Tải bản đầy đủ (.doc) (102 trang)

NỘI DUNG ôn THI học sinh giỏi ngữ văn 9

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (443.23 KB, 102 trang )

LÝ THUYẾT VỀ ĐOẠN VĂN
I. Liên kết:
- Khái niệm: Liên kết là những mối quan hệ qua lại chặt chẽ giữa các câu, giữa các đoạn, giữa
các phần, các bộ phận của văn bản. Chính tính liên kết là cơ sở để tạo nên tính chỉnh thể của
văn bản.
1. Thế nào là liên kết câu? Phương tiện liên kết bao gồm những gì? Cho ví dụ minh hoạ?
- Liên kết câu trong văn bản thực chất là thực hiện những mối quan hệ ý nghĩa giữa câu với câu,
câu với toàn văn bản. Các câu liên kết với nhau phải có nội dung cùng hướng về sự việc chung
cần nói đến.
- Phương tiện liên kết phong phú: Những từ ngữ, tổ hợp từ…
- VD1: …Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
( “ Đất nước” - Nguyễn Đình Thi)
=> Các từ, tổ hợp từ: “ từ” với “ từ”, “ đã” với “ đã”, “ nét mặt quê hương” với “ gốc lúa bờ
tre”. Các phương tiện lên kết ấy cùng hướng về một nội dung chung nhất: thời gian đã dồn nén
lòng căm thù giặc, tích tụ tình yêu quê hương và nuôi dưỡng ý chí chiến đấu để bảo vệ quê
hương.
2. Phép liên kết là gì? Phép liên kết đa dạng như thế nào? Cho ví dụ?
- Phép liên kết: là cách sử dụng những phương tiện liên kết cùng loại để liên kết câu.
- Phép liên kết khá đa dạng và biến hoá: Phép nối, phép lặp, phép thế, phép liên tưởng, phép nghịch
đối, phép trật từ tuyến tính….
- VD: “ Nước non nặng một lời thề,
Nứơc đi đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nứơc đi chưa lại, non còn nhớ không”.
( “ Thề non nước” - Tản Đà)
a. Phép nối:
- Là cách liên kết câu bằng từ, tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ.
- Phương tiện dùng trong phép nối là: Quan hệ từ ( và, vì, nhưng, thì, mà, nếu, cho nên, rồi….),


các từ ngữ chuyển tiếp ( bời vậy, nếu thế, dẫu vậy, tuy thế, vậy mà, đã vậy….), các phụ từ ( lại,
cũng, lại còn..), các trợ từ, phó từ ( vẫn, càng, sẽ, cùng...)
- Phân loại: 2 loại
+ Phép nối lỏng: là cách dùng phương tiện nối là những cụm từ liên kết mang tính chất
quan hệ thường đứng đầu câu hay đầu đoạn văn và thường tách ra với phần đứng sau bằng
dấu phẩy ( Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác phải có chí, chớ dấu dốt, nhờ tự phê bình và
phê bình mà tiến bộ - HCMinh).
+ Phép nối chặt: những phương tiện nối có tính chất sang đôi hô ứng nhau chặt chẽ như:
Vì… nên; nếu….thì; tuy….. nhưng…..
-> Phép nối rất quan trọng. Nó làm cho văn liền mạch, lời với lời, câu với câu, đoạn với đoạn… gắn
bó chặt chẽ trong một chỉnh thể văn bản. Nếu không biết sử dụng phép nối thì nói và viết sẽ rời rạc,
kém cỏi.
- VD: “ Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ đang phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
1


Và này đây ánh sáng chớp hàng mi…
( “ Vội vàng”- Xuân Diệu)
b. Phép lặp:
- Là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ nào đó để tạo ra tính liên kết
giữa các câu chứa yếu tố đó. ( Lặp không chỉ để liên kết câu mà còn tạo ra những sắc thái tu từ
khác nhau để nhấn mạnh ý, đề tạo nên nhạc điệu, nhịp điệu….)
- Có 3 cách sử dụng phép lặp: Lặp ngữ âm, lặp từ vựng(tạo cho văn bản tính chính xác, rõ ràng,
chặt chẽ. Trong một số trường hợp còn được dùng như một thủ pháp nghệ thuật), lặp cú pháp(tạo
cho văn bản những cấu trúc song hành đối xứng nhip nhàng giữa các câu, nó vừa là một hình thức
tạo mạch liên kết vừa là một biện pháp tu từ nhằm nhấn mạnh một nội dung nào đó...).
- VD: Bốn cửa anh chạm bốn đèn

Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ
Một đèn đọc sách ngâm thơ
Một đèn anh để đợi chờ nàng đây
( Ca dao)
+ Lặp từ vựng: anh ( 2), đèn ( 5), bốn ( 2), một ( 4).
+ Lặp cấu trúc cú pháp: Câu 2,3,4
+ Lặp ngữ âm: Tơ - thơ - chờ.
c. Phép thế:
- Là cách dùng những từ, tổ hợp từ khác nhau, nhưng cùng chỉ về một vật, một việc để thay thế
cho nhau; và qua đó tạo nên tính liên kết giữa các câu chứa chúng.
- Phương tiện: Các đại từ, các từ, tổ hợp từ đồng nghĩa, các từ, tổ hợp từ khác nhau ( cùng chỉ
về một vật, một sự việc).
- Ví dụ: Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó. Nó thoát được.
Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền. Cuối cùng em tóm lấy hai đầu chân sau của nó và em bật
cười nhìn con vật cố giãy giụa thoát thân…
( “ Bố của Xi - mông”- Mô- pa- xăng)
(Thế đại từ: Chú nhái -> nó; Thế bằng từ gần nghĩa: chú nhái -> con vật)
d. Phép liên tưởng:
- Trong liên kết câu là cách dùng các từ, tổ hợp từ có quan hệ liên tưởng trong từng câu giúp tạo
ra sự liên kết giữa các câu chứa chúng.
- VD: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân ly chói qua tim
Hồn tôi là một vương hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
( “ Từ ấy” - Tố Hữu)
-> Liên tưởng: “ Trong tôi” (lòng) -> Tim -> hồn.
Bừng - > chói.
Nắng hạ -> mặt trời.
Vườn -> hoa-> lá- > hương -> tiếng chim.
e. Phép trật tự tuyến tính:

- Là sự liên kết được tạo ra do trật tự trước sau của các câu có liên quan. Trật tự tuyến tính của
câu trong liên kết lệ thuộc vào những nhân tố dễ nhận thấy là: mục đích cần đạt của người nói,
cách nhìn nhận sự việc của người nói.
2


- VD: Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh
Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ra rước Nhật. Từ đó nhân
dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả
là từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị
chết đói.
( “ Tuyên ngôn độc lập” - Hồ Chí Minh)
-> Đoạn văn có 4 câu, cấu trúc chặt chẽ theo phép liên kết trật tự tuyến tính trước sau:
- Sự việc diễn ra từ mùa thu 1940 đến đầu năm nay ( 1945).
- Sự việc phát triển theo thời gian và nhân - quả.
Pháp hàng Nhật, rước Nhật vào Đông Dương-> dân ta một cổ 2 tròng-> càng cực khổ, nghèo
nàn-> hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói.
g. Phép nghịch đối:
- Là cách dùng các từ, tổ hợp từ có quan hệ nghịch đối trong từng câu giúp tạo ra sự liên kết
giữa các câu chứa chúng. Nghịch đối giữa hai câu trái nghĩa nhau; nghịch đối giữa phủ định và
khẳng định; nghịch đối trong miêu tả ước lệ có ý nghĩa trái ngược nhau.
- VD: Thân thể ở tron lao
Tinh thần ở ngoài lao
( Hồ Chí Minh)
II. Đoạn văn:
1. Đoạn văn là gì?
- Đoạn văn là một phần của văn bản ( là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản).
- Về nội dung: đoạn văn có thể hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn chỉnh.
+ Khi đoạn văn chứa nội dung hoàn chỉnh, đoạn văn thể hiện một ý ( đoạn ý).
( Đủ cấu trúc 3 phần: Mở đoạn, triển khai đoạn, kết thúc đoạn-> thể hiện trọn vẹn một tiểu chủ

đề)
+ Khi đoạn văn chưa hoàn chỉnh, hai, ba đoạn mới thể hiện hoàn chỉnh một ý
( đoạn văn không trùng với đoạn ý).
- Về hình thức: có dấu hiệu mở đoạn ( lùi đầu dòng, viết hoa) và dấu hiệu kết thúc đoạn (dấu
ngắt câu, xuống dòng).
- VD: Vì ông lão yêu làng thiết tha nên vô cùng căm uất khi nghe tin làng theo giặc.(1)Hai tình
cảm tưởng chừng mâu thuẫn ấy đã dẫn đến một sự xung đột nội tâm dữ dội (2). Ông Hai dứt
khoát lựa chọn theo cách của ông: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù (3). Đây
là một nét mới trong tình cảm của người nông dân thời kì đánh Pháp(4). Tình cảm yêu nước
rộng lớn hơn đã bao trùm lên tình cảm đối với làng quê (5). Dù xác định như thế, nhưng ông
Hai vẫn không thể dứt bỏ tình yêu đối với quê hương; vì thế mà ông xót xa cay đắng(6).
* Nhận xét:
- Chủ đề của đoạn văn trên: Tâm trạng mâu thuẫn của ông Hai khi nghe tin làng mình
theo giặc ( Tập trung khái quát ở câu 1,2).
- Về nội dung: Đoạn văn trên có 3 phần.
+ Câu 1,2 là phần mở đoạn: phần này chứa đựng ý khái quát của đoạn văn, gọi là câu chủ
đề. ( Câu chủ đề có thể là một hoặc hai câu)
+ Câu 3,4,5 là phần thân đoạn: phần này triển khai đoạn văn, mỗi câu văn đề cập tới một
biểu hiện cụ thể của chủ đề, liên quan đến chủ đề của đoạn văn.
+ Câu 6 là phần kết đoạn: phần này khắc sâu chủ đề của đoạn.
- Về hình thức:
3


+ Đoạn văn trên được hình thành bằng 6 câu văn được liên kết với nhau bằng các phép liên kết
hình thức: phép lặp, phép thế.
+ Đoạn văn trên được viết giữa hai dấu chấm xuống dòng, chữ cái đầu đoạn được viết hoa lùi
vào một chữ.
* Lưu ý: Đoạn văn trên có đủ kết cấu 3 phần, khi viết đoạn văn, không phải bao giờ cũng nhất
thiết có đủ 3 phần như vậy.

