Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Thành ngữ hán việt, điển tích trong ca dao tây nam bộ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.25 KB, 12 trang )

Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam

Trần Minh Thương
1. Thành ngữ Hán Việt qua ca dao Tây Nam Bô

1.1. Các khái niệm về thành ngữ
Có rất nhiều khái niệm được các nhà ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu văn học đưa ra.
Ở đây chúng tôi chỉ nêu lại một số quan điểm:

Sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1 trong mục Ghi nhớ viết:
Thành ngữ là cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó
nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh, … [144; 9]
Lương Văn Đang - Nguyễn Lực xác định ba đặc tính cơ bản của thành ngữ tiếng
Việt:

a. Về mặt kết cấu hình thái, thành ngữ tiếng Việt phổ biến thuộc loại cụm từ cố
định, cũng có thể có thành ngữ tính cố định cao, kết cấu vững chắc, đạt mức một
ngữ cú cố định.

b. Ngoài kết cấu hình thái, còn cần phải xem về mặt biểu hiện nghĩa của thành ngữ.
Mặt này rất phức tạp. (…) Có người xem nghĩa của thành ngữ có tính chất biểu
trưng.

c. Xem xét quá trình vận động và sử dụng của thành ngữ tiếng Việt cũng là một
vấn đề phức tạp (…) [7 – 11; 2]


Đỗ Hữu Châu trong giáo trình Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Sách Đại học Sư
phạm, đưa ra khái niệm thành ngữ (trong phần ngữ cố định) như sau: Do sự cố
định hoá, do tính chất chặt chẽ mà các ngữ cố định ít hay nhiều đều có tính thành


ngữ. Tính thành ngữ được định nghĩa như sau: cho một tổ hợp có ý nghĩa S do các
đơn vị A, B, C … mang ý nghĩa lần lượt s1, s2, s3,… tạo nên; nếu như ý nghĩa s1, s2,
s3 thì tổ hợp A, B, C có tính thành ngữ. Thí dụ: hết nước hết cái là tổ hợp thành ngữ
vì ý nghĩa quá dài, quá mức chịu đựng, bực dọc, sốt ruột của nó không thể giải
thích được bằng các ý nghĩa của hết, nước, cái, …[61-62; 1]
Lê Văn Đức đưa ra cả hai khái niệm:

Thành ngữ: Lời nói ngắn gọn, có sẵn, được nhiều người dùng đã lâu, để diễn một ý
hay một trạng thái cho có màu mè. Dốt đặc cán mai, Nói toạc móng heo đều là
thành ngữ.

Thành ngữ điển tích: Lời nói ngắn gọn có sẵn được nhiều người dùng do một việc
xảy ra lâu, được nổi tiếng: Ông già Ba Tri; Hoả hồng Nhựt Tảo, đều là thành ngữ
điển tích [1512; 3]

Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đưa ra khái niệm, Thành ngữ: cụm
từ cố định, bền vững, có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một
ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức
sinh động, hàm súc. Ví dụ: Vui như mở cờ trong bụng; Đen như cột nhà cháy; … Ý
nghĩa của thành ngữ không phải là tổng số nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức
là không có nghĩa đen. Thành ngữ hoạt động như một từ trong câu.

Dù ngắn hay dài, xét về nội dung ý nghĩa cũng như về chức năng ngữ pháp, thành
ngữ cũng chỉ tương đương như từ, nhưng là từ đã được tô điểm và nhấn mạnh
nghĩa bằng sự diễn đạt sinh động, có nghệ thuật.


Chẳng hạn, thành ngữ Cò bay thẳng cánh tương đương với từ “rộng” được nhấn
mạnh (có nghĩa là “rất rộng”), … [297 – 298; 4]


Chúng tôi nhận thấy các khái niệm tuy nội hàm và ngoại diên có khi khác nhau,
nhưng nhìn chung là đồng thuận. Tuỳ theo cấp độ nghiên cứu và yêu cầu của việc
tiếp nhận đặt ra, chúng ta có thể chọn một khái niệm vừa nêu rồi đối sánh với phần
còn lại để vấn đề tìm hiểu trọn vẹn hơn. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng
tôi chỉ tập trung khảo sát thành ngữ Hán Việt. Vậy, một khái niệm nữa được đặt ra:
Thế nào là từ Hán Việt?

