Tải bản đầy đủ (.pdf) (209 trang)

Luận án tiến sĩ Xã hội học: Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở: nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nam Định

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.88 MB, 209 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
-------------------

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG

SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ TRONG HỆ THỐNG
CHÍNH TRỊ CẤP CƠ SỞ: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP
TẠI TỈNH NAM ĐỊNH
Chuyên ngành: Xã hội học
Mã số: 9 31 03 01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ XÃ HỘI HỌC

Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS.VŨ MẠNH LỢI

Hà Nội, 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ “Sự tham gia của phụ nữ trong hệ
thống chính trị cấp cơ sở: nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nam Định” là
công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và tài liệu trong luận án là trung
thực và chưa được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào. Tất cả những
tham khảo và kế thừa đều được trích dẫn và tham chiếu đầy đủ.

Nghiên cứu sinh

Nguyễn Thị Phương




LỜI CẢM ƠN
Ba năm học nghiên cứu sinh đã hoàn thành, trong suốt ba năm vừa qua
bên cạnh việc tiếp thu được nhiều kiến thức khoa học, tôi còn nhận được nhiều
tình cảm, sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của các thầy cô, người thân và bạn bè.
Để hoàn thành chương trình học và luận án của mình, tôi xin gửi lời biết ơn sâu
sắc của mình tới:
PGS.TS.Vũ Mạnh Lợi, người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ về kiến thức
khoa học uyên thâm, tôi đã học hỏi được ở thầy nhiều kiến thức, kinh nghiệm
quý giá, đặc biệt là thái độ nghiêm túc trong khoa học. Nhìn lại tất cả những gì
thầy đã dành cho tôi, hai chữ “Cảm ơn” là chưa đủ, tôi chỉ biết mượn một câu
ngạn ngữ để nói rằng “Gặp được thầy tốt, phúc lành một đời”;
GS.TS. Tong Xin, Trường Đại học Bắc Kinh đã có nhiều chia sẻ và giúp đỡ trong
quá trình tôi nghiên cứu và hoàn thiện Luận án tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc;
Khoa Xã hội học và các phòng ban thuộc Học viện Khoa học xã hội Việt
Nam đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập và thực
hiện luận án;
Hội LHPN tỉnh Nam Định, Hội LHPN các huyện Hải Hậu, Xuân Trường
và thành phố Nam Định, cán bộ, lãnh đạo tại 9 xã, phường, thị trấn mà Luận án
tiến hành khảo sát … đã giúp đỡ tận tình trong quá trình tôi khảo sát thực địa tại
địa phương;
Lãnh đạo Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và các đồng nghiệp đã luôn
khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ trong quá
trình tôi học tập và thực hiện luận án;
Bạn bè và các nhà khoa học mà tôi đã có cơ hội được cộng tác, làm việc
đã giúp tôi học hỏi thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để tôi có thể hoàn
thành luận án của mình;



Những người thân yêu trong gia đình đã dành cho tôi sự ủng hộ thầm lặng
nhưng vô cùng to lớn trong mọi lĩnh vực để tôi có thể yên tâm theo đuổi con
đường học vấn đã lựa chọn.
Ba năm chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời mỗi con người,
nhưng với tôi, ba năm qua chính là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, một lựa
chọn mới – không ngừng nâng cao năng lực, kiến thức của bản thân, gắn bó với
khoa học và cống hiến hết mình cho khoa học.
Cuối cùng, tôi xin nguyện chúc cho tất cả các thầy cô, bạn bè, những
người thân yêu của tôi luôn có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn, sức khỏe
dồi dào.
Hà Nội, 15 tháng 3 năm 2018


MỤC LỤC

Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các sơ đồ
Danh mục các bảng
Danh mục các biểu đồ
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ........................... 9
1.1. Nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ ở nước ngoài .......................9
1.2. Nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam........................22
1.3. Đóng góp của các công trình nghiên cứu đã được thực hiện .........................42
1.4. Những khoảng trống trong nghiên cứu về phụ nữ tham gia chính trị ...........43
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI............... 47

2.1. Một số vấn đề lý luận trong nghiên cứu sự tham gia chính trị của phụ nữ ...47
2.2. Một số lý thuyết và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu sự tham gia
chính trị của phụ nữ .................................................................................................58
2.3. Cơ sở thực tiễn của đề tài .................................................................................68
2.4. Khung phân tích của Luận án ..........................................................................81
CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ TRONG HỆ
THỐNG CHÍNH TRỊ CẤP CƠ SỞ TỈNH NAM ĐỊNH ............................. 83
3.1. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu ....................................................................83
3.2. Thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở ........90
3.3. Vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề của hệ thống chính trị cấp
cơ sở............................................................................................................... 100


CHƯƠNG 4. MỘT SỐ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ THAM GIA
CỦA PHỤ NỮ TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CẤP CƠ SỞ TỈNH
NAM ĐỊNH ............................................................................................... 105
4.1. Yếu tố thể chế ................................................................................................ 105
4.2. Yếu tố môi trường làm việc .......................................................................... 108
4.3. Quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ ............................................ 114
4.4. Ảnh hưởng của gia đình ................................................................................ 122
4.5. Các nhân tố từ bản thân phụ nữ .................................................................... 126
4.6. Đánh giá mức độ hưởng của một số nhân tố tới sự tham gia của phụ nữ trong
hệ thống chính trị cấp cơ sở.................................................................................. 137
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ................................................... 144
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ......... 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................... 153
PHỤ LỤC .................................................................................................. 168


