Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (106.06 KB, 4 trang )

Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt-Cồn Cỏ-Cửa Tùng, điểm nhấn quan
trọng của du lịch Quảng Trị
Nằm giữa khúc ruột miền Trung nắng gió, khí hậu khá khắc nghiệt nhưng Du lịch
Quảng Trị lại có một "kho báu" vô cùng quý giá, đó là bờ biển dài 75 km với những bãi
tắm xinh đẹp và cực kỳ quyến rũ, nổi tiếng trong cả nước như Cửa Tùng, Cửa Việt; nằm
cách không xa đất liền là đảo Cồn Cỏ. Đây là những tiềm năng để Quảng Trị xây dựng các
khu du lịch sinh thái biển, phát triển ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào
tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ cầu Hiền Lương lịch sử, xuôi theo dòng Bến Hải hiền hoà, hai bên bờ là làng
quê trù phú, yên bình, thuyền sẽ đưa du khách lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh để đến
với Cửa Tùng - Nữ hoàng của các bãi tắm. Cửa Tùng thuộc địa phận xã Vĩnh Quang huyện
Vĩnh Linh, cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà 35 km. Đây là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dải đất
đồi bazan chạy sát biển. Vùng bờ biển miền Trung là nơi thường xảy ra những trận gió to,
sóng lớn, bão tố bất thường nhưng Cửa Tùng lại là nơi hiền hoà, kín gió, tàu thuyền đánh cá
của ngư dân có thể neo đậu an toàn. Nằm phía Bắc cửa biển là một bãi cát trắng thon dài
nằm phơi mình bên làn nước xanh biếc. Bãi tắm thật êm đềm và nên thơ được bao bọc kỹ
lưỡng bởi bà mẹ thiên nhiên là hai bãi đá từ hai phía: Mũi Si và Mũi Lài.
Đứng trên mỏm đồi đất đỏ ăn ra phía biển nhìn xuống Cửa Tùng, du khách sẽ ngẩn
ngơ trước quang cảnh tuyệt đẹp trải ra trước mắt: các bãi đá lô nhô kéo dài ẩn hiện dưới làn
nước biển, sóng ầm ào vỗ bờ làm tung bọt trắng xoá... Xa xa là bãi cát trắng mịn và đảo
Cồn Cỏ mơ màng trong màu xanh ngắt của biển trời - một bức tranh thiên nhiên mà tạo hoá
đã thật kỳ công tạo dựng nên để làm món quà cho vùng đất nắng gió này.
Người xưa đã ví Cửa Tùng như là chiếc lược đồi mồi cài trên mái tóc bạch kim của
sóng biển. A. Laborde- một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị thì đã
thốt lên : "Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt, nó được cấu tạo bởi một dãi cao
nguyên xanh tươi dựng xiên thành bờ trên một bãi biển có độ dốc thoai thoải và nhẹ
nhàng. Từ đỉnh dốc, người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và
trời..."
Một nét đặc biệt nữa của Cửa Tùng chính là độ thoai thoải của bãi tắm. Đến với Cửa
Tùng, du khách sẽ được thoả sức đùa giỡn cùng sóng biển hoặc nằm yên bình sưởi nắng
trên bờ cát trắng. Vào lúc chiều tà, du khách có thể mê say ngắm nhìn những đàn hải âu


