Khái quát chung về ngành dệt may và năng lực cạnh tranh của các
doanh nghiệp Việt Nam
1.1. Khái quát chung về ngành dệt may Việt Nam
1.1.1. Nguồn gốc, lịch sử hình thành
1.1.1.1. Lịch sử ngành dệt may
Dệt may là một trong những hoạt động có từ xưa nhất của con người. Sau thời
kỳ ăn lông ở lỗ, lấy da thú che thân, từ khi biết canh tác, loài người đã bắt chước thiên
nhiên, đan lát các thứ cỏ cây làm thành nguyên liệu.
Theo các nhà khảo cổ thì sợi lanh là nguyên liệu dệt may đầu tiên của con người.
Sau đó sợi len xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà và sợi bông ở ven sông Indus. Trong thời kỳ
cổ đại, may dệt cũng tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng và sinh hoạt kinh tế: các dân tộc sống
về chăn nuôi dùng len (Lưỡng Hà, Trung Đông và Trung Á), vải lanh phổ biến tại Ai
Cập và miền Trung Mỹ, vải bông tại Ấn Độ và lụa (tơ tằm) tại Trung Quốc. Các dân tộc
Inca, Maya, Tolteca, v.v. tại châu Mỹ thì dùng các sợi chuối và sợi thùa. Theo Kinh Thi
của Khổng Tử, tơ tằm được tình cờ phát hiện vào năm 2640 trước Công nguyên. Sau
khi vua Phục Hy, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, khuyến khích dân chúng trồng
dâu nuôi tằm, tơ lụa trở thành một ngành phồn thịnh, một trong những hàng hoá đầu
tiên trao đổi giữa Đông và Tây. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc là nước duy nhất sản
xuất và xuất khẩu lụa và tơ tằm. Con Đường Tơ Lụa, còn được truyền tụng đến ngày
nay, không chỉ là địa bàn của các nhà buôn mà còn mở đường cho các luồng giao lưu
văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, và cả các cuộc viễn chinh binh biến.
Tuy các kỹ thuật may dệt đã mau chóng đạt mức độ tinh vi, có khi thành cả nghệ
thuật, nhưng trong suốt 5 ngàn năm, con người vẫn chỉ dùng các nguyên liệu tự nhiên,
lấy từ cây cỏ như các sợi bông, sợi đay, sợi gai dầu, sợi lanh, hay từ thực vật như da,
sợi len, tơ tằm, v.v. Vì thế sản xuất bị giới hạn, vải vóc vẫn là sản phẩm quí, những y
phục gấm vóc dành cho giai cấp quí tộc, thượng lưu, đại đa số dân chúng chỉ mặc vải
thô, quanh quẩn với một vài màu mè kiểu cọ. Mãi đến giữa thế kỷ 18, với cuộc cách
mạng kỹ nghệ bên Anh và sự ra đời của các máy dệt cơ khí hoá, chạy bằng hơi nước,
ngành dệt mới thật sự ra khỏi sản xuất thủ công để trở thành một kỹ nghệ.
Tuy nhiên, con người vẫn còn lệ thuộc vào thiên nhiên, và nhiều nhà khoa học ở
Âu Châu tìm tòi cách làm ra một loại sợi nhân tạo có thể sản xuất hàng loạt, với giá rẻ.
Phải đợi đến năm 1884, một người Pháp, bá tước Hilaire Bernigaud de Chardonnet mới
phát minh một cách chế tạo tơ nhân tạo, sau 6 năm nghiên cứu. Ông Chardonnet được
coi như cha đẻ của kỹ nghệ sợi hoá học là chữ gọi chung cho các sợi nhân tạo và sợi
tổng hợp. Mục đích của ông khi tìm cách làm tơ nhân tạo là để bình dân hoá vải vóc, để
bất cứ ai cũng có thể có được những bộ quần áo lụa là cho tới lúc ấy chỉ dành cho một
thiểu số. Ông đã thành công hơn dự kiến vì kỹ nghệ phát sinh từ các sáng chế của ông
đã dẫn đến cả một cuộc cách mạng trong may mặc, biến thời trang thành một hiện
tượng quần chúng trong mọi nước. Ngành dệt may từ đó cũng phát triển ngày càng
nhanh, cùng với đà tiến triển của kinh tế và thương mại. Từ 1889 đến 1939, phải sau 50
năm sản lượng sợi hoá học trên thế giới mới đạt mức 1 triệu tấn một năm, nhưng chỉ 12
năm sau đã tăng gấp đôi, và cứ thế tăng vọt.
