Tải bản đầy đủ (.docx) (19 trang)

Nâng cao hiệu quả dạy học, phát triển tư duy học sinh thông qua việc sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (513.55 KB, 19 trang )

1. MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài
Thế giới văn minh của loài người ngày càng phát triển nhanh chóng nhờ
vào những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, trong đó có những đóng
góp to lớn của Vật lí. Khoa học công nghệ xuất phát từ nền tảng cơ bản của Vật
lí, nói cách khác sự phát triển của Vật lí gắn bó chặt chẽ và có tác động qua lại,
trực tiếp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nói đến Vật lí là nói
đến cuộc sống, những vật dụng xung quanh chúng ta như bóng đèn, bàn là, tủ
lạnh, ti vi, nồi cơm điện… đều được tạo ra từ những nguyên tắc và quy luật của
Vật lí. Không chỉ dừng lại ở những ứng dụng cơ bản, Vật lí còn là cơ sở lí thuyết
nền tảng (cơ học vật rắn, cơ học kết cấu…) cho các kĩ sư thiết kế công trình xây
dựng một cách tối ưu; Vật lí còn được ứng dụng trong ngành y học: sử dụng tia
laser trong các vi phẫu thuật ít xâm lấn, đòi hỏi độ chính xác cao (mổ tim, mổ
mắt…), sử dụng các tia phóng xạ, tia X để điều trị bệnh ung thư….
Đặc thù của phương pháp tư duy bộ môn Vật lí là người học cần phải có
tư duy hiện tượng, tư duy gắn với thực tiễn. Tuy nhiên, đối với đại đa số học
sinh phổ thông hiện nay, việc vận dụng kiến thức vật lí vào đời sống còn rất
nhiều hạn chế, với một số học sinh phải nói là thực sự yếu kém. Việc giảng dạy
vật lý hiện nay chưa thực sự gắn kết lý thuyết với thực tiễn. Trong quá trình dạy
và học, vì quá để tâm tới công thức của các định luật hay rập khuôn theo sách
giáo khoa mà chúng ta bỏ qua sắc màu tự nhiên của các hiện tượng. Điều này đã
khiến môn học trở nên tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn, không tạo được sự hứng thú,
nghiên cứu tìm tòi ở học sinh. Để học sinh nắm vững kiến thức lí thuyết, làm
tăng hứng thú, dễ ghi nhớ, tăng khả năng vận dụng các kiến thức Vật lí vào cuộc
sống, giáo viên có thể vận dụng các câu hỏi có nội dung gắn kết với thực tiễn
trong giảng dạy. Có thể nói, việc tăng cường sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn
trong các giờ học Vật lí đang là bước đi đúng hướng và có cơ sở khoa học.
Là một giáo viên vật lý trực tiếp giảng dạy ở trường THPT, tôi đã rất tích
cực đổi mới phương pháp dạy học, cố gắng sao cho mỗi tiết học Vật lý khơi dậy
được ở học sinh ý thức tự giác, tích cực, hứng thú và say mê, giúp các em vận
dụng kiến thức được học trong sách vở vào thực tiễn đời sống. Trong giới hạn


của sáng kiến kinh nghiệm, tôi chọn đề tài: “Nâng cao hiệu quả dạy học, phát
triển tư duy học sinh thông qua việc sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong
dạy học Vật lí 10 ở trường THPT Như Thanh”.
1.2. Mục đích nghiên cứu
- Cụ thể hóa việc thực hiện nguyên lí giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo
dục kết hợp với việc vận dụng kiến thức vào cuộc sống, lí luận gắn với thực tiễn.
- Nghiên cứu quá trình dạy học theo quan điểm hiện đại, xem xét vai trò
của các câu hỏi liên hệ thực tiễn trong việc tổ chức hoạt động nhận thức cho học
sinh. Góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học Vật lí.
- Xây dựng hệ thống các câu hỏi liên hệ thực tiễn cho các bài giảng trong
chương trình Vật lý 10 - THPT.
1


- Vận dụng các câu hỏi liên hệ thực tiễn để dạy học Vật lý 10 - THPT
nhằm nâng cao hiệu quả dạy học và phát triển tư duy học sinh.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
- Nghiên cứu ý nghĩa của câu hỏi liên hệ thực tiễn đối với hoạt động giáo
dục ở trường phổ thông.
- Nghiên cứu phương pháp tổ chức dạy học Vật lí 10, vận dụng câu hỏi liên
hệ thực tiễn trong dạy học Vật lí ở trường THPT Như Thanh.
1.4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lí thuyết;
- Phương pháp điều tra khảo sát thực tế, thu thập thông tin;
- Phương pháp thống kê, xử lí số liệu.
2. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm
2.1.1. Cơ sở pháp lí
Nghị quyết số 29-NQ/TW - Hội nghị Trung ương 8, khóa XI của Đảng
yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại,

coi trọng dạy cách học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng
kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền đạt áp đặt một chiều, ghi
nhớ máy móc. Nghị quyết cũng nêu rõ, giáo dục phổ thông sẽ đổi mới theo định
hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, yêu cầu học sinh vận dụng tổng
hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
2.1.2. Vai trò của câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy học Vật lí ở trường phổ
thông
Câu hỏi liên hệ thực tiễn là những câu hỏi nhấn mạnh về mặt bản chất của
hiện tượng đang khảo sát nhưng hiện tượng đó lại quen thuộc, tồn tại xung
quanh con người. Để trả lời những câu hỏi loại này học sinh phải thực hiện
những phép suy luận logic trên cơ sở hiểu rõ bản chất của các khái niệm, định
luật vật lý; nhận biết được những biểu hiện của hiện tượng trong các trường hợp
cụ thể và cả những kinh nghiệm của học sinh có được trong đời sống hàng ngày.
Ưu điểm của câu hỏi liên hệ thực tiễn là tạo điều kiện cho học sinh đào
sâu, củng cố kiến thức, là phương tiện kiểm tra kiến thức của học sinh. Dạng câu
hỏi này có tác dụng tăng khả năng hứng thú đối với môn học, tạo điều kiện phát
triển óc quan sát, khả năng phân tích, tổng hợp, phát triển khả năng phán đoán,
sáng tạo,… của học sinh.
Để phát huy tác dụng của câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy học, giáo
viên cần căn cứ vào nội dung mà học sinh cần nắm trong một đơn vị kiến thức,
một chuyên đề dạy học, … tùy vào điều kiện cụ thể của lớp học, thời gian cho
phép cũng như khả năng học tập của học sinh để lựa chọn các câu hỏi liên hệ
thực tiễn cho phù hợp, đặc biệt lưu ý đến các câu hỏi thực tiễn có tác dụng giáo
dục tư tưởng, đạo đức, thế giới quan khoa học cho học sinh.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
Chương trình Vật lí phổ thông nước ta hiện nay bao gồm các phần: cơ
học, nhiệt học, điện học (điện một chiều, điện xoay chiều và dao động điện từ),
2



