Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ (19932000) (Luận văn thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.11 MB, 96 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐÀO XUÂN TUẤN

QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM
VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993-2000)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2018


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐÀO XUÂN TUẤN

QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM
VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993-2000)

Ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 8.22.90.13

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS NGUYỄN THANH MINH

HÀ NỘI, 2018


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan luận văn này là công trình nghiên cứu khoa học
độc lập của tôi. Các tài liệu, tư liệu được sử dụng trong luận văn có nguồn
dẫn rõ ràng, các kết quả nghiên cứu là quá trình lao động trung thực của
tôi.
Tác giả luận văn

Đào Xuân Tuấn


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VỀ PHÂN ĐỊNH BIỂN VỊNH BẮC BỘ
......................................................................................................................... 13
1.1. Khái quát vùng biển Vịnh Bắc Bộ ...................................................... 13
1.2. Lịch sử vấn đề biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc ...................... 16
1.3. Bối cảnh khu vực ................................................................................. 19
Chương 2. QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN VÀ KẾT QUẢ PHÂN ĐỊNH
TRONG VỊNH BẮC BỘ .............................................................................. 31
2.1. Giai đoạn trước năm 1993 .................................................................... 31
2.2.Giai đoạn 1993-1995 ............................................................................. 32
2.3. Giai đoạn 1995-2000 ............................................................................ 34
2.4. Kết quả phân định Vịnh Bắc Bộ .......................................................... 47
Chương 3. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM............ 54
3.1. Ý nghĩa lịch sử của việc ký Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác
nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ......................................................................... 54
3.2. Bài học kinh nghiệm ............................................................................ 59
KẾT LUẬN .................................................................................................... 69
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 71



DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT

ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

COC

Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

DOC

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, là văn kiện
được ký kết năm 2002 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á và Trung Quốc

UNCLOS 1982

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982

CV

Công suất


DANH MỤC SƠ ĐỒ, HÌNH
Hình 1.1. Sơ đồ Vịnh Bắc Bộ trước khi phân định ....................................... 34
Hình 1.2. Sơ đồ đường phân định Vịnh Bắc Bộ ở khu vực cửa sông Bắc Luân
......................................................................................................................... 41
Hình 1.3. Sơ đồ đường phân định Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc ... 43

Hình 1.3.Sơ đồ đường phân định và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. .... 46


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Biển và đại dương chứa một lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên
sinh vật và phi sinh vật đa dạng và phong phú, rất quan trọng đối với nhân
loại. Biển còn là tuyến đường giao thông quan trọng về chiến lược mà các
quốc gia ven biển không phải tốn đầu tư và chi phí nhiều như đường bộ,
đường sắt và đường hàng không. Để quản lý và khai thác biển một cách có
hiệu quả, các quốc gia ven biển đảo, quần đảo trên thế giới đã tiến hành hợp
tác phân định biển với các quốc gia liên quan, nhằm tạo ra môi trường hòa
bình, ổn định và đảm bảo được các quyền lợi quốc gia trên biển.
Đối với Việt Nam, biển và hải đảo là một bộ phận cấu thành lãnh thổ
thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đất liền, biển và hải đảo đã tạo ra môi
trường sinh tồn và phát triển kinh tế của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.Việt
Nam là quốc gia biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị
và địa kinh tế rất quan trọng mà không phải quốc gia nào cũng có, chính vì
vậy Việt Nam cần có vùng biển đảm bảo hòa bình, ổn định để phát triển kinh
tế và hội nhập quốc tế. Việc phân định Vịnh Bắc Bộ một cách cụ thể, rõ ràng
với Trung Quốc để quản lý biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ quyền và lợi
ích quốc gia trên biển là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiệm
vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia
trên các vùng biển đảo trong khu vực Vịnh Bắc Bộ của Tổ quốc.
Từ năm 1974 đến năm 2000, quá trình đàm phán để giải quyết vấn đề
phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ đã diễn ra
trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và thiện chí. Hai bên đã dựa trên hệ thống
luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế hiện đại, nhất là những quy định của Công
ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để đàm phán phân định Vịnh Bắc
Bộ. Do đó, một đề tài nghiên cứu những nội dung của quá trình phân định

