Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh trong dạy học Lịch sử ở trường Trung học phổ thông Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (885.69 KB, 4 trang )

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 83-86

ISSN: 2354-0753

RÈN LUYỆN KĨ NĂNG THỰC HÀNH CHO HỌC SINH
TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÁI NGUYÊN,
TỈNH THÁI NGUYÊN
Lê Thị Thu Hương
Article History
Received: 15/3/2020
Accepted: 10/4/2020
Published: 08/5/2020
Keywords
skill, practice, practice
History, History, secondary
school.

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên
Email:
ABSTRACT
The view “learning and practice must go together” is seen as the teaching
guideline of the modern education. Beside the concept of developing the
students’ mentality, the concept of developing the practical skill has a very
important meaning in teaching. For this reason, teaching History must
encourage learners, combine intellectual activities with practical activities.
Through practice, students can be trained some basic skills that can meet the
aim of the educational programme at schools. This writing clarifies some
concepts like skill, practice, practice History, and generalizes the meaning of
training practical skill for students. From that, this writing proposes some


methods of training practical skills in teaching History for students at
secondary schools in Thai Nguyen.

1. Mở đầu
Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử (2018) đặc biệt coi trọng nội dung “thực hành lịch sử”, kết nối
lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Chương trình coi thực hành là một nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực, hiệu
quả để phát triển năng lực học sinh (HS) (Bộ GD-ĐT, 2018, tr 5). Vì vậy, nhất thiết phải rèn luyện cho HS các kĩ
năng cơ bản, đặc biệt là kĩ năng thực hành (KNTH), góp phần đào tạo những con người lao động mới vừa nắm vững
lí thuyết vừa có khả năng vận dụng linh hoạt những điều đã học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Thực hành
bộ môn Lịch sử được coi là một hoạt động trí tuệ giúp HS phát triển các kĩ năng tư duy nói chung, tư duy lịch sử nói
riêng. Đặc biệt, qua các nội dung thực hành, HS sẽ được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cả trong suy nghĩ
và hành động, qua đó các kĩ năng, kĩ xảo được rèn luyện và ngày càng thuần thục hơn.
Những năm gần đây, Trường THPT Thái Nguyên (thuộc Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên) rất
quan tâm đến việc phát huy tính tích cực học tập của HS trong dạy học lịch sử (DHLS). Vì vậy, trong các bài học
lịch sử, GV bộ môn đã linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp rèn luyện KNTH cho HS, giúp các em chủ động,
tự tin, phát triển toàn diện.
Bài viết trình bày khái niệm kĩ năng, thực hành, thực hành lịch sử, khái quát ý nghĩa của việc rèn luyện KNTH
cho HS, nội dung thực hành lịch sử; trên cơ sở đó, chia sẻ các biện pháp rèn luyện KNTH cho HS trong DHLS ở
Trường THPT Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Một số khái niệm
- Kĩ năng: Có nhiều định nghĩa khác nhau về kĩ năng. Theo Từ điển tiếng Việt: “Kĩ năng là khả năng vận dụng
những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn” (Hoàng Phê và cộng sự, 2007, tr 800). Như
vậy, cách giải thích này quan tâm đến những hành động, những thao tác cụ thể mà chủ thể sử dụng.
Tác giả Nguyễn Thị Thế Bình thì cho rằng: “Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một công việc nào đó (lao động
chân tay hay nhận thức) bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với
hoàn cảnh và những điều kiện cho phép (Nguyễn Thị Thế Bình, 2014, tr 28). Điều đó có nghĩa là, kĩ năng gồm những
hiểu biết về đối tượng cần tác động, đặc biệt là những quy luật vận động của đối tượng.
Như vậy, có thể hiểu, kĩ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng. Khi lặp đi lặp lại một hành động nào đó,
con người sẽ có được kĩ năng.

- Thực hành lịch sử: Theo Từ điển tiếng Việt, thực hành là “làm để áp dụng lí thuyết vào thực tế” (Hoàng Phê và
cộng sự, 2007, tr 1506).

