Tải bản đầy đủ (.pdf) (217 trang)

tri thức bản địa của người mnông ở huyện lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (13.46 MB, 217 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LÊ THỊ THANH XUÂN

TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK
TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN

Hà Nội - 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LÊ THỊ THANH XUÂN

TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK
TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Ngành: Văn hóa dân gian
Mã số: 9 22 9041

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA DÂN GIAN

Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS. Ngô Đức Thịnh


2. PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương

Hà Nội - 2019


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những
kết luận nêu trong luận án chưa được công bố ở bất kỳ công
trình khoa học nào.
Tác giả luận án

Lê Thị Thanh Xuân


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận án “Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk
trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” là một hành
trình dài của sự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi không ngừng. Tôi xin bày tỏ sự biết
ơn đến các cá nhân và tập thể sau:
Trước tiên, tôi xin tri ân sâu sắc đến hai giáo viên hướng dẫn của tôi là
GS.TS. Ngô Đức Thịnh và PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương. GS.TS Ngô Đức Thịnh
là người đã hướng dẫn tôi thực hiện Luận văn thạc sỹ, sau đó không quản ngại tiếp
tục nhận hướng dẫn tôi làm Luận án tiến sỹ. Hai giáo viên hướng dẫn đã đóng góp
những ý kiến quan trọng trong lúc thực hiện và hoàn thành luận án.
Cảm ơn tập thể các nhà khoa học đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu
Văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Văn hóa học-Học
viện Khoa học Xã hội luôn tận tình hỗ trợ tôi về mặt học thuật, phương pháp nghiên
cứu trong suốt thời gian tôi theo học Thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh.

Các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các cơ quan đã có những ý kiến
đóng góp xác đáng cho cho bản dự thảo luận án để tôi có thể bổ sung, hoàn thiện
luận án.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, trường Trung cấp sư phạm Mầm
non Đắk Lắk đã tạo mọi điều kiện để tôi có thể theo đuổi và hoàn thành chương
trình nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, tôi không thể hoàn thành luận án nếu thiếu sự cộng tác, giúp đỡ của
các già làng, bà con, họ hàng ở các bon làng của người Mnông; cán bộ của các thôn,
các xã và lãnh đạo UBND huyện Lắk, các sở ban ngành của tỉnh Đắk Lắk.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người bạn, những người đồng
nghiệp đã luôn động viên, hỗ trợ để tôi có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu. Và
đặc biệt, tôi cảm ơn sâu sắc đến gia đình tôi, nhất là bố mẹ tôi đã luôn ở bên, tạo
điều kiện về thời gian, là chỗ dựa về mặt tinh thần và vật chất để tôi có thể đi trọn
con đường nghiên cứu của mình.
Tôi vô cùng cảm kích và một lần nữa bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đối với
tất cả!
Hà Nội, tháng 2 năm 2019


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU ....................................................... 10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................ 10
1.2. Cơ sở lý thuyết ................................................................................................... 23
1.3. Khái quát địa bàn nghiên cứu ............................................................................ 37
Chương 2: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK,
TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG ................. 50
2.1. Nhận thức luận/Thế giới quan của người Mnông về tự nhiên ........................... 50
2.2. Luật tục với việc quản lý xã hội và bảo vệ đất rừng .......................................... 55

2.3. Kỹ thuật canh tác phù hợp với môi trường sinh thái ......................................... 80
2.4. Nghi lễ củng cố niềm tin, sự tôn trọng đối với tự nhiên .................................... 85
Chương 3: TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK,
TỈNH ĐẮK LẮK TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NƯỚC .......................... 96
3.1. Vai trò của nước trong đời sống của người Mnông ........................................... 96
3.2. Xác lập quyền sở hữu nguồn nước .................................................................. 100
3.3. Vai trò chỉ huy của “Rnoh Rnut” trong việc hướng dẫn dân làng chặn dòng
bắt cá tập thể ........................................................................................................... 101
3.4. Tri thức bản địa trong bảo vệ nguồn nước ....................................................... 102
3.5. Một số nghi lễ liên quan đến nguồn nước........................................................ 108
Chương 4: NGUYÊN NHÂN SỰ BIẾN ĐỔI, CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA
NGƯỜI MNÔNG Ở HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK ..................................... 112
4.1. Sự biến đổi của tri thức bản địa về quản lý, sử dụng đất rừng và nước .......... 112
4.2. Các nhân tố tác động đến sự biến đổi của tri thức bản địa của người Mnông. 130
4.3. Những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tri thức bản địa
trong bối cảnh hiện nay ........................................................................................... 137
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 142
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ......................................................................... 145
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................ 146


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
CP: Chính phủ
DL: Dương lịch
DTTS: Dân tộc thiểu số
Ha: Hecta
Kg: Kilô gram
KH: Kế hoạch

KHKT: Khoa học kỹ thuật
NCS: Nghiên cứu sinh
NQ: Nghị quyết
PCCR: Phòng chống cháy rừng
PL: Phật lịch
Pl: Phụ lục
PTBV: Phát triển bền vững
QLBVR: Quản lý bảo vệ rừng
Sđd: Sách đã dẫn
TW: Trung ương
UBND: Ủy ban nhân dân


DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ
Bảng 2.1: Phân loại đất trong canh tác lúa rẫy ................................................ 65
Bảng 2.2: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở xã Krông Nô) ............. 72
Bảng 2.3: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Rlâm ở buôn Lê) .................. 72
Bảng 2.4: Một số loại cây, lá chữa bệnh (nhóm Gar ở bon Ji Yôk) ................ 73
Bảng 4.1: Mục đích khai thác lâm sản của người Mnông ............................. 124


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Huyện Lắk tọa lạc phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, vốn là vùng đất được
thiên nhiên ưu đãi khi ban tặng dãy núi Chư Yang Sin, rừng Nam Ka hùng vĩ, hồ
Lắk thơ mộng như tấm gương lớn cho những ngọn núi duyên dáng nghiêng mình
soi bóng. Từ chính không gian hiền hòa và thơ mộng ấy, người Mnông đã tích lũy
cho mình tri thức về môi trường sinh thái mang đặc trưng văn hóa tộc người. Chính
nhờ tri thức ấy mà rừng đầu nguồn được bảo vệ, quan hệ cộng đồng được cố kết,
các thực hành văn hóa luôn hướng đến việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của

