Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ trong một số kiểu thảm thực vật tại xã hoàng tung, huyện hòa an, tỉnh cao bằng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.46 MB, 97 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

ĐOÀN HỒNG SƠN

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ
TÁI SINH TỰ NHIÊN CỦA CÁC LOÀI CÂY GỖ
TRONG MỘT SỐ KIỂU THẢM THỰC VẬT TẠI XÃ
HOÀNG TUNG, HUYỆN HÒA AN, TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC

THÁI NGUYÊN - 2018


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

ĐOÀN HỒNG SƠN

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VÀ
TÁI SINH TỰ NHIÊN CỦA CÁC LOÀI CÂY GỖ
TRONG MỘT SỐ KIỂU THẢM THỰC VẬT TẠI XÃ
HOÀNG TUNG, HUYỆN HÒA AN, TỈNH CAO BẰNG
Ngành: SINH THÁI HỌC
Mã số: 8 42 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC

Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ NGỌC CÔNG


THÁI NGUYÊN - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân tôi. Các số
liệu, kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa được ai công bố trong
bất kỳ công trình nào khác. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Tác giả

Đoàn Hồng Sơn

i


LỜI CẢM ƠN
Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Lê Ngọc Công người thầy đã hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thầy cô giáo Khoa Sinh học,
Phòng Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã giúp đỡ tôi trong quá
trình học tập và nghiên cứu tại Trường.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng, Trường THPT
Chuyên tỉnh Cao Bằng, UBND xã Hoàng Tung, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng đã
tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể gia đình, bạn bè và đồng
nghiệp đã luôn cổ vũ, động viên tôi trong suốt thời gian qua.
Xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, tháng 04 năm 2018
Tác giả

Đoàn Hồng Sơn


ii


MỤC LỤC
Lời cam đoan ................................................................................................................. i
Lời cảm ơn .................................................................................................................... ii
Mục lục ........................................................................................................................ iii
Danh mục các chữ viết tắt............................................................................................ iv
Danh mục các bảng ....................................................................................................... v
Danh mục các hình ...................................................................................................... vi
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ..................................................................................................... 1
2. Mục đích nghiên cứu ................................................................................................ 2
3. Phạm vi nghiên cứu .................................................................................................. 2
Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU ........................................................................ 3
1.1. Nghiên cứu về thảm thực vật trên thế giới và Việt Nam ....................................... 3
1.1.1. Khái niệm về thảm thực vật ................................................................................ 3
1.1.2. Nghiên cứu về thảm thực vật trên Thế giới ........................................................ 3
1.1.3. Nghiên cứu về thảm thực vật ở Việt Nam .......................................................... 4
1.2. Nghiên cứu về thành phần loài, thành phần dạng sống thực vật ........................... 6
1.2.1. Nghiên cứu về thành phần loài thực vật ............................................................. 6
1.2.2. Nghiên cứu về thành phần dạng sống thực vật ................................................. 10
1.3. Nghiên cứu về cấu trúc rừng................................................................................ 14
1.3.1. Khái niệm rừng và cấu trúc rừng ...................................................................... 14
1.3.2. Nghiên cứu về cấu trúc rừng trên thế giới ........................................................ 15
1.3.3. Nghiên cứu về cấu trúc rừng ở Việt Nam ......................................................... 16
1.4. Nghiên cứu về tái sinh rừng ................................................................................. 17
1.4.1. Khái niệm về tái sinh rừng ................................................................................ 17
1.4.2. Nghiên cứu về tái sinh rừng trên thế giới ......................................................... 18
1.4.3. Nghiên cứu về tái sinh rừng ở Việt Nam .......................................................... 20

1.5. Nghiên cứu về thảm thực vật ở tỉnh Cao Bằng và KVNC .................................. 22
Chương 2: ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ........ 23
2.1. Đối tượng nghiên cứu .......................................................................................... 23

iii


2.2. Nội dung nghiên cứu............................................................................................ 23
2.2.1. Xác định các kiểu thảm thực vật trong khu vực nghiên cứu ............................ 23
2.2.2. Nghiên cứu đặc điểm chính của 3 kiểu thảm thực vật trong khu vực
nghiên cứu ................................................................................................................... 23
2.2.3. Đánh giá khả năng tái sinh tự nhiên của 3 kiểu thảm tại khu vực nghiên cứu ........ 23
2.2.4. Đề xuất một số biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi rừng ở khu vực
nghiên cứu ................................................................................................................... 23
2.3. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 23
2.3.1. Phương pháp xác định các kiểu thảm thực vật ................................................. 23
2.3.2. Phương pháp tuyến điều tra (TĐT)................................................................... 24
2.3.3. Phương pháp ô tiêu chuẩn (OTC) ..................................................................... 24
2.3.4. Phương pháp phân tích mẫu thực vật và đặc điểm cây tái sinh ........................ 25
2.3.5. Phương pháp xử lý số liệu ................................................................................ 27
Chương 3: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÙNG
NGHIÊN CỨU ......................................................................................................... 28
3.1. Điều kiện tự nhiên................................................................................................ 28
3.1.1. Vị trí địa lý, ranh giới ....................................................................................... 28
3.1.2. Địa hình............................................................................................................. 28
3.1.3. Thổ nhưỡng ....................................................................................................... 29
3.1.4. Khí hậu, thủy văn .............................................................................................. 29
3.1.5. Tài nguyên rừng ................................................................................................ 30
3.2. Điều kiện kinh tế, xã hội vùng nghiên cứu .......................................................... 30
3.2.1. Dân tộc, dân số.................................................................................................. 30

3.2.2. Hoạt động nông, lâm nghiệp ............................................................................. 30
3.2.3. Ngành công nghiệp, dịch vụ ............................................................................. 31
3.2.4. Cơ sở hạ tầng .................................................................................................... 32
3.2.5. Văn hóa, giáo dục, y tế ..................................................................................... 32
3.3. Những thuận lợi và khó khăn của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh
hưởng đến phục hồi và phát triển rừng ở KVNC ....................................................... 33
3.3.1. Những thuận lợi ................................................................................................ 33
3.3.2. Những khó khăn................................................................................................ 33

iv


Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU .................................................................... 34
4.1. Các kiểu thảm thực vật (TTV) trong KVNC ....................................................... 34
4.1.1. Rừng trồng ........................................................................................................ 34
4.1.2. Thảm thực vật tự nhiên ..................................................................................... 34
4.2. Đặc điểm về thành phần loài thực vật ................................................................. 39
4.2.1. Sự phân bố của các bậc taxon ở KVNC ........................................................... 39
4.2.2. Đặc điểm về số họ, số chi và loài trong các kiểu TTV ..................................... 40
4.2.2.1. Đặc điểm về số loài trong các họ .................................................................. 42
4.3. Đặc điểm về thành phần dạng sống ..................................................................... 47
4.3.1. Thảm cỏ ............................................................................................................ 49
4.3.2. Thảm cây bụi .................................................................................................... 50
4.3.3. Rừng thứ sinh .................................................................................................... 51
4.4. Đặc điểm cấu trúc hình thái của các kiểu TTV ................................................... 52
4.4.1. Thảm cỏ ............................................................................................................ 54
4.4.2. Thảm cây bụi .................................................................................................... 54
4.4.3. Rừng thứ sinh .................................................................................................... 55
4.5. Khả năng tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ trong các kiểu TTV ở KVNC.... 56
4.5.1. Đặc điểm cấu trúc tổ thành và mật độ cây gỗ tái sinh ...................................... 56

