Tải bản đầy đủ (.doc) (209 trang)

Động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (867.78 KB, 209 trang )

2

BỘ QUỐC PHÒNG
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ


BÙI VĂN MẠNH

ĐỘNG LỰC CỦA GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG
CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
Mã số:

922 90 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh

HÀ NỘI - 2020


3

LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan luận án này là công trình
nghiên cứu của riêng tác giả. Các số tài liệu, số
liệu, trích dẫn trong luận án đều trung thực, bảo
đảm tính khách quan, khoa học và có nguồn gốc rõ
ràng. Luận án không trùng lặp với các công trình


khoa học đã công bố.
Tác giả luận án

ThS Bùi Văn Mạnh


4

MỤC LỤC
Trang
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Chương TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1
1.1.
Các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến động lực của con
người, người lao động
1.2.
Các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến động lực của giảng
viên, giảng viên lý luận chính trị
1.3.
Khái quát kết quả nghiên cứu chủ yếu của các công trình khoa học đã
công bố có liên quan và những vấn đề đặt ra luận án tập trung giải quyết
Chương NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ ĐỘNG LỰC CỦA
GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG CÁC NHÀ
2
TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

2.1.
Quan niệm và đặc điểm động lực của giảng viên lý luận chính trị
trong các nhà trường quân đội
2.2.
Những nhân tố cơ bản quy định động lực của giảng viên lý luận
chính trị trong các nhà trường quân đội
Chương 3 ĐỘNG LỰC CỦA GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
TRONG CÁC NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI - THỰC TRẠNG
VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
3.1.
Thực trạng động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà
trường quân đội
3.2.
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng động lực của giảng viên lý luận chính
trị trong các nhà trường quân đội
Chương 4 GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM PHÁT HUY ĐỘNG LỰC CỦA
GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG CÁC NHÀ
TRƯỜNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY
4.1.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể lãnh đạo, quản lý về phát huy động
lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay
4.2.
Hoàn thiện các chính sách tôn vinh, đãi ngộ; đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử
dụng giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay
4.3.
Xây dựng văn hóa dân chủ trong các nhà trường quân đội hiện nay
4.4.
Tích cực hóa nhân tố chủ quan người giảng viên lý luận chính trị trong
các nhà trường quân đội hiện nay
KẾT LUẬN

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG
BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

5
10
10
16
24
30
30
59

77
77
108
117
117
125
137
145
155
157
159
172


5


MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài luận án
Hoạt động thực tiễn của con người được thúc đẩy bởi hệ thống động lực. Xét
đến cùng, động lực thúc đẩy con người mạnh mẽ nhất là hoạt động tự ý thức nhằm
theo đuổi việc thỏa mãn những nhu cầu bằng những lợi ích khác nhau. C. Mác khi
nghiên cứu động lực của lịch sử từng khẳng định: “Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt
động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình” [83, tr. 141].
Động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội
là những nhân tố được tạo ra bởi sự thỏa mãn nhu cầu khách quan bằng những
lợi ích chính đáng, thiết thân, có vai trò thúc đẩy tính tích cực, tự giác, giúp
họ vượt qua trở lực của công việc, mang lại chất lượng và hiệu quả giảng dạy,
nghiên cứu khoa học ngày càng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thiếu động lực, giảng viên lý luận chính trị làm việc kém tích cực, thiếu sáng
tạo, khó vượt qua được những lực cản từ tính chất công việc, khiến cho chất
lượng các hoạt động thấp, không bền vững, tính gắn kết giữa giảng viên lý luận
chính trị với tổ chức, với công việc không cao.
Những năm qua, nghiên cứu về động lực của con người nói chung, của
giảng viên nói riêng đã thu được kết quả tích cực, góp phần làm sáng tỏ thêm
những vấn đề lý luận có liên quan. Nhưng, các nghiên cứu về động lực của
giảng viên chưa có tính chuyên sâu, thiếu tính toàn diện và chưa có nghiên cứu
nào về động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội
từ góc độ triết học. Về thực tiễn, bên cạnh tuyệt đại đa số giảng viên lý luận
chính trị trong các nhà trường quân đội làm việc tích cực, tự giác, có động lực
mạnh mẽ, còn một bộ phận thiếu động lực, chưa tích cực trong thực hiện nhiệm
vụ, làm việc cầm chừng, tinh thần trách nhiệm không cao, thiếu say mê, sáng
tạo, thiếu sự gắn bó với nghề nghiệp, thiếu lòng yêu nghề. Không ít giảng viên
lý luận chính trị nhu cầu giảng dạy thấp, xu hướng nghề nghiệp không rõ ràng.


6


Những hạn chế về động lực, cả trên phương diện nghiên cứu lý luận và thực
tiễn đã và đang cản trở lãnh đạo, quản lý các cấp có liên quan trong việc hoạch
định chính sách kích thích giảng viên lý luận chính trị say mê với công việc,
đồng thời kìm hãm tính tích cực, tự giác, lao động sáng tạo của giảng viên lý
luận chính trị trong các nhà trường quân đội.
Trong bối cảnh các nhà trường quân đội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TƯ (khóa XI)
của Đảng; hoạt động nghiên cứu lý luận, xây dựng các nhà trường quân đội có sự
phát triển mới; cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chống các quan điểm, tư tưởng phản
động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, yêu
cầu giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội không ngừng nâng cao
chất lượng các hoạt động. Đồng thời, mặt trái nền kinh tế thị trường, sự biến đổi các
thang giá trị đạo đức, giá trị nghề nghiệp đã và đang tác động mạnh mẽ đến giảng
viên lý luận chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm, đến
động lực của họ trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, nghiên cứu về động lực, đề xuất
các giải pháp nhằm thúc đẩy giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân
đội hoạt động tích cực, tự giác, lao động sáng tạo, khát khao cống hiến là cần thiết.
Với lý do đó, tác giả lựa chọn vấn đề “Động lực của giảng viên lý luận chính trị
trong các nhà trường quân đội hiện nay” làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích
Luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về động lực của giảng viên lý luận
chính trị trong các nhà trường quân đội; đề xuất hệ thống giải pháp cơ bản nhằm phát
huy động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay.
Nhiệm vụ
- Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án.
- Làm rõ quan niệm, đặc điểm và những nhân tố cơ bản quy định động lực
của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội.



