Tải bản đầy đủ (.pdf) (89 trang)

Tác động của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới đến thu nhập của nông dân trồng lúa tại thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.71 MB, 89 trang )

1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH

ĐOÀN THỊ HƯƠNG HÀ

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ỨNG DỤNG NÔNG NGHIỆP
CÔNG NGHỆ MỚI ĐẾN THU NHẬP CỦA
NÔNG DÂN TRỒNG LÚA TẠI THÀNH PHỐ
LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

TP. Hồ Chí Minh - Năm 2015
TP. Hồ Chí Minh - Năm 2015


2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH

ĐOÀN THỊ HƯƠNG HÀ

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ỨNG DỤNG NÔNG NGHIỆP
CÔNG NGHỆ MỚI ĐẾN THU NHẬP CỦA
NÔNG DÂN TRỒNG LÚA TẠI THÀNH PHỐ
LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG

Chuyên ngành: Chính sách công


Mã số: 60340402

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. ĐINH PHI HỔ

TP. Hồ Chí Minh - Năm 2015


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và hoàn toàn do
tôi hoàn thành. Các số liệu nghiên cứu và kết quả thực nghiệm nêu trong luận văn là
trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công
trình nghiên cứu nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

ĐOÀN THỊ HƯƠNG HÀ


ii

TÓM TẮT
Luận văn “Tác động của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới đến
thu nhập của hộ nông dân trồng lúa tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An
Giang” được thực hiện từ tháng 11/2014 đến tháng 5/2015, với mục tiêu phân tích
hiệu quả của việc ứng dụng chương trình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật,
công nghệ “Một phải năm giảm” (gọi tắt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới,
viết tắt là UDNNCNM) của hộ nông dân trồng lúa, đồng thời phân tích các nhân tố

tác động đến thu nhập của hộ nông dân tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Nghiên cứu thực hiện bằng phương pháp định lượng: tiến hành thống kê mô tả
để phân tích đặc điểm mẫu nghiên cứu; sử dụng các kiểm định để kiểm định mối
quan hệ giữa nông dân có ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới và nông dân không
ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới về hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế; thực
hiện phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để đánh giá các nhân tố tác động đến thu
nhập của hộ nông dân. Số liệu nghiên cứu được thu thập thông qua phỏng vấn trực
tiếp các hộ gia đình trên địa bàn nghiên cứu với mẫu hợp lệ là 150 mẫu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chương trình khuyến nông chuyển giao tiến bộ
kỹ thuật, công nghệ “Một phải năm giảm” đạt hiệu quả về kỹ thuật như sử dụng
giống xác nhận nhiều hơn, giảm được lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón
sử dụng, giảm số lần phun thuốc BVTV và số lần bơm nước. Đồng thời, cho thấy
đạt hiệu quả về kinh tế như giảm chi phí sản xuất lúa từ đó góp phần tăng thu nhập
cho hộ nông dân. Bên cạnh đó, qua kết quả hồi quy đa biến cho thấy kiến thức nông
nghiệp của hộ nông dân, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới, vay vốn từ các
định chế chính thức có tác động đến với thu nhập của hộ nông dân trồng lúa, các
biến có ý nghĩa với độ tin cậy lớn hơn 95%. Mô hình hồi quy có hệ số xác định điều
chỉnh R2 là 44,8%, được kiểm định là phù hợp, không có hiện tượng đa cộng tuyến,
tự tương quan giữa các phần dư và phương sai thay đổi nên sử dụng được.
Qua kết quả nghiên cứu, luận văn đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả
của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới và nâng cao thu nhập cho hộ nông
dân trồng lúa ở thành phố Long Xuyên trong thời gian tới.


iii

MỤC LỤC
Lời cam đoan ................................................................................................................i
Tóm tắt ....................................................................................................................... ii
Mục lục...................................................................................................................... iii

Danh mục các ký hiệu, chữ viết tắt ................................................................................................. vi
Danh mục các bảng .................................................................................................. vii
Lời mở đầu ..................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài ..........................................................................................1
2. Mục tiêu nghiên cứu ....................................................................................2
3. Câu hỏi nghiên cứu: .....................................................................................2
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................3
4.1. Đối tượng nghiên cứu ...............................................................................3
4.2. Không gian nghiên cứu .............................................................................3
4.3. Thời gian nghiên cứu ................................................................................3
5. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................3
6. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài .........................................................................4
7. Bố cục của luận văn .....................................................................................4
Chương I Cơ sở lý thuyết ...........................................................................................6
1.1. Cơ sở lý thuyết về kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp ...............6
1.1.1. Lược khảo lý thuyết ...............................................................................6
1.1.2. Các nghiên cứu thực nghiệm .................................................................8
1.2. Cơ sở lý thuyết về thu nhập và các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập ......9
1.2.1. Lược khảo lý thuyết ...............................................................................9
1.2.2. Khảo lược các nghiên cứu thực nghiệm: ...............................................9
1.2.3. Các nhân tố tác động đến thu nhập của hộ gia đình ............................10
1.3. Kinh nghiệm thực tiễn nâng cao thu nhập hộ gia đình nông thôn ..........13
1.3.1. Kinh nghiệm ngoài nước ......................................................................13
1.3.2. Kinh nghiệm trong nước ......................................................................14
Chương II Tổng quan về tình hình kinh tế xã hội của TP. Long Xuyên ..................16


iv

2.1. Đặc điểm về tình hình kinh tế, xã hội thành phố Long Xuyên ...............16

