Tải bản đầy đủ (.pdf) (88 trang)

Khoá luận tốt nghiệp trường nghĩa trong câu đối việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.17 MB, 88 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ HỘI

TRƯỜNG NGHĨA
TRONG CÂU ĐỐI VIỆT NAM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

HÀ NỘI, 2019
1


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ HỘI

TRƯỜNG NGHĨA
TRONG CÂU ĐỐI VIỆT NAM
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

Người hướng dẫn khoa học

TS. NGUYỄN VĂN THẠO

HÀ NỘI, 2019



LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn quý thầy cô giáo trong trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2 và quý thầy cô giáo trong Tổ Ngôn ngữ đã truyền đạt những
kiến thức chuyên ngành, chỉ dạy em trong suốt quá trình học tập tại trường.
Đặc biệt là thầy giáo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo là người đã giúp em định
hướng đề tài và hướng dẫn, chỉ bảo, giúp đỡ em một cách tận tình để em hoàn
thành khóa luận của mình. Em cũng xin gửi tới những người thân yêu, bạn bè
lòng biết ơn chân thành nhất, vì đã luôn ở bên em, động viên, giúp đỡ em
hoàn thành khóa luận này. Tuy nhiên, với những kiến thức và kinh nghiệm
thực tế của bản thân còn nhiều hạn chế. Do vậy, khóa luận này không tránh
khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được sự góp ý của các thầy, cô giáo
và các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2019
Sinh viên

Nguyễn Thị Hội


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự
hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo. Các nội dung nghiên cứu trong
khóa luận là xác thực. Những kết luận khoa học của khóa luận chưa từng
được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn
chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2019
Sinh viên

Nguyễn Thị Hội



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ....................................................................... 2
3. Mục đích nghiên cứu ................................................................................ 3
4. Nhiệm vụ nghiên cứu................................................................................ 3
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu................................................................ 4
6. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................... 4
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn ..................................................................... 5
8. Kết cấu của khóa luận .............................................................................. 5
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT ............................................................ 6
1.1. Lý thuyết về ngôn ngữ ........................................................................... 6
1.1.1. Lý thuyết về nghĩa của từ .................................................................... 6
1.1.2. Lý thuyết về trường nghĩa ................................................................. 10
1.1.3. Các quan hệ trong trường nghĩa ....................................................... 14
1.2. Khái lược về phép đối, quy tắc đối và câu đối.................................... 16
1.2.1. Phép đối và quy tắc đối ...................................................................... 16
1.2.2. Phép đối trong ngôn ngữ và trong văn học ....................................... 18
1.2.3. Câu đối............................................................................................... 19
CHƯƠNG 2: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP VỀ TRƯỜNG NGHĨA VÀ
CÁC QUAN HỆ TRONG TRƯỜNG NGHĨA .......................................... 28
2.1. Trường nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối Tết ......... 30
2.1.1. Trường nghĩa trong câu đối Tết ........................................................ 30
2.1.2. Các quan hệ trong trường nghĩa ở câu đối Tết ................................. 32
2.2. Trường nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối viếng ...... 35
2.2.1. Trường nghĩa trong câu đối viếng..................................................... 35


2.2.2. Các quan hệ trong trường nghĩa ở câu đối viếng.............................. 37

2.3. Trường nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối mừng ..... 40
2.3.1. Trường nghĩa trong câu đối mừng .................................................... 40
2.3.2. Các quan hệ trong trường nghĩa ở câu đối mừng ............................. 42
2.4. Trường nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối răn dạy .. 44
2.4.1. Trường nghĩa trong câu đối răn dạy ................................................. 44
2.4.2. Các quan hệ trong trường nghĩa ở câu đối răn dạy .......................... 46
2.5. Trường nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối trêu đùa
mỉa mai ....................................................................................................... 48
2.5.1. Trường nghĩa trong câu đối trêu đùa mỉa mai .................................. 48
2.5.2. Các quan hệ trong trường nghĩa ở câu đối trêu đùa mỉa mai ........... 50
KẾT LUẬN ................................................................................................. 54
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC BẢNG VÀ TỪ VIẾT TẮT
Bảng 2.1. Bảng thống kê trường nghĩa trong câu đối Việt Nam
Bảng 2.2. Bảng thống kê các quan hệ trường nghĩa trong câu đối Việt Nam
1. Từ viết tắt và ký hiệu
5000 - HPCĐ
NXB VH

Năm nghìn hoành phi câu đối
Nhà xuất bản văn hóa - thông tin

T

Thanh trắc

B


Thanh bằng

A/B

A đối với B

A–B

A với B

(1)

ví dụ 1

[…]

Xem ví dụ có số trong dấu […] ở phần phụ lục

2. Quy ước trình bày
[5]: Tài liệu số 5 trên thư mục tài liệu tham khảo.
[5,170]: Tài liệu số 5 trên thư mục tài liệu tham khảo, trang 170.


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trường nghĩa là một trong những lý thuyết quan trọng của ngôn ngữ
học, nó được các nhà nghiên cứu quan tâm và đề cập đến từ sớm trong các
công trình nghiên cứu của mình trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu
trường nghĩa sẽ giúp phát hiện những mối quan hệ ngữ nghĩa của hệ thống từ

