Tải bản đầy đủ (.docx) (23 trang)

tiểu luận kinh tế môi trường phân tích tác động sự cố formosa tới môi trường biển việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (217.89 KB, 23 trang )

Lời nói đầu
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề hàng đầu mà con người đang phải
đối mặt hiện nay. Phát triển kinh tế thông qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã
có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Do vậy, việc cân nhắc giữa tính
kinh tế và tính môi trường trong một dự án kinh tế ngày càng là vấn đề quan trọng và đòi
hỏi có sự suy xét kỹ lưỡng để vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế đề ra nhưng cũng không
gây ra tác động xấu đến môi trường.
Sự cố Formosa xảy ra tại miền Trung Việt Nam năm 2016 do tập đoàn gang thép
Formosa Vũng Áng xả thải trái phép chất độc hại ra biển dẫn đến việc hơn 115 tấn cá
chết trôi dạt bờ và khoảng hơn 200 tấn cá, tôm nuôi chết trắng. Đây được đánh giá là
thảm họa về môi trường lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với số tiền đền bù lên đến
500 triệu đô la Mỹ. Sự cố Formosa là một hồi chuông cảnh tỉnh cho việc lơ là những quy
chuẩn về môi trường đối với các dự án kinh tế đầu tư.
Xuất phát từ vấn đề trên, nhóm chúng em lựa chọn nghiên cứu đề tài :”Phân tích
tác động sự cố Formosa tới môi trường biển Việt Nam” nhằm làm rõ ràng những thiệt
hại mà môi trường và cả nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu thông qua thảm họa này,
qua đó đưa ra một vài giải pháp đề xuất. Trong quá trình nghiên cứu còn có nhiều thiếu
sót, nhóm rất mong nhận được lời góp ý từ thầy cô giáo và các bạn.
Nhóm em xin chân thành cảm ơn!


NỘI DUNG
I.

Khái quát chung

1. Giới thiệu về tập đoàn Formosa
Tập đoàn nhựa Formosa là một trong những tập đoàn lớn nhất Đài Loan, nằm trong số
10 tập đoàn công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Formosa hoạt động đa ngành, bao gồm cả
công nghệ sinh học, hóa dầu, chế biến và sản xuất các thành phần thiết bị điện tử. Công
ty thành lập từ năm 1958 nguyên là một công ty sản xuất nhựa nhiệt dẻo và PVC, nhưng


nay trở thành một công ty tổ hợp công nghiệp đa ngành, có mạng lưới 4 đơn vị lớn và
hàng trăm công ty con trải rộng quy mô khắp thế giới.
Formosa là một tập đoàn lớn, cung cấp FDI cho nhiều nước trên thế giới. Đây là một
cơ hội tốt để cải thiện tình trạng kinh tế, đời sống, thu nhập của người dân, góp phần tạo
công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đó và góp phần làm tăng GDP cho
quốc gia đó. Tại Việt Nam, Formosa là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất đang
hoạt động tại Việt Nam. Với mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp, dự án được lên kế
hoạch với tổng đầu tư 28,5 tỷ USD (giai đoạn I trên 10,5 tỷ USD). Năm 2014, doanh thu
của công ty này đạt hơn 17.100 tỷ đồng, đến năm 2018, doanh thu ước tính của là 2,5 tỷ
đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà Formosa mang lại, tập đoàn này còn
tồn tại nhiều vấn đề mà đặc biệt là về môi trường. Thời gian đầu, Formosa hoạt động chủ
yếu trong lĩnh vực chế tạo nhựa PVC và các sản phẩm nhựa trung gian khác. Nhưng cũng
chính tại thời điểm này, làn sóng phản đối, tẩy chay lĩnh vực sản xuất này diễn ra mạnh
mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới bởi những thuộc tính độc hại cố hữu của sản phẩm
PVC. Lợi dụng xu thế này, bất chấp mọi lời cảnh báo, phản đối cũng như sự ngăn cấm,
hoạt động sản xuất sản phẩm nhựa PVC của Formosa thậm chí được đẩy mạnh. Sau một


thời gian ngắn, Formosa đã vươn lên trở thành nhà cung cấp nhựa PVC hàng đầu thế
giới.Sẵn sàng hủy hoại môi trường, sức khỏe, tính mạng của con người là điều được
nhiều chuyên gia phân tích, các nhà hoạt động môi trường đã nói về hoạt động của
Formosa. Không chỉ sản xuất nhựa PVC và các sản phẩm liên quan khác, Formosa còn
đầu tư sang cả các lĩnh vực như dầu mỏ, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy
móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô, sản xuất công nghiệp…
Năm 2009, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức (quỹ Ethecon) đã trao giải "Hành tinh
đen" cho Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Giải này dùng để bêu tên doanh nghiệp gây
ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong năm. Trong những năm trước đó, Formosa đã gây
ra nhiều sự cố và ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và đời sống của nhiều người trên thế
giới, điển hình là ở một số nước: Mỹ, Thái Lan, gần cửa biển Sihanoukville, Campuchia,

Đài Loan,….Tại Đài Loan, Formosa nằm trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhất và "đóng
góp" đến 25% tổng lượng khí nhà kính của Đài Loan.