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT


Từ viết tắt

Từ gốc

BCH

Ban chấp hành

BĐG

Bình đẳng giới

BTV

Ban thường vụ

CB

Cán bộ

ĐCS

Đảng Cộng sản

GAD

Giới và phát triển

HĐND


Hội đồng nhân dân

HĐKCT

Hoạt động không chuyên trách

HTCTCCS

Hệ thống chính trị cấp cơ sở

ICCPR

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

LHPN

Liên hiệp phụ nữ

LHQ

Liên hiệp quốc

QH

Quốc hội

TP

Thành phố




Trung ương

UBND

Ủy ban nhân dân

UBQGVSTBPN

Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ


DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ
Sơ đồ 1: HTCTCCS ở Việt Nam .......................................................................... 50
Sơ đồ 2: Khung phân tích của Luận án ................................................................ 81


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1. Tỷ lệ nữ tham gia cấp Ủy cấp huyện, thành phố và cấp cơ sở (%)............ 87
Bảng 3.2. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp huyện, thành phố và cấp cơ sở (%) ........... 88
Bảng 3.3. Tỷ lệ nữ tham gia chính quyền cấp huyện, thành phố và cấp cơ sở (%)........... 90
Bảng 3.4. Tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở (%) .................................. 92
Bảng 3.5. Vị trí công tác hiện nay của người được hỏi (%) ................................ 93
Bảng 3.6. Thực trạng tham gia vào các lĩnh vực công việc ở địa phương (%) .......... 95
Bảng 3.7. Mức độ phù hợp của cá nhân đối với các lĩnh vực công việc (%)............. 98
Bảng 3.8. Đánh giá về việc phân công công việc hiện nay (%) ........................ 100
Bảng 3.9. So sánh “Làm chính” và “Đóng góp chính” của nam giới ................ 102
Bảng 4.1. Mức độ đồng ý của người được hỏi và của người dân địa phương đối

với một số quan niệm định kiến giới (%)........................................................... 115
Bảng 4.2. Quan niệm về vị trí công tác phù hợp với phụ nữ và nam giới (%) ........ 118
Bảng 4.3. Quan điểm về việc phân công các lĩnh vực công việc phù hợp cho nam
giới và phụ nữ tại địa phương (%) ..................................................................... 120
Bảng 4.4. Ưu thế về phẩm chất của phụ nữ và nam giới trong HTCTCCS (%).... 134
Bảng 4.5. Những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tham gia của phụ nữ
trong HTCTCCS – tương quan theo giới tính và ............................................... 139
Bảng 4.6. So sánh mức chênh lệch tỷ lệ giữa nam giới và phụ nữ về mức độ quan trọng
của một số nhân tố tới khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của phụ nữ (%) ............... 141
Bảng 4.7. So sánh mức chênh lệch tỷ lệ giữa nông thôn và thành thị về mức độ
quan trọng của một số nhân tố tới khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của phụ nữ
(%) ...................................................................................................................... 142


DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 3.1. Tỷ lệ được phân công làm các công việc vặt, tạp vụ....................... 96
Biểu đồ 4.1. Mức độ nắm bắt thông tin về ban hành các văn bản liên quan đến
công tác bình đẳng giới hoặc công tác cán bộ nữ .............................................. 107
Biểu đồ 4.2. Thuận lợi trong quá trình công tác tại HTCTCCS ........................ 110
Biểu đồ 4.3. Đánh giá về năng lực công tác của phụ nữ .................................... 112
Biểu đồ 4.4. Một số yếu tố liên quan tới gia đình tác động đến phụ nữ và nam
giới...................................................................................................................... 124
Biểu đồ 4.5. Trình độ học vấn của những người được hỏi................................. 127
Biểu đồ 4.6. Trình độ lý luận chính trị của những người được hỏi.................... 128
Biểu đồ 4.7. Đánh giá về năng lực của phụ nữ và nam giới là CB, công chức,
người HĐKCT trong HTCTCCS ....................................................................... 130
Biểu đồ 4.8. Đánh giá về năng lực của phụ nữ và nam giới là đại biểu HĐND
trong HTCTCCS ................................................................................................ 131
Biểu đồ 4.9. Trở ngại đối với sự thăng tiến của phụ nữ ..................................... 136
Biểu đồ 4.10. Một số nhân tố có ảnh hưởng quan trọng tới khả năng hoàn thành

tốt nhiệm vụ của phụ nữ ..................................................................................... 140


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong lịch sử hơn 4000 năm của Việt Nam, phụ nữ luôn chứng tỏ được
vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phụ
nữ có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong bất kì lĩnh vực
nào, ở bất kì giai đoạn lịch sử nào phụ nữ cũng luôn lao động, chiến đấu hết
mình, sát cánh cùng nam giới trong sản xuất vật chất, gìn giữ, phát huy văn hóa
truyền thống của dân tộc, giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng
của các tư tưởng thống trị phong kiến, do ảnh hưởng của hệ tư tưởng đạo đức
Nho giáo, địa vị phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội luôn bị hạn chế. Phụ nữ
luôn bị coi là những người phụ thuộc vào nam giới, cho dù nhiều khi trong gia
đình họ là người lao động chính, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đời
sống kinh tế, vật chất của cả gia đình, nhưng họ thường không có quyền quyết
định các công việc lớn. Các công việc chăm sóc gia đình, chồng con, đảm bảo
cuộc sống ổn định cho gia đình được xem như là thiên chức của phụ nữ. Ở chế
độ phong kiến phụ nữ rất ít khi được tham gia vào các hoạt động cộng đồng,
thậm chí một số phụ nữ có ý chí và tài năng, đã phải giả trai để tự tạo ra cơ hội
được đóng góp năng lực của mình cho đất nước.
Kể từ năm 1930, Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam được thành lập, sự
nghiệp giải phóng phụ nữ bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam, phụ nữ có cơ hội
được tham gia vào các hoạt động cộng đồng và tham gia vào đời sống chính trị của
đất nước. Kể từ đó đến nay, trong các cơ quan của Đảng, trong Quốc hội (QH), các
cơ quan dân cử địa phương, các cơ quan Quản lý nhà nước ở Trung ương (TƯ) và
địa phương… đều có sự góp mặt của phụ nữ. Nhận thức được vai trò to lớn của phụ
nữ, ĐCS Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, đường
lối, chính sách, luật pháp nhằm đảm bảo quyền bình đẳng và phát triển cho phụ nữ
trên mọi lĩnh vực, đồng thời nhằm huy động sự tham gia, đóng góp và những tiềm