1


biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ sẽ có những đóng
góp nhất định về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần vào công tác nghiên cứu,
giảng dạy về quá trình triển khai chính sách phân định biển của Việt Nam
trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Với những lý do trên, tôi chọn
đề tài Quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc
Bộ(1993-2000) làm đề tài luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trong những năm gần đây những nội dung liên quan đến quá trình
phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ đã và đang thu
hút nhiều cơ quan, ban ngành, các nhà lãnh đạo và quản lý, các học giả trong
và ngoài nước tập trung nghiên cứu ở nhiều góc độ và cách tiếp cận khác
nhau. Tiêu biểu có các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài sau đây:
2.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến phân định biển nói
chung
Luận văn tốt nghiệp đại học của Học viên Nguyễn Quang Văn chuyên
ngành Luật kinh tế, Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội, năm 2005 với đề
tài: Một số vấn đề cơ sở pháp lý về phân định ranh giới trên biển Vịnh Bắc Bộ
và vùng biển Tây Nam. Tác giả đã nghiên cứu những cơ sở pháp lý để phân
định ranh giới trên biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Nam trên cơ sở Công
ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế mà
Việt Nam ký kết với các quốc gia liên quan trong khu vực.
Luận văn Thạc sĩ luật học của Lê Thanh Hoàn với đề tài: Vấn đề phân
định biển theo Công ước Luật biển năm 1982, thực tiễn phân định biển của
một số quốc gia trên thế giới và lời giải cho vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Chuyên ngành Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2013. Tác giả đã
luận giải, nghiên cứu đề cập đến vấn đề tìm hiểu nguyên tắc, phương pháp
2



phân định biển theo pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn phân định biển của
một số quốc gia trên thế giới. Sau đó, tác giả rút ra những bài học kinh
nghiệm, kết quả mà các quốc gia đã đạt được trong quá trình phân định biển,
xác định ranh giới quốc gia trên biển.
Luận văn Thạc sĩ luật học của Nguyễn Thị Dung với đề tài: Vấn đề
phân định biển theo Công ước Luật biển năm 1982. Chuyên ngành Luật quốc
tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2014. Tác giả đã khai thác, phân tích, luận
giải để làm rõ các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 và các vụ án
điển hình trong phân định biển từ trước đến nay do Tòa án Quốc tế, Tòa án
Luật biển hay Tòa trọng tài giải quyết từ đó đi sâu vào nghiên cứu các quy
định về phân định trong Công ước Luật biển năm 1982 để liên hệ với thực
tiễn quản lý vùng biển của Việt Nam qua hệ thống văn bản pháp lý. Sau đó
luận văn rút ra những bài học để áp dụng vào thực tế những tranh chấp trên
biển đang diễn ra hiện nay.
Bài viết Tranh chấp về phân định biển giữa Peru và Chile tại Tòa Công
lý Quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) và những tham chiếu cho Việt Nam trong
việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nguyễn Bá Diến, Đinh Phạm
Văn Minh đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học,
Tập 30, Số 4/(2014) tr.10 -23. Tác giả đề cập đến nội dung: Ngày 16/01/2008,
Cộng hòa Peru nộp tại Cơ quan Thư ký của Tòa án Công lý Quốc tế của Liên
hợp quốc một Đơn kiện nhằm chống lại Cộng hòa Chile liên quan đến việc
phân định biển giữa hai nước trong đó nội dung của vụ kiện đề cập đến: thứ
nhất, phân định đường biên giới giữa hai nước ở khu vực biển thuộc Thái
Bình Dương, thứ hai: công nhận yêu cầu của Peru về một khu vực biển nằm
trong giới hạn 200 hải lý tính từ bờ biển của Peru cho rằng thuộc về Peru,
nhưng Chile cho rằng khu vực này thuộc về hải phận quốc tế. Vụ việc giữa
hai nước là một ví dụ điền hình cho Việt Namvà cộng đồng quốc tế tham
3



khảo về giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia láng giềng thông qua
cơ quan tài phán quốc tế.
Luận văn Thạc sĩ Luật học của Đỗ Thị Hằng với đề tài: Vấn đề phân
định biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia dưới góc độ luật pháp
quốc tế. Chuyên ngành Luật quốc tế, Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2015:
Tác giả nghiên cứu vấn đề phân định biên giới trên biển giữa Việt Nam và
Campuchia theo một cách tiếp cận và hướng nhìn mới là đi thẳng vào vấn đề
áp dụng cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên
biển giữa Việt Nam và Campuchia dưới góc độ luật pháp quốc tế trong đó có
phân tích, so sánh để tìm ra một cách giải quyết đạt hiệu quả nhất và đưa ra đề
xuất một cơ chế riêng dựa trên các ưu điểm và hạn chế của tình hình hiện có .
Bài viết Quá trình phân định biển của Việt Nam với các nước láng
giềng của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh đăng trên .
Tác giả đưa ra quá trình nghiên cứu phân định biển giữa Việt Nam với các
quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có phần đề cập đến việc phân
định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tác giả đã phân tích và
luận giải quá trình phân định biển giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc sau
khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Hai nước đã vận dụng những quy
định của UNCLOS năm 1982 làm cơ sở cho việc phân định Vịnh Bắc Bộ và
cùng nhau ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000.
Bài viết Phân định biển và hợp tác cùng phát triển của tác giả Trần
Hữu Duy Minh đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 2 (358), tháng
02/2018, tr. 62 – 67. Tác giả đã phân tích cơ sở pháp lý về mối quan hệ giữa
phân định biển và hợp tác cùng phát triển là hai giải pháp chính mà các quốc
gia có vùng biển chồng lấn có thể lựa chọn, trong đó bài viết có đưa ra ví dụ
điển hình về hợp tác cùng phát triển sau khi ký kết hiệp định phân định giữa