quang học (quang hình, các dụng cụ quang học và quang lí), vật lí phân tử và hạt
nhân. Với một khối lượng kiến thức đồ sộ như vậy, những tưởng rằng thực tế
cuộc sống của các em học sinh sẽ vô cùng phong phú, các em hoàn toàn có khả
năng làm chủ được kiến thức, vận dụng tốt những kiến thức học được vào đời
sống thực tiễn ở chính gia đình mình; việc giải thích những hiện tượng xảy ra
hàng ngày xung quanh các em chỉ là “vấn đề đơn giản” ... Nhưng điều đó đã
không diễn ra trên thực tế như những gì chúng ta mong đợi. Một thực trạng đáng
buồn đó là sự yếu kém đến khó tưởng tượng của rất nhiều học sinh phổ thông
hiện nay trong việc vận dụng kiến thức vật lí đã học vào thực tế cuộc sống của
chính mình.
Với kiến thức về các dạng chuyển động, các lực cơ học, ở trên lớp các em
có thể viết một cách đầy đủ, chính xác các phương trình của chuyển động thẳng
đều, chuyển động thẳng biến đổi đều, đọc đúng định nghĩa về vận tốc, gia tốc,
các định luật Niutơn ... Thế nhưng, nhiều học sinh lại không thể giải thích được
những hiện tượng rất gần gũi với đời sống: Tại sao khi đi xe máy dưới trời mưa
(trong điều kiện không có gió), ta lại có cảm giác những giọt nước mưa không
rơi theo phương phẳng đứng mà theo phương xiên? hay tại sao những vận động
viên đua xe máy phải nghiêng xe khi đi qua những chỗ đường vòng?... Cứ như
thế, kiến thức vật lí đối với nhiều học sinh phổ thông hiện nay chỉ là nội dung
các định luật, cách giải các bài tập, ... chúng còn “nằm yên” một cách khiêm tốn
trên những trang vở, thiếu một cái gì đó để có thể “đánh thức” chúng dậy, làm
cho chúng trở thành một trong những hành trang tốt trong cuộc sống của các em.
Nguyên nhân, khó khăn chung của thực trạng
- Nguyên nhân đầu tiên kể đến là sự quá tải của chương trình. Nội dung
kiến thức cần truyền tải trong các tiết học quá nhiều nên thời gian để liên hệ
thực tế cho các em rất hạn chế. Sau mỗi bài học, các em lại phải giải quyết nhiều
bài tập với những phép toán phức tạp để đáp ứng yêu cầu của các đề kiểm tra,
đánh giá hiện nay.
- Nguyên nhân thứ hai là việc giảng dạy kiến thức nói chung và kiến thức
môn Vật lý nói riêng ở nhiều nội dung dạy học, nhiều nhà trường vẫn còn theo

lối “dạy chay”.
- Nguyên nhân thứ ba thuộc về chủ quan của mỗi giáo viên đứng lớp, một
số giáo viên còn thiên về cung cấp kiến thức giáo khoa một cách thuần túy, chưa
coi trọng việc soạn và sử dụng bài giảng theo hướng tích cực hóa hoạt động
nhận thức của học sinh. Giáo viên dạy Vật lý mà xa rời kiến thức thực tế, dạy
Vật lý mà như dạy Toán do chỉ quan tâm tới công thức và cho học sinh áp
dụng công thức để tính ra đáp số.
2.3. Giải pháp sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy học Vật lí 10 ở
trường THPT Như Thanh
Để học sinh hiểu được vai trò, ý nghĩa thực tiễn của môn Vật lý, khơi dậy
ở các em niềm đam mê môn học và trở thành con người phát triển toàn diện, có
hai yếu tố quan trọng nhất phải thay đổi, đó là: phương pháp dạy của giáo viên
và cách thức kiểm tra đánh giá.
3


Phải thay đổi phương pháp dạy của giáo viên, người giáo viên phải có tư
duy đổi mới, gắn kiến thức vật lý với thực tiễn, giáo viên cần nghiên cứu kỹ bài
giảng, xác định được kiến thức trọng tâm, tìm hiểu, tham khảo các vấn đề thực
tiễn liên quan, phù hợp với học sinh; hình thành giáo án theo hướng phát huy
tính tích cực chủ động của học sinh. Học sinh sẽ thấy hứng thú, dễ ghi nhớ hơn
nếu trong quá trình dạy học giáo viên luôn có định hướng liên hệ giữa kiến thức
sách giáo khoa với thực tiễn đời sống hằng ngày một cách hợp lý, hài hoà; đôi
lúc có khôi hài nhưng sâu sắc, đảm bảo mục đích dạy học môn Vật lí.
Phải tích cực đổi mới nội dung đề kiểm tra đánh giá học sinh theo định
hướng đề có lồng ghép kiến thức thực tế, làm cho học sinh phải thay đổi phương
pháp học cho phù hợp. Xu hướng “thi gì học nấy” ảnh hưởng rất mạnh đến việc
dạy của thầy và những điều cần học của trò. Một số năm gần đây, nội dung đề
thi môn Vật lí đã có những thay đổi tích cực, “tính thực tiễn” đã được đề cập đến
trong nội dung của đề thi, tuy nhiên, số lượng câu hỏi loại này còn ít và chưa thể

hiện rõ nét.

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Vật lí – Công nghệ, trường THPT Như
Thanh thảo luận về việc vận dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy học Vật lí.
Tuy nhiên thời gian dành cho việc vận dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn
trong dạy học Vật lí không được quá nhiều, nếu không sẽ dẫn đến sự lan man,
làm mờ nhạt đi vấn đề trọng tâm, nó được ví như thứ gia vị trong đời sống,
không thể thay cho thức ăn nhưng thiếu nó thì món ăn sẽ kém hấp dẫn.
Để đạt hiệu quả tối ưu trong dạy học Vật lí, giáo viên sử dụng câu hỏi liên
hệ thực tiễn bằng cách:
4


- Nêu các hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống hàng ngày thay cho
lời giới thiệu vào bài giảng mới để tạo bất ngờ cho học sinh và tạo được sự chú
ý, quan tâm của học sinh tới vấn đề trong bài học.
- Đưa ra các hiện tượng thực tiễn trong đời sống hàng ngày qua một số
tính chất vật lý cụ thể trong bài, làm cho học sinh hiểu và thấy được ý nghĩa
thực tiễn của bài học, biết vận dụng kiến thức vừa học để thảo luận tìm ra đáp
án, giải toả tính tò mò của học sinh.
- Nêu hiện tượng thực tiễn trong đời sống hàng ngày qua những câu
chuyện ngắn và những câu chuyện mang tính chất khôi hài, tạo không khí học
tập thoải mái - đó cũng là cách kích thích niềm đam mê môn học.
- Nêu hiện tượng thực tiễn liên quan đến kiến thức trong bài sau khi học
xong bài học. Cách nêu vấn đề này giúp học sinh căn cứ vào những kiến thức đã
học tìm cách giải thích những hiện tượng ở nhà hay những lúc bắt gặp hiện
tượng đó.
- Nêu hiện tượng thực tiễn trong đời sống hàng ngày thông qua bài tập
tính toán giúp học sinh hiểu rõ hơn bản chất của hiện tượng, hiểu rõ hơn về các
quy luật của tự nhiên đã được đúc kết trong các định luật vật lý và nhất là tránh

được tình trạng toán học hoá bài tập vật lý.
- Nêu các hiện tượng thực tiễn trong đời sống hàng ngày liên quan đến bài
học tiếp theo sau khi kết thúc bài học trước, học sinh căn cứ vào kiến thức đã
học tìm cách giải thích hiện tượng ở nhà, đưa các em vào vòng xoáy trên con
đường tìm tòi khám phá kiến thức, buộc các em phải suy nghĩ, ấp ủ vì sao lại
xảy ra hiện tượng đó, tạo tiền đề thuận lợi cho việc dạy học ở tiết sau.
Như vậy, giáo viên có thể sử dụng hình thức tổ chức lồng ghép câu hỏi
liên hệ thực tiễn vào trong bài dạy như sau:
- Lồng ghép vào phần mở bài;
- Lồng ghép trong quá trình giảng dạy kiến thức mới;
- Lồng ghép khi củng cố bài học, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong dạy
học vật lí, giáo viên phải nắm chắc kiến thức xuyên suốt cả chương trình để xây
dựng kế hoạch bài giảng cho phù hợp, thu thập những kiến thức thực tế liên
quan đến bài học dựa trên cơ sở sách giáo khoa, các tư liệu tham khảo, các hiện
tượng tự nhiên diễn ra xung quanh ta và trong đời sống sản xuất…làm thành
cuốn tư liệu chuyên môn.
2.4. Hệ thống câu hỏi liên hệ thực tiễn sử dụng trong dạy học Vật lí 10 ở
trường THPT Như Thanh
2.4. 1. Câu hỏi liên hệ thực tiễn được sử dụng trong phần mở bài
Câu 1: Khi bắn cung, nguyên nhân nào đã làm cho mũi tên của cung tên chuyển
động?
Trả lời: Do lực đẩy của dây cung, thân cung lên mũi tên, lực này chính là lực
đàn hồi xuất hiện do sự biến dạng của dây cung và thân cung khi người bắn
cung kéo chúng.

