Tải bản đầy đủ (.docx) (19 trang)

ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG TÔN GIÁO GẮN LIỀN VỚI TỘC NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.69 KB, 19 trang )

ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG TÔN GIÁO GẮN LIỀN VỚI TỘC NGƯỜI VIỆT
Ở NAM BỘ
CHARACTERISTICS OF THE RELIGION ASSOCIATED WITH THE
SOUTHERN OF VIETNAM
ThS Nguyễn Thị Xuân
Cơ sở II Trường đại học Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh
TÓM TẮT
Nam Bộ là vùng đất cộng cư của các tộc người Việt, Chăm, Khmer, Hoa. Từ đó
tạo nên những nét đặc sắc và phong phú cho văn hóa, tín ngưỡng của khu vực này.
Suốt một thời gian dài trong lịch sử cộng đồng người Việt ở Nam Bộ không có một hệ
tư tưởng hay tín ngưỡng chủ đạo chi phối mà nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo mới – cũ
cùng đan xen, cùng tác động lên đời sống tâm linh của họ. Với chính sách cai trị bảo
thủ của nhà Nguyễn và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đã đẩy nông dân Nam Bộ
vào cảnh điêu đứng. Sự áp bức về tinh thần, sự nghèo khổ về kinh tế đã khiến nông
dân Nam Bộ trở nên lạc lõng, bơ vơ giữa cuộc sống thực tại. Và cách để họ giải thoát
cho mình, đó chính là tìm đến thế giới tâm linh với tinh thần chủ động và tự nguyện.
Đây chính là mảnh đất nảy sinh các tôn giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu
Nghĩa, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo tạo nên một dòng chảy trong tâm thức của người
Việt ở Nam Bộ. Các tôn giáo này ra đời thể hiện niềm tin, sự nỗ lực, khát khao khẳng
định vị trí, vai trò của mình đối với vùng đất mới. Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết
sẽ làm rõ một số đặc điểm của dòng tôn giáo gắn với tộc người Việt ở Nam Bộ.
Từ khóa: Đặc điểm, tôn giáo, người Việt, Nam Bộ
ABSTRACT
The Southern of Vietnam which is inhabited by some people such as Vietnamese,
Cham, Khmer and Chinese. Therefore, it has created many unique and various cultures
and believes of their region. For a long time in the history of the Vietnamese
community, there were not main ideology or believes have influenced; however, the
old ideology and the new ideology were mixed, impacted together. Because of the
Nguyen Dynasty’s conservative policy, the French patrolled and fought, they pushed
the Southern peasants into hardship. Spiritual oppression and the economic poverty
had made Southern peasants became lost, homeless. And the good way to help them be


1


freedom is to seek the spiritual world voluntarily. There is a religion which arise a
religious which Vietnamese of the Southern from Buu Son Ky Huong, Tu An Hieu
Nghia, Cao Dai, Hoa Hao Buddhism. These religious expressed believes, efforts to
assert their position, role for new region. In the scope of the study, the article will
clarify some characteristics of the religious associated with the Southern of Vietnam.
Keyword: Characteristics, religion, Vietnamese, Southern of Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tôn giáo không chỉ là một hình thái ý thức xã hội mà còn là một hiện tượng văn
hóa xã hội đã tồn tại hàng vạn năm cùng với lịch sử loài người. Với những thăng
trầm của lịch sử, một tôn giáo cụ thể cũng có lúc thịnh lúc suy nhưng tôn giáo luôn
đồng hành cùng với đời sống xã hội. Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là vùng
đất cộng cư của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa. Vì vậy đã tạo nên những nét đặc
sắc và phong phú cho văn hóa, tín ngưỡng của khu vực này. Suốt một thời gian dài
trong lịch sử cộng đồng người Việt ở Nam Bộ không có một hệ tư tưởng hay tín
ngưỡng chủ đạo chi phối mà nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo mới – cũ cùng đan xen, cùng
tác động lên đời sống tâm linh của họ. Trong khi các lưu dân có nhu cầu rất lớn về tín
ngưỡng, tâm linh thì những tôn giáo truyền thống trước đây (Nho, Phật, Lão) đã không
đáp ứng được cho họ. Với chính sách cai trị bảo thủ của nhà Nguyễn, sự đàn áp dã
man của thực dân Pháp đã đẩy nông dân Nam Bộ vào cảnh điêu đứng. Không còn cách
nào khác họ phải cầm vũ khí đứng lên nhưng tất cả đều thất bại. Sự áp bức về tinh
thần, sự nghèo khổ về kinh tế đã khiến nông dân Nam Bộ trở nên lạc lõng, bơ vơ giữa
cuộc sống thực tại. Và cách để họ giải thoát cho mình, đó chính là tìm đến thế giới tâm
linh với tinh thần chủ động và tự nguyện. Ở đó họ gửi gắm những ước mơ, khát vọng
mà đời sống hiện thực không thể mang lại cho họ. Đây chính là mảnh đất nảy sinh
Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
gồm: đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa
Hảo. Các tôn giáo này ra kế tiếp nhau, tạo nên một dòng chảy không ngừng trong tâm

thức người Việt ở Nam Bộ. Dòng tôn giáo này thể hiện niềm tin, sự nỗ lực, khát khao
khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với vùng đất mới. Các tôn giáo mới này vừa
mang những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam nhưng cũng mang một sức sống
mới ở vùng đất mới.
2


Trong phạm vi của bài nghiên cứu cả bài viết tác giả sẽ làm rõ một số đặc điểm
cơ bản của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ.
1. Khái niệm dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ

Tôn giáo thuộc lĩnh vực tinh thần của văn hóa được hình thành trong lịch sử. Một
mặt, nó phản ánh quan niệm và cách ứng xử với lực lượng siêu nhiên mang tính thiêng
liêng, mặt khác nó phản ánh quan niệm và cách ứng xử về chuẩn mực luân lý, đạo đức
lối sống theo cung cách của nền văn hóa mà nó chịu tác động. Vì vậy, tôn giáo dù
được xem xét ở phương diện nào đi nữa đều có mối quan hệ mật thiết với văn hóa và
có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. “Tôn giáo là sản phẩm
cụ thể của nhân loại, được xem như là niềm tin và các dạng hành vi mà con người sử
dụng để cố gắng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống”1. Xuất phát từ quan niệm
về văn hóa tôn giáo, các nhà nghiên cứu về văn hóa đều cho rằng đặc trưng của mọi tín
ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là dung hợp, pha trộn và chúng chịu sự nhào nặn của văn
hóa. Như Ninian Smart cho rằng “Tôn giáo chịu sự nhào nặn không ngừng của văn
hóa do vậy khía cạnh văn hóa của tôn giáo như một con giao hai lưỡi. Một mặt nó có
thể là nhân tố mở rộng tích cực, song mặt khác nó có thể dẫn đến thái độ cực đoan, co
mình lại”2.
Nam Bộ là một vùng văn hóa đa dạng mặc dù có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn
nhau. Song văn hóa tộc người đã quy định tính chất của tín ngưỡng, tôn giáo của các
dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer từ đây hình thành một vùng văn hóa vừa đa dạng
vừa thống nhất. Tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc vùng Nam Bộ là không thể trộn
lẫn. Chính trên cơ sở thống nhất, đa dạng này đã làm xuất hiện trong lịch sử một

Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ. Có thể tạm định nghĩa như sau:
“gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ là những hình thức dung hợp tín ngưỡng, tôn
giáo phản ánh được nhào nặn bởi truyền thống, giá trị văn hóa tôn giáo của một cộng
đồng dân tộc trong vùng văn hóa đa dạng về tôn giáo và tộc người”. Các hình thức tôn
giáo này có những đặc điểm, giá trị chung chúng luôn kế thừa và phát triển kế tiếp
nhau tạo thành một dòng chảy văn hóa – tôn giáo mang tâm thức của người Việt ở
1. Đỗ Quang Hưng (2005), Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, tr.155.
2.Ninian Smart (1988), The World’s Religions, Cambridge University Press, pp 35.

3


Nam Bộ khởi đầu từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài và
Phật giáo Hòa Hảo.
2. Khái quát điều kiện kinh tế - xã hội ra đời của dòng tôn giáo gắn liền với tộc

người Việt ở Nam Bộ
Nguồn gốc kinh tế - xã hội không phải là tiền đề trực tiếp hình thành nên tôn
giáo, tuy nhiên việc nghiên cứu nguồn gốc này sẽ là cơ sở vô cùng quan trọng, bởi nó
là nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo. Giáo sư
S.A.Tocarev lí giải tôn giáo như một hiện tượng xã hội và với ý nghĩa đó, nguyên
nhân của sự ra đời của các tôn giáo cũng phải xem xét trong bối cảnh xã hội nhất
định. Không đặt trong một khung cảnh xã hội nhất định với các mối liên hệ, chúng ta
sẽ không có cơ sở để lý giải các hiện tượng xã hội có liên quan đến sự ra đời của tôn
giáo đó. Lênin đã viết: “Sự sợ hãi trước thế lực mù quáng của Tư bản – mù quáng vì
quần chúng nhân dân không thể đoán trước được nó – là thế lực bất cứ lúc nào
trong đời sống của người vô sản và người tiểu chủ, cũng đe dọa và đang đem lại cho
họ sự phá sản “đột ngột”, “bất giờ”, “ngẫu nhiên” làm cho họ phải diệt vong, biến
họ thành một người ăn xin, một kẻ bần cùng, một gái điếm, và dồn họ vào cảnh chết

đói, đó là nguồn gốc sâu xa của một tôn giáo hiện đại mà người duy vật phải chú ý
đến trước hết và trên hết nếu người ấy không muốn mãi mãi là một người duy vật sơ
đẳng”3. Trong các xã hội có đối kháng giai cấp, sự áp bức giai cấp, chế độ người bóc
lột người là nhân tố quan trọng làm nảy sinh nhận thức và niềm tin tôn giáo.
Do đó khi nghiên cứu về Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ
chúng ta không thể tách rời việc nghiên cứu bối cảnh kinh tế - xã hội.
Về kinh tế, đặc điểm nổi bật về kinh tế là quá trình khẩn hoang của lưu dân trong
buổi đầu mở đất. Tiếp đó lại là quá trình bóc lột hết sức dã man, tàn bạo của chế độ
nửa thực dân - phong kiến.
Thế kỉ XVII - XVIII đã diễn ra sự phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến
Trịnh – Nguyễn, cảnh vơ vét bóc lột và tranh giành nhân vật lực cùng các chính sách
thuế khóa nặng nề, việc cướp đoạt ruộng đất, ức hiếp dân lành và nạn phu dịch của
hai tập đoàn này đã đẩy những người dân vô tội vào con đường cùng, buộc họ phải
đứng lên chống lại sự hà khắc đó để rồi bị đàn áp hoặc tìm con đường sống khác tự
3. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.71.

4


do hơn: “Những người nông dân và thợ thủ công nghèo khổ ở các tỉnh phía ngoài bị
cùng cực điêu đứng vì tai nạn chiến tranh, bị giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột tàn
bạo, không thể sống nổi, buộc lòng phải rời bỏ quê hương, làng xóm (..) di cư vào
các vùng đất mới xa xôi đi tìm con đường sống”4. Lúc này họ chỉ còn lối thoát duy
nhất là rời bỏ quê nhà đi tìm miền đất mới, nơi dung thân lý tưởng nhất lúc này
không đâu bằng vùng đất hoang vu ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Cửu Long.
Những cư dân đầu tiên ở Nam kỳ đã đổ bao mồ hôi, xương máu, thậm chí cả mạng
sống của mình để khai khẩn đất hoang. Với trình độ sản xuất của lưu dân lúc bấy giờ
vẫn còn thấp chủ yếu dựa trên lối sản xuất tiểu nông, tự phát. Bên cạnh đó, quá trình
khai phá vùng đất mới hoang sơ thiếu các tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt cần thiết
phục vụ cho quá trình sản xuất nên đời sống lưu dân ngày càng thêm khó khăn.