nhởn nhơ chao liệng, đùa giỡn trên những làn sóng thẳm xa. Đêm đến là thời gian của gió
trời và nhạc biển. Nếu đến Cửa Tùng vào một đêm trăng, ngắm nhìn ánh trăng dát vàng lấp
lánh trên mặt biển cả mênh mông, nghe tiếng gió rì rào chuyện trò cùng sóng biển, thưởng
thức một tách cà phê trong một quán nhỏ nằm chênh vênh trên bờ đá...thì sự lý thú sẽ tăng
lên bội phần.
Cùng với cảnh sắc tuyệt đẹp, Biển Cửa Tùng còn là nơi có nhiều hải sản quý và
ngon có tiếng như tôm hùm, cá chim, cá thu, cá nụ, cá đé...
Cửa Tùng là địa danh gắn liền với những kỳ tích và lịch sử. Ngay từ xa xưa, Vua
Duy Tân đã xây dựng nhà nghỉ mát ở bãi biển Cửa Tùng. Người Pháp xem Cửa Tùng là
"Bà hoàng của các bãi tắm", là "Hòn ngọc của biển Thừa Lương". Tại Cửa Tùng, người
Pháp đã xây dựng khá nhiều các nhà nghỉ mát cho các quan chức, cố đạo, tu sĩ. Họ cũng đã
xây dựng bưu điện và Sở Thương chánh phục vụ khách du lịch tồn tại mãi cho đến trước
năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bến đò Tùng Luật (cách không xa Cửa Tùng) là
nơi tập kết những chuyến hàng của hậu phương lớn miền Bắc tiếp tế cho miền Nam và cho
đảo Cồn Cỏ anh hùng.
Đến Cửa Tùng, du khách còn có thể lang thang trong vùng biển này để tìm đến với
làng biển Cát Sơn với những nghề như đánh cá, đúc đồng, mộc và khảm xà cừ nổi tiếng.
Ngày xưa Cửa Tùng là bảo vật của thiên nhiên ban tặng; hiện nay, Cửa Tùng là một
điểm nhấn trong một không gian văn hoá du lịch nổi tiếng: Sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương,
làng địa đạo Vịnh Mốc anh hùng, bãi tắm Cửa Tùng, rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Mỗi năm,
bãi biển Cửa Tùng đón từ 55.000 đến 60.000 lượt khách, trong đó có 15.000 lượt khách
quốc tế. Mùa du lịch năm 2006, trung bình mỗi ngày Cửa Tùng đón từ 2.000 đến 3.000
lượt khách; đặc biệt ngày cao điểm Cửa Tùng đón khoảng 11.000 đến 12.500 lượt khách.
Tổng doanh thu du lịch đạt 9 tỷ đồng/năm. Đến Cửa Tùng, du khách còn có thể lang thang
trong vùng biển này để tìm đến với làng biển Cát Sơn với những nghề như đánh cá, đúc
đồng, mộc và khảm xà cừ nổi tiếng.
Cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà 15 km, Bãi tắm Cửa Việt nằm ở địa phận xã Gio Việt,
huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dù không được mệnh danh là Nữ hoàng bãi tắm như Cửa
Tùng nhưng Cửa Việt lại mang vẻ đẹp duyên dáng riêng. Những bãi tắm rộng, cát trắng

