HOA NGUYÊN THI THẢO CỦA LÊ QUANG ĐỊNH – NHỮNG VẦN THƠ ĐI SỨ
TƯƠI TẮN, HÀO MẠI
Ths. Đỗ Thị Mỹ Phương (K.Văn -ĐHSPHN)
Trong sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam, văn học miền đất
Nam bộ có ý nghĩa đặc biệt. Mặc dù xuất hiện muộn và không có nhiều bề
dày truyền thống nhưng văn học nơi đây đã tạo dựng được một gương mặt,
tiếng nói riêng với nhiều tên tuổi và tác phẩm đặc sắc. Một trong số đó
không thể không nói đến Lê Quang Định với tập thơ Hoa Nguyên thi thảo.
Hoa Nguyên thi thảo được làm chủ yếu trong chuyến đi sứ Trung
Hoa năm 1802 – 1803 mà Lê Quang Định là chánh sứ. Đây là chuyến đi có
ý nghĩa đặc biệt không chỉ với bản thân Lê Quang Định, với nhà Nguyễn
mà còn khắc một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Sứ đoàn Lê
Quang Định là một trong những sứ đoàn đầu tiên của triều Nguyễn đến
Trung Hoa, mang trọng trách hết sức nặng nề và thiêng liêng: yêu cầu sự
thừa nhận quyền tự trị nước Việt của nhà Nguyễn (cầu phong), khẳng định
cương vực, biên giới mới của lãnh thổ nước ta, gồm cả đất Việt Thường
ngày xưa và những vùng đất mới do chúa Nguyễn khai phá (xin đặt quốc
hiệu). Chuyến đi sứ là một quá trình đấu trí khôn khéo, mềm mỏng nhưng
quyết liệt và cuối cùng đã kết thúc thắng lợi. Hoa Nguyên thi thảo được ra
đời trên chặng Hoa trình khó khăn, gian khổ nhưng vẻ vang ấy. Đi sứ trong
tư thế của người chiến thắng, trong niềm tin tưởng và kiêu hãnh của người
hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh đất nước giao phó đã hình thành nên cái nhìn
lạc quan, tin yêu cuộc sống mãnh liệt ở thơ Lê Quang Định
Hoa Nguyên thi thảo được biết đến và khắc in tương đối sớm (xem
TL số 4) nhưng việc biên dịch, chú giải tập thơ để giới thiệu với công
chúng chưa thật sự được quan tâm. Mới chỉ có ít bài thơ được trích dịch,
giới thiệu trong một số công trình và hợp tuyển. Phải đến những năm đầu
thế kỉ XXI, trong dịp kỉ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất
Biên Hòa - Đồng Nai, tập thơ mới được dịch, in trong cuốn Gia Định tam
gia. Phần sáng tác của Lê Quang Định ở đây còn những điểm chưa hoàn bị
lắm. Chẳng hạn, số lượng thơ được giới thiệu và phiên dịch thiếu 11 bài,
tên tác phẩm đôi khi còn chưa chính xác, phần dịch nghĩa cũng có chỗ
chưa thanh thoát, những điển tích, điển cố liên quan chú thích chưa đủ.
Tuy vậy, cuốn sách của Hoài Anh là những khai phá bước đầu trong quá
trình đưa tác phẩm của Lê Quang Định đến với bạn đọc. Để đạt đến sự
hoàn thiện, bản dịch cần sự góp sức của nhiều học giả.
Hoa Nguyên thi thảo gồm 74 bài thơ. Tập thơ mở đầu bằng bài Lưu
biệt Bắc thành Nguyễn Tổng trấn ghi lại sự kiện bắt đầu chặng hành trình
vạn dặm và kết thúc là bài Khốc tiên phần - cảm xúc của Lê Quang Định
khi đứng trước mộ cha mẹ. Trừ 4 bài thơ cuối tập là Võ Hậu quân hỏa,
Ngô Lễ bộ tửu khóc những người anh hùng đã tử tiết và Trường phái hầu
phát, Khốc tiên phần có lẽ được sáng tác sau khi Lê Quang Định đi sứ trở
về, 70 bài còn lại trong Hoa Nguyên thi thảo chính là tập nhật kí hành trình
tới Hoa Nguyên của tác giả.