7

- Phân tích, đánh giá thực trạng và chỉ rõ những vấn đề đặt ra từ thực trạng
động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay.
- Đề xuất hệ thống giải pháp cơ bản nhằm phát huy động lực của giảng viên
lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội hiện nay.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Động lực của giảng viên lý luận chính trị.
Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản và thực
trạng động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội.
Về phạm vi điều tra, khảo sát: Nghiên cứu, khảo sát động lực của giảng
viên lý luận chính trị trong các học viện, trường sĩ quan Quân đội nhân dân
Việt Nam, như Học viện Chính trị, Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan
Chính trị, Trường Sĩ quan lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2...
Về thời gian: Luận án sử dụng số liệu, tư liệu, khảo sát thực trạng
động lực của giảng viên lý luận chính trị trong khoảng thời gian từ năm
2014 tháng 7/2019.
4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận
Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng,
phát triển, phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo, phát triển giáo dục - đào tạo; vấn
đề động lực, vai trò của động lực đối với cán bộ, người lao động trong sự nghiệp
đổi mới đất nước...
Cơ sở thực tiễn
Luận án dựa trên thực tiễn hoạt động của giảng viên lý luận chính trị
trong các nhà trường quân đội hiện nay, thông qua số liệu có liên quan của các

nghiên cứu đã công bố, số liệu tổng hợp từ kết quả trưng cầu ý kiến, kết quả


8

phỏng vấn, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, dự án, đề án của Đảng, Nhà
nước, Quân đội và các nhà trường quân đội hiện nay.
Phương pháp nghiên cứu
Luận án vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Phương pháp tiếp cận xuyên suốt của
luận án là nghiên cứu động lực dưới phương diện nhu cầu, lợi ích và gắn
với nhu cầu, lợi ích.
Luận án sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp: Thu thập, tổng
hợp, hệ thống hóa, xử lý, phân tích, đánh giá các tài liệu, số liệu từ các báo cáo,
các công trình đã công bố trong và ngoài quân đội. Đồng thời, luận án kế thừa
những lý luận khoa học, quan điểm tiếp cận của các công trình nghiên cứu trong
và ngoài nước về động lực của con người, cán bộ, người lao động, giảng viên và
giảng viên lý luận chính trị.
Ngoài ra, luận án còn sử dụng tổng hợp các phương pháp của khoa học
liên ngành: Lôgic và lịch sử, trừu tượng hóa và khái quát hóa, thống kê, điều
tra xã hội học, quan sát, phỏng vấn chuyên sâu và phương pháp chuyên gia để
làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu.
5. Những đóng góp mới của luận án
Về lý luận
Luận án đã xây dựng, làm rõ thêm quan niệm, đặc điểm và những nhân
tố cơ bản quy định động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà
trường quân đội.
Về thực tiễn
Luận án đã đánh giá chính xác, cập nhật thực trạng động lực của giảng
viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội.

Luận án đã đề xuất được hệ thống giải pháp cơ bản, đồng bộ, có tính
khả thi, nhằm phát huy động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà
trường quân đội hiện nay.


9

6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của đề tài
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý
luận về động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội.
Đồng thời, góp phần làm phong phú thêm lý luận về động lực của con người,
người lao động, của giảng viên trong các học viện, trường cao đẳng, đại học.
Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp cơ sở lý luận khoa học
cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý giáo dục đề xuất những giải pháp nhằm tạo
động lực, phát huy động lực, tăng cường động lực, qua đó nâng cao chất
lượng thực hiện nhiệm vụ của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà
trường quân đội. Kết quả nghiên cứu của luận án còn có thể dùng làm tài liệu
tham khảo, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần,
động cơ, thái độ, ý chí, tình cảm nghề nghiệp của giảng viên lý luận chính trị
trong các nhà trường quân đội hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Luận án gồm: Mở đầu, 4 chương (11 tiết), kết luận, danh mục các công
trình khoa học của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài
liệu tham khảo và phụ lục.


10

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến động lực của
con người, người lao động
1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
Động lực của con người, người lao động là chủ đề nghiên cứu hấp dẫn
với nhiều nhà khoa học trên thế giới. Do vậy, đã có nhiều nhà khoa học ở nước
ngoài nghiên cứu vấn đề này, theo các hướng: Cơ sở hình thành động lực, nhân
tố tác động tới động lực; vai trò của động lực với hiệu quả công việc; tạo động
lực cho người lao động…
Đối với hướng nghiên cứu về cơ sở hình thành động lực, có các tác giả
tiêu biểu như Maslow, Alderfer, Herzberg, Carl Rogers, Pinder… Trong công
trình “A theory of human motivation” (Một lý thuyết về động lực của con
người), Maslow quan niệm con người có năm loại nhu cầu cơ bản, bao gồm
nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu được công nhận, nhu cầu được tôn
trọng và nhu cầu tự thể hiện bản thân [138]. Các nhu cầu này là tự thân, ai cũng
có, việc thỏa mãn các nhu cầu này diễn ra theo thứ bậc ưu tiên từ nhu cầu sinh lý
đến cao hơn là nhu cầu tự thể hiện bản thân. Các nhu cầu được thỏa mãn là động
lực thúc đẩy con người, người lao động trong các hoạt động thực tiễn.
Tiếp theo hướng nghiên cứu này, công trình “Exictence, relatedness,
and grow: Human needs in organizational settings” (Ngoại lệ, liên quan và
phát triển: Nhu cầu của con người trong môi trường tổ chức) của Alderfer đã
xây dựng các thứ bậc của nhu cầu, và cho rằng con người chịu sự thúc đẩy bởi
các nhu cầu đó, như nhu cầu tồn tại, giao tiếp và nhu cầu tăng trưởng [128].
Còn với Herzberg, tác giả của công trình “The Motivation of works” (Động
lực của công việc) cho rằng, con người bị thúc đẩy bởi nhu cầu thành tích,
nhu cầu liên kết và nhu cầu năng lượng [134]. Cùng quan điểm này, Carl