1


năng to lớn của phụ nữ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Về cơ bản
Việt Nam là một nước có hệ thống cơ sở pháp lý về đảm bảo bình đẳng giới (BĐG)
khá toàn diện.
Trong vài thập kỷ gần đây, địa vị phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội đã được nâng lên khá nhiều, đặc biệt là địa vị chính trị. Tuy vậy, trên
thực tế, tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, tham gia các cơ quan dân cử ở
TƯ và địa phương, tham gia các cơ quan quản lý nhà nước các cấp còn thấp, đặc
biệt tỷ lệ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan này đều rất thấp,
chưa tương xứng với những đóng góp, cống hiến của họ cho xã hội và do đó
chưa phát huy hết được năng lực, tiềm năng to lớn của lực lượng lao động nữ.
Nam Định là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, có trình độ kinh tế,
xã hội tương đối phát triển, trình độ dân trí cao, cách thủ đô Hà Nội – trung tâm
chính trị của cả nước không xa. Tuy nhiên các số liệu cho thấy, mặc dù tỷ lệ cán
bộ (CB) nữ ở các cấp trên phạm vi toàn quốc thấp, nhưng tỷ lệ CB nữ các cấp
của tỉnh Nam Định còn thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Trong những năm qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các cơ quan,
tổ chức và của các nhà nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ, nhưng
còn rất ít các nghiên cứu đi sâu nghiên cứu sự tham gia của phụ nữ trong hệ
thống chính trị cấp cơ sở (HTCTCCS) – cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị ở
Việt Nam hiện nay. Với mong muốn cung cấp thêm các dữ liệu khoa học và thực
tiễn để giúp các nhà quản lý và các nhà khoa học có thêm được cái nhìn toàn
diện về thực trạng phụ nữ tham gia chính trị trong HTCTCCS, từ đó góp phần
làm rõ hơn bức tranh tổng thể về sự tham gia chính trị của phụ nữ nói chung,
nghiên cứu sinh đã chọn đề tài “Sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS:
nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nam Định” để làm Luận án tiến sĩ của mình.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh cũng kỳ vọng các kết quả thu được từ quá trình

nghiên cứu sẽ giúp khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ

2


nữ trong HTCTCCS, thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị của tỉnh Nam Định
nói riêng và của Việt Nam nói chung.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn Luận án phân tích thực
trạng và ảnh hưởng của một số nhân tố đến sự tham gia của phụ nữ vào
HTCTCCS trường hợp tỉnh Nam Định, qua đó đề xuất một số giải pháp tăng
cường sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS, thúc đẩy BĐG tại tỉnh Nam
Định nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
(1) Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài;
(2) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
(3) Phân tích thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS tỉnh Nam Định;
(4) Phân tích ảnh hưởng của một số nhân tố tới sự tham gia của phụ nữ trong
HTCTCCS tỉnh Nam Định;
(5) Khuyến nghị một số giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong
HTCTCCS, thúc đẩy BĐG tại tỉnh Nam Định nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
2.3. Câu hỏi nghiên cứu
(1) Thực trạng phụ nữ tham gia trong HTCTCCS tại tỉnh Nam Định hiện
nay như thế nào?
(2) Những nhân tố xã hội nào tác động đến sự tham gia của phụ nữ trong
HTCTCCS tại tỉnh Nam Định?
(3) Cần có giải pháp gì để tăng cường và nâng cao hiệu quả sự tham gia
của phụ nữ trong HTCTCCS?
2.4 Giả thuyết nghiên cứu

(1) Tỷ lệ nữ trong HTCTCCS nói chung và tỷ lệ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ
chốt trong HTCTCCS ở Nam Định hiện nay thấp, khi tham gia công tác trong

3


HTCTCCS phụ nữ thường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và thường được giao
đảm nhận các lĩnh vực công việc gắn liền với định kiến giới về vai trò của phụ nữ.
(2) Phụ nữ có những ưu thế riêng về trình độ, năng lực và phẩm chất trong việc
thực hiện nhiệm vụ và công tác tại HTCTCCS. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc
góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và ổn định HTCTCCS ở địa phương.
(3) Thể chế, môi trường công tác, quan niệm về vai trò của phụ nữ, gia
đình và các đặc điểm cá nhân là những yếu tố có thể góp phần khuyến khích,
thúc đẩy hoặc gây cản trở tới việc thực hiện nhiệm vụ, quá trình thăng tiến của
phụ nữ trong HTCTCCS.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là “thực trạng và những nhân tố tác
động đến sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS”.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Luận án đi sâu phân tích thực trạng và những nhân tố ảnh hưởng đến sự tham
gia của phụ nữ trong HTCTCCS tại tỉnh Nam Định trong nhiệm kỳ 2016-2021.
- Luận án được tiến hành từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2017, trong đó thời
gian thu thập thông tin sơ cấp được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 tiến hành
phỏng vấn phiếu được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2016; giai đoạn 2
tiến hành phỏng vấn sâu, được thực hiện trong tháng 7 năm 2017.
3.3. Khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu của luận án bao gồm: Nam giới và phụ nữ là CB,
công chức, người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT), đại biểu Hội đồng
nhân dân (HĐND) trong HTCTCCS;