cộng đồng “chỉ lấy từ rừng đủ dùng, không hề lãng phí” [45].
Người Mnông là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên Cao nguyên
Đắk Lắk. “Chúng tôi ăn rừng” là cách mà người Mnông nói về hoạt động canh tác
lúa rẫy của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người Mnông chọn động từ “ăn” để
nói về cách mà họ canh tác trên các khoảnh rừng, cách mà họ lấy các sản vật từ
rừng để duy trì sự sống. Vì rừng chính là nơi họ sinh ra, là nơi họ kiếm sống, rừng
cũng là nơi chở che mọi tai họa và đưa họ về với tổ tiên. Đất và làng cũng được cắt
ra từ rừng. Sự linh thiêng, huyền bí, dồi dào về nguồn sống của rừng đã tạo nên
“văn hóa rừng”. Hay nói đúng hơn, rừng chính là môi trường góp phần tạo nên tri
thức bản địa và văn hóa của người Mnông.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, đời sống của người
Mnông đang hàng ngày, hàng giờ đối diện với rất nhiều thách thức như: sự tác động
của nền kinh tế thị trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; suy giảm nguồn tài
nguyên rừng và sự thay đổi quyền quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; áp lực
về tăng dân số cơ học dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất trở thành vấn đề cấp
thiết đối chính quyền địa phương và người dân địa phương; sự giao lưu, tiếp biến
về văn hóa, sự thâm nhập của tôn giáo mới…đã làm cho kho tàng tri thức bản
địa và văn hóa tộc người dần mai một và nhiều tri thức đã ra đi mãi mãi; điều
này đã tác động sâu sắc đến mối quan hệ sinh thái hài hòa giữa con người và tự
nhiên, tổn hại đến môi trường.
Bên cạnh những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với tri thức bản địa được đề cập ở
trên, dưới góc độ lý luận về tri thức bản địa, cho thấy, ở Việt Nam, nghiên cứu về tri
thức bản địa đã được chú ý từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX và ngày càng có nhiều
nghiên cứu quan tâm đề cập đến vai trò của tri thức này, nhất là trong khía cạnh

1


quản lý môi trường. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt
Nam bị ảnh hưởng bởi mục đích nghiên cứu phục vụ cho điều tra, sưu tầm, tìm hiểu

văn hóa các dân tộc thiểu số dưới góc độ dân tộc học, hoặc chỉ lựa chọn những vấn
đề phù hợp với mục đích của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, dự án phát triển
kinh tế, xã hội, phục vụ cho việc xây dựng chính sách về quản lý và bảo vệ tài
nguyên…nên tiếp cận khái niệm tri thức bản địa như một bản chất ít thay đổi, tập
trung trên một số khía cạnh như: gọi tên và phân loại động thực vật, quản lý tài
nguyên thiên nhiên qua luật tục, sưu tầm, tìm hiểu phong tục tập quán, sưu tầm luật
tục, văn học dân gian…Thế giới nhận thức luận chưa được quan tâm đúng mức,
trong khi chính thế giới quan là yếu tố có sự ảnh hưởng, chi phối toàn bộ các thực
hành văn hóa của cộng đồng. Chính vì cách tiếp cận tri thức bản địa như trên, các
nhà nghiên cứu ở Việt Nam ít quan tâm đến mối tương tác giữa yếu tố kỹ thuật và
phi kỹ thuật hay nói cách khác ít quan tâm mối quan hệ giữa tri thức bản địa và các
thành tố khác của văn hóa. Thậm chí, vẫn còn những nghiên cứu xem tri thức bản
địa là những phong tục tập quán lạc hậu cần loại bỏ…chính cách hiểu về tri thức
bản địa như trên đã bỏ qua việc nhìn nhận tri thức này trong mối quan hệ qua lại với
thế giới quan, vũ trụ quan, với vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, dẫn đến việc xây dựng
một số chính sách về văn hóa, về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số chưa chú ý đến vai trò của tri thức bản địa trong đời sống văn hóa của cộng
đồng. Trong khi các nhà nhân học hiện nay xem “tri thức bản địa cần phải được
hiểu như một hệ thống hoặc thế giới quan hoàn chỉnh gồm cả hiểu biết về tôn giáo,
tín ngưỡng, lễ nghi và các khía cạnh của tri thức bản địa” [70, tr.1].
Qua nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông về quản lý các nguồn tài
nguyên đất, rừng và nguồn nước, luận án sẽ tìm hiểu cách mà người Mnông sử dụng
vũ trụ quan của sự hòa hợp nhằm thể hiện sự tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thần linh
như thế nào? Trong luận án này, tri thức bản địa sẽ được nhìn nhận trong mối liên
hệ với bối cảnh văn hóa của người Mnông nói chung và trong sự mai một của hệ
thống tri thức này nói riêng; bổ khuyết cách hiểu, cách tiếp cận tri thức bản địa còn
nhiều khoảng trống ở Việt Nam. Trên cơ sở nhìn nhận tri thức bản địa là một chỉnh
thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu thành tri thức này, không tách rời
yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, quan tâm đến cơ sở hình thành của tri thức bản địa,
tìm hiểu tác động của nhận thức luận đến sinh kế bền vững của tộc người Mnông.

Tìm hiểu hệ thống tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

2


giúp chúng ta hiểu biết hơn về kho tàng văn hóa của đồng bào Mnông, hiểu biết hơn
về cách mà họ ứng xử với môi trường tự nhiên để bàn luận về vai trò của tri thức
bản địa trong đời sống văn hóa tộc người và những vấn đề đặt ra khi kho tàng tri
thức này bị mai một và dần biến mất.
Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của tri thức bản địa đối với văn hóa một tộc
người và sự phát triển bền vững nên tôi chọn đề tài “Tri thức bản địa của người Mnông ở
huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên” để làm Luận
án Tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa dân gian.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Mục đích nghiên cứu của luận án là thông qua việc giới thiệu một cách hệ
thống và toàn diện về tri thức bản địa của người Mnông góp phần làm sáng tỏ đặc
trưng văn hoá của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời nhìn ra quá
trình vận động của kho tàng tri thức bản địa của người Mnông trong bối cảnh xã hội
chuyển đổi hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhận diện một cách hệ thống kho tàng tri thức bản địa Mnông ở huyện Lắk,
tỉnh Đắk Lắk về quản lý và sử dụng tài nguyên.
Chỉ ra quá trình biến đổi và các nhân tố gây biến đổi tri thức bản địa của
người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk từ sau 1975 đến nay.
Bàn luận về những vấn đề đặt ra liên quan đến tri thức bản địa và sự biến đổi
tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh xã hội
chuyển đổi hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là kho tàng tri thức bản địa liên quan tới
quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông tại huyện Lắk, tỉnh
Đắk Lắk.
3.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu
Tri thức bản địa là một vấn đề rất rộng song, trong luận án này chúng tôi chỉ
tập trung nghiên cứu sâu tri thức bản địa trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên
nhiên bao gồm đất rừng, nguồn nước trên các khía cạnh: xem xét sự phù hợp của kỹ
thuật canh tác với môi trường sinh thái; tập trung nhìn nhận cách quản lý, phân phối

