Tải bản đầy đủ (.pdf) (141 trang)

Nghiên cứu văn bản tục lệ phủ yên lãng (thuộc huyện mê linh, thành phố hà nội)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.63 MB, 141 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------

NGUYỄN QUỲNH ANH

NGHIÊN CỨU VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG
(THUỘC HUYỆN MÊ LINH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

LUẬN VĂN THẠC SĨ HÁN NÔM

HÀ NỘI, 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------

NGUYỄN QUỲNH ANH

NGHIÊN CỨU VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG
(THUỘC HUYỆN MÊ LINH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)
Chuyên ngành: Hán Nôm
Mã số: 60 22 01 04

LUẬN VĂN THẠC SĨ HÁN NÔM

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS. TS PHẠM VĂN KHOÁI

HÀ NỘI, 2017




LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn Thạc sĩ Hán Nôm tại trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã nhận được sự quan
tâm, giúp đỡ tận tình từ các thầy cô và gia đình, cũng như bạn bè, người thân.
Tôi chân thành biết ơn các thầy cô đã tận tình chỉ bảo cho tôi kiến
thức, sự hiểu biết cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học. Tôi đặc biệt
cám ơn PGS. TS Phạm Văn Khoái – người thầy đã dành nhiều thời gian và
công sức giúp đỡ tôi hoàn thành đề tài nghiên cứu này.
Tác giả luận văn

Nguyễn Quỳnh Anh


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số
liệu và kết quả nêu trong luận văn là trung thực, chưa từng được công bố
trong công trình nào khác.

Ký tên

Nguyễn Quỳnh Anh


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.......................................................................................................................................... 3
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI .............................................................................................................. 3
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ ...................................................................................................................... 4
3. NGUỒN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU .......................................................................................... 6

4. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU .................................................................................................... 6
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................................................................................... 7
6. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU .............................................................................. 7
7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN ................................................................................................. 7
8. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN ........................................................................................................ 8

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ PHỦ YÊN LÃNG VÀ VĂN BẢN TỤC LỆ
CỦA PHỦ YÊN LÃNG .............................................................................................9
1.1. GIỚI THIỆU VỀ PHỦ YÊN LÃNG ........................................................................... 9
1.1.1. Sự diên cách của phủ Yên Lãng, nơi lưu giữ tục lệ Hán Nôm ............................... 9
1.1.2. Điều kiện tự nhiên .................................................................................................... 14
1.1.3. Điều kiện xã hội ........................................................................................................ 15
1.2. GIỚI THIỆU VĂN BẢN TỤC LỆ HÁN NÔM CỦA PHỦ YÊN LÃNG .............19

1.2.1. Khái niệm về tục lệ .........................................................................................19
1.2.2. Vị trí văn bản tục lệ Hán Nôm của phủ Yên Lãng trong sưu tập AF .............22
Tiểu kết chương 1......................................................................................................31
CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VĂN BẢN TỤC LỆ CỦA PHỦ YÊN LÃNG .................... 32
2.1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC VĂN BẢN TỤC LỆ CỦA PHỦ YÊN LÃNG ................ 32
2.1.1. Xác định thời điểm sao chép và cách thức sao chép tục lệ của phủ Yên Lãng........... 32
2.1.2. Kết cấu văn bản........................................................................................................ 35
2.1.3. Niên đại của tục lệ .................................................................................................... 44
2.2. Những vấn đề được văn bản hoá trong văn bản tục lệ phủ Yên Lãng .................46
2.2.1. Vấn đề an ninh trật tự của làng xã ......................................................................... 46
2.2.2. Vấn đề đời sống tinh thần cộng đồng ..................................................................... 48
2.2.3. Vấn đề thiết chế làng xã .......................................................................................... 50
2.2.4. Vấn đề thưởng phạt ................................................................................................. 52
Tiểu kết chương 2 .............................................................................................................. 55

CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG ...............56

3.1. CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ KHUYẾN NÔNG .................................................. 56

3.2. Cung cấp thông tin về khuyến học .....................................................................60
3.3. Cung cấp thông tin về bài trừ tệ nạn nơi làng xã ...............................................66
3.2. NHỮNG MẶT TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ CỦA TỤC LỆ PHỦ YÊN LÃNG ............. 71

3.2.1. Mặt tích cực .....................................................................................................71
3.2.2. Mặt hạn chế .....................................................................................................73
3.3. Một vài kiến nghị ...............................................................................................75
Tiểu kết chương 3......................................................................................................77
KẾT LUẬN ................................................................................................................78
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................................82

1


BẢNG QUY ƯỚC CHỮ VIẾT TẮT

Khoa học xã hội

KHXH

Nhà xuất bản

Nxb

Thành phố

Tp.


Tờ

t.

Trang

tr.

Trường Viễn Đông Bác Cổ

EFEO

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

VNCHN

2


MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Phủ Yên Lãng xưa, cơ bản là địa bàn huyện Mê Linh ngày nay, toạ lạc
ở phía bắc Tp. Hà Nội: phía bắc giáp quốc lộ số 2 và sân bay quốc tế Nội Bài;
phía nam giáp tả ngạn sông Hồng, đối diện huyện Đan Phượng của Tp. Hà
Nội; phía đông giáp huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội; phía tây giáp xã Nguyệt
Đức, Văn Tiến của huyện Yên Lạc và xã Phú Xuân, Đạo Đức của huyện Bình
Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi còn lưu giữ số lượng khá lớn văn bản tục lệ
viết bằng chữ Hán của cư dân làm nông nghiệp thuộc loại lâu đời của nước ta
hiện nay. Các văn bản tục lệ Hán Nôm của phủ đề cập đến nhiều mặt hoạt
động của người dân sở tại trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc nhưng chưa