Là tập thơ đi sứ nhưng Hoa Nguyên thi thảo không có sự trĩu nặng âu
lo. Lê Quang Định hiện diện trong tâm thế một sứ thần tự tin, kiêu hãnh
hơn là con người của những trọng trách lớn lao. Tạo dựng hình ảnh và phối
hợp màu sắc là điểm mạnh của ngòi bút thơ Lê Quang Định. Thi nhân sử
dụng nhiều gam màu sáng để thể hiện bức tranh cuộc sống. “Thi trung hữu
họa”, có thể dùng câu nói này để nhận định về thơ đi sứ của ông. Tập thơ
được người đương thời đánh giá cao. Kết hợp giữa tâm hồn phóng khoáng,
hào mại và những nét bút tài hoa tinh tế, thơ Lê Quang Định đã khiến các
sĩ phu phương Bắc phải thán phục. Người dân Nam bộ coi sáng tác của
ông là tiếng nói thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, tính cách mình. Bản thân những
danh sĩ cùng thời với thi nhân cũng rất có hứng thú với tập thơ này. Ngô
Lễ Khê và Nguyễn Tố Như (Nguyễn Du) đã dành 65 lời bình cho 49 bài
thơ trong Hoa Nguyên thi thảo. Vẻ đẹp bay bổng, phóng khoáng mà tự
nhiên, sống động, ý thơ giản dị nhưng chân thành, gợi xúc động sâu sa,
tình cảm nhẹ nhàng, tinh tế… của thi tập đã được Ngô Lễ Khê và Nguyễn
Tố Như khẳng định.
Hoa Nguyên thi thảo giống như phần lớn các tập thơ đi sứ chủ yếu
được khơi dậy từ ba nguồn cảm hứng chính: cảm hứng từ thiên nhiên cảnh
vật Trung Hoa; cảm hứng từ tâm tình người lữ khách xa nhà và cảm hứng
thù tạc.
Viết về thiên nhiên, Lê Quang Định nghiêng về những bức tranh
rộng lớn, tươi tắn và thanh thoát. Cảnh vật thường thu hút hồn thơ ông ở vẻ
đẹp, sức sống, ở nét tự nhiên, sinh động. Nhà thơ ít có hứng thú với cái
bình dị của khung cảnh đời thường, cái nhìn của ông thường hướng tới
phát hiện chất thơ từ đời sống. Trong thơ Lê Quang Định có mặt hai không
gian dường như đối lập nhau: một là không gian tĩnh, gợi cảm giác bình
yên với chùa chiền, miếu mạo - chốn an nhiên, thanh tịnh; một là không
gian động với những âm thanh náo nhiệt và sự sống đang chuyển mình
mạnh mẽ, gợi sự ấm nóng, tươi vui - cuộc sống trần thế sôi động. Hai thế
giới cách xa nhau ấy được nối lại trong tâm hồn thơ thiết tha tình yêu cuộc
sống. Không khí yên bình của những ngôi chùa không hề xa lạ với cảnh
vật nơi thế tục mà dường như chỉ là một khoảng lặng yên tĩnh, trong lành
hơn mà nhà thơ quan sát được.
Thơ viết về thiên nhiên cảnh vật trong Hoa Nguyên thi thảo phần lớn
được gợi hứng từ hai khung cảnh là sông nước (26 bài) và chùa chiền (10
bài). Lê Quang Định chọn hai không gian này vì hành trình sứ đoàn phần
lớn theo đường sông để đến Yên Kinh nhưng quan trọng hơn là bởi cảm
nhận cái đẹp của thi nhân thiên về sự phóng khoáng. Nhà thơ đặc biệt có
hứng thú với những cảnh tượng rộng lớn, thanh thoát. Sông nước mang
đến vẻ mênh mông, bát ngát của không gian được quan sát theo bề rộng,
chùa chiền gợi lên vẻ an nhiên, tĩnh tại của không gian được cảm nhận từ
chiều sâu. Không phá vỡ vẻ siêu thoát vĩnh hằng nơi cảnh chùa, cũng
không tách biệt nó với cuộc sống đời thường, Lê Quang Định đến với cảnh
vật bằng cảm quan của người đi tìm cái cái đẹp muôn màu trong cuộc
sống. Ngòi bút ảo hoá khi tả cảnh đã giúp thi nhân tái hiện được những bức
tranh còn vẹn nguyên khói sương phiêu lãng mà vẫn ngời lên vẻ đẹp tươi
tắn, đầy sức sống. Đó là khi trong một bức tranh tĩnh lặng, tác giả vẽ thêm
một dáng hình người đẹp:
Hà xứ giai nhân bằng Thứu Lĩnh
Bạch y tương chứng thuý mi song
(Người đẹp ở nơi nào đến lễ Phật
Áo trắng, đôi mày biếc ánh lên nhau)
(Đăng Kim Kê nham)
Hình ảnh “giai nhân bằng Thứu Lĩnh” là một đột phá trong bài thơ.