5


Vận dụng: Giáo viên có thể sử dụng

câu hỏi này cho phần mở bài khi học
bài 12: “Lực đàn hồi của lò xo. Định
luật Húc” - VL10 CB, bài 19 - VL10
NC; giáo viên cũng có thể cho học
sinh xem hình ảnh người đang bắn
cung, nhảy sào, … để mở bài.
Câu 2: Giáo viên phát dụng cụ làm thí
nghiệm cho mỗi nhóm học sinh (mỗi
nhóm một bao diêm) và yêu cầu các
em làm thí nghiệm lấy được lửa, thảo
luận nhóm để giải thích dựa trên cơ sở
vật lý nào đã lấy được lửa?
Giải thích: Cho đầu que diêm cọ xát
vào bao diêm có phủ lớp sinh để lấy
lửa ra. Do có ma sát giữa que diêm và
vỏ diêm đã tạo ra nhiệt làm cháy đầu
que diêm (vật dễ bắt lửa).
Bắn cung
Vận dụng: Giáo viên sử dụng câu hỏi
này cho phần đặt vấn đề mở bài, bài 13: “Lực ma sát” - VL10 CB; bài 20 VL10 NC.
Câu 3: Những nghệ sĩ
xiếc khi đi trên dây thường
cầm một cái sào dài. Cái
sào này có tác dụng gì?
Trả lời: Cân bằng của
nghệ sĩ xiếc khi đi trên dây
là cân bằng không bền.
Muốn cân bằng trên dây,
trọng tâm của người và
sào phải nằm trên đường

thẳng đứng đi qua điểm
tiếp xúc của chân và dây.
Cái sào giúp cho người
trên dây dễ điều chỉnh vị
trí trọng tâm: nếu người
nghiêng sang phải cái gậy
Nghệ sĩ xiếc đi trên dây
sẽ nghiêng sang trái và
ngược lại.
Vận dụng: Giáo viên sử dụng câu hỏi này để nêu vấn đề khi dạy học bài 20:
“Các dạn cân bằng. Cân bằng của một vật có mặt chân đế” - VL10 CB; bài 26
- VL10 NC. Câu trả lời sẽ được hoàn thiện sau khi học xong bài.

6


Câu 4: Một người làm xiếc nằm trên mặt đất rồi cho đặt lên ngực mình một
tảng đá to. Sau đó, cho người khác lấy búa tạ đập vào tảng đá. Khi tảng đá vỡ ra,
người làm xiếc vẫn đứng
dậy vui cười chào khán giả.
Điều gì đã giúp anh ta thoát
khỏi "mối nguy hiểm" nêu
trên?
Giải thích: Sau khi búa tạ
đập vào tảng đá, theo định
luật bảo toàn động lượng,
vật có khối lượng càng lớn
thì vận tốc biến thiên càng
nhỏ, tảng đá hầu như không
nhúc nhích (tức là người

gần như không bị chấn
động). Tảng đá trên ngực sẽ
có tác dụng làm giảm chấn
Một tiết mục biểu diễn xiếc
động cho người, đá càng to
càng an toàn.
Vận dụng: Giáo viên có thể dùng câu hỏi này để mở bài khi dạy học bài 23:
“Động lượng. Định luật bảo toàn động lượng” - VL10 CB; bài 31 - VL10 NC,
phần giải thích sẽ được giải đáp hoàn thiện sau bài học.
Câu 5: Để nước từ trong ống có thể phun ra xa hơn, người ta thường bịt đầu ống
chỉ để một lỗ nhỏ cho nước phun ra. Hãy giải thích cơ sở của cách làm trên?
Trả lời: Để làm giảm tiết diện của dòng chảy, theo hệ thức liên hệ giữa vận tốc
chảy và tiết diện của dòng chảy, vận tốc dòng chảy tỉ lệ nghịch với tiết diện ống.
Vận tốc dòng chảy tăng thì nước trong ống phun được xa hơn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để nêu vấn đề khi dạy học bài 42: “Sự
chảy thành dòng của chất lỏng và chất khí. Định luật Bec - nu - li” - VL 10 NC.
2.4. 2. Câu hỏi liên hệ thực tiễn được sử dụng trong quá trình giảng dạy kiến
thức mới
Câu 6: Trong chuyển động quay của Trái Đất
a. khi nào có thể coi Trái Đất là chất điểm?
b. khi nào không thể coi Trái Đất là chất điểm?
Trả lời:
a. Trái Đất được coi là chất điểm trong chuyển động quay quanh Mặt Trời.
b. Trái Đất không được coi là chất điểm trong chuyển động tự quay quanh trục
của nó.
Vận dụng: Câu hỏi này được vận dụng trong quá trình dạy học bài 1: “Chuyển
động cơ” - VL 10 CB; bài 1 - VL10 NC, sau khi dạy học xong khái niệm “chất
điểm”.
Câu 7: Nêu cách xác định vị trí của một ô tô trên đường quốc lộ?


7


Trả lời: Ta chọn một điểm trên đường làm vật mốc (ví dụ như cột mốc). Đo
khoảng cách từ mốc đến ô tô. Từ đó, ta xác định được vị trí của ô tô.
Vận dụng: Dùng câu hỏi này để hướng dẫn học sinh cách xác định vị trí của một
vật trong không gian, bài 1: “Chuyển động cơ” - VL 10 CB, bài 1 - VL10 NC.
Câu 8: Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào người ta nói đến độ lớn
của vận tốc tức thời?
a. Vận tốc của búa máy khi đập vào đầu cọc là 20 m/s.
b. Vận tốc của một ô tô đi trên đoạn đường giữa hai địa điểm A và B là 45 km/h.
c. Viên đạn bắn ra khỏi nòng súng với vận tốc 300 m/s.
d. Bảng chỉ dẫn của một đoạn đường đang sửa ghi 5 km/h.
e. Biển báo giao thông ghi tốc độ hạn chế tối đa là 120 km/h.
Trả lời: Các trường hợp a; c; e là các độ lớn của vận tốc tức thời.
Vận dụng: Câu này được dùng để dạy học bài 3: “Chuyển động thẳng biến đổi
đều” - VL 10 CB; bài 4 - VL10 NC, sau khi dạy khái niệm “vận tốc tức thời”.
Câu 9: Một người quan sát quỹ đạo của đầu van xe khi đi xe đạp trên đường
thẳng. Quỹ đạo đầu van xe sẽ như thế nào trong trường hợp người quan sát ngồi
trên xe và trường hợp người đứng ở ven đường?
Trả lời: Với người quan sát đứng bên lề đường thì quỹ đạo của đầu van xe là
đường cong, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Đối với người quan sát ngồi trên xe,
van xe sẽ chuyển động với quỹ đạo là đường tròn.
Vận dụng: Khi dạy học về tính tương đối của quỹ đạo, bài 6: “Tính tương đối
của chuyển động. Công thức cộng vận tốc” - VL10 CB; bài 10 - VL10 NC.
Câu 10: Hai người A và B cùng ngồi trên xe ô tô chuyển động với vận tốc v.
Hãy cho biết vận tốc của người A so với người B và vận tốc của người A so với
người C đang đứng ven đường.
Trả lời: Vận tốc của người A so với người B bằng 0; vận tốc của người A so với
người C đang đứng ven đường là v (bằng vận tốc của xe).