được khai thác phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Thực tế nghiên cứu của tác giả luận văn cho thấy tục lệ Hán Nôm của
phủ Yên Lãng có giá trị bởi nó phản ánh sâu đậm phong tục tập quán của
người dân làm nông nghiệp ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, với nghề trồng
lúa nước được coi trọng. Trong tương lai, vấn đề “dĩ nông vi bản” chắc chắn
vẫn được duy trì, do vậy khai thác tục lệ Hán Nôm của cư dân làm nông
nghiệp nơi đây là điều cần thiết. Thêm nữa nghiên cứu tục lệ phủ Yên Lãng là
công việc phù hợp đối với tác giả luận văn, bởi tác giả là người tốt nghiệp từ
chuyên ngành Hán Nôm của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Sau cùng bản thân tác giả luận văn là người quê ở phủ Yên Lãng xưa
nên cũng có điều kiện hiểu sâu về vùng đất và con người nơi đây, trên cơ sở
đó có thể nắm bắt tốt nhất tục lệ của phủ Yên Lãng trong quá khứ nhằm khai
thác di sản Hán Nôm do các thế hệ cha ông để lại, đồng thời phục vụ cho việc
xây dựng quy ước văn hoá mới hiện nay ở địa phương được thuận lợi.

3


Với những lý do như vậy, chúng tôi lựa chọn vấn đề nghiên cứu tục lệ
phủ Yên Lãng làm đề tài luận văn thạc sĩ Hán Nôm.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Nghiên cứu tục lệ làng xã là vấn đề được nhiều học giả quan tâm và
có khá nhiều thành tựu. Để tiện theo dõi, chúng tôi phân làm 3 bộ phận sau
đây:
+ Bộ phận nghiên cứu về tục lệ xuất bản thành sách như Hương ước
và quản lý làng xã của Bùi Xuân Đính (Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998); Hương
ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với luật làng Kanto Nhật Bản (thế kỷ XVII –
XIX) của Vũ Duy Mền và Hoàng Minh Lợi (Viện Sử Học, Hà Nội, 2001);
Hương ước cổ Hà Tây của Nguyễn Tá Nhí (Sở Văn Hoá Thông tin Thể Thao

Hà Nội, 1998); Hương ước Nghệ An của Ninh Viết Giao (Nxb. Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, 1998); Hương ước Thái Bình của Nguyễn Thanh (Nxb.
Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000); Hương ước Thanh Hoá của Nguyễn Quang
Trọng và Vũ Ngọc Khánh (Nxb. KHXH, Hà Nội, 2000); Tục lệ cổ truyền
làng xã Việt Nam do Đinh Khắc Thuân làm chủ biên (Nxb. KHXH, Hà Nội,
2006); Tuyển tập hương ước tục lệ do Nguyễn Tá Nhí làm chủ biên (Nxb. Hà
Nội, Hà Nội, 2010).
Các công trình này vừa nêu khái quát đặc điểm cơ bản của hương ước
cổ truyền trong các làng xã người Việt, vừa giới thiệu những nét cơ bản trong
hương ước của các tỉnh, trên cơ sở đó chỉ ra định hướng cho việc kế thừa
nhân tố tích cực của hương ước cổ truyền trong việc xây dựng hương ước ở
nông thôn Việt Nam hiện nay.
+ Bộ phận nghiên cứu về tục lệ công bố trên Tạp chí Hán Nôm, gồm
Về một văn bản khoán lệ liên quan đến vấn đề học tập của Nguyễn Hữu Mùi
(số 2/1994, tr.47-51); Vài nét về tình hình văn bản hương ước làng Việt cổ
truyền của Vũ Duy Mền (số 1/2000, tr.21-27); Tục lệ ở phố chợ Kim Ngân

4


của Đinh Khắc Thuân (số 4/2004, tr.24-31); Tục lệ phường Long Đằng của
Nguyễn Tá Nhí (số 2/2004, tr.50-53); Hương ước Hán Nôm với việc bảo vệ
quyền lợi người dân qua một số hương ước ở Hà Nội) của Nguyễn Hoàng
Yến (số 3/2015, tr.62-70).
Đây là các bài viết giới thiệu nội dung cụ thể của từng vấn đề, như
khuyến học, làng nghề, hoặc nêu những đường nét cơ bản của hương ước
người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
+ Bộ phận nghiên cứu về tục lệ công bố trên Thông báo Hán Nôm, với
các bài: Về tục lệ xã Quế Dương, Đan Phượng Hà Tây của Đinh Khắc Thuân
(công bố năm 2005, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2006, tr.586-589); Tấm bia ghi

việc Hương ước – một cổ vật có giá trị của Mai Khánh (công bố năm 2005,
Hà Nội, 2007, tr.400-409); Tục lệ về khuyến học của Thôn Thượng xã Bối La
(Vụ Bản – Nam Định) của Nguyễn Hữu Mùi (công bố năm 2015, Nxb. Thế
Giới, 2016, tr.519-524); Giới thiệu một bản tục lệ liên quan đến học tập thuộc
giai đoạn cải lương giáo dục khoa cử chữ Hán (1909-1919) của Nguyễn
Quỳnh Anh – tác giả luận văn (công bố năm 2015, Nxb. Thế Giới, 2016,
tr.27-33); Giới thiệu tục lệ xã Thượng Cát huyện Từ Liêm thành phố Hà Nội
của Nguyễn Thị Hoàng Yến (công bố năm 2013, Nxb. Thế Giới, 2014, tr.978986); Giới thiệu bản tục lệ của giáp Lão xã Đông Ngạc cũng của Nguyễn Thị
Hoàng Yến (công bố năm 2014, Nxb. Thế Giới, 2015, tr.978-984)... Các bài
viết công bố ở đây tập trung đi sâu khai thác giá trị hương ước của một địa
phương cụ thể, với các khía cạnh khác nhau, góp phần bảo tồn, khai thác di
sản Hán Nôm của dân tộc.
Từ 3 bộ phận nghiên cứu về tục lệ trình bày trên đây có thể thấy việc
giới thiệu văn bản tục lệ Hán Nôm của từng xã hoặc phường là phổ biến, còn
nghiên cứu văn bản tục lệ Hán Nôm của một phủ hoặc một huyện mới chỉ ở
mức khiêm tốn. Ngay công trình Tục lệ cổ truyền làng xã người Việt do Đinh
Khắc Thuân làm chủ biên, tuy khảo cứu, giới thiệu và tuyển chọn số lượng