mịn, sạch sẽ trải dài bên những rừng dương liễu xanh rì rào. Môi trường bãi biển Cửa Việt
khá lý tưởng lại thuận tiện giao thông: gần thị xã tỉnh lỵ, gần trục đường xuyên Á, gần
cảng... nên hàng năm bãi biển Cửa Việt thu hút một lượng khách khá lớn đến tham quan,
nghỉ dưỡng. Trung bình mỗi năm bãi biển Cửa Việt đón đến trên một trăm nghìn lượt
khách, trung bình đạt 1.000 đến 2.000 lượt khách một ngày.
Phơi mình trong dòng nước trong xanh, trên bãi cát trắng mịn duyên dáng, tham gia
vào các trò chơi biển, thưởng thức những món hải sản bổ dưỡng, thơm ngon... sẽ là những
giây phút thật sảng khoái, khó quên đối với du khách khi đã một lần đến với Cửa Việt.
Cách đất liền 12 hải lý là Cồn Cỏ- Huyện đảo, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh
Quảng Trị và là huyện đảo thứ 12 của cả nước. Cồn Cỏ còn có tên là đảo Thảo phù, đảo
Con Hổ hay Hòn Mệ, có diện tích không lớn chỉ 2,27 km2 nhưng nằm án ngữ ở phía Nam
của Vịnh Bắc bộ, gần nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế đo đó có vai trò rất lớn trong
công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong
phát triển kinh tế hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của miền Bắc xã hội
chủ nghĩa. Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc, cùng với Vĩnh Linh, đảo
Cồn Cỏ anh hùng đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng
cách mạng. Đảo được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen, 2 lần được phong tặng danh hiệu anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt hai câu thơ Bác tặng cho Cồn Cỏ vẫn còn in
sâu trong tâm trí của người dân cả nước.
Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ...
Nằm trong ngư trường con hổ rộng gần 9000 km2, gần với vùng đánh cá chung Việt
Nam- Trung Quốc, biển đảo Cồn Cỏ có nhiều chủng loại hải sản với trữ lượng khá lớn. Đáy
biển quanh đảo có hệ san hô, sinh vật biển đa dạng phong phú. Đặc biệt, Cồn Cỏ là một hải
đảo có nhiều lợi thế về phát triển du lịch vì đây thực sự là một thắng cảnh tuyệt đẹp và nên
thơ. Giữa đảo có một đỉnh đồi nhô cao. Trên đảo có nhiều loài cây lạ. Thế giới động vật
trên đảo tuy không nhiều chủng loại nhưng khá độc đáo như én, chim cườm và đặc biệt là
cua đá to gần bằng bàn tay, đêm đến bò ra rất nhiều, là nguồn thực phẩm quan trọng trên
đảo. Cồn Cỏ còn có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay vừa là vị

thuốc vừa là thức ăn cao cấp xếp ngang với yến sào...
Cùng với cảnh quan đẹp, biển Quảng Trị là nơi có điều kiện rất tốt về hải văn (nhiệt
độ nước trung bình hàng năm 23 độ C, độ mặn khoảng 32-33%, có nhiều sóng) Đây là môi
trường lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ ngơi tắm biển. Đảo Cồn Cỏ- Cửa Việt-
Cửa Tùng sẽ hợp thành một tổ hợp thiên nhiên mà ở đó sẽ phát huy được tối đa bộ môn du
lịch tắm và lặn biển cùng các hoạt động vui chơi, giải trí khác...
Để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái biển dồi dào mà thiên nhiên đã ưu đãi, ngay
sau khi tỉnh nhà được lập lại, Quảng Trị đã chú trọng đến việc xây dựng bãi tắm Cửa Tùng
nhằm phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII về Phát triển
kinh tế- xã hội vùng biển, vùng cát, ngành Du lịch Quảng Trị đã chú trọng đến việc đẩy
mạnh phát triển du lịch sinh thái biển trong chiến lược phát triển Du lịch chung của tỉnh.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XIV đã chỉ rõ: Cửa
Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ sẽ là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh trong hiện tại
cũng như tương lai. Quyết sách quan trọng này đã mở ra nhiều cơ hội mới, vận hội mới cho
du lịch sinh thái biển ở Quảng Trị; là cú hích mạnh mẽ để du lịch sinh thái biển Quảng Trị
có những bước tiến nhanh mang tính chất đột phá.
Thực hiện Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, từ năm 2005, Quảng Trị đã tập
trung huy động các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút sự đầu tư của
các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho Khu du lịch sinh thái Cửa Việt- Cửa Tùng-Cồn
Cỏ.
Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Quảng Trị đã dồn sức đầu
tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường Cửa Việt- Cửa Tùng,
cầu Cửa Tùng, đường Cửa Tùng- Vịnh Mốc, đường Cửa Việt, đường 70 và hạ tầng khu du
lịch Cửa Tùng Cửa Việt....
Đến nay các công trình hạ tầng cơ bản đã được xây dựng đồng bộ và tiếp tục hoàn
chỉnh đáp ứng yêu cầu của các dự án du lịch, dịch vụ. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ
tầng, các hoạt động xúc tiến quảng bá đầu tư được đẩy mạnh.
Đến thời điểm hiện tại đã có 15 dự án đăng ký đầu tư vào khu du lịch sinh thái biển
Cửa Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ, trong đó 4 dự án đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Cuối

