VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NCS. VŨ THỊ BÍCH QUỲNH
QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT
NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH HỘI
NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
Ngành: Quản lý kinh tế
Mã số: 9340410
LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
Người hướng dẫn khoa học:
1. GS.TS. Dương Thị Bình Minh
2. PGS.TS. Nguyễn Đình Long
HÀ NỘI – Năm 2019
Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI – VIỆN
HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học:
1. GS.TS. Dương Thị Bình Minh
2. PGS.TS. Nguyễn Đình Long
Phản biện 1: PGS.TS. Vũ Sỹ Cường
Phản biện 2: PGS.TS. Trương Quốc Cường
Phản biện 3: PGS.TS. Cao Thị Ý Nhi
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
Vào hồi ............... giờ ............ phút, ngày ......... tháng .......... năm .......
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Học viện Khoa học Xã hội.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quản lý thuế là một dạng của quản lý xã hội kể từ khi có Nhà
nước và gắn với quyền lực Nhà nước. Quản lý thuế là quá trình tác
động của cơ quan quản lý thuế đến người nộp thuế (NNT) nhằm đảm
bảo sự tuân thủ pháp luật thuế. Quá trình tác động của cơ quan quản
lý thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của NNT là quá trình tổ
chức thực hiện các chức năng quản lý thuế như tuyên truyền thuế, hỗ
trợ NNT, quản lý kê khai thuế, kế toán thuế, thanh tra thuế, kiểm tra
thuế, đôn đốc thu nộp và quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế. Quá trình
quản lý của cơ quan quản lý thuế đến NNT nhằm tác động và điều
chỉnh hành vi tuân thủ của NNT theo đúng mục tiêu quản lý thuế.
Quản lý thuế có vai trò quyết định trong việc nâng cao tính
tuân thủ của NNT, đảm bảo nguồn thu từ thuế được tập trung, chính
xác, kịp thời, thường xuyên, ổn định vào ngân sách Nhà nước (NSNN),
đồng thời thông qua quản lý thuế, cơ quan thuế có thể bổ sung, sửa đổi
các luật thuế nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của pháp luật thuế.
Trong công tác quản lý thuế nói chung, quản lý thuế thu nhập
cá nhân (TNCN) có vị trí quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế ở Việt Nam ngày càng diễn ra sâu rộng thì quản lý thuế
TNCN càng cần được quan tâm và nâng cao hiệu quả. Vì hội nhập
kinh tế quốc tế không chỉ tạo cơ sở để gia tăng các nguồn thu nhập cho
các tầng lớp dân cư trong xã hội, mà còn làm phát sinh nhiều hoạt động
kinh tế với quy mô lớn có tính chất phức tạp và lĩnh vực hoạt động đa
dạng. Trong khi đó, công tác quản lý thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay
lại bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế.
Việc lựa chọn vấn đề quản lý thuế TNCN làm chủ đề nghiên
cứu là cần thiết khách quan. Điều đó xuất phát từ những lý do sau đây:
1
Thứ nhất, về phương diện lý luận
Các nghiên cứu cơ sở lý luận về quản lý thuế trước đây đã thu
được những thành tựu đáng kể, đặt nền móng vững chắc cho công tác
quản lý thuế trong hoạt động thực tiễn. Những nghiên cứu này dựa
trên cơ sở lý thuyết sử dụng quyền lực nhà nước để tác động đến hành
vi của NNT nhằm cưỡng chế NNT tuân thủ pháp luật thuế. Kết quả
của các nghiên cứu đều cho thấy phương thức quản lý này có thể tác
động và điều chỉnh đến hành vi NNT, nhưng vẫn thiếu một cơ chế để
đảm bảo thực sự nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT. Đây chính
là phương diện lý luận cần được nghiên cứu làm rõ, đặc biệt là sự tác
động của chức năng quản lý thuế TNCN và các nhân tố ảnh hưởng đến
việc nâng cao tính tuân thủ của NNT cả về định tính và định lượng.
Thứ hai, về phương diện thực tiễn
Trong những năm qua, công tác quản lý thuế TNCN đã được
tổ chức thực thi ở Việt Nam, trong đó có địa bàn Tp. HCM. Việc thực
hiện quản lý này đảm bảo cho các quy định pháp luật về thuế TNCN
đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện các mục tiêu chính sách quốc
gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thuế tại Tp.
HCM cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: hiện tượng trốn lậu thuế
vẫn rất phổ biến, tỷ lệ nợ đọng thuế ngày càng tăng và càng trở nên
phức tạp hơn khi bối cảnh hội nhập và quy mô hoạt động kinh tế ngày
càng mở rộng. Nguyên nhân của thực trạng trên không đến từ sự thiếu
vắng các công cụ quản lý và các hình thức xử lý vi phạm luật thuế mà
ở ý thức và sự tuân thủ của NNT. Điều này cho thấy: việc nâng cao
hiệu lực quản lý thuế cần gắn liền với việc nâng cao ý thức tự tuân thủ
của NNT trên cơ sở sử dụng hợp lý các chức năng và công cụ quản lý
thuế để tác động đến ý thức tự tuân thủ của NNT.
Thứ ba, về cách tiếp cận trong nghiên cứu
2
Việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả quản lý thuế TNCN đã
dành được sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học và quản lý. Trên
các diễn đàn khoa học đã xuất hiện nhiều công trình và đề tài, bài báo
có liên quan đến quản lý thuế TNCN ở Việt Nam trong điều kiện hội
nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ mới phân tích
quản lý thuế TNCN dựa trên nội dung quản lý thuế theo các quy định
của pháp luật. Một số ít nghiên cứu có giải thích mối quan hệ giữa
quản lý thuế và việc nâng cao tính tuân thủ thuế của NNT ở Việt Nam,
song các nghiên cứu này chưa đưa ra được mô hình lý thuyết và không
có kiểm định thống kê, do đó kết quả đạt được là rất hạn chế. Đây
chính là khoảng trống mở ra cơ hội để nghiên cứu sinh (NCS) tiếp tục
nghiên cứu góp phần xây dựng nền tảng khoa học cho công tác quản
lý thuế TNCN tại Việt Nam thông qua việc xây dựng mô hình và kiểm
định mô hình lý thuyết về quản lý thuế TNCN tại Việt Nam.
