Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Tiểu thuyết lạng sơn sau 1975 về đề tài lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.05 MB, 109 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

DƯƠNG THỊ THẢO

TIỂU THUYẾT LẠNG SƠN SAU 1975
VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2019


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

DƯƠNG THỊ THẢO

TIỂU THUYẾT LẠNG SƠN SAU 1975
VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8220121

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: TS. NGÔ THU THỦY

THÁI NGUYÊN - 2019



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả
nghiên cứu trong luận văn này là hoàn toàn trung thực và chưa từng được công bố.
Các thông tin, tài liệu trình bày trong luận văn có xuất xứ rõ ràng.
Thái Nguyên, ngày 28 tháng 6 năm 2019
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Dương Thị Thảo

i


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS Ngô Thu Thủy, người đã tận tình giúp
đỡ tôi trong quá trình thực hiện luận văn.
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới Ban Giám hiệu, Phòng sau Đại học và các thầy cô
giáo trong khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tạo điều
kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.
Tôi cũng xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới người thân, bạn bè đã động
viên, quan tâm chia sẻ và tạo mọi điều kiện giúp tôi hoàn thành tốt khóa học này.
Dù đã rất cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thiện luận văn, nhưng tôi nhận
thấy luận văn của mình vẫn còn rất nhiều hạn chế thiếu sót. Vì vậy, tôi rất mong
nhận được những ý kiến đóng góp chân thành từ thầy cô và các bạn.
Thái Nguyên, ngày 28 tháng 6 năm 2019
TÁC GIẢ

Dương Thị Thảo

ii



MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ..................................................................................................... i
LỜI CẢM ƠN .......................................................................................................... ii
MỤC LỤC .............................................................................................................. iii
MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1
1. Lí do chọn đề tài .................................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề ...................................................................................................... 3
3. Mục đích nghiên cứu ........................................................................................... 8
4. Nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................................... 8
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ........................................................................... 9
6. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 9
7. Đóng góp của luận văn ...................................................................................... 10
8. Cấu trúc luận văn .............................................................................................. 11
Chương 1: CƠ SỞ HÌNH THÀNH ĐỀ TÀI LỊCH SỬ TRONG TIỂU
THUYẾT LẠNG SƠN ......................................................................................... 12
1.1. Quan niệm về tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử ............................................. 12
1.2. Cơ sở hình thành đề tài lịch sử trong tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 ............ 20
1.3. Tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử ............................................ 26
Tiểu kết chương 1 .................................................................................................. 28
Chương 2: MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TIỂU THUYẾT
LẠNG SƠN SAU 1975 VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ.................................................. 30
2.1. Tái hiện chân thực biến cố, sự kiện, nhân vật lịch sử..................................... 30
2.1.1. Lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc .................................................. 30
2.1.2. Chân dung các nhân vật lịch sử ................................................................... 38
2.2. Suy tư, chiêm nghiệm về đời sống, con người hiện tại .................................. 48
2.2.1. Những chiêm nghiệm về đời sống hiện tại .................................................. 48
2.2.2. Những suy tư về số phận con người ............................................................ 56
Tiểu kết chương 2 .................................................................................................. 62


iii


Chương 3: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN ĐỀ
TÀI LỊCH SỬ TRONG TIỂU THUYẾT LẠNG SƠN SAU 1975 .................. 64
3.1. Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn sau 1975.................... 64
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật lịch sử ............................................................ 71
3.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật ...................................................... 72
3.2.2. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm nhân vật ........................................................ 76
3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật....................................................................................... 84
3.3.1. Lớp từ chỉ địa danh mang đậm dấu ấn miền núi ......................................... 85
3.3.2. Lớp ngôn ngữ đời sống giản dị, nhiều màu sắc, đậm chất địa phương ....... 87
3.3.3. Lớp ngôn ngữ mang màu sắc triết luận ....................................................... 91
Tiểu kết chương 3 .................................................................................................. 94
KẾT LUẬN........................................................................................................... 96
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................. 100

iv


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Lịch sử dân tộc là một đề tài khá quen thuộc trong sáng tạo văn học nghệ
thuật của nhân loại. Những vấn đề của lịch sử dân tộc đã được các văn nghệ sĩ quan
tâm nghiên cứu, tìm tòi, khám phá để từ đó sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị lâu
bền. Qua các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, các nhà văn gián tiếp bày tỏ lòng yêu
nước, thể hiện ý thức tự tôn và lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Trong nền văn học của
nước ta từ những năm đầu thế kỷ XXI đã xuất hiện một loạt tiểu thuyết lịch sử dày
dặn, công phu, có nhiều đổi mới trong nghệ thuật. Tiểu thuyết lịch sử nhìn chung

đã gặt hái được những thành công và có ý nghĩa to lớn. Thế nhưng, những công
trình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở nước ta còn ít, chưa bao quát cũng như đi sâu
vào mảng này, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử giai đoạn từ sau 1975 đến nay.
Đời sống văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung ở nước ta những năm
đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển nở rộ và thăng hoa của đề tài lịch sử. Đặc
biệt, tinh thần đổi mới từ sau 1986 đã thổi vào nền văn học một luồng sinh khí mới,
phá tan đi sự "đơn điệu" trong tư duy nghệ thuật của văn học giai đoạn 1945-1975.
Trong sự vận động chung của nền văn học, tiểu thuyết được coi là cỗ máy cái. Việc
thiếu vắng thành tựu của thể loại này là một chỗ trống đáng buồn cho bất cứ nền
văn học nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những tiểu thuyết viết về quá khứ
luôn luôn ở trong tâm điểm của đời sống văn chương và là bộ phận đạt được nhiều
thành tựu nhất của văn chương Việt Nam đương đại.
1.2. Tiểu thuyết lịch sử là thể loại tiểu thuyết mới xuất hiện và được chú ý
nhiều trong thế kỷ XX. Trong những năm vừa qua đề tài lịch sử luôn thu hút sự chú
ý khám phá của nhiều thế hệ nhà văn cũng như độc giả. Nhìn lại nền văn học nước
nhà có thể thấy, tiểu thuyết lịch sử đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát
triển của văn xuôi dân tộc. Trong đó có sự góp mặt của tiểu thuyết Lạng Sơn sau
1975 về đề tài này. Việc tìm hiểu các tác phẩm viết về đề tài lịch sử rất có ý nghĩa
bởi qua đó ta thấy được thái độ, đánh giá của tác giả trước một nhân vật lịch sử, một