vựng. Bởi giữa các từ ngữ không nằm rời rạc ngẫu nhiên mà nằm trong những
mối liên hệ nhất định về một phạm vi ngữ nghĩa nào đó như: Các bộ phận
trong một chỉnh thể. Ngoài ra còn phản ánh mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các
từ và góp phần tìm hiểu nội dung tác phẩm, phong cách nghệ thuật của tác giả
thông qua các trường từ vựng mà họ sử dụng. Nghiên cứu trường nghĩa vừa
cho thấy sự phong phú đa dạng của từ ngữ vừa giúp sử dụng từ ngữ một cách
linh hoạt và hiệu quả hơn.
Câu đối là một sản phẩm ngôn ngữ hội tụ những vẻ đẹp về mặt thể loại.
Nó giống như một bài thơ, bài ca dao, thậm chí là một bài vè ngắn thể hiện
đầy đủ nội dung tư tưởng, sự nhìn nhận đánh giá phản ánh quan điểm, lập
trường, của người sáng tác. Bên cạnh đó còn thể hiện trình độ, tài năng của
tác giả thông qua biện pháp tu từ, chơi chữ, cách luật, sử dụng điển cố,… Câu
đối ngoài được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng, nó còn được sưu tầm và
lưu trên các văn bản, sách báo hay các phương tiện thông tin đại chúng. Việc
sáng tác và lưu giữ câu đối còn tồn tại như một hình thức sinh hoạt văn hóa.
Hiện nay, người sáng tác câu đối tuy không nhiều nhưng phần lớn họ
đều say sưa với việc sáng tác và sáng tác có hiệu quả. Các câu đối thường gắn
liền với nghệ thuật thư pháp vì nó có quan hệ mật thiết với nghệ thuật trang trí
và trưng bày truyền thống. Các sáng tác câu đối đã phản ánh hiện thực cuộc
sống với những điều đơn giản, bình dị nhất. Do đó ta có thể coi nghệ thuật
viết thư pháp là nơi bảo tồn và lưu giữ câu đối, một thể loại văn học đơn lập
và đặc biệt. Để làm rõ được đặc sắc nghệ thuật của câu đối chữ Hán và chữ

1


Nôm. Trong khóa luận tốt nghiệp này chúng tôi tiến hành tham khảo, hệ
thống nhiều nguồn tài liệu với quan điểm các nhân để đưa ra ý kiến và lập
luận được coi là hợp lý nhất về trường nghĩa trong câu đối Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Ngôn ngữ là phân môn được rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới
quan tâm tới. Việc nghiên cứu ngữ nghĩa của ngôn ngữ giúp cho con người
hiểu sâu và chính xác hơn về ý nghĩa của từ ngữ. Vấn đề này được rất nhiều
nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm như: Grzegorz A. Kleparski, Ullmann,
Perchonock và Werner, M.Pokrovxkij,… Ở Việt Nam một số tác giả như:
Nguyễn Văn Tư, Bùi Minh Toán, Đỗ Hữu Châu,… Đã lĩnh hội những thành
tựu của các tác giả trên thế giới và có những đóng góp nghiên cứu lý thuyết
về trường nghĩa.
Trong nghiên cứu trường nghĩa có rất nhiều công trình nghiên cứu
trường từ vựng chỉ các sự vật, hiện tượng hay các vấn đề trong một tác phẩm
văn chương. Một số tác giả còn đưa các trường từ vựng ra để so sánh đối
chiếu với các ngôn ngữ khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Lào
hay Campuchia…
Ở Việt Nam có rất nhiều công trình nghiên cứu về trường nghĩa như:
Năm 1973, Đỗ Hữu Châu có công trình Trường từ vựng và hiện tượng
đồng nghĩa, trái nghĩa.
Năm 1974, Đỗ Hữu Châu có bài viết Trường từ vựng ngữ nghĩa và việc
dùng từ ngữ trong tác phẩm nghệ thuật trên tạp chí số 3.
Nhìn chung hướng nghiên cứu của Đỗ Hữu Châu được cho là rõ ràng
và dễ hiểu nhất nên các công trình sau này tập chung nghiên cứu theo hướng
của ông như một số công trình tiêu biểu:
Năm 1996, Nguyễn Thúy Khanh với luận án Tiến sĩ Đặc điểm từ vựng
ngữ nghĩa tên gọi động vật.

2


Năm 2013, Phó Thị Hồng Oanh với luận văn Thạc sĩ Trường từ vựng
ngữ nghĩa trong truyện Tây Bắc của Tô Hoài.
Năm 2014, Vũ Thùy Linh với khóa luận tốt nghiệp Khảo sát trường từ

vựng ngữ nghĩa chỉ người phụ nữ trong sáng tác của Nam Cao.
Như vậy, việc nghiên cứu trường nghĩa đã thu hút được sự quan tâm
của nhiều nhà nghiên cứu không chỉ trong nước mà trên cả thế giới. Tuy
nhiên, việc nghiên cứu trường nghĩa và cụ thể hơn là ngiên cứu trường nghĩa
trong câu đối Việt Nam vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ
thống. Để tiếp nối những thành tựu đi trước chúng tôi dựa theo lý thuyết
trường nghĩa của Đỗ Hữu Châu để tập chung nghiên cứu đối tượng trường
nghĩa và các quan hệ trường nghĩa trong câu đối Việt Nam.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của chúng tôi là chỉ ra được các từ ngữ thuộc
trường nghĩa trong câu đối. Từ đó làm sáng tỏ được các mối quan hệ trong
trường nghĩa, đó là quan hệ đồng nghĩa, trái nghĩa. Qua việc khảo sát, phân
tích, nghiên cứu khóa luận vừa kế thừa được các thành tựu đi trước về trường
nghĩa và các quan hệ trong trường, đồng thời còn góp phần xác định thêm một
sự lý giải mới về câu đối từ góc độ ngôn ngữ.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu khóa luận cần đặt ra những nhiệm
vụ sau:
- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài như các
nghiên cứu về nghĩa của từ, về trường nghĩa, các quan hệ trong đồng nghĩa, trái
nghĩa trong trường nghĩa, khái lược về phép đối, các quy tắc đối và câu đối.
- Thống kê, khảo sát, xác lập và phân tích được hệ thống trường nghĩa và
các quan hệ đồng nghĩa, trái nghĩa trong “câu đối Tết”, “câu đối viếng”, “câu đối
mừng”, “câu đối răn dạy”, “câu đối trêu đùa, mỉa mai” ở câu đối Việt Nam.

