Tải bản đầy đủ (.pdf) (195 trang)

Xây dựng xã hội học tập ở hải phòng hiện nay theo tư tưởng hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.23 MB, 195 trang )

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

TRƯƠNG THỊ NHƯ

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHÒNG HIỆN NAY
THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC

HÀ NỘI - 2020


HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

TRƯƠNG THỊ NHƯ

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHÒNG HIỆN NAY
THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC
Mã số: 931 02 04

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS, TS. Vũ Văn Thuấn
2. TS. Lê Thị Thu Hồng

HÀ NỘI - 2020



LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả
nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và đã được
trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả

Trương Thị Như


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
1.2. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề luận án tiếp tục
nghiên cứu
Chương 2: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

2.1. Các khái niệm cơ bản
2.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập
2.3. Hồ Chí Minh xây dựng xã hội học tập
Chương 3: XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHÒNG - THỰC TRẠNG
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

1
7
7
26
30

30
37
67
82
82
97

3.1. Những nhân tố tác động đến xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng
3.2. Thực trạng xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng
3.3. Đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập và những vấn đề đặt ra
đối với Hải Phòng

116

Chương 4: GIẢI PHÁP XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHÒNG
HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

123

4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội
học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
4.2. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa các sở,
ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể trong xây dựng xã hội học tập
4.3. Phát triển hệ thống giáo dục suốt đời theo hướng đi vào thực chất, hoàn
thành phổ cập giáo dục, tiếp tục mở rộng cơ hội học tập cho người dân
4.4. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở thông qua khuyến học,
khuyến tài
4.5. Xây dựng và thúc đẩy văn hóa học tập, nâng cao chất lượng học tập suốt
đời cho người dân
4.6. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập

của các nước, tiến tới tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
KẾT LUẬN
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

123
125
131
142
144
148
155
158
159
172


DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT
BDHV

Bình dân học vụ

BTVH

Bổ túc văn hóa

CĐKH


Cộng đồng khuyến học

DHHH

Dòng họ hiếu học

GDNN

Giáo dục nghề nghiệp

GDTX

Giáo dục thường xuyên

GĐHH

Gia đình hiếu học

KH, KT

Khuyến học, khuyến tài

THCS

Trung học cơ sở

THPT

Trung học phổ thông


TPHT

Thành phố học tập

TTHTCĐ

Trung tâm Học tập cộng đồng

UBND

Ủy ban nhân dân

XHHT

Xã hội học tập


1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và của dân tộc Việt
Nam. UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà
văn hóa kiệt xuất bởi những cống hiến to lớn của Người cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc cũng như những đóng góp về văn hóa, giáo dục cho dân tộc và
nhân loại. Trong những đóng góp vĩ đại đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
nói chung và xây dựng XHHT nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, có giá trị
sâu sắc trong xây dựng XHHT ở nước ta hiện nay.
Từ sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã từng bước xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam cho tất cả mọi
người, hướng tới một xã hội “ai cũng được học hành”. Người khẳng định một

cách nhất quán: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho
nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng
có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [94, tr.187]. Ham muốn đó vừa là
niềm mong mỏi, vừa là mục tiêu, vừa là chỉ đạo quan trọng của Hồ Chí Minh về
xây dựng XHHT. Quan điểm này được phát triển mạnh mẽ và liên tục từ sau
Cách mạng Tháng Tám năm 1945; được cụ thể hóa bằng các chủ trương giáo
dục như BDHV, BTVH, phổ cập giáo dục tiểu học và ngày nay đang tiến tới phổ
cập giáo dục trung học cơ sở cho toàn dân. Từng bước thực hiện điều đó, cũng là
từng bước hiện thực hóa tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội “ai cũng
được học hành”.
Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT
càng thấy được rằng, tư tưởng của Người đã bắt gặp, thậm chí đi trước thời đại
trong quan niệm về xu thế phát triển giáo dục, nội dung, chương trình cũng như
mô hình giáo dục tiếp tục. Ngày nay, xu thế giáo dục mà nhiều thành phố lớn
trên thế giới đang hướng tới là xây dựng TPHT, các quốc gia đang hướng tới là
xây dựng quốc gia học tập, xã hội tiến tới là xây dựng XHHT. Mục đích của
XHHT là làm cho mọi người đều thấy cần phải học, và học suốt đời, xem học


2
tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Hồ Chí Minh
từng khẳng định: việc học không bao giờ cùng, càng tiến bộ càng thấy phải học
thêm. Đó là một thực tế. Xã hội ngày càng phát triển, tri thức chúng ta có được
không thể chỉ học một lần là sử dụng mãi mãi. Trong xã hội ngày nay, tri thức đã
trở thành “chìa khóa vạn năng” và sự thua kém, tụt hậu về tri thức sẽ tạo ra
khoảng cách phát triển giữa người này với người khác, giữa vùng này với vùng
khác, quốc gia này với quốc gia khác. Điều chúng ta thêm tự hào và cảm phục
chính ở tầm nhìn của Hồ Chí Minh về vấn đề này. Bản thân mỗi cá nhân cũng
như toàn xã hội phải luôn chủ động trang bị tri thức, học và học suốt đời, học
mãi để tiến bộ mãi, học để rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia khác

và “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Đối với dân tộc Việt Nam, chúng ta tự hào là một quốc gia văn hiến.
Người dân đất Việt mang trong mình truyền thống ham học hỏi, luôn lấy sự học
làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người, “nhân bất học bất tri lý”. Cũng
vì thế, trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dù lịch sử có thăng
trầm nhưng giáo dục vẫn luôn được coi trọng. Trong giai đoạn hiện nay, Việt
Nam đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế, thành tựu gần 35 năm đổi mới đang làm thay đổi diện mạo đất
nước từng ngày. Đảng ta cũng khẳng định rất rõ vai trò quốc sách hàng đầu của
giáo dục đào tạo và tầm quan trọng của việc xây dựng XHHT. Từ năm 2001,
Đảng ta lần đầu tiên sử dụng cụm từ XHHT. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đẩy mạnh phong trào
học tập trong nhân dân bằng hình thức chính quy và không chính quy, thực hiện
giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập” [36, tr.35]. Từ đó
đến nay, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn kiên định chủ trương xây dựng cả
nước trở thành một XHHT. Ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ chính thức
phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” nhằm hướng
tới xây dựng mô hình XHHT ở Việt Nam. Đến Đại hội XII (2016), Đảng tiếp tục
nhấn mạnh: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo
dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” [39, tr.116]. Như vậy,