Theo cách nhận diện đơn giản mà đảm bảo độ tin cậy, Phan Ngọc cho rằng: một
âm tiết Hán Việt là một âm tiết người Việt thấy có nghĩa nhưng không thể hoạt
động thành từ đơn tiết mà chỉ đóng vai trò một bộ phận để tạo nên những từ đa
nghĩa. Và ngược lại, bất kỳ âm tiết nào có thể hoạt động thành từ đơn tiết đều được
xem là từ thuần Việt. Phan Ngọc, công thức hoá thành: từ đơn tiết (hình thức) =
thuần Việt (nội dung). Trên cơ sở này, Lã Nhâm Thìn xác lập từ đa tiết (hình thức)
= Hán Việt (nội dung). Có thể xem đây như, theo cách nói của Phan Ngọc, là các
“mẹo cần thiết để công thức hoá các thao tác”, các hình thức hoá gọn để giảm bớt
thời gian lao động cho người nghiên cứu, khảo sát các hiện tượng ngôn ngữ cụ thể,
nhất là các hiện tượng ngôn ngữ văn học”

Chúng tôi quan niệm rằng: Thành ngữ Hán Việt là thành ngữ chứa toàn những từ
Hán Việt

1.2. Thành ngữ Hán Việt qua ca dao Tây Nam Bô

Màn rồng một bức giăng ngang


Tôi với mình trời định tam cang ngũ thường
Mình về thưa lại thung đường
Qua đây gá nghĩa cang thường với em


Ở câu ca trên xuất hiện thành ngữ “tam cương ngũ thường”. Trước hết, cả bốn
thành tố này đều là từ gốc Hán. Tam cương, là thuật ngữ của học thuyết Nho giáo
nhắc đến ba giềng mối trong xã hội: Quân (vua) – Sư (thầy) – Phụ (cha), còn “ngũ
thường” là năm “tiêu chuẩn” dành cho người quân tử: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí –
Tín.

Tác giả dân gian dùng thành ngữ “tam cương ngũ thường” đặt vào lời nói cốt để
cho thêm văn vẻ, tăng thêm sắc thái trang nhã để thuyết phục “đối tượng”, chứ
không hoàn toàn vì nghĩa thực của thành ngữ này!
Một trường hợp khác:

Mục bất kiến, nhĩ tằng văn
Thấy em có nghĩa mấy trăng anh cũng chờ
Thành ngữ mục bất kiến, nhĩ tằng văn, mắt chẳng thấy, chỉ nghe tiếng, lại hoàn
toàn hợp cnahr, hợp ý, hớp tình với câu ca ẩn chứa thành ngứ ấy
Một câu khác cũng được tác giả dân gian lồng vào thật hợp lý:
Vật phi nghĩa bất thủ, nhơn phi nghĩa bất giao
Anh nguyền cắt đứt chịu đau
Ngăn phường lòng dạ mận đào lố lăng

Thành ngữ Hán Việt trong câu ca này đã được minh chứng rõ ràng ở câu thơ phía


dưới: nhân phia nghĩa ứng với phường lòng mận dạ đào! Ngẫm mà xem!