1


sự kiện lịch sử hay một triều đại lịch sử đã qua như thế nào; đồng thời việc tìm hiểu
các tác phẩm này, cũng giúp ta có cái nhìn mới đối với các nhà văn khi xử lý về đề
tài lịch sử.
1.3. Lạng Sơn là một tỉnh nằm ở phía Đông bắc của Tổ quốc Việt Nam, nơi
đây in đậm dấu ấn các sự kiện trọng đại của cả nước, đây là vùng các đoàn sứ bộ
của nước ta đi sang Trung Quốc và cũng là nơi các đoàn sứ bộ của Trung Quốc vào
Việt Nam. Có thể nói Lạng Sơn là vùng đất biên giới giàu truyền thống văn hóa,

giàu kì tích lịch sử, trong các cuộc chiến tranh chống giặc phương Bắc xâm lược,
nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã cùng nhân dân cả nước anh dũng, kiên cường
chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi
vào lịch sử những trang vàng chói lọi, những chiến dịch như Đường số 4, chiến dịch
biên giới thu - đông (1947-1950)… Những cái tên Bông Lau, Lũng Phầy, Đèo
Khách, Ba Sơn, Ải Chi Lăng, chiến khu Bắc Sơn, Bản Nằm… đã mãi đi vào lịch sử
vẻ vang của đất nước. Trong cuộc chiến đấu gian khổ và đầy ác liệt ấy, có không
biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì mục tiêu cao cả là giữ
vững biên cương, bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc, không ít người đã trở thành
những anh hùng, dũng sĩ với công lao to lớn và nhiều chiến công hiển hách như
Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… Những con người, những địa danh, những chiến
công đó đã in sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta, để lại niềm tự hào và lòng kính trọng,
biết ơn sâu sắc. Chính những sự kiện, con người của vùng đất biên cương này đã
trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các nhà văn Lạng Sơn trong việc khắc họa
lại những nhân vật lịch sử, những sự kiện hào hùng, làm nên những cuốn tiểu thuyết
lịch sử của mình, cũng là những bài học giáo dục truyền thống, ý thức, lòng tự tôn
dân tộc cho các thế hệ nhân dân Lạng Sơn.
Đề tài lịch sử và lịch sử đấu tranh cách mạng trong văn học Lạng Sơn nói
chung và văn xuôi Lạng Sơn giai đoạn sau 1975 nói riêng đã có nhiều thành tựu
đáng ghi nhận, có những tác phẩm đã gây tiếng vang trong lòng người đọc như:
Ngả đường khiếp sợ của Nông Văn Côn, Mũi tên thần của Quang Huynh, Khau
slin hùng vĩ của Vũ Ngọc Chương, Trưởng thành trong đấu tranh cách mạng của
2


Hoàng Văn Kiểu (do Vũ Ngọc Chương ghi)… Đặc biệt phải kể đến nhà văn
Nguyễn Trường Thanh - người viết về đề tài lịch sử với một bút lực dồi dào, các
tiểu thuyết của ông đã được các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đánh
giá cao, được bạn đọc cả nước đón nhận nhiệt tình như các cuốn Kỳ tích Chi Lăng,
Hoa trong bão, Tướng không phong hàm, Một thời biên ải, Ngôi nhà của cha,

Hương ngàn, Hoa bất tử. Những tác phẩm văn xuôi viết về đề tài lịch sử đấu tranh
oanh liệt của anh em đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã giúp cho người đọc có
được một cái nhìn xuyên suốt và hệ thống về lịch sử của quê hương mình, nuôi
dưỡng và bồi đắp thêm tinh thần yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho mọi
thế hệ.
1.4. Hơn nữa, bản thân là một người con của tỉnh Lạng Sơn, tôi mong muốn
được có điều kiện tìm hiểu một cách sâu sắc và cụ thể về văn học tỉnh nhà để có một
cái nhìn toàn diện, hệ thống hơn về văn học Lạng Sơn nói chung và tiểu thuyết Lạng
Sơn về đề tài lịch sử nói riêng, từ đó góp phần khẳng định thêm một tiếng nói về
những giá trị tiêu biểu của văn học Lạng Sơn trong nền văn học dân tộc.
Vì những lí do nêu trên nên chúng tôi đã lựa chọn văn học Lạng Sơn làm đối
tượng để nghiên cứu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một đề tài và khả năng tìm hiểu
còn hạn chế, chúng tôi quyết định lựa chọn vấn đề “Tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975
về đề tài lịch sử” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Văn xuôi Lạng Sơn và văn xuôi Lạng Sơn về đề tài lịch sử đã có những đóng
góp đáng kể vào nền văn học hiện đại nói chung và văn học dân tộc thiểu số nói
riêng. Qua khảo sát, chúng tôi thấy đã có một số bài, công trình nghiên cứu và một
số cuộc hội thảo bàn về xung quanh vấn đề này. Trong cuộc hội thảo văn xuôi Lạng
Sơn những năm đầu thế kỉ XIX năm 2009, nhà báo Nguyễn Quang Huynh với bài
Văn xuôi Lạng Sơn những năm đầu thế kỉ XXI với đề tài lịch sử nhận xét: “Văn xuôi
Lạng Sơn những năm đầu thế kỉ XXI viết về đề tài lịch sử đáng kể nhất phải nói đến
một số tiểu thuyết dày dặn của tác giả Nguyễn Trường Thanh, đó là các tiểu thuyết:
Một thời biên ải (Hội VHNT Lạng Sơn Tập 1-2000, tập 2-2008), Ngôi nhà của cha

3


(NXB văn hóa thông tin-2007), Hương ngàn (NXB Hội nhà văn-2008), Hoa bất tử
(NXB Hội nhà văn-2009) [20]. Và nhà báo Quang Huynh khẳng định: “Qua khảo