3


Từ việc tìm hiểu, thống kê, khảo sát về trường nghĩa và các quan hệ
trường nghĩa trong câu đối, khóa luận có thể đạt được các mục đích nêu trên

và đưa ra những hiệu quả của việc sử dụng từ ngữ ở câu đối Việt Nam.
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu bao gồm: Trường nghĩa và các quan hệ đồng
nghĩa, trái nghĩa ở câu đối Việt Nam.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Khóa luận tập trung nghiên cứu về trường nghĩa và các quan hệ trong
trường nghĩa ở câu đối Việt Nam qua việc tìm hiểu, khảo sát câu đối trong
cuốn 5000 - HPCĐ của NXB VH.
Đề tài “Trường nghĩa trong câu đối Việt Nam” do vậy phạm vi nghiên
cứu của đề tài tập trung vào khảo sát, nghiên cứu trường nghĩa và các quan hệ
đồng nghĩa, trái nghĩa trong “câu đối Tết”, “câu đối viếng”, “câu đối mừng”,
“câu đối răn dạy”, “câu đối trêu đùa, mỉa mai” ở câu đối Việt Nam.
6. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện khóa luận chúng tôi dự kiến
sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp miêu tả để miêu tả đặc điểm chuyển trường của từ và
cấu tạo của các kết hợp được tạo ra do sự chuyển trường ấy.
- Phương pháp phân tích thành tố nghĩa để làm rõ giá trị biểu hiện
của từ trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời chỉ ra giá trị của hiện tượng
chuyển trường nghĩa trong việc thể hiện nội dung câu đối Việt.
- Thủ pháp thống kê, phân loại dùng để tổng hợp, phân loại ngữ liệu,
xác định các đặc điểm qua đó nắm được một cách khái quát về hiện tượng
chuyển trường nghĩa trong câu đối Việt Nam.

4


7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
7.1. Ý nghĩa lý luận

Đây là khóa luận tập chung nghiên cứu chi tiết các trường nghĩa và
quan hệ trong trường nghĩa “câu đối viếng”, “câu đối Tết”, “câu đối mừng”,
“câu đối răn dạy”, “câu đối trêu đùa, mỉa mai”, ở câu đối Việt Nam. Chứng
minh câu đối tồn tại với tư cách là một thể loại văn học đặc biệt, có chỗ đứng
ngang hàng với bất kì một thể loại nào khác.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của khóa luận có thể được sử dụng như một tài liệu
tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu hay giảng dạy tiếng Việt trong nhà
trường cũng như góp phần hỗ trợ cho việc biên soạn từ điển tiếng Việt, đồng
thời cũng làm tư liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, trong thực tế sáng tác
câu đối.
8. Kết cấu của khóa luận
Phần chính văn, ngoài phần mở đầu và kết luận là phần nội dung bao
gồm 2 chương:
Chương 1: Cơ sở lý thuyết
Chương 2: Nghiên cứu trường hợp về trường nghĩa và các quan hệ
trường nghĩa trong câu đối

5


CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Lý thuyết về ngôn ngữ
1.1.1. Lý thuyết về nghĩa của từ
Nghiên cứu lý thuyết về nghĩa của từ là một vấn đề quan trọng, phức
tạp, đỏi hỏi mỗi người cần có sự sáng tạo và tư duy logic trong cách hiểu cũng
như cách biểu đạt ý nghĩa của từ. Vì thế có rất nhiều các nhà nghiên cứu trên
thế giới đã giải thích khác nhau về khái niệm này như: A.I.Smirnitckiy quan
niệm: “Nghĩa của từ là sự phản ánh hiển nhiên của sự vật , hiện tượng hay
quan hệ trong ý thức (hay là sự cấu tạo tâm lí tương tự về tính chất, hình

thành trên sự phản ánh những yếu tố riêng rẽ của thực tế ) nằm trong cấu
trúc của từ với tư cách là mặt bên trong của từ và so với nghĩa thì ngữ âm của
từ hiện ra như vỏ vật chất cần thiết không phải chỉ để biểu thị và trao đổi
nghĩa đó với những người khác mà còn cần thiết cho sự nảy sinh, hình thành,
tồn tại và phát triển của nghĩa” (Dẫn theo Nguyễn Thiện Giáp [12, 119]).
F.de Saussure, St. Ullman, cho rằng: “Nghĩa của từ là mối liên hệ liên tưởng
giữa âm thanh của từ - name và nội dung khái niệm - sense của nó” [28].
Ở Việt Nam, trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà ngôn ngữ trên thế
giới nghiên cứu vấn đề nghĩa của từ được nhiều tác giả quan tâm như:
Nguyễn Văn Tu cho rằng: “Nghĩa của từ là sự vật, hành động, tính chất
ngoài thực tế khách quan mà từ biểu thị” [28]. Đỗ Việt Hùng nhận định:
“Nghĩa của từ là toàn bộ nội dung tinh thần xuất hiện trong suy nghĩ của một
người bản ngữ khi người đó tiếp xúc (tạo lập hoặc lĩnh hội) với một hình thức
âm thanh ngôn ngữ nhất định” [16]. Hoàng Văn Hành cho rằng: “Nghĩa của
từ không phải chỉ là hệ quả của quá trình nhận thức, mà còn là hệ quả của
các quá trình có tính chất tâm lí xã hội, có tính chất lịch sử nữa” [15]. Tác
giả Đỗ Hữu Châu có quan điểm mới mẻ hơn các nhà ngôn ngữ khác, trong
khóa luận này chúng tôi tập chung nghiên cứu theo quan điểm của ông.

