Tải bản đầy đủ (.pdf) (110 trang)

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 (Khảo sát qua một số tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (840.22 KB, 110 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------------------------

Phan Thị Ngọc Giàu

BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI
VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930-1945
(Khảo sát qua một số tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,
Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh)

Chuyên ngành: Lý Luận Văn Học
Mã số: 60 22 32

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. LÂM VINH

Thành phố Hồ Chí Minh – 2007


LỜI CẢM ƠN VÀ CAM ĐOAN

Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô đã giảng dạy và hướng dẫn trong quá trình học
tập và thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin cam đoan và chịu hoàn toàn trách nhiệm về những ý tưởng và tư liệu trong luận
văn này là do tôi nghiên cứu, sưu tầm để xây dựng.
Người cảm ơn và cam đoan
Phan Thị Ngọc Giàu



MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm gần đây ở nước ta, trước nhu cầu giao lưu quốc tế diễn ra ngày càng
mạnh mẽ, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trở thành một trong những vấn đề
được sự quan tâm hàng đầu của Đảng. Mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt
Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” mà Đảng ta đưa ra đã chứng minh một cách sâu sắc
sự quan tâm đó. Hưởng ứng cho lời kêu gọi này của Đảng, ngày càng có thêm nhiều những
công trình, những cuộc Hội thảo mang chủ đề văn hoá, bản sắc văn hoá dân tộc đã được tổ
chức, mang lại những thành công đáng kể với sự tham gia, ủng hộ của các nhà văn hoá, nhà
khoa học, nhà văn cũng như nhà nghiên cứu trên khắp mọi miền đất nước. Vốn là một bộ
phận rất quan trọng của văn hoá, trong văn học, bản sắc dân tộc cũng cần được sự quan tâm
đúng mức hơn.
Trước nay, trong nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu thường đi sâu tìm hiểu những
yếu tố thuộc về tiểu sử, con người tác giả hay những vấn đề nội dung, hình thức của tác
phẩm để thấy được ý nghĩa tư tưởng tác giả gửi gắm trong đó, đồng thời khẳng định tài năng
sáng tạo của nghệ sĩ trong việc phản ánh, thể hiện con người và cuộc sống. Nói chung, chưa
thật đi sâu để nhằm khẳng định bản sắc dân tộc. Trong mỗi con người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm
văn học hay mỗi nền văn học đều chứa đựng những giá trị của bản sắc dân tộc tuy có sự đậm
nhạt khác nhau, sâu sắc hay không sâu sắc. Chính nhờ có sự biểu hiện của bản sắc dân tộc
trong văn học đã giúp người đọc có thể phân biệt được nền văn học của dân tộc này với nền
văn học của dân tộc khác. Do vậy, nghiên cứu bản sắc dân tộc trong văn học là một trong
những vấn đề cần được quan tâm hơn.
Trải qua lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc cùng với âm mưu đồng hoá của kẻ thù,
con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam cho đến nay vẫn không bị mất đi mà luôn đứng vững
chính nhờ vào ý thức giữ gìn chủ quyền dân tộc và bản sắc dân tộc của mình. Ý thức giữ gìn
bản sắc của dân tộc qua bao thời đại đã được in dấu ấn rất rõ trong những giá trị văn hoá vật
chất cũng như tinh thần của dân tộc, đặc biệt là trong nền văn học dân tộc. Trong lịch sử văn
học Việt Nam, văn học công khai luôn bị sự kiểm duyệt gay gắt của kẻ thù xâm lược, khó có
thể giữ được bản sắc dân tộc nhưng không phải vì thế mà nó không chứa đựng trong mình

bản sắc độc đáo của dân tộc, trong đó có những tác phẩm văn học thời kỳ 1930-1945. Cùng


với giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, đây là giai đoạn “thăng
hoa” của văn học bởi nó đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với những gương mặt: Thế Lữ,
Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn
Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… Với một giai
đoạn có nhiều thành tựu như vậy, bên cạnh các vấn đề khác, vấn đề bản sắc dân tộc cũng cần
được đặt ra nghiên cứu một cách toàn diện hơn. Vì vậy, “Bản sắc dân tộc trong văn xuôi
Việt Nam giai đoạn 1930-1945” là đề tài được chúng tôi lựa chọn với mong muốn góp một
phần dù rất nhỏ trong việc tìm hiểu bản sắc dân tộc trong văn học nói riêng, văn hoá nói
chung.
2. Lịch sử vấn đề.
Vấn đề bản sắc dân tộc (tính dân tộc) trong văn hoá nói chung, văn học Việt Nam nói
riêng từ trước đến nay đã được nhiều công trình, nhiều bài viết của nhiều nhà nghiên cứu đề
cập đến với những nội dung, những ý kiến bàn luận giống và khác nhau. Có thể chia quá
trình nghiên cứu đó thành hai giai đoạn chính sau:

2.1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nước ta còn là một nước thuộc địa nửa phong kiến,
dưới quyền thống trị của thực dân Pháp. Dân tộc mất tự do, nền văn hoá không được tự do
phát triển nên vấn đề dân tộc trong văn hoá nói chung, văn học nói riêng chưa có đủ điều
kiện để các nhà nghiên cứu đi sâu khai thác. Đề cập đến bản sắc dân tộc, các tác giả trong
giai đoạn này chủ yếu chỉ nêu lên quan niệm của mình hoặc chỉ nêu lên tinh thần chung
nhằm hướng những nhà văn hoá yêu nước tiến bộ dùng ngòi bút của mình đấu tranh cho độc
lập dân tộc, cho nền văn hoá dân tộc, chống lại những quan điểm phản động, duy tâm, lạc
hậu và các thứ văn hoá lai căng, nô dịch, bảo thủ.
Đề cập đến tính dân tộc trong giai đoạn này, Lan Khai trên Tao Đàn tạp chí số 4 năm
1939 có trình bày quan niệm của mình thông qua bài viết “Tính cách Việt Nam trong văn
chương” (được in lại trong “Tinh tuyển văn học Việt Nam” do Nguyễn Đăng Mạnh chủ

biên). Nói đến tính dân tộc, Lan Khai cho đó “là sự gom góp tất cả các nết hay mà dân tộc
ấy sẵn có”[43, tr.893] như tính thật thà chất phác, vui vẻ, dễ làm quen, hiếu khách, sự can
đảm, tinh thần yêu nước, lòng trung thành, tận tâm, coi khinh sự chết,… của người Việt


Nam. Với những tinh thần “đặc biệt” đó của dân tộc, ông kêu gọi các văn nghệ sĩ “phải cố
làm cho rõ rệt và mạnh mẽ thêm ở trong những công trình sáng tác văn chương”[43, tr.893].
Dù ý thức được tinh thần dân tộc, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong văn
chương nhưng quan niệm của Lan Khai về vấn đề này có phần nào còn giản đơn. Khác với
Lan Khai, Xuân Diệu trong hai bài viết “Tính cách An Nam trong văn chương” và “Mở
rộng văn chương” đăng trên Ngày Nay số 145, ngày 28/1/1939 và số148, ngày 4/2/1939 đã
mạnh dạn đưa ra quan niệm của mình về tính dân tộc trong văn chương một cách cởi mở và
năng động.
Bàn về tính dân tộc, trước tiên Xuân Diệu khẳng định, “văn chương An Nam phải có
tính cách An Nam” là một điều chí lí và dĩ nhiên, nhưng “tính cách An Nam” là một thuyết
dễ nhầm bởi “chỉ một chút cố chấp, một chút hủ lậu cũng đủ biến cái thuyết đẹp đẽ kia thành
ra một thuyết chật hẹp, nông nổi”[13, tr.9]. Và ông quan niệm rằng văn chương cũng như
con người Việt Nam cần phải đổi mới, phải Âu hoá, nhưng không phải vì thế mà mất đi tính
cách dân tộc bởi “những cái ngô nghê phải chết, cái lố lăng phải mất, sự nô lệ trong văn
chương không thể nào tạo nên được những tác phẩm lâu bền”[13, tr.9]. Theo ông, “trong
văn chương cũng có một luật đào thải tự nhiên; những cái phản với tinh thần quốc văn tất
phải tiêu diệt”[13, tr.9]. Ông kêu gọi các nhà thơ hãy gieo trồng những thể cách mới, cảm
xúc mới trên cánh đồng văn chương của ta để có những hoa trái mới, đừng nên lo lắng rằng
văn chương Việt Nam ta mắc cái bệnh “làm Tây” vì “những cỏ dại không hợp thuỷ thổ sẽ
chết ngay từ khi gieo giống”[13, tr.9].
Cũng giống như Lan Khai, Xuân Diệu cho rằng cần phải giữ gìn bản sắc dân tộc trong
văn chương. Nhưng theo ông, giữ gìn không phải là khép kín, là “đóng hết của biển, tuyệt
hết giao thông, bế tắc cả nước”, là “đành tâm mến yêu một cảnh nghèo đói”[13, tr.9]. Văn
chương Việt Nam được viết bằng tiếng Việt Nam, với những hình thức, mẹo luật riêng, cú
pháp riêng và theo cái tinh thần riêng mà ta cảm nghe rất rõ tức là ta đã giữ gìn bản sắc của

văn chương ta rồi, còn tiếng Việt khi cần cũng phải làm mới, làm giàu cho nó để có thể diễn
tả được những cái tinh tế, phức tạp của tình cảm, cảm xúc của con người thời nay. Những lối
nói mới của Phương tây đôi khi cũng cần phải đưa vào cho tiếng ta uyển chuyển hơn. Nhấn
mạnh điều này, ông viết: “Tôi xin bạn viết văn chú ý rằng khi dùng đúng tiếng Việt Nam
theo mẹo luật, theo cú pháp, theo tinh thần Việt Nam thì văn ta là văn Việt Nam; còn chữ ta
tha hồ dùng theo những cách mới lạ miễn là đúng nghĩa; còn ý tưởng ta có toàn quyền nói


