trong chế độ khai thác. Kích thích được coi là yếu tố điều tiết cường độ
cạo dễ dàng và có hiệu quả nhất. Ta có thể tăng hoặc giảm nồng độ, số lần bôi để cường
độ cạo phù hợp với từng dòng vô tính, tuổi cây, sức khoẻ vườn cây mà không cần phải
thay đổi chiều dài miệng cạo, nhịp độ cạo, hoặc có thể giảm nhịp độ cạo mà không làm
ảnh hưởng đến năng suất.
2.4.1 Vai trò của Ethylen
Dù việc sử dụng chất kích thích trong nghiên cứu đã được áp dụng rộng rãi, nhưng
cho đến năm 1968, một chất kích thích hiệu lực rất mạnh, có tên gọi là 2-chloroethyl
phosphonic acid (ethephon – ET) mới được đề xuất sử dụng trên cây cao su lần đầu tiên
bởi Abraham và ctv. (1968). Với chất kích thích này, sản lượng có thể gia tăng gấp 2 – 3
lần so với cây không kích thích. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem xét
ảnh hưởng của việc sử dụng ET nhằm gia tăng năng suất của cây cao su (Abraham và
ctv., 1971; 1972). ET do vậy trở thành một chất kích thích được sử dụng rộng rãi và phổ
biến ở hầu hết những quốc gia trồng cao su trên thế giới (d’ Auzac, 1989).
Ethephon sau khi được mô cây hấp thụ có thể thủy phân do sự thay đổi pH và sản
sinh ra ethylen như là sản phẩm của sự phân hủy.
Người ta nghĩ rằng phương thức tác động của ethylen là làm thay đổi sự ổn định
của lutoid (Ribailler, 1970). Ethylen làm tăng áp suất thẩm thấu của các tế bào và nhờ đó
gián tiếp làm tăng ổn định của các bào quan, làm giảm chỉ số vở hạt lutoid, phản ánh sự
ổn định của chúng. Giá trị của chỉ số vở hạt lutoid cao chứng tỏ có sự suy giảm lutoid
9



đáng kể và gây ra sự đông tụ mủ nhanh chóng, do đó dẫn tới thời gian chảy mủ ngắn
(RRIM, 1989). Tất cả những chất kích thích hữu hiệu đều có tác dụng làm gia tăng dòng
chảy khi khai thác bằng cách ngăn cản quá trình bít mạch mủ và kéo dài thời gian chảy
mủ, làm tăng lượng mủ chảy dai (Abraham và ctv., 1971). Theo RRIM (1989), hàm lượng
cao su khô sẽ giảm khi sử dụng chất kích thích. Đồng thời, hoạt động của invertase cũng
sẽ tăng lên cùng với sự thay đổi khả năng thẩm thấu của màng tế bào giúp cho nước đi
vào trong mạch mủ, từ đó làm gia tăng dòng chảy. Người ta cho rằng, dưới tác động của
chất kích thích, vùng huy động mủ được mở rộng và mủ thoát ra với tốc độ cao hơn
(Pakianathan và ctv., 1975).
Ngoài ra, còn có rất nhiều ý kiến về tác động cũng như vai trò của ethylen trong
việc gia tăng sản lượng mủ, nhưng cho đến nay cơ chế thực sự vẫn chưa được xác định rõ.
2.4.2 Ảnh hưởng của chất kích thích lên cây cao su
Boatman (1966) đã chứng minh rằng thuốc kích thích mủ có tác dụng làm gia tăng
áp suất bên trong ống mủ và làm chậm lại sự hình thành nút bít ống mủ. Còn Blackman
chứng thực trên một số thí nghiệm khi có bôi thuốc kích thích đã làm giảm 52% nút bít
ống mủ. Ribailler (1970) kết luận chất kích thích mủ làm tăng tính thấm của màng tế bào
lutoid, do đó làm gia tăng thêm tính ổn định cho hạt lutoid khiến mủ đông chậm và làm
hạn chế năng lực hoạt động của hạt serum B trong việc gây kết đông các hạt cao su.
Khi được bôi chất kích thích, cây có các phản ứng sau:
o Gia tăng sản lượng: Sau khi bôi chất kích thích, sản lượng thường gia tăng
ngay ở nhát cạo đầu tiên, sau đó tăng cao dần đến 7 – 10 lần trong những lần cạo kế tiếp
và giảm dần, trở lại bình thường hoặc hơi thấp hơn bình thường một chút sau chu kỳ bôi
thuốc là 2 tháng.
o DRC của mủ nước: Giảm thường từ 1 – 3 đơn vị. Sự sụt giảm DRC càng
lớn khi cây đang ở tình trạng kém dinh dưỡng, bị khai thác quá độ và chăm sóc không đầy
đủ.
o Thành phần mủ: Kích thích mủ làm gia tăng các chất dinh dưỡng trong mủ
(trừ Mg), như vậy lượng chất dinh dưỡng trong cây thoát ra ngoài cao hơn khi không bôi