tháng 3 năm 2007, tại khu dịch vụ du lịch Cửa Việt, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh cũng
đã đồng loạt khởi công xây dựng 5 công trình với tổng diện tích gần 12 ha bao gồm các
công trình nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, công viên cây xanh, khu thể thao, khu vui chơi
giải trí với quy mô, công năng sử dụng, cấp công trình đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế.
Đáng chú ý là là khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt diện tích 6,2 ha, tổng vốn đầu tư 86 tỷ
đồng, Khu khách sạn du lịch và giải trí Hoàng Anh có diện tích 1,3 ha với tổng số vốn 15
tỷ đồng, khu nghỉ mát Hoàng Phúc tổng vốn 12 tỷ đồng. Tại Cửa Tùng, các doanh nghiệp
nhà nước và tư nhân cũng đã xây dựng được 11 khách sạn và nhà nghỉ với trên 450 phòng,
trong đó có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao (vốn đầu tư lên tới 60 tỷ đồng).
Những năm qua, với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Âu tàu và và khu du lịch
hậu cần nghề cá đã và đang được xây dựng hoàn thiện ở Cồn Cỏ. Cùng với việc thành lập
huyện đảo, lực lượng thanh niên đã xung phong ra lập nghiệp trên đảo. Nhiều công trình trụ
sở và nhà ở nhân dân được xây dựng khang trang, đẹp đẽ; đây là những nhân tố, là tiền đề
thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch ở huyện đảo Cồn Cỏ.
Vừa qua, trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Trị, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã
quyết định hoàn toàn nhất trí cho phép Quảng Trị phát triển Khu du lịch Cửa Tùng- Cửa
Việt- đảo Cồn Cỏ thành Trung tâm du lịch tầm quốc gia. Riêng về đảo Cồn Cỏ, Tổng cục
du lịch sẽ tiếp tục mời chuyên gia Cu Ba hoàn thiện quy hoạch chi tiết. Đây thực sự là tin
vui cho ngành du lịch tỉnh nhà nói chung và Du lịch sinh thái biển nói riêng.
Dẫu đã có những tín hiệu khả quan song đến nay, Du lịch sinh thái biển của Quảng Trị
vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai ban đầu, tốc độ phát triển còn chậm, chưa xứng đáng với
vị trí và tiềm năng của mình trong chiến lược phát triển du lịch của cả vùng và trong chiến
lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phần lớn tài nguyên du lịch của tỉnh do thiếu
vốn đầu tư khai thác nên còn ở dạng tiềm năng. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật
chuyên ngành du lịch còn thấp kém. Các tài nguyên du lịch đã và đang được khai thác
nhưng còn thiếu quy hoạch bài bản, thiếu đầu tư nên sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn
điệu, nghèo nàn...
Xu thế hội nhập và phát triển du lịch của cả nước đang mở ra triển vọng tốt đẹp cho
du lịch Quảng Trị, trong đó có du lịch sinh thái biển...Với những kết quả bước đầu đã đạt
được, với đường lối chủ trương đúng đắn mà Đảng bộ tỉnh đã vạch ra cộng với sự hỗ trợ

của Tổng cục Du lịch, tin chắc rằng, trong thời gian sắp tới, Khu du lịch sinh thái biển Cửa
Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ sẽ được xây dựng hoàn thiện, tạo thành một điểm nhấn du
lịch trong tuyến du lịch miền Trung và cả nước, đồng thời khu du lịch này sẽ thu hút thêm
nhiều nguồn đầu tư tạo những nguồn động lực mới, nguồn thu mới giúp Quảng Trị phát
triển và khai thác tiềm năng dồi dào, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế tỉnh nhà.

×