sát bước đầu về văn học Lạng Sơn, có thể khẳng định rằng: Văn xuôi Lạng Sơn ở
thể loại tiểu thuyết đã có khá nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử và có những tác
phẩm thành công rất đáng trân trọng…”, ông cũng cho rằng: “Văn xuôi Lạng Sơn
những năm đầu thế kỉ XXI mà tập trung là thể loại tiểu thuyết đã có nhiều tác phẩm
viết về đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của
Đảng và có những thành công rất đáng trân trọng” và “Văn học Lạng Sơn những
năm đầu thế kỉ XXI viết về đề tài lịch sử, mà tập trung là hai tác giả Nguyễn Trường
Thanh và Vũ Ngọc Chương, đã có những thành tựu rất đáng phấn khởi” [20]. Như
vậy, có thể thấy rằng sáng tác của các nhà tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn mà tiêu biểu
là nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã được các nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá
cao.
Hiện nay theo khảo sát, chúng tôi thấy vẫn chưa có một công trình khoa học
nào nghiên cứu chuyên biệt về tiểu thuyết Lạng Sơn nói chung và tiểu thuyết Lạng
Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử nói riêng. Mặc dù vậy, rải rác trên báo, tập chí vẫn
có những bài viết, đánh giá, nhận xét mỗi khi có một tiểu thuyết về lịch sử Lạng
Sơn ra đời.
Được giới phê bình nghiên cứu quan tâm và chú ý hơn cả là nhà văn Nguyễn
Trường Thanh và những sáng tác của ông, bởi ông là một trong số những nhà văn
tiêu biểu của Lạng Sơn, với một bút lực dồi dào ông đã viết một số lượng lớn các
tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Nhà nghiên cứu Trung Thành có bài đánh giá về tác giả
Nguyễn Trường Thanh trong cuộc Hội thảo văn xuôi Lạng Sơn những năm đầu thế
kỷ XXI năm 2009: “Ở thể loại tiểu thuyết lịch sử nhà văn Nguyễn Trường Thanh
là tác giả nổi bật đã dày công viết tiểu thuyết lịch sử của quê hương Lạng Sơn - nơi
có bề dày lịch sử, từng lập nên những chiến công oanh liệt, những thành tích vẻ
vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”[46]
Khi tiểu thuyết lịch sử Kỳ tích Chi Lăng ra đời (1981), nhà nghiên cứu văn
học Hương Thanh đã có bài nhận xét: “Cuốn sách ra đời lập tức gây được tiếng
vang bởi giá trị thời sự và văn học của nó. Bởi đây là những tháng ngày căng thẳng

4



sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (tháng 2 năm 1979) mà Lạng Sơn là một
trong những điểm nóng nhất. Cuốn sách viết về những kỳ tích trên một con đường
huyền thoại, từng là nỗi kinh hoàng của những đạo quân xâm lược khổng lồ phương
Bắc. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh xây dựng từ các truyền thuyết dân gian và
mang rõ sự sáng tạo, tưởng tượng, độc đáo của người viết”. Dưới ngòi bút giàu
sức sáng tạo, những truyền thuyết lịch sử đã được nhà văn Nguyễn Trường Thanh
kể lại bằng một giọng văn đầy sức truyền cảm, hấp dẫn người đọc. Tác phẩm ra
đời có ý nghĩa khích lệ vô cùng lớn lao đối với đồng bào các dân tộc ở thời điểm
cuộc chiến tranh biên giới diễn ra. Biết bao những huyền thoại về mảnh đất Chi
Lăng lịch sử cùng hình tượng những người anh hùng dân tộc cũng được tái hiện
thành công thông qua tác phẩm này.
Tác giả Nguyễn Duy Chiến trong bài: Người giải mã những huyền thoại in
trên báo Tiền phong Onnile thứ tư ngày 11 tháng 11 năm 2009, giới thiệu về tác phẩm
Kỳ tích Chi Lăng có đoạn: “Có lẽ, bạn đọc cả nước biết đến Trường Thanh bắt đầu
từ cuốn sách này. Những ngọn núi, con sông, con suối được ghi danh, xếp hạng di
tích, gắn chặt với chiến công oanh liệt trong các trận chiến chống quân xâm lược
phương Bắc (Tống - Nguyên - Mông) mà đỉnh cao chói lọi là chiến thắng Chi Lăng,
chém đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng … và rồi mảnh đất này đã chọn nhà văn Trường
Thanh làm người kể chuyện lịch sử, làm sống lại những sự kiện, những nhân vật lịch
sử đã tồn tại trên mảnh đất biên cương này tưởng rằng đã bị mai một bởi thời gian.”
[7]. Nhận xét của ông rất chính xác bởi Kỳ tích Chi Lăng của Nguyễn Trường Thanh
là một cuốn tiểu thuyết chia thành rất nhiều câu chuyện nhỏ kể những chiến công
oanh liệt của đồng bào anh em các dân tộc Lạng Sơn, gắn với mỗi chiến công đó là
giai thoại về những vùng đất, những địa danh nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của
những vị anh hùng mà nay đã trở thành di tích lịch sử, lưu danh muôn đời mà mỗi
khi nhắc đến vẫn khiến lớp lớp thế hệ cảm thấy vô cùng tự hào, yêu mến và trân trọng.
Bài Tướng không phong hàm - giải mã huyền thoại của tác giả Lý Nguyên
Anh tháng 5 năm 1998 về tác phẩm Tướng không phong hàm đã khẳng định: “Đây

là một cuốn tiểu thuyết sớm nhất viết về cuộc đời nhà cách mạng tiền bối xuất sắc
Lương Văn Tri - vị chỉ huy cao nhất của chiến khu Bắc Sơn và của Cứu quốc quân

5


I. Cuộc đời đầy huyền thoại của vị tướng không phong hàm này c ̣n được lưu truyền
mãi trong lịch sử phát triển của quân đội nhân dân Việt Nam… Là chân dung chiến
sỹ cách mạng, cuốn tiểu thuyết vừa tuân thủ những sự kiện lịch sử, những địa danh
lịch sử, những tên tuổi lịch sử nhưng cũng vừa đem lại một mỹ cảm trong lành của
văn chương” [1]. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử khác với những tư liệu sử học khô
khan, bởi nó mang lại cho văn chương những mỹ cảm trong lành, đó chính là những
giá trị cao quý của văn học. Nhờ những cảm xúc, suy tư của tác giả mà những vấn
đề lịch sử vốn im lìm trong quá khứ đã trở nên sống động và mang hơi thở của thời
đại.
Tác giả Đỗ Lâm Hà trên báo Văn nghệ số 38 ngày 19 tháng 9 năm 2009 với
bài Hoa bất tử trong hồn sông núi đánh giá: “Hoa bất tử là tiểu thuyết nhưng là tiểu
thuyết lịch sử nên sự thật lịch sử đã được tác giả hết sức trân trọng, không làm sai
lệch chính sử” và “Ngoài giá trị văn học Hoa bất tử còn là một tư liệu quý, ghi chép
đầy đủ nhất về thân thế sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ và làm sáng tỏ thêm
một số sự kiện mà chưa sách nào ghi chép để lưu lại cho muôn đời với nhân dân
Việt Nam nói chung, với dân tộc Tày Nùng ở Lạng Sơn quê hương đồng chí nói
riêng”[17]. Cùng đánh giá về tác phẩm này, tác giả Bế Kim Linh trong bài Tiểu
thuyết “Hoa bất tử” trang sử về thế hệ cách mạng tiên phong đấu tranh cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam in trong cuốn Văn học nghệ thuật Lạng Sơn
qua các kì hội thảo, đã nhận xét rất xác đáng: “Nếu như nhà văn Tô Hoài viết “Tuổi
trẻ Hoàng Văn Thụ, với bút pháp lãng mạn cách mạng:có nắng gió, mưa ngàn, có
tình yêu nơi rừng hồi ngát hương, có tiếng vó ngựa lóc cóc vùng biên ải, mang đậm
hơi thở, nếp sống xã hội những năm đầu thế kỉ XX cùng với những suy tư, những
khó khăn gian khổ và khí phách hiên ngang của tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Thì ở

