Phòng ngừa sự già hóa của cơ thể
Tốc độ già hóa của cơ thể chủ yếu được xác định bằng kiểu gen, chính
vì vậy các nhà sinh học coi sự hóa già là một quá trình được định sẵn (các tế
bào chết theo chương trình). Các tế bào có thể bị tổn thương bởi sự tấn công
của chính hệ thống miễn dịch trong cơ thể hay do sự mất cân bằng hormon
trong cơ thể với việc tăng cao hàm lượng hormon stress-cortisol và giảm hoạt
tính của các hormon sinh dục. Nhưng một yếu tố quan trọng gây tăng tốc quá
trình già hóa cơ thể và phát triển các bệnh ở tuổi già chính là ảnh hưởng của
các gốc tự do.
Gốc tự do tấn công cơ thể như thế nào?
Bình thường, ôxy từ không khí tham gia vào quá trình chuyển hóa (ôxy
hóa) các chất để tạo ra năng lượng cung cấp cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, có
khoảng 2% ôxy cơ thể sử dụng hằng ngày kết hợp trực tiếp với các chất hữu cơ
(acid amin, acid béo, steroid...) không tạo ra năng lượng mà tạo ra các gốc tự do.
Các gốc tự do này tham gia phản ứng với các chất hữu cơ, đặc biệt là tấn công
phospholipid màng tế bào (y học gọi là quá trình perocid hóa lipid), gây tổn
thương màng tế bào, rối loạn quá trình trao đổi các chất giữa tế bào với bên ngoài.
Các gốc tự do này còn tấn công hệ thống gen của tế bào, gây tích lũy các đột biến.
Bình thường cơ thể của chúng ta có các hệ thống bảo vệ (được gọi là các hệ
thống antioxydant) giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do, duy trì chúng ở nồng độ
nhất định (không gây hại cho tế bào). Một số chất hữu cơ tự nhiên như các vitamin
A, C và E cũng có tác dụng bảo vệ các tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do
và stress ôxy hóa bằng cách “bẫy” các gốc tự do hay xúc tác tăng hoạt tính của các
men. Các chất này được gọi là chất chống ôxy hóa (antioxydant).
Tuy nhiên, khi cơ thể ngoài 30 tuổi và dưới ảnh hưởng của các yếu tố độc
hại từ môi trường sống, sự hoạt động thể lực quá căng thẳng trong lao động sản
xuất cũng như trong hoạt động thể thao, thói quen uống rượu, hút thuốc có thể gây
rối loạn sự cân bằng này do sự suy giảm hoạt động của các hệ thống antioxydant
và sự sản sinh ồ ạt các gốc tự do trong cơ thể. Chính lúc này sẽ diễn ra stress ôxy
hóa, gây tổn thương màng tế bào và bộ máy di truyền của các tế bào, tăng tốc độ
lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ở mô da làm da trở nên chóng già,
nhăn nheo. Trong cơ thể, stress ôxy hóa gây suy giảm miễn dịch, làm chậm các
quá trình sinh sản của tế bào, giảm tốc độ chuyển hóa các chất, giảm sản xuất các
hormon và rối loạn chức năng của các mô cơ. Tất cả những điều này thúc đẩy quá
trình lão hóa của cơ thể, phát triển các bệnh ở tuổi già như tim mạch, ung thư, đái
tháo đường...
Để giúp cơ thể chống lại quá trình lão hóa, nên có cuộc sống lành mạnh và
chế độ ăn hợp lý, đặc biệt là các thức ăn có chứa các chất chống ôxy hóa như
vitamin E, C, beta-caroten – tiền vitamin A, selen, magiê... Vì cơ thể không tổng
hợp được các chất này.
Vậy thực phẩm nào giàu chất chống lão hóa?
Vitamin A cần thiết để bảo đảm sự phát triển bình thường của thị giác,
chiều cao, tình trạng của da và niêm mạc (miệng, mũi...). Vitamin A có tác dụng
chống lão hóa nên thường được dùng kết hợp với vitamin C và vitamin E để
phòng ngừa các bệnh: xơ vữa động mạch, bệnh thiếu máu cơ tim...
Vitamin A có trong mỡ cá, gan, các sản phẩm sữa, thịt, ví dụ trong 100g
gan bò chứa 15mg vitamin A, 100g gan lợn chứa 6mg. Trong một số loại rau quả
như: cà rốt, cà chua, hành tỏi, cần tây, rau ngót, rau dền đỏ, xà lách, ớt đỏ, gấc có
chứa nhiều chất beta-caroten (trong cơ thể, caroten chuyển hóa thành vitamin A).
Vitamin E có tác dụng chống lão hóa với các tác dụng củng cố thành phần
và chức năng của màng tế bào, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, phát triển cơ và
các tổ chức mô khác nhau, ngăn chặn sự phát triển hiện tượng yếu cơ và mệt mỏi
cơ. Vitamin E liên quan chặt chẽ với chức năng của hệ thống nội tiết, đặc biệt là
tuyến sinh dục và các tế bào thần kinh.
Vitamin E có trong các thức ăn có nguồn gốc thực vật và động vật: có
nhiều trong dầu thực vật, mầm giá đỗ, mầm thóc, trong bánh mì, trứng, sữa, thịt,
cá.
Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình sống của cơ thể như quá trình
chuyển hóa chất, giảm cholesterol máu, hoạt hóa các men và hormon khác nhau,
nâng cao khả năng phòng bệnh, chống lão hóa.
Vitamin C có nhiều trong hành tươi, cải bắp, rau ngót, tỏi, chanh, ớt ngọt,
súp lơ, cà chua, cần tây, rau thơm, cam, chanh, táo... Khi cơ thể bị thiếu vitamin C,
các mao mạch sẽ tăng độ thẩm thấu và dễ bị vỡ, gây chảy máu (răng, lợi, mũi),
khả năng tạo ra các kháng thể để chống lại bệnh tật của cơ thể bị giảm sút, biểu
hiện dễ cáu bực, đau ở các khớp, vết thương khó lành...
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, dùng bổ sung vitamin C
có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở bệnh nhân
tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp
trên (tác dụng chống lão hóa), tuy nhiên không được lạm dụng.
Kẽm có nhiều trong sò, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc, đậu hà lan, rau ngót, tỏi
ta.
Magiê có mặt trong gần 300 các men khác nhau, điều hòa các quá trình
chuyển hóa năng lượng. Magiê có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo
glycogen của cơ và gan từ glucose máu. Magiê còn tham gia vào sự phân hủy
glucose, acid béo và các acid amin trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê
cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp lipid và protein, bảo đảm tính bền
vững của dẫn truyền thần kinh và sự co cơ. Magiê có trong thịt nạc, sữa, kê, đậu
tương, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm...
Selen có nhiều trong tỏi ta, tôm đồng, gạo tẻ, ngô, thịt lợn nạc, lòng đỏ
trứng gà, củ cải trắng, cải bắp.
Gần đây, người ta còn phát hiện ra một số chất có tác dụng chống lão hóa
trong chè xanh, nho đỏ, táo.