Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

VAI TRÒ của TÌNH HUỐNG TRUYỆN với VIỆC KHAI THÁC TRUYỆN NGẮN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.22 KB, 19 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

TRƯỜNG THPT HOẰNG HÓA 4

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

VAI TRÒ CỦA TÌNH HUỐNG TRUYỆN VỚI VIỆC
KHAI THÁC TRUYỆN NGẮN
TRONG GIỜ GIẢNG VĂN Ở TRƯỜNG THPT

Người thực hiện: Đặng Thị Hà
Chức vụ: Phó hiệu trưởng
SKKN thuộc lĩnh vực (môn): Ngữ văn

THANH HOÁ, NĂM 2017


MỤC LỤC
A. Mở đầu ……………………………………………. Trang 3
1. Lí do chọn đề tài…………………………………. Trang 3
2. Mục đích nghiên cứu…………………………….. Trang 4
3. Đối tượng nghiên cứu……………………………. .Trang 4
4. Phương pháp nghiên cứu…………………………..Trang 4
B. Nội dung…………………………………………….Trang 5
1. Cơ sở lí luận……………………………………….Trang 5
2. Thực trạng ………………………………….... …..Trang 7
3. Các giải pháp đã sử dụng……………………... …..Trang 7
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm………….. …Trang 17
C. Kết luận…………………………………………. ..Trang 18
Tài liệu tham khảo…………………………………….Trang 19


2


A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số
16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã
nêu: “ Phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với
đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện của từng lớp học, bồi
dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả năng hợp tác, rèn luyện kĩ năng
vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng
thú và trách nhiệm học tập cho học sinh”[1].
Thực hiện mục tiêu này, đổi mới phương pháp dạy học được đẩy mạnh ở
tất cả các môn học trong nhà trường THPT, trong đó có đổi mới phương pháp
dạy học môn Ngữ văn. Người dạy văn trước khi sử dụng các phương pháp, kĩ
thuật vào giờ giảng, thì đầu tiên phải xác định đúng thi pháp, thể loại của tác
phẩm mới có khả năng khai thác hết được cái hay, cái đẹp của văn chương.
Tác phẩm truyện ngắn chiếm một số lượng khá lớn trong chương trình
Ngữ văn ở trường phổ thông. Điều này phản ánh đúng tương quan về thành tựu
của truyện ngắn so với những thể loại văn xuôi khác trong đời sống văn học của
chúng ta.
Trong bài viết Truyện ngắn hôm nay (đăng trên báo Văn nghệ, số 48,
ngày 30/11/1991), Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Quan trọng nhất của truyện ngắn
là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách
nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng”. Nhà văn Nguyễn Kiên cũng cho rằng:
“Điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn được tình thế” (Bùi Việt
Thắng, Bình luận truyện ngắn, NXB VH, H. 1999, tr.43). Nhà thơ Hữu Thỉnh
cũng quan niệm truyện ngắn phải “tạo ra các tình huống để nhân vật bộc lộ tính
cách” (Bùi Việt Thắng, Bình luận truyện ngắn, NXB VH, H. 1999, tr.42). Như
vậy, từ người nghiên cứu đến người sáng tác đều thừa nhận vai trò quan trọng

của tình huống đối với sự thành công của một truyện ngắn. Tuy nhiên, việc khai
thác, tìm hiểu, khám phá truyện ngắn từ góc độ tình huống truyện chưa được sự
quan tâm đúng mức của người dạy và người học nên việc cảm thụ tác phẩm
truyện ngắn của người học chưa được sâu sắc.
Như vậy, ngoài việc tiếp cận tác phẩm truyện ngắn qua phân tích nhân
vật, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ..., chúng ta còn có thể tiếp cận từ tình huống
của truyện để làm nổi bật được giá trị của tác phẩm. Phần lớn các tác phẩm
truyện ngắn như: Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh
Châu), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Đôi mắt (Nam Cao), Chữ
người tử tù (Nguyễn Tuân), Vi hành (Nguyễn Ái Quốc), Tinh thần thể dục
(Nguyễn Công Hoan), Hai đứa trẻ (Thạch Lam)... nên được tiếp cận từ hướng
này để tăng khả năng cảm thụ văn học của cả thầy và trò trong mỗi giờ lên lớp.
Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã tiến hành nghiên cứu sáng kiến kinh
nghiệm: “Vai trò của tình huống truyện với việc khai thác truyện ngắn trong
giờ giảng văn ở trường THPT”.
1

Trong trang này: Mục [1] được trích dẫn trong TLTK[1]

3


2. Mục đích nghiên cứu.
Mục đích của sang kiến là nhằm trao đổi kinh nghiệm, mở rộng phạm vi
nghiên cứu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đối với phương pháp dạy học tác
phẩm văn xuôi từ góc nhìn tình huống truyện. Đồng thời qua quá trình nghiên
cứu và thực nghiệm, sẽ góp phần phát huy được tính chủ động, tính sáng tạo và
khả năng cảm thụ văn học của học sinh, tạo thêm hứng thú, niềm say mê cho các
em khi tiếp cận với các tác phẩm văn xuôi trong chương trình ngữ văn THPT.
3. Đối tượng nghiên cứu.

Trong phạm vi đề tài này, tôi chỉ tập trung vào một số vấn đề lí luận cơ
bản về truyện ngắn và tình huống truyện ở một số tác phẩm tiêu biểu trong
chương trình THPT.
4. Phương pháp nghiên cứu.
4.1. Phương pháp nghiên cứu thứ cấp:
Để có cái nhìn tổng quan về cơ sở lý luận của phương pháp, tôi tiến hành
tham khảo các tài liệu phân tích, đánh giá và nghiên cứu đã được công bố và
trực tiếp tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.
4.2. Phương pháp nghiên cứu sơ cấp:
Song song với nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm là các giờ thực
dạy, kiểm tra đánh giá học sinh và dự giờ đồng nghiệp.