đến gốc, đến ngọn. Ta được rộng phép mở mang trí não ta, tình cảm ta, làm cho con người
của ta giàu thêm…”[14, tr.6]. Đã hơn nữa thế kỷ qua kể từ khi Xuân Diệu phát biểu trên báo
Ngày Nay, những ý kiến của ông vẫn như còn mới như ta vẫn nói hôm nay: dân tộc và hiện
đại, truyền thống và hiện đại, kế thừa và cách tân, tiếp thu và sáng tạo,…
Từ khi ra đời, Đảng ta luôn khẳng định và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, đề
cao tính dân tộc trong văn học, nghệ thuật, đấu tranh chống văn hoá nô dịch và lạc hậu do
bọn thực dân Pháp nuôi dưỡng, xem đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong sự nghiệp
cách mạng. Năm 1943, trước sự đàn áp phong trào cách mạng của bọn phát xít Nhật – Pháp,
chúng dùng mọi thủ đoạn, mọi biện pháp nhằm đàn áp tư tưởng và văn hoá tiến bộ, ra sức
tuyên truyền tư tưởng phản động, tư tưởng phong kiến, lạc hậu và nô dịch làm cho văn hoá
nước ta bấy giờ bị chia rẽ, lộn xộn, văn học tiến bộ và cách mạng không phát triển được, nếu
có thì chỉ phát triển trong nhà tù hoặc bí mật trong nhân dân; và trước yêu cầu đổi mới của
cách mạng, Đảng ta đã cho ra đời bản Đề cương về văn hoá Việt Nam. Bản đề cương được
soạn thảo một cách rất vắn tắt, khái quát và tuy không tránh khỏi những hạn chế lịch sử,
nhưng “đó chính là cương lĩnh hành động đầu tiên về văn hoá, văn nghệ của Đảng, một
đường lối văn hoá, văn nghệ hoàn chỉnh được đúc kết kinh nghiệm hơn mười năm lãnh đạo
mật trận văn hoá, văn nghệ với ba nguyên tắc lớn: dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng
hoá. Đó cũng là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn đời sống văn
hóa, văn nghệ Việt Nam”[27, tr.316]. Nói về nội dung dân tộc hoá, bản đề cương đã nêu rõ
“Chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc
lập”[9, tr.366]. Nói về tính chất của nền văn hoá mới Việt Nam, bản đề cương cho rằng
“Văn hoá mới Việt Nam là một thứ văn hoá có tính dân tộc về hình thức và tân dân chủ về

nội dung”[9, tr.367].
Để phát triển và làm rõ những nguyên tắc lớn mà bản Đề cương đã nêu lên, tháng 4/
1944, đồng chí Trường Chinh viết bài “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá
Việt Nam lúc này”. Qua việc phân tích mối quan hệ giữa ba nguyên tắc dân tộc, khoa học,
đại chúng, ông đã khẳng định “Văn hoá mới Việt Nam phải có ba tính chất dân tộc, khoa
học và đại chúng. Riêng văn nghệ mới Việt Nam thì phải có đủ tính dân tộc, tính hiện thực
và tính nhân dân”[7, tr.28].
Như vậy, với các bài viết và hai văn kiện được nêu trên, vấn đề tính dân tộc đã được
Đảng ta cũng như các nhà nghiên cứu rất quan tâm, trở thành cơ sở lý luận vững chắc, khoa


học soi đường dẫn lối cho các nhà văn hoá yêu nước tiến bộ, bằng ngòi bút của mình đấu
tranh cho độc lập dân tộc và cho văn hoá dân tộc, chống lại những luận điệu bịa đặt, xuyên
tạc, tìm cách bôi nhọ, mạt sát nền văn hoá dân tộc.
2.2. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta giành được độc lập, văn học nghệ thuật dưới
sự lãnh đạo của Đảng đã có điều kiện để phát triển tự do hơn. Dưới ánh sáng của bản “Đề
cương về văn hoá Việt Nam” và “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá Việt
Nam mới lúc này”, mục tiêu của công tác nghiên cứu lý luận trong những năm sau Cách
mạng tháng Tám là phát triển ba nguyên tắc lớn mà Đề cương đã nêu lên, đặc biệt là nguyên
tắc dân tộc. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 60, vấn đề tính dân tộc mới trở thành mục tiêu
quan trọng được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đưa ra bàn bạc, thảo luận một cách khá liền
mạch và liên tục.
Thật vậy, ngay từ năm 1960 để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác văn chương,
nghệ thuật trong thời kỳ mới và quán triệt nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng
về văn nghệ, Vụ văn nghệ thuộc Ban tuyên giáo trung ương Đảng đã mở ra một cuộc thảo
luận xoay quanh nhiều vấn đề lý luận cơ bản của văn học, nghệ thuật, trong đó có vấn đề tính
dân tộc. Hội thảo diễn ra thu hút sự tham gia phát biểu của nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ
như Hoàng Châu Ký: “Về tính chất dân tộc”, Tạ Mỹ Duật: “Khai thác di sản dân tộc trong
kiến trúc”, Hoàng Xuân Nhị: “Về tính chất dân tộc của văn học và nghệ thuật”, Như Phong:

“Thử tìm hiểu tính cách dân tộc của con người Việt Nam”, Huy Cận “Tính chất dân tộc của
văn nghệ”,…
Bên cạnh những bài phát biểu nêu trên, bàn về tính dân tộc trong thời kỳ này còn thấy
xuất hiện trên các báo bài viết của các tác giả khác như Xuân Trường (“Vài ý nghĩ về nội
dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc của nền văn nghệ mới”,Văn học, số 731, ngày 27/ 01/
1961), Như Thiết (Về tính chất dân tộc”,Văn hoá, số 4 năm 1962) cùng những bài khác của
các tác giả Hồng Chương, Lê Xuân Vũ, Hoàng Xuân Nhị, Mai Thúc Luân,… Tuy nhiên,
đáng chú ý nhất là công trình “Tìm hiểu tính cách dân tộc” của tác giả Nguyễn Hồng Phong.
Đây được đánh giá là “công trình nghiên cứu đầu tiên về tính dân tộc, kể từ sau hoà bình lập
lại”[25, tr.32]. Để mở đầu cho công trình nghiên cứu, tác giả Nguyễn Hồng Phong đặt ra và
giải quyết vấn đề “Cần nghiên cứu tính cách dân tộc như thế nào?” để rồi trên cơ sở lý luận


chung đó, tác giả đi vào tìm hiểu tính cách dân tộc cổ truyền Việt Nam thông qua đời sống
và văn chương nghệ thuật.
Đầu năm 1968, Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV được tổ chức. Mối quan hệ giữa
văn nghệ và dân tộc, vấn đề giữ gìn và phát huy tính dân tộc trong văn học nghệ thuật vốn đã
được đặt ra trước đó một lần nữa đã được đưa ra bàn bạc, mở rộng hơn, nhấn mạnh hơn
trong Đại hội.
Quán triệt tinh thần đó, từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 6 năm 1969, Bộ Văn hoá đã
mở ra cuộc trao đổi, bàn bạc về tính dân tộc trong âm nhạc. Đến tháng 11 năm 1969, một lần
nữa Bộ Văn hoá lại phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam mở ra một Hội nghị lý luận bàn về
tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam. Cụ thể như vấn đề nội dung và hình thức dân tộc, làm
thế nào để tạo nên tác phẩm mang tính dân tộc đậm đà? Vấn đề kế thừa và phát huy truyền
thống âm nhạc dân tộc, vấn đề tiếp thu và vận dụng âm nhạc tiến bộ của thế giới, công tác
nghiên cứu và xây dựng lý luận âm nhạc Việt Nam, công tác đào tạo cán bộ âm nhạc cũng
như công tác giáo dục thẫm mỹ âm nhạc cho quần chúng. Ông Trường Chinh, Tổng bí thư
trung ương Đảng, nhà lý luận đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị này. Ngoài ra, còn có
đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, các chuyên viên về huấn luyện,
sản xuất nhạc cụ ở trung ương và một số địa phương đã gửi tham luận và tham gia phát biểu