11


Rogers cho rằng, sự thúc đẩy con người hoạt động có nguồn gốc từ nhu cầu tự
khẳng định bản thân, mang tính bẩm sinh quy định, nhằm hiện thực hóa các
khả năng của họ (Dẫn theo H.L. Petri & L.M. Govern [140]).
Nghiên cứu liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng tới động lực, tiêu
biểu cho hướng nghiên cứu này có các tác giả: Ryan, Locke và Latham,
Weiner… Tác giả Ryan khi nghiên cứu công trình Intentional Behavior (Hành
vi có chủ ý), cho rằng, mục tiêu ảnh hưởng tới mức độ hành vi của con người
[144]. Còn Locke và Latham với công trình “A theory of goal setting and task
performance” (Một lý thuyết về thiết lập mục tiêu và thực hiện nhiệm vụ), đã
xem xét các mục tiêu của cá nhân con người là những nhân tố kích thích, thúc
đẩy hành vi chính của con người [136]. Ngoài ra, theo Loker, mức độ cam
kết, trung thành theo đuổi mục tiêu có ảnh hưởng tới quá trình hình thành
động lực và động lực của họ. Khi cá nhân có cam kết với mục tiêu của mình
thì động lực làm việc của họ sẽ mạnh mẽ, liên tục và ngược lại. Tác giả
Weiner với công trình “Human motivation” (Động lực của con người) đã cho
rằng: Động lực làm việc của con người không phải bẩm sinh mà hình thành
thông qua lao động và ngôn ngữ. Khi con người nhận thức được điều gì thôi
thúc họ làm việc và làm thế nào để mang lại hiệu quả công việc cao thì quá
trình hình thành động lực sẽ nhanh, mạnh. Theo đó, nhận thức có tác động
mạnh đến động lực làm việc của con người, người lao động [146].
Như vậy, hướng nghiên cứu này chỉ ra, động lực của con người, người
lao động mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự cam kết, trung thành với các mục
tiêu theo đuổi, sự nhận thức của chủ thể đối với yêu cầu của công việc.
Các nghiên cứu về tác động của động lực tới hiệu quả công việc, tiêu
biểu có các tác giả Vroom, Vansteenkiste và đồng sự, Amabile và đồng sự,
Gagné và Deci… Các nghiên cứu theo hướng này chỉ ra, động lực có ảnh
hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Trong đó, động lực từ những nhân tố bên
trong con người, người lao động sẽ cho hiệu quả công việc cao hơn.



12

Vroom: “Work and motivation” (Công việc và động lực) đã đưa ra giả
thiết động lực là một chức năng của sự kỳ vọng giữa nỗ lực - kết quả và giá trị
của kết quả [145]. Theo tác giả, con người mong muốn đạt được kết quả công
việc bằng sự nỗ lực của bản thân thì kết quả mang lại càng có giá trị với bản thân
họ, cho họ nhiều động lực làm việc để đạt được kết quả cao hơn.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm về “Self - determination theory and
work motivation” (Lý thuyết tự quyết và động lực làm việc) của tác giả
Gagné và Deciđã khẳng định động lực có thể nâng cao hiệu quả công việc,
đặc biệt là những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt về nhận thức [133].
Theo các tác giả, động lực chịu sự tác động từ nhân tố bên trong và bên ngoài.
Những chủ thể nào làm việc chịu sự thúc đẩy bởi nhân tố bên trong mạnh mẽ hơn
sẽ cho hiệu quả công việc cao hơn, ít căng thẳng, buồn bực, cho sức khỏe tốt…
Ngoài ra, còn có hướng nghiên cứu về tạo động lực cho người lao động,
tiêu biểu như các tác giả: Kovach, Maier và Lauler, Bedeian,… Hầu hết các
nghiên cứu theo hướng này cho rằng, tạo động lực phải từ nhà quản lý, cấp trên
và phải xem là mục tiêu cơ bản trong các nguyên tắc quản lý. Có nhiều yếu tố
ảnh hưởng tới quá trình tạo động lực cho con người, người lao động, với những
cách thức phân chia các nhân tố khác nhau, cơ bản thành hai nhóm chính: Nhân
tố bên trong và nhân tố bên ngoài. Để tạo động lực cho con người, người lao
động, các tác động bên ngoài phải phù hợp với những đòi hỏi từ bên trong.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Trong nước, các nghiên cứu về động lực của con người, của cán bộ, người
lao động được bắt đầu từ khá sớm, đặc biệt từ sau năm 1986 trở lại đây. Kết quả
của những nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước hoạch
định các chính sách, chiến lược phát triển, là cơ sở để các tổ chức kinh tế, chính
trị xã hội đề xuất những giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tính tích
cực xã hội của con người, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.



13

Tác giả Lê Hữu Tầng (Chủ nhiệm) với công trình: “Vấn đề phát huy và
sử dụng đúng đắn vai trò động lực của con người trong sự nghiệp phát triển
kinh tế - xã hội” [110] đã trình bày một số vấn đề lý luận về động lực, đã chỉ
ra một số động lực chính trị - tinh thần quan trọng và vấn đề sử dụng đúng
đắn tính tích cực của con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả đã chú trọng đến những nhân tố tác động tới động lực chính trị - tinh
thần của người lao động giai đoạn đổi mới, đã nhấn mạnh vai trò động lực của
dân chủ, niềm tin, văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tác giả Phan Thanh Khôi với công trình: “Động lực của trí thức trong
lao động sáng tạo ở nước ta hiện nay” [64] đã quan niệm: “Động lực lao
động sáng tạo là toàn bộ những yếu tố có khả năng thúc đẩy, khuyến khích,
động viên… người trí thức đến với công việc, quan tâm đến nhiệm vụ và sáng
tạo hơn trong lao động” [64, tr. 45]. Tác giả xác định những yếu tố và sự hình
thành, tăng cường những yếu tố với tính cách là động lực trực tiếp thúc đẩy
tính tích cực sáng tạo trong lao động của trí thức nước ta hiện nay.
Từ đặc điểm của trí thức và lao động sáng tạo, tác giả đã phân chia
động lực của lao động trí thức thành ba loại: “Động lực trí tuệ - tinh thần;
động lực lý tưởng - tình cảm; động lực kinh tế - vật chất” [64, tr. 46]. Để
thúc đẩy sự nghiệp lao động sáng tạo của trí thức nước ta, tác giả đã cho
rằng: Phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước theo hướng tăng
cường lãnh đạo xây dựng những định hướng tư tưởng chiến lược; xác định
vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức; phát triển và định hướng tư tưởng các
vấn đề lý luận có liên quan đến lao động sáng tạo”. Hệ thống giải pháp có
tính toàn diện và có giá trị vận dụng cao.
Công trình “Tạo động lực việc làm cho lao động trong tổ chức” của
Nguyễn Trang Thu [116], tác giả đã tập trung luận giải và khái quát về đặc điểm
và tâm lý người lao động, lý luận về động lực và tạo động lực làm việc của



