Tải bản đầy đủ (.docx) (24 trang)

Giải pháp nâng cao chất lượng vở sạch chữ đẹp trong phân môn chính tả lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.43 MB, 24 trang )

PHÒNG GD&ĐT THÀNH PHỐ THANH HÓA
TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HẢI 1

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
VỞ SẠCH CHỮ ĐẸP TRONG PHÂN MÔN CHÍNH TẢ
Ở LỚP 5.

Người thực hiện: Trịnh Thị Ngọc
Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Đông Hải 1
SKKN thuộc môn Tiếng Việt

THANH HÓA NĂM 2020


MỤC LỤC
Nội dung
1. Mở đầu
1.1. Lí do chọn đề tài
1.2. Mục đích nghiên cứu
1.3. Đối tượng nghiên cứu
1.4. Phương pháp nghiên cứu
2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
2.3. Các giải pháp đã sử dụng để giải quyết vấn đề.
2.3.1. Tăng cường nhận thức của giáo viên về vấn đề luyện viết
chữ đẹp.
2.3.2. Chuẩn bị tốt các điều kiện học tập để giúp học sinh viết chữ đẹp, giữ vở sạch.



2.3.2.1. Về điều kiện cơ sở vật chất và đồ dùng học tập.
2.3.2.2. Thống nhất về các quy định, quy ước khi học sinh viết chính tả.
2.3.3. Thực hiện linh hoạt quy trình dạy viết chính tả

2.3.4. Những lỗi sai khi học sinh viết chữ và cách khắc phục.
2.3.5. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng vở sạch, chữ
đẹp của học sinh.
2.3.6. Những giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng viết chính
tả ở học sinh lớp 5.
2.3.6.1. Luyện đọc để luyện viết.
2.3.6.2. Tổng hợp những lỗi chính tả cơ bản và hướng dẫn cách
sửa chữa.
2.3.6.3. Giúp học sinh nắm vững quy tắc chính tả và một số mẹo
luật chính tả.
2.3.6.4. Sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ khi hướng dẫn
học sinh luyện viết chính tả.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo
dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường.
3. Kết luận, kiến nghị
3.1. Kết luận
3.2. Kiến nghị
Tài liệu tham khảo

Trang
1
1
2
2
2

2
2
3
5
5
7
7
7
10
11
13
14
14
14
16
18
18
19
19

19


1. Mở đầu
1.1. Lí do chọn đề tài
Chữ viết là sáng tạo kỳ diệu của con người. Sự xuất hiện của chữ viết đánh
dấu một giai đoạn phát triển về chất của ngôn ngữ. Chữ viết và dạy chữ viết
được mọi người quan tâm. Trong thời hiện đại, trước sự phát triển nhanh của
khoa học công nghệ, thay vì phải viết tay những văn bản, lá đơn, lá thư…, ngày
nay con người đã có sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật như: máy vi

tính, điện thoại di động… nên xuất hiện tâm lí xem nhẹ việc rèn luyện nét chữ.
Tuy nhiên việc viết chữ đẹp không chỉ là thành tích mà là yêu cầu căn bản của
người học trò. Nét chữ thể hiện tính kiên trì, chăm chỉ của người viết. Những
câu chữ thẳng hàng, đẹp, rõ nét thể hiện sự trang trọng và tính cách cẩn thận của
người viết đối với người đọc. Con người muốn làm được người tốt thì phải rèn
luyện từng tí một. Nét chữ cũng vậy, là học trò phải viết vở sạch đẹp, rõ ràng.
Đừng chạy theo thời đại mà bỏ mất đi tương lai.
Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc rèn chữ đẹp đối với
học sinh Tiểu học. Có ý kiến cho rằng, ép học sinh viết chữ đẹp bây giờ là "lạc
hậu", có thể làm chậm tư duy của các em vì đã có máy vi tính thay thế... Tuy
nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc rèn chữ cho các em học sinh
Tiểu học dù ở thời điểm nào cũng rất cần thiết. Mặc dù khi học lên lớp cao hơn,
lượng kiến thức rộng hơn thì bắt buộc phải viết nhanh, tất nhiên chữ sẽ xấu hơn.
Nhưng dù thế nào thì chữ viết vẫn bảo đảm sạch sẽ, ai cũng có thể đọc được.
Vậy làm sao để ta có thể viết được chữ đẹp? Làm sao để khi mọi người
nhìn vào chữ viết sẽ đánh giá con người được chuẩn mực nhất?
Viết chữ xấu hay đẹp phụ thuộc nhiều vào quá trình uốn nắn, rèn luyện
cũng như tính cẩn thận của mỗi người, nhất là thói quen luyện viết trong thời
gian học tập. Việc thực hiện rèn kỹ năng viết chữ cho học sinh Tiểu học đã được
nhiều thế hệ thầy, cô giáo quan tâm, trăn trở, góp nhiều công sức cải tiến kiểu
chữ, nội dung cũng như phương pháp dạy chữ viết. Tuy vậy vẫn còn có những
học sinh viết sai, viết xấu và viết chậm. Đều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất
lượng học tập Tiếng Việt nói riêng, học các môn khác nói chung. Ngoài kiến
thức cơ bản, rèn chữ viết là con đường hình thành nhân cách, thói quen và
những đức tính đẹp nhất cho lứa tuổi bậc Tiểu học với những bài học đầu tiên
cho nền tảng vững chắc về đức và tài cho một thế giới ngày mai.
Nhu cầu thưởng thức và sáng tạo cái đẹp cũng đang ngày càng phát triển
mạnh trong đó có chữ viết và tất cả những điều đó chứng tỏ vấn đề chữ viết
đang được quan tâm đúng mức.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đó, tôi đã chọn đề tài: Một số biện pháp nâng

cao chất lượng vở sạch chữ đẹp trong phân môn Chính tả ở lớp 4. Qua đó có thể
trao đổi sáng kiến cùng đồng nghiệp để dìu dắt cho thế hệ trẻ của chúng ta trở
thành những con người toàn diện.
1


Tuy nhiên để phù hợp với đối tượng học sinh lớp phụ trách bản thân tôi đã
phát triển sáng kiến kinh nghiệm thành đề tài: Một số giải pháp nâng cao chất
lượng vở sạch chữ đẹp trong phân môn Chính tả ở lớp 5. Từ đó giúp học sinh
lớp 5 viết chính tả đúng, đẹp và phù hợp với lứa tuổi.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Việc nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm này nhằm mục đích:
- Hướng dẫn cho học sinh viết đúng, viết đẹp từ đó nâng cao chất lượng vở
sạch chữ đẹp cho học sinh;
- Đánh giá khả năng thẩm mĩ, sự nỗ lực phấn đấu của học sinh trong quá
trình luyện viết.
- Rút kinh nghiệm trong việc luyện viết chữ đẹp và khả năng trình bày của
từng học sinh, từ đó có biện pháp dạy học phù hợp.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Các biện pháp rèn chữ đẹp, giữ vở sạch ở học sinh lớp 4.
Các phương pháp rèn chữa đẹp, vở sạch ở học sinh lớp 5.
1.4. Phương pháp nghiên cứu
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận: Đọc sách tham khảo các tài liệu
có liên quan.
- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Điều tra, khảo sát thực nghiệm,
tổng kết kinh nghiệm và phương pháp khác.
1.5. Những điểm mới của sáng kiến kinh nghiệm
Trong quá trình dạy học sinh lớp 4 luyện viết chính tả bản thân tôi đã có
những sáng kiến và giúp học sinh đạt được kết quả khả quan, tuy nhiện hiện nay
học sinh đã lên lớp 5, do đó việc viết chính tả của các em đòi hỏi mức độ và yêu