Vì vậy, việc lựa chọn vấn đề “Quản lý thuế thu nhập cá nhân
đối với người Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế” làm chủ đề nghiên cứu của luận án có ý
nghĩa quan trọng không chỉ làm sáng tỏ thêm về lý luận mà còn góp
phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn đặt ra.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ và câu hỏi nghiên cứu của luận án
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu, khái quát hóa về mặt lý thuyết các phương thức
quản lý của cơ quan thuế đối với NNT, phân tích các mô hình quản lý
thuế TNCN đối với NNT theo các phương pháp định tính và định
lượng, trên cơ sở đó đề xuất áp dụng mô hình tuân thủ trong quản lý
thuế TNCN ở Tp. HCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
3
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về quản lý thuế TNCN nói chung
trong đó tập trung làm rõ mô hình quản lý thuế TNCN theo lý thuyết
hành vi tâm lý phổ biến và lý thuyết hành vi tuân thủ.
- Phân tích định tính về mô hình quản lý thuế TNCN đối với
người Việt Nam tại Tp.HCM trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế,
đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân để có định hướng đổi mới
mô hình quản lý thuế.
- Xây dựng và kiểm định mô hình nghiên cứu định lượng về
quản lý thuế TNCN theo mô hình tuân thủ để đưa ra những hàm ý
chính sách và khuyến nghị về quản lý thuế TNCN theo mô hình tuân
thủ của NNT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
2.3. Câu hỏi nghiên cứu
- Cảm nhận tham nhũng có tác động vào các loại chuẩn mực
của NNT (chuẩn mực bắt buộc, chuẩn mực mô tả, chuẩn mực chủ
quan, chuẩn mực cá nhân) không?
- Các loại chuẩn mực của NNT (chuẩn mực bắt buộc, chuẩn
mực mô tả, chuẩn mực chủ quan, chuẩn mực cá nhân) có tác động vào
dự định tuân thủ thuế TNCN không?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là quản lý thuế TNCN (theo mô hình
tâm lý hành vi phổ biến và mô hình hành vi tuân thủ).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Phạm vi thời gian: tình hình thực tiễn trong giai đoạn 20102018 và đề xuất kiến nghị trong tầm nhìn 2025.
4
- Về quy mô và nội dung: Luận án sẽ nghiên cứu những vấn
đề quản lý thuế TNCN có tác động đến tính tuân thủ của NNT để đổi
mới mô hình quản lý thuế TNCN ở Tp. HCM trong bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế hiện nay.
- Phạm vi khảo sát: cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế
TNCN là người Việt Nam tại Tp.HCM.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Quy trình thực hiện nghiên cứu
4.2. Phương pháp nghiên cứu định tính
Trên cơ sở tổng kết lý thuyết về quản lý thuế TNCN, các mô
hình quản lý thuế TNCN trên thế giới, từ đó NCS tìm mô hình quản lý
thuế TNCN phù hợp ở Việt Nam. Tiếp đến là thông qua phương pháp
tổng hợp, phân tích, thống kê, mô tả, phân tích tình huống quản lý điển
hình nhằm đánh giá thực trạng quản lý thuế TNCN tại Tp.HCM, từ đó
đưa ra đánh giá chung về thực trạng quản lý thuế TNCN tại Tp.HCM
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
4.3. Phương pháp nghiên cứu định lượng
Luận án sử dụng phương pháp khảo sát nhằm thu thập số liệu
và kiểm định mô hình lý thuyết mà luận án đề xuất. Cụ thể: Luận án
tổng kết lý thuyết về quản lý hành vi tuân thủ thuế TNCN của NNT từ
đó đề xuất mô hình nghiên cứu (mô hình cần kiểm định), xây dựng
thiết kế nghiên cứu (gồm: quy trình nghiên cứu, thang đo, đánh giá sơ
bộ thang đo, nghiên cứu chính thức) và phân tích kết quả khảo sát
(kiểm định thang đo bằng mô hình đo lường – confirm factory analysis
(CFA), kiểm định mô hình lý thuyết và giả thuyết bằng mô hình cấu
trúc – structural equation modelling (SEM)).
5
4.3.1. Mẫu nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu sơ bộ định tính được thực hiện bằng phương pháp
phỏng vấn sâu những người trong độ tuổi lao động và có phát sinh thu
nhập chịu thuế (cá nhân kinh doanh, giảng viên chuyên ngành thuế,
cán bộ thuế). Trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ, NCS thiết kế bảng câu hỏi
gồm 31 câu hỏi với 7 mức độ đánh giá.
4.3.2. Thang đo nghiên cứu định lượng
NCS sử dụng thang đo Likert trong luận văn này. Thang đo
Likert thường được dùng để đo lường một tập các phát biểu của một
khái niệm. Đây là thang đo phổ biến nhất trong đo lường các khái niệm
nghiên cứu trong ngành quản lý kinh tế [49].
4.3.3. Kiểm định thang đo bằng CFA
NCS kiểm định mô hình đề nghị bằng phương pháp phân tích
nhân tố khẳng định CFA thông qua phần mềm phân tích cấu trúc tuyến
tính AMOS. Lý do luận án lựa chọn phương này là: phương pháp CFA
trong phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính có nhiều ưu điểm cho phép
NCS kiểm định cấu trúc lý thuyết của các thang đo lường như mối
quan hệ giữa một khái niệm nghiên cứu với các khái niệm khác mà
không bị chệch do sai số đo lường [127].
