Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.54 MB, 96 trang )

NGUYỄN NGỌC TUẤN

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ
LUẬT KINH TẾ

CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ

HỢP ĐỒNG KINH DOANH BẢO HIỂM,
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

NGUYỄN NGỌC TUẤN

2016 - 2018

HÀ NỘI - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ

HỢP ĐỒNG KINH DOANH BẢO HIỂM,
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

NGUYỄN NGỌC TUẤN

CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ


MÃ SỐ: 8380107

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. PHẠM VĂN TUYẾT

HÀ NỘI – 2018


LỜI CAM ĐOAN
Luận văn là kết quả nghiên cứu của riêng tôi trên cơ sở hướng dẫn của thầy
giáo PGS.TS. Phạm Văn Tuyết, Giảng viên Cao cấp của trường Đại học Luật Hà
Nội. Luận văn không trùng lặp với bất kỳ công trình khoa học nào, các trích dẫn
trong luận văn là hoàn toàn trung thực.

Hà Nội, ngày… tháng… năm 2018
Học viên

Nguyễn Ngọc Tuấn


LỜI CẢM ƠN
 Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới các
Thầy, Cô trong Trường đại học Mở nói chung và thầy giáo PGS.TS. Phạm Văn
Tuyết đã truyền đạt cho em những kiến thức vô cùng quý báu trong suốt quá trình
học tập tại Trường Đại học Mở cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để em có thể
thực hiện được Luận văn Thạc sĩ.
 Em cũng xin gửi lời cảm ơn tới các đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan,
gia đình, bạn bè và người thân, những người đã luôn bên cạnh, không ngừng động
viên, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp đỡ em trong suốt quá trình học
tập và thực hiện Luận văn thạc sĩ.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành Luận văn thạc sĩ, mặc dù đã có rất
nhiều cố gắng nhưng do tính phức tạp của đề tài đồng thời do trình độ, nhận thức
của em về lý luận và thực tiễn còn nhiều hạn chế nên Luận văn thạc sĩ không thể
tránh khỏi những thiếu sót. Chính vì vậy, em rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung
của các thầy, cô giáo để Luận văn thạc sĩ được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày…tháng … năm 2018
Học viên

Nguyễn Ngọc Tuấn


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BLDS:

Bộ luật dân sự

KDBH:

Kinh doanh bảo hiểm

TANDTC:

Tòa án nhân dân tối cao

UBTVQH:

Ủy ban thường vụ Quốc hội



MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................... 1
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài ......................................................... 1
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài .................................................. 1
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu ........................................................................ 2
3.1. Mục đích nghiên cứu ....................................................................................... 2
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu ...................................................................................... 3
4. Phạm vi nghiên cứu ........................................................................................... 3
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu .............................................. 3
5.1. Phương pháp luận ........................................................................................... 3
5.2. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................ 3
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của công trình nghiên cứu .................................. 3
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM .......... 6
1.1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm ............................................ 6
1.1.1 Hợp đồng bảo hiểm nhằm xác lập một quan hệ bảo hiểm. ........................... 6
1.1.2 Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng chuyển dịch rủi ro. .................................... 7
1.1.3 Là một hợp đồng dịch vụ ............................................................................... 7
1.1.4 Nghĩa vụ bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm là loại nghĩa vụ có điều kiện . 8
1.2. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm ................................................................. 8
1.2.1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. .......................................................................... 9
1.2.2 Đơn bảo hiểm............................................................................................... 10
1.3. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm và chủ thể quan hệ bảo hiểm .................. 11
1.3.1. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm ................................................................. 11


1.3.2. Chủ thể của quan hệ bảo hiểm ................................................................... 12
1.4. Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm..................................................... 13
1.4.1. Đối tượng được bảo hiểm ........................................................................... 13
1.4.2. Sự kiện bảo hiểm ........................................................................................ 16

1.4.3. Điều kiện bảo hiểm ..................................................................................... 18
1.4.4. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm................................................. 20
1.4.5. Mức phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm. ...................................................... 21
1.4.6. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm ......................... 25
Chương 2: THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM ............ 36
2.1. Chủ thể hoạt động bảo hiểm ........................................................................ 36
2.1.1. Doanh nghiệp bảo hiểm .............................................................................. 36
2.1.2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm................................................................ 46
2.2. Hoạt động bảo hiểm ...................................................................................... 51
2.2.1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ................................................................ 51
2.2.2. Hoạt động tái bảo hiểm ............................................................................... 55
2.2.3. Hoạt động môi giới bảo hiểm ...................................................................... 56
2.2.4. Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới................................................... 58
2.3. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm và sản phẩm dịch vụ bảo hiểm ..................... 59
2.3.1. Bảo hiểm nhân thọ ..................................................................................... 59
2.3.2. Bảo hiểm phi nhân thọ ............................................................................... 63
2.3.3. Bảo hiểm sức khoẻ ...................................................................................... 65
2.4. Những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về kinh doanh
bảo hiểm ............................................................................................................... 66