2.2. Tình hình phát triển nông nghiệp ở thành phố Long Xuyên...................18
Chương III Phương pháp luận và mô hình nghiên cứu .............................................22
3.1. Quy trình nghiên cứu ..............................................................................22
3.2. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................23
3.3. Dữ liệu nghiên cứu ..................................................................................31
3.3.1. Nguồn dữ liệu thu thập.........................................................................31
3.3.2. Phương pháp chọn mẫu và xác định kích thước mẫu ..........................32
Chương IV Kết quả nghiên cứu và thảo luận............................................................33
4.1. Phân tích đặc điểm mẫu nghiên cứu .......................................................33
4.2. Phân tích hiệu quả kỹ thuật của việc UDNNCNM .................................37
4.2.1. Kiểm định mối liên hệ giữa tham gia tập huấn chương trình “Một phải
năm giảm” với ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới .............................................37
4.2.2. Kiểm định mối liên hệ giữa ứng dụng công nghệ mới với sử dụng
giống xác nhận ..........................................................................................................38
4.2.3. Kiểm định mối liên hệ giữa ứng dụng công nghệ mới với hình thức thu
hoạch .........................................................................................................................40
4.2.4. Kiểm định mối liên hệ giữa ứng dụng công nghệ mới với số lượng
giống, phân bón sử dụng, số lần phun thuốc BVTV, số lần bơm nước ....................41
4.3. Phân tích hiệu quả kinh tế của việc UDNNCNM ...................................45
4.3.1. Phân tích kết quả thống kê ...................................................................45
4.3.2. Phân tích kết quả kiểm định T đối với mẫu độc lập ............................48
4.4. Kết quả hồi quy tuyến tính phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập
của hộ nông dân ........................................................................................................53
4.4.1. Phân tích hồi quy..................................................................................53
4.4.2. Thảo luận kết quả hồi quy ....................................................................56
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ..................................................................................58
1. Kết luận ......................................................................................................58
2. Kiến nghị ....................................................................................................59



v

3. Hạn chế và đề nghị hướng nghiên cứu tiếp theo ........................................62
Tài liệu tham khảo ....................................................................................................... 6
Phụ lục ...................................................................................................................... 71


vi

DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT

BVTV

Bảo vệ thực vật

IPM

Quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pest Management)

IRRI

Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (International Rice Research
Institute)

UDNNCNM

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới


vii


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1: Định nghĩa các biến và giả thuyết ............................................................ 28
Bảng 4.1. Kết quả thống kê về giới tính của chủ hộ ................................................ 33
Bảng 4.2: Kết quả thống kê về trình độ học vấn của chủ hộ .................................... 33
Bảng 4.3. Kết quả thống kê đặc điểm tuổi của chủ hộ.............................................. 35
Bảng 4.4. Kết quả thống kê đặc điểm kinh nghiệm trồng lúa của chủ hộ ................ 35
Bảng 4.5. Kết quả thống kê đặc điểm số nhân khẩu của hộ ..................................... 36
Bảng 4.6. Kết quả thống kê đặc điếm số lao động chính của hộ .............................. 36
Bảng 4.7. Kết quả thống kê đặc điểm quy mô đất của hộ......................................... 37
Bảng 4.8. Kết quả thống kê về kiến thức nông nghiệp của chủ hộ ........................... 37
Bảng 4.9. Kết quả thống kê giữa biến UDNNCNM và TGTHUAN ........................ 37
Bảng 4.10: Kết quả thống kê giữa biến UDNNCNM và SDGXN ........................... 38
Bảng 4.11: Bảng cơ cấu giống lúa nông dân sử dụng............................................... 39
Bảng 4.12: Bảng nguồn gốc giống lúa nông dân sử dụng ........................................ 39
Bảng 4.13: Kết quả thống kê giữa biến UDNNCNM và hình thức thu hoạch ......... 40
Bảng 4.14: Kết quả thống kê ..................................................................................... 41
Bảng 4.15. Kết quả thống kê ..................................................................................... 45
Bảng 4.16. Kết quả hồi quy của mô hình .................................................................. 53
Bảng 4.17: Tóm tắt mô hình ..................................................................................... 54
Bảng 4.18: Phân tích phương sai (ANOVA) ............................................................ 54
Bảng 4.19: Kết quả tóm tắt mô hình hồi quy phụ ..................................................... 55
Bảng 4.20: Vị trí quan trọng của các yếu tố.............................................................. 56


viii

DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
Hình 2.1: Bản đồ hành chính thành phố Long Xuyên .............................................. 16
Biểu đồ 2.1: Thể hiện năng suất sản xuất lúa ........................................................... 20

Hình 3.1: Quy trình nghiên cứu ................................................................................ 22
Hình 3.2: Khung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ............................... 23