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Luận án dựa trên ba nguyên tắc cơ bản trong phương pháp luận nhận thức của
chủ nghĩa Mác – Lê nin, bao gồm: Thứ nhất, đó là nguyên tắc đảm bảo tính khách

4


quan, nghiên cứu sự vật, hiện tượng như bản thân chúng đang tồn tại, không phán
đoán chủ quan mà các kết luận phải dựa trên những chứng cứ khoa học tin cậy. Thứ
hai, đó là nguyên tắc nghiên cứu sự vật, hiện tượng trong sự phát triển. Mỗi sự vật,
hiện tượng trong xã hội và tự nhiên đều có quá trình nảy sinh, vận động và phát triển
từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ hiện tượng đến bản chất. Nguyên tắc
này đòi hỏi phải nghiên cứu sự vật, hiện tượng trong một hệ thống, đặt sự vật, hiện
tượng trong môi trường với những mối liên hệ của nó. Thứ ba, trong mối quan hệ
giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; thực
tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; thực tiễn kiểm chứng nhận thức.
Ngoài ra, các nội dung nghiên cứu của Luận án còn được triển khai trên
cơ sở vận dụng các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác
CB nữ; vận dụng quan điểm của lý thuyết nữ quyền Mác xít, lý thuyết vị thế vai xã hội và phương pháp tiếp cận Giới và phát triển (GAD)... để triển khai các
nội dung nghiên cứu.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để có được các dữ liệu khoa học và thực tiễn, góp phần trả lời cho câu hỏi
nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đã được đặt ra, Luận án đã sử
dụng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, thông qua
các phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật thu thập thông tin và phân tích thông cụ
thể bao gồm: phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp thu thập dữ liệu thứ
cấp theo biểu mẫu thống kê; phương pháp phỏng vấn bằng bảng hỏi; phương
pháp phỏng vấn sâu.
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tác giả đã tiến hành thu thập và

nghiên cứu, phân tích thông tin từ các tài liệu có sẵn bao gồm: các văn bản của
Đảng, Nhà nước, của tỉnh Nam Định về công tác CB nữ; các tài liệu viết về một
số lý thuyết xã hội học, phương pháp tiếp cận GAD...; các báo cáo và số liệu
thống kê về tình hình công tác CB nữ trong phạm vi toàn quốc và của tỉnh Nam
Định; các công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học của các tác giả trong và

5


ngoài nước về vấn đề phụ nữ tham gia chính trị... Tác giả đã sử dụng phương
pháp tổng hợp và so sánh để xử lý và phân tích các thông tin có được từ nguồn
tài liệu này.
- Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp theo biểu mẫu thống kê: Ba biểu
mẫu thống kê số liệu đã được thiết kế và gửi cho các địa phương được khảo sát
(bao gồm một biểu mẫu dành cho cấp tỉnh; một biểu mẫu dành cho cấp huyện,
thành phố (TP); một biểu mẫu dành cho cấp xã, phường, thị trấn) nhằm thu thập
các thông tin cụ thể về: số lượng, tỷ lệ CB nữ cấp cơ sở (tham gia cấp ủy, tham
gia HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND); tỷ lệ CB nữ giữ các chức danh cụ thể);
trình độ, độ tuổi... của đội ngũ CB nữ trong HTCTCCS.
- Phương pháp phỏng vấn bảng hỏi: được sử dụng để phỏng vấn các đối tượng
là CB, công chức, người HĐKCT và đại biểu HĐND trong HTCTCCS nhằm thu thập
các thông tin định lượng về: (1) thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS;
(2) phân tích ảnh hưởng của một số nhân tố đến sự tham gia của CB nữ trong
HTCTCCS; (3) những điều kiện và giải pháp cần thiết góp phần tăng cường hiệu quả
sự tham gia của đội ngũ CB nữ trong HTCTCCS tại tỉnh Nam Định... Các kết quả
khảo sát định lượng được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS Version 22.0 dành cho
các nghiên cứu khoa học xã hội để đảm bảo được tính khách quan, khoa học.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Phương pháp phỏng vấn sâu được sử dụng
đối với: CB, công chức, người HĐKCT, đại biểu HĐND trong HTCTCCS để thu
thập những thông tin định tính nhằm lý giải cho các số liệu, những thông tin đã

thu được từ quá trình phân tích tài liệu và từ các thông tin định lượng. Phương
pháp phỏng vấn sâu được thực hiện sau khi có kết quả xử lý và phân tích số liệu
định lượng một cách sơ bộ.
4.3. Phương pháp chọn mẫu và cỡ mẫu nghiên cứu
- Luận án đã tiến hành thu thập thông tin sơ cấp tại 3 huyện, TP, đại diện
cho 3 vùng của tỉnh Nam Định, việc chọn danh sách các huyện, TP được thực
hiện ngẫu nhiên bằng phương pháp bốc thăm:

