Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Hướng dẫn viết bài đăng tạp chí Giáo dục Thời đại (được quy đổi sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (35.26 KB, 2 trang )

VIỆC HƯỚNG DẪN HỌC SINH CHUẨN BỊ BÀI Ở NHÀ :
THẾ NÀO LÀ HỢP LÍ ?

Trước hết, cần khẳng định ngay, việc chuẩn bị bài ở nhà là khâu rất quan trọng, không thể
thiếu của học sinh trước khi đến lớp. Nếu không có khâu này, khi đến lớp học sinh sẽ
không có sự chuẩn bị bài tốt, từ đó không có một tâm thế học tập tốt, không tiếp thu bài
kịp, gây khó khăn cho việc dạy học của người thầy. Do vậy, khâu hướng dẫn học sinh
chuẩn bị bài ở nhà (sau khi kết thúc tiết học) cũng được xem là việc vô cùng quan trọng
của người giáo viên đứng lớp. Đấy là một tiến trình bắt buộc trong hoạt động dạy học của
người dạy.
Vậy nên việc dặn dò học sinh chuẩn bị bài ở nhà như thế nào là hợp lí ? Trước đây, vào
những năm đầu tiên của quá trình đổi mới phương pháp dạy học và thay đổi chương trình
sách giáo khoa (như hiện hành), nhiều thầy cô giáo rất chú trọng khâu này, dặn dò học trò
rất tỉ mỉ. Thậm chí, có giáo viên dành khoảng 5 phút để đọc ra những yêu cầu, những câu
hỏi cho học sinh ghi chép cẩn thận để về nhà làm cho đầy đủ. Việc làm này thiết nghĩ là
cần thiết để hình thành thói quen tự học của học sinh khi ở nhà. Vì suy cho cùng, tự học
là quá trình quan trọng nhất để dẫn dắt học sinh đến với thành công và có được kết quả
học tập như mong muốn. Thế nhưng nếu chúng ta yêu cầu học sinh về nhà thực hiện quá
nhiều việc thì lại là một chuyện khác. Thầy cô cần lưu ý rằng, các em không phải chỉ học
có mỗi môn học của mình. Bên cạnh học chính khóa thì đa số các em còn tham gia các
lớp học ngoại khóa, trái buổi và các hoạt động khác nữa nên quỹ thời gian của mỗi em
không có nhiều. Như vậy, nếu giao quá nhiều phần việc về nhà sẽ dẫn đến việc quá tải
cho các em, từ đó ảnh hưởng không tốt đến việc dạy và học của cả thầy lẫn trò, dẫn đến
tâm lý “sợ” đến lớp, “sợ” thầy cô, “sợ” tới tiết của học sinh. Hơn nữa, việc chuẩn bị bài
trước ở nhà quá kĩ, khi đến lớp nhiều em sẽ giảm bớt sự hứng thú, hưng phấn khi học
(bởi vì đa số những điều được học các em đã biết trước rồi). Đó là một điều mà chúng ta
cũng cần đặc biệt lưu ý. Chưa kể đến việc đại đa số học sinh bây giờ đều có điện thoại
thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng, việc lên mạng để tải các bài giảng rồi trả lời
cho những câu hỏi mà thầy cô cho về nhà trở nên hết sức dễ dàng. Nếu không khéo,
chúng ta sẽ hình thành ở các em kĩ năng “đối phó”, “học vẹt”, “đạo văn” của người khác
mà không thực sự đọc hiểu và tư duy.