4.5.2. Phân bố cây gỗ tái sinh theo các cấp chiều cao ................................................ 57
4.5.3. Phân bố cây gỗ tái sinh theo mặt phẳng nằm ngang ......................................... 59
4.5.4. Nguồn gốc và chất lượng của cây gỗ tái sinh ................................................... 60
4.5.5. Nhận xét về khả năng tái sinh của các loài cây gỗ trong các kiểu TTV ........... 61
4.6. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phục hồi các kiểu TTV ở KVNC....................... 61
4.6.1. Đối với Thảm cỏ ............................................................................................... 61
4.6.2. Đối với Thảm cây bụi ....................................................................................... 61
4.6.3. Đối với Rừng thứ sinh ...................................................................................... 61
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ....................................................................................... 63
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN ........... 65
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 66

v


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt

Viết đầy đủ

KVNC

Khu vực nghiên cứu

Nxb

Nhà xuất bản

ODB


Ô dạng bản

OTC

Ô tiêu chuẩn

TC

Thảm cỏ

TCB

Thảm cây bụi

RTS

Rừng thứ sinh

TĐT

Tuyến điều tra

TTV

Thảm thực vật

UBND

Ủy ban nhân dân


UNESCO

Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của
Liên hợp Quốc

iv


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1. Kí hiệu độ nhiều (độ dày rậm) thảm tươi theo Drude ................................ 25
Bảng 4.1. Sự phân bố của các bậc taxon ở KVNC ..................................................... 39
Bảng 4.2. Số lượng và tỷ lệ (%) các họ, chi, loài trong các kiểu TTV ....................... 41
Bảng 4.3. Các họ có từ 3 loài trở lên trong các trạng thái TTV ở KVNC .................. 42
Bảng 4.4. Các chi có từ 3 loài trở lên trong các kiểu TTV ở KVNC ......................... 45
Bảng 4.5. Thành phần dạng sống thực vật trong các kiểu TTV nghiên cứu .............. 47
Bảng 4.6. Thành phần dạng sống trong từng kiểu TTV ............................................. 48
Bảng 4.7. Cấu trúc thẳng đứng của các kiểu TTV trong KVNC ..................................... 53
Bảng 4.8. Cấu trúc tổ thành, mật độ cây gỗ tái sinh của các kiểu TTV ở KVNC ...... 56
Bảng 4.9. Phân bố cây gỗ tái sinh theo các cấp chiều cao của các kiểu TTV ............ 58
Bảng 4.10. Phân bố cây tái sinh theo mặt phẳng nằm ngang ở các kiểu TTV ........... 59
Bảng 4.11. Nguồn gốc và chất lượng cây gỗ tái sinh trong các kiểu TTV................. 60

v


DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 2.1. Sơ đồ bố trí OTC và ODB ở rừng thứ sinh ................................................. 24
Hình 3.1. Bản đồ vị trí KVNC .................................................................................... 28
Hình 4.1. Phân bố của các bậc taxon ở KVNC.......................................................... 40
Hình 4.2. Tỷ lệ (%) các họ, chi và loài trong các kiểu TTV ...................................... 41

Hình 4.3. Tỷ lệ (%) thành phần dạng sống trong các kiểu TTV nghiên cứu............. 48
Hình 4.4. Tỷ lệ (%) thành phần dạng sống trong từng kiểu TTV .............................. 49
Hình 4.5. Tỷ lệ (%) cây gỗ tái sinh theo các cấp chiều cao của các kiểu TTV .......... 58

vi


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng
sinh học trên hành tinh chúng ta và đem lại lợi ích vô cùng to lớn: cung cấp gỗ, củi, là
nơi cư trú của các loài động vật, thực vật, dự trữ các nguồn gen quý hiếm, điều hòa
khí hậu, nguồn nước, hạn chế và ngăn chặn xói mòn, lũ lụt, gió bão, bảo vệ sức khỏe
con người…
Hiện nay, rừng của nước ta bị suy thoái nặng nề, độ che phủ giảm sút đến mức
báo động, chất lượng của rừng cũng bị hạ thấp quá mức do nhiều nguyên nhân như:
sự phát triển mạnh của công nghiệp đã dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên rừng;
quá trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng; nạn phá rừng làm rẫy, khai thác
gỗ, củi và các nguồn tài nguyên khác vẫn thường xuyên xảy ra… Những sự mất mát
về rừng là khó có thể bù đắp được và đã gây nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn
việc làm và cả về phát triển kinh tế xã hội một cách lâu dài. Loài người đã và đang
phải hứng chịu những tổn thất do việc mất rừng gây ra.
Ở Việt Nam, theo Maurand thì năm 1943 có 14,352 triệu ha rừng, chiếm 43%
diện tích đất nước [49]. Từ năm 1945 – 1975 nước ta mất 3 triệu ha, tỉ lệ che phủ của
rừng giảm xuống 38% (1975). Từ năm 1975 – 1995 tỉ lệ che phủ của rừng tiếp tục
giảm xuống còn 28%, cả nước chỉ còn khoảng 9,3 triệu ha rừng (trong đó có 1 triệu
ha rừng trồng). Hiện nay diện tích rừng bị giảm ước tính vào khoảng 200.000 ha/năm
trong đó 60.000 ha bị chặt để chuyển thành đất nông nghiệp ngoài kế hoạch, 50.000
ha bị cháy và 90.000 ha bị khai thác lấy gỗ, củi. Trong khi đó tốc độ trồng rừng
khoảng 50.000 – 100.000 ha/ năm không thể bù lại tốc độ mất rừng [11].

Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Khí hậu Cao
Bằng mang tính chất đặc thù của dạng khí hậu miền núi cao và có đặc trưng khí hậu á
nhiệt đới thể hiện 4 mùa trong năm. Tính đến 31 tháng 12 năm 2013, diện tích đất có
rừng toàn tỉnh Cao Bằng đạt 339.484,70 ha (rừng tự nhiên 318.706,77 ha, rừng trồng
22.777,93 ha) độ che phủ đạt trên 50,5% với nhiều loài động thực vật quý hiếm [18].
Tuy nhiên, hiện nay hầu như rừng đang bị suy giảm do bị khai thác quá mức, một số
loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như Hoàng Đàn, Du Sam…

1


Khu vực nghiên cứu là xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, có diện
tích tự nhiên là 2.461 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 1.981 ha (chiếm 80,5% diện tích
tự nhiên). Hiện tại, khu vực này cũng bị tác động tiêu cực của người dân địa phương
và đang dần mất đi một trong những hệ sinh thái đặc thù. Trong khi đó, khả năng tái
sinh phục hồi rừng là rất chậm và khó khăn, cần phải nghiên cứu để đề xuất các biện
pháp phục hồi, phát triển nguồn tài nguyên trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi chọn đề
tài: “Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ trong
một số kiểu thảm thực vật tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng”
nhằm cung cấp các dẫn liệu về đa dạng thực vật, khả năng tái sinh tự nhiên, làm cơ sở
cho việc bảo tồn và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên sinh vật.
2. Mục đích nghiên cứu
- Xác định được các kiểu thảm thực vật, đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên
của một số kiểu thảm thực vật ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
- Đề xuất được một số biện pháp thúc đẩy tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ
nhằm phục hồi và phát triển rừng ở địa phương.
3. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 06 năm 2017 đến tháng 12 năm
2017 tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu đặc điểm về thành phần loài, thành phần dạng

sống, đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên của một số kiểu thảm thực vật tại xã
Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

2


Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Nghiên cứu về thảm thực vật trên thế giới và Việt Nam
1.1.1. Khái niệm về thảm thực vật
Thảm thực vật (vegetation) là khái niệm được sử dụng rộng rãi, có nhiều nhà
khoa học trong và ngoài nước đưa ra các định nghĩa khác nhau. Theo Schmithusen
(1959) thì thảm thực vật là lớp thực bì của trái đất và các bộ phận cấu thành khác
nhau của nó (dẫn theo Ma Thị Ngọc Mai, 2007 [29]). Thái Văn Trừng (1970) [43]
cho rằng thảm thực vật là các quần hệ thực vật phủ trên mặt đất như một tấm thảm
xanh. Trần Đình Lý (1995) [28] cho rằng thảm thực vật là toàn bộ lớp phủ thực vật ở
một vùng cụ thể hay toàn bộ lớp phủ thảm thực vật trên toàn bộ bề mặt Trái đất.
Thảm thực vật là một khái niệm chung chưa chỉ rõ đối tượng cụ thể nào. Nó chỉ
có ý nghĩa và giá trị cụ thể khi có định ngữ kèm theo như: thảm thực vật cây bụi,
thảm thực vật rừng ngập mặn, thảm thực vật tỉnh Cao Bằng.
1.1.2. Nghiên cứu về thảm thực vật trên Thế giới
Champion (1936) khi nghiên cứu các kiểu rừng Ấn Độ - Miến Điện đã phân
chia 4 kiểu thảm thực vật lớn theo nhiệt độ đó là: nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới và núi
cao [47].
Beard (1938) đưa ra hệ thống phân loại gồm 3 cấp (quần hợp, quần hệ và loạt
quần hệ). Ông cho rằng rừng nhiệt đới có 5 loạt quần hệ: loạt quần hệ rừng xanh từng
mùa; loạt quần hệ khô thường xanh; loạt quần hệ miền núi; loạt quần hệ ngập từng
mùa và loạt quần hệ ngập quanh năm (dẫn theo Thái Văn Trừng, 1998 [44]).
Maurand (1943) nghiên cứu về thảm thực vật Đông Dương đã chia thảm thực
vật Đông Dương thành 3 vùng: Bắc Đông Dương, Nam Đông Dương và vùng trung

gian. Đồng thời ông đã liệt kê 8 kiểu quần lạc trong các vùng đó [49].
UNESCO (1973) [50] đã công bố một khung phân loại thảm thực vật thế giới
dựa trên nguyên tắc ngoại mạo cấu trúc và được thể hiện trên bản đồ 1: 2.000.000.
Ngoài yếu tố ngoại mạo, hệ thống này còn dựa vào các yếu tố sinh thái, được coi như
là các yếu tố phát sinh thảm thực vật như: độ cao, độ vĩ, nhiệt độ, thành phần thực
vật... Cấu trúc của hệ thống được sắp xếp từ bậc cao đến bậc thấp như sau:

3


I. Lớp quần hệ;
I.A. Phân lớp quần hệ;
I.A.1. Nhóm quần hệ;
I.A.1.1. Quần hệ;
I.A.1.1.1. Phân quần hệ.
Nhìn chung, những nghiên cứu về thảm thực vật của các tác giả hầu hết chỉ tập
trung nghiên cứu ở một vùng cụ thể và phần lớn các tác giả đều dựa vào khung phân
loại của UNESCO (1973) trong nghiên cứu của mình.
1.1.3. Nghiên cứu về thảm thực vật ở Việt Nam
Những công trình nghiên cứu về thảm thực vật ở Việt Nam đến nay còn ít.
Chevalier (1918) là người đầu tiên đã đưa ra một bảng phân loại thảm thực vật rừng
Bắc bộ Việt Nam (đây được xem là bảng phân loại thảm thực vật rừng nhiệt đới Châu
Á đầu tiên trên thế giới). Theo bảng phân loại này rừng ở Miền bắc Việt Nam được
chia thành 10 kiểu [48].
Năm 1953 ở Miền Nam Việt Nam xuất hiện bảng phân loại thảm thực vật
rừng Miền Nam của Maurand khi ông tổng kết về các công trình nghiên cứu các
quần thể rừng thưa của Rollet, Lý Văn Hội, Neang Sam Oil (dẫn theo Thái Văn
Trừng, 1970 [43]).
Loschau (1960) đã đưa ra một hệ thống phân loại rừng theo trạng thái ở Quảng
Ninh. Cục điều tra và Qui hoạch rừng đã áp dụng cách phân loại này để đề xuất các

biện pháp lâm sinh phù hợp. Theo bảng phân loại này, rừng trên toàn lãnh thổ Việt
Nam được chia làm 4 loại hình lớn:
Loại I: đất đai hoang trọc, những trảng cỏ và cây bụi, trên loại này cần phải
trồng rừng.
Loại II: gồm những rừng non mới mọc, cần phải tra dặm thêm cây hoặc tỉa thưa.
Loại III: gồm tất cả các loại hình rừng bị khai thác mạnh trở nên nghèo kiệt,
tuy còn có thể khai thác lấy gỗ trụ mỏ, củi, nhưng cần phải xúc tiến tái sinh, tu
bổ, cải tạo.
Loại IV: gồm những rừng già nguyên sinh còn nhiều nguyên liệu, chưa bị phá
hoại, cần khai thác hợp lý (dẫn theo Thái Văn Trừng, 1970 [43]).

