BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
-------------------------
Trịnh Thị Mai Linh
NGƯỜI HOA Ở ĐỒNG NAI
1954 - 2005
Chuyên ngành: Lịch Sử Việt Nam
Mã số: 60 22 54
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TIẾN SĨ. LÊ HUỲNH HOA
Thành phố Hồ Chí Minh - 2008
LỜI CẢM ƠN
Tác giả luận văn xin chân thành cảm ơn:
-
Tiến sĩ Lê Huỳnh Hoa, khoa Sử trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đã tận tình
hướng dẫn khoa học trong suốt quá trình tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu.
-
Quý Thầy cô khoa Sử, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình giảng dạy
và trang bị cho tác giả những kiến thức sâu sắc.
-
Phòng Sau Đại học trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Viện khoa học xã hội
thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đồng
Nai đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong suốt thời gian học tập và thực hiện luận văn.
-
Ban Quản trị Hội quán (cơ sở tín ngưỡng) tại các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai cung cấp cho tác giả luận văn những thông tin phong phú và dịch những tư liệu
chữ Hán tại đây, giúp tác giả hoàn thành luận văn.
Tác giả luận văn
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Người Hoa đến Đồng Nai ngay từ buổi đầu mở mang khai phá vùng đất này. Trong quá trình
lịch sử hơn 300 năm, cùng với lưu dân người Việt, cộng đồng người Hoa đã có nhiều đóng góp tích
cực vào tiến trình phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Ở Việt Nam, người Hoa có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành nước ta, nhưng đông nhất là ở TP. Hồ
Chí Minh (49,71%), kế đến là Đồng Nai (11,81%). Tại tỉnh Đồng Nai, người Hoa là tộc người có số
dân chiếm tỷ lệ cao thứ hai, sau người Kinh (Việt) từ 5% đến 5,34%.
Hiện nay, người Hoa là công dân nước Việt Nam, là một lực lượng kinh tế - xã hội của tỉnh
Đồng Nai. Do đó, việc nghiên cứu một cách toàn diện về cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai, nhằm
cung cấp những hiểu biết toàn diện về một cộng đồng dân tộc có lịch sử hơn 300 năm ở đất Đồng Nai,
làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định những chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai hiện nay
và sau này là việc làm cần thiết và không thể thiếu được.
Đề tài tiếp cận nghiên cứu về cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai dưới nhiều góc độ: lịch sử di
dân, hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội với mục đích có được một cái nhìn toàn diện về cộng đồng
người Hoa ở Đồng Nai, nhất là ở những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Và dù ở giai đoạn lịch sử nào, dù
sống dưới chế độ xã hội nào, người Hoa ở Đồng Nai luôn tích cực, chủ động, sống hoà nhập với cộng
đồng. Đồng thời, thể hiện bản lĩnh cũng như những nét đặc thù của dân tộc mình trong quá trình cộng
cư cùng những dân tộc khác ở Đồng Nai, cũng như ở Việt Nam. Qua đó, cộng đồng người Hoa ở Đồng
Nai được nhận diện, ta thấy sự khác biệt cơ bản giữa cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai với cộng đồng
người Hoa ở một số nơi như: thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng…
Vì vậy, đề tài “Người Hoa ở Đồng Nai 1954 – 2005” góp phần thiết thực vào việc hình thành
những hiểu biết khoa học về cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai một cách khá toàn diện, góp phần làm
phong phú lịch sử vùng đất Đồng Nai với lịch sử hơn 300 năm. Xuất phát từ những vấn đề có tính khoa
học và thực tiễn, tác giả đã chọn: “Người Hoa ở Đồng Nai giai đoạn 1954 - 2005” làm đề tài tốt
nghiệp Sau đại học.
2.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1
Đối tượng nghiên cứu
Theo Chỉ thị số 62-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 8-11-1995 “Về
tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới”, xác định “Người Hoa bao gồm những người gốc
Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam, đã nhập
quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập
quán của người dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa”.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài: “Người Hoa ở Đồng Nai 1954 – 2005” là toàn bộ hoạt động
của người Hoa ở Đồng Nai giai đoạn 1954 – 2005.
Đề tài tập trung tìm hiểu quá trình di dân của người Hoa đến đất Đồng Nai, hoạt động kinh tế,
sinh hoạt văn hoá, xã hội trong khoảng thời gian 1954 – 2005. Đề tài nhằm phát hiện nét đặc thù của
cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai.
Người Hoa ở Đồng Nai vừa sống ở nông thôn, vừa sống ở thành thị, đề tài tiếp cận nghiên cứu
cả hai nhóm cư dân này. Với lịch sử hơn 300 năm, mọi hoạt động của cộng đồng người Hoa ở Đồng
Nai luôn diễn ra một cách tích cực, chủ động, sáng tạo và đã đem lại những đóng góp nhất định cho sự
phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội của tỉnh Đồng Nai.
2.2
Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian:
+ Tỉnh Biên Hòa (1954 – 1975)
+ Tỉnh Đồng Nai (1975 – 2005)
- Về thời gian: Đề tài chọn nghiên cứu về người Hoa ở Đồng Nai, giai đoạn 1954 – 2005, vì
người Hoa ở Đồng Nai sinh sống và hoạt động trong khoảng thời gian nói trên dưới hai chế độ chính
trị - xã hội khác nhau:
+ Giai đoạn 1955 – 1975: Chế độ chính trị - xã hội Việt Nam Cộng Hòa.
+ Giai đoạn 1975 – 2005: Chế độ chính trị - xã hội Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tác giả chọn khoảng thời gian trên, để thấy được bản lĩnh trong hoạt động kinh tế, nét đặc sắc
trong hoạt động văn hoá của tộc người Hoa, cùng quá trình hình thành cộng đồng tộc người trong các
giai đoạn lịch sử khác nhau.
3.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Về ý nghĩa khoa học, luận văn “Người Hoa ở Đồng Nai 1954 – 2005” góp phần cung cấp
những hiểu biết toàn diện, khoa học về cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai, từ quá trình hình thành tộc
người đến hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa – xã hội từ 1954 đến 2005.
- Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần ứng dụng cho các ban ngành,
Mặt trận tổ quốc tỉnh Đồng Nai có một cái nhìn khoa học, toàn diện và xuyên suốt theo dòng lịch sử về
cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai. Từ đó, góp phần hoạch định chính sách dân tộc toàn diện; đồng thời
luận văn còn có giá trị tham khảo trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập về vấn đề dân tộc
trong các Viện nghiên cứu và các trường Đại học, Cao đẳng, THPT...
4. Tình hình nhiên cứu
Đề tài người Hoa ở Việt Nam từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và
ngoài nước. Trong từng công trình, cộng đồng người Hoa được đề cập trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
4.1 Tình hình nghiên cứu trong nước:
Đầu thế kỷ XIX, xã hội người Hoa ở Đồng Nai được tác giả Trịnh Hoài Đức giới thiệu trong bộ
“Gia Định Thành thông chí” với nội dung đề cập đến sự di dân của người Hoa và việc hình thành cảng
thị Cù Lao Phố ở Biên Hoà cuối thế kỷ XVII (Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn Hoá Phủ
Quốc vụ khanh xuất bản năm 1972), đồng thời cũng đề cập đến các phong tục - tập quán, sinh hoạt văn
hoá vật chất và tinh thần cùng với các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai – Gia Định một
cách khái quát. Cũng bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, năm 1973, bộ “Đại Nam nhất thống chí: Lục
tỉnh Nam Việt” cũng nói đến lịch sử di dân của người Hoa vào vùng đất Đồng Nai và Nam Bộ cùng
với sinh hoạt kinh tế, văn hoá của người Hoa ở vùng đất mới này.
Năm 1880, trong Báo cáo của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ có nói đến các thương điếm của
người Hoa ở Nam Kỳ và khu vực Sài Gòn. Năm 1924, tác giả Đào Trịnh Nhất đã công bố công trình
“Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ”, tác phẩm đề cập đến hoạt động kinh tế của người
Hoa ở miền Nam vào đầu thế kỷ XX. Tác giả Khương Hữu Điễu trên tạp chí “Cấp tiến” ở Sài Gòn ra
năm 1970 đã có bài “Người Việt gốc Hoa và nền kinh tế Việt Nam”, bài viết đã phân tích vai trò của
người Hoa trong hoạt động kinh tế ở miền Nam nói chung cũng như ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.
Những công trình trên, bước đầu đi sâu đề cập đến một số hoạt động kinh tế của người Hoa, có nhiều
tư liệu quý giá để tác giả luận văn tham khảo.
Từ sau năm 1975, việc nghiên cứu người Hoa, trong đó có các hoạt động kinh tế không chỉ có ý
nghĩa khoa học mà còn là một nhu cầu thực tiễn, nhằm góp phần hoạch định một chính sách kinh tế
toàn diện, trong đó có đóng góp của người Hoa. Nghiên cứu về hoạt động kinh tế của người Hoa ở
thành phố Hồ Chí Minh từ sau 1975 đến nay đã có nhiều công trình được công bố. Năm 1987, tác giả
Trần Khánh đã bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ “Những khuynh hướng cơ bản phát triển xã hội và chính trị
tộc người cộng đồng người Hoa ở Việt Nam”(từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945 ở miền Bắc và đến
năm 1975 ở miền Nam). Năm 1989, Viện Khoa Học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và Ban công
tác người Hoa đã hợp tác nghiên cứu chương trình “Những biến đổi kinh tế - xã hội của người Hoa ở
thành phố Hồ Chí Minh từ sau 1975”.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX cho đến nay, ngày càng có nhiều nhà khoa học chú ý tới lĩnh
vực văn hoá tinh thần, đặc biệt là tín ngưỡng, văn hoá, tôn giáo của người Hoa, tiêu biểu là tác phẩm
của các tác giả: Phan An, Trần Hồng Liên, Phan Thị Yến Tuyết, Phan Ngọc Nghĩa, xuất bản 1990, với
tiêu đề “Chùa Hoa thành phố Hồ Chí Minh”, tác phẩm trình bày chi tiết về quá trình hình thành các cơ
sở tín nguỡng – tôn giáo của người Hoa cùng với mô thức kiến trúc, nghệ thuật trang trí, điêu khắc, thờ
tự và sinh hoạt lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo này.