2.4.1. Về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm ................................................................ 66
2.4.2. Về giải quyết hậu quả đối với hợp đồng bảo hiểm trên giá trị .................... 71
2.4.3. Về bảo hiểm trùng....................................................................................... 72
2.4.4. Về sự chồng lấn nội dung giữa các hợp đồng bảo hiểm ............................. 77
2.5. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm ........................... 80
2.5.1. Hoàn thiện quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm khi hợp đồng đã
hoàn thành ........................................................................................................... 80
2.5.2. Hoàn thiện về quy định chấm dứt hợp đồng bảo hiểm do tài sản là đối
tượng bảo hiểm không còn ................................................................................... 81

2.5.3. Hoàn thiện về giải quyết hậu quả đối với hợp đồng bảo hiểm trên giá trị.. 81
2.5.4. Hoàn thiện về giải quyết hậu quả đối với bảo hiểm trùng trên giá trị ........ 83
2.5.5. Hoàn thiện về giải quyết hậu quả trong trường hợp các hợp đồng bảo hiểm
có nội dung chồng lấn .......................................................................................... 83
KẾT LUẬN .......................................................................................................... 85
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................ 86


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Rủi ro luôn là nguy cơ tiềm ẩn trong mọi đời sống, sản xuất. Khi rủi ro xảy ra
thường đưa con người vào tình trạng khó khăn và bất ổn về tài chính nên để ổn định
cuộc sống, sản xuất ngay cả khi rủi ro đem đến những thiệt hại lớn, người ta phải
nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm là một ngành dịch vụ trên
cơ sở huy động tài chính của số đông người tham gia bảo hiểm để trang trải khó
khăn cho một trong số họ khi gặp rủi ro. Vì vậy, bảo hiểm là phương thức góp phần
khắc phục những hậu quả thiệt hại do rủi ro mang đến, bình ổn cuộc sống, đem lại
sự yên tâm cho người tham gia bảo hiểm. Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm ở nước ta
ngày càng phát triển theo sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Để điều chỉnh ngành kinh tế bảo hiểm, nhà nước ta đã ban
hành Luật kinh doanh bảo hiểm cùng với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn
nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một ngành dịch vụ tương đối phức tạp nên
pháp luật còn chưa theo kịp, nhiều quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm
không phù hợp với thực hiễn, các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn nên
gây ra nhiều tranh chấp.
Với tình hình trên, đề tài: “Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm – Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn” mà học viên chọn làm luận văn thạc sỹ luật kinh tế của mình là
một đề tài mang tính cần thiết, có nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Có nhiều công trình khoa học đã được công bố liên quan đến đề tài của luận

văn nhưng phần lớn chỉ nghiên cứu ở góc độ kinh tế hoặc nghiên cứu các cơ chế
bảo hiểm khác. Chẳng hạn, nghiên cứu cơ chế bảo hiểm xã hội có: “Tìm hiểu chế độ
bảo hiểm xã hội mới” của Nguyễn Văn Phần và Đặng Đức San, “Đổi mới chính
sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động” của Trần Quang Hùng và TS. Mạc
Văn Tiến. Nghiên cứu về kinh doanh bảo hiểm ở góc độ kinh tế có cuốn: “Một số

1


vấn đề cơ bản về kinh tế bảo hiểm” của các đồng tác giả PGS.PTS. Bùi Tiến Quý,
TS. Mạc Văn Tiến, TS. Vũ Quang Thọ.
Nghiên cứu ở góc độ pháp luật có cuốn: “Bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm
theo pháp luật Việt Nam” của TS. Phạm Văn Tuyết. Cuốn sách này là một công
trình nghiên cứu toàn diện về pháp luật bảo hiểm nói chung và kinh doanh doanh
hiểm nói riêng nhưng được thực hiện khi chưa có Luật số 61/2012/QH12 về sửa đổi
bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm cũng như chưa có Nghị định số 73/2016/NĐ-CP
thay thế các nghị định: Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo
hiểm; Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 68/2014/NĐCP ngày 09 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2007/NĐCP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với
doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Đề tài mà học viên chọn làm luận văn thạc sỹ luật kinh tế được nghiên cứu và
thực hiện khi có Luật số 61/2012/QH12 và Nghị định số 73/2016 nên có thể coi là
công trình độc lập nghiên cứu về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm theo quy định của
các văn bản pháp luật hiện hành.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu lý luận về hợp đồng bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm,
xác định vai trò của bảo hiểm đối với đời sống xã hội, nguyên lý của hoạt động kinh

