TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA NGỮ VĂN
NGƯỜI TÀI NỮ TRONG TÁC PHẨM NGUYỄN
DU
Sinh viên thực hiện: Phan Kiều Cát Như
MSSV: 42.01.755.109
Học phần: Văn học Trung đại Việt Nam III và IV
Mã học phần: LITR145902
GVHD: Ths. Lê Văn Lực
Tháng 1, năm 2019
1
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên em xin chân thành cảm ơn thầy Lê Văn Lực vì sự giúp đỡ,
hướng dẫn tận tình những kiến thức và kinh nghiệm cho em suốt thời gian học
cũng như thực hiện tiểu luận. Nhờ vào những góp ý, chỉ bảo của thầy mà bài tiểu
luận đã trở nên hoàn thiện hơn, bản thân em cũng tích lũy được nhiều kiến thức và
kinh nghiệm để thực hiện những kế hoạch, mục tiêu của tương lai.
Bài tiểu luận đã hoàn thành nhưng chắc chắc không tránh khỏi những thiếu
sót về kiến thức lịch sử văn học cũng như lí luận, em rất mong đợi những đánh giá,
góp ý của thầy để bài tiểu luận được hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, chúng em xin kính chúc thầy nhiều sức khỏe và luôn thành công
trong sự nghiệp trồng người
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1, năm 2019
Sinh viên thực hiện:
Phan Kiều Cát Như
2
MỤC LỤC
A.
PHẦN MỞ ĐẦU...............................................................................................4
B. NỘI DUNG.........................................................................................................11
CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG............................................................11
1.
Con người và sự nghiệp Nguyễn Du.............................................................11
1.1 Xuất thân.........................................................................................................11
1.2 Thời đại và cuộc đời.......................................................................................12
1.3 Sự nghiệp sáng tác..........................................................................................14
1.3.1
Quan niệm sáng tác..................................................................................14
1.3.2
Một số tác phẩm nổi bật...........................................................................16
2.
Khái niệm người tài nữ..................................................................................16
3.
Một số nhân vật người tài nữ trong thi từ cổ điển Trung Hoa và văn học
trung đại Việt Nam.................................................................................................18
CHƯƠNG 2 NGƯỜI TÀI NỮ TRONG TÁC PHẨM NGUYỄN DU.............25
2.1 Nhân vật người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du.....................................25
2.1.1
Chân dung................................................................................................25
2.1.2
Phẩm chất.................................................................................................41
2.1.3
Số phận.....................................................................................................54
2.2 Thái độ Nguyễn Du đối với người tài nữ......................................................62
2.2.1
Thái độ trân trọng và thương tiếc.............................................................62
3
2.2.2 Tâm trạng “đồng bệnh tương liên”..............................................................66
2.3 Mối liên hệ giữa Nguyễn Du và người tài nữ...............................................71
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT KHẮC HỌA NGƯỜI TÀI NỮ TRONG TÁC
PHẨM NGUYỄN DU............................................................................................80
3.1 Thể thơ............................................................................................................80
3.1.1
Thể bát cú.................................................................................................80
3.1.2
Thể trường thiên.......................................................................................82
3.1.3
Truyện thơ Nôm.......................................................................................83
3.2 Nghệ thuật sử dụng hình ảnh........................................................................84
3.3. Ngôn từ............................................................................................................85
3.1.1
Chất bác học của ngôn từ.........................................................................85
3.1.2
Chất bình dân của ngôn từ.......................................................................87
C. TỔNG KẾT........................................................................................................89
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................92
4
A.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Từng có Bạch Cư Dị nghe tiếng tì bà giữa đêm trăng mà áo xanh đẫm lệ,
từng có Matsuo Basho trọ nơi lữ quán mà ngẫu ngộ hai người du nữ dưới trăng và
hoa đinh hương. Trong mắt thế nhân, người kỹ nữ đàn tì bà đêm khuya hay hai
người du nữ kia đều không phải là hạng người đáng kể, nếu không muốn nói là
hạng người đã rơi xuống tầng lớp quá thấp trong xã hội loài người, thế nhưng cuộc
gặp gỡ ấy lại được thi nhân ghi lại bằng những vần thơ luôn gây nên khoái cảm
thẩm mỹ mãnh liệt mỗi lần đọc:
“ Lệ ai chan chứa hơn người
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh” (1)
“Quán bên đường,
Du nữ ngủ
Trăng và đinh hương.”(2)
Thi nhân đã nâng những người tài nữ thuộc tầng lớp kỹ nữ ấy lên sánh với vẻ đẹp
của thiên nhiên trời đất, ngẫm lại xưa nay trong nền văn học các nước đồng văn đều
không vì chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến mà
thiếu đi tác phẩm có chủ đề người tài nữ nói riêng, người phụ nữ nói chung. Các tác
1 “Toạ trung khấp hạ thuỳ tối đa
Giang Châu tư mã thanh sam thấp.”
(Tì bà hành – Bạch Cư Dị, Trần Trọng Kim dịch)
2
「「「「
「「「「「「
「「「「
「「「「-「「「「「
Hitotsu-ya ni
Yujo ino netari
Hagi to tsuki.
(Hagi to Tsuki – Matsuo Basho, Nhật Chiêu dịch)
5
gia lớn trong văn chương cổ điển Trung Hoa như Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,
đều có một số lượng tác phẩm đáng kể viết về đề tài người phụ nữ.
