Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật việt nam về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và hàn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (117.84 KB, 18 trang )

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Lý luận chung về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
I. Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
1. Quy định pháp luật về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
2. Thực trạng vi phạm hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
II. Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
1. Quy định pháp luật về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác
2. Thực trạng vi phạm hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
III. Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
1. Quy định pháp luật về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
2. Thực trạng vi phạm hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
IV. Giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh Việt Nam đối với ba hành vi trên
KẾT LUẬN


MỞ ĐẦU
Cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế cơ bản của nền kinh tế thị
trường. Đảm bảo cạnh tranh tự do và công bằng thường được coi là giải pháp quan
trọng nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phục vụ sự nghiệp
phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, cạnh tranh bao giờ cũng là thứ áp
lực rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Để chống lại đối thủ cạnh tranh,
duy trì sự tồn tại, mở rộng thị trường, thu nhiều lợi nhuận, không phải lúc nào doanh
nghiệp cũng sử dụng phương pháp cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Thay vào đó,
nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng cả các thủ đoạn cạnh tranh “không
lành mạnh”.
Kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhất là khi áp lực cạnh tranh trên thị
trường ngày một lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chứng kiến sự tồn tại của nhiều loại
hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh. Trong số các hành vi đó phải kể
đến các dạng hành vi như: hành vi gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ


cạnh tranh, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Luật cạnh tranh ra đời năm
2004 đã điều chỉnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên. Tuy nhiên, hiện
tại việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh kể trên nói chung còn hết sức
khiêm tốn. Điều này có nguyên nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống
pháp luật cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi
cạnh tranh không lành mạnh. Để hiểu thêm về vấn đề này, nhóm chúng tôi đã nghiên
cứu đề tài “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hành vi gièm
pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và
hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”


Lý luận chung về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Luật Cạnh tranh của Việt Nam quan niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh
bao gồm các “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái
với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể
gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
khác hoặc người tiêu dùng” (Điều 3 Khoản 4). Tiếp theo đó, Điều 39 Luật Cạnh
tranh Việt Nam quy định rõ một số loại hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không
lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong
kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác,
quảng cáo và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của
hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác
do Chính phủ quy định thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh
tranh.
Các dấu hiệu cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:
- Là hành vi của doanh nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh;
- Hành vi đó phải nhằm vào đối thủ cạnh tranh cụ thể, xác định được;
- Hành vi đó có biểu hiện trái với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh hoặc trái với
pháp luật;
- Hành vi đó gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh hoặc người tiêu dùng.

Xét từ giác độ kinh tế thì bản chất hành vi cạnh tranh không lành mạnh về căn
bản là các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất
hợp pháp hoặc là hành vi hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác hoặc
là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.
Hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác, chẳng hạn bằng
cách chiếm đoạt các bí mật thương mại (vốn là các tài sản mà đối thủ cạnh tranh đã
phải đầu tư rất nhiều công sức mới có được) hoặc hành vi nhái nhãn mác, kiểu dáng,
thương hiệu, tạo sự nhầm lẫn trong khách hàng gây thiệt hại trực tiếp cho đối thủ
cạnh tranh.
Hành vi hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác như gièm pha đối
thủ cạnh tranh, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác v.v. khiến cho
đối thủ cạnh tranh bị mất uy tín, mất thời gian công sức để xử lý các vấn đề mới phát
sinh cũng gây ảnh hưởng trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh.
Hành vi tạo ưu thế cạnh tranh giả tạo thông qua việc quảng cáo gian dối, nhái
thương hiệu, kiểu dáng sản phẩm của doanh nghiệp khác v.v. vừa trực tiếp gây thiệt
hại cho đối thủ cạnh tranh lại vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Có thể nói, thực hiện 3 loại hành vi kể trên, là một “con đường tắt” để chiến
thắng trong cạnh tranh. Như vậy, khi đề cập đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh
người ta thường nhấn mạnh đến tính “không lành mạnh” của hành vi cạnh tranh, tức
là những hành vi cạnh tranh không đẹp, không phù hợp với đạo đức kinh doanh mà
hệ quả của những hành vi này có thể sẽ dẫn đến gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt
hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc
người tiêu dùng làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường. Nhiệm vụ của


Nhà nước là phải kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi cạnh
tranh không lành mạnh trên thị trường.
I. Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
1. Quy định pháp luật về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
Trước khi có Luật Cạnh tranh 2004, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác đã

