HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
KHOA CHÍNH TRỊ HỌC
KINH NGHIỆM PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG THỜI PHONG KIẾN
VÀ VẬN DỤNG TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
Tiểu luận môn học
CHÍNH TRỊ HỌC
Hà Nội, tháng 9/2015
MỤC LỤC
MỤC LỤC ............................................................................................................... 1
MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 2
1. THAM NHŨNG TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN ...... 3
1.1 Tham nhũng, các đặc điểm và nguyên nhân của tham nhũng ............................ 3
1.1.1 Khái niệm “tham nhũng” ................................................................................. 3
1.1.2 Đặc điểm của hành vi tham nhũng .................................................................. 4
1.1.3 Các hành vi tham nhũng .................................................................................. 5
1.1.4 Nguyên nhân của tham nhũng ......................................................................... 6
1.2 Thực trạng tham nhũng trong xã hội phong kiến Việt Nam .............................. 8
1.2.1 Nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng thời phong kiến .............................. 8
1.2.2 Thực trạng tham nhũng ở Việt Nam thời phong kiến ................................... 10
2. NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THỜI PHONG KIẾN .12
2.1 Giáo dục đạo đức quan lại theo tư tưởng Nho giáo ......................................... 13
2.2 Cải cách bộ máy chính quyền phong kiến ....................................................... 14
2.3 Ngăn “tư tưởng cục bộ” và “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ .................. 16
2.4 Thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý .............................................. 18
2.5 Xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ ................................................... 19
2.6 Chịu trách nhiệm về người mình tiến cử .......................................................... 21
2.7 Nghiêm trị tội phạm tham nhũng ..................................................................... 21
2.8 Đề cao quan lại liêm khiết ................................................................................ 24
3. VẬN DỤNG KINH NGHIỆM XƯA TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM
NHŨNG HIỆN NAY ............................................................................................ 24
3.1 Giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ....................... 25
3.2 Cải cách bộ máy và đơn giản hóa thủ tục hành chính ...................................... 25
3.3 Làm tốt việc đánh giá, tuyển chọn và bố trí cán bộ ......................................... 26
3.4 Đấu tranh ngăn chặn “lợi ích nhóm” ................................................................ 27
3.5 Cải thiện đời sống cán bộ, công chức .............................................................. 27
3.6 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát .......................................................... 28
3.7 Phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng .... 29
3.8 Chế định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng ........ 29
3.9 Xét xử nghiêm minh, công khai các vụ án tham nhũng ................................... 30
KẾT LUẬN ........................................................................................................... 31
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 32
1
MỞ ĐẦU
Tham nhũng là một hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu, xuất hiện từ
khá sớm trong xã hội loài người, khi xã hội phân chia giai cấp và hình thành các
tập đoàn quyền lực. Ở nước ta hiện nay, tham nhũng được xác định là một trong
bốn nguy cơ thách thức sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hoá,
hiện đại hoá. Đánh giá của những nhà quan sát nước ngoài về mức độ tham
nhũng của Việt Nam trong những năm gần đây cũng luôn cho thấy tình trạng
báo động. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam theo xếp hạng của Tổ
chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) luôn luôn ở thứ hạng
đội sổ trong khu vực và gần như không hề được cải thiện trong những năm
trở lại đây (năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/175 thế giới với số điểm
không đổi trong 3 năm). Rõ ràng, tham nhũng đã, đang và sẽ cản trở những
nỗ lực đổi mới, tác động tiêu cực đến phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, làm
xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý của Đảng
và Nhà nước, đe doạ sự tồn vong của dân tộc.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các biện pháp đấu tranh với tham nhũng
của Việt Nam đã đến lúc cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Các biện
pháp mang tính thể chế và chế tài tích cực tưởng như hiệu quả song vẫn chưa
đẩy lùi được tình trạng tham nhũng, trong khi đó, các biện pháp mang tính giáo
dục dường như không phát huy được hiệu quả. Do vậy, nghiên cứu, đổi mới và
tìm kiếm các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn đang là nhiệm
vụ chính trị cấp bách của Đảng, Nhà nướ và xã hội ta hiện nay.
Trong nỗ lực tìm ra các biện pháp mới, trở lại quá khứ để kế thừa và
phát huy những bài học kinh nghiệm về đấu tranh với nạn tham nhũng là
một việc làm thiết thực. Bởi lẽ, nhìn lại lịch sử, suốt chiều dài hàng nghìn năm
dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta đã sớm nhận biết được nguy cơ
này và có những “phương thuốc đặc trị” với “căn bệnh” tham nhũng. Vì lý do
đó, tôi chọn đề tài “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng thời phong kiến và
vận dụng trong điều kiện hiện nay” cho bài nghiên cứu của môn Chính trị học.
2
1. THAM NHŨNG TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN
1.1 Tham nhũng, các đặc điểm và nguyên nhân của tham nhũng
1.1.1 Khái niệm “tham nhũng”
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp
và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tệ nạn tham nhũng diễn ra ở tất cả
các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, không kể quốc gia đó giàu hay
nghèo, đang ở trình độ phát triển kinh tế như thế nào; tham nhũng diễn ra ở mọi
lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá, nó tồn tại và phát triển thường xuyên và xảy
ra mọi mặt của đời sống xã hội. Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra
những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, cản
trở sự phát triển đi lên của xã hội.
Khái niệm tham nhũng gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với sự tồn tại và phát
triển của bộ máy nhà nước. Về mặt lý luận, không thể có tệ tham nhũng ngoài
nhà nước, tách khỏi bộ máy quản lý, cai trị. Tham nhũng là căn bệnh đồng hành
đặc trưng của mọi nhà nước, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là biểu hiện
của sự “tha hoá quyền lực của nhà nước”, là căn bệnh không thể tránh khỏi của
các chế độ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề tham nhũng, hiện nay chưa có sự
thống nhất về định nghĩa.
Theo Ngân hàng Thế Giới (World Bank), tham nhũng là sự “lạm dụng
quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân”. Tổ chức Minh bạch Quốc tế
(Transparency International) cho rằng, tham nhũng là hành vi “của người lạm
dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá
nhân”.
Theo Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng
ấn hành năm 2000) thì “tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân
và lấy của”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng (năm
2005), khái niệm “tham nhũng” được hiểu “là hành vi của người có chức vụ,
quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
3
Xuất phát từ câu nói nổi tiếng của giáo sư sử học của trường Cambridge
(Anh) Lord Acton “Quyền lực thường tha hóa, và quyền lực tuyệt đối sẽ tha
hóa một cách tuyệt đối”, còn tham nhũng là một biểu hiện quan trọng và dễ thấy
của sự tha hóa quyền lực, chúng tôi định nghĩa “tham nhũng là hành động lợi
dụng quyền lực (cả công quyền và tư quyền) với mục đích trục lợi cho cá nhân
và phe nhóm”.