Một bài học dành cho những kẻ mê trăng hoa, say ong bướm, vốn rất phổ biến
trong xã hội chuyện năm thê bảy thiếp được cho là bình thường:

Vợ lớn đánh vợ nho
Chạy ra cửa ngõ cắn co kêu trời

Nhứt phu lưỡng phụ ở đời đặng đâu
Một chồng hai vợ thì chắc chắn sẽ xảy ra thảm trạng!
Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ thì xuống chuồng heo mà nằm

Cũng có khi, cả hai, ba thành ngữ Hán Việt cùng xuất hiện:

Nhứt ngôn trúng, vạn ngôn dụng
Nhứt ngôn bất trúng, vạn sự bất thành
Anh đừng có năng thuyết bất năng hành tội em

Tần số thành ngữ Hán Việt có mặt rất cao, nhưng vấn đề nó không làm cho câu văn
nặng nề, vẫn dễ nghe, dễ hiểu, nhất là đối với người bình dân!

2. Điển tích và thành ngữ điển tích qua ca dao Tây Nam Bô


2.1. Khái niệm
Chúng tôi nhận thấy cần phần biệt thành ngữ với điển cố (có người gọi là điển
tích). Thế nào là điển tích, chúng tôi đã trình bày khái niệm này trong “Điển tích
qua các tác phẩm ngâm khúc hình thức song thất lục bát trong văn học Việt Nam
trung đại” [68; 11], chúng tôi xin trích dẫn lại một phần:

Chúng tôi quan niệm rằng: Điển tích (hay điển cố) là một biện pháp tu từ, ở đó nhà
văn sử dụng “câu chuyện đó” sao cho phù hợp với văn mạch mình nhằm tạo tính
hàm súc cho lời văn, ý thơ. (Chúng tôi nhấn mạnh điển tích phải có tình tiết của
một câu chuyện: chuyện trong sử sách, chuyện hoang đường truyền tụng, …)
Còn thành ngữ điển tích, tức là những cụm từ cố định nhưng lại ẩn chứa trong nó
một câu chuyện, một tích xưa!
Đây là một điển tích:


Mặt trời vằ lặn, mặt trăng vừa chói
Mình nghiêng tai tôi hoi nho đôi lời
Còn chuyện tào khang bất đắc, nhơn nghĩa ở đời em tính sao?

Tao khang hay Tào khang nghĩa đen là bã rượu và cám, đó là hai thức ăn dùng để
nuôi heo, nhưng đối với người quá nghèo khổ thì họ dùng hai thức nầy ăn để sống.
Do đó hai chữ Tào khang là để chỉ lúc nghèo khổ.

Chuyện kể rằng:

Tống Hoằng là họ tên của một vị quan đại phu dưới triều vua Quang Vũ nhà Hậu
Hán. Tống Hoằng có tánh tình trung nghĩa, chánh trực và chung thủy. Vua Quang
Vũ có người chị là Hồ Dương Công chúa, sớm góa chồng. Công chúa rất ái mộ


Tống Hoằng và thường nói rằng: Nếu ai được như Tống Hoằng thì Công chúa mới
chịu ưng làm chồng. Vua Quang Vũ biết thế nên cho gọi riêng Tống Hoằng để thử
ướm lời, hỏi rằng:
- Ngạn vân: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư? (Ngạn ngữ nói rằng: Sang đổi
bạn, giàu đổi vợ, có chăng?)

Tống Hoằng liền tâu rằng:

Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ
đường. (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để
ở nhà sau).

Hán Quang Vũ và Công chúa Hồ Dương nghe Tống Hoằng nói như vậy thì biết
Tống Hoằng là người trung nghĩa và rất chung thủy, nên rất kính phục và bỏ ý định

riêng của mình.

Tống Hoằng có người vợ ở nhà bị bệnh phải chịu mù lòa. Hằng ngày, ngoài giờ
làm việc quan, Tống Hoằng săn sóc vợ và tới bữa cơm thì tự tay đút cơm cho vợ
ăn. Dù vợ bị mù lòa nhưng Tống Hoằng một lòng thương yêu chung thủy, không vì
thế mà muốn cưới vợ khác. Thật trên đời ít có người như thế, nên để gương tốt
ngàn đời về sau.
Đây là một điển tích khác:

Tại cha mẹ dứt đường tơ nguyệt
Khuyên em đừng trực tiết uổng công

Tích tơ nguyệt, có nguồn gốc từ một câu chuyện truyền lại: Đời nhà Đường, có


một người Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng.
Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng
những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao
gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở
trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố.
Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau,
quả nhiên Vi Cố lấy ngay người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch
nôm na là "trăng già". Hai chữ Ông Tơ và Bà Nguyệt cũng bởi tích ấy mà ra.

