Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Mối quan hệ giữa chỗ dựa xã hội và cách ứng phó với stress của sinh viên trường Đại học Y dược - Đại học Huế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (336.77 KB, 8 trang )

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỖ DỰA XÃ HỘI VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS
CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC - ĐẠI HỌC HUẾ
NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG - ĐINH THỊ HỒNG VÂN
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Chất lượng và hiệu quả của chỗ dựa xã hội trong quá trình hỗ trợ cá
nhân ứng phó với stress vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới
học thuật. Nghiên cứu này nhằm tiếp tục xác định chất lượng và tính hiệu quả
của chỗ dựa xã hội trong mối tương quan với các cách ứng phó với stress. Kết
quả khảo sát cho thấy chỗ dựa xã hội có mối tương quan thuận với các cách
ứng phó hiệu quả như “giải quyết vấn đề”, “tìm kiếm chỗ dựa xã hội” và “cấu
trúc lại nhận thức”. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những sinh
viên có nhiều chỗ dựa xã hội vẫn sử dụng các cách ứng phó kém hiệu quả với
stress. Vì thế, tìm đến các chỗ dựa xã hội đáng tin cậy, giàu kinh nghiệm, có
chuyên môn cao như các nhà tham vấn tâm lý, các nhà trị liệu… là một việc
làm hết sức cần thiết đối với sinh viên khi đối mặt với stress.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Không ầm ĩ nhưng ngấm ngầm, đại dịch stress đang tấn công mạnh mẽ giới học sinh và
sinh viên. Ở Mỹ, cứ 10 sinh viên thì có một sinh viên bị trầm cảm do stress mãn tính
(APA, 2008); ở Thụy Sỹ, 12,9% sinh viên bị stress nặng và 2,7% sinh viên đã thực hiện
ý định tự tử (dẫn theo Edwards, 2007); tại Việt Nam, trong 4000 người “có biểu hiện
không bình thường” đến khám bệnh tại bệnh viện Tâm thần Trung ương thì có đến 30%
là học sinh, sinh viên (dẫn theo Nguyễn Hồi Loan, 2009).
Theo nhiều nhà tâm lý học và xã hội học trên thế giới, những rối loạn về sức khoẻ tinh
thần của học sinh và sinh viên sẽ được hạn chế nếu họ có chỗ dựa xã hội vững chắc.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đều khẳng định những cá nhân có chỗ dựa xã hội tốt
thường sử dụng các cách ứng phó hiệu quả hơn với stress. Tuy vậy, nhiều tác giả tranh
luận rằng hiệu quả của chỗ dựa xã hội trong quá trình hỗ trợ cá nhân ứng phó với stress
không nằm ở số lượng mà nằm ở chất lượng; nghĩa là, không phải có nhiều chỗ dựa xã
hội là tốt mà quan trọng là những chỗ dựa thân thiết, tin tưởng, giàu kinh nghiệm, đặc
biệt là những hỗ trợ từ các dịch vụ sức khỏe tinh thần hoặc các nhà tham vấn thực thụ


(Taylor, 1998). Mặt khác, nhiều tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực
huy động nguồn lực xã hội của các cá nhân. Dù có nguồn lực vững chắc nhưng các cá
nhân không huy động được hoặc không biến các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài thành nội
lực ứng phó của bản thân thì chỗ dựa xã hội cũng không thực sự phát huy được sức
mạnh vốn có của nó (Mosher, Prelow, Chen và Yackel, 2006).
Như vậy, có thể thấy việc xác định và phát huy chất lượng, tính hiệu quả của chỗ dựa xã
hội trong mối tương quan với các chiến lược ứng phó luôn có ý nghĩa lý luận và thực
tiễn cao. Đặc biệt ở Việt Nam, tuy hiện nay có khá nhiều nghiên cứu về stress của sinh
viên nhưng ứng phó với stress và mối quan hệ của nó với chỗ dựa xã hội chưa được
nhiều tác giả chú trọng. Trên bình diện đó, nghiên cứu này nhằm cung cấp một cái nhìn
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(13)/2010: tr. 93-100