Chính trong môi trường thiên nhiên đầy khắc nghiệt, điều kiện vật chất thiếu
thốn, đầy rẫy những bất trắc dần tác động đến tâm thức lưu dân. Dường như có một áp
lực vô hình nào đó đang hiện hữu xung quanh cuộc sống của họ. Con người trở nên
nhỏ bé trước thiên nhiên, bị bào mòn sức lực qua lao động, điều kiện sinh sống và ăn
uống thiếu vệ sinh, sức đề kháng của cơ thể dễ bị tổn thương gây ra bệnh tật. Xa thầy,
xa thuốc cũng khiến họ hướng về tâm linh, nhờ đấng siêu nhiên cứu độ. Ngoài ra hậu
quả của những trận thiên tai, mất mùa, dịch bệnh cũng gieo rắc trong tiềm thức của
nông dân Nam Bộ sự bất lực trước sức mạnh của các thế lực vô hình đè nén lên cuộc
sống của họ.
Bước sang thế kỉ XX với hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, chúng
đã tiến hành đầu tư ồ ạt vào các ngành kinh tế Việt Nam với tốc độ nhanh hơn và quy
mô rộng lớn. Nếu trong cuộc khai thác lần thứ nhất, số vốn đầu tư của tư bản Pháp tập
trung chủ yếu vào các ngành khai thác mỏ và giao thông vận tải. Thì ở cuộc khai thác
thuộc địa lần thứ hai tư sản Pháp lại đổ xô vào kinh doanh nông nghiệp song song việc
tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác khoáng sản.
So với các ngành kinh tế khác, nông nghiệp là ngành được thực dân Pháp chú
trọng đầu tư khai thác nhiều hơn cả nên số vốn Pháp bỏ vào nông nghiệp tăng lên gấp
nhiều lần so với trước. Với vốn đó thực dân Pháp ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông
4. Nguyễn Phan Quang (1995), Về cuộc vận động chống Pháp của Lê Công Chánh trên địa bàn Nam Kỳ, Tạp
chí nghiên cứu lịch sử, số 4, Viện Sử học, Hà Nội, tr.121.

5


dân để lập đồn điền trồng lúa, các chủ người Pháp cũng như người Việt vẫn thực hiện
canh tác và bóc lột theo kiểu phong kiến, nghĩa là vẫn giao ruộng đất cho các gia đình
nông dân sản xuất rồi thu tô thuế. Mức tô mà người nông dân phải nộp từ 50-75% hoa
lợi thu hoạch được. Chưa hết chính quyền thực dân tìm cách bắt buộc nhân dân mua các
loại công trái, quốc trái để lấy tiền xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu
quân sự, ngoài ra chúng còn thi hành một chế độ mộ phu cực kỳ man rợ.

Rõ ràng hoàn cảnh kinh tế là một trong những nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời
của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ. Nhưng nó không phải là
nguyên nhân trực tiếp và duy nhất. Bởi nhân tố kinh tế không thể hình thành biểu
tượng, cảm xúc, tình cảm tôn giáo mà chỉ là một điều kiện tiên quyết nhất cho sự xuất
hiện của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ. Vì khi nói đến nguồn
gốc của tôn giáo cần nhắc đến bối cảnh chính trị, xã hội Nam Bộ lúc bấy giờ.
Về chính trị, trong xã hội lúc bấy giờ tồn tại đa dạng nhiều mâu thuẫn nhưng mâu
thuẫn cơ bản chi phối đời sống xã hội là mâu thuẫn giữa nông dân Nam Bộ với tầng lớp
thống trị phong kiến triều Nguyễn và thực dân Pháp.
Dưới chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp và sự nhu nhược của triều đình
nhà Nguyễn, xã hội Nam Bộ bị phân hóa thành nhiều giai cấp. Chính sách của thực dân
Pháp đối với các tầng lớp khác nhau trong xã hội có sự phân biệt. Tất cả người Pháp đều
được ưu tiên trong mọi vị trí, mọi công việc và thời gian, người Việt bị coi thường và
khinh rẻ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân vô cùng khó khăn, nhất là giai cấp nông
dân. Nông dân là giai cấp cơ bản và đông đảo nhất. Vấn đề quan trọng hàng đầu của
nông dân là ruộng đất – tư liệu sản xuất chính và cũng là nguồn sống chính của họ.
Nhưng những nguyện vọng chính đáng của họ không được đáp ứng. Vì vậy họ phản
kháng lại ở nhiều mức độ khác nhau như đòi chia lại ruộng đất, dời làng đi lưu tán, tham
gia vào các cuộc khởi nghĩa nông dân. “Suy cho cùng đây cũng là hệ quả của sự phát
triển các quan hệ ruộng đất nhưng lại diễn ra trong bối cảnh không bình thường vì thế
sự phát triển của nó trở nên không lành mạnh”5.
Bước sang những năm cuối thập niên 20 của thế kỉ XX do ảnh hưởng khủng
hoảng kinh tế thế giới, ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng có nhiều nhà máy,
5. Nguyễn Phan Quang (1995), Về cuộc vận động chống Pháp của Lê Công Chánh trên địa bàn Nam Kỳ, Tạp
chí nghiên cứu lịch sử, số 4, Viện Sử học, Hà Nội, tr. 57.

6


xí nghiệp, đồn điền đã bị thu hẹp quy mô sản xuất, hàng vạn công nhân bị sa thải, các

tầng lớp lao động khác như tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, viên chức, trí thức
cũng sống điêu đứng, địa chủ nhỏ cũng bị sa sút. Một số tư sản dân tộc bị phá sản,
điền chủ bị vỡ nợ, điền sản của họ bị tịch thu, đời sống của người tá điền được miêu
tả như sau “Họ chỉ bắt tay làm mùa được, khi nào người điền chủ cho họ vay 35 giạ
lúa ăn và 5 đồng bạc. Chủ điền đã phá sản, lúa đâu, tiền đâu để họ vay? Mỗi năm
trung bình họ gặt được 300 giạ, sau khi thanh toán sở phí, nợ nần, thì chỉ còn dư có
37 giạ rưỡi (Trên 1/10 huê lợi). Với 37 giạ ấy tức là 37 cắc, làm sao họ sống được
trọn năm? Làm sao tìm ra một lối thoát. Đời không còn là đời thịnh trị…Hồi nào đất
Hậu Giang là rừng vàng biển bạc, bây giờ trở thành nơi đói khổ nhất”6.
Bên cạnh sự áp bức, bóc lột của chế độ nửa phong kiến – thực dân thì mất mùa và
dịch bệnh kéo dài đã đẩy nhân dân Nam Kỳ vào thảm cảnh đói kém, dịch bệnh và chết
choc. Sử triều Nguyễn ghi rõ: “Từ tháng 3 năm Kỷ Dậu (1849) đến tháng 3 năm Canh
Tuất (1850) nhân dân Tả Hửu 2 kỳ và 6 tỉnh Nam Kỳ bị nhiễm khí dịch nặng nề. Bộ Hộ
thông tính các hạt Nam Bắc bị chết cộng 589.460 người. Triều đình lo lắng sai Tả Tham
Tri Bộ Hộ là Tôn Thất Thường đến miếu Đô Thành Hoàng; Phó Đô Ngự Sử Viện Đô Sát
là Bùi Quĩ đến miếu Hội Đồng, kinh doãn là Võ Trọng Bình đến đền Thái Dương Phu
Nhân, đều làm lễ cầu đảo. Vua lại sai hiệp biện đại học sĩ lãnh thượng thư bộ Công là
Nguyễn Tri Phương sung làm kinh lược đại sứ Nam Kỳ, cầm phù tiết đến nơi, để làm
việc lợi, bỏ việc tệ, họp yên dân”7. Đi kèm với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh là nạn đói triền
miên đã gây không ít thống khổ cho nhân dân lao động đã xô đẩy hàng ngàn nông dân
phải rời bỏ quê hương đi phiêu tán. “Ngay cả vùng Gia Định đất rộng người thưa mà
vào năm 1854 đã có tới 2 vạn dân phiêu tán”8.
Trong thời gian này phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, trong đó có
hình thức tôn giáo cứu thế đang phát triển mạnh mẽ góp phần tác động đến phong trào
giải phóng dân tộc ở Việt Nam nhất là Nam Bộ. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra
6. Trần Thu Lương – Võ Thành Phương (1991), Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 – 1873), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,
tr.132
7. Trương Văn Chung (2014), Chủ nghĩa hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và trên thế giới,
Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 185.
8. Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang (1997), Tình trạng ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều

Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, tr. 120

7


khắp nơi, liên tục và thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.Trong khoảng
thời gian nửa thế kỉ dưới triều Nguyễn đã có 415 cuộc khởi nghĩa nổ ra ở cả ba miền
Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của nhà nho, đồng bào các dân tộc thiểu số. Có những
cuộc khởi nghĩa kéo dài hàng chục năm, với những trận đánh lớn làm rung chuyển một
vùng như khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo nổ ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các
cuộc khởi nghĩa đã gây được tiếng vang ở khu vực Nam Bộ những năm đầu Triệu Trị
như cuộc khởi nghĩa ở Ba Xuyên (Sóc Trăng), ở Thất Sơn (An Giang) và Hà Âm, Hà
Dương (Kiên Giang) đánh dấu một chuyển biến quan trong trong cục diện đấu tranh của
nhân dân Nam Bộ.
Như vậy khởi nghĩa nông dân trước hết là sự phản ánh tình hình kinh tế - xã hội
thời kỳ này đồng thời là phản ứng của nhân dân trước chính sách cai trị hà khắc của
triều đình nhà Nguyễn và sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp. Tuy nhiên ngọn lửa
đấu tranh của các phong trào nông dân đã hoàn toàn mất tác dụng trước sức mạnh
quân sự của kẻ thù mạnh từ phương Tây đến, giữa một bên “bạch khí”9 một bên là
“hỏa khí”nhưng nhân dân ta vẫn một lòng nồng nàn yêu nước, vẫn mang ý chí quật
cường trong hoàn cảnh “Ngọn lửa có xuống nhưng than vẫn còn hồng”10. Mặc dù bị
đàn áp khủng bố dã man, nhưng ý chí quật cường vẫn còn đó, nhân dân ta vẫn ngày
đêm chờ đợi một vận hội mới đứng lên giành quyền sống, quyền tự do. Một khi chưa
có con đường đấu tranh phù hợp, ắt sẽ có một chỗ dựa mới để làm niềm an ủi trong lúc
“tuyệt vọng”. Từ sự khủng hoảng niềm tin ở bản thân và xã hội đã dẫn dắt lưu dân tìm
đến niềm tin tôn giáo để cứu rỗi nhưng các tôn giáo truyền thống lúc bấy giờ thể đáp
ứng nhu cầu tâm linh nên họ phải tìm đến tôn giáo khác nhằm đạt được trạng thái cân
bằng trong cuộc sống. Đó chính là điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời của Dòng
tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (còn gọi là Phật Thầy Tây

An) khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến (nay là Tây An cổ tự, xã Long
Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 11.

9 . Bạch khí là những vũ khí thô sơ, trái với hỏa khí là những vũ khí tiến bộ từ nền khoa học kỹ thuật

các nước tư bản phương Tây đem đến.
10. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, tập Hạ, Nxb. Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn,
tr.529

8


Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời tháng 5 năm 1867 tại Cù Lao Ba (huyện An Phú,
tỉnh An Giang này nay) do ông Ngô Lợi sáng lập. Ông sinh tại Mỏ Cày – Bến Tre 12.
Ông là sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho – Tiến Giang bị giặc
truy nã, ông chạy vào vùng Thất Sơn – Giang Giang ẩn thân. Khi mới ra đời đạo Tứ
Ân Hiếu Nghĩa được ông Ngô Lợi gọi là đạo thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của
mình là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Đầu thế kỷ XX, phong trào Thông linh học của phương Tây phát triển nhanh tại
Nam Bộ, tạo hành phong trào cầu cơ, chấp bút gọi tắt là “cơ bút”. Trong các đàn cơ
này, có hai nhóm chính hình thành đạo Cao Đài. Nhóm thứ nhất do ông Ngô Minh
Chiêu cầu cơ tại các đền, chùa thuộc các nhóm Ngũ chi Minh đạo. Nhóm thứ hai
gồm ba ông: Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc tổ chức xây bàn cầu cơ
nhằm mục đích giải trí. Đến ngày 12 tháng 02 năm 1926 trong một bài cơ Đức
thượng đế đã phán dạy hai nhóm cơ bút thống nhất hình thành đạo Cao Đài. Ông
Ngô Minh Chiêu được thiên phong phẩm vị Giáo tông đầu tiên của đạo Cao Đài.
Ngày 07 tháng 10 năm 1926, 28 người đại diện cho 247 tín đồ đã thống nhất ký tên
vào Tờ khai đạo gửi chính quyền Pháp. Giữa tháng 11 năm 1926, những chức sắc
Thiên phong đầu tiên của đạo Cao Đài tổ chức lễ khai đạo tại chùa Gò Kén, Tây
Ninh, chính thức cho ra mắt Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ, gọi tắt là đạo Cao Đài.

Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo ra đời ở Nam Bộ năm 1939, có số lượng tín
đồ tương đối lớn và là một trong nhưng tôn giáo ở Việt Nam đã có tổ chức hoạt động
hợp pháp. Người sáng lập đạo và ông Huỳnh Phú Sổ, quê làng Hòa Hảo, quận Tân
Châu, tỉnh Châu Đốc nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
3. Đặc điểm của dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ

3.1 Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính chính trị
Có một hiện tượng nổi lên trong sinh hoạt tư tưởng, chính trị đúng hơn là trong
phong trào chống Pháp của dân tộc ta từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX là một số
phong trào dân tộc có xu hướng dựa vào sự yểm trợ của thần linh, mang màu sắc tôn
giáo sáng thế. Ở Bắc Kì và Trung Kì đó là Kỳ Đồng – Mạc Đĩnh Phúc (Thái Bình, Bắc
11. Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (1992), Nghìn năm bia miệng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tập 2,
tr.160
12. Đinh Văn Hạnh (1996), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (1867 -1975), Luận án
Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện khoa học xã hội tại Tp.Hồ Chí Minh, tr.46

9


Giang, Quảng Yên, 1887 -1897), “Giặc chày vôi” (Huế - 1886), Bạch Xỉ (Hà Tĩnh,
1885). Trong khi đó ở Nam Kỳ còn sôi động hơn rất nhiều với sự khởi đầu là đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo.
Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ ra đời trong hoàn cảnh đất
nước bị nô lệ, nhân dân khắp cả nước đang sục sôi ý chí chống giặc ngoại xâm, giành
độc lập tự do cho dân tộc. Những gì mà con người chẳng giành được bằng bàn tay của
chính mình ở thế giới hiện thực lại được bù đắp bởi lòng bao dung của Trời, Phật ở thế
giới mai sau. Những người sáng lập các tôn giáo đã sớm nắm bắt được nguyện vọng
của người dân Nam Bộ, nên họ nhanh chóng hướng giáo lý của đạo do mình sáng lập
vào chủ đề quốc gia, dân tộc đề cao tinh thần yêu nước thương dân, đấu tranh chống
giặc ngoại xâm đòi tự do và hạnh phúc.. Tính chính trị của Dòng tôn giáo gắn liền với

tộc người Việt ở Nam Bộ thể hiện ở những khía cạnh sau. Một là, hình thành các tổ
chức có vũ trang, quân sự đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai là, luôn thể
hiện ước mơ, khát vọng về một nước Việt Nam cường thịnh sánh vai với các cường
quốc trên thế giới.
Sự ra đời của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là sự phản kháng tất yếu của nông dân
Nam Bộ với chính sách cai trị bảo thủ của triều đình phong kiến. Những nghi thức tôn
giáo chẳng qua chỉ là một hình thức để tập hợp nông dân. Trần Văn Thàn là học trò
của Đoàn Minh Huyên, đã tích cực khẩn hoang vùng Láng Linh, ông trở thành nhân
vật mà thực dân Pháp truy nã gắt gao, treo giải thưởng, với chí lớn, không chút bi quan
yếm thế, ông rút lui về Láng Linh để xây dựng mật khu.
Sự phát triển của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn liền với việc xuất hiện nhiều làng tự
trị, tự quản ở vùng Thất Sơn, đã tạo khả năng tập hợp những người nông dân mất
ruộng, nghĩa quân thất trận trong các cuộc chống Pháp…Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khơi
dậy tình yêu xóm làng, quê hương, đất nước từ đó tổ chức mọi người đứng lên xây
dựng hẳn một khu vực dân cư tự trị nằm bên ngoài sự thống trị của thực dân và triều
đình, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của tôn giáo theo hình thức khai hoang,
lập làng. Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã chọn núi Tượng làm địa bàn hành đạo đã thể hiện
được ý đồ lâu dài. Việc cho tín đồ làm chung, ăn chung, tổ chức một cuộc sống theo
hình thức cộng đồng cũng là một trong những biện pháp của Đức Bổn Sư Ngô Lợi
nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tập hợp lực lượng chuẩn bị kháng Pháp.
10


Sau khi khai đạo Huỳnh Phú Sổ đã đi hàng trăm địa điểm khác nhau ở Nam Bộ,
tiến hành hàng ngàn giờ diễn thuyết trước hàng chục lượt người để khuyến nông, để
kêu gọi ủng hộ nạn đói ở miền Bắc, kêu gọi tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm.
“Con người đó thật kì dị. Mỗi ngày đi xe hơi mấy trăm cây số, diễn thuyết hai, ba nơi,
mỗi nơi nói thao thao bất tuyệt trong hai, ba giờ giữa trời trước một đám đông nông
dân hàng ngàn người, ai nấy im phăng phắc như nuốt từng lời một, có kẻ khóc sướt
mướt nữa. Có lần đương diễn thuyết thì trời đổ mưa, thầy Tư Huỳnh Phú Sổ vẫn nói

mà dân chúng vẫn đứng nghe dưới trời mưa. Lần nào diễn thuyết xong rồi cũng lên xe
đi chỗ khác liền, không thấy mệt nhọc, vẫn ung dung làm thơ, mà ăn rất ít toàn đồ
chay. Sinh lực sao dồi dào thế”13.
Bên cạnh đó Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đều có một
tiên tri huy hoàng về tương lai của Việt Nam.
“Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc Tảo khai hội Niết Bàn
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian”14
Đó là dự báo sau này Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới cả về Đạo lẫn
về Đời. Tuy là một nước nhỏ nhưng Việt Nam có thể chiến thắng tất cả, trở thành mẫu
mực để các nước khác học tập. Phải nói rằng, những lời tiên tri này thực sự đã thỏa
mãn khía cạnh sâu xa trong tâm lý của người Việt, hay nói cách khác nó thỏa mãn vô
thức tập thể, hình thành từ những ẩn ức nặng nề của thân phận người dân mất tự do,
luôn mất tự chủ và thiếu tự tin, đã nhờ vào thông điệp tới từ các nhà Tiên Tri để họ nói
hộ nỗi lòng của mình. Những lời tiên tri mang nặng tinh thần tự tôn dân tộc như vậy
không phải chỉ là sản phẩm riêng của các tôn giáo ở Nam Bộ, mà thực ra cũng mang
căn tính dân tộc sâu xa, như một nhu cầu tự cổ xúy mình trong những hoàn cảnh lịch
khốc liệt nhất.
3.2 Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính thiên trọng đạo
đức truyền thống

13. Nguyễn Hiến Lê (1993), Hồi ký, Nxb. Văn học, tr. 238
14. Trần Thanh Phương (1984), Những trang về An Giang, Nxb. Văn nghệ An Giang, tr.48.