cầu cao hơn cả về tốc độ, số lượng chữ trong một đoạn, bài, các kĩ thuật viết
chính tả: đánh dấu thanh đúng, viết chính xác những từ, ngữ khó, viết đúng chính
tả, viết hoa đúng các tên riêng theo phiên âm Hán Việt và theo phiên âm nước
ngoài,… Đây cũng là một vấn đề mà bản thân đã trăn trở và đưa thêm nột số giải
pháp mới giúp học sinh khắc phục những khó khăn và viết chính tả tốt hơn.
- Luyện đọc để luyện viết.
- Tổng hợp những lỗi chính tả cơ bản của học sinh và hướng dẫn cách sửa chữa.
- Giúp học sinh nắm vững quy tắc chính tả và một số mẹo luật chính tả.
- Sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ khi hướng dẫn học sinh luyện viết
chính tả.
2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm
Rèn chữ đẹp đã có từ lâu, nó là một phần văn hóa của người Việt Nam.
Việc rèn chữ đẹp cũng giống như rèn luyện tính cách con người vậy. Rèn chữ
không làm chậm tư duy của trẻ mà thông qua việc rèn chữ còn giúp học sinh rèn
tính cẩn thận, ý thức trong học tập và các hoạt động khác. Khẳng định sự cần
2


thiết việc rèn chữ của học sinh Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành
Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 về việc ban hành mẫu
chữ viết trong trường Tiểu học, công văn 5150/TH của Bộ GD&ĐT ngày
17/6/2002 về việc hướng dẫn dạy và học viết chữ ở Tiểu học, để từ đó giáo viên
có cơ sở để hướng dẫn học sinh luyện viết chữ đẹp đúng và khoa học.
Mặt khác ở bộ môn Tiếng Việt cấp Tiểu học có mục tiêu là hình thành cho
học sinh các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong các kĩ năng đó, học sinh được
rèn luyện kĩ năng viết chữ thông qua hoạt động tập viết và viết chính tả. Theo
đó, học sinh được học cách viết từ nét cơ bản, viết chữ cái, viết âm vần, viết chữ
thường, đúng nét, đúng "luật" chính tả; thể hiện được kết quả của việc thu nhận
thông tin và ý định truyền đạt thông tin qua văn bản viết của các em.

Việc dạy học sinh luyện viết ở trường Tiểu học được thực hiện theo quy
trình khoa học, phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lí của trẻ và cũng có tác dụng
rèn tính cẩn thận, chính xác, góp phần phát triển khiếu thẩm mĩ của học sinh.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
2.2.1. Thuận lợi
a) Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã quan tâm đến việc viết chữ đẹp,
giữ vở sạch của học sinh Tiểu học. Hằng năm đều có các đoàn kiểm tra chất
lượng vở sạch chữ đẹp của phòng Giáo dục kiểm tra tại các nhà trường, đánh
giá, xếp loại và đưa vào tiêu chí thi đua.
Phòng Giáo dục kết hợp với Báo Nhi đồng – Măng non tổ chức “Ngày hội
Trạng nguyên nhỏ tuổi và viết chữ đẹp Nét chữ - Nết người” để tìm ra những em
chăm ngoan, nỗ lực trong học tập và có năng khiếu về chữ viết đẹp “Nét chữ - Nết
người”, từ đó động viên khích lệ các em trong phong trào luyện viết chữ đẹp.
b) Về phía nhà trường
Nhà trường đã tổ chức quán triệt và nâng cao nhận thức cho giáo viên, học
sinh và cha mẹ các em về vai trò của chữ viết, vị trí, tầm quan trọng của việc rèn
chữ viết đối với việc hình thành nhân cách, tính kiên trì, tính kỉ luật, chịu khó
của các em trong quá trình học tập. Chữ viết đẹp sẽ tạo hứng thú cho học sinh
trong việc học các môn học khác.
Đầu năm học,nhà trường tổ chức họp phụ huynh phổ biến kế hoạch hoạt
động của nhà trường trong năm học mới, đồng thời kết hợp tuyên truyền trong
phụ huynh về việc cần phải quan tâm rèn chữ viết cho học sinh. Yêu cầu phụ
huynh mua sắm đủ các loại dụng cụ học tập có chất lượng cho học sinh trong
quá trình học tập như: bút, vở, mực, thước kẻ ...
c) Về phía giáo viên
Mỗi giáo viên ý thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện chữ viết cho
học sinh đối với chất lượng các môn học khác, từ đó hàng ngày giáo viên thường
xuyên có ý thức quan tâm rèn chữ viết cho các em.
3



Giáo viên chủ nhiệm lớp thông qua các hoạt động Đội, Sao nhi đồng…
tuyên truyền trong học sinh tác dụng của việc rèn chữ viết đẹp đối với các môn
học khác và việc hình thành nhân cách của các em sau này.
d) Về phía học sinh và phụ huynh
Nhìn chung các học sinh đã nắm được quy trình viết, biết cách viết chữ,
viết đúng mẫu, đúng cỡ chữ quy định.
Đa phần phụ huynh luôn quan tâm đến chữ viết của con em của mình.
2.2.2. Khó khăn
a) Đối với giáo viên
Nhiều giáo viên có tâm lí nóng vội trong việc luyện chữ viết cho học sinh
nên đôi lúc quá tập trung vào việc luyện chữ mà không tạo được sự thú vị cũng
như hứng thú học cho từng học sinh thì cũng dễ khiến cho việc rèn luyện chữ trở
nên gò ép.
Một số giáo viên có tuổi và giáo viên hợp đồng chữ viết chưa đẹp, có tâm lí
ngại luyện chữ và chưa nắm vững một số nét cơ bản dẫn đến việc hướng dẫn
cho học sinh còn gặp khó khăn.
Rèn chữ cho học sinh nhất là với một lớp có nhiều đối tượng là một việc
khó. Mỗi khối lớp đều có những khó khăn nhất định.
b) Đối với học sinh
Khó khăn mà đa số học sinh gặp phải khi luyện chữ là thiếu tính kiên trì,
chịu khó rèn luyện. Tâm lí tự ti, ngại ngùng, chán nản, hay bỏ cuộc giữa chừng
khi luyện chữ.
Khối lượng kiến thức của các em nhiều nên dễ hình thành cho các em thói
quen viết nhanh, viết ẩu. Tốc độ viết nhanh, viết ngoáy cũng là hạn chế để các
em viết chữ xấu, viết sai.
Nếu như ở lớp 1,2,3, các em viết chưa chuẩn nét thì sửa cho các em nét chữ
nhưng với học sinh lớp 4 rất khó sửa nét cho các em vì một số thói quen: cách
cầm bút, tư thế viết, nét chữ đã hình thành từ lâu.

Bản thân mỗi em chưa phát huy được tính tự học, tự rèn ở trường cũng như
ở nhà.
Học sinh chưa được hướng dẫn, uốn nắn một cách tỉ mỉ, kịp thời thường
xuyên từ việc cầm bút, ngồi viết và cách viết theo đúng quy định ngay từ khi các
em mới bắt đầu đi học.
Đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh lớp 4 các em chóng nhớ nhưng lại chóng
quên vì vậy các em thường mắc lại những lỗi đã gặp và không luyện tập theo
đúng yêu cầu của giáo viên.
Hiện nay, thực trạng học sinh lớp 5 còn viết sai chính tả là do nhiều nguyên
nhân. Một số học sinh viết chữ rõ ràng, sạch đẹp nhưng vẫn sai chính tả ở những
từ đơn giản, do các em chưa hiểu hết nghĩa của từ, lỗi phát âm sai, viết hoa chưa
chính xác,…
4


c) Đối với phụ huynh.
Một số phụ huynh chưa đôn đốc nhắc nhở và còn thờ ơ với việc học tậpcủa
các em. Có phụ huynh đi làm xa không có điều kiện ở gần kịp thời uốn nắn con
em mình.
Do nhận thức hạn chế của đa số các bậc phụ huynh học sinh về mẫu chữ và
tầm quan trọng của môn viết, sự thiếu quan tâm kèm cặp các em trong thời gian
học ở nhà cũng như chuẩn bị dụng cụ học tập cho các em.
d) Kết quả chữ viết được đánh giá cuối năm học trước và kết quả khảo sát
chữ viết đầu năm học.
Kết quả xếp loại vở sạch chữ đẹp do Phòng GD&ĐT Thành phố Thanh Hóa
đánh giá, cụ thể:

Kết quả khảo sát chữ viết đầu năm học 2019 - 2020
Loại vở
Loại A

Loại B

20/34
14/34

Kết quả đầu năm
58,8%
41,2%

2.3. Các giải pháp đã sử dụng để giải quyết vấn đề
Để giúp học sinh lớp 4 nâng cao chất lượng vở sạch, chữ đẹp trong phân
môn Chính tả tôi đưa ra một số biện pháp sau:
2.3.1. Tăng cường nhận thức của giáo viên về vấn đề luyện viết chữ đẹp
Muốn học sinh viết đúng, viết đẹp người giáo viên phải tích cực, nhiệt tình,
kiên trì, chịu khó, có phương pháp khoa học và kinh nghiệm đã được đúc kết
trong quá trình rèn học sinh. Muốn dạy cho học sinh kĩ năng viết chữ đúng yêu
cầu, luyện cho học sinh viết chữ ngày càng đẹp; ngoài việc nắm vững nội dung
phương pháp dạy học, giáo viên còn cần có năng lực thẩm mĩ để cảm nhận được
vẻ đẹp của chữ viết, có khả năng viết chữ đẹp để học sinh noi theo.
5


Để làm gương cho học sinh thì người giáo viên phải viết đúng, viết đẹp bất
kì mọi lúc, mọi nơi; đặc biệt là cách trình bày bảng của giáo viên ở từng phân
môn và thể loại bài dạy. Kĩ năng chữ đẹp, viết bảng đẹp vô cùng quan trọng đối
với giáo viên nhất là giáo viên Tiểu học vì giáo viên có viết đẹp thì mới dạy tốt
môn tập viết, chính tả, luyện chữ đẹp cũng như các môn học khác. Chính vì vậy
việc rèn chữ nói chung và rèn viết bảng nói riêng là vô cùng cần thiết với các
thầy cô.Cách trình bày ở bảng của giáo viên cũng là cách trình bày ở vở của học
sinh. Đây là vấn đề có tính quyết định, là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện

phong trào vở sạch chữ đẹp của nhà trường. Việc ghi và trình bày bảng lớp luôn
đòi hỏi những yêu cầu về tính khoa học (nội dung chính xác), tính sư phạm (có
tác dụng giảng dạy và giáo dục) và tính thẩm mĩ (viết chữ và trình bày đẹp).
Muốn thực hiện tốt những yêu cầu trên, người giáo viên cần thường xuyên có ý
thức luyện tập, rút kinh nghiệm trong viết chữ và trình bày bảng sao cho đạt hiệu
quả cao nhất.
Mục đích quan trọng của việc dạy viết là học sinh viết đúng mẫu chữ quy
định, có kĩ năng viết nhanh, viết đẹp và biết trình bày một bài viết sạch sẽ. Do
vậy, giáo viên nắm chắc các yêu cầu sau:
- Viết đúng là:Viết đúng độ cao và độ rộng của các chữ, các chữ số theo
quy định; Viết đúng khoảng cách giữa các con chữ trong một chữ và giữa các
chữ với nhau.
- Viết đẹp là: Các chữ có nét thanh, nét đậm (theo tỉ lệ 1:2); Nét chữ mềm
mại, thanh thoát; Bố cục bài viết hài hòa trên trang vở (trang giấy)
- Tên gọi các nét cơ bản trong khi hướng dẫn học sinh: nét thẳng (thẳng
đứng, thẳng ngang, thẳng xiên); nét cong (cong kín, cong hở, cong phải, cong
trái); nét móc (móc xuôi trái, móc ngược phải, móc hai đầu); nét khuyết (khuyết
xuôi, khuyết ngược) và nét hất.
- Đặc biệt cần tập trung cách chấm chữa bài Chính tả cho học sinh. Việc
chấm chữa bài cho học sinh trong vở Chính tả thường phải căn cứ vào mục đích,
yêu cầu đặt ra cho từng bài học theo quy trình, chương trình của từng khối lớp,
giáo viên bắt kĩ lỗi các nét cơ bản ở bài tập viết thì ở bài chính tả, ngoài việc bắt
lỗi như trên, giáo viên phải kiểm tra chặt chẽ hơn quy trình nối nét, cách đánh
dấu thanh, các dấu phụ.
Qua việc chấm bài, giáo viên giúp học sinh tự nhận thức được những ưu
điểm để phát huy, thấy rõ những thiếu sót để khắc phục, sửa chữa; kịp thời động
viên những cố gắng nỗ lực của từng học sinh khi viết chữ.
Bên cạnh việc chấm (bắt lỗi quy trình, nối nét, cách đánh dấu thanh, dấu
phụ) giáo viên cần chú ý kết hợp chữa lỗi và đồng thời ghi lời nhận xét (ngắn
gọn) để thể hiện sự biểu dương hay góp ý, yêu cầu về chữ viết đối với học sinh.

Đây là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt của nhà trường buộc giáo viên
phải thực hiện.
6


Lưu ý: Ngoài ra học sinh cần biết viết sáng tạo một số chữ hoa hoặc trình
bày sáng tạo bố cục một số bài thơ để bài viết sinh động hơn (song sự sáng tạo
phải ở mức độ hợp lí, tránh sự phức tạp làm rối bài viết).
Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức rèn chữ
viết cho học sinh, thông qua công tác chủ nhiệm lớp, các hoạt động của Đội và
Sao nhi đồng… Bồi dưỡng cho các em tính kiên trì, chịu khó trong học tập cũng
như việc luyện chữ viết. Chăm lo rèn luyện cho các em nền nếp viết chữ rõ ràng
và sạch đẹp.
2.3.2. Chuẩn bị tốt các điều kiện học tập để giúp học sinh viết chữ đẹp,
giữ vở sạch
2.3.2.1. Về điều kiện cơ sở vật chất và đồ dùng học tập
Đây là nhiệm vụ của giáo viên và phụ huynh kết hợp với nhà trường. Cần
chuẩn bị những điều kiện tối thiểu cần thiết cho mỗi học sinh. Đó là:
Chỗ ngồi: Bàn ghế đúng quy cách phù hợp học sinh. Lưu ý: Học sinh thấp
nên chọn cho các em ghế cao hơn một chút và ngược lại với học sinh lớn.
Phòng học phải có cửa sổ lớn đủ ánh sáng: Nếu không có ánh sáng tự
nhiên thì cần bật điện đủ ánh sáng để không ảnh hưởng tới thị lực cũng như chữ
viết của các em.
Bảng lớp: Bảng lớp được treo ở độ cao vừa phải, cạnh dưới của bảng
ngang tầm đầu của học sinh ngồi trong lớp.
Bút viết: Giáo viên hướng dẫn học sinh chọn loại bút thích hợp, đối với học
sinh lớp 4, lớp 5 thì không nhất thiết phải viết bút máy, các em có thể linh hoạt
dùng bút mực nước để viết nhưng không chọn bút có ngòi quá to, quá đậm dẫn
đến viết nét không đẹp, chữ hay nhòe,…
Vở viết: Vở viết của học sinh phải là loại vở 4 li, độ sáng vừa phải, giấy

không thấm, không nhòe.
Vào đầu năm học mới giáo viên hướng dẫn học sinh và cùng các em chuẩn
bị vở chính tả. Vở chính tả của các em được bọc bìa, dán nhãn cùng loại. Nhãn
vở của học sinh được viết đầy đủ thông tin, chữ viết đẹp. Mỗi khi học sinh cầm
quyển vở chính tả và đặt bút viết các em cũng có sự trân trọng, cẩn thận hơn.
Giấy kê: Đối với một số học sinh thường ra mồ hôi tay khi viết cần lưu ý
các em có giấy kê và giấy thấm (khăn lau) khi viết bài.
2.3.2.2. Thống nhất về các quy định, quy ước khi học sinh viết chính tả
a) Một số các quy ước và ôn lại các mẫu chữ, tư thế chữ, khoảng cách
giữa các chữ, các con chữ
Đầu năm học trước khi học sinh thực hành viết chính tả giáo viên giáo viên
cùng với học sinh cần có quy ước cụ thể về: hàng kẻ, dòng kẻ cách đưa bút,
điểm đặt bút trên dòng kẻ, điểm dừng bút,…
Bên cạnh đó cần cho học sinh quan sát lại các mẫu chữ hoa, chữ thường, độ
cao, độ rộng, khoảng cách giữa các chữ, các con chữ.
7