“Hoa bất tử” tác giả viết như kể, rất chân thành, sát thực về quá trình hoạt động
cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.” [7, 8]
Trong lời nói đầu về tác phẩm Ngôi nhà của cha, Nhà xuất bản Văn hóa thông
tin đã khẳng định: “Tác phẩm được xây dựng từ một nhân vật có thật trong lịch sử
- kiến trúc sư danh tiếng Nguyễn Văn Ninh. Tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng
Mỹ thuật Đông Dương, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh - một trí thức cách mạng đã
6


có nhiều công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử và là tác giả của ngôi nhà sàn
Bác Hồ - di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Bằng văn phong dung dị,
đằm thắm, cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật hiện lên qua từng trang sách sống
động, mang dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Tác phẩm mang giá trị lịch sử
và văn học đặc sắc”.
Bên cạnh đó, có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử của
Lạng Sơn, như luận văn thạc sĩ Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh của
tác giả Nguyễn Mạnh Dũng (Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2007). Đánh giá về
tiểu thuyết của Nguyễn Trường Thanh, tác giả Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định:
“Tác giả không chỉ phản ánh những sự kiện lịch sử, những hình tượng người anh
hùng của quê hương xứ Lạng mà ông còn thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào về một
vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với bao nét phong tục tập quán tốt đẹp của cộng
đồng các dân tộc thiểu số vùng biên ải xa xôi (...) nhà văn Nguyễn Trường Thanh
đã kế thừa những yếu tố nghệ thuật truyền thống và vận dụng nhiều yếu tố nghệ
thuật hiện đại” [12.182]. Tác giả luận văn cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử của
Nguyễn Trường Thanh là một thành tựu tiêu biểu nhất của văn học Lạng Sơn”
[12.184].
Bàn về Khau slin hùng vĩ của Vũ Ngọc Chương, tác giả Lâm Tiến cho rằng:
“Chưa có cuốn tiểu thuyết nào khắc họa rõ nét cuộc đấu tranh chống áp bức bóc
lột của Nhật - Pháp về các dân tộc Tày - Nùng như tác phẩm Khau slin hùng vĩ của
Vũ Ngọc Chương” [36.185].

Trong lời giới thiệu tiểu thuyết Phương Bắc hoang dã - Lê Tiến Thức, nhà
văn Nguyễn Trường Thanh đưa ra nhận xét về đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của
tác phẩm: “Nét đặc trưng về ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả Lê Tiến Thức qua tiểu
thuyết này là thứ ngôn ngữ dung dị, sâu lắng, trong sáng, giàu hình ảnh, gần gũi
với cuộc sống hàng ngày, cách cảm, cách nghĩ đậm chất dân tộc miền núi xứ Lạng.
Những yếu tố văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng... kết hợp hài hòa và tinh tế đã làm nên
sự thành công trong sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm” [51.10].
Qua những ý kiến nhận xét, đánh giá của các nhà văn, nhà nghiên cứu về văn
xuôi Lạng Sơn nói chung, tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử nói riêng
cũng như về các cây bút tiểu thuyết lịch sử của Lạng Sơn, chúng ta nhận thấy rõ
7


một điều: Lạng Sơn là một vùng đất đã sinh ra và là nơi khẳng định tài năng của
nhiều cây bút. Chính họ đã làm nên một diện mạo văn học Lạng Sơn với những nét
đặc trưng riêng. Tuy nhiên đó mới chỉ là những nghiên cứu, những lời nhận xét,
đánh giá về một số cá nhân, hoặc một số tiểu luận đánh giá khái quát về văn xuôi
Lạng Sơn. Nhìn chung các nghiên cứu đó đều có được những tìm tòi, khám phá
đáng quý, đáng trân trọng. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy xuất hiện một công
trình nghiên cứu nào một cách tổng thể về tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài
lịch sử. Chính vì vậy chúng tôi thấy rằng rất cần thiết nghiên cứu một cách toàn diện
về hệ thống tiểu thuyết Lạng Sơn từ 1975 đến nay về đề tài lịch sử để thấy được
những đặc điểm, những giá trị nổi bật cũng như góp một tiếng nói - dù nhỏ bé trong
việc khẳng định những đóng góp quan trọng của những tiểu thuyết về đề tài lịch sử
đối với sự phát triển của văn học tỉnh nhà nói riêng, đối với văn học Việt Nam nói
chung.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử, chúng tôi muốn
chỉ ra cơ sở hình thành, đặc điểm nội dung, một số phương diện nghệ thuật, để góp
phần khẳng định vai trò của mảng đề tài này trong đời sống văn học Lạng Sơn nói

riêng và văn học Việt Nam nói chung. Từ góc nhìn liên ngành của văn học, văn hóa,
lịch sử, nghiên cứu của chúng tôi góp thêm một tiếng nói khẳng định bức tranh văn
hóa lịch sử đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của quê hương xứ Lạng.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát nghiên cứu những tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu viết về đề tài
lịch sử từ 1975 đến nay.
- Phân tích chỉ ra cơ sở hình thành, khuynh hướng chính cũng như làm rõ một
số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của các tiểu thuyết Lạng Sơn về đề tài lịch sử
sau năm 1975 để từ đó có một bức tranh khái quát về văn xuôi Lạng Sơn nói chung và
tiểu thuyết Lạng Sơn viết về đề tài lịch sử nói riêng từ 1975 đến nay.
Khẳng định những giá trị lịch sử và giá trị văn học của các tiểu thuyết Lạng
Sơn viết về đề tài lịch sử sau năm 1975 đối với văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn
và trong đời sống văn học nước nhà.