Vận dụng: Khi dạy học về tính tương đối của vận tốc, bài 6: “Tính tương đối
của chuyển động. Công thức cộng vận tốc” - VL10 CB; bài 10 - VL10 NC.
Câu 11: Giải thích tại sao khi ngồi trên xe đang chuyển động, lúc thì ta bị ngã về
phía trước, lúc bị ngã về phía sau, khi ngã về bên phải, khi ngã về bên trái.
Trả lời: Khi xe đang chuyển động, người ngồi trên xe cũng chuyển động cùng
với xe. Khi xe thay đổi trạng thái chuyển động thì chỉ có thân người tiếp xúc với
xe là thay đổi chuyển động cùng với xe, phần trên của người chưa kịp thay đổi
trạng thái chuyển động (do không tiếp xúc với xe) vẫn giữ nguyên quán tính
chuyển động ban đầu. Vì vậy, khi xe đột ngột dừng lại (hoặc tăng tốc) thì người
sẽ có xu hướng chúi về phía trước (hay phía sau); khi xe đột ngột nghiêng sang
trái (hay sang phải) thì người sẽ có xu hướng ngã về bên phải (hay bên trái).
Vận dụng: Câu hỏi này được dùng khi dạy học khái niệm quán tính, bài 10: “Ba
định luật Niu Tơn” - VL10 CB; bài 14 - VL10 NC.
2.4. 3. Câu hỏi liên hệ thực tiễn được sử dụng để củng cố bài học, kiểm tra,
đánh giá học sinh

8


Câu 12: Viên đạn được bắn ra từ nòng súng chuyển động theo hai giai đoạn:
chuyển động trong nòng súng và sau đó bay tới mục tiêu ở xa. Giai đoạn nào
viên đạn được coi là chất điểm?
Trả lời: Giai đoạn đạn rời nòng súng và bay tới mục tiêu.
Vận dụng: Câu hỏi này được sử dụng để kiểm tra bài cũ sau khi dạy học bài 1:
“Chuyển động cơ” - VL 10 CB; bài 1 - VL10 NC.
Câu 13: Một truyện dân gian kể rằng: Khi chết, một phú ông đã để lại cho người
con mình một hũ vàng chôn trong một khu vườn rộng và đưa cho con một mảnh
giấy vẽ sơ đồ, trong đó ghi rõ: Đi vể phía đông 20 bước chân, sau đó rẽ phải 10
bước chân, đào sâu 2 m. Với chỉ dẫn này, người con có tìm được hũ vàng
không? Vì sao?

Trả lời: Không tìm được vì không có vật làm mốc.
Vận dụng: Dùng để củng cố kiến thức về cách xác định vị trí của một vật trong
không gian khi học bài 1: “Chuyển động cơ” - VL 10 CB; bài 1 - VL10 NC.
Câu 14: Nêu một số ví dụ về chyển động thẳng đều trong thực tế?
Trả lời: - Chuyển động của người nhảy dù sau một thời gian mở dù.
- Chuyển động của viên bi nhỏ trong dầu một lúc sau khi bắt đầu rơi.
- Chuyển động của giọt nước mưa một thời gian sau khi bắt đầu rơi.
- Chuyển động của ô tô, xe máy, tàu hỏa, … trên một số đoạn đường.
Vận dụng: Câu hỏi này được sử dụng để kiểm tra bài cũ khi học sinh học xong
bài 2: “Chuyển động thẳng đều” - VL10 CB; bài 2 - VL10 NC.
Câu 15: Quan sát một vận động viên nhảy dù. Hãy giải thích tại sao anh ta có
thể hạ xuống thấp chậm chạp một cách an toàn?
Trả lời: Do có sức cản của không khí đã cản trở chuyển động của dù làm vận
động viên và dù rơi xuống một cách chậm chạp.
Vận dụng: Câu hỏi này được sử dụng để củng cố kiến thức về chuyển động rơi
của các vật, sau khi học bài 4: “Sự rơi tự do” - VL10 CB; bài 6 - VL10 NC.
Câu 16: Đặt một viên gạch lên trên mặt một tờ giấy rồi cho chúng rơi tự do. Hỏi
trong quá trình rơi, viên gạch có “đè” lên tờ giấy không? Câu trả lời sẽ thế nào
nếu cho chúng rơi trong không khí?
Trả lời: Trong trường hợp rơi trong không khí, viên gạch sẽ “đè” lên tờ giấy;
trong chân không, các vật rơi nhanh chậm như nhau với cùng một gia tốc nên
chúng không ảnh hưởng lẫn nhau, do vậy viên gạch sẽ không “đè” lên tờ giấy.
Vận dụng: Câu hỏi này được sử dụng để kiểm tra bài cũ khi học sinh học xong
bài 4: “Sự rơi tự do” - VL10 CB; bài 6 - VL10 NC.
Câu 17: Khi nói về sự rơi của các vật, Arixtot - một nhà tư tưởng vĩ đại nhất của
triết học Hy Lạp cổ đại, lập luận như sau: Một viên gạch rơi với vận tốc xác
định, nếu trên viên gạch đó đặt một viên gạch khác thì viên gạch bên trên đè lên
viên gạch bên dưới và vì thế hai viên sẽ rơi nhanh hơn một viên. Lập luận của
Arixtot có đúng không?
Trả lời: Không đúng. Nếu bỏ qua sức cản của không khí, hai viên gạch hay một

viên gạch thì đều rơi nhanh như nhau vì chúng hoàn toàn không đè lên nhau.

9


Vận dụng: Câu hỏi này được sử dụng để củng cố kiến thức về chuyển động rơi
của các vật, sau khi học bài 4: “Sự rơi tự do” - VL10 CB; bài 6 - VL10 NC.
Câu 18: Hãy giải thích tại sao khi đi xe máy trong mưa (ngay cả khi trời lặng
gió), ta thường có cảm giác các giọt mưa rơi nghiêng, hắt vào mặt chúng ta mà
không rơi thẳng đứng.
Giải thích: Khi không có gió, những giọt nước mưa rơi theo phương thẳng đứng
so với đất, nhưng lại rơi theo phương xiên với người lái xe máy: gọi
là vận


v 1, 2

tốc của giọt nước mưa so với đất;



là vận tốc của đất so với xe (ngược hướng

v 2, 3

vận tốc của xe so với đất) thì vận tốc của giọt mưa so với xe là
=
+
trong đó


nên
nghiêng so với phương thẳng


v 1,3



v 1, 2



v 2, 3



v 1, 2



v 2, 3



v 1,3

đứng.
Vận dụng: Câu hỏi này được dùng để mở rộng kiến thức cho học sinh khá, giỏi
sau khi học xong bài 6: “Tính tương đối của chuyển động. Công thức cộng vận
tốc” - VL10 CB; bài 10 - VL10 NC.