“Trong 2840 bài thơ của Bạch Cư Dị, có hơn 200 bài viết về chủ đề người
phụ nữ, như Trường hận ca, Lí phu nhân, Tì bà hành, Nghị hôn, Hoa phi hoa, Túy
ca… Tuy số lượng các bài thơ có chủ đề người phụ nữ chỉ chiếm gần 1 phần 10,
nhưng các tác phẩm này thể hiện gần như tất cả thành tựu văn chương và đặc
trưng nghệ thuật sáng tác của Bạch Cư Dị, đặc biệt là trong thể loại trường thi
thuộc văn thơ cổ điển Trung Hoa. Vì vậy, có thể nói, các bài thơ với chủ đề người
phụ nữ này có giá trị ngang bằng với tất cả tác phẩm văn chương trong sự nghiệp
của Bạch Cư Dị.(3)
Sử dụng một phép so sánh tương tự như vậy để nói về sự nghiệp văn chương
Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc Việt Nam, trong hơn 200 tác phẩm được
Nguyễn Du sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn Quốc âm, số lượng các tác phẩm có chủ
đề người tài nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, đó đều là những tác phẩm
thật sự nổi bật có giá trị nghệ thuật lẫn giá trị nội dung vô cùng quan trọng, như
Độc Tiểu Thanh kí, Long Thành cầm giả ca, và đặc biệt, một tác phẩm truyện thơ
Nôm đã khẳng định vị thế độc tôn của Nguyễn Du trong văn đàn văn học trung đại
Việt Nam, chính là Đoạn trường tân thanh, hoặc còn gọi Truyện Kiều. Vì vậy có thể
nói rằng các tác phẩm với nhân vật người tài nữ của Nguyễn Du chiếm một vị trí
cực kì quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông dù cho số lượng không nhiều.
Khác biệt với tất cả các tác phẩm với đề tài người phụ nữ của các nhà thơ
khác trước đó, thơ Nguyễn Du thể hiện một quan niệm mới về người phụ nữ qua
việc xây dựng nhân vật người tài nữ và đồng thời thể hiện những tâm sự của
Nguyễn Du trước thế sự đương thời.Vì những lí do kể trên, có thể nói rằng một sự
nghiên cứu đặc biệt về đề tài “Người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du” là hoàn
3 Liu, Xiaohua, "Bai Juyi's poems about women/" (2009). Masters Theses 1911 - February 2014. 1726 University of
Massachusetts Amherst
6
toàn cần thiết để hiểu được các yếu tố tạo nên vị thế vững chắc của Nguyễn Du
trong văn học trung đại Việt Nam, và đồng thời giúp đưa ra những đánh giá đúng
mức về các thành tựu văn chương của Nguyễn Du.
2. Lịch sử vấn đề
Sáng tác của Nguyễn Du trước nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của
giới nghiên cứu, không chỉ vì những đóng góp nghệ thuật to lớn của Nguyễn Du
cho văn học nước nhà, mà còn vì những tư tưởng, quan điểm vượt thời đại của
Nguyễn Du trong sự nghiệp. Đặc biệt là vấn đề người phụ nữ nói chung, người tài
nữ nói riêng trong các tác phẩm của ông luôn được đề cập đến trong các công trình
nghiên cứu về tính nhân văn của Nguyễn Du thể hiện qua văn chương.
Trần Nho Thìn với công trình Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn
Văn hóa có đề cập đến “Tài tình – một khía cạnh văn hóa của thời đại Nguyễn Du”
nói đến hiện thực xã hội của thời đại, thân phận người kĩ nữ, nghệ sĩ trong lịch sử
và trong văn học trung đại.
Trong luận văn Thạc sĩ Văn học Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ
tình VIệt Nam thế kỉ XVIII - XIX của Nguyễn Hoàng Thịnh có đề cập đến “Chân
dung người phụ nữ trong thơ trữ tình thế kỉ XVIII – XIX”, nói về một số hình tượng
người phụ nữ trong các tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Phạm Đình
Hổ, Nguyễn Du...
Trong luận văn Thạc sĩ Văn học Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán
Nguyễn Du của Nguyễn Thị Lành có đề cập đến “Tình cảm Nguyễn Du dành cho
người phụ nữ”, nói về một số nhân vật phụ nữ trong tác phẩm Nguyễn Du
Nhìn chung, đây là vấn đề đã được đề cập riêng lẻ khi khảo sát tác phẩm của
Nguyễn Du nhưng người viết chưa tìm thấy một công trình có hệ thống khảo sát
riêng về nhân vật người tài nữ để thấy được toàn bộ diện mạo nhân vật người tài nữ
7
trong tác phẩm Nguyễn Du. Qua việc tìm hiểu đề tài “Người tài nữ trong tác
phẩm Nguyễn Du”, người viết hi vọng có thể đóng góp những đánh giá khái quát,
có giá trị về nhân vật người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du.
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Với đề tài đã chọn, đối tượng nghiên cứu của tiểu luận là các khía cạnh biểu
hiện và hình thức biểu hiện của nhân vật người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du.
Hướng nghiên cứu của đề tài là từ việc tìm hiểu thời đại, bối cảnh lịch sử xã
hội có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng tình cảm Nguyễn Du đến những biểu hiện
cụ thể của nhân vật người tài nữ trong tác phẩm của ông.
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu chủ yếu của tiểu luận là các tác phẩm chữ Hán lẫn chữ
Nôm có đề cập đến nhân vật người tài nữ, cụ thể là các tác phẩm sau: “Độc Tiểu
Thanh kí”, “Ngộ gia đệ cựu ca cơ”, “Điếu La Thành ca giả”, “Long Thành cầm
giả ca”, “Truyện Kiều”(4). Ngoài ra còn tham khảo tư liệu từ 250 bài thơ trong ba
tập thơ chữ Hán là “Thanh Hiên thi tập”, “Bắc hành tạp lục”, “Nam trung tạp
ngâm” để thuận lợi cho việc nghiên cứu tư tưởng, tình cảm Nguyễn Du qua biểu
hiện của các nhân vật tài nữ. Ngoài tư liệu trên, người viết còn sử dụng các tư liệu
khác của một số tác giả văn học trung đại Việt Nam và văn học Trung Quốc.