8


5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu đề tài lịch sử trong tiểu
thuyết Lạng Sơn sau năm 1975 ở phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Phạm vi nghiên cứu: Luận văn khảo sát các tiểu thuyết tiêu biểu viết về đề
tài lịch sử của Nguyễn Trường Thanh, Lê Tiến Thức, Vũ Ngọc Chương, Nguyễn
Quang Huynh. Cụ thể như sau:
Tác giả Nguyễn Trường Thanh:
- Kỳ tích Chi Lăng (NXB thanh niên Tập 1-1981, tập 2-1982).
- Hoa trong bão (NXB Hội nhà văn-1994).
- Tướng không phong hàm (NXB văn hóa dân tộc-1998).
- Một thời biên ải (Hội VHNT Lạng Sơn Tập 1-2000, tập 2-2008).
- Ngôi nhà của cha (NXB văn hóa thông tin-2007).
- Hoa bất tử (NXB Hội nhà văn-2009).

- Phò mã Động Giáp (NXB Thanh niên - 2010)
- Hương ngàn (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội - 2008)
Tác giả Lê Tiến Thức:
- Phương Bắc hoang dã (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội - 2012)
Tác giả Vũ Ngọc Chương:
- Khau slin hùng vĩ (NXB Hội nhà văn - 2006)
Tác giả Nguyễn Quang Huynh:
- Mũi tên thần (Nxb văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999)
Ngoài ra chúng tôi còn nghiên cứu thêm một số tác giả tác phẩm khác cũng
viết về đề tài lịch sử để so sánh, đối chiếu như Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo,
Nguyễn Huy Tưởng với một số tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Mẫu Thượng Ngàn,
Hồ Quý Ly, Giàn thiêu... Chúng tôi cũng tham khảo một số sách lý thuyết, lý luận
văn học làm cơ sở lý luận cho công trình nghiên cứu của mình.
6. Phương pháp nghiên cứu

9


- Phương pháp loại hình: với phương pháp này, luận văn tìm hiểu đặc điểm
của tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử dựa trên những đặc trưng của
thể loại tiểu thuyết.
- Phương pháp so sánh: trong quá trình nghiên cứu chúng tôi tiến hành so
sánh, đối chiếu các tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử với các tiểu
thuyết về đề tài lịch sử giai đoạn trước để thấy được những điểm chung, những nét
riêng, độc đáo cũng như thấy được những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật của
tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn.
- Phương pháp lịch sử: viết về đề tài lịch sử, chúng tôi chú ý tìm hiểu lịch sử để
nắm vững bối cảnh lịch sử của từng giai đoạn, đồng thời thấy được tính chân thực lịch
sử và sự sáng tạo, hư cấu trong các tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn sau 1975.
- Phương pháp hệ thống: chúng tôi đặt các tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975

trong hệ thống tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975 để thấy được quá trình vận
động, biến đổi của tiểu thuyết lịch sử nước nhà, đồng thời khám phá những đổi mới,
cách tân trong nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử đương đại.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã
đặt tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 trong mối liên hệ với lịch sử, văn hóa, xã hội…
để thấy được giá trị cũng như những đóng góp của tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn
trong đời sống văn học địa phương và trong nền văn học dân tộc.
7. Đóng góp của luận văn
- Về lý luận: Chỉ ra những nét đặc sắc của tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về
đề tài lịch sử qua đó góp thêm cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về diện mạo của văn
học Lạng Sơn, đặc biệt là mảng văn học về đề tài lịch sử. Khẳng định những đóng
góp của văn học Lạng Sơn nói chung và văn học Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch
sử nói riêng đối với nền văn học nước nhà; Giúp bạn đọc cả nước hiểu sâu hơn về
mảnh đất và con người Lạng Sơn, khơi dậy niềm tự hào về mảnh đất biên cương
của Tổ quốc.
- Về thực tiễn: Chúng tôi hi vọng luận văn phần nào sẽ là một tài liệu
tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến văn học
Lạng Sơn và đặc biệt là văn học Lạng Sơn sau 1975 về đề tài lịch sử. Mặt khác,

10


kết quả luận văn đạt được có thể coi là cơ sở cho các nhà biên soạn tài liệu phục
vụ cho việc giảng dạy Ngữ văn địa phương cấp trung học cơ sở mà hiện nay tỉnh
Lạng Sơn đang thực hiện. Chúng tôi hi vọng công trình nghiên cứu sẽ là một tài
liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, giảng dạy về văn học dân tộc thiểu số
Việt Nam hiện đại nói chung trong các cấp học. Qua quá trình làm luận văn,
chúng tôi được tập dượt, làm quen với việc nghiên cứu khoa học, đó là cơ sở để
người viết tăng cường khả năng tự học, tự nâng cao trình độ.
8. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, chúng tôi triển khai luận văn thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở hình thành đề tài lịch sử trong tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975
Chương 2: Một số nội dung cơ bản trong tiểu thuyết Lạng Sơn sau 1975 về đề
tài lịch sử
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử Lạng Sơn
sau 1975

11


Chương 1
CƠ SỞ HÌNH THÀNH ĐỀ TÀI LỊCH SỬ TRONG
TIỂU THUYẾT LẠNG SƠN
1.1. Quan niệm về tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử
*Quan niệm về tiểu thuyết:
Thuật ngữ tiểu thuyết chỉ thể loại tác phẩm tự sự trong đó sự trần thuật tập
trung vào số phận một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Theo
V.G.Biêlinski “tiểu thuyết là sử thi của đời tư” do nó “miêu tả những tình cảm, dục
vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của con người”.
Tiểu thuyết trình bày đời sống cá nhân và đời sống xã hội như những tố chất có tính
chất tương đối, không làm cạn kiệt được nhau, không ngốn nuốt được nhau, đây là
đặc điểm quyết định nội dung thể loại của tiểu thuyết. Ở nước ta, tiểu thuyết du nhập
từ khá sớm ở các thể loại tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kì và tiểu thuyết
chương hồi và cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thể loại này từ Bắc chí
Nam.
Nếu như ở những giai đoạn trước, tiểu thuyết được hiểu một cách khái quát
để chỉ chung cho tác phẩm văn xuôi dù đó là truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài thì
ở giai đoạn sau này, nhất là sau 1975 khái niệm tiểu thuyết được các nhà lý luận phê
bình hiểu một cách rõ ràng, sát với đặc trưng thể loại. Trong chuyên luận “xây dựng
tác phẩm tiểu thuyết”, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “yếu tính của tiểu thuyết là cái

