THỰC TRẠNG QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA TỔNG CỤC HẢI QUAN
VÀ MỘT SỐ NHTM VIỆT NAM MÔ HÌNH QUY TRÌNH THU THUẾ
XNK Ở NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM.
2.1 Tính cấp thiết của việc xây dựng quan hệ hợp giữa Kho bạc Nhà nước, cơ
quan Hải quan và các Ngân hàng thương mại để thực hiện tốt việc thu ngân
sách nhà nước.
2.1.1. Cơ sở pháp lý thực hiện phối hợp thu NSNN giữa KBNN, cơ quan Hải quan
và các NHTM:
- Quyết định số 3414/QĐ-BTC ngày 18/10/2006 của Bộ Tài chính về việc triển
khai Dự án Hiện đại hoá quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc
Nhà nước - Hải quan - Tài chính.
- Quyết định số 1068/QĐ-BTC ngày 15/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về
quy trình thí điểm quản lý thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
- Quyết định số 1027/QĐ-BTC ngày 19/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban
hành quy trình thu ngân sách nhà nước theo dự án Hiện đại hoá thu ngân sách nhà nước
qua KBNN.
- Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn
tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua KBNN.
Trên cơ sở Thông tư số 128/2008/TT-BTC, KBNN đã phối hợp với Tổng cục
Thuế, Tổng cục Hải quan và một số ngân hàng thương mại (NHTM) tổ chức ký kết văn
bản thoả thuận hợp tác về việc tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và đã triển
khai thí điểm tại một vài địa phương (Hải Phòng, Hải Dương, Khánh Hòa…).
2.1.2. Kết quả thí điểm:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nộp tiền vào ngân
sách nhà nước, cụ thể:
+ Thủ tục thu nộp đối với người nộp thuế đã được đơn giản hoá.
+ Người nộp thuế có thể thực hiện nộp tiền tại nhiều địa điểm khác nhau, nơi có
chi nhánh hoặc các điểm giao dịch của NHTM.
+ Người nộp thuế có thể nộp tiền ngoài giờ hành chính hoặc nộp vào ngày thứ 7.
+ Đa dạng hoá các phương thức thu nộp thuế hiện đại.
- Thống nhất và đối chiếu được một cách đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về
số thuế phải thu, số thuế đã thu NSNN giữa KBNN, cơ quan Hải quan, tổng cục Thuế,
NHTM và người nộp thuế.
- Giảm thiểu thời gian và khối lượng nhập liệu tại các cơ quan, đơn vị.
- Từng bước giảm thiểu tỷ trong thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống KBNN
nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.
- Ngoài ra, giúp cơ quan thu và đặc biệt là KBNN có điều kiện đào tạo, đào tạo
lại, bố trí sắp xếp điều chuyển cán bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về phía
ngân hàng, cũng gia tăng được các dịch vụ cho khách hàng, phát triển thêm được các
sản phẩm mới.
2.1.3. Phương thức trao đổi thông tin và các công nghệ áp dụng
Phương thức trao đổi thông tin giữa KBNN, các NHTM, tổng cục Thuế và cơ
quan Hải quan dựa trên hệ thống truyền tin của Bộ Tài chính sử dụng công nghệ
Websphere Message Queue Series của IBM.
Thông tin về số thuế phải thu của các cơ quan Thuế, Hải quan truyền qua hệ
thống truyền tin của BTC vào máy chủ Message Broker tại BTC sau đó được truyền
sang KBNN, từ KBNN thông tin thuế phải thu được truyền cho các NHTM đã tham gia
ủy nhiệm thu qua hệ thống truyền tin được thiết lập giữa KBNN và Ngân hàng.
Thông tin về số thuế đã thu được các NHTM truyền cho KBNN qua hệ thống
truyền tin được thiết lập giữa KBNN và NHTM, tại KBNN hạch toán và kết xuất thông
tin thu thuế cho các cơ quan thu qua hệ thống truyền tin của Bộ Tài chính.
Hiện tại KBNN mới áp dụng thí điểm xác thực điện tử thông tin trao đổi với
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cơ chế xác thực điện tử là xác thực hai đầu
sử dụng ký hiệu đưa vào Message. Cơ chế bảo mật mức truyền thông sử dụng cơ chế
bảo mật Websphere MQ của IBM mã hoá message trên đường truyền và cài đặt mã hoá
tại hai Queue manager của 2 đầu nhận và gửi.
Để mở rộng ủy nhiệm thu thuế XNK qua các Ngân hàng KBNN sẽ thống nhất
giải pháp xác thực điện tử, áp dụng chữ ký số để pháp lý hóa các giao dịch điện tử.