2


doanh bảo hiểm, tìm hiểu thực trạng về hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nước ta
hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về những
vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Xác
định các loại nghiệp vụ bảo hiểm được triển khai trong thực tế kinh doanh bảo hiểm
tại Việt Nam; xác định hậu quả pháp lý và trách nhiệm hoặc trường hợp có sự
chồng lấn về trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm; về nội dung bảo
hiểm giữa các hợp đồng bảo hiểm khác nhau.
4. Phạm vi nghiên cứu
Ở nước ta có nhiều cơ chế bảo hiểm khác nhau như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
y tế, bảo hiểm dân sự nhưng luận văn nghiên cứu quy định của pháp luật Việt Nam
hiện hành về kinh doanh bảo hiểm (bảo hiểm mang tính kinh doanh – ngành kinh tế
bảo hiểm). Trên cơ sở đó, xác định các loại hình kinh doanh bảo hiểm đã và đang
được triển khai tại Việt Nam.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Khi nghiên cứu đề tài, những vấn đề cần nghiên cứu trong nội dung của đề tài
sẽ được tiếp cận về phương diện lý luận trước. Hoàn thiện khái niệm, xác định nội
hàm của từng vấn đề làm cơ sở để xem xét đánh giá quy định của pháp luật hiện
hành về kinh doanh bảo hiểm để xác định sự phù hợp cũng như sự bất cập, thiếu sót
của pháp luật, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị khắc phục.

5.2. Phương pháp nghiên cứu
Khi nghiên cứu thực hiện đề tài, tác giả sẽ sử dụng phương pháp đối chiếu, so
sánh, phân tích và tìm hiểu thực tế về những vấn đề thuộc về nội dung của đề tài.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của công trình nghiên cứu

3


Về phương diện lý luận, luận văn hoàn thành sẽ có những đóng góp nhất định
trong việc xác định khái niệm, nội hàm, tính chất, đặc trưng của hợp đồng bảo
hiểm; các loại hợp đồng bảo hiểm và tính đặc trưng của từng loại hợp đồng bảo
hiểm đó.
Về phương diện thực tiễn, luận văn hoàn thành sẽ góp phần xác định cụ thể về
các sản phẩm bảo hiểm đang được triển khai trong ngành kinh tế bảo hiểm ở nước
ta hiện nay. Xác định những tồn tại trong thực tiễn của hoạt động kinh doanh bảo
hiểm và điểm bất cập của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Qua đó, đưa ra những
kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Luận văn được thiết kế theo hai chương sau đây:
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Mục đích của chương này là tìm hiều các vấn đề lý luận về hợp đồng bảo hiểm
nên được chia thành các mục sau:
1.1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm
1.2. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm
1.3. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm và chủ thể của quan hệ bảo hiểm
1.3.1. Chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm
1.3.2. Chủ thể hưởng bảo hiểm
1.4. Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm
Chương 2: THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM
Chương này nghiên cứu về các loại nghiệp vụ bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm

trong ba mục:
2.1. Chủ thể hoạt động kinh doanh bảo hiểm
2.2. Hoạt động bảo hiểm

4


2.3. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm và sản phẩm dịch vụ bảo hiểm
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của chương 1 mục 2.1; 2.2; 2.3 của chương 2,
học viên đã xác định các bất cập, vướng mắc trong quy định của pháp luật về kinh
doanh bảo hiểm cần phải khắc phục theo kết cấu hai mục:
2.4. Những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về kinh
doanh bảo hiểm
2.5. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

5


Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ
LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
1.1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm
Tại Điều 12, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (từ đây xin được viết tắt là
Luật KDBH) đã được sửa đổi, bổ sung bằng Luật số 61/2012/QH12 ngày
24/11/2010 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo
hiểm (từ đây xin được viết tắt là Luật số 61/2012/QH12) đã định nghĩa về hợp đồng
bảo hiểm như sau: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và
doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh
nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho
người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”[17].
Như vậy, hợp đồng bảo hiểm được hình thành bởi sự thoả thuận giữa hai bên

chủ thể là bên nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Trong đó, bên nhận bảo hiểm là
doanh nghiệp hoạt động về kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm là chủ thể bất
kỳ có nhu cầu bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm nhất định. Trong thoả thuận
này, bên mua bảo hiểm đóng cho bên nhận bảo hiểm một khoản tiền gọi là phí bảo
hiểm để được bên nhận bảo hiểm trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự
kiện bảo hiểm.
Từ khái niệm trên có thể thấy hợp đồng bảo hiểm mang một số đặc điểm sau
đây:
1.1.1 Hợp đồng bảo hiểm nhằm xác lập một quan hệ bảo hiểm.
Trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm chấp nhận đóng cho bên nhận
bảo hiểm một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm, bên nhận bảo hiểm chấp nhận các rủi
ro là sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, các bên hướng tới việc hình thành một
quan hệ bảo hiểm trong đó, bên nhận bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện việc chi trả
tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Quan hệ bảo
6