14

người lao động. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tạo động lực làm việc cho lao
động trong các tổ chức, tác giả đã đề xuất những phương hướng và các giải pháp
cụ thể nhằm khuyến khích, động viên người lao động làm việc. Công trình đã
đặc biệt quan tâm đến giải pháp tăng lương, thực hiện tốt các phúc lợi xã hội,
xây dựng môi trường làm việc công bằng và coi đây là nhân tố quan trọng tạo
động lực việc làm cho người lao động trong các tổ chức.
Cùng hướng nghiên cứu về tạo động lực cho lao động, công trình:
“Tạo động lực làm việc cho lao động quản lý trong doanh nghiệp nhà nước ở
Hà Nội đến năm 2020” của Vũ Thị Uyên [126], đã đi sâu nghiên cứu hệ
thống lý luận về động lực, đã quan niệm động lực “là sự khao khát và tự
nguyện của mỗi cá nhân nhằm phát huy mọi nỗ lực để hướng bản thân đạt
được mục tiêu của cá nhân và mục tiêu của tổ chức” [126, tr. 19]. Đồng thời,
khẳng định nguồn lực con người là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với các
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Từ đó, tác giả công
trình tập trung nghiên cứu thực trạng động lực và các yếu tố tạo động lực tại
các doanh nghiệp này. Công trình đã đưa ra nguyên nhân động lực làm việc
của lao động thấp: Do bộ máy cồng kềnh, cách thức làm việc quan liêu, cửa
quyền, tuyển dụng và bố trí nhân lực không phù hợp với khả năng của họ,
không bảo đảm sự công bằng, giao nhiệm vụ và trách nhiệm chưa rõ ràng,
tiêu chuẩn thực hiện công việc còn chung chung, đặc biệt là yếu tố tiền lương,
tiền công chưa thỏa mãn nhu cầu của lao động… Công trình đã đưa ra được
một số giải pháp tạo động lực cho người lao động tại các tập đoàn kinh tế Nhà
nước, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá.
Tác giả Phan Minh Đức: “Tạo động lực cho người lao động tại các tập
đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam” [39] đã luận giải những cơ sở lý luận về
động lực, tạo động lực, trên cơ sở đó nghiên cứu thực trạng và đề xuất các

giải pháp nâng cao chất lượng công tác tạo động lực cho người lao động tại
các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam ở cả góc độ vĩ mô và vi mô. Theo


15

tác giả công trình: Động lực là một khái niệm liên quan đến việc tìm hiểu tại sao con
người lại suy nghĩ hành động như vậy... đóng vai trò giải thích cho những hành động
của con người. Có hai nhân tố cấu thành động lực của người lao động: Động lực nội
tại (được thúc đẩy bởi sự thỏa mãn từ bên trong) và động lực ngoại vi (được thúc đẩy
bởi các tác động bên ngoài như phần thưởng, môi trường). Từ đó, tác giả đã đưa ra kết
luận: tiêu chí đánh giá và giải pháp tạo động lực cũng được thực hiện theo phương thức
đáp ứng các đòi hỏi từ hai nhân tố cấu thành này.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Lan với công trình “Hoàn thiện hệ thống
công cụ tạo động lực cho công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước”
[67] đã hệ thống hóa, khái quát hóa lý luận về động lực và tạo động lực cho
người lao động. Tác giả đã phát hiện và nhấn mạnh mối liên hệ và vai trò của
các công cụ tạo động lực, coi đây là cách tốt nhất thúc đẩy động lực làm việc
của công chức hành chính nhà nước. Nhấn mạnh rằng: trong các công cụ đó
phải có công cụ trung tâm, làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống tạo động lực.
Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu của công trình là các nhóm công chức của
các cơ quan hành chính nên có phần khác biệt với động tượng lao động khác,
trong đó có giảng viên các trường đại học.
Tác giả Phạm Thanh Giang với công trình “Tạo động lực phấn đấu và
cống hiến cho đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay” [44] đã làm rõ thành tựu
của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng trong việc
“quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ quân đội phấn đấu, cống hiến
và phát triển” [44, tr. 35]. Đồng thời, công trình chỉ ra một số hạn chế có liên
quan, đặc biệt là hạn chế về chính sách trọng dụng, đãi ngộ đối với cán bộ có
trình độ cao, cống hiến lớn cho quân đội, việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng,

bố trí và sử dụng cán bộ… đã làm cho một bộ phận cán bộ làm việc cầm
chừng, thiếu ý chí vươn lên. Để tạo động lực phấn đấu, cống hiến cho đội
ngũ cán bộ quân đội, tác giả đã chú trọng giáo dục, xây dựng động cơ; đào
tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ; đổi mới và thực hiện tốt hơn cơ