Đó là cách hiểu hiện đại. Còn trong cách hiểu của người Việt xưa, “tham
nhũng” bao gồm hai thành tố: “tham” và “nhũng”. Theo từ điển Hán Việt,
“tham” có nghĩa là hám lợi, vụ lợi; “nhũng” là quấy rối, khiến dân không được
yên, tựu chung lại là các hành vi hạch sách người dân, ăn của đút để mưu lợi
cho cá nhân. Tham quan ô lại, ăn hối lộ, đục khoét của công, vơ vét tiền của
dân, cậy quyền sách nhiễu nhân dân… được dùng để chỉ những kẻ có chức,
quyền và lợi dụng chức quyền đó, bằng những thủ đoạn, cách thức khác nhau để
mưu lợi cho riêng mình. Những hành vi này xâm hại đến trật tự kinh tế của xã
hội phong kiến, phá hoại kỉ cương phép nước, khiến dân chúng lầm than, cực
khổ và sinh lòng oán thán triều đình.
1.1.2 Đặc điểm của hành vi tham nhũng
Nghiên cứu những quy định của pháp luật về hành vi tham nhũng và tội
phạm tham nhũng cũng như từ thực tiễn của cuộc sống đấu tranh chống tham
nhũng, chúng ta thấy tham nhũng có những dấu hiệu đặc trưng sau:
- Tham nhũng phải là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn
Theo giải thích của Từ điển tiếng Việt, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học
và theo quy định tại Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì “Tham
nhũng là hành vi… lợi dụng chức vụ, quyền hạn….”. Điều này cho thấy chủ thể
của hành vi tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ,
quyền hạn phải gắn với quyền lực nhà nước trong các lĩnh vực và các cơ quan khác
nhau như cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, trong các tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế
nhà nước hoặc lực lượng vũ trang từ trung ương đến địa phương.
4
- Khi thực hiện hành vi tham nhũng thì người có chức vụ, quyền hạn đã
có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vi phạm pháp luật
Không phải khi nào người có chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật cũng
do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn có thể có hành vi
vi phạm pháp luật thông thường nhưng không phải trên cơ sở lợi dụng chức vụ,
quyền hạn của mình thì hành vi đó cũng không phải là tham nhũng. Chẳng hạn,
một cán bộ, công chức đã có hành vi trộm cắp tài sản riêng của một người hàng
xóm hay của một công dân nào đó. Giữa hành vi trộm cắp và chức vụ, quyền
hạn của người đó không có mối liên hệ gì với nhau.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
không nhất thiết là hành vi vi phạm do họ thực hiện liên quan trực tiếp đến chức
vụ, quyền hạn đó mà có thể bao gồm cả việc lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ
quyền hạn hay vị trí công tác để thực hiện. Chẳng hạn, một công chức chính
quyền lợi dụng uy tín, danh nghĩa của mình để vay tiền ngân hàng sau đó biển
thủ không chịu hoàn trả.
- Hành vi tham nhũng phải có động cơ vụ lợi, nhằm “thu lợi bất chính”
Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà pháp
luật trao cho mình để mang lại những lợi ích có tính chất cá nhân. Tức là người
có chức vụ, quyền hạn đã hành động không phải xuất phát từ nhu cầu của công
việc và trách nhiệm của mình mà vì những lợi ích của riêng mình, chẳng hạn
như sẽ nhận được một số tiền hoặc tài sản, thậm chí có thể một lợi ích phi vật
chất nào đó, hay hối lộ để được bổ nhiệm hay xếp đặt vào một vị trí công tác
thuận lợi hơn. Mục đích vụ lợi còn có thể được hiểu là có thể người có chức vụ,
quyền hạn đã dùng ảnh hưởng của mình để mang lại lợi ích cho vợ con hay
người thân thích của mình.
1.1.3 Các hành vi tham nhũng
Bộ luật hình sự và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã phân loại
tham nhũng theo hành vi. Theo đó, 12 hành vi sau đây thuộc nhóm hành vi tham
nhũng:
5
+ Tham ô tài sản;
+ Nhận hối lộ;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì
vụ lợi;
+ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
+ Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền
hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ
lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì
vụ lợi;
+ Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
+ Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm
pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra,
kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Thời kì phong kiến chưa có một khái niệm đầy đủ về tham nhũng. Tuy
nhiên, thông qua các tư liệu lịch sử, có thể nêu lên các hành vi, dấu hiệu đặc
trưng của tham nhũng thời kì này.
Quốc triều hình luật thời Lê đã xác định hành vi tham nhũng bao gồm:
+ Nhận hối lộ;
+ Sử dụng tài sản, nhân lực của công vào việc riêng, ăn bớt của công;
+ Sách nhiễu, chiếm đoạt của dân;
+ Chậm nộp thuế, ăn bớt tiền thu thuế;
+ Lạm chiếm đất đai;
+ Tự tiện sai khiến dân đinh;
+ Khai lậu hộ khẩu...
6
Trong Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn cũng nêu lên nhiều hành vi tương
tự, đặc biệt còn có một quyển riêng mô tả 9 hành vi nhận hối lộ bị coi là tội
phạm như: quan lại nhận của, tiền; nhận của, tiền sau khi xong việc; quan lại
hứa nhận của, tiền; quan lại sách nhiễu vay mượn tiền của của dân; quan lại cho
người nhà sách nhiễu tiền của; nhân việc công bắt dân đóng góp...
1.1.4 Nguyên nhân của tham nhũng
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm
nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2014, Việt Nam vẫn là một trong những
nước có điểm số thấp (31/100) và vẫn đứng ở phía cuối bảng xếp hạng, thứ 119
trên tổng số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng. Vì sao tình trạng
tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp?
Có rất nhiều nguyên nhân và điều kiện lý giải về tình trạng đó.
- Đầu tiên, nguyên nhân của tham nhũng chủ yếu từ lòng tham, thói hám
lợi, vị kỉ của con người. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, chủ yếu nhất
khiến con người nảy sinh ý muốn chiếm đoạt của công thành của riêng hay thực
hiện các hành vi trái luật để mưu cầu tư lợi. Còn điều kiện của tham nhũng là
các nhân tố thúc đẩy cho lòng tham của con người biến thành các hành vi chiếm
đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân. Lòng tham luôn tiềm ẩn bên trong mỗi
con người. Nhưng để lòng tham đó biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi tham
nhũng cần phải có rất nhiều điều kiện như luật pháp có nhiều sơ hở, thiếu sự
kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ phía các cơ quan quyền lực nhà nước, sự trừng
phạt thiếu nghiêm minh, triệt để... Điều đó lí giải vì sao các quốc gia có các mức
độ tham nhũng khác nhau, tuỳ thuộc vào việc thể chế nhà nước và pháp luật của
quốc gia đó tạo điều kiện nhiều hay ít cho tham nhũng có thể xảy ra.