3.3 Mục đích nghiên cứu
Mục đích đầu tiên của luận văn là tìm hiểu, khái quát những biểu hiện của
người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du, từ đó có cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn
về người tài nữ, người nghệ sĩ trong cảm thức Nguyễn Du.
4 Tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” có đề cập đến những người “Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa”, tuy
nhiên khía cạnh tài hoa và nhan sắc không được miêu tả cụ thể, không thể minh họa định nghĩa “tài nữ” tiểu luận sẽ
trình bày ở dưới, người viết mạn phép không khảo sát.
8
Thứ hai, tiểu luận tìm hiểu khái quát mối liên hệ giữa Nguyễn Du và những
người tài nữ trong tác phẩm của mình qua đó phần nào hiểu được những tâm tư,
suy nghĩ của nhà thơ về thân phận con người trong thế sự, nhân sinh. Qua những
nỗi niềm riêng cũng như cách Nguyễn Du đánh giá về cuộc đời, người tài nữ, ta
hiểu thêm những nét đẹp về khía cạnh nhân văn trong thơ Nguyễn Du.
4. Phương pháp nghiên cứu
Tiểu luận sử dụng những phương pháp sau:
Phương pháp lịch sử - cụ thể: là phương pháp đặt đối tượng nghiên cứu vào
thời đại, bối cảnh cụ thể khi nó ra đời để tìm hiểu sâu hơn về tác giả, tác phẩm và
đề tài nghiên cứu.
Phương pháp so sánh – đối chiếu: tiểu luận sẽ tìm hiểu thêm về thơ của các
nhà thơ trung đại, nhà thơ Trung Quốc khác có những nét gần gũi với Nguyễn Du
để làm rõ hơn các biểu hiện của người tài nữ trong tác phẩm của ông. Trên cơ sở
đó, tiểu luận cố gắng lí giải những tâm sự, suy nghĩ của Nguyễn Du trong một giai
đoạn thịnh suy biến động của lịch sử dân tộc.
Phương pháp phân tích – tổng hợp: Là phương pháp đối chiếu giúp người
viết vừa khai thác vấn đề ở những khía cạnh chi tiết để nắm bắt được bản chất vấn
đề, vừa tổng hợp lại nhằm có những kết luận khái quát vấn đề.
5. Những đóng góp của tiểu luận
Nguyễn Du là một tác gia có hai tác phẩm được đưa vào chương trình giáo
dục phổ thông, trong đó đều tác phẩm quan trọng có đề cập đến nhân vật người tài
nữ: các đoạn trích trong Truyện Kiều và Độc Tiểu Thanh kí. Vì thế, người viết hi
vọng tiểu luận có thể là tài liệu tham khảo thêm cho giáo viên, học sinh khi giảng
9
dạy, học tập về đại thi hào Nguyễn Du, nhưng trước hết là phục vụ cho công việc
học tập và chuẩn bị cho sự nghiệp sư phạm của người viết.
Tiểu luận cũng góp phần nghiên cứu một khía cạnh của các tác phẩm của đại
thi hào Nguyễn Du, cũng như góp phần hoàn chỉnh bức chân dung của đại thi hào.
6. Kết cấu tiểu luận
A. Phần mở đầu
B. Nội dung
Chương 1. Một số vấn đề chung
1. Con người và sự nghiệp Nguyễn Du
1.1.1. Xuất thân
1.1.2 Thời đại và cuộc đời
1.1.3. Sự nghiệp sáng tác
1.1.3.1 Quan niệm sáng tác
1.1.3.2 Các tác phẩm nổi bật
2. Khái niệm người tài nữ
3. Một số nhân vật người tài nữ trong thi từ cổ điển Trung Hoa và văn học
trung đại Việt Nam
Chương 2. Người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du
2.1 Nhân vật người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du
2.1.1 Chân dung
10
2.1.1.1 Ngoại hình
2.1.1.2 Tài năng
2.1.2 Phẩm chất
2.1.2.1 Tâm hồn nghệ sĩ
2.1.2.2 Chung thủy
2.1.2.3 Ý thức sâu sắc về bản thân
2.1.3 Số phận
2.2 Thái độ Nguyễn Du đối với người tài nữ
2.2.1 Thái độ trân trọng và thương tiếc
2.2.2 Tâm trạng “đồng bệnh tương liên”
2.3 Mối liên hệ giữa Nguyễn Du và hình ảnh người tài nữ trong tác phẩm
Nguyễn Du
Chương 3: Nghệ thuật khắc họa người tài nữ trong tác phẩm Nguyễn Du
C. Tổng kết
D. Tài liệu tham khảo
11
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Con người và sự nghiệp Nguyễn Du
1.1
Xuất thân
Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê
làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh là nơi có chín mươi chín
ngọn núi Hồng Lĩnh, sau này cũng chính là nơi sinh ra Huy Cận. Nói về Hồng
Lĩnh, Bùi Giáng viết: “sông núi đẹp dị thường và con người làm ăn cày cấy cũng
cực nhọc dị thường.” “Giữa phong cảnh và con người từ đó liên miên có một cuộc
đối thoại thiết tha không lời, về một nỗi đời bất khả tư nghị.” Nhân vật do non
nước Hồng Lĩnh sinh ra ắt không phải người tầm thường, đúng như vậy, Nguyễn
Du sau này đã trở thành một thiên tài vô song của Hồng Lĩnh.