5


văn bản tục lệ Hán Nôm vào loại đồ sộ, gồm 85 văn bản hương ước cổ truyền
của các làng xã người Việt nhưng ở đó mới chỉ giới thiệu 2 văn bản tục lệ của
phủ Yên Lãng, là văn bản của thôn Yên Nội và xã Nội Hộ. 61 văn bản tục lệ
Hán Nôm còn lại của phủ Yên Lãng, chiếm tỉ lệ 96% hiện chưa được khảo
sát, giới thiệu và công bố. Kết quả khảo cứu sơ bộ của chúng tôi cho thấy đây
là nguồn tư liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều phương diện liên qua đến
phong tục, tập quán, cách thức sản xuất nông nghiệp cũng như cơ cấu hoạt
động của các làng xã phủ Yên Lãng trong quá khứ. Khai thác từ nguồn tư liệu
đó sẽ góp phần tìm hiểu về hoạt động làng xã của phủ Yên Lãng qua các thời

kỳ lịch sử,làm căn cứ cho việc quản lý văn hóa hiện nay ở địa phương được
tốt hơn.
3. NGUỒN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
Nguồn tài liệu dùng trong nghiên cứu là các văn bản tục lệ Hán Nôm
của phủ Yên Lãng được biên soạn trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX đến
những năm đầu thuộc thế kỷ XX. Các văn bản này nằm trong “phông” tài liệu
“Tục lệ” do EFEO sưu tầm vào những năm đầu thế kỷ XX, tại chính các làng
xã của phủ Yên Lãng, với ký hiệu AF (ký hiệu chung cho “phông” tục lệ), mã
số a7 (mã số cho tục lệ của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ),từ a7/6 đến a7/17,
gồm 12 tập, hiện lưu trữ tại VNCHN.
Cụ thể đây là văn bản tục lệ của 63 làng xã (51 xã, 11 thôn và 1
phường) thuộc 9 tổng: Bạch Trữ, Đa Lộc, Hạ Lôi, Lạc Tân, Phương Quan,
Phú Mỹ, Thạch Đà, Thanh Lâm và Xa Mạc. Mỗi tổng với một số xã, dưới xã
có một hoặc vài thôn hoặc đơn thuần chỉ là một xã. Luận văn lấy đây làm
nguồn tài liệu chính, đồng thời kết hợp với điều tra điền dã tại các địa phương
trong địa bàn của phủ Yên Lãng xưa nhằm thu thập thông tin, làm giàu cho
kiến thức trình bày trong luận văn.
4. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

6


Luận văn lấy đối tượng nghiên cứu chính là các văn bản tục lệ viết
bằng chữ Hán và chữ Nôm của 63 làng xã trên địa bàn phủ Yên Lãng vào đầu
thế kỷ XX được EFEO sưu tầm hiện đang được lưu trữ tại VNCHN. Trên cơ
sở số văn bản Hán Nôm sẽ đi sâu nghiên cứu trên phương diện cấu trúc văn
bản và nội dung, chỉ ra giá trị tư liệu do loại hình văn bản tục lệ của phủ Yên
Lãng cung cấp.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu văn bản học Hán Nôm để

xác định niên đại văn bản tục lệ phủ Yên Lãng, bao gồm niên đại của năm sao
chép tục lệ do EFEO thực hiện vào đầu thế kỷ XX; niên đại của năm biên
soạn tục lệ của chính các xã thôn trong phủ Yên Lãng.
Tiếp đến là phương pháp thống kê phân tích để xử lý thông tin tư liệu.
Sau đến là phương pháp liên ngành của khoa học xã hội, bởi tục lệ là
loại tư liệu Hán Nôm mang tính chất đa ngành. Tức tư liệu tục lệ Hán Nôm là
nơi hội tụ tri thức của nhiều ngành, như nông học, giáo dục khoa cử, dân tộc
học, sử học, văn hóa dân gian…
Sau cùng chúng tôi sử dụng phương pháp điền dã để thu thập thông tin
tại địa phương hiện nay bổ sung cho luận văn thêm đầy đủ.
6. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Mục đích nghiên cứu của luận văn là nhằm khai thác di sản Hán Nôm
về tục lệ của phủ Yên Lãng trong quá khứ, làm căn cứ tư liệu cho các công
trình về địa chí của huyện Mê Linh trong tương lai.
Phạm vi nghiên cứu là văn bản tục lệ chữ Hán và chữ Nôm của phủ
Yên Lãng đóng trong 13 tập mang ký hiệu AFa7/6 đến AFa7/18, lưu trữ
tại VNCHN.
7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
Luận văn lần đầu tiên tiến hành khảo sát, đánh giá một cách tổng thể
văn bản tục lệ Hán Nôm của phủ Yên Lãng lưu trữ tại VNCHN, chỉ ra các giá

7


trị tư liệu về khuyến nông, khuyến học cùng những giá trị tư liệu khác làm
căn cứ cho việc biên soạn địa chí của huyện Mê Linh cũng như của các xã
trong địa bàn của huyện. Luận văn cũng đưa ra một số kiến nghị trong việc
xây dựng hương ước mới ở huyện Mê Linh hiện nay.
8. BỐ CỤC LUẬN VĂN
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn chia làm 3 chương.