Năm 1900, trên thế giới có 1,6 tỷ người, tiêu thụ 3,8 triệu tấn sợi, hầu như toàn
bộ là các sợi tự nhiên - bông (81%) và len (19%)-, số sợi hoá học dưới 1000 tấn. Năm
1975, thế giới tiêu thụ 26 triệu tấn sợi, trong đó 50% bông, 6% len và 44% sợi hoá học.
Như thế, chỉ trong 3 phần tư thế kỷ, số lượng tiêu thụ đã nhân lên 4,3 lần cho sợi bông,
2,2 lần cho sợi len, và 11 000 lần cho sợi hoá học. Mức tăng trưởng phi thường này tuy
thế khựng lại sau năm 1973, vì cuộc khủng hoảng về dầu lửa và giai đoạn kinh tế suy
thoái sau đó. Ngoài ra, vì dầu hoả là nguyên liệu chính của sợi hoá học, khuynh hướng
thay thế các sợi tự nhiên bằng sợi hoá học cũng chậm lại và ngày nay sợi tự nhiên, chủ
yếu là bông, vẫn tồn tại trên thị trường, và sợi hóa học chỉ chiếm đa số với khoảng
60% .
Sản phẩm của ngành dệt may không chỉ là quần áo, vải vóc và các vật dụng quen
thuộc như khăn bàn, khăn tắm, chăn mền, nệm, rèm, thảm, đệm ghế, ô dù, mũ nón v.v.
mà còn cần thiết cho hầu hết các ngành nghề và sinh hoạt: lều, buồm, lưới cá, cần câu,
các loại dây nhợ, dây thừng, dây chão, các thiết bị bên trong xe hơi, xe lửa, máy bay,
tàu bè (một chiếc xe hơi trung bình dùng đến 17 kí sợi vải), vòng đai cua-roa, vỏ săm
lốp, ống dẫn, bao bì, và nói chung mọi vật liệu dùng để đóng gói, bao bọc, để lót, để
lọc, để cách nhiệt, cách âm, cách điện, cách thuỷ, và cả những dụng cụ y khoa như chỉ
khâu và bông băng.
Có thể hiểu tại sao ngành dệt may đã đi liền với sự phát triển của các nước công
nghiệp, cùng với sắt thép là hai ngành vừa được ưu tiên thừa hưởng những phát minh
kỹ thuật vừa là động cơ chuyển biến cả nền kinh tế từ thủ công sang công nghiệp trong
thời kỳ cách mạng kỹ nghệ. Điều này cũng giải thích tại sao các nước công nghiệp vẫn
quyết tâm bảo vệ ngành dệt may nội địa trước sự cạnh tranh của các nước nghèo, từ
thập niên 1970 trở đi, khi các nước này tập trung xây dựng ngành này thành trọng điểm
của chiến lược phát triển. Và tại sao đó cũng là một trong những mối tranh chấp căng
thẳng từ nhiều năm trong quan hệ thương mại giữa các nước giàu và nghèo.