Học sinh nắm được tỉ lệ chiều cao các con chữ và khoảng cách các con chữ trong
một chữ, khoảng cách giữa các chữ. Những quy tắc này học sinh đều nắm được song
giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở, đặc biệt với học sinh viết chưa đẹp.
Mỗi nhóm chữ cái có đặc điểm riêng nên khi học sinh viết sai độ cao của
các chữ cái giáo viên phải cho học sinh năm vững hình dáng, cấu tạo, quy trình
viết chữ cái. Từ đó giáo viên có thể phân loại hệ thống chữ cái Tiếng Việt thành
các nhóm để luyện viết.
b) Nhắc nhở các tư thế ngồi, cách cầm bút, cách xê vở, dịch vở
- Tư thế ngồi:
+ Cột sống lưng luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi.
Không ngồi vặn vẹo lâu dần thành có tật dẫn đến cong vẹo cột sống.
+ Hai chân để thoải mái, không để chân co chân duỗi khiến cột sống phải

lệch vẹo và chữ viết sẽ xiên lệch theo.
+ Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng
thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.
+ Khoảng cách từ mắt đến vở khoảng 25cm->30 cm, không được nhìn quá
gần vì dễ dẫn đến cận thị.
- Cách cầm bút:

Hình minh họa tư thế ngồi và cách cầm bút của học sinh.
+ Cầm bằng ba ngón tay phải:
Ngón giữa: Giữ phía dưới có tác dụng đưa lên tạo nét thanh.
Ngón trỏ: Ở trên chỗ tay cầm có tác dụng kéo xuống nhấn bút tạo nét đậm.
Ngón cái: Giữ bút phía ngoài.
+ Má bàn tay tì xuống làm điểm tựa.
+ Khi viết kết hợp nhịp nhàng ba ngón tay và cử động cổ tay.
8


+ Cầm bút xuôi theo chiều ngồi bút đặt nghiêng so với giấy khoảng 450.
Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 900. Đưa bút từ trái qua phải, từ trên xuống
dưới, các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay.
+ Ngòi bút úp xuống mặt giấy, cổ tay thẳng thoải mái với cánh tay.
+ Lưu ý: Khi viết không được nhấc bút liên tục.
- Cách để vở, xê dịch vở khi viết:
+ Khi viết chữ đứng, học sinh cần để vở ngay ngắn trước mặt.
+ Nếu tập viết chữ nghiêng, tự chọn cần để vở hơi nghiêng sao cho mép vở
phía dưới cùng với mép bàn tạo thành một góc khoảng 150.
Khi viết độ nghiêng của nét chữ cùng với mép bàn sẽ tạo thành một góc
vuông 900. Như vậy, dù viết theo kiểu chữ đứng hay kiểu chữ nghiêng, nét chữ
luôn thẳng đứng trước mặt (chỉ khác nhau về cách để vở).


Hình minh họa cách đặt vở khi viết chính tả của học sinh.
c) Hướng dẫn cách trình bày một bài chính tả đúng, đẹp
Đối với học sinh lớp 4 việc thì không còn là tập viết theo các nét cơ bản
hoặc các bài chính tả ngắn. Ở đây học sinh đã được làm quen với các bài viết
dài, có những bài chính tả bằng văn xuôi cũng có những bài chính tả là thơ. Vì
vậy yêu cầu các em viết đúng tốc độ, đảm bảo trong một tiết chính tả phải xong
bài. Hơn nữa là phải viết đúng chính tả, viết đẹp. Vì vậy để bài viết của học sinh
đúng và đẹp tôi đưa ra các quy định sau:
Học sinh viết các tiêu đề, trình bày bài, trừ ô, gạch hết bài khoa học. Khi
viết bài, viết gọn trong trang vở, không viết ra lề hoặc viết leo sang trang khác.
Khi viết sai chữ, không được tẩy xoá mà phải gạch sai rồi viết lại.
d) Yêu cầu học sinh giữ vở sạch.
Ngoài viết chữ đúng và đẹp thì giáo viên cần phải nhắc nhở học sinh giữ vở
sạch. Vì vậy phải thường xuyên điều chỉnh từ cách đặt vở, tì vở khi viết, giở vở
và bảo quản vở thế nào cho ngay ngắn, sạch sẽ.
9


Nhắc nhở học sinh trước khi vào giờ viết chính tả cần rửa tay sạch sẽ để
tránh vở bị bẩn.
Vở của học sinh không được quăn mép, không bị bung trang, giấy bọc
không bị nhàu,…
Khi kiểm tra nếu thấy vở của học sinh chưa sạch cần điều chỉnh và nhắc
nhở ngay. Hiện tại có những học sinh bị ra mồ hôi tay khi cầm bút viết, do đó vở
sẽ bẩn, viết chữ hay nhòe. Vì vậy giáo viên nhắc nhở và cho các em dùng khăn
lau tay để thấm mồ hôi.
2.3.3. Thực hiện linh hoạt quy trình dạy viết chính tả
a) Giáo viên đọc cho học sinh viết chính tả
Đây cũng là điều rất quan trong khi viết chính tả. Do đó trước khi đọc cho
học sinh viết giáo viên cần chú ý cho học sinh tiếp cận với văn bản viết. Khi học

sinh hiểu được sâu sắc các từ cũng như ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của bài thơ, bài
văn thì các em sẽ viết với sự trân trọng và tập trung hơn vào bài viết.
- Khi đọc cho học sinh viết chính tả giáo viên cần chú ý đọc ba lần:
+ Đọc lần 1 để học sinh nghe và làm quen.
+ Đọc lần 2 để học sinh viết.
+ Đọc lần 3 để nhắc lại cho học sinh viết kịp.
Đọc chậm rõ ràng từng câu ngắn hay cụm từ. Giáo viên chú ý đọc đúng
phát âm, đặc biệt đối với đặc trưng vùng miền thì Thanh Hóa chúng ta hay mắc
lỗi phát âm ở dấu thanh: “hỏi”, “ngã”, âm “tr”, “ch”, “x”, “s”,… do đó giáo viên
cần phải đọc chính xác. Đối với những từ khó giáo viên cần nhắc nhở các em
lưu ý khi viết.
b) Học sinh viết chính tả
Khi nghe giáo viên đọc thì học sinh tiến hành viết chính tả:
Các em viết đúng tốc độ, nắn nót và thực hiện viết chuẩn các nét chữ, các
nét nối, khoảng cách giữa các chữ,…
Học sinh của chúng ta thường viết chữ không đủ độ rộng, các nét khuyết,
nét hất và điểm đặt bút chưa chuẩn. Vì vậy khi học sinh viết chính tả giáo viên
cần thường xuyên nhắc nhở học sinh chú ý những lỗi này.
Khi học sinh viết giáo viên chú ý quan sát và nhắc nhở học sinh các thao
tác viết chính xác và điều chỉnh luôn những thao tác chưa chuẩn, những chữ viết
sai để các em có thể điều chỉnh ngay.
c) Kiểm tra, chấm chữa bài
Công tác này rất quan trong đối với việc nâng cao chất lượng chữ đẹp của
học sinh. Vì vậy bản thân tôi đã thực hiện các bước như sau:
- Thu vở chính tả sau mỗi giờ viết.
- Chấm bài của học sinh và sửa các lỗi của con chữ, các chữ, khoảng cách,
độ cao, độ rộng, dấu thanh,…
10