ý kiến, tranh luận như: Hà Huy Giáp với “Nắm vững vốn dân tộc, học tập tinh hoa thế giới
để xây dựng một nền âm nhạc hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, Nguyễn Xuân Khoát
với “Cảm xúc tâm hồn chân thành sâu sắc là điều kiện trước tiên của một tác phẩm có tính
dân tộc đậm đà”, Hà Xuân Trường với “Bàn thêm về tính dân tộc trong nghệ thuật nhân
cuộc thảo luận về tính dân tộc trong âm nhạc”, Cù Huy Cận “Về tính dân tộc trong âm
nhạc”, Nguyễn Phúc “Tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam”, Tô Vũ “Một số điểm về tính
dân tộc trong âm nhạc”, Nguyễn Đình Tấn “Mấy ý nghĩ về tính dân tộc và tính hiện đại”,…
Tiếp theo Hội nghị lý luận bàn về tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, tháng 10 năm
1970, Bộ Văn hoá và Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã mở ra một Hội nghị khoa học với sự
tham gia của nhiều Đại biểu: Tố Hữu, Hoàng Tùng, Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Nông
Quốc Chấn, Lưu Trọng Lư, Đình Quang,… xoay quanh chủ đề “Tính hiện thực và truyền
thống của nghệ thuật sân khấu dân tộc”.
Cùng với các Hội nghị bàn về tính dân tộc nêu trên, giới nghệ thuật tạo hình trong
những năm này cũng thấy cần phải tổ chức những cuộc hội thảo trao đổi về vấn đề tính dân


tộc trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Hội thảo đã được diễn ra và đạt được thành công
đáng kể với sự tham gia phát biểu của đông đảo các Hoạ sĩ, nhà Điêu khắc, Kiến trúc sư, cán
bộ lý luận, và các nhà nghiên cứu phê bình trong cả nước như: Trần Đình Thọ: “Để có
những tác phẩm tạo hình đậm đà tính dân tộc”, Trần Văn Cẩn: “Tính chất dân tộc trong
nghệ thuật tạo hình”, Trần Hữu Tiềm: “Tìm hiểu về tính dân tộc trong Kiến trúc”, Phạm Gia
Giang “Về tính dân tộc trong nghệ thuật tạo hình”, Nguyễn Văn Y: “Tính dân tộc trong
nghệ thuật thực dụng”,… Nhìn chung, các bài phát biểu trong Hội thảo đều tập trung xoay
quanh những vấn đề: Quan niệm về tính dân tộc trong nghệ thuật nói chung, trong nghệ thuật
tạo hình nói riêng, thế nào là một tác phẩm mang tính dân tộc đậm đà? Để có một tác phẩm
mang tính dân tộc cần phải có những yêu cầu nào? Nội dung và hình thức của một tác phẩm
mang tính dân tộc? Mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại cũng như việc kế thừa và
phát huy tính dân tộc, tiếp thu tinh hoa thế giới như thế nào?…
Tuy chủ đề mà các Hội nghị đưa ra là những vấn đề về tính dân tộc trong âm nhạc, sân
khấu, nghệ thuật tạo hình Việt Nam, nhưng thông qua những bài tham luận, những vấn đề lý

luận về tính dân tộc trong nghệ thuật nói chung cũng đã được đưa ra ở đây như: Quan niệm
về tính dân tộc trong nghệ thuật, nội dung và hình thức dân tộc, mối quan hệ giữa nội dung
và hình thức dân tộc trong nghệ thuật, tiêu chí để một tác phẩm nghệ thuật đậm đà tính dân
tộc,… sẽ là những ý kiến rất có ý nghĩa đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Mặc dù chưa có cuộc hội thảo nào chuyên bàn về tính dân tộc trong Văn học, nhưng với
tư cách là một nghệ thuật đặc thù, trên các sách báo, tạp chí bấy giờ đã xuất hiện nhiều
những bài viết, bài nghiên cứu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp về những vấn đề liên quan đến
tính dân tộc trong văn học, trong đó nổi bật nhất là “Về tiêu chuẩn tính dân tộc trong tác
phẩm văn nghệ” của Như Thiết, tạp chí Văn học, số 4 năm 1970 (được in lại trong sách
“Quán triệt tính Đảng trong Mỹ học và Nghệ thuật”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1973)
và “Vấn đề tính chất dân tộc trong văn học” của Thành Duy được in trong “Mấy vấn đề lý
luận văn học”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976.
Với bài viết “Về tiêu chuẩn tính dân tộc trong tác phẩm văn nghệ”, thông qua việc nêu
lên khái quát những quan niệm khác nhau về sự biểu hiện của tính chất dân tộc trong tác
phẩm văn nghệ, tác giả bài viết đã khẳng định tính chất dân tộc của tác phẩm văn học được
bộc lộ qua toàn bộ các yếu tố của tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là hình tượng nghệ thuật.


Nếu Như Thiết đề cập đến tính dân tộc của văn học thông qua tính dân tộc của văn nghệ
nói chung thì đến Thành Duy, với bài viết “Vấn đề tính chất dân tộc trong văn học”, tác giả
đã đề cập một cách trực tiếp đến tính dân tộc trong văn học.
Sau khi khái quát về đường lối dân tộc của Đảng ta từ những năm trước Cách mạng
tháng Tám đến khi hoà bình lập lại và lịch sử nghiên cứu về tính dân tộc, tác giả đã rút ra
năm vấn đề cơ bản về tính dân tộc cần được nghiên cứu. Thứ nhất, về định nghĩa tính chất
dân tộc; Thứ hai, mối quan hệ giữa tính chất dân tộc và tính giai cấp; Thứ ba, mối quan hệ
giữa tính chất dân tộc và tính quốc tế; Thứ tư, quan hệ giữa tính chất dân tộc và tính hiện đại
và cuối cùng là quan hệ giữa tính chất dân tộc và vấn đề truyền thống. Tuy nhiên, ở bài viết
này, ý định của tác giả là nhằm đi vào làm rõ mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính giai cấp
trong văn học. Bằng những lập luận về mối quan hệ giữa tính giai cấp và tính chất dân tộc
trong nền văn học quá khứ, về mối quan hệ giữa nền văn hoá quá khứ với nền văn hoá vô

sản, tác giả đã đi đến kết luận “tính chất dân tộc và tính giai cấp không chỉ có quan hệ khắng
khít với nhau, mà đối với chúng ta, nội dung tính chất dân tộc là do hệ tư tưởng của giai cấp
vô sản quyết định”[25, tr.467-468].
Bên cạnh hai bài nghiên cứu trên, nói đến tính dân tộc trong văn học chúng ta không thể
không nhắc đến nội dung chương “Vấn đề tính chất dân tộc trong lý luận văn học từ Cách
mạng tháng Tám đến năm 1954” của tác giả Vũ Đức Phúc được in trong “Mấy vấn đề lý
luận văn học”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976 và nội dung chương II “Tính dân tộc
của văn học” trong quyển sách “Văn học, cuộc sống, nhà văn” của Viện văn học, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội 1978 do Hoàng Trinh chủ biên bởi vì “lần đầu tiên một số sách lý
luận văn chương đã dành cho tính dân tộc một chương hoàn chỉnh”[52, tr.11]. Tuy với dung
lượng không dài, nhưng đây là hai nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu vấn
đề tính dân tộc trong văn hoá nói chung, trong văn học nói riêng. Nếu ở bài viết “Vấn đề tính
dân tộc trong lý luận văn chương từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1954”, tác giả Vũ Đức
Phúc đi vào tìm hiểu những yêu cầu lịch sử về tính dân tộc và cuộc đấu tranh bước đầu
chống những khuynh hướng phản dân tộc giai đoạn 1945 – 1946 và vấn đề tính dân tộc trong
thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp 1946 – 1954 thì nội dung chương II “Tính dân tộc
trong văn học” của quyển sách “Văn học, cuộc sống nhà văn” những vấn đề cơ bản của
tính dân tộc được đặt ra và giải quyết một cách khái quát: Tính dân tộc là một phạm trù thẩm
mỹ, tính chất dân tộc của văn học, tính chất dân tộc của nội dung văn học, tính chất dân tộc


của hình thức văn học và tính chất dân tộc của văn học luôn luôn phát triển. Đến đầu những
năm 80, đặc biệt là năm 1982, công trình nghiên cứu “Về tính chất dân tộc trong văn học”
của Thành Duy được xuất bản. Đây là quyển sách được viết nên trên cơ sở phát triển bài viết
“Vấn đề tính chất dân tộc trong văn học” (1976) đã nêu ở trên một cách đầy đủ và hoàn
chỉnh. Thật vậy, nếu ở bài viết “Vấn đề tính chất dân tộc trong văn học”, tác giả nêu ra năm
vấn đề cơ bản về tính dân tộc cần được nghiên cứu nhưng chỉ giải quyết được một vấn đề về
mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính giai cấp trong văn học thì với công trình nghiên cứu
này, các vấn đề còn lại đã được tác giả đi vào làm rõ. Quyển sách được tác giả chia làm hai
phần lớn, phần I là những vấn đề lý luận chung về tính dân tộc và phần II, vận dụng một số