6


+ Vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ: TP Nam Định
+ Vùng đồng bằng ven biển: huyện Hải Hậu
+ Vùng đồng bằng thấp trũng: huyện Trực Ninh
- Luận án đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 9 xã, phường, thị trấn. Để đảm
bảo tính đại diện giữa các vùng nông thôn và thành thị, tại TP Nam Định, nhóm
nghiên cứu đã lựa chọn 2 phường và 1 xã, tại huyện Hải Hậu và huyện Trực
Ninh nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 1 thị trấn và 2 xã/1 huyện để tiến hành khảo
sát. Như vậy, luận án đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 5 xã và 4 phường, thị
trấn. Việc chọn các xã, phường, thị trấn để khảo sát được chọn ngẫu nhiên dựa
trên cơ sở danh sách các xã, phường, thị trấn do các địa phương cung cấp.
Danh sách các xã, phường, thị trấn được khảo sát cụ thể như sau:
+ TP Nam Định: phường Trường Thi, phường Quang Trung, xã Mỹ Xá;
+ Huyện Hải Hậu: xã Hải Long, xã Hải Phong, thị trấn Thịnh Long;
+ Huyện Trực Ninh: xã Trung Đông, xã Trực Chính, thị trấn Cổ Lễ.
- Mẫu tham gia phỏng vấn bảng hỏi là toàn bộ CB, công chức, người
HĐKCT, đại biểu HĐND tại 9 xã, phường, thị trấn được khảo sát. Tổng số mẫu
tham gia trả lời phỏng vấn bằng bảng hỏi là 360 người.
- Mẫu tham gia phỏng vấn sâu: tại mỗi xã, phường, thị trấn phỏng vấn 2
người, trong đó có 1 nam giới và 1 phụ nữ. Tổng số 2 người/xã x 9 xã = 18 người.

5. Đóng góp mới của luận án
- Luận án đã phân tích và chỉ ra ba khía cạnh ý nghĩa quan trọng đối với
sự phát triển của xã hội khi phụ nữ tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị.
- Luận án đã tập trung phân tích sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS
tại một địa phương cụ thể - tỉnh Nam Định, góp phần cung cấp cái nhìn chi tiết,
nhiều chiều cạnh hơn cho bức tranh chung về sự tham gia chính trị của phụ nữ
Việt Nam nói chung.

7


6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Luận án đã vận dụng quan điểm của lý thuyết nữ quyền Mác xít, lý
thuyết vị thế - vai xã hội và phương pháp tiếp cận Giới và phát triển (GAD) để
làm rõ cơ sở lý luận về sự tham gia của phụ nữ trong HTCTCCS;
- Luận án đã góp phần làm rõ vai trò của phụ nữ trong HTCTCCS;
- Luận án đã tiến hành phân tích về sự tham gia trong HTCTCCS của phụ
nữ, luận giải những nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của phụ nữ trong
HTCTCCS.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án góp phần cung cấp các luận chứng khoa học và thực tiễn để
đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong
HTCTCCS, thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị tại tỉnh Nam Định nói
riêng và ở Việt Nam nói chung.
7. Kết cấu của Luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và đề xuất giải pháp, nội dung của Luận án
bao gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài

Chương 3. Thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị cấp
cơ sở tỉnh Nam Định
Chương 4. Một số nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ trong hệ
thống chính trị cấp cơ sở tỉnh Nam Định.

8


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ ở nước ngoài
Rất nhiều nước ở tất cả các châu lục khác nhau trên thế giới đã quan tâm đến
sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trị. Sự quan tâm này được thể hiện ở
hai khía cạnh: (i) Chính phủ và các Đảng phái ở các nước đã ban hành các quy định
cụ thể nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị, (ii) các nhà
nghiên cứu và các cơ quan, tổ chức khác nhau đã tiến hành nhiều nghiên cứu có liên
quan đến vấn đề này. Trong quá trình tổng quan tài liệu, chúng tôi tạm thời phân
các nghiên cứu của các nhà khoa học và các tổ chức, cơ quan nghiên cứu của nước
ngoài về vấn đề phụ nữ tham gia chính trị theo một số nội dung sau:
- Thực trạng sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị của một số nước;
- Chính sách của các chính phủ trong việc thúc đẩy sự tham gia chính trị
của phụ nữ;
- Những khó khăn và các nhân tố ảnh hưởng tới phụ nữ khi tham gia chính trị;
- Vai trò và những đóng góp của phụ nữ khi tham gia chính trị.
1.1.1. Nghiên cứu về thực trạng sự tham gia chính trị của phụ nữ
Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 đã đặt ra mục tiêu: trước năm
2025, nghị viện các nước sẽ đạt tỷ lệ 30% phụ nữ. Tuy nhiên, theo xu hướng
hiện nay cho thấy mục tiêu này khó có thể đạt được.
Theo Lương Thu Hiền [169], bản đồ tham chính của phụ nữ thế giới năm
2014 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Quỹ phụ nữ Liên hiệp quốc (UN
Women) cho thấy, phụ nữ đang tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống

chính trị, xã hội của các nước. Đáng ngạc nhiên là Rwanda - quốc gia nghèo ở châu
Phi đã chịu bao đau thương từ nạn diệt chủng 20 năm trước có tỷ lệ nữ trong QH
cao nhất thế giới, lên tới 63,8%. IPU gọi QH Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện
với nữ giới nhất. Tỷ lệ phụ nữ trong QH các nước Bắc Âu chiếm 42,11%. Trên toàn
cầu chỉ có 29 quốc gia có tỷ lệ nữ trong QH trên 30%; 24 quốc gia nằm trong nhóm