Sinh ra ở Hồng Lĩnh, nhưng Thăng Long mới là nơi Nguyễn Du lớn lên, ông
xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp đại quý tộc, cha là Nguyễn Nghiễm (1708
-1755) thi đỗ Tiến sĩ khi tuổi trẻ, từng giữ chức Tể tướng triều Lê. Anh trai cùng
cha khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, cũng đỗ Tiến sĩ, từng làm đến chức
Tham tụng, cùng với Nguyễn Nghiễm, hai cha con cùng làm quan cho triều đình,
quyền lực có thể nói là rất đáng kể. Có nhiều tài liệu chứng minh dòng họ Nguyễn
làng Tiên Điền sống đời hào hoa vương giả, gia tộc đời đời làm quan, nhân dân
truyền tụng câu : “Bao giờ Ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước, họ này hết
quan.” Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người
xứ Kinh Bắc xuất thân từ gia đình bình dân, người ta nói rằng yếu tố dân gian trong
tác phẩm Nguyễn Du phần lớn chịu ảnh hưởng từ mẹ của mình.
12
1.2
Thời đại và cuộc đời
Nguyễn Du sinh ra trong một thời đại hỗn loạn, các thế lực phong kiến không
ngừng đấu đá nhau gây ra bao cuộc thương hải tang điền trong một khoảng thời
gian không thể coi là dài. Những cuộc chuyển giao quyền lực đó đã khiến cậu ấm
Nguyễn Du sớm phải lăn lộn ngoài xã hội, mất cha năm 10 tuổi, mất mẹ năm 13
tuổi, tuy nói rằng có xuất thân đại quý tộc, nhưng từ thơ ấu cuộc đời ông chưa hề
được bình yên trọn vẹn. Năm Nguyễn Du 16 tuổi, anh trai Nguyễn Khản ủng hộ
Trịnh Tông bị phe phái Đặng Thị Huệ, Quận Huy Hoàng Đình Bảo (muốn lập Trịnh
Cán làm chúa) xui chúa Trịnh cách chức và bắt giam, sự kiện này được ghi lại trong
nhiều tài liệu lịch sử như “Hoàng Lê nhất thống chí” – Ngô gia văn phái. Sau khi
Trịnh Tông quyền biến thành công, Nguyễn Khản lại làm đến chức Lại Bộ Thượng
thư, thăng chức Tham tụng. Nguyễn Khản cùng hai vị thần tử khác tâu vua trấn áp
kiêu binh, giết 7 tên để thị uy, bị bọn kiêu binh đốt tự trạch và truy sát, phải bỏ chạy
lên Sơn Tây, rồi lại về quê Hà Tĩnh. Nguyễn Du không còn được sống trong cảnh
hào hoa nhung lụa nhà quý tộc từ khi 17 tuổi, lịch sử trong những năm này không
ghi chép lại nhiều những hành trạng của Nguyễn Du.
Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ nhất dưới danh nghĩa phò
Lê diệt Trịnh. Vương triều nhà Lê và Tây Sơn có những mâu thuẫn chính trị và kết
thúc bằng việc Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh vào mùa xuân năm
Kỷ Dậu, Lê Chiêu Thống sau khi cầu viện nhà Thanh bất thành cùng thân tín, hậu
cung bỏ chạy theo tàn quân xâm lược sang Trung Quốc. Tuy nhiên Nguyễn Du
không chịu làm quan dưới thời Tây Sơn, ông lánh về quê vợ ở Thái Bình, sau lại về
quê Hà Tĩnh. Nói về khoảng thời gian này trong cuộc đời nhà thơ, người ta có cụm
từ rất hay là “mười năm gió bụi”, mười năm lang bạc, hoạn lộ lỡ dở, lận đận, như
Nguyễn Du cũng đã từng viết trong “U cư”: “Cường bán xuân quang tại hải nhai”
– quá nửa tuổi xuân đã lưu lạc nơi chân trời góc bể.
13
Năm 1802, một cuộc binh biến khác lại diễn ra, Nguyễn Ánh lật đổ Tây Sơn,
lập ra nhà Nguyễn. Nguyễn Du ra làm quan dưới thời nhà Nguyễn, hoạn lộ có thể
nói khá suôn sẻ, ông liên tục được thăng chức từ Tri huyện đến Tri phủ, Đông Các
điện học sĩ, giữ chức Cai bạ, lên chức Cần chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh
sứ sang Trung Quốc. Vào năm 1820, Nguyễn Du được cử sang Trung Quốc cáo
tang Nguyễn Ánh, nhưng chưa kịp đi thì đột ngột qua đời trong một trận đại dịch.
Trước khi mất, Nguyễn Du gọi người nhà đến sờ tay chân hỏi xem đã lạnh chưa,
người nhà bảo đều lạnh cả rồi, Nguyễn Du nhắm mắt xuôi tay không một lời trăn
trối.
Thời đại mà Nguyễn Du sống là một thời đại lịch sử rất khác so với một bậc
đại tác gia khác trong văn học trung đại Việt Nam – Nguyễn Trãi. Trong thời kì này,
những thế lực ngoại xâm phương Bắc không phải một mối đe dọa lớn, nhưng đất
nước lại đối mặt với một vấn đề đau xót không kém, chính là những cuộc nội chiến
không hồi kết. Các thế lực phong kiến tranh hùng tranh bá đe dọa đến sự ổn định và
phồn vinh của đất nước, sự chia cắt Đàng Ngoài Đàng Trong, sự tranh chấp giữa
vua Lê, chúa Trịnh, mâu thuẫn chính trị giữa nhà Lê với Tây Sơn, mâu thuẫn nội bộ
trong chính các anh em Tây Sơn. Đó là một thời đại loạn lạc khi mà nơi nơi người
người đều ôm giấc mộng thiên hạ, muốn cát cứ một phương.