11


Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính thiên trọng về đạo
đức truyền thống trong đó có sự kế thừa tư tưởng đạo đức của Nho giáo và Phật giáo đã

được bản địa hóa, với tục thờ cúng tổ tiên, yêu nước thương nòi, theo tam cương ngũ
thường, tam tòng tứ đức. Cái làm nên sắc thái độc đáo ở Dòng tôn giáo này tạo thành
chất keo kết dính cho sự tổng hợp những nguồn tư tưởng khác nhau chính là đạo lý làm
người truyền thống của người Việt. Dòng tôn giáo này đề cao chữ Nhân tức là đạo làm
người. Trong đó nổi bật lên là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật
giáo Hòa Hảo đã đưa ra tôn chỉ Học Phật – Tu Nhân
Tu nhân được cắt nghĩa là rèn sửa tâm tính, làm lành lánh dữ để tích đức. “Tu
nhân trước hết là đem lòng người trở lại đường thiện, sống đúng với đạo làm người
đối với gia đình, xã hội, phù hợp với luân thường đạo lý, theo tiêu chuẩn nhân, nghĩa,
lễ, trí, tín”15. Mục đích tu nhân là làm trọn đạo làm người theo tinh thần Nho giáo.
Theo quan niệm trên đạo Cao Đài cho rằng con người có hai phần, phần xác và
phần hồn. Con người sau khi chết phần xác sẽ mất đi, còn phần hồn thì sống mãi, nếu
có công đức, thực hiện đầy đủ các phương pháp tu học sẽ về sống sung sướng nơi
Bạch Ngọc Kinh, nếu có tội thì vướng mãi trong vòng luân hồi sinh tử, hoặc bị đày
xuống địa ngục. Vì vậy mà “tùy theo sở hành của kiếp vừa qua mà biến hình hoặc giả
ở lơ lửng chốn không trung, nơi mà các điển giao hợp chờ cho đúng thời hạn để được
thăng hay giáng xuống. Vì cớ người trần thế hay gặp nó hiện hình mà cho rằng ma
hay quỷ”16.
Khi Phật giáo Hòa Hảo ra đời, Đức Huỳnh giáo chủ đã nâng học Phật lên một
bước phát triển mới trên cơ sở kế thừa tư tưởng của các tiền bối trước đây là ông Đoàn
Minh Huyên và Đức Bổn Sư Ngô Lợi. Theo Đức Huỳnh giáo chủ, học Phật là nhằm
“Rán vẹt phá sương mù trước mắt, Chớ để cho quỉ dắt linh hồn”17.
Buổi đầu mở cõi Nam Bộ trong những điều kiện gian khổ chống chọi với thiên
nhiên, đã xác lập vai trò của những cá nhân mạnh, những thủ lĩnh vùng, những anh
Hai, những người có khả năng chiêu dân lập ấp, tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống
cộng đồng, giải quyết các tranh chấp... Chính trong hoàn cảnh đó đạo lí làm người có

15. Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn, tr.116
16. Trần Thanh Danh (1926), Cao Đài xuất thế, Tòa thánh Tây Ninh
17. Huỳnh Phú Sổ (1966), Sấm giảng thi văn giáo chủ, Ban phổ thông giao lý trung ương Phật giáo Hòa Hảo


12


một vị trí đặc biệt, có ý nghĩa quyết định sự sinh tồn của những người đi khai hoang
mở đất.
Như vậy Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính thiên
trọng đạo đức truyền thống, chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo. Trong đó thực
hành đạo làm người theo Nho giáo, đời là một lẽ sống hướng thượng, nơi đó con người
trang nghiêm, hạnh đức và hoàn thành đạo Nhân và tu theo con đường Phật dạy để đi
đến giải thoát khỏi vòng luân hồi.
3.3 Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính dung hợp, thực
tế
Thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng, những tôn giáo nội sinh ở một quốc gia thường
phải bám trụ vào ý thức hệ tôn giáo truyền thống, tôn giáo có trước nó và bổ sung
thêm những yếu tố mới để làm thành giáo lý riêng của mình. Dòng tôn giáo gắn liền
với tộc người Việt ở Nam Bộ cũng không tránh khỏi quy luật này. Là một hình thái ý
thức xã hội nên tôn giáo nói chung rất dễ lan tỏa, khuếch tán, thâm nhập và thích nghi
với mọi hoàn cảnh. Sự ra đời của dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ
là kết quả tất yếu trong tiến trình phát triển tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ trên cơ sở
dung hợp Tam giáo và tín ngưỡng dân gian.
Trong khi các tôn giáo truyền thống tỏ ra bất lực trước đời sống hiện thực, không
phù hợp với đời sống lưu dân, dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đã
cố gắng trở về với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trở về với truyền thống, trở về với
hoàn cảnh xã hội mà họ đang sống nhưng lực bất tòng tâm. Vì các tôn giáo truyền
thống vốn đã chứa những tư tưởng đồ sộ và hết sức nhân văn mà các tôn giáo ra đời
sau sẽ khó có thể vượt lên được. Vì vậy, không tránh khỏi sự vay mượn tư tưởng, giáo
lý của các tôn giáo truyền thống, đơn giản hóa tư tưởng, giáo lý, nghi lễ của các tôn
giáo truyền thống, “lấy cái Dụng của các tôn giáo ấy ghép với tư tưởng Việt Nam cổ
truyền, trong đó tư tưởng Phật giáo được vay mượn nhiều hơn cả”18. Sự linh thiêng,

huyền diệu của Đạo, tư tưởng về nhân, nghĩa, lễ của Nho, triết lý nhân bản của Phật,
kết hợp với tín ngưỡng dân gian đã làm sâu sắc, phong phú thêm cho Dòng tôn giáo
gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nói về tính dung
hợp này Sơn Nam cho rằng người Nam Kỳ chịu ảnh hưởng của Tam giáo (Phật, Đạo,
18. Cao Thanh Tân (2000), Bửu Sơn Kỳ Hương – Tôn giáo của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí
dân tộc học (3), tr.78

13


Nho) và họ đã “xây dựng một nếp sống tinh thần khá ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa
huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung can nghĩa khí lúc khó khăn, hiếu
động. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh đạo Phật, Lão, Khổng”19.
Trong đó, dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng
sâu sắc của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo mà những cơ chế đã được bản địa hóa lâu
đời. Riêng đạo Cao Đài lại nhuốm màu sắc đạo giáo về nội dung, phương pháp hành lễ
lấy kinh nghiệm tổ chức của Công giáo, tôn Đấng Chí tôn ngồi trên đài cao, đứng trên
các vị sáng lập các tôn giáo Đông Tây theo nguyên tắc Tam giáo đồng nguyên, ngũ chi
hợp nhất (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, Công giáo và đạo Phong thần của Khương
Tử Nha).
Tính dung hợp của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ được thể
hiện ở cả hai mặt thế giới quan và nhân sinh quan.
Tính dung hợp về mặt thế giới quan của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người
Việt ở Nam Bộ
Quan niệm về thế giới của Dòng tôn giáo - dân tộc ở Nam Bộ được thể hiện khái
quát trong quan điểm về “lý tam nguyên” hay “lý tam ngươn”. Học thuyết này đi vào
lý giải quy luật tuần hoàn của vũ trụ diễn ra theo 3 thời kỳ từ thượng ngươn đến trung
ngươn và đến hạ ngươn. Đạo Cao Đài còn gọi là Tam kỳ phổ độ bao gồm: nhất kỳ phổ
độ, nhị kỳ phổ độ và cuối cùng là tam kỳ phổ độ. Quan niệm trên là sự kế thừa những
tư tưởng của Phật giáo