4


Thomasius (1965) đưa ra bảng phân loại các kiểu lập quần vùng Quảng Ninh
dựa trên các điều kiện địa hình, đất đai, đá mẹ, khí hậu và các loài cây ưu thế (dẫn
theo Nguyễn Thế Hưng, 2003 [20]).
Phan Nguyên Hồng (1991) [17], phân chia kiểu thảm thực vật ven bờ biển Miền
bắc Việt Nam thành rừng ngập mặn, rừng gỗ ven biển và thực vật bãi cát trống.
Trần Ngũ Phương (1970) [32] đưa ra bảng phân loại rừng ở Miền bắc Việt Nam,
chia thành 3 đai lớn theo độ cao: đai rừng nhiệt đới mưa mùa; đai rừng á nhiệt đới
mưa mùa; đai rừng á nhiệt đới mưa mùa núi cao.
Thái Văn Trừng (1970) [43] đã đưa ra 5 kiểu quần lạc lớn (quần lạc thân gỗ kín
tán; quần lạc thân gỗ thưa; quần lạc thân cỏ kín rậm; quần lạc thân cỏ thưa và những
kiểu hoang mạc) và nguyên tắc đặt tên cho các thảm thực vật. Năm 1975, trên cơ sở
các điều kiện lập địa trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tại hội nghị thực vật học quốc tế
lần thứ XII (Leningrat), ông đưa ra bảng phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam theo
quan điểm sinh thái, đây được xem là bảng phân loại thảm thực vật rừng ở Việt Nam
phù hợp nhất theo quan điểm sinh thái cho đến nay [50].
Phan Kế Lộc (1985) [26] dựa trên bảng phân loại của UNESCO (1973), cũng đã

xây dựng khung phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam thành 5 lớp quần hệ, 15 dưới
lớp, 32 nhóm quần hệ và 77 quần hệ khác nhau. Nguyễn Nghĩa Thìn (1994-1996)
cũng đã áp dụng cách phân loại này trong những nghiên cứu của ông.
Nguyễn Hải Tuất (1991) nghiên cứu một số đặc trưng chủ yếu về sinh thái của
các quần thể thực vật tại vùng núi cao Ba Vì đã chia ra 3 kiểu rừng cơ bản: kiểu rừng
hỗn giao ẩm á nhiệt đới; kiểu rừng kín hỗn giao ẩm á nhiệt đới núi cao; kiểu rừng kín
hỗn giao cây hạt kín và hạt trần (dẫn theo Vũ Thị Liên, 2005 [23]).
Vũ Tự Lập và cộng sự (1995) [21] cho rằng khí hậu ảnh hưởng đến sự hình
thành và phân bố các kiểu thực bì thông qua nhiệt độ và độ ẩm. Dựa vào mối quan hệ
giữa hình thái thực bì và khí hậu chia ra 15 kiểu thực bì khác nhau: kiểu rừng rậm
nhiệt đới gió mùa rụng lá; kiểu rừng rậm nhiệt đới ẩm thường xanh; kiểu rừng rậm
nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá; kiểu rừng khô nhiệt đới gió mùa rụng lá; kiểu rừng
thưa nhiệt đới khô lá kim; kiểu sa van nhiệt đới khô; kiểu truông nhiệt đới khô; kiểu
rừng nhiệt đới trên đất đá vôi; kiểu rừng nhiệt đới trên đất mặn; kiểu rừng nhiệt đới

5


trên đất phèn; kiểu rừng rậm á nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh; kiểu rừng rậm á
nhiệt đới ẩm hỗn giao; kiểu rừng thưa á nhiệt đới hơi ẩm lá kín; kiểu rừng rêu á nhiệt
đới mưa mùa; kiểu rừng lùn đỉnh cao.
Thái Văn Trừng (1998) [44] khi nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt
Nam đã kết hợp 2 hệ thống phân loại (hệ thống phân loại lấy đặc điểm cấu trúc ngoại
mạo làm tiêu chuẩn và hệ thống phân loại thực vật dựa trên yếu tố hệ thực vật làm
tiêu chuẩn) để phân chia thảm thực vật Việt Nam thành 5 kiểu thảm (5 nhóm quần hệ)
với 14 kiểu quần hệ (14 quần hệ). Bảng phân loại này của ông từ bậc quần hệ trở lên
gần phù hợp với hệ thống phân loại của UNESCO (1973).
Nguyễn Thế Hưng (2003) [20] cũng dựa trên nguyên tắc phân loại của
UNESCO (1973) đã xây dựng được 8 trạng thái thảm thực vật khác nhau đặc trưng
cho loại hình thảm cây bụi ở huyện Hoành Bồ, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Lê Ngọc Công (2004) [11] cũng dựa theo khung phân loại của UNESCO (1973)
đã phân chia thảm thực vật của tỉnh Thái Nguyên thành 4 lớp quần hệ: rừng rậm;
rừng thưa; trảng cây bụi và trảng cỏ. Ở đây, những trạng thái thứ sinh (được hình
thành do tác động của con người như: khai thác gỗ, củi, chặt đốt rừng làm nương
rẫy…) bao gồm: trảng cỏ; trảng cây bụi và rừng thưa.
Ngô Tiến Dũng (2004) [13] dựa theo phương pháp phân loại thảm thực vật của
UNESCO (1973) đã phân chia thảm thực vật Vườn Quốc gia Yok Don thành: kiểu
rừng kín thường xanh; kiểu rừng thưa nửa rụng lá và kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng
lá gồm 6 quần xã khác nhau…
1.2. Nghiên cứu về thành phần loài, thành phần dạng sống thực vật
1.2.1. Nghiên cứu về thành phần loài thực vật
1.2.1.1. Trên thế giới
Nghiên cứu về thành phần loài thực vật là một trong những nghiên cứu được
tiến hành từ lâu trên thế giới. Ở Liên Xô (cũ) có nhiều công trình nghiên cứu của
Vưsotxki (1915), Alokhin (1904), Craxit (1927), Sennhicốp (1933), Creepva
(1978)…Nói chung theo các tác giả thì mỗi vùng sinh thái sẽ hình thành thảm thực
vật đặc trưng, sự khác biệt của thảm này so với thảm khác biểu thị bởi thành phần
loài, thành phần dạng sống, cấu trúc và động thái của nó. Vì vậy, việc nghiên cứu