kích thích cho nên cần lưu ý bổ sung thêm lượng phân bón cho cây khi bôi chất kích
10


thích. Chẩn đoán mủ cho thấy việc kích thích mủ lâu dài đã làm giảm hàm lượng đường
sucrose, trái lại làm gia tăng hàm lượng thiols trong mủ. Tính ổn định của mủ khi có chất
kích thích được bền vững hơn.
o Tăng vanh thân cây: Do sự kích thích mủ làm gia tăng sự thoát nước ra khỏi
cây nên có ảnh hưởng làm giảm mức tăng trưởng của cây. Sự giảm này quan trọng ở cây
tơ và không đáng kể ở cây già.
o Tái sinh vỏ: Việc bôi chất kích thích mủ ngay trên vỏ tái sinh làm gia tăng
tốc độ tái sinh vỏ ngay trong thời gian đầu nhưng sau đó hiệu quả không rõ. Trên các cây
tơ, số lượng ống mủ trong vỏ tái sinh khi có bôi chất kích thích cũng giống như khi không
bôi chất kích thích.
2.4.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự đáp ứng kích thích mủ
Một số lượng lớn thí nghiệm đã được tiến hành để nghiên cứu sự đáp ứng kích
thích của những dòng vô tính khác nhau (de Jonge, 1955; Levandowsky, 1961; Abraham,
1970). Khả năng đáp ứng thay đổi từ 30 % ở những dòng vô tính đáp ứng kém cho đến
200 % trong những trường hợp xử lý kích thích 10 % ở mặt cạo thấp. Từ những khám phá
này người ta cho rằng sự biến thiên về đáp ứng kích thích theo dòng vô tính là do sự biến
thiên về chỉ số bít mạch mủ. Nói chung, những dòng vô tính với chỉ số bít mạch mủ cao
cho sự đáp ứng với kích thích cao hơn (Abraham, 1977).
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự kích thích là đặc điểm của vỏ, khí hậu, chế
độ cạo, nồng độ, nhiệt độ và phương pháp áp dụng (Abraham và Tayler, 1967).
2.4.4 Sự thực hành kích thích
Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau về phương pháp bôi thuốc kích thích. Với chế
phẩm kích thích ethephon, lần đầu tiên được bôi trên vỏ nạo hai tháng một lần và cho sự
đáp ứng tốt (Abraham và ctv., 1972). Tuy nhiên có sự bất lợi là ngoài chi phí nạo vỏ cao
thì năng suất chỉ gia tăng cao nhất ở một hoặc hai tuần đầu sau kích thích và sau đó giảm
đáng kể (Pee và Abraham, 1971). Kết quả thử nghiệm với phương pháp bôi trên vỏ tái

sinh (Pa) ở nồng độ 2,5 % cho năng suất ổn định, ít gây tổn thương trong thời gian dài và
chi phí thấp hơn so với nạo vỏ bôi thuốc. Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp sau đó
được tiến hành là phương pháp bôi trên miệng cạo không bóc mủ dây (La) với nhịp độ bôi
11