1

LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nông nghiệp là ngành có vai trò quan trọng trong đời sống của con người,
cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, cung cấp nguyên liệu cho ngành
công nghiệp sản xuất và hàng hoá cho xuất khẩu. Ngày nay với xu thế phát triển của
thế giới, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ổn định và phát triển sản
xuất ngành nông nghiệp là vấn đề được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm và người
dân đồng tình ủng hộ, việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp
là một tất yếu.
An Giang là tỉnh mà sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, nó giữ
vai trò nền tảng, tạo ra nguồn vốn tích lũy cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức của tỉnh. Thành phố Long Xuyên là trung tâm
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, có diện tích tự nhiên 11.534,9ha, trong
đó đất nông nghiệp 7.486,54 ha chiếm 64,9% [3]. Thời gian qua, tiềm năng về nông
nghiệp của thành phố với công nghệ khai thác hiện hữu đã chạm trần tăng trưởng,
cùng với nguy cơ mất cân bằng sinh thái, yếu tố thoái hóa chất lượng tài nguyên
nông nghiệp như: đất, nước, môi trường ngày càng nghiêm trọng. Do đó, đòi hỏi tái
cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chiều sâu là yêu cầu bức xúc hiện nay, nhằm
thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Trong sản xuất lúa, thành phố đã triển khai mạnh mẽ các chương trình khuyến
nông chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới đến nông dân, nhằm giúp
người nông dân nâng cao kiến thức về nông nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, qua đó
góp phần tăng năng suất, chất lượng hạt gạo, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người
nông dân. Chương trình “Ba giảm ba tăng” được thành phố Long Xuyên triển khai

và ứng dụng vào năm 2003. Đến năm 2009, thành phố triển khai và ứng dụng
chương trình “Một phải năm giảm”. Đây là chương trình tích hợp nhiều yếu tố kỹ
thuật và được kết tinh từ nhiều chương trình nghiên cứu thử nghiệm trước đó như
chương trình IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp), chương trình “Ba giảm ba tăng”,


2

chọn giống, tiết kiệm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch… của các nhà khoa học
nông nghiệp trong và ngoài nước.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn hiệu quả của việc ứng dụng chương trình
khuyến nông chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ “Một phải năm giảm” vào
nông nghiệp nhất là hiệu quả về kinh tế nên đề tài “Tác động của việc ứng dụng
nông nghiệp công nghệ mới đến thu nhập của nông dân trồng lúa tại thành phố
Long Xuyên, tỉnh An Giang” được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc ứng
dụng nông nghiệp công nghệ mới và các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông
dân trồng lúa, từ đó có giải pháp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa trong thời
gian tới.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích hiệu quả của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới đối với
nông dân trồng lúa tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đồng thời, phân tích
các nhân tố tác động đến thu nhập của nông dân trồng lúa. Trên cơ sở đó đề ra các
khuyến nghị nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới và
các nhân tố tác động đến thu nhập nhằm nâng cao đời sống của hộ nông dân trồng
lúa tại thành phố Long Xuyên.
3. Câu hỏi nghiên cứu:
Để giải quyết mục tiêu trên đề tài hướng đến các câu hỏi nghiên cứu sau:
- Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế đối với
thu nhập của nông dân trồng lúa như thế nào?
- Các nhân tố về độ tuổi, trình độ, … có tác động đến thu nhập của nông dân

trồng lúa như thế nào?
- Hàm ý về mặt chính sách công liên quan đến tăng cường ứng dụng nông
nghiệp công nghệ mới?
Kết quả nghiên cứu sẽ được đúc kết, làm cơ sở cho những gợi ý về mặt chính
sách liên quan đến việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới ở thành phố Long
Xuyên, tỉnh An Giang, đặc biệt là các giải pháp làm tăng thu nhập cho nông dân
trồng lúa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.


3

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Tác động của việc ứng dụng chương trình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật, công nghệ “Một phải năm giảm” đối với thu nhập của nông dân trồng lúa trên
địa bàn thành phố Long Xuyên và các nhân tố khác tác động đến thu nhập của nông
dân trồng lúa.
4.2. Không gian nghiên cứu
Các hộ nông dân có UDNNCNM và các hộ nông dân không UDNNCNM trên
địa bàn thành phố Long Xuyên với 03 phường, xã tiêu biểu là: Mỹ Hòa, Bình
Khánh và Mỹ Khánh.
4.3. Thời gian nghiên cứu
Thu thập dữ liệu thứ cấp: Các báo cáo kết quả, số liệu đánh giá thực trạng thu
nhập của hộ nông dân trồng lúa trước khi UDNNCNM và hiệu quả của việc
UDNNCNM từ năm 2009 đến năm 2014
Thu thập dữ liệu sơ cấp:
- Điều tra kiến thức và hiệu quả sản xuất lúa của nông dân trong vụ Đông
Xuân 2013 – 2014.
- Phỏng vấn các cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cán bộ quản lý Nhà nước
thuộc các cơ quan trên địa bàn thành phố như Hội Nông dân, Trạm Bảo vệ thực vật,

Phòng Kinh tế và các cơ quan cấp tỉnh như Hội Nông dân Tỉnh, Chi cục Bảo vệ
thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phỏng vấn sâu một số nông dân đã qua lớp tập huấn chương trình khuyến
nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ “Một phải năm giảm” vụ Đông Xuân
2013 – 2014 tìm hiểu sự đánh giá của họ đối với hiệu quả của chương trình.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận văn có hai nội dung nghiên cứu
chính là tác động của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới đến hiệu quả sản