9


gần đạt đến tỷ lệ 30% (từ 25% đến 29%). Châu Á- Thái Bình Dương và Trung
Đông vẫn là những khu vực có tỷ lệ nữ tham gia QH thấp hơn các khu vực khác
(châu Á 18,4%, Thái Bình Dương 16,2%, Trung Đông 16%).
Trong danh sách xếp hạng về tỷ lệ nữ tham chính năm 2014, số lượng phụ
nữ ở các cơ quan ra quyết định chưa nhiều. Chỉ có 25 nữ nguyên thủ trên tổng số
195 quốc gia trên thế giới, 36 nước có tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ bộ trưởng trong nội
các Chính phủ trên 30%. Có 31 nước có tỷ lệ nữ Bộ trưởng dưới 10% và 8 quốc gia
châu Á Thái Bình Dương không có nữ Bộ trưởng nào [169]. Mặc dù Nghị quyết
quan trọng 1325 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2000 đã công nhận phụ nữ phải
giữ vai trò trung tâm trong gìn giữ hòa bình, nhưng từ năm 1992 đến 2011 chỉ có
9% những người tham gia các bàn đàm phán hòa bình là phụ nữ. Tính đến tháng 8
năm 2015, chỉ có 22% đại biểu, nghị sĩ quốc hội là phụ nữ [79]. Những con số này
đã mô tả hết sức rõ nét bức tranh bất BĐG sâu sắc trong chính trị đang diễn ra tại tất
cả các khu vực và vùng lãnh thổ. Thế giới vẫn đang khan hiếm lãnh đạo nữ trong
toàn bộ hệ thống quản trị nhà nước từ cấp địa phương tới cấp quốc gia.
Handbook of Gender and Work, SAGE Publications [149] là công trình mang
tính học thuật của nhiều tác giả khác nhau. Trong chương 9, với chủ đề “Gender
influences on performance evaluations - Những ảnh hưởng Giới đối với công việc”,
tác giả Kathryn M. Barton cho rằng: Mặc dù trong ba thập kỷ vừa qua đã chứng kiến
sự gia tăng số lượng lớn phụ nữ giữ những chức vụ quản lý, tuy nhiên vẫn còn tồn tại
cơ cấu giới tính trong các tổ chức. Phụ nữ vẫn có rất ít đại diện trong các cấp độ quản

lý cao hơn. Trong Chương 11 của cuốn sách này với chủ đề “Gender Effects on
Social Ifluence and Emergent Leadership - Những tác động giới đối với Ảnh hưởng
xã hội và Tiềm năng lãnh đạo” thông qua việc nghiên cứu vị thế của phụ nữ trong các
tổ chức, các tác giả phát hiện rằng mặc dù phụ nữ sở hữu 50% bằng cử nhân và 42%
bằng cấp cao hơn và chiếm 46% lao động, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị phân biệt đối
xử tại nơi làm việc, thiếu đại diện trong hầu hết các vị trí quyền lực (giữ ít hơn 5%
quản lý cấp cao và các vị trí điều hành), lương thấp hơn nam giới.

10


Theo International IDEA [141], phụ nữ chỉ chiếm 16% ghế trong QH tính
trên toàn thế giới. Trong nghiên cứu này, International IDEA đã phân tích thực
trạng tham gia chính trị của phụ nữ ở một số quốc gia và khu vực để so sánh sự
khác biệt như Arab, Indonesia hay khu vực Mỹ La tinh… Sự tham gia vào chính
trường của phụ nữ bản địa ở khu vực Mỹ La tinh được International IDEA (2005)
đánh giá như là một hiện tượng.
Một nghiên cứu khác của International IDEA [140] về tình hình phụ nữ tham
gia chính trị tiếp tục khẳng định: Mặc dù mỗi nước lại khác nhau, nhưng khu vực Arab
nói chung đều có tỉ lệ phụ nữ tham gia chính trị rất thấp. Đầu phiếu phổ thông dù đã trở
nên phổ biến ở nhiều nước, nhưng vẫn có những phụ nữ ở Arab bị từ chối quyền đó. Tỉ
lệ phụ nữ tham gia vào lập pháp của phụ nữ Arab là thấp nhất trên thế giới. Tỉ lệ trung
bình của thế giới vào tháng 1/2005 là 15,7%, trong khi ở Arab chỉ là 6,7%.
Với đất nước Indonesia, sự xuất hiện trong Nghị viện QH là một quá trình
đấu tranh lâu dài của phụ nữ, tuy nhiên cho đến nay số lượng nữ giới trong QH
Indonesia vẫn là con số khiêm tốn và ít ỏi.
Tại Trung Quốc, vào năm 2001, có 14 nữ thứ trưởng, tỷ lệ CB nữ chiếm
36,7% tổng số CB của cả nước. Năm 2005, tỷ lệ CB nữ cấp Vụ, Cục chiếm 29%
so với tổng số CB lãnh đạo cùng cấp của cả nước. Tại Hàn Quốc, vào năm 2002
tỷ lệ nữ công chức chiếm 32,9% tổng số công chức cả nước, nhưng chỉ có 1,3%

công chức nữ thuộc đối tượng có thể tham gia vào các quyết định chính sách
quan trọng từ cấp 3 trở lên. Tại Nhật Bản, vào năm 2000, tỷ lệ nữ trong Tham
nghị viện (Thượng viện) là 17,1%, Chúng nghị viện (Hạ viện) là 7,5% và ở
Chính phủ các địa phương, tỷ lệ nữ đạt cao nhất là 19,7% [162].
1.1.2. Chính sách của các Chính phủ trong việc thúc đẩy sự tham gia
chính trị của phụ nữ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng các hạn ngạch giới là một trong
những giải pháp quan trọng được chính phủ, các đảng phái của một số quốc gia áp
dụng có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ.