4.3.4. Kiểm định mô hình lý thuyết và giả thuyết bằng mô
hình cấu trúc SEM
Luận án sử dụng mô hình cấu trúc SEM cho phép NCS tiến
hành các công việc như: kiểm định các giả thuyết về các quan hệ nhân
quả có phù hợp với dữ liệu thực nghiệm hay không; kiểm định khẳng
định các quan hệ giữa các biến; kiểm định các quan hệ giữa các biến
quan sát và không quan sát (biến tiềm ẩn).
Bên cạnh đó, mô hình cấu trúc SEM cung cấp các công cụ có
giá trị về thống kê, khi dùng thông tin đo lường để hiệu chuẩn các quan
6
hệ giả thuyết giữa các biến tiềm ẩn; giúp giả thuyết các mô hình, kiểm
định thống kê chúng; giúp giải quyết một số lượng lớn các biến quan
sát và tiềm ẩn, các phần dư và sai số.
4.4. Dữ liệu nghiên cứu
- Dữ liệu thứ cấp nghiên cứu định tính: các báo cáo tổng kết
công tác thu thuế TNCN, mục tiêu và phương hướng qua các năm
trong giai đoạn 2010-2018 của Cục thuế Tp.HCM; các báo cáo tổng
kết xây dựng Luật quản lý thuế của Bộ Tài chính trong giai đoạn 20102018; các kết quả nghiên cứu từ các luận án tiến sỹ của các trường đại
học về chủ đề thuế TNCN liên quan mật thiết đến luận án của NCS.
- Dữ liệu sơ cấp nghiên cứu định lượng: luận án tiến hành thu
thập dữ liệu từ thị trường thông qua hai bước (sơ bộ và chính thức).
Cụ thể: Nghiên cứu sơ bộ định lượng được thực hiện với người
đi làm có thu nhập chịu thuế (chủ yếu là người làm công ăn lương)
thông qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp với mẫu 101 người. Sau
đó NCS tiến hành hiệu chỉnh thang đo, hoàn chỉnh bảng hỏi, cuối cùng
nghiên cứu chính thức được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn
trực tiếp bằng bảng câu hỏi phỏng vấn.
Kích thước mẫu của nghiên cứu này là 274 người. Nghiên cứu
chính thức được tiến hành tại TP.HCM. Mục đích của nghiên cứu này
nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, khẳng định lại các thành
phần cũng như giá trị và độ tin cậy của các thang đo và kiểm định mô
hình lý thuyết. Luận án đánh giá thang đo thông qua phương pháp độ
tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA. Đồng
thời, luận án được phân tích dựa trên mô hình cấu trúc tuyến tính SEM
để kiểm định mô hình nghiên cứu. Kết quả phân tích mô hình
SEM cho thấy mô hình lý thuyết đề nghị của Luận án đạt độ tương
7
thích với dữ liệu phân tích, 7/17 giả thuyết về mối quan hệ của các
khái niệm trong mô hình lý thuyết đã được chấp nhận.
5. Những đóng góp mới của luận án
Mối quan hệ giữa quản lý thuế TNCN và hành vi tuân thủ của
NNT đã được trình bày chi tiết tại nhiều nghiên cứu. Điểm mới của
luận án là xem xét các nhân tố mới tác động lên hành vi tuân thủ của
NNT như chuẩn mực (chuẩn mực bắt buộc, chuẩn mực mô tả, chuẩn
mực chủ quan, chuẩn mực cá nhân), cảm nhận công bằng về thuế
TNCN, cảm nhận tham nhũng, cũng như đóng góp của những nhân tố
này trong mối quan hệ với quản lý thuế TNCN tại nền kinh tế mới nổi
như Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất các nhóm giải pháp mới
từ việc tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng tới hành vi tuân thủ của
NNT để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý thuế TNCN
của cơ quan thuế và Nhà nước.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
6.1. Về mặt lý luận
- Luận án này tiếp cận theo hướng nghiên cứu hàn lâm nhằm
mục đích mở rộng kho tàng trí thức của ngành khoa học về quản lý
thuế nói chung và quản lý thuế TNCN nói riêng. Kết quả nghiên cứu
mới của luận án chủ yếu nhằm vào mục đích kiểm định các lý thuyết
quản lý thuế trên thế giới để vận dụng vào điều kiện Việt Nam trong
bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, luận án sử dụng kết quả
nghiên cứu để giải thích và dự báo các kết quả thực tiễn trong quản lý
thuế nói chung và quản lý thuế TNCN nói riêng tại Việt Nam. Cần lưu
ý rằng kết quả nghiên cứu của các lý thuyết hàn lâm trong quản lý
không nhằm vào mục đích đưa ra các quyết định về quản lý cụ thể của
các nhà hoạch định chính sách.
8
- Kết quả tìm được của luận án này chỉ giúp các nhà hoạch
định chính sách hiểu biết về các quy luật trong quản lý thuế nói chung
và quản lý thuế TNCN nói riêng để từ đó có thể vận dụng cụ thể vào
việc ra quyết định điều chỉnh chính sách. Chính vì vậy, những giải
pháp đề xuất của Luận án này chỉ mang tính chất gợi mở, các nhà làm
chính sách (Bộ Tài chính chẳng hạn) khi sử dụng kết quả nghiên cứu
này lưu ý là không thể ứng dụng trực tiếp vào để thay đổi chính sách
ngay mà cần phải thông qua những quá trình nghiên cứu, thí điểm và
cũng phải cần nhiều năm mới có thể ứng dụng trong thực tiễn được.