4



Việt Nam với Thái Lan năm 1997 trong phân định Vịnh Thái Lan, giữa Việt
Nam và Trung Quốc trong phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000.
2.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu có liên quan đến chính sách và
pháp luật về biển đảo của Việt Nam
Cuốn sách Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế
(1988), Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đây là một công trình quan
trọng đã thẳng thắn bác bỏ các quan điểm không có căn cứ pháp lý của Trung
Quốc về khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được
thể hiện qua việc quản lý hành chính và khai thác biển đảo của các triều đại
phong kiến Việt Nam và sự kế thừa về mặt chủ quyền của nước Pháp. Sau đó,
nước Pháp đã trao trả cho Việt Nam sau khi rút khỏi Việt Nam theo quy định
của Hiệp định Geneva về Đông Dương năm 1954.
Cuốn sách về Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và Chiến lược
phát triển bền vững (2006), của Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế
thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Tư pháp do
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến chủ biên.Các tác giả đã tập trung phân tích và luận
giải những thông tin cơ bản, toàn diện, hệ thống chính sách và pháp luật về
biển của Nhà nước Việt Nam.
Cuốn sách Công ước Biển năm 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam
(2008), của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, PGS.TS. Đỗ Minh Thái, ThS.
Nguyễn Thị Như Mai và ThS. Nguyễn Thị Hường, Nhà xuất bản Chính trị
Quốc gia, Hà Nội. Các tác giả làm rõ quá trình tham gia và thực hiện các quy
định, yêu cầu trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm
1982 đối với một quốc gia ven biển.

5



Cuốn sách Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực. Hoàng Sa - Trường Sa
(2013), của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố
Hồ Chí Minh. Tác giả đã khái quát, phân tích và luận giải chiều dài lịch sử
hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay.
Cuốn sách Tìm kiếm giải pháp hòa bình và công lý ở Biển Đông, do
PGS.TS. Đặng Đình Quý (Chủ biên), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, năm
2015. Cuốn sách gồm 3 phần, tập hợp 16 bài nghiên cứu của các tác giả, chủ
yếu tập trung phân tích và luận giải các vấn đề chính yếu liên quan đến tranh
chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên một số
vùng biển đảo ở khu vực Biển Đông.
Cuốn sách Người Việt với Biển, do GS.TS.Nguyễn Văn Kim (Chủ
biên), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội năm 2011. Cuốn sách tổng hợp 24 bài
nghiên cứu của các chuyên gia, học giả nghiên cứu về Biển Đông. Dưới góc
độ nghiên cứu lịch sử, cuốn sách Người Việt với biển đã tập trung khai thác và
lý giải mối quan hệ giữa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam với thế giới
bên ngoài qua con đường biển. Cơ tầng văn hóa biển được đắp xây từ những
huyền thoại về thời lập quốc, những tín niệm tâm linh cho tới những câu
chuyện dân gian đời thường cùng những ghi chép được tích lũy qua nhiều
thời đại đã dần dần tạo nên ý thức về biển ngày một rộng lớn, sâu sắc. Các
công trình khảo cổ học đã phát hiện từ lòng đất những di vật thời tiền – sơ sử
của các vùng ven biển, các vùng biển đảo dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc
đến Nam, tỏa rộng ra biển.
Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật của Trung Quốc
trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, do GS.TS.Đỗ Tiến Sâm (Chủ biên), Nhà xuất
bản Từ điển bách khoa, Hà Nội năm 2012. Cuốn sách được bố cục thành 5
chương, trong đó Chương 1, tập trung phân tích về tình hình thế giới, khu vực
và Trung Quốc thời gian cuối thế kỷ XX, đồng thời xem đó là bối cảnh lịch sử
6