16

chế, chính sách đối với cán bộ quân đội; xây dựng môi trường lành mạnh…
và coi đây là những giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần tạo động lực
phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những công trình trên, tác giả Nguyễn Văn Tài trong nghiên
cứu: “Phát huy tính tích cực xã hội của đội ngũ cán bộ nước ta hiện nay”
[106] đã tập trung làm rõ các khái niệm cơ bản, như: Tính tích cực xã hội,
phát huy tính tích cực xã hội của đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, tác giả công trình
đi sâu phân tích nội dung và làm rõ một số động lực cơ bản phát huy tính tích
cực xã hội của đội ngũ cán bộ nước ta. Theo tác giả: “Động lực của quá trình
phát huy tính tích cực xã hội là những yếu tố kích thích, thúc đẩy tính tích cực
xã hội của con người phát triển, qua đó tạo động lực phát triển sâu xa và bền vững
của một quá trình xã hội” [106, tr. 43]. Với việc: “… chỉ đề cập đến một số động
lực cơ bản nhất, phổ biến nhất của quá trình phát huy tính tích cực xã hội của đội
ngũ cán bộ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [106, tr. 43], tác giả
công trình đã chỉ ra rằng: lợi ích là động lực nuôi dưỡng, nâng cao tính tích
cực xã hội; dân chủ là động lực phát huy vai trò chủ thể tích cực, sáng tạo của
đội ngũ cán bộ; trí tuệ là động lực nâng cao tính tích cực nhận thức và thực
tiễn của đội ngũ cán bộ. Đây là công trình khoa học không trực tiếp nghiên cứu về
động lực, nhưng đã chỉ ra những nhân tố có vai trò động lực, thúc đẩy phát huy tính
tích cực xã hội của con người, người cán bộ, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, được
tác giả luận án tham khảo, kế thừa vào nghiên cứu của mình.
1.2. Các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến động lực của

giảng viên và giảng viên lý luận chính trị
1.2.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
Ở nước ngoài, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về động lực
của giảng viên các trường đại học. Hướng nghiên cứu chủ yếu như vai trò của
tạo động lực cho giảng viên; thực trạng động lực của giảng viên; những nhân
tố ảnh hưởng tới động lực của giảng viên.


17

Hướng nghiên cứu về vai trò của tạo động lực cho giảng viên, theo
Filak và Sheldon, đồng tác giả của công trình “Student psychological need
satisfaction and college teacher - Course evaluations” (Tâm lý học sinh cần
sự hài lòng và giáo viên đại học - Đánh giá khoá học) [132]: Động lực là yếu
tố quan trong cho sự thành công, tạo động lực là cần thiết, mang lại hiệu suất
lâu dài của mọi nền giáo dục. Tạo động lực cho giảng viên không chỉ quan
trọng đối với mỗi trường đại học, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển giáo dục
và xã hội của mỗi quốc gia.
Tương tự, trong công trình “Organizational work and personal
factors in employee turnover and absenteeism” (Công việc tổ chức và các
yếu tố cá nhân trong doanh thu của nhân viên và vắng mặt) của Porter và
Steers [141], nhóm tác giả nhấn mạnh: tạo động lực cho giảng viên là quan
trọng, một mặt giúp thỏa mãn các nhu cầu, giúp giảng viên hoàn thành
nhiệm vụ. Mặt khác, tạo động lực mang lại những cải cách giáo dục và pháp
chế tiên tiến đặc biệt ở cấp học cao.
Hướng nghiên cứu về thực trạng động lực của giảng viên, tác giả Paul
Bennell và đồng sự, trong công trình “Teacher motivation in Sub – Sahara
afica and South Asi” (Động lực của giảng viên ở Sub - Sahara afica và Nam
á) [130], khẳng định: đối tượng giảng viên họ nghiên cứu là phần lớn không
có động lực làm việc, họ bị khủng hoảng về động cơ giảng dạy. Giảng viên ở

các quốc gia này đi dạy chỉ vị nghĩa vụ và trách nhiệm. Hay trong công trình
nghiên cứu “Teacher motivation in India” (Động lực của giảng viên ở Ấn độ)
của Ramachandran và Shekar [143], nhóm tác giả đã chỉ ra thực trạng: Nhóm
giảng viên các trường công lập và ở vùng nông thôn ít có động lực hơn so với
giảng viên các trường tư ở thành phố.
Hướng nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng tới động lực của
giảng viên, có các nghiên cứu của tác giả Dornyei, Muhammad, Menyhárt.
Trong công trình “Teaching and researching motivation” (Dạy và nghiên


18

cứu động lực) [131], tác giả Dornyei cho rằng, có hai nhóm nhân tố ảnh
hưởng tới động lực của giảng viên: Vi mô và vĩ mô. Vi mô là những nhân tố
thuộc về người dạy và nội bộ tổ chức. Vĩ mô là những nhân tố bên ngoài tổ
chức. Dornyei cũng chỉ ra năm nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới động lực của
giảng viên: Căng thẳng tâm lý, giới hạn sự tự chủ (không được thỏa mãn nhu
cầu tự thể hiện) của giảng viên, hạn chế năng lực cá nhân, vị trí nghề nghiệp
không tương ứng và công việc ít có tính yêu cầu cao.
Tác giả Muhammad trong công trình “Motivational issues for teacher
in Higher education: A critical case of IUB” (Các vấn đề tạo động lực cho
giảng viên trong giáo dục đại học: Một môi truờng quan trọng ở IUB) [140],
thì cho rằng, động lực của giảng viên chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố bên
ngoài, như sự thưởng, phạt, vị trí chính trị… Còn tác giả Menyhárt, khi
nghiên cứu “Teachers or organization?” (Giáo viên hoặc tổ chức?) [139] cho
rằng, động lực của giảng viên chịu sự ảnh hưởng của niềm yêu thích giảng
dạy, ham muốn phát triển trí tuệ của giảng viên… Tác giả cũng chỉ ra hai
nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới động lực giảng dạy của giảng viên là sự căng
thẳng tâm lý và thiếu trang thiết bị dạy học.
Như vậy, nghiên cứu của các tác giả người nước ngoài nêu trên cho

thấy, động lực có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công việc của giảng viên, sự
tiến bộ ngành giáo dục. Động lực của giảng viên ở các vùng, các quốc gia là
khác nhau, động lực trong mối quan hệ với chặt chẽ với năng lực, niềm tin và sự
yêu nghề của giảng viên. Động lực của giảng viên chịu sự chi phối bởi nhiều
nhân tố, bao gồm cả khách quan và chủ quan…
1.2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu trực tiếp, hệ thống về
động lực của giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội.
Nhưng, vấn đề động lực, động cơ, tính tích cực trong giảng dạy, nghiên cứu