11


Tại Trung Quốc, tháng 7 năm 1990, Ban Tổ chức TƯ ĐCS Trung Quốc
và Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) toàn quốc Trung Quốc đã tổ chức hội nghị
bàn về vấn đề bồi dưỡng CB nữ, tỷ lệ CB nữ trong các cơ quan thấp và tình trạng
già hóa của đội ngũ CB nữ. Hội nghị đã đưa ra hai mục tiêu: đến năm 1995,
100% các huyện và 50% các xã có CB chủ chốt là nữ; các đơn vị làm công tác tổ
chức CB cần ưu tiên quan tâm đến CB nữ [162].
Tại Indonesia, các nhà hoạt động phong trào ở Indonesia đã phải đấu tranh
rất nhiều để có thể đưa hạn ngạch cho phụ nữ vào như một điều luật ở Indonesia và
đã thành công. Khoảng 30% hạn ngạch tự nguyện cho mỗi bên đã được quy định ở
trong Điều luật số 12 (năm 2003), có hiệu lực một năm trước khi cuộc bầu cử năm
2004 được tổ chức. Một điều khoản trong mục 65 Điều luật số 12 nêu ra là: mỗi
đảng phái chính trị trong cuộc bầu cử được phép đề cử ứng viên làm thành viên của
nghị viện cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương cho mỗi khu vực bầu cử với tỷ
lệ hiện diện của phụ nữ ít nhất là 30%. Tuy nhiên, hệ thống hạn ngạch này là không
bắt buộc và không có các chế tài để đảm bảo rằng các hạn ngạch này cần phải đạt
được trong thực tế, việc triển khai trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào ý muốn của
các đảng phái chính trị. Không có hình phạt hay hình thức kỷ luật nào dành cho các

bên không áp dụng hạn ngạch [156].
Tại Ấn Độ, Bản Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực năm 1992, quy định bắt
buộc phải có ít nhất 1/3 số ghế trong các cơ quan dân cử địa phương của Ấn Độ
dành cho phụ nữ. Các chỉ tiêu giới được đánh giá là đã góp phần giảm sự phân
biệt giới về dài hạn thay vì tạo ra phản ứng chống lại phụ nữ [151]. Trong các
khu vực không xác định trước hạn ngạch, tỷ lệ tham gia của ứng viên nữ rất thấp.
Khi cho phép có các lãnh đạo nữ ở các khu vực nhất định, sự tham gia của phụ
nữ như một ứng viên gia tăng đáng kể: trong cuộc bầu cử năm 1997 có tới trung
bình 7,5% ứng viên nữ ở các khu vực định trước hạn ngạch, ở các khu vực
không chỉ định trước hạn ngạch tỷ lệ này là 5%. Ở những khu vực chỉ định trước
hai lần (không phải chỉ định 1 lần) như Panchayats ở vùng Tây Bengal, số lượng

12


ứng viên nữ được bầu chọn tăng hơn gấp đôi khi được chỉ định 2 lần (10,1%).
Việc gia tăng tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị có vẻ như góp phần gia tăng tỷ lệ
phụ nữ phát biểu trong các cuộc họp ở các làng Ấn Độ: khi có phụ nữ đứng trong
hàng ngũ lãnh đạo chính trị, tỷ lệ này lên tới 25%. Sự gia tăng này rất có thể là
kết quả trực tiếp của chính sách ra chỉ tiêu cho nữ lãnh đạo tham gia vào hội họp,
hoặc gián tiếp dẫn đến sự thay đổi trong thiết lập xã hội có lãnh đạo nữ. Dù bất
kể thế nào đi chăng nữa thì chính sách đặt ra trước chỉ tiêu cũng sẽ có vai trò
quan trọng trong việc gia tăng sự tham gia của công dân nữ trong hệ thống chính
trị (Bhavani, 2009, dẫn lại từ Panda,R. và Ford,D. 2011, [151]).
Tại Argentina, các hoạt động tích cực đã được triển khai từ năm 1991, đến
năm 1994, Hội đồng loại trừ mọi hình thái phân biệt đối xử chống phụ nữ đã được
xây dựng và đưa vào trong nội dung của Hiến pháp quốc gia. Ở cấp độ quốc gia họ
đã xây dựng được hạn ngạch là 30% đại biểu và thượng nghị sĩ trong QH, 22/24
tỉnh có luật về hạn ngạch giới trong chính trị. Các luật này đã được áp dụng và đạt
được các kết quả khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống bầu cử ở mỗi địa phương [137].

Vào năm 2005, trong Đại hội theo thông lệ lần đầu tiên của ĐCS (24-25/6, 2005) đã
thông qua Hiến chương trong đó điều 3 đảm bảo nguyên tắc công bằng hiệu quả
giữa nam và nữ trong Đảng với một số nội dung cụ thể: Mọi sự lãnh đạo, ra quyết
định và cơ quan đại diện trong Đảng đều có sự đại diện ngang bằng của nam và nữ;
Danh sách các ứng viên cho các vị trí bầu cử ở tất cả các cấp phải có sự tham gia
như nhau; Trong trường hợp các vị trí chỉ có một thành viên, phải có sự luân phiên
về giới tính; Thúc đẩy bất kỳ biện pháp nào cho phép sự tham gia công bằng của
nam và nữ vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở cấp quốc gia, tỉnh và huyện,
cũng như trong các liên đoàn công nhân và trí thức, các cơ quan tư pháp và giáo dục;
Thúc đẩy việc trình những dự luật cho phép thực hiện các biện pháp chủ động
hướng đến sự tuân thủ có hiệu quả những nguyên tắc này [144].
Trong việc thúc đẩy tỷ lệ nữ tham gia chính trị, châu Phi nổi lên so với phần
còn lại của thế giới nhờ việc áp dụng hai loại hạn ngạch: đặt chỗ và tự nguyện của