- Từ góc độ chính trị, điều kiện thực hiện tham nhũng là việc tổ chức và
sử dụng sai lệch quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Từ đó, tự giác hay
không tự giác tạo ra các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, nhược quyền... Vì
vậy, trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, chủ thể tham nhũng thường sử
dụng các lợi thế về chức vụ để vụ lợi. Mặt khác, do thiếu quyền lực từ phía các
7
cơ quan nhà nước không có lợi thế, cơ quan cấp dưới thiếu hay không có khả
năng kiểm soát quyền lực nhà nước nên họ rơi vào trạng thái phải hối lộ để thực
hiện các mục tiêu của mình.
- Từ góc độ pháp lý, tham nhũng sở dĩ có thể thực hiện một cách dễ dàng
được xác định là do thiếu vắng các quy phạm pháp luật trong việc điều chỉnh
hành vi của cán bộ, công chức nhà nước; pháp luật có nhiều sơ hở hoặc xử lý
nương nhẹ cho các hành vi tham nhũng.
- Từ góc độ kinh tế, tham nhũng xảy ra trong mọi nền kinh tế, đặc biệt là
các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ tập trung quan liêu bao cấp sang
nền kinh tế thị trường. Đây là giai đoạn mà cơ sở pháp lý của nền kinh tế còn
yếu kém, quản lý kinh tế của nhà nước còn nhiều sơ hở, các thể chế kinh tế còn
chưa hoàn thiện, tạo kẽ hở cho tham nhũng kinh tế phát triển.
1.2 Thực trạng tham nhũng trong xã hội phong kiến Việt Nam
1.2.1 Nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng thời phong kiến
Ngoài những nguyên nhân và điều kiện chung như đã nêu ở trên, thời
phong kiến ở Việt Nam còn có những điều kiện riêng, đặc thù về lịch sử, kinh
tế, văn hóa, xã hội làm phát sinh tham nhũng.
- Điều kiện chính trị: Tham nhũng nảy sinh từ cách thức tổ chức bộ máy
nhà nước phong kiến theo hướng tập quyền, chuyên chế, quan liêu với những
đặc điểm là:
+ Đồ sộ hơn mức cần thiết;
+ Bộ máy quan liêu nhiều tầng nấc và phức tạp hơn nhu cầu quản lý;
+ Đội ngũ quan lại ngày càng đông hơn nhu cầu thực tế;
+ Chi phí cho nhà nước ngày càng tăng cao hơn mức cần thiết.
Đây là bốn điều kiện sống còn của nhà nước bóc lột chuyên chế, quan
liêu. Bởi vì, chỉ nhờ vào các yếu tố này nhà nước mới tự nuôi sống nó bằng các
phương thức vơ vét, bóc lột nhân dân và tham nhũng chỉ là một loại hành vi của
quá trình tự nuôi sống của nhà nước quan liêu, chuyên chế.
8
Bộ máy quan liêu, chuyên chế đã tạo cho quan chức có quyền lực quá lớn
còn nhân dân nhược quyền thậm chí vô quyền, do đó gây nên tình trạng mất dân
chủ, là cơ sở cho tham nhũng phát sinh và phát triển. Vua quan là những người
thay trời trị vì dân, là cha mẹ dân, có trách nhiệm chăn dắt, dạy dỗ dân: “Miệng
nhà quan có gang có thép.” Vì thế, mỗi hành vi thực hiện chức năng công quyền
của quan lại đều được coi là ban ơn cho nhân dân. Nhân dân bị bóc lột, bị tước
quyền vẫn cảm thấy đội ơn vua quan - những người áp bức mình. Trong tình
hình như vậy, vua quan thỏa sức bóc lột nhân dân, nạn tham nhũng trở thành
phổ biến, là hành vi thông thường của kẻ quan quyền. Dân sợ quan nên quan
càng có cơ hội để lạm dụng chức quyền thoả mãn lòng tham.
Vì bộ máy nhà nước cồng kềnh, lượng quan lại đông đảo, nhà nước tuy
cố gắng đảm bảo chế độ lương bổng cho quan lại nhưng vẫn không đủ đáp ứng
đời sống cho bộ máy thừa hành. Xã hội phong kiến dựa trên nền tảng kinh tế
nông nghiệp tự cấp, tự túc, năng suất thấp và bấp bênh. Nguồn thu nhà nước chủ
yếu từ thuế nông nghiệp nên việc chi trả lương bổng cho quan lại cũng phụ
thuộc vào tình hình kinh tế đất nước. Lương của quan lại thấp là tiền đề tâm lí
quan trọng làm nảy sinh lòng tham của con người để đáp ứng nhu cầu cuộc sống
tối thiểu. Tình trạng này càng phổ biến bởi việc phát hiện tham nhũng gặp khó
khăn do quan lại bao che, bưng bít và quyền tố cáo của người dân bị hạn chế.
- Điều kiện kinh tế: Nền kinh tế Việt Nam thời phong kiến tồn tại hai hình
thức chủ yếu là sở hữu công và sở hữu tư trong đó sở hữu công chiếm ưu thế.
Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, thuộc sở hữu nhà nước và chịu sự kiểm
soát chặt chẽ từ phía nhà nước. Tuy nhiên, trong lịch sử luôn diễn ra khuynh
hướng mở rộng ruộng đất tư, chủ yếu thông qua các hình thức tư hữu hoá từ
chính sách ban cấp ruộng đất của nhà nước và tư hữu hoá ruộng đất công làng xã.
Việc biến công vi tư thực hiện rất dễ dàng đã tạo cơ hội sản sinh ra tham nhũng.
- Điều kiện lịch sử: Kết cấu Nhà - Làng - Nước tạo nên thế ứng xử hòa
đồng giữa làng và nước, thừa nhận tự trị, tự quản làng xã, tư tưởng trọng lệ hơn
trọng luật. Đây là thời cơ của nạn cường hào khi nhà nước nới lỏng quản lý.
9
- Điều kiện văn hóa: Văn hóa ứng xử của người Việt trọng chữ “tình”,
mọi công việc đều dựa trên chữ “tình” để giải quyết nên đó là môi trường thuận
lợi để quan lại bẻ cong pháp luật, lợi dụng để đục khoét của dân. Người Việt
cũng chuộng sự yên bình, nhàn nhã, tạo nên thái độ “dĩ hòa vi quý”, “sống chết
mặc bay” khi có hiện tượng xung đột giữa quan và dân thường không muốn mọi
chuyện to tát, phức tạp hơn nên quan lại có điều kiện mặc sức nhũng nhiễu, lộng
hành. Quan trên làm sai, dân thì tìm cách luồn lách pháp luật, dùng đồng tiền để
cầu cạnh cũng là một trong những mảnh đất của tham nhũng. Tục lệ quà cáp
biếu xén khi đến cửa quan (“Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”) đã dần dần
trở thành “tập quán, phong tục” trong xã hội lúc bấy giờ.
1.2.2 Thực trạng tham nhũng ở Việt Nam thời phong kiến
Trong lịch sử phong kiến nước ta, vấn đề tham nhũng đã được đặt ra từ
khá sớm. Bên cạnh những vị vua, quan thanh liêm, chính trực còn có không ít
những người có tư tưởng tham ô, nhũng nhiễu.