như Bộ luật Dân sự, các quy định trong lĩnh vực quảng cáo, vệ sinh an toàn thực
phẩm... Đây cũng là 1 dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, đã được
ghi nhận tại Khoản 3 Điều 10 bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.Tuy
nhiên, ở Việt Nam, xét dưới góc độ cạnh tranh thì hành vi gièm pha doanh nghiệp
khác mới được quy định và gọi tên lần đầu trong Điều 43 Luật Canh tranh 2004:
“Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián
tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài
chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.”
Quy định tài Điều 43 cho thấy hành vi gièm pha doanh nghiệp khác có một số
đặc điểm về chủ thể, phương thức thực hiện hành vi, mục đích của hành vi.
Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi gièm pha doanh nghiệp khác là tổ chức, cá
nhân kinh doanh bao gồm cá nhân có đăng ký kinh doanh và cá nhân không đăng ký
kinh doanh. Đây cũng chính là đối tượng áp dụng pháp luật cạnh trfanh theo quy
định tại Điều 2 Luật Cạnh tranh.
Thứ hai, điều luật cấm với mục đích nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh
không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cạnh tranh trên cùng thị trường hàng hóa,
dịch vụ hay thị trường liên quan, qua đó bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ
thể kinh doanh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ ba, hành vi xuất phát từ đối thủ cạnh tranh, vì mục đích cạnh tranh. Hành
vi này có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp và như vậy không nhất thiết
doanh nghiệp này phải có hành vi trực tiếp gièm pha. Doanh nghiệp có thể trực tiếp
thông tin cho khách hàng bằng lời nói, văn bản, nhưng cũng có thể cung cấp gián
tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí hoặc nên những tin đồn thất
thiệt được tuyên truyền theo phương thức rỉ tai. Như vậy, mọi hành vi gièm pha như
bôi nhọ, lăng mạ không xuất phát từ đối thủ cạnh tranh và không vì mục đích cạnh
tranh sẽ được xem xét bởi pháp luật dân sự hay thậm chí là pháp luật hình sự và/hoặc
các quy định khác của pháp luật điều chỉnh vấn đề này.
Thứ tư, phương thức thực hiện hành vi là đưa ra thông tin không trung thực,
ảnh hưởng đến uy tín của đối thủ cạnh tranh có thể được thực hiện dưới các hình
thức như nói xấu, bôi nhọ nhằm vào tiềm lực kinh tế tài chính, hoạt động kinh doanh,

chất lượng hàng hóa, cách thức bán hàng... của đối thủ cạnh tranh (mặc dù thực tế
không có như vậy). Các thông tin đưa ra phải là thông tin không trung thực , có thể
do chính doanh nghiệp bịa ra hoặc thu thập được mà chưa kiểm chứng đúng sai. Vấn
đề mà pháp luật quan tâm là tính trung thực (đúng sai so với thực tế) của thông tin.
Như vậy có thể suy luận rằng, sẽ không bị coi là hành vi nói xấu khi thông tin mà


doanh nghiệp thực hiện hành vị đưa ra là đúng sự thật, trung thực về đối thủ cạnh
tranh. Tuy nhiên, để có kết luận được chính xác còn cần căn cứ vào phương thức,
thời điểm đưa ra những thông tin đó của doanh nghiệp.
Thứ năm, hậu quả của hành vi gièm pha là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình
trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị thông tin nói đến. Khi
điều tra về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, hậu quả phải được xác đinh là hiện
thực, tức là chúng phải xảy ra trong thực tế, doanh nghiệp bị gièm pha đã phải gánh
chịu các bất lợi về uy tín, về tài chính và về tình hình kinh doanh do thông tin không
trung thực gây ra. Đối với hành vi này, mọi sự suy đoán về hậu quả đều không được
coi là cơ sở để kết luận sự vi phạm.
Doanh nghiệp có hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh
hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Doanh nghiệp có hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng
xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
bị
phạt
tiền
từ
10.000.000
đồng
đến
20.000.000

đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một
hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm
bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi
phạm;
- Buộc cải chính công khai.
2. Thực trạng vi phạm hành vi gièm pha doanh nghiệp khác
Tính đến thời điểm năm 2010, Cục Quản lý Cạnh tranh đã xử lý 06 vụ việc
liên quan đến hành vi gièm pha, nói xấu doanh nghiệp khác. Điển hình trong dó là vụ
việc về hành vi mà Cục Quản lý Cạnh tranh đã giải quyết là vụ việc của Công ty Thu
Hiên và Công ty Nguyễn Long. Năm 2010, công ty Nguyễn Long khiếu nại Công ty
Thu Hiên về việc “gièm pha nói xấu doanh nghiệp khác”. Công ty Nguyễn Long
cũng đã cung cấp được các bằng chứng chứng minh đơn khiếu nại của họ là có cơ sở.
Qua quá trình điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh xác minh thấy Công ty Thu Hiên đã
lưu hành tờ rơi với nội dung không chính xác về Công ty Nguyễn Long, cụ thể:
Trong tờ rơi thông báo đính kèm bao bì sản phẩm, Công ty Thu Hiên đã đưa ra nhiều
thông tin “trực tiếp và gián tiếp” không chính xác liên quan đến Công ty Nguyễn
Long như “sản phẩm bột rau câu của Công ty Nguyễn Long là hàng nhái kém chất
lượng”, và sản phẩm của Công ty Nguyễn Long là “gian lận về xuất xứ hàng hóa”
hay việc Công ty Nguyễn Long bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt và
bị công an kinh tế kiểm tra phát hiện sai phạm... Kết thúc điều tra, các điều tra viên
kết luận Công ty Thu Hiên đã vi phạm Điều 43 của Luật Cạnh tranh. Ngày
20/10/2010, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đã ra Quyết định xử phạt Công ty
Thu Hiên với mức phạt 10 triệu đồng. Chúng ta có thể thấy mức phạt 10 triệu đồng


