Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Bài tiểu luận cuối kì quy định pháp luật về thực hiện hợp đòng khi hoàn cảnh thay đỏi hay, điểm cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.26 KB, 18 trang )

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU...................................................................................................................
NỘI DUNG...............................................................................................................
I. PHÂN TÍCH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ THỰC
HIỆN HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN.............................
1. Khái quát chung về hợp đồng........................................................................
1.1. Khái niệm hợp đồng................................................................................
1.2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự.....................................................
1.3. Nội dung giao kết hợp đồng dân sự........................................................
2. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản......................................
2.1. Các điều kiện để điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ
bản 7
2.2. Nội dung điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản...............
II.

ĐÁNH GIÁ, ĐỀ XUẤT HƯỚNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH

PHÁP LUẬT.........................................................................................................
KẾT LUẬN.............................................................................................................
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................


MỞ ĐẦU
Quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là một
trong những quy định mới mang tính đột phá của Bộ luật dân sự năm 2015,
góp phần hoàn thiện pháp luật dân sự nói chung, pháp luật về hợp đồng nói
riêng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên giao kết hợp
đồng cũng như tương thích với pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy
nhiên đây là quy định chung trong việc thực hiện đối với các loại hợp đồng
nói chung sau khi được giao kết. Do vậy, để hiểu sâu thêm về vấn đề này, em
xin chọn đề bài 08: “Phân tích, đánh giá quy định pháp luật hiện hành về


thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đề xuất hướng hoàn
thiện quy định pháp luật.”
NỘI DUNG


PHÂN TÍCH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ
THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ
BẢN

• Khái quát chung về hợp đồng


Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là một trong những phương tiện pháp lý quan trọng và phổ
biến nhất được sử dụng để thỏa mãn quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể
trong xã hội. Khái niệm về hợp đồng dân sự được xem xét ở nhiều phương
diện khác nhau.
Theo phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy
phạm pháp luật của Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội
phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể
với nhau. Theo phương diện chủ quan, hợp đồng dân sự là một giao dịch dân


sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến một thỏa
thuận để cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất định.
Điều 385 BLDS 2015 đã định nghĩa nó ở dạng khái quát như sau: “Hợp
đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm
dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, hợp đồng dân sự không chỉ là sự thỏa thuận để một bên

chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia mà có thể còn là sự
thỏa thuận để thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ đó. Từ thời điểm hợp
đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau
theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận
của các bên. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ. Đó là khi hoàn cảnh thay đổi
cơ bản thì một bên trong hợp đồng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại
hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, nếu các bên không đạt được thỏa thuận
về việc sửa đổi hợp đồng thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án
chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng. Đây là trường hợp hợp đồng có thể bị sửa
đổi bởi một bên thứ ba theo quy định của pháp luật mà không phải theo ý chí
của các bên trong quan hệ hợp đồng.


Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo
những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các
quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi giao kết hợp đồng các chủ thể phải tuân theo
các nguyên tắc chung:
• Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã
hội:


Mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia
giao kết bất kì một hợp đồng dân sự nào, nếu họ muốn mà không ai có
quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của minh, các chủ thể có quyền giao kết
những hợp đồng dân sự đã được pháp luật quy định cụ thể cũng như những
hợp đồng dân sự khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do
ý chí đó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh chú ý đến
quyền lợi của minh, các chủ thể phải hướng tới việc đảm bảo quyền lợi của

những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội, tự do của mỗi chủ thể
không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
• Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng:
Những hợp đồng được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự
nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Muốn xác định một
hợp đồng dân sự có tuân theo nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa
vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện ý chí đó
trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết . Chỉ khi nào hợp
đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong
muốn bên trong của các bên giao kết thì việc giao kết đó mới được coi là tự
nguyện.