Công trình “Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Nguyễn Công Bình, Lê Xuân
Diệm, Mạc Đường, xuất bản năm 1990. Công trình này đã miêu tả phần văn hoá tinh thần của các dân
tộc, trong đó có người Hoa ở Nam Bộ với những nội dung đề cập đến hệ thống thờ tự của người Hoa
trong gia đình cũng như ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian. Cũng trong năm này, một nhóm nghiên cứu
dưới sự chủ biên của tác giả Phan An đã tiến hành công trình nghiên cứu “Người Hoa ở Quận 6”. Năm
1992, Viện Khoa học xã hội và Ban công tác người Hoa tiếp tục tập hợp nghiên cứu đề tài “Phát huy
tiềm năng của người Hoa trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh”. Năm
1994, cuốn “Xã hội người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 1975” do tác giả Mạc Đường chủ biên
được xuất bản đã đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, từ tên
gọi, địa bàn, phân bố dân cư, vị trí xã hội, kinh tế, văn hoá và nhấn mạnh vai trò tín ngưỡng - tôn giáo
trong việc định hướng những chuẩn mực nhân cách của người Hoa. Luận án Phó tiến sĩ khoa học kinh
tế của tác giả Trần Hồi Sinh với đề tài “Người Hoa trong nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”
cung cấp những hiểu biết thiết thực về hoạt động kinh tế của người Hoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí
Minh, đặc điểm vai trò, và vị trí của người Hoa trong hoạt động kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh, đây
là một tác phẩm nghiên cứu sâu về hoạt động kinh tế của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2000, Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản cuốn “Định cư của người Hoa trên đất Nam
Bộ” do tác giả Nguyễn Cẩm Thuý chủ biên, đây là công trình nghiên cứu tổng thể về quá trình di dân,
định cư và sinh hoạt của người Hoa trên đất Nam Bộ, có nhiều tư liệu quan trọng để tác giả tham khảo.
Cũng Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2005, xuất bản cuốn“Người Hoa ở Nam Bộ” của tác giả
Phan An, tác phẩm nghiên cứu một cách tổng quan về hoạt động của người Hoa ở Nam Bộ, chủ yếu là
ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Sóc Trăng. Tác phẩm đã cung cấp cho tác giả một định hướng nghiên
cứu ban đầu để nghiên cứu về người Hoa ở Đồng Nai.
Tình hình nghiên cứu ở Đồng Nai: Trước năm 1975, nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu đã biên
soạn bộ “Biên Hoà sử lược toàn biên” gồm 5 quyển (đã xuất bản 2 quyển), nội dung giới thiệu về vùng
đất Biên Hoà – Đồng Nai sau ba thế kỷ hình thành , đặc biệt tài liệu đánh máy (quyển 5) chưa xuất bản
với nhan đề “300 năm người Việt gốc Hoa”, đây là một nguồn tài liệu quý hiếm viết về quá trình nhập
cư và phát triển của cộng đồng người Hoa đến Biên Hoà – Đồng Nai trước năm 1954 (nhưng rất tiếc
hiện nay đã bị thất lạc, tác giả luận văn không tiếp cận được). Năm 1998, Ban chỉ đạo Lễ kỉ niệm 300
năm vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai đã xuất bản cuốn “Biên Hoà – Đồng Nai 300 năm hình thành và
phát triển”, đây là công trình địa chí thu nhỏ, khái quát về sự hình thành và phát triển của vùng đất
Biên Hoà – Đồng Nai suốt 300 năm. Trong phần Văn hoá – xã hội, công trình đã giới thiệu về lịch sử
di cư và sinh hoạt văn hoá – xã hội của người Hoa ở Đồng Nai từ năm 1679 (sự kiện Trần Thượng
Xuyên cùng nhóm di thần nhà Minh từ Trung Quốc sang xin thần phục Nam triều được chúa Nguyễn
cho vào khai khẩn vùng đất Đông phố - Biên Hoà còn hoang sơ) cho tới quá trình sinh hoạt văn hoá
của cộng đồng người Hoa ở Biên Hoà hiện nay. Năm 2001, tỉnh Đồng Nai xuất bản bộ “Địa chí Đồng
Nai” có 5 tập (tổng quan, địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hoá – xã hội), ở mỗi tập đều có nhắc đến đóng
góp của người Hoa ở từng lĩnh vực cụ thể. Tác phẩm “Cù Lao Phố - lịch sử và văn hoá” do tập thế
Nhà Bảo tàng Đồng Nai biên soạn, đuợc Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản năm 1998 cũng đề cập đến
vai trò và vị trí của người Hoa trong buổi đầu xây dựng cảng thị Cù Lao Phố trở thành một trung tâm
thương mại sầm uất một thời ở Nam Bộ.
Năm 2002, tạp chí Xưa và Nay xuất bản sách “Miền Đông Nam Bộ lịch sử và phát triển” của
nhiều tác giả, trong đó có bài “Tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai” của tác giả Huỳnh Văn Tới,
nội dung của bài viết phần nhiều đề cập đến quá trình giao thoa văn hóa về tín ngưỡng giữa hai dân tộc
Hoa và dân tộc Việt. Năm 2001 và 2002, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh Uỷ và Uỷ Ban nhân dân tỉnh
Đồng Nai, Sở Văn hoá thông tin và Nhà Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành khảo sát cơ sở tín ngưỡng và
lễ hội của người Hoa trên đại bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả của hai đợt khảo sát đã đuợc tổng kết trong
công trình biên khảo “Khảo sát cơ sở tín ngưỡng và lễ hội của người Hoa ở Đồng Nai”. Năm 2005,
Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản công trình “Văn hoá Đồng Nai (sơ thảo)” của hai tác giả Huỳnh Văn
Tới và Phan Đình Dũng, đây là tập hợp những chuyên khảo về văn hoá dân gian ở Đồng Nai, trong đó
có một vài chuyên khảo về người Hoa.
Gần đây, tháng 5/2008, Ban Dân vận Tỉnh Ủy Đồng Nai vừa công bố công trình nghiên cứu
“Người Hoa trong cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai”. Đây là công trình duy nhất ở Đồng Nai nghiên
cứu về người Hoa một cách khá toàn diện, nhưng đề tài này mới chỉ tập trung nghiên cứu giai đoạn từ
1995 đến 2005.
Nhìn chung, tình hình nghiên cứu về người Hoa ở Đồng Nai một cách tổng quát chưa nhiều. Vì
vậy, luận văn “Người Hoa ở Đồng Nai” góp phần nghiên cứu về cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai
một cách toàn diện. Đây là một việc làm thiết thực, vừa mang ý nghĩa khoa học vừa mang ý nghĩa thực
tiễn. Đó cũng là những cố gắng sẽ đuợc thể hiện trong nội dung luận văn “Người Hoa ở Đồng Nai
1954 – 2005”.
4.2 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài:
Một người Hoa ở Chợ Lớn, ông Tsai Mawkuey, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ “Người Hoa ở miền
Nam Việt Nam” tại Paris năm 1968. Đây là một công trình nghiên cứu về người Hoa ở miền Nam – tập
trung ở Sài Gòn, có nhiều tư liệu đáng chú ý. Riêng về kinh tế của người Hoa, tác giả đã đưa ra một số
thống kê từ Phòng thương mại Hoa kiều ở Chợ Lớn và các ngân hàng của người Hoa.
Nghiên cứu về người Hoa một cách toàn diện có tác phẩm “Người Hoa tại Việt Nam” của tác
giả Nguyễn Văn Huy, xuất bản tại Pari năm 1993, cung cấp một nguồn tư liệu về hoạt động của người
Hoa tại Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, nhất là các chính sách của chính quyền đối với người Hoa ở
Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
Cũng trong năm 1993, tại Singapore tác giả Trần Khánh đã xuất bản sách “Cộng đồng người
Hoa với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam”. Trong công trình này, tác giả đã có sự hệ thống các số liệu
kinh tế của người Hoa ở Sài Gòn trước năm 1975 và ở thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
- Phương pháp nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu dựa trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu về người Hoa của các tác giả đi
trước. Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả đã vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử trong việc nghiên cứu tổng quan về người Hoa ở Đồng Nai. Đồng thời việc nghiên cứu còn
dựa trên những cơ sở, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về việc nghiên cứu dân tộc, trong đó có
dân tộc Hoa.
Để thực hiện luận văn, tác giả đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp chủ yếu là phương pháp lịch sử, luận văn đặc biệt chú ý đến mọi mặt hoạt động và
đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai giai đoạn 1954- 2005.
- Phương pháp logích cũng được sử dụng khi luận văn rút ra những nét đặc trưng của người Hoa ở
Đồng Nai, để từ đó thấy được sự đa dạng của người Hoa ở Nam Bộ.