đối với hành vi này vẫn còn thấp, chưa thể hiện được tính răn đe với các doanh
nghiệp cố tình gièm pha, nói xấu doanh nghiệp khác. Không những thế, vụ việc này
còn không áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thị trường Việt Nam trong những năm qua đã xuất hiện nhiều dấu hiệu của
hành vi gièm pha trực tiếp cũng như gián tiếp được lưu truyền bằng các phương tiện
thông tin đại chúng, các biện pháp tin đồn, rỉ tai. Bên cạnh những vụ việc đã được
Cục Quản lý Cạnh tranh phát hiện và xử lý, hầu hết các vụ việc xảy ra cho đến nay
chưa xác định được người vi phạm do tính chất phức tạp của vụ việc và các quan hệ
của thông tin khi lan truyền trong đời sống xã hội.
Hiện nay, các diễn đàn, các mạng xã hội như Facebook, Tweet, Zing… không
ngừng phát triển mạnh mẽ và đang dần là xu hướng truyền thông tích cực của các
doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, không ít kẻ xấu đã lợi dụng
sức mạnh của truyền thông để gièm pha, nói xấu đối thủ cạnh tranh. Điều này không
chỉ làm mất đi hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn bị thiệt hại về kinh tế.
Năm 2011, trên diễn đàn Otosaigon.com (Công ty Cổ phần ô tô Xuyên Việt chuyên đưa tin về xe hơi, quảng cáo bán xe) chuyên đưa tin về xe hơi, quảng cáo bán
xe, trong đó còn có một diễn đàn (forum) dành cho các thành viên tranh luận về tất
cả những chuyện liên quan đến xe hơi xuất hiện một bài viết phê phán với tựa đề:
“Bó toàn thân với Phạm Gia - kinh nghiệm cho các bác sửa xe” của 1 thành viên sau
khi làm dịch vụ sửa chữa ô tô, không hài lòng về cách ứng xử và phục vụ. Tuy nhiên,
ông Phạm Trường Sơn – PTGĐ Công ty TNHH Cơ khí Ô tô Phạm Gia (quận Tân
Bình) cho rằng, đây không phải là phê bình có thiện chí của một cá nhân mà là sự
cạnh tranh của đối thủ. Theo ông Sơn, trong suốt 4 năm qua, có một đối thủ cạnh
tranh đã thuê diễn đàn này đã liên tục đăng tải nhiều thông tin, bài viết nói xấu chất
lượng dịch vụ của công ty. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, đồng
thời khiến doanh thu của công ty bị giảm đến 65%. Vì vậy ông Hổ đã gửi đơn đến
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và
các cơ quan hữu quan tố cáo Cty cổ phần ô tô Xuyên Việt là đơn vị chủ quản của
website otosaigon.com, “đã có hành vi đê hèn suốt 4 năm nay đã tạo diễn đàn nói
xấu công ty chúng tôi về chất lượng và dịch vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
thương hiệu, hình ảnh, uy tín, tinh thần làm việc của nhân viên, đe doạ đến công ăn
việc làm và cuộc sống của gần 200 nhân viên”.
Tương tự, tháng 4.2011 Công ty Kymdan phát hiện trên diễn đàn của website
www.yeutretho.com xuất hiện bài viết với chủ đề “Chất lượng đệm Kymdan không

tốt như quảng cáo”, trong đó thành viên đăng tải chủ đề với nickname duongthuy đã
nhân danh khách hàng của Công ty Kymdan đưa ra những thông tin nói xấu rằng
khách hàng khiếu nại về sản phẩm nhưng trong 6 tháng công ty Kymdan không giải
quyết, rằng nệm Kymdan chỉ cần thay áo nệm là bị rách, rằng nệm Kymdan cái nào
chất lượng cũng kém, v.v… Đại diện Công ty Kymdan cho biết những thông tin trên
là hoàn toàn sai sự thật về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi của Công ty


Kymdan và nghi ngờ cá nhân đưa thông tin này lên diễn đàn là có ý đồ gièm pha, nói
xấu Công ty Kymdan. Ngày 29/4/2011, Công ty Kymdan đã có văn bản gửi Công ty
Cổ phần truyền thông trực tuyến Netlink là chủ sở hữu website ww.yeutretho.com đề
nghị gỡ bỏ nội dung đăng không đúng sự thật nói trên trong vòng 3 ngày, nếu không
Kymdan buộc lòng phải áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của mình. 3 ngày sau thì thông tin bêu xấu đã được chủ sở hữu website gỡ
bỏ, tuy nhiên điều tai hại là thông tin mang tính nói xấu đó vẫn còn lưu trong bộ nhớ
cache của Google. Vì vậy khi người tiêu dùng muốn tìm hiểu về chất lượng nệm
Kymdan mà vô Google gõ cụm từ “chất lượng đệm Kymdan” thì thông tin “bêu xấu”
nói trên vẫn còn xuất hiện. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho thương hiệu nệm
Kymdan, một thương hiệu Việt ra đời từ năm 1954 và đã đăng ký bảo hộ độc quyền
nhãn hiệu ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh các vụ việc mà doanh nghiệp bị dèm pha đã tìm hiểu và đưa ra nhận
định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ thì có nhiều vụ việc mà
thông tin gièm pha, nói xấu doanh nghiệp đưa ra đã được xác minh là không đúng sự
thật nhưng vẫn chưa tìm được người đứng sau tung tin đồn.
II. Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
1. Quy định pháp luật về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp khác
Điều 44 Luật cạnh tranh 2004 quy định: “Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động
kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp
cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Như vậy, đây cũng là một trong những dạng biểu hiện trong việc cản trở hay
gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Cụ thể, phải có
nhưng điều kiện sau thì mới được coi là hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp khác:
Một là, phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của tổ chức, cá nhân kinh
doanh nhằm vào đối thủ cạnh tranh và xâm phạm tới hoạt đông kinh doanh của đối
thủ cạnh tranh;
Hai là, hành vi này được thực hiện thông qua dưới dạng gây rối, quấy phá đối thủ
cạnh tranh. Luật cạnh tranh không quy định và liệt kê về hình thức, phương tiện, công
cụ mà doanh nghiệp vi phạm đã sử dụng trong hành vi. Hành vi vi phạm này có thể do
chính doanh nghiệp đó thực hiện hoặc thông qua một chủ thể khác để thực hiện làm cản
trở hoặc ngừng hoạt động của đối thủ cạnh tranh.
Ba là, mục đích của hành vi này là nhằm làm cản trở, làm gián đoạn hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả cung như tính
cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh trên thương trường nói chung và trong việc cạnh
tranh với doanh nghiệp của mình nói riêng.