Câu 19: Hai ô tô đang chuyển động cùng hướng trên một đoạn đường thẳng.
Khi ô tô thứ nhất vượt qua ô tô thứ hai, người ngồi trên ô tô thứ nhất thấy ô tô
thứ hai dường như chạy giật lùi. Hãy giải thích vì sao?
Trả lời: Dùng công thức cộng vận tốc ta chứng minh được vận tốc của xe thứ
hai so với xe thứ nhất ngược hướng với vận tốc của xe thứ nhất so với đất (vận
tốc chuyển động của ô tô thứ nhất).
Vận dụng: Đây là hiện tượng thường gặp trong thực tế, giáo viên sử dụng để
củng cố bài sau khi dạy học xong bài 6: “Tính tương đối của chuyển động.
Công thức cộng vận tốc” - VL10 CB; bài 10 - VL10 NC.
Câu 20: Một người ngồi trên một toa tàu đang chuyển động thì ném ra một vật.
Trong trường hợp nào sau đây, người quan sát trên mặt đất thấy vật được ném ra
với vận tốc lớn hơn vận tốc chuyển động của tàu?
A. Ném về phía trước (cùng hướng với chuyển động của toa tàu).
B. Ném về phía sau (ngược hướng với chuyển động của toa tàu).
C. Ném theo phương vuông góc với đoàn tàu.
D. Ném theo phương thẳng đứng.
Trả lời: A. Ném về phía trước.
Vận dụng: Dùng trong đề kiểm tra 15 phút sau khi dạy học bài 6: “Tính tương
đối của chuyển động. Công thức cộng vận tốc” - VL10 CB; bài 10 - VL10 NC.
Câu 21: Một người chặt cây và hai người phụ kéo cho cây đổ, để cây đổ theo ý
muốn người ta phải dùng hai sợi dây cột tại một điểm trên cao rồi kéo về hai
phía khác nhau (không trùng với phương mà người đó muốn cây đổ). Hãy giải
thích cách làm trên?
10


Trả lời: Trường hợp dùng một sợi dây kéo về phía cây cần đổ sẽ gây nguy hiểm
đối với người kéo dây.
Trường hợp kéo bằng hai sợi dây theo hai phương khác là để tạo ra một
hợp lực có tác dụng tương đương như kéo một dây nhưng không gây nguy hiểm

đối với người kéo. Để cây đổ đúng hướng thì áp dụng qui tắc hình bình hành để
hướng hợp lực của hai lực kéo trùng với hướng cần cây đổ.
Vận dụng: Câu hỏi này được dùng để củng cố kiến thức khi dạy học xong bài 9:
“Tổng hợp và phân tích lực. Điều kiện cân bằng của chất điểm” - VL10 CB; bài
13 - VL10 NC.
Câu 22: Trong các trường hợp dưới đây, trường hợp nào không liên quan đến
quán tính của các vật?
A. Con thỏ luôn đột ngột thay đổi hướng chạy khi bị con chó săn rượt đuổi.
B. Kim đồng hồ quay đều để chỉ thời gian.
C. Xe khách chạy “êm” hơn khi có đông khách ngồi trên xe.
D. Một diễn viên xiếc ngồi trên yên ngựa đang phi nhanh, người này nhảy lên
cao nhưng vẫn rơi xuống đúng vào yên ngựa.
Trả lời: B, vì:
- Con thỏ có khối lượng (mức quán tính) nhỏ hơn chó săn nên dễ dàng
thay đổi chuyển động hơn về hướng và độ lớn của vận tốc. Do đó, khi thỏ đột
thay đổi vận tốc thì chó săn không kịp thay đổi chuyển động và bị lỡ đà.
- Càng đông khách khối lượng xe và người (mức quán tính) càng lớn, sự
thay đổi vận tốc theo phương thẳng đứng của xe càng nhỏ nên người ngồi trên
xe có cảm giác càng êm hơn.
- Diễn viên xiếc khi rời khỏi yên ngựa vẫn tiếp tục chuyển động theo quán
tính với vận tốc bằng vận tốc của ngựa, vì vậy mà vẫn rơi đúng vào yên ngựa,
tương tự hiện tượng khi người nhảy lên vẫn rơi đúng chỗ cũ mặc dù Trái Đất
đang quay.
Vận dụng: Câu hỏi này được dùng để củng cố kiến thức khi dạy học xong bài
10: “Ba định luật Niu - Tơn” - VL10 CB; bài 14 - VL10 NC.
Câu 23: Sau khi đo nhiệt độ cơ thể người bằng cặp nhiệt độ, ta thường thấy Bác
sỹ vẩy mạnh chiếc nhiệt kế làm cho thủy ngân trong ống tụt xuống. Hãy giải
thích cách làm trên?
Giải thích: Khi vẩy mạnh cái nhiệt kế, cả nhiệt kế và thủy ngân bên trong cùng
chuyển động. Khi nhiệt kế bị dừng lại đột ngột, thủy ngân bên trong, theo quán

tính, vẫn duy trì vận tốc cũ và chuyển động, kết quả là thủy ngân sẽ tụt xuống.
Hiện tượng được giải thích tương tự như khi ta giũ bụi trong quần áo, vẩy
chiếc bút tắc mực, …
Vận dụng: Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi này để kiểm tra bài cũ học sinh sau
khi học xong bài 10: “Ba định luật Niu - tơn” - VL10 CB; bài 14 - VL10 NC.
Câu 24: Trong cuốn “Vật lí vui”, tác giả Ia Perenman có đề cập đến “Phương
pháp rẻ nhất để du lịch”. Theo đó chỉ cần nâng cao khỏi mặt đất nhờ một khí
cầu, chờ đến khi Trái Đất quay đến vị trí mong muốn và ta sẽ hạ xuống đó.
Phương pháp này liệu có thực hiện được không? Hãy giải thích?
11


Trả lời: “Phương pháp rẻ nhất để du lịch” không thực hiện được vì theo quán
tính, khí cầu luôn quay theo Trái Đất.
Vận dụng: Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi này để củng cố khái niệm quán tính,
bài 10: “Ba định luật Niu - tơn” - VL10 CB; bài 14 - VL10 NC.
Câu 25: Khi di chuyển, nếu bị vấp phải hòn đá thì bị ngã nhào lên phía trước,
nhưng nếu dẫm phải vỏ chuối thì lại bị ngã ngửa ra sau. Hãy giải thích tại sao?
Trả lời: Khi đang chuyển động, nếu vấp phải mô đất, hòn đá thì chân đột ngột bị
giữ lại, còn người thì do quán tính tiếp tục dịch chuyển về phía trước. Kết quả là
trọng lượng của người lệch khỏi mặt chân đế nên bị ngã về phía trước. Khi đang
đi giẫm phải vỏ chuối thì cũng giống như bôi chất nhờn vào giữa lòng bàn chân
và mặt đất, làm giảm ma sát, vận tốc chân đột ngột tăng lên, song do vận tốc
phần trên của cơ thể không tăng, do quán tính vẫn giữ vận tốc cũ, vận tốc này rất
nhỏ so với vận tốc chân đột ngột tăng nên làm trọng lượng người lệch khỏi mặt
chân đế và bị ngã ngửa về phía sau.
Vận dụng: Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi này để củng cố khái niệm quán tính,
bài 10: “Ba định luật Niu - tơn” - VL10 CB; bài 14 - VL10 NC.
Câu 26: Hai vật bất kì luôn hút nhau bằng lực hấp dẫn, tại sao các vật để trong
phòng như bàn, ghế, tủ, giường mặc dù chúng luôn hút nhau nhưng không bao