- Luận án đã bổ sung và làm sáng tỏ thêm các vấn đề lý luận
về quản lý thuế TNCN, đặc biệt làm sâu sắc thêm những vấn đề lý
luận về tác động của nhân tố chuẩn mực xã hội, cảm nhận tham nhũng,
cảm nhận công bằng về thuế đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của
NNT. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định các thang đo sử dụng trong
luận án này là có cơ sở khoa học (đã có kiểm định thống kê), các nhà
nghiên cứu có thể dùng cho những nghiên cứu tiếp theo về quản lý
thuế TNCN tiếp theo ở Việt Nam.
6.2. Về mặt thực tiễn
Luận án đề xuất việc tiếp tục nghiên cứu áp dụng mô hình
quản lý thuế TNCN theo mô hình tuân thủ trong thực tiễn quản lý thuế
tại Việt Nam. Nếu được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả kinh tế to lớn,
không chỉ đảm bảo tăng nguồn thu NSNN, góp phần phát triển kinh tế
đất nước mà còn tăng tính tự giác tự tuân thủ nghĩa vụ thuế TNCN của
NNT, tạo cơ sở để thuế TNCN là công cụ phân phối thu nhập công
bằng, góp phần củng cố và phát triển thể chế chính trị - xã hội bền
vững ở Việt Nam. Luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị góp
phần đổi mới quản lý thuế TNCN ở Tp.HCM nói riêng và Việt Nam
nói chung trong thời gian tới.
9
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và đề xuất kiến nghị, kết cấu
luận án bao gồm 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến
quản lý thuế thu nhập cá nhân.
- Chương 2: Cơ sở lý luận về quản lý thuế thu nhập cá nhân.
- Chương 3: Phân tích quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với
người Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Chương 4: Giải pháp tăng cường quản lý thuế thu nhập cá
nhân tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2025.
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ
THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1.1.1. Các công trình trên thế giới
Các học thuyết về quản lý thuế kinh điển của các nhà kinh tế như
Adam Smith, John Maynard Keynes, Paul Samuelson, Arthur Laffer
xem xét quản lý thuế trong mối quan hệ với các vấn đề mang tính
quyền lực nhà nước, tạo sự công bằng và thuận tiện cho NNT. Bên
cạnh đó, hướng nghiên cứu về quản lý thuế theo mô hình tuân thủ cũng
được quan tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung, các học thuyết về quản lý thuế đứng trên quan điểm
của Nhà nước đều cho rằng nghĩa vụ thuế của NNT là đương nhiên.
Do đó, Nhà nước sẽ thông qua các biện pháp tuyên truyền để NNT
thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu NNT không thực hiện nghĩa vụ nộp
thuế sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, nhiều học giả nghiên cứu về quản lý
thuế không cho rằng nghĩa vụ thuế của NNT với Nhà nước là đương
10
nhiên. Để giải thích cho vấn đề này, các học giả đã đi sâu nghiên cứu
hành vi của NNT tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó xây dựng những
luận điểm quan trọng cho việc quản lý thuế theo lý thuyết hành vi tuân
thủ.
1.1.1.2. Các công trình trong nước
Các nghiên cứu về thuế TNCN ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay
chủ yếu tập trung vào phân tích các góc độ quản lý Nhà nước, hoặc về
chính sách, hoặc về cơ chế quản lý thu từ khi Luật thuế TNCN có hiệu
lực, đánh giá thành công và thất bại của chính sách thuế TNCN trong
giai đoạn cải cách thuế hiện nay của Việt Nam. Các nghiên cứu cũng
chỉ rõ, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, một hệ thống thuế
TNCN tốt phải xét đến mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT. Tuy
nhiên, nội dung này chưa được tập trung làm rõ, mà chủ yếu tập trung
vào các vấn đề về xây dựng chính sách thuế TNCN, ban hành luật thuế
TNCN và tổ chức hành thu thuế TNCN.
Đối với hướng tiếp cận quản lý thuế TNCN theo lý thuyết hành vi
tuân thủ đã định hướng việc tổng kết lý thuyết và nghiên cứu về quản
lý hành vi tuân thủ của NNT tại Việt Nam từ năm 2011. Các nghiên
cứu này được thực hiện theo phương pháp định tính, định lượng hoặc
phương pháp hỗn hợp, bước đầu đã có sự tiến bộ hơn so với phương
pháp phân tích định tính đối với quản lý thuế TNCN trước đây.
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.2.1. Đánh giá khái quát về kết quả nghiên cứu của các công
trình đã công bố liên quan đến đề tài luận án
Về quản lý thuế TNCN theo mô hình tâm lý hành vi phổ biến: Trên
thế giới, nghiên cứu về quản lý thuế nói chung và quản lý TNCN nói
riêng đã có một quá trình kế thừa và phát triển khá dài. Từ phát kiến
của Adam Smith, thuế phải đảm bảo bốn nguyên tắc cơ bản, các
11
nghiên cứu sau này cũng khẳng định việc ban hành chính sách mang
đến gánh nặng thuế cho NNT là những thiếu sót làm ảnh hưởng đến
hiệu quả quản lý thuế và việc xây dựng được hệ thống thuế chủ yếu
dựa trên sự tuân thủ tự nguyện của NNT và tôn trọng giá trị đạo đức
là vô cùng cần thiết. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, trong điều kiện hội
nhập, một hệ thống thuế tốt phải xét đến mối quan hệ giữa cơ quan
thuế và NNT.