3


tài nguyên qua các thiết chế (luật tục, kiêng kị) với vai trò là bà đỡ cho việc bảo vệ
tài nguyên. Đề tài đặc biệt quan tâm đến nhận thức luận của người Mnông đối với
tài nguyên thiên nhiên thông qua thế giới quan, tín ngưỡng và nghi lễ. Trên cơ sở
đó, chúng tôi xem xét những nguyên nhân, các chiều tác động làm biến đổi tri thức
bản địa. Đặc biệt quan tâm đến chiều tác động của chính sách nhà nước đối với
truyền thống quản lý tài nguyên đất rừng và nguồn nước, nên các văn bản của nhà
nước cũng được tiếp cận giới hạn trong phạm vi những nội dung liên quan đến
quyền sở hữu và quản lý tài nguyên.
3.3. Phạm vi địa bàn nghiên cứu
Huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk là địa bàn khảo sát chính của chúng tôi vì đây
là nơi sinh sống lâu đời của người Mnông với dân số chiếm 63 % dân số toàn
huyện. Nơi đây có địa hình cảnh quan đồi núi xen lẫn các vùng trũng tạo nên sự đa
dạng về địa hình, do đó tri thức bản địa của các nhóm Mnông cũng chịu ảnh hưởng
của môi trường sinh thái nên có những đặc trưng khác nhau. Nhóm Gar cư trú trên
núi cao nổi tiếng với việc “ăn rừng”, nhóm Rlâm cư trú tại các vùng trũng lại thuần
thục với việc sử dụng đàn trâu vào canh tác lúa nước. Hiện nay, không gian xã hội
của người Mnông đã bị tác động, thay đổi khá nhiều, rừng không còn là không gian
bao chiếm, diện tích ruộng lúa bị thu hẹp do tăng dân số và bố trí dân cư xen cài, sự

tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, các thiết chế văn hóa, xã hội thay đổi, du lịch trở
thành nguồn thu nhập cho một bộ phận người dân, sự tác động của chính sách đối
với tài nguyên, sự thâm nhập sâu của các tôn giáo mới…đã làm thay đổi tập quán
ứng xử của người Mnông đối với tài nguyên cũng như việc bảo lưu các yếu tố văn
hóa truyền thống. Trước bối cảnh không ngừng thay đổi và nhiều chiều tác động đối
với các làng của người Mnông, chúng tôi chọn 11 làng để khảo sát gồm:
Buôn Lê (uôn Dlei), buôn Jun (uôn Jun) (Thị trấn Liên Sơn) là làng của
nhóm Rlâm, cư trú ở vùng trũng ven hồ Lắk, canh tác lúa nước, hiện nay có một bộ
phận cư dân tham gia làm du lịch.
Bon Yuk La (xã Đắk Liêng) là làng cư trú trên núi cao, canh tác lúa rẫy,
chịu tác động của chính sách định canh định cư của Nhà nước đã chuyển cư
xuống vùng đất thấp ven thị trấn Lắk, chuyển sang canh tác lúa nước và trồng
các cây công nghiệp.
Bon Ba Yang, R’chai A, Phi Dih Ja (xã Krông Nô); bon Liêng Ké, bon
Tlông, bon Ji Yôk (xã Đắk Phơi), là các làng thuộc nhóm Gar, cư trú trên núi cao,

4


nổi bật với truyền thống quản lý đất rừng, canh tác lúa rẫy. Nhưng hiện nay, các
làng này cũng được sắp xếp xuống vùng đất bằng phẳng, các tôn giáo mới xâm
nhập, tác động khá mạnh đến đời sống tinh thần của một bộ phận người dân. Nhưng
về cơ bản, các làng này vẫn còn duy trì nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.
Uôn Diêu (xã Bông Krang), uôn Dâng Băc (xã Yang Tao) là 02 làng của nhóm
Rlâm, canh tác lúa nước, chịu sự tác động mạnh của tôn giáo mới (Tin Lành, Công
giáo), phần lớn văn hóa truyền thống được chuyển đổi sang đức tin và làm theo lời
chúa, nghi thức tôn giáo thay cho các nghi lễ truyền thống. Sự chuyển đổi diễn ra mạnh
mẽ ở các làng có cư dân tin theo đạo Tin Lành.
Để nghiên cứu có thêm tính thuyết phục, chúng tôi còn tiến hành điền dã tại
xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông); xã Đăm Rông, huyện Đăm Rông

(tỉnh Lâm Đồng), qua đó, có sự so sánh những tương đồng và dị biệt về tri thức bản
địa giữa các nhóm Mnông ở những địa phương khác nhau.
3.3. Phạm vi thời gian nghiên cứu
Luận án nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk
Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tiến trình
phát triển xã hội tộc người; nghĩa là các tri thức bản địa đã và đang tồn tại trong
nhận thức của cộng đồng người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Phạm vi thời gian được trình bày làm hai giai đoạn, từ 1945 đến 1985 và từ
1986 đến nay. Vì từ 1945, ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (chất độc hóa học làm ô nhiễm nguồn nước, tàn phá
rừng, dồn dân lập đồn điền, lập ấp chiến lược…) thì về cơ bản, quyền sở hữu tài
nguyên vẫn thuộc về cộng đồng, nhóm họ, các cá nhân tiến hành khai thác, sử dụng
tài nguyên theo sự phân phối của những người được cộng đồng tôn phong trong
làng, trong rừng. Người Mnông vẫn duy trì tập quán canh tác lúa rẫy và lúa nước
theo đúng truyền thống. Diện tích rừng và độ che phủ rừng đảm bảo cho cộng đồng
thực hiện quyền sở hữu và canh tác theo lối luân khoảnh khép kín. Ở giai đoạn này,
chúng tôi tập trung vào việc nhận diện những đặc trưng của tri thức bản địa của
người Mnông trong quản lý và sử dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước theo
truyền thống. Giai đoạn từ 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước đã triển khai các chương
trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên. Ở huyện Lắk, các nông lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp được thành
lập, diện tích đất khai hoang được mở rộng đã hình thành nên cánh đồng lúa buôn

5


Tría, buôn Triết rộng lớn; chủ trương di dân từ các tỉnh đồng bằng và duyên hải
miền Trung lên phát triển kinh tế đã đặt ra yêu cầu phân bố lại địa bàn cư trú của
người Mnông trên cơ sở vận động bà con bỏ tập quán du canh du cư, hình thành các
bon làng định canh, định cư dọc các con đường quốc lộ và nội huyện. Bên cạnh đó,

sự tác động của nền kinh tế thị trường và nhiều yếu tố khác (tôn giáo, giao lưu văn
hóa, phương tiện truyền thông, khoa học kỹ thuật…) đã tác động trực tiếp và mạnh
mẽ đến nguồn tài nguyên, đây có thể xem là giai đoạn đánh dấu nhiều sự thay đổi
trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người Mnông.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện dựa trên hai nguồn tư liệu cơ bản: thứ nhất là nguồn
tài liệu đã được công bố, thứ hai là nguồn tư liệu do chính NCS thu thập từ thực tế
điền dã tại các địa bàn đã nêu.
Đối với nguồn dữ liệu thứ nhất, NCS thu thập nguồn tư liệu thứ cấp, đọc, xử
lý, phân tích và hệ thống lại những kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nội dung
đề tài, bao gồm các sách, các đề tài, dự án viết về chủ đề tri thức bản địa, về người
Mnông, về huyện Lắk… Nghiên cứu của chúng tôi tập trung tiếp cận vấn đề trên
tính chỉnh thể nguyên hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian, kế thừa sâu sắc quan
điểm tiếp cận “không gian xã hội” của người Mnông và các thông tin được mô tả
trong công trình nghiên cứu về người Mnông của Georges Condominas (Chúng tôi
ăn rừng, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Kỳ lạ mỗi ngày). Cùng với đó là
việc thu thập các tài liệu thống kê, báo cáo liên quan từ cơ quan trung ương đến địa
phương tỉnh, huyện, xã. Có thể nói, đây là những tài liệu hết sức quan trọng, cấu
thành nền tảng cơ sở lý luận của luận án.
Nguồn dữ liệu thứ hai được triển khai bởi các phương pháp nghiên cứu trên
thực địa, đây là phương pháp chủ đạo để thu thập nguồn tư liệu chính và quan trọng
nhất của luận án. Cụ thể là:
Phỏng vấn sâu cán bộ địa phương cấp huyện, xã (lãnh đạo Ủy ban nhân dân,
lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Tài nguyên-Môi trường, Chi cục Kiểm lâm,
Phòng Nông nghiệp, Phòng Dân tộc, Phòng Văn hóa thông tin, các cán bộ đoàn thể
như Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ…), người dân địa phương nhằm
thu thập ý kiến về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hoá.