của việc tìm tòi giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trước công
cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI. Chương 2
tập trung phân tích một số vấn đề lý luận nổi bật, qua đó, góp phần chỉ đạo
thực tiễn mới của cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Còn các chương 3, 4, 5 đi
sâu vào lý giải một số vấn đề lý luận nổi bật trên các phương diện kinh tế - xã
hội, xây dựng chính trị và đối ngoại.
Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu liên quan đến các khía cạnh,
lĩnh vực nghiên cứu khác như: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển, lĩnh
vực quốc phòng – an ninh về biển đảo. Công trình nghiên cứu liên quan đến
lĩnh vực lịch sử và văn hóa biển nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo.
2.1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu của các công trình liên quan đến
đề tài đã đạt được
Qua việc trình bày tổng quan trong những công trình phân tích ở trên,
các tác giả trong nước hay ngoài nước từ những góc độ nghiên cứu khác nhau,
trong từng lĩnh vực nhất định, tùy theo những chuyên ngành cụ thể. Trong
những công trình nêu trên, có những nội dung liên quan đến quá trình phân
định biển Việt Nam như cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc, phát
triển kinh tế biển, phân định biên giới trên biển, cơ chế hợp tác quốc tế về
biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Qua tìm hiểu cho thấy, các nhóm
công trình nêu trên đề cập đến những nội dung sau:
Thứ nhất, nhóm công trình nghiên cứu lĩnh vực phân định biển từ góc
độ lịch sử, địa lý, văn hóa và đặc biệt là pháp luật quốc tế của các bên liên
quan trực tiếp nhằm chứng minh chủ quyền của mình đối với các vùng biển
đảo trên thế giới nói chung và Biển Đông nói riêng, bác bỏ luận điểm, quan
điểm chủ quyền của bên khác.

7



Thứ hai, nhóm công trình nghiên cứu về vai trò quan trọng của biển nhìn
từ góc độ an ninh, chính trị quốc tế, xem xét các khả năng xảy ra xung đột và
kiểm soát xung đột trên biển. Đánh giá nguy cơ của chúng đối với các quốc
gia hữu quan, khu vực và quan hệ quốc tế.
Thứ ba, nhóm công trình nghiên cứu từ góc độ kinh tế biển nhằm tìm
hiểu và đánh giá tiềm năng của biển, khả năng khai thác, phát triển kinh tế
biển trong khu vực Biển Đông về vận tải biển và tài nguyên biển, đặc biệt là
nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và hải sản.
Những nội dung liên quan đến đề tài luận văn chưa đề cập và nghiên cứu một
cách toàn diện và có hệ thống về quá trình phân định biển giữa Việt Nam với
Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Do đó, còn có một số khoảng trống nhất định
trong luận văn mà các công trình chưa được đề cập đến, hoặc có đề cập nhưng
nghiên cứu chưa sâu, chưa thể hiện hết nội dung của quá trình phân định biển
giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Tóm lại, tất cả những công trình nghiên cứu khoa học của các tổ chức
và cá nhân trong nước và ngoài nước nêu trên đều là nguồn tư liệu quý và bổ
ích cho tác giả luận văn tham khảo, kế thừa trong quá trình nghiên cứu. Nhất
là những nội dung nghiên cứu có liên quan trực tiếp ít nhiều đến nội dung
phân định biển đã gợi mở cho tác giả có cái nhìn tương đối tổng quan về
chính sách biển Việt Nam và vấn đề về phân định biển giữa Việt Nam với các
quốc gia co liên quan trong khu vực, trong đó có nội dung phân định biển
giữa Việt Nam – Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
2.1.4. Những nội dung luận văn cần tiếp tục cùng giải quyết
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa kết quả nghiên cứu của những công trình
khoa học kể trên tôi lựa chọn đề tài quá trình phân định biển giữa Việt Nam
và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ (1993 – 2000) làm đề tài luận văn tốt nghiệp.
Nghiên cứu đề tài này của tôi góp phần làm rõ một số nội dung sau:
8



Một là, phân tích bối cảnh lịch sử, cơ sở hình thành và nội dung phân
định biển của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Phân tích và luận giải quá
trình đàm phán phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1993
đến năm 2000 ở trong Vịnh Bắc Bộ.
Hai là, phân tích, đánh giá và luận giải những thành tựu đã đạt được
trong quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1993
đến năm 2000 ở Vịnh Bắc Bộ. Từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử và bài học kinh
nghiệm, làm cơ sở khoa học cho việc vận dụng vào quá trình phân định biển
giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan trong các giai đoạn tiếp theo.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích chủ yếu của luận văn là phân tích và luận giải sâu về quá
trình đàm phán phân định biển, về nội dung Hiệp định phân định Vịnh Bắc
Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ theo cách tiếp cận ở góc độ
lịch sử Việt Nam.
Đánh giá những thành tựu đã đạt được, phân tích nguyên nhân thành
công, nêu lên những kinh nghiệm trong quá trình phân định biển giữa Việt
Nam với Trung Quốc từ năm 1993 đến năm 2000 ở khu vực Vịnh Bắc Bộ để
đúc rút bài học kinh nghiệm lịch sử cho các giai đoạn tiếp theo, nhất là hợp
tác phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Phân tích bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế, cơ sở hình thành và
nội dung phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Nghiên cứu quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm
1993 đến năm 2000 ở Vịnh Bắc Bộ, luận giải có hệ thống về bối cảnh lịch sử
dẫn đến hai nước ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ.