Về quản lý thuế theo mô hình tuân thủ: Kết quả phân tích chỉ ra
rằng mặc dù ở Việt Nam, vấn đề quản lý thuế TNCN theo lý thuyết
hành vi tuân thủ đã được quan tâm nghiên cứu, tuy nhiên hướng nghiên
cứu về hành vi tuân thủ thuế chưa được nghiên cứu đầy đủ và còn
nhiều khiếm khuyết về phương pháp luận, cần phải được nghiên cứu
bài bản hơn. Hướng nghiên cứu này cũng phù hợp với tiến trình hội
nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng: quản lý thuế TNCN ở Việt
Nam phải hướng tới sự tuân thủ tự nguyện của NNT hơn là cách quản
lý nặng về hành chính.
1.2.1.2. Vấn đề mới cần nghiên cứu
Gần đây, một số nghiên cứu về quản lý thuế có đề nghị cần tăng
cường nâng cao tính tuân thủ thuế của NNT ở Việt Nam, song các
nghiên cứu này chưa đưa ra được mô hình lý thuyết và không kiểm
định thống kê do đó kết quả đạt được là rất hạn chế [28]. Nghiên cứu
của Jimenez và Iyer tại Mỹ về hành vi tuân thủ thuế tự nguyện đề nghị
các nhân tố xã hội như chuẩn mực, chuẩn mực cá nhân, chuẩn mực bắt
buộc, chuẩn mực chủ quan, niềm tin vào chính phủ và cảm nhận công
bằng có tác động mạnh lên hành vi dự định tuân thủ thuế TNCN tự
nguyện của NNT [68]. Nghiên cứu của Rosid và cộng sự tại Indonesia
về hành vi tuân thủ tự nguyện đề nghị các nhân tố xã hội như cảm nhận
tham nhũng tác động lên hành vi dự định tuân thủ thuế TNCN tự
12
nguyện của NNT [75]. Việc nghiên cứu lặp để so sánh kết quả với các
nước trên thế giới là cần thiết và xem xét khả năng áp dụng các mô
hình quản lý tuân thủ tại Việt Nam trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
2.1. TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ THUẾ
2.1.1. Những vấn đề cơ bản về thuế và thuế thu nhập cá nhân
2.1.1.1. Khái niệm và đặc trưng của thuế
Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân
cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định nhằm
sử dụng cho mục đích công cộng. Những đặc trưng đó là: (1) Tính bắt
buộc; (2) Tínhkhông hoàn trả trực tiếp; (3) Tính định trước trong pháp
luật và tính pháp lý cao. Những đặc điểm trên đây có tác động ảnh
hưởng rất rõ rệt đến việc hình thành tâm lý hành vi của NNT.
2.1.1.2. Chính sách thuế và hệ thống thuế
Chính sách thuế là tổng hòa phương hướng và các biện pháp của
Nhà nước trong lĩnh vực thuế để đạt được những mục tiêu đã định. Hệ
thống thuế bao gồm nhiều hình thức thuế khác nhau, nhưng sự hình
thành từng hình thức thuế lại do cơ sở thuế quyết định.
2.1.1.3. Khái niệm và đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN là khoản thu bắt buộc đánh trên thu nhập chịu thuế
của cá nhân trong kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật. Thuế
TNCN có những đặc điểm sau đây: (1) là thuế trực thu; (2) đánh vào
thu nhập chịu thuế; (3) mang tính chất lũy tiến.
2.1.2. Những vấn đề cơ bản về Quản lý thuế thu nhập cá nhân
2.1.2.1 Khái niệm, đặc điểm và vai trò của quản lý thuế thu nhập
cá nhân
a) Khái niệm
13
Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các
cơ quan quản lý nhà nước tiến hành đối với tất cả mọi cá nhân và tổ
chức trong xã hội, trên tất cả các mặt của đời sống xã hội bằng sử dụng
quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế đơn phương nhằm mục tiêu
phục vụ lợi ích của cả cộng đồng.
b) Các yếu tố của quản lý thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
Chủ thể quản lý: chủ thể chung là Nhà nước bao gồm các cơ quan
quản lý nhà nước các cấp. Đối tượng quản lý: Các tổ chức và cá nhân
có liên quan đến việc thực hiện pháp luật thuế TNCN. Khách thể quản
lý: Chịu sự tác động hay điều chỉnh của chủ thể quản lý. Các công cụ
hoặc phương thức quản lý: đó là tác nhân tạo ra các tác động quản lý
đến các đối tượng và khách thể quản lý theo những nguyên tắc nhất
định. Mục tiêu quản lý thuế TNCN: là sự tuân thủ pháp luật thuế nhằm
đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước từ thuế để thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ của Nhà nước.
c) Vai trò của quản lý thuế thu nhập cá nhân
Có vai trò quyết định trong việc đảm bảo nguồn thu từ thuế TNCN
được tập trung, chính xác, kịp thời, thường xuyên, ổn định cho NSNN;
Góp phần hoàn thiện chính sách và pháp luật thuế TNCN; Giúp Nhà
nước thực hiện kiểm soát và điều tiết các hoạt động kinh tế của các tổ
chức, cá nhân trong xã hội; Nâng cao mặt bằng nhận thức của NNT và
cả một bộ phận công chức ngành thuế về vai trò của thuế TNCN đối
với đời sống kinh tế - xã hội.
2.1.2.2. Mục tiêu quản lý thuế thu nhập cá nhân
Đảm bảo tính công bằng trong phân phối thu nhập; Nâng cao tính
tuân thủ về pháp luật thuế TNCN; Đảm bảo nguồn thu được tập trung
nhanh chóng, kịp thời, ổn định, tối thiểu hóa chi phí; Nâng cao hiệu
lực quản lý.