94

NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG - ĐINH THỊ HỒNG VÂN

tổng quan về mối quan hệ giữa cách ứng phó với stress của sinh viên trường Đại học Y
Dược - Đại học Huế (ĐHYD - ĐHH) và chỗ dựa xã hội; trên cơ sở đó, nâng cao nhận
thức cho sinh viên, gia đình và xã hội về vai trò to lớn của chỗ dựa xã hội trong việc
kiểm soát stress.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trắc nghiệm là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này, với hai thang
đo sau:
a. Thang đo hỗ trợ xã hội (Multidimensional Scale of Perceived Social Support,
MSSS) của Zimet, Dahlem, Zimet, và Farley (1988). Thang đo này được thiết kế để
đánh giá chỗ dựa xã hội theo nhận định của từng cá nhân. Tổng điểm càng cao chứng tỏ
hỗ trợ xã hội càng nhiều, càng vững chắc và ngược lại. Độ tin cậy tổng thể của thang đo
khá cao, với chỉ số Cronbach alpha là 0,88.

b. Bảng kiểm cách ứng phó với stress (Coping Strategies Inventory, CSI) của Garcia và
các đồng sự (2006). Phiên bản sử dụng có thể được xem là bảng rút gọn của Tobin,
Halroyd và Reynolds (1984), gồm có 40 câu để đánh giá các cách ứng phó đối với các
sự kiện căng thẳng trong một tháng qua theo 8 loại cơ bản: giải quyết vấn đề, cấu trúc
lại nhận thức, bộc lộ cảm xúc, tìm kiếm chỗ dựa xã hội, lảng tránh vấn đề, mơ tưởng, đổ
lỗi cho bản thân và cô lập bản thân. Với chỉ số Cronbach alpha từ 0,63 đến 0,89, phiên
bản CSI của Garcia và các đồng sự (2006) là thang đo có đủ độ tin cậy để đo các cách
ứng phó của con người trước các sự kiện căng thẳng.
Hai thang đo này được chúng tôi khảo sát trên 305 sinh viên trường Đại học Y Dược –
Đại học Huế (ĐHYD - ĐHH). Kết quả khảo sát được phân tích bằng phần mềm SPSS
15.0. Chỉ số Cronbach alpha của thang đo MSSS trong nghiên cứu này là 0,90 và của
bảng kiểm CIS là 0,88. Điều này cho thấy bộ công cụ sử dụng trong nghiên cứu của
chúng tôi đều có độ tin cậy cao, đảm bảo sự chính xác của các kết quả thu được.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Chỗ dựa xã hội: Chỗ dựa xã hội được định nghĩa là sự hỗ trợ ứng phó hay là sự
trao đổi nguồn lực giữa người cung cấp và người nhận nhằm làm tăng tình trạng sức
khỏe tinh thần của người nhận (Zimet và các cộng sự, 1989). Mỗi cá nhân có thể nhận
từ chỗ dựa xã hội những hỗ trợ về mặt vật chất (như cung cấp đồ dùng), thông tin (như
cho lời khuyên) và cảm xúc (như tạo nên sự an toàn tâm lý, che chở…).
Kết quả từ Bảng 1 cho thấy sinh viên trường ĐHYD - ĐHH có chỗ dựa xã hội tương đối
vững chắc. Điểm số này tương đương với điểm số của sinh viên Y Khoa trường Seth G.S.
Medical College tại Mumbai, Ấn Độ (Supe, 2008) và khá cao so với điểm số của sinh
viên tại các nước Phương Tây (Edwards, 2007). Có thể nhận thấy rằng với nền văn hóa có
tính cộng đồng và cố kết cá nhân cao, sự gắn bó, liên hệ giữa các thành viên trong xã hội
ở các nước phương Đông thường bền chặt và ổn định hơn nên chỗ dựa xã hội của sinh
viên Á Đông, trong đó có sinh viên Việt Nam, thường vững chắc và đa dạng hơn.
Bảng 1. Các chỗ dựa xã hội


MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỖ DỰA XÃ HỘI VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS…


Các chỗ dựa xã hội
Bạn bè
Gia đình
Người đặc biệt
Chung

Điểm trung bình
10,4
11,7
10,9
33,0

95

Độ lệch chuẩn
3,34
3,11
3,87
8,66

Đặc trưng văn hóa Á Đông cũng được thể hiện khá rõ nét trong nghiên cứu này khi chỗ
dựa gia đình của các sinh viên ĐHYD - ĐHH chiếm điểm số cao hơn các chỗ dựa xã
hội khác. Trong khi đó, các nghiên cứu ở Phương Tây hầu hết đều cho thấy sinh viên
thường nhận nhiều hỗ trợ từ bạn bè và những người đặc biệt khác hơn là từ gia đình
(Edwards, 2007). Khác với văn hóa Tây Âu, ở Việt Nam, dù con cái đã đến tuổi trưởng
thành thì gia đình vẫn luôn là tấm bình phong che chắn cho con cái, hỗ trợ con cái từ vật
chất đến tinh thần. Hỗ trợ gia đình dường như bao giờ cũng được xem là hỗ trợ chính
yếu mà cá nhân nương tựa vào khi gặp khó khăn nào trong cuộc sống.
Ngoài hỗ trợ từ gia đình, kết quả nghiên cứu còn cho thấy sinh viên trường ĐHYD - ĐHH

nhận nhiều hỗ trợ từ bạn bè và những người đặc biệt khác. Đây thực sự là một điểm tựa
vững vàng cho sinh viên khi đối mặt với các tác nhân gây stress trong đời sống.
3.2. Các cách ứng phó với stress
“Ứng phó là những nỗ lực không ngừng nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cá
nhân để giải quyết các yêu cầu cụ thể, tồn tại bên trong cá nhân và trong môi trường
mà cá nhân nhận định chúng có tính đe doạ, thách thức hoặc vượt quá nguồn lực của
họ” (Lazarus, 1999, tr. 156). Cho đến nay, chưa có một bảng phân loại chung cho các
cách ứng phó mà hầu hết chúng được xác định bởi các nhà nghiên cứu khác nhau tuỳ
theo đối tượng và mục đích nghiên cứu của họ (Phan Thị Mai Hương, 2007). Trong
nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng cách phân loại của Tobin và các đồng sự (1988) như
đã trình bày ở trên.
Bảng 2: Các cách ứng phó với stress
Các cách ứng phó
Giải quyết vấn đề
Cấu trúc lại nhận thức
Bộc lộ cảm xúc
Tìm kiếm chỗ dựa xã hội
Lảng tránh vấn đề
Mơ tưởng
Đổ lỗi cho bản thân
Cô lập bản thân

Điểm trung bình
2,6
2,5
2,1
2,1
1,9
2,3
2,0

1,9

Độ lệch chuẩn
0,69
0,73
0,62
0,79
0,68
0,84
0,83
0,75

Kết quả khảo sát thực trạng chỉ ra rằng sinh viên trường ĐHYD - ĐHH sử dụng loại
ứng phó “Giải quyết vấn đề” và “Cấu trúc lại nhận thức” với mức độ khá cao. Kết quả
này phản ánh tính tích cực của sinh viên trường ĐHYD - ĐHH khi ứng phó với stress
bởi giải quyết vấn đề và cấu trúc lại nhận thức đều được xem là các ứng phó thuộc
nhóm ứng phó tập trung vào vấn đề (problem-focused engagement) - nhóm được xem là