9



Đánh giá những thành tựu đạt được trong quá trình phân định biển ở
Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước. Phân tích nguyên nhân của những thành tựu, ý
nghĩa lịch sử, trên cơ sở đó đúc rút những bài học kinh nghiệm vào việc phân
định biển trong các giai đoạn tiếp theo của Nhà nước Việt Nam với các quốc
gia có liên quan trong khu vực Biển Đông.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quá trình phân định biển giữa
Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ từ năm 1993 đến năm 2000.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi thời gian: Luận văn giới hạn thời gian nghiên cứu quá trình
phân định biển giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ từ năm 1993,
sau khi hai nước ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề
biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đến khi Hiệp định phân định
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung
Quốc được ký kết năm 2000.
Phạm vi không gian: Luận văn đi sâu nghiên cứu quá trình phân định
biển giữa Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ từ năm 1993
đến năm 2000.
Phạm vi nội dung: Luận văn nghiên cứu bối cảnh lịch sử, cơ sở và nội
dung quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1993
đến năm 2000: Đó là quá trình đàm phán có những thuận lợi và khó khăn về
quan điểm khác nhau của hai bên về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài
phán quốc gia, ý nghĩa của hiệp định phân định biển.
Trên cơ sở đó rút ra một số nhận xét về thành tựu, về nguyên nhân của
thành tựu và những kinh nghiệm của việc phân định biển.

10



5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Phương pháp luận quan trọng dựa trên cơ sở lý luận Mác - Lênin về
chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí
Minh về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và
phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên xây dựng đất nước.
Luận văn là một đề tài nghiên cứu lịch sử có liên quan đến nhiều quốc
gia, cho nên còn vận dụng lý luận về quan hệ quốc tế, sử dụng lý thuyết về địa
chính trị và sức mạnh quốc gia, trong đó nghiên cứu sự tương tác giữa yếu tố
chính trị và địa lý trong việc xác lập quyền lực trên biển.
Đề tài luận văn có liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học khác như
:kinh tế, an ninh - quốc phòng, quan hệ quốc tế.v.v.., nên sử dụng phương
pháp liên ngành để xem xét vấn đề.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài luận văn thuộc chuyên ngành lịch sử Việt Nam, nội dung sự kiện
diễn ra trong thời kỳ hiện đại, bởi vậy, phương pháp nghiên cứu chủ yếu
được sử dụng là phương pháp nghiên cứu lịch sử và logic kết hợp với phương
pháp nghiên cứu liên ngành khác như phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc
tế, phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp, đối chiếu so sánh, phỏng vấn
chuyên gia...xem xét vấn đề theo thời gian và không gian trong mối tương tác
đa chiều, tổng thể của chính sách phân định biển giữa Việt Nam với Trung
Quốc trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, trong bối cảnh chịu sự tác động của khu
vực và quốc tế.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về phân định
Vịnh Bắc Bộ qua đó giúp cho việc phân tích, đánh giá kết quả thực tiễn và
11



khẳng định vai trò của Nhà nước Việt Nam đối với quá trình phân định biển
giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ từ năm 1993 đến năm 2000.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn là công trình nghiên cứu tương đối chuyên sâu và có hệ thống
đối với quá trình phân định biển trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung
Quốc. Qua đó, rút ra ý nghĩa lịch sử và một số bài học kinh nghiệm thực tiễn
phục vụ việc triển khai chính sách phân định biển giữa Việt Nam với các quốc
gia hữu quan trong thời gian sau này.
Luận văn là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy về bảo
vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven biển,
các lĩnh vực kinh tế biển cũng như mở rộng hợp tác quốc tế trên biển của Nhà
nước Việt Nam, nhất là việc sử dụng nội dung luận văn trong việc nghiên
cứu, giảng dạy môn lịch sử ở cấp phổ thông về chủ quyền biển đảo.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, phụ lục.. luận văn được chia thành ba
chương như sau:
Chương 1: Bối cảnh lịch sử về phân định biển ở Vịnh Bắc Bộ.
Chương 2: Quá trình đàm phán và kết quả phân định ở Vịnh Bắc Bộ.
Chương 3: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.