hiểm được hình thành từ hợp đồng bảo hiểm có thể là quan hệ giữa bên nhận bảo
hiểm với bên mua bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm đồng thời là người được bảo
hiểm. Ngoài ra, quan hệ bảo hiểm có thể là quan hệ giữa bên nhận bảo hiểm với
người thứ ba (người thụ hưởng) nếu bên mua bảo hiểm không đồng thời là bên thụ
hưởng.
1.1.2 Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng chuyển dịch rủi ro.
Đích hướng tới của các bên khi tham gia hợp đồng là lợi ích nên trong đa phần
các hợp đồng, các bên đều hướng tới mục đích nhằm thiết lập một quan hệ để thông
qua đó, các bên thực hiện nghĩa vụ đối với nhau nhằm thực hiện quá trình trao đổi
lợi ích vật chất. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm, mặc dù các bên cũng nhằm
thiết lập một quan hệ nghĩa vụ nhưng trong đó, bên tham gia bảo hiểm hướng tới sự
bình ổn về tình trạng kinh tế của mình trong trường hợp có tổn thất tài chính do xảy

ra rủi ro về sức khỏe, tài sản của mình hoặc của người khác mà mình có trách nhiệm
phải bồi thường hoặc hướng tới sự bình ổn về tình trạng kinh tế cho thân nhân của
mình khi xảy ra rủi ro về tính mạng của mình (hợp đồng bảo hiểm tính mạng trong
trường hợp chết). Điều này cho thấy, bên tham gia bảo hiểm với mục đích chuyển
rủi ro xảy ra từ mình sang bên nhận bảo hiểm trong mọi trường hợp nếu rủi ro đó
được xác định là sự kiện bảo hiểm. Bên nhận bảo hiểm chấp nhận gánh nặng tài
chính đó về phía mình. Và vì vậy, hợp đồng bảo hiểm, bất kể đó là bảo hiểm về tài
sản, sức khỏe hay tính mạng của người tham gia bảo hiểm hay của người thứ ba
được bảo hiểm đều là sự chuyển dịch rủi ro từ bên mua bảo hiểm sang bên nhận bảo
hiểm.
1.1.3 Là một hợp đồng dịch vụ
Khi định nghĩa về hợp đồng bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm gọi bên
tham gia bảo hiểm là bên mua bảo hiểm nên sẽ được hiểu doanh nghiệp bảo hiểm
nhận khoản tiền (phí bảo hiểm) của bên tham gia bảo hiểm là bên bán bảo hiểm,
trong khi hợp đồng bảo hiểm không có mục đích xác lập một quan hệ mua bán,
không có sự chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho nhau giữa các bên.

7


Điều đó cho thấy rằng khi doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm từ bên
tham gia bảo hiểm và nhận về mình trách nhiệm bảo hiểm đối với các rủi ro nghĩa là
đã bán cho bên mua bảo hiểm một dịch vụ bảo hiểm cho một đối tượng được xác
định trong hợp đồng đó. Tuy nhiên, hành vi dịch vụ trong bảo hiểm là một hoạt
động vô hình, hay nói một cách khác, kết quả của hành vi dịch vụ này không mang
tính vật thể như kết quả của hành vi trong các hợp đồng dịch vụ khác. Chẳng hạn
như trong hợp đồng gia công thì hành vi gia công tạo ra một sản phẩm bao giờ cũng
có kết quả mang tính vật thể là các sản phẩm được tạo ra từ hành vi gia công.
1.1.4 Nghĩa vụ bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm là loại nghĩa vụ có điều
kiện

Bất kỳ một hợp đồng nào nếu được giao kết hợp pháp đều là căn cứ làm phát
sinh nghĩa vụ. Theo đó, kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, một quan hệ
nghĩa vụ được hình thành và thông thường, các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ đó
phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo thời hạn đã được xác dịnh
trong hợp đồng. Chẳng hạn, kể từ thời điểm hợp đồng mua bán có hiệu lực thì bên
bán có nghĩa vụ phải chuyển cho bên mua tài sản là đối tượng của hợp đồng, bên
mua phải nhận vật và trả tiền cho bên bán theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa
thuận trong hợp đồng hoặc theo đúng quy định của pháp luật nếu các bên chưa thỏa
thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, “trường hợp các bên có thoả
thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện
phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện”. Trong hợp đồng bảo hiểm thì mặc dù từ
thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, các bên đã chịu sự ràng buộc với nhau về
quyền và nghĩa vụ nhưng bên nhận bảo hiểm không phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền
bảo hiểm nếu trong thời hạn bảo hiểm không có rủi ro, thiệt hại nào thuộc sự kiện
bảo hiểm xảy ra. Bên nhận bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm
nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra và như vậy, sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn
bảo hiểm chính là điều kiện thực hiện nghĩa vụ.
1.2. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm

8


Bất kỳ hợp đồng nào thì ý chí của các bên đều cũng được ghi nhận thông qua
một hình thức nhất định bởi ý chí của chủ thể trong hợp đồng dân sự thuộc về
phạm trù nội dung mà nội dung đó bao giờ cũng phải thể hiện ra bên ngoài bằng
một hình thức nhất định. Nói chung, các hợp đồng có thể được xác lập theo một
trong các hình thức: Lời nói, hành vi cụ thể, văn bản. Trong đó, những hợp đồng mà
pháp luật không quy định phải được giao kết theo một hình thức bắt buộc thì các
chủ thể được quyền lựa chọn một trong ba hình thức đó để xác lập hợp đồng. Ngược
lại, các chủ thể không được quyền lựa chọn hình thức xác lập nếu hợp đồng mà họ

tham gia đã được pháp luật quy định phải tuân theo một hình thức bắt buộc.
Điều 14, Luật KDBH quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm như sau:
“Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn
bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật qui định.” [17]
Theo qui định trên thì hợp đồng bảo hiểm bắt buộc phải được thiết lập bằng
hình thức văn bản. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được coi là một ngành dịch vụ
trong đó, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cùng một lúc có thể cung cấp dịch vụ cho
nhiều rất nhiều chủ thể có nhu cầu bảo hiểm nên hợp đồng bảo hiểm thường được
các doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn dưới dạng hợp đồng theo mẫu.
Ngoài hợp đồng bằng văn bản dưới dạng hợp đồng theo mẫu thì hợp đồng bảo
hiểm cũng được coi là đã giao kết nếu bên bảo hiểm đã cấp cho bên mua bảo hiểm
một trong các loại giấy tờ sau:
1.2.1 Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa
doanh nghiệp bảo hiểm đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm với bên được cấp giấy
chứng nhận bảo hiểm đó. Giấy chứng nhận bảo hiểm thường được thiết kế ở dạng
thẻ với kích cỡ hợp lý trong đó ghi đầy đủ các thông tin liên quan. Chẳng hạn, giấy
chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm các thông tin

9


sau: Số giấy chứng nhận bảo hiểm; tên và địa chỉ của chủ xe; loại xe và tính năng sử
dụng của xe; biển kiểm soát theo đăng ký xe; mục đích sử dụng xe; thời hạn bảo
hiểm; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba (xác định theo
mức trách nhiệm bảo hiểm về người, về tài sản); bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe
đối với hành khách (xác định theo mức trách nhiệm bảo hiểm về người, về tài sản);
bảo hiểm tự nguyện khác (nếu có); giờ, phút, ngày, tháng, năm cấp bảo hiểm; tên
doanh nghiệp bảo hiểm; nơi cấp bảo hiểm; người đại diện doanh nghiệp cấp bảo

hiểm (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)”[23].
1.2.2 Đơn bảo hiểm.
Đơn bảo hiểm thường được sử dụng cho các hợp đồng bảo hiểm tự nguyện và
thường bao gồm nhiều trang ghi nhận các thông tin một cách chi tiết, cụ thể để miêu
tả tất cả các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như: Tên và địa chỉ của doanh
nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người được thụ
hưởng, đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm, phạm vi
bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ bảo hiểm,
thời hạn bảo hiểm, mức phí và phương thức đóng phí bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm,
thời hạn và phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường, phương thức giải quyết
tranh chấp ...
Trước đây, đơn bảo hiểm thường được viết tay theo mỗi một hợp đồng cụ thể
và cấp cho khách hàng bảo hiểm. Sau đó, cùng với sự phát triển của thị trường bảo
hiểm, đơn bảo hiểm được viết đơn lẻ cho từng trường hợp không còn phù hợp nữa
và vì vậy, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm thường
soạn thảo đơn bảo hiểm tương ứng với từng nghiệp vụ bảo hiểm và in sẵn. Các đơn
này được thiết kế theo từng đề mục và có chỗ trống để khách hàng điền vào đó
những chi tiết theo nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, đơn bảo hiểm thường kèm
theo phụ lục nên trong đơn chỉ qui định về những vấn đề chính. Cơ cấu của một đơn
bảo hiểm thường bao gồm: Phần mở đầu, phần qui định về các điều khoản chính,
phần qui định về các điều khoản loại trừ, phần qui định về các điều kiện và cuối

10


cùng là chữ ký của người đại diện cho công ty bảo hiểm. Đơn bảo hiểm với cơ cấu
trên được in sẵn và áp dụng cho tất cả khách hàng bảo hiểm, nội dung của nó không
thể miêu tả được đặc điểm riêng của từng cá nhân cụ thể. Vì vậy, mỗi một đơn bảo
hiểm còn kèm theo một bản phụ lục để chi tiết hoá các thông tin, đặc điểm của
khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm đó, đồng thời để giải thích các thuật ngữ