vấn đề lý luận của tính dân tộc được nêu ở phần I, tác giả đi vào tìm hiểu giá trị tinh thần dân
tộc Việt Nam và những đặc điểm truyền thống dân tộc trong văn học qua các thời kỳ lịch sử
từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Tuy nhiên, ở công trình này tác giả Thành Duy chỉ
tập trung đi sâu tìm hiểu những vấn đề lý luận chung về tính dân tộc: Quan niệm về tính dân
tộc, quan điểm giai cấp trong việc xem xét tính dân tộc, tính dân tộc và tính quốc tế, bản chất
giá trị tinh thần dân tộc, đặc điểm dân tộc trong văn học dân gian, thời kỳ phong kiến và tính
dân tộc hiện đại trong văn học Việt Nam chứ chưa đi sâu phân tích những biểu hiện cụ thể,
sinh động của tính dân tộc qua từng yếu tố của tác phẩm văn học trong từng giai đoạn lịch sử
nhất định. Hạn chế này của Thành Duy sẽ được bổ sung bởi tác giả Phương Lựu với công
trình nghiên cứu “Tìm hiểu một nguyên lý văn chương”, được nhà xuất bản Khoa học xã
hội phát hành một năm sau đó (1983).
Với công trình nghiên cứu của mình, tác giả Phương Lựu đi vào nghiên cứu vấn đề tính
dân tộc trong lịch sử Mỹ học qua quan niệm của các tác gia kinh điển Các Mác, Ănghen,
Lênin cùng đường lối văn nghệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và tính dân tộc trong lý luận
văn chương. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề xuất và phân tích hai phương diện “thuộc tính” và
“phẩm chất” của tính dân tộc trong văn chương, mối tương quan hai chiều lịch sử và nhân
loại của tính dân tộc trong văn chương. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh và phân tích sự biểu hiện
của tính dân tộc trong tác phẩm văn chương. Nói đến sự biểu hiện này, tác giả khẳng định
“…có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm văn chương là có bấy nhiêu chỗ để tính dân tộc thể
hiện”[52, tr.146]. Từ nhận định đó, tác giả đi vào con đường khám phá tính dân tộc qua từng
yếu tố của tác phẩm văn học: Đề tài, chủ đề, tư tưởng, tâm hồn, tính cách, ngôn ngữ, thể loại.


Tuy nhiên, sự phân tích ở đây chỉ trong phạm vi lý luận, chưa đi vào phân tích các giai đoạn
văn học, đặc biệt giai đoạn văn học 1930 – 1945 chưa thật sự được chú ý.
Từ năm 1986 đến những năm 90, trước nhu cầu đổi mới của đất nước, nhu cầu giao lưu
văn hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vấn đề phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc ngày càng
được sự chú ý nhiều hơn của Đảng cũng như các nhà nghiên cứu. Hàng loạt các văn kiện,
nghị quyết chỉ đạo về văn hoá văn nghệ được đưa ra, đặc biệt với lời kêu gọi “phấn đấu xây
dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong Nghị

quyết V của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, cho thấy vấn đề giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hoá dân tộc đã được Đảng, Nhà Nước ta đưa lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hàng loạt
những bài viết cũng như công trình nghiên cứu bàn về tính dân tộc trong văn hoá nói chung,
văn học nói riêng liên tiếp xuất hiện: Mai Thúc Luân: “Thử bàn về tính chất dân tộc trong
văn nghệ”, in trong “Nghệ thuật dân tộc và quốc tế” (cùng tác giả), Nxb Văn hoá, 1987;
Phùng Quý Nhâm: “Bản sắc dân tộc của văn học như là một phạm trù thẩm mỹ và đặc điểm
quốc tế của văn học” in trong “ Thẩm định văn học” (cùng tác giả), Nxb Văn nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh, 1991; Đình Quang: “Văn học nghệ thuật và bản sắc dân tộc” in trong
“Văn học nghệ thuật với xã hội và con người trong sự phát triển” (cùng tác giả), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; Lê Đình Kỵ: “Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc”, in trong
“Phê bình nghiên cứu văn học” (cùng tác giả), Nxb Giáo dục; Hoàng Ngọc Hiến: “Về bản
sắc dân tộc và cộng sinh văn hoá, về tính dân tộc và tính hiện đại” in trong “Văn học và học
văn” (cùng tác giả), Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, Trần Đình Sử: “Về bản sắc dân tộc trong
văn học Việt Nam” in trong “Lý luận và phê bình văn học”, Nxb Giáo dục, giải thưởng Hội
nhà văn Việt Nam 1997, “Tìm hiểu bản sắc dân tộc trong thơ ca Chủ tịch Hồ Chí Minh”
do Hoàng Như Mai chủ biên, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, “Bản sắc dân tộc trong thơ ca
Việt Nam hiện đại 1945 – 1975”, Nguyễn Duy Bắc, Nxb Văn hoá dân tộc, 1998,…
Nếu ở các bài viết, các công trình nghiên cứu đã nêu, đề cập đến bản sắc dân tộc, các
tác giả chủ yếu đi vào những vấn đề lý luận chung, chưa hoặc rất ít đi sâu khai thác những
biểu hiện cụ thể của bản sắc dân tộc trong văn học thì trái lại, hai công trình sau cùng đã đi
vào những biểu hiện của bản sắc dân tộc trong văn học, cụ thể là trong thơ ca Việt Nam hiện
đại (qua tác gia Hồ Chí Minh và thơ ca cách mạng 1945 – 1975).
Với công trình “Tìm hiểu bản sắc dân tộc trong thơ ca Chủ Tịch Hồ Chí Minh”,
trước tiên tác giả tìm hiểu một cách khái quát tính dân tộc trong văn học nói riêng, trong văn


hoá văn nghệ nói chung để làm cơ sở cho quá trình tìm hiểu tư tưởng tình cảm của Chủ Tịch
Hồ Chí Minh bắt nguồn từ dòng văn hoá truyền thống của dân tộc và quan điểm dân tộc của
Người trong văn hoá văn nghệ. Sau những nội dung đó, hàng loạt những vấn đề: Tư tưởng
nhân văn đậm đà bản sắc Việt Nam trong “Nhật ký trong tù”, tinh thần độc lập tự do và chủ

nghĩa xã hội và những truyền thống dân tộc trong thơ ca của Bác (chủ nghĩa nhân đạo; đại
đoàn kết; sự giản dị và thanh cao; đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; tinh thần
lạc quan và chủ nghĩa anh hùng cách mạng), sự vận dụng lối nói, tiếng nói của nhân dân
trong thơ ca Hồ Chủ Tịch và bản sắc Việt Nam thể hiện trong những vần thơ chúc Tết của
Người. Sau khi tìm hiểu tất cả các vấn đề trên, tác giả đi đến kết luận, khẳng định những
điểm cơ bản của bản sắc dân tộc được biểu hiện trong thơ ca Hồ Chủ Tịch như sau: “ …Qua
thơ ca của Người ta càng hiểu biết hơn về dân tộc ta. Đó là một dân tộc nồng nàn yêu nước,
đại đoàn kết, trọng đạo đức, rất cần kiệm- giản dị- thanh cao, luôn luôn mỉm cười, rất đỗi
anh hùng bất khuất, có nếp nghĩ thiết thực, giàu có văn hoá- nhiều thể loại văn học, thích nói
thẳng- ít lời, rất thật thà, hóm hỉnh và rất đỗi thông minh,…”[55, tr.221].
Khác với Hoàng Như Mai, Nguyễn Duy Bắc trong công trình nghiên cứu “Bản sắc dân
tộc trong thơ ca cách mạng Việt nam hiện đại 1945 – 1975” đi vào khám phá, miêu tả và
phân tích các biểu trưng mang nội dung văn hoá xuất hiện phổ biến, được lặp đi lặp lại tạo
thành diện mạo độc đáo của các hình tượng nghệ thuật cơ bản trong thơ ca cách mạng:
Những biểu trưng về Tổ Quốc (Biểu trưng về Tổ Quốc trong cái nhìn sinh thái nhân văn,
trong chiều sâu văn hoá lịch sử và trong hình ảnh của nhân dân); Những biểu trưng về người
anh hùng ( biểu trưng về cội nguồn, lẽ sống và cái chết của người anh hùng) và những biểu
trưng về kẻ thù ( biểu trưng kẻ thù như loài thú vật phi nhân, bức biếm hoạ nghịch cười về kẻ
thù và cài nhìn nhân ái của ta đối với kể thù). Tất cả nhằm giúp người đọc “thấy được cụ thể
thế giới tinh thần, với những giới hạn trong cảm nhận thế giới, không gian, thời gian và con
người trong các hình tượng nghệ thuật cơ bản đó”[4, tr.21].
Bước sang thế kỷ XXI, bên cạnh những vận hội lớn được mở ra, những thách thức,
nguy cơ gay gắt, những nỗi băn khoăn lo lắng nhiều khi đến thắt ruột cũng đang đến với đất
nước ta, đặc biệt là nỗi lo về thực trạng văn hoá, về nền văn minh tinh thần của con người
trong thời mở cửa. Trước thực trạng đó, những bài viết, những công trình nghiên cứu, những
Hội thảo khoa học bàn về văn hoá, bản sắc văn hoá dân tộc và giữ gìn, phát huy bản sắc dân
tộc trong văn hoá- văn nghệ trong những năm đầu thế kỷ này xuất hiện ngày càng nhiều hơn:


Hoàng Trinh với công trình “Bản sắc dân tộc và hiện đại hoá trong văn hoá”, Nxb chính trị

Quốc gia, Hà Nội, 2000; Nguyễn Văn Thức với công trình “Mấy vấn đề bản sắc văn hoá
dân tộc”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000; Nguyễn Phúc với “Văn hoá phát triển và
con người Việt Nam”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000; Trần Thái Học với “Văn học –
văn hoá - bản sắc dân tộc trong xu thế “toàn cầu hoá”, tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 11
năm 2001; Nguyễn Duy Bắc “Toàn cầu hoá và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”,
tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 11 năm 2001; Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên) “ Xây dựng
và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, 2002; Huyền Viêm “Bản sắc dân tộc trong văn học”, tạp chí Văn, số 11 bộ mới
tháng 5 -6 năm 2003; Hà Minh Đức “Bản sắc dân tộc trong tác phẩm Ngô Tất Tố”, tạp chí
Văn học số 6 năm 2003; Nguyễn Duy Quý “Phấn đấu vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến
đậm đà bản sắc dân tộc”, tạp chí Văn học số 7 năm 2003; Hồ Bá Thâm “Bản sắc văn hoá
dân tộc”, Nxb Văn hoá thông tin, 2003,… Nổi bật nhất trong những năm này là hai cuộc Hội
thảo liên tiếp được mở ra với chủ đề “Đi tìm đặc trưng văn hoá Việt Nam” do Trung tâm
nghiên cứu và Giao lưu văn hoá – Giáo dục quốc tế (ĐHSP Tp. HCM) tổ chức trong hai
ngày 22 – 23 tháng 6 năm 2000 (các tham luận được in trong quyển “Văn hoá Việt Nam:
Đặc trưng và cách tiếp cận” do Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu, Nxb Giáo dục và “Bản
sắc dân tộc trong văn hoá- văn nghệ” do Trung tâm nghiên cứu Quốc học phối hợp với
Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Tp. HCM tổ chức ngày 03 tháng 01 năm 2001 tại
Tp. HCM (các tham luận được in trong quyển sách cùng tên “Bản sắc dân tộc trong văn
hoá- văn nghệ”. Hai cuộc hội thảo diễn ra đạt được thành công tốt đẹp với sự tham dự của
nhiều chuyên gia hàng đầu về văn hoá Việt Nam, nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực
khác nhau, nhiều nhà văn, học giả có tên tuổi trong cả nước thu hút sự chú ý của giới nghiên
cứu cũng như của dư luận rộng rãi.
Bên cạnh những bài viết, những công trình nghiên cứu đã nêu, bàn đến tính dân tộc,
không thể không kể đến những giáo trình Lý luận văn học được giảng dạy trong các trường
Cao đẳng Đại học từ sau khi hoà bình lặp lại:“Cở sở lý luận văn học” (tập1) do tổ bộ môn
Lý luận văn học các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Vinh và Đại học tổng hợp cùng thực
hiện, nhà xuất bản Giáo dục 1976, “Mấy vấn đề lý luận văn học” của trường Cao Đẳng sư
phạm Hồ Chí Minh được xuất bản 1984, “Lý luận văn học” do Hà Minh Đức chủ biên, “Lý
luận văn học vấn đề và suy nghĩ” xuất bản năm 1999 do Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như



Phương đồng tác giả,…Đặc biệt, quyển sách được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất ở các
trường Cao đẳng, Đại học hiện nay là “Lý luận văn học”, Nxb Giáo dục được tái bản nhiều
lần do Phương Lựu chủ biên. Bàn đến tính dân tộc, các giáo trình chỉ nêu khái quát một số
vấn đề lý luận cơ bản chung về tính dân tộc nhằm gợi mở, làm cơ sở cho các sinh viên yêu
thích đi sâu tìm hiểu vấn đề.
Tóm lại, trong tất cả các bài viết, các giáo trình lý luận văn học và các công trình nghiên
cứu trước và sau Cách mạng tháng Tám đã nêu trên khi đề cập đến vấn đề tính dân tộc, ý
kiến các tác giả đưa ra chủ yếu xoay quanh một số nội dung cơ bản sau:
- Xác định thế nào là tính dân tộc (bản sắc dân tộc) trong văn hoá và bản sắc dân tộc
trong văn học.
- Tính dân tộc như một phạm trù lịch sử thường xuyên vận động và biến đổi.
- Mối quan hệ giữa tính dân tộc với tính đảng, tính giai cấp và tính nhân dân.
- Mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính truyền thống, việc kế thừa, cách tân đổi mới
truyền thống dân tộc.
- Tính dân tộc và tính quốc tế, vấn đề tiếp thu và sáng tạo.
- Tính dân tộc và tính hiện đại.
- Tính dân tộc như là một thuộc tính hay một phẩm chất tất yếu cần đạt tới của văn học.
- Nội dung và biểu hiện của tính dân tộc trong tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm
văn học nói riêng,...
Tuy nhiên, tất cả các vấn đề trên chỉ mang tính chất lý luận chung, các nhà nghiên cứu
rất ít khai thác, phân tích làm rõ vấn đề trên cơ sở những giai đoạn văn học, những tác phẩm
văn học cụ thể (nếu có đa số chỉ tập trung nghiên cứu ở mảng thơ ca cách mạng, thơ ca Hồ
Chủ Tịch hoặc giai đoạn văn học từ sau 1945), việc tìm hiểu bản sắc dân tộc trong văn học
Việt Nam 1930 -1945 nói chung, trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn này nói riêng vẫn đang
còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, đề tài “Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn 19301945” (Khảo sát qua một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nam Cao,
Nguyên Hồng, Nhất Linh và Khái Hưng) được đưa ra là cần thiết.



3. Mục đích, phạm vi nghiên cứu
Khi đi vào nghiên cứu đề tài “Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn
1930-1945”, chúng tôi nhằm đạt được kết quả sau:
Thứ nhất: Tổng hợp và lược thuật lại những quan niệm khác nhau của các nhà nghiên
cứu về bản sắc dân tộc trong văn hoá và bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật, về biểu
hiện của bản sắc dân tộc trong tác phẩm văn nghệ nói chung, trong văn học nói riêng, những
yêu cầu, tiêu chuẩn để tác phẩm đậm đà tính dân tộc. Từ đó, rút ra quan niệm cá nhân về vấn
đề được nói đến.
Thứ hai: Tìm hiểu sự biểu hiện của bản sắc dân tộc trong con người của nhà văn, chủ
thể sáng tạo.
Một số vấn đề cần được nói thêm: khác với một số quan điểm trước đây trong nghiên
cứu văn xuôi giai đoạn 1930 – 1945 , thường xép thứ bậc giá trị của hai dòng văn học hiện
thực và lãng mạn, ở đây chúng tôi tuần tự nêu lên các nhà văn tiêu tiểu của cả hai xu hướng
với vị trí bình đẳng cần được tôn vinh về giá trị văn chương, về bản sắc dân tộc (tất nhiên
không phủ định sự khác biệt của hai xu hướng về giá trị xã hội).
Thứ ba: Tìm hiểu sự biểu hiện của bản sắc dân tộc trong tác phẩm văn học. Trong đó,
chúng tôi đặc biệt đi sâu nội dung phản ánh bằng hiện thực đời sống dân tộc, phê phán vì
cộng đồng dân tộc; tính cách nhân vật – con người dân tộc và làm trong sáng và giàu có
ngôn ngữ dân tộc.
Với mong muốn đó nhưng do thời gian và khả năng bị hạn chế nên chúng tôi xin giới
hạn phạm vi đề tài trong các tác giả: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Khái Hưng, Nhất
Linh và một số các tác phẩm tiêu biểu của họ giai đoạn 1930-1945.
4. Nội dung của đề tài, các vấn đề cần giải quyết.
Để đạt được mục đích đề ra, ngoài phần mở đầu và kết luận, kết cấu nội dung của đề tài
được chúng tôi trình bày gồm 3 chương:
Chương 1: KHÁI LUẬN VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC
TRONG VĂN HỌC.
1.1. Điểm qua những quan niệm về bản sắc dân tộc.
1.2. Bước đầu xác định một quan niệm về bản sắc dân tộc.