19

khoa học của giảng viên, giảng viên lý luận chính trị đã được đề cập đến ở
những cấp độ khác nhau.
Tác giả Nguyễn Thị Tình, trong công trình: “Nghiên cứu tính tích cực
giảng dạy của giảng viên đại học” [120], đã có những đóng góp quan trọng
cho khoa học Tâm lý học, chỉ ra được ba lý do cơ bản thúc đẩy giảng viên
trong thực hiện công việc mạnh mẽ nhất: (1) Có cơ hội học tập và phát triển,
(2) Là nghề có ý nghĩa to lớn đối với xã hội, và (3) Được làm việc trong môi
trường sư phạm. Như vậy, nghiên cứu này đi sâu nghiên cứu và chỉ ra ba lý
do, có giá trị như ba nhân tố cơ bản quy định tính tích cực, là cái thúc đẩy
giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là căn cứ để tác giả đề xuất các giải
pháp thúc đẩy tính tích cực trong giảng dạy của giảng viên các trường đại học.
Tác giả Nguyễn Thùy Dung trong công trình nghiên cứu về “Các nhân
tố tác động đến động lực làm việc của giảng viên lý luận chính trị các trường
đại học tại Hà Nội” [23] đã trực tiếp đánh giá những tác động của khía cạnh
công bằng trong tổ chức đến động lực làm việc của giảng viên lý luận chính trị
các trường đại học tại Hà Nội. Theo tác giả: yếu tố công bằng trong công việc là
động lực quan trọng của giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học tại Hà

Nội. Công bằng ảnh hưởng đến thái độ, hành vi. Trên cơ sở xây dựng và kiểm
định một số mô hình nghiên cứu mới trên địa bàn Hà Nội, tác giả đã đề xuất
một số khuyến nghị nhằm tạo động lực cho giảng viên các trường đại học trên
địa bàn Hà Nội hiện nay. Theo đó, các nhà trường cần: “xây dựng cơ chế đánh
giá thực hiện công việc một cách công bằng, công khai và minh bạch…; xây
dựng cơ chế trả lương phù hợp với xu thế phát triển và nguyện vọng của
người lao động trong đó có giảng viên” [23, tr. 107 - 108]. Cơ quan và các
nhà quản lý cần: “rà soát một cách nghiêm túc việc thực thi các quy chế như
quy chế thi đua khen thưởng (đặc biệt là quy định về công nhận chiến sĩ thi
đua cấp cơ sở), quy chế lên lương sớm, quy định về nâng bậc lương, quy chế


20

bổ nhiệm cán bộ”; “… có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các giảng viên giai
đoạn đầu vào nghề.” [23, tr. 108]. Nghiên cứu nêu trên của tác giả Nguyễn Thùy
Dung đã đánh giá được vai trò của yếu tố công bằng, coi đó là động lực cơ bản
thúc đẩy giảng viên lý luận chính trị các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Công trình nghiên cứu: “Động lực làm việc của giảng viên trong các
trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” của tác giả Trương Đức Thao
[113] đã làm rõ bản chất động lực làm việc của giảng viên đại học, theo đó,
“Động lực làm việc của giảng viên đại học các trường đại học được sinh ra từ
nhu cầu, nhu cầu làm xuất hiện mục tiêu bên trong người giảng viên, khi có động
lực làm việc được hiểu là sự khao khát và tự nguyện của người giảng viên thực
hiện các hành vi nghề nghiệp nhằm đạt được mục tiêu của mình trong sự phù hợp
với mục tiêu nghề nghiệp và với mục tiêu của tổ chức” [113, tr. 38]. Công trình
đã nghiên cứu và chỉ ra các biểu hiện động lực làm việc của giảng viên các
trường đại học ngoài công lập với hệ công cụ đo lường cụ thể thông qua nhận
thức, thái độ và hành vi. Các nhân tố tác động tới động lực làm việc của giảng
viên các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam được tác giả phân chia

thành các nhân tố tác động từ bên trong, và các nhân tố tác động từ bên ngoài,
trong đó đặc biệt chú trọng phân tích vai trò của các nhân tố tác động từ bên
trong, như nhận thức, ý thức trách nhiệm, sự khẳng định bản thân, thái độ và
thành tích học tập của sinh viên, môi trường làm việc.
Công trình đã đề xuất được một số giải pháp cơ bản để tăng cường
động lực của giảng viên trong các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam,
bao gồm: Cải cách chính sách đãi ngộ về vật chất; xây dựng môi trường học
thuật chuyên nghiệp, dân chủ và thân thiện; quan tâm tới các điều kiện làm
việc của giảng viên; nâng cao nhận thức của giảng viên về vai trò trách nhiệm
của bản thân với công việc; nâng cao thái độ và thành tích học tập của sinh
viên. Đây là công trình có giá trị lý luận và vận dụng cao, nghiên cứu tương
đối công phu, bài bản và mang tính hệ thống.


21

Trong các nhà trường quân đội, nghiên cứu trực tiếp về động lực của
giảng viên, giảng viên lý luận chính trị chưa nhiều. Một số công trình đề cập
động lực với ý nghĩa như một giải pháp, nhằm phát huy vai trò của giảng
viên, giảng viên lý luận chính trị trong thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó
mà thực tiễn đang đặt ra.
Tác giả Nguyễn Văn Thuần với công trình: “Nâng cao năng lực đấu
tranh tư tưởng - lý luận của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội trong các nhà
trường Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay” [118]. Theo tác giả công trình:
“Giảng viên khoa học xã hội trong các nhà trường quân đội là người được đào
tạo cơ bản, chuyên sâu về khoa học xã hội và nghiệp vụ sư phạm là người
truyền thụ tri thức khoa học xã hội, trang bị thế giới quan, phương pháp luận
khoa học, qua đó hình thành và phát triển bản lĩnh chính trị, nhân cách, đạo
đức...” [118, tr. 27]. Để phát huy vai trò của họ, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao
năng lực, bao gồm năng lực tư duy, năng lực nhận thức, năng lực thu thập và

xử lý thông tin, năng lực tổ chức đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tác giả công trình đề xuất biện pháp nâng
cao năng lực đấu tranh tư tưởng - lý luận theo 3 nhóm cơ bản, trong đó có việc
“Xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển năng lực đấu tranh tư tưởng - lý
luận cho giảng viên khoa học xã hội trong các nhà trường quân đội”, bao gồm
môi trường chính trị, văn hóa; môi trường thi đua khen thưởng; cơ sở vật chất;
mở rộng dân chủ… Đây là những nội dung giải pháp được tác giả coi là nhân
tố tạo ra động lực, qua đó phát huy tốt hơn vai trò của giảng viên khoa học xã
hội trong đấu tranh tư tưởng - lý luận, đồng thời “tạo ra sự trưởng thành, phát
triển của các nhà trường quân đội” [118, tr. 131].
Trong công trình: “Phát triển nguồn lực giảng viên khoa học xã hội và
nhân văn chất lượng cao trong các học viện Quân đội nhân dân Việt Nam”
[41] của Phạm Thanh Giang, tác giả đã nghiên cứu một cách cơ bản nguồn lực