giờ di chuyển lại gần nhau?
Trả lời: Vì lực hấp dẫn giữa các vật này là rất nhỏ, không thắng nổi lực ma sát
nghỉ tác dụng lên các vật nên các vật không di chuyển.
Vận dụng: Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi này để củng cố bài 11: “Lực hấp
dẫn. Định luật vạn vật hấp dẫn” - VL10 CB; bài 17 - VL10 NC.
Câu 27: Tại sao trên lốp xe ô tô, mô tô, đế dép, … lại có những rãnh nhăn?
Trả lời: Để tăng ma sát, tăng độ bám dính lên mặt đường, giúp người dễ dàng di
chuyển.
Vận dụng: Giáo viên sử dụng vào phần củng cố bài khi dạy học bài 13: “Lực ma
sát” - VL10 CB; bài 20 - VL10 NC.
Câu 28: Nêu các cách làm giảm ma sát trong thực tiễn?
Trả lời: dùng dầu bôi trơn; mài nhẵn bề mặt tiếp xúc; thay ma sát trượt bằng ma
sát lăn (vòng bi).
Vận dụng: Giáo viên sử dụng câu hỏi này để củng cố bài 13: “Lực ma sát” VL10 CB; bài 20 - VL10 NC.
Câu 29: Tại sao khi đi xe đạp hoặc xe máy đến đoạn đường cong chúng ta
phải giảm tốc độ và nghiêng người?
Giải thích: Mục đích của việc nghiêng người là để tạo ra lực hướng tâm khi đi
ở những đoạn đường cong do lực ma sát nghỉ không đủ giữ cho xe chuyển động.
Tuy nhiên việc nghiêng người và xe chỉ tạo ra lực hướng tâm có giá trị
nhất định, để đảm bảo xe không bị văng đi theo phương tiếp tuyến với
đường cong thì cần phải giảm cả tốc độ của xe.
Vận dụng: Hiện nay tai nạn giao thông diễn ra phổ biến ở nước ta mà một
trong những nguyên nhân là do người lái xe không làm chủ được tốc độ, nhất là
khi qua những đoạn đường cong. Câu hỏi trên đã chỉ cho chúng ta thấy cần phải
12


có ý thức hơn khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi này cho phần củng cố bài học sau khi dạy học
bài 14: “Lực hướng tâm” - VL10 CB; bài 22 - VL10 NC.

Câu 30: Tại sao khi làm các cây cầu người ta thường làm cầu vồng lên?
Giải thích: Khi cầu làm vồng lên, hợp lực của trọng lực và phản lực của mặt
đường tác dụng lên xe đóng vai trò lực hướng tâm dẫn tới áp lực của xe lên
cầu nhỏ hơn trọng lượng của xe.
Vận dụng: Trong hệ thống giao thông đường bộ các cây cầu ngày càng nhiều,
việc hiểu được phần nào cấu tạo của cầu giúp cho học sinh có ý thức hơn trong
việc bảo vệ các công trình giao thông. Giáo viên sử dụng câu hỏi này cho phần
củng cố bài 14: “Lực hướng tâm” - VL10 CB; bài 22 - VL10 NC.
Câu 31: Một khẩu súng tiểu liên đặt nòng súng nằm ngang. Khi bắn ra một viên
đạn, đầu đạn hay vỏ đạn sẽ rơi xuống đất trước. Bỏ qua sức cản của không khí.
Trả lời: Rơi xuống đất cùng lúc.
Vận dụng: củng cố bài 15: “Bài toán về chuyển động ném ngang” - VL10 CB;
bài 18 - VL10 NC.
Câu 32: Để kéo một cái thuyền vào bờ, một người ngư dân đã lấy sợi dây thừng
một đầu buộc vào mũi thuyền, đầu kia kéo căng và buộc vào một cây to trên bờ,
sau đó kéo điểm giữa của dây theo phương vuông góc với sợi dây. Hãy giải
thích cơ sở vật lí của cách làm trên?
Giải thích: Thuyền chịu tác dụng của ba lực: hai lực căng dây và lực kéo của
người. Lực căng dây (lực kéo thuyền) càng lớn hơn lực kéo của người nếu dây
càng căng, do vậy việc kéo thuyền trở nên dễ dàng hơn.
Vận dụng: Củng cố bài 17: “Cân bằng của một vật chịu tác dụng của hai lực và
của ba lực không song song” - VL10 CB; bài 27 - VL10 NC.
Câu 33: Tại sao khi mở cánh cửa loại có bản lề thì ta hay đặt tay để kéo vào
những điểm cách xa bản lề?
Trả lời: Do momen lực của lực kéo (tác dụng làm quay cửa quanh bản lề) càng
lớn khi cánh tay đòn của lực càng lớn (lực càng xa bản lề).
Vận dụng: Củng cố bài học khi học bài 18: “Cân bằng của một vật có trục quay
cố định. Quy tắc momen lực” - VL10 CB; bài 29 - VL10 NC.
Câu 34: Khi gánh hai vật có khối lượng khác nhau thì ta phải đặt gánh lên vai ở
vị trí nào cho dễ di chuyển?

Trả lời: Lực tác dụng lên gánh bao gồm ba lực: lực do hai vật và do vai của
người gánh tác dụng, ba lực này cùng song song với nhau. Để dễ dàng di chuyển
ta nên đặt vai lùi về phía đầu đòn có vật nặng hơn, đúng vào vị trí điểm đặt hợp
lực hai trọng lực của hai vật, lúc đó phản lực của vai lên đòn gánh cân bằng với
hợp lực này sẽ giúp ta đi dễ dàng hơn.
Vận dụng: Câu hỏi này được dùng để củng cố bài học khi dạy học bài 19: “Quy
tắc hợp lực song song cùng chiều” - VL10 CB; bài 28 - VL10 NC.
13


Câu 35: Hai học sinh cùng khiêng một thùng nước nặng được treo ở phần giữa
của một thanh đòn dài. Học sinh nào chịu lực lớn hơn nếu điểm treo xô nước bị
lệch hẳn về một phía so với điểm chính giữa?
Trả lời: Xô nước ở gần học sinh nào hơn thì học sinh đó chịu lực lớn hơn (theo
quy tắc hợp lực song song: độ lớn của lực tỉ lệ nghịch với khoảng cách đến giá
của hợp lực).
Vận dụng: Câu hỏi này dùng để củng cố bài học khi học bài 19: “Quy tắc hợp
lực song song cùng chiều” - VL10 CB; bài 28 - VL10 NC.
Câu 36: Đang ngồi trên ghế, muốn đứng lên ta phải nghiêng người về phía
trước. Hãy giải thích tại sao?
Trả lời: Khi ngồi trọng tâm của người và ghế “rơi” vào mặt chân đế là hình chữ
nhật nhận 4 chân ghế làm 4 đỉnh. Khi muốn đứng dậy (tách khỏi ghế) cần phải
làm cho trọng tâm của người “rơi” vào chân đế của chính họ (phần bao của hai
chân tiếp xúc với mặt đất). Động tác chúi người về trước là để trọng tâm của
người “rơi” vào chân đế của chính họ.
Vận dụng: Dùng để củng cố bài học khi dạy học bài 20: “Các dạn cân bằng.
Cân bằng của một vật có mặt chân đế” - VL10 CB; bài 26 - VL10 NC.
Câu 37: Động tác “xuống tấn” của các võ sĩ có tư thế hơi khuỵu gối xuống, hai
chân dang rộng ra so với mức bình thường. Tư thế này có tác dụng gì?
Giải thích: Tư thế này sẽ giúp cho võ sĩ đứng vững vàng hơn, khó bị đánh ngã.