6



Phỏng vấn hồi cố, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với đối tượng là các
già làng, trưởng buôn, trưởng thôn, những người am hiểu (trên 60 tuổi), đại diện các
hộ gia đình người Mnông (nhất là các hộ gia đình trẻ, thanh niên Mnông có độ tuổi
từ 18 đến 40 tuổi) để thu thập thông tin về văn hóa truyền thống, về tri thức bản địa,
về lịch sử và quá trình phát triển của cộng đồng làng. Trên cơ sở cách tiếp cận lịch
đại, tác giả sẽ liệt kê, mô tả quá trình hình thành huyện Lắk, nguồn gốc về người
Mnông, điều kiện tự nhiên, bối cảnh văn hóa xã hội (các quy định về quản lý và sử
dụng tài nguyên đất rừng và nguồn nước, sinh kế truyền thống, tổ chức kinh tế xã hội,
sự thay đổi về quan niệm, cách thực hành văn hóa cũng như các chiều tác động đối với
văn hóa và tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước)…
Tri thức bản địa là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn liền
với văn hóa của cộng đồng, do vậy, nhận thức, lý giải tri thức bản địa phải gắn liền
với môi trường hình thành tri thức ấy. Áp dụng phương pháp “chân trần trong bùn”
của Jacques Dournes trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên,
tác giả luận án sử dụng triệt để phương pháp quan sát, chụp ảnh cộng đồng làng,
cùng tham dự các sinh hoạt, các nghi lễ, thực hành canh tác… nhằm tái hiện các dữ
liệu trong phần trình bày nội dung chương 2 và chương 3 của luận án. Với lợi thế,
tác giả luận án là người Mnông nên trong quá trình sinh sống cũng như trong quá
trình điền dã đã có dịp quan sát, tham dự, chụp ảnh nhiều hoạt động trong phạm vi
gia đình và cộng đồng làng. Đây là những tư liệu sinh động, giúp cho tư liệu của
luận án có độ tin cậy cao, hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi sự có mặt của người ngoài
cộng đồng trong quá trình thu thập dữ liệu.
Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh đồng đại và lịch đại trong khoa học
xã hội cũng được thực hiện để nhìn nhận các số liệu, sự kiện trong mối quan hệ vốn
có với nhau theo thời gian và không gian để đảm bảo những phân tích đánh giá
trong luận án là khách quan và trung thực.
Phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp nhằm làm rõ đặc trưng của tri
thức bản địa của người Mnông với tri thức bản địa các tộc người khác trong khu vực.

Phương pháp liên ngành là sự kết hợp giữa nghiên cứu dân tộc học, văn hoá
học với phương pháp của ngành lịch sử, tôn giáo học và xã hội học. Bởi vì, văn hóa
dân gian Việt Nam nói chung là tổng thể mọi sáng tạo nên không có cách nào hiệu
quả hơn là cách tiếp cận liên ngành, từ ngả đường lịch đại và đồng đại-nghĩa là cả
về diễn trình lịch sử và cấu trúc [142, tr.575-577].

7


Phương pháp chuyên gia được thực hiện nhằm tranh thủ ý kiến tham vấn của
các chuyên gia ở địa phương và ở Hà Nội đối với chủ đề nghiên cứu. Những hiểu
biết, kinh nghiệm của các chuyên gia thật sự hữu ích đối với quá trình thực hiện
luận án: giúp định hướng cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu; góp ý cho việc xây dựng
cấu trúc luận án đảm bảo tính logic; cung cấp, bổ sung tư liệu…giúp nghiên cứu
được toàn diện và sâu sắc hơn.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Góp phần làm phong phú thêm những vấn đề lý thuyết và khái niệm liên quan
đến tri thức bản địa của người Mnông nói riêng và cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơ
me nói chung.
Nhận diện kho tàng tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk để từ đó
làm sáng tỏ một số đặc trưng và giá trị văn hoá xã hội của tri thức bản địa người
Mnông, những sự biến đổi, những chiều tương tác cũng như những nhân tố tác động
đến hệ thống tri thức bản địa của người Mnông và những vấn đề đặt ra từ đó.
Cung cấp nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho chủ đề nghiên cứu về tri thức
bản địa, về người Mnông, về Tây Nguyên, giúp ích cho công tác nghiên cứu, giảng
dạy và cả hoạch định chính sách.
Chỉ ra những vấn đề cấp bách, những thách thức đặt ra từ sự biến đổi nhanh
chóng theo chiều hướng thiếu tích cực của tri thức bản địa của người Mnông hiện
nay và kết nối với vấn đề phát triển bền vững Tây Nguyên.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

6.1. Ý nghĩa lý luận
Dưới góc độ văn hóa dân gian, luận án góp phần nhìn nhận tri thức bản địa
của người Mnông trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên đất rừng và
nguồn nước dựa trên tính chỉnh thể nguyên hợp, không tách rời các thành tố cấu
thành tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, xác định
nhận thức luận đóng vai trò quyết định, chi phối hành vi ứng xử giữa con người với
tự nhiên.
Bổ sung các luận điểm khẳng định vai trò, giá trị của tri thức bản địa trong
quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước, là cơ sở để cộng đồng và các cơ quan
quản lý nhà nước quản lý và bảo vệ tài nguyên một cách bền vững, góp phần bảo
tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian. Nghiên cứu còn góp phần khẳng
định sự phù hợp của cách tiếp cận tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc có sự