12


Chương 1
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VỀ PHÂN ĐỊNH BIỂN VỊNH BẮC BỘ
1.1. Khái quát vùng biển Vịnh Bắc Bộ
1.1.1. Sơ lược về lịch sử Vịnh Bắc Bộ
Kinh đô của nước Đại Việt từ triều đại nhà Lý được gọi là Thăng Long,
năm 1397 thành Thăng Long được gọi là Đông Đô. Khi nhà Minh xâm lược

nước ta vào năm 1407, Đại Việt bị phụ thuộc Trung Quốc (còn gọi là thời
Minh thuộc trong lịch sử Việt Nam), cho đến năm 1408 nhà Hồ đổi tên Đông
Đô thành Đông Quan. Năm 1418 cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm
lược về nước do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo và kết thúc bằng việc
giành lại độc lập cho Đại Việt vào năm 1427. Lê Thái Tổ đổi tên thành Đông
Quan thành Đông Kinh [69].
Sau những cuộc phát kiến địa lý vào thế kỉ XV, ở Châu Á – Thái Bình
Dương đã hình thành hai trục giao thương chính là : trục tuyến Bắc – Nam và
Đông – Tây. Trục tuyến Đông – Tây với trạm dừng chân là Ấn Độ. Từ đây,
các tàu thuyền phương Tây qua eo Malacca, tới Indonesia, Xiêm, Đại Việt,
Trung Quốc, Philippins và Nhật Bản [70].
Vào thời Bắc thuộc, Bắc Bộ Việt Nam được mang những tên như quận
Giao Chỉ, rồi Giao Châu. Đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh , đây là vùng
đất Đàng Ngoài do chúa Trịnh kiểm soát. Tên gọi Bắc Kỳ do vua Minh Mạng
đặt ra vào năm 1834 để chỉ phần đất từ Ninh Bình trở ra phía Bắc của Việt
Nam.
Tonkin Gulf là danh từ được người phương Tây dùng để chỉ xứ Đàng Ngoài
thuộc thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giai đoạn (1627-1775). Sang thế kỉ XIX
địa danh Tonkin được người Pháp đặt tên cho vùng lãnh thổ phía Bắc Việt
Nam. Vùng lãnh thổ này trong tiếng Việt được gọi là: Bắc Việt, Bắc –Kỳ, Bắc
13


– Bộ hay Bắc - Phần [67]. Vùng biển phía Đông của Bắc Việt là một phần của
Biển Đông. Vùng biển này là Vịnh Bắc Việt ( cũng được gọi là Vịnh Bắc Bộ
hay Vịnh Bắc Phần là vịnh nước mặn nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc).
1.1.2. Điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội
Vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ
biển miền Bắc Việt Nam, lục địa Trung Quốc, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải
Nam (Trung Quốc) là một trong những Vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới

với diện tích khoảng 126.250 km², Vịnh Bắc Bộ trải rộng từ khoảng 17010’
đến 21055’ độ vĩ Bắc, 105036’ đến 109055’ độ kinh Đông; chiều ngang nơi
rộng nhất khoảng 310km và nơi hẹp nhất khoảng 220 km; có hai cửa ra vào
Vịnh: Một là, eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải
Nam rộng khoảng 35 km (19 hải lý) và hai là, cửa chính từ đảo Cồn Cỏ (Việt
Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam – Trung Quốc) rộng khoảng 207 km
(112 hải lý) [10,tr.2].
Phần Vịnh phía Việt Nam tập trung khoảng 2312 đảo ven bờ với thắng
cảnh Vịnh Hạ Long nổi tiếng. Phần Vịnh phía Trung Quốc chỉ có khoảng vài
trăm đảo đá nhỏ ven bờ, lớn nhất là đảo Vị Châu ở Đông Bắc vịnh có diện
tích rộng trên 30km2, cách đất liền Trung Quốc khoảng 35km (19 hải lý). Ở
giữa Vịnh có đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam. Đảo rộng khoảng 2,5km2,
nằm cách bờ Việt Nam 110km (59 hải lý) và bờ biển đảo Hải Nam (Trung
Quốc) khoảng 130 km (70 hải lý).
Trong phạm vi đó, chiều dài bờ vịnh bên phía Việt Nam là 763 km,
chạy qua 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định,
Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Bờ
biển phía Trung Quốc dài 695 km, chạy qua 2 tỉnh Quảng Tây và Hải Nam.
Phía Việt Nam có hàng nghìn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm
gần giữa Vịnh. Phía Trung Quốc chỉ có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc
14


Vịnh như các đảo Vị Châu,Tà Dương. Vịnh Bắc Bộ tương đối nông (chiều
sâu chưa tới 60 m). Sông Hồng là con sông chính chảy vào Vịnh này.
Thành phố Hải Phòng và thành phố Vinh (Nghệ An) của Việt Nam và
Bắc Hải ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc là những thành phố có hải
cảng chính trong vịnh. Các đảo nhỏ khác trong vịnh gồm đảo Bạch Long
Vĩ, Cát Bà của Việt Nam và Vị Châu, Tà Dương của Trung Quốc, đảo Hải
Nam của Trung Quốc là bờ phía Đông của Vịnh Bắc Bộ.