Bởi vì ở tư thế hai chân dang rộng sẽ có mặt chân đế lớn và đầu gối hơi khụy để
trọng tâm hạ thấp nên mức vững vàng của tư thế sẽ nâng cao rất nhiều.
Vận dụng: Giáo viên sử dụng câu hỏi này để củng cố bài hoặc để kiểm tra bài cũ
sau khi học sinh học bài 20: “Các dạn cân bằng. Cân bằng của một vật có mặt
chân đế” - VL10 CB; bài 26 - VL10 NC.
Câu 38: Một nhà du hành vũ trụ đã ra ngoài không gian vũ trụ, sau khi làm
việc, họ muốn trở lại con tàu. Họ làm thế nào để có thể di chuyển về phía con
tàu khi mà trong không gian vũ trụ không có vật nào để đạp chân lên mà đẩy?
Trả lời: Nhà du hành sẽ ném về một vật về một phía nào đó để chuyển động
theo hướng ngược lại.
Vận dụng: Giáo viên hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi này để khắc sâu kiến
thức về định luật bảo toàn động lượng khi học bài 23: “Động lượng. Định luật
bảo toàn động lượng” - VL10 CB; bài 32 - VL10 NC.
Câu 39: Trong môn nhảy cao người ta phải dùng nệm dày đặt dưới xà để vận
động viên rơi xuống ngay trên nệm. Tại sao phải làm vậy?
Giải thích: Khi rơi từ xà xuống vận động viên chuyển động với vận tốc đáng kể.
Khi chạm đất vận tốc của người giảm còn bằng 0. Nếu không có đệm, thời gian
chạm đất của người nhỏ nên lực tác dụng lên người lớn sẽ gây chấn thương cho
người. Nếu đặt nệm vào thì vận tốc giảm chậm, độ biến thiên động lượng không
đổi nên lực tác dụng vào người giảm đi nhiều, vận động viên an toàn hơn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi để củng cố bài, khắc sâu kiến thức về xung
lượng của lực khi dạy học bài 23: “Động lượng. Định luật bảo toàn động

14


lượng” - VL10 CB; bài 31 - VL10 NC. Giáo viên cũng có thể cho học sinh xem
video vận động viên nhảy cao làm câu hỏi tình huống khi dạy học phần này.
Câu 40: Tại sao tai nạn giao thông xảy ra khi các xe chạy với vận tốc càng lớn
thì hậu quả càng nghiêm trọng?

Giải thích: Các xe có khối lượng lớn, chạy với vận tốc lớn khi va chạm sẽ có độ
biến thiên động lượng lớn cộng thêm thời gian va chạm nhỏ nên lực xuất hiện
trong va chạm lớn, do vậy hậu quả của tai nạn càng lớn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi để khắc sâu thêm kiến thức về xung lượng
của lực khi dạy học bài 23: “Động lượng. Định luật bảo toàn động lượng” VL10 CB; bài 31 - VL10 NC, đồng thời giáo dục ý thức văn hóa giao thông.
Câu 41: Một em bé đang thổi hơi vào một quả bóng bay, khi bóng căng, do sơ ý
quả bóng bay tuột khỏi tay. Hỏi quả bóng sẽ chuyển động như thế nào? Tại sao?
Trả lời: Hơi trong quả bóng phụt về phía sau, theo định luật bảo toàn động
lượng, quả bóng sẽ chuyển động về phía trước.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để kiểm tra bài cũ sau khi dạy bài 23:
“Động lượng. Định luật bảo toàn động lượng” - VL10 CB; bài 32 - VL10 NC.
Câu 42: Vào mùa mưa bão, hiện tượng lũ quét và sạt lỡ đất thường xảy ra ở các
tỉnh miền núi. Bằng kiến thức vật lý em hãy giải thích hiện tượng đó? Theo em
chúng ta cần phải làm gì để giảm bớt các hiện tượng đó trong mùa mưa lũ?
Trả lời: Khi có mưa to, lượng nước mưa đổ xuống ở trên núi có thế năng rất lớn
(so với ở chân núi), trong quá trình chảy xuống không gặp vật cản thì thế năng
đó chuyển hóa thành động năng, tạo thành một dòng chảy với vận tốc rất lớn.
Đó là hiện tượng lũ ống và lũ quét. Nước mưa ngấm vào đất làm cho lực liên kết
trong đất giảm đi nhanh chóng nên gây ra hiện tượng sạt lỡ.
Trồng rừng: rừng cây và lớp thảo mộc trên mặt đất sẽ có tác dụng giảm
tốc độ dòng nước, nước thấm vào đất nhiều hơn tạo ra mạch nước ngầm phong
phú, rễ cây rừng giữ đất, làm cho đất ít bị sạt lỡ hơn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi để khắc sâu thêm kiến thức về sự chuyển hóa
giữa động năng và thế năng và giáo dục trồng rừng bảo vệ môi trường khi dạy
học bài 27: “Cơ năng” - VL10 CB; bài 37 - VL10 NC.
Câu 43: Quan sát một ống kim tiêm. Vận tốc của chất lỏng trong ống khi đi qua
vị trí nào là lớn nhất? Vì sao?
Trả lời: Khi qua kim tiêm, vận tốc chất lỏng là lớn nhất, theo hệ thức liên hệ
giữa vận tốc chảy và tiết diện của ống, kim tiêm có tiết diện ống là nhỏ nhất nên
vận tốc chảy là lớn nhất.

Vận dụng: Câu hỏi dùng để kiểm tra bài cũ khi học sinh học xong bài 42: “Sự
chảy thành dòng của chất lỏng và chất khí. Định luật Bec - nu - li” - VL 10 NC.
Câu 44: Quan sát một dòng chảy chất lỏng chảy ra từ một cái ống đặt trên cao ta
thấy phần dưới của dòng chất lỏng bị thu hẹp lại. Hãy giải thích vì sao?
Trả lời: Vì vận tốc chảy của dòng chất lỏng càng ở phía dưới càng tăng (giống
như các vật rơi) nên tiết diện các dòng chảy càng bị thu hẹp lại.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để củng cố bài khi dạy học bài 42: “Sự
chảy thành dòng của chất lỏng và chất khí. Định luật Bec - nu - li” - VL 10 NC.
15


Câu 45: Khi pha nước chanh, người ta thường làm cho đường tan trong nước rồi
mới bỏ đá lạnh vào. Vì sao ta không bỏ đá lạnh vào trước rồi bỏ đường sau?
Trả lời: Nhiệt độ càng cao, các phân tử chuyển động càng nhanh nên các phân
tử đường và nước dễ lẫn vào nhau hơn hay dễ hòa tan hơn. Nếu bỏ đá vào trước,
nhiệt độ của nước hạ thấp làm quá trình hòa tan của đường diễn ra chậm hơn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để củng cố bài khi dạy học bài 28: “Cấu
tạo chất. Thuyết động học phân tử chất khí” - VL10 CB; bài 44 - VL10 NC.
Câu 46: Khi chế tạo những chiếc phễu (dùng để đổ chất lỏng vào chai) người ta
thường làm những cái gân nổi dọc theo mặt ngoài của cuống phễu. Những gân
này có tác dụng gì?
Trả lời: Nếu không có gân nổi, cuống phễu sẽ ép sát vào cổ chai. Chất lỏng đổ
vào phễu liên tục trở thành “cái nút” nhốt chặt không khí trong chai, khi chất
lỏng chảy vào chai, không khí bị dần chiếm chỗ, thể tích giảm làm áp suất của
khí tăng (theo định luật Bôi lơ – Ma ri ốt), chất lỏng khó chảy vào chai hơn.
Chiếc phễu có gân sẽ không ép sát vào cổ chai làm cho áp suất khí trong
chai luôn bằng áp suất khí quyển, nước sẽ dễ chảy vào chai hơn.
Vận dụng: Giáo viên dùng để củng cố bài sau khi dạy học bài 29: “Quá trình
đẳng nhiệt. Định luật Bôi lơ – Ma ri ốt” - VL10 CB; bài 45 - VL10 NC.
Câu 47: Khi dùng phương pháp “giác” để hút máu độc trong cơ thể ra, người ta