Trong một lớp có nhiều học sinh thì không phải tất cả học sinh đều mắc lỗi
viết giống nhau mà mỗi em có một điểm mạnh yếu khác nhau. Vì thế giáo viên
có thể gọi học sinh từng em lên để chỉ ra lỗi sai của các em và yêu cầu học sinh
luyện lại những nét, chữ viết sai và có kiểm tra lại khi nào viết đúng thì thôi.
Sau mỗi bài chấm giáo viên nhận xét bằng lời phê ngắn gọn, cụ thể và
chính xác, tránh chung chung, có thể vừa động viên học sinh vừa giúp các em
rút kinh nghiệm ở lần viết sau. Chữ viết của giáo viên cũng phải chỉn chu, ngay
ngắn tránh cẩu thả, tùy tiện.
d) Phân loại học sinh
Khi chấm, chữa bài cho học sinh khi phát hiện các em có những lỗi sai
giống nhau: nét khuyết chưa đủ độ cao, còn “lép”, nét thẳng, nét cong, nét móc,
nét hất chưa đúng,…thì giáo viên có thể cho các em ngồi theo nhóm để dễ
hướng dẫn trong các giờ thực hành luyện viết.
e) Giáo viên viết mẫu
Khi chấm chữa bài của học sinh giáo viên khi phát hiện các lỗi sai mà học
sinh thường mắc phải thì giáo viên cần sửa lỗi bằng cách viết mẫu cho học
sinh.Việc viết mẫu của giáo viên luôn được xem là phương tiện quan trọng để
dạy học sinh viết đúng, đẹp, cũng như giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết
từng nét của từng chữ cái. Chính vì thế, giáo viên phải viết chậm, đúng theo quy
tắc viết chữ, nhằm tạo điều kiện để học sinh nhìn thấy tay của giáo viên viết
từng nét chữ. Đồng thời vừa giảng giải vừa phân tích cho học sinh như: phải đưa
bút như thế nào cho chuẩn xác? Thứ tự các nét viết ra sao? Giáo viên cũng cần
chú ý phân tích cả cách viết dấu phụ và dấu thanh. Giáo viên viết mẫu và nhắc
nhở những lỗi sai trong quá trình viết chính tả mà học sinh thường mắc phải.
Mặt khác, việc trình bày bảng cũng là một yếu tố mà giáo viên cần quan
tâm vì đó là con đường ngắn nhất giúp học sinh noi theo những gì giáo viên
hướng dẫn.
Tóm lại, việc khổ công rèn luyện viết đúng, viết đẹp, viết rõ ràng và ngay ngắn
chính là tiêu chí mà mọi giáo viên đều phải đặt ra và thực hiện bằng được trong từng
giờ học, trong từng cách trình bày bảng sao cho khoa học và thật đẹp mắt.

Khi hướng dẫn học sinh viết chữ giáo viên hướng dẫn các em viết chữ
đứng, nét đều. Khi các em đã viết đúng, đẹp giáo viên có thể cho các em viết
chữ nghiêng, chữ sáng tạo.
2.3.4. Xác định những lỗi sai khi học sinh viết chữ và cách khắc phục
Quá trình luyện chữ đẹp cho học sinh thực chất là quá trình sửa lỗi sai cho
các em vì vậy giáo viên cần biết chính xác lỗi sai, nguyên nhân và cách khắc
phục các lỗi sai đó thì việc luyện chữ cho các em mới đạt kết quả cao. Vì vậy
giáo viên cần xác định được các lỗi mà học sinh có thể mắc phải như:
- Thiếu nét: Do thói quen của học sinh chưa viết hết li độ chữ đã dừng lại.
11


Cách khắc phục: Giáo viên cần nhắc nhở thường xuyên để tạo thói quen
viết hết nét, điểm đặt bút và dừng bút đúng điểm, đúng quy định tạo thói quen
viết chữ đúng cỡ và đúng điểm. Cho học sinh thêm nét cho đủ nét ở ngay những
chữ học sinh vừa viết thiếu nét, đồng thời xem lại những bài viết trước chữ nào
thiếu nét thì thêm vào cho đủ và cho tập lại ngay bài vừa sửa. Cách luyện chữ
đẹp tốt nhất là rèn luyện kĩ năng theo thói quen.
- Thừa nét: Lỗi này do học sinh viết sai quy trình, điểm đặt bút ban đầu, nét
đầu học sinh viết không đúng, dừng vượt quá điểm quy định.
Cách khắc phục: Hướng dẫn lại quy trình viết chữ cái. Ở lỗi này mỗi thầy
cô giáo nên kiên nhẫn nhắc lại về các điểm bắt đầu và điểm kết thúc với từng
chữ cái, và chú ý: luyện chữ đẹp là quá trình rèn luyện bản thân do vậy mọi quá
trình nên bảo ban từ từ không nên nóng vội. Hãy kiên nhẫn cho học sinh tập đi
tập lại với chữ cái viết sai để các em kịp ghi nhớ và sửa đổi.
- Sai nét: Lỗi này thường là do học sinh cầm bút sai, các ngón tay quá gần
ngòi bút hoặc tay cầm bút bị cong, khi viết biên độ dao động của ngòi bút ngắn,
đầu ngòi bút di chuyển không linh hoạt làm cho nét chữ bị cong vẹo gây sai nét.
Cách khắc phục: Nhắc học sinh cầm bút cho đúng. Khi viết ngón tay cử
động linh hoạt phối hợp với cử động của cổ tay và cánh tay. Điểm cần lưu ý và

khắc phục đó chính là không nên luyện nhiều bộ chữ cái trong 1 buổi và khi viết
nếu trẻ cảm thấy mỏi thì nên nghỉ 5-10 phút. Quan trọng nhất người giáo viên có
thể quan sát xem trẻ cầm bút như vậy đã đúng chưa và đã có sự linh động giữa
cổ tay và cánh tay chưa.
- Sai khoảng cách: Khoảng cách giữa các chữ không đều, các nét nối lúc
thì quá dài, lúc thì quá ngắn. Lỗi này thường mắc với những học sinh viết hay
nhấc bút, không viết liền mạch, đưa tay không đều.
Cách khắc phục: Cần giúp học sinh kĩ thuật viết liền mạch, đưa đều tay.
Với học sinh luyện chữ đẹp có thói quen nhấc bút sau mỗi nét tạo nên mạch viết
ngắt quãng, nét chữ không đều thì sẽ tạo nên lỗi đó chính là khoảng cách các
chữ quá xa nhau. Chúng ta cần nắm được tâm lí và hướng dẫn viết liền mạch
hơn. Thông thường, trong quá trình luyện chữ đẹp cho học sinh người giáo viên
nên luyện cho các em với khoảng cách chữ viết là 1 đơn vị chữ, tùy theo sự thay
1
3
đổi từng nét chữ mà khoảng cách các con chữ với nhau thay đổi từ 2 đến 4 ô

đơn vị. Để khắc phục lỗi này nên hướng dẫn trẻ viết liền mạch sau đó đánh dấu
chữ và dấu thanh.
- Sai mẫu chữ: Chữ viết xấu, các nét nghiêng ngả, méo.
- Sai cỡ chữ: Chữ viết chưa đúng cỡ, độ cao, độ rộng; điểm đặt bút, dừng
bút các nét hất chưa đúng.
- Chậm tốc độ: Học sinh viết quá chậm dẫn đến các em viết không kịp thời
gian trong giờ chính tả;
12


- Trình bày không khoa học: Học sinh tùy tiện trong cách trình bày, không
theo đúng quy định thể thức văn bản và chữ viết.
- Chữ viết chưa liền mạch: Các nét nối còn rời rạc không liên tục dẫn đến

chữ viết không đều, không tròn nét.
- Tư thế ngồi, cách cầm bút, cách đặt vở sai: Đa số các em ngồi cúi mặt với
vở; người cong vẹo; vai cao, vai thấp; Rất nhiều em cầm bút sai cách; Vở đặt
không ngay ngắn, có em đặt vở lệch vì vậy các nét chữ không chuẩn, không đều.
- Chữ viết chưa đúng cỡ, độ cao, độ rộng; điểm đặt bút, dừng bút chưa
đúng: Do học sinh chưa nắm được các nét cơ bản và cấu tạo các chữ ghi âm,
vần, tiếng, dấu thanh; chưa nắm vững quy trình viết chữ cái, quy trình nối các
nét trong chữ cái, nối các chữ cái trong chữ ghi tiếng nên viết chữ mới sai độ
cao, độ rộng, các nét chữ rời rạc, không đều.
2.3.5. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng vở sạch, chữ đẹp
của học sinh
Khi đánh giá bài viết của học sinh, giáo viên chọn ra những bài chuẩn nhất
về cách trình bày hoặc chữ viết hoặc cả cách trình bày và chữ viết (nếu có) để
học sinh cả lớp học tập. Hoặc có thể đưa ra những bài viết đang còn yếu về trình
bày hoặc chữ viết để học sinh nhận ra hạn chế và phát huy những điểm mạnh,
điểm yếu của mình.
Sau mỗi lần chấm giáo viên nên chọn ra những học sinh viết chữ đẹp nhất
lớp để tuyên dương, cho các em viết các bài mẫu để treo vào góc học tập để các
bạn cùng tham khảo và học hỏi.
Đưa tiêu chí ”Bài viết đúng và đẹp” vào việc đánh giá thi đua giữa các tổ.
Cuối tuần bình bầu các bạn viết chữ đẹp nhất và các bạn viết chữ tiến bộ nhất có
quà tặng. Cuối mỗi tháng giáo viên xếp loại vở, loại chữ và xếp loại chung để
học sinh rút kinh nghiệm trong những bài viết tiếp theo.
Giáo viên cần quan tâm đến sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của những học sinh
viết chữ xấu để động viên, tuyên dương kịp thời, kích thích các em ham học.
Giáo viên nhẹ nhàng nhắc nhở, tránh cáu kỉnh, to tiếng làm cho học sinh đó mất
bình tĩnh và ảnh hưởng tới tất cả học sinh khác. Nhưng với học sinh viết chữ đẹp
cần nghiêm khắc với lỗi dù là nhỏ để các em không có thái độ chủ quan.
Về tâm lí chung học sinh rất thích được khen ngợi vì vậy giáo viên cần tích
cực khen học sinh. Cần nắm được em nào hay mắc lỗi và mắc lỗi gì khi viết để

