Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Vị thế của nền khoa học Việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (153.28 KB, 4 trang )

Vị thế của nền khoa học Việt Nam
Khoảng giữa năm 1998, tập san khoa học Science có loạt bài điểm qua tình hình khoa học ở
các nước Á châu và đặc biệt là Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong loạt bài này, Science không
có chữ nào nói về khoa học ở Việt Nam. Thậm chí, hai chữ “Việt Nam” cũng không được nhắc
đến.
Có lẽ do chút tự ái dân tộc, lúc đó tôi có viết một lá thư ngắn (Letter to the Editor) để nhắc nhở
Science rằng nước Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn có người làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, và Việt
Nam cũng có cống hiến cho khoa học thế giới.
Ban biên tập công bố lá thư đó, nhưng trước khi công bố họ có viết cho tôi một lá thư lịch sự xin lỗi
rằng sở dĩ họ không nhắc đến khoa học nước ta vì họ không tìm thấy bao nhiêu bài báo khoa học từ
Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế.
Trong vòng 10 năm qua, kinh tế nước ta phát triển thuộc vào hàng nhất nhì trong vùng, và một bộ
phận lớn dân số đã thoát cảnh nghèo đói. Thành tựu xóa đói giảm nghèo ở nước ta được quốc tế ghi
nhận và ca ngợi. Các chuyên gia kinh tế xem công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta như là một tấm
gương sáng, một bài học cho các nước đang phát triển noi theo.
Nhưng trong 10 năm qua, khoa học Việt Nam có phát triển tương đồng với tốc độ phát triển kinh tế
hay không? Tôi e rằng câu trả lời là: “không”. Một cách đánh giá khách quan tình hình khoa học là
qua số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Năm 1998, các nhà khoa
học Việt Nam công bố được 239 bài báo khoa học; đến năm 2000 con số này tăng lên hàng 300;
khoảng 3 năm sau con số tăng lên hàng 500, và hiện nay là khoảng 600 bài.
Những con số tăng trưởng về công trình nghiên cứu khoa học trên có thể làm cho chúng ta lạc quan.
Nhưng những con số đó có thể đánh lừa chúng ta, nếu chúng ta không đặt chúng vào bối cảnh phát
triển trong vùng, chẳng hạn như so sánh với Singapore và Thái Lan. Con số bài báo khoa học từ Việt
Nam không bằng 1 phần 10 bài báo khoa học từ Singapore, và tỉ lệ này không thay đổi trong 10 năm
qua.

Nguồn: Số liệu của tác giả, được thu thập từ các cơ sở dữ liệu như ISI,
SCI,SCI- Expanded, SSCI và AHCI
Khi so sánh với Thái Lan, chúng ta mới thấy khoa học của ta có xu hướng lùi. Năm 1996 số lượng
bài báo khoa học từ Việt Nam bằng khoảng 28% số bài báo từ Thái Lan; 10 năm sau, tỉ lệ này giảm
xuống còn 20%! Nói cách khác, tuy số bài báo khoa học từ nước ta có tăng trong 10 năm qua, nhưng