Trong vài năm trở lại đây, xu hướng chung là dạy học giảm tải cho học sinh. Muốn làm
được điều đó thì khâu hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà cũng cần phải giảm tải theo.
Việc chuẩn bị bài ở nhà như ta biết gồm có hai phần việc là việc học bài cũ và chuẩn bị
bài mới. Việc học bài cũ là chắc chắn phải làm để giúp học sinh nắm được những gì đã
học. Khâu này muốn giảm gánh nặng cho học trò thì tôi nghĩ không có cách nào khác


ngoài việc thầy cô cần cải cách việc soạn giáo án sao cho nội dung bài học thực sự tinh
gọn mà vẫn đảm bảo (theo chuẩn kiến thức – kĩ năng của Bộ ban hành). Nhiều thầy cô do
“tham” kiến thức, sợ thiếu ý,… nên soạn giáo án quá dài và chi tiết. Điều này vừa làm
quý thầy cô dạy rất mệt (vì sợ “cháy” giáo án) vừa làm học sinh sợ khi phải học bài quá
nhiều. Phần việc thứ hai là việc chuẩn bị bài mới. Nhiều thầy cô thường dặn học sinh
chuẩn bị cho tiết giảng văn rất nhiều việc như : đọc phần Tiểu dẫn và Văn bản, tóm tắt cốt
truyện hoặc nêu nội dung chính của tác phẩm, trả lời các câu hỏi phần Hướng dẫn học
bài, tìm dẫn chứng, trả lời những câu hỏi khác,… Tôi cho rằng như vậy là quá nhiều. Đối
với những tiết giảng văn, chúng ta chỉ nên dặn các em đọc bài trước. Đó là điều tiên
quyết và giáo viên nên có cách kiểm tra việc làm này của các em ở tiết sau để đảm bảo là
các em phải làm. Ví dụ như khi kiểm tra bài cũ thầy cô có thể lồng vào câu hỏi bài mới (ở
mức độ đơn giản, như hỏi về một chi tiết trong tác phẩm). Nếu học sinh trả lời được (có
nghĩa là có đọc bài trước) thì sẽ được cộng điểm thêm, ngược lại thì không đạt yêu cầu.
Việc thứ hai mà người dạy có thể yêu cầu các em thực hiện là cho các em tóm tắt cốt
truyện hoặc nêu nội dung chính của văn bản hoặc chia bố cục của văn bản. Những việc
còn lại như trả lời câu hỏi phần Hướng dẫn học bài cũng có thể cho học sinh làm nhưng
không nhất thiết buộc các em phải trả lời hết. Những vấn đề còn lại hãy để đến tiết học
thầy và trò cùng nhau giải quyết. Có như vậy, chúng ta mới tạo được tâm lý náo nức
muốn học cái mới của học sinh, mới kích thích các em cùng tham gia giải quyết những
câu hỏi có vấn đề phát sinh trong tiết học, để các em không thấy nhàm chán vì “thầy cô
dạy mình cái mình đã biết” và cũng để các em không lên mạng sao chép một cách máy
móc những câu trả lời có sẵn. Đối với những tiết Tiếng Việt và Làm văn cũng thế. Theo
tôi, giáo viên chỉ nên hướng dẫn học sinh đọc bài trước rồi trả lời các câu hỏi trong bài

(hoặc tóm tắt bài học theo những đề mục). Còn phần bài tập, không nên cho học sinh làm
hết (thậm chí có thể không cần cho học sinh làm trước bài nào). Thứ nhất, vì các em chưa
học, chưa thực sự có kiến thức và kĩ năng nên việc làm bài tập trước là rất khó khăn (nếu
tự làm). Thứ hai, cũng như trên là nếu các em làm hết các phần việc ấy rồi thì vào lớp còn
gì để làm ? Như vậy sẽ gây sự nhàm chán và triệt tiêu tính tư duy cho người học. Đối với
những bài tập nào cần nhiều thời gian (mà trên lớp làm không kịp) thầy cô mới cần phải
cho người học làm ở nhà. Đối với những bài đơn giản nên để cho học sinh làm tại chỗ để
rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng tư duy, kĩ năng làm việc nhóm và kĩ năng thuyết
trình thông qua phương pháp thảo luận,… Điều đó chắc chắn sẽ làm cho tiết học trở nên
sinh động và hiệu quả hơn !
(Người viết : Lê Minh Giang – Giáo viên Ngữ văn trường THPT Quốc Thái, An Phú, An
Giang – Điện thoại : 01267.567.068)



×