- Phương pháp điền dã cũng được thể hiện qua luận văn là sự quan sát trực tiếp hoạt động của
những cơ sở kinh tế, nhà cửa, những tổ chức xã hội, những cơ sở tín ngưỡng, những lễ hội văn hoá tiêu
biểu của người Hoa ở Đồng Nai.
- Ngoài những phương pháp cơ bản kể trên, để có thể tiếp cận một cách tốt nhất.
những vấn đề được nêu ra, tác giả luận văn còn sử dụng những phương pháp của những ngành
khoa học liên quan như: xã hội học, dân số học, thống kê học....Ngoài ra các biện pháp kỹ thuật như:
chụp ảnh, ghi âm, quay phim... cũng được tác giả sử dụng nhằm minh họa một số nội dung thiết yếu
của luận văn.
- Nguồn tài liệu
Mục đích, nội dung và những vấn đề cần phải giải quyết của luận văn “Người Hoa ở Đồng Nai
1954 – 2005” đã đặt tác giả trước một công việc cụ thể nhưng phức tạp. Đó là việc thu thập, chọn lọc
và hệ thống tài liệu.
+ Ở nguồn tài liệu thư tịch: Luận văn sử dụng những tư liệu của các nhà nghiên cứu từ thế kỷ
XIX đến tài liệu mới nhất là năm 2008, bao gồm các xuất bản phẩm chuyên khảo về người Hoa ở Việt
Nam, ở miền Nam, ở Đồng Nai. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những bài nghiên cứu được công bố trên
các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Dân tộc học, Văn hoá dân gian, Văn hoá
nghệ thuật, Xưa và Nay, và các trang web có nội dung liên quan đến đề tài. Đặc biệt, là nguồn tài liệu
được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh; Thư viện Khoa học xã hội
thành phố Hồ Chí Minh; Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Thư viện tỉnh Đồng
Nai; Thư viện Bảo tàng Đồng Nai; Thư viện Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những hệ thống tư liệu nghiên cứu, tác giả còn sử dụng một số văn bản về pháp lệnh tôn
giáo, tín ngưỡng, các chỉ thị của Nhà nước, của Chính phủ, của Ban Dân vận Trung ương về công tác
người Hoa lưu trữ tại Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, Mặt Trận tổ quốc Tỉnh Đồng Nai. Khi nghiên cứu
người Hoa dưới chính quyền Sài Gòn ở miền Nam, tác giả đã sử dụng một số tư liệu về chính sách của
chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Việt Nam, ở Đồng Nai, nhất là những tư liệu đề cập đến
hoạt động kinh tế của người Hoa ở Đồng Nai giai đoạn 1954 – 1975.
+ Ở nguồn tài liệu thu thập qua điền dã dân tộc học, tác giả đã: Tiến hành khảo sát một số cơ sở
sản xuất tiêu biểu của người Hoa ở Đồng Nai với những nghành nghề truyền thống còn được lưu giữ
và phát huy thế mạnh ở thời hiện tại - khảo sát một số cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tiêu biểu
của người Hoa ở Đồng Nai từ buổi đầu khai phá cho đến nay. Ngoài ra, tác giả còn phỏng vấn, trao đổi
về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế, văn hoá tinh thần của một số gia đình và một số Hội
quán của người Hoa ở Đồng Nai. Những đợt khảo sát đó, đã cho ra những cứ liệu tương đối xác thực
nhằm nghiên cứu người Hoa ở Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay một cách toàn diện và chân thực.
Chương 1 - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở ĐỒNG NAI 1954 –
2005.
Vùng đất Đồng Nai thuộc về chúa Nguyễn năm 1620, khi Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên gả
con gái thứ hai là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II (1618 – 1628). Nhà vua
Chey Chetta II đã tặng Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên một phần lãnh thổ là vùng đất Đồng Nai làm
quà cưới.
Đồng Nai hiện nay có 36 cộng đồng tộc người cùng sinh sống. Trong đó người Kinh (Việt)
chiếm 91,3% dân số, tiếp theo là người Hoa xếp thứ hai, kế đến là các cư dân bản địa như Châu Ro,
Châu Mạ, Stiêng… Trên 90% người Hoa trong cả nước định cư ở Nam Bộ. Đông nhất là ở thành phố
Hồ Chí Minh (gần 50%) và kế đến là Đồng Nai (11,81%)
Trước khi người Việt và người Hoa đến Đồng Nai, cư dân bản địa ở đây là người Khơme đã
khai thác vùng đất này. Khi đến đây, người Việt và người Hoa tiếp tục công cuộc khai thác và cải tạo
vùng đất “toàn là rừng rậm ấy” để có một Đồng Nai phồn thịnh và tươi đẹp như ngày hôm nay. Cùng
với quá trình đó, là quá trình hình thành cộng đồng người Hoa trên ở đất Đồng Nai với lịch sử hơn 300
năm.
1.1 Chính sách của các chính quyền đối với người Hoa di cư đến Việt Nam
Trước tình trạng di cư đông đảo của người Hoa đến Việt Nam, các chính quyền thống trị của
Việt Nam trong lịch sử đã có những thái độ và chính sách khác nhau đối với người Hoa di cư đến Việt
Nam. Những chính sách ấy đã tác động đến quá trình hình thành cộng đồng người Hoa ở Việt Nam,
trong đó có Đồng Nai. Đồng thời những chính sách ấy, cũng quyết định diễn trình kinh tế, diễn tiến
văn hóa của cộng đồng người Hoa ở đất Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.
1.1.1 Thời kỳ trước năm 1954
Năm 1679, nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đã xin phép chúa Nguyễn được tỵ nạn
chính trị ở Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã tỏ ra rất thông cảm và đối xử với nhóm người Hoa
này một cách rất tử tế: “...bèn khiến đặt yến tiệc đãi họ, an ủi, khen ngợi, cho các tướng lãnh y chức cũ,
phong thêm quan tước mới, khiến vào ở đất Đông phố để mở mang đất ấy. Họ được các tướng Vân
Trình, Văn Chiêu hướng dẫn; binh thuyền tướng sĩ Long Môn của Dương Ngạn Địch, tiến vào cửa Lôi
Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, đến định cư ở Mỹ Tho, binh lính tướng sĩ Cao, Lôi, Liêm của Trần
Thượng Xuyên, Trần An Bình tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở xứ Bàn Lân, xứ Đồng Nai”
[28, tr.110]. Đây là sự kiện đánh dấu sự có mặt đầu tiên của người Hoa ở đất Đồng Nai. Người Hoa
được phép khai khẩn những vùng đất “màu mỡ, có đến ngàn dặm”, “ khai hoang đất ấy để ở” [28,
tr.110].
Triều Nguyễn đã khuyến khích lưu dân người Hoa khai hoang, lập đất. Sách Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức chép:“Đất Nông Nại (…) phép tắc hãy còn khoan dung giản dị”. Ngay
cả việc trưng thuế cũng “tùy thuộc lòng dân, không hề ràng buộc, cốt sao khiến dân khai hoang mở đất
cho thành ruộng lập nên thôn xã mà thôi”. Nếu so với các dinh trấn phía Bắc thì phép tắc ở Đồng Nai
– Gia Định “còn rất khoang dung mà thuế lệ cũng còn nhẹ” [28, tr.115].
Như vậy, người Hoa đến đất Đồng Nai được các chúa Nguyễn cho lưu trú và tạo điều kiện cho
được định cư lâu dài ở vùng đất mới, nên người Hoa ở Đồng Nai, nhóm theo Trần Thượng Xuyên chịu
ơn, chịu nghĩa các chúa Nguyễn. Vì thế, khi Hoàng Tiến tướng dưới quyền của Dương Ngạn Địch
chống lại chúa Nguyễn thì người Hoa đã đi theo và ủng hộ chúa Nguyễn đánh bại Hoàng Tiến. Điều đó
cho thấy sự biết ơn sâu sắc và lòng trung thành của họ đối với các chúa Nguyễn ở buổi đầu khi đến đất
Đồng Nai. Họ sẵng sàng bảo vệ sự an nguy của các chúa Nguyễn mỗi khi có nguy biến, họ cũng sẵn
sàng chấp nhận những mất mát và hy sinh để chứng tỏ lòng trung thành của mình. Vì thế, mà các chúa
Nguyễn có những chính sách ưu ái để người Hoa ở Đồng Nai có thể an tâm lập nghiệp và định cư lâu
dài ở đây.
Những chính sách của các chúa Nguyễn đối với người Hoa thực chất là chính sách của chúa
Nguyễn đối với công cuộc Nam tiến. Để hoàn thành công cuộc này chúa Nguyễn buộc phải có những
chính sách để người Hoa yên tâm, tin tưởng vào chính quyền cai trị, và tất nhiên đến lượt mình họ tất
sẽ trở thành lực lượng tích cực cho công cuộc đó.
Nếu như dưới thời các chúa Nguyễn người Hoa được ưu đãi bao nhiêu, thì dưới thời Tây sơn,
người Hoa lại bị thất sủng bấy nhiêu. Một trong những nguyên nhân giải thích cho sự thất sủng đó là
do năm 1776, khi Nguyễn Lữ tiến quân vào Gia Định thì một thương nhân người Hoa tên là Lý Tài
(trước theo Tây Sơn), đã đánh lại và gây thiệt hại cho quân Tây Sơn rất nhiều tại cầu Tham Lương.