83


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 83-86

ISSN: 2354-0753

Từ khái niệm trên có thể hiểu, “thực hành lịch sử” là trên cơ sở những kiến thức và phương pháp học tập bộ môn
được lĩnh hội, HS biết vận dụng chúng để giải quyết các nhiệm vụ học tập hoặc những vấn đề của thực tế cuộc sống.
- Kĩ năng thực hành: Từ hai khái niệm “kĩ năng” và “thực hành”, có thể hiểu, KNTH là khả năng HS áp dụng
các tri thức đã học vào thực tế một cách thuần thục, nhuần nhuyễn, có kết quả. Như vậy, người có KNTH là người
nắm chắc về lí thuyết, thực hiện các thao tác hành động một cách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, đem lại
hiệu quả cao cho công việc trong những tình huống mới có ý nghĩa, đáp ứng mục tiêu dạy học đặt ra.
2.2. Ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh trong dạy học lịch sử
Trong DHLS ở trường phổ thông, việc rèn luyện KNTH cho HS có vị trí quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu
môn học và góp phần đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, năng động, tự chủ và linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề
của thực tiễn. Rèn luyện KNTH lịch sử cho HS có ý nghĩa quan trọng trên cả ba mặt:
- Về kiến thức: KNTH giúp HS tự tìm tòi, củng cố, mở rộng và khắc sâu kiến thức cơ bản của môn học, làm
phong phú hơn vốn hiểu biết của bản thân. Ví dụ: Trước khi dạy bài 12: “Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ
năm 1919 đến năm 1925” (Phan Ngọc Liên và các cộng sự, 2009, tr 76), giáo viên (GV) yêu cầu HS tìm hiểu tiểu sử
của Bác Hồ, lí do Bác hướng sang phương Tây để tìm đường cứu nước; tìm hiểu những mẩu chuyện về sự khó khăn,
gian khổ của Bác trong những năm tháng Người bôn ba ở nước ngoài. Trong quá trình hình thành kiến thức mới,
GV lồng ghép để HS được thể hiện các nội dung đã chuẩn bị. Qua đó, HS hoàn toàn chủ động và dễ dàng tiếp nhận
kiến thức mới, các em sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc về hành trình đi tìm đường cứu nước của Người.
- Về kĩ năng: KNTH góp phần phát triển năng lực nhận thức và năng lực hành động cho HS. Qua việc trực tiếp