Chương 1: Tổng quan về phủ Yên Lãng và văn bản tục lệ của phủ Yên
Lãng
Chương 2: Đặc điểm văn bản tục lệ của phủ Yên Lãng
Chương 3:Giá trị của văn bản tục lệ phủ Yên Lãng

8


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ PHỦ YÊN LÃNG VÀ VĂN BẢN TỤC LỆ
CỦA PHỦ YÊN LÃNG
Chương này chúng tôi xác lập phủ Yên Lãng về phương diện địa lý
hành chính qua các thời kỳ lịch sử và sự nhận diện về văn bản tục lệ Hán
Nôm của phủ, làm căn cứ nghiên cứu cho các chương sau.
1.1. GIỚI THIỆU VỀ PHỦ YÊN LÃNG
1.1.1. Sự diên cách của phủ Yên Lãng, nơi lưu giữ tục lệ Hán Nôm
Cũng như nhiều phủ, huyện ở nước ta, phủ Yên Lãng có quá trình hình
thành và tách nhập diễn ra thường xuyên. Tiền thân của phủ Yên Lãng là
huyện Yên Lãng. Huyện này vào thời nhà Hán cai trị là đất quận Giao Chỉ.
Đến thời Nam Tề tách ra đặt là huyện Bình Đạo, rồi Tiền Châu.
Thời kỳ nước ta tự chủ, từ đời nhà Đinh, nhà Lý (thế kỷ X – XI) mới
đặt tên là huyện Yên Lãng: “Thời thuộc Minh thuộc châu Tam Đới, lệ vào
phủ Giao Châu. Đời Lê Quang Thuận đổi lệ vào phủ Vĩnh Tường” [23,
tr.195].
Đến đầu thế kỷ XIX, huyện Yên Lãng thuộc trấn Sơn Tây. Ở thời điểm
này, theo Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, huyện bao gồm 9 tổng với 62
xã thôn. Cụ thể như sau:
- Tổng Yên Lãng gồm 9 xã: Yên Lãng, Xuân Lãng, Tuyền My, Lý
Nhân, Mộ Đạo, Can Bi, Hợp Lễ, Lý Hải, Thái Lai.

- Tổng Kim Đà gồm 5 xã: Kim Đà, Hoàng Xá, Văn Quán, Khê Ngoại,
Đông Cao.
- Tổng Hạ Lôi gồm 8 xã: Hạ Lôi, Lục Trì, Đại Bối, Đường Lệ, Văn
Lôi, Cư Triền, Nam Cường, Nội Động.
- Tổng Hương Canh gồm 8 xã: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiến Hàng,
Quất Lưu, Vị Nội, Vị Trù, Nội Phật, Ngoại Trạch.

9


- Tổng Bạch Trữ gồm 8 xã: Bạch Trữ, Đạm Nội, Nhuế Khúc, Đạm
Xuyên, Tháp Miếu, Thịnh Kỷ, Đông Lỗ, Kim Tuyến.
- Tổng Thiên Lộc gồm 7 xã: Thiên Lộc, Thiện Dưỡng, Trung Hậu, Yên
Nhân, Do Nhân, thôn Việt thuộc xã Tráng Việt, thôn Điệp thuộc xã Tráng
Việt.
- Tổng Quải Mai gồm 5 xã: Quải Mai, Mai Châu, Đại Bộ, Đại Đồng,
Mạch Lũng.
- Tổng Hải Bối gồm 8 xã, sở: Hải Bối, Cổ Điển, Uy Nỗ Hạ, Đồng
Nhân, Tàm Xá, Yên Hà, Thọ Đồi, Xuân Canh.
- Tổng Võng La gồm 4 xã: Võng La, Canh Tác, Canh Vân, Công Ngư
[33, tr.39].
Năm 1831, trong công cuộc cải cách hành chính do vua Minh Mệnh (18201840) tiến hành, đổi trấn thành tỉnh, huyện Yên Lãng lệ vào tỉnh Sơn Tây.
Đến thời Đồng Khánh (1886 - 1888), huyện Yên Lãng thuộc tỉnh Sơn
Tây, vẫn gồm 9 tổng như trên, chỉ tăng thêm 2 đơn vị hành chính là xã Phú
Lộc và Tây Xá của tổng Kim Đà [10, tr. 938].
Như vậy, số tổng và xã của huyện Yên Lãng đến cuối thế kỷ XIX về cơ
bản vẫn giữ nguyên số đơn vị hành chính như ở đầu thế kỷ XIX, chỉ tăng
thêm 2 đơn vị hành chính là xã Phú Lộc và Tây Xá đề cập ở trên.
Ngày 6 tháng 1 năm 1890, huyện Yên Lãng cùng 4 huyện Bạch Hạc,
Lập Thạch, Tam Dương và Yên Lạc tách khỏi tỉnh Sơn Tây và huyện Bình

Xuyên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên để thành lập ra đạo Vĩnh Yên.
Ngày 6 tháng 1 năm 1901, huyện Yên Lãng tách khỏi đạo Vĩnh Yên,
đổi tên thành Phủ Yên Lãng, cùng với huyện Đông Anh và một phần của
huyện Đông Khê (cắt khỏi tỉnh Bắc Ninh) lập ra tỉnh Phù Lỗ, đặt tỉnh lị tại xã
Phù Lỗ huyện Kim Anh.Đến đây phủ Yên Lãng chính thức ra đời trên cơ sở
đổi tên từ huyện Yên Lãng thành phủ Yên Lãng, và lệ thuộc vào tỉnh Phù Lỗ.