tưởng tượng, không thể kiểm chứng được”. Đó cũng là quan niệm của Duyên Anh
"Tiểu thuyết mà thiếu tưởng tượng không phải là tiểu thuyết. Và bắt buộc, nó khó
lòng thoát lên cao. Nó chỉ là đất trên mặt cỏ". Còn với Võ Phiến “tiểu thuyết là
công trình giả tưởng. Màu trời, sắc nắng, cây, lá, gió, trăng, mọi hoạt động trong
đó đều bịa đặt”. Và theo Trần Văn Nam “Tiểu thuyết là truyện bịa đặt y như sự
thật.”. Tuy cách diễn đạt có khác nhau, song trong quan niệm của các tác giả trên
đều thống nhất cho rằng đặc điểm chủ yếu của tiểu thuyết là tưởng tượng, hư cấu.
Dù đề cao vai trò tưởng tượng và hư cấu của tiểu thuyết nhưng các nhà lý luận phê
12


bình văn học cũng thấy được mối tương liên giữa tưởng tượng, hư cấu trong tiểu
thuyết với hiện thực cuộc đời. Vì vậy trong quan niệm của họ, nhà văn dẫu có hư cấu
cũng phải trên cơ sở tôn trọng sự thực đời sống. Bởi như nhà văn Vũ Trọng Phụng
viết trong một bài bút chiến với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, in trên báo Tương lai, số 9,
ngày 25 tháng 3 năm 1937: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các
nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”. Qua nhận
định, Vũ Trọng Phụng lên tiếng phê phán những sáng tác theo khuynh hướng lãng
mạn, phê phán quan điểm sáng tác nghệ thuật vị nghệ thuật. Những tác phẩm này
theo ông chính là thứ “tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết” bởi chúng đều thoát li cuộc sống,
né tránh sự thực, xa rời thực tại, nhà văn với tư tưởng lãng mạn thường thi vị hóa
cuộc sống do đó mà những vấn đề nóng bỏng của nhân sinh, xã hội lúc bấy giờ như
số phận con người, mâu thuẫn giai cấp… họ đều không phản ánh đến. Nhà văn Nam
Cao cũng đã phê phán thứ văn chương đó trong tiểu thuyết Đời thừa: “Sự cẩu thả
trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương
thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo,
gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng
trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dề dãi”. Vũ Trọng Phụng muốn văn chương
phải phản ánh trung thực “sự thực ở đời” như sự phản ánh nỗi thống khổ đến cùng
cực của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và đế quốc, phơi bày bản

chất chó đểu của bọn địa chủ cường hào như trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố,
hay là Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan… và quan điểm sáng tác ấy cũng
chính là kim chỉ nam để ông vua phóng sự đất Bắc cho ra đời hàng loạt những tiểu
thuyết hiện thực nổi tiếng như Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ…
Như vậy quan niệm về tiểu thuyết của lý luận phê bình văn học là một cái
nhìn đa diện, đa chiều. Tuy các ý kiến đều thống nhất cho rằng đặc trưng của tiểu
thuyết là tưởng tượng, hư cấu nhưng dù là tưởng tượng, hư cấu thì tiểu thuyết cũng
phải tái tạo cuộc sống, phải mang hình bóng của cuộc đời. Thoát ly cuộc đời, tiểu

13


thuyết sẽ không còn là tiểu thuyết, sẽ đánh mất giá trị nhân bản; sẽ không thể sống
trong lòng người đọc.
*Quan niệm về tiểu thuyết lịch sử:
Tiểu thuyết lịch sử là một trong những thể loại của văn xuôi lịch sử và là những
tác phẩm mang trọn đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nhưng lại lấy lịch sử làm cảm
hứng sáng tạo nghệ thuật. Tiểu thuyết lịch sử là một thuật ngữ dùng để phân biệt
giữa các tác phẩm lịch sử biên niên thông thường do nhà sử học hoặc người khác viết
để kể về các biến cố lịch sử, nhân vật lịch sử, với tác phẩm văn học nghệ thuật sáng
tác về đề tài và nhân vật lịch sử. Theo cách hiểu thông thường nhất: tiểu thuyết lịch
sử là những tác phẩm tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, trong thực tế sáng
tác về đề tài này, từ trước đến nay, việc nên quan niệm lịch sử trong tiểu thuyết như
thế nào vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận.
Thuật ngữ tiểu thuyết lịch sử xuất hiện khá sớm từ phương Tây, được sử dụng
phổ biến trên thế giới và đã nhiều quan niệm khác nhau của những nhà tiểu thuyết
lịch sử nổi tiếng về đặc trưng của thể loại này như A.Dumas, H.S.Haasse, P.Louis Rey, Lucacs, D.Brewster và J.Burell… Chẳng hạn trong công trình Tiểu thuyết hiện
đại, hai nhà nghiên cứu D.Brewster và J.Burell đã định nghĩa về tiểu thuyết lịch sử
như sau: "Những truyện đó chỉ là những tiểu thuyết về thời quá khứ, và chỉ v́ nhân
nhượng mà ta gọi là tiểu thuyết lịch sử. Gọi theo tên hiệu này hay tên hiệu khác tùy

thuộc vào cách phê bình định nghĩa, đọc và ưa thích (hay chán ghét) chúng. Vì khi
thích một cuốn truyện nào thì nhà phê bình thường muốn đưa nó vào một loại văn
học có danh" [10.141], Với quan niệm này, tiểu thuyết lịch sử chỉ là tiểu thuyết viết
về “thời quá khứ" ủa một dân tộc hay một quốc gia nào đó và việc phân loại, sắp
xếp phụ thuộc vào nhận định, đánh giá chủ quan của nhà phê bình khi đọc tác phẩm.
Đây là một định nghĩa khá giản đơn, song không phải không có lí. Nghiên cứu trên
cũng đã chỉ ra vai trò của hư cấu nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn trong việc
thể hiện hiện thực lịch sử và nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử: “Tiểu thuyết lịch sử
có thể thoát thai từ ước ao của một tác giả muốn đào thoát khỏi hiện tại, đồng thời
thỏa mãn ước ao tương tự của độc giả. Nhưng tiểu thuyết lịch sử còn nhiều tác dụng
14


nữa. Nó có thể soi sáng những thời kì quá khứ con người đã trải qua, với những
mục đích rõ ràng là gạn lọc những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hiện tại”
[10.62].
Ở Việt Nam, thuật ngữ tiểu thuyết lịch sử cũng được giải thích khá rõ. Theo
Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử chủ biên)
tiểu thuyết lịch sử được quan niệm như sau: “Tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm viết về
các đề tài lịch sử và nhân vật lịch sử. Các tác phẩm viết về đề tài lịch sử này có
chứa đựng các nhân vật và các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện
chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng
nói, trang phục, phong tục, tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm
văn học lịch sử thường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thu những bài
học của quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song
không vì thế mà hiện đại hóa người xưa phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại
này” [17.255]. Quan niệm này đã chỉ rõ đặc trưng cơ bản về đề tài của tiểu thuyết
lịch sử. Đề tài lịch sử có thể được sử dụng ở nhiều tác phẩm văn học tuy nhiên ở
tiểu thuyết lịch sử nó mang đặc trưng riêng.
Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung trong bài Tiểu thuyết lịch sử trong quan