thuốc mỗi tháng một lần cho năng suất ổn định, dễ dàng và rẻ hơn (P’ng và ctv., 1973).
Phương pháp bôi thuốc trên miệng cạo có bóc lớp mủ dây không được khuyến cáo do
chất kích thích tiếp xúc trực tiếp với mô hoạt động nên gây nên chấn thương nhiều hơn.
Do vậy, đưa đến cây khô miệng cạo hoàn toàn cao hơn 6 lần so với phương pháp bôi trên
vỏ tái sinh (Eschbach và Tonelier, 1984).
IRCA áp dụng chế độ cạo cho cao su tơ trên các DVT GT 1, RRIM 600, PR 107
cạo nửa vòng xoắn ốc, 4 ngày cạo 1 lần, kích thích với nồng độ 2,5 %, phương pháp bôi
trên vỏ tái sinh.
Ở Việt Nam, nhiều thí nghiệm đã được tiến hành trên các DVT khác nhau và nhận
thấy phương pháp bôi trên vỏ tái sinh dễ áp dụng, chi phí thấp, không thấy ảnh hưởng xấu
đến mặt cạo (Đinh Xuân Trường và ctv., 1990) và được khuyến cáo áp dụng rộng rãi
trong sản xuất (Tổng Công Ty Cao Su Việt Nam, 1997).
2.5 Tổng quan về các thông số sinh lý mủ
Qua nhiều nghiên cứu trước đây sự chuẩn đoán tình trạng sức khỏe của hệ thống
tạo mủ nhằm xác định chế độ khai thác thích hợp tránh sự khai thác quá độ hoặc khai thác
dưới mức tiềm năng của các dòng vô tính. Có bốn thông số sinh lý đã được xác định có
liên hệ chặt chẽ với sản lượng và dễ đo. Đó là đường, lân vô cơ, thiols và tổng hàm lượng
chất rắn.
2.5.1 Đường (sucrose)
Đường trong cây cao su cũng được sản xuất từ quá trình quang hợp. Nó là nguyên
liệu cho sự trao đổi chất của hệ thống ống mủ, đặc biệt là cho sự tổng hợp cao su. Nhiều
tác giả đã chứng minh vai trò hàng đầu của đường đối với năng suất mủ cao su. Trong
điều kiện đường là yếu tố hạn chế thì tương quan thuận giữa hàm lượng đường trong mủ
và sản lượng g/c/c là tất yếu (Tupy, 1969; 1976; 1984).

Hàm lượng đường cao trong mủ phản ánh sự cung cấp tốt cho tế bào mạch mủ có
thể đi kèm với sự biến dưỡng tích cực. Tuy nhiên hàm lượng đường cao cũng phản ánh sự
sử dụng đường kém và dẫn đến sản lượng thấp. Khi tăng cường khai thác có thể gây thiếu
hụt đường và các nhu cầu sinh học của cây. Trường hợp này đường trở thành yếu tố hạn

12


chế đến năng suất và nếu kéo dài sẽ xảy ra khô miệng cạo, dẫn đến thoái hoá hệ thống
nhựa mủ và cả quá trình trao đổi chất của cây (Jacob và ctv., 1989).
2.5.2 Phosphore vô cơ (Pi)
Pi trong mủ có thể phản ánh sự biến dưỡng năng lượng của mủ. Nguyên tố này
tham gia rộng rãi trong nhiều quá trình, bao gồm quá trình dị hoá glucid, quá trình tổng
hợp các nucleotid liên quan đến vận chuyển năng lượng hoặc các phản ứng khử NAD(H),
trong các acid nucleic và trong quá trình tổng hợp isopren (Lynen,1969). Pi sinh ra tại chỗ
từ sự thuỷ phân các phân tử phosphoryl hoá, chủ yếu từ pyrophophase vô cơ (Pi) dưới tác
động của men transferase xúc tác phản ứng nối dài chuỗi polyisoprene. Quá trình thuỷ
phân Pi phụ thuộc chủ yếu vào hoạt tính đặc trưng của men pyrophosphate kềm và men
pyrophosphate fructose 6-phosphate phosphotransferase.
Eschbach và ctv. (1984), Subronto (1978) đã chứng minh tương quan trực tiếp giữa
hàm lượng Pi của mủ và sản lượng ở một số dòng vô tính. Kích thích có tác dụng hoạt
hoá biến dưỡng của mạch mủ cũng như làm tăng hàm lượng Pi. Hai hiện tượng này có
liên quan nhau. Ngoài ra, Pi có có xu hướng giảm trong thời kỳ qua đông. Thời kỳ rụng lá
và ra lá mới, tập trung hoạt động biến dưỡng vào việc phục hồi bộ máy quang hợp và hãm
bớt các hoạt động tổng hợp khác. Hàm lượng Pi thấp trong thời kỳ này khẳng định sự
giảm sút hoạt động của mạch mủ.
2.5.3 Hàm lượng chất khô (TSC)
TSC trong mủ chứa hơn 90 % cao su, rất cao so với hàm lượng các chất chứa trong
tế bào thực vật nói chung. Nó thể hiện khả năng tái tạo mủ của hệ thống ống mủ. TSC
thấp cho thấy sự trao đổi chất kém hoặc sự tái tạo mủ không hoàn toàn. TSC cao có thể