4


B. NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận sáng kiến:
1.1. Khái niệm truyện ngắn
Nhận diện thể loại truyện ngắn cũng như sáng tạo về thể loại truyện ngắn
là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Từ W.
Gớt (thế kỷ XVII) cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antônốp (thế
kỷ XIX – XX), đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên…
họ đã đưa ra những cách phân biệt khác nhau. Các khái niệm thường xoáy vào
bình diện chính: dung lượng, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ… để khái
quát thành đặc trưng. Người cho truyện ngắn là một “khoảnh khắc”, một
“trường hợp”, người nhấn mạnh vào nhân vật, vào tính súc tích của chi tiết, cô
đọng của ngôn từ… Ở phần chủ yếu, chúng ta có thể hình dung: truyện ngắn là
một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống
truyện chủ chốt nào đó.
1.2. Khái niệm và vai trò của tình huống truyện

Theo Hêghen, nhà triết học, mỹ học lỗi lạc người Đức (1770- 1831) trong
tác phẩm nổi tiếng “Mỹ học” đã dành nhiều trang viết về tình huống: “Nói
chung tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy
định. Ở trong thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái
phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật”.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Với truyện ngắn và với một tác giả có
kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế
xảy ra chuyện, thế là coi như xong một nửa…Những nhà văn có tài đều là
những người có tài tạo ra những tình thế xảy ra chuyện vừa rất cá biệt vừa mang
tính phổ biến hoặc tượng trưng” và “…những người cầm bút có cái biệt tài có
thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó
cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc
sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm
can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa
đựng cả một đời người, một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu, Trang giấy
trước đèn, NXB KHXH, H. 1994, tr. 258).
Như vậy, tình huống còn được gọi là tình thế và các nhà văn Việt Nam
quen dùng tình thế hơn là tình huống. Nhà văn Nguyễn Kiên đã hơn một lần nói
về bản chất và vai trò của tình huống: “Theo quan niệm của tôi, mỗi truyện ngắn
chỉ tập trung vào một tình thế nảy sinh trong cuộc sống. Nếu truyện ngắn có đến
hơn một tình thế thì truyện ngắn đó lập tức bị phá vỡ” (Nhiều tác giả, Nghệ
thuật viết truyện ngắn và ký, NXB Thanh niên, H. 2000, tr. 44).
Nhà văn Nguyên Ngọc khi bàn về truyện ngắn đã đặc biệt chú ý đến vấn
đề tình huống: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu
của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt […] Truyện ngắn điểm huyệt thực hiện
bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu
nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày”. (Bùi Việt Thắng,
Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB ĐHQGHN, H.
2000, tr. 114).
2


Trong trang này: Mục 1.1; 1.2 được tham khảo trong TLTK[5]

5


Từ một số ý kiến trên, có thể khái quát về tình huống truyện như sau: Đối
với truyện ngắn, tình huống giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, nó
chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại
đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được
bộc lộ sắc nét nhất.
1.3. Phân loại tình huống
Hiện nay, cơ bản có 3 cách phân loại như sau:
- Cách thứ nhất: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống kịch; Tình
huống tâm trạng; Tình huống tượng trưng.
- Cách thứ hai: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống thắt nút; Tình
huống tương phản; Tình huống luận đề.
- Cách thứ ba: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống hành động;
Tình huống tâm trạng; Tình huống nhận thức.
Trong ba cách phân loại trên, thì cách phân loại thứ 3 có lẽ dễ tiếp nhận,
phù hợp với giáo viên và học sinh THPT. Theo cách phân loại này, thì ba loại
tình huống nêu trên tạm thời được TS. Chu Văn Sơn phân biệt như sau:
- Tình huống hành động: Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị
đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình
huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật: Nhân vật hành động. Tức là loại
nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các
bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn
truyện: truyện ngắn giàu kịch tính.
- Tình huống tâm trạng: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân
vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình

cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: con người tình cảm.
Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà
văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là
cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh
khác (như ngoại hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế, nó
quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn trữ tình.
- Tình huống nhận thức: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó
nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường: đối mặt với một bài học nhận
thức, bật lên một vấn đề (về nhân sinh, về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ, giác ngộ.
Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là: nhân vật tư tưởng.
Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của
nó. Chất liệu cơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích,
suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm,… Mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật
giống như một tư tưởng được nhân vật hoá vậy. Diện mạo của loại truyện ngắn
này cũng đương nhiên là nghiêng về triết luận.
Sự phân loại như trên là tương đối. Trong thực tế, các dạng ấy đều ít nhiều
có tính pha tạp chứ không hoàn toàn"thuần chủng" như mô tả. Việc nhận diện
chỉ dựa vào sự nổi trội của yếu tố nào đó.
1.4. Phương pháp tiếp cận tình huống
Theo TS. Chu Văn Sơn, quy trình tiếp cận tình huống gồm các bước sau:
3

Trong trang này: Mục 1.3 được tham khảo trong TLTK[5]

6


- Xác định tình huống truyện:
+ Đặt câu hỏi: Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ thiên truyện này?
Hay sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này?...