2. Sự cố Formosa Vũng Áng
Formosa Vũng Áng là một công ty nằm trong khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, có tên
chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh
của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Khu kinh tế Vũng Áng chủ yếu do Trung Quốc
(cả Trung Quốc đại lục và Trung Hoa Dân Quốc) thầu và thi công. Tổng diện tích thực
hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước
hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ
đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Theo Ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, (7/2014) trên
công trường Formosa có 24.000 lao động đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đang làm
việc, trong đó có khoảng 22.000 lao động VN. Số lao động nước ngoài đến nay có 2.000
người, trong đó phần lớn là chuyên gia Đài Loan với khoảng 1.200 người, Trung Quốc
đứng thứ nhì với khoảng 450 lao động.
Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất
nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để


luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất
thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục.
Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m 3/ngày.
Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện
theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện cokegang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ
đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất
cực độc như Chlorine, Phosphorus, Arsenic. Điều này đã dẫn đến một sự cố vô cùng
thương tâm cho người dân nơi đây và cũng là một trong những thảm họa môi trường lớn
nhất ở Việt Nam.
Sự cố cá chết hàng loạt ngày 6/4/2016, hay còn được gọi là Sự cố Formosa là việc
hơn 100 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế

chết dạt vào bờ. Nguyên nhân được xác định là do chất xả thải của Formosa chứa độc tố
như phenol, xyanua, kết hợp với hidro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa
Thiên - Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời
sống, kinh tế và đặc biệt là môi trường nơi đây.

3. Diễn biến sự cố Formosa
Sự cố môi trường cá chết hàng loạt ngày 6/4/2016 của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chết dạt vào bờ một cách bất ngờ và nghiêm trọng đã làm
cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn và gây ra thiệt hại nặng nề.


Ngày 6/4/2016: Xuất hiện hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt ở ven biển và
các làng nuôi của vùng biển Kỳ Anh, ven Hà Tĩnh. Nơi cá chết đầu tiên được xác
định là tại cảng Sơn Dương, khu kinh tế Vũng Áng, nơi tập trung nhiều nhà máy
sản xuất công nghiệp. Số lượng cá chết ước tính hơn 20 tấn( theo số liệu thống kê
của Tỉnh Hà Tĩnh)



Ngày 10/4/2016: Cá chết xuất hiện ở Quảng Bình.




Ngày 15/4/2016: Cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên Huế. Kết quả xét
nghiệm mẫu nước cho thấy, độ mặn tăng lên bất thường, hàm lượng PO4 1mmg/l
gấp đôi tiêu chuẩn cho phép dẫn đến cá bị chết.




Ngày 19/4/2016: Nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao: cá mú, cá đuối…. chết và trôi
dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Trị.



Ngày 21/4/2016: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh nghiêm
cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, tổ chức thu gom và tiêu hủy cá chết theo quy
định, yêu cầu người dân không thu gom để tiêu thụ cá chết trên thị trường.



Ngày 23/4/2016: Diễn ra cuộc họp liên ngành để truy tìm nguồn độc từ các xét
nghiệm về các mẫu cá, mẫu nước giữa Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Nông
Nghiệp và Phát triển Nông Thôn lấy từ các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế.



Ngày 25/4/2016: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh,
Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế điều tra ngay lý do dẫn đến cá chết
hàng loạt, rà soát để đề xuất số hộ nuôi trồng thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ
thiệt hại, biện pháp hỗ trợ người dân. Trong khi người dân vẫn đang hoang mang
về cá chết bất thường thì đại diện Formosa lại có phát ngôn gây sốc:“không thể
chọn cả 2, muốn nuôi tôm cá hay có một nhà máy gang thép?”



Ngày 28/4/2016: Nhóm công tác do Bộ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi Trường
Trần Hồng Hà chỉ đạo đã trực tiếp đi khảo sát vùng biển tại đó và kết luận
Formosa không được phép đặt đường ống xả thải dưới biển đồng thời nhận trách
nhiệm về xử lý vụ việc này.




Ngày 1/5/2016: Người dân các thành phố lớn xuống đường biểu tình vì thảm họa
môi trường cá chết hàng loạt.



Ngày 2/5/2016: Bộ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà ký quyết
định tổng kiểm tra khu công nghiệp Formosa.




Ngày 3/5/2016: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh báo
cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép, giám sát xả thải công ty TNHH
Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa. Trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá
nhân có liên quan đồng thời hỗ trợ ngư dân.



Ngày 30/6/2016: Chính phủ Việt Nam mở họp báo công bố công bố nguyên nhân
cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt
quá nồng độ cho phép.

II. Tác động của sự cố Formosa tới môi trường
biển và kinh tế Việt Nam
1. Tác động tới môi trường biển
Thảm họa cá chết hàng loạt năm 2016 của Formosa đã gây ra hậu quả vô cùng
nghiêm trọng đối với môi trường biển Việt Nam. Ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với 4 tỉnh

miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Theo ước tính, những hệ
lụy nặng nề về môi trường mà sự cố Formosa để lại có thể mất hàng chục năm để biển
miền Trung phục hồi nguyên trạng.

1.1.