1.1.1.2. Ngành dệt may Việt Nam
Ngành dệt may Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Tù
hàng nghìn năm nay người Việt đã biết trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, lanh, gai, đay,
và các cây có xơ để kéo sợi, dệt vải làm nguyên liệu cho ngành may mặc phục vụ cho
đời sống hàng ngày và trong tang lễ, hội hè, đình đám. Bằng chứng cho sự phát triển
này là đến này vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống trên nhiều vùng đất nước
như: lụa Vạn Phúc, khăn Phùng Xá, dệt làng Mẹo, thổ cẩm Mai Châu… Tuy vậy phải
đến cuối thế kỷ XIX ngành dệt may mới manh nha hình thành và phát triển trong hình
hài một ngành công nghiệp
Ngành dệt may Việt Nam có thể chia làm 2 giai đoạn
Giai đoạn từ thời Pháp thuộc đến năm 1975: viên gạch đầu tiên đầu tiên đặt
nền móng cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam là sự ra đợi của một vài xí
nghiệp có quy mô sản xuất công nghiệp như công ty bông vải Bắc kỳ tiền thân của công
ty dệt Nam Định ngày nay, xí nghiệp tơ tằm Delignon ở Nam Trung bộ do người Pháp
đầu tư và một vài cơ sở dệt kim tư nhân rất nhỏ bé tập trung ở các thành phố lớn như
Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn - Chợ Lớn.. Tuy nhiên ngành dệt may Việt
Nam lúc bấy giờ, dù phát triển rộng khắp ở các đô thị, thị trấn, vùng quê, nhưng hầu
như vẫn sản xuất theo phương thức thủ công, ngành công nghiệp may sẵn chưa có vị trí
đáng kể nào.
Đến năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, chính phủ có chủ trương phát triển
phát triển ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn nên
đã sớm ban hành nhiều chính sách nhằm chấn hưng ngành công nghiệp non trẻ này. Đó
là phục hồi các nhà may do Pháp để lại và khuyến khích các nhà máy sản xuất trở lại,
thành lập các công ty gia công dệt may để khuyến khích, phát huy và thu mua các sản
phẩm dệt may ở các làng nghề thủ công tham gia vào giải quyết vải tiêu dùng trong
nhân dân và xuất khẩu. Đồng thời mở hàng loạt các xí nghiệp dệt công nghiệp mới của
nhà nước với trang thiết bị nhập từ Trung Quốc và các nước Đông Âu như dệt Nam
Định, tơ Nam Định, len Hải Phòng, dệ 8/3, dệt kim Đông Xuân… và các xí nghiệp địa
phương như dệt kim Thăng Long, dệt khăn Minh Khai… cùng hàng loạt các xí nghiệp
may mới ra đời thu hút rất nhiều lao động như May 10, May Thăng Long, May Chiến
Thắng… nhiều xí nghiệp công tư hợ danh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dệt, may ở
các thành phố, thị xã, thị trấn
Toàn ngành công nhiệp và tiểu thủ công nghiệp dệt may miền Bắc, thời kỳ 1945-1975
đã đáp ứng được nhu cầu về vải cho tiêu dùng, phục vụ đời sống xã hội với mức bình
quân 5 mét vải/ người và hàng năm xuất khẩu hàng trăm triệu sản phẩm may mặc sang
các nước Đông Âu dưới dạng vỏ chăn, áo gối, quần áo bảo hộ lao động, áo choàng y
tế… theo hiệp định hàng đổi hàng được ký giữa chính phủ hai nước.
Giai đoạn từ năm 1975 đến nay : đất nước thống nhất, tiếp quản thêm nhiều xí
nghiệp ở miền Nam, ngành dệt may mở rộng tầm quản lý với quy mô to lớn và cũng đa
dạng hơn. Từ sản phẩm thuần chủng bông thiên nhiên, chúng ta đã sản xuất và xuất
khẩu sản phẩm bông pha hỗn hợp, từ sản phẩm may cấp thấp đã dần vươn lên thành sản
phẩm cao cấp hơn như sản phẩm sơ mi thời trang, jacket, quần bò, complet… Với chủ
trương đưa ngành dệt may trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hướng ra xuất khẩu và
phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, vì thế nhà nước vừa khai thác, phát huy tiềm
lực sẵn có, vừa không ngừng mở rộng phát triển vả chiều rộng lẫn bề sâu
1.1.2. Thực trạng về ngày dệt may hiện nay
Ngày nay, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn hướng ra xuất khẩu và ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong đời
sống kinh tế xã hội.
