5 sai lầm lớn nhất trong lĩnh vực tài chính !
Những sai lầm tài chính lớn nhất của các chủ doanh nghiệp là gì? Và làm thế nào để tránh
được chúng? Đó là hai câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời chính xác. Hãy tham khảo để
rút kinh nghiệm từ sai lầm của những người đi trước nhằm tránh những sự cố đáng tiếc, để “ý
tưởng triệu đô” của bạn không trở thành các “cơn ác mộng triệu đô”.
Dưới đây là 5 sai lầm tài chính lớn nhất, nhưng lại thường gặp nhất trong thế giới kinh
doanh.
1. Cường điệu trong những tính toán và lời hứa tài chính. Enron không phải là công ty
đầu tiên “hứa quá nhiều – làm quá ít” (overpromise - underdeliver), và đáng buồn là đó cũng
không phải là công ty duy nhất. Các nhà đầu tư đôi lúc bị lừa phỉnh bởi những con số “đẹp như
mơ”, nhưng cuối cùng, công ty mà họ góp vốn lại suy sụp đáng kể. Tuy những tính toán tài chính
cùng các dự đoán lợi nhuận sẽ kéo dài quá trình tìm kiếm các nguồn vốn huy động của bạn,
nhưng khi tiền bạc thật sự đổ vào, bạn vẫn phải có sẵn trong tay một kế hoạch sinh lời thật thuyết
phục, có tính thực tế cho một vài năm kinh doanh tiếp theo.
Bên cạnh đó, nếu bạn quyết định tìm kiếm một khoản vay mới, hãy thẳng thắn nói ra tình
hình tài chính của các hoạt động kinh doanh. Bởi khi bạn bóp méo các khoản nợ để có được
khoản vay mới, thì theo các quy định pháp luật, bạn đã có hành vi gian lận tài chính. Điều này
khiến bạn sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về các khoản nợ, thậm chí ngay cả khi bạn bị phá
sản. Có thể thấy rằng, khi dính líu đến những đồng tiền vay mượn, các khoản nợ có thể ám ảnh
bạn trong nhiều năm.
2. Bỏ qua những nhu cầu tài chính trước mắt. Nói cách khác, nếu kế hoạch của bạn cho
thấy bạn cần 50.000 USD để đưa sản phẩm ra thị trường, thì đừng yêu cầu chỉ có 30.000 USD.
Các ngân hàng và nhà đầu tư tiềm năng sẽ băn khoăn về việc tại sao họ nên đầu tư tiền bạc vào
dự án kinh doanh của bạn, liệu nó có thất bại không, nếu chỉ đầu tư 30.000 USD mà không phải
là 50.000 USD? Đây là bài học đáng buồn rút ra từ “cuộc khủng hoảng dotcom”. Các công ty đã
lâm vào tình trạng lao đao sau khi tiêu hết những khoản tiền đầu tư ban đầu mà vẫn chưa kịp làm
cho chúng sinh lời, và sau đó họ buộc phải đầu hàng. Các nhà đầu tư ngày nay đã trở nên khôn
ngoan hơn và họ sẵn sàng bỏ 50.000 USD cho một kế hoạch kinh doanh triển vọng thật sự, chứ
không chấp nhận cầm 30.000 USD ném qua cửa sổ.
Đối với những cầu tài chính trước mắt, khi nhận ra rằng bạn không có đủ tiền để thanh
toán các hóa đơn đến hạn, bạn hãy giảm tỷ lệ xói mòn tiền mặt ngay lập tức bằng việc cắt giảm
chi phí xuống mức thấp nhất. Sau đó, chuẩn bị dự án tiền mặt ngắn hạn và chuẩn bị ngay những
nhu cầu cấp thiết của bạn. Lên danh sách những khoản tiền người khác nợ bạn và đòi về càng
nhiều càng tốt. Từ số tiền này, bạn hãy ưu tiên thanh toán những khoản cần thiết như thuế và các
chi phí quan trọng, và bạn có thể hoãn chi trả những hoá đơn khác như với nhà cung cấp hay các
chủ nợ lớn.