Ô nhiễm nguồn nước do bị nhiễm độc từ chất thải Formosa

Trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã
tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu và xác định trong nguồn nước thải ra biển của Công ty
TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có chứa các độc tố Phenol,
Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép. Đây là những chất độc gây ra tình trạng ô
nhiễm nước biển miền Trung. Trong điều kiện các lò cao ở nhiệt độ hàng nghìn độ, áp
suất lớn, các chất độc có điều kiện bay hơi, phát tán vào xỉ lò cao, hòa tan vào nước làm


nguội quặng và xỉ. Đấy là nguyên nhân để nước thải của các lò luyện kim chứa nhiều
chất độc hại.
Đối với Phenol, tính độc của nó là là có khả năng tác động vào hệ thần kinh của sinh
vật sống. Theo Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt
Nam), mỗi ngày Formosa xả khoảng 1.000-1.200 m 3 nước thải ô nhiễm, tương đương với
khoảng 1 tấn phenol đổ ra biển mỗi ngày. Theo quy chuẩn Quốc gia Australia, hàm lượng
phenol cho phép tối đa trông môi trường nước biển là 30mg/lít nước. Với nồng độ Phenol
vượt quá 50-100mg/lít thì nước thải khó xử lý, và gây ô nhiễm môi trường nước, có tác
hại vô cùng lớn đối với các sinh vật biển: phenol và các chất dẫn xuất sẽ làm cá mất
phương hướng chuyển động, làm mất phản xạ cân bằng cơ thể, làm mất tính năng bơi,
ngừng hô hấp và chết. Theo kết quả từ nhóm nghiên cứu Trung tâm công nghệ Môi
Trường và Phát triển bền vững, ĐH KHTN Hà Nội, mẫu thử nước gần khu vực đặt ống
thải của Formosa Vũng Áng sau khi xét nghiệm có mức phenol là 60mg/lít nước, gấp đôi
so với quy chuẩn Việt Nam. Theo viện an toàn nghề nghiệp và Y Tế quốc gia NIOSH của

Mỹ, nếu tiếp xúc với phenol ở nồng độ lớn hơn 20mg/m 3, trong 10h làm việc sẽ độc hại
cho công nhân. Thực tế đã có một thợ lặn (sinh năm 1970) tham gia lặn tại cảng Sơn
Dương, Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để xây dựng đê chắn sóng cho công trình này, khi về
cảm thấy tức ngực, khó thở, đã chết trên đường vào bệnh viện vào ngày 24 tháng 4.
Cũng giống như Phenol, Xyanua là hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp
như sản xuất thép, công nghiệp hóa chất hay xử lý rác thải. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về chất lượng môi trường biển (QCVN), nồng độ xyanua cho phép ven bờ (10 µg/l)
và gần bờ (5 µg/l). Tuy nhiên, theo kết quả từ nhóm nghiên cứu Trung tâm công nghệ
Môi Trường và Phát triển bền vững, ĐH KHTN Hà Nội, cả 3 mẫu nước thử khu vực biển
Vũng Áng đều cho kết quả nồng độ Xyanua cao nhiều lần so với mức cho phép. Cụ thể,
tại độ sâu 10m nồng độ CN là 31,5 µg/l gấp hơn 3 lần so với mức độ cho phép. Ở vị trí
hai độ sâu 5m và 15m đều cho kết quả khá tương đồng khoảng từ 25 µg/l, vượt ngưỡng
cho phép khoảng 2.5 lần.Theo viện quản lý Cyanua Quốc tế, cá và động vật dưới nước
đặc biệt nhạy cảm với xyanua. Nồng độ các chất xyanua tự do trong môi trường nước cao


sẽ gây độc với tất cả các loài cá. Con người nếu ăn phải các thực phẩm có xyanua thì có
triệu chứng ban đầu là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Nặng hơn có thể gây ra co giật,
giãn đồng tử, nhịp tim chậm, nhiệt độ cơ thể giảm, hôn mê tử vong. Thực tế đã có, Anh
Hoàng Quang, thợ lặn Formosa, cho biết đã có 21 thợ lặn của Công ty cổ phần xây dựng
và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã có triệu chứng bị nhiễm độc nước biển ở khu
vực Vũng Áng.
Nồng độ Sắt (Fe) đo tại trung TT4 (ICP-MS) là 1082–1802 µg/l cao hơn giới hạn cho
phép 2–3.5 lần so với QCVN (500 µg/l). Với mẫu nước ở Thanh Hóa, nồng độ Fe là 853
µg/l cao hơn khoảng 1.5 lần so với QCVN. Theo PGS Trần Công Côn, giảng viên khoa
Hóa học Đại học tự nhiên Hà Nội, hậu quả của việc ô nhiễm môi trường biển còn là do
quá trình xá Sắt II ra biển, oxy hóa thành Sắt III, sau đó thủy phân thành huyền phù oxit
sắt. Chúng có thể hấp thụ các chất độc hại trong nước thải mang đi các nơi xa, lắng
xuống đáy biển. Sắt thì không phải chất độc nên không ảnh hưởng tới hoạt động tắm của
con người trên biển.

Theo các chuyên gia, ngoài 3 hóa chất này, trong quá trình sản xuất, nhà máy
Formosa còn thải ra nhiều chất độc và các kim loại nặng khác. Do đó cần minh bạch về
hàm lượng, mức độ đánh giá thiệt hại và đưa ra giải pháp.

1.2.

Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển

Ngoài ra, vụ việc Formosa còn còn có ảnh hưởng lâu dài, do các rặng san hô, phù du
sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa
dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực. Hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm
trọng.
Theo đánh giá, khoảng 50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã bị phá hủy (trên tổng số gần 800 ha). Ở Mũi Ròn
Mạ, san hô thưa thớt không tạo thành rạn, kích thước tập đoàn nhỏ, chủ yếu dạng phủ. Có
nhiều tập đoàn mới chết trong khoảng 1 tháng. Ở Hòn Sơn Dương San hô chết khoảng
35-40%, hiện lượng san hô còn sống chỉ dưới 10%. Tuy nhiên, việc đánh giá ảnh hưởng


lên hệ sinh thái san hô sẽ còn phải tiếp tục. Những chỗ san hô chết hiện nay là do nồng độ
quá cao của độc tố, chết do sốc. Nhưng dư lượng của chất độc vẫn còn tồn dư nhiều
trong trầm tích đáy và rất nhiều hấp thụ vào những khoang cơ thể của san hô. Chỉ cần
một lượng rất nhỏ san hô sẽ âm thầm chết. Việc đánh giá ảnh hưởng của độc tố từ xả thải
của Formosa xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016 cần phải tiến hành lên hàng chục năm.
Thiệt hại đối với hệ sinh thái san hô mới chỉ dừng lại ở mức thiệt hại trước mắt.
Nền đáy biển với lượng tảo, rong biển cỏ biển bị suy giảm nghiêm trọng do nhiễm
độc. 2170ha cỏ biển bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng vùng này đối với hệ sinh thái nền đáy ít
nhất là 30 năm (cơ sở từ thảm họa Minamata).
Mức độ đa dạng sinh học biển được đánh giá dựa trên chỉ số Shannon Index (SI) (hệ
số đo lường mức đa dạng về thành phần giống loài các sinh vật biển) được tổ chức môi

trường thế giới UNEP đưa ra. Chỉ số SI ở khu vực biển miền Trung Việt Nam được
UNEP xếp loại từ 5,4 đến 6,5. Sau sự cố Formosa tuy chưa có đánh giá chính xác nào xác
định lại chỉ số SI tại vùng biển này, tuy nhiên lượng sinh vật phù du suy giảm mạnh dẫn
đến suy giảm đa dạng sinh học nước biển.
Theo Báo Tiền Phong, các nhà khoa học đánh giá, phải mất khoảng 50 năm, hệ sinh
thái biển ở đây mới có thể phục hồi hoàn toàn.

1.3.

Nguy cơ ô nhiễm biển trong tương lai

Theo một báo cáo chính phủ, Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa đã sai phạm
khi tự ý thay đổi sang công nghệ làm nguội than cốc ướt. Đây là hệ thống sử dụng nước
để làm mát và được xem là gây nhiều ô nhiễm hơn công nghệ khô, vì hệ thống này tạo ra
nhiều khí thải và chất thải có chứa xyanua. Còn công nghệ khô (dry coking) được sử
dụng rộng rãi trong các nhà máy hiện đại. Công nghệ này tuy tốn kém hơn nhưng không
sử dụng nước.Thời hạn dự kiến cho việc hoàn thành lắp đặt hệ thống làm nguội đạt tiêu
chuẩn là ngày 30 tháng 6 năm 2019.


Chỉ trong giai đoạn 1 (sản xuất với công suất 15 triệu tấn/năm), nhà máy thép của
Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa tại Hà Tĩnh sẽ thải ra 36 triệu tấn khí thải/năm,
riêng trong nước thải sẽ có 28,000 tấn các chất ô nhiễm/năm và khoảng 9 triệu tấn chất
thải rắn/năm. Nếu Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa tiếp tục hoạt động, tiếp tục
xả nước thải theo đúng giấy phép đã được cấp (45.000 m 3/ngày) và hoạt động xử lý nước
thải đạt tiêu chuẩn mà chính quyền Việt Nam đã cho phép thì mỗi năm, vẫn có tới 17.37
tấn phenol và xyanua được xả ra biển.
Do đó, tổng lượng độc chất được xả vào biển mỗi năm lớn gấp 9.5 lần so với lượng
chất thải đã gây ra thảm họa cá chết hồi đầu tháng 4. Nếu nhà máy thép của Công ty
Gang thép Hưng nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh vận hành đúng như thiết kế thì riêng lượng

phát thải khí nhà kính đã tương đương 50.5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của tất cả
các nhà máy trên toàn Việt Nam. Ðó là chưa kể tới CO 2, bụi,… khoảng 1 triệu tấn/năm –
những tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Chưa kể tới
SO2 (33.000 tấn/năm) và NOx (34.500 tấn/năm) – những loại khí gây ra mưa axit làm suy
giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy
sản.

2. Tác động đến kinh tế Việt Nam
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung (chủ yếu là 4 tỉnh bao gồm Hà
Tıı̃nh, Quảng Bıı̀nh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) đã gây một cú sốc bất lợi cho nền kinh
tế nói chung và một tổn thất lớn cho khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nói riêng. Sau 84
ngày điều tra, Chính phủ đã công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do những vi
phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty
Formosa Hà Tĩnh. Phía Formosa Hà Tĩnh đã chấp nhận kết luận của Chính phủ và cam
kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường với số tiền là 11.500 tỷ
đồng (500 triệu USD).
Hiện tượng cá chết hàng loạt này gây tác động cho nền kinh tế trên các lĩnh vực sau:




Khai thác hải sản



Nuôi trồng thủy sản



Tình hình xuất nhập khẩu và áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp địa phương




Tình trạng thất nghiệp

2.1.

Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản

Sự số ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra có ảnh hưởng nhất định đến đời
sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ này cũng như toàn nền kinh tế. Theo
đó, những năm trước nông nghiệp là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, năm 2016
ngành này tăng trưởng chậm lại, chỉ chiếm 15% GDP. Trong mức tăng 5,93% của toàn
nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức
tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây.
Khi được hỏi sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH
Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa - Hà Tĩnh), gây ra đã có ảnh hưởng
như thế nào tới tăng trưởng GDP, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết Tổng cục
Thống kê đã có những đánh giá về tác động của sự cố do Công ty Formosa gây ra tại
từng địa phương chịu ảnh hưởng và sự số này chủ yếu là tác động đến ngành thủy sản.