trong đơn bảo hiểm.
1.3. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm và chủ thể quan hệ bảo hiểm
Thông thường, chủ thể của một hợp đồng cũng chính là chủ thể của quan hệ
nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Tuy nhiên, đó chỉ là trong những trường hợp
người tham gia hợp đồng cũng chính là người có các quyền và các nghĩa vụ phát
sinh từ hợp đồng mà họ đã tham gia. Đối với các hợp đồng mà người được hưởng
lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng thì chủ thể của
hợp đồng không đồng nghĩa với chủ thể của quan hệ bảo nghĩa vụ từ hợp đồng đó.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, ngoài mục đích bảo hiểm cho mình và hưởng lợi ích
từ bảo hiểm, trong nhiều trường hợp người mua bảo hiểm còn hướng tới việc bảo
hiểm cho người khác hoặc để người khác thụ hưởng lợi ích từ bảo hiểm. Vì thế,
mục này xác định hai loại chủ thể liên quan đến bảo hiểm.
1.3.1. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm
Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm là các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm đó,
bao gồm:
- Bên bảo hiểm: Là bên đã nhận phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và
cam kết nhận rủi ro bảo hiểm về phía mình. Vì nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của bên
nhận bảo hiểm đôi khi là khoản tài chính rất lớn nên bên nhận bảo hiểm phải là các
tổ có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và nguồn vốn lớn mạnh mới có thể đảm bảo được
nghĩa vụ bồi thường. Chính vì lẽ đó, pháp luật về bảo hiểm của nước ta qui định bên
nhận bảo hiểm phải là các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bảo hiểm và chỉ
được thành lập khi thoả mãn điều kiện về vốn pháp định. (Luận văn sẽ trình bày kỹ

11


hơn về chủ thể này khi xem xét về chủ thể hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại
chương 2).
- Bên mua bảo hiểm: Là bên đã nộp cho bên nhận một khoản tiền là phí bảo
hiểm khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm. Khác với bên nhận bảo hiểm,

bên tham gia bảo hiểm là cá nhân, tổ chức bất kỳ. Tuy nhiên, các chủ thể này phải
có đủ năng lực chủ thể và phải có mối quan hệ nhất định đối với đối tượng được bảo
hiểm (gọi là quyền lợi có thể được bảo hiểm).
1.3.2. Chủ thể của quan hệ bảo hiểm
Chủ thể của quan hệ bảo hiểm là những người có quyền, nghĩa vụ trong quan
hệ nghĩa vụ bảo hiểm được hình thành từ hợp đồng bảo hiểm. Quan hệ nghĩa vụ bảo
hiểm là quan hệ giữa một bên có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường
thiệt hại với một bên được thụ hưởng khoản tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường
thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì thế, chủ thể của quan hệ nghĩa vụ về bảo
hiểm bao gồm:
- Bên có nghĩa vụ: Nói một cách chung nhất thì bên có nghĩa vụ trong các
quan hệ về nghĩa vụ bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận phí bảo hiểm từ
người tham gia bảo hiểm, hay nói một cách cụ thể thì bên có nghĩa vụ chính là bên
nhận bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm làm hình thành quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm
đó.
- Bên được bảo hiểm: Là bên được thụ hưởng một khoản tiền bảo hiểm hoặc
được bồi thường thiệt hại hoặc được bên bảo hiểm đảm nhiệm thay một trách nhiệm
dân sự khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Ngoài ra, bên được bảo hiểm còn được xác định
cụ thể hơn thông qua hai thuật ngữ: Người được bảo hiểm và người được hưởng bồi
thường, trong đó, người được bảo hiểm có thể đồng thời là người được bồi thường
nhưng có thể không đồng thời là người được hưởng bồi thường. Vì vậy, mối liên hệ
giữa các chủ thể liên quan đến hợp đồng bảo hiểm được xác định cụ thể theo các
trường hợp sau đây: (i) Trong các hợp đồng bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm
trong hợp đồng đó hướng tới việc bảo hiểm cho chính mình (như bảo hiểm cho sức
12


khỏe, tài sản của mình) thì bên được bảo hiểm trong quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm
chính là người đã tham gia bảo hiểm, đồng thời họ là người được hưởng tiền bảo
hiểm. (ii)Trong các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì bên được bảo hiểm là

người mua bảo hiểm (được bảo hiểm trách nhiệm dân sự) nhưng người được hưởng
bồi thường thiệt hại là người thứ ba (người mà người tham gia bảo hiểm có trách
nhiệm dân sự đối với thiệt hại của họ). (iii)Trong các hợp đồng bảo hiểm mà người
tham gia bảo hiểm hướng tới việc bảo hiểm cho sức khỏe của người khác (chẳng
hạn như cha, mẹ tham gia hợp đồng bảo hiểm an sinh cho con) thì bên được bảo
hiểm là người thứ ba được thụ hưởng khoản tiền bảo hiểm (con của người tham gia
bảo hiểm). (vi) Trong các hợp đồng bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm hướng
tới bảo hiểm tính mạng cho chính mình trong trường hợp chết thì bên được bảo
hiểm là người tham gia bảo hiểm nhưng người thứ ba là người được thụ hưởng
khoản tiền bảo hiểm. (Có thể là người được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm, có
thể là người thừa kế của người tham gia bảo hiểm).
1.4. Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm
Nội dung của hợp đồng bảo hiểm là tổng hợp quyền và nghĩa vụ của các bên
tham gia bảo hiểm và các bên trong quan hệ bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo
hiểm đó được xác định thông qua các vấn đề sau:
1.4.1. Đối tượng được bảo hiểm
Rủi ro xảy ra có thể đem đến tổn thất tài chính cho chính người tham gia bảo
hiểm, có thể là cho người thứ ba. Vì vậy, trong các hợp đồng bảo hiểm mà bên mua
bảo hiểm tham gia hợp đồng để bảo hiểm cho chính họ thì đối tượng được bảo hiểm
là sinh mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người đó, trong các hợp đồng mà bên mua
bảo hiểm tham gia hợp đồng để bảo hiểm cho người thứ ba thì đối tượng được bảo
hiểm là sinh mạng, sức khỏe của người thứ ba, đồng thời nếu bên mua bảo hiểm
tham gia hợp đồng để bảo hiểm trách nhiệm dân sự của mình thì đối tượng được
bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ đối với người thứ ba. Như vậy,
khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì bên bảo hiểm có nghĩa vụ phải khắc phục các tổn