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hàng tỷ USD, chỉ đứng sau ngành dầu khí về
xuất khẩu, tăng trưởng hàng năm luôn trên 20%. Thậm chí năm 2007 dệt may đã vươn
lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu, vượt qua cả dầu thô, với kim
ngạch đạt 7.75 tỷ USD, tăng 32.8% so với năm 2006, đồng thời lọt vào top 5 quốc gia
xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới và theo dự báo, trong năm nay, Việt Nam sẽ vượt
qua Ấn Độ và Mexico trở thành cường quốc xuất khẩu dệt may thứ 2 thế giới, sau
Trung Quốc. Thành tựu này là kết quả nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của ngành hàng.
Đặc biệt, trong đó là những bước đi khôn ngoan khi mở rộng thị trường và vượt qua
những rào cản của thị trường Mỹ. Theo dự báo của phòng thương mại Việt- Mỹ doanh
thu năm 2007 của Việt Nam vào thị trường Mỹ chiếm đến 43% trong tổng kim ngạch
nhập khẩu sản phẩm này tại Mỹ. Phải nói đây là một thắng lợi lớn về kinh tế trong giai
đoạn phát triển của ngành dệt may VN, quan trọng hơn là trong những năm qua ngành
dệt may VN đã giải quyết được hàng chục vạn lao động, góp phần cùng đất nước giải
quyết tình trạng thất nghiệp, xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị và phát triển kinh tế
đất nước. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thu hút nhiều làn sóng đầu tư của nước ngoài vào
Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài ước tính chiếm khoảng
25% tổng số các doanh nghiệp dệt may của cả nước. Dự kiến trong năm 2008, kim
ngạch xuất khẩu của hàng dệt may tiếp tục tăng cao, theo dự đoán khoảng 9,6 tỷ USD
nếu biết giữ vững các thị trường truyền thống như Mỹ- thị trường chiếm 55% tổng kim
ngạch xuất khẩu dệt may, EU- thị trường chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu và Nhật
Bản- chiếm 10%, đồng thời tìm kiếm thêm những thị trường mới.
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng khen như vậy trong thời gian qua, ngành
dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Những kết quả trên một phần là do ngành
may, trong khi may phát triển mạnh và được coi là một trong năm nước có năng lực
cạnh tranh thì ngành dệt lại đang bị tụt hậu 20 năm so với thế giới. Đạt được kim ngạch
xuất khẩu lớn như vậy, nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành dệt may còn thấp do chưa
chủ động được nguồn nguyên liệu mà vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài đến 80%, điều
đó cho thấy phần nào năng lực cạnh tranh kém cỏi của các doanh nghiệp dệt Việt Nam.
Trong khi đó, ngành dệt Việt Nam vẫn chủ yếu là phục vụ thị trường nội địa. Nhưng
nếu tình hình này không sớm được cải thiện thì các doanh nghiệp dệt có khả năng mất
chỗ đứng ngay trong thị trường nội địa trong tương lai gần. Bởi vì có thể so sánh trong
khi một nhà máy dệt của Trung Quốc trung bình có khoảng 6.000 máy dệt thì các doanh
nghiệp dệt Việt Nam chỉ có khoảng vài trăm máy, đa phần là cũ, lạc hậu. Theo ông Lê
Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, khoảng cách về trình độ phát triển
giữa ngành Dệt Việt Nam và các nước khá xa. Nếu xếp theo thang điểm 10, thì ngành
Dệt Việt Nam chỉ đạt khoảng 3-3,5 điểm, chưa đạt mức trung bình của thế giới. Thiết bị
lạc hậu dẫn đến chất lượng vải nội không ổn định, độ bền màu kém, khiến cho khách
hàng đặt may không dám lựa chọn vải nội, buộc các doanh nghiệp may gia công lại
phải nhập khẩu vải từ các công ty nước ngoài. Không chỉ may gia công, ngay cả các
công ty may phục vụ tiêu dùng nội địa cũng không dám mạo hiểm thương hiệu của
mình khi mua vải chất lượng kém để sản xuất những mặt hàng của mình. Điều đó làm
ngành Dệt càng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, những doanh nghiệp Dệt trong nước làm
ăn được hầu hết đều là các doanh nghiệp tư nhân hoặc liên doanh có vốn đầu tư nước
ngoài. Do vậy việc quan tâm cũng như tìm một hướng đi và nâng cao sức cạnh tranh
cho hàng dệt may, đặc biệt là ngành dệt Việt Nam trong thời gian tới là một vấn đề hết
sức quan trọng.