8


tham gia của cộng đồng, kết hợp giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học trong
phát triển bền vững.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án chỉ ra những vấn đề cần tập trung chú ý đối với tri thức bản địa như:
những biểu hiện của tri thức bản địa về quản lý và sử dụng đất rừng và nguồn nước
thông qua các nguyên tắc xác định ranh giới đất rừng và nguồn nước, cử người phân
phối tài nguyên, việc điều hòa nhu cầu sử dụng tài nguyên, quan niệm, tín ngưỡng,
nghi lễ, luật tục, kiêng kị, sáng tạo văn nghệ dân gian...
Cung cấp cơ sở cho việc phân tích, đánh giá hệ thống chính sách liên quan
đến việc quản lý và bảo vệ tài nguyên, qua đó chỉ ra hạn chế của việc xây dựng một
số chính sách đã bỏ qua sự tham vấn ý kiến của người dân địa phương, chưa xem
xét, tôn trọng và vận dụng hợp lý các khía cạnh của tri thức bản địa vào việc quản
trị tài nguyên ở cấp cộng đồng. Chính điều này đã dẫn tới sự xung đột giữa chính
sách của nhà nước với truyền thống quản lý tài nguyên của cộng đồng, giữa cơ quan

quản lý nhà nước ở địa phương và người dân; giữa người dân thuộc các cộng đồng
khác nhau.
Luận án cũng góp phần làm giàu các nghiên cứu vận dụng tri thức tộc người
vào việc xây dựng chuẩn mực hành vi của cộng đồng và cả xã hội trước thực trạng ô
nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên nghiêm trọng như hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được chia
làm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát địa
bàn nghiên cứu.
Chương 2: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
trong quản lý, sử dụng đất rừng.
Chương 3: Tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
trong quản lý, sử dụng nguồn nước.
Chương 4: Nguyên nhân sự biến đổi, các chiều tương tác và những vấn đề
đặt ra đối với tri thức bản địa của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

9


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa trên thế giới
Ở phương Tây, thường cho rằng không có cái gọi là tri thức bản địa theo
nghĩa tri thức “dân gian” đã từng tồn tại và biến mất, và theo một cách nào đó khoa
học và công nghệ trở thành tri thức bản địa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho
chúng ta thấy ngay từ thời trung cổ và giai đoạn đầu của thời hiện đại, các kinh
nghiệm cộng đồng, truyền thống truyền miệng, kinh nghiệm cá nhân và quyền hạn

có được thông qua học hỏi hình thành nên tri thức “cô đọng” hay “sự thông thái
được truyền giao” được sắp xếp thành những tri thức chuyên biệt, đặc biệt là tri
thức y học [82, tr.8]. Từ thế kỷ 16 trở đi, tri thức dân gian Châu Âu kết hợp với y
học có nguồn gốc Châu Á và Châu Mỹ. Chính sự vô danh này đã giúp xác định
được những hoạt động mang tính khoa học mới nổi, đối nghịch với tri thức dân
gian. Về mặt phương pháp luận, tri thức khoa học vẫn tiếp tục tận dụng những tri
thức dân gian có tính thực tiễn [Sđd, tr.9]. Trong suốt thế kỷ 17, 18, tri thức khoa
học của thế giới tự nhiên được tạo ra, tiếp tục tiếp thu những tri thức dân gian địa
phương tồn tại trước đó. Một phần tri thức dân gian còn sót lại vào cuối thế kỷ 20
trở thành đối tượng của việc phục hưng hóa. Phần còn lại tiếp tục tồn tại như những
tri thức ẩn cần thiết cho việc tạo ra những cuốn sách và lý thuyết và tiếp tục thể hiện
sự gắn kết thực tiễn của những người thợ thường dân, “tri thức dân gian đã bị hệ
thống hóa thành tri thức khoa học” [Sđd, tr.10].
Những năm1960-1970 của thế kỷ XX, tri thức bản địa bị xem nhẹ, bị bỏ qua
và đánh giá thấp. Tri thức bản địa không chỉ bị đánh giá thấp bởi những nhà quản lý
có trình độ được đào tạo theo phương Tây về những tiềm năng ứng dụng thực tiễn
của nó. Thậm chí, khi tri thức bản địa được dùng hiển nhiên, thì công lao của những
người đưa nó đến với khoa học vẫn bị lờ đi [Sđd, tr.16]. Mặc dù tri thức bản địa bị
ngoài lề hóa như trên nhưng ngay từ giữa thế kỷ 19, quá trình này bị xem xét lại.
Nguyên nhân tri thức bản địa được xem xét lại là do sự bất lực của khoa học và
công nghệ phương Tây trong giải thích thế giới tự nhiên, trong khi người dân bản
địa lại sống hài hòa với thế giới tự nhiên, họ được xem như những nhà sinh thái học

10


thực sự với những hiểu biết sâu sắc về môi trường, những quan niệm, niềm tin và
cách bảo vệ nguồn tài nguyên [Sđd, tr.17]. Tuy nhiên, sự nóng lòng của các nhà
nhân học và các chuyên gia phát triển muốn giúp tri thức bản địa được chấp nhận đã
đẩy tri thức bản địa đến chỗ giải bối cảnh mà ở đó tri thức được hình thành và gắn

chặt, bị biến thành “giải pháp hóa toàn cầu và khái quát hóa”, tri thức bản địa bị mã
hóa và lưu giữ, phổ biến như tri thức khoa học; bị đẩy xa hơn, tri thức bản địa trở
thành một khái niệm vụ lợi và phi cá nhân, cụ thể và bối cảnh [Sđd, tr.26-28].
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trong những năm gần đây có rất nhiều bài viết mang
tính học thuật về tri thức bản địa. Những nghiên cứu này tập trung vào các khía
cạnh khác nhau của tri thức bản địa, từ tri thức về sinh thái áp dụng cho bảo tồn tài
nguyên, cho đến các hệ thống phân loại đất, tri thức về thiên văn học và vũ trụ học,
cho đến lập bản đồ địa lý và đặt tên cho vùng đất. Danh sách các chủ đề có thể dành
cho các nghiên cứu về tri thức bản địa là vô tận [71, tr.2].
Aru Agrawal đặt vấn đề mức độ thích hợp của một thuật ngữ mang tính bao
trùm “tri thức bản địa” bằng cách nêu bật một điểm tương đồng chính mà có vẻ ứng
với nhiều tri thức bản địa khác nhau. Scott tranh luận rằng khái niệm “tri thức bản
địa” được thay thế tốt hơn với các khái niệm như “tri thức địa phương”. Roy Ellen
nỗ lực đưa ra 10 đặc tính chung của tri thức bản địa trong đó nhấn mạnh tính địa
phương, tính chỉnh thể không thể tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật, giữa
lý trí và phi lý trí và những tri thức này thường nằm trong các truyền thống văn hóa
rộng lớn hơn. Trong khi đó các nhà nhân học như Posey cũng tham gia tranh luận
làm thế nào để phân loại, bảo tồn tri thức bản địa, làm thế nào để tích hợp tri thức
này vào các dự án và chính sách phát triển. Trong khi đó, Strang thì cho rằng “nhân
học về bản chất là đối thoại và các lý thuyết và thực hành của nhân học cần được
coi là sản phẩm nhận thức luận của sự trao đổi đa văn hóa lâu dài và một sự tổng
hợp của các lý thuyết và các tri thức [dẫn theo 71, tr.4].
Năm 1997, một cuộc hội thảo với chủ đề “Tri thức bản địa về môi trường và
những biến đổi” đã được tổ chức tại trường Đại học Kent (Canterbury, Hoa Kỳ) với
mục đích nhằm thảo luận chuyên sâu về khái niệm “tri thức bản địa” bao gồm các
vấn đề: sự hình thành tri thức, cách thức vận hành nó trong thực tiễn xã hội và các
bước phát triển thăng trầm của nó. Từ đó, các nhà khoa học đánh giá một cách
khách quan và nghiêm túc về thực trạng nghiên cứu tri thức bản địa trong những
ngành khoa học khác nhau cả về phương diện thực tiễn và lý luận. Đồng thời đánh