kịp thời nhắc nhở trong cả quá trình viết bài để các em nhớ và sửa lỗi ngay. Làm
được như vậy chắc chắn các em sẽ nỗ lực hơn rất nhiều trong quá trình viết và
chất lượng chữ viết cũng sẽ được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về sự tiến bộ
của học sinh trong chữ viết để phụ huynh quan tâm hơn và khuyến khích các em
trong việc luyện viết chữ đẹp.
13


2.3.6. Những giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng viết chính tả ở
học sinh lớp 5
2.3.6.1. Luyện đọc để luyện viết
Như chúng ta đã biết: đọc thông thì mới viết thạo. Hiện tượng học sinh viết
sai nhiều lỗi chính tả phần lớn là do phát âm sai dẫn đến viết sai. Vì vậy giáo viên
cần chú ý luyện phát âm cho học sinh để phân biệt âm đầu, vần, thanh dễ lẫn.
Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện ở tiết tập đọc mà được thực hiện
thường xuyên, liên tục trong tất cả các môn học, kể cả trong sinh hoạt. Với những
học sinh có vấn đề về phát âm như nói ngọng, nói lắp, … giáo viên cần đặc biệt
quan tâm, hướng dẫn học sinh sửa sai phát âm từng âm, vần, tiếng, kể cả luyện
uốn lưỡi, độ mở của miệng… để học sinh phát âm đúng và tiến đến viết đúng.
Đối với những tiếng có vần khó, tiếng dễ lẫn lộn giáo viên cần giúp học
sinh phân tích cấu tạo tiếng, nhấn mạnh những điểm khác nhau giữa cách viết
đúng và viết sai để học sinh thấy được những điểm khác nhau để ghi nhớ.
2.3.6.2. Tổng hợp những lỗi chính tả cơ bản của học sinh lớp 5 và
hướng dẫn cách sửa chữa
2.3.6.2.1 Lỗi đánh sai dấu thanh
a) Học sinh chưa phân biệt đúng quy tắc đánh dấu thanh, chưa hiểu được
cấu tạo của tiếng, vần.
Do đó trong quá trình dạy cấu tạo của tiếng, cấu tạo của vần giáo viên cần
dạy thật kĩ và yêu cầu học sinh luyện các bài tập để từ đó các em biết cách đánh

dấu thanh ở những âm chính, giáo viên phải chú ý đến việc học sinh viết dấu
thanh khi tiếng có âm cuối và không có âm cuối, chẳng hạn: Khi trong tiếng có
âm cuối dấu thanh được đặt ở trên hoặc dưới con chữ thứ hai ghi nguyên âm đôi.
Khi không có âm cuối dấu thanh được đặt ở con chữa thứ nhất ghi nguyên âm
đôi. Và đặc biệt giáo viên cần nhắc lại cách phát âm và cách viết nguyên âm đôi.
Cho học sinh nắm chắc, ghi nhớ luật chính tả về nguyên âm đôi, chẳng hạn:
“iê”, có âm cuối là “iê”, không có âm cuối thành “ia”, có âm đầu là “iê”, không
có âm đầu thành “yê”, có âm đệm và âm cuối thành “yê”, có âm đệm nhưng
không có âm cuối thành “ya”,… Khi dạy luật chính tả, phải gặp đâu dạy đấy,
dạy đến đâu chắc đến đấy và cho học sinh nhắc lại nhiều lần và thực hành viết
các tiếng chứa luật chính tả.
Mặt khác dấu thanh, dấu phụ ghi chưa đúng vị trí, đa số viết dấu quá to,
dấu đặt xa chữ; có em dấu chạm vào chữ; dấu không đúng chữ ghi âm chính. Do
1
đó cần quy định lại cách đánh dấu chữ và dấu thanh nhỏ bằng 2 đơn vị chữ. Dấu

thanh đánh vào âm chính của vần và không vượt quá đơn vị thứ hai. Nếu chữ có
dấu mũ thì các dấu thanh nằm bên phải dấu mũ.
b) Học sinh phát âm theo tiếng địa phương.
- Học sinh do phát âm sai dễ dẫn đến viết sai chính tả. Học sinh trường TH
Đông Hải 1cũng thường mắc lỗi sai do các em nói tiếng địa phương,chẳng hạn:
14


“biết” thành “bít”, “nhiên” thành “nhin”,..; sai ở dấu thanh “hỏi”, thanh “ngã”;
Một số em còn nói ngọng,… do đó khi viết không chính xác.
- Lẫn lộn các vần: iu/iêu; in/ inh; ui/ uôi; un/uôn; êu/iêu; in/iên; it/ich.
- Lẫn lộn các âm cuối: n/ng; t/c; i/y; o/u, ta thường gọi là ngọng âm cuối.
c) Lỗi không hiểu đúng nghĩa của từ.
Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp học sinh viết đúng chính

tả. Đó là đặc trưng quan trọng về phương diện ngôn ngữ của chính tả Tiếng Việt,
nó sẽ giúp học sinh giải quyết được những lỗi chính tả do ảnh hưởng cách phát
âm theo phương ngữ. Vì vậy có thể nói rằng chính tả Tiếng Việt còn gọi là chính
tả ngữ nghĩa.
Hiểu nghĩa của từ, phân biệt từ này với từ khác để các em ghi nhớ cách viết
của mỗi từ. Do đó khi đọc chính tả trước hết tôi cho học sinh tìm ra các từ khó,
yêu cầu học sinh nêu nghĩa của từ để tránh viết sai. Bên cạnh đó trong các tiết Tập
đọc tôi thường luyện cho các em cách ngắt nghỉ đúng và giải nghĩa các từ khó.
d) Lỗi về thanh điệu.
Trong các lỗi về thanh điệu thì viết sai dấu hỏi và dấu ngã là phổ biến nhất.
Để khắc phục lỗi này có thể dùng mẹo sau:
Trong các từ láy âm đầu (thuần Việt), thanh ngã đi với thanh huyền hoặc
thanh nặng, thanh hỏi đi với thanh sắc hoặc thanh ngang (không dấu), tuy nhiên
có một số từ ngoại lệ: bền bỉ, hoài hủy, hồ hởi, mình mẩy, niềm nở, phỉnh phờ,
vỏn vẹn, ve vãn, ễnh ương,…  Trong các từ láy toàn bộ có hiện tượng biến âm,
thanh ngã đi với thanh huyền, còn thanh hỏi thì đi với thanh ngang (không dấu).
Có một số ngoại lệ là: lẳng lặng, khe khẽ, ngoan ngoãn, se sẽ,…
Quy tắc “huyền ngã nặng, sắc hỏi không” còn tác dụng trong hiện tượng
biến âm, tạo từ, khiến cho một số từ có nghĩa giống nhau hay gần giống nhau mà
chỉ khác nhau về thanh. Nhưng có các ngoại lệ: lẽ (lí), lõm (lỏm),.. Đối với
những từ như sửa chữa, lỡ dở, ủ rũ..., ta có thể phân tích ra từng thành phần cấu
tạo, rồi áp dụng quy tắc “huyền ngã nặng, sắc hỏi không” cho từng thành phần
thì có thể viết đúng chính tả, chẳng hạn: sửa chữa = sửa sang + chữa chạy sửa
chữa, tuy nhiên có ngoại lệ: ngãi (cây thuốc)
Bên cạnh đó ta còn dùng quy tắc những yếu tố Hán Việt có phụ âm đầu là
d, v, n (kể cả nh, ng, ngh), m, l thì viết với dấu ngã những tiếng Hán Việt còn lại
(có các phụ âm khác) thì viết với dấu hỏi, trừ các ngoại lệ sau đây: bãi khóa,
hoài bão, bĩ cực, cưỡng bức, linh cữu, chiêu đãi, quang đãng, phóng đãng, kinh
hãi, hãm hại, kiêu hãnh, trì hoãn,…
2.3.6.2.2 Lỗi viết hoa sai