Theo kinh điển Phật học, từ lúc Phật Thích ca còn đương tiền thuyết Pháp cho
đến khi nhập diệt tới nay chia làm ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.
Trong đó, thời kỳ Chánh pháp là thời kỳ đức Phật còn tại tiền thuyết pháp, các đồ
chúng rất tinh tấn hành y theo Phật pháp, cho nên phần đông được ấn chứng Phật quả.
Thời kỳ này phỏng đoán được 500 năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Thời kỳ Tượng
pháp là thời kỳ sau khi Phật nhập diệt 500 năm, có các đắc quả vị tổ được truyền thừa
nối đuôi nhau mà xiểng dương Phật pháp nhưng so với thời Chánh pháp không bằng.
Ở thời kỳ này, đồ chúng xa dần chánh pháp, nên việc tu hành buông lỏng, kẻ tu thì
nhiều nhưng người đắc quả thì ít. Thời kỳ này dai dẳng được 1000 năm. “Thời kỳ Mạt
Pháp là thời kỳ sau 1000 năm của thời Tượng Pháp, Phật pháp suy vi, đồ chúng đánh
mất chánh tín quay lại tà tưởng, phân nhánh chia rẽ rồi tranh quyền đoạt lợi, lãng
19. Sơn Nam (1971), Miền Nam đầu thế kỉ XIX: Thiên địa hội và cuộc Minh Tân, Nxb. Phù Sa, Sài Gòn, tr.58

14


quên Phật pháp, nên ít có người được chính quả. Thời kỳ này kéo dài 10.000 năm”20.
Song luật tuần hoàn của vũ trụ vẫn không bao giờ dứt. Một khi đi đến chỗ cuối cùng
thì chuyển sang một giai đoạn mới để trở lại chánh pháp rồi tượng pháp và đi đến kết
cục là mạt pháp. Theo truyền thống Phật giáo, Phật Di Lặc là Phật tương lai sẽ thay thế
Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh, trùng hưng Chánh pháp
Trên cơ sở kế thừa vũ trụ luận của Phật giáo nguyên thủy, Dòng tôn giáo gắn liền
với tộc người Việt ở Nam Bộ đã xây dựng thuyết tam ngươn. Từ Thượng ngươn đến
trung ngươn và hạ ngươn. Cuộc sống xoay vần theo quy luật tam ngươn từ thượng
ngươn, đến trung ngươn, đến hạ ngươn rồi lại trở lại thượng ngươn và cứ như thế mãi
mãi. Ví như cái quy luật của tuần hoàn: sanh, lão, bệnh, tử, cái luật xoay vần: thành,
trụ, hoại, không; cái tất yếu trong vạn vật: sinh, trụ, dị, diệt.
Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đã trình bày một hệ thống
vận động biến đổi ngược lịch sử phát triển của loài người từ thấp đến cao. Nếu như
lịch sử phát triển từ hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản nguyên thủy đến hình thức

cao nhất hiện nay là chủ nghĩa cộng sản thì trong quan niệm của họ diễn tiến lịch sử
đang ngược lại từ Thượng ngươn đến Trung Ngươn, Hạ ngươn. Do đó, thế giới quan
Tam Ngươn không đóng vai trò đối với quá trình nhận thức hiện thực khách quan mà
mang đây màu sắc duy tâm, huyền bí, không tưởng và đầy bi kịch đối với lịch sử
nhân loại.
Về nhân sinh quan của dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ. Nếu
như các tôn giáo truyền thống tỏ ra bất lực trước đời sống hiện thực, không phù hợp
với tâm lý lưu dân thì dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ ra đời đã cố
gắng trở về với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trở về với truyền thống, trở về với hoàn
cảnh xã hội đầy bấp bênh mà họ đang sống nhưng lực bất tòng tâm. Vì các tôn giáo
lớn với tư tưởng triết học và nhân văn sâu sắc nên các tôn giáo mới ra đời không thể
vượt lên được. “Vì thế không tránh khỏi sự vay mượn tư tưởng giáo lý các tôn giáo cũ,
đơn giản hóa các tôn giáo cũ trong đó tư tưởng Phật giáo được vay mượn nhiều hơn
cả”21. Sự thiêng liêng huyền diệu của Đạo, tư tưởng về nhân, nghĩa, lễ của Nho. Triết
lý nhân bản của Phật, kết hợp với tín ngưỡng dân gian đã làm sâu sắc thêm giáo lý của
Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ.
20. Kim Hưng (1953), Tận thế và Hội Long Hoa, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn, tr.12
21. Vương Hồng Sển (1990), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.78

15


Về nhân sinh quan, Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đã kế
thừa, thâu hóa đạo Phật ở góc độ từ bi. Đối với đạo Nho mà thực chất là đạo làm
người, Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đã dùng đạo lý của Nho
giáo trong việc xử thế bao gồm “Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức, Trung
dung” là con đường, là khuôn khổ để mọi đẳng cấp trong xã hội hành xử cho hợp với
đạo làm người. Ở đạo giáo là tinh thần vô vi.
Bên cạnh đó tính thực tế của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam
Bộ còn được thể hiện ở các hoạt động khai hoang để mở rộng sản xuất. Các tín đồ tu

hành không thụ động chờ sự hỉ hiến, cúng dường của người khác mà họ cùng nhau
hợp sức để hòa vào cuộc sống lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất để tự nuôi sống
mình. Trong thời chiến nó được thể hiện ở ý chí sục sôi chống giặc ngoại xâm, giành
độc lập tự do cho dân tộc. Trong thời bình tính thực tế của Dòng tôn giáo này được thể
hiện ở các hoạt động “Khai sơn trảm thảo” nhằm phát triển kinh tế, đem lại cơm ăn áo
mặc cho các tín đồ.
Nhìn lại lịch sử Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, với tình hình kinh tế,
chính trị, xã hội và con người thời kì đó, rõ ràng sự ra đời của Dòng tôn giáo gắn liền
với tộc người Việt ở Nam Bộ thể hiện sự nỗ lực, niềm khát khao khẳng định vị trí, vai
trò của mình ở vùng đất mới của nhóm lưu dân Việt ở Nam Bộ. Với những đặc điểm
riêng có của mình ngay từ khi mới ra đời các hình thức cụ thể của Dòng tôn giáo – dân
tộc này đã thu hút được một số lượng lớn tín đồ. Tạo nên một hiện tượng chưa từng
xảy xa trong lịch sử dân tộc và nó cũng không diễn ra ở miền Bắc hay miền Trung mà
chỉ có ở vùng đất Nam Bộ mà thôi. Vì vậy có thề thấy rằng: Dòng tôn giáo gắn liền
với tộc người Việt ở Nam Bộ đóng vai trò là những tổ chức xã hội nhằm tập hợp quần
chúng để mưu cầu những mục tiêu thế tục. Bên cạnh đó, Dòng tôn giáo gắn liền với
tộc người Việt ở Nam Bộ ra đời, là kết quả chủ yếu trong dòng chảy tự chủ của người
Việt Nam đặc biệt là người Việt ở Nam Bộ. Và cũng chỉ ở những điều kiện tự nhiên,
xã hội và lịch sử đặc biệt ở Nam Bộ nó mới đơm hoa kết trái.