+Tổng hợp các tình tiết: Lướt qua những tình tiết chính và xác định một
trong các tình tiết ấy đóng vai trò bao trùm, chi phối quán xuyến toàn truyện,
hay chúng chỉ là những thành tố nối kết với nhau để làm thành một sự kiện lớn
hơn, sự kiện ấy mới trùm lên tất cả?
+Tìm tên gọi để định danh. Đây là khâu khá then chốt, chưa tìm được tên
thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.
- Phân tích tình huống: Cần phân tích trên các bình diện cơ bản sau:
+ Diện mạo của tình huống (bình diện không gian).
+ Diễn biến của tình huống (bình diện thời gian).
+ Mối liên kết của tình huống với các khâu khác của tác phẩm (chi phối
đến tổ chức hình thức của văn bản nghệ thuật truyện ngắn).
- Rút ra ý nghĩa tư tưởng của tình huống: Thông điệp thẩm mĩ mà tình
huống chứa đựng
- Về quan niệm: Toát lên quan niệm gì về nhân sinh, thẩm mĩ?
- Về cảm xúc: Chứa đựng cảm xúc chủ đạo gì?
Khi giảng dạy một tác phẩm truyện ngắn, sau phần Giới thiệu chung (giới
thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả; giới thiệu về hoàn cảnh ra
đời tác phẩm), trong phần Đọc – hiểu văn bản, tôi thường hướng dẫn học tìm
hiểu về tình huống truyện. Xuất phát từ tình huống truyện, tôi khai thác tác
phẩm về các khía cạnh: nhân vật, kết cấu, nghệ thuật trần thuật,… Từ đó, tôi
hướng dẫn học sinh rút ra được chủ đề tác phẩm.
2. Thực trạng:
Theo khảo sát thực trạng thực dạy và học tác phẩm văn xuôi ở trường
chúng tôi, cho thấy:
- Đa số học sinh khi học đến văn xuôi đều có tâm lí ngại học.
- Các em rất lười đọc văn bản vì văn bản dài, khó nhớ.
- Một số giáo viên khi dạy văn xuôi không xuất phát từ thi pháp thể loại,
tức là không khai thác tác phẩm từ góc độ tình huống truyện.
Xuất phát từ thực trạng đó, kết hợp việc đọc và nghiên cứu một số tài liệu
về truyện ngắn và vai trò của tình huống trong truyện ngắn, tôi mạnh dạn viết

sáng kiến kinh nghiệm này.
3. Các giải pháp đã sử dụng để giải quyết vấn đề:
Trên cơ sở lí luận của vấn đề đã trình bày ở trên, tôi đưa ra một số ví
dụ minh họa cụ thể như sau:
Ví dụ 1. Tình huống truyện trong "Chữ người tử tù"
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề
- Nguyễn Tuân (1910-1987) là "người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp" và
cũng là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác. Nhà văn thường quan sát, miêu tả thế
giới ở phương diện thẩm mĩ và đánh giá con người dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ.
4

Trong trang này: Mục 1.4 được tham khảo trong TLTK[5]

7


- Chữ người tử tù là truyện ngắn trích trong tập Vang bóng một thời
(1940) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước
Cách mạng, tác phẩm được đánh giá là "gần đạt đến sự hoàn mĩ". Góp phần vào
thành công nghệ thuật của tác phẩm, không thể không nói đến nghệ thuật tạo
tình huống độc đáo.
b. Tình huống độc đáo của truyện ngắn Chữ người tử tù
- Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ đầy éo le, trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản
ngục. Nói là cuộc gặp gỡ éo le và trớ trêu là bởi xét trên bình diện xã hội, Huấn
Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau. Một người đấu
tranh để lật đổ cái trật tự xã hội hiện hành, một kẻ là đại diện cho cái trật tự mà
người kia đang muốn đánh đổ. Nhưng trên phương diện tài hoa, nhân cách, họ
lại là những người bạn tri âm, tri kỉ. Một người là nghệ sĩ, sáng tạo cái đẹp, một
người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp. Một người khí phách hiên ngang,
cứng cỏi, một người ngưỡng mộ khí phách.

- Đó là một cuộc gặp gỡ kì lạ: không gian diễn ra cuộc gặp gỡ là nhà
ngục, là phòng giam ẩm thấp bẩn thỉu nơi vốn chỉ gợi nhắc đến sự tăm tối, bạo
hành và tội ác. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những
ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém.
c. Vai trò của tình huống truyện:
- Thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm: khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự
tất thắng của cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc đối đầu với những gì xấu xa,
tăm tối, độc ác. Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tình huống
truyện là thông điệp về sức mạnh cảm hóa kì diệu của nghệ thuật, của cái đẹp
"Cái đẹp cứu rỗi nhân loại"
- Bộc lộ tính cách nhân vật: Thông qua tình huống truyện, nhân vật Huấn
Cao có cơ hội bộc lộ rõ những phẩm chất cao đẹp: vừa hiên ngang, dũng liệt vừa
tài hoa nghệ sĩ lại giữ được cái tâm trong sáng. Còn quản ngục, qua tình huống
éo le ấy, cũng thể hiện mình là một người có khí phách, biết "biệt nhỡn liên tài",
trân trọng tài năng và khí phách của người anh hùng đồng thời là người vẫn giữ
được thiên lương trong sáng.
- Thúc đẩy cốt truyện phát triển (tạo không khí căng thẳng, lôi cuốn): Từ
tình huống truyện, cốt truyện được triển khai, phát triển và lên đến cao trào
trong cảnh cho chữ cuối tác phẩm. Chính tình huống độc đáo đã tạo cho câu
chuyện sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc ngay từ đầu tác phẩm.
+ Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: một người nghệ sĩ
tài hoa, đầy cá tính, luôn tìm tòi, khám phá cái đẹp, cái đẹp độc đáo, phi thường
nhưng vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc.
- Đánh giá chung: Tình huống truyện là một thành công nghệ thuật đặc
sắc của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị, sức hấp dẫn của tác phẩm đồng thời
thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của tác giả Nguyễn Tuân.