6


Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Nghĩa của từ là một thực thể tinh thần cùng
với phương diện hình thức lập thành một thể thống nhất gọi là từ”. Nói cách
khác, “nghĩa của từ là hợp điểm, là kết quả của những nhân tố và tác động
giữa những nhân tố tạo nên nghĩa. Trong số những nhân tố đó, có những
nhân tố ngoài ngôn ngữ và có những nhân tố nằm trong ngôn ngữ. Hai nhân
tố ngoài ngôn ngữ là sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, có thể thuộc
thế giới nội tâm, có thể thuộc thế giới ảo tưởng. Nhân tố kia là các hiểu biết
về loại nhân tố thứ nhất”. Như vậy, số lượng kiểu nghĩa sẽ tăng lên tùy theo

số lượng những nhân tố được phát hiện thêm [4, 98]. Từ lý thuyết đó ta có thể
phân thành các loại sau:
1.1.1.1. Nghĩa biểu vật
Nghĩa biểu vật là nghĩa ứng với sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất
mà từ gọi tên, biểu thị. Chẳng hạn, nghĩa biểu vật của từ “cây” là tất cả
những loài cây mà chúng ta thấy hay nghĩa biểu vật của từ “lá” là toàn bộ
những chiếc lá xung quanh ta. Nghĩa biểu vật quy định phạm vi sự vật mà từ
dùng để biểu hiện. Có những từ chỉ có nghĩa biểu vật hẹp, ứng với một sự vật,
hiện tượng duy nhất trong thực tế. Chẳng hạn, nghĩa biểu vật của từ “gáy” là
các loài gà. Có những từ mang tính khái quát lớn bao hàm một phạm vi sự vật
to lớn. Ví dụ, nghĩa biểu vật của từ “chỗ” là chỉ mọi nơi, mọi chốn. Có những
từ có nhiều nghĩa biểu vật, tức là từ đó ứng với nhiều loại sự vật, hiện tượng,
trạng thái, tính chất. Ví dụ, từ “đầu” của tiếng Việt trước hết có nghĩa biểu
vật: Chỉ bộ phận của cơ thể người hoặc động vật. Từ “đầu” còn có các nghĩa
biểu vật khác: Chỉ bộ phận trước hết có chức năng điều khiển của vật (đầu
máy, đầu tầu hoả, đầu thuyền...), chỉ bộ phận ở vị trí trước hết của vật thể
(đầu nhà, đầu bàn, đầu chiếc bánh...), chỉ vị trí trước hết trong không gian
(đầu làng, đầu sông, đầu chợ...), hoặc trong thời gian (đầu tháng, đầu mùa,
đầu năm...). Như vậy, một từ có thể có nhiều nghĩa biểu vật.

7


Nghĩa biểu vật là thành phần nghĩa giúp chúng ta hiểu từ một cách
chính xác. Để hiểu từ, việc nắm được các ý nghĩa biểu vật của nó là điều cần
thiết. Tuy nhiên, không nên nghĩ một cách quá đơn giản về chúng.
1.1.1.2. Nghĩa biểu niệm
Nghĩa biểu niệm là thành phần nghĩa có quan hệ tới các khái niệm
trong nhận thức của con người. Nghĩa biểu niệm mang tính khái quát cao hơn
so với nghĩa biểu vật. Một từ có nhiều nghĩa biểu niệm và đó là kết quả của

một quá trình nhận thức. Con người nhận thức về sự vật, hiện tượng và phân
chia ra các đặc điểm, tính chất hay các thuộc tính của nó. Các thuộc tính đó
tập hợp lại thành các khái niệm, mỗi khái niệm bao gồm một số thuộc tính.
Khi khái niệm được biểu hiện bằng từ thì các thuộc tính đó trở thành các nét
nghĩa của từ. Vì thế, nghĩa biểu niệm của từ là một cấu trúc bao gồm nhiều
nét nghĩa.
Một từ cũng có thể có nhiều nghĩa biểu niệm nếu nó ứng với nhiều cấu
trúc biểu niệm. Ví dụ, từ “che” có các nghĩa biểu niệm khác nhau như sau:
- Che: Làm cho người khác không nhìn thấy: che ngực, che mặt…
- Che: Làm cho không bị tác động từ bên ngoài: che nắng, che mưa…
- Che: Bưng bịt không cho người khác nhận ra khuyết điểm: che chắn,
che đậy…
Tập hợp một số nét nghĩa thành nghĩa biểu niệm là một tập hợp có quy
tắc, giữa các nét nghĩa có những nét nghĩa chung, đồng nhất trong nhiều từ rồi
từ các từ đó lại tìm ra các nét nghĩa riêng.
1.1.1.3. Nghĩa biểu cảm
Nghĩa biểu cảm (hay còn gọi là nghĩa tình thái hay nghĩa biểu thái) là
thành phần nghĩa biểu thị thái độ, tình cảm, cảm xúc v.v... của con người.
Thành phần nghĩa biểu cảm có thể là một nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm
của từ. Ví dụ, so sánh các từ sau:

8


- Chửi: Hoạt động thốt ra những lời lẽ thô tục, cay độc để xúc phạm
hoặc làm nhục người khác.
- Quát: Nghĩa như từ “chửi” -> Lớn tiếng, mắng mỏ hoặc ra lệnh.
- Mắng: Nghĩa như từ “chửi” -> Dùng những lời nói nặng to tiếng để
nêu ra lỗi của người khác.
Nhưng có những từ thiên về nghĩa tình thái mà không mang nghĩa biểu