2.1.4. Định hướng triển khai công tác phối hợp thu trong thời gian tới:
- Thúc đẩy công tác tổ chức phối hợp thu giữa các cơ quan trong ngành tài chính
(KBNN, cơ quan thuế và Hải quan) với hệ thống các NHTM theo nguyên tắc kết nối,
trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử.
- KBNN sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xây dựng cơ sở dữ
liệu tập trung về thu thuế XNK để cùng chia sẻ dữ liệu dùng chung về thu thuế XNK
với hệ thống các NHTM.
2.2 Quan hệ hợp tác giữa Tổng cục Hải quan với 1 số ngân hàng thương mại Việt
Nam về vấn đề thu thuế XNK qua ngân hàng.
2.2.1 Với ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Vietinbank.
Trong những năm qua, VietinBank luôn phát huy tốt vai trò, chức năng của một
đơn vị trung gian trong việc quản lý quỹ NSNN, trong đó có công tác thu thuế liên quan
đến hàng hóa XNK. VietinBank đã nỗ lực phối hợp với KBNN - Tổng Cục Thuế -
TCHQ tìm ra phương hướng và xây dựng hoàn thiện chương trình thu thuế trực tiếp
qua VietinBank. Với chương trình này, người nộp thuế có thể đến bất kỳ Chi nhánh nào
trong hệ thống của VietinBank nộp thuế và được xác định đã hoàn thành nghĩa vụ nộp
ngân sách của mình. Thông tin về số thu NSNN tại VietinBank luôn được cập nhật kịp
thời về KBNN, TCHQ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thông quan hàng hóa.
Mặt khác, VietinBank có những lợi thế cơ bản: là một trong những NHTM lớn tại Việt
Nam, có hệ thống mạng lưới rộng khắp với hơn 150 Chi nhánh, 800 Phòng giao dịch
trên toàn quốc; hệ thống công nghệ hiện đại, dữ liệu tập trung hoá hoàn toàn; cộng với
đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp cao. Do đó, VietinBank có đủ điều kiện để
thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, của Bộ Tài chính cũng như của ngành Hải
Quan, tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng nộp thuế, nhất là đối với các DN XNK
hàng hoá trong việc hoàn thành nghĩa vụ nộp NSNN. Thay vì trước đây DN phải đến
nộp thuế tại KBNN hoặc nộp trực tiếp tại các Chi cục Hải Quan thì nay có thể đến các
Chi nhánh, Phòng giao dịch của VietinBank trên toàn quốc để nộp thuế nội địa cũng
như thuế XNK một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. DN sẽ có khả năng nắm
bắt cơ hội kinh doanh tốt hơn khi tốc độ thanh toán được đẩy nhanh, thời gian thông tin
thu nộp thuế XNK giữa các bên được rút ngắn và tiết kiệm được chi phí.
Ngày 27/7/2009, tại Hà Nội sau một thời gian phối hợp nghiên cứu, thống nhất
mô hình, phương án kết nối, giải pháp và lộ trình triển khai, Kho bạc Nhà nước, Tổng
cục Hải quan và Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam Vietinbank đã
chính thức ký thỏa thuận về quy trình nghiệp vụ và tổ chức triển khai ủy nhiệm thu thuế
đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách
Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại quầy giao dịch các chi nhánh, các
phòng giao dịch của Vietinbank. Hình thức hợp tác mới giữa cơ quan Hải quan - Kho
bạc - Ngân hàng là nhằm hỗ trợ cơ quan hải quan xác định nợ thuế nhanh chóng, chính
xác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế thực hiện nghĩa vụ
nộp NSNN một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian luân chuyển chứng từ nộp thuế.
Hình thức hợp tác này sẽ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm bắt đầu từ tháng
7/2009 đến tháng 12/2009, các bên tham gia sẽ lựa chọn một số địa bàn phù hợp để
triển khai, sau đó sơ kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai mở rộng. Giai đoạn mở
rộng từ năm 2010 sẽ triển khai tất cả các địa bàn có đủ điều kiện.
Đối với cả 3 bên tham gia ký kết thỏa thuận, đây là 1 nghiệp vụ tương đối mới
mẻ, để công tác chuẩn bị cho việc kết nối được thông suốt, đảm bảo các dữ liệu được
truyền nhận kịp thời; 3 bên đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, nguồn lực và các vấn đề về kỹ
thuật để sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trung tâm Công nghệ thông tin
(VietinBank – KBNN – TCHQ) đã phối hợp xây dựng gói giải pháp kết nối trực tiếp
giữa các bên. Các công nghệ tiên tiến nhất cũng được áp dụng để đảm bảo việc truyền
thông tin giữa Hải quan – VietinBank đạt hiệu quả và an toàn nhất.