3
Đảng và Nhà nước ta cũng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng
XHHT và kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng XHHT.
Có thể nói, xây dựng XHHT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong
sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng đúng xu thế thời đại và sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong dòng chảy chung của dân tộc và nhân loại, Hải Phòng là địa
phương luôn xác định vai trò to lớn của công tác giáo dục - đào tạo, KH, KT,

xây dựng XHHT. Là một thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp,
đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ
của vùng Bắc Bộ, Hải Phòng đã và đang cùng các địa phương khác tiến hành
xây dựng XHHT nhằm mang lại lợi quyền cao nhất cho người dân trong việc
tiếp cận tri thức và hưởng thụ giáo dục. Điều này càng có ý nghĩa khi thời gian
gần đây, Hải Phòng có những chính sách rất nhân văn trong phát triển giáo dục,
chính thức miễn học phí cho tất cả các bậc học kể từ năm học 2020 - 2021. Đây
chính là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT ở Việt
Nam nói chung và ở Hải Phòng nói riêng.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, tôi chọn đề tài Xây dựng xã hội học
tập ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh làm luận án tiến sĩ,
ngành Hồ Chí Minh học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu làm rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về
xây dựng XHHT; đánh giá thực trạng xây dựng XHHT ở Hải Phòng, chỉ ra
nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng XHHT ở Hải Phòng
hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án xác định những nhiệm vụ chủ yếu
sau đây:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, chỉ ra những
vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu.


4
- Nêu lên một số khái niệm cơ bản có liên quan để định hướng vấn đề
nghiên cứu.
- Hệ thống hóa, khái quát hóa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây
dựng XHHT.

- Đánh giá thực trạng xây dựng XHHT ở Hải Phòng, chỉ ra những thành
tựu, hạn chế, nguyên nhân thành tựu hạn chế và những vấn đề đặt ra.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng XHHT ở Hải Phòng hiện nay
theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT, thực trạng và những
giải pháp xây dựng XHHT ở Hải Phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT và quá trình
vận dụng, triển khai xây dựng XHHT ở Hải Phòng hiện nay. Do vấn đề có nội
dung rất rộng nên luận án tập trung nghiên cứu thực trạng xây dựng XHHT ở
Hải Phòng theo kết quả triển khai Đề án xây dựng XHHT tại thành phố Hải
Phòng, có sự tham chiếu với tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Về không gian: Thành phố Hải Phòng.
- Về thời gian: Tác giả nghiên cứu vấn đề từ năm 2013 đến năm 2019.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính hệ thống và đạt được mục đích nghiên cứu, luận án
có đề cập đến thời gian trước và sau giai đoạn trên.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư
tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm của Đảng về giáo dục - đào tạo nói chung và
xây dựng XHHT nói riêng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án tuân thủ phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong quá trình triển khai, luận án còn


5
sử dụng các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học liên ngành và chuyên

ngành như:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Để phục vụ cho đề tài luận án, tác giả
tiến hành tập hợp và phân tích một số nguồn tài liệu sau:
+ Những bài nói, bài viết, tác phẩm của Hồ Chí Minh liên quan đến chủ
đề nghiên cứu, tập trung trong các công trình: Hồ Chí Minh Toàn tập, Hồ Chí
Minh Biên niên tiểu sử, Bách khoa thư Hồ Chí Minh sơ giản…
+ Những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh nhằm chỉ đạo xây dựng
XHHT.
+ Những công trình nghiên cứu tiêu biểu, có giá trị của các cá nhân, nhóm
tác giả liên quan đến chủ đề.
- Phương pháp logic, lịch sử.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp so sánh.
- Phương pháp hệ thống hóa, khái quát hóa...
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
5.1. Ý nghĩa lý luận
- Góp phần làm sáng tỏ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng
XHHT, từ đó khẳng định thêm vai trò và những cống hiến to lớn của Hồ Chí
Minh đối với nền giáo dục Việt Nam nói chung và xây dựng XHHT nói riêng.
- Góp phần nghiên cứu có hệ thống những luận điểm của Hồ Chí Minh về
xây dựng XHHT như tầm quan trọng của xây dựng XHHT, nội dung, hình thức,
đối tượng, phương pháp xây dựng XHHT…
- Cung cấp các cứ liệu, luận chứng tin cậy để có thể tiếp tục nghiên cứu
chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh.
5.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT có ý nghĩa
vô cùng sâu sắc trong thực tiễn chỉ đạo và xây dựng TPHT, tiến tới XHHT ở Hải
Phòng hiện nay, làm cho tư tưởng của Người luôn sống mãi với nhân dân thành



6
phố Cảng. Các giải pháp luận án đề xuất mang tính khả thi nhằm xây dựng
XHHT ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Kết quả của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên
cứu, giảng dạy và học tập ở các học viện, các nhà trường, các ban ngành trên
cả nước.
6. Những đóng góp mới của luận án
Luận án là công trình khoa học nghiên cứu có hệ thống về xây dựng
XHHT theo tư tưởng Hồ Chí Minh với những điểm mới sau đây:
- Đưa ra được khái niệm “xã hội học tập”, “xây dựng xã hội học tập”, “tư
tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập”.
- Phân tích được những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về
xây dựng XHHT.
- Đánh giá thực trạng xây dựng XHHT ở Hải Phòng, chỉ ra thành tựu, hạn
chế và nguyên nhân, nêu rõ những vấn đề đặt ra đối với xây dựng XHHT ở Hải
Phòng hiện nay.
- Đề xuất các giải pháp xây dựng XHHT ở Hải Phòng theo tư tưởng Hồ
Chí Minh.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án được kết cấu thành 4 chương, 14 tiết.