vật và nghĩa biểu niệm. Đó là các từ tình thái. Ví dụ, “ôi” là một tình thái từ
không có nghĩa biểu vật và biểu niệm. Nó chỉ là từ làm dấu hiệu cho một cảm
xúc: Ngạc nhiên, sửng sốt, vui sướng hoặc đau khổ...
Các từ được biểu thị trong ngôn ngữ đều là các từ đã được nhận thức,
được thể nghiệm bởi con người. Do đó cùng với tên gọi, con người thường
gửi kèm những suy nghĩ, cách đánh giá của mình và nhiều khi chính họ cũng
không tự biết được. Chẳng hạn, núi thường gợi ra cái gì “to lớn”, biển gợi ra
cái “mênh mông”, lâu đài gợi ra sự “cao to”; hang hốc gợi ra sự “sâu thấp tối
tăm” v.v... Đối với các nhân tố cảm xúc, thái độ cũng vậy. Có những từ khi
phát âm lên gợi ra cho chúng ta những cảm xúc sợ hãi như ma quỷ, tàn sát,
chém giết...Có những từ thể hiện sự yêu thương yêu, âu yếm, vuốt ve,… Có
những từ giúp chúng ta bộc lộ sự khinh bỉ hèn hạ, đê tiện, lì lợm, thô bỉ...Lại
có những từ giúp ta bày tỏ lòng tôn trọng cao quý, ca ngợi, đàng hoàng, thẳng
thắn hay sự thiết tha, da diết, ân cần, khẩn thiết, vồn vã, đắm say.
Tuy nhiên, có những từ dùng trong trường hợp này thì có nghĩa bình
thường nhưng dùng trong các trường hợp khác thậm chí lại có nghĩa đen tối,
xấu xa. Ví dụ, từ “mò” trong câu “Mò cua bắt ốc” có nghĩa biểu cảm bình
thường, nhưng lại có nghĩa xấu trong cách nói “Bây giờ còn mò đi đâu đấy?”.
Ba thành phần nghĩa: Nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu thái trên
đây thường được quan niệm là nghĩa từ vựng của từ, để phân biệt với thành
phần nghĩa ngữ pháp của từ.

9


1.1.1.4. Nghĩa ngữ pháp
Nói đến ý nghĩa riêng trong ngôn ngữ, người ta thường nghĩ ngay đến
nghĩa riêng của từng đơn vị từ. Từ nào cũng có ý nghĩa ngữ pháp, các từ chia
thành các từ loại. Các từ loại lớn lại chia thành những tiểu loại. Ý nghĩa riêng
của từng từ là ý nghĩa từ vựng. Trước hết, đó là nghĩa khái quát chung cho tất

cả các từ thuộc cùng một từ loại, một tiểu loại. Nghĩa khái quát này dựa trên
nét nghĩa phạm trù trong cấu trúc biểu niệm của từ. Chẳng hạn, nghĩa sự vật ở
danh từ, nghĩa hoạt động ở động từ, nghĩa đặc điểm tính chất ở tính từ, nghĩa
số lượng ở số từ... Hoặc các nghĩa ngữ pháp của các tiểu loại, như các nghĩa ở
động từ chỉ hoạt động tác động, chỉ hoạt động sai khiến, chỉ hoạt động biến
hoá, chỉ hoạt động ban phát, chỉ hoạt động tri giác, suy nghĩ, nói năng v.v...
Có những từ chỉ có nghĩa ngữ pháp. Đó là phần lớn các hư từ. Ví dụ,
các quan hệ từ là những từ làm dấu hiệu cho các quan hệ ngữ pháp: Quan hệ
nguyên nhân (vì, tại, bởi, do), quan hệ sở hữu (của), quan hệ đối lập (nhưng,
song, mà), quan hệ giả thiết - điều kiện (nếu, giá, hễ...).
Có những từ chuyên làm thành tố phụ để làm dấu hiệu cho một số ý
nghĩa bổ sung như: ý nghĩa đồng nhất (đều, cũng, vẫn, cứ, còn, lại...).
1.1.2. Lý thuyết về trường nghĩa
1.1.2.1. Khái niệm về trường nghĩa
Ngôn ngữ là một hệ thống điển hình bao gồm tổng thể các yếu tố và các
yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nó không thể tách rời và cũng
không tồn tại một cách biệt lập. Quan hệ về ngữ nghĩa của từ luôn được các
nhà nghiên cứu tìm hiểu và làm rõ. Các từ đồng nhất về nghĩa được tập chung
vào một nhóm gọi là trường nghĩa. Trường nghĩa không chỉ có riêng ở một
loại ngôn ngữ nào mà nó xuất hiện ở mọi loại ngôn ngữ. Trên thế giới lý
thuyết về trường nghĩa được các nhà ngôn ngữ học người Đức và Thụy Sĩ đưa
ra vào cuối Thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

10


Ở Việt Nam, lý thuyết trường nghĩa xuất hiện từ những năm 80 của thế
kỷ XIX, đây là đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm như: Đỗ Hữu
Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Trọng Phiến, Đỗ Việt Hùng... trong đó tiêu
biểu nhất là nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Châu ông là người đã vận dụng lý thuyết

và giới thiệu trường nghĩa trong một loạt các công trình dựa trên những
phương diện lịch sử vấn đề, hệ thống hóa các quan điểm phương pháp của các
nhà ngôn ngữ học thế giới, đồng thời đưa ra các tiêu chí cũng như phương
pháp xác lập trường.
Qua thực tế nghiên cứu, Đỗ Hữu Châu đã khẳng định rằng: “Mỗi tiểu
hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là tập hợp những từ
đồng nhất về ngữ nghĩa”, và đối với quan hệ ngữ nghĩa trong trường nghĩa
thì “chúng ta có thể phân định một cách tổng quát những quan hệ ngữ nghĩa
trong từ vựng thành những quan hệ ngữ nghĩa giữa các trường nghĩa và
những quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường” [7, 170]… Quan niệm này
lấy tiêu chí ngữ nghĩa làm cơ sở cho việc phân lập trường nghĩa. Đây là quan
niệm có tính chất định hướng cho các quan niệm về trường nghĩa của các nhà
Việt ngữ khác sau ông. Khóa luận của chúng tôi lấy quan niệm về trường
nghĩa của Đỗ Hữu Châu làm cơ sở lí thuyết để nghiên cứu.
1.1.2.2. Phân loại trường nghĩa
Đỗ Hữu Châu đã phân loại trường nghĩa thành hai loại: “Trường nghĩa
ngang (trường nghĩa tuyến tính) và trường nghĩa dọc (trường nghĩa trực
tuyến). Căn cứ vào kiểu loại ý nghĩa của từ để phân ra trường nghĩa biểu vật
và trường nghĩa biểu niệm trong trường nghĩa trực tuyến. Ngoài ra còn căn
cứ vào đặc trưng liên tưởng để xác lập trường liên tưởng” [7, 170].
- Trường nghĩa biểu vật:
Trường nghĩa biểu vật “Là một tập hợp các từ đồng nghĩa về ý nghĩa
biểu vật. Trường biểu vật mang tính dân tộc do sự khác nhau về số lượng,
cách thức tổ chức của các 32 đơn vị, miền phân bố trong các trường nghĩa