6


thành phần loài, thành phần dạng sống là chỉ tiêu quan trọng trong phân loại loại hình
thảm thực vật (dẫn theo Hoàng Chung, 1980 [6]).
Ramakrisman (1981-1992) nghiên cứu thảm thực vật sau nương rẫy tại vùng
Tây Bắc Ấn Độ đã khẳng định: chỉ số đa dạng loài rất thấp, chỉ số loài ưu thế đạt cao
nhất ở pha đầu của quá trình diễn thế và giảm dần theo thời gian bỏ hóa (dẫn theo
Nguyễn Ngọc Linh, 2012 [24]).
Long Chun và cộng sự (1993), nghiên cứu về đa dạng thực vật ở hệ sinh thái
nương rẫy tại Xishuang Bana tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã nhận xét: khi nương rẫy

bỏ hóa 13 năm thì có 17 họ, 21 chi, 21 loài; bỏ hóa 16 năm thì có 60 họ,134 chi và
167 loài (dẫn theo Đặng Kim Vui, 2002 [46]).
Trong những năm gần đây, một số nước được sự hỗ trợ của các nước phương
Tây nên đã xuất bản được các bộ Thực vật chí của nước mình khá hoàn chỉnh như
Malaysia, Thái Lan, Indonesia...
Từ những dẫn liệu trên ta thấy những nghiên cứu về thành phần loài thực vật
của các tác giả trên thế giới đều tập trung nghiên cứu và đánh giá thành phần loài ở
một vùng, một khu vực cụ thể, phản ánh hệ thực vật đặc trưng trong mối tương quan
với điều kiện khí hậu và địa hình. Tuy vậy, các công trình nghiên cứu còn chưa nhiều,
cần có những nghiên cứu cụ thể hơn, rộng hơn nhằm mục đích đánh giá chính xác hệ
thực vật đặc trưng của một khu vực hoặc một quốc gia.
1.2.1.2. Ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Thái Văn Trừng (1975) thống kê hệ thực vật Việt Nam có 7004
loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1850 chi, 289 họ (dẫn theo Chu Thị Bích Ngọc,
2016 [30]).
Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Văn Phú (1975) đã thống kê 39 loài cây bộ Đậu
thân bò và thân leo làm thức ăn giàu protein cho gia súc Miền Bắc Việt Nam (dẫn
theo Chu Thị Bích Ngọc, 2016 [30]).
Phan Kế Lộc (1978) đã xác định hệ thực vật miền bắc Việt Nam có 5609 loài
thuộc 1660 chi và 240 họ. Điều tra phát hiện 20 loài cây có tannin thuộc họ Trinh nữ
(Mimosaceae) và giới thiệu 4 loài khác mọc ở Việt Nam có tannin [25].

7


Hoàng Chung (1980) [6] khi nghiên cứu đồng cỏ vùng núi Bắc Việt Nam đã
công bố thành phần loài thu được gồm 233 loài thuộc 54 họ và 44 bộ.
Trong công trình tổng kết các kết quả nghiên cứu đồng cỏ Bắc Việt Nam,
Dương Hữu Thời (1981) đã công bố thành phần loài thuộc 5 vùng Bắc Việt Nam gồm
213 loài [38].

Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (1983) khi nghiên cứu hệ thực vật Tây Nguyên đã
thống kê được 3210 loài, chiếm gần 1/2 số loài đã biết của toàn Đông Dương (dẫn
theo Chu Thị Bích Ngọc, 2016 [30]).
Phan Nguyên Hồng (1991) lập danh lục cùng với một số chỉ tiêu khác (dạng
sống, môi trường, khu phân bố) của 75 loài thuộc 2 nhóm loài cây ngập mặn điển
hình và cây gia nhập vào rừng ngập mặn [17].
Lê Mộng Chân (1994) điều tra tổ thành vùng núi cao Vườn quốc gia Ba Vì đã
phát hiện được 483 loài thuộc 323 chi, 136 họ thực vật bậc cao có mạch trong đó gặp
7 loài được mô tả lần đầu tiên [4].
Lê Ngọc Công, Hoàng Chung (1994) nghiên cứu thành phần loài, dạng sống của
sa van bụi và đồi trung du Bắc Thái (cũ) đã phát hiện được 123 loài thuộc 47 họ khác
nhau [9].
Nguyễn Thế Hưng, Hoàng Chung (1995) khi nghiên cứu một số đặc điểm sinh
thái, sinh vật học của sa van Quảng Ninh và các mô hình sử dụng đã phát hiện được
60 họ thực vật khác nhau với 131 loài [19].
Đỗ Tất Lợi (1995) khi nghiên cứu các loài cây thuốc đã công bố 798 loài thuộc
164 họ có ở hầu hết các tỉnh nước ta [27].
Lê Trọng Cúc, Phạm Hồng Ban (1996) nghiên cứu sự biến động thành phần loài
thực vật sau nương rẫy ở huyện Con Cuông, Nghệ An nhận xét rằng: do ảnh hưởng
của canh tác nương rẫy nên thành phần loài và số lượng cây gỗ trên một đơn vị diện
tích có xu hướng giảm dần, đơn giản hoá để tái ổn định [12].
Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) đã thống kê thành phần loài của Vườn Quốc gia
Tam Đảo có khoảng 2.000 loài thực vật, trong đó có 904 cây có ích thuộc 478 chi,
213 họ của 3 ngành: Dương xỉ, Hạt trần và Hạt kín. Các loài này được xếp thành 8
nhóm có giá trị khác nhau. Năm 1998, khi nghiên cứu về họ Thầu Dầu