Nhà Lê sơ là một triều đại phát triển rực rỡ trong lịch sử phong kiến nước
ta nhưng cũng chính từ xã hội này nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, đặc biệt
là những hành vi tham nhũng. Cao Sư Đăng, một thợ nề chùa Báo Thiên nói:
“Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dụng kẻ vô
công. Năm 1435, thời vua Lê Thái Tông, vua ra lệnh chỉ cho các quan văn võ
trong ngoài nói lên tình hình quan lại tham nhũng để khuyên răn tu chỉnh: “Nay
các khanh không giữ phép công, người giữ sổ sách tiền bạc của cả nước thì
chậm trễ hoặc gây khó dễ... người coi dân thì chỉ vụ lợi riêng, không lo nuôi
dưỡng dân, tha cho người giàu, bắt tội người nghèo, mua gỗ làm nhà cửa, xử
kiện không công bằng, lo hối lộ, chỉ thích ăn uống nhậu nhẹt...”. Khi Lê Thánh
Tông lên ngôi vua, nhận xét về tình hình triều chính đã nói: “Khoảng năm Thái
Hoà, Diên Ninh - thời Lê Thái Tổ, Lê Nhân Tông, trên thì tể tướng, dưới thì
trăm quan mưu lợi lẫn nhau, bừa bãi hối lộ”. Tham nhũng đã thực sự trở thành
quốc nạn thời Lê sơ.
10
Thời kì Lê - Trịnh, nhà nước bất lực với nạn cường hào ở nông thôn. Với
tập thói “phép vua thua lệ làng”, lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền
trung ương, bọn hào cường gian hoạt trong làng mạc, giảo quyệt đủ ngón, dối
trá trăm khoanh, chúng lấy thế lực mà xử sự, dùng cách xâm chiếm để lợi mình,
bóp nặn kẻ nghèo nàn, khinh rẻ người ngu tối, hơi có ai trái thì chúng vu oan giá
họa. Nhiều tư liệu địa phương cho thấy bộ máy lí dịch ở làng xã thường tự đặt
ra các mức thu tô cao hơn nhiều so với biểu thuế chính thức của nhà nước.
Chẳng hạn, theo biểu thuế năm 1728, các loại ruộng hậu thần, hậu Phật, tế điền,
kị điền nhà nước nhất loạt thu thuế 2 tiền/mẫu (0,2 quan/mẫu) nhưng ở các địa
phương, người cày loại ruộng này phải nộp từ 2-3 quan/mẫu; thậm chí có khi
thu đến 5-6 quan/mẫu.
Tệ tham nhũng cũng xuất hiện tràn lan trong thi cử. Việc đề thi bị lộ và
thí sinh nhờ người thi hộ rất thường xuyên diễn ra. Năm 1750, bất cứ người nào
trả 3 quan tiền cũng đều được phép dự kì thi hương mà không phải trải qua khảo
hạch.
Tệ tham nhũng của quan chức cũng liên quan chặt chẽ tới việc bán quan
chức. Theo một sắc luật của Trịnh Giang năm 1736, mọi quan chức dưới hàng
lục phẩm có thể được thăng lên một bậc nếu nộp 600 quan tiền; bất cứ người
dân thường nào cũng có thể trở thành quan tri phủ nếu nộp 1.800 quan. Việc
bán quan chức gây nên những vấn đề nghiêm trọng về xã hội và chính trị bởi vì
những người đã trả tiền mua chức chỉ muốn vơ vét nhiều hơn không bao giờ có
ý thức thi hành pháp luật.
Triều Tây Sơn tồn tại ngắn ngủi, nhiều dự định cải cách bộ máy nhà nước
không thể thực hiện nên hậu quả của nạn tham nhũng đối với xã hội vẫn còn rất
đậm nét, tình trạng tham nhũng lan tràn, phổ biến từ thời Lê - Trịnh vẫn chưa
giải quyết được.
Đến triều Nguyễn, theo sử sách ghi lại, trong vòng 81 năm, từ 1802 đến
1884 đã có 207 vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý, trung bình là 2,5
vụ/năm. (Đây cũng chỉ là con số thống kê tương đối dưới góc nhìn của các sử
11
gia và chính quyền đương thời.) Tuy nhiên, có thể thấy con số 2,5 vụ/năm còn
nhỏ bé và chưa tương xứng với tình trạng tham nhũng diễn ra trên thực tế. Thực
tế, tệ đục khoét, nhũng nhiễu của quan và lại tồn tại phổ biến, lan tràn từ trung
ương tới địa phương. Các vua triều Nguyễn nhiều lần than phiền về tệ quan
tham lại nhũng, cho rằng mọi sự biến loạn của dân đều do tệ hại này gây ra, mọi
đau khổ của nhân dân đều từ thủ đoạn bóc lột, vơ vét của hàng ngũ có chức
tước, quyền hạn.
Dù số liệu thống kê chưa phản ánh hết thực trạng tham nhũng thời
Nguyễn song những con số này phần nào cho thấy tham nhũng diễn ra dưới hầu
hết các triều vua Nguyễn, trên tất cả các lĩnh vực, ở cấp trung ương lẫn địa
phương với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Nó để lại
nhiều hậu quả nghiêm trọng. Năm 1852, vua Tự Đức đã nêu lên quan ngại:
“Chưa có nơi nào quan lại xứng chức mà dân lại không yên; cũng chưa có nơi
nào, quan tham ô, mà bọn lại dịch lại không nhũng tệ bao giờ. Cho nên cây
được xanh tốt là vì không có sâu đục; dân được phồn thịnh, do ở không có quan
lại tham nhũng nhiều. Nay dùng rìu búa mà đẵn chặt cây, lấy roi vọt mà làm khổ
dân, tất đến nỗi cành cây tan nát mà gốc bật lên, dân điêu tàn mà gốc của nước
lay động, rất đáng lo sợ”.
Quan lại tham nhũng là thứ sâu mọt, nếu để tiếp tục phát triển sẽ làm mục
ruỗng chế độ, gây nguy hại đến nền chính trị quốc gia. Từ đây, sinh ra nạn giặc
giã, nổi loạn thậm chí khi có nạn hỗ dữ, nạn sâu cắn lúa nhà vua cũng cho rằng
cơ sự tại quan lại tham tàn. Xuất phát từ việc nhận định đúng đắn những nguy
cơ của tham nhũng với nhà nước, chế độ, xã hội mà các triều đình phong kiến
đã có thái độ và biện pháp kiên quyết bài trừ tham nhũng, bảo vệ vững chắc sự
thống trị của vương triều.
2. NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THỜI
PHONG KIẾN
Hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn làm trái pháp luật
mưu lợi cá nhân đã xuất hiện và tồn tại trong xã hội từ rất sớm. Sự tha hoá, biến
12
chất của cán bộ công chức bộ máy nhà nước, sự lạm quyền làm trái pháp luật
phục vụ lợi ích cá nhân không chỉ là “tệ nạn” xã hội mà còn là “quốc nạn” đe
doạ sự tồn vong, phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Việc ban hành và áp dụng
các văn bản pháp luật đặc biệt là các văn bản pháp luật chuyên ngành trừng trị,
xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng được coi là công cụ hữu hiệu trong
việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam,
nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến đã rất quan tâm đến việc đấu tranh
phòng, chống những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn mưu lợi cá
nhân gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.
2.1 Giáo dục đạo đức quan lại theo tư tưởng Nho giáo
Để phòng ngừa, ngăn chặn nạn tham nhũng thì trước tiên phải giáo dục
về đức liêm, chống lại sự tham lam, tư lợi của quan lại trong bộ máy chính
quyền trung ương và địa phương. Đây là biện pháp phòng ngừa căn bản, quyết
định, bởi lẽ cơ chế, chính sách hay hệ thống các quy định đều là những chủ thể
kiểm soát bên ngoài đối với việc phòng chống tham nhũng; còn cơ chế kiểm
soát bên trong lại chính là ý thức, sự giác ngộ và hiểu biết của bản thân mỗi
quan chức.
Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến nước ta kể từ thời nhà Lý đến
thời nhà Nguyễn, người làm quan đều được giáo dục theo học thuyết chính
thống là Nho giáo. Nho giáo dạy người làm quan với triết lý quân tử là “lo cái lo
của thiên hạ, vui cái vui của thiên hạ”, coi “thiên hạ là của chung” và đề cao
quan niệm “tu thân”. Người làm quan trước hết tu được thân, tức là biết tự răn
dạy và sửa lỗi của mình thì người đó mới tạo dựng được gia đình yên ấm, hưng
thịnh; người làm quan đó mới vỗ yên được thiên hạ, nghĩa là làm cho dân chúng
cảm phục, nghe theo. Có thể nói, nội dung, cách thức giáo dục quan lại thời
phong kiến đã góp phần chủ yếu hình thành đạo lý, chuẩn mực, trách nhiệm xã
hội của người làm quan tương đối rõ ràng.
Ví dụ, dưới thời Nguyễn, triều đình rất chú trọng việc giáo hóa đạo đức
cho quan lại, thường xuyên dạy bảo về sự liêm khiết, trong sạch cho người gánh
trọng trách với muôn dân. Trong những tiêu chuẩn đạo đức căn bản để tuyển
13
chọn nhân tài cho đất nước, yêu cầu về đức thanh liêm là một yếu tố quan trọng
và cần thiết. Liêm là đầu sáu kế để xét quan lại (liêm thiện, liêm năng, liêm
kính, liêm chính, liêm pháp, liêm biện). Kinh sách của Nho giáo răn dạy nhiều
điều về đức liêm của người quân tử.
Ngoài việc giáo dục đức thanh liêm cho người làm quan thì ngay cả
người đứng đầu nhà nước cũng phải là tấm gương sáng. Minh Mạng là một ông
vua hết sức chú ý đến hành xử và lối sống của mình để khuyên răn quan lại.
Trong tiêu dùng cá nhân, ông luôn nhắc nhở không được lạm dụng của công bởi
đó là tiền bạc, công sức của dân “không phải thiên hạ đóng góp để cung phụng
một người”. Ông đã nói với Kiến An, người con cả sau này có thể nối nghiệp
rằng: “Bổng lộc của ngươi là dầu mỡ của dân. Ngươi nên nghĩ cách kiệm ước
để nối nghiệp nhà, cẩn thận chớ có xa xỉ mà làm hại đức tính”.
2.2 Cải cách bộ máy chính quyền phong kiến
Thời phong kiến, không có sự phân biệt rạch ròi giữa 3 nhánh quyền lực
nhà nước là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hoàng đế là người đứng đầu nhà
nước, nắm trọn vẹn cả 3 loại quyền lực, các cơ quan nhà nước và quan lại chỉ là
bộ phận thừa hành và giúp việc cho nhà vua. Ba quyền lực ấy là tập trung, thống
nhất trong tay một cá nhân. Bên cạnh đó, các bộ là cơ quan chấp hành, có quyền
nhân danh hoàng đế áp dụng luật lệ hoặc thi hành mệnh lệnh của nhà vua nhưng
bộ còn có chức năng tư vấn, đề xuất kế hoạch các bộ luật. Trên ý nghĩa này, bộ
vừa là cơ quan hành pháp vừa có chức năng tham gia vào hoạt động lập pháp.
Hoạt động tư pháp thời phong kiến cũng không được tiến hành một cách độc
lập. Ở các địa phương, quyền tư pháp nằm trong các viên quan đứng đầu bộ
máy hành pháp.
Nhưng đến thời Gia Long, ý tưởng cải cách bộ máy hành chính đã được
manh nha, và đến thời Minh Mạng, việc làm này đã được đẩy mạnh toàn diện
và thực thi một cách có hiệu quả. Cuộc cải cách tập trung vào những nội dung
chủ yếu như: củng cố hệ tinh thần Khổng giáo (Tống Nho); cải cách việc phân
chia địa giới hành chính và các cấp bậc hành chính; cải cách bộ máy hành chính
từ trung ương đến địa phương.
14
Thông thường, khi đã nắm quyền lực trong tay, cá nhân sẽ lợi dụng các
lợi thế về cấp bậc, chức vụ, vị trí thuận lợi trong hệ thống nhà nước vào những
hành vi vụ lợi. Mặt khác, do thiếu hoạt động kiểm soát việc sử dụng quyền lực
của các cơ quan nhà nước, của quan chức nên dễ dẫn đến tình trạng sử dụng sai
quyền lực. Do đó, cải cách hành chính của vua Minh Mạng đã giải quyết tương
đối căn bản và triệt để vấn đề này, khiến cho pháp luật nhà nước được đảm bảo
thực thi, duy trì và ổn định trật tự xã hội. Những triều vua sau đó là Thiệu Trị và
Tự Đức đã tiếp tục áp dụng các biện pháp của ông cha, không ngừng hoàn thiện
tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Các biện pháp chủ yếu được Minh Mạng và các nhà vua triều Nguyễn sử
dụng gồm:
- Một là, để ngăn chặn sự lạm quyền và tiếm quyền, nhà vua xóa bỏ các
chức quan và cơ quan có khả năng lấn át nhà vua, tập trung quyền lực cao độ
trong tay Hoàng đế. Triều Nguyễn đặt ra lệ “tứ bất” (tức là bốn điều không
làm): không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không lập
Trạng nguyên; hạn chế phong tước hầu; quan đại thần được bổng lộc lớn nhưng
không có thực quyền tránh nguy cơ đảo chính.
- Hai là, quy định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan, không tập
trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân hay một cơ quan mà tản quyền cho
các cơ quan khác nhau. Ở những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, nhà vua áp
dụng rõ nét biện pháp này.