Nhưng cuối cùng đội quân của Lý Tài bị Nguyễn Lữ đánh bại. Sau đó, Nguyễn Lữ đã chiếm được
thương cảng lớn nhất tại Cù Lao Phố là Nông Nại Đại Phố (Biên Hòa), tịch thu và chở hết những vật
liệu kiến trúc quý của người Hoa (gạch ngói tráng men, cột đá cẩm thạch, bàn ghế xảm xà cừ) về Quy
Nhơn. Từ đó mối quan hệ giữa Tây Sơn và người Hoa luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Người Hoa ở
Đồng Nai đã chuyển về định cư tại Sài Côn (TPHCM) lập Chợ Lớn để tiếp tục buôn bán sau sự kiện
này.
Thế nhưng, sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây sơn, lập ra triều Nguyễn năm 1802, thì
người Hoa lại dành được ưu thế. Các vua triều Nguyễn, đặc biệt là vua Gia Long, rất biết ơn cộng đồng
người Hoa ở Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung vì những cống hiến của họ đối với công cuộc
xây dựng chính quyền của nhà Nguyễn. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1787, Nguyễn Ánh cho thành lập bốn
bang ngữ phương lớn gốc Hoa tại miền Nam, gồm các bang: Quảng Đông (廣東),
Phúc Kiến
(福建), Triều Châu (潮州), và Hải Nam (海南), để điều hành các vấn đề nội bộ trong cộng đồng
người Hoa. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, người Hoa ở hải ngoại được phép thành lập những tổ chức
quản trị độc lập với nền hành chính của chính quyền địa phương. Bốn bang này đuợc hưởng nhiều đặc
quyền trong sinh hoạt: thủ tục hành chính đơn giản, việc kiểm soát cư trú được bãi miễn, thuế khóa nhẹ
nhàng. Sau này, theo yêu cầu của người Hoa, bốn bang này đã đuợc cải tổ lại thành bảy bang: Phúc
Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nam. Bang chúng trong các
bang này được hưởng mọi quyền lợi như người Việt, mà không phải chịu các nghĩa vụ như: đi lính và
nộp các thứ thuế định kỳ. Điều này chỉ diễn ra dưới thời Gia Long, các triều vua tiếp sau đó đã không
ưu đãi người Hoa như thời Gia Long nữa. Năm 1841, sau khi Gia Long mất, những khu tự trị của
người Hoa ở Đồng Nai và miền Tây dần dần bị hủy bỏ. Đến năm 1843, thời Thiệu Trị, có lệnh không
cho người Hoa trở về Trung Quốc.
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ (1859 – 1862), Pháp đã dành cho người Hoa ở đây những quyền
lợi ngang bằng hoặc hơn cả người Việt. Năm 1862, nhằm đánh thuế và kiểm tra sự di cư bất hợp pháp,
chính quyền thuộc địa cho ban hành thuế thân và cho lưu hành thẻ kiểm tra đối với những người Hoa
sinh sống tại Nam Kỳ. Năm 1867, chính quyền thuộc địa Pháp cho người Minh Hương (明香人
_明鄉人) những quyền như người Việt. Năm 1884, sau khi hoàn tất việc chiếm đóng Việt Nam và
muốn giữ quan hệ ngoại giao tốt với Trung Hoa, chính quyền thuộc địa Pháp công nhận người Hoa
sống tại Việt Nam là công dân của Trung Hoa. Ngày 9/6/1885, Pháp ký với Trung Hoa hiệp ước Thiên
Tân lần thứ nhất xác nhận quy chế bình đẳng của Hoa kiều sống tại Việt Nam: được an toàn về tính
mạng và tài sản, nhưng những người này phải có thẻ lưu trú và đóng thuế thân. Hiệp ước Thiên Tân ký
lần thứ hai ngày 24/4/1886 cho phép người Hoa đi lại tự do và được thành lập những cơ sở kinh doanh
trên khắp lãnh thổ Nam Kỳ.
Tại Đồng Nai, thực dân Pháp có những chính sách tạo thuận lợi cho người Hoa nhập cư với
mục đích kinh tế là chủ yếu, người Hoa đến Đồng Nai trong giai đoạn này chủ yếu bổ sung cho nguồn
nhân lực làm việc ở các đồn điền cao su. Trong cùng thời điểm này Sài Gòn cũng là nơi thu hút người
Hoa đến đông nhất với những chính sách ưu đãi của thực dân Pháp. Kể từ ngày 03/08/1900, Hội đồng
Nam Kỳ đã quyết định miễn thuế cho người Hoa mới đến Nam Kỳ, khỏi phải nộp tiền đăng bạ trong
năm đầu mới đến. Nhưng đến ngày 12/1/1907, Hoa kiều phải đóng các thứ thuế:
- Thuế nhập cư (tân đáo): 6 đồng
- Thuế thân cho người 18 tuổi trở lên: 15 đồng
- Thuế công sưu: được miễn khi quá 35 tuổi
- Phụ thu cho quản hạt: ít nhất bằng hai sắc thuế thân và nhập cư cộng lại; nếu có đóng thuế
môn bài và ruộng đất thì cộng lại không quá 4.000 đồng.
- Thuế huê lợi: để được cấp giấy thông hành khi mới đến hoặc ra đi: 2 đồng (trẻ em, phụ nữ và
số đàn ông được miễn thuế thân). Thuế hêu lợi để được cấp giấy thông hành đi khắp Đông
Dương (đối với nhà buôn giàu có là 15 đồng).
Năm 1935, chánh tham biện Buy-ten-Mô-rít-xơ (Butel Maurice) liệt người Hoa thuộc diện
ngoại kiều châu Á, đồng hóa với người Việt Nam, đàn ông phải nộp thuế thân hàng năm là 30 đồng và
phụ thu 2 đồng.
Ngày 28/2/1948, chính phủ Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch kí thỏa ước Trùng Khánh
dành cho Hoa kiều qui chế tối huệ quốc (最恵國槼制).
Những sự kiện trên cho thấy dưới thời Pháp thuộc, người Hoa ở Việt Nam được chính quyền sở
tại ưu đãi. Trên cơ sở đó, họ dần dần khẳng định chỗ đứng của mình trong lĩnh vực kinh tế, và trong xã
hội Việt Nam.
Như vậy, thời kỳ trước 1954, chính sách của các chính quyền đối với người Hoa ở Việt Nam là:
Ở thời kỳ các chúa Nguyễn đã có những chính sách như: cho phép người Hoa được khai hoang
những vùng đất trù phú ở Đồng Nai để định cư và lập nghiệp, chính sách này nằm trong chính sách
Nam tiến của các chúa Nguyễn. Thời kỳ đầu nhà Nguyễn (Gia Long), lần đầu tiên 4 bang của người
Hoa được thành lập, người Hoa sinh sống ở Việt Nam được hưởng mọi quyền lợi như người Việt, mà
không phải chịu các nghĩa vụ như: đi lính, miễn thuế định kỳ. Nói chung, chế độ phong kiến Việt Nam
đều có những thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa di cư sang Việt Nam được an cư, lạc
nghiệp và hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến khi chính quyền thuộc địa Pháp cai trị:
Người Hoa sinh sống tại Việt Nam được hưởng quy chế ngoại kiều (多橋槼制).
1.1.2 Thời kỳ 1954 – 1975
Sau hiệp định Giơnevơ (1954) người Hoa ở Việt Nam mất điểm tựa chính trị của chính quyền
thuộc địa Pháp, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1955 – 1975) không công nhận những đặc quyền
mà chính quyền Pháp đã dành cho người Hoa sinh sống tại miền Nam. Theo nhận định của chính
quyền Sài Gòn lúc bấy giờ: “Người Hoa tuy phần lớn đã sống lâu đời ở Việt Nam, nhưng không vì thế
mà không tổ chức nhau lại thành một cộng đồng riêng biệt, một khối chặt chẽ gồm 700.000 người tập
trung chủ yếu ở Chợ Lớn, một Chinatown (thành phố Tàu) thực sự nằm lọt trong lòng thành phố Sài
Gòn, có ban quản lí riêng, có trường học và bệnh viện riêng. Là những thương gia học lõi, nhiều người
Hoa đứng làm trung gian giữa các công ty lớn của Pháp, rồi của Mĩ với dân chúng Việt Nam. Món lợi
lộc dồi dào từ viện trợ Mĩ đã giúp các nhà kinh doanh Chợ Lớn xây dựng nhanh chóng nhiều xí nghiệp
quan trọng và nắm giữ guồng máy chính yếu của nền kinh tế Sài Gòn, bằng cách liên kết với một số bộ
trưởng và tướng lĩnh Sài Gòn” [74; tr. 493].
Nhận định trên cho thấy, thế lực kinh tế của người Hoa thời kỳ này là rất lớn. Vì ở đất Nam Bộ,
người Hoa có mặt ngay từ buổi đầu khai phá, nên cơ sở hạ tầng cũng như quan hệ kinh tế của họ đã
bén rễ từ lâu. Những đặc quyền, đặc lợi dưới thời Pháp thuộc đã làm cho thế lực kinh tế của người Hoa
ở miền Nam nói chung phát triển khá thuận lợi. Một bộ phận doanh nhân gốc Hoa đã lớn mạnh lên rất
nhiều, trong khi đó doanh nhân người Việt dưới thời Pháp thuộc thì hầu như vắng bóng.
Vì vậy, chính quyền Sài Gòn (1954 – 1975), muốn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lệ thuộc
kinh tế vào thế lực người Hoa ở miền Nam, nên chính quyền đã có những chính sách nhằm hạn chế
ảnh hưởng kinh tế sâu rộng của người Hoa trong xã hội miền Nam.