phản ánh sự tái sinh tích cực, có hiệu quả. Trong trường hợp tái sinh quá mạnh có thể tăng
độ nhầy, gây cản trở dòng chảy. Sự thu hút nước vào tế bào mạch mủ khi cạo có thể là
yếu tố hạn chế trường hợp này (Eschbach, 1984; Jacob và ctv., 1992). Và chất kích thích
tạo ra yếu tố hạn chế đó. Nó làm thuận lợi quá trình vận chuyển nước giữa các màng tế
bào làm cho TSC giảm và giải thích được phần nào dòng chảy dễ dàng nhất sau khi kích
thích, dẫn đến sản lượng cao (Eschbach và Tonnelier, 1984).

13


2.5.4 Thiols (R – SH)
Thiols trong mủ bao gồm cystein, methionine và chủ yếu là glutathion. Thiols là
chất chống oxy hoá có thể chống lại sự oxy hoá do cạo hoặc kích thích bằng ethylen
(Chrestin,1984). Ngoài ra nó còn là chất hoạt hoá một số enzyme chủ yếu trong mủ như là
invertase, pyruvate kinase. Hàm lượng thiols cao trong mủ cho thấy khả năng của tế bào
có thể tự bảo vệ chống lại sự khai thác quá mức. Mặt khác, hàm lượng thiols thấp thường
phản ánh điều kiện sinh lý kém của hệ thống ống mủ, không thể chống lại một cách hữu
hiệu những stress oxy hoá. Trường hợp này, cây có khả năng bị khai thác quá mức và bị
suy kiệt.
2.5 Những nghiên cứu trong và ngoài nước
2.5.1 Ngoài nước
Chiều dài miệng cạo là yếu tố quyết định đến độ lớn của vùng huy động mủ, do đó
chiều dài miệng cạo khác nhau sẽ cho năng suất khác nhau (Ham, 1940). Nhưng, sự gia
tăng năng suất không tỷ lệ với chiều dài miêng cạo mà còn phụ thuộc vào nhịp độ cạo,
kích thích và khả năng đáp ứng kích thích của từng dòng vô tính.
Nhịp độ cạo là khoảng thời gian giữa hai lần cạo. Khi cạo với nhịp độ cạo cao sẽ
gây ảnh hưởng đến đến sự cân bằng sinh lý giữa lượng mủ bị lấy đi và lượng mủ cây tổng
hợp bổ sung vào. Do đó, cần xác định nhịp độ cạo thích hợp cho khả năng tái tạo của từng
dòng vô tính.
Khả năng thực tiễn và tính hiệu quả của chế độ cạo nhịp độ thấp được thực hiện

bởi sự khám phá ra hiệu quả của việc sử dụng kích thích mủ ethephon. Với chế độ cạo
thấp d/4 hoặc d/6 với cùng một chiều dài miệng cạo ngắn 1/4S cho thấy sự đáp ứng kích
thích được duy trì và sản lượng cộng dồn vào cuối năm cạo thứ 7 – 9 cao hơn sản lượng
theo chế độ cao 1/2S d/2 (Abraham và ctv., 1968; Eschbach và Banchi, 1984).
Nghiên cứu về sự đáp ứng với kích thích của những dòng vô tính khác nhau đã có
một số lượng lớn thí nghiệm được tiến hành bởi de Jonge (1955), Levandously (1961),
Abraham (1970), Abraham và ctv. (1975). Kết quả cho thấy, ở những dòng vô tính đáp
ứng kém thì năng suất đáp ứng khoảng 30 % và trong trường hợp xử lý kích thích nồng độ
10 % ở mặt cạo thấp thì năng suất tăng lên đến 200 %. Từ những khám phá này các nhà
14


×