Cảnh chùa gần với đời thực hơn còn hiện thực lại trở nên ảo hơn. Cô gái áo
trắng là sự pha trộn giữa hình ảnh Quan Thế âm Bồ tát và người đẹp đến lễ
chùa. Bản thân sự trộn lẫn đó cho thấy tâm hồn thơ hào mại, không câu nệ
của Lê Quang Định. Thiên nhiên cảnh vật dưới con mắt thi nhân dù được
quan sát ở góc độ, phương diện nào bao giờ cũng là hiện thân của cái đẹp
không phân biệt xa - gần, đời - đạo.
Lê Quang Định thường đặt mình vào vị trí giữa cảnh để cảm nhận sự
hoà hợp trọn vẹn với thế giới xung quanh. Thơ ông viết trên đường đi sứ
nhưng gần như không hề có sự phân biệt quê mình – quê người, không có
ý thức phân tách không gian quen thuộc và xa lạ. Hoa Nguyên thi thảo ít
nỗi buồn bởi lúc nào Lê Quang Định cũng tìm thấy sự hoà hợp, gắn kết
giữa mình với cuộc đời. Thơ ông thường xuyên có những cuộc gặp gỡ. Gặp
không phải để thấy mất mát, trống vắng, không gì bù đắp được giống như
Nguyễn Du khi đi qua các địa danh, di tích lịch sử mà để tìm kiếm sự sẻ
chia, ràng buộc, sự gắn bó giữa người - cảnh. Trong hành trình đi sứ, thi
nhân nhiều lần phát hiện ra những bức tranh thơ mộng, tươi đẹp là đất trời
hữu ý dành tặng riêng mình. Cái đẹp trong quan niệm của ông không phải
là thiên nhiên vô tri vô giác mà là sự giao cảm của tâm hồn nghệ sĩ với
cảnh:
Đinh hạc sa âu cung ngã lãm
Giang mai đề liễu vị thuỳ khiên
(Hạc nơi vũng nước, chim le nơi bãi cát mang (vẻ đẹp) đến
cho ta thưởng thức
Cây mai bên sông, cây liễu trên đê vì ai mà quấn quýt)
(Ninh Minh giang giải lãm)
Qua lầu Hoàng Hạc - địa danh nổi tiếng gắn liền với bài thơ của
Thôi Hiệu, nơi từng khiến tiên thi Lý Bạch phải quẳng bút, Lê Quang Định
vẫn có những ý thơ tươi tắn. Ông không nhìn cảnh để thấm thía ý nghĩa
còn - mất trong đời hay suy tư về sự nhỏ nhoi của kiếp người giữa mênh
mông không gian, vô định thời gian mà để thú vị nhận ra những cuộc hội
ngộ giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với thiên nhiên. Trong con
mắt thi nhân, quá khứ không vĩnh viễn mất đi:
Hàn phi tích cổ Viêm tưu viễn
Nhân cảnh tao phùng hữu thử quan
(Cánh hạc bay trong tích xưa, miền Viêm bang xa xôi
Người và cảnh gặp gỡ nên có cuộc tham quan này)
(Đăng Hoàng Hạc lâu tác)
Cảnh vẫn thế nhưng con người thì mới, chính vì vậy lầu Hoàng Hạc
sẽ còn là nơi khơi nguồn thi hứng cho muôn đời. Luôn đặt mình vào giữa
thiên nhiên, thanh thản an nhiên là trạng thái thường trực trong tâm hồn Lê
Quang Định. Những trách nhiệm không còn là gánh nặng, chúng còn khiến
cảm xúc thi nhân thăng hoa. Nhà thơ nhiều lần tự nhận mình là người nhàn.
Vẻ nhàn của ông khác người lánh xa mọi ràng buộc hay đứng trên cuộc đời,
nó toát lên từ sự đón nhận thế giới xung quanh với tất cả tâm hồn khoáng
đạt:
Nhất phiến tinh tra vạn lý san
Càn khôn vô xứ bất vi nhàn
(Một mảnh bè sao vượt qua vạn ngàn sông núi
Đất trời đâu chẳng là chốn thanh nhàn của ta)