10


Đến ngày 10 tháng 2 năm 1903, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc
Yên gồm phủ Đa Phúc (10 tổng, 57 xã), huyện Đông Anh (6 tổng, 46 xã),
huyện Kim Anh (7 tổng, 35 xã), Yên Lãng (9 tổng 47 xã), huyện Vĩnh Ninh
(một nửa lấy từ huyện Đông Anh, một nửa lấy từ huyện Yên Lãng). Sau đó 10
năm, vào ngày 7 tháng 3 năm 1913, tỉnh Phúc Yên đổi làm đại lý Phúc Yên,
lệ vào tỉnh Vĩnh Yên.
Đến ngày 31 tháng 3 năm 1920, theo nghị định của thống sứ Bắc Kỳ, tỉnh
Phúc Yên được tách riêng, bao gồm phủ Yên Lãng và huyện Đông Anh, trở thành
1 tỉnh nhỏ nhất của Bắc Kỳ vào thời điểm bấy giờ.
Vào thời đó, theo Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ thì phủ
Yên Lãng có sự thay đổi địa danh hành chính đáng kể so với hồi đầu thế kỷ
XIX.Cụ thể như sau:
- Cắt 2 tổng Yên Lãng và Hương Canh trả về huyện Bình Xuyên của tỉnh
Vĩnh Yên.
- Cắt 3 tổng Hải Bối, Quải Mai và Võng La về huyện Đông Anh.
- 4 tổng còn lại: Bạch Trữ, Kim Đà, Hạ Lôi và Thiên Lộc, trong đó tổng
Bạch Trữ và Hạ Lôi vẫn giữ nguyên tên gọi, còn tổng Kim Đà đổi tên thành tổng
Thạch Đà; tổng Thiên Lộc đổi tên thành tổng Đa Lộc.
Bốn tổng trên kết hợp với 5 tổng mới là Lạc Tân, Phú Mỹ, Sa Mạc,
Phương Quan và Thanh Lâm trở thành 9 tổng của phủ Yên Lãng. 9 tổng này bao

gồm các xã thôn như sau:
- Tổng Lạc Tân gồm các xã: Thọ Lão, Chu Trần, Vạn Phúc, Tiên Đài, Yên
Lão Giáp, Yên Nội, Kỳ Đồng, Yên Lão Thị, Thanh Điền và Trung Hà (10 xã).
- Tổng Phú Mỹ gồm các xã: Phú Mỹ, Kim Giao, thôn Tảo của xã Kim
Giao, Thái Lai và Đại Lợi (4 xã và 1 thôn).
- Tổng Xa Mạc gồm các xã: Yên Bài, Bồng Mạc, thôn Yên Nội của xã
Bồng Mạc, Xa Mạc, Yên Mạc (4 xã và 1 thôn).

11


- Tổng Phương Quan gồm các xã: Sa Khúc, Chu Phan, Mạnh Trữ, Nại Tử
Châu, Gia Lô, Nại Tử Xã (6 xã)
- Tổng Thạch Đà gồm các xã: Khê Ngoại, Hoàng Xá, thôn Đông xã Hoàng
Xã, thôn Đoài xã Hoàng Xã, Đông Cao, thôn Đông xã Đông Cao, thôn Đoài xã
Đông Cao, Tây Xá, Hoàng Kim, Văn Quán, Thạch Đà (7 xã và 4 thôn).
- Tổng Thanh Lâm gồm các xã: Thanh Tước, thôn Thượng, thôn Thượng
Mây, thôn Hàn, thôn Hậu, thôn Tiền, thôn Lộc, Nhuế Khúc, thôn Nội xã Nhuế
Khúc, Lâm Hộ, thôn Yên Vinh, thôn Lâm Hộ, thôn Phú Nhi của xã Lâm Hộ (3 xã
và 10 thôn).
- Tổng Bạch Trữ gồm các xã: Bạch Trữ, Đạm Xuyên, Tiền Châu, Thịnh
Kỷ, Tháp Miếu, Đạm Nội, thôn Kiều, thôn Khê của xã Đạm Nội (6 xã và 2 thôn).
- Tổng Đa Lộc gồm các xã: Yên Nhân, Đa Lộc, thôn Bầu, thôn Cổ Nhuế xã
Đa Lộc, Tráng Việt, thôn Điệp, Hậu Dưỡng, Trung Hậu, thôn Đông, thôn Đoài
của xã Trung Hậu, Do Nhân, thôn Thượng, thôn Hạ của xã Do Nhân (6 xã và 7
thôn).
- Tổng Hạ Lôi gồm các xã: Hạ Lôi, Đại Bối, Nội Động, Cư Yên, Nam
Cường, thôn Nội, thôn Ngoại xã Nam Cường, Văn Lôi, Lưu Trì, Thường Lệ (8 xã
và 2 thôn) [12, tr.687-688].
Qua đây cho thấy vào đầu thế kỷ XX, phủ Yên Lãng gồm 9 tổng với 81 xã

thôn, trong đó có 54 xã và 27 thôn.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), đơn vị hành chính cấp
phủ ở nước ta bị bãi bỏ, tên phủ Yên Lãng cũng không ngoại lệ, thay vào đó
là tên huyện Yên Lãng lại ra đời và sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Phúc (theo Nghị
định 03/TTg của Thủ tướng Chính Phủ, sáp nhập tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên
thành tỉnh Vĩnh Phúc).
Đến ngày 5 tháng 7 năm 1977, huyện Mê Linh được thành lập trên cơ
sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng. Ngoài ra huyện còn sáp nhập

12


thêm 4 xã: Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định của huyện Yên
Lạc, 2 xã Kim Hoa và Quang Minh của huyện Kim Anh.
Thời điểm đó huyện Mê Linh có 38 đơn vị hành chính, gồm thị trấn
Phúc Yên, thị trấn Nông trường Tam Đảo và 36 xã: Bá Hiến, Bình Định, Chu
Phan, Đại Thịnh, Đạo Đức, Gia Khánh, Hoàng Kim, Hương Sơn, Kim Hoa,
Liên Mạc, Mê Linh, Minh Quang, Minh Tân, Nguyệt Đức, Phú Xuân, Quang
Minh, Quất Lưu, Sơn Lôi, Tam Canh, Tam Đồng, Tam Hợp, Tân Phong,
Thạch Đà, Thanh Lâm, Thanh Lãng, Thiện Kế, Tiền Châu, Tiền Phong, Tiến
Thắng, Tiến Thịnh, Tráng Việt, Trung Mỹ, Tự Lập, Văn Khê, Văn Tiến và
Vạn Yên.
Đến ngày 29 tháng 12 năm 1978, theo Nghị quyết phê chuẩn việc
phân vạch lại địa giới Tp.Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh khác,
huyện Mê Linh được sáp nhập vào Tp. Hà Nội.
Tuy nhiên, đến ngày 12 tháng 8 năm 1991, theo Nghị quyết về việc
điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
do Quốc hội ban hành, huyện Mê Linh lại tách khỏi Tp. Hà Nội, trở về tỉnh
Vĩnh Phúc.
Sau đó đến ngày 29 tháng 5 năm 2008, theo Nghị quyết số