Học sinh thường mắc lỗi khi viết hoa tên riêng và tên địa lí,… theo phiên
âm Hán Việt và phiên âm nước ngoài. Giáo viên cần ôn luyện cách viết hoa tên
người, tên địa lí Việt Nam, tên địa lí nước ngoài. Bước đầu rèn luyện để có ý
thức về cách viết hoa tên riêng tổ chức, danh hiệu, giải thưởng, huy chương, …
15


Đối với việc viết hoa tên riêng tổ chức, danh hiệu, giải thưởng, huân chương
giáo viên cần giúp học sinh phân tích các bộ phận trọng cụm từ để các em biết
cách viết hoa chữ cái đầu của bộ phận đó.
2.3.6.3. Giúp học sinh nắm vững quy tắc chính tả và một số mẹo luật
chính tả.
Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối
hàng loạt từ, giúp giáo viên khác phục lỗi một cách hữu hiệu. Cần cho học sinh
thuộc các quy tắc chính tả như: Các âm đầu k, gh, ngh chỉ đứng trước các
nguyên âm: i, e, ê, iê, ie; viết yê khi đứng trước là âm đệm u và có âm cuối; khi
đúng trước âm chính là nguyên âm mở (a, ă, e …) âm đệm viết là o (ví dụ: băn
khoăn, tóc xoăn,…), đứng trước ơ, â, ê âm đệm viết là u (ví dụ: huơ, huệ, tuần,
…). Việc ghi nhớ và vận đúng các qui tắc chính tả không phải là điều dễ dàng.
Trong lớp học có một số học sinh là con em của công nhân thuộc các tỉnh
miền Bắc nên các em thường mắc lỗi sai ở phụ âm đầu “l” và âm “n” vì vậy tôi
đã đưa ra một số mẹo cho các em vận dụng khi viết chính tả. Một lỗi sai mà học
sinh cũng hay mắc phải đó chính là sai khi viết âm đầu “tr” và “ch”. Vì vậy tôi
đã thống kê những quy tắc và một số mẹo viết chính để hướng dẫn các em ghi
nhớ và vận dụng khi viết để tránh lỗi sai.
a) Chính tả phân biệt l/n:
“l” xuất hiện trong các tiếng có âm đệm, “n” không xuất hiện trong các
tiếng có âm đệm, trừ hai âm tiết Hán Việt: noãn, noa.
Trong cấu tạo từ láy:
+ l/n không láy âm với nhau.

+ “l” có thể láy vần với nhiều phụ âm khác, chẳng hạn: lệt bệt, la cà, lờ đờ,
lò dò, lạnh lùng.
+ “n” chỉ láy âm với chính nó: no nê, nợ nần, nao núng,…
b) Chính tả phân biệt ch/tr:
- Khả năng tạo từ láy của “tr” hạn chế hơn “ch”: “tr” tạo kiểu láy âm là
chính (trắng trẻo), còn “ch” cấu tạo vừa láy âm, vừa láy vần (chông chênh, chơi
vơi); “tr” chỉ xuất hiện trong một vài từ láy vần: trọc lóc, trụi lũi,..
- Những danh từ (hay đại từ) chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết
với “ch” không viết với “tr”: cha, chú, cháu, chị,…
- Những danh từ chỉ đồ vật thường dùng trong nhà chỉ viết với “ch” : chạn,
chum, chén, chai,…
- Từ có ý nghĩa phủ định chỉ viết với “ch”: chẳng, chưa, chớ, chả,…
- Tên cây, hoa quả; tên các món ăn; cử động, thao tác của cơ thể, động tác
lao động chân tay phần lớn viết với “ch”.
- Tiếng trong từ Hán Việt mang thanh nặng và huyền viết “tr”.
+ Khi gặp một chữ bắt đầu bằng “ch”, nếu thấy chữ đó mang dấu huyền,
dấu ngã và dấu nặng thì đấy là từ thuần Việt, ngược lại, một chữ viết với “tr”
nếu mang một trong ba dấu thanh nói trên thì chữ đó là Hán Việt.
16


- Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm a thì hầu hết viết
“tr” (không viết “ch”): tra, trà, trá, trác, trách, trạch, trai, trại, trạm, trảm, trang,

- Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm o hoặc ơ thì hầu
hết viết “tr” (không viết “ch”): tróc, trọc, trọng, trở, trợ,…
- Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là “ư” thì phần lớn viết “tr” : trừ,
trữ, trứ, trực, trưng, trừng, trước, trương, trường, trưởng, trướng, trượng, trừu (13
chữ). Viết “ch” chỉ có: chư, chức, chứng, chương, chưởng, chướng (7 chữ).
c) Chính tả phân biệt x/s

- “x” xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch,
xuềnh xoàng,…), “s” chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm như:
soát, soạt, soạn, soạng, suất.
- “x” và “s” không cùng xuất hiện trong một từ láy.
- Nói chung, cách phân biệt x/s không có quy luật riêng. Cách sửa chữa lỗi
duy nhất là nắm nghĩa của từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều.
d) Chính tả phân biệt gi/ r/d
- “gi” và “d” không cùng xuất hiện trong một từ láy.
- Những từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu là “l” thì tiếng thứ
hai có phụ âm đầu là “d” (lim dim, lò dò, lai dai,…
- Từ láy mô phỏng tiếng động đều viết “r” (róc rách, rì rào, réo rắt,…)
- “gi” và “r” không kết hợp với các tiếng có âm đệm. Các tiếng có âm đệm chỉ
viết với “d” (duyệt binh, duy trì, doạ nạt, doanh nghiệp,…)
- Tiếng có âm đầu “r” có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k
(“gi” và “d” không có khả năng này, ví dụ: bứt rứt, cập rập,…)
- Trong từ Hán Việt, tiếng có thanh ngã, nặng viết “d”; mang thanh hỏi, sắc
viết với “gi”
- Phụ âm “r” không bao giờ xuất hiện trong một từ Hán Việt.
- Các chữ Hán Việt mang dấu ngã và dấu nặng đều viết “d” (dã man, dạ
hội, đồng dạng, diễn viên,…
- Các chữ Hán Việt mang dấu sắc và hỏi đều viết “gi” (giả định, giải thích,
giảng giải, giá cả,…)
- Các chữ Hán Việt có phụ âm đầu viết là “gi” khi đứng sau nó là nguyên
âm “a”, mang dấu huyền và dấu ngang (gia đình, giai cấp, giang sơn). Ngoại lệ
có: ca dao, danh dự.
- Chữ Hán Việt mang dấu huyền hoặc dấu ngang, âm chính không phải là
nguyên âm “a” (mà là một nguyên âm khác) thì phải viết với “d” (dân gian, tuổi
dần, di truyền,…)
2.3.6.4. Sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ khi hướng dẫn học sinh
luyện viết chính tả


17


Ngoài việc viết mẫu cho học sinh tôi còn sử dụng công nghệ thông tin để
hỗ trợ khi hướng dẫn học sinh luyện viết chính tả: Trong các giờ viết chính tả tôi
đã đưa các video luyện nét khó, cách đưa bút chuẩn và các video luyện viết chữ
đẹp cho học sinh quan sát và luyện theo. Việc quan sát trực quan với hình ảnh
sống động sẽ giúp học sinh sự sáng tạo qua đó các em rất hứng thú và tự giác
luyện viết nên các chưa viết đúng, đẹp và mềm mại hơn.