Thế sự muôn mối ấy phần nào đã định hình nên văn chương Nguyễn Du, và
bên cạnh đó trong thời đại này còn xuất hiện một yếu tố mang lại những ảnh hưởng
to lớn trong các tác phẩm văn chương Nguyễn Du nói chung, các tác phẩm với
nhân vật người tài nữ nói riêng. Đó chính là sự phồn vinh của loại hình hát ả đào,
Trần Nho Thìn cho rằng sự phồn vinh “phản ánh lối sống thị dân đã trở thành một
nhân tố nổi bật của đời sống văn hóa đô thị khi nhu cầu văn hóa giải trí đã phát
triển và điều kiện kinh tế xã hội đã sản sinh những nghệ sĩ chuyên nghiệp”.
14
Trong thời đại này, đội ngũ những ca nhi kĩ nữ, ả đào đem thanh sắc mua vui
đã trở nên đông đảo hơn so với các thế kỉ trước, hát xướng trở thành một thú giải trí
phổ biến từ giai cấp quý tộc đến giai cấp bình dân. Trong “Vũ trung tùy bút” của
Phạm Đình Hổ, phần “nhà họ Nguyễn Tiên Điền”, có ghi chép việc tư dinh Nguyễn
Khản có nuôi gia kĩ, trong “Hoàng Lê nhất thống chí” – Ngô gia văn phái, hồi 2
cũng ghi chép việc Nguyễn Hữu Chỉnh nuôi gia kĩ trong tư dinh, và số lượng các ca
nhi lên đến 10 người. Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Khản thích việc nghe hát
xướng, trong tự trạch không lúc nào bặt tiếng tơ tiếng trúc, còn sáng tác ca khúc
cho gia kĩ diễn xướng, được coi là hạng bậc nhất hào hoa phong lưu giữa kinh
thành Thăng Long. Nguyễn Du từng có thời gian sống trong tư dinh Nguyễn Khản,
từng chứng kiến và tham dự những cuộc diễn xướng phong lưu ấy, ông cùng những
văn nhân khác trong thời kì này có cơ hội được tiếp xúc với những nữ nghệ sĩ xinh
đẹp tài hoa mà bất hạnh, từ đó nảy sinh tấm lòng đồng bệnh tương liên đến bản
thân cùng số phận những bậc tao nhân mặc khách khác trong xã hội. Họ là những
kẻ mang tài năng nghệ thuật dâng hiến cho cuộc sống lời ca, tiếng hát, vần thơ
tuyệt vời, trong mắt Nguyễn Du họ là những hạng người đáng kể nhất trong thiên
hạ, tuy nhiên không thể thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã. Đó cũng là mạch cảm
hứng trải dài từ thế kỉ XVIII sang nửa đầu thế kỉ XIX, cảm hứng về những người
nghệ sĩ. Từ lí do đã nêu trên ta có thể thấy được rằng nhân vật người tài nữ trong
tác phẩm Nguyễn Du luôn có một mối liên hệ mật thiết với thân phận kỹ nữ và cảm
hứng về người nghệ sĩ.
1.3
Sự nghiệp sáng tác
1.3.1 Quan niệm sáng tác
Nguyễn Du luôn ngưỡng mộ nhà thơ Đỗ Phủ, và cũng chịu ảnh hưởng sâu
sắc từ Thiếu Lăng. Trong luận án Tiến sĩ Ngữ văn “Nguyễn Du và Đỗ Phủ, những
tương đồng và khác biệt về tư tưởng nghệ thuật”, Hoàng Trọng Quyền liệt kê ra
15
trong số 993 bài thơ của Đỗ Phủ, ông đã phát biểu về quan niệm sáng tác 15 lần,
con số này ở Nguyễn Du là 6 lần. Có thể dễ dàng thấy được cả hai đều không hay
phát biểu “trực ngôn” về quan niệm sáng tác của mình khi so sánh với Bạch Cư Dị,
Lí Bạch, Cao Bá Quát…
Trước năm 34 tuổi, Đỗ Phủ có sáng tác một số tác phẩm mang sắc thái lãng
mạn, tuy nhiên càng tiếp xúc với hiện thực, ông nhận ra bản thân không muốn đi
theo con đường lãng mạn, thay vào đó dưới tư tưởng Nho giáo, ông viết những tác
phẩm có cái nhìn hiện thực phản ánh xã hội và thời đại. Nguyễn Đức Niệm cho
rằng “Cái quý nhất là Đỗ Phủ đã dùng ngòi bút hiện thực vạch ra một xã hội đang
giãy dụa trong động loạn”. Đỗ Phủ đã miêu tả hiện thực bằng tất cả những biểu
hiện cơ bản, tiêu biểu nhất của nó. Nguyễn Du cũng như vậy, văn chương của ông
là những điều trông thấy, “sở kiến hành”, là “nhãn kiến “ ( Sở bình hành), “ngã sạ
kiến chi”(ta chợt thấy vậy – “Thái Bình mại ca giả”), “những điều trông thấy mà
đau đớn lòng”, và những điều sở kiến ấy khiến cho nhà thơ luôn mang tâm sự nặng
nề, tóc bạc hết ngay khi còn trẻ. Có thể hiểu rằng Nguyễn Du không chỉ lên án
những cái xấu xa bệ rạc trong xã hội mà còn đau xót khôn cùng trước những cảnh
tối tăm thối nát đó.