4

xuất, thu nhập của nông dân trồng lúa và các nhân tố tác động đến thu nhập của
nông dân trồng lúa.
Việc nghiên cứu thực hiện chương trình điều tra, lấy mẫu ngẫu nhiên với tổng
số mẫu là 150, trong đó 80 mẫu là hộ nông dân có tham gia và 70 mẫu là hộ nông
dân không tham gia các lớp tập huấn chương trình khuyến nông “Một phải năm
giảm” theo danh sách tham gia tập huấn do Hội Nông dân phường xã quản lý. Sau
đó sẽ phân loại trong 150 hộ sau khi tập huấn chương trình khuyến nông “Một phải
năm giảm” có ứng dụng và không ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Để từ
đó đánh giá sự khác biệt về thực hiện các biện pháp kỹ thuật, hiệu quả kinh tế giữa
hộ nông dân UDNNCNM và nông dân không UDNNCNM bằng kiểm định Trung
bình mẫu độc lập (Independent Sample T-test) và kiểm định Chi bình phương (Chisquare test). Đồng thời, thực hiện phân tích hồi quy đa biến để đánh giá mức độ ảnh
hưởng của các nhân tố tác động đến thu nhập của hộ nông dân trồng lúa và thực
hiện các kiểm định để kiểm tra mức độ tin cậy của mô hình hồi quy.
Dữ liệu được xử lý bằng chương trình SPSS 18.0.
6. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài
Đánh giá tác động của chương trình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật, công nghệ “Một phải năm giảm” về hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế đối
với nông dân trồng lúa. Đồng thời, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của

nông dân trồng lúa từ đó gợi ý một số giải pháp nhằm tăng thu nhập cho nông dân
trồng lúa trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể là cơ sở cho chính
quyền địa phương, các hộ nông dân tham khảo để có những giải pháp cụ thể và khả
thi nhằm nâng cao hiệu quả của việc UDNNCNM và nâng cao thu nhập của nông
dân trồng lúa trên địa bàn thành phố Long Xuyên.
7. Bố cục của luận văn
Kết cấu của luận văn được trình bày như sau:
Phần mở đầu: Giới thiệu tổng quan về đề tài nghiên cứu: lý do nghiên cứu;
mục tiêu nghiên cứu; câu hỏi nghiên cứu; đối tượng, phạm vi nghiên cứu; phương
pháp nghiên cứu và ý nghĩa thực tiễn của đề tài nghiên cứu.


5

Chương 1: Trình bày tổng quan lý thuyết về chương trình “Một phải năm
giảm”; những cơ sở lý thuyết liên quan đến thu nhập và các nhân tố ảnh hưởng đến
thu nhập của nông dân trồng lúa. Ghi nhận các nghiên cứu trước đó ở trong và
ngoài nước về thu nhập.
Chương 2: Trình bày tổng quan về đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội và tình
hình phát triển nông nghiệp ở thành phố Long Xuyên.
Chương 3: Trình bày phương pháp nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và nguồn
dữ liệu cho nghiên cứu.
Chương 4: Trình bày kết quả nghiên cứu, phân tích thống kê dữ liệu nghiên
cứu, phân tích kết quả của mô hình nghiên cứu.
Phần Kết luận và kiến nghị: Tổng kết toàn bộ kết quả nghiên cứu, từ đó đưa ra
một số giải pháp có tính chất gợi ý nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa
trên địa bàn thành phố Long Xuyên.


6


CHƯƠNG I
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Cơ sở lý thuyết về kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp
1.1.1. Lược khảo lý thuyết
1.1.1.1. Các khái niệm
Nông nghiệp theo nghĩa hẹp là ngành sản xuất ra của cải vật chất mà con
người phải dựa vào quy luật sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm
như lương thực, thực phẩm… để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Nông nghiệp theo
nghĩa rộng còn bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không
kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (Luật
Khoa học công nghệ, 2013).
Theo Đinh Phi Hổ (2008), công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình,
kỹ năng, bí quyết, công cụ và phương tiện nhằm biến đổi các nguồn lực thành các
sản phẩm hay dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Công nghệ được coi là sự
kết hợp giữa phần cứng và phần mềm. Phần cứng là máy móc, nhà xưởng, thiết bị.
Phần mềm bao gồm 3 thành phần: con người (kiến thức, kỹ năng, tay nghề, kinh
nghiệm), thông tin (bí quyết, quy trình, phương pháp) và tổ chức (sắp xếp, điều
phối, quản lý).
Theo Vũ Đình Thắng (2011), công nghệ là tập hợp những kiến thức của con
người, nhưng đã được chuyển hóa thành phương thức và phương pháp sản xuất, đã
được vật chất hóa trong công cụ lao động, đối tượng lao động, trong quy trình công
nghệ hoặc kết tinh thành kỹ năng, kỹ xảo hay kết hợp các yếu tố đầu vào sao cho có
hiệu quả nhất của người lao động trong sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ khoa học
công nghệ trong nông nghiệp có thể phân nhóm như sau: tiến bộ kỹ thuật trong việc
sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trong việc cải tạo đất; sử dụng
nguồn nước trong nông nghiệp và vấn đề bảo vệ môi trường; trong việc sử dụng các