được tham gia vào các hoạt động học tập và thực hành, HS sẽ dần hình thành năng lực thu thập và xử lí thông tin về
các sự kiện, hiện tượng lịch sử; có khả năng tái hiện quá khứ lịch sử; biết xác định mối liên hệ logic của các sự kiện,
hiện tượng; biết đánh giá, giải thích các sự kiện, hiện tượng theo quan điểm lịch sử; và đặc biệt, linh hoạt trong việc
vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Ví dụ: Sau khi học xong bài 20: “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân
Pháp kết thúc (1953-1954)” (Phan Ngọc Liên và các cộng sự, 2009, tr 145), GV giao bài tập cho HS: Đóng vai làm
nhân chứng lịch sử, hãy kể lại cho người thân về chiến thắng Điện Biên Phủ. Việc hoàn thành bài tập sẽ rèn luyện
cho HS năng lực tái hiện quá khứ lịch sử; đánh giá, chứng minh các sự kiện, hiện tượng theo quan điểm lịch sử và
biết hành động để xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ cha anh.
- Về thái độ: KNTH góp phần vào việc giáo dục những phẩm chất tốt đẹp cho HS, đó là sự chủ động, tích cực và
sáng tạo trong học tập, rèn luyện; biết trân trọng thành quả lao động, biết vượt khó vươn lên và tự tin vào khả năng
của bản thân. Ví dụ: Khi dạy bài 20: “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954)” (Phan
Ngọc Liên và các cộng sự, 2009, tr 145), GV yêu cầu HS sưu tầm những đóng góp của các địa phương trong chiến
dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, HS sẽ hiểu sâu sắc hơn chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc huy động sức
người, sức của cho chiến dich và tự hào với sự đóng góp, hi sinh của nhân dân ta trong kháng chiến.
2.3. Nội dung thực hành trong dạy học lịch sử ở Trường Trung học phổ thông Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
Xuất phát từ đặc trưng bộ môn Lịch sử, trình độ của HS và điều kiện dạy học của nhà trường, thực hành lịch sử
ở Trường THPT Thái Nguyên bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, HS giải quyết các nhiệm vụ học tập bộ môn thông qua sự điều khiển, hướng dẫn của người thầy. Các em
sẽ được làm các bài tập thực hành trên cơ sở sự huy động những kiến thức, kĩ năng kĩ xảo sẵn có của bản thân, góp phần
hình thành những biểu tượng lịch sử chân thực. Chẳng hạn, HS được giao nhiệm vụ làm các loại đồ dùng trực quan như
vẽ bản đồ, điền các nội dung còn thiếu trên bản đồ câm, lập các bảng thống kê, niên biểu, vẽ sơ đồ, biểu đồ, đồ thị...;
trình bày ý kiến cá nhân về một sự kiện, hiện tượng lịch sử; phác họa chân dung một nhân vật lịch sử...
Thứ hai, HS vận dụng những kiến thức đã học vào quá trình hình thành kiến thức mới, vận dụng những điều đã
học vào giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Chẳng hạn, HS được tham gia biên soạn lịch sử địa phương
(ATK Định Hóa trong kháng chiến chống Pháp), tuyên truyền giáo dục lịch sử, thực hiện các công tác công ích xã
hội (thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Giốc Lim; thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ; sắp xếp, trang trí nhà truyền
thống địa phương, bảo tàng; chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử....).
2.4. Các biện pháp rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh trong dạy học lịch sử ở Trường Trung học phổ
thông Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
2.4.1. Hướng dẫn học sinh làm bài tập lịch sử

Bài tập lịch sử được tiến hành trong tất cả các khâu của DHLS, là một kiểu cơ bản của phương pháp dạy học để
phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của HS. GV cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bài
tập lịch sử và hướng dẫn HS tiến hành nghiêm túc, sáng tạo.

84


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 83-86

ISSN: 2354-0753

Thứ nhất, bài tập vẽ sơ đồ nhằm cụ thể hóa nội dung cơ bản của một vấn đề lịch sử. Sơ đồ là loại đồ dùng trực
quan quy ước được sử dụng để cụ thể hoá nội dung một sự kiện lịch sử bằng những hình học đơn giản. Thực hành
vẽ sơ đồ sẽ giúp HS biết liên kết các sự kiện lịch sử trong mối quan hệ logic, từ đó hiểu được bản chất của nội dung
lịch sử.
Ví dụ, khi dạy bài 17: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ ngày 2/9/1945 đến trước ngày 19/12/1946” (Phan
Ngọc Liên và cộng sự, 2009, tr 121), GV có thể yêu cầu HS vẽ sơ đồ “khó khăn của cách mạng nước ta sau năm
1945” (hình 1).
Tình thế “ngàn
cân treo sợi tóc”