Xin dẫn thêm một số điển tích khác trong ca dao Tây Nam Bộ:

Trời mưa lác đác
Hột cát nằm nghiêng
Chàng Phụng Tiên gá nghĩa Điêu Thuyền
Kiếp này không đặng thời nguyền kiếp sau


Rồng chầu biển Bắc phụng múa Hà Tiên
Thương sao gặp mặt thương liền
Tỷ như Lã Bố Điêu Thuyền ngày xưa

Lữ Bố (Lữ Phụng Tiên) và Điêu Thuyền là hai nhân vật trong Tam Quốc diễn
nghĩa.
Chuyện Quan Vũ (Vân Trường bắt và tha Tào Tháo, tại Huê Dung Đạo cũng đi vào
lời thơ dân gian:
Bướm bắt bông như Quan Công ngộ Tào tặc


Anh gặp em một lần vắng mặt xót xa

Hay chuyện Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê thời nhà Đường cũng xuất hiện:

Ai khôn bằng Tiết Đinh San
Cũng còn mắc kế nàng Phàn Lê Huê

Còn đây là thành ngữ ẩn chứa điển tích, gọi quen là thành ngữ điển tích:

Bá Nha vắng mặt Tử Ky
Ốm đờn luống chịu sầu bi một mình

Bá Nha và Tử Kỳ là đôi bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha làm quan,
Tử Kỳ là tiều phu.
Một hôm, Bá Nha đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu, để thưởng
ngoạn và dạo mấy bản đàn réo rắt. Bỗng dây đàn đứt Bá Nha tự nghĩ ắt có người
nghe lén, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ
mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:

- Xin đại nhân chớ lấy làm lạ, tiểu dân là tiều phu kiếm củi về muộn, trộm nghe
được khúc đàn tuyệt diệu của Ngài.
- Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì
không?
- Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc Nhan Hồi

Bá Nha nghe xong, đúng quá, mừng rỡ sai quân hầu bắc cầu lên bờ mời người


quân tử xuống thuyền đàm đạo. Bá Nha lại sanh lòng cảm mến Tử Kỳ về sự
hiếu để với phụ mẫu, nên xin kết nghĩa anh em với Tử Kỳ, để không phụ cái
nghĩa tri âm mà suốt đời Bá Nha chưa từng gặp. Đến hồi từ biệt, Bá Nha xúc động,
hẹn ước Tử Kỳ, đúng ngày Trung Thu năm sau, hai anh em sẽ hội ngộ nhau tại
ghềnh đá nầy.
Năm sau, đúng ngày ước hẹn với Tử Kỳ, Bá Nha thu xếp hành trang đến núi Mã
Yên. Chờ mãi, Bá Nha chỉ gặp một lão trượng tay chống gậy, tay xách giỏ, từ từ đi
lại. Bá Nha thi lễ, hỏi:
- Xin lão trượng chỉ giùm đường vào nhà của Chung Tử Kỳ.

Vừa nghe 3 tiếng Chung Tử Kỳ, lão trượng nhòa lệ, nói:
- Chung Tử Kỳ là con của lão. Ngày Trung thu năm ngoái, nó đi đốn củi về muộn,
gặp quan Ðại Phu là Du Bá Nha kết bạn tri âm. Khi chia tay, Bá Nha tặng hai đỉnh
vàng, nó dùng tiền nầy mua sách học thêm, ngày đi đốn củi, tối về học sách, mãi
như vậy, sức khỏe hao mòn, sanh bệnh rồi mất.
Bá Nha nghe vậy thì khóc nức nở, thương cảm vô cùng. Lão trượng ngạc nhiên hỏi
quân hầu thì biết thượng quan đây chính là bạn tri âm của con trai mình.