5

Trong trang này: Ví dụ 1 được tham khảo trong TLTK[9]


8


Ví dụ 2. Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam:
- Truyện Hai đứa trẻ là truyện cốt truyện rất mờ nhạt, thay vào đó là dòng
nội tâm, thế giới tâm hồn của nhân vật.Vì vậy hành động nhân vật, sự kiện trong
tác phẩm không nhiều. Cũng chính vì vậy mà chi tiết, sự kiện được nhà văn xây
dựng trong tác phẩm là hết sức chọn lọc và giàu ý nghĩa.
– Sự kiện được tái hiện đậm nét, chiếm dung lượng nhiều nhất trong tác
phẩm chính là cuộc đợi tàu của hai đứa trẻ trên phố huyện nghèo. Nó gắn với
nội tâm, tình cảm của nhân vật. Đây có thể coi là tình huống chủ chốt của tác
phẩm bởi vì đó là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất
thường của quan hệ đời sống.
a. Hoàn cảnh của tình huống (diện mạo của tình huống):
- Thạch Lam đưa người đọc về không gian phố huyện nghèo, buồn tẻ,
chiều tàn, ngày tàn, phiên chợ tàn, đồ vật tàn và những kiếp người tàn…đêm tối
âm u, vây phủ nhịp sống đơn điệu, quẩn quanh buồn tẻ, lặp đi lặp lại.
- Giữa không gian ấy, hai đứa trẻ (An và Liên) là 2 đứa trẻ ngây thơ, hồn
nhiên, giàu mơ ước, thèm được chơi, thèm được ăn những thức quà ngon lạ,
thèm một không gian mới lạ và sôi động, rực rõ. Nhưng chúng không được thoả
nguyện bao giờ, vì gia cảnh khó khăn, chúng phải lao động kiếm sống, trông
hàng giúp mẹ. Đáng thương nhất là chúng luôn nhớ về quá khứ tươi đẹp, hạnh
phúc (đối lập với hiện tại nghèo nàn, buồn tẻ), và chúng chỉ có thể ngồi yên
trong bóng tối để mơ ước và nghĩ về quá khứ ngày một xa xôi ấy mà thôi.
b. Tính chất của tình huống:
- Cuộc đợi tàu lạ lùng: Lạ vì chúng đợi tàu chẳng phải vì một mục đích
nào thiết thực (không bán hàng, không đón ai, không có người thân nào của
chúng trên đoàn tàu ấy) chúng đợi tàu chỉ để nhìn đoàn tàu. Lạ vì không thiết
thực mà ngày nào chúng cũng cố đợi. Chừng như chưa được nhìn đoàn tàu thì

chúng chưa được sống trọn vẹn một ngày.
- Cuộc đợi tàu đầy tâm trạng
+ Đợi tàu là sống lại kỷ niệm: chuyến tàu ở Hà Nội về, gặp được chuyến
tàu là hai đứa trẻ được sống lại quá khứ. Một quá khứ có thực mà Liên từng
được sống một tuổi thơ vui tươi sung sướng. Khi đoàn tàu đi vụt qua, “Liên lặng
theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”.
+ Đợi tàu là mơ ước một thế giới khác với thực tại: Đoàn tàu đi đến đâu,
mang theo ánh sáng và âm thanh, lấp lánh và rầm rộ; âm thanh khỏe khoắn sôi
động, ánh sáng rực rõ, mạnh mẽ. Nó là biểu tượng đầy sức sống, đối lập hoàn
toàn với phố huyện đầy bóng tối, buồn tẻ như đang mòn mỏi, chết dần.Đợi tàu là
niềm niềm khao khát sống, khao khát đổi đời.
- Cuộc đợi tàu đáng thương: Hai đứa trẻ có tuổi thơ ngắn ngủi, sớm phải
nếm trải thiếu thốn, lam lũ, nhọc nhằn. Đoàn tàu trở thành niềm vui duy nhất của
chúng. Chúng chưa kịp vui thì đoàn tàu đã mất hút vào bóng tối, mang theo luôn
vào bóng tối những mơ tưởng của Liên. Đến từ Hà nội, đến từ một tuổi thơ đã
mất, đoàn tàu là một tia hồi quang cho lũ trẻ được nhìn lại tuổi thơ tươi vui trong
chốc lát.
6

Trong trang này: Ví dụ 2 được tham khảo trong TLTK[9]

9


Đoàn tàu chỉ giúp chúng thoả mãn thị giác rồi chúng lại bị ném vào thực
tại không gian phố huyện tù đọng với ngọn đèn nhỏ leo lét. Ngọn đèn nhỏ bé
chập chờn đi vào giấc ngủ của Liên.
c. Ý nghĩa của tình huống:
- Thông điệp giàu đầy tính nhân văn mà nhà văn muốn gửi gắm: Phải thay
đổi hoàn cảnh để cứu lấy con người. Hãy cho những đứa trẻ một cuộc sống khác

xứng đáng với con người hơn, một cuộc sống mà con người có quyền sống trong
hi vọng, chứ không phải đang tàn đi trong vô vọng.
Ví dụ 3. Tình huống trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao:
- Mở đầu trang văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện bằng một
hình ảnh hết sức sống động độc đáo: Chí Phèo khật khưỡng vừa đi vừa chửi:
tiếng chửi của Chí Phèo ngay lập tức cho người đọc hình dung về một sự việc
bất bình thường. Vì lẽ gì mà một con người phải cất lên những tiếng chửi như
vậy? Tại sao những tiếng chửi đó lại không được đáp trả…? Nhưng chúng ta sẽ
thấy tiếng chửi này không phải là bâng quơ, không đơn giản mà nó rất logic, rất
có dụng ý. Ban đầu hắn chửi trời đến chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ
Đại… nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến
khi hắn chửi không biết đứa nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này… thì đối
tượng đã được xác định. Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi
kịch của bản thân. Nhưng ngay lập tức hắn hiểu rằng tiếng chửi của hắn là vô
vọng, hắn thấy thấm thía nỗi khốn khổ của số phận, hắn đã phải cất tiếng chửi để
thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với
người. Vậy mà không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người
đã dứt khoái không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là
người, còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn. Chí chửi cả làng Vũ Đại với hy
vọng sẽ có ai đó chửi lại. Nhưng hắn chỉ nhận lại một sự im lặng đáng sợ, và Chí
vẫn còn lại một mình Chí trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có
ba con chó dữ với một thằng say rượu.
- Bằng cách mở đầu truyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu
mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó
là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính,
do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo ban
đầu tất cả là con số không: không nhà, không cửa, không cha mẹ, không họ hàng
thân thích, không một tấc đất cắm dùi… Nhưng đó mới chỉ là mở đầu, nỗi khổ
đau đớn nhất của Chí Phèo là bị cả xã hội quay lưng lại, bị cướp mất linh hồn
người, bị loại ra khỏi xã hội loài người, phải sống kiếp sống tối tăm của thú vật.