7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1.1. Các công trình nghiên cứu về xã hội học tập
XHHT là một khái niệm được bàn luận nhiều năm gần đây. Tìm kiếm từ

khóa này trên các trang mạng xã hội, không quá khó để thấy được rất nhiều kết
quả. Cụm từ này đã trở thành mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục của
nước ta trong thế kỷ XXI.
Trên thế giới, cuộc thảo luận về khái niệm XHHT bắt đầu từ năm 1972
khi mà Edgarl Faure, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Giáo
dục Pháp, đứng đầu Ủy ban Quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XXI của
UNESCO cho xuất bản cuốn “Học để tồn tại”. Lần đầu tiên, thuật ngữ XHHT
(Learning society) xuất hiện trong cuốn sách này, như là trở thành xu thế cho
nền giáo dục nhân loại thế kỷ mới. Edgarl Faure cho rằng: Nếu học tập là việc
động chạm đến suốt đời con người, cả theo nghĩa thời gian cả theo nghĩa đa dạng
và đối với mọi người trong xã hội, kể cả các nguồn lực xã hội, kinh tế và giáo
dục, khi đó chúng ta phải đi xa hơn việc tháo dỡ tất cả các hệ thống giáo dục cho
đến khi nào đạt được tình trạng của một XHHT. Như vậy, XHHT là mọi người
học suốt đời, trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Trước Edgarl Faure, từ những năm 60 của thế kỷ XX, ý tưởng về XHHT
cũng được nhiều nhà giáo dục đưa ra. Lúc đầu, người ta mới chỉ muốn tìm cách
canh tân giáo dục, phải làm thế nào để có một thiết chế giáo dục mới để khắc
phục tình trạng khủng hoảng của giáo dục trong nhà trường khép kín. Nghĩa là
phải có một nền giáo dục cởi mở hơn, hạn chế sự giáo dục bó hẹp với những
thiết chế chặt chẽ trong nhà trường chỉ dành cho một số đối tượng có điều kiện
nhất định mà chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của quảng đại quần chúng. Vì
vậy, phải xây dựng một nền giáo dục đại chúng với thiết chế mở. Từ đó, các nhà
giáo dục tiếp cận ý tưởng về một XHHT. Ý tưởng này được Donald Schon (tiến
sĩ người Mỹ) ba lần đề cập vào các năm 1963, 1967, 1973. Donald Schon cho


8
rằng xã hội sẽ có nhiều biến đổi, do đó nhu cầu học tập sẽ ngày càng tăng, sẽ
không còn tình hình ổn định lâu dài nữa. Con người sẽ phải học để hiểu, để tác
động, để điều hành các chuyển đổi đó. Khi ấy, năng lực học tập phải trở thành

thuộc tính của mỗi người, ai cũng phải biết học suốt đời một cách thành thục.
Hơn thế nữa, các thiết chế muốn luôn luôn chuyển đổi cũng phải học tập theo.
Donald Schon đã có đóng góp lớn lao là đưa ra ý tưởng: các công ty, các phong
trào xã hội và chính quyền đều phải là “các hệ thống học tập”, và từ đó ông đưa
ra luận điểm quan trọng về “tổ chức học tập”.
Năm 1968, trong một cuốn sách của mình, nhà giáo dục người Mỹ Robert
M.Hutchins (từng làm hiệu trưởng trường Đại học Chicago) cũng đã khẳng định
sự cần thiết tiến tới một XHHT với hai lý do: 1) Do sự phát triển của khoa học
và công nghệ, sức lao động được giải phóng, con người sẽ có nhiều thời gian để
nghỉ ngơi hơn và 2) Thế giới biến đổi nhanh đòi hỏi con người cần có tri thức để
đáp ứng được những thay đổi đó. Ông quan niệm học tập là hồn của biến đổi.
Huchin quay lại tư tưởng cổ đại là, không phải chỉ học vài giờ trong ngày ở một
chỗ nào đó như lớp học mà học tập là mục tiêu của xã hội. Đúng như V.I.Lênin
đã tổng kết: Giáo dục là một phạm trù lịch sử của loài người; loài người cùng tồn
tại với phạm trù học tập - truyền thụ kinh nghiệm, tri thức từ người này sang
người kia, từ thế hệ này sang thế hệ kia...
Turten Husen là một trong những học giả đầu tiên cho rằng: tiến bộ kỹ
thuật là một yếu tố quan trọng dẫn đến khái niệm XHHT, nhất là từ những năm
40 của thế kỷ XX khi bắt đầu có phát minh điện tử hóa, rồi vi điện tử vào những
năm 70 và mạng internet những năm 90, tạo ra cuộc cách mạng công nghệ toàn
cầu. Nhờ công nghệ này mà có một sự bùng nổ tri thức, sự sản sinh tri thức rất
nhanh được gọi là “công nghệ tri thức”, trong đó có cả vấn đề truyền bá tri thức,
truyền bá công nghệ đòi hỏi mọi người phải học liên tục. Ở phương Tây, quá
trình này diễn ra mạnh mẽ từ những năm 1960 và được gọi là cách mạng hóa
quá trình thông báo tri thức. Sau đó, người ta đã đưa ý tưởng này gắn với ý
tưởng học suốt đời, học liên tục, học không chính quy, học cho tất cả mọi người.
Qua giáo dục thực hiện các xu thế nổi bật của thời đại: công nghệ, văn hóa, dân