11


giá lại vai trò của tri thức bản địa trong bối cảnh cụ thể [82, tr. 8]. Các ý kiến phê
bình “các nghiên cứu tri thức bản địa chỉ quan tâm đến phương pháp tiếp cận phân
loại và dân tộc học thực vật” đã góp phần nhìn nhận tri thức bản địa là một hệ thống
tri thức quy mô, tổng thể, có thể kể đến các nghiên cứu của Mokuku, Berkes và các
cộng sự, Stave và các cộng sự, Bollig và Schulte [dẫn theo 71, tr.6].
Qua các nghiên cứu trên, tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở nước ngoài
có nhiều quan điểm tiếp cận trái chiều, thậm chí có cả việc lạm dụng tri thức bản địa
cho mục đích chính trị hoặc phục vụ cho mục đích của các dự án phát triển kinh tế,
bảo tồn tài nguyên. Tuy nhiên, về cơ bản, hầu hết các nghiên cứu đều thừa nhận vai
trò của tri thức bản địa trong việc hình thành bản sắc văn hóa và sinh kế của cộng
đồng và đem đến cách tiếp cận mới với tri thức bản địa và đặt tri thức này trong
tổng thể, quan tâm đến vai trò của thế giới quan đối với hệ thống tri thức này.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu tri thức bản địa ở Việt Nam
1.1.2.1. Các nghiên cứu về tri thức bản địa nói chung và tri thức bản địa qua
các khía cạnh cụ thể
Ở Việt Nam, mối quan tâm, thiện cảm dành cho tri thức bản địa qua các
nghiên cứu ngày càng nhiều lên, hàng loạt hội thảo được tổ chức để khẳng định vai
trò, nêu lên tầm quan trọng của tri thức địa phương đối với vấn đề phát triển bền
vững miền núi. Trong đó, nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tri thức bản địa như là một
nhân tố cốt lõi để đưa vấn đề phát triển bền vững tộc người đến sự thành công.
Về chủ đề này, các tác giả Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Đình Sâm, Trần Hồng
Hạnh, Nguyễn Trường Giang, Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng tập trung nghiên cứu tri
thức dân gian của các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Thái, Mường. Ngô Văn Lệ và
các tác giả [53] đề cập đến tri thức bản địa trên các khía cạnh: hoạt động kinh tế,
sinh hoạt văn hóa-xã hội và vai trò của tri thức bản địa trong đời sống tộc người
thiểu số Đông Nam Bộ. Nguyễn Diệp Mai [61] tập trung vào hệ thống tri thức bản
địa của người Việt rừng U Minh Thượng trong ứng xử với môi trường tạo sự thích

ứng tối ưu trong cuộc sống của họ.
Trần Hồng Hạnh [33] đã tiến hành hệ thống, đánh giá khái niệm tri thức địa
phương của các nhà nghiên cứu trong ngoài nước để cho thấy bức tranh của tình
trạng sử dụng chồng chéo các khái niệm tri thức “bản địa”, “truyền thống” hay “địa
phương” là khá phổ biến, nỗ lực xác định quan niệm về tri thức bản địa của các nhà
nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất và chưa có một định nghĩa nào được toàn cầu

12


chấp nhận. Ngoài ra bài viết cũng đề cập đến vấn đề về mối quan hệ của tri thức địa
phương và cư dân địa phương, bối cảnh và sự phân loại tri thức bản địa. Không nên
đề cao hay đánh giá thấp tri thức hiện đại hay tri thức địa phương…Việc kết hợp
các kiến thức địa phương với các kiến thức kỹ thuật hiện đại là một giải pháp tốt,
cần thiết và thích đáng để đưa lại tính hiệu quả cao cho các dự án phát triển ở vùng
nông thôn và miền núi.
Dưới góc độ lý thuyết cấu trúc, Lê Sỹ Giáo [25] đề cập đến mối quan hệ hết
sức chặt chẽ và biện chứng giữa rừng và quyền kinh tế của người dân: Rừng còn thì
nguồn nước dồi dào, rừng mất thì nguồn nước cạn kiệt. Không có rừng, không có
nước thì cũng có nghĩa là không gian sinh tồn bị đe dọa. “Rừng không phải chỉ là
rừng. Rừng là không gian sinh tồn, là phương tiện đặc biệt để sinh sống. Rừng còn
là môi trường văn hóa”. Vì vậy, không gian sinh tồn và quyền hoạt động kinh tế
phải được xem xét một cách hết sức chu đáo, cả về mặt tự nhiên, cả về mặt xã hội
của nó, không kể đó là dân tại chỗ hay dân từ nơi khác đến. Nguyễn Duy Thụy
[109] hệ thống và đánh giá hiệu quả một số chính sách liên quan đến công tác quản
lý, quy hoạch và sử dụng ruộng đất ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tác giả cho rằng:
việc quản lí đất đai, quản lý kế hoạch sản xuất còn lỏng lẻo, Nhà nước chưa thực sự
kiểm soát được việc sử dụng đất, dẫn đến tình trạng mua bán, lấn chiếm, cấp đất trái
pháp luật diễn ra. Một số diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang đất xây dựng
không theo quy hoạch. Hệ quả tất yếu là hiện tượng tranh chấp đất đai nảy sinh và

diễn ra ngày càng phổ biến, căng thẳng. Mai Thanh Sơn [86] tập trung nghiên cứu
tác động của sự can thiệp từ bên ngoài và chính sách đất đai của Nhà nước đối với
người dân Tây Nguyên trên cơ sở lý thuyết “Ba điểm tựa và đa chiều tác động”. Mô
hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên dựa trên nguyên tắc hành động tập thể
được tác giả đề xuất như là một giải pháp hiệu quả nhằm dung hòa những cách tiếp
cận khác nhau về quyền sở hữu, cho phép quan tâm đến các vấn đề văn hóa-xã hội
của các nhóm đối tượng. Bùi Minh Đạo [21], [22], [23], [24] làm sáng tỏ thực trạng
tổ chức và hoạt động của buôn làng Tây Nguyên từ truyền thống đến nay đang đối
mặt với mâu thuẫn giữa sở hữu toàn dân với sở hữu tập thể buôn làng về đất rừng;
Tình trạng thiếu đất sản xuất; Mất rừng, suy giảm môi trường sống, mất nguồn sinh
kế truyền thống; Hệ thống chính trị cơ sở cấp buôn làng hoạt động kém hiệu quả;
Đứt gãy văn hóa và mai một, mất mát nhanh văn hóa; Ảnh hưởng tiêu cực đến lòng
dân Tây Nguyên và sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mặc dù đánh giá cao