96

NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG - ĐINH THỊ HỒNG VÂN

mang lại nhiều hiệu quả, làm giảm mức độ stress triệt để nhất (Tobin và các cộng sự,
1988). Cả hai loại ứng phó này đều cho thấy sự tích cực, chủ động của cá nhân khi đối
mặt với các tình huống gây căng thẳng, thông qua những nỗ lực nhằm loại bỏ tác nhân
gây căng thẳng hoặc nhìn nhận chúng dưới góc độ tích cực hơn bằng cách tìm kiếm
những ý nghĩa tốt đẹp ngay trong các tác nhân gây stress.
Tiếp theo hai nhóm ứng phó trên, “Bộc lộ cảm xúc” và “Tìm kiếm hỗ trợ xã hội” cũng
là những kiểu ứng phó được sinh viên trường ĐHYD - ĐHH sử dụng với tần suất tương

đối cao. Theo quan điểm của Tobin và các cộng sự (1988), bộc lộ cảm xúc và tìm kiếm
hỗ trợ xã hội thuộc nhóm ứng phó tập trung vào cảm xúc. Nhìn chung, việc thể hiện
cảm xúc là phương cách tương đối hiệu quả để ứng phó với stress, song thể hiện cảm
xúc quá mức như nóng giận, bực tức… có thể dẫn đến sự mất cân bằng tâm lý của con
người (Phan Thị Mai Hương, 2007). Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, tìm kiếm hỗ
trợ xã hội thường được xem là kiểu ứng phó tích cực bởi nó có thể làm giảm mức độ
stress khi con người có nơi tin cậy để bộc lộ, chia sẻ cảm xúc, lắng nghe những lời
khuyên để tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng tính cực.
Kết quả khảo sát thực trạng cũng chỉ ra rằng bên cạnh những cách ứng phó tích cực,
sinh viên trường ĐHYD - ĐHH còn sử dụng các cách ứng phó thuộc nhóm lảng tránh
với tần suất cần được cảnh báo, trong đó, hai kiểu ứng phó “Lảng tránh vấn đề” và “Mơ
tưởng” được sử dụng với tần suất khá cao, đặc biệt là kiểu ứng phó mơ tưởng
( X =2,27). Lảng tránh vấn đề cùng với sự mơ tưởng làm tăng tinh thần “lạc quan tếu”,
khiến sinh viên không tập trung giải quyết triệt để vấn đề mà chỉ hy vọng những điều kỳ
diệu có thể xảy ra. Hành vi lảng tránh và trốn chạy thường được xem là kém hiệu quả
nhất khi ứng phó với stress và hạ thấp khả năng ứng phó của cá nhân mặc dù nó có thể
giúp giảm nhẹ tạm thời mức độ stress (Tobin và các cộng sự, 1988).
Những cách ứng phó kém hiệu quả khác như “Đổ lỗi cho bản thân”, “Cô lập bản thân”
ít được sinh viên sử dụng hơn nhưng vẫn cần được cảnh báo. Khác với việc chấp nhận
thực tế và nhận trách nhiệm một cách tích cực, việc tự dày vò bản thân, tránh tiếp xúc
với người khác khiến sinh viên dồn nén cảm xúc vào bên trong, không dám đối mặt với
thực tế, từ đó tình trạng stress càng trầm trọng và dễ dẫn đến trầm cảm (Tobin và các
cộng sự, 1988).
Như vậy, nghiên cứu thực trạng cho thấy sinh viên trường ĐHYD - ĐHH sử dụng khá
đa dạng và phong phú các loại ứng phó hiệu quả và không hiệu quả. Tuy các nhóm ứng
phó hiệu quả được sử dụng với tần suất khá cao nhưng sự xuất hiện của các nhóm ứng
phó không hiệu quả khiến sức mạnh của nhóm ứng phó hiệu quả bị giảm thiểu. Đúng
như nhận xét của Barbara, Barba, Kahloon, Kazmi, Khalid, Nawaz, Khan và Khan
(2004, tr. 348) “sinh viên Y khoa nói riêng và sinh viên nói chung thường tự thử nghiệm
với đủ loại ứng phó một cách may rủi, vừa có lợi, vừa có hại khiến cho trạng thái căng

thẳng dường như càng thêm phức tạp”. Có thể nói sinh viên cần phải nhận thức tác hại
của các nhóm ứng phó không hiệu quả và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các nhà
tham vấn để sớm loại bỏ các kiểu ứng phó ấy.


MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỖ DỰA XÃ HỘI VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS…

97

3.3. Mối quan hệ giữa chỗ dựa xã hội và các cách ứng phó
Nhằm đánh giá hiệu quả và chất lượng của chỗ dựa xã hội, chúng tôi tiến hành phân tích
mối quan hệ giữa chỗ dựa xã hội và các kiểu ứng phó. Kết quả hiển thị ở Bảng 3 cho
thấy, nhìn chung, chỗ dựa xã hội có hệ số tương quan thuận với các cách ứng phó hiệu
quả như “Giải quyết vấn đề”, “Cấu trúc lại nhận thức” và “Tìm kiếm hỗ trợ xã hội”.
Trong đó, chỗ dựa xã hội tương quan mạnh nhất với cách ứng phó tìm kiếm chỗ dựa xã
hội (r = 0,348; p<0,01). Điều này có nghĩa là khi chỗ dựa xã hội càng cao thì sự tìm
kiếm hỗ trợ xã hội càng lớn và ngược lại. Như vậy, có thể kết luận rằng những sinh viên
có chỗ dựa xã hội vững chắc thường tìm đến các nguồn hỗ trợ xã hội khi gặp stress
trong cuộc sống. Quan trọng hơn, kết quả này còn cho thấy khả năng huy động, tận
dụng nguồn lực xã hội khi gặp các sự kiện gây stress của sinh viên là khá cao. Điều này
đặc biệt có ý nghĩa to lớn bởi dù có sẵn nguồn lực bên mình nhưng nếu không biết cách
huy động thì cũng không mang lại lợi ích gì.
Bảng 3. Hệ số tương quan giữa chỗ dựa xã hội và các cách ứng phó
Các chỗ
dựa
xã hội
Gia đình
Bạn bè
Người
đặc biệt

Chung

0,15*
0,46

Cấu trúc
lại nhận
thức
0,21*
0,12*

0,11*
0,14*

Giải quyết
vấn đề

0,79
0,11

Tìm kiếm
hỗ trợ xã
hội
0,18**
0,37**

Đỗ lỗi
cho bản
thân
0,14

-0,05

0,12*
0,11

0,71
0,79

Cô lập
bản
thân
0,59
-0,18*

0,12*

0,11

0,31**

0,13

0,13*

0,88

-0,95

0,19*


0,12*

0,35**

- 0,07

0,16*

0,11

-0,14*

Bộc lộ
cảm xúc


tưởng

Lảng
tránh

Chú thích:
 
 
 *: Tương quan nhị biến có ý nghĩa ở mức 0,05
**: Tương quan nhị biến có ý nghĩa ở mức 0,01

Tương tự với nghiên cứu của Firth (1989), Barbara và các cộng sự (2004), kết quả khảo
sát chỉ ra rằng chỗ dựa bạn bè và những người đặc biệt khác như thầy cô, người yêu… có
quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng cách ứng phó “Tìm kiếm hỗ trợ xã hội” hơn là chỗ dựa