VD: đoạn văn quy nạp, câu mở đầu đoạn không chứa đựng một ý khái quát mà là câu cuối
cùng, đoạn diễn dịch, câu cuối cùng kết thúc đoạn không chứa đựng ý khái quát, chủ đề đã
được nêu rõ ở câu mở đoạn.
2. Đề tài trong đoạn văn?
- Đề tài trong đoạn văn là những sự vật, sự việc, hiện tượng chính được nói tới trong đoạn
văn.
- Có đoạn chứa một đề tài, cũng có đoạn chứa hơn một đề tài, lại có đoạn văn chỉ chứa một bộ
phận của đề tài.
- VD: Đã sang thán tám, vùng cao không còn mưa nữa. Trời xanh trong. Những dãy núi dài
xanh biếc. Nước chảy róc rách trong khe núi. Đàn bò đi ra đồi, con vàng mượt. Nương lúa
vàng óng. ( Tô Hoài)
-> Mùa thu trên vùng cao -> đề tài trong đoạn văn.
3. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề?
* Từ ngữ chủ đề: Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ được dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ được
lặp lại nhiều lần ( Là các chỉ từ, đại từ, từ đồng nghĩa) nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt
trong đoạn văn.
* Câu chủ đề trong đoạn văn: là câu mang nội dung thông tin chính, lời lẽ ngắn gọn,
thường đủ chủ ngữ, vị ngữ mà phần lớn các trường hợp đều đứng ở vị trí đầu đoạn hoặc cuối
đoạn văn. Câu chủ đề có chức năng nêu rõ đề tài - chủ đề mà đoạn văn biểu đạt. ( Hạt nhân
của đoạn văn, chi phối toàn bộ đoạn văn)
- Tác dụng của câu chủ đề:
+ Đối với người cấu tạo văn bản, câu chủ đề giúp cho việc thể hiện nội dung tập trung hơn,
thống nhất hơn. Định ra được hướng cho cả đoạn.
+ Người tiếp nhận câu chủ đề giúp cho việc tiếp nhận nhanh chóng, chính xác nội dung.
+ Đối với học sinh giúp các em viết tốt văn bản, đọc nhanh, đọc có hiệu quả văn bản.
- VD1: Thế đấy, biển luôn luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển
cũng xanh thẳm như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng hồng, biển mơ màng dịu hơi
sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm giông gió, biển đục ngầu giận
dữ.
( Nguyễn Hoàng Khung)

( Câu 1 biểu thị nội dung cơ bản của đoạn trích. Các câu tiếp theo đều chịu sự chi phối ngữ
nghiã của câu chủ đề và phục vụ cho nội dung của câu chủ đề, mỗi câu thể hiện một nét nghĩa
khía cạnh của câu chủ đề.).
4. Trình bày đoạn văn theo các cách:
a. Đoạn vặn diễn dịch:
- Đây là đoạn văn có câu chủ đề đứng ở vị trí câu số 1 trong đoạn văn hoặc ở vị trí câu 2, 3 sau
câu chuyển tiếp, là đoạn văn dùng rất phổ biến trong văn nghị luận.
- Kết cấu 2 phần:
+ Phần 1: Nêu tiểu chủ đề, mà tiểu chủ đề thường là một nhận định khái quát. Cô đọng trong
một câu, câu đó là câu chủ đề.
4


+ Phần 2: Cụ thể hoá, triển khai chủ đề bằng giải thích, chứng minh, phân tích, nêu nguyên
nhân - hệ quả… và có khi còn bao hàm cả ý kết luận.
- Gồm:
+ Diễn dịch giải thích: các ý sau câu chủ đề giải thích nội dung câu chủ đề. Có thể
giải thích bằng lí lẽ hay sự kiện.
VD:
- Bằng lí lẽ: Dạy văn chương ở phổng thông có nhiều mục đích. Trước hết nó tạo điều kiện cho
học sinh phổ thông tiếp xúc với một loại sản phẩm đặc biệt của con người, kết quả của một thứ
lao động đặc thù - lao động nghệ thuật. Đồng thời dạy văn chính là hình thức quan trọng giúp
các em hiểu biết, nắm vững và sử dụng tiếng mẹ đẻ cho đúng, cho hay. Dạy văn chương cũng
là một trong những con đường của giáo dục thẩm mĩ.
( Lê Ngọc Trà)
- Bằng sự kiện: Nguyễn Khuyến rất có ý thức về khí tiết của ông. Trong khoảng 20 năm ra
làm quan cho nhà Nguyễn, khi thì ở Huế, khi thì ở Nghệ An, khi thì ở Thanh Hoá, khi thì ở Hà
Nội, khi thì ở các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang, lúc nào ông cũng sống một cuộc đời
cần, kiệm, liêm, chính, không làm việc gì làm nhơ bẩn đến đạo đức cao thượng của ông. Ông
đã vịnh mình như cái lược quý bằng đồi mồi dùng để chải cho sạch hết các bụi bẩn.( Văn Tân)

+ Diễn dịch chứng minh: Các ý sau câu chủ đề chứng minh nội dung trong câu chủ đề là đúng
( hoặc sai), có thể chứng minh bằng số liệu, bằng lí lẽ nhưng cũng phải thực tế xác nhận là
đúng hoặc sai.
VD: Có nhiều người có bệnh “ dùng chữ Hán”, nhưng tiếng ta sẵn có không dùng mà dùng
chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: ba tháng không nói là ba tháng mà nói tam cá nguyệt. Xem
xét không nói xem xét mà nói quan sát…
+ Diễn dịch toàn thể - bộ phận: Các ý câu sau chủ đề nêu ra những bộ phận hợp thành cái toàn
bộ được nêu ra trong câu chủ đề. ( Lưu ý: tách các bộ phận không được tuỳ tiện mà cần đảm
bảo tổ chức tự nhiên của sự vật như nó vốn có trong hiện thực).
VD: Chẳng có nơi nào như Sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng, thân cọ cao vút. Búp cọ dài
như thanh kiếm sắc. Lá cọ tròn xoè ra như phiến nhọn dài.
( Nguyễn Thái Vận)
+ Diễn dịch bao hàm: Các ý câu sau chủ đề nêu những loại nhỏ nằm trong loại lớn hơn được
nêu ra trong câu chủ đề.
VD: Sau trận mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi. Những đoá râm bụt thêm màu đỏ chói. Bầu
trời xanh bóng như vừa được gột rửa. Mấy dám mây bông trôi nhởn nhơ sáng rực lên trong
ánh mặt trời.
( Vũ Tú Nam)
b. Đoạn văn quy nạp:
- Đoạn văn mở đầu bằng những phán đoán cụ thể, riêng rẽ để đi đến một phán đoán chung.
Phán đoán chung đó là trung tâm thông tin của đoạn văn và cũng nằm trong một câu ở vị trí
cuối đoạn. Câu đó là câu chủ đề.
- Cấu trúc cũng giống như đoạn văn diễn dịch nhưng hướng phát triển ngược
lại.
- Gồm:
+ Quy nạp mang nghĩa khái quát:
VD: Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách.
Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể. Đâu đâu
5



cũng có trường học, nhà gửi trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho hợp tác, nhà mới của xã
viện. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần
ngày càng tiến bộ.
( Hồ Chí Minh)
+ Quy nạp mang nghĩa tóm tắt:
VD: Những cách chống nạn đói chia làm mấy hạng: như cấm nấu rượu bằng gạo hay bắp,
cấm các thứ bánh ngọt… để cho đỡ tốn ngũ cốc. Như vùng này
san sẻ thức ăn cho vùng khác, đỡ đầu cho vùng khác. Như ra sức tăng gia
trồng trọt các thứ rau khoai….. Nói tóm lại bất cứ cái gì, hễ làm cho dân
đỡ đói lúc này và ngăn ngừa nạn đói mùa sau, chúng ta đều phải lảm cả.
( Hồ Chí Minh)
+ Quy nạp mang nghĩa nhân quả:
VD: Trong hàng ngàn năm dưới ách thống trị của phong kiến ngoại bang
xâm lược… văn nghệ bác học cổ điển của ta có những tiến bộ mang cái
cốt cách dân tộc, nhưng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng thống trị
ngoại bang… Trong gần một thập kỉ dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, văn nghệ
bác học của ta bị lai căng, nhưng vẫn có những tác phẩm
tiến bộ, tuy nhiên nền văn nghệ bác học đó cũng không tích cực bằng văn
nghệ quần chúng…. Vì vậy, muốn phát huy truyền thống dân tộc tốt đẹp,
lành mạnh, phong phú và sâu sắc thì trước hết phải chú trọng đến văn
nghệ quần chúng.
( Hà Huy Giáp)
+ Quy nạp mang nghĩa đánh giá:
VD: Trong bốn lần gẩy đàn thì chỉ có lần đầu gẩy đàn cho Kim Trọng
nghe là Kiều tự nguyện nhất. Thuý Kiều đã trổ hết tài năng và hiểu biết
của mình trong ngón đàn: nào lưu thuỷ, hành vân, nào khúc Quảng Lăng,
Khúc Chiêu Quân. Đó là tiếng đàn của mùa xuân, của buổi mai, của tuổ
i trẻ, của tình yêu, của những gặp gỡ diệu kì giữa nhạc và thơ.
( Tế Hanh)

c. Đoạn văn song hành ( không có câu chủ đề):
- Đoạn văn có câu triển khai những nội dung song song với nhau, không nội dung nào bao
trùm nội dung nào. Không có phần mở đầu và kết thúc. Các câu trong đoạn đều thuộc phần
triển khai, mỗi câu nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn đang ở dạng hàm ẩn.
- VD: Mọi tiếng động trong nông trường đã im bặt từ lâu. Những qủa đổi trọc nằm gối đầu
vào nhau ngủ im lìm. Chỉ có tiếng gió và bóng tối vẫn thì thào đi lại. Hơi lạnh trên khắp mọi
nẻo căm căm.
( Hồ Phương)
+ Đoạn văn song hành sóng đôi: ( có nội dung hai tiểu chủ đề được triển khai song song nhằm
phục vụ cho chủ đề chung thường ở dạng hàm ẩn)
VD: Nếu Thuý Vân có vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang thì Thuý Kiều mang một vẻ đẹp “ sắc sảo,
mặn mà”. Nếu Thuý Vân có sắc đẹp kiều diễm với gương mặt đầy đặn như trăng tròn, miệng
cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc thì Thuý Kiều lại có sắc đẹp “ nghiêng nước,
nghiêng thành” với đôi mắt trong như nước mùa thu, đôi lông mày đẹp như dáng núi mùa
xuân. Nếu cái đẹp của Thuý Vân khiến cho “ Mây thu nước tóc, tuyết nhường màu da” thì
cái đẹp của Thuý Kiều lại khiến cho “ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
6