14
2.1.2.3. Nội dung Quản lý thuế thu nhập cá nhân
a) Nội dung quản lý nhà nước về thuế
Hoạch định, xây dựng hệ thống thuế, chính sách và pháp luật về
thuế; Xây dựng dự toán thu thuế; Tổ chức quy trình quản lý thu nộp
thuế; Tổ chức bộ máy quản lý thuế, xác lập chức năng nhiệm vụ, quyền
hạn và bố trí, sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực quản lý thuế; Tổ chức
thu nộp thuế; Kiểm tra giám sát về thực thi pháp luật thuế.
b) Nội dung quản lý thuế của cơ quan thuế:
Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; Thủ tục hoàn thuế,
miễn thuế, giảm thuế; Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt; Quản lý thông tin
về NNT; Kiểm tra thuế, thanh tra thuế; Cưỡng chế thi hành quyết định
hành chính thuế; Xử lý vi phạm pháp luật về thuế; Giải quyết khiếu
nại, tố cáo về thuế.
2.2. MÔ HÌNH QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
2.2.1. Mô hình tâm lý hành vi phổ biến
Tâm lý hành vi phổ biến của con người là sẽ lựa chọn hành động
khi hiểu được lợi ích của hành động và những hậu quả có thể phải
nhận khi không thực hiện một hành động nào đó.
2.2.2. Mô hình lý tuân thủ
Mô hình tuân thủ là mô hình quản lý thuế xác lập trên cơ sở đánh
giá tính tuân thủ của NNT. Theo đó, trên cơ sở đánh giá tính tuân thủ
của NNT, cơ quan thuế áp dụng phương pháp quản lý khác nhau với
từng nhóm đối tượng để đạt hiệu quả quản lý cao nhất.
2.3. HÀNH VI TUÂN THỦ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
2.3.1. Sự hình thành hành vi tuân thủ thuế thu nhập cá nhân
Tuân thủ thuế TNCN của NNT thể hiện ở việc hiểu biết về pháp
luật thuế và chấp hành đầy đủ, kịp thời và đúng đắn các quy định của
pháp luật thuế.
15
2.3.2. Các biểu hiện của hành vi tuân thủ thuế thu nhập cá nhân
(1) Sẵn sàng tuân thủ; (2) Cố gắng tuân thủ, nhưng không phải lúc
nào cũng thành công; (3) Không muốn tuân thủ nhưng sẽ tuân thủ nếu
cơ quan thuế có tác động; (4) Cố tình không tuân thủ, bất luận thế nào
cũng trốn thuế
2.4. LÝ THUYẾT VỀ QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ
NHÂN THEO MÔ HÌNH TUÂN THỦ
Năm 1968 Becker đưa ra lý thuyết kinh tế về tội phạm [67]. Trên
cơ sở lý thuyết này, Allingham và Sandmo năm 1972 phát triển mô
hình kinh tế về hành vi tuân thủ thuế [58]. Lý thuyết của Allingham
và Sandmo dựa trên giả thiết là NNT đóng thuế là kết quả của việc họ
sợ bị phát hiện và đóng phạt [58]. Tuy nhiên, rõ ràng là hành vi tuân
thủ của NNT không thể được giải thích hoàn toàn bởi các yếu tố về
kinh tế và mức độ nghiêm khắc của luật. Lý thuyết của Allingham và
Sandmo được cho rằng quá đơn giản và đã bỏ qua rất nhiều yếu tố phi
kinh tế cần thiết chưa được đề cập.
Để giải quyết những khiếm khuyết trên, thuyết hành vi dự định
được đề xuất bởi Ajzen năm 1985 [56], thuyết hành vi dự định được
phát triển từ thuyết hành vi có lý do của Fishbein và Ajzen đề xuất
năm 1975 [88]. Xuất phát điểm của lý thuyết này cho rằng, mọi người
có khả năng sẽ thực hiện một hành vi nếu họ đánh giá hành vi đó sẽ
mang lại kết quả tích cực và nếu họ cho rằng những người khác cũng
muốn thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả tích cực
và nhiều người cùng muốn thực hiện không phải lúc nào cũng dẫn tới
việc thực hiện hành vi.
Để tăng tính dự báo cho lý thuyết hành vi có lý do, Ajzen đã thêm
một thành tố nữa là thành tố kiểm soát hành vi cảm nhận [56]. Giả
thuyết chính của lý thuyết hành vi dự định là yếu tố trung gian của
16
hành vi, được gọi là dự định thực hiện hay không thực hiện một hành
vi. Dự định này được Ajzen đề nghị là gồm ba nhân tố: thái độ, chuẩn
mực chủ quan và kiểm soát chủ quan về một hành vi cụ thể. Lý thuyết
hành vi dự định đưa ra những giải thích về sự kết hợp của ba nhân tố
trên trong việc dự báo hành vi của con người [56].
2.5. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI TUÂN
THỦ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NGHIÊN CỨU TRONG
LUẬN ÁN
Mô hình nghiên cứu gồm các nhân tố: cảm nhận tham nhũng, chuẩn
mực mô tả, chuẩn mực bắt buộc, chuẩn mực chủ quan, chuẩn mực cá
nhân, cảm nhận công bằng và tính tuân thủ thuế TNCN.
CHƯƠNG 3
PHÂN TÍCH QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI
VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1.1. Các kết quả đạt được trong quản lý thuế thu nhập cá
nhân tại thành phố Hồ Chí Minh
(1) Công tác tổ chức bộ máy đã được củng cố và hoàn thiện
(2) Tổ chức kê khai thuế TNCN theo quy định
(3) Thanh tra, kiểm tra thuế TNCN được tăng cường
(4) Tổ chức quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế có kết quả
(5) CNTT trong quản lý thuế TNCN được ứng dụng rộng rãi
(6) Hàng năm hoàn thành và vượt mức kế hoạch thu thuế TNCN
3.1.2. Những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý thuế thu
nhập cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh
(1) Việc tuyên truyền pháp luật về thuế TNCN chưa đạt hiệu quả
(2) Việc thanh, kiểm tra chủ yếu nhằm xử lý vi phạm của NNT
17
3.1.3. Nguyên nhân của những bất cập trong quản lý thuế thu
nhập cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh
(1) Công tác quản lý thuế thu nhập cá nhânchủ yếu áp dụng theo
mô hình tâm lý hành vi phổ biến mà chưa quan tâm đến mô hình hành
vi tuân thủ.