- Ba là, tinh giản đội ngũ quan lại trên cơ sở đặc điểm, tính chất công việc
của từng cơ quan nhà nước, từng địa phương. Đối với những địa phương, số
nhân sự nhiều nhất của 1 tỉnh là 173 viên, còn tỉnh ít nhất chỉ có 17 viên phụ
trách toàn bộ công việc trong tỉnh. Điều đó cho thấy sự linh hoạt của nhà
Nguyễn trong quản lý và phân bố nguồn nhân sự.
- Bốn là, chú trọng công tác tổ chức bộ máy hành chính cấp địa phương
theo nguyên tắc: quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các quan địa phương,
tránh chồng chéo công việc và hạn chế quyền lực của các cá nhân đứng đầu,
15
ngăn chặn sự lạm quyền, lộng quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các
chức quan, tránh lạm quyền; xây dựng bộ máy hành chính địa phương gọn nhẹ,
số lượng ít, hạn chế tệ quan liêu, sách nhiễu.
2.3 Ngăn “tư tưởng cục bộ” và “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ
Một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền thời phong
kiến là áp dụng chế độ “hồi tỵ” (nghĩa là tránh đi). Chế độ “hồi tỵ” là sáng kiến
của vua Lê Thánh Tông trong nỗ lực làm trong sạch đội ngũ quan lại, chống
tình trạng tham nhũng. Chế độ này được tiếp tục áp dụng và hoàn thiện vào các
triều vua Nguyễn sau đó.
Với quan điểm “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có
tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn”, vua Lê
Thánh Tông đã sáng suốt đặt trọng tâm của sự nghiệp cải cách hành chính vào
lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách đội ngũ quan lại. Nội dung cơ bản của
chính sách “hồi tỵ” giai đoạn này có thể được tóm tắt ở một số nội dung chính
sau:
+ Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông
ta xuất thân từ đó;
+ Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng
tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo;
+ Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan
không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó;
+ Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương
hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Kế thừa tư tưởng và những kinh nghiệm quý báu của vua Lê Thánh Tông,
triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị đã ban hành luật Hồi tỵ
vào năm 1831 và liên tục bổ sung vào các năm tiếp theo với phạm vi, đối tượng
áp dụng mở rộng hơn, các quy định nghiêm ngặt hơn so với thời vua Lê Thánh
Tông. Những nội dung nghiêm ngặt được bổ sung trong giai đoạn này tập trung
vào một số nội dung chính sau:
16
+ Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản;
+ Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc;
+ Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một
công sở;
+ Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột,
anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác;
+ Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian
lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi;
+ Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê
hương mình;
+ Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng
cũng phải chuyển bổ đi nơi khác;
+ Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu
được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa
phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự;
+ Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường
mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị
trọng tội vì cố ý làm trái;
+ Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân
quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay;
+ Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu;
cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được
mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu
quay lại cửa công để cầu cạnh…
Quy định “hồi tỵ” nhằm tránh tình trạng nể nang hoặc bao che, nâng đỡ
cho nhau giữa những người có quan hệ thân thuộc nhằm bè cách, tạo ra các thế
lực “gia đình trị” hoặc “cục bộ địa phương” vì “lợi ích nhóm” làm lũng đoạn
quyền lực nhà nước. Quy định này đã có tác dụng tích cực góp phần ngăn chặn
nạn tiêu cực hoành hành theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”.
17
2.4 Thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý
Biện pháp chủ yếu trong hạn chế nạn tham nhũng thời phong kiến đó là
chế độ đãi ngộ quan lại. Bởi lẽ, đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo thì
quan lại mới yên tâm làm việc và hoàn thành chức phận. Trong nhà nước phong
kiến, quan lại có chế độ ưu đãi đặc biệt trên nhiều phương diện. Về phương diện
chính trị-xã hội, quan lại là tầng lớp được trọng vọng, đề cao; về kinh tế, quan
lại được hưởng bổng lộc cao hơn hẳn so với mức thu nhập của người dân. Quan
lại cũng có những ân sủng đặc biệt, lệ trí sĩ áp dụng với quan lại mẫn cán, tuổi
cao như gia phong tước bậc, cho hưởng nguyên bổng lộc, cho con cháu tập ấm,
được về quê an dưỡng.
Vào thời Lê sơ, năm 1473, vua Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho
quan lại trong kinh, ngoài trấn. Theo đó, việc phân cấp bổng lộc được thực hiện
dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong
thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau”. Đối với các quan cùng
phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương số tiền lương cũng không có
sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở
lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà
sinh ra vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.
Ngoài lương bổng, để tăng nguồn thu cho quan lại, vua Lê Thánh Tông
còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: lộc điền, huệ lộc, dân lộc... và việc
ban cấp này rất hậu. Trong đó chủ yếu là lộc điền và coi đây là nguồn thu nhập
chính. So với các triều đại bổng lộc thời Lê Thánh Tông ít hơn nhưng lại
“không để cho viên quan nào có việc mà ăn không”. Quan trọng hơn cả, việc
phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết
định được bổng lộc cho đích đáng. Do đó đã khuyến khích người làm quan công
tâm hết lòng vì công việc. Qua đó phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng.
Dưới triều Nguyễn, cùng với chế độ lương bổng được ban hành, cuối thời
Gia Long, nhà vua còn quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi
lòng liêm khiết của quan lại, còn gọi là “tiền dưỡng liêm”. Lúc đầu khoản tiền
18
này chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như tri phủ, tri huyện,
sau này dưới thời Minh Mạng đối tượng được hưởng khoản tiền dưỡng liêm này
được mở rộng hơn, ngoài Tri phủ, Tri huyện thì các quan giữ chức Tri Châu,
Đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này, vì theo vua Minh Mạng thì “tiền
dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”. Đặc biệt dưới thời vua Tự
Đức, tiền dưỡng liêm còn được cấp cho các phái viên thu thuế quan. Chế độ tiền
dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức
thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.
Theo các tài liệu lịch sử thì giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới
triều Nguyễn rất lớn, nó tương đương với số lương bổng họ được nhận thực
hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào
tiền dưỡng liêm để bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm
thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham
những trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.
Tất cả những biện pháp đãi ngộ trên đều nhằm mục đích cổ vũ, khích lệ
quan lại tận trung với vua và triều đình, mang tài năng giúp nước, tạo điều kiện
vật chất và tinh thần để quan lại làm tròn nhiệm vụ, ngăn chặn lòng ham muốn
vật chất để dẫn đến lộng quyền và lạm quyền.
2.5 Xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ
Tuyển lựa được nhân tài có đủ phẩm chất và năng lực đã khó, nhưng để
phát huy được tài năng và đức độ của họ quả là điều không dễ. Vì mục đích đó,
Lê Thánh Tông thời Lê đã xây dựng chế độ thanh tra, giám sát và khảo khóa đối
với đội ngũ quan lại như là một biện pháp hữu hiệu nhằm “khuyến khích và
buộc quan lại đương chức tiếp tục trau dồi năng lực, đạo đức và loại bỏ kịp thời
những người thái hóa, biến chất”, thông qua đó làm trong sạch đội ngũ quan lại.