gia đình. Chúng ta có thể lý giải điều này như sau: ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên chịu
ảnh hưởng lớn từ bạn bè và người yêu. Sự chia sẻ, tâm tình và học hỏi giữa những người
đồng trang lứa thường thuận lợi hơn bởi họ có chung các đặc điểm tâm lý và cùng đối mặt
với các khó khăn giống nhau. Hơn nữa, tác nhân chủ yếu gây stress cho sinh viên nói
chung và sinh viên Y Khoa nói riêng là những sự kiện liên quan đến việc học, vì thế sinh
viên thường tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè và thầy cô nhiều hơn là gia đình (Firth, 1989).
Kết quả ở Bảng 3 chỉ ra rằng chỗ dựa xã hội và các nhân tố gia đình, bạn bè và những
người đặc biệt khác đều tương quan thuận với cách ứng phó “Cấu trúc lại nhận thức”.
Hệ số tương quan chung (r = 0,19; p<0,05) cho phép chúng ta kết luận rằng những sinh
viên có chỗ dựa xã hội tốt và vững vàng dễ có khả năng lý giải sự kiện gây căng thẳng
theo hướng tích cực hơn. Điều này cho thấy sự sẻ chia, tâm sự, học hỏi và lắng nghe lời
khuyên của những người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình, đã giúp sinh
viên nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn, biết đón nhận khó khăn và chấp nhận
thực tế. Như vậy, một lần nữa vai trò của chỗ dựa xã hội được khẳng định trong việc hỗ
trợ cá nhân đương đầu với stress.


98

NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG - ĐINH THỊ HỒNG VÂN

Không chỉ giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực mà chỗ dựa xã hội còn
hỗ trợ các phương tiện vật chất và tinh thần cần thiết để sinh viên giải quyết vấn đề. Hệ
số tương quan chung (r = 0,14, p<0,05) cho thấy rằng những sinh viên có chỗ dựa xã
hội tốt khi gặp khó khăn có thể sử dụng loại ứng phó “Giải quyết vấn đề” nhiều hơn.
Kết quả này về cơ bản giống các nghiên cứu của Firth (1989), Barbara và các cộng sự
(2004). Chỗ dựa xã hội, có thể nói, đã giúp sinh viên nâng cao nội lực ứng phó của bản
thân, trở nên bản lĩnh hơn để trực tiếp đương đầu, loại bỏ các tác nhân gây stress. Đây
có lẽ mới là sức mạnh cao nhất của chỗ dựa xã hội.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi không tìm thấy mối tương quan thuận giữa

chỗ dựa bạn bè và loại ứng phó giải quyết vấn đề. Điều này có thể cho thấy những sinh
viên có chỗ dựa bạn bè vững chắc vẫn không sử dụng cách ứng phó này nhiều hơn các
sinh viên khác. Vai trò của bạn bè vẫn chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, chia sẻ hoàn cảnh
khó khăn, giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, lạc quan hơn chứ không giúp
sinh viên trực tiếp giải quyết vấn đề. Lý giải điều này, nhiều tác giả cho rằng có lẽ với
trải nghiệm cuộc sống còn ít, năng lực tài chính, vật chất khá hạn chế nên bạn bè khó có
thể giúp sinh viên loại bỏ tác nhân gây stress một cách triệt để (Firth, 1989; Mosher,
Prelow, Chen và Yackel, 2006).
Ngoài ra, quan trọng hơn, hệ số Pearson cho thấy chỗ dựa xã hội có tương quan nghịch
với kiểu ứng phó “Cô lập bản thân”. Những sinh viên có chỗ dựa xã hội vững vàng đã
không lảng tránh gặp gỡ mọi người, thu mình lại khi gặp stress. Chính chỗ dựa xã hội
đã giúp sinh viên cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc và tâm trạng của mình. Điều
này hết sức quan trọng bởi nó tránh được khả năng xảy ra trầm cảm khi cá nhân tự rút
lui và âm thầm chịu đựng trạng thái căng thẳng.
Nhìn chung, có thể nhận định rằng việc có được chỗ dựa tin cậy, cung cấp từ vật chất
đến tinh thần đã giúp sinh viên có thêm sức mạnh nội lực để ứng phó với stress. Tuy
nhiên, khác với các nghiên cứu của Mosher, Prelow, Chen và Yackel (2006), nghiên
cứu này cho thấy chỗ dựa xã hội có mối tương quan thuận với loại ứng phó “Mơ
tưởng”, hệ số tương quan lại cao hơn hệ số tương quan giữa chỗ dựa xã hội và cách ứng
phó giải quyết vấn đề (r=0,16 > r = 0,14; p<0, 05). Như vậy, kết quả khảo sát này chỉ ra
rằng những sinh viên có nhiều chỗ dựa xã hội vẫn sử dụng cách ứng phó kém hiệu quả.
Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng có quá nhiều sự hỗ trợ xã hội có thể khiến cá nhân
sử dụng thử nghiệm đủ loại ứng phó, vừa hiệu quả, vừa không hiệu quả bởi lúc đó họ
nhận rất nhiều lời khuyên và không biết lời khuyên của ai là hợp lý (dẫn theo Taylor,
1998). Điều này khiến chúng ta cần phải quan tâm đến chất lượng thật sự của chỗ dựa
xã hội. Chỉ những chỗ dựa xã hội giàu trải nghiệm, được trang bị các kiến thức liên
quan đến stress và ứng phó với stress mới thực sự tạo được nội lực ứng phó cho sinh
viên thông qua việc rèn luyện cho họ một số kỹ năng ứng phó nhất định. Nghiên cứu
này của chúng tôi cũng cho thấy rằng chỉ 18% sinh viên trường ĐHYD - ĐHH tìm đến
sự hỗ trợ của các nhà tham vấn tâm lý hoặc các bác sỹ tâm thần; vì thế chất lượng hỗ trợ