Bá Nha được Chung lão đưa đến viếng mộ Kỳ. Sau ba tuần hương, đánh xong bản
đàn xưa xót thương người dưới mộ. Bá Nha đập bỏ đàn, và nguyện không bao giờ
đàn cho ai nghe nữa, bởi bạn tri âm đã mất rồi còn đâu.

Tích xưa là vậy!
Có khi đó là tích lấy Truyện Kiều, một kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam:
Lòng dặn lòng ai dụ dỗ đừng xiêu
Giá như Kim Trọng với Thuý Kiều thuở xưa

3. Vài kết luận


Thứ nhất, về nguyên nhân vì đâu ca dao Tây Nam Bộ lại ẩn chứa khá nhiều thành
ngữ điển tích? Theo chúng tôi, đây là những câu ca mà phần lớn chắc đã ra đời từ
những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước, khi mà những người bình dân ở miền
đất trẻ này được tiếp xúc được ít nhiều với văn hoá, văn học Trung Hoa cổ điển,
đặc biệt khi báo chữ bằng chữ quốc ngữ xuất hiện, nhiều tác phẩm tiểu thuyết cổ
điển của Trung Quốc được dịch và truyền bá rộng rãi đến người bình dân. Phong
trào đọc “truyện Tàu” là một nét sinh hoạt văn hoá phổ biến ở nông thôn Cửu Long
trước đây! Từ những câu chuyện đó, điển tích, thành ngữ xuất hiện và rồi nó quay
trở lại đi vào ca dao, dân ca.

Cần nói thêm, nếu như những câu ca Bắc Trung Bộ xuất hiện những yếu tố chứa
điển tích, hay thành ngữ Hán Việt còn có thể là do những nhà Nho ẩn dật tạo ra.
Tác giả của ca dao dân ca vùng miền này bên cạnh những người bình dân chân lắm
tay bùn, còn có sự tham gia của những người theo cửa Khổng, sân Trình nhưng từ
chối chốn quan trường mà sống cùng dân, ở cùng dân tạo nên. Điều này, đã được
các học giả khẳng định (Xem Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Văn học Dân gian những
công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, H. 2000).

Ở miền Tây Nam Bộ này, Nho học có nhưng tầm ảnh hưởng của nó là không đáng
kể. Những Nho sĩ nổi tiếng đã được chính tác giả dân gian đúc kết:

Vĩnh Long có cặp rồng vàng

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần, ...

Nếu phải kể thêm thầy Đồ Chiều, thì số Thầy đồ mang kiến thức từ sách vở Bắc
phương truyền lan rộng rãi cho mọi người cũng không đáng là bao.


Thứ hai, về mặt chức năng: từ sự xuất hiện của các yếu tố đã nêu làm cho lời văn
thêm trang nhã, trao chuốt, nhiều ngữ cảnh được vận dụng hợp lý giàu sức thuyết
phục đối với đối tượng tiếp nhận. Đồng thời qua đó ta thấy được tâm hồn của
người bình dân hết sức phong phú đa dạng, họ sẵn sàng tiếp nhận những yếu tố vay
mượn để sáng tạo ra những nét mới mẻ cho một loại hình sinh hoạt quen thuộc trên
cách đồng thửa ruộng như ca dao, dân ca.

Thứ ba, về mặt từ ngữ, nó đã tạo nên hiện tượng trùng điệp tạo nên nét đặc sắc độc
đáo: trong ca dao có chen thành ngữ, điển tích, nhiều khi thành ngữ ấy lại còn là
một điển tích. Phân tích rạch ròi là điều không giản, hơn nữa người tạo ra văn bản
cũng đâu muốn có sự tách bạch rạch ròi như vậy! ./.

Trần Minh Thương



×