1.1.3 Những thuận lợi và khó khăn của ngành dệt may Việt Nam trong điều kiện
Việt Nam là thành viên WTO
1.1.3.1 Cơ hội
Trước tiên phải nói đến là trở thành thành viên của WTO, Việt Nam sẽ được dỡ
bỏ hạn ngạch, đồng thời được đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia cũng như các thị
trường khác trên thế giới. Điều bày đặc biệt quan trọng bởi Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy
mạnh xuất khẩu và tăng kim ngạch cũng như mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường. Cơ
hội cũng mở ra khi Việt Nam có điều kiện khai thác một thị trường rộng lớn và đầy
tiềm năng như Mỹ, bởi vì Mỹ sẽ không áp dụng biện pháp tự vệ với Việt Nam như đã
áp dụng khi đàm phán gia nhập WTO với Trung Quốc trước đây do thoả thuận của hiệp
định thương mại Việt - Mỹ.
Bên cạnh đó các rào cản xuất khẩu cũng dỡ bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam
không còn phải lo chạy vạy hạn ngạch, cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị
trường mới mở rộng rất nhiều. Từ chỗ chỉ được xuất khẩu theo hạn ngạch, đến nay các
doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu theo năng lực thị trường, doanh nghiệp Việt
Nam sẽ có điều kiện thâm nhập mạnh vào các thị trường nước ngoài.
Dòng đầu tư nước ngoài mới tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong đó ngành dệt may
là một trong những ngành thu hút đầu tư mạnh, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ
cho sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế cũng như ngành dệt may cơ hội
phát triển hơn nữa. Đặc biệt sự phát triển của ngành may sẽ là động lực tạo điều kiện
phát triển theo và thu hút đầu tư vào ngành dệt và nhuộm. Trên cơ sở đó tiếp tục thu hút
một lực lượng lao động lớn góp phần giải quyết việc làm cho xã hội.
Đồng thời với dòng đầu tư nước ngoài ngành dệt may Việt Nam cũng đón nhận
trình độ quản lý và công nghệ mới tạo điều kiện cải thiện những máy móc thiết bị đã
cũ, lạc hậu và tư duy cũng như công tác quản lý không còn phù hợp với điều kiện thị
trường.
Việc sản xuất kinh doanh cũng nhiều thuận lợi hơn do thuế nhập khẩu nguyên,
phụ liệu giảm và nguồn cung cấp cũng phong phú hơn, tạo điều kiện cho việc giảm giá
thành, tăng chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao sực cạnh tranh của hàng dệt may Việt
Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời khi là thành viên WTO, với một thị trường rộng lớn và môi trường
kinh doanh năng động và nhiều biến động hơn sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam cọ
sát với thực tế và thích ứng với quy tắc, thông lệ và luật kinh doanh quốc tế. Những bài
học từ các vụ kiện chống bán phá giá sẽ giúp cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm và
thực tiễn để đối phó với những sự kiện tiếp theo.