Giặc đói, giặc dốt

Chính quyền
cách mạng non trẻ

Tình
hình

trong
nước

Tình
hình
thế
giới

Phản kích
của chủ nghĩa
đế quốc

Thù trong,
giặc ngoài

Khó khăn sau
Cách mạng
Tháng 8 năm 1945

Hình 1. Khó khăn của cách mạng nước ta sau Cách mạng tháng 8 năm 1945
Nhìn vào sơ đồ, phân tích tình hình trong nước và thế giới, HS sẽ hiểu được cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ
chẳng khác gì “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thứ hai, bài tập sử dụng lược đồ kết hợp với miêu tả, phân tích để tạo biểu tượng lịch sử. Tạo biểu tượng là giai
đoạn nhận thức cảm tính của quá trình học tập lịch sử (Phan Ngọc Liên, 2009, tr 148). Sử dụng lược đồ kết hợp với
phương pháp trình bày miệng như miêu tả, phân tích có tác dụng to lớn trong việc phát triển trí tưởng tượng của HS,
đồng thời cũng khơi dậy trong họ lòng yêu thích lịch sử.
Ví dụ, khi dạy bài 18: “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp (1946-1954)” (Phan Ngọc
Liên và các cộng sự, tr 130), GV hướng dẫn HS sử dụng “lược đồ chiến dịch Biên Giới thu - đông năm 1950” kết
hợp với miêu tả, phân tích về vị trí chiến lược của Đông Khê và ý đồ chiến lược của ta khi chọn Đông Khê làm nơi
khai hoả phục vụ kế hoạch” đánh điểm diệt viện” do Đảng ta đề ra: “Đông Khê là một cứ điểm quan trọng trên hệ

thống phòng ngự chiến lược của địch trên đường số 4. Đông Khê cách Cao Bằng 45 km, cách Thất Khê 25 km. Ta
dự tính, khi địch ở Đông Khê thất thủ thì chắc chắn chúng sẽ phải đưa lực lượng từ Cao Bằng về và từ Thất Khê sang
để ứng cứu. Lúc đó, ta sẽ tận dụng địa hình, địa vật, tổ chức các trận đánh viện binh của địch. Chủ trương và kế hoạch
tác chiến của ta rất đúng đắn, góp phần đưa đến thắng lợi của chiến dịch”.
Thứ ba, bài tập trình bày ý kiến cá nhân về một vấn đề lịch sử để phát triển tư duy phản biện. Trong DHLS, thực
hành trình bày ý kiến cá nhân về một nội dung lịch sử có tác dụng phát triển tư duy độc lập, khắc phục ở HS thói
quen nhút nhát, ngại giao tiếp. Đây cũng là dịp HS được rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ, dám bày tỏ quan điểm
của mình trước tập thể, từ đó bồi dưỡng sự tự tin, năng động trong học tập và sinh hoạt.
Ví dụ, khi dạy bài 18: “Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp (1946-1954)” (Phan Ngọc
Liên và cộng sự, tr 130), GV có thể đưa ra bài tập thực hành như sau: “Có ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Tám
năm 1945 thành công chẳng qua chỉ là sự ăn may. Em hãy trình bày ý kiến của cá nhân em về vấn đề này”.
2.4.2. Vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống
Trong DHLS, khi vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, HS vừa được nâng cao sự hiểu biết, vừa được
rèn luyện những kĩ năng cơ bản như kĩ năng học tập, kĩ năng sống. GV có thể tổ chức HS tham gia các hoạt động
ngoài giờ lên lớp sau đây để rèn luyện KNTH:
Thứ nhất, tổ chức cho HS thực hiện các công tác công ích xã hội. Công tác công ích được hiểu là những hoạt
động có ý nghĩa của HS đóng góp cho xã hội; giúp HS ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy
những giá trị văn hóa, thành quả cách mạng của cha ông, kích thích hứng thú học tập. Hoạt động này sẽ làm tăng

85


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 83-86

ISSN: 2354-0753

mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường xã hội. Ví dụ: GV có thể tổ chức cho HS chăm sóc thường xuyên Nghĩa trang
liệt sĩ Giốc Lim, đền Đuổm, đền thờ Đội Cấn... Vào những dịp lễ tết, tổ chức HS thăm hỏi gia đình thương binh liệt