8


(Euphorbiaceae) ở Việt Nam, ông thu được 156 loài trong tổng số 425 loài của họ

Thầu dầu ở Việt Nam chia làm 7 nhóm theo cách sử dụng (dẫn theo Chu Thị Bích
Ngọc, 2016 [30]).
Lê Ngọc Công (1998) khi nghiên cứu tác dụng cải tạo môi trường của một số
mô hình rừng trồng ở một số tỉnh miền núi đã công bố thành phần loài gồm 211 loài
thuộc 64 họ [10].
Thái Văn Trừng (1998) khi nghiên cứu về hệ thực vật Việt Nam đã có nhận xét
về tổ thành loài thực vật của tầng cây bụi như sau: trong các trạng thái thảm khác
nhau của rừng nhiệt đới Việt Nam, tổ thành loài của tầng cây bụi chủ yếu có sự đóng
góp của các chi Psychotria, Prismatomeris, Pavetta (họ Cà phê – Rubiaceae); chi
Tabermontana (họ Trúc đào – Apocynaceae); chi Ardisia, Maesa (họ Đơn nem –
Myrsinaceae) [44].
Nguyễn Nghĩa Thìn (1998) khi tổng kết các công trình nghiên cứu về khu hệ
thực vật ở Việt Nam đã ghi nhận có 2393 loài thực vật bậc thấp và 1373 loài thực vật
bậc cao thuộc 2524 chi, 378 họ [44].
Lê Đồng Tấn (2000) khi nghiên cứu quá trình phục hồi rừng tự nhiên sau nương
rẫy ở Sơn La đã kết luận: mật độ cây giảm khi độ dốc tăng, mật độ cây giảm từ chân
lên đỉnh đồi, mức độ thoái hoá đất ảnh hưởng đến mật độ, số lượng loài cây và tổ
thành loài cây. Kết quả cho thấy ở tuổi 4 có 41 loài; tuổi 10 có 56 loài; tuổi 14 có 53
loài [33].
Trần Đình Đại (2001) căn cứ vào kết quả điều tra thực địa, mẫu vật lưu giữ tại
các phòng tiêu bản đã thống kê danh lục các loài thực vật tại vùng Tây Bắc Bộ (Lai
Châu, Lào Cai, Sơn La) gồm 226 họ, 1050 chi và 3074 loài thuộc 6 ngành thực vật
bậc cao có mạch [14].
Đặng Kim Vui (2002) [46] nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng phục hồi sau
nương rẫy để làm cơ sở đề xuất giải pháp khoanh nuôi, làm giàu rừng ở huyện Đồng
Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã kết luận: giai đoạn phục hồi 1 – 2 tuổi, thành phần loài thực
vật là 72 loài thuộc 36 họ, trong đó họ Hoà thảo có số lượng lớn nhất là 10 loài, tiếp
đến là họ Thầu dầu (6 loài)…; giai đoạn 3 – 5 tuổi có 65 loài thuộc 34 họ; giai đoạn 5
– 10 tuổi có 56 loài thuộc 36 họ; giai đoạn 11 – 15 tuổi có 57 loài thuộc 31 họ.


9


Nguyễn Thế Hưng (2003) đã thống kê trong các trạng thái thảm thực vật nghiên
cứu ở Huyện Hoành Bồ, Thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) có 324 loài thuộc 251 chi và
93 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch [20].
Phạm Hoàng Hộ (2003) trong “Cây cỏ Việt Nam” đã thống kê số loài hiện có
của hệ thực vật là 10.500 loài [16].
Phạm Ngọc Thường (2003) khi nghiên cứu đặc điểm quá trình tái sinh tự nhiên
sau nương rẫy ở Bắc Kạn kết luận: quá trình phục hồi sau nương rẫy chịu tác động
tổng hợp của các nhóm nhân tố sinh thái như nguồn giống, địa hình, thoái hoá đất,
con người. Mật độ cây giảm dần theo thời gian phục hồi của thảm thực vật cây gỗ,
trên đất tốt nhiều nhất 11 – 25 loài, trên đất xấu 8 – 12 loài [41].
Lê Ngọc Công (2004) nghiên cứu hệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã thống kê các
loài thực vật bậc cao có mạch của tỉnh Thái Nguyên là 160 họ, 468 chi, 654 loài chủ
yếu là cây lá rộng thường xanh, trong đó có nhiều cây gỗ quý như: Lim, Dẻ, Trai,
Nghiến…[11]
Vũ Thị Liên (2005) khi nghiên cứu một số kiểu thảm thực vật ở Sơn La đã thu
được 452 loài thuộc 326 chi, 153 họ [23].
Thái Văn Thụy, Nguyễn Phúc Nguyên (2005) nghiên cứu về thảm thực vật
Vườn quốc gia Ba Vì đã xác định ở đây có 11 kiểu quần xã thực vật khác nhau.
Trong quần xã cây bụi thứ sinh thường xanh, lá rộng thành phần chủ yếu là cây gỗ
dạng bụi cao từ 2 – 5m [39].
Những nghiên cứu về thành phần loài của các tác giả trên thế giới và ở Việt
Nam đều tập trung nghiên cứu và đánh giá thành phần loài ở một vùng và khu vực cụ
thể, phản ánh hệ thực vật đặc trưng trong mối tương quan với điều kiện địa hình và
khí hậu. Tuy vậy, số lượng các công trình nghiên cứu còn chưa nhiều, cần có những
nghiên cứu cụ thể hơn rộng rãi hơn nhằm mục đích có thể đánh giá chính xác thành
phần loài thực vật đặc trưng của một khu vực hoặc một quốc gia.
1.2.2. Nghiên cứu về thành phần dạng sống thực vật

Dạng sống của thực vật là sự biểu hiện về hình thái cấu trúc cơ thể thực vật
thích nghi với điều kiện môi trường của nó, nên đã được nhiều nhà khoa học quan
tâm nghiên cứu từ rất sớm.

10


1.2.2.1. Trên thế giới
Patsoxki (1915) chia thảm thực vật thành 6 nhóm: thực vật thường xanh; thực
vật rụng lá vào thời kỳ bất lợi trong năm; thực vật tàn lụi phần trên mặt đất trong thời
kỳ bất lợi; thực vật tàn lụi vào thời kỳ bất lợi; thực vật có thời kỳ sinh trưởng và phát
triển ngắn; thực vật có thời kỳ sinh trưởng và phát triển lâu năm. Vưxôxki (1915)
chia thực vật thảo nguyên làm 2 lớp: lớp cây nhiều năm và lớp cây hàng năm (dẫn
theo Hoàng Chung, 1980 [6]).
Braun – Blanquet (1951) đánh giá cách mọc của thực vật dựa vào tính liên
tục hay đơn độc của loài đã chia thành 5 thang: mọc lẻ; mọc thành vạt; mọc
thành dải nhỏ; mọc thành vạt lớn và mọc thành khóm lớn (dẫn theo Ma Thị Ngọc
Mai, 2007 [29]).
Cho đến nay, khi phân tích bản chất sinh thái của mỗi hệ thực vật, nhất là hệ
thực vật của các vùng ôn đới, người ta vẫn dùng hệ thống của Raunkiaer (1934) (dẫn
theo Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008 [36]) để sắp xếp các loài của hệ thực vật nghiên cứu
vào một trong các dạng sống đó. Cơ sở phân chia dạng sống của ông là sự khác nhau
về khả năng thích nghi của thực vật qua thời gian bất lợi trong năm. Từ tổ hợp các
dấu hiệu thích nghi, Raunkiaer chỉ chọn một dấu hiệu là vị trí của chồi nằm ở đâu trên
mặt đất trong suốt thời gian bất lợi trong năm.
Raunkiaer đã chia 5 nhóm dạng sống cơ bản:
1. Phanerophytes (Ph): nhóm cây có chồi trên mặt đất
2. Chamaetophytes (Ch): nhóm cây có chồi sát mặt đất
3. Hemicryptophytes (He): nhóm cây có chồi nửa ẩn
4. Cryptophytes (Cr): nhóm cây có chồi ẩn