tỉ lệ tăng trưởng còn quá thấp, và hệ quả là nước ta càng ngày càng trượt dài so với các nước đang
phát triển trong vùng.
Thật ra, theo phân tích của chúng tôi, chỉ có 20% (hay 1 phần 5) các công trình nghiên cứu khoa học
từ Việt Nam là do nội lực, tức hoàn toàn thực hiện bởi các nhà khoa học trong nước mà không có sự
giúp đỡ của đồng nghiệp nước ngoài. 80% còn lại là do hợp tác với với các nhà khoa học nước ngoài.
Ở Thái Lan, tỉ lệ công trình nội lực khoảng 30%, và ở Singapore tỉ lệ này dao động từ 30 - 45% trong
vòng 10 năm qua.
Điều đáng quan tâm hơn là tỉ lệ công trình nghiên cứu khoa học nội lực ở nước ta không tăng mà còn
có xu hướng giảm. Điều này có nghĩa là hiện nay các nhà khoa học nước ta chỉ công bố được khoảng
120 bài báo khoa học mỗi năm!
Cần nhắc lại rằng nước ta có khoảng 14.000 tiến sĩ và 20.000 thạc sĩ. Theo một thống kê có lẽ chưa
đầy đủ, nước ta có khoảng 6.000 người mang chức danh giáo sư và phó giáo sư. Đây là những người
có khả năng nghiên cứu khoa học và công bố báo cáo khoa học.
Nhưng qua con số bài báo khoa học vừa trình bày, chúng ta có thể nói rằng trung bình mỗi giáo sư và
phó giáo sư nước ta công bố 0,58 bài báo trong vòng 10 năm qua! Nói cách khác, cứ 2 giáo sư mới có
1 công bố quốc tế - trong vòng 10 năm. Cũng cần nói thêm rằng ở các nước trong vùng như Thái Lan
và Singapore, các đại học đặt ra tiêu chuẩn hay khuyến khích mỗi giáo sư cần công bố ít nhất 1 bài
báo khoa học trong vòng 2 năm.
So sánh như thế chúng ta mới thấy chẳng những sản lượng khoa học nước ta quá thấp (thấp nhất
trong vùng Đông Nam Á), mà còn có xu hướng giảm, và quan trọng hơn, năng suất khoa học của các
giáo sư và nhà khoa học ở nước ta còn quá thấp.
Tại sao năng suất khoa học của nước ta còn quá thấp ? Đã có nhiều người tìm câu trả lời cho câu hỏi
đó, và tôi không có ý định lặp lại ở đây, nhưng có lẽ câu hỏi thực tế hơn và cá nhân hơn là: chúng ta
phải làm gì?
Nói như nhà văn Dostoievski là chúng ta tự quyết định vận mệnh của chúng ta; chẳng có ai tử tế giúp
chúng ta mà không có kèm theo điều kiện. Không nên chỉ tay đổ thừa cho nguyên nhân khách quan
và chủ quan (tuy cũng có cơ sở), nhưng mỗi cá nhân làm khoa học - có thể là nghiên cứu sinh, hay
các nhà khoa học -nên tự hỏi mình phải làm gì để nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường
quốc tế. Tôi [chủ quan] nghĩ rằng câu trả lời là nên đặt tiêu chuẩn công bố quốc tế thành một mục tiêu
cá nhân để phấn đấu.

Ở nước ta không thiếu những chất liệu và những nghiên cứu khoa học có ý nghĩa và có tiềm năng
đóng góp vào kho tàng tri thức khoa học quốc tế. Nhưng có lẽ vì "văn hóa" công bố quốc tế chưa
được nhận thức một cách đúng mức, hay chưa được phát triển thành một chuẩn mực hoạt động khoa
học, nên cho đến nay, hệ quả là chúng ta thua kém các nước trong vùng. Vậy nên chăng cần mỗi
chúng ta phải tự tạo cho mình một văn hóa khoa học.
Đó là văn hóa đặt câu hỏi và phát hiện vấn để; nói có sách, mách có chứng; tôn trọng sự thật khách
quan; làm việc và thực hành dựa vào bằng chứng khách quan; hệ thống hóa những gì mình biết; và
trách nhiệm xã hội (xem bài "Văn hóa khoa học").
Người Việt chúng ta thường tự hào là một dân tộc thông minh, trí lực không thua kém ai, thậm chí
còn trội hơn vài nhóm khác. Điều đó có thể không sai. Nhưng nếu số lượng bài báo khoa học là một
đo lường [có thể không hoàn hảo] về tri thức của một quốc gia, thì các con số mang tính phản biện
vừa trình bày trên làm cho chúng ta phải và nên khiêm tốn hơn.
Tôi vẫn nghĩ thay vì nói chúng ta thông minh và tài giỏi, tại sao không nhìn nhận rằng chúng ta còn
dốt và thua kém người khác. Tại sao chúng ta không nhìn nhận rằng nước ta vẫn còn rất nghèo, nền
khoa học của chúng ta còn rất thô sơ, và trình độ học vấn của cả nước, tính trung bình, cũng không
cao hơn ai.
Nếu nhìn nhận như thế thì chúng ta - các bạn và tôi - biết mình cần phải làm gì: học, học nữa, và học
mãi. Học. Đó là con đường duy nhất để chúng ta nâng cao vị thế khoa học của nước nhà, để vài năm
nữa khi một tập san nào đó làm tổng kết về tình hình khoa học ở Á châu, hai chữ Việt Nam sẽ xuất
hiện trên bản đồ khoa học thế giới.
Nguồn: Tác giả là GS Nguyễn Văn Tuấn ở Sydney, Australia, bài viết đã được đăng trên
/>

×