Ngoài ra, để giúp các DN nắm bắt được thông tin về dịch vụ này, ngay từ khi
triển khai thu thuế nội địa trên địa bàn Hải Phòng (tháng 3/2009), Vietinbank đã tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiện ích của chương trình thu NSNN của hệ thống
VietinBank cũng như các dịch vụ khác của ngân hàng với khách hàng. Tại hội nghị, 3
bên cũng đã thống nhất, sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền tới người nộp
thuế.
Kết hợp với ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước trong lĩnh vực thu nộp
ngân sách Nhà nước thực sự là bước đột phá trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa của
ngành Hải quan. Sự kết hợp này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Cơ quan
quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Doanh
nghiệp thì vừa tiết kiệm được thời gian, vừa hoàn thành nộp thuế nhanh, thông quan
hàng hóa cũng vì thế mà nhanh hơn rất nhiều. Cơ quan Hải quan cam kết triển khai
nhanh chóng trong đội ngũ để cùng ngân hàng và kho bạc tiến hành thanh toán nhanh
và thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo ngân sách nhà nước thụ hưởng sớm nhất
và đầy đủ nhất thuế thu nộp. Để sự hợp tác này thành công, riêng Tổng cục Hải quan đã
có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho việc truyền đầy đủ, chính
xác danh sách tờ khai hải quan cho kho bạc, xây dựng giải pháp kết nối truyền, nhận
thông tin dữ liệu…
Đối với hệ thống ứng dụng, ngành Hải quan đã nâng cấp, xây dựng hệ thống
thông tin kết nối, xử lý thông tin với các ngân hàng và kho bạc. Mô hình trao đổi thông
tin được thực hiện là mô hình xử lý tập trung tại Tổng cục Hải quan. Bên cạnh đó, việc
đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, xác thực thông tin đã sử dụng chữ ký số trong các
giao dịch giữa các bên liên quan.
Để đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin tập trung, Hải quan đã nâng cấp băng
thông, cũng như chất lượng đường truyền trong toàn ngành Hải quan. Ngoài ra, Tổng
cục Hải quan còn cần xây dựng chuẩn kết nối của hệ thống thông tin hải quan với các
bên liên quan.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với ngân hàng, kho bạc xây dựng các
quy trình thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu, phí, lệ phí và các khoản thu khác. Đồng
thời, chủ trì phối hợp với ngân hàng, kho bạc tổ chức tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn
các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế và các khoản thu khác theo các hình thức thu mới
(thu tiền mặt tại các chi nhánh, điểm thu, thu qua thẻ ATM…).
Để đảm bảo hoạt động hiệu quả và vận hành tốt thì sự phối hợp giữa
VietinBank, KBNN và TCHQ là rất quan trọng. Giải quyết vấn đề này, 3 bên đã thành
lập một tổ đề án nghiên cứu và triển khai dự án này tại Trụ sở chính (VietinBank,
KBNN, TCHQ). Mọi vướng mắc tổ đề án sẽ trình lãnh đạo để xử lý kịp thời. Trên cơ sở
triển khai giữa 3 bên có kết quả, sẽ tạo tiền đề quan trọng và tiếp tục mở ra nhiều cơ hội
thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các bên. Từ đó sẽ tạo mọi điều
kiện thuận lợi nhất cho mọi đối tượng thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, đặc biệt là hoàn
thành nghĩa vụ nộp thuế hàng hoá XNK. Như vậy, sẽ giúp các DN nắm bắt được cơ hội
kinh doanh tốt nhất cũng như góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo
mục tiêu của Chính phủ và quá trình thực hiện cải cách, hiện đại hoá của ngành Hải
quan.
Trên cơ sở đó, liên ngành Hải Quan – KBNN – VietinBank đã triển khai mở
rộng trên cả nước theo lộ trình 3 bên đã thỏa thuận. Đối với KBNN, TCHQ cũng như
VietinBank, đây là sự phát huy những thế mạnh của từng đơn vị với những ứng dụng và
đầu tư công nghệ tin học tiên tiến, các sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích tối ưu đáp
ứng tốt nhất cho hoạt động thanh toán và quản trị điều hành nhằm đảm bảo an toàn,
hiệu quả của hệ thống.
Kinh nghiệm triển khai và một số kết quả bước đầu của Vietinbank:
Trong thời gian qua, NH Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam -
Vietinbank đã nỗ lực và trở thành NH thương mại đầu tiên thực hiện triển khai có kết
quả dịch vụ thu NSNN nói chung và thu thuế XNK nói riêng trực tiếp. Có thể khẳng
định: Chủ trương cho phép các NHTM tham gia trực tiếp thu NSNN, thuế XNK bằng
việc tham gia vào hệ thống trao đổi thông tin hiện đại hoá của Bộ Tài chính là một chủ
trương lớn, phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ thông tin cũng như nhu cầu ứng
dụng hiệu quả công nghệ trong công tác quản lý.