Về mặt địa chiến lược, quốc phòng-an ninh, kinh tế: Vùng biển trong
Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế
đối với nhân dân hai nước trong suốt lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và
xây dựng đất nước.
Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản
và dầu khí. Bên cạnh đó vịnh cũng là nơi để cho hai bên phát triển lĩnh vực
kinh tế biển,thương mại quốc tế, logistic biển, khai thác các nguồn tài nguyên
biển như dầu khí và các nguồn tài nguyên sinh vật, vi sinh vật khác. Trong
vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời
sống của nhân dân hai nước. Đối với khu vực phía Nam Trung Quốc, vịnh
cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử
dụng và khai thác Vịnh.
Sau năm 1887 cho đến trước năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc chưa
tiến hành đàm phán để phân định rõ ràng ở Vịnh Bắc Bộ. Ðiều này xuất phát
từ thực tế khách quan là từ những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước khi Luật
Biển quốc tế chưa phát triển, các quốc gia ven biển thời kỳ đó chỉ có chủ
quyền đối với lãnh hải rộng 03 hải lý và toàn bộ vùng biển nằm ngoài phạm vi
lãnh hải được coi là biển quốc tế, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia
nào. Trong bối cảnh đó, Công ước Pháp - Thanh năm 1887 chỉ tập trung giải
quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền giữa hai nước và vấn đề quy
15


thuộc chủ quyền của mỗi nước đối với các đảo ở khu vực cửa sông Bắc Luân
trong Vịnh Bắc Bộ [69].
1.2. Lịch sử vấn đề biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc
Vào cuối thế kỉ XIX, Trung Quốc (Nhà Thanh) có âm mưu chiếm lấy
những tỉnh ở về phía Bắc sông Hồng của Việt Nam. Có thể thấy rõ bối cảnh
lịch sử lúc đó là trong khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ và buộc triều đình nhà
Nguyễn phải ký Hiệp ước Patơnốt 1884, chấp nhận quyền bảo hộ của nước

Pháp thì nhà Thanh (Trung Quốc) can thiệp.Vì Pháp muốn kiểm soát vùng
đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và con đường nối từ Hà Nội đến tỉnh Vân
Nam của Trung Quốc. Nhà Thanh ngược lại muốn ngăn cản sự hiện diện quân
sự của Pháp ở Bắc Kỳ, vì điều này sẽ trực tiếp uy hiếp đến vùng biên giới
phía Nam của họ. Sâu xa hơn nữa, nhà Thanh muốn nhân cơ hội này để chiếm
đoạt hoặc là duy trì ảnh hưởng của mình đối với Việt Nam, vốn là thuộc quốc
truyền thống của Trung Quốc. Vậy nên mâu thuẫn giữa Pháp –Thanh (Trung
Quốc) về vấn đề Việt Nam là điều không tránh khỏi. Chiến tranh Pháp –
Thanh (Trung Quốc) đã diễn ra từ tháng 9/1884 tới tháng 6/1885 và kết thúc
bằng bản Hiệp ước Thiên Tân được kí ngày 09/6 /1885, hiệp ước gồm 10 điều
khoản được ký giữa chính phủ Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) và hai bên sẽ
bắt đầu việc phân định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Theo đó
trong điều 3 của Hiệp ước Thiên Tân 1885 với nội dung: Trong thời hạn sáu
tháng sau khi kí hòa ước này, hai bên sẽ phái người đến khảo sát tại chỗ biên
giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc; chỗ nào cần thì sẽ trồng cột mốc giới ở nơi
dễ trông thấy. Trong trường hợp hai bên không thể đồng ý về nơi lập cột mốc
giới hoặc về điểm nào khác thì mỗi bên phải trình lên chính phủ nước mình
định liệu [35,tr.9]. Đó là cơ sở pháp lý để chính phủ Pháp và nhà Thanh tiến
hành việc hoạch định biên giới Việt – Trung (trong các văn bản hồi đó thường
gọi là Biên giới Trung Quốc – Bắc Kỳ) [35,tr.11].
16


Quá trình hoạch định biên giới Việt Nam – Trung Quốc của Ủy ban Liên
hợp giữa Pháp và Trung Quốc diễn ra từ tháng 01/1886 đến tháng 4/1887,
trong đó việc hoạch định đường biên giới trên Vịnh Bắc Kỳ được tiến hành ở
Móng Cái từ ngày 31/3/1883 đến ngày 08/4/1887[35,tr.11].
Công ước hoạch định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ ký ngày
26/6/1887 là một văn bản pháp lý, phân định đường biên giới Bắc Kỳ - Trung
Quốc trên đất liền và phân định hải phận của Bắc Kỳ - Trung Quốc trong