dùng một cốc sát trùng, đốt một mẩu bông tẩm cồn bỏ vào cốc rồi úp miệng cốc
lên da. Khi đó cốc sẽ bám chặt vào da, máu độc sẽ bị hút ra từ một vết cắt nhỏ
trên da. Hãy giải thích nguyên lí của cách làm trên?
Trả lời: Khi đốt bông tẩm cồn thả vào cốc, nhiệt độ trong cốc tăng và đẩy các
phân tử khí ra ngoài cốc (do tăng thể tích khí). Khi úp cốc lên da cũng là lúc lửa
tắt, do mật độ không khí trong cốc (kín) thấp, nhiệt độ khí giảm nên thể tích khí
giảm, áp suất khí giảm, máu độc bị hút ra ngoài cơ thể (vào trong cốc).
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để củng cố bài khi dạy học xong bài 30:
“Phương trình trạng thái của khí lí tưởng” - VL10 CB; bài 47 - VL10 NC.
Câu 48: Tại sao khi ta đổ nước sôi vào cốc thủy tinh dày thì cốc thủy tinh hay bị
nứt vỡ?
Trả lời: Khi ta đổ nước sôi vào cốc thủy tinh dày thì mặt trong của cốc nước sẽ
bị nóng trước, nở ra trong khi mặt ngoài của cốc chưa nóng (vì thủy tinh dẫn
nhiệt kém) nên chưa kịp nở. Sự nở vì nhiệt của cốc thủy tinh không đều nhau
nên đã tạo ra lực làm vỡ cốc.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để củng cố bài khi dạy học xong bài 36:
“Sự nở vì nhiệt của vật rắn” - VL10 CB; bài 52 - VL10 NC.
Câu 49: Tại sao những chai nước ngọt như chai cô ca, pepsi, … người ta không
đóng đầy chai?
Trả lời: Khi trời nắng nhiệt độ tăng, nước ngọt nở ra nhiều mà chai nở ra không
đáng kể nên thể tích khí trong chai (nắp kín) bị giảm. Nhiệt độ tăng, thể tích
giảm làm áp suất phần khí trong chai tăng, đến một lúc này đó chai sẽ bị bật nắp
gây nổ và chảy nước ngọt ra ngoài.

16


Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để mở rộng kiến thức khi dạy học xong
bài 36: “Sự nở vì nhiệt của vật rắn” - VL10 CB; bài 52 - VL10 NC.
Câu 50: Hãy giải thích tại sao khi ta đặt một cốc nước đá ngoài không khí ta

thấy thành ngoài cốc lấm tấm nước?
Trả lời: Đây là một hiện tượng vật lý đơn giản, khi ta để cốc nước ngoài không
khí, nhiệt độ trên thành cốc thấp hơn nhiệt độ môi trường. Do đó, hơi nước trong
không khí sẽ ngưng tụ lại, đọng thành giọt trên thành cốc.
Chúng ta có thể vận dụng điều này để giải thích vì sao sàn nhà thường ẩm
ướt, khó chịu trong tiết trời nồm ở miền Bắc. Sàn nhà bị ẩm ướt do có 2 điều
kiện: không khí có nhiều hơi nước; nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không
khí. Sàn nhà không có khả năng hút ẩm, lại dẫn nhiệt kém nên làm cho lớp
không khí chứa hơi nước sát bề mặt sàn bị lạnh đi, tới điểm sương (nhiệt độ mà
tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương), đọng lại thành giọt, lấm tấm trên sàn.
Vận dụng: Giáo viên dùng câu hỏi này để củng cố bài khi dạy học xong bài 39:
“Độ ẩm của không khí” - VL10 CB; bài 56 - VL10 NC.
2.5. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản
thân, đồng nghiệp và nhà trường
Qua việc áp dụng đề tài trên vào dạy học Vật lí 10 ở trường THPT Như
Thanh, bản thân tôi đã nhận ra nhiều hiệu quả tích cực trong nhận thức và kết
quả học tập của học sinh. Việc giáo viên sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn trong
dạy học đã giúp cho học sinh vận dụng được kiến thức đã học vào cuộc sống,
học sinh hứng thú học hơn, tích cực, sôi nổi hơn trong quá trình học tập, khơi
dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng
cao kiến thức kỹ năng sống, … nhiều học sinh đã mạnh dạn đưa ra những câu
hỏi, những thắc mắc của bản thân liên quan đến bài học và kiến thức bộ môn Vật
lý. Nhờ đó, kết quả học tập môn Vật lí của các em cũng được nâng lên rõ rệt.
Đáng mừng hơn, các em đã hiểu được giá trị thực tiễn và vai trò của Vật lí trong
đời sống.
Sáng kiến này có thể dùng làm tư liệu tham khảo cho việc dạy học Vật lí,
đặc biệt hiệu quả trong dạy học Vật lý 10 - THPT hiện hành.

17



Đây là hình ảnh tôi tình cờ có được trong giờ ra chơi của lớp 10 B1, trường
THPT Như Thanh, các em học sinh hào hứng dùng điều kiện cân bằng của vật
rắn để tranh luận trong khi cùng chơi.
3. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
Việc sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn vào dạy học Vật lí là hướng đi
đúng, có cơ sở khoa học; góp phần to lớn vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục,
phát triển tư duy học sinh phổ thông hiện nay.
Trên đây là một số vấn đề trong muôn vàn vấn đề của Vật lý liên quan đến
thực tiễn, đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng vì thời gian có hạn nên
tôi mới chỉ đưa ra một số vấn đề trong dạy học Vật lí 10 nhằm giúp giáo viên
định hướng để học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của
thực tiễn; gắn các nội dung học tập của môn Vật lí với cuộc sống; tạo sự lôi
cuốn, hứng thú đối với môn học; góp phần hình thành một số phẩm chất và năng
lực của học sinh.
Đề tài này có thể áp dụng được cho tất cả các trường phổ thông, hiệu quả
đối với học sinh lớp 10 và còn có thể được mở rộng cho việc dạy học Vật lí 11,
Vật lí 12 và môn Vật lí ở các khối lớp khác.
3.2. Kiến nghị
Từ hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi liên hệ thực tiễn vào dạy học Vật lí
10 ở trường THPT Như Thanh, bản thân tôi có một số kiến nghị với các cấp
quản lí giáo dục như sau:

18


- Cần tiếp tục giảm tải chương trình, đổi mới nội dung dạy học, nội dung
kiến thức phải có tính thực tiễn, gần gũi với sinh hoạt, với suy nghĩ hàng ngày,
thoả mãn nhu cầu nhận thức của học sinh.

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phổ biến phương pháp dạy học theo hướng
hiện đại, tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh, tăng cường hoạt động
vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Tích cực đổi mới nội dung đề kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng
tăng cường tính thực tiễn, điều này sẽ có tác dụng rất lớn trong nhận thức và
phương pháp học tập của học sinh, đưa việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn trở
thành một trong những mục tiêu học tập của học sinh.
Sự thành công của đề tài này liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó yếu
tố quan trọng nhất là con người. Tôi tin rằng với sự quan tâm to lớn của các cấp
quản lí giáo dục, sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, chất lượng dạy học của bộ môn
Vật lí nhờ vậy sẽ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đây mới là ý kiến mang
tính chủ quan của cá nhân tôi, chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế và
thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của hội đồng
khoa học và các bạn đồng nghiệp.
Tôi xin chân thành cám ơn.
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 05 năm 2019
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
(Ký và ghi rõ họ tên)

Lê Thị Hoa

19




×