xã hội mà họ nhận được dù khá nhiều, vững chắc nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp.
Vì lẽ đó, họ vẫn sử dụng khá nhiều các kiểu ứng phó kém hiệu quả với tần suất tương


MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỖ DỰA XÃ HỘI VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS…

99

đối cao. Có thể khẳng định rằng vai trò và chức năng của các nhà tham vấn - một chỗ
dựa xã hội đáng tin cậy - cần được sinh viên, giáo viên và các bậc phụ huynh… nhận
thức đầy đủ và đúng đắn hơn.
4. KẾT LUẬN
Nghiên cứu này cho thấy sinh viên trường ĐHYD - ĐHH có chỗ dựa xã hội khá nhiều
và vững chắc. Họ cũng sử dụng khá đa dạng và phong phú các loại ứng phó với stress,
vừa hiệu quả, vừa không hiệu quả. Chỗ dựa xã hội có mối tương quan thuận với khá
nhiều các loại ứng phó hiệu quả như tìm kiếm chỗ dựa xã hội, cấu trúc lại nhận thức và
giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, chỗ dựa xã hội cũng có mối tương quan thuận với kiểu
ứng phó mơ tưởng - một kiểu ứng phó stress kém hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cho
thấy vai trò, chức năng và trách nhiệm của các nhà tham vấn cần được đề cao và cần
được sinh viên, giáo viên và phụ huynh nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ hơn.
Dựa trên một số kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa chỗ dựa xã hội và các loại ứng
phó với stress, chúng tôi nêu lên một số đề xuất sau:
- Cần phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc
giáo dục nhận thức và hiểu biết về stress và ứng phó với stress nói chung và của
sinh viên nói riêng.
- Cần tạo ra môi trường học tập lành mạnh, xây dựng văn hoá và bầu không khí
trường học nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tin yêu, đoàn kết, tương thân, tương ái.
- Khuyến khích sinh viên tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các nhà tham vấn,
các nhà trị liệu khi có các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần
- Mở trung tâm tham vấn học đường cho sinh viên ngay trong trường học. Trung

tâm tham vấn là nơi mà sinh viên có thể tin cậy trao đổi, giãi bày những buồn
phiền và tìm cách giải quyết hợp lý nhất.
- Thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần nâng cao hiểu biết và nhận thức về stress và
ứng phó với stress thông qua các kênh thông tin đại chúng hoặc có thể tìm đến
gặp chuyên gia để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Họ cần phải gần gũi, nắm bắt diễn
biến tâm lý của sinh viên để có sự can thiệp sớm nhất có thể. Đồng thời, cần tích
cực phối hợp lẫn nhau để các tác động thêm hiệu quả.
- Cần xây dựng đời sống gia đình êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc và vui vẻ. Điều này
giúp con cái bớt đi những tác nhân gây stress từ phía gia đình và quan trọng hơn,
đó chính là chỗ dựa vững chắc hỗ trợ con cái ứng phó tốt với các tác nhân gây
stress khác trong cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]