+ Đoạn văn song hành tương phản: ( chủ đề đoạn văn triển khai theo hướng đối lập nhau
nhưng cùng thống nhất trong một chủ đề để làm nổi bật hướng của vế sau).
VD: Phượng không thơm, phượng chưa hẳn là đã đẹp nhưng phượng đỏ và phượng nhiều,
phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang. Hoa phượng tươi cười, nhưng mà tươi quá quắt.
Hoa phượng đẹp nhưng đẹp não nùng.
( Xuân Diệu)
+ Song hành liệt kê:
VD: Các bài thơ của Bác đẹp ở chữ, ở lời, ở câu, ở bố cục cân đối, hài hoà. Đẹp ở hình tượng,
phong cách, đẹp ở cảm xúc, âm thanh, màu sắc, nhạc điệu, hình khối. Đẹp vì tứ cao, ý sâu. Đẹp
vì giản dị, lộng lẫy, hùng vĩ, cao cả, hài hoà.
+ Song hành phối hợp diễn dịch - qui nạp: ( Tổng - phân - hợp)

- Cấu trúc:
+ P1: Mở đầu: nêu tiểu chủ đề của cả đoạn, thường là một câu, đó là câu chủ
đề.
+ P2: Thân bài: triển khai các khía cạnh, các mặt biểu hiện của tiểu chủ đề, cụ thể hoá và
phát triển tiểu chủ đề bằng chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận, nhận xét hoặc nêu cảm
tưởng.....
+P3: Kết đoạn: thâu tóm tinh thần nội dung của cả đoạn, nâng tiểu chủ đề lên một bước khái
quát mới khẳng định thêm giá trị của vấn đề như tiểu kết hoặc mở ra một tiểu chủ đề kế cận.
VD: (1) Con gà rừng có lông vũ nhiều sắc nhưng chỉ bay được trăm bước, đó là vì thịt và
xương của nó quá nhiều, mà sức của nó ít. (2) Con chim ưng, con diều ó, thiếu máu sắc, nhưng
bay thì tung trời, đó là vì xương nó cứng và khí mạnh. (3) Tài sức trong văn chương cũng
giống như vậy. (4) Nếu có phong cách mà thiếu vẻ đẹp thì cũng như chim ưng trong rừng búi.
(5) Nếu cái đẹp mà thiếu hong cách thì cũng
như con gà rừng nhảy ở vườn hoa. (6) Chỉ có văn đẹp mà lại bay cao thì mới là con phượng
hoàng cất tiếng trên văn đàn vậy.
( Hữu Hiệp)
-> Câu ( 1), (2), (3) liên kết ngữ nghĩa với nhau bằng cấu trúc qui nạp, trong đó câu (3) là câu chủ
đề. Câu ( 3). ( 4), (5) liên kết với nhau theo cấu trúc diễn dịch trong đó câu (3) lại là câu chủ đề.
Và cuối cùng hợp lại thì các câu ( 1), ( 2), (3), (4),( 5),(6) liên kết với nhau theo cấu trúc qui nạp,
đây là một qui nạp mới có cấp độ ngữ nghĩa lớn hơn qui nạp ban đầu và câu ( 6) là câu chủ đề cho
cả đoạn.
d. Đoạn văn móc xích:
- Các câu được nối tiếp nhau về ý nghĩa theo kỉêu chuỗi xích: hệ quả của câu trước là tiền đề
cho câu sau, hay nói chính xác hơn là phần báo ( vị ngữ) của câu trước phải là phần nêu ( chủ
ngữ) của câu sau thường theo mối quan hệ nhân - quả, các câu đứng sau tiếp tục phát triển dẫn
dắt các ý đến hệ quả cuối cùng ở câu cuối cùng đoạn. Nhưng cũng có khi cấu trúc móc xích
được nới rộng, mềm dẻo, chỉ cần hai câu được nối với nhau bằng quan hệ liên kết tiếp giáp là
được.
VD: 1. Móc xích chuỗi xích.
Muốn xây dung chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất thì

phải cải tiến kĩ thuật. Muốn cải tiến kĩ thuật thì phải có văn hoá. Vậy việc bổ túc văn hóa là cực
kì cần thiết.
( HCM)
2. Móc xích mềm dẻo:
7


Đường vắng ngắt, chưa đến 8 giờ mà đường đã vắng ngắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe
cao su kín mít như bưng, lép nhép chạy uể oải, tia ra hai cánh gà hai dòng khói thuốc lá. Lại
thỉnh thoảng, một người đi lén dưới mái hiên, run rẩy, vội vàng.
( Nguyễn Công Hoan)
-> Cụm từ : thỉnh thoảng, lại thỉnh thoảng gắn kết 3 câu trong đoạn văn trên lại với nhau theo
quan hệ liên kết tiếp giáp. Chỉ với điều kiện này, đoạn văn trên được cấu trúc theo kỉêu móc
xích.
* Đoạn văn có cấu trúc móc xích trong văn bản thường xuất hiện ở các tiểu loại:
Móc xích nhân - quả hay móc xích điều kiện - kết qủa. Móc xích nhân - qủa như ví dụ về chuỗi
móc xích vừa dẫn ở trên. Móc xích điều kiện - kết quả cũng tương tự.
3. Móc xích suy luận:
Đọc thơ Nguyễn Trãi, nhiều người đọc khó mà biết có đúng là thơ của ông không? Đúng là
thơ Nguyễn Trãi thì cũng khổng phải dễ mà hiểu đúng. Lại có khi chữ hiểu đúng, câu hiểu đúng
mà toàn bài không hỉêu. Không hểu vì không biết chắc bài thơ đã được viết ra lúc nào trong
cuộc đời nhiều chìm, nổi của Nguyễn Trãi.
( Hoài Thanh)
4. Móc xích hỏi đáp:
Hạnh phúc là gì? Một số người cho đó là sự thoả mãn. Trong một chừng mực nào đó thì họ
đúng. Một ngụm nước mát đối với người sắp chết khát - đó không đơn thuần là sự thoả mãn. Đó là
hạnh phúc. Và ngay một mẩu bánh mì đối với người sắp chết đói, một túp lều ấm cúng đối với
người lữ khách đang gặp cơn bão tuyết cũng là hạnh phúc. Còn hạnh phúc của chúng tôi và các
bạn - đó chả lẽ là sự thoả mãn thôi sao? Dĩ nhiên không phải.
( Tâm lí học lí thú)

5. Móc xích trình bày tính liên tục của những sự kiện hành động trong không gian hoặc
thời gian.
Thỉnh thoảng, anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi ở đằng xa hay không. Thì chỉ thấy đánh
đẹt, loè một cái ở giữa đường làng anh ta giật mình đánh thót. Giật mình rồi lại thở dài, ngắn
cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng cái xe đi, làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì
xoay ra nghề gì?
( Nguyễn Công Hoan)
6. Móc xích lập luận 3 đoạn: nôị dung của đoạn văn này có cấu trúc gồm 3 phần:
- P1: Tiền đề lớn.
- P2: Tiền đề nhỏ.
- P3: Kết luận.
( Muốn rút ra một kết luận đúng đắn, tiền đề lớn phải là một chân lí.)
Các tác phẩm văn học Việt Nam giá trị đều có tính nhân văn. “ Truyện Kiều” của Nguyễn
Du là một tác phẩm văn học có gía trị. Bởi vậy, “ Truyện Kiều” là một tác phẩm có tính nhân
văn, không ai có thể phủ nhận được.
-> Đoạn văn vừa dẫn có:
+ Câu 1: tiền đề lớn, là chân lí.
+ Câu 2: tiền đề nhỏ.
+ Câu 3: kết luận rút ra từ hai tiền đề, là kết luận có giá trị.
e. Đoạn so sánh:
1. So sánh tương đồng: Là đoạn văn có sự so sánh tương tự nhau dựa trên một ý tưởng;
so sánh với một tác giản, một đoạn thơ, một đoạn văn.... có nội dung tương tự nội dung đang
nói đến.
8


VD: Đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về câu thơ kết trong bài "Nghe tiếng giã gạo"
của Hồ Chí Minh.
Ngày trước tổ tiên ta có câu: " Có công mài sắc có ngày nên kim". Cụ Nguyễn Bá Ngọc,
một nho sĩ đầu thế kỉ XX cũng viết: " Đường đi không khó

vì ngăn sông cách núi mà khò vì lòng người ngại núi e sông". Sau này, vào đầu những năm
40, giữa bóng tối ngục tù của Tưởng Giới Thạch, nhà thơ Hồ
Chí Minh cũng đã đề cập tới tính kiên nhẫn, chấp nhận gian lao qua bài thơ " Nghe tiếng giã
gạo" , trong đó có câu " Gian nan rèn luyện mới thành công", câu thơ thể hiện phẩm chất tốt
đẹp, ý chí của Hồ Chí Minh đồng thời còn là
châm ngôn rèn luyện cho mỗi chúng ta.
* Mô hình đoạn văn: Câu nói của tổ tiên, câu nói của Nguyễn Bá Ngọc
( c1,2) có nội dung tương đương với nội dung câu thơ của Hồ Chí Minh (c4)
đây là đoạn văn mở bài của đề tài giải thích câu thơ trong bài thơ
" Nghe tiếng giã gạo" của Hò Chí Minh có kết cấu so sánh tương đồng.

2. So sánh tương phản: Là đoạn văn có sự so sánh ngược chiều nhau về nội dung ý
tưởng: những hình ảnh thơ văn, phong cách tác giả, hiện thực cuộc sống... tương phản nhau.
VD: Đoạn văn so sánh tương phản: nội dung nói về việc học và hành.
Trong cuộc sống, không thiếu những người cho rằng cần học tập để trở thành kẻ có tài,
có tri thức giỏi hơn người trước mà không hề suy nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa vốn
là giá trị cao quý nhất trong các giá trị của con người. Những người ý luôn hợm mình, không
chút khiêm tốn, đôi khi trở thành người vô lễ, có hại cho xã hội. Đối với những người ấy, chúng
ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân : " Tiên học lễ, hậu học văn".
* Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là nói về quan niệm của việc học: học để làm
người. Câu 1,2 nêu nội dung trái ngược với ý tưởng; câu 3 nêu ý tưởng. Nội dung tương phản
với ý tưởng bao giờ cũng được đề cập trước, sau đó dẫn đến nội dung chính của ý tưởng. Đây là
đoạn văn mở bài, giải thích câu nói của Khổng Tử:
" Tiên học lễ, hậu học văn"
g. Đoạn văn nhân quả:
1. Trình bày nguyên nhân trước, kết quả sau: Đoạn văn có kết cấu 2 phần, phần trước
trình bày nguyên nhân, phần sau trình bày kết quả của sự việc, hiện tượng, vấn đề.....
VD: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói về chi tiết Vũ Nương sống lại dưới thủy cung trong "
Chuyện người con gái Nam Xương".
Câu chuyện có lẽ chấm hết ở đó nhưng dân chúng không chịu nhận cái tình thế đau đớn

ấy và cố đem một nét huyền ảo đề an ủi ta. Vì thế mới có đoạn hai, kể chuyện nàng xuống thủy
cung và sau lại còn gặp chồng một lần nữa.
2. Trình bày kết quả trước, nguyên nhân sau: Phần trước nêu kết quả, phần sau nêu
nguyên nhân.
VD: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói về lòng hiếu nghĩa của Thúy Kiều trong cảnh lưu
lạc.
Chính trong hoàn cảnh lưu lạc quê người của nàng ta mới thấy hết được tấm lòng chí
hiếu của người con gái ấy. Nàng biết sẽ còn bao cơn " cát dập sóng vùi" nhưng nàng vẫn chỉ lo
cánh cánh cho cha mẹ thiếu người đỡ đần, phụng dưỡng vì hai em còn " Sân hòe đôi chút thơ
ngây". Bốn câu mà dùng tới 4 điển tích " người tựa cửa", " quạt nồng ấp lạnh", "sân lai", "gốc
9


tử". Nguyễn Du đã làm cho nỗi nhớ của Kiều đậm phần trang trọng, thiết tha và có chiều sâu
nhưng cũng không kém phần chân thực.
* Ý tưởng của đoạn văn: bình về lòng hiếu nghĩa của Kiểu, câu 1 nêu kết quả, 3 câu còn lại
nêu nguyên nhân.