Qua sáng tác của mình, Nguyễn Du thể hiện những suy tư, u hoài về những
cảnh thử ly, mạch tú, thân phận con người và sự vô thường của cuộc đời. Có lúc
ông muốn thoát ly hưởng lạc như trong “Hành lạc từ”, có lúc ông cảm thán trước
cảnh “sóng lớp phế hưng” như trong Long Thành cầm giả ca, Ngộ gia đệ cựu ca cơ,
có lúc lại lên án hiện thực một cách gay gắt như trong “Sở kiến hành”, “Thái bình
mại ca giả”. Và đồng thời cùng với sự quan sát hiện thực ấy ông còn thể hiện tấm
lòng nhân đạo của bản thân: đau xót trước vận mệnh nghiệt ngã tạo hóa gây cho
con người. Ông quan niệm “Kiến thi như kiến nhân”, thấy thơ như thấy người, tức
thơ văn cũng chính là một thân thể của thi sĩ, chứ không đơn thuần chỉ là quan
16
niệm “văn dĩ tải đạo” truyền đạt đạo lý trong nền giáo dục phong kiến. Đúng như
vậy, đối với tác phẩm lớn nhất sự nghiệp của mình, Nguyễn Du đặt tên cho tác
phẩm bằng tiếng kêu đau thương khôn xiết – “Đoạn trường tân thanh”.
Đối với Nguyễn Du, việc sáng tác không chỉ là chuyện truyền đạt bằng câu
chữ, mà phải dùng cái nhìn hiện thực để sáng tác, và quan trọng nhất, chính là việc
sáng tác bằng cả huyết lệ của bản thân.
1.3.2 Một số tác phẩm nổi bật
Những đóng góp của Nguyễn Du cho nền văn học dân tộc thật sự là không
đếm xuể, tuy nhiên có thể tạm chia các tác phẩm của ông thành hai bộ phận lớn
gồm tác phẩm chữ Hán và tác phẩm chữ Nôm. Các tác phẩm chữ Hán gồm ba tập
thơ là “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”.
Những tác phẩm viết bằng chữ Nôm có “Văn chiêu hồn” (Văn tế thập loại chúng
sinh), “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”, “Thác
lời gái phường vải” và “Truyện Kiều”.
2. Khái niệm người tài nữ
Theo như từ điển tiếng Hán (“Hán điển”), tài nữ (才才) được định nghĩa là “nữ
tử có tài hoa”. “Tài hoa” trong “Hán điển” được định nghĩa là “tài năng (thường là
tài năng nghệ thuật) được biểu hiện ra ngoài”. Trong “Từ điển Tiếng Việt phổ
thông” do viện Ngôn ngữ học xuất bản, người ta định nghĩa “tài hoa” là “tỏ ra có
tài về nghệ thuật, văn chương.” Tuy rằng những nữ tử có tài năng trong các lĩnh
vực nghệ thuật như cầm, kì, thi, họa...chiếm phần lớn trong số người được công
nhận là tài nữ, nhưng theo nghĩa rộng hơn trong từ điển tiếng Hán, “tài nữ” “không
nhất thiết phải có tài năng nghệ thuật, những nữ tử có sự vượt trội trong các lĩnh
vực khác như chính trị đều có thể được công nhận là tài nữ”.
17
Có thể kể đến một số tài nữ nổi danh trong lịch sử như “Tứ đại tài nữ” Trung
Hoa: Lý Thanh Chiếu, Thượng Quan Uyển Nhi, Vương Chiêu Quân, Ban Chiêu;
ngoài ra còn có Trác Văn Quân, Tạ Đạo Uẩn, Tiết Đào,…, như Hoàng Chân Y của
Triều Tiên, như Fukuda Chiyo-ni của Nhật Bản. Nhắc đến tài nữ Việt Nam, không
thể không nhắc đến những nhân vật như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm...
Trong số các tài nữ kể trên, nhiều người trong số đó (đa số là các tài nữ
Trung Hoa) được đưa vào nghệ thuật văn chương như là điển tích nghệ thuật. Kim
Trọng khi khen tài làm thơ của Kiều nói:
“Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế vầy.”
Khi Kiều biểu diễn khúc “Bạc mệnh”, Nguyễn Du viết:
“Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.”
Nàng Chiêu Quân với nhan sắc lạc nhạn cũng đã từng xuất hiện trong rất nhiều thi
từ Trung Hoa, như Lưu Trường Khanh viết “Vương Chiêu Quân ca”:
“Tỳ bà huyền trung khổ điệu đa,
Tiêu tiêu Khương địch thanh tương hoà.
Thuỳ liên nhất khúc truyền nhạc phủ,
Năng sử thiên thu thương ỷ la.”
(Gảy tì bà những khúc sầu đau
Vi vu tiếng sáo Khương hoà theo
Thương ai một khúc truyền nhạc phủ
Để ngàn thu đời còn thương tiếc lụa hoa đẹp.)
18
Lấy một ví dụ khác, trong hai mươi bài từ của Án Kỷ Đạo, tự Thúc Nguyên, đời
Bắc Tống, có hai lần hình ảnh người tài nữ xuất hiện: Trác Văn Quân trong “Bồ tát
man”, vị gia kỹ không tên trong “Lâm giang tiên kỳ 1”. Họ đều là những người phụ
nữ có nhan sắc và tài năng nghệ thuật không tầm thường. Trác Văn Quân tương
truyền là tài nữ tài sắc vẹn toàn, nổi danh với khúc “Bạch đầu ngâm”, còn vị “tiểu
tần sơ kiến” trong “Lâm giang tiên” không những có tài chơi đàn tì bà mà nhan sắc
còn được Thúc Nguyên ví ngang với Thần nữ Vu Sơn.