5. Therophytes (Th): nhóm cây sống 1 năm
Ông đã xây dựng phổ chuẩn của các dạng sống ở các vùng khác nhau trên trái
đất (SB): SB = 46Ph + 9Ch + 26He + 6Cr + 13Th
Hệ thống phân chia dạng sống của Raunkiaer có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo
tính khoa học, dễ áp dụng. Phân chia dạng sống của Raunkiaer dựa trên những đặc
điểm cơ bản của thực vật, nghĩa là dựa trên đặc điểm cấu tạo, phương thức sống của

11


thực vật, đó là kết quả tác động tổng hợp của các yếu tố môi trường tạo nên. Thuộc về
những đặc điểm này có hình dạng ngoài của thực vật, đặc điểm qua đông, sinh sản…
Xêrêbriacốp (1964) đưa ra bảng phân loại dạng sống mang tính chất sinh thái
học hơn của Raunkiaer. Trong bảng phân loại này, ngoài những dấu hiệu hình thái
sinh thái, Xêrêbriacốp sử dụng cả những dấu hiệu như ra quả nhiều lần hay một lần
trong cả đời của cá thể bao gồm: ngành, kiểu, lớp và lớp phụ. Trong bảng phân loại
này không bao gồm những cây thuỷ sinh, ông còn chia ra các đơn vị nhỏ hơn là
nhóm, nhóm phụ, tổ và các dạng đặc thù (dẫn theo Hoàng Chung, 1980 [6]).
Bảng phân loại dạng sống cây thuộc thảo đã được lập ra lần đầu tiên bởi Canon
(1911), sau đó hàng loạt bảng đã được đưa ra. Với cây thảo, đặc điểm phần dưới đất
đóng vai trò rất quan trọng trong phân chia dạng sống, nó biểu thị mức độ khắc nghiệt
khác nhau của môi trường sống, là phần sống lâu năm của cây. Vì thế việc sử dụng
phần dưới đất để làm tiêu chuẩn phân chia dạng sống sẽ giúp cho ta đánh giá đúng
hơn kiểu thảm, những đặc điểm đặc trưng của môi trường (dẫn theo Thái Văn Trừng,
1970 [43]).
1.2.2.2. Ở Việt Nam
Một số công trình nghiên cứu về dạng sống ở Việt Nam như: Doãn Ngọc Chất
(1969) nghiên cứu dạng sống của một số loài thực vật thuộc họ Hoà thảo. Hoàng
Chung (1980) thống kê thành phần dạng sống cho loại hình đồng cỏ Bắc Việt Nam,
đã đưa ra 18 kiểu dạng sống cơ bản và bảng phân loại kiểu đồng cỏ sa van, thảo

nguyên [6].
Thái Văn Trừng (1970) cũng áp dụng nguyên tắc của Raunkiaer khi phân chia
dạng sống của hệ thực vật ở Việt Nam [43].
Lê Trần Chấn (1990) khi nghiên cứu hệ thực vật Lâm Sơn tỉnh Hoà Bình cũng
phân chia hệ thực vật thành 5 nhóm dạng sống chính theo phương pháp của
Raunkiaer. Tuy nhiên tác giả đã dùng thêm ký hiệu để chi tiết hoá một số dạng sống
(a: ký sinh; b. bì sinh; c. dây leo; d. cây chồi trên thân thảo). Tác giả không xếp
phương thức sống ký sinh, bì sinh vào dạng sống cơ bản mà chỉ coi đây là những
dạng phụ [5].
Hoàng Chung (2008) khi nghiên cứu thực vật trong đồng cỏ vùng núi Bắc Việt
Nam, đã phân chia 8 kiểu dạng sống chính là: kiểu cây gỗ, kiểu cây bụi, kiểu cây bụi

12


thân bò, kiểu cây bụi nhỏ, kiểu cây bụi nhỏ bò, kiểu nửa bụi, kiểu thực vật có khả
năng tạo chồi mới từ rễ, kiểu cây thảo có hệ rễ cái sống lâu năm [7].
Phan Nguyên Hồng (1991) [17] khi nghiên cứu hình thái thảm thực vật rừng
ngập mặn Việt Nam đã chia thành 7 dạng sống cơ bản: cây gỗ (G), cây bụi (B),
cây thân thảo (T), dây leo (L), cây gỗ thấp hoặc dạng cây bụi (G/B), ký sinh (K),
bì sinh (B).
Áp dụng theo nguyên tắc của Raunkiaer, Nguyễn Bá Thụ, Phùng Ngọc Lan,
Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) [35] đã xây dựng phổ dạng sống của hệ thực vật Vườn
Quốc gia Cúc Phương là:
SB = 57,8Ph + 10,5Ch + 12,4He + 8,3Cr + 11,0Th
Phạm Hồng Ban (2000) nghiên cứu tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái tái
sinh sau nương rẫy vùng Tây Nam Nghệ An, áp dụng cách phân loại của Raunkiaer
để phân chia dạng sống, phổ dạng sống là: (dẫn theo Lê Ngọc Công, 2004 [11])
SB = 67,40Ph + 7,33Ch + 12,62He + 8,53Cr + 4,09Th
Đặng Kim Vui (2002) [46] nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng phục hồi sau

nương rẫy ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã phân chia dạng sống thực vật dựa
vào hình thái cây: cây gỗ, cây bụi, cây leo và cây cỏ, đồng thời ông đã xác định được
có 17 kiểu dạng sống, trong đó có 5 kiểu dạng cây bụi (cây bụi; cây bụi thân bò; cây
bụi nhỏ; cây bụi nhỏ thân bò; cây nửa bụi).
Nguyễn Thế Hưng (2003) khi nghiên cứu dạng sống thực vật trong các trạng
thái thảm thực vật tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã kết luận: nhóm cây chồi trên đất có
196 loài chiếm 60,49% tổng số loài của toàn hệ thực vật; nhóm cây chồi sát đất có 26
loài chiếm 8,02%; nhóm cây chồi nửa ẩn có 43 loài chiếm 13,27%; nhóm cây chồi ẩn
có 24 loài chiếm 7,47%; nhóm cây 1 nãm có 35 loài chiếm 10,80% [20].
Phạm Ngọc Thường (2003) [41] khi nghiên cứu thảm thực vật sau nương rẫy ở
Thái Nguyên và Bắc Kạn đã cho kết quả phổ dạng sống của hệ thực vật là:
SB = 56,37Ph + 12,73Ch + 14,23He +8,80Cr + 7,87Th
Lê Ngọc Công (2004) [11] khi nghiên cứu quá trình phục hồi rừng bằng khoanh
nuôi trên một số thảm thực vật ở Thái Nguyên đã phân chia thực vật thành các nhóm
dạng sống sau: cây gỗ; cây bụi; cây cỏ và dây leo.