13


thất tài chính thông qua việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại cho người

tham gia bảo hiểm hoặc cho người thứ ba. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ này
phải phù hợp với một trong các đối tượng được bảo hiểm sau đây:
Đối tượng bảo hiểm là con người.
Con người được bảo hiểm về các yếu tố như tuổi thọ, sinh mạng, tai nạn thân
thể và sức khỏe vốn là những vấn đề vô giá, không thể cân đong đo đếm về giá trị.
Vì vậy, khi thực hiện chi trả tiền bảo hiểm trong các hợp đồng này thường được xác
định từng vấn đề được bảo hiểm. Nếu bảo hiểm về tính mạng con người thì khi
người được bảo hiểm chết, bên bảo hiểm phải chi trả một khoản tiền được xác định
trước tương ứng với mức phí bảo hiểm thành một khoản tiền cụ thể. Nếu bảo hiểm
về tai nạn con người thì bên bảo hiểm phải chi trả một khoản tiền trong phạm vi số
tiền bảo hiểm trên cơ sở căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm.
Nếu bảo hiểm về sức khỏe con người thì bên bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm
trong phạm vi số tiền bảo hiểm trên cơ sở căn cứ chi phí thực tế và hợp lý trong việc
khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai
nạn gây ra.
Đối tượng bảo hiểm là tài sản.
Tài sản được bảo hiểm bao gồm nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, với nguyên
tắc người mua bảo hiểm cho một tài sản phải là người có quyền lợi có thể được bảo
hiểm đối với tài sản đó, đồng thời tính chất, giá trị của tài sản được bảo hiểm là căn
để xác định phí bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm
bồi thường... Vì vậy, nếu tài sản là một vật thì vật đó phải thuộc sở hữu của người
mua bảo hiểm đồng thời phải là một vật có thực, nói một cách khác thì vật được bảo
hiểm phải là vật đã có (vật hiện hữu) vào thời điểm hợp đồng bảo hiểm được giao
kết bởi chỉ xác định được mức phí bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản loại
trừ trong một hợp đồng bảo hiểm tài sản khi căn cứ vào tính chất, đặc tính và giá trị
của vật được bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiến
hành các nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vật nuôi cây trồng. Đây là các

14



nghiệp vụ bảo hiểm mà trong đó giá trị của đối tượng bảo hiểm chưa được xác định
chính xác như các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản thông thường khác nhưng nhìn nhận
với góc độ chung nhất thì các nghiệp vụ bảo hiểm này cũng là một dạng của bảo
hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản.
Nếu tài sản dược bảo hiểm là tiền thì phải là tiền đang có giá trị lưu hành và
được phép lưu hành theo qui định của pháp luật, nếu là giấy tờ có giá trị thì giấy tờ
đó phải trị giá được thành tiền, do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành và
có thể lưu thông dân sự được.
Đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự là sự quy định của luật dân sự về hậu quả pháp lý được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng buộc người có hành vi vi phạm quy tắc xử
sự phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp cho bên có quyền dân sự bị xâm phạm. Trong các hậu quả pháp lý đó có hậu
quả không mang tính tài sản (như trách nhiệm công khai xin lỗi), có hậu quả mang
tính tài sản (như bồi thường thiệt hại), Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm trách
nhiệm dân sự thì bên bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất cho
người bị người tham gia bảo hiểm gây thiệt hại. Vì vậy, trách nhiệm dân sự là đối
tượng của hợp đồng bảo hiểm chỉ là trách nhiệm về bồi thường thiệt hại.
Người gây ra sự mất mát, hư hỏng tài sản của người khác thì có trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Người gây ra thương tích hoặc gây ra
cái chết cho người khác thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính
mạng bị xâm phạm. Người gây ra thiệt hại vật chất do hành vi xâm phạm đến danh
dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm
phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm. Có thể người có xe ô tô phải chịu trách
nhiệm bồi thường cho người bị ô tô đó gây ra tai nạn theo trách nhiệm dân sự của
chủ xe cơ giới, có thể một chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với tổn
thương của người lao động phải bồi thường theo trách nhiệm của chủ doanh nghiệp
đối với người lao động. Một nhà sản xuất có thể phải bồi thường cho người tiêu