22

giảng viên khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao ở các học viện trong Quân
đội. Từ vai trò cao của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, tác giả đặt vấn đề
phải cần thiết phát triển nguồn lực giảng viên học xã hội và nhân văn chất lượng
cao về chất lượng, số lượng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ tri
thức, năng lực chuyên môn, phương pháp tác phong… Trong bốn nhóm giải pháp
cơ bản và cùng với việc khẳng định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, tác giả
đã có sự nhấn mạnh đến việc phải thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, tạo môi
trường, điều kiện thuận lợi để giảng viên khoa học xã hội và nhân văn chất lượng
cao rèn luyện, cống hiến và phát triển, coi đây là nhân tố không thể thiếu, là “động
lực phấn đấu, say mê nghiên cứu” [41, tr. 159] của giảng viên khoa học xã hội và
nhân văn ở các học viện trong quân đội hiện nay.
Tác giả Nguyễn Văn Hòa với công trình: “Phát huy tính tích cực xã
hội của đội ngũ giảng viên trong các trường sĩ quan Quân đội Nhân dân

Việt Nam hiện nay” [52] đã nghiên cứu và đã đưa ra khái niệm, những vấn
đề có tính quy luật phát huy tính tích cực xã hội của đội ngũ giảng viên
trong các nhà trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Tác giả
đã đi sâu phân tích vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên trong các trường sĩ
quan Quân đội nhân dân Việt Nam: là lực lượng quyết định chất lượng giáo
dục - đào tạo, đã xem tính tích cực xã hội của đội ngũ giảng viên như là một
thuộc tính, phản ánh những yếu tố vật chất và tinh thần của con người, là
biểu hiện ra ngoài của phẩm chất cách mạng. Thông qua nghiên cứu lịch sử
vấn đề, tác giả đã khái quát những cách thức phát huy tính tích cực xã hội
của đội ngũ giảng viên qua các thời kỳ cách mạng. Để phát huy tính tích cực
xã hội của đội ngũ giảng viên trong các trường sĩ quan Quân đội Nhân dân
Việt Nam, tác giả công trình đã luận giải yêu cầu và đưa ra một số giải pháp
cơ bản, trong đó có việc tạo động lực để phát huy vai trò của họ thông qua
giáo dục nhận thức, giải quyết hài hòa các lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế;


23

vấn đề bồi dưỡng sử dụng giảng viên; vấn đề xây dựng môi trường dân
chủ…
Tác giả Bùi Ngọc Quỵnh (Chủ nhiệm) với công trình: “Phát huy động lực
của đội ngũ giảng viên trong nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu
khoa học ở Học viện Chính trị hiện nay” đã đưa ra quan niệm: “Động lực
của đội ngũ giảng viên là hệ thống những nhân tố và sự tương tác giữa
chúng tạo nên sức mạnh bên trong kích thích hay thúc đẩy người giảng
viên luôn nỗ lực, hăng say, tích cực, chủ động và sáng tạo trong các hoạt
động đào tạo, nghiên cứu khoa học” [104, tr. 11 - 12]. Đồng thời chỉ ra ba
nhóm nhân tố tác động tới phát huy động lực của đội ngũ giảng viên trong
giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị: Động lực lợi ích
và môi trường kinh tế - xã hội; động lực dân chủ, môi trường dân chủ và kỷ

luật; sự tương tác giữa động lực trí tuệ và môi trường sư phạm.
Trên cơ sở thực trạng và một số bất cập hiện nay, nhóm tác giả đã đề
xuất được năm giải pháp phát huy động lực của đội ngũ giảng viên ở Học
viện Chính trị hiện nay, bao gồm: Tạo chuyển biến về động cơ, trách nhiệm;
quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất,
trình độ, năng lực chuyên môn; đổi mới công tác quản lý hoạt động sư phạm,
nghiên cứu khoa học; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong
việc quan tâm đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên cống
hiến; và xây dựng môi trường dân chủ, kỷ luật, đẩy mạnh phong trào thi đua
quyết thắng trong Học viện Chính trị. Về cơ bản, nghiên cứu này có hướng
tiếp cận động lực từ vai trò thúc đẩy của nó, chưa chỉ ra được nội hàm đầy đủ.
Phạm vi nghiên cứu, ứng dụng mới chỉ giới hạn trong Học viện Chính trị, đối
tượng là đội ngũ giảng viên nói chung.
Như vậy, các nghiên cứu về động lực của giảng viên, giảng viên lý luận
chính trị trong các nhà trường, đặc biệt là các trường đại học trong quân đội