Nội dung giao kết hợp đồng dân sự

Khi thực hiện hợp đồng dân sự, các bên tham gia hợp đồng phải thực
hiện đúng, đầy đủ các điều khoản về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương
thức và các thoả thuận khác mà nội dung của hợp đồng đã xác định. Ngoài
ra, việc thực hiện hợp đồng dân sự còn phải tuân theo những cách thức mà
pháp luật đã quy định đối với từng loại hợp đồng cụ thể sau đây:
• Đối với hợp đồng đơn vụ (Điều 409 BLDS 2015):


Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó đúng thời hạn đã thoả
thuận. Việc thực hiện trước hoặc sau thời hạn mà không được sự đồng ý của
người có quyền sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng dân sự.
• Đối với hợp đồng song vụ (Điều 410 BLDS 2015):
Trong hợp đồng song vụ, mỗi bên đều phải thực hiện nghĩa vụ của
mình khi đến thời hạn. Các bên đều không được lấy lí do bên kia chưa thực
hiện nghĩa vụ đối với mình mà hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (trừ trường hợp

việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia làm cho bên này không thể thực
hiện được nghĩa vụ).
Nếu trong hợp đồng song vụ không xác định bên nào phải thực hiện
nghĩa vụ trước thì cùng một lúc, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ
đối với nhau. Mặt khác, để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi của các bên
trong hợp đồng, pháp luật còn quy định cho bên phải thực hiện nghĩa vụ
trước có quyền hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đó nếu tài sản của bên kia giảm
sút nghiêm trọng đến mức không có khả năng để thực hiện hợp đồng. Khi
nào bên kia khôi phục được khả năng để có thể thực hiện được hợp đồng
hoặc đã có người bảo lãnh thì người phải thực hiện nghĩa vụ trước tiếp tục
thực hiện hợp đồng.
• Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba:
Trong các hợp đồng này, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó
trước người thứ ba khi đến thời hạn. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có
nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu giữa các bên tham gia
hợp đồng đang có tranh chấp về việc thực hiện thì người thứ ba phải tạm
dừng quyền yêu cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết.


Nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ
thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ
nhưng phải thông báo cho bên có quyền biết và hợp đồng được coi là huỷ
bỏ. Nếu sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ mà người thứ ba mới
từ chối lợi ích của mình thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành. Vì vậy, bên
có quyền vẫn phải thực hiện các vấn đề đã cam kết với bên có nghĩa vụ. Mặt
khác, bên có quyền trong giao kết hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho
bên đã thực hiện nghĩa vụ nếu có thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Hợp đồng mua bán
cho người thứ ba hưởng tài sản mua bán. Sau khi kí hợp đồng mà người bán
đã chuyển vật đến nơi cư trú của người thứ ba nhưng họ không nhận, trường
hợp này người bán đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng vì người thứ ba từ chối

tiếp nhận nghĩa vụ và gây thiệt hại cho bên có nghĩa vụ, họ phải vận chuyền
hàng hoá trở lại và bảo quản tài sản đã bán đó.
• Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 BLDS
2015):
Trong những trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị
ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời
hạn hợp lý. Nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp
đồng trong một thời hạn hợp lý thì một trong các bên có thể yêu cầ tòa án
chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; sửa đổi hợp để cân bằng
quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp
việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực
hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.


Trong thời gian các bên đang đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng
hoặc tòa án đang giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện
nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
• Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Mục đích giao kết hợp đồng có thể đạt được hay không phụ thuốc vào
nhiều yếu tố, không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ hợp đồng và thực hiện
nội dung của hợp đồng mà còn bị chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh khác
quan mang lại. Trong trường hợp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nếu tiếp tục
hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên thì hợp đồng có thể
chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của
các bên.
Nội dung về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản đã
được ghi nhận tại Điều 420 BLDS 2015.



Các điều kiện để điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay
đổi cơ bản

• Khoản 1 Điều 420 BLDS 2015 quy định như sau:
“1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao
kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về
sự thay đổi hoàn cảnh;


c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng
đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn
khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp
đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong
khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn
chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”
Thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra
sau khi giao kết hợp đồng: Sự thay đổi hoàn cảnh phải là yếu tố khách quan,
không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng và để ngăn
chặn việc hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra là nằm ngoài khả năng của các
bên chủ thể tham gia giao dịch. Ví dụ như thiên tai, bão lũ… Ngoài ra, thời
điểm của sự thay đổi hoàn cảnh là sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, vì
nếu diễn ra trước hoặc tại thời điểm giao kết thì bắt buộc các bên phải nhận
thức để thỏa thuận nội dung của hợp đồng hoặc không xác lập hợp đồng để
bảo đảm lợi ích của nhau.
Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường
trước được về sự thay đổi hoàn cảnh: Quy định này rất quan trọng, ghi nhận

sự khách quan của hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nó nằm ngoài ý chí của các
bên chủ thể trong hợp đồng. Bởi nếu các bên có nhận thức được sự thay đổi
về hoàn cảnh trước và thậm chí là tại thời điểm giao kết hợp đồng mà các
bên vẫn thỏa thuận giao kết những nội dung như lúc không có sự thay đổi về
hoàn cảnh thì các bên không được hưởng những quyền lợi chính đáng như
chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng.


Thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước
thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung
hoàn toàn khác: Theo quy định này, sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp
đồng làm cho các bên không thể thực hiện được những điều khoản đã ký.
Mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh có thể khiến cho hợp đồng không thể giao
kết hoặc giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác nhau. Điều kiện này
nhằm hướng tới xác định mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh thực
hiện hợp đồng đối với các bên trong hợp đồng.
Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội
dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên: Sự đánh giá về
tác động của hoàn cảnh thay đổi cơ bản đến lợi ích hợp pháp của các bên
trong hợp đồng đóng vai trò quan trọng không kém việc xem xét bản chất
của hoàn cảnh thay đổi. Trường hợp một bên có thể bị thiệt hại nếu tiếp tục
thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng trong hoàn
cảnh mới là chưa đủ để điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản,
mà thiệt hại bên đó phải gánh chịu cần ở mức độ nghiêm trọng. Thiệt hại
nghiêm trọng của một bên không chỉ được biểu hiện ở phương diện kinh tế
mà còn cần được xem xét ở các khía cạnh khác liên quan đến chủ thể.
Thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần
thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không
thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích: Đây là quy định
nhằm xác định nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh

thực hiện hợp đồng. Nếu như bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu
chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng thì bản thân họ cũng có nghĩa vụ ngăn
chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh đến lợi ích
của mình. Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu chấm dứt hoặc


thay đổi nội dụng của hợp đồng thì phải chứng minh đầy đủ các điều kiện,
đặc biệt phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn
không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay
đổi đó.


Nội dung điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ
bản

• Khoản 2 Điều 420 BLDS 2015 quy định:
“Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng
có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp
lý”.
Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản thì bên có lợi ích bị
ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nhằm thay đổi
nội dung hợp đồng đã được ký kết bảo đảm lợi ích của các bên. Khi có yêu
cầu đàm phán lại của bên có lợi ích bị ảnh hưởng thì bên còn lại phải đồng ý
đàm phán mà không được trốn tránh hay gây bất lợi cho người có lợi ích bị
ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc đàm phán này phải được thực hiện trong một
thời hạn hợp lý kể từ thời điểm có sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh thực hiện
hợp đồng. Khi đã quá thời hạn thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng dù có bất cứ lí
do gì cũng không thể yêu cầu bên còn lại đàm phàn lại hợp đồng. Như vậy
trong một thời hạn nhất định, nếu bên có lợi ích bị ảnh hưởng không thực
hiện quyền yêu cầu này của mình thi coi là họ không có nhu cầu thay đổi nội

dung của hợp đồng. Tuy nhiên do thời hạn hợp lý ở đây là thời hạn mà các
bên thỏa thuận để có thể điều chỉnh nội dung hợp đồng nên nếu sau khi đã
quá thời hạn mà bên có lợi ích bị ảnh hưởng thực sự mong muốn thay đổi


nội dung của hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì có thể thỏa thuận lại
với bên còn lại.
Ví dụ: B thuê đất của A để làm nông nghiệp (đất ở vùng núi). Tuy
nhiên vào mùa mưa bão, khiến đất bị sói mòn sạt lở đất nên B không có đất
để làm nông nghiệp.
• B là người có lợi ích bị ảnh hưởng nên B có quyền yêu cầu A đàm
phán lại hợp đồng trong một thời gian hợp lý mà 2 bên thỏa thuận.
• Khoản 3 Điều 420 BLDS 2015 quy định:
“Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng
trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do
hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc
chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện
hợp đồng nếu được sửa đổi”.
Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi
hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể trực tiếp yêu
cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng mà không cần biết bên kia có muốn hay
không. Thời điểm chấm dứt hợp đồng sẽ được Tòa án thống nhất với các bên
và có thông báo đến các bên trước khi tuyên bố chấm dứt hợp đồng. Thời
điểm chấm dứt hợp đồng là thời điểm mà có tuyên bố của Tòa án, từ thời
điểm đó mọi nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan đến hợp đồng đều chấm dứt.