1.1.3.2. Thách thức
Ngành Dệt-May sử dụng một số nguyên phụ liệu chủ yếu như bông xơ,... dựa
vào nguồn nhập khẩu là chính. Trong khi đó giá dầu trên thế giới bị biến động do tình
hình chính trị trong một số khu vực trên thế giới không ổn định; hơn nữa với việc áp
thuế nhập khẩu cho mặt hàng xơ polyester để bảo vệ và kích thích sản xuất trong nước
của Chính phủ, làm cho giá nhập xơ cao, trong khi sản xuất trong nước về bông, xơ
không đáp ứng được nhu cầu (đáp ứng bông khoảng 5%, xơ tổng hợp khoảng 30%),
cho nên các doanh nghiệp vẫn phải nhập để đảm bảo sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất Dệt-Nhuộm chưa có hiệu quả, đặc biệt là chưa làm
chủ được kỹ thuật, làm chất lượng vải không ổn định. Vì vậy, chưa được khách hàng
tiêu thụ sản phẩm may đánh giá để có thể trở thành nhà cung cấp vải cho các doanh
nghiệp may gia công trong nước chứ chưa nói đến việc gia tăng xuất khẩu vải (vải đáp
ứng: dệt kim khoảng 60%, dệt thoi khoảng 30%). Cũng chính vì thế mà khách hàng Mỹ
thường chỉ định nhà cung cấp vải từ nước ngoài (như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài
Loan, ...) để cung cấp cho các doanh nghiệp may.
Không thể không nói đến là sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi
Việt Nam ngày một hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Trong thời gian tới Việt
Nam sẽ mở cửa thị trường sâu hơn, do đó việc các “đại gia” dệt may trên thế giới cùng
nhảy vào sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt và không loại trừ khả năng các doanh
nghiệp vừa và nhỏ sẽ phá sản hàng loạt. Đặc biệt là hàng Trung Quốc khi không phải
chịu thuế nhập khẩu thì sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong
việc cạnh tranh không chỉ trên thị trường nội địa, như vậy không chỉ các doanh nghiệp
nhỏ và các doanh nghiệp lớn cũng phải lao đao. Khi những sự hỗ trợ và bảo hộ của
chính phủ không còn, đồng thời thị trường bị chia sẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài,
sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khẳng định vị trí và phát
triển.
Đồng thời, một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là kiện bán phá giá đối với hàng dệt
may Việt Nam, đây không phải là nguy cơ mà đã đang và sẽ đe doạ các doanh nghiệp
kinh doanh trong lĩnh vực này. Các thi trường mở rộng nhưng nguy cơ tiềm tàng trong
đó cũng không phải là ít. Từ ngày 11/1/2007, hàng dệt may Việt Nam không còn phải
chịu hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng dưới áp lực của các nhà
sản xuất dệt Hoa Kỳ, Bộ Thương Mại nước này đã đưa ra một rào cản mới, đó là việc
xây dựng cơ chế giám sát nhập khẩu và tự khởi động điều tra chống bán phá giá hàng
dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới
môi trường kinh doanh khi thị trường Mỹ chiếm đến trên 50% thị phần xuất khẩu của
hàng dệt may Việt Nam. Nhiều nhà nhập khẩu lớn dè dặt khi đặt hàng tại Việt Nam,
thậm chí rút đơn hàng khỏi Việt Nam trong những tháng đầu năm và trong quý
III/2007. Nhiều công ty không dám đầu tư mở rộng sản xuất do sợ rủi ro. Mặc dù Bộ
Thương mại Mỹ đã công bố chính thức chưa tìm thấy bất cứ dấu hiệu cho thấy ngành
dệt may Việt Nam bán phá giá vào thị trường Mỹ, nhưng bộ Thương Mại Mỹ thông báo
vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế giám sát cho đến hết 2008.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh với nhau để tìm kiếm
nguồn lao động phù hợp trong tình trạng biến động lao động như hiện nay. Doanh
nghiệp sẽ phải đối phó và giải quyết với tình trạng đình công của người lao dộng như
đã xảy ra trong năm 2007 vừa qua.