THỰC HÀNH CÁC ĐỀ
* DẠNG BÀI : Viết đoạn văn trình bày theo các cách.
Bài số 1: Viết đoạn văn diễn dịch, phân tích lòng yêu nghề, say mê công việc của anh thanh
niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
( kết thúc đoạn là câu cảm thán).
* Gợi ý:
Mô hình cấu trúc đoạn văn diễn dịch:
- Câu mở đoạn ( câu chủ đề) Câu 1: Nêu đặc điểm bao quát của anh thanh niên. ( Anh thanh
niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một người yêu nghề, say mê
công việc, có tinh thần trách nhiệm cao)
- Các câu sau triển khai chứng minh cho đặc điểm đó.
- Câu kết đoạn: đánh giá suy nghĩ về lẽ sống đẹp của anh.

- Đoạn văn minh họa:
Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một
người yêu nghề, say mê công việc, có tinh thần trách nhiệm cao. Công việc của anh là làm
công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu với nhiệm vụ cụ thể là đo gió, đo mưa, tính nắng, tính
mây, đo sự chấn động của vỏ trái đất. Anh làm việc đó một mình ở đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét,
nơi chỉ có cây cỏ và sương mù bao phủ quanh năm. Công việc anh làm gian khổ, thầm lặng
nhưng có ý nghĩa giúp dự báo thời tiết để nhân dân ta sản xuất và chiến đấu. Phải là người yêu
nghề, say mê với công việc, anh mới trụ vững ở đỉnh Yên Sơn, mới chiến thắng được sự cô đơn
một mình. Đam mê công việc nên anh tìm thấy niềm vui trong công việc " Khi ta với công việc
là đôi, sao có thể gọi là một mình được". Thật cảm động khi anh tâm sự bày tỏ với ông họa sĩ "
Công việc gian khổ như thế đấy, nhưng cất nó đi, cháu buồn chết đi được". Suy nghĩ của anh
chính là suy nghĩ của thế hệ trẻ ở thập niên 70 của thế kỉ XX , thật đẹp biết bao!
Bài số 2: Viết đoạn văn khoảng 10 – 12 câu, theo cách lập luận diễn dịch phân tích về đặc
điểm nổi bật của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân. Đoạn văn có sử
dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm ( gạch chân yếu tố miêu tả, biểu cảm đó)
* Gợi ý:
- Về hình thức: đoạn văn viết 10 -12 câu, theo cách lập luận diễn dịch và có sử dụng yếu tố
miêu tả và biểu cảm.
- Về nội dung: Cần phân tích nhân vật ông Hai qua những gợi ý sau:
+Câu chủ đề là câu mở đoạn:Nêu đặc điểm nổi bật của nhân vật ông Hai.
( Ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân là nhân vật điển hình cho người nông dân
trong kháng chiến chống Pháp có tình yêu làng, yêu nước cảm động.)
+ Các câu sau triển khai tình yêu làng, yêu nước của ông Hai:
- Hay khoe làng, tự hào làng cách mạng, làng kháng chiến.
- Khi phải đi tản cư, nhớ làng, hỏi thăm về làng.
- Nghe tin dữ thấy đau đớn, xấu hổ, luôn ám ảnh ông.
10


- Mụ chủ có ý đổi thì ông rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Xung đột nội tâm.

- Tin được cải chính, ông lại vui và tự hào về làng.
- Đoạn văn minh họa:
Ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân là nhân vật điển hình cho người nông
dân trong kháng chiến chống Pháp có tình yêu làng, yêu nước cảm động. Ông Hai yêu làng
chợ Dầu của mình nên thường hay khoe và tự hào về làng của ông là làng cách mạng, làng
kháng chiến. Vì hoàn cảnh ông phải đi tản cư, ông luôn nhớ về làng " Chao ôi, lão thấy nhớ
làng mình quá!". Gặp đoàn tản cư ông lão hỏi thăm tin tức làng chợ Dầu thì được người tản cư
cho biết làng ông làm Việt gian theo Tây. Ông cảm thấy đau đớn, xấu hổ " da mặt tê rân rân, cổ
ghẹn đắng lại, không thở được", " ông cúi gằm mặt, lảng đi về nhà". Tin dữ ám ảnh ông, biến
ông thành con người khác, chỉ ru rú ở nhà không dám ra ngoài, hay cáu bẳn, gắt gỏng. Khi mụ
chủ nhà có ý định đuổi khéo gia đình ông, ông rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng. Ở hoàn
cảnh đó ông đấu tranh giằng xé: hay về làng? Nhưng vừa nghĩ ông đã gạt phắt đi về làng tức là
theo Tây, bỏ cụ Hồ, bỏ kháng chiến. Trong sự bế tắc đó, ông tâm sự với con út như một cách
ngỏ lòng mình rằng: ở ông, tình yêu làng, trung thành với cách mạng, với kháng chiến không
bao giờ thay đổi. Khi được tin cải chính, ông như người chết sống lại, ông lại sung sướng đi
kheo làng bị đốt, nhà mình bị cháy. Đó là minh chứng hùng hồn chứng minh làng ông là làng
Cách mạng, làng kháng chiến.
Bài số 3: Viết đoạn văn quy nạp, nội dung nói về đoạn kết bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đúng đoạn văn quy nạp, sử dụng phép liên kết phù hợp.
- Về nội dung: cần phân tích được những ý sau:
+ Tác giả khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ ( trích dẫn thơ).
+ Nổi bật lên giữa cảnh lạnh lẽ " rừng hoang sương muối" là hình ảnh đẹp về người lính,
vầng trăng, khẩu súng.
+ Họ đứng sát bên nhau, súng trong tay chờ giặc tới.
+ Tình đồng chí mang lại cho sức mạnh vượt qua thiếu thốn, rét mướt, gian khổ vả sưởi ấm
lòng họ.
+ Trong đếm phục kích, người lính còn có một người bạn nữa là vầng trăng.
+ Hình ảnh: Đầu súng trăng treo mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
- Đoạn văn minh họa:

Chính Hữu khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Đêm khuya chờ giặc tới, trăng đã xế ngang tầm súng. Bất chợt chiến sĩ ta có một phát hiện thú
vị: Đầu súng trăng treo. Câu thơ như một tiếng reo vui hồn nhiên mà chứa đựng đầy ý nghĩa.
Trong sự tương phải giữa súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra sự gắn bó gần gũi. Súng tượng
trưng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. Trăng tượng trưng cho cuộc sống
thanh bình, yên vui. Súng và trăng là hình tượng sóng đôi trong lịch sử dựng nước và giữ nước
của dân tộc Việt Nam bất khuất và hào hoa muôn thủa. Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng
mạn bay bổng đã hòa quyện lẫn nhau tạo nên hình tượng thở để đời.
Bài số 4: Viết đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về lòng yêu làng, yêu nước của ông
Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân.
* Gợi ý:
11


Trong con người ông Hai, tình cảm dành cho làng gắn liền với lòng yêu nước. Tình yêu
quê hương là cội nguồn của lòng yêu nước. Đúng như I-li-aÊ- ren- bua, một nhà văn Liên Xô
cũ đã viết: " Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.... Lòng yêu nhà,
yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên tình yêu Tổ Quốc". Với ông Hai, chân lí ấy càng đúng hơn
bao giờ hết. Từ chỗ yêu con đường làng, yêu những mái nhà ngói... tình cảm của ông Hai đã
tiến dần lên lòng yêu nước mà lòng yêu nước sâu nặng thầm kín ấy lại bừng sáng rực rỡ, lung
linh trong tâm hồn ông. Tình yêu làng được nâng cao, được vút lên thành đỉnh cao của vẻ đẹp
trong nhân vật ông Hai mà Kim Lân tập trung khắc họa, tô đậm rõ nét. Vì yêu nước nên ông
căm thù bọn phản bội đất nước. Khi nghe tin làng chợ Dầu theo Tây ông đã rít lên: " Chúng bay
ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế
này!". Tiếng rít ấy thể hiện sự căm giận đang bốc lên ngùn ngụt, thể hiện sự dồn nén kìm hãm
đã ghê gớm lắm rồi trong lòng ông. Lời nói ấy ẩn chứa biết bao nhiêu oán trách, khinh bỉ, khổ
đau. Cũng vì yêu nước mà ông tìm đến phòng thông tin nghe tin tức về cuộc kháng chiến. Ông

hả lòng, hả dạ, sung sướng, tự hào trước những chiến tích anh hùng của mọi người dân trong cả
nước. Điều đó thể hiện chân thực tấm lòng ông Hai dành cho đất nước.
Bài số 5: Viết đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về hình ảnh " vầng trăng" trong bài
Ánh trăng của Nguyễn Duy.
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đoạn văn so sánh tương đồng.
- Về nội dung:
+ Tuổi thơ, khi trở thành người lính trăng là người bạn tri kỉ của tác giả ( dẫn thơ).
+ Nghệ thuật nhân hóa, tác giả khắc họa vẻ đẹp tình nghĩa, thủy chung giữa trăng và người lính.
+ Cuộc sống ở rừng thời chiến khó khăn nhưng trăng vẫn đến với người lính chân thành. ( dẫn
thơ Hồ Chí Minh: Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm) Trăng đến với người lính trong
đêm trờ giặc tới ( dẫn thơ Chính Hữu: Đầu súng trăng treo). Trăng cùng người lính vượt qua
khó khăn ( dẫn thơ Phạm Tiến Duật:Và vầng trăng, vầng trăng đất nước - Vượt qua quầng lửa,
mọc lên cao).
+ Trăng của Nguyễn Duy trở thành một biểu tượng đẹp ( dẫn thơ: Vầng trăng tri kỉ", " vầng
trăng tình nghĩa).
- Đoạn văn mẫu:
Tuổi thơ Nguyễn Duy gắn bó với trăng và cả khi trở thành người lính thì trăng vẫn là
người bạn tri kỉ:
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Bằng nghệ thuật nhân hóa, Nguyễn Duy đã khắc họa vẻ đẹp tình nghĩa, thủy chung của hai
người bạn: trăng và người lính, người lính và trăng. Cuộc sống trong rừng thời chiến tranh biết
bao gian khổ, khó khăn nhưng trăng vẫn đến với người lính bằng một tình cảm chân thành,
nồng hậu, không chút ngần ngại. Trăng đến tỏa ánh sáng dịu mát cho giấc ngủ người lính " Gối
khuya ngon giấc bên song trăng nhòm " ( Hồ Chí Minh). Trăng đến bên người chiến sĩ cùng
chờ giặc tới trong những đêm khuya sương muối: "Đầu súng trăng treo". Ánh trăng cùng với
người lính qua biết bao năm tháng gian khổ của đất nước đã vượt lên mọi sự tàn phá của quân
thù:
Và vầng trăng, vầng trăng đất nước