Barba, K., Kahloon, A., Kazmi, M., Khalid, H., Nawaz, K., Khan, N, A. & Khan, S.
(2004). Students, stress and coping Strategies: A Case of Pakistani Medical School.
Education for Health, 17(3), 346-353.


100

[2]
[3]
[4]
[5]
[6]
[7]
[8]

[9]

[10]
[11]
[12]

NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG - ĐINH THỊ HỒNG VÂN

Zimet, G. D., Dahlem, N. W., Zimet, S. G. & Farley, G. K. (1988). The
Multidimensional Scale of Perceived Social Support. Journal of Personality
Assessment, 52(1), 30-41.
Edwards, M.L. (2004). Measuring perceived social support in Mexican American
Youth: Psychometric properties of the Multidimensional Scale of Perceived Social
Support. Hispanic Journal of Behavioral Sciences, 26(2), 187-194.
Firth, J. (1989). Levels and sources of stress in medical students. British Medical
Journal, 292, 1177-1180.
Garcia, F. J, Franco, R. L. & Garcia, M. J. (2006). Spanish version of Coping
Srategies Inventory. Actas Esp Psiquiatr, 35(1), 29-39.
Lazarus, R (1999). Stress and emotion. New York: Springer Publishing Company, Inc.
Mosher, C. E., Prelow, H. M., Chen, W. W. & Yackel, M. E. (2006). Coping and
social support as mediators of the relation of optimism to depressive symptoms
among Black College Students. Journal of Black Psychology, 32(1), 72-86.
Nguyễn Hồi Loan (2009). Rối nhiễu tâm lý của trẻ vị thành niên ở các trường phổ
thông trên địa bàn Hà Nội (Thực trạng - Nguyên nhân - Giải pháp). Kỷ yếu Hội thảo
Khoa học Quốc tế: “Nhu cầu, định hướng và đào tạo Tâm lý học đường tại Việt
Nam”. Viện Tâm lý học Việt Nam.
Phan Thị Mai Hương. (2007). Các cách ứng phó của trẻ vị thành niên với hoàn cảnh
khó khăn. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Supe, A. N. (1998). A study of stress in medical students at Seth GS Medical College.
Journal of Postgraduate Medicine, 44, 1-6.
Taylor, S. (1991). Health Psychology. London: Mc Graw Hill, Inc.
Tobin, D. L., Holroyd, K. A.; Reynolds, R. V. & Wigul, J. K. (1989). The hierarchical

factor structure of the Coping Strategies Inventory. Cognitive Therapy and Research,
13, 343-361.

Title:
 THE RELATIONSHIPS BETWEEN SOCIAL SUPPORT AND COPING STRATEGIES
OF MEDICAL STUDENTS OF HUE UNIVERSITY’S COLLEGE OF MEDICINE AND
PHARMACY
Abstract: The role of social support in the development of coping strategies for stress has been
an academically controversial content. This study continued to identify the quality and
efficiency of social support as a contributor to coping strategies. The findings showed that social
support was positively correlated to adaptive coping strategies such as problem solving, social
support seeking and cognition reconstructing. However, correlation results also indicated that
social support was a significant positive contributor to maladaptive coping strategies. The study
suggested that seeking supports from psychological counselors and therapists should be highly
acknowledged by students.
NGUYỄN PHƯỚC CÁT TƯỜNG
Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
ĐT: CQ: 054.825312, NR: 054.931095. Email:
ThS. ĐINH THỊ HỒNG VÂN
Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
ĐT: CQ: 054.3825312, DĐ: 0169.7705701. Email:
 



×