Lấy những ví dụ từ Tống từ, Đường thi, cho đến “Truyện Kiều”, cốt để rút ra
một nhận định về hình tượng người tài nữ trong nghệ thuật văn chương: tuy rằng
không có định nghĩa tài nữ là những người phụ nữ có nhan sắc xinh đẹp và tài năng
nghệ thuật, nhưng trong văn chương, những nữ tử có tài năng vượt trội trong lĩnh
vực nghệ thuật và nhan sắc hơn người luôn tiêu biểu cho hình tượng người tài nữ.
Nói cách khác, những Vương Chiêu Quân, Trác Văn Quân, những người phụ nữ
xinh đẹp và tài hoa chính là điển mẫu của khái niệm “tài nữ”.
3. Một số nhân vật người tài nữ trong thi từ cổ điển Trung Hoa và văn
học trung đại Việt Nam
Một trong những tác phẩm viết về chủ đề người tài nữ nổi tiếng nhất của Đỗ
Phủ là “Quan Công Tôn đại nương đệ tử vũ “Kiếm khí” hành”. Cảm hứng của bài
thơ là nỗi lòng đau đáu trước cảnh tang thương trong nhân thế, và cảm thán vận
mệnh vô thường của con người. Chân dung nhân vật tài nữ họ Công Tôn có tài múa
kiếm không được miêu tả cụ thể chi tiết, mà hiện lên qua vũ khúc “Kiếm khí tây
hà” được Đỗ Phủ miêu tả bằng các phép ẩn dụ:
“Quắc như Nghệ xạ cửu nhật lạc,
Kiểu như quần đế tham long tường.
19
Lai như lôi đình thu chấn nộ,
Bãi như giang hải ngưng thanh quang.”
(Sáng như Nghệ bắn văng vầng nhật
Uyển chuyển như tiên đáp lưng rồng
Tới như sấm sét bão bùng
Ngưng như biển lặng sông trong hiền hòa)
(Nguyễn Minh dịch)
Bạch Cư Dị cũng sử dụng nghệ thuật ẩn dụ tái hiện lại một màn biểu diễn
của một người tài nữ khác trong tác phẩm “Tì bà hành” với lối viết tao nhã:
“Đại huyền tào tào như cấp vũ
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ
Tào tào thiết thiết thác tạp đàn
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn”
(Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.)
(Trần Trọng Kim dịch)
Tuy có điểm tương đồng về cảm hứng lẫn nghệ thuật, nhưng nghệ thuật miêu tả của
Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị có những điểm rất khác nhau tạo nên những nét khu biệt ở
hình ảnh người tài nữ trong hai tác phẩm.
Điều dễ dàng thấy được đầu tiên đó là Bạch Cư Dị đã có một sự quan sát
nhạy cảm và tinh tế trong việc khắc họa những nét đặc trưng nữ tính của người tài
nữ, sự thẹn thùng nhưng cũng vô cùng thanh lịch, tao nhã:
20
“Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện”
(Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.)
“Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung”
(Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời.)
Bên cạnh đó, Bạch Cư Dị còn thể hiện tâm trạng thương cảm, đồng bệnh tương liên
với nhân vật tài nữ này:
“Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức”
(Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.)
Và trên cả, Bạch Cư Dị đã đối đãi với người tài nữ này bằng một tấm lòng chân
thành tin tưởng như thể một người bạn tri kỉ:
“Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức”
(Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời.)
“Toạ trung khấp hạ thuỳ tối đa
Giang Châu tư mã thanh sam thấp.”
(Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.)
21
Một bước tiến đáng ghi nhận của Bạch Cư Dị so với Đỗ Phủ chính là nhà thơ
không chỉ tập trung vào khắc họa chân dung và tài hoa tuyệt vời của nhân vật người
tài nữ, mà ông còn đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của họ để từ đó tạo ra một hình
ảnh người tài nữ hoàn chỉnh, có những câu chuyện hoàn chỉnh và từ những câu
chuyện đó liên hệ với những hiện tượng bên ngoài xã hội.
Trong số các bài thơ với chủ đề người tài nữ trong bối cảnh hiện thực của
Bạch Cư Dị, một số lượng lớn viết về các gia kỹ trong trạch viện nhà thơ. (Cần
phải lưu ý rằng trong thời Trung Đường, việc trong nội viện nuôi gia kỹ và các mối
quan hệ với gia kỹ được xem như hết sức bình thường, thiết nghĩ không nên quá
chú trọng vào mối quan hệ giữa nhà thơ và các gia kỹ để tránh đi sự suy diễn thiếu
trong sáng, hơn nữa đối với “Tì bà hành” các công trình nghiên cứu cũng chỉ chú
trọng vào quan hệ đồng bạn đồng thuyền giữa hai tâm hồn nghệ sĩ chứ không đặt ra
câu hỏi nào mang tính cá nhân hơn). Cuộc đời của Bạch Cư Dị đồng thời cũng gắn
kết với rất nhiều vị ca kĩ nổi tiếng, sự thịnh vượng của các loại hình ca nhi kĩ nữ
trong thời kì này cũng được thể hiện rõ ràng qua một số tác phẩm của Bạch Cư Dị.