3.4 Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tính địa phương
Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ được hình thành trên cơ sở
vay mượn một số quan điểm của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, song về cơ bản nó là
16


một tín ngưỡng riêng của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ vì vậy nó mang tính địa
phương. Tính địa phương được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ xuất hiện là sự phản
ánh điều kiện lịch sử và hoàn cảnh sống của người Việt ở Nam Bộ trên cơ sở dung hợp

và vay mượn các yếu tố của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Việc vay mượn một số yếu
tố đó không có nghĩa nó bắt nguồn từ tôn giáo đó mà chỉ là kết quả tất yếu trong sự
tiến triển tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ.
Hai là, dòng tôn giáo này mang những đặc trưng riêng của Nam Bộ nên tầm ảnh
hưởng của nó có phần hạn chế. Tuy nhiên, đạo Cao Đài là trường hợp ngoại lệ, hiện
nay đạo Cao Đài đã có mặt ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài, thành lập 65 Ban
đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo
Cao Đài)22.
Điều này được lý giải bởi bối cảnh của xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỉ XIX đầu
thế kỉ XX là nguồn gốc cho sự ra đời của dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở
Nam Bộ và cũng chính điều đó lại chế định vùng ảnh hưởng của dòng tôn giáo này.
Mặc dù ra đời và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của một bộ phận nông dân người
Việt ở Nam Bộ nhưng về cơ bản dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ
vẫn dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Vì vậy, Dòng tôn giáo này ra đời trong sự kế
thừa, dung hợp các tôn giáo truyền thống nhưng không đủ mạnh để thiết lập ảnh
hưởng một cách tuyệt đối nên không đủ sức phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống của
người Việt để xác lập vị trí độc tôn
KẾT LUẬN
Kể từ khi ra đời cho đến nay dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ
vẫn luôn khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng
đồng người Việt ở Nam Bộ. Dòng tôn giáo này ra đời chính là một sự cách tân, một
nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ. Tuy nhiên,
sự dung hợp này có sự chọn lọc phù hợp với nhu cầu tâm lý và thị hiếu tín đồ. Vì vậy,
phần lớn tư tưởng, giáo lý của Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ đã
được đơn giản hóa đến mức tối thiểu, dễ dàng thực hành. Nhờ đó mà giáo lý được phổ
biến rộng rãi và có thể đi sâu chiếm được lòng tin của quần chúng tín đồ.

22. />
17



Dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ mang tinh thần nhập thế
tích cực. Các tín đồ không phải phế đời hành đạo hoặc li gia cắt ái để rộng đường tu
hành. Trái lại, các tôn giáo chủ trương tín đồ là cư sĩ tại gia, nghĩa là vừa tu hành vừa
làm tròn nhiệm vụ của một người dân đối với đất nước nước, của một người con đối
với gia đình. Các tín đồ đã dốc lòng tham gia vào các hoạt động khai hoang, lập ấp,
cứu tế những người khó khăn, bệnh tật, khi đất nước nguy biến họ sẵn sàng cầm vũ khí
đứng lên đấu tranh. Từ đó hình thành nên một phong trào nông dân mang màu sắc tôn
giáo ở Nam Bộ.
Trải qua hơn hai thế kỷ khai sinh và phát triển, Dòng tôn giáo gắn liền với tộc
người Việt ở Nam Bộ vẫn duy trì được một số lượng lớn tín đồ theo đạo. Trong đó
tuyệt đại đa số tín đồ là tộc người Việt, nghề nghiệp chủ yếu là nông dân. Họ vẫn đang
sống, làm việc với đức tin cao cả và thực hiện tôn chỉ của tôn giáo mình. Đó là sợi dây
liên kết, gắn bó các tín đồ của từng tôn giáo lại với nhau.
Trong giai đoạn đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội
nhập thế giới và khu vực mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển
khoa học – công nghệ cần quan tâm đúng mức tới vấn đề xã hội – nhân văn trong đó
có tôn giáo nói chung và dòng tôn giáo gắn liền với tộc người Việt ở Nam Bộ nói
riêng. Đó là những tinh hoa, những chất keo kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai. Đó
là một dòng chảy nhân văn mà hiện nay vẫn còn sức hút mạnh mẽ các tín đồ ở khu vực
Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

Trần Thanh Danh (1926), Cao Đài xuất thế, Tòa thánh Tây Ninh

2.

Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (1992), Nghìn năm bia miệng, Nxb. Tp.

Hồ Chí Minh, tập 2.

3.

Đinh Văn Hạnh (1996), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ - Việt
Nam (1867 -1975), Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện khoa học xã hội tại
Tp.Hồ Chí Minh.

4.

Kim Hưng (1953), Tận thế và Hội Long Hoa, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn
18


5.

Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn

6.

Nguyễn Hiến Lê (1993), Hồi ký, Nxb. Văn học

7.

Sơn Nam (1971), Miền Nam đầu thế kỉ XIX: Thiên địa hội và cuộc Minh Tân, Nxb.
Phù Sa, Sài Gòn

8.

Trần Thanh Phương (1984), Những trang về An Giang, Nxb. Văn nghệ An Giang,

tr.48.

9.

Vương Hồng Sển (1990), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh

10.

Huỳnh Phú Sổ (1966), Sấm giảng thi văn giáo chủ, Ban phổ thông giao lý trung

ương Phật giáo Hòa Hảo
11.

Cao Thanh Tân (2000), Bửu Sơn Kỳ Hương – Tôn giáo của người Việt ở đồng

bằng sông Cửu Long, Tạp chí dân tộc học (3).
12.

/>
_dao_Cao_dai

19



×