Vịnh Bắc Việt. Nội dung về biên giới trên biển là các đảo ở về phía Đông của
đường kinh tuyến Đông 105043’ Paris (đường thẳng Bắc-Nam) đi qua Đông
điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì thuộc về Trung Quốc.
Nhìn lại quá trình đàm phán và thương thuyết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung
Quốc) về vấn đề hoạch định và cắm mốc biên giới Việt – Trung cuối thế kỷ
XIX. Việt Nam rơi vào tình thế không thuận lợi vì sự hoạch định biên giới lại
do Pháp lấy tư cách xâm lược mà tiến hành. Đây là cuộc đàm phán, thương
thuyết giữa hai nước Pháp và Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ biên giới của
Việt Nam nhưng lại không có tiếng nói của Việt Nam. Nguyên nhân căn bản
là mọi hoạt động ngoại giao của Việt Nam đều do Pháp quyết định, khi chúng
ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, chủ quyền của Việt Nam bị tước bỏ.
Trong khi đàm phán thương thuyết giữa hai bên về biên giới, phía Nhà Thanh
(Trung Quốc) lại chuẩn bị nội dung và phương sách một cách chi tiết bởi các
nhà đàm phán có kinh nghiệm trước khi đưa ra bàn bạc với Pháp.
Mục đích của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 rất rõ ràng là phân
định đường biên giới và chủ quyền trên đất liền, vùng biển và các đảo giữa
Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên trong Công ước không đề cập đến điểm
chấm dứt của đường phân định biên giới trên biển và chủ quyền trong Vịnh
Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc và cũng không nói đến kinh tuyến 1050
43’ Paris là ranh giới phân định trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Từ đó không
17


có một thỏa ước nào khác phải ký kết về vấn đề biên giới trên biển giữa Trung
Quốc và Pháp. Nội dung Công ước Pháp - Thanh năm 1887 không có hiệu
quả ngoài biên giới Việt Nam –Trung Quốc trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ.
Trong lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Việt Nam cũng là nơi
đầu tiên đánh đuổi tàu USS Maddox của Mĩ khi tàu USS Maddox đã xâm
phạm lãnh hải của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại khu vực Hòn Mê và Lạch
Trường. Ngày 02/8/1964 tàu khu trục USS Maddox của Mĩ tiến vào sát bờ

biển Thanh Hóa (cách bờ biển khoảng 06 hải lý) nằm trong lãnh hải của Việt
Nam [74]. Sau khi tạo dựng Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, không quân Mĩ đã mở màn
chiến dịch đánh phá miền Bắc Việt Nam. Chiến thắng của Hải quân Việt Nam
ngày 02 và ngày 05/8/1964 trong kháng chiến chống Mĩ có ý nghĩa lịch sử to
lớn mở ra trang sử hào hùng của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, mà cụ thể là phân định lãnh hải, vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc
chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của Luật biển quốc tế từ giữa
những năm 50 của thế kỷ XX trở lại đây. Theo quy định của Luật Biển quốc
tế hiện đại, quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, vùng
đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa 350 hải lý tính
từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sau 2500 m một khoảng cách không
quá 100 hải lý. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng
nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước
trong Vịnh đều bị chồng lấn lên nhau do đó cần phải được phân định để xác
định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa giữa hai nước.
Thực tế cho thấy, trước đây do chưa có đường biên giới và ranh giới
biển rõ ràng trong Vịnh Bắc Bộ nên giữa hai nước thường xảy ra các vụ việc
tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí trong
18


một thời gian dài, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai
nước, làm hạn chế đến việc khai thác bền vững và hiệu quả tiềm năng của
vịnh, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực. Do đó,
việc Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân
định Vịnh Bắc Bộ để xác định rõ ràng đường biên giới lãnh hải, ranh giới
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là nhu cầu tất yếu đối với công cuộc
xây dựng và phát triển của mỗi nước, cũng như để góp phần vào việc tăng

cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước nhằm đạt được hai
mục tiêu cơ bản và lâu dài. Chỉ khi có một đường phân chia ranh giới biển rõ
ràng trong vịnh, được hai nước chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế,
hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành việc quản lý, sử dụng,
khai thác, phát triển và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong Vịnh Bắc
Bộ. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm
phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong vịnh, tăng cường sự
tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Qua đó tạo cơ sở cho hai
nước tiếp tục thực hiện việc phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
1.3. Bối cảnh khu vực
Trước bối cảnh quan hệ quốc tế có những thay đổi sau chiến tranh lạnh,
Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới hai cực tan rã. Lúc này mong muốn một môi
trường hòa bình để ổn định và phát triển kinh tế được đặt ra đối với mỗi quốc
gia. Muốn ổn định và phát triển kinh tế buộc các nước phải tiến hành hợp tác,
kí kết với nhau những hiệp định kinh tế và đặc biệt là vấn đề phân định biên
giới lãnh thổ giữa các nước, cần có thời gian hòa bình, hòa hoãn để đi sâu vào
bàn bạc.
Trước xu thế hòa bình, hòa hoãn như vậy, các nước trong khu vực Biển
Đông đều có nhu cầu hòa hoãn để thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng phát
triển kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực với nhau và với Trung Quốc.
19


×