05/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Tp. Hà Nội, thì huyện
Mê Linh lại được sáp nhập vào Tp. Hà Nội.
Ngày 16 tháng 7 năm 2014, chuyển xã Mê Linh thành thị trấn Mê
Linh và huyện Mê Linh từ năm 2014 đến nay không có sự thay đổi nào về địa
danh hành chính. Cụ thể vào thời điểm hiện nay– thời điểm tác giả tiến hành
làm luận văn (2017) huyện Mê Linh có 3 thị trấn: Chi Đông, Quang Minh và
Mê Linh cùng 15 xã: Chu Phan, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc,

13


Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh,
Tráng Việt, Tự Lập, Văn Khê, Vạn Yên (18 đơn vị hành chính).
Như vậy, về cơ bản phủ Yên Lãng ứng với địa bàn huyện Mê Linh,
Tp. Hà Nội hiện nay, bởi chỉ có một số xã cắt về tỉnh Vĩnh Phúc (6 xã) và 1
xã về Đông Anh. Số cắt sang Vĩnh Phúc và Đông Anh là 7 xã.
1.1.2. Điều kiện tự nhiên
Do địa bàn phủ Yên Lãng xưa như trình bày gần như trùng khớp với
địa bàn huyện Mê Linh ngày nay, do vậy, trong phần này, chúng tôi sử dụng
đơn vị hành chính là huyện Mê Linh để miêu tả các điều kiện về tự nhiên dưới
đây.
+ Đặc điểm về địa hình
Mê Linh là nơi có địa hình bằng phẳng, thấp dần từ đông bắc xuống
tây nam. Toàn huyện là vùng đồng bằng, với diện tích tự nhiên là 141,6 km²,
do đất phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Cà Lồ bồi đắp. Nhờ
vậy đất đai ở đây rất phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng
lúa. Các xã là vựa lúa hiện nay của huyện như Tự Lập, Đại Thịnh, Tiền
Phong,... chính là dựa trên lợi thế này.
+ Đặc điểm về thời tiết khí hậu
Huyện nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm của vùng

đồng bằng trung du miền núi phía bắc, với 2 mùa tương đối rõ rệt: mùa mưa
từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1400-1600mm;
mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình hàng năm là
23,5-25°C; độ ẩm cả năm là 83%.
Với khí hậu, lượng mưa và độ ẩm như vậy rất thích hợp cho việc trồng
trọt, thâm canh, chuyển đổi mùa vụ cũng như cây trồng.Thôn Bạch Trữ và xã
Thái Lai chuyển sang thâm canh rau, khiến thu nhập hàng năm của người dân

14


nơi đây cao hơn nhiều so với trồng lúa. Các xã Đại Thịnh, Tiền Phong và thị
trấn Mê Linh chuyển sang trồng hoa, chủ yếu là hoa hồng, cho hiệu quả kinh
tế cao, trở thành địa bàn cung cấp rau và hoa cho Tp. Hà Nội cũng như cả
nước. Đây là những ví dụ nói lên sự thuận lợi của thời tiết và khí hậu đối với
sản xuất nông nghiệp tại địa bàn huyện Mê Linh hiện nay.
+ Đặc điểm về tài nguyên thiên nhiên
Ngoài diện tích đất đai màu mỡ, toàn huyện còn có nguồn nước dồi
dào do sông Cà Lồ cung cấp. Sông Cà Lồ là con sông được hình thành từ lâu
đời ở nước ta. Sông này vốn là phân lưu của sông Hồng, tách ra từ thôn Trung
Hà, xã Tiến Thịnh, chảy dài 86 km, theo hướng tây nam – đông bắc, đổ vào
sông Cầu ở thôn Lương Phúc xã Việt Long của huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội.
Nguồn nước của sông Cà Lồ chủ yếu là nguồn của các sông, suối bắt nguồn
từ núi Tam Đảo, có tác dụng tiêu úng khi vào mùa mưa và cung cấp nước cho
việc trồng nông nghiệp về mùa khô, góp phần tạo cho nông nghiệp phát triển.
Sông Cà Lồ cũng là địa bàn hoạt động của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi
nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Hán vào đầu công nguyên.
Tóm lại, với điều kiện tự nhiên nêu trên cho thấy Mê Linh là huyện
hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông
nghiệp.

1.1.3. Điều kiện xã hội
Mê Linh là địa bàn định cư, sinh sống của người Việt cổ, nơi hội tụ
nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
+Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Vào thập niên 40 của thiên niên kỷ thứ nhất, Trưng Trắc, Trưng Nhị,
người huyện Mê Linh (nay thuộc xã Hạ Lôi) đã đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi
Tô Định bởi chính sách tham tàn của nhà Đông Hán. Chính sử Việt Nam và
Trung Quốc đều ghi nhận việc Thái thú Tô Định giết Thi Sách là nguyên nhân