Ví dụ: Công ty may A kí hợp đồng mua vật liệu từ công ty B với giá
trị là 3 tỷ đồng, thời hạn bàn giao vật liệu là theo kì hạn 3 tháng giao một lần
và giao hết hàng khi đã giao đủ trong 3 kì hạn. Tuy nhiên đến thời hạn giao
vật liệu vào kì hạn thứ 3 thì công ty B thông báo xin lùi lại thời hạn vì kho
vật liệu của công ty B bị cháy do sét đánh vào. Việc chậm giao hàng của
công ty B khiến công ty A bị tổn thất nên công ty A muốn đàm phán lại với
công ty B nhưng trong thời hạn hợp lý cả 2 bên đều không thống nhất được
thỏa thuận. Vì vậy lúc này công ty A hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án
chấm dứt hợp đồng này tại một thời điểm nhất định.
Nếu trong thời hạn hợp lý mà các bên vẫn không thỏa thuận được,
thống nhất được với nhau thì một trong các bên tham gia vào hợp đồng đó
có thể yêu cầu Tòa án sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp
pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tuy nhiên Tòa án chỉ được
quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng
sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được
sửa đổi.
Ví dụ: Công ty làm giày da A kí hợp đồng với công ty vật liệu về da
B. Hàng tháng công ty B sẽ chuyển cho công ty A số lượng da theo thỏa
thuận. Tuy nhiên vào mùa bão sét đánh cháy kho hàng của công ty B nên
đến hạn công ty B không thể cung cấp cho công ty A kịp thời mà chậm mất 1
tháng. Việc chậm 1 tháng khiến công ty A mất khách hàng và bị lỗ 200 triệu
đồng. Công ty A và công ty B trong thời gian hợp lý không đàm phán được
nên công ty A đã yêu cầu tòa án sửa đổi hợp đồng. Trong trường hợp này
Tòa án hoàn toàn có thể sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và nghĩa vụ
của các bên. Vì nếu chấm dứt hợp đồng lúc này thì công ty B sẽ phá sản còn


sửa đổi hợp đồng thì công ty B chỉ phải đền bù 1 khoản tiền tương ứng với
thiệt hại mà công ty A phải chịu.
• Khoản 4 Điều 420 BLDS 2015 quy định:

“Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết
vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp
đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng. Tòa án giải
quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo
hợp đồng trước khi thay đổi. Các bên tham gia vào hợp đồng không được
phép dừng việc thực hiện nghĩa vụ của mình với bên còn lại. Nếu trong quá
trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc bên
nào mà không thực hiện nghĩa vụ của mình với bên còn lại thì coi như vi
phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại theo nội dung các bên đã thỏa
thuận trong bản hợp đồng trước khi xảy ra hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Ví dụ: Công ty A kí hợp đồng cung cấp cá basa cho công ty B để công
ty B bán và xuất khẩu ra nước ngoài. Do gặp điều kiện thời tiết xấu nên cá bị
chết số lượng lớn nên công ty A không thể giao đúng kì hạn cho công ty B
được, việc này khiến công ty B thiệt hại nặng nề. Công ty B vì vậy đã yêu
cầu A đàm phán lại hợp đồng với công ty A. Trong thời gian này công ty A
vẫn phải tiếp tục cung cấp cá cho công ty B mà không được dừng thực hiện
nghĩa vụ.


ĐÁNH GIÁ, ĐỀ XUẤT HƯỚNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH
PHÁP LUẬT
Nhìn chung, việc Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện hợp

đồng khi thay đổi hoàn cảnh cơ bản là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình


hình thực tiễn hiện nay. Vì việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi
hoàn cảnh thay đổi không vi phạm nguyên tắc tự do ý chí, tự do định đoạt
của các chủ thể quan hệ hợp đồng mà đó là sự cụ thể hóa nguyên tắc về tính