9

chủ và quyền con người trong thế giới toàn cầu hóa, đi vào kinh tế tri thức. Và
như vậy sẽ đạt đỉnh cao mới trong quá trình dân chủ hóa giáo dục.
Như vậy, XHHT là một xu thế mới trong phát triển của loài người ở thời
kỳ hậu công nghiệp mà có người còn gọi là hậu hiện đại. Đó là đòi hỏi của cách
mạng công nghệ và phát triển kinh tế, và cũng là đòi hỏi mới của sự phát triển
con người bền vững trong thế kỷ mới.
Rõ ràng, xây dựng XHHT đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các
quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu về XHHT thu hút
nhiều tác giả với nhiều công trình nghiên cứu.
Nghiên cứu XHHT xét từ góc độ xu thế cho sự phát triển giáo dục của các
quốc gia hiện nay có khá nhiều công trình. Cuốn Phát triển giáo dục hướng tới
một xã hội học tập [26] của tác giả Phạm Tất Dong đã chỉ rõ sự phát triển nền
kinh tế tri thức và yêu cầu tất yếu xây dựng XHHT ở Việt Nam trong thời kỳ
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; những vấn đề cơ bản về nội dung và cấu
trúc của XHHT, tình hình phát triển giáo dục qua các giai đoạn 2000 - 2010 và
2011 - 2020 nhằm đổi mới toàn diện nền giáo dục theo hướng xây dựng XHHT
ở Việt Nam. Quan điểm này của tác giả tiếp tục được thể hiện trong bài viết
“Xây dựng xã hội học tập - một xu hướng đổi mới phát triển của giáo dục thế kỷ
XXI” [30]. Bài viết nhấn mạnh sự bùng nổ thông tin và việc sản xuất ra những tri
thức mới, những công nghệ mới cho thấy những kiến thức tiếp thu trong hệ
thống giáo dục ban đầu không thể sử dụng suốt đời, học vấn phổ thông không
còn giúp con người đi thẳng vào lao động sản xuất. Con người cần biết cách học
xử lý thông tin thành tri thức và phải học suốt đời trong một XHHT. Do đó,
XHHT chính là nội dung cốt lõi trong chủ trương đổi mới giáo dục ở nước ta.
Chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối
cảnh một thế giới luôn biến động, một xã hội thông tin đang bùng nổ và một thời
đại mà tiến bộ khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. Khái niệm tốt
nghiệp một chương trình đào tạo nào đó với những kiến thức và kỹ năng có
được, cứ thế mà lao động suốt đời đã không còn phù hợp. Từ thực tiễn đó, tác
giả Nguyễn Minh Đường khẳng định trong bài viết “Xây dựng một xã hội học



10
tập - yêu cầu tất yếu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
[43]: Mọi người đều phải học, mọi loại hình lao động đều phải học, mọi lứa tuổi
đều phải học và phải học thường xuyên, học suốt đời, học bằng nhiều hình thức.
Nói cách khác, phải hình thành một XHHT (learning society).
Cũng từ góc độ tiếp cận XHHT là xu thế trong nền kinh tế tri thức, cuốn
Đổi mới và phát triển giáo dục hướng tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội
học tập [22] đã nêu bật xu thế đó. Sách dẫn lời của Jin Yang - chuyên gia
chương trình cao cấp, Viện học tập suốt đời thuộc UNESCO: “Ngày nay chúng
ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và thay đổi nhanh chóng. Mỗi cá
nhân không thể đáp ứng được các thách thức của cuộc sống nếu như không biến
mình thành một người học suốt đời, và một xã hội sẽ không bền vững nếu không
trở thành một xã hội học tập” [22, tr.53-54]. Từ đó, tác giả đi đến khẳng định:
Xây dựng XHHT là xu thế tất yếu trước yêu cầu mới của thời đại - thời đại phát
triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt công nghệ thông
tin, thời đại của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, của nền kinh tế tri thức.
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Kỳ Mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội
học tập [72] tiếp tục nghiên cứu về XHHT với tính chất là một mô hình giáo dục
mở. Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập đến vấn đề XHHT như là một xu thế
tất yếu của thế kỷ XXI, điều mà tất cả các quốc gia cần và tiếp tục hướng tới.
Bằng những lập luận và luận chứng, tác giả khái quát về quan niệm XHHT, vai
trò của XHHT và mô hình XHHT ở một số nước tiên tiến. Từ đó, tác giả khẳng
định giáo dục Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới theo mô hình này.
Ngày nay, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ vai trò thiết yếu của giáo dục
và học tập trong phát triển kinh tế, xã hội và con người. Để duy trì và cạnh tranh
trong nền kinh tế toàn cầu, mọi người đều cần phải liên tục học tập những kỹ
năng mới, nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển năng lực. Nhận thức được
điều đó, một diễn đàn quốc tế: “Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời - Xây

dựng xã hội học tập” tại Hà Nội, từ ngày 06 đến 08 tháng 12 năm 2010 do
Chính phủ Việt Nam, Hiệp hội nghiên cứu học tập suốt đời của ASEM và
UNESCO tổ chức. Với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện


11
Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng XHHT, Diễn đàn đã quy tụ gần
400 nhà hoạch định chính sách chủ chốt, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà
giáo dục hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới. Cuốn kỷ yếu “Diễn đàn Việt
Nam: Học tập suốt đời - Xây dựng xã hội học tập”[32] tập hợp 37 bài viết của
45 nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục đến từ 17 quốc gia ASEM được trình
bày tại Diễn đàn. Những vấn đề của giáo dục, xây dựng XHHT và học tập suốt
đời được mổ xẻ, phân tích. Thông qua đó, các tác giả bày tỏ quan điểm về tính
tất yếu phải xây dựng XHHT, mô hình xây dựng XHHT và chia sẻ kinh nghiệm
xây dựng XHHT ở nhiều nước, đồng thời chỉ ra hướng đi cho giáo dục Việt
Nam trong dòng chảy chung của thế giới.
Tiếp cận XHHT nhìn từ góc độ tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục
theo hướng xây dựng XHHT được khá nhiều tác phẩm đề cập đến bởi xét đến
cùng, xây dựng XHHT cũng nằm trong chiến lược phát triển giáo dục của đất
nước. Cuốn Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam [53] đã phần nhiều đề cập đến
vấn đề này. Trong cuốn sách, tác giả đã dày công tập hợp các báo cáo khoa học
và bài nói tập trung làm sáng tỏ các vấn đề về vị trí của giáo dục đối với ba cuộc
cách mạng đang tiến hành ở Việt Nam; đối tượng của giáo dục và khoa học giáo
dục; tính chất và nhiệm vụ của nhà trường phổ thông; phát triển giáo dục và xây
dựng khoa học giáo dục... Bài viết “Xây dựng xã hội học tập - một cuộc cách
mạng về giáo dục” của tác giả Phạm Tất Dong [30] tiếp tục nhấn mạnh tầm quan
trọng của việc xây dựng XHHT. Những thành tựu đạt được trong 50 năm của
nền quốc học nhân dân ở Việt Nam, trong đó có liên quan tới xây dựng XHHT
như việc xoá nạn mù chữ, chống chính sách ngu dân, các cuộc cải cách giáo
dục; vấn đề văn hoá và giáo dục nhân cách văn hoá là nội dung cơ bản được

đề cập trong Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ phát triển xã
hội - kinh tế [50].
Đề cập đến nội dung cải cách giáo dục theo hướng xây dựng XHHT có
hai công trình của tác giả Nghiêm Đình Vỳ được nhà xuất bản Chính trị quốc gia
phát hành. Đó là cuốn Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài, đồng tác giả với
Nguyễn Đắc Hưng [159] và Cải cách giáo dục: Một số vấn đề chung và thực


12
tiễn ở Việt Nam, đồng tác giả Phạm Đỗ Nhật Tiến [158]. Điểm chung của hai
công trình này là đều nghiên cứu về vấn đề cải cách giáo dục: Các định hướng
toàn cầu trong thế kỷ XXI, tiến trình cải cách của một số nước trên thế giới, rút
ra kinh nghiệm, bài học cho Việt Nam; đồng thời tìm hiểu về quá trình cải cách
giáo dục ở Việt Nam, đường lối phát triển giáo dục của Đảng, một số vấn đề lý
luận và tổ chức thực hiện đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện theo hướng xây
dựng XHHT suốt đời ở Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất cần thiết
cho công tác nghiên cứu giáo dục.
Xây dựng XHHT là một trong những biện pháp quan trọng nhằm cải cách
giáo dục hiện nay. Đặt giáo dục Việt Nam trước những yêu cầu và thách thức
của thế kỷ XXI để thấy được tính tất yếu phải đổi mới là nội dung cơ bản của
sách Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỉ XXI [48]. Những vấn đề nổi
bật của giáo dục Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI được đề cập tới như: tính chất
giáo dục và nguyên lý giáo dục; hệ thống giáo dục; cải cách, đổi mới, chấn hưng
giáo dục; vấn đề giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, đại học, xoá mù chữ và
giáo dục cho mọi người - những nội dung rất gần với XHHT. Thông qua đó, tác
giả đưa ra các phương hướng phát triển giáo dục ở nước ta.
Nội dung này cũng được trình bày trong cuốn Mấy vấn đề lý luận và thực
tiễn của đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết TW XI, tác
giả Phạm Tất Dong [28]. Nghị quyết Trung ương XI (Nghị quyết số 29) của
Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục

nước ta. Nền giáo dục mới phải có thiết chế giáo dục với đủ các hình thức giáo
dục cho bất cứ lứa tuổi nào, cho bất cứ trình độ học vấn và trình độ nghề nghiệp
nào, thực hiện dạy và học trong bất cứ không gian và thời gian nào. Việc giáo
dục thực hiện theo đúng tinh thần “giáo dục của dân, do dân, vì dân”, ai cũng
được học hành, không ai bị thải loại ra khỏi giáo dục và không ai bị thất bại
trong giáo dục học đường. Từ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả khẳng
định một xã hội có được hệ thống giáo dục như vậy chính là XHHT. Xây dựng
XHHT chính là góp phần thực hiện lý tưởng cao đẹp của nhân loại thế kỷ XXI.
Vấn đề tiếp theo của XHHT mà khá nhiều công trình quan tâm nghiên


13
cứu là nội dung, cấu trúc cũng như thành tố cấu thành XHHT. Cuốn sách Xây
dựng con người, xây dựng xã hội học tập [29] đã trình bày khá cụ thể những vấn
đề cốt lõi để xây dựng XHHT, bao gồm giáo dục chính quy, giáo dục không
chính quy, kinh nghiệm xây dựng XHHT ở các nước... Xuyên suốt nội dung đó
là vấn đề con người, xây dựng con người trở thành hạt nhân động lực cho toàn
bộ quá trình xây dựng XHHT ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Về mô hình XHHT nổi bật là cuốn Cấu trúc mô hình xã hội học tập ở Việt
Nam [25]. Sách giới thiệu sự phát triển giáo dục của một số nước trên thế giới
hướng tới XHHT và sự phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay trong bước khởi
đầu định hướng xây dựng XHHT, đồng thời đề cập đến cấu trúc mô hình XHHT
ở Việt Nam. Cùng đề cập đến mô hình XHHT có cuốn Mô hình giáo dục mở mô hình xã hội học tập [72]. Cuốn sách này đi vào trình bày các mô hình khuyến
học và phân tích tác động của nó tới việc xây dựng XHHT ở nước ta. Tuy chỉ
phản ánh một nội dung nhỏ của XHHT là các mô hình hoạt động khuyến học
nhưng sách cũng là nguồn tài liệu tham khảo giá trị.
Ở Việt Nam, xây dựng XHHT là tất yếu nhưng lại không hoàn toàn dễ
dàng. Việc xây dựng XHHT không dừng lại ở chỗ nước ta sẽ có một XHHT như
mọi nước. XHHT không có mục đích tự thân. Chúng ta cần có một XHHT để từ
đó tạo nên những nhân cách cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,