1.3. Phương pháp tiếp cận bản sắc dân tộc.
Chương 2: SỰ BIỂU HIỆN CỦA BẢN SẮC DÂN TỘC TỪ CHỦ THỂ SÁNG TẠO
(Các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Khái Hưng và
Nhất Linh)
2.1. Hoàn cảnh sống.
2.2. Gắn bó với vận mệnh dân tộc, có tâm hồn dân tộc sâu sắc.
Chương 3: SỰ BIỂU HIỆN CỦA BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG MỘT SỐ TÁC
PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU
3.1. Tinh thần phê phán vì cộng đồng dân tộc và nội dung phản ánh bằng hiện thực đời
sống dân tộc.
3.2. Tính cách nhân vật - con người dân tộc.
3.3. Làm giàu có và trong sáng ngôn ngữ dân tộc.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Để mong đạt kết quả chúng tôi kết hợp đan xen một số phương pháp:
Phương pháp lý luận - lịch sử: Xuất phát từ những quan điểm lý luận kết hợp với những
minh hoạ dữ kiện lịch sử.
Phương pháp quy nạp: Miêu tả, phân tích và tổng hợp lại thành quy luật


Chương 1:

KHÁI LUẬN VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ BẢN SẮC
DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC.

1.1. Điểm qua những quan niệm về bản sắc dân tộc.
Bản sắc dân tộc không phải là vấn đề mới ở nước ta. Tuy vậy, cho đến nay bản thân câu
hỏi “Bản sắc dân tộc là gì?” vẫn chưa có câu trả lời thống nhất. Nghĩa là có nhiều cách lý
giải khác nhau, quan niệm không giống nhau xung quanh vấn đề này.
Bàn về khái niệm bản sắc dân tộc, mỗi người viết, mỗi nhà nghiên cứu với quan điểm

và cách nhìn nhận của mình sẽ có một quan niệm riêng. Do đó, thật khó mà liệt kê một cách
đầy đủ những quan niệm khác nhau xung quanh khái niệm này. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố
gắng tập hợp, chọn ra những quan niệm chung nhất, tiêu biểu nhất cho những cách hiểu khác
nhau về bản sắc dân tộc của các nhà nghiên cứu. Nhìn chung, qua khảo sát những quan niệm
về bản sắc dân tộc, có thể chia thành bốn quan điểm chung sau:
1.1.1. Bản sắc dân tộc là những phương tiện và hình thức đặc thù của dân tộc trong
quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc quan điểm này, bản sắc dân tộc là một thuật ngữ xác
định những điểm độc đáo có tính đặc thù của một dân tộc mà những dân tộc khác không có
“nói bản sắc dân tộc là nói cái cốt cách, cái gốc rễ chỉ dân tộc đó có” [91, tr.461]. Với quan
niệm tuyệt đối hoá tính đặc thù dân tộc, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý nhấn mạnh đến
những hình thức biểu hiện, các phương tiện miêu tả, diễn đạt và cho rằng bản sắc dân tộc
chính là những nét độc đáo, đặc thù của các hình thức biểu hiện cũng như các phương tiện
miêu tả và diễn đạt của dân tộc. Nhấn mạnh điều này nên trong các cuộc thảo luận, “có đồng
chí cho rằng tính chất dân tộc có nhiều trong chèo và tuồng,… có đồng chí lại nhấn mạnh
rằng các tiết tấu trong âm nhạc như nhịp ngoại (syncope), nhịp chỏi (contre-temps) là mang
tính chất của dân tộc Việt Nam” [83, tr.242], là “có trong dòng máu của người Việt Nam”
[102, tr.87]. Bên cạnh đó, trong Hội thảo đi tìm bản sắc dân tộc của nền âm nhạc Việt Nam
do Bộ văn hoá thông tin và Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 11-1969, nhiều người tham
dự cũng cho rằng: “chỉ có những phương tiện nhạc cụ dân tộc như sáo, bầu, nhị, nguyệt,…
những bài dân ca, nhạc cổ Việt Nam mới diễn tả được tâm hồn người Việt Nam, và cũng chỉ
có những hình thức nghệ thuật sân khấu, dân ca, nhạc cổ kể trên mới phản ánh trọn vẹn tâm


lý và tính cách của những con người Việt Nam”. [97, tr.68]. Cùng với những phương tiện
diễn đạt và hình thức biểu hiện trên thì thể thơ lục bát, âm sắc của một cái phách tre, tiếng
đàn bầu,… là những chất liệu và phương tiện diễn đạt mang đậm bản sắc của dân tộc bởi nó
được dân ta ưa dùng, nó quen thuộc và phản ánh những khía cạnh đặc sắc nhất định của tâm
hồn dân tộc. Và đặc biệt hơn, nơi biểu hiện bản sắc dân tộc sâu sắc nhất đó là ngôn ngữ tiếng
Việt “tính dân tộc (bản sắc dân tộc) thể hiện trước tiên là ở ngôn ngữ, ngôn ngữ vốn là đặc

trưng chủ yếu của một dân tộc”. [46, tr.21],…
Chính vì quan niệm như vậy nên các tác giả theo quan điểm này cho rằng, chỉ với các
loại hình âm nhạc như dân ca, chèo, nhạc tuồng, cải lương,… đã đủ cho chúng ta sử dụng để
phát triển nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc chứ chưa nhất thiết phải cải cách hay sáng tác
thêm. Cũng trên cơ sở đồng nhất với quan niệm này, một số bài viết khẳng định “dân tộc là
dân tộc”, “phương Tây là phương Tây”, việc đòi hỏi phải có bản sắc dân tộc Việt Nam trong
nhạc giao hưởng là một điều không thể làm được, bởi “nhạc cổ điển phương Tây là bất khả
xâm phạm, là vĩnh cửu (…) Đừng đụng chạm tới dàn nhạc giao hưởng, vì nó cũng là dàn
nhạc dân tộc (phương Tây)” [97, tr.68].

1.1.2. Bản sắc dân tộc là những nét đặc thù về tâm hồn, tính cách của dân tộc.
Những tác giả theo quan điểm này cho rằng bản sắc dân tộc chính là cái đặc thù của nội
dung bên trong được thể hiện ra ngoài chỉ dân tộc mình mới có. Nội dung chủ yếu của bản
sắc dân tộc được nói đến ở đây là “những cái độc đáo về mặt tâm hồn, tình cảm, bản lĩnh
của dân tộc,…” [97, tr.9]. Theo các nhà nghiên cứu thuộc khuynh hướng này thì “tính dân
tộc (bản sắc dân tộc) là những nét sâu sắc nhất đã thành nếp in trong tâm hồn, tình cảm,…”
[97, tr.35], hay bản sắc dân tộc Việt Nam, “trước hết đó là tâm hồn và tính cách của người
Việt Nam” [91, tr.63]. Do đó, bàn về bản sắc dân tộc nói chung, bản sắc dân tộc trong văn
học nói riêng “tức là chúng ta góp phần tìm hiểu tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của con người
Việt Nam” [97, tr.38].
Cũng xuất phát từ quan điểm trên, nhưng một số nhà nghiên cứu khác không đi tìm bản
sắc dân tộc ở những biểu hiện bề ngoài của tâm lý, tính cách con người dân tộc chung chung
mà ở ngay bản thân tâm hồn của người sáng tác biết hoà cảm cùng dân tộc. Các tác giả cho
rằng “cảm xúc, tâm hồn chân thành, sâu sắc là điều kiện trước tiên của một tác phẩm có


tính dân tộc (Bản sắc dân tộc) đậm đà” [97, tr.21]. Chính tình cảm, cảm xúc của tác giả đã
“chi phối tất cả dáng điệu, khí sắc… làm cho nhân vật của một tác phẩm có cái gì riêng
biệt, người nhìn vào thì biết ngay là dân tộc ấy” [83, tr.244]. Bởi thế, muốn một tác phẩm
đậm đà bản sắc dân tộc thì điều trước tiên đòi hỏi người sáng tác “phải có tâm hồn dân tộc”