(2) Tổ chức bộ máy quản lý thuế TNCN chưa phát huy hiệu quả
(3) Ứng dụng CNTT cho quản lý thuế TNCN thì còn nhiều hạn chế
3.2. PHÂN TÍCH QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
THEO LÝ THUYẾT HÀNH VI TUÂN THỦ TẠI THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
3.2.1. Xây dựng các giả thuyết kiểm định trong mô hình hành
vi tuân thủ của người nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân
là người Việt Nam tại TP.HCM
NCS vận dụng lý thuyết hành vi tuân thủ và xây dựng mô hình
nghiên cứu tại Tp.HCM, mô hình này có sự điều chỉnh để phù hợp với
bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam. Cụ thể, mô hình nghiên cứu gồm
các nhân tố: chuẩn mực mô tả, chuẩn mực bắt buộc, chuẩn mực chủ
quan, chuẩn mực cá nhân, cảm nhận công bằng và tính tuân thủ thuế
TNCN. 17 giả thuyết theo mô hình đề nghị của NCS.
3.2.2. Quy trình nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu này bao gồm hai bước chính, (1) nghiên cứu sơ bộ và
(2) nghiên cứu chính thức. Đối tượng nghiên cứu là NNT TNCN tại
TPHCM.
3.2.3. Xây dựng thang đo
Có tám khái niệm nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu này,
các khái niệm đều ở dạng biến tiềm ẩn.
3.2.4. Đánh giá sơ bộ thang đo
18
Kết quả cho thấy các câu hỏi đều rõ ràng, người đi làm hiểu được
nội dung và ý nghĩa của từng câu hỏi của tất cả các thang đo. Vì vậy,
các thang đo này được sử dụng trong nghiên cứu định lượng sơ bộ.
3.2.4.1. Hệ số tin cậy Cronbach alpha
Kết quả cuối cùng cho thấy tất cả các thang đo đều đạt yêu cầu về
hệ số tin cậy Cronbach alpha: thấp nhất là 0,472 (chuẩn mực mô tả)
và cao nhất là 0,895 (cảm nhận công bằng).
3.2.4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả EFA cho thấy các thang đo đều đạt yêu cầu về nhân tố
trích, phương sai trích đạt được 72,81% và trọng số nhân tố nhỏ nhất
là 0,486. Thông qua đánh giá sơ bộ thang đo, các thang đo này đều đạt
yêu cầu. Các biến quan sát sẽ được sử dụng trong nghiên cứu chính
thức.
3.2.4.3. Mẫu nghiên cứu định lượng chính thức
Thực hiện bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước
n = 274.
3.2.5. Kiểm định thang đo bằng CFA
Các thang đo các khái niệm trên được đánh giá sơ bộ qua hệ số tin
cậy Cronbach alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA với một mẫu
kích thước n = 101 người đi làm. Phần này đánh giá lại các thang đo
trên bằng hệ số tin cậy tổng hợp và phân tích nhân tố khẳng định CFA
dựa vào dữ liệu của nghiên cứu chính thức với kíchh thước mẫu n =
274 người tại Tp.HCM.
3.2.5.1. Mô hình đo lường tới hạn
Mô hình đo lường tới hạn (saturated model) có 294 bậc tự do (Hình
3.6). Kết quả CFA cho thấy mô hình đạt được độ tương thích với dữ
liệu thị trường: χ2[294]=564,015 (p=0,000); GFI=0,873; TLI=0,906;
CFI=0,921; và RMSEA=0,058. Kết quả cũng cho thấy trọng số CFA
19
của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,50, khẳng định tính đơn
hướng và giá trị hội tụ của các thang đo sử dụng trong mô hình nghiên
cứu.
3.2.5.2. Kiểm định độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích
Tất cả các thang đo các khái niệm trong nghiên cứu này đều đạt
yêu cầu về độ tin cậy và giá trị. Vì vậy, được dùng tiếp để kiểm định
mô hình.
3.2.6. Kiểm định mô hình lý thuyết và giả thuyết bằng SEM
3.2.6.1. Kiểm định mô hình lý thuyết
Mô hình lý thuyết có 305 bậc tự do (Hình 3.7). Kết quả SEM cho
thấy mô hình này đạt được độ tương thích với dữ liệu thị trường:
χ2[305]=654,995 (p=0,000); GFI=0,854; TLI=0,883; CFI=0,898; và
RMSEA=0,065.
3.2.6.2. Kiểm định giả thuyết
Kết quả ước lượng (chưa chuẩn hóa) của các tham số chính trong
mô hình lý thuyết được trình bày ở Bảng 3.18. Như vậy, trong 17 giả
thuyết mô hình đưa ra, kiểm định cho thấy có 7 giả thuyết được chấp
nhận, lần lượt là: giả thuyết 4, 9, 11, 12, 13, 16, 17.
3.2.7. Thảo luận kết quả nghiên cứu theo mô hình tuân thủ
3.2.7.1. Kết quả đo lường
Kết quả đánh giá sơ bộ thang đo các khái niệm trên thông qua hệ
số tin cậy Cronbach alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA, và
đánh giá lại bằng phân tích nhân tố khẳng định CFA cho thấy các thang
đo đạt yêu cầu về độ tin cậy và giá trị.
3.2.7.2 Kết quả về mô hình lý thuyết
Kết quả SEM cho thấy mô hình lý thuyết đạt độ tương thích với dữ
liệu thị trường và 7 trong 17 giả thuyết về mối quan hệ của các khái
niệm trong mô hình lý thuyết được chấp nhận.