7

phương tiện cơ khí; những tiến bộ liên quan đến người lao động gồm: trình độ văn
hóa, kỹ năng, kỹ xảo, trình độ quản lý…
Như vậy có thể nói ứng dụng nông nghiệp công nghệ mới là việc đưa các công
nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm
đạt năng suất và chất lượng cao hơn.
1.1.1.2. Cơ sở hình thành chương trình “Một phải năm giảm”
Chương trình “Ba giảm ba tăng” có nội dung: Ba giảm là giảm lượng giống,
giảm phân đạm, giảm thuốc trừ sâu; Ba tăng là tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng
lợi nhuận. Chương trình “Ba giảm ba tăng” được công nhận là tiến bộ kỹ thuật để
tăng hiệu quả sản xuất lúa cao sản theo Quyết định số 1579/QĐ/BNN-KHCN ngày
30/7/2005 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chương trình “Một phải năm giảm” là sự mở rộng của chương trình “Ba giảm
ba tăng” và tiếp tục đưa vào áp dụng các kỹ thuật mới như phải dùng giống xác
nhận, áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẻ (ADW-Alternate Wettingand Drying) để
giảm sử dụng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch chủ yếu là dùng máy gặt
đập liên hợp và phơi, sấy đúng kỹ thuật.
Theo Quyết định số 532/QĐ-TT-CLT ngày 07/11/2012 của Cục Trồng trọt về
việc công nhận “Ứng dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp “Một phải năm giảm” ở
Đồng bằng Sông Cửu Long” là tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình áp dụng được
công nhận chủ yếu là:
Về đất: Chuẩn bị kỹ, trang bằng mặt ruộng;
Về giống: Sử dụng giống xác nhận, lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha,
gieo sạ đồng loạt, tập trung “né rầy”;
Về phân bón: Bón phân theo nhu cầu của cây lúa, tránh bón thừa phân đạm;
Quản lý nước tưới theo phương pháp ướt khô xen kẻ;
Quản lý dịch hại lúa: tuân thủ theo IPM, hạn chế phun thuốc trong giai đoạn
lúa đẻ nhánh (dưới 40 ngày tuổi); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo
nguyên tắc “ Bốn đúng” (đúng lúc, đúng thuốc, đúng liều, đúng cách);

Thu hoạch lúa đúng độ chín và sử dụng máy gặt đập liên hợp.


8

Như vậy theo các khái niệm ở phần 1.1.1.1, trên lĩnh vực khoa học công nghệ
có thể nói chương trình “Một phải năm giảm” được xem là công nghệ mới trong
nông nghiệp vì gồm cả phần cứng như vật tư nông nghiệp, công cụ và phần mềm là
quy trình kỹ thuật được áp dụng nhằm tạo ra sản phẩm và làm tăng hiệu quả sản
xuất lúa. Do đó trong phạm vi luận văn nghiên cứu là tác động của việc ứng dụng
chương trình khuyến nông “Một phải năm giảm” được tác giả gọi tắt là ứng dụng
nông nghiệp công nghệ mới (và viết tắt là UDNNCNM).
1.1.2. Các nghiên cứu thực nghiệm
Theo Nguyễn Văn Hòa và cộng sự (2006), từ năm 2001 đến năm 2005 tại
Đồng bằng Sông Cửu Long, sản lượng và năng suất lúa tăng chủ yếu do công tác
chọn tạo, phát triển giống mới và sử dụng giống xác nhận ngày càng tăng.
Theo Phạm Văn Kim (2005), khoảng cách trồng ảnh hưởng đến sự phát triển
của dịch bệnh. Việc trồng thưa giúp thông thoáng, giảm ẩm độ, không làm giảm
nhiệt độ bên dưới tán cây, giúp giảm sự phát triển của dịch bệnh và giúp giảm sự
lây lan của dịch bệnh. Khoảng cách trồng phụ thuộc vào kỹ thuật canh tác và tại An
Giang đã đạt được ở mức khuyến cáo từ 80-100 kg/ha. Qua đó, năng suất vẫn đảm
bảo ổn định và lợi nhuận đạt được cao hơn do giảm được chi phí từ các khâu kỹ
thuật khác.
Theo Nguyễn Hữu Huân (2006), ruộng càng bón nhiều phân đạm thì thiệt hại
do sâu bệnh gây ra càng nặng. Ruộng lúa bón đạm cao (200 kgN/ha) bị rầy nâu gây
hại ở mật số cao, tỉ lệ thiệt hại do sâu cuốn lá, sâu đục thân và bệnh đạo ôn gia tăng.
Theo báo cáo nghiệm thu mô hình thử nghiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật
tỉnh An Giang (năm 2009), qua điều tra 175 hộ nông dân cho thấy việc ứng dụng
mô hình “Một phải năm giảm” bước đầu mang lại hiệu quả như: nông dân trong mô
hình sử dụng 85% giống xác nhận, nông dân ngoài mô hình sử dụng 41,7% giống

xác nhận; nông dân trong mô hình giảm được 24,5kg giống/ha, 6,9 kgN/ha, 0,6
lần/vụ thuốc trừ sâu, giảm 0,5 lần tưới nước so với nông dân canh tác theo tập quán.
Đoàn Ngọc Phả và cộng sự (2010), qua kết quả điều tra 146 hộ nông dân cho
thấy nông dân tham gia chương trình “Một phải năm giảm” đạt hiệu quả kỹ thuật là:


9

giảm được 40,35kg giống/ha, 15,33 kgN/ha, 1 lần phun thuốc trừ sâu rầy, 0,6 lần
phun thuốc trừ bệnh, giảm một số lần bơm tưới so với nông dân canh tác theo tập
quán. Trong vòng 40 ngày sau khi sạ 70,5 % nông dân “Một phải năm giảm” không
phun thuốc trừ sâu, trong khi chỉ có 37,3% nông dân canh tác theo tập quán không
phun. Tuy nhiên, năng suất lúa tương đương nhau là 7,4 tấn/ha.
Theo Asea và cộng sự (2010), nông dân nên sử dụng giống chất lượng tốt vì
giống chất lượng tốt có thể làm tăng năng suất từ 5-20%.
Theo Feder và Slade (1993) và Van den Ban (1996), tổ chức khuyến nông làm
cầu nối giữa công nghệ mới và người ứng dụng nó. Thông qua các chương trình
huấn luyện, các hộ cộng tác viên hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, hệ
thống khuyến nông chuyển giao các công nghệ mới đến nông dân. Vì vậy, hệ thống
khuyến nông có vai trò quyết định đối với việc nâng cao kiến thức nông nghiệp cho
nông dân và ứng dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng cho đa số nông dân.
1.2. Cơ sở lý thuyết về thu nhập và các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập
1.2.1. Lược khảo lý thuyết
Theo Tổng cục Thống kê (2010): thu nhập của hộ là toàn bộ chi phí và giá trị
hiện vật quy thành chi phí sau khi đã trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên
của hộ nhận được trong một thời gian nhất định, thường là một năm.
Trong nghiên cứu này, nguồn thu nhập của nông dân trồng lúa là thu nhập từ
việc bán lúa sau khi đã trừ đi các chi phí (chi phí giống lúa, chi phí thuốc bảo vệ
thực vật, chi phí phân bón, chi phí bơn nước, chi phí thu hoạch,…) và chi phí công
lao động (công lao động gia đình và lao động thuê mướn).

1.2.2. Khảo lược các nghiên cứu thực nghiệm:
Theo Scoones (1998) cho rằng có hai yếu tố tác động đến thu nhập của hộ gia
đình: một là, các khoản tiết kiệm và tín dụng; hai là,vốn con người (gồm giáo dục
và lực lượng lao động).
Theo Karttunen (2009) cho rằng nguồn lực vốn con người và các yếu tố xã hội
như giới tính, trình độ kiến thức của chủ hộ có ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia
đình. Theo Phandanouvong (1998), trình độ giáo dục và độ tuổi của chủ hộ ảnh


10

hưởng tới thu nhập của hộ. Safa (2005) chứng minh các đặc trưng như: Độ tuổi, quy
mô lao động của hộ, kinh nghiệm sản xuất và kiến thức về lĩnh vực sản suất ảnh
hưởng đến thu nhập của hộ.
Theo Đinh Phi Hổ và Chi Vandy (2010) cho rằng diện tích đất nông nghiệp,
trình độ ứng dụng công nghệ sinh học, trình độ ứng dụng công nghệ cơ giới, trình
độ kiến thức nông nghiệp của chủ hộ ảnh hưởng thuận chiều đến thu nhập của hộ
nông dân.
Theo Đinh Phi Hổ và Hoàng Thị Thu Huyền (2010), cho rằng diện tích đất
nông nghiệp, trình độ kiến thức của chủ hộ, mô hình đa dạng ảnh hưởng thuận chiều
đến thu nhập của hộ nông dân.
Theo Đỗ Quang Giám và Trần Quang Trung (2013), cho rằng các hộ nông dân
chăn nuôi heo thịt tham gia kết nối thị trường ở các mô hình khác nhau đều có mức
thu nhập cao hơn so với các hộ không tham gia. Và các nhân tố như quy mô sản
xuất, trình độ học vấn, địa vị xã hội và biến động giá sản phẩm trên thị trường ảnh
hưởng đến khả năng tham gia kết nối nông dân – thị trường của nông hộ.
Theo Đinh Phi Hổ và Nguyễn Văn Hòa (2014), cho rằng kiến thức nông
nghiệp, chi phí sản xuất năm, vốn vay ngân hàng và kinh nghiệm sản xuất của chủ
hộ ảnh hưởng đến thu nhập của hộ sản xuất nước cốt bần.
Theo Đinh Phi Hổ và Trương Châu (2014), cho rằng trình độ văn hóa của chủ

hộ, quy mô hộ, quy mô diện tích đất nông nghiệp, số hoạt động tạo thu nhập và kinh
nghiệm sản xuất của chủ hộ ảnh hưởng đến thu nhập của hộ.
1.2.3. Các nhân tố tác động đến thu nhập của hộ gia đình
Qua khái niệm và các nghiên cứu nêu trên, các nhân tố tác động đến thu nhập
của hộ gia đình nông thôn bao gồm:
Nghề nghiệp của chủ hộ: Người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp
thường có thu nhập thấp hơn người lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông
nghiệp, do lĩnh vực này thường có nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh hay giá cả
không ổn định. Nguyễn Hữu Tịnh (2010), trong 330 hộ mẫu điều tra tại huyện Bù
Đăng của tỉnh Bình Phước đã kết luận: tỷ lệ hộ nghèo của nhóm hộ làm nghề phi