Bốn là, yêu cầu duy nhất của pháp luật là phải xác định được hậu quả xảy ra
cho doanh nghệp bị xâm hại, đó là: tình hình kinh doanh của họ bị gián đoạn hoặc bị
cản trở; hậu quả này đã phải xảy ra trên thực tế.
Nhiều văn bản pháp luật khác trong một số lĩnh vực khác có quy định điều
chỉnh cũng có dạng hành vi này như: khoản 5, khoản 9 Điều 7 Luật điện lực quy định
một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện là: đóng cắt
trái quy định của pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà,
thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện. Trong lĩnh vực bưu chính
viễn thông, khoản 1, 2 Điều 10 Luật Bưu chính viễn thông có quy định một số hành
vi bị cấm, cụ thể là: phá hoại các công trình bưu chính, viễn thông hoặc cản trở hoạt
động hợp pháp về bưu chính, viễn thông; thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng
viễn thông của tổ chức, cá nhân khác. Những hành vi được quy định trong các văn

bản pháp luật trên sẽ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nếu hành vi đó được
thực hiện vì mục đích cạnh tranh, nhằm xâm hại đến đối thủ cạnh tranh trên cùng thị
trường hàng hóa, dịch vụ hoặc thị trường liên quan. Trường hợp thỏa mãn những dấu
hiệu của hành vi cạnh tranh thì việc xử lý được thực hiện bởi các quy định pháp luật
cạnh tranh. Trường hợp các hành vi này không phải là cạnh tranh thì việc xử lý hành
vi đó sẽ do văn bản pháp luật đó quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định Điều 34 Nghị định số 120, doanh nghiệp có hành vi
gây rối trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác làm cho doanh nghiệp bị gây rối không thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh
doanh một cách bình thường, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000
đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc
một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm
cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc cải chính công khai.
2. Thực trạng vi phạm hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác
Hiện nay các hành vi gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác vẫn diễn ra khá
phổ biến và phức tạp trên thị trường.
Trước đây cũng đã từng có vụ cạnh tranh gây rối xảy ra trong lĩnh vực taxi.
Năm 2002 Công ty Tân Hoàng Minh hoạt động ở Hà Nội, khá hút khách. Thấy vậy,
hãng taxi TH đã phát tín hiệu gây nhiễu sóng của Tân Hoàng Minh khiến các taxi của
hãng này không liên lạc bộ đàm được với nhau, tổng đài cũng không điều xe đi đón


khách được... Tuy nhiên, vào năm 2002 chưa có Luật Cạnh tranh nên không thể xử
hãng TH. Cuối cùng, hãng TH chỉ bị xử phạt tiền về hành vi vi phạm quy định về vô

tuyến điện.
Đến khi Luật cạnh tranh ra đời vào năm 2004 đã quy định về hành vi gây rối
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác cũng như các hình thức xử phạt hành
vi đó. Tuy nhiên, để triển khai trên thực tế thì còn khá nhiều bât cập.
Theo như Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, vào sáng ngày 11-3-2009, sau khi
Công ty Mai Linh khai trương tuyến xe khách chất lượng cao Quảng Ngãi-Đà Nẵng,
26 chủ xe thuộc năm HTX vận tải ở Quảng Ngãi đã đồng loạt phản đối, không cho
xe khách chất lượng cao Mai Linh tham gia đưa rước khách tuyến Quảng Ngãi-Đà
Nẵng. Sau đó, 26 chủ xe trên cùng ký tên vào đơn kiến nghị, cho rằng việc Sở GTVT
Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty Mai Linh tham gia đưa rước khách tuyến Quảng
Ngãi-Đà Nẵng là bất hợp lý, dẫn tới việc “bóp chết” họ vì họ không thể cạnh tranh
với xe Mai Linh. Tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Công ty Mai Linh tạm ngừng hoạt
động từ ngày 11-3 và tổ chức hai cuộc họp. Trong cuộc họp chiều ngày 18-3, Chủ
tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế kết luận: Sở GTVT Quảng Ngãi cấp
phép cho Công ty Mai Linh tham gia đưa rước hành khách tuyến Quảng Ngãi-Đà
Nẵng là hoàn toàn đúng quy định. Ông Huế yêu cầu 26 chủ xe không được ngăn cản
hoạt động của xe Mai Linh. Thay vì cản trở xe Mai Linh thì các chủ xe nên tập trung
vào việc nâng cao chất lượng phương tiện và cung cách phục vụ để cạnh tranh. Công
ty Mai Linh cũng được đề nghị trước mắt nên chạy một chuyến xe/ngày thay vì hai
chuyến/ngày như đã cấp phép. Vậy nhưng 26 chủ xe vẫn không đồng ý.
Ngày 26-3, Sở GTVT Quảng Ngãi lại tổ chức họp nhằm tìm hướng tháo gỡ
vấn đề. 26 chủ xe tuyên bố nếu nhất quyết cho xe Mai Linh hoạt động thì họ sẽ
ngừng chạy hoặc sẽ bán toàn bộ 26 chiếc xe lại cho Công ty Mai Linh. Họ kiến nghị
Sở GTVT Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty Mai Linh chạy tuyến khác, tạm thời xe
Mai Linh ngưng hoạt động trong vòng năm năm, sau đó mới tham gia hoạt động
tuyến Quảng Ngãi-Đà Nẵng. Không giải quyết được, Sở GTVT Quảng Ngãi lại hẹn
sẽ tổ chức thêm một cuộc họp lần thứ ba trong vài ngày tới để giải quyết. Sau hơn
một tháng ách tắc vì bị 26 chủ xe khách chạy cùng tuyến ngăn cản, đến 11 giờ 20
phút ngày 18.4, xe khách 16 chỗ ngồi của Công ty cổ phần vận tải tốc hành Mai Linh
mới thông tuyến an toàn. Những người ngăn cản đã che dù ngồi trước đầu xe khách