niệm mỹ học của Lucas trình bày quan niệm của G.Lucacs về thể loại : “Tiểu thuyết
lịch sử phản ánh và mô tả sự phát triển hiện thực của lịch sử một cách nghệ thuật,
vì thế nó phải lấy kích thước nội dung và hình thức từ chính cái hiện thực đó”
[11.455]; nhiệm vụ của nhà viết tiểu thuyết lịch sử là “phải chứng minh sự tồn tại
của hoàn cảnh và các nhân vật lịch sử bằng công cụ nghệ thuật” và “nhiệm vụ của
nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là phải tạo dựng được một cách phong phú các tác
động tương hỗ, cụ thể khớp với hoàn cảnh lịch sử mô tả” [11.451]. Như vậy, rõ
ràng trong các quan điểm nêu trên đều chỉ rõ hai yếu tố cơ bản và vai trò cùng mối
quan hệ của nó trong tiểu thuyết lịch sử đó là chân thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật,
nhiệm vụ của tiểu thuyết gia là phải xử lí linh hoạt mối quan hệ giữa hai yếu tố đó.
Các tác giả cuốn Từ điển văn học (Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi) cũng
đã chỉ rõ: “Tác phẩm tự sự lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. Lịch sử trong ý
nghĩa khái quát, là quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội. Các khoa học xã hội
15


(cũng được gọi là khoa học lịch sử) đều nghiên cứu quá khứ của loài người trong
tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy vậy, những tiêu điểm chú ý của các sử gia cũng
như các nhà văn quan tâm đến đề tài lịch sử, thường đều là sự hình thành, hưng
thịnh, diệt vong của các nhà nước, những biến cố lớn trong đời sống xã hội của
cộng đồng quốc gia, trong quan hệ giữa các quốc gia như chiến tranh, cách mạng
cuộc sống và sự nghiệp của các nhân vật có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử”
[2.725]. Cụ thể hơn, Trần Nghĩa trong Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam đã viết: “Tiểu
thuyết lịch sử cũng gọi là “lịch sử diễn nghĩa” gồm tác phẩm viết về đề tài lịch sử
thông qua việc miêu tả nhân vật và sự kiện, tái hiện một cách nghệ thuật diện mạo
xã hội và xu thế phát triển của lịch sử một thời, nhằm mang lại cho người đọc những
khơi gợi bổ ích và mĩ cảm văn học. Về phương diện bút pháp, một mặt phải dựa vào
lịch sử, nhưng mặt khác vẫn cho phép hư cấu trong chừng mực thích hợp, nhằm
phát huy trí tưởng tượng làm cho sự thực lịch sử được thăng hoa thành chân thực
nghệ thuật” [34]. Quan niệm này không chỉ cho chúng ta một cách hiểu khái quát

mà còn chỉ rõ phương thức phản ánh đặc trưng được sử dụng trong tiểu thuyết lịch
sử. Đó chính là việc tái hiện một cách nghệ thuật diện mạo xã hội và xu thế phát
triển của lịch sử một thời thông qua việc miêu tả nhân vật và sự kiện lịch sử. Việc
miêu tả và tái hiện đó không nhất thiết phải chính xác như lịch sử vốn có mà nhà
tiểu thuyết có quyền hư cấu trong một chừng mực nhất định nhằm phát huy được
trí tưởng tượng, cá tính sáng tạo, làm cho lịch sử thăng hoa thành chân thực nghệ
thuật. Quan điểm này cũng khá giống với quan điểm của nhà văn Sương Nguyệt
Minh khi tác giả này cho rằng sẽ không có một tiểu thuyết nào được đón nhận nếu
nó không đạt đến chân thực nghệ thuật.
Do mang đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nên quan niệm về tiểu thuyết lịch
sử cũng rất đa dạng, phong phú, có thể dẫn thêm một vài quan niệm như Lucacs,
nhà tiểu thuyết lịch sử của Hunggari lại khẳng định: “Tiểu thuyết lịch sử về nguyên
tắc không khác gì tiểu thuyết thông thường nhưng phải thể hiện sự vĩ đại của con
người trong lịch sử với những khả năng của tiểu thuyết nói chung. Nhận định này
đòi hỏi tiểu thuyết phải thể hiện được tầm vóc của con người lịch sử đồng thời phải

16


giữ được những đặc trưng của tiểu thuyết qua khả năng phản ánh cuộc sống của
nó”.
Ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ cho rằng: “Trong quá trình sáng
tác, các nhà tiểu thuyết lịch sử vừa phải tôn trọng các sự kiện lịch sử, vừa phải phát
huy cao độ của hư cấu, sáng tạo của nghệ thuật” [14.164]. Quan niệm này nhấn
mạnh mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tác phẩm tiểu
thuyết lịch sử.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - người đã từng rất thành công với mảng đề
tài này, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Văn nghệ trẻ (10/2005) đã nói:
“Theo tôi lịch sử chỉ là cái cớ để tôi bám vào… tiểu thuyết lịch sử không phải là kể
lại lịch sử, minh họa lịch sử mà là phản ánh những vấn đề của con người hiện tại”.

Theo ông, nhà tiểu thuyết không có nhiệm vụ minh họa lại lịch sử mà chỉ dựa vào
những cứ liệu lịch sử cộng với khả năng sáng tạo nghệ thuật phản ánh vào trong tiểu
thuyết lịch sử của mình những tư tưởng, quan điểm, triết lý về đời sống và con
người. PGS.TS Phan Trọng Thưởng quan niệm: “Thực chất sáng tạo nghệ thuật về
đề tài lịch sử là khai thác lịch sử theo một cách thức tiếp cận mới… trên nguyên tắc
vừa tôn trọng sự thật lịch sử vừa tôn trọng sự thật nghệ thuật” [49].
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên có bài Sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật nêu
lên quan điểm về tiểu thuyết lịch sử, trong đó nhấn mạnh vai trò của hư cấu và
nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết lịch sử. Theo ông “nhà nghệ sỹ vừa phải tôn
trọng đến mức tối đa sự thật lịch sử, nhưng mặt khác bằng cảm xúc tài năng cá
nhân, anh ta cần phải sáng tạo ra một lịch sử khác, mà tôi gọi là lịch sử của VHNT.
Nhưng như vậy không có nghĩa anh ta chỉ là người sao chép lại nguyên si những sự
kiện đã từng xảy ra trong đời sống thực. Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của
đại thi hào Nga Macxim Gorki khi ông ta nói về vai trò của cảm xúc và tưởng tượng
cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật một cách thật sự hóm hỉnh đại ý rằng: Nếu một
bài thơ viết về chiếc bánh mỳ mà không có gì khác chiếc bánh mỳ thì người ta sẽ
chọn chiếc bánh mỳ, chứ không ai chọn bài thơ cả” [57] Tương tự như thế, tác giả
Thanh Bình trong bài Tiểu thuyết lịch sử “viết một mét thì nhà văn phải sở hữu kiến
thức lịch sử 1 kilomet” viết: “Nói về nhân vật hay tình tiết của câu chuyện thì nhà