Từ quá khứ đến hiện tại, từ bản chất đến hiện tượng Chí Phèo đã biến đổi. Trong
quá khứ Chí Phèo là một con người hiền như cục đất, có bản chất lương thiện, từ
khi vào làm canh điền cho nhà Bá Kiến, rồi bị Bá Kiến đẩy vào tù, sau 7-8 năm
ở tù ra, Chí Phèo đã rơi vào vô thức và bị lưu manh tha hóa, tất cả mọi hành
động của Chí Phèo đều phải thông qua rượu, đều diễn ra trong vô thức : đâm
thuê, chém mướn, cướp bóc, rạch mặt ăn vạ… Những tội ác của Chí cứ đầy lên
trong con mắt người dân làng Vũ Đại.
7

Trong trang này: Ví dụ 3 được tham khảo trong TLTK[9]

10


- Tưởng như số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên
cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi; nhưng sự xuất
hiện Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến
bến bờ của cõi đời lương thiện. Đây có thể xem là một sự kiện trọng đại, một
biến cố mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí Phèo trở lại với
kiếp người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự
đồng cảm và tình người nhân hậu. Người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại
là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được sao có lúc nó hiền đến thế. Hơi ấm
của bát cháo hành chính là hơi ấm của tình người nhân hậu đã làm cho con
người lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, thằng đầu
bò đã phục sinh, giờ đây sức sống tâm hồn đã trỗi đậy trong Chí Phèo.
- Sau khi con người lương thiện phục sinh, tính cách tâm hồn con người
Chí Phèo đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà
lâu nay Chí quên lãng. Chí bỗng hồi tưởng về những kỉ niệm của thời êm đẹp
:Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng
lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng

làm….Đáng lẽ ra hắn cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao
người khác nhưng giờ đây khi hắn tỉnh dậy hắn mới thấy hắn đã già mà vẫn còn
cô độc hắn vẫn đang sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn, hắn cảm thấy
buồn, cảm thấy tủi nhục. Hơn lúc nào hết, lúc này hắn mong ước được làm
người, được trò truyện…
Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo – Thị
Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt
tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã
hội mà bà cô Thị Nở là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí
Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối
khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi
người được nữa.
- Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã phục sinh thì hắn lại
càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là
khao khát, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt
khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người của hắn đã bị cự tuyệt hoàn
toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, và đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không
còn đường về quay trở lại: Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để
mất những hết mảnh chai trên mặt này? Đây chính là sự tự ý thức cao độ của
Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt
chính là dấu vết của những năm tháng tội đồ. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm
trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ.
Trong con mắt của mọi người, Chí Phèo là con quỷ dữ. Thằng đầu bò và hình
ảnh này không thể tẩy xóa đi được nữa. Chính định kiến đã ngăn cản bước chân
của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.
Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm về tình
người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực

11



của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ lại vừa là nạn nhân của định
kiến xã hội đương thời.
Đến đây, Chí Phèo rơi vào bi kịch của sự lựa chọn giữa sự sống và nhân
cách cái Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách
của mình Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến – kẻ thù lớn nhất của đời mình
rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn – một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó là cách
duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người
của hắn được tồn lại.
- Hành động tự sát của Chí Phèo là cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhất, dữ
đội nhất và là cuộc chiến đấu cuối cùng giữa con người hiền như cục đất và con
quỷ dữ thằng đầu bò. Trong cuộc quyết đấu này, Chí Phèo đã chết, nhưng nhân
cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏa sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu
của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất của tư
tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.
Ví dụ 4. Tình huống truyện trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân
a. Nhan đề truyện:
Truyện hấp dẫn, cuốn hút người đọc ngay từ đầu bởi một nhan đề rất lạ:
“Vợ nhặt”. Nhà văn ở đây không đặt là “Nhặt vợ” mà đặt là “Vợ nhặt”?
+ “Nhặt vợ”: còn có cái gì đó là chủ động, có tính toán của Tràng.
+ “Vợ nhặt”:là một sự bị động, thậm chí là được vợ theo.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, chính Kim Lân đã hào hứng giải thích:
Trong cảnh đói năm 1945, người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái
chết. Bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của một
con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo, chỉ nhờ mấy bát
bánh đúc ngoài chợ- đúng là “nhặt” được vợ như tôi nói trong truyện”.
b. Tình huống truyện độc đáo:
Tình huống truyện độc đáo trong “Vợ nhặt”, đó là việc Tràng “nhặt” được
vợ - một tình huống đầy kịch tính, xưa nay chưa từng có; vừa lạ lại vừa éo le:
- Lạ:

+ Người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí lại có vợ theo. Tràng:
• Xấu xí
• Tính cách có phần hơi dở hơi
• Nghèo, dân ngụ cư
→ Hội tụ đầy đủ những yếu tố để Tràng khó, thậm chí không lấy được vợ.
+ Giữa lúc đói khát, nuôi thân còn chẳng xong vậy mà Tràng lại dám “đèo
bòng”, “rước cái của nợ đời ấy về”.
+ Tràng lấy vợ, nhặt được vợ cũng chỉ qua hai lần gặp tình cờ, chỉ với
mấy câu nửa đùa nửa thật vậy mà người đàn bà đã theo Tràng về → Cái công
việc mà xưa nay người ta vẫn cho là khó lại vô cùng tình cờ, dễ dàng đối với
Tràng.
- Éo le:
+ Tràng lấy vợ - hưởng cái hạnh phúc lớn nhất của một dời người giữa
cảnh “tối sầm lại vì đói khát”, giữa cái lúc mà cái chết và sự sống ranh gới mong
manh, tưởng như âm- dương không có sự cách biệt → Chen vào hạnh phúc là
nỗi lo chạy trốn cái đói, nỗi lo níu kéo sự sống.
12