Mai Linh chờ cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản họ mới cho xe chạy. Một số
đối tượng không giữ được bình tĩnh đã gây gổ với lực lượng công an.
Như vậy, Theo Luật Cạnh tranh thì các doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh
nhưng phải tuân thủ nguyên tắc trung thực, không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích
công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Các nhà xe có quyền yêu cầu đình chỉ hoạt động của Mai Linh nếu họ thấy
Công ty Mai Linh có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hoặc vi phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, họ không thể dùng biện pháp gây áp lực như trên. Điều 9 của Luật Cạnh
tranh quy định cấm “thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác
tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh”; cấm “thỏa thuận loại bỏ khỏi thị


trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận”. Ngoài ra, theo
Điều 44 Luật cạnh tranh thì hành vi trên còn có thể bị coi là hành vi gây rối hoạt
động kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh. Bởi lẽ hành vi “che dù ngồi trước đầu
xe khách Mai Linh chờ cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản họ mới cho xe chạy”
là hành vi của 26 chủ xe đã trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động của đối thủ
cạnh tranh là công ty Mai Linh.
Bên cạnh đó còn có vụ việc Công ty TNHH Thương mại Gas Bình Minh (quận
4, TP.HCM) bị gây rối qua hệ thống điện thoại. Nhiều số điện thoại di động gọi liên
tục đến công ty nhưng khi nhânviên nhấc điện thoại thì đầu dây bên kia cúp máy để
rồi... tiếp tục gọi lại. Hậu quả là mạng điện thoại của Công ty Gas Bình Minh bị bận
máy thường xuyên. Công ty có nhiều cửa hàng và đại lý liên kết, giúp hệ thống này
bán được cả ngàn bình gas mỗi ngày. Thế nhưng trong giai đoạn bị gây rối (thì chỉ
bán được 400-500 bình mỗi ngày. Sở dĩ công ty vẫn còn cầm cự được là nhờ lắp
thêm đường điện thoại. Ban đầu, công ty có khoảng 20 đường dây điện thoại. Khi bị
gây rối, công ty này đã phải kéo thêm đường dây khác, hiện có trên 100 đường dây
để đối phó với tình trạng bận máy. Ông Cao Tiến Chương, Chủ tịch Hội đồng thành
viên của công ty này, đoán rằng đây là hành động của một nhóm đối thủ cạnh tranh
chứ không riêng một đối thủ, một đại lý gas nào. Bởi vì khi sự việc xảy ra, ông và

nhân viên đánh xe đến một đại lý đối thủ thì thấy năm nhân viên của họ ngồi bấm
điện thoại di động gọi liên tục. Ông đã gọi điện thoại cho chủ đại lý này và người
này nói rằng có một nhóm người đi vận động và đại lý chỉ “góp sim” vào.
Như vậy, xét theo Luật cạnh tranh thì có thể xem hành vi “khủng bố điện
thoại” này là “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”. Hành vi này là
một dạng cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm thực hiện theo quy định tại Điều 44
Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, khó để xử lý trong trường hợp trên. Bởi vì luật nói rõ là
“cấm doanh nghiệp”. Do đó, nếu muốn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ
Công thương) thì điều đầu tiên Công ty Gas Bình Minh phải làm là chứng minh
những người gọi điện thoại gây rối đó chịu sự chỉ đạo của công ty gas đối thủ. Chỉ có
thể nhờ lực lượng cảnh sát kinh tế điều tra về các số máy gây rối và phải bắt quả tang
mới xử lý được. Nếu Công ty Gas Bình Minh cho rằng việc gây rối điện thoại đó làm
thiệt hại đến doanh thu của công ty thì có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy
nhiên, đòi được khoản này còn khó khăn hơn nữa! Chủ yếu là vì công ty này không
thể chứng minh được khoản thu nhập bị mất đi do hành vi gọi điện thoại gây rối. Bởi
vì trên thực tế vẫn có khách hàng gọi gas được, do đó công ty mới bán được 400-500
bình gas mỗi ngày. Ngoài ra, công ty còn phải chứng minh 500-600 bình gas bị hụt
mất là do khách hàng không gọi điện thoại được. Muốn chứng minh thì cũng phải có
văn bản của khách hàng phàn nàn về đường dây điện thoại bị bận và khách hàng
buộc phải bỏ dịch vụ của gas Bình Minh, gọi gas chỗ khác...
III. Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
1. Quy định pháp luật về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh


Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trực tiếp
tại Điều 45 Luật cạnh tranh 2004: “Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng
cáo sau đây:
1. So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của
doanh nghiệp khác;
2. Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng;

3. Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội
dung sau đây:
a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản
xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia
công, nơi gia công;
b) Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;
c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
4. Các hoạt động quảng cáo khác mà pháp luật có quy định cấm.”
Như vậy, Luật cạnh tranh cấm ba hành vi có bản chất cạnh tranh không lành mạnh là
quảng cáo so sánh, quảng cáo bắt chước và quảng cáo gây nhầm lẫn.
Hành vi quảng cáo bị coi là quảng cáo so sánh nhằm cạnh tranh không lành
mạnh khi thỏa mãn những dấu hiệu sau: một là sản phẩm quảng cáo đưa ra những
thông tin khẳng định sản phẩm được quảng cáo có chất lượng, số lượng, giá cả, mẫu
mã, điều kiện mua bán… ngang bằng hoặc tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại của
doanh nghiệp khác, hai là hành vi quảng cáo phải “so sánh trực tiếp” với sản phẩm
cùng loại của doanh nghiệp khác. Tính chất trực tiếp thể hiện ở chỗ nội dung quảng
cáo đề cập đến một loại hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hoặc đối thủ cạnh tranh đã
cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó.
Quảng cáo bắt chước là quảng cáo được thực hiện với nội dung, cách thức
giống hệt hoặc tương tự quảng cáo của người khác. Hay nói cách khác, đây là việc
dùng thông tin, hình ảnh, âm nhạc, màu sắc… giống với sản phẩm của doanh nghiệp
khác đã công bố trước đó nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn có hai cấp độ vi phạm là quảng cáo gian dối
và quảng cáo đưa thông tin nhầm lẫn. Quảng cáo gian dối là việc các doanh nghiệp
cung cấp các thông tin quảng cáo như giá cả, chất lượng… sai lệch sự thật khách
quan. Quảng cáo đưa thông tin nhầm lẫn là việc doanh nghiệp cung cấp những thông
tin không đầy đủ, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá cả, chất lượng,
công dung của sản phẩm được quảng cáo.
Theo Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định
về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi quảng cáo nhằm

cạnh tranh không lành mạnh có mức phạt tiền thấp nhất là 15.000.000 đồng, cao nhất
là 50.000.000 đồng, ngoài ra có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để


thực hiện hành vi vi phạm bao gồm tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc
thực hiện hành vi vi phạm và/hoặc buộc cải chính công khai.
Ngoài Luật cạnh tranh, hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác. Cụ thể:
- Luật thương mại 2005:
Điều 109 Luật thương mại quy định chi tiết hai hành vi quảng cáo thương mại
bị cấm là quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản
xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác; quảng cáo sai sự thật về một
trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng
hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch
vụ (khoản 6, 7 Điều 109 Luật thương mại). Tuy nhiên, các doanh nghiệp được quyền
so sánh hàng hóa của mình với hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản
phẩm quảng cáo thương mại sau khi có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền về việc sử dụng những hàng hóa này để so sánh (Điều 22 Nghị định
37/2006/NĐ-CP ngày 04/4/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc
tiến thương mại).
- Luật quảng cáo năm 2012:
Điều 8 Luật quảng cáo cũng quy định các hành vi cấm trong hoạt động quảng
cáo trong đó có hành vi:
+ Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung
cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ,
chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ
đã đăng ký hoặc đã được công bố (khoản 9).
+ Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng,

hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu
quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác (khoản
10).
Ngoài ra, Luật quảng cáo cũng dẫn chiếu cấm các hành vi quảng cáo có nội
dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:
Khoản 1 Điều 10 luật này quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa,
dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng
cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về
một trong các nội dung sau đây:
+ Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;
+ Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá
nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;


+ Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006: Khoản 2 Điều 9 cấm hành vi thông
tin, quảng cáo sai sự thật và các hành vi gian dối khác trong hoạt động trong lĩnh vực
tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.
- Luật giá 2012: điểm a khoản 2 Điều 10 cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng
hóa, dịch vụ.
- Luật kinh doanh bảo hiểm 2000: điểm a khoản 2 Điều 10 cấm hành vi thông tin,
quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảohiểm làm tổn hại
đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;
- Luật dược 2005: khoản 5 Điều 9 quy định cấm hành vi quảng cáo thuốc sai sự thật,
gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
- Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2010: Tại khoản 11 Điều 5 quy định cấm hành vi
quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng

2. Thực trạng vi phạm hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Luật cạnh tranh ra đời đã thể hiện vai trò to lớn trong điều chỉnh các hành vi
cạnh tranh không lành mạnh, nhất là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành
mạnh. Luật cạnh tranh không chỉ cấm các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không
lành mạnh được quy định trong Luật cạnh tranh mà còn cấm các hoạt động quảng
cáo khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác nếu hành vi đó thỏa mãn
các tiêu chí của cạnh tranh. Đây là một quy định mở hợp lý và cũng được áp dụng
nhiều trong pháp luật cạnh tranh của nhiều nước.
Một điểm còn thiếu sót là Luật cạnh tranh không đưa ra khái niệm quảng cáo.
Để hiểu quảng cáo là gì phải xem xét đến các văn bản pháp luật có liên quan. Hiện
nay đang tồn tại hai khái niệm: quảng cáo (Luật quảng cáo) và quảng cáo thương mại
(Luật thương mại). Theo Luật quảng cáo thì “Quảng cáo là việc sử dụng các phương
tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh
lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản
phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin
cá nhân”. Còn Luật thương mại quy định “quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến
thương mại của thương nhân để giới thiệu đến khách hàng về hoạt động kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ của mình”. Tuy nhiên, theo các quy định của Luật cạnh tranh ta thấy
rằng khái niệm quảng cáo thương mại là phù hợp hơn và cần được hiểu theo khái niệm
này.
Sau 5 năm thực hiện các quy định chông cạnh tranh không lành mạnh, Cục
quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra 28 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo
nhằm cạnh tranh không lành mạnh trong tổng số 61 vụ việc. Số vụ việc cạnh tranh
không lành mạnh tăng đến 94 vụ trong vòng 7 năm. Trong đó, số vụ việc liên quan
đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh có tỷ lệ lớn.
Một số vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành
mạnh:


Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định số 66/QĐ-QLCT ngày 16/6/2010 xử

phạt công ty TNHH Panasonic với mức phạt 30 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm
khoản 3 Điều 45 Luật cạnh tranh “cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng”.
Panasonic đã quảng cáo sai sự thật về công dụng của điều hòa Envio “vô hiệu hóa
hơn 99% tác nhân gây hại trong không khí” bao gồm vi sinh vật có hại, vi khuẩn,
virus và nấm mốc; công dụng của tủ lạnh Panasonic “bất hoạt đến 99% vi khuẩn và
nấm mốc”; tính năng tiết kiệm điện của điều hòa Envio.
Năm 2008, Cục Quản lý cạnh tranh khởi xướng điều tra đối với hoạt động bán
hàng đa cấp của Công ty TNHH Noni Vina. Ngày 30/12/2008, Cục Quản lý cạnh
tranh ra quyết định số 118/QĐ-QLCT xử phạt công ty TNHH Noni Vina với mức
phạt 100 triệu đồng về 02 hành vi: quảng cáo sai lệch và bán hàng đa cấp bất chính.
Công ty trên đã truyền bá rằng các sản phẩm của công ty có chức năng chữa bệnh mà
trên các sản phẩm kiểm tra thì ngược lại.
Hiện nay, việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn chưa nhiều.
Điều này có nguyên nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng
như sự thiếu kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh
không lành mạnh.
IV. Giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh Việt Nam đối với ba hành vi trên
Để triển khai có hiệu quả các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
nói chung và ba hành vi gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, gièm pha doanh
nghiệp khác và quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, theo chúng
tôi cần hoàn thiện những vấn đề pháp lý sau:
- Vấn đề về biện pháp trừng phạt đối với những hành vi vi phạm cần được quy
định chặt chẽ và nâng cao mức phạt hơn nữa để hạn chế bớt nhưng hành vi vi phạm.
Hành trình để khiếu nại, xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh rất khó khăn
nhưng mức xử phạt tiền đối với bên vi phạm lại thấp. Nếu so sánh mức tiền phạt mà
doanh nghiệp phải chịu so với những thiệt hại mà doanh nghiệp đó gây ra cho các
doanh nghiệp khác, cho người tiêu dùng và xã hội thì vẫn chưa thỏa đáng. Ở các
nước khác có quy định về cạnh tranh không lành mạnh, chế tài phạt khi doanh
nghiệp gây rối, gièm pha, nói xấu doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh bị xử lý phạt rất
nặng. DN làm ăn ở các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... nếu có hành vi

nói xấu DN khác trên mạng có thể bị xử phạt nặng. Theo báo cáo của Hội đồng Cạnh
tranh Hàn Quốc, riêng trong năm 2009, số tiền phạt thu được từ hành vi cạnh tranh
không lành mạnh nói chung là 400 tỉ won (tương đương 350 triệu USD. Đặc biệt ở
Hoa Kỳ thì mức phạt và bồi thường cho hành vi tương tự rất nghiêm khắc.
- Khi tham khảo luật nước ngoài, thì luật EU chỉ ra ba nhóm hành vi cạnh
tranh không lành mạnh: Các hành vi gây rối (lộn xộn); các hành vi bôi nhọ, nói xấu;
các luận điệu lừa dối. Như vậy, trong luật lệ EU, luật lệ cạnh tranh chỉ quan tâm đến
dấu hiệu hành vi mà không quan tâm đến dấu hiệu về mặt thiệt hại vật chất do hành
vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Điều đó làm cho khả năng khởi kiện về một
đối thủ cạnh tranh không lành mạnh rất cao và nhanh chóng. Pháp luật cạnh tranh
VN nên theo hướng này để xử lý kịp thời những hành vi gây rối hoạt động kinh


doanh của doanh nghiệp khác. Bởi lẽ yêu cầu của luật về hành vi này là phải xác
định được hậu quả là tình hình kinh doanh của họ bị gián đoạn hoặc bị cản trở và đòi
hỏi hậu quả này đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, việc chứng minh hậu quả xảy ra
không phải là điều dễ dàng, do đó, quy định chỉ cần có hành vi vi phạm của đối thủ
cạnh tranh không lành mạnh là một điểm bổ sung, tạo cơ sở cho việc bảo vệ quyền lợi
chính đáng của doanh nghiệp bị xâm hại.
- Luật Cạnh tranh tuy có quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói
chung nhưng chỉ mới điều chỉnh các hành vi này bằng mệnh lệnh hành chính. Vấn đề
bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra không được quy
định cụ thể mà Luật lại dẫn chiếu đến pháp luật dân sự (Điều 117 Luật Cạnh tranh).
Như vậy, vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không
lành mạnh sẽ được áp dụng theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
của Bộ luật dân sự năm 2005. Vấn đề xác định mức bồi thường thiệt hại thực tế do
hành cạnh tranh không lành mạnh luôn là vấn đề phức tạp do khó xác định mức thiệt
hại mà doanh nghiệp phải chịu. Để đơn giản hóa, pháp luật một số quốc gia đã đưa ra
quy tắc “lợi nhuận thu được của chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ
đương nhiên thuộc về chủ thể bị cạnh tranh không lành mạnh”. Đây cũng là kinh

