Cô đọng phương pháp lãnh đạo trong 6 từ
Ngày trước, Ernest Hemingways có lần gặp phải lời thách đố viết về một câu
truyện chỉ bằng sáu từ. Một số người đã nghĩ đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Thế nhưng, ngay ngày hôm sau, Hemingway đã viết nên một câu truyện như
thế, gói gọn trong sáu từ: “For sale.
Baby shoes. Never worn” (Để bán. Giày
trẻ em. Không bao giờ mòn”).
Vận dụng cái tài tóm tắt này khi đề cập đến phương pháp lãnh đạo, một đồng
nghiệp của tôi đã nói:
“Chúng ta phải đổ thời gian và công sức để chắt lọc những
gì tinh tuý nhất về những việc chúng ta đang nỗ lực thực hiện thành một câu ngắn
gọn và súc tích”.
Khái quát về cuộc đời của ai đó chỉ trong một câu duy nhất quả là một thách thức
không nhỏ. Bạn có thể dùng bài thực hành tóm tắt một vấn đề nào đó chỉ trong sáu
từ này để luyện tập khả năng tự phân tích, đặc biệt khi bạn áp dụng quy trình này
để phản ánh vào các mục tiêu và kết quả của mình. Chúng ta đã đạt được những
mục tiêu mình đặt ra hay chưa? Chúng ta đã giúp nhóm của mình đạt được mục
tiêu chưa? Liệu kết quả này có được duy trì qua thời gian hay không?
Mỗi nhà lãnh đạo chân chính đều phải tự hỏi mình câu hỏi: mình đã đưa tổ chức
này đến một vị thế hơn hẳn thời điểm mình bắt đầu tiếp quản nó hay chưa? Đáng
buồn là cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải chống chọi hiện giờ một phần
do những nhà lãnh đạo đã không thể đưa tổ chức của mình đến một vị thế tốt hơn
trên thương trường cho dù tổ chức đó đã trả công cho họ vô cùng hậu hĩnh.
Với các nhà lãnh đạo, bài thực hành này là chỉ dẫn để họ tìm ra cách tạo dấu ấn
trong lòng mọi người. Nếu đang ở bước khởi đầu hay quãng giữa của con đường
lãnh đạo, bạn vẫn còn thời gian để tạo ra sự thay đổi để trở thành nhà lãnh đạo như
mình mong muốn. Hãy coi ba lời gợi ý dưới đây như những chỉ dẫn để bạn cô
đọng phương pháp lãnh đạo của mình chỉ trong sáu từ.
Điều gì thôi thúc tôi thức dậy mỗi sáng?
Đó chính là những gì bạn đang làm và lý do bạn làm những việc đó. Với một số
người, đó là cơ hội được cộng tác với những đồng sự trong một dự án đầy ý nghĩa:
góp phần cải thiện cuộc sống của người khác. Nếu bạn chẳng tìm ra bất kỳ câu trả
lời nào cho câu hỏi này thì bạn cần xem lại những điều mình không hài lòng về
công việc đang làm. Liệu bạn có thể thay đổi một điều gì đó hay thậm chí là thay
đổi nghề nghiệp hay không?
Vai trò của tôi là gì?
Động lực thúc đẩy con người lao động và sáng tạo chính là những mục tiêu, hoài
bão lớn hơn những gì họ đang có. Nhà lãnh đạo hiện thực hoá được những mục
tiêu đó thông qua sự chung sức của nhiều cá nhân khác. Nhiệm vụ của nhà lãnh
đạo là phải tạo điều kiện để người khác đạt đến thành công. Họ giúp những người
khác bằng việc hỗ trợ nhóm và tổ chức của mình thành công.
Tầm ảnh hưởng của tôi đến đâu?
Dùng quyền lực để kiềm chế ai đó cũng có thể được là một trong những phương
pháp lãnh đạo nhưng hiệu quả đem lại thì rất hạn chế. Với các tổ chức, đặc biệt
trong thời điểm đầy thách thức khi các nguồn lực trở nên khan hiếm, thay vì sử
dụng quyền lực, các nhà lãnh đạo cần vận dụng tầm ảnh hưởng của mình. Tầm ảnh
hưởng đó chỉ có được từ việc lãnh đạo nêu lên tấm gương sáng cho nhân viên về
những gì họ đã làm được. Những gì họ đưa ra và muốn nhân viên noi theo chỉ thực
sự thuyết phục khi họ đạt được sự tin tưởng của họ.
Bạn có thể áp dụng bài học về câu sáu chữ này cho những mục đích khác. Chẳng
hạn, bạn sẽ nói gì về những thách thức với nhóm của mình chỉ trong sáu từ?
“Tough job. Committed people. Keep working” (Công việc gai góc. Những con
người đầy tâm huyết. Không ngừng lao động) hay “Need Ideas. Sooner than later.
Help” (Cần ý tưởng. Càng sớm càng tốt. Trợ giúp).
Thậm chí bạn còn có thể đưa câu đố này thành chủ đề bàn luận trong buổi họp lần
tới. Hãy khuyến khích mọi người tham gia đóng góp những câu tóm tắt của họ như
một cách để đặt họ vào tình huống buộc phải đưa ra cách giải quyết cho những vấn
đề, những thách thức và cả cơ hội mà bạn đang đối mặt.
Nói về nghề nghiệp của mình chỉ trong sáu chữ không thể giúp bạn làm sáng tỏ
một vấn đề nào đó chỉ trong một khoảnh khắc. Nhưng những bài tập như vậy sẽ
thôi thúc bạn phải nghĩ xem công việc có nghĩa thế nào với bạn và bạn có thể làm
gì để thay đổi cách làm việc của người khác? Đó có thể là “Big idea. Profound
thoughts. Truthful moment” (Ý tưởng lớn. Những suy nghĩ thấu đáo. Những
khoảng khắc chân thực).
- Bài viết của John Baldoni trên Harvard Business Publishing –