15


trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa do Hai Bà phát động. Tư liệu dân gian thống
nhất với tư liệu chính sử cho rằng Hai Bà “đem binh Phong Châu đánh hãm
các quận huyện”. Thần tích lưu trữ tại làng Hạ Lôi, thị trấn Mê Linh cho biết:
“Trưng Vương khởi nghĩa được một năm, tướng sĩ nam nữ có tới 3 vạn người,
hội tụ tại thành Phong Châu, cử binh đến cửa sông Hát, đại hội ở bãi Trường
Sa” [30, tr.210].
Trước oai hùng của Hai Bà “các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật
Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm
vua, nước xưng là họ Trưng” [7, tr.156].
Đánh giá công lao của hai Bà, sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Trưng
Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam,
Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng
vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được
nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối theo họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong
khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người
phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao”.
[7,tr.157].
Qua cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã mở ra thời kỳ độc lập đầu

tiên của đất nước, cho dù thời gian chỉ vỏn vẹn ba năm. Đây là mốc son chói
lọi trong lịch sử dân tộc thể hiện qua việc chống ngoại xâm do Hai Bà lãnh
đạo ngay trên quê hương mình. Điều này đồng nghĩa với truyền thống chống
giặc ngoại xâm của dân tộc xuất phát từ Mê Linh, quê hương của Hai Bà, diễn
ra vào đầu công nguyên.
+Truyền thống giáo dục khoa cử
Từ khá sớm, huyện Yên Lãng đã xây dựng được hệ thống trường học
từ huyện xuống đến các xã. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết trường học

16


của huyện đặt tại xã Trung Hậu (nay là thị trấn Tiền Phong), dựng vào niên
hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828) [23,tr.209].
Dưới các xã là trường học do dân làng thiết lập mời thầy giáo về giảng
tập cho con em địa phương. Bên cạnh trường làng còn có các trường tư thục
của các gia đình khá giả trong làng. Giáo trình và giờ giấc học tập ở đây đều
do người thầy quyết định nhưng không vượt qua Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng các
sách khác phục vụ cho mục đích thi cử.
Đến kỳ thi Hương, tuỳ theo xã lớn, xã vừa hoặc nhỏ, theo quy chế
đương thời, mỗi xã cử người có trình độ tham dự, sau khi qua vòng khảo hạch
của học quan bản huyện.
Hỗ trợ cho hoạt động giáo dục còn các Hội tư văn cấp xã và thôn, họ
xây dựng văn từ và văn chỉ lấy làm nơi thờ tiên triết tiên hiền của Nho giáo,
khích lệ tinh thần học tập cho sĩ tử.
Nhờ nỗ lực trong giáo dục nên toàn huyện có 10 vị đỗ đại khoa, đều
đỗ trong giai đoạn Lê sơ đến cuối thời Lê Trung Hưng. Trong số này tiêu
biểu nhất là Đỗ Nhuận: Ông người xã Kim Hoa huyện Kim Hoa (nay là
thôn Bạch Đa xã Kim Hoa), đỗ Đệ tam, giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa
Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời vua Lê Thánh Tông.

Làm quan đến chức Thượng Thư, Đông các đại học sĩ, được vời vào hoàng
cung dạy học cho vương tử. Vua Lê Thánh Tông phong cho ông làm Tao
Đàn Phó Nguyên Soái, mời dự các buổi bình thơ của vua. Ông còn là người
đồng biên soạn bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập và sáng tác các bài họa thơ ngự
chế của Lê Thánh Tông.
+Truyền thống về dân ca và lễ hội
Tiêu biểu là hát Xa Mạc – Bồng Mạc. Điệu hát lấy tên của hai làng
Xa Mạc và Bồng Mạc (nay là thôn Xa Mạc và Bồng Mạc xã Liên Mạc). Các

17


nhà nghiên cứu về âm nhạc có chung nhận định: Điệu Xa Mạc – Bồng Mạc
trong dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ chính là bắt nguồn tư đây.
Xa Mạc có tên Nôm là Kẻ Mác cùng với làng Bồng Mạc nằm trên
một dải đất phù sa bồi đắp giống như hình mũi mác, hai bên là đầm nước
mênh mông, với thuyền bè qua lại tấp nập. Những đêm trăng sáng người trên
làng thường cất tiếng hát ví von nhắn nhủ với người dưới thuyền. Rồi hai bên
hát đối đáp, từ đó hình thành một làn điệu gọi chung là điệu hát Xa Mạc –
Bồng Mạc.
Về sau người ta hát với nhau trong lúc rỗi rãi, khi làm đồng hoặc đi
bắt tôm cá. Dần dần dân hai bên làng thường tổ chức hát đối đáp với nhau
suốt đêm. Trải qua thời gian thành truyền thống với lệ bên nam hát đối bên
nữ, bên nam hát mà thua thì sẽ bị tịch thu cả quần dài, chỉ còn quần cộc mang
về, bên nữ mà thua thì sẽ bị nộp khăn cho bên nam [13, tr.327].
Khác với một số địa phương dùng tiếng hát để thờ thần (ca trù, hát
xoan,...) vào dịp đầu xuân thì hát Xa Mạc – Bồng Mạc chỉ hát vào ngày nông
nhàn, đặc biệt là ngày trung thu trăng sáng với cảnh trăng thanh gió mát, trai
gái dập dìu trong điệu hát giao duyên, khiến đời sống của người dân vốn chỉ
quen với nông nghiệp càng trở nên phong phú, tươi vui.

Bên cạnh hát điệu Xa Mạc – Bồng Mạc là lễ hội của các làng xã trong
huyện tổ chức vào dịp đầu xuân. Lễ hội này tổ chức tại đình làng và huyện là
địa bàn của 42 ngôi đình cổ [13,tr.359]. Nội dung của các lễ hội trong huyện
mang đậm nét của cư dân làm nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đơn cử
là trò “Trình nghề” ở thôn Văn Lôi xã Tam Đồng. Tại đây có ngôi đình thờ
Lũ Luỹ Đại Vương – Vị công thần của Hai Bà Trưng. Lễ hội mở vào ngày
mồng 5 tháng giêng có các vai diễn như người đi cày (là nam giới), ba thợ đi
cấy (là nữ giới), một người cuốc góc đeo giỏ (là nam giới), trong giỏ để vỏ ốc
nhồi, một ông Đồ mang bát to làm bằng gỗ xoan, một người bán sách chữ

18


Nho, giấy, bút, mực (nghiên mực làm bằng hòn lóc chẹn bếp). Vai Thiên Lôi
đeo cờ đuôi nheo. Lễ hội tổ chức trong một ngày, du khách thập phương đến
dự rất đông, trở thành ngày hội của cả một vùng [13,tr.372].
1.2. Giới thiệu văn bản tục lệ Hán Nôm của phủ Yên Lãng
1.2.1. Khái niệm về tục lệ
Trong kho thư tịch của VNCHN hiện hay có bộ sưu tập “tục lệ” hay
còn gọi là “phông”tục lệ, do EFEO sưu tầm vào thời điểm trước Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 tại các địa phương nước ta, từ Nghệ An trở ra phía Bắc.
Cụ thể như sau.
Bảng 1: Thống kê văn bản bộ sưu tập tục lệ do EFEO sưu tầm
trước năm 1945.