Năm 1471, Lê Thánh Tông bên cạnh đặt Lục bộ, Lục tự còn đặt thêm Lục
khoa, là cơ quan thanh tra, giám sát của 6 bộ, có trách nhiệm xem xét hành vi
sai trái của quan lại. Ngay cả bộ Lại, cơ quan quyền hành cao nhất của triều
đình trong việc tuyển bổ, thăng giáng không đúng, Lại khoa cũng có quyền tố
19
cáo, giới thiệu người khác. Mục đích của việc tăng cường giám sát đối với đối
đội ngũ quan lại “để cho lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng ràng
buộc nhau, khinh trọng cùng kiềm chế nhau, uy quyền không giả mà lẽ nước
khó lay suy”. Theo nguyên tắc thanh tra, giám sát, quan lại trước khi được bổ
dụng chính thức đều phải trải qua thời gian thử việc, sau một thời gian nếu đạt
thì được bổ dụng chính thức, ngược lại có thể hủy bỏ kết quả tuyển dụng. Bên
cạnh đó, triều đình Lê Thánh Tông hàng năm còn cử người trong Lục bộ, Lục
tự, Lục khoa đi về các đạo dò xét phẩm cách quan lại các địa phương, khi phát
hiện trường hợp quan lại tham ô, tham nhũng, triều đình sẽ cử quan lại có đủ
năng lực và phẩm hạnh về địa phương điều tra, nếu quả là người có lỗi thì chiếu
theo luật mà định tội.
Nhà Nguyễn cũng đề cao công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát các cơ
quan nhà nước từ trung ương đến địa phương để các cơ quan chế ước quyền lực
của nhau, hạn chế tối đa tình trạng lộng quyền, lạm quyền. Năm 1832, dưới thời
Minh Mạng, Đô Sát viện ra đời với chức năng: Phàm hoàng thân quốc thích,
quan viên lớn nhỏ có điều làm bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay
liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý
kiến không theo công lý đều được tham hặc. Quyền hạn của Đô sát viện bao
gồm: quyền đàn hặc (chỉ trích tội lỗi); quyền can gián vua; khoa đạo được
quyền dự nghe chính sự; kiểm tra việc thi hành của các cơ quan khác; phúc
duyệt các bản án hình sự.
Đô Sát viện là cơ quan giám sát cao nhất và hoàn chỉnh nhất của triều
Nguyễn, tạo nên một hệ thống giám sát chặt chẽ từ trung ương đến các địa
phương, vừa tăng cường được hiệu lực của cơ chế quân chủ tập quyền, vừa đảm
bảo sự minh bạch, góp phần làm trong sạch bộ máy cai trị thời này. Bên cạnh
đó, nhà nước phong kiến Nguyễn cho phép người dân được trực tiếp tố cáo về
các hành vi sai trái của quan lại mà không phải thông qua các cấp bằng cách đặt
trống đăng văn ở Kinh đô để người dân đánh trống trình bày oan ức. Từ đây
nhiều vụ việc tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng.
20
2.6 Chịu trách nhiệm về người mình tiến cử
Chọn người ra làm quan thì phép quan trọng hàng đầu là khoa cử. Nhưng
vì một lý do nào đó, người hiền tài chìm lấp trong thiên hạ không thể ra phò
vua, giúp nước. Cho nên Lê Thánh Tông đặt thêm lệ bảo cử và tiến cử bên cạnh
khoa cử. Phép tiến cử và bảo cử đã chọn được nhiều người tài giỏi có năng lực
nên khi gia nhập chốn quan trường đã đảm đương tốt công việc. Tuy nhiên, vì
tư tình cá nhân, một bộ phận quan lại khi tiến cử, bảo cử người vào các chức vụ
đã không chọn được người có tài. Bộ phận này trở thành kẻ sâu mọt, đục khoét
của dân. Ngăn ngừa tệ quan lại tiến cử, bảo cử bậy tức ngăn ngừa tệ tham ô
tham nhũng của quan lại, chính quyền Lê Thánh Tông đặt ra yêu cầu quan lại
phải chịu trách nhiệm về người mà mình bảo cử hoặc tiến cử.
Theo đó, khi bảo cử hay tiến cử, triều đình đặt ra nguyên tắc theo đó cá
nhân phải chịu trách nhiệm về người mà mình tiến cử hay bảo cử. Nếu tiến cử
đúng sẽ trọng thưởng, còn như ngược lại thì theo luật định tội. Với quy định
chặt chẽ gắn kết giữa người đứng ra bảo cử, tiến cử nên quan lại không dám làm
bậy, tiến cử người có tài bớt đi người bất tài nâng cao hiệu quả đội ngũ quan lại.
Quy chế về bảo cử, tiến cử được tiến hành rất tốt và nghiêm túc dưới thời
Lê Thánh Tông. Nhiều trường hợp tiến cử, bảo cử không đúng đã bị bác bỏ.
Đến thời Hồng Đức, việc bảo cử và tiến cử càng được làm thận trọng mà trừng
phạt lại nghiêm nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt
cùng thu được hiệu quả là chọn được người.
2.7 Nghiêm trị tội phạm tham nhũng
Các biện pháp chống tham nhũng là việc áp dụng các biện pháp trừng
phạt, buộc người phạm tội phải gánh chịu những hậu quả pháp lý từ hành vi mà
họ gây ra, có thể bằng trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính, kỉ luật.
Mục đích của chống tham nhũng là răn đe, giáo dục người phạm tội và ngăn
ngừa các chủ thể có ý định phạm tội trong xã hội.
Thời Lê Thánh Tông, việc trừng trị tội tham ô, tham nhũng được thể chế
hóa thành luật và thi hành trong thực tiễn những nội dung đó như là biện pháp
hữu hiệu nhất để chống tham ô, tham nhũng.
21
Bộ luật Hồng Đức được ban hành bao gồm 722 điều trong đó có gần 40
điều bao hàm nội dung chống tham ô, tham nhũng, trừng trị hành vi đục khoét,
lợi dụng chức vụ và quyền lực để sách nhiễu dân lành... Đối với hành vi ăn hối
lộ, một số điều luật quy định: “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lột từ 1
đến 9 quan thì xử tội biếm chức hay bãi chức, từ 10 đến 19 quan thì xử tội đồ
hay lưu, từ 200 quan trở lên thì xử tội chém”. Còn như hành vi đục khoét, vơ
vét, ức hiếp của dân thì tùy theo mức độ để xử phạt. Nếu nhẹ thì bồi thường trả
lại cho dân, nặng thì bãi chức, biếm chức thậm chí bị khép vào tội chết: “Các
quan ty tùy tiện lấy của quân dân dùng vào việc riêng thì xử như tội ăn hối lộ và
bồi thường gấp đôi trả tiền lại cho quân dân”. Ngay cả thu vật phẩm hay tiền
của dân trái phép dùng để cung tiến lên nhà vua cũng không được dung túng,
đôi khi còn xử lý nghiêm hơn: “Những quan ty ở trấn ngoài cùng các tướng hiệu
mà thu tiền quân dân để làm lễ vật cung phụng nhà vua, thì xử biếm một tư,
nặng thì thêm một bậc và bắt trả lại lễ vật cho quân dân”.