13


đảng. Sự đại diện chính trị của phụ nữ đã tăng đều đặn ở châu Phi qua hai thập kỷ.
Rwanda dẫn đầu thế giới về sự đại diện của phụ nữ trong chính trị, Mozambique
và Nam Phi cũng đứng trong 15 nước có thứ hạng cao nhất. Sự gia tăng nhanh
chóng này phần lớn do việc áp dụng hạn ngạch ở một số nước. Sự tăng cường đại
diện của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp quốc gia trong hơn bốn thập kỷ qua đã
diễn ra ở châu Phi. Năm 1960, phụ nữ chiếm 1% các nhà lập pháp châu Phi, đến
năm 2003, con số này đã tăng lên 14,3%. Trong khi các nước có hạn ngạch ở châu
Phi có trung bình gần 17% phụ nữ trong chính trị thì con số trung bình ở các nước
không có hạn ngạch giới chỉ là 9% [128]. Có thể là quá sớm để nói về một truyền
thống thực thi hạn ngạch ở châu lục này, nhưng có những trường hợp hiệu quả rõ
ràng khi hạn ngạch giới góp phần đảm bảo sự tiếp cận của phụ nữ đối với các cơ
quan ra quyết định tại châu Phi.
Bên cạnh việc đưa ra và áp dụng các hạn ngạch giới, các Đảng phái và

Chính phủ các nước còn áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm nâng cao tỷ lệ đại
diện của phụ nữ. Tại Indonesia, các biện pháp như: tuyên truyền vận động lãnh
đạo các đảng phái chính trị để tăng cường nhận thức về sự cần thiết của một khối
biểu quyết cụ thể (voting block); tăng cường tiếp cận của phụ nữ với các phương
tiện truyền thông như một công cụ để tập hợp ý kiến công chúng; trao quyền cho
phụ nữ thông qua giáo dục, đào tạo và khả năng tiếp cận thông tin là các biện
pháp đã được áp dụng [141].
Pakistan đã thành lập mạng lưới các nữ chính trị gia bao gồm các nữ ủy
viên và sau đó đã trở thành một liên minh trong bầu cử. Đã có tới hơn 500 phụ
nữ tham gia vào liên minh đó và tham gia tranh cử, 13 người trong số họ tranh
cử cho các vị trí lãnh đạo hội đồng và gần 65% trong số họ đã thắng cử. Nhóm
nữ giới này giữ một vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước hiện tại [157].
Thông qua nghiên cứu tại Tây Bengal, Ấn Độ, Pande, R. và Cirone, A. [148]
cho rằng sự tiếp xúc liên tục với các lãnh đạo nữ làm giảm thành kiến của cử tri đối
với họ, và điều này giúp cải thiện một cách đáng kể kết quả bầu cử cho phụ nữ.

14


Từ kết quả nghiên cứu ở một số quốc gia châu Phi, Ballington, J. [128] cho
rằng những thành công điển hình đã được thấy ở những nước mà phong trào phụ nữ
kết hợp với các nữ (và nam) chính trị gia, từ các đảng chính trị hoặc trong các cơ
quan QH. Nhiều tổ chức phụ nữ cũng tích cực hỗ trợ các ứng viên nữ qua việc thành
lập các cơ quan và các mạng lưới gây quỹ, cung cấp đào tạo và phát triển các kỹ năng,
gây áp lực lên các đảng chính trị để đưa nhiều phụ nữ hơn vào các thứ bậc và danh
sách ứng cử viên để bầu. Bên cạnh đó, áp lực của các phong trào phụ nữ quốc tế và
các tổ chức quốc tế cũng có ảnh hưởng quan trọng đến tỷ lệ nữ tham gia chính trị. Sự
kết hợp các đề xuất của các tổ chức quốc tế và cảm hứng từ những thành công của
mỗi quốc gia và các liên minh xuyên quốc gia có ảnh hưởng tiềm tàng lớn.
Ở châu Phi, những thành tựu đáng chú ý còn đạt được do kết quả của việc

phụ nữ sử dụng chiến lược các cửa sổ đối với cơ hội chính trị. Ở một số ít nước
nơi hệ thống lập pháp, bầu cử hay những cải cách trong đảng chính trị được thực
hiện, phụ nữ đã nhân đó tạo áp lực để tham gia nhiều hơn vào các quá trình cải
cách. Trường hợp này cũng xảy ra trong một số kiến thiết sau xung đột.
Một số quốc gia vừa trải qua nội chiến hoặc đấu tranh vì tự do, bao gồm
Eritrea, Mozambique, Namibia, Rwanda, Somalia, Nam Phi và Uganda đã xây
dựng các dự thảo hiến pháp và khuôn khổ luật pháp mới, cũng như việc xây
dựng lại các cơ quan luật pháp, tạo cho phụ nữ cơ hội chính trị quan trọng.
Trên cơ sở nghiên cứu các kinh nghiệm của Rwanda, Ấn Độ và Nam Phi
nhằm đề xuất cải cách luật pháp và các nỗ lực vận động dân sự để khuyến khích
sự tham gia lớn hơn của phụ nữ vào chính trị ở Liberia, Cole, S. [134] cho rằng,
trong thời gian gần, Liberia cần thiết phải có những nỗ lực cụ thể, thông qua giáo
dục và vận động nhân dân, tạo điều kiện cho tất cả các nhân tố chính trị và thể
chế trong lồng ghép giới, tạo ra một tương lai nơi nam giới và phụ nữ được đại
diện bình đẳng.
Trong nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ trong các đảng chính trị ở châu
Mỹ Latinh, Llanos, B. và Sample, K. [144] đã cung cấp thông tin chia sẻ hàng loạt

15


×