STT

TÊN TỈNH

SỐ


SỐ TẬP

HUYỆN/PHỦ

TỤC LỆ

TỔNG
SỐ

KÝ HIỆU

TRANG

1

Bắc Giang

6

24

1156

AFa13/1-24

2

Bắc Ninh


2

5

412

AFa8/1-5

3

Hà Đông

9

103

10.276

AFa2/1-103

4

Hà Nam

3

38

5634


AFa10/1-38

5

Hải Dương

2

8

956

AFa14/1-8

6

Hưng Yên

2

86

18.576

AFa3/1-86

7

Kiến An


4

19

720

AFa9/1-19

8

Lạng Sơn

5

23

3038

AFa15/1-23

9

Nam Định

5

50

8158


AFa11/1-48

10

Ninh Bình

5

50

7260

AFa4/1-50

11

Nghệ An

3

31

5868

AFb1/1-31

12

Phú Thọ


6

40

3878

AFa12/1-40

13

Phúc Yên

2

18

3286

AFa7/1-18

14

Quảng Yên

1

4

354


AFa17/1-4

19


15

Sơn Tây

6

46

7598

AFa6/1-46

16

Thái Bình

8

77

12.293

AFa5/1-77

17


Thái Nguyên

3

14

1156

AFa16/1-14

18

Thanh Hoá

1

13

2520

Afb2/1-13

73

647

93.139

CỘNG


18

Từ Bảng Thống kê 1 cho thấy đây là sưu tập tục lệ của khoảng 1700
làng, xã, thôn, phường, ấp, trại,... đóng trong 647 tập, tương đương 93.139
trang (tức 46.569 tờ) của 73 huyện, phủ thuộc 18 tỉnh thành Việt Nam vào
đầu thế kỷ XX.
Gọi là “Sưu tập Tục lệ” nhưng trong “ruột” của văn bản từng xã, thôn,
phường lại có các tên gọi khác nhau. Ví dụ:
- Tục lệ của xã Chu Phan tổng Phương Quan phủ Yên Lãng gọi là
Hương tục鄉俗[39,t.1a].
- Tục lệ của xã Yên Lão Giáp (cùng tổng Phương Quan) gọi là Phong
tục 风俗[73, t.1a].
- Tục lệ xã Yên Nhân tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng gọi là Khoán sự券
事[74; t.1a].
- Tục lệ xã Tây Xá (cùng tổng Đa Lộc) thì gọi là Tục lệ 俗例[60; t.1a].
Tra từ điển Trung Quốc, như Từ nguyên, thì “hương” (鄉) có nghĩa là
một đơn vị hành chính, một địa hạt nhưng phạm vi mỗi thời mỗi khác, như ở
thời Chu, một hương gồm 12.000 nhà. Hương còn là khu vực ngoài thành phố
[78;tr.3115]. Còn “tục” (俗) có nghĩa là tập tục, khí tục [78, tr.221].

20


Ở mục từ “hương tục”(鄉俗), vẫn theo Từ nguyên giải thích thì
“phong tục của hương thổ鄉土风俗” [78, tr.3116], có nghĩa là phong tục ở
đất của một làng, hoặc có thể hiểu là phong tục của một làng.
Từ điển nước ta, chẳng hạn như Hán Việt từ điển thì “hương tục”
được giải thích là “phong tục trong làng” [2, tr.192].
Còn các thuật ngữ như “phong tục”, “khoán sự”, “tục lệ”, xét theo

nghĩa chữ Hán đều có thể giải thích là chỉ những tập tục trong làng xã mà các
thành viên trong cộng đồng sở tại phải tuân thủ.
Trên thực tế nghiên cứu tại vùng đồng bằng Bắc Bộ thì những quy
ước, tập tục trong làng xã có nhiều tên gọi khác nhau. Nhà nghiên cứu Vũ
Duy Mền và Hoàng Minh Lợi đưa ra trên 50 tên gọi, bao gồm các thuật như
như cổ lệ, cựu khoán, điều lệ, điều ước, giao từ, hương khoán, hương ước,...
[16, tr.22-23].
Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân gọi đây là “tục lệ”, dùng để đặt tên
cho công trình “Tục lệ làng xã cổ truyền Viêt Nam” [29].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí đặt tên cho công trình nghiên cứu về
phong tục tập quán của người Hà Nội với tiêu đề kép “Tuyển tập hương ước
tục lệ” [22].
Gần đây, nhà nghiên cứu Đào Phương Chi trong bài viết đăng trên
Thông báo Hán Nôm “Nghĩ về sự phân kỳ văn bản hương ước” cũng cho rằng
“Hương ước còn gọi là tục lệ, khoán lệ, hương lệ...” [4, tr.69].
Như vậy, vào đầu thế kỷ XX, khi sưu tầm tư liệu làng xã ở vùng đồng
bằng Bắc Bộ, EFEO đã chú ý đến loại hình văn bản tục lệ, hương ước, khoán
ước, cựu ước, cổ lệ,... và đặt tên thành sưu tập “Tục lệ” (ký hiệu AF) nhằm

21


×