nghiệm tốt mà Việt Nam nên tham khảo và có chính sách rõ ràng về vấn đề này để
bảo vệ quyền lợi của các chủ thể kinh doanh trên thị trường
- Cục Quản lý Cạnh tranh phải kiên quyết phát hiện và điều tra các vụ việc về
hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay có rất nhiều vụ việc gièm pha dưới
các hình thức như nói xấu, bôi nhọ nhằm vào tiềm lực kinh tế tài chính, hoạt động
kinh doanh, chất lượng hàng hóa, cách thức bán hàng... của đối thủ cạnh tranh nhưng
chưa điều tra ra được cá nhân, tổ chức đừng sau tin đồn thất thiệt. Bên cạnh đó, hầu
hết các vụ việc gièm pha nói xấu doanh nghiệp khác đều chìm vào quên lãng nếu
doanh nghiệp bị hại không đứng lên tố cáo với các cơ quan chức năng. Chính vì vậy,
các nội dung khác như trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi gièm pha
doanh nghiệp khác, phạm vi chứng minh, kinh nghiệm xử lý hành vi gièm pha doanh
nghiệp khác cũng cần được tuyên truyền, phổ biến.
- Luật cạnh tranh cần hoàn thiện một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với hành vi
quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Thứ nhất, Luật cạnh tranh cần chỉ rõ
khái niệm quảng cáo, nên hiểu quảng cáo theo khái niệm về quảng cáo thương mại
trong Luật thương mại. Thứ hai, cần làm rõ cấu thành pháp lý của hành vi quảng cáo
bắt chước gây nhầm lẫn cho khách hàng tại khoản 2 Điều 45 Luật cạnh tranh. Theo
quy định này tính không lành mạnh của hành vi là gây nhầm lẫn cho khách hàng và
cũng không làm rõ được nội dung nhầm lẫn của hành vi, đối tượng bị nhầm lẫn là
giữa các sản phẩm quảng cáo có liên quang hay nhầm lẫn giữa sản phẩm được quảng
cáo trong quảng cáo có liên quan. Theo quan điểm của chúng tôi thì tính không lành
mạnh này nên xác định trước hết ở hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác. Do


vậy cần quy định cấm vụ việc bắt chước sản phẩm quảng cáo gây nhầm lẫn lẫn cho
khách hàng mà không cần phải chứng minh mục đích gây nhầm lẫn của hành vi.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh
không lành mạnh. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh
tranh không lành mạnh chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung
tuyên truyền cần giúp các doanh nghiệp nhận diện rõ những hành vi bị coi là cạnh

tranh không lành mạnh và quyền khiếu nại, khởi kiện của doanh nghiệp bị xâm hại,
các hình thức chế tài có thể được áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ: xử lý cạnh tranh không lành mạnh là
những vấn đề pháp lý rất mới ở nước ta. Chính vì thế, trong thời gian tới, Bộ Thương
mại cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực
tiễn trong vấn đề này (điều tra viên). Hình thức đào tạo cán bộ có thể đa dạng (đào
tạo chính quy hoặc ngắn hạn; đào tạo trong nước hoặc đào tạo ở nước ngoài). Bên
cạnh đó, phía Toà án nhân dân Tối cao cũng cần có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng
thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các
hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh:
trong thời gian tới Bộ cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi
kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh
tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh
nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và
các cán bộ của cơ quan ấy có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn
đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.


KẾT LUẬN
Luật cạnh tranh ra đời đã phần nào kịp thời điều chỉnh những hành vi cạnh
tranh không lành mạnh trong xã hội. Tuy nhiên, hiện tại việc xử lý các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh kể trên nói chung còn hết sức khiêm tốn. Điều này có nguyên
nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như sự thiếu kinh
nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Với
bài viết trên, chúng tôi đã chỉ ra những quy định pháp luật điều chỉnh ba hành vi cạnh
tranh không lành mạnh là gièm pha doanh nghiệp khác, quấy rối hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó
cũng chỉ ra những hạn chế của các quy định này trong quá trình thực thi pháp luật và
kiến nghị những giải pháp để hoàn thiện hơn pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Trong

quá trình nghiên cứu, bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, nhóm tác giả rất
mong nhận được sự đóng góp, nhận xét của thầy cô và các bạn.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Văn bản pháp luật của nhà nước
1. Luật cạnh tranh 2004.
2. Luật thương mại 2005.
3. Luật quảng cáo 2012.
4. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
5. Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006.
6. Luật giá 2012.
7. Luật kinh doanh bảo hiểm 2000.
8. Luật dược 2005.
9. Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2010.
10. Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định về xử lý
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
B. Sách tham khảo và các bài nghiên cứu
1. TS. Lê Hoàng Oanh (2005), Bình luận khoa học Luật cạnh tranh, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
2. TS. Lê Danh Vĩnh (2006), Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà
Nội.

C. Nguồn internet



×