+ Duyên cớ để đưa họ đến với nhau cũng thật buồn lòng: đó là cái đói.Ở
đây, mấy bát bánh đúc thay cho trầu cau dẫn cưới. Nếu không vì cái đói đưa đẩy
thì Tràng cũng khó lòng lấy được vợ.→ Sự thật đáng buồn.
* Phản ứng của mọi người trước sự kiện độc nhất vô nhị này:
- Những người dân trong xóm ngụ cư:
+ “Người trong xóm lạ lắm”, họ “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn
tán” → Ngạc nhiên tột độ.
+ Sự kiện lạ lùng ấy đem đến một “cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào
cuộc sống đói khát, tăm tối” của họ, làm những khuôn mặt “hốc hác, u tối” bỗng
dưng “rạng rỡ hẳn lên”.
+ Họ “cười rung rúc”.

+ Rồi có ngưới thở dài.
+ Tất cả cùng “nín lặng” khi có người nói “ Giời đất này còn rước cái của
nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”
- Bản thân Tràng:
+ Mọi chuyên nhanh chóng quá đến mức chính Tràng – người trong cuộc
cũng cảm thấy ngạc nhiên. Khi đã đưa người vợ nhặt về nhà, nhìn thị ngồi giữa
nhà mà Tràng “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”
- Bà cụ Tứ- mẹ Tràng:
+ Vô cùng ngạc nhiên trươc thái độ vồn vã, khác thường của đứa con trai,
bà “hấp háy hay con mắt nhìn Tràng” rồi băn khoăn hỏi Tràng “có việc gì thế
vây?”
+ Ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn thấy người đàn bà trong nhà:
● Bà “đứng sững lại”→ Quá đỗi ngạc nhiên.
● Trong đầu bà cụ hiện lên một loạt những câu hỏi : “Quái sao lại có
người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “sao lại chào mình bằn u?”….→ Băn khoăn,
ngạc nhiên.
+ Khi đã hiểu rõ cơ sự bà lão “cúi đầu nín lặng”, thương xót cho số kiếp
đứa con mình.
+ Tủi thân, xót xa vì chưa làm tròn bổn phận làm cha mẹ “người ta dựng
vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ
cái mở mặt sau này, còn mình thì…” → Độc thoại nội tâm thể hiện tâm lí nhân
vật.
+ Sau đó là “mừng lòng”,chấp nhận con dâu, khuyên nhủ các con đầy lạc
quan…
c. Ý nghĩa của tình huống truyện độc đáo này:
- Tình huống truyện là yếu tố để làm nổi bật chủ đề tác phẩm đồng thời
tạo điều kiện cho nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật.
- Nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng nên một tình huống
truyện độc đáo. Tình huống ấy vừa phần nào nói lên tình cảnh thê thảm của
người dân; vừa thể hiện sự xót xa trước thân phận của những người dân nghèo.

→ Đây là tình huống vừa mừng vừa tủi, vừa vui vừa lo → Tình huống hi hữu,
có một không hai.
Ví dụ 5. Tình huống truyện trong tác phẩm những đứa con trong gia
đình của Nguyễn Thi.
13


a. Xác định tình huống
Đây là câu chuyện về gia đình của anh Giải phóng quân tên Việt. Nhân
vật này rơi vào tình huống đặc biệt: trong một trận đánh, Việt bị thương phài
nằm lại giữa chiến trường. Anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi ngất đi.
Trong những lúc tỉnh lại ngất đi đó, bao nhiêu kí ức về gia đình, về đồng đội, về
bản thân cứ mồn một hiện về lung linh sống động trong tâm trí Việt.
b. Phân tích tình huống
- Nhờ tình huống truyện, tác phẩm có một lối tự sự riêng. Lối tự sự, kể
chuyện không hoàn toàn theo trật tự thời gian mà chủ yếu theo dòng hồi tưởng
miên man đứt nối của Việt lúc bị thương nằm lại giữa chiến trường mênh mông
bóng tối - bóng tối của màn đêm, bóng tối do đôi mắt bị thương không thể nhìn
thấy gì bên ngoài. Chính nhờ cách trần thuật này mà mạch truyện đi về thoải mái
giữa quá khứ và hiện tại; giữa cái đang ở trước mặt với cái đã thành kỉ niệm xa
xưa.
- Dòng ý thức của Việt chập chờn giữa những lần tỉnh, ngất ấy đã lần lượt
tái hiện những gì đã qua, đang có trong đời anh. Dòng nội tâm anh đứt nối, nối
đứt đã tái hiện bao nét sinh động cụ thể về chú Năm, má , chị Chiến:
+ Má:
* Có cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn, khổ đau.
* Rất mực yêu thương chồng con và căm thù giặc sâu sắc: đi đòi đầu
chồng; thương con hết mực nhưng rất nghiêm khắc (trong hồi ức chập chờn của
Việt, má hiện lên đầu tiên: ghé lại, xoa đầu, đánh thức, lấy cơm cho Việt ăn…);
luôn luôn nhắc nhở con về truyền thống gia đình và mối thù dân tộc; hun đúc,