3. Cho rằng các khoản doanh thu và lợi nhuận hiện tại là biểu hiện của tình hình tài chính
vững mạnh. Trong mỗi một giao dịch kinh doanh luôn có một khoảng thời gian chậm trễ giữa
thời điểm hoàn tất giao dịch với thời điểm thanh toán đầy đủ tiền bạc. Đây là một sự thật trong
kinh doanh, song nó sẽ không phải là vấn đề gì quá lớn nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng. Đáng tiếc là
nhiều công ty đã không dự liệu trước điều này và họ lập tức vấp phải các vấn đề tài chính
nghiêm trọng, khi họ vội tiêu ngay những đồng tiền mà họ còn chưa có được. Có lẽ rắc rối lớn
nhất là trong rất nhiều giao dịch kinh doanh, việc thanh toán có thể dễ dàng bị trì hoãn đến 30
ngày, và đến lúc đó bạn mới có thể sử dụng số tiền trong tài khoản của mình. Vì thế, chỉ đôi chút
suy tính sáng suốt, cân nhắc thận trọng và lường trước tương lai cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn
đến sự sống còn của công ty.
4. Xem nhẹ các cơ quan quản lý nhà nước. Số dư tài chính vào cuối mỗi ngày có thể lớn
hơn những gì bạn có được trên thực tế. Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và
nhiều loại thuế khác có thể hiện tại vẫn nằm trong tài khoản, nhưng rồi cuối cùng chúng sẽ thuộc
về nhà nước. Do đó, bảng tính toán số dư tài chính của bạn không nên đưa vào những khoản này,
còn bằng không, bạn sẽ có nguy cơ gặp rủi ro tài chính trong những kế hoạch kinh doanh tương
lai, cùng những chi phí mà có thể bạn không chi trả nổi.
Bên cạnh đó, bạn cần hoàn thành việc đóng các khoản thuế theo quy định và đúng hạn.
Nếu mô hình công ty bạn là công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn, các cơ quan thuế có thẩm
quyền sẽ có thể phạt công ty vì lý do chậm nộp thuế. Thậm chí, nếu hoạt động kinh doanh chuẩn
bị đi đến phá sản, bạn vẫn có mặt trong danh sách đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế.
5. Quản lý và tính toán sai lầm các chi phí quảng cáo. Quảng cáo dẫn tới các giao dịch
bán hàng – điều này xem ra rất sơ đẳng. Tuy nhiên, trong các hoạt động quản lý tài chính, nhiều
công ty vẫn xem chi phí quảng cáo như tỷ lệ phần trăm trong tổng doanh số bán hàng tại cùng
một thời kỳ. Trên thực tế, để những đồng tiền quảng cáo thật sự hiệu quả, chiến dịch quảng
cáo/tiếp thị phải được bắt đầu một thời gian trước khi các giao dịch bán hàng đầu tiên được tiến
hành. Khi những chi phí tiền mặt bổ sung được tính thêm vào sổ sách tài chính, thì một ngân quỹ
lành mạnh dành cho hoạt động quảng cáo là điều hết sức quan trọng, trước khi bạn tính đến bất
cứ khoản doanh thu nào. Việc tính toán sai những đầu mục chi phí trong bảng sổ sách kế toán
vào những quãng thời gian chiến lược sẽ dẫn tới việc dự kiến sai khoản tài chính cần thiết để
hoàn thành các mục tiêu bán hàng, từ đó có thể dẫn tới việc chi tiêu quá khả năng trong những
tháng tiếp theo.
Kết luận
Việc lên công thức cho một kế hoạch kinh doanh là nhiệm vụ khá khó khăn, trong khi
việc tính toán, sử dụng các con số lại đơn giản hơn rất nhiều. Song có lẽ cũng chính vì vậy mà
đây cũng là nơi nhiều giấc mơ tan vỡ. Hy vọng là những lưu ý có vẻ đơn giản và khá hiển nhiên
trên đây sẽ giúp bạn đi vào “vết xe đổ” của những người đi trước.