Vượt qua quầng lửa, mọc lên cao ( Phạm Tiến Duật).
Trăng với người lính trong thơ thật gần gũi và gắn bó. Đặc biệt, trong thơ Nguyễn Duy ánh
trăng đã trở thành một biểu tượng cao đẹp: " Vầng trăng tri kỉ", " vầng trăng tình nghĩa".
12


Bài số 6: Cho câu chủ đề " Cả một xã hội chạy theo đồng tiền". Hãy dựa vào kiến thức trong "
Truyện Kiều", viết thành đoạn văn quy nạp.
* Gợi ý:
Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú
Bà, Mã Giám Sinh; Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì
tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác. Cả một xã hội chạy theo
đồng tiền.
Bài số 7: Cho câu chủ đề: " Vũ Thị Thiết, người con gái đẹp người, đẹp nết".
Bằng những kiến thức đã học về văn bản " Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn
Dữ, hãy triển khai thành một đoạn văn có cấu trúc diễn dịch, câu kết là câu cảm thán.
* Gợi ý: Học sinh cần trình bày được:
- Câu chủ đề ( dẫn câu).
- Vũ Thị Thiết là một cô gái đẹp người ( dẫn chứng: tư dung tốt đẹp)
- Vũ Thị Thiết là một cô gái đẹp nết ( tính tình: thùy mị, nết na; luôn giữ gìn khuôn
phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa; Trương Sinh đi lính, nàng ở nhà chăm
sóc con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già, mẹ chồng mất, nàng lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình;
thủy chung chờ chồng....)
- Câu kết ( câu cảm thán).
Bài số 8: Viết đoạn văn nêu hoàn cảnh ra đời của Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm
Tiến Duật ( 5 câu) có sử dụng phép thế và câu ghép.
* Gợi ý:
- Về hình thức: đoạn văn gồm những câu văn gắn kết với nhau theo một cấu trúc nhất định,
cùng hướng về hoàn cảnh ra đời tác phẩm, được liên kết với nhau bằng phép thế và câu ghép.
- Về nội dung:

+ Nêu chính xác tên bài thơ, tên tác giả, năm sáng tác, in trong tập thơ.....
+ Nêu hoàn cảnh hẹp: Năm 1964 dưới mái trường Đại học Sự phạm Hà Nội với 23 tuổi, chàng
sinh viên quê ở Phú Thọ Phạm Tiến Duật bước vào đời lính chiến đấu và hoạt động (công tác
tuyên huấn) trên con đường chiến lược Trường Sơn những năm đầu đánh Mĩ.
+ Nêu đề tài hoặc nội dung chính đặc sắc của bài thơ: bài thơ là bài ca chiến trận thấm đẫm
màu sắc lãng mạn ghi lại hình ảnh người chiến sĩ lái xe dũng cảm, lạc quan và có chút tếu
ngang tàng trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn thời đánh Mĩ
- Đoạn văn minh họa:
Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969, là bài thơ thuộc chùm thơ của
Phạm Tiến Duật được tặng giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1969 -1970, sau in trong tập
Vầng trăng - Quầng lửa. Năm 1964 dưới mái trường Đại học Sự phạm Hà Nội với 23 tuổi,
chàng sinh viên quê ở Phú Thọ Phạm Tiến Duật bước vào đời lính chiến đấu và hoạt động
(công tác tuyên huấn). Thơ ca của Phạm Tiến Duật không phải là sự chắt ra từ đời sống mà
là toàn vẹn dời sống thường nhật ở chiến trường. Khói lửa chiến trường, chủ nghĩa anh hùng
Việt Nam, những cô gái thanh niên sung phong, những chiến sĩ lái xe dũng cảm... in dấu chói
lọi, kì vĩ như những tượng đài trong thơ ông. Ông đã góp vào vườn thơ đất nước một hình
tượng người lính khá độc đáo với Bài thơ về tiểu đội xe không kính – người chiến sĩ lái xe dũng
cảm, lạc quan và có chút tếu ngang tàng trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn thời đánh
Mĩ.
( câu 3 là câu ghép, phép thế: Phạm Tiến Duật – ông)
13


Bài số 9: Viết đoạn văn nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận,
trong đó có sử dụng câu hỏi tu từ. ( 7 -8 câu)
* Gợi ý:
- Về hình thức: đoạn văn gồm những câu văn gắn kết với nhau theo một cấu trúc nhất định,
cùng hướng về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, được liên kết với nhau bằng
câu hỏi tu từ.
- Về nội dung:

+ Nêu chính xác tên bài thơ, tên tác giả, năm sáng tác, in trong tập thơ.....
+ Nêu hoàn cảnh hẹp: bài thơ sáng tác trong chuyến đi thực tế Cẩm Phả, Hòn Gai, giữa lúc
Miền Bắc đang phấn khỏi lao động xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
+ Nêu đề tài hoặc nội dung chính đặc sắc của bài thơ: ngợi ca những con người lao động làm
nghề đánh bắt cá trên biển là chủ nhân trong cuộc sống mới.
- Đoạn văn minh hoạ:
Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 192 – 1945. Sau cách
mạng thánh tám thơ Huy Cận có phần chững lại. Năm 1958 các văn nghệ sĩ đi thực tế tìm hiểu
cuộc sống mới để lấy đề tài, cảm hứng sáng tác, nhà thơ đã đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh.
Vẻ đẹp của vùng biển Hòn Gai cùng với không khí làm ăn sôi nổi, hào hùng tràn đầy niềm tin
trong những năm đầu xáy dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc là cho hồn thơ của Huy Cận nảy
nở trở lại. Ông đã sáng tác bài thơ " Đoàn thuyền đánh cá" trong thời gian ấy, bài thơ được in
trong tập thơ " Trời mỗi ngày lại sáng". Phải chăng bài thơ là "món quà vô giá" mà nhà thơ
tặng lại vùng biển Hòn Gai yêu dấu?. Bài thơ sáng tác bằng cảm hứng lãng mạn kết hợp với
cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ tạo ra những hình ảnh thơ rực rỡ, huy hoàng, tráng lệ. Nó không
chỉ ca ngợi vẻ đẹp lung linh, kì ảo của biển Hòn Gai mà còn ca ngợi không khí làm ăn tập thể
của hợp tác xã ngư dân trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bài số 10: Viết đoạn văn ngắn giải thích nhan đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn
Thành Long (sử dụng câu hỏi tu từ kết thúc đoạn văn)
* Gợi ý:
- Về hình thức: đoạn văn 5-7 câu có sử dụng phép liên kết thích hợp và sử dụng câu hỏi tu tư
cuối đoạn văn.
- Về nội dung:
+ Nêu chính xác tiên tác phẩm, tác giả.
+ Xác định ý nghĩa nhan đề tác phẩm: nhan đề của tác phẩm hướng vào tư tưởng chủ đề
tác phẩm.
+ Khẳng định ý nghĩa nhan đề của tác phẩm ( có thể kết hợp đánh giá về tác giả, tác
phẩm): nhan đề tác phẩm vừa thể hiện được vẻ đẹp kì ảo của thiên nhiên Sa Pa, vừa thể hiện
được sự cống hiến, âm thầm lặng lẽ nhưng lớn lao, cao đẹp
của những con người nơi đây.

- Đoạn văn minh họa:
Như chúng ta đều biết: nhan đề tác phẩm thường thể hiện đề tài, nội dung hoặc tư tưởng
chủ đề của tác phẩm; với nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, truyện ngắn của Nguyễn Thành Long đã thể
hiện rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Bề ngoài Sa Pa có vẻ lặng lẽ, êm đềm, thơ mộng. Đó là
xứ sở của sương mù, của những dinh thự cũ kĩ mà người ta đến để nghỉ ngơi. Ở đó có những
cảnh đẹp nên thơ mê hồn; có những đàn bò đeo chuông ở cổ, có những rừng thông đẹp lung
linh kì ảo dưới ánh nắng mặt trời. Đắng sau vẻ đẹp lặng lẽ nên thơ của Sa Pa, đã và đang có
những con người thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Đó là anh thanh niên làm công
14


tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu một mình trên đỉnh Yên Sơn ở độ cao 2600 mét, đang thầm
lặng làm việc để góp phần dự báo thời tiết. Đó là ông kĩ sư vường rau, anh cán bộ chuyên
nghiên cứu bản đồ sét,.... tất cả đang âm thầm lặng lẽ làm việc và cống hiến. Như vậy nhan đề
của tác phẩm vừa thể hiện được vẻ đẹp kì ảo của thiên nhiên Sa Pa, vừa thể hiện được sự cống
hiến, âm thầm lặng lẽ nhưng lớn lao, cao đẹp của những con người nơi đây. Với việc đặt nhan
đề như vậy, phải chăng tác giả muốn lấy địa danh làm nền để làm nổi bật vẻ đẹp của con
người?
Bài số 11: Viết đoạn văn quy nạp nêu cảm nhận của em về đoạn văn miêu tả tâm lí nhân vật
ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đúng đoạn văn quy nạp và sự dụng các phép liên kết cho thích hợp.
- Về nội dung:
+ Tâm trạng ông đang vui, phấn khởi với những chiến tích kháng chiến, những gương dũng
cảm anh hùng của quân và dân ta, ông như bị sét đánh về tin làng chợ Dầu theo Tây.
+ Ông sững sờ, chưa tin đến phải tin và xấu hổ lảng ra về.
+ Về nhà nằm vật ra gường, đau đớn, tủi nhục, vừa buồn, vừa sợ.
+ Đấu tranh nội tâm gay gắt ở lại hay quay về.
+ Đối thoại với con đề trút nỗi lòng của mình với đứa con ngây thơ, nhưng thực chất đó là lời
thanh minh với cụ Hồ, với anh em đồng chí và tự nhủ mình trong những lúc thử thách căng

