Một số nét kinh tế Việt Nam
Việt Nam chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới nền kinh tế từ năm 1986. Kể từ đó,
Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn, trước hết là sự đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển đổi
từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đa dạng hóa và đa
phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế. Con đường
đổi mới đó đã giúp Việt Nam giảm nhanh được tình trạng nghèo đói, bước đầu xây dựng
nền kinh tế công nghiệp hóa, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với sự công
bằng tương đối trong xã hội.
Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý
cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Năm 1991 Luật doanh nghiệp tư
nhân và Luật công ty ra đời. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đã khẳng định đảm bảo sự tồn
tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị
trường và khu vực đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của
nền kinh tế thị trường đã được hình thành tại Việt Nam như Luật đất đai, Luật thuế, Luật
phá sản, Luật môi trường, Luật lao động và hàng trăm các văn bản pháp lệnh, nghị định
của chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện luật phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội.
Cùng với việc xây dựng luật, các thể chế thị trường ở Việt Nam cũng từng bước được hình
thành. Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, nhấn mạnh quan hệ hàng
hóa - tiền tệ, tập trung vào các biện pháp quản lý kinh tế, thành lập hàng loạt các tổ chức
tài chính, ngân hàng, hình thành các thị trường cơ bản như thị trường tiền tệ, thị trường lao
động, thị trường hàng hóa, thị trường đất đai… Cải cách hành chính được thúc đẩy nhằm
nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi và đầy đủ hơn cho hoạt
động kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Chiến lược cải cách
hành chính giai đoạn 2001-2010 là một quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, trong đó nhấn
mạnh việc sửa đổi các thủ tục hành chính, luật pháp, cơ chế quản lý kinh tế… để tạo ra
một thể chế năng động, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Nhìn chung, những cải cách kinh tế mạnh mẽ trong gần hai thập kỷ đổi mới vừa qua đã
mang lại cho Việt Nam những thành quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Việt Nam đã tạo ra
được một môi trường kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và năng động hơn bao giờ hết.
Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được khuyến khích phát triển, tạo nên tính hiệu quả
trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Các quan hệ
kinh tế đối ngoại đã trở nên thông thoáng hơn, thu hút được ngày càng nhiều các nguồn
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và phát triển
thêm một số lĩnh vực hoạt động tạo ra nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn như du lịch, xuất
khẩu lao động, tiếp nhận kiều hối...
Biểu đồ tăng trưởng kinh tế 1986 - 2005
Cùng với tốc độ tăng cao của GDP, cơ cấu kinh tế trong nước đã có sự thay đổi đáng kể.
Từ năm 1990 đến 2005, tỷ trọng của khu vực nông nghiệp đã giảm từ 38,7% xuống
20,89% GDP, nhường chỗ cho sự tăng lên về tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây
dựng từ 22,7% lên 41,03%, còn khu vực dịch vụ được duy trì ở mức gần như không thay
đổi: 38,6% năm 1990 và 38,10% năm 2005. Trong từng nhóm ngành, cơ cấu cũng có sự
thay đổi tích cực. Trong khu vực nông nghiệp, tỷ trọng của ngành nông và lâm nghiệp đã
giảm từ 84,4% năm 1990 xuống 77,7% năm 2003, phần còn lại là tỷ trọng ngày càng tăng
của ngành thủy sản. Trong cơ cấu công nghiệp, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến
tăng từ 12,3% năm 1990 lên 20,8% năm 2003, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng
cao. Cơ cấu của khu vực dịch vụ thay đổi theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành
dịch vụ có chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…
Cơ cấu các thành phần kinh tế ngày càng được chuyển dịch theo hướng phát triển nền kinh
tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước,
trong đó kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động
trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Từ những định hướng đó, khung pháp
lý ngày càng được đổi mới, tạo thuận lợi cho việc chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa
tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế thị trường, nhằm giải phóng sức sản xuất,
huy động và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh
tế.
Khi sửa đổi Luật doanh nghiệp (năm 2000), các doanh nghiệp tư nhân đã có điều kiện
thuận lợi để phát triển. Bộ luật này đã thể chế hóa quyền tự do kinh doanh của các cá nhân
trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, dỡ bỏ những rào cản về hành chính
đang làm trở ngại đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như cấp giấy phép, thủ
tục, các loại phí… Tính trong giai đoạn 2000-2004, đã có 73.000 doanh nghiệp tư nhân
đăng ký mới, tăng 3,75 lần so với giai đoạn 1991-1999. Cho đến năm 2004, đã có 150.000
doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ là
182.000 tỷ đồng. Từ năm 1991 đến năm 2003, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong
GDP đã tăng từ 3,1% lên 4,1%, kinh tế ngoài quốc doanh khác từ 4,4% lên 4,5%, kinh tế
cá thể giảm từ 35,9% xuống 31,2%, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 6,4% lên
14%. Từ 1/7/2006, Luật Doanh nghiệp 2005 (áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong
nước và đầu tư nước ngoài) đã có hiệu lực, hứa hẹn sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bởi
sự bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở
hữu.
Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, những chính sách và biện pháp điều chỉnh, sắp xếp
lại doanh nghiệp, đặc biệt là những biện pháp về quản lý tài chính của công ty nhà nước,
quản lý các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hay việc chuyển các công ty
nhà nước thành công ty cổ phần theo tinh thần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các doanh
nghiệp nhà nước, ngày càng được coi trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả cho khu vực kinh
tế quốc doanh. Với chính sách xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tỷ trọng
của khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng giảm đi, từ 40,1% GDP năm 1991 xuống còn
38,3% năm 2003, kinh tế tập thể giảm từ 10,2% xuống 7,9% trong thời gian tương ứng.
Trong các năm 2002-2003, có 1.655 doanh nghiệp nhà nước được đưa vào chương trình
sắp xếp và đổi mới, năm 2004 là 882 doanh nghiệp và năm 2005 dự kiến sẽ là 413 doanh
nghiệp.
Việt Nam đã sử dụng một cách hiệu quả các thành tựu kinh tế vào mục tiêu phát triển xã
hội như phân chia một cách tương đối đồng đều các lợi ích của đổi mới cho đại đa số dân
chúng; gắn kết tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế, giáo
dục; nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam từ vị trí thứ 120/174 nước năm
1994, lên vị trí thứ 108/177 nước trên thế giới năm 2005; tăng tuổi thọ trung bình của
người dân từ 50 tuổi trong những năm 1960 lên 72 tuổi năm 2005, giảm tỷ lệ số hộ đói
nghèo từ trên 70% đầu những năm 1980 xuống dưới 7% năm 2005.