Ở tỉnh Biên Hòa, năm 1957, Hồ Văn Sĩ (tỉnh trưởng tỉnh Biên Hòa) cho áp dụng một loạt các dụ
của chính quyền Sài Gòn về người Hoa như:
Điều 12 trong Dụ số 10 quy định bộ luật về quốc tịch Việt Nam ngày 07/12/1955 ghi rõ: “con
chính thức mà mẹ là người Việt Nam, và cha là người Trung Hoa, nếu sinh đẻ ở Việt Nam” thì là
người Việt Nam. Như vậy, tất cả trẻ em gốc Hoa, kể cả con cái người Hoa kiều, đều là người Việt
Nam.
Thời hạn ấn định cho những Huê kiều sinh tại Việt Nam phải làm khai, để được cấp thẻ căn
cước là ngày 08/04/1957, việc kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 22/06/1957.
Giới Huê kiều ở Biên Hòa không tỏ rõ thái độ trước việc ban hành Dụ số 12, đa số họ chờ đợi
phản ứng trước từ Đô thành Sài Gòn về vấn đề nhập tịch (2/1957). Số Huê kiều đến xin nhập tịch ở
Biên Hòa theo thống kê trong năm 1957, kể từ sau khi Dụ số 10 ban hành được 18 tháng như sau:
Bảng1.1: Số Hoa kiều xin nhập tịch từ tháng 3/1957 đến 6/1957
Thời gian
Số Hoa kiều xin nhập tịch
03/1957
35 người
04/1957
43 người
05/1957
675 người
06/1957
1.855 người
(Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia II, TPHCM)
Dụ số 48 ngày 21/8/1956: Điều 16 quy định: Hoa kiều thổ sanh (sinh trưởng tại Việt Nam) sẽ là
người Việt Nam, bắt buộc phải nhập và khai nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc xin hồi hương (về Đài
Loan), trước ngày 31/8/1957. Năm 1957, có 44.947 Huê kiều thổ sanh đã ghi tên tình nguyện về Đài
Loan, chính phủ Sài Gòn đã cấp cho những người hồi hương này 400.00 $ Việt Nam theo luật định.
Dụ số 53 ngày 6/9/1956: Chỉ định những nghề nghiệp mà các ngoại kiều, hay các Hội xã, công
ty ngoại quốc không được hoạt động (gồm 11 nghề) bao gồm:
-
Buôn bán cá và thịt;
-
Buôn bán chạp phô;
-
Buôn bán than củi;
-
Buôn bán xăng, dầu lửa và dầu nhớt (trừ các hãng nhập cảng);
-
Cầm đồ bình dân;
-
Buôn bán vải sồ, tơ lụa (dưới 10.000 thước tính chung các thứ), chỉ sợi,….;
-
Buôn bán sắt, đồng thau vụn;
-
Buôn bán ngũ cốc;
-
Nhà máy xay lúa;
-
Buôn bán ngũ cốc;
-
Chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng xe hơi, hay tàu thuyền;
-
Trung gian ăn huê hồng.
Thể hiện sự bất bình của mình trước những đạo dụ trên, giới Huê kiều ở miền Nam tẩy chay
không hút thuốc điếu và không tiêu thụ thịt heo. Chính quyền Sài Gòn đã phải xoa dịu dư luận bằng
cách cấp cho 4.500 Huê kiều thất nghiệp mỗi người được 200.00$. Việc này được diễn ra tại phòng
thương mại Chợ Lớn trong tháng 7/1957.
Tại Đồng Nai, lệnh đình chỉ hoạt động kinh doanh của Hoa kiều được áp dụng trước ngày
06/09/1956 một ngày rưỡi, nhưng họ vẫn được quyền giữ hàng tồn kho.
Dụ số 58 ngày 25/10/1956: Tạo điều kiện cho Hoa kiều dễ dàng nhập quốc tịch Việt Nam,
khuyến khích họ hợp tác, hùn vốn kinh doanh hoặc sang tên cho vợ con là người Việt. Chính phủ Đài
Loan cũng chấp nhận cho Hoa kiều nhận Việt Nam làm quê hương, với ý ngầm cho hưởng chế độ hai
quốc tịch để giữ bản sắc Trung Hoa.
Qua bốn đạo dụ trên, chính quyền Sài Gòn muốn người Hoa sinh sống tại Việt Nam, trong đó
có Đồng Nai nhanh chóng hội nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội Việt Nam. Trước chính sách hội
nhập của chính quyền Sài Gòn, người Hoa đã kịch liệt phản đối. Giới Huê kiều đã thành lập “Việt Nam
Huê kiều để chế mỹ hóa ủy viên hội” (hội Hoa kiều tẩy chay hàng hóa Mỹ tại Việt Nam) ngày
27/05/1957 để phản đối việc chính quyền Sài Gòn cho ban hành những đạo luật trên.
Tóm lại, những chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Việt Nam:
Về kinh tế, cấm Hoa kiều làm 11 nghề, nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế sâu rộng của người
Hoa.
Về chính trị, người Hoa đang sinh sống ở Việt Nam buộc phải nhập quốc tịch Việt Nam, những
Hoa kiều nào đang sinh sống tại Việt Nam mà không chịu nhập quốc tịch thì sẽ bị trục suất về Đài
Loan. Thực chất chính sách này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế sâu rộng của Hoa kiều trong xã hội
miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Nếu như ở giai đoạn trước 1954, quá trình hội nhập của người Hoa
trên đất Nam Bộ nói chung và đất Đồng Nai nói riêng diễn ra một cách tự nguyện, dựa trên tinh thần
tương thân, tương ái, thì đến thời điểm này, vì mục tiêu giành lại quyền chủ động trong kinh tế mà
chính quyền Sài Gòn đã đẩy một bộ phận người Hoa ra khỏi xã hội Việt Nam. Chính quyền thời kỳ này
đã không phát huy được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó
đồng nghĩa với việc cản trở tiến trình hội nhập một cách tự nguyện, vốn có của người Hoa vào xã hội
Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Tuy nhiên, là một trong những cộng đồng tộc người có công xây dựng đất Đồng Nai ngay từ
buổi đầu khai phá, nên ngay trong giai đoạn khó khăn và mất lòng tin vào chính quyền nhất, thì người
Hoa ở Đồng Nai vẫn xem đất Đồng Nai là mảnh đất mà cha ông họ đã khó khăn vất vả mới gầy dựng
được, nên các yếu tố dân tộc vẫn tồn tại và phát triển. Trong thời gian này, Đồng Nai vẫn là nơi thu hút
người Hoa đến sinh cơ và lập nghiệp. Điều này chứng tỏ ý thức sẵn sàng hội nhập của cộng người Hoa
vào cộng đồng các dân tộc anh em ở Đồng Nai.
1.1.3 Thời kỳ 1975 – 2005
Sau năm 1975, nước nhà thống nhất, người Hoa tiếp tục cùng với nhân dân các dân tộc ở Việt
Nam đoàn kết dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách
mạng, bảo vệ trật tự, trị an, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội.
Vấn đề về người Hoa đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam quan tâm. Ngay từ khi Đảng mới được
thành lập, Đảng nhận định: người Hoa chủ yếu là công nhân và nhân dân lao động, đã có một lịch sử
lâu đời, cùng đồng cam, cộng khổ và sát cánh cùng các dân tộc ở Việt Nam đấu tranh cách mạng
chống kẻ thù chung ở Việt Nam. Trong quá trình cách mạng, qua từng giai đoạn, Đảng đã đề ra những
chỉ thị, chủ trương, và chính sách cụ thể về công tác người Hoa ở Việt Nam, để các ngành, các cấp thi
hành, nhằm vận động, tổ chức người Hoa cùng với nhân dân các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam
đoàn kết chặt chẽ phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào xã hội Việt Nam đã từng có những
thăng trầm. Những năm 1978 – 1979, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có chiều hướng xấu, vụ
“nạn kiều” đã gây nên những cản trở nhất định đối với tiến trình hội nhập của cộng đồng người Hoa
vào xã hội Việt Nam. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị 53 – CT/TW về “chính
sách đối với cán bộ, đảng viên người Hoa” và tiếp sau đó là Chỉ thị 74 – CT/TW cụ thể việc nhận biết
người Hoa tiến bộ để bảo vệ, đồng thời đưa người Hoa đi sơ tán khỏi các địa bàn giáp biên giới Việt
Nam – Trung Quốc để tránh có những thiệt hại về tính mạng khi có chiến sự xảy ra giữa hai nước.
Để tiến trình hội nhập của người Hoa vào xã hội Việt Nam tiến triển một cách thuận lợi, chỉ thị
10/TW (ngày 17/11/1982) và chỉ thị 256 (ngày 11/10/1986) của chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là
Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định: “Người Hoa là công dân Việt Nam, được hưởng mọi quyền và
làm mọi nghĩa vụ của công dân Việt Nam, đoàn kết người Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam,
cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.
Theo tinh thần trên, người Hoa tại Việt Nam được hưởng quyền lợi công dân Việt Nam về đủ
các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lợi ích của
người Hoa trên khắp Việt Nam. Với việc thừa nhận tính hợp pháp của người Hoa trong xã hội Việt
Nam, Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện cho người Hoa yên tâm hơn, tin tưởng hơn
vào việc lựa chọn Việt Nam, trong đó có Đồng Nai là quê hương của mình.
Tiếp sau đó, ngày 8/11/1995, Ban Bí thư Trung Ương Đảng ban hành Chỉ thị số 62 – CT/TW
“Về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới”, nêu lên 4 nguyên tắc cơ bản:
Một là, người Hoa là công dân Việt Nam. Là một thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân
tộc Việt Nam, được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân Việt Nam theo quy định của Hiến
pháp và pháp luật, thực hiện mọi chế độ, chính sách chung của Đảng và Nhà nước như các dân tộc
khác.