Nghiêm trị tội tham ô, tham nhũng dưới thời Lê Thánh Tông là sự gắn kết
nhiều hình thức, biện pháp từ đặt ra luật định, khuyên bảo, răn đe, cho đến trừng
trị. Các hình thức, biện pháp này vừa mang tính nghiêm minh, vừa khoan dung,
rộng rãi. Chính vì vậy mà đã có tác dụng ngăn ngừa, trừng trị tội tham ô,
tham nhũng. Đồng thời, nó cho phép quan lại vì một lý do nào đó vì một lý do
nào đó mà mắc phải tội tham ô, tham nhũng có điều kiện chuộc lỗi và tiếp tục
cống hiến cho đất nước.
Dưới thời Nguyễn, các quy định về xử lí người có hành vi tham nhũng
được thể hiện trong Hoàng Việt luật lệ, Quốc triều thể lệ, và các chỉ, dụ... Trong
đó Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) được xem là bộ luật có giá trị lớn về mặt
lập pháp.
Điều 392 Bộ Hoàng Việt luật lệ quy định: “Người nào dùng các thủ đoạn
biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về
nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”.
22
Người phụ trách việc xây dựng, trong quy định nhà nước không được lợi
dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội
nặng. Thự Hữu thị lang Bộ Công Lê Bá Tý lợi dụng chức tước mượn riêng tiền
công bị phát hiện, vua Minh Mạng đã ra lệnh cách chức, đeo gông nặng một
tháng trên công trường để lính và thợ biết. Sau khi hết hạn phạt đánh một trăm
trượng, bắt làm lính Tả hộ.
Những trường hợp các quan cậy thế hoặc dùng các sức ép để buộc người
khác cho mình mượn hàng hoá, vật tư, tiền công thì tuỳ theo tang vật để xử
phạt: Nếu nhẹ thì mỗi thứ hàng hoá phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi
hết tang vật, nếu nặng thì tử hình.
Khi xây đắp thành luỹ, đê đều, nếu chủ mưu làm vượt dự toán, người
duyệt kế hoạch mà dung túng với người làm dự toán, che giấu cho nhau để khi
công trình chi tiêu ít mà khai khống lên nhiều nhằm lấy các khoản tiền, vật hạng
thì phải xử nặng, nếu số lượng vật tư, tiền bạc lớn thì bị chém đầu. Đối với việc
lợi dụng thiên tai, địch hoạ để chiếm đoạt vật tư, nếu quan phụ trách xây dựng,
các giám lâm chủ thủ “Thường ngày có những móc lấy, lừa dối mượn hàng hoá,
tự ý xuất nhập, nhân cơ hội nước lửa, giặc trộm này mà làm văn bản phao là mất
trộm... và trừ bớt thay văn đơn, sổ sách, thân báo lên dối gạt quan với ý đồ khỏi
tội gốc. Tất cả đều xử nặng như tội thủ tự ăn trộm. Đồng liêu biết mà không tố
cáo thì mắc tội như phạm nhân”.
Hoàng Việt luật lệ cũng quy định: “Những người khi nhận được đút lót
thì tính theo tang vật mà xử tội, tội chưa phát giác mà biết tự thú thì miễn buộc
tội, tất cả các tang vật phải nộp lại cho nhà nước”.
Ở từng trường hợp cụ thể, người giữ tài sản nhà nước phải có trách nhiệm
giữ gìn của cải được giao. Năm Gia Long thứ 5 (1806) nhà vua quy định các
chủ kho phải chịu trách nhiệm đề xuất các biện pháp quản lý bảo vệ. Nếu người
coi kho và người bảo vệ biết được hành vi và thủ đoạn người lấy trộm và tố cáo
thì được miễn tội. Nếu người bên ngoài phát hiện quả tang hành vi thì được
thưởng gấp 10 lần số tang vật. Nếu chủ kho và lính bắt được quả tang thì
thưởng gấp 5 lần.
23
Bộ luật trên đây cũng quy định: Những người phạm tội lúc trẻ, sau khi già
về hưu mới phát hiện ra vụ việc, thì vẫn phải chịu trách nhiệm với hình thức
luận tội như lúc trẻ, lúc đương chức. Nếu tuổi già và bệnh yếu thì có thể chiếu
cố thay bằng trưng thu các loại tài sản nộp thế.
Về tội hối lộ, người hối lộ và người nhận hối lộ, cả hai đều thuộc nhóm
tội nặng cần nghiêm trị, người nhận hối lộ, khi xử phạt phải nặng hơn đi hối lộ.
2.8 Đề cao quan lại liêm khiết
Khen thưởng đúng, xử phạt kịp thời là việc phải làm để giữ gìn kỷ cương,
phép nước. Do đó, để khuyến khích quan lại chống tham ô, tham nhũng thì cần
có chính sách đề cao những quan lại liêm khiết, trước để họ tiếp tục trau dồi
phẩm hạnh của người làm quan, sau để làm gương cho kẻ khác.
Dưới thời Lê Thánh Tông, quan lại liêm khiết, hết mực vì công việc được
biểu dương đúng mức đó là việc giành những chức vụ quan trọng hay thăng
chức, ban tiền. Cách làm này đã động viên một bộ phận quan lại được đề cao
tiếp tục cống hiến, mặt khác các quan cũng theo đó làm gương tạo nên sự phấn
đấu, tu dưỡng ngay chính trong hàng ngũ quan lại.
3. VẬN DỤNG KINH NGHIỆM XƯA TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM
NHŨNG HIỆN NAY
Mặc dù còn bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến trong quản lý và điều
hành xã hội song nhìn chung các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đều
đã chủ động phòng, chống tệ nạn tham nhũng, trong đó các biện pháp phòng
ngừa luôn luôn được coi trọng. Lịch sử chỉ ra, giai đoạn thịnh trị chính là thời
điểm các vương triều phong kiến thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng
ngừa tệ tham nhũng.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, nếu được thực hiện tốt, các biện pháp phòng
ngừa sẽ có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn ngay từ đầu những cơ hội, điều
kiện để tham nhũng nảy sinh. Hay nói theo cách khác, phòng ngừa chính là việc
ngăn chặn, tiêu diệt tham nhũng từ trong “trứng nước”. Do đó, những biện pháp
này bao giờ cũng có hiệu quả to lớn, dài lâu. Phòng ngừa tốt sẽ đẩy lùi những
mầm họa của tham nhũng.
24