Bảng 1: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu các năm 2014, 2015 và 2016

Theo bảng trên, ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển Formosa, Nông lâm thủy sản
đạt tốc độ tăng trưởng kém nhất trong 6 năm, GDP 9 tháng chỉ tăng 5,93% thấp hơn
nhiều so với mục tiêu cả năm là 6,7%
Cụ thể, thiệt hại kinh tế trên 2 lĩnh vực: Khai thác hải sản và Nuôi trồng thủy sản
được thống kê qua những con số khổng lồ như sau:
2.1.1. Khai thác hải sản

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016, thiệt
hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.
Khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ
cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ. Trong đó:


Sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (giảm 6%); Quảng
Bình giảm 23.600 tấn (giảm 8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 tấn (giảm 14,3%),
Thừa Thiên Huế giảm 13.300 tấn (giảm 30%). Riêng sản lượng khai thác biển ước
chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ.




Việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm
trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 -50%; sản phẩm khai
thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được.



Bên cạnh đó, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85%
công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công
suất kho lạnh toàn tỉnh);…



Có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Do không
thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất
thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ.


2.1.2. Nuôi trồng thủy sản
Chưa dừng lại ở những tác động đến hoạt động đánh bắt khai thác thủy hải sản, hoạt
động nuôi trồng thủy sản cũng suy giảm, trong đó:


Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và
khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Trên 3.000 ha nuôi tôm
thâm canh và bán thâm canh đã thả giống nhưng không thể lấy nước bổ sung do
chất lượng nước không an toàn dẫn đến độ mặn trong ao tăng cao, môi trường suy
giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác.



Có 3.218 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 49.884m3) tương đương 1.000 tấn cá.

Sự cố môi trường Formosa còn gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản
phẩm thủy hải sản. Giá bán các sản phẩm hải sản giảm mạnh (trung bình từ 20-30% so
với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm hải sản từ thị trường của 4 tỉnh
bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản đã hạ giá
bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn khó tiêu thụ trên thị trường.

2.2.

Dịch vụ du lịch - thương mại ven biển


Du lịch miền Trung được rất nhiều du khách trong, ngoài nước yêu thích bởi nét đẹp
hoang sơ cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài việc hấp dẫn du khách bởi các
di sản văn hóa như: Thánh địa Mỹ Sơn; phố cổ Hội An, kinh thành Huế hay khu bảo tồn
thiên nhiên Phong Nha-Quảng Bình..., du lịch miền Trung còn nổi tiếng với những bờ

biển xanh dọc theo chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc xả thải của Công ty Formosa Hà
Tĩnh (hồi tháng 4/2016 vừa qua) đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của các
tỉnh miền Trung. Đặc biệt, lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại các bãi biển nổi tiếng như
Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An... giảm sút nghiêm trọng so với cùng
kỳ mọi năm. Thậm chí, đã có những bãi tắm từ hơn 2 tháng sau đó rất ít khách. Hệ thống
cơ sở lưu trú nhà nghỉ, khách sạn, các khu du lịch, resort và các dịch vụ phục vụ du khách
như nhà hàng, chế biến hải sản, bán đồ lưu niệm, vận chuyển ở các khu du lịch này bị ảnh
hưởng rất nhiều. Hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp không có việc làm. Những
điều này tác động tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu du lịch biển của khu vực, hoạt động
kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan và đời sống của nhân dân.
Nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực
đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung, thì sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng khu
vực dịch vụ có thể tăng trưởng cao hơn. Tính chung cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP 6
tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn
mục tiêu cả năm 6,7%. Trong khi 6 tháng đầu năm 2016, trong khi tổng số du khách quốc
tế đến Việt Nam đạt hơn 4,7 triệu lượt, tăng 21%, khách du lịch nội địa đạt 32,4 triệu
lượt, tổng doanh thu từ ngành Du lịch hơn 200.000 tỷ đồng, thì lượng khách du lịch đến
với khu vực Bắc Trung bộ sụt giảm mạnh. Công suất sử dụng buồng phòng thấp hơn
nhiều so với các năm 2014, 2015. Cụ thể:


Lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Bình chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm hơn
20% so với cùng kỳ năm 2015.




Tại Quảng Trị, có 679.825 lượt khách đã đến tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh,
giảm 22% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách nội địa 596.098 lượt, giảm

20,5% và khách quốc tế 83.727 lượt, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng
doanh thu kinh doanh dịch vụ du lịch, xã hội đạt 683 tỷ đồng, giảm 24,3% so với
cùng kỳ năm 2015.



Tại Hà Tĩnh, tuy lượng khách du lịch văn hóa và sinh thái tự nhiên vẫn tăng theo
chiều hướng khả quan nhưng lượng khách du lịch biển lại giảm sút, công suất
phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.



Nghệ An tuy không nằm trong 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường biển nhưng
lượng khách sụt giảm từ 13-15%, doanh thu dịch vụ du lịch cũng giảm từ 17-20%
so với cùng kỳ năm 2015.

2.3.