[97, tr.124]. Chính tâm hồn, cảm xúc dân tộc là yếu tố quyết định nên bản sắc dân tộc trong
tác phẩm của một nghệ sĩ thật sự tài năng,“một nghệ sĩ khi sáng tác thường không nghĩ mấy
đến lý luận và ít câu nệ vào khuôn phép nào. Anh ta có thể lấy chất liệu ở bất cứ đâu, tâm
hồn anh ta chạm đến cái gì thì cái đó biến hoá thành của anh, với cái cảm xúc, suy nghĩ,
diễn đạt của riêng anh” [91, tr.34].
1.1.3. Bản sắc dân tộc là tổng thể những giá trị tinh thần đặc sắc cơ bản của dân tộc.
Bên cạnh hai quan điểm trên, quan điểm cho rằng bản sắc dân tộc chính là tổng thể
những giá trị tinh thần đặc sắc cơ bản của dân tộc cũng được nhiều bài viết cũng như nhiều
công trình nghiên cứu đề cập đến. Những người theo quan niệm này đều thống kê hàng loạt
những phẩm chất tinh thần tiêu biểu của người Việt Nam và xem đó chính là bản sắc của
dân tộc. Tuy vậy, số lượng giá trị mà các nhà nghiên cứu nêu ra là không giống nhau. Năm
1951 trong công trình nghiên cứu “Việt Nam văn hoá sử cương”, tác giả Đào Duy Anh nêu
ra bảy giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam như: Trí nhớ tốt, thiên về nghệ
thuật và trực giác; Ham học, thích văn chương; Thiết thực; Cần cù; Giỏi chịu khổ và hay
nhẫn nhục; Chuộng hoà bình, song cũng biết hi sinh vì đại nghĩa; Khả năng bắt chước, thích
ứng và dung hoá rất tài. Kế đến, vào năm 1980, Gs. Trần Văn Giàu trong công trình “Giá trị
tinh thần của dân tộc Việt Nam” cũng nêu lên bảy giá trị: Yêu nước; Cần cù; Anh hùng;
Sáng tạo; Lạc quan; Thương người và vì nghĩa. Trong các giá trị này thì yêu nước là giá trị
được tác giả nêu lên hàng đầu, xem đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử dân tộc. Năm
1983, trong một Hội thảo khoa học, Gs. Trương Chính nêu lên năm giá trị: Tinh thần yêu
nước; Tinh thần dân tộc; Cần cù và thông minh; Trọng đạo lý, tình người; Lạc quan yêu đời.
Cũng trong Hội thảo này, tác giả Lê Anh Trà nêu lên bốn giá trị: Yêu nước bất khuất chống
ngoại xâm; Lao động cần cù xây dựng đất nước; Lòng nhân ái và ý thức về lẽ phải; Lối sống
giản dị không ưa thái quá.
Bên cạnh các tác giả trên, trong những năm này còn có nhiều các tác giả khác cũng liệt
kê ra hàng loạt những giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam. Những giá trị mà
các tác giả đưa ra tuy có điểm khác nhau, song lại có nhiều điểm thống nhất. Chính vì vậy,


trong Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII “Về xây dựng một nền văn

hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta đã nêu ra một “danh sách mở”
những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc như sau: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự
cường dân tộc; Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-tổ
quốc); Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; Đức tính cần cù, sáng tạo trong
lao động; Sự tinh tế trong ứng xử, sáng tạo trong lối sống,…
Trong những năm gần đây, có lẽ dựa vào “danh sách mở” mà Đảng đã đưa ra, các nhà
nghiên cứu lại đưa ra hàng loạt những danh sách giá trị tinh thần, cho đó chính là những nét
nổi bật của bản sắc, của truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong Hội thảo“Đi tìm đặc trưng
văn hoá Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu và Giao lưu văn hoá – Giáo dục quốc tế
(ĐHSP Tp. HCM) tổ chức trong hai ngày 22-23 tháng 6 năm 2000, tác giả Ngô Đức Thịnh
đưa ra bốn giá trị: Chủ nghĩa yêu nước; Tính cộng đồng của xã hội Việt Nam; Tính cởi mở,
năng tiếp nhận, dễ hoà nhập để từ đó bản địa hoá các nhân tố ngoại lai và lối ứng xử trọng
tình thương và đạo lý, Trương Chính đưa ra 5 giá trị: Tinh thần yêu nước; Tinh thần dân tộc;
Cần cù và thông minh; Lấy tình thương yêu làm cơ sở cho cách xử thế; Tinh thần lạc quan,
yêu đời, tin tưởng ở tương lai,…
Đến năm 2001, trong Hội thảo đi tìm “Bản sắc dân tộc trong văn hoá – văn nghệ” do
Trung tâm nghiên cứu Quốc học phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Tp.
HCM tổ chức ngày 03 tháng 01 năm 2001 tại Tp. HCM một lần nữa, các nhà nghiên cứu lại
đưa ra quan niệm của mình về những giá trị tinh thần của dân tộc, cho đó là những nét cơ
bản tạo nên bản sắc dân tộc. Trong bài viết “Suy nghĩ về bản sắc dân tộc”, nhà thơ Tố Hữu
đã nêu lên bản sắc chung của các dân tộc ở nước ta bao gồm các đặc trưng: Lòng yêu nước
mãnh liệt; Chủ nghĩa anh hùng; Lòng thương yêu con người vô hạn; Lòng tự trọng, giữ gìn
nhân phẩm trong mọi cảnh ngộ nghèo khổ, không kiêu ngạo cả khi thắng lợi, luôn khiêm
nhường; Coi trọng thực tiễn, thiết thực nhưng vẫn tôn trọng thầy dạy; Trong giao tiếp xử
thế, rất lịch sự, khôn ngoan nhưng vẫn thật thà trung thực; Lối sống giản dị, thanh đạm, gần
gũi với thiên nhiên, xa lạ với những thói xa hoa, kệch cỡm,…
1.1.4. Bản sắc dân tộc chính là chất lượng phản ánh hiện thực.
Đây là một quan niệm cũng rất phổ biến trong giới nghiên cứu, nhiều tác giả khác nhau
tuy có cách diễn đạt không giống nhau, song đều khẳng định bản sắc dân tộc là một trong



những vấn đề quan trọng, cần thiết và luôn phải có trong các tác phẩm nghệ thuật, nó cũng
giống như tính hiện thực vậy. Tuy nhiên, với quan niệm của các nhà nghiên cứu theo quan
điểm này, tính hiện thực và bản sắc dân tộc trong tác phẩm văn nghệ như là một. Do đó, tác
phẩm có tính hiện thực tức có bản sắc dân tộc. Trong một Hội thảo bàn về tính dân tộc trong
âm nhạc Việt Nam, nhà thơ Cù Huy Cận kêu gọi giới nhạc sĩ nói riêng, các văn nghệ sĩ nói
chung “Cần phải bám sát hiện thực, bảo đảm tính hiện thực mới thực chất bảo đảm tính dân
tộc được” [97, tr.63]. Cũng trong Hội thảo này, Phạm Đình Sáu cho rằng“Vấn đề cơ bản
của tính dân tộc là tính hiện thực” [97, tr.172].
Cùng chung những quan niệm này, trong một cuộc Hội thảo đi tìm “Bản sắc dân tộc
trong văn hoá - văn nghệ” được tổ chức gần đây, nhiều tác giả đã mạnh dạn khẳng định, tác
phẩm khi đã phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, sinh động bao nhiêu tất sẽ chứa đựng bản
sắc dân tộc đậm đà bấy nhiêu, hay bản sắc dân tộc trong nghệ thuật chính là hiện thực đời
sống, xã hội, con người,… được tác giả miêu tả và thể hiện trong tác phẩm. Khẳng định điều
này, tác giả Nguyễn Gia Nùng phát biểu “Nói đến bản sắc văn hoá dân tộc trong văn học
nghệ thuật suy cho cùng, cũng chính là nói đến giá trị phản ánh chân thực, sâu sắc con
người Việt Nam, văn hoá Việt Nam tới mức độ nào trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” [91,
tr.68]. Tương tự như vậy, Trúc Chi có viết “Bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật không
chỉ là trung thực của bức tranh mà còn là đời sống được thu nhỏ đầy sinh động, có lịch sử,
có quá trình”[91, tr.461],…
Chính những ý kiến của các tác giả nêu trên đã làm nảy sinh một vấn đề đòi hỏi giới
những nhà nghiên cứu cần quan tâm: “Có phải bản sắc dân tộc là một thuộc tính tất yếu của
văn học?”. Hầu hết các nhà nghiên cứu theo quan điểm này đều tán thành. Tác giả Nguyễn
Văn Hạnh trong công trình “Cơ sở lý luận văn học” có viết “ Có thể nói, đặc điểm dân tộc
không phải là chất lượng mà là thuộc tính tất yếu của văn học” [32, tr.2], trong công trình
“Các nhà văn bàn về lao động văn học”, Biêlinxki cũng phát biểu: “Mỗi nhân vật phải gắn
với một dân tộc nhất định, một thời đại nhất định, vì con người không có tính dân tộc không
phải là con người thật sự, mà là một khái niệm trừu tượng. Vì vậy mà rõ ràng là tính dân tộc
trong tác phẩm nghệ thuật không phải là một thành tích mà chỉ là một thuộc tính tất yếu của
việc sáng tạo”, theo tác giả “Cuộc sống của bất cứ một dân tộc nào cũng thể hiện ra dưới

những hình thức của bản thân nó và chỉ riêng thuộc về nó mà thôi, vì thế mà nếu việc miêu
tả cuộc sống là chân thực thì nó cũng có tính dân tộc”. Có lẽ dựa vào ý kiến này của