11


của các ngôn ngữ. Có những từ ngữ chỉ có thể đi vào một trường nhưng cũng
có những từ có thể đi vào nhiều trường khác nhau. Vì vậy, có những từ là tâm

trường, có mối quan hệ chặt với trường và có những từ là biên, có mối quan
hệ lỏng lẻo với trường. Do có hiện tượng một từ có thể đi vào nhiều trường
nên các trường biểu vật có hiện tượng “thẩm thấu” và “giao thoa” với nhau”
[7, 175 - 176]. Ví dụ: Trường nghĩa “cây”: Hoa, lá, quả, nụ, thân, rễ, củ,…
Các trường biểu vật lớn có thể chia thành trường biểu vật nhỏ và các trường
biểu vật nhỏ có thể chia thành nhiều trường biểu vật nhỏ hơn.
Ví dụ trường nghĩa biểu vật “mũi”
+ Trường nghĩa chỉ bộ phận cơ thể: Mũi, mũi tay, mũi chân…
+ Trường nghĩa chỉ vật thể nhọn, sắc: Mũi dao, mũi kiếm,…
+ Trường chỉ vị trí đầu của vật thể: Mũi thuyền, mũi tàu, mũi kìm,…
+ Trường chỉ địa điểm hay một vị trí nào đó: Mũi Cà Mau, mũi Né,…
- Trường nghĩa biểu niệm:
Trường nghĩa biểu niệm“Là tập hợp các từ có chung một cấu trúc biểu
niệm. Cũng như các trường biểu vật, các trường biểu niệm lớn có thể phân
thành các trường biểu niệm nhỏ và cũng có những miền, những mật độ khác
nhau. Do từ có nhiều nghĩa biểu niệm nên một từ có thể đi vào những trường
biểu niệm khác nhau. Các trường biểu niệm giao thoa, thẩm thấu vào nhau và
có lõi trung tâm với các từ điển hình và những từ ở những lớp kế cận trung
tâm, ở lớp ngoại vi” [7, 177]. Ví dụ: Trường biểu niệm: “Hoạt động của con
người” có thể xác lập được các trường nhỏ như:
+ Hoạt động di chuyển bằng tay: Cầm, nắm, mang, bê,…
+ Hoạt động di chuyển bằng vai: Gánh, vác, khiêng,…
+ Hoạt động di chuyển bằng lưng: Cõng, địu,…
+ Hoạt động di chuyển bằng đầu: Đội,…
Có thể thấy, từ có nhiều nghĩa biểu niệm nên một từ có thể đi vào
trường nghĩa biểu niệm khác nhau. Giống như trường biểu vật, các trường

12



biểu niệm có thể thẩm thấu, giao thoa vào nhau và cũng có lõi trung tâm với
các từ điển hình ở những lớp kế cận trung tâm.
- Trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang)
Trường nghĩa tuyến tính “Là trường nghĩa có xuất phát từ tính hình
tuyến của tín hiệu ngôn ngữ, các tín hiệu phải lần lượt kế tiếp thành một
chuỗi mà không thể đồng thời xuất hiện. Muốn có quan hệ ngữ đoạn với
nhau, các yếu tố phải cùng thực hiện một chức năng về ngôn ngữ hoặc về nội
dung giao tiếp. Các từ trong một trường tuyến tính thường xuất hiện với từ
trung tâm trong các loại ngôn bản. Phân tích ý nghĩa của chúng, chúng ta có
thể phát hiện được những nội dung ngữ nghĩa của các quan hệ cú pháp và
tính chất của các quan hệ đó” [7, 185; 186]. Ví dụ: Trường tuyến tính của
“tay” là tập hợp tất cả những từ có thể kết hợp ở trước và sau nó để tạo nên
các sản phẩm lời nói tay búp măng, trăm hay không bằng tay quen, tay đẹp,
nhanh tay làm việc,tay làm hàm nhai… Để xác lập được trường nghĩa tuyến
tính chúng ta chọn một từ làm gốc để tạo ra các chuỗi tuyến tính. Trường
nghĩa tuyến tính góp phần làm sáng tỏ những quan hệ và cấu trúc ngữ nghĩa
của từ vựng.
- Trường nghĩa liên tưởng
Trường nghĩa liên tưởng “Là tập hợp các từ biểu thị các sự vật, hiện
tượng, hoạt động, tính chất… có quan hệ liên tưởng với một từ trung tâm.
Các từ trong một trường liên 33 tưởng là sự hiện thực hóa, sự cố định bằng
các ý nghĩa liên hội có thể có của từ trung tâm. Các từ trong một trường liên
tưởng trước hết là những từ cùng nằm trong trường biểu vật, trường biểu
niệm và trường tuyến tính, tức là những từ có quan hệ cấu trúc đồng nhất và
đối lập về ngữ nghĩa với từ trung tâm. Trong trường liên tưởng còn có nhiều
từ khác được liên tưởng tới do xuất hiện đồng thời với từ trung tâm trong
những ngữ cảnh có chủ đề tương đối đồng nhất, lặp đi lặp lại. Điều này khiến
cho các trường liên tưởng có tính dân tộc, tính thời đại và cá nhân. Chính vì