nuôi dưỡng ở con ý chí chiến đấu không mệt mỏi.
+ Chú Năm:
* Có giọng hò: tiếng hò vừa nhắc nhớ về truyền thống, thắp lên niềm tự
hào về quê hương khó nghèo nhưng bất khuất, vừa như lời hiệu triệu, một tiếng
trống quân thúc giục động viên thanh niên ra trận.
* Giữ cuốn sổ gia đình, ghi từng ngày thay cho Việt và Chiến -> giữ lửa
yêu nước truyền cho các thế hệ.
* Yêu nước, gắn bó với quê hương tha thiết, căm thù giặc sâu sắc.
+ Chị Chiến:
* Yêu thương và luôn nhường nhịn Việt, trừ việc giành đi bộ đội với Việt.
* Mang những phẩm chất của má: đảm đang, tháo vát, sắp xếp chu đáo
mọi việc trước khi lên đường nhập ngũ; bộc trực, quyết liệt, gan góc, quyết
không đội trời chung với kẻ thù.
- Qua dòng hồi ức của nhân vật Việt, người đọc thấy hiện lên hình ảnh của
một chàng trai mới lớn rất hồn nhiên, vô tư mà dũng cảm, gắn bó với những
người thân và giàu tinh thần trách nhiệm với truyền thống của gia đình, quê
hương:
+ Tính cách trẻ con, hồn nhiên, vô tư: tranh đi bộ đội, tranh bắt ếch với
chị; trong khi chị Chiến lo toan thu xếp việc gia đình thì Việt “lăn kềnh ra ván
cười”, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay” rồi ngủ quên
lúc nào không biết; đi đánh giặc vẫn đeo ná thun; không sợ giặc nhưng lại sợ ma;
9

Trong trang này: Ví dụ 5 được tham khảo trong TLTK[8]; TLTK[9]

14


mỗi lúc tỉnh lại ngoài chiến trường, Việt nhớ về gia đình, thèm được má cưng
chiều…

+ Tình cảm gắn bó và ý thức trách nhiệm với truyền thống gia đình:
* Gắn bó, yêu thương những người thân: tình cảm gia đình được thể hiện
qua dòng hồi ức của Việt về ba má, chú Năm, chị Chiến…
* Có ý thức trách nhiệm thiêng liêng của một đứa con với truyền thống
gia đình: lòng căm thù giặc, khát vọng cầm súng chiến đấu trả thù cho ba má,
bảo vệ gia đình, quê hương…
* Chiến đấu gan góc, quả cảm: diệt được xe bọc thép của giặc; bị thương
nặng, lạc đồng đội, trong hồi ức đứt nối nhưng luôn thường trực nung nấu: tìm
về với anh em, để tiếp tục đấu tranh; một mình ở lại giữa chiến trường nhưng
vẫn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu…
- Cách trần thuật này rất hữu hiệu trong việc thể hiện nội dung tư tưởng
chủ đạo: gia đình là cội nguồn sâu thẳm nhất của con người, và truyền thống gia
đình là thực sự thiêng liêng, vì nó đã hiện lên trong một thời khắc thiêng liêng.
- Cách kể chuyện này có hai tác dụng về nghệ thuật: câu chuyện vừa được
kể, cũng là lúc tính cách nhân vật được khắc họa; câu chuyện trở nên mới mẻ,
hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng
của nhân vật.
c. Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện
Nhà văn dựng tình huống tâm trạng nên trần thuật theo dòng ý thức của
nhân vật. Qua đó thể hiện:
- Phẩm chất anh hùng của người nông dân Nam Bộ với ý tưởng nghệ
thuật: người anh hùng là sản phẩm của một thời đại, đồng thời là sản phẩm của
một truyền thống gia đình.
- Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến
chống Mỹ cứu nước.
- Sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, giữa truyền
thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của
con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ví dụ 6. Tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của
Nguyễn Minh Châu

a. Xác định tình huống
Truyện ngắn xoay quanh một tình huống chủ chốt: Nghệ sĩ nhiếp ảnh
Phùng tìm vào vùng quê miền biển mong chụp được bức ảnh nghệ thuật về làm
lịch và tưởng đã thành công khi thu vào ống kính khung cảnh chiếc thuyền ngoài
xa đẹp như một giấc mơ. Nhưng ngay sau đó, anh đã phải chứng kiến một
nghịch cảnh trớ trêu: cảnh bạo hành trong một gia đình hàng chài vừa bước
xuống từ con thuyền ấy. Những ngày sau, cảnh bạo hành đó vẫn tiếp diễn.
Chánh án Đẩu đã mời người đàn bà làng chài đến tòa án để giải quyết chuyện
gia đình của chị.
10

Trong trang này: Ví dụ 6 được tham khảo trong TLTK[8]; TLTK[9]

15


b. Phân tích tình huống
- Tình huống truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp chiếc
thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài. Sau
nhiều ngày “phục kích”, Phùng mới được “một cảnh “đắt” trời cho”. Nó giống
như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Toàn bộ khung cảnh “từ
đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn
bích”. Nhưng oái oăm thay, cảnh đẹp nhất, có hồn nhất lại là cảnh ẩn chứa
những điều tệ hại nhất, xót xa nhất: bước ra từ thuyền là một người đàn bà xấu
xí, mệt mỏi; một người đàn ông to lớn dữ dằn; một cảnh tượng tàn nhẫn: gã
chồng đánh đập vợ một cách thô bạo; đứa con thương mẹ, đánh lại cha.
- Cuộc gặp gỡ của Đẩu, Phùng và người đàn bà hàng chài ở tòa án đã đẩy
tình huống truyện lên tầm cao của giá trị nhận thức. Chánh án Đẩu đứng về phía
người vợ để khuyên chị ly hôn nhưng thật bất ngờ, bằng những lý lẽ rất chân
tình, người vợ từ chối, thậm chí van xin tòa án cho chị không bỏ chồng. Theo