cần cho việc phát triển kinh tế tri thức. Mục tiêu XHHT là những nhân cách Việt
Nam ở thế kỷ XXI mà trong nhân cách đó, trí tuệ thời đại và đạo đức thời đại là
cái cốt lõi. Từ đó, tác giả cuốn Khuyến học [27] mong muốn phát huy và đẩy
mạnh hơn nữa công tác KH, KT để tạo nên một dấu gạch nối giữa sự nghiệp
KH, KT trong lịch sử với sự nghiệp KH, KT thời hiện đại.
Tiếp tục đi sâu về thành tố của XHHT là cuốn Xã hội học tập - Học suốt
đời và các kỹ năng tự học của tác giả Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Hải Yến [138].
GDTX, giáo dục người lớn được xem là thành tố rất quan trọng của XHHT. Do
đó trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập đến cơ sở lý luận chung của GDTX,
các đặc điểm và khó khăn của GDTX cũng như quá trình xây dựng XHHT ở
Việt Nam. Về phương pháp để xây dựng XHHT, tác giả nhấn mạnh vấn đề tự


14
học, bản chất của tự học và cách thức tiến hành tự học theo từng lứa tuổi. Ở góc
độ lý luận giáo dục, để có thể tiến tới XHHT đòi hỏi mỗi cá nhân và toàn xã hội
phải không ngừng tự học và học suốt đời. Đây là một thành tố rất quan trọng
trong XHHT mà công trình đã đề cập tới.
Cùng đề cập tới GDTX là nội dung chính của luận án tiến sĩ Khoa học
Giáo dục (mã số 62.14.01.14) của Bùi Trọng Trâm với đề tài Quản lý phát triển
trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng xã hội học tập [142]. Tác giả đi
vào chuyên sâu nghiên cứu một khía cạnh của XHHT ở bộ phận cấu trúc của nó
là các TTHTCĐ. Trên cơ sở trình bày cơ sở lý luận về quản lý phát triển
TTHTCĐ theo định hướng XHHT, luận án nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm
của một số nước và thực trạng quản lý phát triển TTHTCĐ ở xã, phường, thị trấn
của tỉnh Thái Bình. Thêm vào đó, tác giả đã đề xuất bộ tiêu chuẩn đánh giá và
một số giải pháp quản lý phát triển TTHTCĐ theo định hướng XHHT của tỉnh
Thái Bình hiện nay.
Lý luận chung về XHHT như khái niệm, đặc điểm, cấu trúc XHHT được
luận bàn ở nhiều bài viết đăng trên các tạp chí:

- “Tìm hiểu quan niệm về xã hội học tập”, Phạm Minh Hạc, tạp chí Giáo
dục [51].
- “Xã hội học tập: quan niệm, thực trạng và giải pháp”, Thái Xuân Đào,
tạp chí Phát triển giáo dục [40].
- “Bàn về khái niệm xã hội học tập”, Tô Bá Trượng, Tạp chí Giáo dục [149].
- “Tiến tới xây dựng một xã hội học tập”, Nguyễn Ngọc Phú, tạp chí Giáo
dục [115].
Điểm chung trong phần lớn nội dung của những bài viết này là đề cập đến
quan niệm về XHHT của các học giả trong và ngoài nước, rút ra những đặc điểm
nhận diện XHHT và tổ chức xây dựng XHHT ở Việt Nam.
Làm thế nào để xây dựng XHHT, hay nói cách khác là điều kiện và giải
pháp để xây dựng XHHT ở Việt Nam? “Để xây dựng nền giáo dục Việt Nam
thực sự trở thành một xã hội học tập - giáo dục suốt đời: Quan niệm và thể chế
hóa” là bài viết của tác giả Nguyễn Như Ất đăng trên tạp chí Phát triển giáo dục,


15
[8]. Tác giả nêu ra quan niệm và điều kiện cơ bản để xây dựng XHHT mà quan
trọng là đi từ nhận thức đúng đến hành động đúng.
Xây dựng hệ thống học suốt đời trong nền giáo dục Việt Nam cũng là một
biện pháp để xây dựng XHHT. Đây là bài viết của tác giả Phạm Đỗ Nhật Tiến,
in trong cuốn Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam [10].
Bài viết khẳng định trong nhiều mô hình giáo dục mới được đề xuất, thì mô hình
học suốt đời đang là xu thế chung thể hiện bước chuyển về giáo dục của nhiều
nước trước một thế giới biến động khó lường của toàn cầu hóa, kinh tế tri thức
và cách mạng công nghệ. Tác giả cũng đánh giá, việc xây dựng hệ thống học
suốt đời là bước phát triển về chất của nền giáo dục Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng luận án, tác giả cũng tiếp cận một số tài liệu của
các học giả nước ngoài về vấn đề này, đặc biệt đề cập đến giải pháp xây dựng
XHHT. Tiêu biểu nhất là cuốn Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho

tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội (Creating a learning society: A new
Approach to Growth, Development and Social Progress) [170] của hai tác giả
Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald (giáo sư Đại học Columbia, Mỹ), do
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2017. Với độ dày 555
trang, sách được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gồm 8 chương nêu bật tầm
quan trọng của việc học tập, về các doanh nghiệp học tập và phát minh, về cấu
trúc thị trường - nơi các doanh nghiệp đang hoạt động tác động đến khả năng
học tập và sáng tạo của doanh nghiệp, kết thúc với đánh giá phúc lợi và trạng
thái ổn định của toàn bộ nền kinh tế. Phần thứ hai gồm 6 chương bàn về các giải
pháp cho một XHHT. Tác giả đưa ra chính sách ở nhiều lĩnh vực để xây dựng
thành công XHHT năng động từ các chính sách phát triển ngành, chính sách về
tài chính, chính sách vĩ mô cho đến các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và
chuyển đổi xã hội.
Bên cạnh đó, những khuyến nghị về giải pháp xây dựng XHHT, như hình
thành cơ chế quản lý liên ngành, thúc đẩy động lực học tập suốt đời cho người
học, tăng cường học tập tại nơi làm việc, nhân rộng các mô hình TPHT, cộng
đồng học tập, sử dụng công nghệ thông tin như một phương tiện phục vụ sự phát