Biêlinxki, trong Hội thảo đi tìm tính dân tộc trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Trần Văn
Cẩn đã phát biểu “Thực ra, tính dân tộc chẳng phải là sự sáng tạo gì ghê gớm lắm của nghệ
sĩ. Vì nó là thuộc tính của nghệ thuật, và trước hết là thuộc tính của hiện thực” [98, tr.11].
Bên cạnh các quan niệm trên còn có rất nhiều những quan niệm khác về bản sắc dân tộc
cho nên nó có đủ hình dung, sắc thái. “Có người cho nó mông lung, mơ hồ như sương thu,
phiêu diêu như tinh thần; Có người cho nó “thiển cận, thực tế như vật chất” [91, tr.62]. Lại
cũng có người cho nó “phải có ít nhiều tính chất hư hư thực thực mà khoa học không kiểm
chứng chính xác được, còn dân gian thì không cần kiểm chứng” [91, tr.282]. Do vậy, có
người quan niệm không thể mô tả trọn vẹn bản sắc văn hoá dân tộc trong một số câu chữ vì
nó muôn mặt, muôn hình. Việc cô đọng ý nghĩa bản sắc dân tộc thành lời lẽ cũng giống như
“tay không bắt không khí, ta thấy không khí ở khắp mọi nơi và riêng trong tay ta chẳng nắm
được gì cả” [91, tr.62],…
Tóm lại: Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh khái niệm bản sắc dân tộc. Mỗi nhà
khoa học, nhà nghiên cứu là một khái niệm không giống nhau tuỳ theo quan điểm và cách
tiếp cận của mình. Các khái niệm khác nhau đó xét từng góc độ là đúng nhưng nếu xét ở các
góc độ khác thì không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Do vậy, việc đưa ra một cái nhìn
cơ bản, tổng hợp về bản sắc dân tộc và bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật là rất cần
thiết.
1.2. Bước đầu xác định một quan niệm về bản sắc dân tộc.
1.2.1. Quan niệm về bản sắc dân tộc.
Bản sắc dân tộc là một phạm trù dùng để chỉ tổng thể những giá trị vật chất cũng như
tinh thần mang những nét đặc trưng riêng do tính đặc thù của những điều kiện địa lý, kinh tế,
lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ,… của dân tộc tạo nên nhằm phân biệt với các dân tộc khác.
Trong cuộc sống hằng ngày, bản sắc dân tộc được hình thành và biểu hiện ở khắp các
lĩnh vực trong hoạt động xã hội của mỗi dân tộc từ những hoạt động mưu sinh, ngôn ngữ, lối
sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán đến nghệ thuật,…Dễ nhìn nhận nhất là nó được phản

ánh trong nền văn hoá nghệ thuật của mỗi dân tộc, trong đó có văn học.
Khi nghiên cứu bản sắc dân tộc, cần chú ý hai điều sau:


Thứ nhất, không nên hiểu bản sắc dân tộc là những gì chỉ dân tộc mình có mà các dân
tộc khác không có. Sự khác nhau về bản sắc của các dân tộc là ở chỗ mỗi dân tộc nhấn mạnh
những yếu tố khác nhau, ưu tiên những mặt khác nhau, và ở từng dân tộc, mỗi mặt, mỗi yếu
tố cũng bộc lộ theo nhiều kiểu khác nhau tuỳ theo quan niệm về cái đẹp của mỗi dân tộc do
những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể tạo nên.
Thứ hai, không nên quan niệm rằng bản sắc dân tộc là những yếu tố nhất thành bất biến,
luôn đứng yên không bao giờ vận động, thay đổi mà ngược lại, bản sắc dân tộc qua thời gian
sẽ được bồi đắp, bổ sung những nét mới, xoá bỏ những giá trị cũ, lỗi thời tuỳ theo sự thay
đổi các điều kiện sống cũng như tâm lý, tính cách,… của dân tộc qua quá trình giao lưu với
các nền văn hoá thế giới.
1.2.2. Điều kiện, yêu cầu để một tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn học
nói riêng đậm đà bản sắc dân tộc.
1.2.2.1.

Đối với nhà nghệ sĩ, nhà văn hay nói chung là chủ thể sáng tạo:

Để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực, mang đậm bản sắc dân tộc
thì điều kiện trước tiên đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một tâm hồn dân tộc, biết hoà cảm với
những nỗi băn khoăn, khát vọng, mừng, giận, yêu thương,… của dân tộc, luôn đứng về phía
dân tộc, bênh vực cho những quyền lợi chính đáng của dân tộc, ca ngợi những phẩm chất cao
đẹp của con người, chống lại những thế lực xấu xa chà đạp lên quyền sống, quyền được tự
do, hạnh phúc của con người. Được như thế thì bất kỳ nói về một cái gì dù đó là một hiện
thực khác, một cuộc sống khác, một nhân vật khác không phải của mình và dân tộc mình,
người nghệ sĩ cũng luôn xâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, chuyển hoá cái
đối tượng khách quan thành ra cái chủ quan của bản thân, của dân tộc và luôn mang một tấm
lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù với một vẻ đẹp rất bình dị của cuộc sống, rất nhạy cảm với

những thay đổi xung quanh, dễ phát hiện ra trong cuộc sống những nét đặc sắc để đưa vào
tác phẩm. Tuy nhiên, tâm hồn dân tộc chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ để tạo nên một
tác phẩm đậm bản sắc dân tộc bởi nếu không có được một tài năng nghệ thuật bẩm sinh, một
năng khiếu trời cho cùng với một vốn sống phong phú, và một vốn văn hoá nghề nghiệp thì
người nghệ sĩ không thể nào tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tài năng bẩm sinh
có thể “giúp người nghệ sĩ cảm nhận cuộc sống một cách mới mẽ, sâu sắc, tinh tế, không
giống thói thường bằng tất cả sự tồn tại của mình, bằng cả sự hiểu biết và trực giác, ý thức


và vô thức, đồng thời có khả năng định hình, vật chất hoá những cảm nghĩ, những ấn tượng
nhiều khi rất mâu thuẫn, mơ hồ bằng chất liệu ngôn ngữ, cố định chúng lại trong những hình
ảnh, nhịp điệu,… để cho mình và người khác lại nghe thấy được, cảm nhận được, rung động
được” [33, tr.111]. Những hiểu biết thực tế, sự trải nghiệm cuộc đời có thể tạo cho nhà văn
cảm hứng, chất liệu sáng tạo trực tiếp, sự sinh động, sức hấp dẫn của tác phẩm còn vốn văn
hoá nghề nghiệp cung cấp cho nhà văn những kiến thức về cách xây dựng nhân vật, việc sử
dụng ngôn ngữ,… đặc biệt là những tư liệu liên quan đến đề tài, nhất là đề tài lịch sử.
Khi đã hội đủ những điều kiện trên, nghệ sĩ muốn đạt được thành công, muốn vững
bước lâu dài trên con đường văn nghiệp thì cần phải tự bồi dưỡng, trao dồi bằng cách phải
học, phải đọc không ngừng nhưng không phải chỉ học và đọc những gì của nền văn hoá dân
tộc như ý kiến của nhà thơ Huy Cận đã nêu trên mà phải biết tiếp thu có chọn lọc những cái
mới, cái hay, cái tiến bộ của nền văn hoá nhân loại, đồng thời phải sống thật sâu sắc cuộc
sống hằng ngày của mình, quan sát và suy ngẫm về mọi điều đang diễn ra xung quanh và
trong chính tâm hồn mình, từ những biến cố trọng đại đến những điều tưởng như vô nghĩa để
tìm ra ý nghĩa sâu xa của nó.
1.2.2.2.

Đối với tác phẩm.

Về nội dung: Dù đề cập đến vấn đề nào, viết về đề tài gì đi chăng nữa thì nội dung tư
tưởng của tác phẩm cũng phải gắn liền với dân tộc, lột tả được hiện thực dân tộc, đặt ra được

một hay nhiều vấn đề quan trọng có liên quan đến vận mệnh toàn thể dân tộc và giải quyết
vấn đề đó phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân tộc.
Về hình thức: Yếu tố cơ bản của hình thức là ngôn ngữ. Trong tác phẩm, ngôn ngữ
đóng một vai trò quan trọng bởi mọi hình tượng nghệ thuật phản ánh hiện thực đời sống dân
tộc, tâm hồn dân tộc đều thông qua ngôn ngữ. Do vậy, để một tác phẩm được đậm đà bản sắc
dân tộc thì cần phải sử dụng ngôn ngữ dân tộc để sáng tác. Tuy nhiên, nói như thế không
phải mọi tác phẩm được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Pháp trong nền văn học nước ta (nền
văn học cổ của ta và các tác phẩm của Hồ Chí Minh) là không đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta cần hiểu rằng, việc ông cha xưa kia dùng chữ Hán làm ngôn ngữ sáng tác tuy là
một hạn chế lịch sử, nhưng cũng là một tất yếu lịch sử khi dân tộc ta chưa có một thứ chữ
viết thuận tiện và phổ cập để ghi lại và truyền bá một số công trình sáng tác tinh tế của mình,
còn trường hợp của Hồ Chí Minh, do sáng tác trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, trong


×