11

nông nghiệp là 4,55%, trong khi của nhóm hộ làm nghề nông nghiệp là 11,19%, cao
gấp 2,46 lần. Theo Nguyễn Thị Yến Mai (2011), tại các xã biên giới tỷ lệ nghèo của
nhóm hộ làm nghề phi nông nghiệp là 32,39%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của nhóm
hộ làm nghề nông nghiệp chiếm đến 54,96%. Qua đó, cho thấy thu nhập của nhóm
hộ làm nghề nông nghiệp thấp nhiều so với nhóm hộ làm nghề phi nông nghiệp.
Kinh nghiệm của chủ hộ: Chủ hộ có số năm làm việc càng nhiều thì thu nhập
bình quân của hộ sẽ càng tăng. Bùi Quang Bình (2008), ứng dụng hàm Mincer
nghiên cứu về vốn con người đối với thu nhập của hộ sản xuất cà phê ở Tây
Nguyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm làm việc có ảnh hưởng đến thu
nhập, nếu chủ hộ có số năm kinh nghiệm tăng 1 điểm thì thu nhập của hộ tăng 0,577
điểm. Tại Vĩnh Long, Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2011) kết luận: số năm kinh
nghiệm làm việc của chủ hộ càng nhiều thì thu nhập bình quân của hộ sẽ càng tăng.
Trình độ học vấn của chủ hộ: Người có trình độ học vấn thấp thường thiếu
hiểu biết và khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp để ứng dụng vào sản
xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập cho hộ. Solow (1957)
cho rằng giáo dục làm cho lao động hiệu quả hơn. Điều này xuất phát từ thực tế là

giáo dục cho phép mọi người thích nghi dễ dàng hơn với những thay đổi của xã hội
và kỹ thuật. Vì vậy, trình độ học vấn có ảnh hưởng đến khả năng tăng thu nhập của
hộ gia đình. Bùi Quang Bình (2008) và Nguyễn Đức Thắng (2002) cũng kết luận
rằng những người có trình độ học vấn cao hơn sẽ có mức thu nhập cao hơn.
Giới tính của chủ hộ: Ở khu vực nông thôn vẫn còn quan điểm “Trọng nam”
nên phần lớn chủ hộ là nam. Lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là lao động cơ bắp nên
phần lớn những hộ có chủ hộ là nam thường có năng suất cao hơn, nên thu nhập
cũng cao hơn. Theo Nguyễn Trọng Hoài (2010), ở các nước đang phát triển, nơi còn
nhiều thành kiến khắc khe về vai trò của người phụ nữ thì giới tính của chủ hộ có
ảnh hưởng đến khả năng nghèo của hộ. Những hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới có
khả năng nghèo cao hơn những hộ có chủ hộ là nam giới, đặc biệt là những vùng
nông thôn nghèo, nơi mà phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận những việc làm với thu nhập
cao mà thường xuyên làm việc nội trợ trong nhà, cuộc sống dựa vào nguồn thu nhập


12

từ nam giới. Bùi Quang Bình (2008) kết luận giới tính của chủ hộ có ảnh hưởng tới
thu nhập của hộ, nếu chủ hộ là nam giới thì thu nhập của hộ sẽ cao hơn 0,237 điểm
so với hộ có chủ hộ là nữ giới.
Tỷ lệ phụ thuộc: là tỷ lệ thể hiện sự phụ thuộc của số người không có khả năng
tạo ra thu nhập trong hộ so với số lao động chính của hộ. Theo Nguyễn Trọng Hoài
(2010), người phụ thuộc là người không tham gia lao động tạo ra thu nhập cho hộ
gia đình. Người phụ thuộc càng cao thì gánh nặng cho gia đình càng lớn do vậy sẽ
làm giảm thu nhập bình quân của hộ gia đình. Theo Nguyễn Sinh Công (2004) đã
nghiên cứu thực nghiệm và có kết luận nếu tỷ lệ phụ thuộc càng cao thì thu nhập
bình quân đầu người của hộ càng thấp.
Quy mô diện tích đất: Trong lĩnh vực nông nghiệp, đất là tư liệu sản xuất
chính và có tính quyết định để tạo ra thu nhập cho hộ gia đình. Do đó, những hộ
nông dân không có hoặc có ít đất sản xuất thì thu nhập thường thấp. Nguyễn Sinh

Công (2004) và Mwanza (2011) đã chứng minh thu nhập của hộ tỷ lệ thuận với diện
tích đất sản xuất, tức là diện tích đất càng nhiều thì thu nhập của hộ càng cao.
Khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức: là khả năng hộ nông dân có thể
vay vốn ở các ngân hàng với lãi suất theo quy định để đầu tư phát triển kinh tế gia
đình. Nguyễn Bích Đào (2008) cho rằng tín dụng có vai trò quan trọng trong phát
triển kinh tế nông thôn. Vốn là điều kiện tiên quyết kết hợp với trình độ sản xuất
kinh doanh, tiếp thu khoa học kỹ thuật và nhanh nhạy nắm bắt thị trường từ đó giúp
nhiều hộ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất,
tăng sản lượng, tăng tỷ trọng hàng hoá và hạ giá thành sản phẩm. Do vậy, để đảm
bảo nguồn vốn cho sản xuất, người nông dân phải vay thêm vốn từ các định chế
chính thức và không chính thức. Tuy nhiên không phải hộ dân nào cũng có khả
năng tiếp cận các nguồn tín dụng dẫn đến thiếu vốn đầu tư, họ không thể mua
nguyên liệu phục vụ sản xuất như giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, đầu tư máy
móc, thiết bị nên khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Kiến thức nông nghiệp: có thể xem là tổng thể các kiến thức về kỹ thuật, kinh
tế và cộng đồng mà người nông dân có được và ứng dụng vào hoạt động sản xuất