16
triển... được đề cập đến trong Kỷ yếu Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời - xây
dựng xã hội học tập [32] trên cơ sở những đóng góp của các chuyên gia trong
nước và quốc tế.
Ngoài ra, còn khá nhiều tác giả nghiên cứu về vấn đề này như: tác giả
Trần Ngọc Vượng với bài “Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam, những hạn
chế từ lịch sử”, tạp chí Tia sáng, 2005; tác giả Phan Thanh Long với “Kinh
nghiệm xã hội hóa giáo dục trên thế giới và việc xây dựng xã hội học tập ở nước
ta”, tạp chí Khoa học, 2007; tác giả Trần Viết Lưu với “Nâng cao nhận thức về
xây dựng nước ta trở thành một xã hội học tập”, tạp chí Phát triển giáo dục, 2009;
tác giả Bùi Thanh Xuân với “Thành phố, thị trấn học tập - mô hình thu nhỏ của xã

hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời”, tạp chí Giáo dục, 2013; hay Trần Hồng
Đức với “Định hướng xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong điều kiện nền
kinh tế tri thức hiện nay”, tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, 2016...
Dễ nhận thấy quan niệm của từng tác giả được thể hiện khá rõ trong từng
bài viết. Nội dung cơ bản của các bài viết này là đã đi vào tìm hiểu một số khía
cạnh của XHHT, bước đầu phác họa những điều kiện và bước đi để xây dựng
XHHT ở Việt Nam hiện nay.
Vấn đề XHHT cũng đã được đưa vào nội dung học tập và giảng dạy ở
một số nhà trường. Trường Đại học Thái Nguyên cho ra mắt cuốn Giáo trình lý
luận xã hội học tập năm 2013 [67]. Lần đầu tiên, lý luận về XHHT được viết
dưới dạng giáo trình, trở thành tài liệu học tập cho sinh viên. Cuốn sách này
nghiên cứu những giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại của nền giáo dục Việt
Nam, các bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân cũng như tầm quan
trọng của bộ phận GDTX trong quá trình xây dựng phát triển đất nước. Bên cạnh
đó, sách còn đưa ra định hướng những nhân tố giá trị trong việc xây dựng
XHHT hiện nay.
Tác giả Vũ Minh Tâm cũng có cuốn Xã hội học tập: tập bài giảng cho
sinh viên các ngành Khoa học xã hội và nhân văn [125]. Sách đề cập khái quát
những vấn đề cơ bản của XHHT như: khái niệm, mô hình, cấu trúc. Nhưng rõ
ràng, đây vẫn là vấn đề mới cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu.


17
Ngoài ra, trong quá trình tổng quan tài liệu, tác giả luận án cũng được tiếp
cận cuốn Các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học,
khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam [160]. Cuốn sách cung cấp
những tài liệu của Đảng và Nhà nước về công tác KH, KT; khẳng định phương
hướng, nhiệm vụ cơ bản và biện pháp lớn của công cuộc xây dựng cả nước trở
thành một XHHT. Đây là cẩm nang tư tưởng, tổ chức và hoạt động đối với
những người làm công tác KH, KT, hướng tới xây dựng XHHT ở Việt Nam.

Nhìn chung, trong các nghiên cứu trên, từ nhiều góc độ khác nhau, các tác
giả đều đề cập đến những khía cạnh rất quan trọng của XHHT, như khái niệm,
đặc điểm, vai trò và biện pháp xây dựng XHHT ở Việt Nam. Có thể xem đây là
nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả trong quá trình xây dựng luận án.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội
học tập
Trước hết phải khẳng định, thời điểm Hồ Chí Minh sinh sống và hoạt
động chưa có khái niệm XHHT. Khái niệm này xuất hiện đầu tiên trên thế giới
vào khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, và chính thức được Đảng ta sử
dụng trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Do đó, nghiên cứu tư
tưởng Hồ Chí Minh về XHHT là dựa trên cơ sở những luận điểm của Người về
giáo dục. Tư tưởng Hồ Chí Minh về XHHT không tách rời tư tưởng Hồ Chí
Minh về giáo dục.
Hồ Chí Minh là một nhà lý luận giáo dục và thực hành giáo dục vĩ đại.
Người có rất nhiều bài viết, bài nói, tác phẩm để phát triển giáo dục nước nhà
với mong mỏi đưa dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế
giới. Sinh thời, Người chưa một lần đề cập đến XHHT nhưng thông qua những
bài nói, bài viết, tác phẩm và hoạt động thực tiễn của Người đã toát lên những
giá trị lớn lao của một XHHT Việt Nam trong đó. Một trong những trăn trở rất
lớn của Người lúc sinh thành là làm sao cho dân ta “ai cũng được học hành”.
Câu nói đó chính là cốt lõi của XHHT mà Người không ngừng kiến tạo và chỉ
đạo thực hiện ở Việt Nam.
Tổng quan các công trình đề cập đến vấn đề này, như sau:


18
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng XHHT trong tổng thể tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung, có cuốn sách: Chủ tịch Hồ Chí Minh
với sự nghiệp chống nạn thất học, nâng cao dân trí, do nhà xuất bản Giáo dục ấn
hành [141]. Với hai phần, đặc biệt là phần thứ nhất tác giả phác thảo hành trình

xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí cho nhân dân trong từng thời kỳ cách mạng.
Xuyên suốt cuốn sách là chặng đường diệt giặc dốt gian nan nhưng cũng đầy tự
hào của nhân dân ta, mà nổi bật trên hết là vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong xây dựng, chỉ đạo và trực tiếp đồng hành trong suốt chặng đường đó
của dân tộc.
Nghiên cứu tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, từ đó gián tiếp đề cập tới tư
tưởng Hồ Chí Minh về XHHT, về học tập suốt đời được nhiều tác giả lựa chọn.
Tác giả Nguyễn Lân có cuốn Hồ Chủ tịch - nhà giáo dục vĩ đại [74]. Như là một
lời khẳng định từ tên gọi của cuốn sách, tác giả đi vào nghiên cứu di sản Hồ Chí
Minh với tư cách như là một nhà giáo dục vĩ đại trên cả phương diện tư tưởng và
hoạt động thực tiễn. Cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con
người Việt Nam phát triển toàn diện [33] của tác giả Thành Duy nghiên cứu về
tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh - một trong những biện pháp để xây dựng con
người Việt Nam phát triển toàn diện.
Cùng đề cập đến tư tưởng giáo dục nói chung, tư tưởng về XHHT nói
riêng là cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục [54]. Sách tập hợp những bài
nói, bài viết của Hồ Chí Minh về giáo dục, những bài nghiên cứu về tư tưởng
giáo dục Hồ Chí Minh của nhiều nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này. Sách
do Đào Thanh Hải, Minh Tiến sưu tầm, tuyển chọn.
Một cuốn sách khác gồm 5 phần, tập hợp những thư điện của Hồ Chí
Minh gửi ngành giáo dục; những bài nói, bài viết của Người về giáo dục; biên
niên hoạt động của Người về giáo dục, đó là cuốn Bác Hồ với sự nghiệp giáo
dục [18]. Cuốn sách của Đặng Quốc Bảo lại tập trung nghiên cứu về tư tưởng
giáo dục Hồ Chí Minh và nhà giáo Hồ Chí Minh, được tác giả coi là kim chỉ
nam cho việc thực hiện đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là cuốn Tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, nhà xuất bản Giáo dục, năm 2008 [12].


19
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện là công trình của

tác giả Nguyễn Hữu Công [23]. Cuốn sách dành một nội dung đề cập về quan
điểm giáo dục, đào tạo toàn diện của Hồ Chí Minh, với ý nghĩa là một trong
những con đường hình thành và phát triển con người toàn diện Việt Nam.
Quan điểm này tiếp tục được đề cập trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về
giáo dục và đào tạo [7]. Qua 31 bài viết của các giảng viên, các nhà nghiên cứu
đến từ nhiều trường đại học trong cả nước, công trình đã làm rõ hơn những quan
điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo như vị trí, vai trò,
nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục, những cống hiến về giáo dục và
đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh về vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục và xây
dựng XHHT ở Việt Nam, tác giả Đặng Quốc Bảo cho rằng Hồ Chí Minh chính
là người khai sáng cho tư duy và chiến lược hành động xây dựng XHHT ở Việt
Nam ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Nội dung này được
đề cập đến trong cuốn Phát triển sự nghiệp giáo dục dưới ánh sáng tư tưởng Hồ
Chí Minh [13].
Gián tiếp đề cập đến việc xây dựng XHHT là cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí
Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay của tác giả Hoàng
Anh [1]. Cuốn sách trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục theo từng thời kỳ gắn với cuộc đời hoạt động
cách mạng của Người cũng như của đất nước. Đồng thời, sách phân tích nội
dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của việc vận
dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học
hiện nay. Mặc dù không trực tiếp đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về XHHT
nhưng cuốn sách cũng gợi mở nhiều ý tưởng cho tác giả khi xây dựng luận án.
Góp phần tìm hiểu những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về
giáo dục, coi đó là những giá trị nền tảng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Việt Nam, đáng chú ý là cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục với vấn đề đổi
mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay [119], nhà xuất bản Chính
trị quốc gia Sự thật. Sách khẳng định trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện



20
giáo dục hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục có ý nghĩa hết sức quan
trọng, là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo
của Việt Nam. Từ đó, công trình đi sâu phân tích thực trạng, đề xuất phương
hướng, nội dung, giải pháp vận dụng tư tưởng của Người vào đổi mới giáo dục
Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó là không ít các sách thuộc nhóm sách biên niên hoặc sưu
tầm, tuyển chọn các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào
tạo, các bài viết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các học giả, các chuyên gia
nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Có thể kể đến: Bách khoa thư Hồ
Chí Minh Sơ giản [76], giới thiệu một số bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về
giáo dục; tập hợp các bài viết, các đoạn trích của các nhà nghiên cứu tư tưởng
Hồ Chí Minh về giáo dục và quá trình vận dụng tư tưởng của Người vào thực
tiễn giáo dục; vận dụng tư tưởng của Người thông qua một số môn học. Một số
cuốn sách như Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo do Lê Văn Tích và Nguyễn Thị
Kim Dung biên soạn [133]; Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập do Vũ
Kim Yến, Nguyễn Văn Dương biên soạn [164] cơ bản đều đi vào trình bày
những quan điểm về giáo dục - đào tạo, các bài viết về tư tưởng giáo dục, sự
nghiệp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu biên niên hoạt động của
Người với ngành giáo dục - đào tạo.
Một cuốn sách ra đời với mục đích phục vụ công tác học tập, nghiên cứu,
thông tin tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến những quan điểm cơ bản
của Người về giáo dục - đào tạo, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo
nước ta ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng mới,
đồng thời thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải làm cho dân tộc
Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Đó là cuốn Bác Hồ với sự nghiệp
giáo dục đào tạo [34]. Trong 4 phần, thì phần 1 (Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo
dục đào tạo) và phần 2 (Công tác giáo dục, đào tạo trong sự nghiệp đổi mới theo
tư tưởng Hồ Chí Minh), đã cung cấp nhiều tư liệu, bài viết của nhiều tác giả về

tư tưởng giáo dục của Chí Minh và sự vận dụng tư tưởng đó vào việc đổi mới
giáo dục - đào tạo Việt Nam trong giai đoạn mới.


×