Hai là, tăng cường đoàn kết người Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ba là, mục tiêu của công tác người Hoa nhằm nâng cao đời sống vật chất – tinh thần và bảo vệ
lợi ích chính đáng của người Hoa.
Bốn là, những Hoa kiều nhiều năm sinh sống ở nước ta, nay xin nhập quốc tịch Việt Nam hoặc
những người gốc Hoa được công nhận là công dân Việt Nam xin chuyển sang quốc tịch nước ngoài thì
căn cứ vào Luật quốc tịch để giải quyết.
Chỉ thị cũng phân biệt rõ người Hoa (華人) và Hoa kiều (華橋) ở Việt Nam :
- “Người Hoa bao gồm những người có gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung
Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam và con cháu của họ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập
quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập
quán của dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa”
- “Hoa kiều là những người có cùng nguồn gốc dân tộc với người Hoa, nhưng không nhập quốc
tịch Việt Nam”.
Nguyên tắc cơ bản từ trước tới nay, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam từ trước tới nay
đối với cộng đồng người Hoa luôn thể hiện sự quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và Tư
tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc.
Một số chính sách cụ thể từ chủ trương có tính nguyên tắc: người Hoa là công dân Việt Nam là
một thành phần trong cộng đồng các dân tộc Viêt Nam, được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện mọi
nghĩa vụ của công dân Việt Nam.
Trong việc giải quyết mọi vấn đề của người Hoa ở Việt Nam, Đảng đều xuất phát từ quan điểm
và lập trường của giai cấp công nhân và coi đó là một bộ phận trong vấn đề chung của cuộc đấu tranh
cách mạng của nhân dân các dân tộc ở Việt Nam, nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập của người Hoa vào
xã hội Việt Nam.
Có thể nói chủ trương, chính sách của Đảng ta đối với cộng đồng người Hoa từ trước đến nay là
hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quyền lợi của người Hoa và quy luật phát triển tất yếu của lịch sử.
Những chủ trương, chính sách ấy thể hiện sự quan tâm đặc thù đến các mặt của cộng đồng người Hoa
nhằm phát huy tính tích cực, hạn chế tiêu cực trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.
Ở Đồng Nai, trước sự kiện “nạn kiều”, tháng 5/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ
đạo Ban dân vận Mặt trận tỉnh tổng kết công tác người Hoa và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban
hành thông tri số 21 – TT/TU (ngày 30/05/1980) chỉ đạo “về một số công tác trước mặt đối với vùng
Hoa, Nùng, Tày di cư ở nông thôn” và Thông tri số 43/TT – TU (ngày 17/03/1981) về “Tăng cường
công tác tuyên truyền vận động đối với người Hoa”. Ở vùng nông thôn, tình trạng người Hoa chỉ làm
nhà tạm bợ, không kiên cố, đầu tư sản xuất không bền vững là có xảy ra, còn ở thành phố Biên Hòa
cũng xảy ra tình trạng nghỉ việc, vượt biên.
Mặc dầu có bị ảnh hưởng bởi sự kiện trên, nhưng trong thời gian này, Đồng Nai lại trở thành
nơi tếp nhận 3.300 hộ /17.600 người Hoa từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp. Điều
đó cho thấy Đồng Nai là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng và nhiều hứa hẹn.
Và kể từ khi có chỉ thị 62 – CT/ TW, Tỉnh ủy Đồng Nai có công văn số 678 – CV/TU, ngày
20/11/1995, chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt chỉ thị 62 – CT/TW của Ban Bí thư; đồng thời tổ chức
hội nghị quán triệt cho tất cả cán bộ chủ chốt. Ban Dân vận Tỉnh ủy, cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy về
công tác dân vận, ngày 1/11/1996, đã có kế hoạch số 02 – KH/DV Hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ
thị 62 – CT/TW của Ban Bí thư. Tiếp đến, ngày 27/11/1996, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai
đã ra chỉ thị số 53/CT – UBT về thực hiện một số nhiệm vụ công tác đối với người Hoa. Từ đó, người
Hoa ở Đồng Nai yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ Việt Nam, một bộ phận
khá đông đã đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa, trường học, cơ sở tín
ngưỡng…
Tóm lại, chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa đối với người Hoa ở Việt Nam :
Về chính trị : người Hoa được gia nhập các đoàn thể chính trị, kinh tế, được kết nạp vào Đảng
cộng sản Việt Nam.
Về kinh tế : người Hoa được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân Việt Nam.
Về văn hóa : Giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc người Hoa.
Về giáo dục : Có quyền và nghĩa vụ học tập như các dân tộc khác.
Như vậy, người Hoa tại Việt Nam, mà đại đa số là công nhân và nhân dân lao động, có một vận
mệnh gắn bó chặt chẽ với nhân dân các dân tộc Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Người Hoa ở Việt
Nam đã trở thành một thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đó là một thực tế, là sự phát triển
tất yếu, khách quan của quy luật xã hội, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bất cứ chính quyền
nào trong xã hội Việt Nam.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, các chính quyền đều có những chính sách khác nhau đối với người
Hoa đã và đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Những chính sách đó đều nhằm mục đích quản lý
người Hoa, khuyến khích họ hội nhập vào xã hội Việt Nam, cũng như tận dụng những ưu thế của họ
trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.
1.2 Quá trình hình thành cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai 1954 - 2005
1.2.1 Thời kỳ trước năm 1954
Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh năm 1697, thống trị toàn bộ đất Trung Hoa, thì nhiều cuộc di
tản lớn từ Trung Hoa đến những vùng lân cận đã xảy ra. Việc xin tỵ nạn chính trị của hai vị tướng nhà
Minh là Dương Ngạn Địch (Tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa) cùng phó tướng
Hoàng Tiến và Trần Thượng Xuyên (Tổng binh các quận Cao - Lôi – Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng
phó tướng Trần An Bình, không chịu hàng nhà Thanh mang 3.000 quân bản bộ là một trong những đợt
di tản đó. Những người này đa số là binh lính, thương nhân và một số quý tộc phong kiến thuộc các
nhóm Hải Nam, Triều Châu, Hẹ và Quảng Đông.
Khi đến Đồng Nai họ đã vỡ đất phá rừng, đào kênh, cất phố, lập chợ... Khi định cư, người Hoa
thường chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông), để tiện lợi
cho hoạt động thương mại và tập trung khai thác những vùng đất mới. Nhóm người Hoa do Trần
Thượng Xuyên dẫn đầu đã nhìn thấy Cù Lao phố có những điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh,
buôn bán và đã phát triển Cù Lao Phố thành một thương cảng lớn ở Nam Bộ. Khi định cư ở đất Đồng
Nai, người Hoa đã lấy vợ là con gái người Việt, con gái người Khơme (cư dân bản địa), sinh con và
xây dựng gia đình. Trong quá trình chung sống với cư dân người Việt và người bản địa, người Hoa vẫn
duy trì nền văn hóa của dân tộc mình, đồng thời phổ biến nền văn hóa đó. Sau khi tạm ổn định việc cư
trú và muốn phát triển vùng đất mới, một số thương nhân gốc Hoa từ Singapo, Mã Lai theo lời kêu gọi
của Trần Thượng Xuyên cũng đã đến Đồng Nai lập nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc định dư lâu dài của người Hoa và người Việt ở vùng đất
mới, năm 1698, chúa Nguyễn đã cho tổ chức lại xứ Đồng Nai – Gia Định. Chúa Nguyễn đã xác lập
được chủ quyền của mình ở đất Đồng Nai, đồng thời với việc xác lập chủ quyền đó thì chúa Nguyễn
cũng tổ chức và sắp xếp cho người Hoa tập trung tại xã Thanh Hà (清河), kéo dài từ Bàn Lân đến Bến
Gỗ, là xã đầu tiên được thành lập tại Đông phố, Trấn Biên dinh. Từ đó người Hoa trở thành công dân
Việt Nam với đầy đủ nhiệm vụ và quyền lợi. Sau khi ổn định cuộc sống, người Hoa đã cùng với người
Việt xây dựng Cù Lao Phố trở thành một thương cảng sầm uất một thời nhờ giao thương đuợc với
nước ngoài.
Những biến động chính trị lớn từ Trung Hoa thường là nguyên nhân của những đợt di tản lớn
của người Hoa đến các nước lân cận. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, nhiều nhóm người Hoa
thuộc các bang Hải Nam, Triều Châu, Quảng Đông đã di cư sang Việt Nam. Họ là những thương nhân,
thợ thủ công đến lập nghiệp tại Biên Hòa, Đồng Nai. Nhất là khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc
khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929), nhiều đợt di dân lớn từ Trung Hoa được Pháp cho nhập
cư vào Việt Nam để khai thác mỏ quặng tại miền Bắc và trồng cây công nghiệp tại Đồng Nai.
Khác với những đợt di dân trước, lớp người Hoa này phần lớn đến đất Đồng Nai mang theo đầy
đủ thân tộc, thành phần nữ giới cũng được tăng cường hơn so với trước. Và sau khi chính phủ Pháp và
chính quyền Tưởng Giới Thạch ký thỏa ước Trùng Khánh ngày 28/2/1948, dành cho Hoa kiều quy chế
tối huệ quốc, một số người Hoa đến Đồng Nai sinh sống và cư trú ở các địa bàn: Phước Thiền (huyện
Nhơn Trạch), Bến Gỗ (Long Thành), Bến Cá (Vĩnh Cửu), Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Về sau,
do ảnh hưởng điều kiện kinh tế, xã hội, nhóm người Hoa này sinh sống tập trung tại thành phố Biên
Hòa và một bộ phận ở Long Khánh.