13



vậy, các trường liên tưởng không có tính ổn định. Trong trường liên tưởng có
những từ có ý nghĩa biểu vật giống nhau, nhưng cũng có những từ khác nhau
về nghĩa” [7, 187]. Có thể thấy mỗi trường liên tưởng đều được thiết lập dựa
trên một mối tương đồng hay một sự giống nhau nào đó không liên quan tới
khả năng chiếm giữ cùng một vị trí trên chuỗi lời nói, không liên quan tới khả
năng thay thế cho nhau. Ví dụ: Trường liên tưởng do từ “trắng” gợi ra, như
sau: Tóc, hoa mận, bác sĩ, gạo, không màu, tinh khiết, trong trắng…
1.1.3. Các quan hệ trong trường nghĩa
1.1.3.1. Quan hệ đồng nghĩa
Trong nghiên cứu quan hệ đồng nghĩa đã có không ít quan niệm hay
nhận định về từ đồng nghĩa. Thực ra, từ đồng nghĩa không phải là những từ
giống nhau hoàn toàn về nghĩa, chúng có những nét khác biệt nào đó bên canh
nững nét tương đồng. Theo Đỗ Hữu Châu: “Ðồng nghĩa trước hết là một hiện
tượng có phạm vi rộng khắp trong toàn bộ từ vựng, chứ không chỉ bó hẹp
trong những nhóm với một số có hạn những từ nhất định. Nói khác đi, đồng
nghĩa trước hết là quan hệ về ngữ nghĩa giữa các từ trong toàn bộ từ vựng
chứ không phải trước hết là giữa những từ nào đấy. Ðó là quan hệ giữa các
từ ít nhất có chung một nét nghĩa. Cũng có thể nói: Quan hệ đồng nghĩa bắt
đầu xuất hiện khi xuất hiện một nét nghĩa đồng nhất giữa các từ” [6, 178;
179]. Dựa vào cấu trúc nghĩa của từ và quan điểm của Đỗ Hữu Châu, Nguyễn
Thiện Giáp lại đưa ra nhận định riêng của mình như sau: “Từ đồng nghĩa là
những từ có hình thức ngữ âm khác nhau nhưng có quan hệ tương đồng về
nghĩa biểu niệm” [12, 216].
Chẳng hạn: Hoạt động “di chuyển” dời khỏi vị trí ban đầu: Đi, chạy,
khiêng, vác, cõng, địu, bưng, xách…
Hiện tượng đồng nghĩa có nhiều mức độ khác nhau, để phân loại hiện
tượng này có nhiều tiêu chí như: Tiêu chí dựa vào mức độ đồng nhất về nghĩa


14


biểu vật, nghĩa biểu niệm hay nghĩa biểu thái có thể phân thành hai loại là
đồng nghĩa hoàn toàn và đồng nghĩa không hoàn toàn.
- Đồng nghĩa hoàn toàn: Đó là những từ đồng nhất về nghĩa biểu vật,
nghĩa biểu niệm hay nghĩa biểu thái được dùng như nhau và có thể thay đổi
cho nhau trong lời nói.
Ví dụ: Từ chỉ loại phương tiện giao thông đi trên đường ray hay đường
sắt: Xe lửa, tàu hỏa, xe hỏa…
- Đồng nghĩa không hoàn toàn: Là những từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn
khác nhau phần nào về sắc thái biểu cảm hoặc cách thức hành động.
Ví dụ: Từ chỉ cái “chết” như: Hi sinh, từ trần, chết, toi, mất, bỏ mạng,
qua đời… Tuy nhiên tùy vào từng sắc thái biểu cảm có thể sử dụng từ ngữ
cho phù hợp. Ví dụ: Bà nội tôi mất cách đây một tuần và bà nội tôi toi cách
đây một tuần. Đây là hai từ đồng nghĩa với nhau nhưng không thể thay thế
cho nhau bởi ý nghĩa biểu thái.
Như vậy, khi biểu thị một sự vật hay hiện tượng nào ta có thể sử dụng
các từ đồng nghĩa cùng nằm trong trường liên tưởng. Tuy nhiên, cần cẩn
trọng lựa chọn từ ngữ để vừa diễn đạt được nội dung của người muốn truyền
tải và làm cho người đọc, người nghe không hiểu sai vấn đề.
1.1.3.2. Quan hệ trái nghĩa
Cũng như quan niệm về hiện tượng đồng nghĩa, hiện tượng trái nghĩa
cũng có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của Đỗ Hữu
Châu: “Trái nghĩa là hiện tượng ngược lại với đồng nghĩa, nhưng cùng có cơ
sở chung với hiện tượng đồng nghĩa. Cụ thể, trái nghĩa là hiện tượng phân
hóa hai cực của cùng một nét nghĩa lớn (nét nghĩa phạm trù, nét nghĩa có tính
khái quát rất cao). Nói cách khác, khi nét nghĩa lớn ấy phân hóa một cách
cực đoan thành hai cực (lưỡng cực hóa) thì ta có các từ trái nghĩa; còn khi
các từ đồng nhất với nhau ở một trong hai cực đó thì ta có các từ đồng