17


văn có thể hư cấu nhưng không gây ảnh hưởng thay đổi nội dung về những câu
chuyện lịch sử. Khi hư cấu người viết vận dụng toàn bộ văn hóa tinh thần của mình,
toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự tổng hợp, sự hòa trộn nhuần nhuyễn
giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức… Có thể là chiếc
áo cũ kỹ đối với người b́ nh thường sẽ không có gì đặc biệt, nhưng nếu tại một trại
trẻ mồ côi thì chiếc áo trở nên là niềm khát khao của bao ðứa trẻ ðó.”. Nhận định
này cũng đề cập đến mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và hư cấu, sự hư cấu ấy phải

trong chừng mực, khoác lên cho lịch sử một tấm áo mới nhưng không làm thay đổi
lịch sử mà ngược lại phải bổ khuyết cho chân thực lịch sử bằng việc đem lại những
suy nghĩ sâu xa cho người đọc.
Đến đây chúng ta có thể thấy hư cấu là điều cần có để xây dựng lên một cuốn
tiểu thuyết lịch sử. Các tác giả dựa vào những sự kiện trong quá khứ, hư cấu tưởng
tượng thêm để tạo nên tác phẩm nhằm gây hứng thú cho người đọc.
Như vậy, tiểu thuyết lịch sử dù xuất hiện khá sớm nhưng chưa có một khái
niệm cụ thể nào được các nhà nghiên cứu thống nhất sử dụng, mỗi quan niệm đều
nhấn mạnh vào một đặc điểm nào đó của thể loại song dù thế nào thì chung quy vẫn
đề cập đến yếu tố lịch sử và yếu tố tiểu thuyết - hạt nhân cốt lõi trong tiểu thuyết
lịch sử. Và như vậy, có thể nói tiểu thuyết lịch sử là một loại của tiểu thuyết, chuyên
viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời bởi đó là tiểu
thuyết nên nó không chỉ đơn thuần kể lại sự kiện và nhân vật, mà còn tái hiện lại
cuộc sống con người quá khứ và bầu không khí thời đại, các chi tiết về tâm hồn, cá
tính, trang phục, nhà ở, đồ dùng, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán.. và đặc biệt
miêu tả đời sống cụ thể sinh động của nhân vật lịch sử, một trải nghiệm của một con
người có tính cách, cá tính, trong dòng chảy của lịch sử, khiến cho người đọc không
chỉ đọc một câu chuyện, mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy nữa. Tiểu thuyết
như một cuốn bách khoa về cuộc sống và thời đại mà nó phản ánh. Vì thế bên cạnh
nhân vật lịch sử, nhà văn có thể sáng tạo, hư cấu thêm nhiều những nhân vật khác,
miễn rằng vẫn dựa trên sự tôn trọng sự thật lịch sử. Như vậy vai trò sáng tạo của
nhà tiểu thuyết là không thể phủ nhận, tiểu thuyết lịch sử không chỉ có nhân vật và
sự kiện lịch sử có thật mà còn có nhiều nhân vật, sự kiện hư cấu.
18


Dựa trên những quan điểm, lý giải trên, chúng tôi không có tham vọng nêu
ra một định nghĩa thật toàn diện, chuẩn xác mà chỉ đưa ra cách hiểu về tiểu thuyết
lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử là những tác phẩm văn học mang đầy đủ đặc trưng của
thể loại tiểu thuyết, đề cập đến những vấn đề lịch sử, lấy đề tài lịch sử làm nội dung

chính. Trong tiểu thuyết lịch sử, nhân vật và sự kiện lịch sử là có thật cũng có thể
không nhất thiết phải chính xác như nó vốn có mà chứa đựng cả những nhân vật và
chi tiết hư cấu, nhưng hư cấu vẫn phải dựa trên sự tôn trọng sự thật lịch sử, tuyệt
đối không làm sai lệch nhân vật và sự kiện lịch sử . Nhà tiểu thuyết phải hướng đến
mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến cho người đọc những cảm
hứng mới mẻ đối với mỗi trang tiểu thuyết.
* Quan niệm về đề tài và đề tài lịch sử trong tiểu thuyết:
Đề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn lựa chọn thể hiện và miêu tả, tạo
thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm đồng thời là cơ sở để từ đó
nhà văn đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm. Có thể nói đến đề tài chống Pháp,
chống Mỹ, đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề tài người nông dân... . Đề tài biểu
hiện khái niệm về loại của hiện tượng đời sống, do vậy, có bao nhiêu loại hiện tượng
đời sống là có bấy nhiêu đề tài, những thuộc tính chung về đề tài là căn cứ để xác
định, tập hợp các tác phẩm thành nhóm đề tài như: các tiểu thuyết lịch sử, truyện
ngụ ngôn, truyện cười...
Đề tài lịch sử là khái niệm nhắc đến phạm trù nội dung của tác phẩm. Đề tài
lịch sử có thể được phản ánh ở nhiều thể loại như tự sự, trữ tình, kịch... Trong giới
hạn của luận văn, chúng tôi nghiên cứu tiểu thuyết về đề tài lịch sử dựa vào khái
niệm của các tác giả cuốn Từ điển văn học (Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi). Theo
đó, tiểu thuyết lịch sử là “Tác phẩm tự sự lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. Lịch
sử trong ý nghĩa khái quát, là quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội. Các khoa
học xã hội (cũng được gọi là khoa học lịch sử) đều nghiên cứu quá khứ của loài
người trong tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy vậy, những tiêu điểm chú ý của các
sử gia cũng như các nhà văn quan tâm đến đề tài lịch sử, thường đều là sự hình
thành, hưng thịnh, diệt vong của các nhà nước, những biến cố lớn trong đời sống
xã hội của cộng đồng quốc gia, trong quan hệ giữa các quốc gia như chiến tranh,
19



×