Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

BÀI MỞ ĐẦU MÔI TRƯỜNG VÀ CON NGƯỜI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.52 KB, 2 trang )

BÀI MỞ ĐẦU MÔI TRƯỜNG VÀ CON NGƯỜI
1.1 Mục tiêu môn học
Sự sống của con người luôn tồn tại trong thế giới tự nhiên bao gồm thế giới sinh vật, đất,
không khí và nước đã xuất hiện trước con người hàng tỷ năm và con người cùng là thành
phần trong thế giới này - làm thay đổi chúng tạo nên phần nhân tạo trong nó. Thế giới nhân
tạo là các hình thức xã hội, các vật thể nhân tạo do con người tạo ra bằng lao động và tư
duy của mình qua các thành tựu khoa học, công nghệ, chính trị. Thế giới, bao gồm phần tự
nhiên, bản chất của nó và phần do con người tạo nên cần thiết cho sự phát triển của mình,
chỉ trong sự hài hoà mới tạo nên sự phát triển bền vững lâu dài.
Trước kia, khả năng thay đổi môi trường xung quanh của con người còn hạn chế.
Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, con người có khả năng khai thác,
tiêu thụ tài nguyên, tạo chất thải và thay đổi thế giới bằng nhiều cách trong đó có đe doạ tới
điều kiện tồn tại của con người và các sinh vật. Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền
vững trong hiện tại và tương lai, chúng ta cần hiểu thế giới xung quanh đang hoạt động như
thế nào, và có thể làm gì để bảo vệ và cải thiện chúng.
Môi trường ngày nay là đối tượng nghiên cứu của nhiều môn khoa học, gọi chung
là khoa học môi trường (Environmental sciences). Đó là tập hợp các môn học nghiên cứu
những khía cạnh khác nhau của môi trường, lý giải những vấn đề môi trường ở những góc
độ khác nhau như: sinh thái học, kỹ thuật học, kinh tế học, pháp luật, địa lý, kinh tế - xã hội
học .v.v.. Dù tiếp cận cách nào thì khoa học về môi trường đều nhằm mục đích nâng cao
chất lượng cuộc sống con người, giải quyết các mối quan hệ giữa con người và môi trường
trong đó con người là vị trí trung tâm.
Thực hiện Quyết định số 1363/QĐ-TTg, ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt đề án: “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc
dân”.
Mục tiêu của Dự án đến năm 2010 là: “Đưa các nội dung giáo dục bảo vệ môi
trường vào chương trình giảng dạy (chính khóa và ngoại khóa) ở tất cả các cấp học, bậc
học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm trang bị những kiến thức cơ bản phù hợp với
độ tuổi và tâm sinh lý của học sinh, sinh viên về môi trường và bảo vệ môi trường. Giáo
dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm đến môi trường, hình thành kỷ năng và hành vi ứng
xử tích cực và thân thiện đối với môi trường và công tác bảo vệ môi trường. Đào tạo cán


bộ quản lý môi trường, nghiên cứu khoa học và công nghệ về môi trường, đáp ứng được
nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước."
Môn học Môi trường đại cương cung cấp cho sinh viên các ngành những khái niệm
cơ bản về:
- Môi trường và mối quan hệ của con người với môi trường
- Sự ô nhiễm môi trường
- Các biện pháp bảo vệ môi trường.
1.2 Đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ của môn học
Môi trường là đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học tổng hợp, ứng dụng, liên
ngành - sử dụng và phối hợp thông tin từ nhiều lĩnh vực khác nhau có mục đích bảo vệ môi
trường sống lâu dài của con người trên trái đất.
Nhiệm vụ của môn học là :
Trang bị những kiến thức cơ bản cho sinh viên về môi trường và bảo vệ môi trường nhằm:
- Giáo dục ý thức trách nhiệm đến môi trường;
- Hình thành kỹ năng và hành vi ứng xử tích cực và thân thiện đối với môi trường;
- Tham gia vào công tác bảo vệ môi trường ở mỗi cương vị, mọi hoạt động đời sống
cũng như công việc của mình, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa
và phát triển bền vững của đất nước.
Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể tham gia ở góc độ chuyên môn của mình
vào việc giải quyết các vấn đề môi trường của thời đại ngày nay – thời đại kinh tế thị
trường của một xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp. Đó là các vấn đề:
• Gia tăng dân số hợp lý.
• Sản xuất công, nông, lâm, ngư nghiệp bền vững.
• Xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, điểm dân cư bền vững.
• Phòng, chống và xử lý các ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí…)
• Khai thác hợp lý và bảo toàn tài nguyên thiên nhiên, rừng, biển, khoáng sản…
• Quản lý tốt môi trường và phòng tránh các rủi ro về môi trường…
• Giải quyết các nhu cầu của con người (ăn, mặc, chữa bệnh, ở, đi lại, nghỉ ngơi…),
đô thị hóa, công nghiệp hóa một cách bền vững về chất cũng như về lượng.

×