chị, gã chồng là chỗ dựa quan trọng của người phụ nữ làng chài, nhất là khi biển
động phong ba. Hơn nữa, chị còn có những đứa con, chị phải sống vì con, sống
cho con chứ không thể sống vì bản thân. Và trên thuyền cũng có những lúc vợ
chồng con cái sống vui vẻ.
Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án, chúng ta hiểu thêm về nguyên
nhân bi kịch và tính cách của các nhân vật:
+ Gánh nặng mưu sinh đã làm cho người chồng thay đổi tính cách từ hiền
lành sang thô bạo. Người chồng vừa là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo vừa là
thủ phạm gây ra nỗi đau cho vợ và con.
+ Người vợ là một phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu, giàu lòng vị tha, bao
dung, giàu lòng thương con. Chị thấu hiểu sâu sắc lẽ đời.
+ Đẩu hiểu được nguyên do người đàn bà không thể bỏ chồng là vì những
đứa con. Anh vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc sống. Anh hiểu
rằng, con người và cuộc sống phong phú, phức tạp chứ không dễ dàng lý giải và
can thiệp như anh tưởng lúc ban đầu.
+ Phùng như thấy chiếc thuyền nghệ thuật ở ngoài xa, còn sự thật cuộc
đời lại ở rất gần. Cái đẹp ngoại cảnh anh ngỡ là hoàn hảo, toàn bích có thể che
khuất cái bề bộn, ngổn ngang của đời sống. Bề ngoài nhếch nhác, lam lũ, cơ cực
lại có thể chứa đựng những vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người. Câu chuyện của
người đàn bà ở tòa án huyện giúp anh hiểu rõ hơn cái có lí trong cái tưởng như
nghịch lí ở gia đình thuyền chài. Anh hiểu thêm tính cách của Đẩu và hiểu thêm
chính mình.
c. Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện
Tình huống truyện chứa đựng những suy ngẫm, phát hiện sâu sắc của nhà
văn về cách để nhìn nhận, đánh giá con người, cuộc sống và về mối quan hệ
giữa nghệ thuật với hiện thực, người nghệ sĩ với cuộc đời:
+ Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lý.
Cần nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng trong hoàn cảnh cụ thể của nó và trong
mối quan hệ với nhiều yếu tố khác nữa.
+ Muốn giúp đỡ con người không chỉ dựa vào thiện chí hay kiến thức

sách vở mà phải thấu hiểu cuộc sống của họ và có những biện pháp thiết thực.
16


+ Con người ta luôn phải nhìn lại mình. Hoạt động tự ý thức khiến con
người ngày càng hoàn thiện hơn.
+ Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc sống. Nghệ thuật chân
chính là cuộc sống và phải luôn luôn vì cuộc sống.
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm.
- Với sáng kiến kinh nghiệm trên, tôi và đồng nghiệp đã áp dụng thực tế
vào giảng dạy tại trường. Thực tế cho thấy, chúng tôi đã đạt được kết quả ngoài
mong muốn. Những học sinh trong lớp được giảng dạy bằng phương pháp của
sang kiến đã quan tâm nhiều hơn đến giờ văn, đặc biệt ở những lớp ban khoa
học xã hội, các em làm việc một cách say mê, hứng thú.
- Kết quả cụ thể: Chất lượng môn học cuối kì, cuối năm tăng rõ rệt. Tỉ lệ
điểm văn khá giỏi trong các kì thi tốt nghiệp và đại học tăng 35% so với trước
kia. Đặc biêt, kết quả học sinh giỏi cấp tỉnh cao hơn trung bình 50%so với trước
khi áp dụng sáng kiến. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả ban đầu, nếu tiếp tục áp
dụng, chắc chắn những năm tiếp theo sẽ còn đạt kết quả cao hơn.

17


C. KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
- Trên đây là toàn bộ sáng kiến kinh nghiệm của tôi về việc khai thác vai
trò của tình huống truyện trong giảng dạy truyện ngắn ở trường THPT.
- Tuy nhiên sáng kiến này mới chỉ được áp dụng trong thục tế giảng dạy ở
trường THPT Hoằng Hóa 4. Rất mong được đồng nghiệp trong tỉnh đóng góp ý
kiến để cùng đi đến sự hoàn thiện của sáng kiến, góp phần nâng cao chất lượng

dạy và học văn trong trường THPT trê phạm vi toàn tỉnh.
2. Kiến nghị:
Từ kết quả nghiên cứu đã đạt được trên đây, tôi xin mạnh dạn đề xuất một
số kiến nghị như sau:
Một là, đối với Sở giáo dục và đào tạo: Cần tổ chức tập huấn cho giáo
viên nhiều hơn nữa về việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ Văn, đặc
biệt là thể loại văn xuôi. Mỗi lần tập huấn, cần cho giáo viên dự một giờ cụ thể
tại trường THPT
Hai là, đối với nhà trường: cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất,
trang thiết bị hỗ trợ giáo viên. Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với giáo viên
có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.
Ba là, đối với giáo viên: Cần phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích
cực trong quá trình dạy học, đổi mới phương pháp theo hướng tích cực hóa
người học./.
XÁC NHẬN CỦA ĐƠN VỊ

Hoằng Hóa, ngày 20 tháng 4 năm 2017.
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung
của người khác.
Người viết

Đặng Thị Hà

18


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các công văn của Bộ giáo dục và Sở giáo dục.
2. Trên nẻo đường văn- Chủ nhật ngày 27 tháng 4 năm 2014

3. Báo giáo dục thời đại- ngày 25 tháng 4 năm 2015
4. Tự sự học- Một số vấn đề lí luận và lịch sử của Trần Đình Sử, NXB Đại
học sư phạm.
5. Một số vấn đề về truyện ngắn của Chu Văn Sơn.
6. Mạng internet.
7. Từ điển Tiếng Việt
8. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn của Phan Trọng
Luận(chủ biên)- NXB Đại học sư phạm.
9. Đọc và nghiên cứu các tác phẩm trong trường THPT: Chí Phèo của
Nam Cao; Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân; Hai đứa trẻ của Thạch Lam; Vợ
nhặt của Kim Lân; Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi; Chiếc
thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

19



×