có giới hạn của việc thực hiện quyền dân sự quy định tại Điều 10 Bộ luật
Dân sự 2015. Theo yêu cầu của nguyên tắc này, để đảm bảo cân bằng lợi ích
của các bên trong hợp đồng, sự ổn định của các quan hệ dân sự, thương mại
có liên quan cần cho phép Tòa án có thể điều chỉnh hợp đồng theo các điều
kiện chặt chẽ được quy định trong Bộ luật dân sự. Tuy vậy, quy định tại điều
420 BLDS 2015 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn
một số những bất cập làm thay đổi quyền tự do hợp đồng.
• Đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật:
• Tại Điểm c, d – Khoản 1 – Điều 420 nên gộp 2 điều kiện tại Điểm c
với Điều kiện tại Điểm d vào với nhau thì phù hợp hơn vì nội dung
của điều kiện tại Điểm c chỉ là mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi
hoàn cảnh thực hiện hợp đồng ban đầu mà không thay đổi. Theo quy
định của điều kiện tại Điểm d: Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà
không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng
cho một bên. Để có thể đáp ứng điều kiện này đòi hỏi phải có sự suy
đoán về thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra khi tiếp tục thực hiện nội
dung ban đầu của hợp đồng, đồng thời thiệt hại có thể gây ra cho cả
hai bên và trong trường hợp này thì chỉ cần một bên chủ thể là đã đáp
ứng điều kiện.
• Theo em quy định tại Khoản 4 Điều 420 chưa hoàn toàn phù hợp với
toàn bộ điều luật bởi vì trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt
hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc thì hợp đồng vẫn chưa được sửa


đổi và những nội dung sửa đổi chưa có giá trị pháp lí. Đồng thời, khi
các bên không có thỏa thuận khác thì các bên vẫn tiếp tục thực hiện
nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, cụ thể chính là việc tiếp tục thực
hiện nội dung của hợp đồng khi đang diễn ra trong quá trình đàm phán
sửa đổi, chấm dứt hợp đồng. Tòa án giải quyết vụ việc là không phù
hợp với Điểm d Khoản 1 của điều luật này.

• Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 chỉ đặt ra các quy định liên quan tới
hoàn cảnh thay đổi cơ bản và các hậu quả pháp lý của việc áp dụng
quy định. Điều này đã dẫn tới nhiều nghi ngại và lo sợ về việc lạm
dụng điều khoản này, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc về tính chất ràng
buộc của hợp đồng. Để tránh tình trạng này, khi áp dụng Điều 420,
các chủ thể áp dụng luật cần lưu ý là điều khoản này chỉ nên được áp
dụng trong các trường hợp ngoại lệ, hiếm hoi, mà trong đó sự kiện
xảy ra dẫn đến một sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh và làm ảnh
hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện hợp đồng.


KẾT LUẬN
Tóm lại, quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi có
nhiều ưu điểm, là một trong những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và
lợi ích của bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, cân bằng quyền và lợi ích
khi có sự chênh lệch quá mức, loại bỏ bất công, bảo đảm lẽ công bằng trong
xã hội và đặc biệt là có thể tiếp tục duy trì việc thực hiện hợp đồng đã giao
kết, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quy định này
có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao kết các hợp đồng có xác lập giao
dịch bảo đảm. Tuy vậy, quy định mới này cần được “soi sáng” qua thời gian
bằng việc áp dụng trong thực tế, qua đó mới có thể khẳng định tính phù hợp
hay không với thực tiễn hợp đồng tại Việt Nam.
Trên đây là vốn kiến thức mà em đã tìm hiểu và tích lũy được về thực
hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đây là một đề tài rất thú vị
song cũng không hề đơn giản, dù đã rất cố gắng nhưng trong bài làm không
thể tránh khỏi những sai sót, thiếu hụt, em rất mong nhận được lời nhận xét,
đánh giá của thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn!


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

• Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội,
NXB Công an nhân dân, Hà Nội – 2018;
• Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017);
• Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ PGS. TS Trần Thị Huệ (đồng chủ biên), NXB Công an nhân dân;
• Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Luận văn Thạc sĩ
Luật học – Trần Hồng Anh, TS. Vũ Thị Hồng Yến hướng dẫn, Hà Nội
– 2016;
• Bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong tình huống “hoàn cảnh thay đổi
cơ bản” – Nguyễn Thị Thu Trang, Tạp chí Luật học, số 10/2018, tr.52
– 62;
• Một số bình luận về điều 420 Bộ luật Dân sự 2015: Thực hiện hợp
đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Đàm Thị Diễm Hạnh – Lê Thị
Kim Oanh, tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 7/2018, tr.19 – 23;
• Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Ngô Thu Trang –
Nguyễn Thế Đức Tâm, tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1/2017, tr.60
– 67;


• Một số đường link:
• Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản – Ánh sáng
luật:
/>• Đề xuất diễn giải và áp dụng Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 về
thực hiện hợp đồng khi hoan cảnh thay đổi cơ bản – TS. Nguyễn
Minh Hằng, ThS. Trần Thị Giang Thu:
/>


×