KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN TOÁN Ở THCS
Để thực hiện tốt yêu cầu củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn
Toán trong trường Phổ thông, Sở Giáo dục-Đào tạo Cần Thơ yêu cầu
Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và các trường THPT trực
thuộc thực hiện tốt các hướng dẫn dưới đây:
1. Thực hiện chương trình và sách giáo khoa
Thực hiện đúng tinh thần Chuẩn kiến thức nêu trong Chương trình giáo
dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGD&ĐT
ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở phân phối chương
trình do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành và công văn 6631/BGDĐT-
GDTrH ngày 25/7/2008 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn sử dụng sách
giáo khoa phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập, các tổ chuyên môn bàn
bạc, thống nhất phương án dạy phù hợp với trình độ của học sinh. Các ý
kiến thống nhất của tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình phải
được các thành viên trong tổ tuân thủ và được thể hiện trong sổ Nghị
quyết của tổ.
Đối với các trường có thực hiện tăng tiết cho các lớp cuối cấp, cũng chỉ tập
trung cho yêu cầu luyện tập, ôn tập củng cố kiến thức; không sử dụng các
tiết này để dạy trước chương trình.
2. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học
- Bồi dưỡng tình cảm hứng thú, giáo dục thái độ tích cực, tinh thần chủ
động, sáng tạo trong học tập cho học sinh; phát huy vai trò chủ đạo của
giáo viên;
- Thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và
học sinh, thiết kế hệ thống câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, vừa
sức tiếp thu của học sinh (nhất là đối với bài dài, bài khó, nhiều kiến thức
mới); bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức
đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất kiến
thức;
- Tăng cường ứng dụng CNTT, phương tiện trực quan trong dạy học, sử
dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ các bài thực hành toán,
liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với từng bài học.
- Giáo viên sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, dễ hiểu,
tác phong thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên học sinh học
tập, tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm;
- Dạy học sát đối tượng, coi trọng việc bồi dưỡng học sinh khá giỏi và giúp
đỡ học sinh học lực yếu kém.
3. Thực hiện đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh
- Đánh giá sát đúng trình độ học sinh với thái độ khách quan, công minh
và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập của mình;
- Trong quá trình dạy học, cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận
và hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá kết quả học
tập của học sinh. Phần điểm số cho các câu hỏi trắc nghiệm khách quan
không vượt quá 40% tổng điểm toàn bài. Giáo viên cần tuân thủ các qui
trình biên soạn đề kiểm tra đã được giới thiệu trong các lớp tập huấn
chương trình và sách giáo khoa mới.
- Thực hiện đúng quy định của Quy chế Đánh giá, xếp loại, tiến hành đủ số
lần kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ.
- Khâu coi thi phải đảm bảo nghiêm túc, đúng qui chế của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
- Khâu chấm, trả bài kiểm tra phải đúng thời gian, tránh tình trạng giữ bài
làm của học sinh quá lâu. Khi chấm bài cần chú ý nêu rõ ưu, khuyết điểm
của học sinh khi làm bài.
- Nếu kết quả kiểm tra 1 tiết của lớp dạy là quá thấp (có trên 70% học
sinh đạt điểm dưới trung bình), giáo viên phải có trách nhiệm ôn tập và
cho lớp kiểm tra lại.
- Sở GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh làm các bài
kiểm tra 1 tiết với đề kiểm tra thống nhất chung trong toàn khối lớp.
4. Sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ
thông tin trong dạy học
- Việc sử dụng đồ dùng dạy học minh hoạ trong danh mục các thiết bị dạy
học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định cần phải được thực hiện
nghiêm túc. Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các giáo viên tự làm,
sưu tầm, tích lũy đồ dùng dạy học.
- Đảm bảo thực hành toán mọi phép toán có trong chương trình giáo dục
phổ thông bằng các loại máy tính cầm tay.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập
môn Toán. Mỗi giáo viên Toán ở các nơi có điều kiện về phương tiện, máy
móc phải có ít nhất hai tiết dạy có ứng dụng CNTT / một học kỳ.
5. Thực hiện đầy đủ những quy định của Bộ GD&ĐT
về việc giảng dạy, đánh giá các chủ đề tự chọn theo môn học trong các
trường phổ thông ở cấp THCS và THPT.
6. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi Toán
Theo nội dung chương trình toàn cấp hiện hành, có chú ý nâng cao kiến
thức cho học sinh, tránh bồi dưỡng cho học sinh theo dạng tủ, đối phó.
Việc bồi dưỡng học sinh giỏi phải được triển khai ngay từ các lớp đầu cấp
học.
7. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay
- Tổ chức tốt kỳ thi chọn học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp
trường, cấp quận (huyện). Thành lập và bồi dưỡng đội tuyển tham dự kỳ
thi chọn học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp thành phố.
- Máy tính được sử dụng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi giải toán trên máy
tính cầm tay cấp thành phố: Casio 570MS, 570ES hoặc các loại máy tính có
tính năng tương đương.
8. Các tổ chuyên môn cần sinh hoạt chuyên môn đúng định kì theo
qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Phải tập trung vào những vấn đề liên quan đến chuyên môn, tránh biến
các cuộc họp tổ chuyên môn thành các cuộc họp mang tính chất hành
chính, sự vụ.
- Thường xuyên dự giờ thăm lớp, tổ chức thao giảng, đúc rút kinh nghiệm.
Tăng cường các hoạt động ngoại khoá nhằm bổ trợ cho việc dạy học bộ
môn Toán.
- Các giáo viên dần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu để không
ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... nhằm đáp ứng những
yêu cầu đổi mới hiện nay.
- Tổ chuyên môn phải có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên mới ra
trường chưa qua bồi dưỡng chuyên môn, bảo đảm cho giáo viên nắm vững
CT-SGK, có kỹ năng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh
giá, sử dụng thiết bị dạy học, nắm vững PPCTGDPT và nắm vững chuẩn
kiến thức, kỹ năng của môn Toán.