20
CHƯƠNG 4
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ
NHÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2018 2025
4.1. HỘI NHẬP KINH TẾ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUẢN LÝ THUẾ
THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Việt Nam đang hội nhập vào một thế giới thay đổi quá nhanh về
công nghệ. Tương lai của thế giới như những chiếc ô tô không người
lái hay công nhân robot sẽ thành hiện thực vào năm 2025. Trong
khoảng một thập kỷ tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách
thức của công nghệ thế giới. Như vậy, có thể thấy thách thức của hội
nhập kinh tế trong giai đoạn tới là thách thức của hội nhập về công
nghệ.
4.2. ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ
THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
4.2.1. Đổi mới mô hình quản lý thuế thu nhập cá nhân theo
hướng chuyển từ mô hình tâm lý hành vi phổ biến sang mô hình
tự tuân thủ
4.2.1.1. Đổi mới mô hình
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về quản lý thuế TNCN đối với người
Việt Nam tại Tp.HCM giai đoạn 2010-2017, NCS đề xuất đổi mới mô
hình quản lý thuế TNCN ở Tp.HCM trong giai đoạn 2018-2025
chuyển từ mô hình tâm lý hành vi tâm lý phổ biến sang mô hình tự
tuân thủ theo các bước như sau: (1) Thực hiện mô hình quản lý thuế
TNCN theo hướng kết hợp mô hình tâm lý hành vi phổ biến và mô
hình tuân thủ; (2) Từng bước chuyển hoàn toàn sang quản lý thuế
TNCN theo mô hình tuân thủ.
4.2.1.2. Sự cần thiết chuyển đổi mô hình
21
(1) Xuất phát từ ưu thế của mô hình tự tuân thủ; (2) Do đòi hỏi của
hội nhập kinh tế quốc tế; (3) từ thực tiễn quản lý thuế TNCN tại Tp.
HCM
4.2.2. Mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc
4.2.2.1. Mục tiêu
Tăng tỷ trọng mức độ sẵn sàng tuân thủ (sự hài lòng, cảm nhận
công bằng của NNT); Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; Giảm cảm nhận tham
nhũng của NNT; Tăng tỷ trọng thuế TNCN
4.2.2.2. Nguyên tắc
(1) Mô hình quản lý tự tuân thủ phải phù hợp với quan điểm cải
cách hệ thống thuế; (2) Mô hình quản lý tự tuân thủ phải phù hợp với
mục tiêu tổng quát cải cách hệ thống thuế; (3) Mô hình quản lý tự tuân
thủ phải đảm bảo cơ sở khoa học về quản lý hành vi tuân thủ
4.3. GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ
THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍNH MINH
4.3.1. Nhóm giải pháp hình thành ý thức tự tuân thủ
4.3.1.1. Xây dựng các chuẩn mực xã hội về ý thức tự tuân thủ
thuế TNCN
Để công tác quản lý thuế đạt hiệu quả, cần tập trung xây dựng ý
thức tự tuân thủ pháp luật thuế TNCN, biến ý thức tự tuân thủ trở thành
chuẩn mực xã hội để hướng các chuẩn mực đạo đức cá nhân tuân thủ
theo chuẩn mực xã hội. Vì vậy, cơ quan thuế cần tập trung thực hiện
hiệu quả các chức năng quản lý thuế hướng vào xây dựng chuẩn mực
xã hội về ý thức tự tuân thủ, nâng dần các chuẩn mực cá nhân để từng
bước hình thành các chuẩn mực xã hội về ý thức tự tuân thủ thuế
TNCN.
4.3.1.2. Xây dựng và hoàn thiện chính sách TNCN theo hướng
công bằng trong việc động viên, phân phối thu nhập chịu thuế
22
Điều chỉnh mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối
tượng nộp thuế: Thu nhập từ kinh doanh áp dụng chung một mức thuế
suất nhau; thu nhập từ đầu tư (từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn,
chuyển nhượng bất động sản) áp dụng mức thuế suất hợp lý và tương
đồng nhau, không quá chênh lệch như hiện nay.
4.3.1.3. Đổi mới công tác quản lý thuế TNCN theo hướng tạo
thuận lợi và tính công bằng cho NNT
Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ NNT theo hướng tạo sự công bằng
và thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp
sau: (1) Xây dựng, triển khai đa dạng các phương pháp, hình thức hỗ
trợ NNT; (2) Tăng cường áp dụng các hình thức hỗ trợ NNT hiện đại,
phù hợp với trình độ phát triển của xã hội; (3) Triển khai các hình
thức cung cấp, tra cứu hoặc trao đổi thông tin về tình hình thực hiện
nghĩa vụ thuế TNCN qua cổng thông tin điện tử ngành thuế ...
4.3.1.4. Cải cách hành chính thuế theo hướng công khai, minh
bạch, loại trừ tình trạng tham nhũng và tham nhũng vặt trong quản
lý thuế
Giải pháp này nhằm xây dựng môi trường quản lý thuế công khai
minh bạch, không tham nhũng. Các giải pháp có thể là: Tuyên truyền
giáo dục cán bộ thuế để không tham nhũng và tham nhũng vặt; Tạo
môi trường không tham nhũng: thủ tục công khai minh bạch, tránh tiếp
xúc cán bộ thuế và NNT (cổng thông tin điện tử, phần mềm, sử dụng
công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo)
KẾT LUẬN
Trên cơ sở kết quả mô hình nghiên cứu do NCS đề xuất, NCS gợi
ý một số chính sách, cơ chế quản lý nhằm bổ sung, làm rõ thêm các
giải pháp hiện nay về quản lý thuế TNCN tại Việt Nam trong bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế.
23