24

còn tương đối khiêm tốn. Đây sẽ là khoảng trống khoa học để tác giả có thể
khai thác, đưa ra hướng nghiên cứu của mình.
1.3. Khái quát kết quả nghiên cứu chủ yếu của các
công trình khoa học đã công bố có liên quan và những vấn
đề đặt ra luận án tập trung giải quyết
1.3.1. Khái quát kết quả nghiên cứu chủ yếu của các công trình khoa
học đã công bố có liên quan đến đề tài luận án
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy,
nghiên cứu về động lực, tạo động lực và cả lý thuyết hệ thống công cụ tạo
động lực, mô hình tạo động lực, tăng cường động lực cho cán bộ, người lao
động, cho giảng viên, giảng viên lý luận chính trị đã được các nhà khoa học

quan tâm và thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhìn chung, đây là những
công trình nghiên cứu hết sức công phu, hệ thống, có ý nghĩa thiết thực cả về
lý luận và thực tiễn đối với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của con
người, người lao động, cán bộ, giảng viên và giảng viên lý luận chính trị trong
và ngoài quân đội. Một số kết quả chính như sau:
Một là, về lý luận động lực của con người, người lao động, giảng viên,
giảng viên lý luận chính trị.
Các công trình nghiên cứu có liên quan, dù theo các hướng khác nhau,
như hướng nghiên cứu về cơ sở hình thành động lực, quá trình hình thành
động lực, các nhân tố ảnh hưởng tới động lực, vai trò của động lực, vai trò của
các chủ thể trong việc tạo động lực… Các nghiên cứu cơ bản đã đưa ra được
quan niệm về động lực nói chung và tạo động lực cho từng lĩnh vực, từng đối
tượng cụ thể với những phạm vi, không gian khác nhau nói riêng, như tạo
động lực làm việc cho lao động, cho lao động trí thức, lao động quản lý, tạo
động lực cho cán bộ, công chức và cho giảng viên, trong đó có giảng viên lý
luận chính trị trong các trường đại học… Nhìn chung, có 2 cách tiếp cận về
động lực: (1) Động lực là yếu tố sức mạnh nội lực, cái bên trong, mang tính
bẩm sinh, thúc đẩy hành vi của con người, hướng tới đạt những mục tiêu nhất


25

định, (2) Động lực là những nhân tố có nguồn gốc từ sự thỏa mãn các nhu
cầu, lợi ích, có vai trò thúc đẩy con người hoạt động tích cực, tự giác, cho
chất lượng và hiệu quả công việc cao, bền vững.
Động lực đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ của các khoa học khác
nhau, cơ bản là tâm lý học, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, triết
học, kinh tế học, chủ nghĩa xã hội khoa học... Theo đó, đã có nhà khoa học
luận chứng, chỉ ra được những nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới động lực và tạo
động lực của từng đối tượng cụ thể, trong đó có cả đối tượng là giảng viên ở

trường đại học. Về cơ bản những nhân tố đó được phân chia thành nhóm nhân
tố khách quan và nhóm nhân tố chủ quan; nhóm nhân tố bên trong và nhóm
nhân tố bên ngoài; nhóm vĩ mô và nhóm vi mô. Đây là cơ sở lý luận quan
trọng để tác giả kế thừa, chọn lọc sử dụng cho quá trình thực hiện luận án.
Hai là, về thực tiễn động lực của con người, người lao động, giảng
viên, giảng viên lý luận chính trị.
Các công trình nghiên cứu có liên quan ở trong và ngoài nước đã bám
sát vào mục đích, nhiệm vụ được xác định trước đó, đánh giá thực trạng trên
các khía cạnh khác nhau, bao gồm thực trạng động lực, thực trạng tạo động
lực, tăng cường động lực, phát huy động lực cho (của) con người, người lao
động. Qua khảo cứu cho thấy, đã có những công trình đánh giá về thực trạng động
lực, tạo động lực cho giảng viên ở các trường đại học. Qua đó, chỉ ra ưu điểm, hạn
chế trên từng vấn đề, đồng thời đưa ra nguyên nhân ưu điểm và hạn chế đó.
Các công trình nghiên cứu đã bàn đến thực tiễn động lực vừa ở dạng
tĩnh (với cách tiếp cận động lực là tổng hợp sức mạnh nội lực bên trong qua
đó đánh giá thực trạng động lực của họ), vừa ở dạng động (với cách tiếp cận
động lực là những nhân tố thúc đẩy, đánh giá động lực là đánh giá việc tạo
động lực, phát huy động lực, tăng cường động lực). Thực trạng động lực được
đánh giá trong các công trình tổng quan đã dựa trên khung lý luận cơ bản, dựa
vào các biểu hiện cụ thể: Nhận thức, trách nhiệm, thái độ, hành vi ở con


26

người, người cán bộ, người lao động, người giảng viên. Tiêu chí đánh giá thực
trạng động lực cũng rất đa dạng, đặc biệt có công trình đã chủ động xây dựng
được mô hình đánh giá động lực, xây dựng được bộ công cụ, thang đo động
lực làm việc của con người trên từng khía cạnh biểu hiện cụ thể. Tuy nhiên,
tiêu chí chung nhất để đánh giá động lực được các công trình sử dụng, xét đến
cùng là chất lượng, hiệu quả công việc.

Ba là, về giải pháp tạo động lực, phát huy, tăng cường động lực
của con người, người lao động, giảng viên, giảng viên lý luận chính trị.
Phần lớn các công trình trong tổng quan có liên quan trong và ngoài
nước đã đưa ra được hệ thống giải pháp, vừa mang tính phương pháp, vừa có
tính cụ thể nhằm tạo động lực, phát huy động lực, tăng cường động lực, thúc
đẩy tính tích cực, tự giác, hăng say lao động, sáng tạo của con người, người
lao động, cán bộ, nhân viên và giảng viên trong các trường đại học. Trong
các công trình trên, điểm chung là các giải pháp tập trung nhiều vào vấn đề
bảo đảm lợi ích thông qua chính sách tiền lương; tăng các chính sách đãi ngộ
vật chất, tinh thần; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, công bằng, công
khai, minh bạch; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm
an toàn và hiệu quả trong làm việc…
Như vậy, các công trình khoa học có liên quan đến đề tài luận án ở
trong và ngoài nước hết sức đa dạng, phong phú, tiếp cận dưới góc độ
nghiên cứu của các khoa học khác nhau, theo các hướng khác nhau, cho
chúng ta thấy được tổng thể về động lực của con người nói chung, của
từng đối tượng nghiên cứu, trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực
giáo dục nói riêng. Đây là những nghiên cứu công phu, nghiêm túc và
thành công trên nhiều mặt. Đã có những công trình nghiên cứu trực tiếp về
động lực nói chung, động lực của con người, của cán bộ, người lao động và
giảng viên, giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học nói riêng.
Những kết quả nghiên cứu của các công trình có liên quan là tài liệu bổ ích,
thiết thực để tác giả kế thừa, chọn lọc vào thực hiện đề tài luận án.


×