15


dùng trong trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại do hàng hóa của nhà sản xuất đó
gây ra theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu
dùng (hay còn gọi là trách nhiệm sản phẩm). Người thực hiện các chuyên môn nghề
nghiệp như bác sĩ, giám định viên, môi giới bảo hiểm, tư vấn pháp luật đều có thể
phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng của mình.
Hành vi gây ra thiệt hại có thể được thực hiện với lỗi cố ý hoặc có thể chỉ là
vô ý (sự bất cẩn) và đều có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy
nhiên, với bản chất của bảo hiểm là chỉ bảo hiểm rủi ro nên phạm vi bảo hiểm trong
hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ bao gồm các thiệt hại do hành vi vô ý
gây ra.
1.4.2. Sự kiện bảo hiểm
Kể từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực pháp luật, quan hệ nghĩa vụ về
bảo hiểm được hình thành, trong đó bên bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm
hoặc bồi thường thiệt hại cho bên được bảo hiểm. Tuy nhiên, (như đã xét đến tính
chất của hợp đồng bảo hiểm ở phần trước), bên bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa
vụ chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Như vậy
sự kiện bảo hiểm chính là điều kiện thực hiện nghĩa vụ của bên bảo hiểm trong một
hợp đồng bảo hiểm. “Trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy
định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ
phải thực hiện”. Theo quy định này, một sự kiện xảy ra trong thực tế chỉ được coi
là sự kiện bảo hiểm nếu nó là sự kiện khách quan đồng thời, khi sự kiện đó xảy ra
đã gây ra một thiệt hại, tổn thất trong thực tế. Mặt khác, bên bảo hiểm chỉ phải trả
tiền bảo hiểm khi tổn thất xảy ra trong phạm vi đã được các bên thỏa thuận hoặc
pháp luật qui định và trong thời gian hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm còn thời hạn.
Như vậy, hiểu một cách chung nhất thì sự kiện bảo hiểm là những rủi ro xảy ra
trong thực tế nằm ngoài ý chí của các bên tham gia bảo hiểm và đã gây ra những tổn
thất nhất định trong phạm vi bảo hiểm đã được xác định trước theo thỏa thuận hoặc

theo quy định của pháp luật. Nói một cách khác, thì sự kiện bảo hiểm chính là rủi ro

16


được bảo hiểm.
Sự kiện bảo hiểm là các dự liệu nằm trong phạm vi bảo hiểm khi hợp đồng
được giao kết và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu được trong bất kỳ một
hợp đồng bảo hiểm nào vì nó chính là căn cứ để xác định bên bảo hiểm có phải trả
tiền bảo hiểm hay không khi có thiệt hại xảy ra. Tùy theo từng trường hợp và tính
chất của từng loại nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau mà bên bảo hiểm hoặc pháp luật
xác định trước các sự kiện nào nằm trong phạm vi bảo hiểm nên mỗi một loại hợp
đồng bảo hiểm có một phạm vi các sự kiện được bảo hiểm khác nhau.
Các sự kiện xảy ra chỉ được coi là sự kiện bảo hiểm khi có đủ các yếu tố sau:
Phải là một sự kiện khách quan
Yếu tố khách quan đòi hỏi sự kiện bảo hiểm phải là một rủi ro, có nghĩa là
thiệt hại xảy ra phải là các sự cố bất ngờ mà hoàn toàn không phải do hành vi cố ý
của người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm gây ra đồng thời cũng
không phải là các thiệt hại biết chắc chắn trước là sẽ xảy ra. Mặt khác, một thiệt hại
xảy ra trước hoặc trùng với thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng không được
coi là sự kiện bảo hiểm.
Phải trong giới hạn của phạm vi bảo hiểm.
Theo qui định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo
hiểm chỉ được tiến hành bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp
vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp đó được phép kinh doanh theo Giấy phép chứng nhận
đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền (Bộ Tài chính) cấp. Đồng thời khi khai thác bảo hiểm, các doanh
nghiệp này phải đăng ký các qui tắc, điều khoản, biểu phí đối với các sản phẩm bảo
hiểm mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động bảo hiểm. Trong đó phần phạm vi bảo
hiểm phải liệt kê các rủi ro được coi là sự kiện bảo hiểm. Một nghiệp vụ bảo hiểm

thường chỉ nhận bảo hiểm rủi ro do một số nguyên nhân nhất định và bên bảo hiểm
chỉ bồi thường khi đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại do những nguyên nhân đó gây ra.
Chẳng hạn, rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm vật chất đối với xe cơ
17


×