thẳng.
+ Tài năng của Kim Lân khi miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật ông Hai.
- Đoạn văn minh họa:
Trong lúc ông Hai đang hổ hởi với những chiến tích kháng chiến, những gương dũng
cảm anh hùng của quân và dân ta thì ông như bị tin sét đánh về cái tin "dữ" của làng chợ Dầu "
Việt gian theo Tây..." "vác cờ thần ra hoan hô" lũ giặc cướp! Ông tủi nhục cúi gằm mặt xuống
mà đi, về nhà nằm vật ra gường như bị ốm nặng, nước mắt cứ tràn ra, có lúc ông chửi thể một
cách chua chát! Ông sống trong bi kịch triền miên. Vợ con ông vừa buồn, vừa sợ ,"gian nhà
lặng đi, hiu hắt". Ông sợ mụ chủ nhà... có lúc ông nghĩ quẩn " hay là quay về làng".... nhưng rồi
ông lại kiên quyết: " làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù!". Cuộc đối thoại giữa
hai bố con ông là một tình tiết cảm động và thú vị: " À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!" Nghe con ngây thơ nói mà nước mắt ông chảy ròng ròng
trên má....Lòng trung thành của cha con ông, của hàng triệu nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ
là vô cùng sâu sắc, kiên định. Vẻ đẹp tâm hồn ấy của họ rất đáng tự hào, ca ngợi. Kim Lân rất
sâu sắc và tinh tế khi miêu tả những biến thái vui, buồn, lo sợ.... của người nông dân về cái làng
quê của mình. Đó là một bài học vô cùng quý giá và sâu sắc của ông Hai đem đến cho chúng ta.
Đọc xong đoạn văn, chúng ta bồi hồi xúc động về tình yêu làng của ông, về nghệ thuật kể
chuyện tạo tình huống hấp dẫn, hồi hộp của nhà văn Kim Lân.
Bài số 12: Viết đoạn văn khoảng 10 - 12 câu, phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn "
Chiếc lược ngà " của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đoạn văn vừa viết được trình bày theo
cách nào?
* Gợi ý:
- Về hình thức: đoạn văn viết đủ 10 -12 câu. Có sử dụng phép liên kết cho thích hợp, đoạn văn
viết tùy theo cách lựa chọn.
- Về nội dung: Cần phân tích nhân vật ông Sáu qua các chi tiết sau:
+ Tình yêu con của ông Sáu: Khi gặp bé Thu, những ngày ở nhà, khi chia tay.
15


+ Tuy nhiên ông gặp nỗi khổ khi con không chịu nhận mình là cha, vì hiểu lầm mà cả hai

cha con đã mất đi niềm vui, hạnh phúc trong thời gian rất ngắn ngủi.
+ Tình cảm yêu quý con thật sâu sắc khi ở chiến trường.
-> Chỉ ra cách trình bày đoạn văn.
Bài số 13: Viết đoạn văn tổng phân hợp, phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn sau
trong tác phẩm Bến Quê của Nguyễn Minh Châu.
...." Bên kia những cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ
nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ
chuyển từ mặt nước lên những khoảng bở bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của
bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một
thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những sắc màu thân thuộc quá như da thịt, hơi
thở của đất màu mỡ".
* Giợi ý:
- Về hình thức: viết đúng đoạn văn tổng phân hợp.
- Về nội dung: cần chỉ ra được những ý sau của đoạn văn:
+ Vẻ đẹp của thiên nhiên trong buổi sáng đầu thu được miêu tả qua cái nhìn và cảm xúc
của nhân vật Nhĩ.
+ Cảnh được miêu tả từ gần đến xa, không gian có chiều sâu, chiều rộng:
- Đầu tiên anh nhìn thấy cây bằng lăng tim ngoài cửa sổ.
- Đến con sông Hồng màu đỏ nhạt.
- Cuối cùng là bãi bồi bên kia sông.
+ Không gian, cảnh vốn quen mà lạ với Nhĩ.
+ Từ hoàn cảnh mình mà Nhĩ quan sát, suy ngẫm và rút ra quy luật giống như một nghịch lí
cuộc đời. Khi phát hiện ra vẻ đẹp ấy là lúc anh sắp giã biệt cõi đời, anh khát khao được đặt chân
lên bãi bồi ấy.
+ Điều ước ấy chính là sự thức tỉnh về giá trị bền vững về điều bình thường trong cuộc sống
thường bị lãng quên, anh cảm thấy xót xa, ân hận.
+ Chỉ có anh là người từng trải mới nhìn thấy hết sự giàu có và vẻ đẹp của bãi bồi.
- Đoạn văn tham khảo:
Vể đẹp của thiên nhiên trong buổi sáng đầu thu được miêu tả qua cái nhìn và cảm xúc
tinh tế của nhân vật Nhĩ. Cảnh vật được miêu tả theo tầm nhìn của Nhĩ từ gần đến xa, tạo thành

một không gian có chiều sâu, chiều rộng. Đầu tiên anh nhìn thấy những bông bằng lăng tím
ngay phía ngoài cửa sổ, rồi đến con sông Hồng với màu nước đỏ nhạt và sau cùng là bãi bồi bên
kia sông. Cảnh vật thiên nhiên hiện ra với vẻ đẹp quyến rũ. Không gian và những cảnh vốn
quen thuộc, gần gũi, nhưng hầu như rất mới mẻ với Nhĩ. Tưởng chừng như lần đầu tiên trong
đời anh cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của nó. Từ hoàn cảnh cụ thể của mình, Nhĩ đã quan
sát, suy ngẫm để rút ra quy luật giống như một nghịch lí của đời người. Vào buổi sáng hôm ấy,
khi nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của cảnh vật qua ô cửa sổ, đồng thời cũng hiểu rằng mình
sắp giã biệt cõi đời, trong tâm thức anh bừng lên một khao khát vô vọng là được đặt chân một
lần lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững
của những điều bình thường và sâu sắc của cuộc sống bình thường bị người ta bỏ qua hoặc lãng
quên. Sự thức tỉnh của Nhĩ xen lẫn niềm ân hận, xót xa: Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã
từng in gót chân khắp mọi phương trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của
một bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia.
16


Bài số 14: Viết đoạn văn (5 câu) theo cách tổng phân hợp thể hiện sự cảm nhận của em về ý
nghĩa nhan đề tác phẩm Bến quê của Nguyến Minh Châu.
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đoạn văn tổng phân hợp có sử dụng phép liên kết thích hợp. Có câu chủ đề
bậc một, câu triển khai đoạn và câu kết thúc đoạn (câu chủ đề bậc
- Về nội dung:
+ Câu mở đầu đoạn là câu chủ đề bậc 1: Nêu cảm nhận chung về nhan đề tác phẩm Bến Quê. (
Có những tác phẩm tuy khép lại nhưng những dư âm, những trăm trở vẫn còn mãi trong lòng
người đọc)
+ Các câu tiếp theo phân tích, lí giản về nhan đề tác phẩm.
- Bến quê ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa? Nơi ghi dấu ấn bao kỉ niệm từ thời thơ ấu cho
đến lúc trưởng thành.
- Con người được nuôi dưỡng và lớn lên cả về thể chất, tâm hồn.
- Bến quê là điểm tựa bình yên cho cả cuộc đời mỗi người. Được sống trong yêu thương

của mọi người, được bao bọc trong vẻ đẹp quê hương.
- Bến quê, những điều tác giả gửi gắm đến người đọc thật tự nhiên và giàu tính biểu
tượng. Cách xây dựng tình huống truyện, trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật chính,
những điều tác giả thể hiện được bộc lộ qua suy nghĩ, lời nói của Nhĩ.
+ Câu kết thúc đoạn là câu chủ đề bậc hai: khẳng định ý nghĩa nhan đề tác phẩm.
( Lấy Bến quê làm nhan đề, Nguyễn Minh Châu gửi gắm những trải nghiệm sâu sắc của nhà
văn về con người, cuộc đời, thức tỉnh mọi sự trân trọng những vẻ đẹp bình dị, gần gũi của gia
đình, quê hương.)
- Đoạn văn mẫu:
Có những tác phẩm tuy khép lại nhưng những dư âm, những trăm trở vẫn còn mãi trong
lòng người đọc. Nhan đề Bến quê phải chăng ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa? Bến quê là nơi ghi
dấu ấn bao kỉ niệm từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Ở đó mỗi con người đã được nuôi
dưỡng và lớn lên cả về thể chất lẫn tâm hồn. Bến quê là điểm tựa bình yên cho cả cuộc đời mỗi
người. Được sống trong tình yêu thương của mọi người, được bao bọc trong vẻ đẹp bình dị của
quê hương mới thật là hạnh phúc. Đó là Bến quê của tâm hồn mỗi chúng ta. Những điều tác giảm
gửi gắm đến người đọc càng trở nên tự nhiên nhờ sự miêu tả tâm lí tinh tế, nhiều hình ảnh giàu
tính biểu tượng. Cách xấy dựng tình huống truyện, đặc biệt là trần thuật theo dòng tâm trạng của
nhân vật chính. Thật chân thực, gần gũi khi những điều Nguyễn Minh Châu thể hiện lại được bộc
lộ qua suy nghĩ, lời nói của nhân vật chính là Nhĩ. Lấy Bến quê làm nhan đề, Nguyễn Minh
Châu gửi gắm những trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người, cuộc đời, thức tỉnh mọi sự
trân trọng những vẻ đẹp bình dị, gần gũi của gia đình, quê hươn
Bài số 15: Viết đoạn văn ngắn giải thích nhan đề bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh
Hải ( trong đó có sử dụng phép thế và câu hỏi tu từ cuối đoạn).
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đoạn văn giải thích nha đền bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải,
trong đó có sử dụng phép thế và câu hỏi tu từ cuối đoạn.
- Về nội dung: Cần viết được các ý sau.
+ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất nước.
Tác giả là người sống hết mình cho đất nước, đem cả cuộc đời phục vụ cho tổ quốc.
+ Đất nước bị Mĩ – Diệm chia cắt làm hai miền, tác giả bí mật hoạt động trong vùng địch

gây dựng phong trào cách mạng. Bài thơ ra đời khi ông đang nằm trên giường bệnh một tháng
trước khi qua đời.
17