13


hiệu quả của việc quản lý và sử dụng đất rẫy của các dân tộc tại chỗ của Tây
Nguyên, nhưng tác giả cũng nhận xét những tri thức địa phương này chỉ tồn tại và
thích dụng trong điều kiện đất còn rộng, người còn thưa trước đây, còn hiện nay, tri
thức này đã mất dần dần cơ sở tồn tại và trở thành di sản do hệ quả của việc tăng
dân số tự nhiên và cơ học, do việc khai thác đất, rừng ồ ạt, do nhu cầu bảo vệ tài
nguyên và môi sinh trong điều kiện mới.
Trong những nghiên cứu tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số, đáng
chú ý là các nghiên cứu của một số nhà nhân học, tuy không trực tiếp đề cập đến tri
thức bản địa nhưng lại quan tâm nghiên cứu sự tác động của diễn ngôn, chính sách,
tri thức đối với văn hóa, sinh kế và tập quán địa phương trong quản lý môi trường
của người dân tộc thiểu số và về miền núi Việt Nam. Nhóm tác giả cuốn sách Diễn
ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa-sinh kế tộc người [10] đứng trên quan điểm
nhân học hiện đại, nhằm thể hiện sự tranh luận với các nghiên cứu tri thức bản địa

dưới quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến, định kiến tộc người và hướng tới nghiên
cứu tri thức địa phương cần phải được hiểu như là một hệ thống hoặc thế giới quan
hoàn chỉnh. Các nền văn hóa sẽ được nghiên cứu theo chiều ngang, bằng và hướng
đến sự đa dạng và độc đáo của từng tộc người. Pamela McElwee [71] còn so sánh
giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học để từ đó nêu lên thực trạng nghiên cứu tri
thức bản địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại
hoặc liệt kê danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng
và tính tổng thể của tri thức bản địa”. Christian Culas [13] đi sâu vào phân tích ảnh
hưởng của diễn ngôn đến các tri thức và tập quán nông nghiệp và quản lý rừng của
các dân tộc miền núi. Tuy có phần hơi tiêu cực khi đánh giá hệ thống chính sách
phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam nhưng bài viết cũng đã thể hiện góc nhìn của
tác giả đối với tình hình nghiên cứu và sự tác động của các nghiên cứu đối với tri
thức bản địa ở Việt Nam. Guérin Mathieu [62] đặt lại vấn đề nghiên cứu đối với
việc đốt rừng làm rẫy của các cư dân vùng cao và ông cho rằng đó là kỹ thuật canh
tác không hề lạc hậu và họ không phải là kẻ phá rừng như chúng ta từng nghĩ. Bài
viết cũng đã góp thêm tiếng nói khẳng định sự phù hợp của kỹ thuật canh tác nương
rẫy trên địa hình rừng núi Việt Nam.
Ngoài các công trình của các học giả, nghiên cứu về tri thức bản địa còn có sự
tham gia của các tổ chức, các dự án về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường: Các tổ
chức phi chính phủ (NGO), Trung tâm nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường

14


(ISEE), Trung tâm nghiên cứu khoa học môi trường (CRES), Viện Khoa học lâm
nghiệp (FSI), Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) và Quỹ
Ford tài trợ về “Tri thức bản địa và việc phát triển nông nghiệp miền núi Việt
Nam”. Các dự án này nhằm tìm hiểu khối tri thức bản địa đa dạng đóng vai trò quan
trọng trong việc hướng dẫn các hoạt động nông nghiệp về chiến lược sinh tồn của
cộng đồng dân tộc thiểu số và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến bảo tồn và phát

triển tri thức bản địa [71, tr. 7, 8].
Hầu hết các dự án bảo tồn được nước ngoài tài trợ, triển khai trên các địa
phương miền núi chủ yếu nhằm vào việc nâng cao việc bảo vệ khu bảo tồn, do đó
góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào
rừng của các cộng đồng địa phương, khuyến khích các cộng đồng tôn trọng và
đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn nhưng lại bỏ qua nghiên cứu cụ thể về tri
thức bản địa liên quan đến sự hiểu biết, niềm tin, thần linh, nghi lễ, hoạt động
tôn giáo vốn tồn tại với môi trường và chi phối sâu sắc các thực hành của người
dân bản địa [71, tr. 13-14].
1.1.2.2. Các nghiên cứu về tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Việt
Nam trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Mặc dù nghiên cứu tri thức bản địa ngày càng tăng về số lượng và phạm vi đề
cập nhưng Pamela McElwee [71] lại nêu lên một thực trạng nghiên cứu tri thức bản
địa tại Việt Nam “bị giới hạn chủ yếu ở phương pháp tiếp cận phân loại hoặc liệt kê
danh mục và những phương pháp này không nhận ra được sự đa dạng và tính tổng
thể của tri thức bản địa”. Một trong những nghiên cứu chỉ quan tâm tiếp cận tri thức
bản địa dưới góc độ liệt kê, phân loại và giới thiệu kỹ thuật canh tác mà chúng ta có
thể kể đến đó là Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc [121], tác giả cuốn sách này dựa
vào khái niệm kiến thức kỹ thuật bản địa của Warren để giới hạn phạm vi đề cập
gồm: kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; kiến thức về quản lý rừng và tài nguyên
cộng đồng; kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe con người; kiến thức về tổ chức
cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu… không đề cập các kiến thức
văn hóa như: âm nhạc, tín ngưỡng, đạo đức… Đỗ Đình Sâm, Trần Sỹ Hải, Nguyễn
Hữu Thành cũng chỉ quan tâm nghiên cứu về các hoạt động nông nghiệp hoặc các
giải pháp kỹ thuật địa phương [71].
Một số tác giả quan tâm nghiên cứu tập quán khai thác, quản lý, sử dụng tài
nguyên của một số tộc người cụ thể như: Lò Ngọc Biện [6] Nguyễn Ngọc Thanh

15



[88]…đã mô tả cách thực hành tri thức địa phương trên phương diện kỹ thuật và
thiết chế liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước
của người Mường ở một số huyện của tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Mặc dù các tác
giả có đề cập đến nhận thức về rừng gồm có hai chức năng: nuôi sống, điều hòa môi
trường sống cho con người và thông tin, giới thiệu một số nghi lễ, quy ước bảo vệ
rừng...nhưng nhìn chung, các tài liệu này vẫn tiếp tục cách tiếp cận mô tả, giới thiệu
sự thích ứng của người Mường đối với môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài
nguyên thiên nhiên. Nguyễn Thẩm Thu Hà [30] dựa trên thuyết nhân học sinh thái
và thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa để nghiên cứu tri thức địa phương của người
Sán Dìu ở Tuyên Quang trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tác giả tập
trung mô tả tri thức địa phương trong sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước
trên cơ sở đó đánh giá, phân tích những yếu tố tích cực và hạn chế của tri thức này.
Dương Tuấn Nghĩa [68] nghiên cứu tri thức dân gian của người Hà Nhì đen trong
khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển bền vững, tác giả có đề cập
đến cái thiêng, luật tục với vai trò là những yếu tố chi phối hoạt động khai thác và
góp phần bảo vệ rừng.
Một vài cách tiếp cận chính chiếm ưu thế trong khối lượng tài liệu nghiên cứu
về tri thức bản địa tập trung vào việc sưu tầm các tên địa phương của các loài
cây, thuộc tính của chúng, hình thái nguồn gen, liệt kê cách khai thác, chế biến,
sử dụng cây thuốc và bảo quản thuốc, các tri thức, kinh nghiệm, tập quán chăm
sóc sức khỏe (Trần Thiện Ân, Huỳnh Văn Kéo, Trần Hồng Hạnh); giới thiệu,
quảng bá sản phẩm nông nghiệp (Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Bình Minh),
tuy nhiên các tác giả này vẫn chưa quan tâm đề cập đến thế giới quan liên quan
đến các tri thức này [dẫn theo 71, tr.7].
Chương trình nghiên cứu Việt Nam-Hà Lan đề cập đến vai trò của tổ chức
cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước tại đập thủy lợi Thái Long (Cẩm Phú,
Cẩm Thủy, Thanh Hóa); Trần Hồng Thu giới thiệu tri thức địa phương của người
Mường trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước; Vi Văn An giới thiệu tri thức dân
gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Phan Quốc Anh với

bài viết “vai trò tri thức bản địa của người Chăm Ninh Thuận trong ứng xử với môi
trường nước”; Đặng Thị Oanh với bài “Tri thức dân gian về nước của người
Thái...[dẫn theo 53].