Một số bài viết chính tả của học sinh lớp 5B
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục,
với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường
Sau một thời gian áp dụng sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng
vở sạch chữ đẹp trong phân môn Chính tả ở lớp 4” tôi nhận thấy chữ viết của học
sinh ngày càng tiến bộ. Các em không còn sợ viết, không còn sợ giờ chính tả mà
bản thân các em rất tích cực, hứng thú trong việc rèn chữ. Rất nhiều em từ vở loại
B đã tiến bộ thành vở loại A. Các em không những luyện cho chữ đẹp, đúng mẫu
mà các em còn tập viết những mẫu chữ sáng tạo, những bài viết sáng tạo. Phụ
huynh cũng rất phấn khởi khi thấy con em mình viết chữ, trình bày bài đẹp và khoa
học hơn. Không những ở các bài viết chính tả, ở vở chính tả mà các loại vở khác,
các bộ môn khác các em cũng trình bày đẹp, chữ viết cũng cẩn thận.
18


Qua việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này vào luyện viết cho các em tôi
thấy các em đã có sự nỗ lực, cố gắng để viết chữ đẹp hơn, giữ gìn vở sạch hơn.
Và điều quan trọng nhất là các em luôn cẩn thận mỗi khi viết bài hoặc trình bày
bài. Từ đó cũng rèn luyện cho các em sựu kiên trì, nhẫn nại và sự cố gắng vươn

lên không chỉ ở phân môn Chính tả mà còn ở các môn học khác. Kết quả chấm
vở sạch, chữ đẹp cũng tạo ra niềm vui, phấn khởi vì sự nỗ lực không mệt mỏi
của cả cô và trò, tạo niềm tin dù rất nhỏ cho học sinh và phụ huynh và đây cũng
là những thành quả bước đầu giúp các em vươn lên rèn nét chữ, rèn nết người.
Sang năm học mới bản thân tôi đã phát huy được những ưu điểm của sáng
kiến để luyện viết cho các em, bên cạnh đó tôi đã áp dụng một số điểm mới để
phù hợp với đối tượng học sinh lớp 5 và kết quả học sinh đã tiến bộ hơn rất
nhiều, các em viết đúng, đẹp và đủ thời gian cho một bài chính tả.
Kết quả xếp loại vở sạch chữ đẹp của lớp 5B do nhà trường đánh giá:
Loại vở
Loại A
Loại B
Loại C

Kết quả
32/34
02/34
0

94,1%
5,9%
0

3. Kết luận, kiến nghị
3.1. Kết luận
Qua quá trình nghiên cứu cơ sở lý luận, tìm hiểu thực trạng và thực hiện
rèn chữ cho học sinh để nâng cao chất lượng vở sạch, chữ đẹp trong phân môn
Chính tả bản thân tôi nhận thấy việc viết chữ đẹp, đúng với học sinh là một điều
hết sức cần thiết bởi thông qua việc rèn chữ sẽ tạo cho các em tính kiên trì, chịu
khó và vươn lên. Bên cạnh đó việc học sinh viết đẹp, trình bày khoa học cũng là

một cách giáo dục tính thẩm mĩ của các em trong việc trình bày không những ở
sách vở mà còn áp dụng trong thực tế cuộc sống sau này.
Vì vậy theo tôi bản thân mỗi giáo viên đặc biệt là giáo viên dạy Tiểu học
cần chú trọng đến việc rèn chữ đẹp, giữ vở sạch cho học sinh. Muốn làm được
điều đó mỗi giáo viên cần phải tìm tòi, suy nghĩ, học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè,
đúc rút kinh nghiệm thông qua thực tế giảng dạy và đặc biệt là sự kiên trì, động
viên khích lệ học sinh biết vươn lên nhưng cũng không quá tạo áp lực cho các
em. Hơn hết đó chính là sự tận tụy, nhiệt tình và tâm huyết của người thầy, lòng
yêu nghề mến trẻ.
3.2. Ý kiến, đề xuất
Đối với giáo viên cần xác định trách nhiệm của mình trong việc rèn chữ
cho học sinh, không ngại khó và chỉn chu trong việc hướng dẫn các em viết chữ.
Tạo thói quen cho học sinh khi đặt bút viết bài thì các em sẽ phải cẩn thận hơn.
19


Phòng Giáo dục tổ chức các hội thảo chuyên đề viết chữ đẹp để giáo viên
có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Nhà trường và tổ chuyên môn thường xuyên thảo luận về cách hướng dẫn
học sinh viết chữ đẹp, cách nhận xét bài, cách viết mẫu,…từ đó giáo viên học
hỏi và đúc rút kinh nghiệm rèn chữ cho học sinh.
Trên đây là toàn bộ nội dung sáng kiến của tôi đã đúc rút trong các năm học
vừa qua cũng như một số ý kiến mạnh dạn đưa ra sau khi thực tế luyện chữ viết
cho học sinh lớp 5. Từ đó giúp các em tiến bộ hơn trong chữ viết, chất lượng
chữ viết vở viết được nâng lên rõ rệt và tạo ra sự hứng thú cho các em trong việc
học các bộ môn học khác. Tuy nhiên trong khoảng thời gian có hạn mà đề tài là
rất vì vậy không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Rất mong được sự đóng
góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp để đề tài này hoàn chỉnh và có tính khả thi
hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!


XÁC NHẬN CỦA
THỦTRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 8 tháng 5 năm 2020
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép của người khác.
Người viết

Trịnh Thị Ngọc

20


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 về việc ban hành mẫu
chữ viết trong trường Tiểu học.
2. văn 5150/TH của Bộ GD&ĐT ngày 17/6/2002 về việc hướng dẫn dạy và học
viết chữ ở Tiểu học.
3. Dạy và học tập viết ở Tiểu học - Nhà xuất bản Giáo dục năm 2010.
4. Hướng dẫn luyện viết chữ đẹp - Nhà xuất bản Đại họcSư phạm.
5. Phương pháp luyện viết chữ đẹp đúng cách và đúng thời điểm.
6. Tài liệu luyện viết chữ đẹp theo mẫu chữ hiện hành.
7. Bộ sưu tập các bài viết chữ đẹp của học sinh Tiểu học.
8. Sách giáo khoa Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5 - NXB Giáo dục năm 1996.
9. Vở luyện viết của học sinh lớp 4; 5
10. Sổ tay chính tả Tiếng Việt Tiểu học, NXB Giáo dục năm 2011.
11. Phương ngữ học Tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia năm 2014.
12. Tiếng việt thực hành, NXB Giáo dục năm 1999.
13. Mẹo luật chính tả, NXB Thanh niên năm 2005.

14. Các lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp và cách khắc phục, NXB Khoa học xã
hội năm 2005.


DANH MỤC
CÁC ĐỀ TÀI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG
ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CẤP PHÒNG GD&ĐT, CẤP SỞ GD&ĐT VÀ CÁC
CẤP CAO HƠN XẾP LOẠI TỪ C TRỞ LÊN
Họ và tên: Trịnh Thị Ngọc.
Chức vụ và đơn vị công tác: Giáo viên, Trường Tiểu học Đông Hải 1 -thành phố
Thanh Hóa - tỉnh Thanh Hóa.

TT

1

2

3

4

5

Tên đề tài SKKN

Phát huy tính tích cực, chủ
động của học sinh trong việc
học bộ môn Toán ở trường
THCS.

Rèn luyện kỹ năng giải bài
tập cho học sinh lớp 6 thông
qua một số bài tập về ƯCLN
và BCNN.
Rèn luyện kỹ năng giải bài
tập cho học sinh lớp 6 thông
qua một số bài tập về ƯCLN
và BCNN.
Một số biện pháp hướng dẫn
học sinh lớp 4 giải tốt dạng
toán tìm hai số khi biết tổng
và tỉ số của hai số đó.
Một số biện pháp nâng cao
chất lượng vở sạch chữ đẹp
trong phân môn Chính tả ở
lớp 4

Kết quả
Cấp đánh
đánh giá
giá xếp loại
xếp loại
(Phòng, Sở,
(A, B,
Tỉnh...)
hoặc C)

Năm học
đánh giá xếp
loại


Cấp huyện

A

2011 - 2012

Cấp huyện

A

2013 - 2014

Cấp tỉnh

C

2014 - 2015

Cấp thành
phố

A

2017 - 2018

Cấp thành
phố

A


2018 - 2019



×