Người Hoa ở Đồng Nai là một trong những cư dân cùng với người Việt và cư dân bản địa mở
mang, khai phá vùng đất ở buổi đầu hoang sơ. Và cùng với quá trình ấy cộng đồng người Hoa đã được
hình thành. Thời kỳ này đặt nền móng cho quá trình hình thành cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai.
1.2.2 Thời kỳ từ 1954 đến 1975
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, chiến tranh chấm dứt trên toàn Đông Dương,
đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Một làn sóng di cư mới của người Hoa đến các tỉnh Nam Bộ,
trong đó có Đồng Nai đã diễn ra một cách ồ ạt, trên một quy mô lớn. Nếu như ở thời kỳ trước nơi xuất
phát của làn sóng di cư là các tỉnh cưc Nam của Trung Quốc, thì điểm xuất phát của làn sóng di cư thời
kỳ này là các tỉnh giáp biên giới phía Bắc của nước ta, chủ yếu là tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng
Ninh).
Vào năm 1954, 1/3 dân số của tỉnh Hải Ninh, khoảng 30.000 người, đã di cư vào Nam, dưới sự
chỉ huy của Voòng A Sáng (tỉnh trưởng tỉnh Hải Ninh) cùng một số binh lính. Họ đã mang theo gia
quyến vào miền Nam, khi vào Nam họ đã tập kết ở khu vực sông Mao (huyện Bắc Bình – Bình
Thuận). Một đặc tính rất cơ bản của người Hoa khi chọn nơi sinh sống thường là những nơi có điều
kiện giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ. Trong khi đó, khu vực sông Mao (Bình Thuận) khí hậu
khắc nghiệt, đất ở đây thì nhiều cát, thiếu nước tưới tiêu không phù hợp với việc làm ruộng của người
Hoa khi di cư đến đây. Vì vậy mà khu vực sông Mao (Bình Thuận) không phải là lựa chọn dừng chân
trong quá trình di cư vào miền Nam Việt Nam của họ.
Vùng đất Đồng Nai, với những thành công của những lớp người Hoa đi trước đã thu hút số
người Hoa này. Khi đến đây, họ sống tập trung thành từng khu vực ở xã Bàu Hàm – Sông Thao (Thống
Nhất) trên 9.500 người, xã Phú Lộc trên 5.500 người, xã Cây Gáo 6.700 người. Tập trung đông nhất là
ở xã Phú Hoa (nay là 3 xã: Phú Vinh, Phú Lợi, Phú Tân) thuộc huyện Định Quán gần 29.000 người.
Ngoài ra, họ còn tập trung ở các phường: Tân Phong, Bình Đa (Biên Hòa); xã Bảo Bình, Xuân Bảo
(Cẩm Mỹ); thị trấn Xuân Lộc (Long Khánh).
Số cư dân người Hoa đến Đồng Nai trong giai đoạn này chiếm hơn 80% dân số người Hoa ở
Đồng Nai hiện nay. Đa số họ sống ở nông thôn, là những nông dân chuyên làm rẫy: trồng lúa, các loại
đậu, thuốc lá, cây ăn trái ngắn và dài ngày. Số cư dân người Hoa đến Đồng Nai giai đoạn này quyết
định cả số lượng và cơ cấu dân cư người Hoa ở Đồng Nai hiện nay [64].
Thời kỳ này đất Đồng Nai không chỉ tiếp nhận làn sóng di cư của người Hoa, mà còn có cả
người Việt với một số lượng khá đông đảo. Với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tiềm năng Đồng Nai trở
thành vùng đất đón nhận số lượng di dân lớn của mọi miền khi đến miền Nam.
Đây là quá trình người Hoa tiếp tục hội nhập vào xã hội Đồng Nai, cũng như Việt Nam. Tuy
nhiên thời kỳ này, miền Nam dưới sự cai trị của chính quyền Sài Gòn, quá trình hội nhập của người
Hoa có lúc bị gián đoạn do chính sách của chính quyền đối với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.
Nếu ở thời kỳ trước 1954 là thời kỳ định hình, đặt nền móng cho quá trình hình thành cộng
đồng người Hoa ở Đồng Nai, thì thời kỳ này (1954 – 1975) là đỉnh cao của quá trình đó, là thời kỳ
quyết định số lượng người Hoa hiện nay ở Đồng Nai.
1.2.3
Thời kỳ từ 1975 – 2005
Sau năm1975, người Hoa đến đất Đồng Nai chủ yếu là người Hoa từ các tỉnh phía Bắc Việt
Nam và các địa phương khác trong miền Nam.
Sự kiện năm 1979 (chiến tranh Việt – Trung), cả nước có 34 vạn người Hoa ra đi, người Hoa ở
Đồng Nai cũng có phần dao động. Người Hoa ở Đồng Nai chỉ còn 85.000 người, chiếm 9,1% tổng số
người Hoa tại Việt Nam. Một số bộ phận người Hoa trong cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai do dao
động, đã vượt biên giới trở về Trung Hoa. Số còn ở lại thì cũng lo lắng về số phận của mình, họ chỉ
làm nhà tạm bợ, sơ sài, ít đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm cho sản xuất thời kỳ này của người Hoa
không chỉ ở Đồng Nai mà khắp nơi trong cả nước đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Tại Đồng Nai, đến năm
1979, tổng số người Hoa ở Đồng Nai (địa bàn rộng hơn tỉnh Đồng Nai hiện nay) là 85.000 người,
chiếm 9,1% tổng số người Hoa ở Việt Nam [5, tr. 49].
Sau khi chỉ thị 62 và Nghị quyết 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời năm 1995, thì
người Hoa ở Việt Nam thật sự yên tâm và tin tưởng vào chính quyền. Người Hoa sinh sống ở Đồng
Nai cùng với người Hoa sinh sống ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam đều là công dân Việt Nam, với
đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.
Như vậy, người Hoa đến Đồng Nai vào ba thời kỳ chính, lịch sử di dân và định cư của người
Hoa suốt mấy thế kỷ qua gắn liền với sự hình thành và phát triển của đất Đồng Nai. Và dù ở thời kỳ
nào, họ đều được nhân dân Đồng Nai đón nhận và cùng chung lưng đấu cật xây dựng một Đồng Nai
giàu mạnh.
Buổi đầu đến đất Đồng Nai để tỵ nạn chính trị, họ không mang theo gia quyến nên đã lấy con
gái người Việt, người bản địa làm vợ, sinh con, và định cư lâu dài ở đây. Vả lại, đất Đồng Nai thuở đó
gần như “vô chủ”, cuộc sống của họ ở vùng đất mới này cũng có phần dễ dàng hơn. Trong quá trình
sống ở đất Đồng Nai, người Hoa đã cải tạo vùng đất “toàn là rừng rậm” trở thành một vùng đất màu
mỡ, sầm uất. Những lớp người Hoa sau này đến đất Đồng Nai cũng bởi đây là vùng đất dễ kiếm sống.
Những lớp người Hoa đầu tiên đã góp phần biến đất Đồng Nai thành vùng “đất hứa” cho những người
Hoa muốn an cư lập nghiệp tại Đồng Nai.
Những biến động lịch sử đã không thể cản bước của người Hoa đến với đất Đồng Nai giàu tiềm
năng và nhiều hứa hẹn. Ngay cả khi người Hoa trên khắp Việt Nam hoang mang tìm đến những vùng
đất mới, thì Đồng Nai vẫn là vùng đất thu hút người Hoa đến an cư lập nghiệp vì thành công của những
lớp người Hoa đi trước. Họ đã đến và định cư tại các xã Lang Minh (huyện Bảo Lộc), xã Bảo Bình
(huyện Cẩm Mỹ). Những cư dân này đến đất Đồng Nai theo thể tự do. Từ 1990 – 2000, số người Hoa
ở các tỉnh phía Bắc vào Đồng Nai là 3.331 hộ, với 17.647 khẩu [67].
Dù đến Đồng Nai ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dưới bất kỳ chính quyền nào, người Hoa đều
được nhân dân Đồng Nai đón nhận, sát cánh, xây dựng một Đồng Nai giàu mạnh, bền vững.
1.3 Dân số, dân cư trong cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai (1954 – 2005)
1.3.1 Dân số
Số người Hoa ở Đồng Nai thời kỳ trước 1954: hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về số người
Hoa ở Đồng Nai giai đoạn này. Tuy nhiên, khởi đầu nhóm người Hoa đến cùng Trần Thượng Xuyên và
Dương Ngạn Địch là khoảng 3.000 người, một số vào đất Biên Hòa, Gia Định lập nghiệp, số còn lại
theo nhóm Dương Ngạn Địch định cư ở Định Tường (Mỹ Tho và Tiền Giang).
Số người Hoa ở Đồng Nai thời kỳ 1954 – 1975: Theo số liệu của Địa phương chí tỉnh Biên Hòa
(1956) thì tổng số người Hoa ở đây là 7.147 người, chiếm tỷ lệ 2,4% (dân số toàn tỉnh Biên Hòa lúc ấy
là 298.653 người).
Nếu so sánh với thời kỳ trước 1954 thì tỷ lệ tăng tự nhiên của người Hoa giai đoạn này là không
đáng kể, góp phần vào sự gia tăng dân số người Hoa ở Đồng Nai thời kỳ này là sự kiện năm 1954,
nhóm người Hoa từ Hải Ninh đến Đồng Nai để sinh cơ, lập nghiệp.