+ Mùa xuân nho nhỏ không chỉ thể hiện lòng yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, thể hiện
tình yêu trước cuộc đời của người nghệ sĩ.
+ Nhan đề bài thơ mang một ý nghĩa: mỗi người đều trở thành một mùa xuân nho nhỏ, làm
nên mùa xuân bất tuyệt của đất nước.
+ Mùa xuân nho nhỏ là một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng:
" Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" - Nguyễn Khoa Điểm.
+ Nhà thơ đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Làm sao
không quý, không yêu những vần thơ của một hồn thơ đáng kính nhường nào?
- Đoạn văn minh họa:
"Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất
nước, một mùa xuân tươi vui, tràn đầy sức sống. Tác giả là người sống hết mình thủy chung
cho đất nước, đem cả cuộc đời phục vụ cho Tổ quốc. Khi đất nước bị Mĩ - Diệm và bè lũ tay sai
âm mưu chia cắt làm hai miền, tác giả bí mật hoạt động trong vùng địch gây dựng phong trào
cách mạng, coi thường cảnh máu chày đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ ra đời trong một
hoàn cảnh đặc biệt, khi ông đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước khi qua đời. Bởi thế
"Mùa xuân nho nhỏ" không chỉ thể hiện lòng yêu thiên nhiên, quê hương đất nước của tác giả
mà còn thể hiện tình yêu trước cuộc đời của người nghệ sĩ.Nhan đề bài thơ chứa đựng một ý
nghĩa sâu sắc: mỗi con người đều trở thành "một mùa xuân nho nhỏ", làm nên mùa xuân bất
tuyệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. "Mùa xuân nho nhỏ" là một hình ảnh ẩn dụ
đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: " Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" - Nguyễn Khoa Điểm. Nhà
thơ Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Tuy một tâm
hồn, tài năng thơ ca đã khép lại, nhưng những gì thộc về chất ngọc trong trái tim, tấm lòng nhà
thơ còn để đời cho hậu thế trân trọng nâng niu. Làm sao không quý, không yêu những vần thơ
của một hồn thơ đáng kính nhường nào?
Bài số 16: Nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ " Sang thu" của Hữu Thỉnh bằng một đoạn văn có sử

dụng phép thế.
* Gợi ý:
- Về hình thức: viết đúng đoạn văn nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ Sang thu có sử dụng phép thế.
- Về nội dung: Cần nêu được các ý sau.
+ Giới thiệu về tác giả - quê quán. Là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Từ
một người lính ông trở thành cán bộ văn hóa và sáng tác thơ.
+ Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều, có một số bài thơ đắc sắc về con người cùng
cuộc sống nông thôn.
+ Bài thơ Sang thu sáng tác cuối năm 1977, in lần đầu trên báo văn nghệ. Nội dung thể hiện
tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến của đất trời và bức
tranh đẹp của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
- Đoạn văn minh họa:
Nhà thơ Hữu Thỉnh quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Là nhà thơ trưởng thành trong kháng
chiến chống Mĩ. Từ một người lính tăng – thiết giáp, ông trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn
trong quân đội và sáng tác thơ. Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều, có một số bài thơ đắc
sắc về con người cùng cuộc sống nông thôn. Bài thơ Sang thu sáng tác cuối năm 1977, in lần
đầu tiên trên báo văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ
trước những chuyển biến tinh tế của đất trời và là bức tranh thiên nhiên đẹp của nông thôn vùng
đồng bằng Bắc Bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
18


LÝ THUYẾTCÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT
I. So sánh:
1- KN: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để
làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- VD: " Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời"
( Nguyễn Du)
Mỏ Cốc như cái dùi sắt, chọc xuyên cả đất.

( Tô Hoài)
2- Cấu tạo của phép so sánh:
So sánh là cách công khai đối chiếu các sự vật với nhau, qua đó nhận thức được sự vật một
cách dễ dàng, cụ thể hơn. Vì vậy, một phép so sánh thông thường gồm 4 yếu tố:
1. Vế A: Đối tượng (sự vật) được so sánh.
2. Bộ phận hay đặc điểm so sánh ( Phương diện so sánh).
3. Từ so sánh.
4. Vế B: Sự vật làm chuẩn so sánh.
Ta có sơ đồ sau đây:

Yếu tố 1

Yếu tố 2
Phương diện so
sánh

Yếu tố 3
Từ so sánh

Yếu tố 4

Vế A
Vế B
( Sự vật được so
( Sự vật dùng để
sánh)
làm chuẩn so sánh)
- Mây
Trắng
Như

Bông
- Bà già
So sánh
Như
Bát nước chè
- Dừa
Đủng đỉnh
Như là
Đứng chơi
* Lưu ý:
Trong 4 yếu tố trên thì yếu tố ( 1) và ( 4) phải có mặt. Nếu vắng cả yếu tố (1) thì giữa yếu
tố ( 1) và ( 4) phải có điểm tương đồng quen thuộc. Lúc đó ta có ẩn dụ.
Khi ta nói: Cô gái đẹp như hoa -> so sánh
Còn khi nói: Hoa tàn mà lại thêm tươi ( Nguyễn Du) thì hoa ở đây là ẩn dụ.
Yếu tố (2) và (3) có thể vắng mặt. Khi yếu tố (2) vắng mặt người ta gọi là so sánh chìm
vì phương diện so sánh ( còn gọi là mặt so sánh) không lộ ra, do đó sự liên tưởng rộng rãi hơn,
kích thích trí tuệ và tình cảm người đọc nhiều hơn.
Yếu tố (3) có thể là các từ như: giống, tựa, tựa như, khác nào, giống như, là, bao nhiêu....
bấy nhiêu, hơn, kém... mỗi yếu tố đảm nhận một sắc thái biểu cảm khác nhau:
- Như: có sắc thái giả định.
- Là: sắc thái khẳng định.
- Tựa: thể hiện mức độ chưa hoàn hảo....
Trật tự của phép so sánh có khi được thay đổi.
VD: Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng
Hồn tôi vang tiếng vọng của hai miền.
3- Các kiểu so sánh: Dựa vào mục đích, các từ so sánh người ta chia phép so sánh thành hai
kiểu.
+ So sánh ngang bằng: được thể hiện ở các từ: là, như, y như, tựa như, giống như hoặc
cặp đại từ: bao nhiêu.... bấy nhiêu.
19



Mục đích của so sánh nhiều khi không phải là tìm sự giống nhau hay khác nhau mà nhằm diễn
đạt một hình ản, một bộ phận hay đặc điểm nào đó của sự vật, giúp người nghe (đọc) có cảm
giác hiểu biết sự vật một cách cụ thể sinh động. Vì thế phép so sánh thường mang tính cường
điệu.
VD: Cao như núi, dài như sông
( Tố Hữu)
+ So sánh hơn kém: từ so sánh được sử dụng: hơn, hơn là, kém, kém gì....
VD: Ngôi nhà sàn dài hơn cả tiếng chiêng.
Muốn chuyển so sánh hơn kém sang so sánh ngang bằng người ta thêm một trong các từ phủ
định: không, chưa, chằng vào trong câu và ngược lại.
VD: Bóng đã quyến rũ tôi hơn cả những công thức toán học.
Bóng đã quyến rũ tôi không hơn những công thức hóa học.
4- Tác dụng của so sánh:
+ So sánh tạo ra những hình ảnh cụ thê sinh động. Phần lớn các phép so sánh đều lấy cái cụ
thể so sánh với cái không cụ thể hoặc kém cụ thể hơn, giúp mọi người hình dung được sự vật,
sự việc cần nói tới và cần miêu tả.
VD:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(Ca dao)
+ So sánh còn giúp cho câu văn hàm súc gợi trí tưởng tượng của ta bay bổng. Vì thế trong thơ
thể hiện nhiều phép so sánh bất ngờ.
VD: Tàu dừa chiếc lược chải vào mây xanh.
-> Cách so sánh ở đây thật bất ngờ, gợi cảm. Yếu tố (2) và (3) bị lược bỏ. Người đọc (nghe)
tha hồ mà tưởng tượng ra các mặt só sánh khác nhau làm cho hình tượng so sánh được nhân
lên nhiều lần.
II. Nhân hoá:
1. Thế nào là nhân hoá ?

Nhân hoá là cách gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ
ngữ vốn được dùng đẻ gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối đồ vật, … trở
nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.
Từ nhân hoá nghĩa là trở thành người. Khi gọi tả sự vật ngời ta thường gán cho sự vật đặc tính
của con người. Cách làm như vậy được gọi là phép nhân hoá.
VD:
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
(Trần Đăng Khoa)
2. Các kiểu nhân hoá:
Nhân hoá đợc chia thành các kiểu sau đây:
+ Gọi sự vật bằng những từ vốn gọi người
VD: Dế Choắt ra cửa, hé mắt nhìn chị Cốc. Rồi hỏi tôi :
- Chị Cốc béo xù đứng trớc cửa nhà ta đấy hả ?
(Tô Hoài)
+ Những từ chỉ hoạt động, tính chất của con người được dùng để chỉ hoạt động, tính chất
sự vật.
20


VD:

Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường


(Trần Đăng Khoa)
+ Những từ chỉ hoạt động, tính chất của con người được dùng để chỉ hoạt động tính chất
của thiên nhiên
VD:
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
(Trần Đăng Khoa)
+ Trò chuyện tâm sự với vật như đối với người
VD:
Khăn thơng nhớ ai
Khăn rơi xuống đất ?
Khăn thơng nhớ ai
Khăn vắt trên vai
(Ca dao)
Em hỏi cây kơ nia
Gió mày thổi về đâu
Về phương mặt trời mọc...
(Bóng cây kơ nia)
3. Tác dụng của phép nhân hoá
Phép nhân hoá làm cho câu văn, bài văn thêm cụ thể, sinh động, gợi cảm ; là cho thế giới
đồ vật, cây cối, con vật được gần gũi với con người hơn.
VD:
Bác giun đào đất suốt ngày
Hôm qua chết dưới bóng cây sau nhà.
(Trần Đăng Khoa)
III. Ẩn dụ:
1. Thế nào là ẩn dụ ?
Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương

đồng quen thuộc nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ẩn dụ thực chất là một kiểu so sánh ngầm trong đó yếu tố so sánh giảm đi chỉ còn yếu tố làm
chuẩn so sánh được nêu lên.
Muốn có phép ẩn dụ thì giữa hai sự vật hiện tượng được so sánh ngầm phải có nét tương đồng
quen thuộc nếu không sẽ trở nên khó hiểu.
VD: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viễn Phương)
-> Mặt trời ở dòng thơ thứ hai chính là ẩn dụ.
Hoặc:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lng
(Nguyễn Khoa Điềm)

Ca dao có câu:

Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
21


Bến được lấy làm ẩn dụ để lâm thời biểu thị người có tấm lòng thuỷ chung chờ đợi, bởi những
hình ảnh cây đa, bến nước thường gắn với những gì không thay đổi là đặc điểm quen thuộc ở
những cón người có tấm lòng thuỷ chung.
Ẩn dụ chính là một phép chuyển nghĩa lâm thời khác với phép chuyển nghĩa thường xuyên
trong từ vựng. Trong phép ẩn dụ, từ chỉ được chuyển nghĩa lâm thời mà thôi.
2.Tác dụng của ẩn dụ:
Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc. Sức mạnh của ẩn dụ
chính là mặt biểu cảm. Cùng một đối tượng nhưng ta có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau.