16


Qua điểm luận một số tác giả nghiên cứu chủ đề tri thức bản địa về quản lý, sử
dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trên cho thấy có sự tách biệt từng
loại tài nguyên đất, rừng, nước hoặc tập trung quan tâm đến tính hữu dụng về mặt
kỹ thuật của tri thức này trong sản xuất nông nghiệp mà bỏ qua phần trình bày về
thế giới quan, vũ trụ luận. Trong khi đó, các tác giả như Rapaport, Dolmatoff,
Lansing, Janjanapan, Cầm Trọng lại chỉ ra rằng tôn giáo, nghi thức và các biểu
tượng lại chính là thực thể điều hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, rằng
lực lượng siêu nhiên là một cơ chế có sức mạnh đặc biệt trong việc điều hòa mối
quan hệ nói trên [dẫn theo 9, tr.353]. Hoàng Cầm đứng trên hướng lý thuyết nhìn
nhận tôn giáo, nghi thức và các biểu tượng như là một thực thể điều hòa mối quan
hệ giữa con người và tự nhiên bởi vì niềm tin tôn giáo thể hiện vũ trụ quan của các
tộc người bản địa, không phải là sự biểu lộ nỗi sợ hãi của con người trước lực lượng
siêu nhiên. Mối quan hệ khăng khít, nền tảng của vũ trụ quan sinh thái chi phối đến
thực hành của con người đối với tự nhiên, trong đó lực lượng siêu nhiên đóng vai
trò quyết định. Lối tư duy này quy định cách thức con người hành động theo hướng
chia sẻ với môi trường tự nhiên như là một phần của xã hội con người, đây là mô
hình quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt được sự cân bằng sinh
thái trong tương lai [9], [36], [38].
Trên đây là những công trình nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt Nam. Tri
thức bản địa được đề cập trên các khía cạnh, rất phong phú, đa dạng, hữu ích cho
chúng tôi trong tham khảo, tiếp tục nghiên cứu mảng vấn đề này trong luận án.
Cách tiếp cận tập trung vào tập quán khai thác và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài
nguyên thiên nhiên của các dân tộc miền núi luôn được các tác giả quan tâm từ rất

sớm và ngày càng chiếm số lượng lớn trong các tài liệu viết về tri thức bản địa. Các
nghiên cứu trên đều khẳng định, đánh giá vai trò quan trọng của tri thức bản địa.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong số các nghiên cứu về tri thức bản địa ở Việt
Nam, đó là bàn luận của Pamela McElwee trong bài “Việt Nam có tri thức bản địa
không?” cho rằng: phần lớn các nghiên cứu về tri thức bản địa/tri thức sinh thái
truyền thống cho đến nay ở Việt Nam chỉ sử dụng một cách chọn lọc khái niệm về
tri thức bản địa như một bản chất [ít thay đổi], tập trung vào việc gọi tên và phân
loại [động thực vật] hoặc vào việc quản lý các tài nguyên thiên nhiên qua luật tục,
mà không có nỗ lực để hiểu thế giới nhận thức luận rộng lớn hơn mà nơi đó tri thức
bản địa được hình thành”. Theo Pamela McElwee, các nhà nghiên cứu Việt Nam

17


khi nghiên cứu tri thức bản địa cần phải chú ý đến tính hệ thống của tri thức bản địa,
hoặc cần phải hiểu tri thức bản địa như là thế giới quan hoàn chỉnh bao gồm các
khái niệm không chỉ tên địa phương đặt cho động thực vật và không chỉ hệ phân
loại mà còn cần hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng và lễ nghi, các khía cạnh của tri
thức trước đó không được quan tâm trong bảo tồn môi trường [tr.1]. Chính từ chủ
đề nghiên cứu của Pamela McElwee [71] và Hoàng Cầm [9], xem xét tri thức bản
địa trong tính chỉnh thể, nhìn nhận thế giới quan là cơ sở hình thành đối với tri thức
này đã hướng nghiên cứu của chúng tôi đến với việc hiểu, tiếp cận tri thức bản địa
của người Mnông về quản lý các nguồn tài nguyên đất rừng và nguồn nước như một
chỉnh thể nguyên hợp, trong đó thế giới quan đóng vai trò chi phối mạnh mẽ các
thành tố khác của tri thức bản địa, không tách rời giữa yếu tố kỹ thuật và phi kỹ
thuật, giữa lý trí và phi lý trí; tập trung làm rõ cơ sở thế giới quan và đặt tri thức này
trong mối quan hệ với văn hóa của người Mnông.
1.1.3. Nghiên cứu tri thức bản địa của người Mnông và tri thức bản địa của
người Mnông ở huyện Lắk trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên
thiên nhiên

1.1.3.1. Nghiên cứu về tri thức bản địa của người Mnông
Nghiên cứu về các tộc người Tây Nguyên đã diễn ra từ những năm đầu thế
kỷ XX bởi các học giả và các quan cai trị người Pháp và sau đó là người Mỹ, người
Việt Nam, các công trình này không được gọi là nghiên cứu về tri thức bản địa.
Henri Maitre [35] tập trung cung cấp cứ liệu lịch sử quan trọng của một thời điểm
lịch sử từ những năm 1912 về Cao nguyên miền thượng cũng như về vùng người
Mnông mà không đề cập chút nào về tôn giáo nhưng cuốn sách vẫn là một nghiên
cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên”. Còn lại
các tác giả như: Georges Condominas, J.Dournes, Gerald Canon Hickey, Joann
L.Schrock, Henry và Evangeline Blood, ngoài những mô tả dân tộc học về đời sống,
sinh kế, phong tục tập quán đều đề cập thế giới quan, tôn giáo, tín ngưỡng, huyền
thoại…của người Mnông.
J.Dournes [46] đã đưa chúng ta lạc vào một thế giới huyền ảo nhưng không
kém phần sống động, qua đó chúng ta thấy được: dáng vẻ con người và lịch sử Tây
Nguyên; các tộc người, các phương ngữ và diện mạo của họ; các kỹ thuật và nghi
thức sáng chế; thuật chữa bệnh; tổ chức đời sống gồm gia đình và xã hội; tính biểu
tượng của luật pháp thể hiện qua sự nghiêm minh của chất thơ; vị trí hàng đầu của

18


×