nghĩa” [6, 201]. Nhưng theo lối nghiên cứu của Nguyễn Thiện Giáp: “là
15


những từ khác nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa, biểu hiện các khái niệm
tương phản về lôgic, nhưng tương liên lẫn nhau” [12, 232].
Ví dụ: Cao - thấp, tốt - xấu, ngắn - dài , tròn - méo,…
Để phân loại từ trái nghĩa người ta dựa vào tiêu chí nghĩa của từ và chia
thành hai loại như sau: Trái nghĩa tuyệt đối và trái nghĩa tương đối
- Trái nghĩa tuyệt đối: Là những từ bên cạnh nét nghĩa giống nhau xuất
hiện những nét nghĩa đối lập giữa các từ. Chúng nằm ở vùng liên tưởng nhanh
nhất, mạnh nhất, có tần số xuất hiện cao nhất.
Ví dụ: dài - ngắn, rộng - hẹp, cao - thấp, cứng - mềm, yêu - ghét…
- Trái nghĩa tương đối: Là những từ mà giữ các từ chỉ thỏa mãn được
tiêu chí bên cạnh những nét nghĩa khái quát giống nhau, giữa các từ xuất hiện
nét nghĩa đối lập mà không thỏa mãn được tiêu chí chúng nằm ở vùng liên
tưởng nhanh nhất, mạnh nhất và có tần số xuất hiện cao nhất.
Ví dụ: Nhỏ - khổng lồ, thấp - lêu nghêu, cao - lùn tịt….
Như vậy, hai hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa là hai hiện tượng phổ
biến trong ngôn ngữ nói chung và trong tiếng Việt nói riêng. Việc nghiên cứu
và giải đáp hai hiện tượng này vẫn còn chừng mực.
1.2. Khái lược về phép đối, quy tắc đối và câu đối
1.2.1. Phép đối và quy tắc đối
1.2.1.1. Phép đối
Phép đối là những quy định nghiêm ngặt của nghệ thuật dùng từ ngữ.
Trong câu đối, việc sử dụng từ ngữ tạo nên sự cân xứng về cấu trúc, hài hòa
về âm thanh, nhịp điệu, tạo nên nét nghĩa tương phản hoặc tương đồng nhằm
nhấn mạnh một nội dung nào đó. Đối ở đây là đối giữa các đơn vị tương
đương trong ngôn ngữ với nhau: Về mặt ngữ âm có đối thanh - bằng trắc đối
nhau. Về lời yêu cầu số lượng âm tiết của hai vế phải bằng nhau. Về từ các từ

loại phải cùng loại đối nhau như danh từ đối danh từ, động từ đối động từ,
tính từ đối tính từ, đại từ đối đại từ… Về mặt cấu tạo từ có từ láy đối từ láy, từ

16


đơn đối từ đơn, từ ghép đối từ ghép. Về cụm từ có cụm danh từ đối cụm danh
từ, cụm động từ đối cụm động từ… Quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ, điển cố,
điển tích đối nhau. Các câu cùng kiểu đối nhau như câu đơn đối câu đơn, câu
đơn có thành phần phụ đối nhau, câu ghép đối câu ghép…Về nghĩa các từ đối
nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau, hoặc phải
cùng trường nghĩa với nhau để gây hiệu quả bổ sung, hoàn chỉnh về nghĩa.
Phép đối khá nghiêm ngặt về cấu trúc vế đối, trong đó có hai vế, một vế
ra và một vế đối. Phép đối chỉnh phải là: Từ đối từ (ý nghĩa, từ loại, chức
năng, đồng âm, đồng nghĩa.v..v..). Thanh đối thanh (bằng đối trắc và trắc đối
bằng). Sắc thái tu từ đối nhau (vui, buồn, nghiêm trang, kính trọng.v.v…).
Phép đối có trong từ như từ ghép đẳng lập, trong văn học thể hiện ở các
thể loại như: thành ngữ, tục ngữ, phép đối cũng tồn tại trong văn biền ngẫu.
1.2.1.2. Quy tắc đối
- Đối ý và đối chữ
“Đối ý: Hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối chữ: Phải xét hai phương diện thanh và loại:
+ Về thanh: Thanh bằng đối với thanh trắc (và ngược lại)
+ Về loại: Thực tự (hay chữ nặng có thực như: Trời, đất, cây cỏ…) phải
đối với thực tự. Hư tự (chữ nhẹ như: Thì, mà, vậy, ru…) phải đối với hư tự.
Danh từ phải đối với Danh từ. Động từ phải đối với Động từ. Nếu vế đối này
đặt bằng chữ nho thì vế kia cũng phải đặt bằng chữ nho...” [32]
- Vế câu đối
“Một câu đối gồm hai câu đi sóng nhau, mỗi câu là một vế đối, nếu câu
đối đó do một người sáng tác thì hai vế được gọi là vế trên và vế dưới. Nếu

người đó nghĩ ra một vế để cho người khác nghĩ và làm ra vế kia và đối lại thì
gọi là vế ra và vế đối. Khi một câu đối do môt người làm ra cả hai vế thì chữ
cuối của vế trên là thanh trắc còn chữ cuối của vế dưới là thanh bằng.” [30]
- Số chữ trên câu đối và các thể câu đối

17


“Một câu đối được làm ra có số chữ trong câu không nhất định, theo số
chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau:
+ Câu tiểu đối: Là các câu đối có 4 chữ trở xuống .
VD: Phúc như đông hải - Thọ tỷ nam sơn.
+ Câu đối thơ: Là những câu đối làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn
hoặc thất ngôn.
VD: Phúc sinh phú quý gia đường thịnh - Lộc tiến vinh hoa tử tôn vinh.
+ Câu đối phú: Là những câu làm theo các lối đặt câu của thể Phú, gồm
có: Lối câu Song quan - là những câu có sáu đến chín chữ đặt thành một đoạn
liền. Lối câu Cách cú - là những câu mà mỗi vế đối chia làm hai đoạn một
ngắn, một dài và Lối câu Gối hạc hay Hạc tất - là những câu mà mối vế đối có
3 đoạn trở lên.” [32]
- Luật bằng - trắc (B - T)
“Luật thanh trong câu tiểu đối:
+ Vế phải: T - T - T
+ Vế trái: B - B - B
Luật trong câu đối thơ: Tuân theo luật bằng trắc của hai câu thực và
câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
Luật trong câu đối phú: Chữ cuối của mỗi vế và chữ cuối của mỗi đoạn
phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở
lên thì: nếu chữ cuối vế là trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải bằng và ngược
lại nếu chữ cuối vế là bằng thì các chữ cuối các đoạn trên phải là trắc. Nếu

đoạn đầu hoặc đoạn cuối có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất
ngôn.” [32]
1.2.2. Phép đối trong ngôn ngữ và trong văn học
- Trong ngôn ngữ
“Trong ngôn ngữ phép đối được thể hiện:
+ Số lượng âm tiết của hai về đối phải bằng nhau.

18


×