sĩ, những người có công với Cách mạng.
Thứ hai, tổ chức HS tham quan Bảo tàng, nhà truyền thống địa phương, di tích lịch sử. Ví dụ: GV có thể tổ chức
cho HS tham quan di tích ATK Định Hóa, sau đó, yêu cầu HS trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo tồn, phát huy
di sản ATK Định Hóa - Thái Nguyên. Đây là nội dung mở, GV gợi ý để HS thể hiện niềm tự hào với đóng góp của
địa phương vào những thắng lợi của dân tộc, đồng thời đề xuất trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn giá trị của
di tích. Thực tế cho thấy, khi nào HS gắn kết được kiến thức lịch sử địa phương với kiến thức lịch sử dân tộc thì một
cách tự nhiên sẽ khơi dậy ở các em niềm tự hào, mong muốn được đóp góp sức mình vào việc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
Thứ ba, tổ chức HS tuyên truyền về một vấn đề lịch sử trong lớp học. Hiện nay, đa số HS học tập lịch sử một
cách thụ động, không hứng thú gì với bộ môn. Rất nhiều sự kiện lớn của lịch sử dân tộc mà các em không hiểu được
bản chất, chỉ nhận biết một cách hời hợt, sơ sài. Vì vậy, tổ chức cho các em tuyên truyền về các nội dung lịch sử là
một việc làm có ý nghĩa, giúp lan tỏa niềm say mê yêu thích bộ môn, học hỏi lẫn nhau để tích lũy kiến thức và kĩ
năng cần thiết. Ví dụ: Nhân kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam, GV có thể tổ chức HS làm việc theo nhóm, tuyên
truyền về nội dung sự kiện ngày 30/4/1975. Các nhóm được hướng dẫn sẽ chuẩn bị những video, hình ảnh giới thiệu
với chủ đề “44 năm - Dấu ấn một chặng đường” hoặc “Miền Nam giải phóng, thống nhất non sông”,... Các em có
thể sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu và pano để mọi người hiểu được sự kiện lịch
sử hào hùng của dân tộc. Các nhóm được tham quan không gian trưng bày của nhau về những hình ảnh kỉ niệm ngày
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông qua hoạt động này, HS sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử
đang tìm hiểu, hứng thú học tập bộ môn và rèn luyện sự tự tin trước tập thể.
3. Kết luận
Rèn luyện KNTH cho HS hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp DHLS hiện nay là nhằm phát
huy tính chủ động, tích cực của người học. Thực hành lịch sử có thể được vận dụng ở bất kì thời điểm nào của quá
trình nhận thức, quan trọng là GV cần phải biết cách khơi gợi hứng thú học tập để HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
thực hành một cách tự nguyện, hiệu quả. Đặc biệt, khi HS làm bài tập thực hành, GV cần giao nhiệm vụ rõ ràng,
hướng dẫn, giúp đỡ, động viên HS khi cần; đồng thời, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để đa dạng
hóa các hoạt động thực hành. Bên cạnh việc thiết kế các bài tập thực hành bộ môn, GV cần tổ chức HS tham gia các
hoạt động ngoài lớp học, tạo điều kiện cho các em thể hiện sự sáng tạo, niềm say mê yêu thích lịch sử, biết vận dụng
những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử (Ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT

ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Hoàng Phê (chủ biên), Hoàng Thị Tuyền Linh, Vũ Xuân Lương, Phạm Thị Thủy, Đào Thị Minh Thu, Đặng Thanh
Hòa (2007). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.
Nguyễn Thị Thế Bình (2014). Phát triển kĩ năng tự học lịch sử cho học sinh. NXB Đại học Sư phạm.
Nguyễn Thu Nga (2012). Hướng dẫn học sinh trung học phổ thông làm bài tập thực hành ngoại khóa môn Lịch sử
qua khai thác tài liệu trên Internet. Tạp chí Giáo dục, số 299, tr 50-52.
Phan Ngọc Liên (chủ biên), Vũ Dương Ninh, Trần Bá Đệ, Vũ Ngọc Anh, Đỗ Thanh Bình, Lê Mậu Hãn, Nguyễn
Quốc Hùng, Bùi Tuyết Hương, Nguyễn Đình Lễ, Lê Văn Quang, Nguyễn Sĩ Quế (2009). Lịch sử 12. NXB Giáo
dục Việt nam.
Phan Ngọc Liên (chủ biên, 2009). Phương pháp dạy học lịch sử (tập 1). NXB Đại học Sư phạm.

86



×