Những bài thơ này có khoảng 100 bài, thể hiện một đời sống cởi mở của Bạch Cư
Dị trong mối quan hệ với những người phụ nữ xinh đẹp tài hoa, đa số các bài có
nhịp điệu vui tươi hứng khởi, nhưng một số cũng thể hiện những tỏ lường trong
tâm hồn nhạy cảm của tác giả. Có thể thấy được sự phát triển phồn vinh của loại
hình hát xướng ca nhi kĩ nữ trong thời đại của Bạch Cư Dị và Nguyễn Du có một
sự tương đồng, và cảm hứng sáng tác của cả hai nhà thơ trong chủ đề người tài nữ
đều gặp nhau ở một số điểm nhất định. Đó cũng là lí do nhiều công trình nghiên
cứu đã đặt Bạch Cư Dị và Nguyễn Du trên bàn cân so sánh, đặc biệt là những đoạn
miêu tả tiếng đàn Thúy Kiều trong “Đoạn trường tân thanh”, hoặc “Long Thành
cầm giả ca” trong sự so sánh với “Tì bà hành”.
22
Trong văn học trung đại Việt Nam, nhân vật người tài nữ cũng được nhiều
lần đề cập. “Truyện đào nương” trong sách “Công dư tiệp kí” của Vũ Phương Đề
chép về nghề xướng ca của các phụ nữ xinh đẹp làng Đào Đặng huyện Tiên Lữ.
Nhà thơ Ninh Tốn sinh cùng thời với Nguyễn Du có những bài thơ đề tặng người
tài nữ:
“Kiến thuyết giai chương xuất quý nhân;
Lữ hoài bất giác bội ân cần.
Giang sơn chính đố vô ngâm bạn;
Hàn mặc ninh kỳ hữu mỹ nhân.
Hoan ái phong quang ưng hữu phận;
Cổ kim trường vịnh khải vô nhân?
Hi triều trùng chế Thiên Nam Tập;
Huề thủ Tao đàn tác Đỗ, Thân!”
(Quý nhân văn tốt vốn nghe thường;
Đất khách càng thêm dạ vấn vương.
Chẳng có bạn thơ, sông núi ghét;
Được nên duyên đẹp, bút nghiên mừng.
Yêu dấu cảnh tình đà có phận;
Cổ kim thơ rượu há không dưng?
Thịnh triều ví soạn Thiên Nam Tập;
Tao đàn Thân, Đỗ dắt nàng cùng!)
(Kí tài nữ,
Châu Hải Đường dịch)
“Kiều chiêm phương phạm hứa đa niên,
Tạo hoá kim triêu đắc thị tiền.
23
Tự hạnh vu sơ thiên hữu phận,
Cảm tàng bỉ chuyết tiễu vô ngôn.
Nhược tri Bạch tuyết thâu hồng phấn,
Bất bả thương nhiêm đối tố tiên.
Tiện tác thặng hân đa kiểu hãnh,
Mật bồi tiên bộ đáo thi hiên.”
(Khuôn thơm xa ngắm mấy năm qua;
Nay được chầu bên vẻ Tố Nga.
Mang tính xuề xoà riêng sẵn có;
Giấu lời quê vụng dám thờ ơ?
Ví hay Bạch tuyết thua hồng phấn,
Đâu lấy xanh râu đối trắng tờ.
Ước bỏ vui thừa cho thoả với,
Gót tiên nguyền bám sát hiên thơ.)
(Tặng tài nữ,
Khương Hữu Dụng dịch)
Ninh Tốn khắc họa người tài nữ có tài sáng tác văn chương và thể hiện sự tôn trọng
tài hoa người tài nữ, thế nhưng hình ảnh người tài nữ chưa được miêu tả một cách
cụ thể và đặc sắc. So với Ninh Tốn, Phạm Đình Hổ có phần sâu sắc hơn khi miêu tả
người ca nữ nhỏ tuổi qua vũ khúc của nàng, và đồng thời thể hiện tâm trạng băn
khoăn trước số phận bèo bọt của người ca nữ trong “Tiểu ca cơ”:
“Doanh doanh thập nhị thuỳ gia nữ,
Độc hướng phong tiền vũ sở yêu.
Vân lược song nga sơ xước ước,
Hương tuỳ tiêm bộ ám yêu kiều.
24
Bình sinh vị giải chu nhan ngộ,
Trang bãi do căng thuý tụ kiều.
Thế lộ du du thanh nhãn thiểu,
Phất huyền thuỳ vị thoát ngân điêu.”
(Gái xinh ai đó mười hai tuổi
Trước gió lưng ong múa một mình
Mây đượm màu non xanh mượt mượt
Hương theo gót ngọc dáng xinh xinh
Vốn không hiểu được lòng tao khách
Còn mãi lo vì nét điểm trang
Dằng dặc nẻo đời tri kỷ ít
Áo điêu ai cởi chuộc thân nàng)
Dương Khuê cũng viết nhiều bài hát nói đề cập đến các cô ả đào xinh đẹp có tài
múa hát, có thể kể đến bài tặng cô đào Phẩm:
“Dạ thâm hốt ức thiếu niên sự;
Giận hồng quân ghen ghét về hồng quân
Trải nắng mưa gầy biết mấy phần xuân
Mà son phấn cũng phong trần thế nhỉ
…Ướm hỏi khách biết chăng chẳng biết:
Thương cho tình mà lại tiếc cho tài?”
Có thể nói trong thời đại thế kỉ XVIII – XIX, khi loại hình hát ả đào phát triển một
cách thịnh vượng, sự xuất hiện của người tài nữ trên trang viết mới được chú ý. Tuy
nhiên phải đến khi Nguyễn Du đưa người tài nữ vào trong tác phẩm, người tài nữ
mới đi vào thế giới văn chương một cách trọn vẹn, bởi Nguyễn Du đã thực sự tìm
hiểu đời sống nội tâm của họ và có những rung cảm chân thành mãnh liệt, từ thân
phận người tài nữ liên hệ tới thân phận của bản thân và những bậc tao nhân mặc