Bảng 1.2: Diễn biến dân số tộc người Hoa ở Đồng Nai 1980 - 2005
Năm
Số người Hoa
Dân số toàn tỉnh
Tỷ lệ
1980
71.225
1.082.894
6,58%
1985
87.883
1.333.696
6,59%
1990
88.087
1.638.840
5,37%
1995
98.600
1.843.702
5,35%
1999
102.444
1.990.678
5,15%
2000
104.949
2.042.166
5,14%
2005
116.412
2.218.900
5,25%
(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Đồng Nai)
Qua phân tích, so sánh số lượng người Hoa ở từng thời kỳ ta thấy, tỷ lệ tăng dân số của người
Hoa chủ yếu là qua các đợt di dân (tăng cơ học), tỷ lệ tăng tự nhiên là không đáng kể. Số người Hoa
năm 1980 có giảm so với 1979 là do sự kiện “nạn kiều”. Nhưng từ những năm 1990 trở đi, số di dân
người Hoa đến Đồng Nai không đáng kể, đa số di dân đến Đồng Nai từ 1990 trở đi ở Đồng Nai là
người Việt, đến Đồng Nai tập trung ở những khu công nghiệp lớn, vì vậy mà tổng số dân toàn tỉnh tăng
lên. Nên từ những năm 90 trở đi, tỷ lệ số dân người Hoa so với số dân toàn tỉnh có chiều hướng giảm
đi rõ rệt. Ở Đồng Nai, huyện Trảng Bom là huyện có tỷ lệ tăng tự nhiên của người Hoa là đáng kể, từ
năm 2001 có 19.998 người thì đến 2005 đã tăng lên 22.354 người.
1.3.2 Dân cư
Người Hoa đến Đồng Nai gồm nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, từ tầng lớp giàu có đến công
nhân làm thuê. Thành phần của di dân người Hoa đến Đồng Nai cũng khá phức tạp. Ở buổi đầu họ vốn
là quan lại và binh lính không chịu thần phục nhà Thanh, họ thà đến lập nghiệp nơi đất khách quê
người chứ không chịu cộng tác với nhà Thanh đương triều. Họ đến đất Đồng Nai mà trong lòng vẫn
canh cánh một lòng “phản Thanh phục Minh”, nhưng họ vẫn cần phải xây dựng đất Đồng Nai trở thành
vùng “đất hứa” cho những người Hoa có cùng tư tưởng và niềm hy vọng như họ.
Ngoài thành phần kể trên, lớp người Hoa đến Đồng Nai ở những thời kỳ sau này đa số là nông
dân, thợ thủ công và thương nhân, họ là dân lao động, tìm đến đất Đồng Nai với mong ước có một
cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người Hoa có mặt ở hầu hết các đơn vị phường, xã, thị trấn của các huyện, thành phố thuộc địa
bàn Đồng Nai. Tại các huyện, số người Hoa cư trú phần lớn là cộng đồng người Hoa đến từ sau 1954.
Còn số người Hoa ở Biên Hòa đa số đến Đồng Nai trước 1954. Số lượng người Hoa được phân bố ở
thành phố, và các huyện như sau:
Bảng 1.3: Phân bố dân cư tộc người Hoa ở tỉnh Đồng Nai
STT Đơn vị
Số người Hoa
Dân
số
toàn Tỷ lệ %
TP/huyện
1
Định Quán
34.221
217.282
15,75%
2
Trảng Bom
22.354
192.410
11,62%
3
Cẩm Mỹ
17.410
153.912
11,31%
4
TX.Long Khánh
9.979
141.210
7,07%
5
Biên Hòa
7.876
541.495
14,55%
6
Tân Phú
7.417
166.462
4,46%
7
Xuân Lộc
6.670
213.483
3,12%
8
Long Thành
6.038
209.605
2,88%
9
Vĩnh Cửu
1.868
108.467
1,72%
10
Thống Nhất
1.795
153.299
1,17%
11
Nhơn Trạch
784
121.267
0,65%
TỔNG CỘNG
116.412
2.218.892
5,25%
(Nguồn: Ban Dân vận tỉnh Đồng Nai, 2005 )
Những số liệu trên đây cho thấy, người Hoa mặc dù đến vùng Cù Lao Phố nay thuộc thành phố
Biên Hòa đầu tiên, nhưng số lượng người Hoa ở đây không phải là đông nhất tỉnh Đồng Nai. Ở Đồng
Nai, huyện Định Quán có số người Hoa đông nhất tỉnh, ít nhất là huyện Nhơn Trạch. Trên toàn tỉnh có
hai xã không có người Hoa cư trú là: xã Gia Tân I (huyện Thống Nhất), và xã Bình Hòa (huyện Vĩnh
Cửu).
Tại huyện Định Quán có 14/14 xã, thị trấn của huyện đều có người Hoa sinh sống, nhưng
91,9% tổng số người Hoa của toàn huyện lại nằm trong 3 xã: Phú Lợi, Phú Vinh, Phú Tân (trước năm
1975 là xã Phú Hoa).
Tại huyện Trảng Bom, đây là huyện có số người Hoa đông thứ hai, sau huyện Định Quán. Các
xã có số người Hoa tập trung sinh sống là: xã Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo, Thanh Bình, Sông Trầu.
Tại huyện Cẩm Mỹ, huyện có số người Hoa đông thứ ba ở tỉnh Đồng Nai, cư dân người Hoa
sống tập trung tại các xã: bảo Bình, Xuân Bảo, Xuân Tây. Tổng số người Hoa của 3 xã này lên tới
13.588 người, chiếm 78% tổng số người Hoa trên địa bàn huyện.
Tỉnh Đồng Nai có 4 xã có số người Hoa chiếm trên 50% dân số đó là các xã: Sông Thao
(53,4%), Bàu Hàm (66,22%), Phú Vinh (64,38%), Phú Lợi (81,59%).
Ở mỗi huyện, tùy theo tình hình kinh tế - chính trị mà số người Hoa cũng thường xuyên biến
động. Huyện Định Quán từ năm 2000 đến 2005 có 2.241 người Hoa chuyển đến các tỉnh như Lâm
Đồng, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.
Cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai tập trung đông ở nông thôn, sống bằng nghề làm rẫy là chủ
yếu, còn người Hoa ở Biên Hòa chuyên về dịch vụ.
Cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai phân bố không đều, có nơi không có người Hoa nào cư trú,
ngược lại, có nơi lại có sự tập trung cư dân nhiều.
Người Hoa ở Đồng Nai phân bố theo điều kiện kinh tế - xã hội. “Các lớp người Hoa vùng
Quảng Đông, Phúc Kiến, nhập cư, giỏi nghề buôn bán, sinh sống tại các thị tứ; người Triều Châu,
người Hẹ có truyền thống nghề rẫy khai thác các vùng trung du ở Định Quán, Tân Phú, Xuân
Lộc….”[20, tr.34].
Đa số người Hoa ở Đồng Nai theo đạo Phật, số còn lại theo Công giáo, Cao đài, Tin lành được
phân bố ở các TP, huyện như sau:
Bảng 1.4: Dân cư theo tôn giáo của tộc người Hoa ở Đồng Nai.
STT
Đơn vị
Số khẩu
Tôn giáo
Công giáo
Cao đài
Tin lành
1
Định Quán
34.221
0
0
102
2
Trảng Bom
22.354
0
0
0
3
Cẩm Mỹ
17.410
34
0
0
4
TX.Long Khánh
9.979
0
0
0
5
Biên Hòa
7.876
47
0
102
6
Tân Phú
7.417
51
04
05
7
Xuân Lộc
6.670
02
0
0
8
Long Thành
6.038
68
0
0
9
Vĩnh Cửu
1.868
0
0
0
10
Thống Nhất
1.795
52
0
01
11
Nhơn Trạch
784
03
0
0
116.412
257
04
320
TỔNG CỘNG
(Nguồn: Ban dân vận tỉnh Đồng Nai, 30/06/2005)
Người Hoa ở Đồng Nai thuộc dạng dân số trẻ. Tỷ lệ lao động trong cộng đồng người Hoa ở
Đồng Nai:
Bảng 1.5: Tỷ lệ lao động trong cộng đồng tộc người Hoa ở Đồng Nai phân theo đơn vị hành
chính.
STT Đơn vị
Số người Hoa
Số người trong độ tuổi Tỷ lệ %
lao động
1
Định Quán
34.221
17.795
52%
2
Trảng Bom
22.354
10.800
48,31%
3
Cẩm Mỹ
17.410
7.462
42,86%
4
Long Khánh
9.979
5.795
58,07%
5
Biên Hòa
7.876
3.859
49%
6
Tân Phú
7.417
3.177
42,83%
7
Xuân Lộc
6.670
4.033
60,46%
8
Long Thành
6.038
3.009
49,83%
9
Vĩnh cửu
1.868
975
52,19%
10
Thống Nhất
1.795
758
42,23%
11
Nhơn Trạch
784
288
36,73%
116.412
57.951
49,78%
TỔNG CỘNG
(Nguồn: Ban dân vận tỉnh Đồng Nai, 30/06/2005)
Qua bảng số liệu ta thấy, tỷ lệ người Hoa trong độ tuổi lao động là trung bình, không cao, dân
số người Hoa ở Đồng Nai thuộc dạng dân số trẻ. Tuy nhiên, giữa các đơn vị hành chính có sự khác
biệt. Nếu như ở các huyện Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Tân Phú có tỷ lệ lao động trong dân số thấp, thì các
huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Vĩnh Cửu lại khá cao.