Tình hình xuất nhập khẩu và áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp địa
phương

Trong công văn gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, VASEP cho
rằng, từ tháng 4.2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh
miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến thủy sản của ngư dân,
doanh nghiệp nói riêng và đến các sức ép ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu nói
chung. Theo báo cáo của VASEP, nguyên liệu hải sản đã thiếu hụt trầm trọng trong 7
tháng qua. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh
nhập khẩu. Dự kiến trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD
thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch
tuộc và cá biển.Theo đó, sự cố môi trường này đã khiến các nhà máy chế biến bị thiếu

nguyên liệu sản xuất, nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với
công suất rất thấp để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu
nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.


Trong khi đó, đối với khách hàng quốc tế, ông ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký
VASEP cho hay, họ quan ngại kim loại nặng nhiễm vào nguyên liệu và sản phẩm thủy sản
Việt Nam kim loại nặng. Vì vậy nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản
với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Ngoài ra, do nguồn
nguyên liệu thiếu trầm trọng, doanh nghiệp thu mua trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 40%,
không có sản phẩm để xuất khẩu và doanh số của doanh nghiệp cũng bị giảm mạnh… Do
đó, VASEP đã kiến nghị Chính phủ và các bộ có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa
trong vấn đề có trách nhiệm với doanh nghiệp thủy sản. Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị
Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các bộ,
ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu
nhập khẩu để có thể duy trì sản xuất. Các hoạt động cần hỗ trợ như thủ tục nhập khẩu, hỗ
trợ cước phí nhập nguyên liệu tại cảng nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng
như các mặt hàng mới…
Ðối với thị trường nội địa, nguời dân trên cả nuớc với tâm lý hoang mang, lo lắng nên
không mua sản phẩm thủy sản ở miền trung. Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ
được sản phẩm trong thời gian dài. Toàn bộ hàng tiêu thụ nội địa phải bảo quản lâu ngày
ở kho. Do đó, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí (tiền điện, kho...).
Những nguyên nhân trên đã làm giảm sản lượng thu mua thủy sản của doanh nghiệp
đến 60% so với cùng kỳ năm 2015. Website Nhịp Cầu Thế giới cho hay, Cục Kiểm tra
Chất lượng Thực phẩm Hungary (NÉBIH) đã cho cấm lưu thông loạt hàng cá kiếm
(sword fish) nguồn gốc Việt Nam có nhiễm thủy ngân, theo một bản tin đăng trên các cơ
quan truyền thông Hungary, mà Hãng Thông tấn nước này (MTI) cũng đưa lại. Hiệp hội
chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát đi thông cáo ngày 2 tháng 6: “Vụ
việc cá chết bất thường tại miền Trung không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ
an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu”. Động thái này tiếp theo sau việc Cơ quan

thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên EU về việc cá
chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước “kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy
sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.”


2.4.

Tình trạng thất nghiệp

“Sự cố môi trường Formosa đã tác động đến người lao động, khiến cho tỷ lệ người
thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc không có việc làm ổn định tăng cao ở một số vùng”. Đây
là nhận định của bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động
(Tổng cục Thống kê).
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/9/2016, số người thất nghiệp trong
Quý III là 1,16 triệu người, tăng 38.000 người so với quý trước và 8.800 người so với
cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,13%. Nếu so với cùng kỳ năm 2015 thì
tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể (9 tháng năm ngoái lượng người thất nghiệp chỉ là 25 nghìn
người). Trong đó, có tổng cộng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa,
trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy mức độ ảnh hưởng ở 4 tỉnh Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế rất khác nhau nhưng theo đánh giá của
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tất cả đều ở mức nghiêm trọng. Bộ đã công bố
những con số thiệt hại rất cụ thể sau khi khảo sát ở khía cạnh việc làm của 4 tỉnh miền
Trung. Đối với Hà Tĩnh, sự cố môi trường đã ảnh hưởng tới 22.780 hộ gia đình và 65 xã,
với gần 24.500 người mất việc và không có việc làm ổn định. Trong đó, trực tiếp trong
lĩnh vực đánh bắt thủy sản là 14.770 nghìn người. Số lượng người thất nghiệp trong
ngành kinh doanh thủy sản tăng là hơn 5.700 người, ngành dịch vụ hậu cần tăng hơn
1.000 người, ngành nuôi trồng thủy sản tăng thêm 823 người. Ngoài ra, trong lĩnh vực
dịch vụ khách sạn nhà hàng, số người thất nghiệp tăng lên 692, còn trong lĩnh vực sản
xuất muối là 428 người. Tại Thừa Thiên Huế có hơn 30.400 người bị ảnh hưởng trực tiếp
vì tình trạng cá chết, tỉnh ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp là 10,1%, tăng 1,6 lần. Quảng Trị là

13,2%, tăng 2,8 lần. Quảng Bình là 28,6%, tăng 7,9 lần. Hà Tĩnh là 16,4%, tăng 15,7 lần.