(thuyền - biển, mận - đào, thuyền - bến, biển - bờ) cho nên một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối
tượng khác nhau. Ẩn dụ luôn biểu hiện những hàm ý mà phải suy ra mới hiểu. Chính vì thế mà
ẩn dụ làm cho câu văn giàu hình ảnh và hàm súc, lôi cuốn người đọc ngời nghe.
VD: Trong câu : Người Cha mái tóc bạc nếu thay Bác Hồ mái tóc bạc thì tính biểu cảm sẽ
mất đi.
IV. Hoán dụ:
1. Thế nào là hoán dụ:
Gọi tên những sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên những sự vật, hiện tượng, khái
niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.
- Tác dụng: làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
2. Các kiểu hoán dụ:
- Có 4 kiểu hoán dụ thường gặp.
+ Lấy bộ phận để gọi cái toàn thể.
+ Lấy vật chứa đựng để nói đến vật bị chứa đựng.
+ Lấy dấu hiệu của sự vật đề gọi sự vật.
+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.
* Bài tập:
Bài 1: Xác định biện pháp tu từ và giá trị nghệ thuật của nó trong các câu thơ sau:
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
(Trích: Quê hương - Đỗ Trung Quân)
* Gợi ý:
- Tác giả sử dụng biện pháp so sánh: lấy con diều để so sánh với quê hương -> hình ảnh so
sánh đẹp, sáng tạo.
- Giá trị của biện pháp so sánh:
+ Quê hương: gắn liền với hoài niệm tuổi thơ.
+ Cánh diều làm ta liên tưởng đến một bầu trời bát ngát mênh mông hiện lên trên tầng
không mà da trời thì xanh ngắt, cánh diều ấy là cánh diều "tuổi thơ con thả trên đồng" sau mùa
gặt.
+ Qua hình ảnh so sánh nhà thơ nói lên một tình yêu quê hương thắm thiết. Yêu quê hương

cũng là yêu bầu trời, yếu cánh đồng, yêu kỉ niệm tuổi thơ.
+ Biện pháp so sánh đặc sắc, độc đáo đã gợi tả một không gian nghệ thuật có bầu trời cao,
sắc biếc của bầu trời, có chiều rộng của cánh đồng quê, có chiều dài của năm tháng, từ hiện tại
đứa con xa quê nhớ về tuổi thơ.
Bài 2: Trong đoạn thơ sau, tác giả sử dụng biện pháp tư từ gì? Phân tích tác dụng của biện pháp
tu từ đó?
... Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
22


Đã hóa thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em. Vầng thái dương thao thức
Hới mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực?
Soi cho tôi
Ngày hôm nay tiếp bước quãng đường dài?
(Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Vĩ Dạ)
* Gợi ý:
- Đoạn thơ trên, tác giả sử dụng biện pháp như:
+ 3 hình ảnh hoán dụ và so sánh độc đáo:
" Thịt da... hóa thành những làm mây trắng"
" hố bom đầy nước - khoảng trời em"
" trái tim - mặt trời"
+ Hình ảnh nhân hóa: Vầng thái dương thao thức.
+ Câu hỏi tu từ: " Có phải thịt ..................mây trắng?
Soi cho tôi..................đường dài?"
- Tác dụng: + Đoạn thơ giàu hình tượng và dồn nén cảm xúc, gợi ra một trường liên tưởng
man mát diễn tả những suy nghĩ về tấm gương anh hùng của người nữ thanh niên xung phong
đã ngã xuống trên chiến trường.
+ Một hố bom đầy nước như một dấu tích anh dũng, đau thương và căm thù mà cô

gái mở đường để lại cho đồng đội. Hố bom ấy phản ánh cuộc đời cao đẹp của em " có phải thịt
da em" đã hóa thành " những làn mây trắng". Hay chính " trái tim" em là " mặt trời" soi sáng
nẻo đường hành quân cho đồng đội.
+ Người nữ chiễn sĩ đã hi sinh anh dũng nhưng tâm hồn và trái tim vẫn sống mãi
cùng quê hương, đất nước như làn mây trắng, như mặt trời chói lọi kia. Đoạn thơ như một tượn
đài hùng tráng về người con gái Việt Nam anh hùng, bất tử.
THỰC HÀNH CÁC ĐỀ CỤ THỂ
Bài số 1: Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng,
Đội ngũ ta trùng trùng, điệp điệp,
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt.
(Trích: Ta đi tới - Tố Hữu)
* Gợi ý:
- Đoạn thơ trên sử dụng các từ ngữ, hình ảnh so sanh: Rắn như thép, vững như
đồng, Đội ngũ ta trùng trùng, điệp điệp- Cao như núi, dài như sông, Chí ta lớn như biển Đông
trước mặt.
- Tác dụng: các từ ngữ, hình ảnh so sánh làm nổi bật sức mạnh, ý chí quyết tâm, sô
lượng đông đảo của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Bài số 2: Vận dụng các phép tu từ đã học để phân tích đoạn thơ sau:
Cứ nghĩ hồn thơm đang tái sinh
Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh.
23


Cơm mưa vừa tạnh, Ba Đình nắng
Bác đứng bên kia, vẫy gọi mình.
(Trích: Theo chân Bác - Tố Hữu)
* Gợi ý:

- Đoạn thơ trên sử dụng biện pháp tu từ:
+ Hoán dụ: hồn thơm.
+ Ẩn dụ: Ngôi sao, bình minh.
+ Từ ngữ cùng trường từ vựng chỉ các hiện tượng tự nhiên: ngôi sao, lặn, bình minh, cơn
mưa, tạnh, nắng.
- Tác dụng: Đoạn thơ đã tái hiện hình ảnh Bác vừa thiêng liêng, cao cả vừa gần gũi thân
thương.
+ Các biện pháp tư từ và các từ cùng trường từ vựng sử dụng trong đoạn thơ thể
hiện sự vĩnh hằng, bất tử của Bác: Bác hóa thân vào thiên nhiên, trường tồn cùng thiên nhiên
đất nước, giảm nhẹ nỗi đau xót về sự ra đi của Người.
+ Hình ảnh thơ vừa giàu sắc thái biểu cảm vừa thể hiện tấm lòng thành kính thiêng
liêng của tác giả với Bác Hồ.
- Nhờ các biện pháp tu từ mà hình ảnh Bác hiện lên thật đẹp, vĩnh hằng và bất tử trong lòng
mỗi người dân Việt Nam.
Bài số 3: Phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và các biện pháp tu từ trong đoạn thơ
sau:
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp ui nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui.
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa!
(Trích: Bếp lửa - Bằng Việt)
* Gợi ý:
- Đoạn thơ trên tác giả sử dụng các biện pháp nghệ thuật:
+ Điệp ngữ: " Nhóm"(4 lần) -> Nhấn mạnh sự việc của bà.
+ Từ láy : " ấp iu"-> Gợi sự chăm sóc.
+ Các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: ôi, kì lạ, thiêng liêng -> Gợi cảm xúc mãnh liệt về bà
và bếp lửa.

+ Hình ảnh ẩn dụ :" nhóm" dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
+ Câu cảm thán giúp bộc lộ cảm xúc chân thành của cháu.
- Với các biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn thơ ta thấy hình ản bà và hình ảnh bếp lửa là
biểu tượng cho tình yêu thương và sự xẻ chia và có sức nâng đỡ kì lạ trong cuộc đời cháu.
Hình ảnh bếp lửa tỏa sáng trong thơ, trong hồi ức của cháu và có sức sống mãnh liệt,
nâng đỡ tâm hồn cháu, tiếp thêm nghị lực cho cháu trên con đường đời.
- Như vậy, hình ảnh lửa thật giản dị, bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam,
nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, kì diệu và thiêng liêng vì nó luôn gắn liền với bà - người giữ
lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ ấu của cháu. Bếp lửa trở thành một mảnh tâm
hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của cháu.
Bài số 4: Tìm và phân tích giá trị của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:
24


Sương trắng giỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nhảy hoài trên ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh...
(Trích: Chợ tết - Đoàn Văn Cừ)
* Gợi ý:
- Trong khổ thơ trên tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ:
+ So sánh: Sương trắng giỏ như giọt sữa.
+ Nhân hoá: Tia nắng tía nhảy.
Núi uốn mình
Đồi thoa son.
- Tác dụng:
+ Biện pháp so sánh của tác giả rất hay và hợp lý: màu trắng của sương gợi màu trắng của sữa,
giọt sương cũng như giọt sữa mát lành của thiên nhiên dành cho cây cối.
+ Biện pháp nhân hóa làm cho cảnh vật được thổi vào trong mình linh hồn sống động, nóng hổi
trở thành những con người.

"Tía nắng" cũng tinh nhịch nhảy hoài một cách đam mê không mệt mỏi. Màu xanh của lúa
pha với màu vàng của nắng thành màu " nắng tía". Gió thổi lúa xao động khiến tia nắng đang
trải dài thành ra nhấp nháy, chuyển động.
" Núi" được nhà thơ nhân hóa như cô gái duyên dáng trong tà áo đẹp màu xanh óng ả, tươi
tắn.
" Đổi" cũng được nhân hóa giống như cặp môi của cô gái thoa son dưới ánh bình minh.
=> Với những biện pháp tu từ trên cho ta cảm nhận được đây là một bức tranh giàu màu sắc:
trắng, tía, xanh, hồng đỏ của son, của bình minh. Cách gợi tả bức tranh làng quê vùng đồi buổi
bình minh tươi đẹp, rực rỡ, sống động, mang vẻ đẹp và sức sống của con người, thể hiện một
tâm hồn trong sáng, một cách nhìn cảnh vật đầy tình yêu, đằm thắm, lạc quan.
Bài số 5: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong ba câu thơ sau, biện pháp ấy giúp em
hình dung gì về hình ảnh "bếp lửa" mà tác giả nhắc tới?
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
(Trích: Bếp lửa - Bằng Việt)
* Gợi ý:
- Đoạn thơ sử dụng từ láy: chờn vờn.
- Từ láy có tác dụng gợi tả hình ảnh ngọn lửa lúc to, lúc nhỏ; lúc cao, lúc thấp; soi tỏ hình ảnh
của người và vật xung quanh. Ngoài ra từ láy còn có tác dụng gợi ra một hình ảnh gần gũi, quen
thuộc từ bao đời nay trong các gia đình Việt Nam, nhất là ở nông thôn trước đây. Bếp lửa là
hình tượng khơi nguồn cảm xúc để người cháu hổi tưởng về hình ảnh người bà kính yêu.
Bài số 6: Khổ thơ trên sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy phân tích giá trị nghệ thuật của
chúng?
Gió bấc cựa mình làm rơi quả khế
Mèo con ru cái bếp thầm thì
Đêm nũng nịu dụi đầu vào vai mẹ
Mùa đông còn bé tí ti.
(Ấm - Bùi Thị Tuyết Mai)
25



×