13

của họ. Theo Hsieh, S.C. (1963), kiến thức nông nghiệp của nông dân phụ thuộc
vào mức độ mà họ tiếp cận với các hoạt động cộng đồng ở vùng nông thôn.
Wharton C.A. (1959) nhận thấy với tất cả các nguồn lực đầu vào giống nhau, hai
nông dân khác nhau về trình độ kỹ thuật nông nghiệp sẽ có kết quả sản xuất khác
nhau. Đinh Phi Hổ (2008) cho rằng trình độ kiến thức nông nghiệp tác động cùng
chiều đến thu nhập của nông dân ở Việt Nam. Kiến thức nông nghiệp bao gồm kiến
thức chung về nông nghiệp và kiến thức kỹ thuật nông nghiệp. Kiến thức chung về
nông nghiệp có thể được xem xét bởi mức độ tham gia của nông dân vào các hoạt
động cộng đồng ở nông thôn. Kiến thức kỹ thuật nông nghiệp của nông dân là một
bộ phận quan trọng và quyết định đến trình độ kiến thức nông nghiệp của nông dân.

1.3. Kinh nghiệm thực tiễn nâng cao thu nhập hộ gia đình nông thôn
1.3.1. Kinh nghiệm ngoài nước
Theo Trần Việt Dũng (2015), ở Thái Lan thực hiện chính sách đẩy mạnh ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong nông nghiệp để nâng cao
thu nhập của hộ gia đình nông thôn. Do diện tích đất nông nghiệp có hạn nên Thái
Lan đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật, nhằm cải tạo đất trồng, lai tạo các giống cây trồng mới có khả năng
thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn. Để giữ và nâng cao độ phì
nhiêu đất nông nghiệp, Thái Lan sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và
thuốc trừ sâu sinh học. Thông qua đó, vừa giúp sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm
nhập khẩu phân bón và nâng cao xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch. Ở Thái Lan hiện
nay, mức độ cơ giới hóa đã bao phủ từng thửa ruộng. Ngay cả những khâu sau thu
hoạch cũng được cơ giới hóa toàn bộ. Nhưng bí quyết thành công của nông dân
Thái Lan chính là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với
việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Bởi do điều kiện tự nhiên
khác nhau nên nhiều vùng cần phải có những công nghệ và kỹ thuật canh tác đặc
thù. “Nút thắt cổ chai” trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát
triển bền vững đã được các nhà khoa học tháo gỡ bằng công nghệ sinh học (công
nghệ biến đổi gien, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi,...)


14

Theo Phạm Đi (2015), ở Nhật Bản thực hiện chính sách phát huy các ngành
nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Nhằm phát huy những
tiềm năng và lợi thế của từng thôn, làng, tăng lợi thế cạnh tranh các sản phẩm đặc
thù của mỗi địa phương, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, nâng cao thu nhập
cho nông dân, dần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, Nhật Bản phát
động phong trào “mỗi làng một sản phẩm”. Mỗi địa phương, tùy vào điều kiện và
hoàn cảnh cụ thể của mình, lựa chọn những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc

trưng của địa phương để phát triển. Yếu tố thành công chủ yếu của phong trào là
nhận biết những nguồn lực chưa được sử dụng tại địa phương trước khi vận dụng
nguồn lực một cách sáng tạo để cung cấp trên thị trường. Có ba nguyên tắc cơ bản
để phát triển phong trào “mỗi làng một sản phẩm”: Hành động địa phương, suy nghĩ
toàn cầu; Tự tin sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực. Điều lý thú của chương trình
vận động “mỗi làng một sản phẩm” là không chỉ “chiến thắng” ở thị trường nội địa
mà còn gây tiếng vang ở thị trường quốc tế.
1.3.2. Kinh nghiệm trong nước
Theo Hải Lăng (2015), ở tỉnh Khánh Hòa trong 4 năm triển khai xây dựng
nông thôn mới, từ nguồn vốn gần 8,35 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của ngân sách Trung
ương và vốn đối ứng của người dân), các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ các mô
hình phát triển giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ
trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ SX cho nông dân; hỗ trợ các ngành nghề nông
thôn... Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ hơn
26,74 tỷ đồng cho 16.152 hộ dân, 7 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và 1 trang trại thực hiện
phát triển sản xuất. Cùng với đó, việc dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp
đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ. Việc thiết kế lại
ruộng đồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân áp
dụng cơ giới hóa vào sản xuất, có điều kiện tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Cũng nhờ chính sách này xuất phát từ lợi ích của nông dân nên đã tạo được sự đồng
thuận cao trong nhân dân.


15

Kết luận chương 1
Trong chương này luận văn đã đề cập đến tổng quan lý thuyết về nông nghiệp
công nghệ mới, trong phạm vi luận văn là chương trình khuyến nông chuyển giao
ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới “Một phải năm giảm”; làm rõ khái niệm về thu
nhập và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nông dân. Đồng thời, ghi nhận

và đánh giá các nghiên cứu trước đó về hiệu quả của việc ứng dụng chương trình
khuyến nông chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới “Một phải năm giảm”;
đánh giá về mối quan hệ giữa các yếu tố tác động đến thu nhập, để từ đó làm cơ sở
cho việc lựa chọn mô hình nghiên cứu.


×