III. Biện pháp đề xuất:


Trên cơ sở những bài học đã rút ra được từ những một số vụ ô nhiễm khác, cũng
như suy xét về tiềm lực, khả năng thực hiện, tính hiệu quả của biện pháp,... chúng ta có
thể đi theo một số giải pháp để “phòng bị” tránh xảy ra các sự cố môi trường như sau:

1) Biện pháp về yêu cầu xử lý chất thải công nghiệp chung
Để giảm thiểu khả năng xảy ra các sự cố môi trường, vấn đề cải thiện hệ thống xử lý
nước thải (XLNT), kiểm soát ô nhiễm do nước thải cần được chú trọng lên hàng đầu và
một trong những phương pháp có từ xa xưa nhưng vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả trong việc
xử lý nước thải đó là xây dựng “hồ sinh học”.
Hồ sinh học là một hồ nước được sử dụng để xử lý chất thải (nước thải sinh hoạt,
chăn nuôi, công nghiệp...). Trong hồ chứa nhiều loại thực vật nước, tảo, vi sinh vật, phiêu
sinh vật, nấm… sinh sống và phát triển; chúng giữ vai trò quan trọng trong quá trình vô
cơ hoá các hợp chất hữu cơ của nước thải.
Thực tế, nhà máy Formosa Vũng Áng đã xây dựng hệ thống hồ sinh học, lưu nước
sau các trạm xử lý nước thải (XLNT) tối thiểu 5 ngày trước khi xả ra biển. Cơ sở của giá
trị “5 ngày” theo Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 7957:2008, cũng như kinh nghiệm quốc tế,
phải đảm bảo dung tích để hệ thống hồ sinh học có tác dụng điều hòa, lưu trữ nước thải
và đảm bảo diễn ra các quá trình sinh hóa XLNT. Hệ thống hồ sinh học FHS, công suất
36.000 m3/ngày, có chức năng kiểm soát sự cố, chỉ thị sinh học, và xử lý bổ sung 2 dòng
nước thải sau trạm XLNT sinh hóa (xử lý nước thải từ xưởng luyện cốc, công suất tối đa
5.000 m3/ngày) và sau trạm XLNT công nghiệp (xử lý các loại nước thải sản xuất, nước
thải sinh hoạt, công suất tối đa 31.000 m 3/ngày). Tổng diện tích hệ thống hồ gồm 10 héc
ta, với những chức năng chính: Dung tích chứa đủ lớn, cho phép chủ động áp dụng các
giải pháp ứng phó khi có sự cố từ các trạm xử lý nước thải; Có thả cá - chỉ thị sinh học,
cho phép kiểm chứng để đảm bảo nước thải không làm chết cá,trước khi xả ra biển. Cải

thiện chất lượng nước, giảm thiểu các chất ô nhiễm, ổn định chất lượng dòng nước sau xử
lý, tránh các cú sốc về nồng độ đối với môi trường biển. Tạo cảnh quan, sinh thái cho
Nhà máy và khu vực xung quanh; là nơi tiến hành các hoạt động tập huấn, tuyên truyền,


nâng cao nhận thức về BVMT cho nhân viên và công chúng. Thời gian lưu nước trong hệ
thống hồ của dòng nước thải sinh hóa (cần kiểm soát ưu tiên) là 13,1 ngày khi 1 lò cao
hoạt động, và 6 ngày khi 2 lò cao hoạt động. Thời gian lưu nước của dòng nước thải công
nghiệp tương ứng là 4,5 và 3,1 ngày.
Hệ thống hồ được thiết kế với 4 cấp độ ứng phó sự cố:
Cấp độ ứng phó sự cố thứ 1: Phần mềm giám sát sẽ có cảnh bảo khi dữ liệu từ hệ
thống quan trắc tự động sau trạm XLNT sinh hóa và trạm XLNT công nghiệp chỉ bất kỳ
một chỉ tiêu đạt 80% giá trị kiểm soát, để người điều hành kiểm tra, xác nhận sự cố và
nguyên nhân.
Khi dữ liệu chỉ giá trị chất lượng nước đạt 90% giá trị kiểm soát, sẽ ngừng dẫn nước
thải vào hệ thống hồ. Van tuần hoàn sau trạm sinh hóa hoặc trạm công nghiệp được mở,
đưa nước sau xử lý trở lại về bể sự cố trong trạm XLNT đó để xử lý lại. Khi nước thải đạt
yêu cầu mới được đưa đến chuỗi hồ (nước thải sinh hóa chảy vào hồ SH3, nước thải công
nghiệp chảy vào hồ CN3). Khi khắc phục được sự cố thì chuỗi hồ trở lại hoạt động bình
thường.
Cấp độ ứng phó sự cố thứ 2: Sau khi kích hoạt cấp độ ứng phó sự cố 1, nếu nước
hồi lưu về đầu trạm xử lý nhiều, dung tích chứa của bể sự cố không đủ, sẽ khởi động biện
pháp ứng phó sự cố cấp 2. Lượng nước thải công nghiệp nhiễm bẩn được đưa đến chứa
trong bể sự cố CN1, nước thải sinh hóa nhiễm bẩn được đến bể sự cố SH1. Sau khi trạm
XLNT sinh hóa hay công nghiệp khắc phục xong sự cố, nước thải đầu ra đạt chuẩn cho
phép, sẽ khởi động trạm bơm tuần hoàn (Trạm 1A bơm nước thải từ bể SH1 về trạm sinh
hóa để xử lý lại, trạm 1B bơm nước thải từ CN1 về trạm công nghiệp để xử lý lại). Nước
thải sau xử lý đã đạt quy chuẩn được đưa vào hồ SH3 hay CN3. Chu trình hoạt động của
2 chuỗi hồ bắt đầu từ hồ SH3 và CN3.
Cấp độ ứng phó sự cố thứ 3: Biện pháp ứng phó sự cố cấp 2 đã được kích hoạt,

lượng nước thải nhiễm bẩn được đưa đến chứa trong bể SH1 (hay CN1) nhưng dung tích
của các bể trên không đủ. Chuyển từ cấp độ 2 sang cấp độ 3: van điện giữa bể SH1 và hồ