13


Ngô Tiến Dũng (2004) [13] nghiên cứu tính đa dạng thực vật ở Vườn quốc gia
Yok Don đã lập được phổ dạng sống của thực vật Yok Don là:
SB = 71,73Ph + 1,41Ch + 7,77He + 4,59Cr + 6Th
Vũ Thị Liên (2005) [23] phân chia dạng sống thực vật trong thảm thực vật sau
nương rẫy ở Sơn La theo thang phân loại của Raunkiaer. Kết quả phổ dạng sống như
sau: SB = 69,69Ph + 3,76Ch + 9,29He + 10,84Cr + 6,42Th
Dương Hữu Thời (1981) đã lập phổ dạng sống của các quần xã cỏ trên bãi cát
sông Hồng [38].
Về thành phần dạng sống: khi nghiên cứu hệ thực vật ở một khu vực cụ thể, các
tác giả đều phân chia và sắp xếp các loài thực vật thành các nhóm dựa vào các tiêu
chuẩn cụ thể tuỳ từng tác giả. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng, hầu hết các tác giả

đều sử dụng cách phân chia dạng sống của Raunkiaer trong những nghiên cứu của
mình. Hệ thống phân chia của Raunkiaer có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo tính khoa
học và dễ áp dụng. Ông chỉ chọn một dấu hiệu là vị trí của chồi nằm ở đâu trên mặt
đất trong suốt thời gian bất lợi trong năm làm tiêu chuẩn để phân chia các kiểu dạng
sống. Vì lẽ đó, trong nghiên cứu của mình, tôi áp dụng cách phân chia dạng sống này
của Raunkiaer.
1.3. Nghiên cứu về cấu trúc rừng
1.3.1. Khái niệm rừng và cấu trúc rừng
1.3.1.1. Khái niệm rừng
Hệ sinh thái rừng (Forest ecosystem) là một hệ sinh thái mà thành phần nghiên
cứu chủ yếu là sinh vật rừng (các loài cây gỗ, cây bụi, thảm tươi, hệ động vật và vi
sinh vật rừng) và môi trường vật lý của chúng (khí hậu và đất). Nội dung nghiên cứu
hệ sinh thái rừng bao gồm cả cá thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái, về mối quan hệ
ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cây rừng và giữa chúng với các sinh vật khác trong quần
xã, cũng như mối quan hệ lẫn nhau giữa những sinh vật này với hoàn cảnh xung
quanh tại nơi mọc của chúng [49].
Rừng là quần xã sinh vật trong đó cây gỗ rừng là thành phần chủ yếu. Quần xã
sinh vật phải có diện tích đủ lớn. Giữa quần xã sinh vật và môi trường, các thành
phần trong quần xã sinh vật phải có mối quan hệ mật thiết để đảm bảo khác biệt giữa
hoàn cảnh rừng và các hoàn cảnh khác.

14


1.3.1.2. Khái niệm cấu trúc rừng
Cấu trúc rừng là sự sắp xếp tổ chức nội bộ của các thành phần sinh vật trọng hệ
sinh thái rừng mà qua đó các loài có đặc điểm sinh thái khác nhau có thể chung sống
hài hoà và đạt tới sự ổn định tương đối trong một giai đoạn phát triển nhất định của tự
nhiên. Cấu trúc của rừng vừa là kết quả, vừa là sự thể hiện quan hệ đấu tranh và thích
ứng lẫn nhau giữa các sinh vật rừng với môi trường sinh thái và giữa các sinh vật với

nhau. Các nhân tố trong cấu trúc rừng là: cấu trúc tổ thành, cấu trúc tầng (trên mặt đất
và dưới mặt đất), cấu trúc tuổi…
1.3.2. Nghiên cứu về cấu trúc rừng trên thế giới
Khi đưa ra hệ thống phân cấp cây rừng Kraft (1884), đã chia cây rừng thành 5
cấp sinh trưởng hoặc cấp “ưu thế” và cấp “chèn ép”. Các chỉ tiêu Kraft sử dụng là: Vị
trí tán cây trong tán rừng (chiều cao), độ lớn và hình dạng tán lá, khả năng ra hoa,
tình trạng sinh lực… Phương pháp này phản ánh được tình hình phân hóa cây rừng rõ
ràng trong các lớp không gian, chiều cao của các cấp so với chiều cao trung bình.
Nhưng giải pháp này chỉ áp dụng cho rừng trồng đồng tuổi có sự cạnh tranh về không
gian dinh dưỡng ở cùng loài cây, cùng tuổi. Rừng tự nhiên có cấu trúc phức tạp có
nhiều thế hệ tuổi khác nhau nên khó áp dụng (dẫn theo Hoàng Chung, 1980 [6])
Prodan (1952) nghiên cứu quy luật phân bố rừng, chủ yếu theo đường kính
D1,3 có liên hệ với giai đoạn phát dục và các biện pháp kinh doanh. Theo tác giả, sự
phân bố số cây theo đường kính có giá trị đặc trưng nhất cho rừng, đặc biệt là rừng
hỗn loại, nó phản ảnh các đặc điểm lâm sinh của rừng (dẫn theo Thái Văn Trừng,
1970 [43])
Richards (1968) cho rằng “quần xã thực vật gồm những loài cây có hình dạng
khác nhau, dạng sống khác nhau nhưng tạo ra một hoàn cảnh sinh thái nhất định và
có một cấu trúc bên ngoài và được sắp xếp một cách tự nhiên và hợp lý trong không
gian”. Theo tác giả cách sắp xếp được xem xét theo hướng thẳng đứng và hướng nằm
ngang. Từ cách sắp xếp này có thể phân biệt các quần xã thực vật khác và có thể mô
tả bằng các biểu đồ. Phương pháp này có thể nhận diện nhanh một kiểu rừng qua các
biểu đồ mặt cắt. Trên cơ sở này, các nhà lâm sinh có thể lựa chọn các biện pháp kỹ
thuật để điều chỉnh mật độ cây rừng nhằm đưa rừng phát triển ổn định (dẫn theo Lê
Ngọc Công, 2004 [11]).

15



×