SH2, hoặc giữa CN1 - CN2 được mở. Nước thải sự cố được chứa cả trong SH2 hay CN2,
và được bơm dần về Trạm XLNT tương ứng (sinh hóa hay công nghiệp) để xử lý lại, rồi
được đưa vào chuỗi hồ từ SH3 (hay CN3).
Cấp độ ứng phó sự cố thứ 4: Cấp độ ứng phó sự cố thứ 4 tính đến trường hợp chất
lượng nước trong toàn bộ hệ thống hồ không đạt chuẩn. Khi đó nước thải từ hệ thống hồ
sẽ ngừng xả ra biển.Bằng đường ống D350, nước được đưa từ trạm bơm 1C ngược về hồ
sự cố CN1.Từ đây nước được bơm dần về trạm XLNT thải công nghiệp để xử lý lại
Hệ thống hồ FHS là hệ thống hồ sinh học kết hợp với bãi lọc trồng cây quy mô lớn
đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế với đầy đủ chức năng kiểm soát sự cố, chỉ thị sinh học
và xử lý bổ sung nước thải, với các hạng mục công trình và thiết bị hiện đại, cho phép hệ
thống hoạt động linh hoạt: hệ thống hồ chứa nước thải sự cố và các tổ máy bơm tuần
hoàn nước thải để xử lý lại, hệ thống quan trắc tự động, hệ thống Scada và camera giám
sát, điều khiển từ xa, hệ thống đường ống chảy vòng các bể cá chỉ thị sinh học…

2) Biện pháp nâng cao khả năng giám sát của cơ quan địa phương
Không chỉ là vấn đề cải thiện hệ thống xử lý, việc giám sát nghiêm túc, thường
xuyên của cơ quan địa phương cũng là yếu tố quan trọng để có thể ứng phó kịp thời trước
khi xảy ra những sự cố không mong muốn. Việc giám sát này ngoài việc các bộ phận
nhân viên kiểm tra, giám sát hệ thống đi kiểm tra trực tiếp, chúng ta cũng có thể nâng cao
bằng việc áp dụng công nghệ giám sát, đồng thời xây dựng phòng giám sát ngay tại công
ty như Formosa đã thực hiện bằng việc xây dựng Nhà điều hành (3 tầng) cạnh bãi lọc
CB4 và trạm bơm ra biển 1C. Dữ liệu từ 4 trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải,
đã được FHS lắp đặt sau trạm XLNT sinh hóa, trạm công nghiệp, trạm sinh hoạt, và trên
đường ống xả ra biển, được truyền về Nhà điều hành. Nơi đây cũng sẽ trở thành Trung
tâm truyền thông về môi trường cho cộng đồng, nhân dân, học sinh, khách tham quan.
Tín hiệu camera 24/7 giám sát cá trong bể cá chỉ thị được truyền lên màn hình trong

phòng điều khiển. Dữ liệu chất lượng nước và hình ảnh cá chỉ thị cũng được truyền ra
màn hình đặt ngoài cổng Nhà máy FHS cho nhân dân giám sát, đồng thời truyền qua


mạng về Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh. Hệ thống giám sát, cảnh
báo sớm bao gồm bể phát hiện độc chất bằng cá - Fish toximeter, với camera giám sát và
phần mềm nhận biết sự di chuyển của cá chỉ thị, tự động báo động khi phát hiện sự cố bất
thường.

IV. Tổng kết
Sự cố Formosa Vũng Áng đã để lại những hậu quả nặng nề cho môi trường tự nhiên
và nền kinh tế Việt Nam. Những ảnh hưởng về kinh tế có thể dễ dàng phục hồi và bù đắp
thông qua tài chính, nhưng những tác động nặng nề mà môi trường biển tự nhiên và hệ
sinh thái phải chịu có thể mất hàng chục năm vẫn chưa thể phục hồi nguyên trạng. Bản
thân các dự án kinh tế không có lỗi, điều quan trọng là trong quá trình kiểm duyệt và thực
thi phải thực sự minh bạch và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo môi
trường. Sự cố Formosa là một bài học đắt giá cho việc đảm bảo tính kinh tế đi đôi với
tình môi trường. Suy cho cùng, điều mà chúng ta mong muốn đạt được không phải là các
con số trên tờ giấy thông kê tài chính, mà là lợi ích thiết thực trong cuộc sống hàng ngày
xung quanh chúng ta.


Tài liệu tham khảo
1.

/>%E1%BA%A1t_%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam_n%C4%83m_2016

2.

/>

3.

/>
4.

Lan Anh( 19/05/2017), “ Hàng chục năm khôi phục sinh thái dưới biển sau vụ
Formosa”
/>
5.

Phương Mai và Hà Quyên (01/07/2016), “Các hóa chất của Formosa độc hại ra
sao”
/>
6.

Nguyễn Quang Vinh (04/07/2016), “Vì Formosa: Mất 50 năm hệ sinh thái biển
Miền Trung mới phục hổi”
/>
7.

Lê Thị Thu(14/10/2016), “Formosa và vấn đề phát triển bền vững ở Hà Tĩnh”
/>

8.

Thanh Ngọc(01/07/2016), “ Hồ sơ ‘đen’ của formosa”
/>
9.

“Diễn biến sự cố môi trường ở miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra” ,theo

báo tin tức
/>
10.

“Giải pháp cải thiện môi trường, kiểm soát sự cố do nước thải tại Công ty
Formosa Hà Tĩnh”, theo tapchimoitruong
/>


×