Việc triển khai hiệu quả dịch vụ thu NSNN, thuế XNK trực tiếp qua Vietinbank
là bước đột phá quan trọng, là kết quả của một quá trình phối kết hợp chặt chẽ và tích
cực giữa ba ngành: Kho bạc Nhà nước – NH – Tổng cục Hải quan nhằm tìm ra mô hình
và giải pháp kết nối - theo yêu cầu trao đổi thông tin hiện đại hoá của BTC - trong điều
kiện có sự không đồng bộ giữa hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu của các bên.
Từ 1/3/2009, Vietinbank thực hiện triển khai giai đoạn I dịch vụ thu NSNN, thuế
XNK trực tiếp bằng tiền mặt qua NH, cho đến nay - về cơ bản, chương trình ứng dụng,
quy trình tác nghiệp, quá trình trao đổi thông tin, đối chiếu đã đảm bảo được yêu cầu
quản lý nghiệp vụ của mỗi bên và đáp ứng theo đúng yêu cầu trao đổi thông tin Hiện
đại hoá của Bộ Tài chính.
VietinBank đã phát huy lợi thế là một ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng
CNTT, triển khai hiện đại hoá với cơ sở dữ liệu được tập trung hoá hoàn toàn (từ một
mạng lưới bao gồm 150 Chi nhánh cấp I và 800 Phòng giao dịch tại 56 Tỉnh/TP), trong
một thời gian ngắn đã phối hợp nghiên cứu và thực hiện kết nối thành công – cho phép
các Chi nhánh NHCT triển khai dịch vụ mới tại trụ sở các chi nhánh, các phòng giao
dịch, quỹ tiết tiết kiệm theo đúng yêu cầu hiện đại hoá. Hiện nay, VietinBank đã và
đang nghiên cứu tích hợp ứng dụng thu thuế XNK trực tiếp vào hệ thống Giao dịch
ngân hàng để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xử lý nghiệp vụ và trao đổi thông tin thu nộp
NSNN và nâng cao tiện ích ứng dụng cho phép VietinBank thu NSNN, thu thuế XNK
liên chi nhánh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, VietinBank thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán
bộ thực hiện giao dịch nhằm giúp họ tiếp cận được nguyên tắc và các phương pháp thu
thuế XNK, sử dụng thành thạo các chương trình liên quan. Tại các chi nhánh, Phòng
giao dịch, Quỹ Tiết kiệm triển khai dịch vụ thu thuế, VietinBank bố trí các quầy riêng
để tạo điều kiện cho người nộp thuế được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ và được chăm sóc
tốt nhất; người nộp thuế thực hiện giao dịch thuận tiện, nhanh chóng; các khoản thu
được thu đúng, thu đủ, kịp thời theo quy định của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan
và Bộ tài chính.
Đây là một công việc khá mới, một mô hình hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực thu
thuế giữa NH với các cơ quan thu nên những vướng mắc bước đầu triển khai cũng
không thể tránh khỏi. Trong thời gian đầu, số món thu và doanh số còn nhỏ do người
nộp thuế chưa quen với hình thức thu mới, nhưng sự phối hợp tích cực giữa ba đơn vị
tại cơ sở đã có tác động lớn làm cho số lượng người nộp thuế đến giao dịch trực tiếp tại
NH ngày một tăng mạnh.
Tuy nhiên, do đặc thù loại thuế nội địa tại địa bàn triển khai nhỏ lẻ nên doanh số
thu là không lớn:
Số liệu tổng hợp tại 4 chi nhánh VietinBank thực hiện phối hợp uỷ nhiệm thu tại
địa bàn Hải Phòng có tốc độ tăng nhanh về số lượng giao dịch và doanh số thu qua các
tháng 4, tháng 5, tháng 6; đến 30/6/2009, tổng số thu đã đạt trên 18 nghìn giao dịch với
137 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất phải kể đến đó là những tác động không nhỏ
làm thay đổi một cách tích cực tâm lý của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ
nộp NSNN, đặc biệt là góp phần thay đổi tâm lý thanh toán, tiêu dùng tiền mặt trong
dân cư nhằm đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua NH
và bước đầu tuyên truyền, giới thiệu hiệu quả về các dịch vụ NH hiện đại, tiện ích - đến
một khối lượng không nhỏ các khách hàng tiềm nămg – là các đối tượng nộp thuế đến
giao dịch nộp NSNN trực tiếp tại NH.
2.2.2 Với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Ngày 12/11/2009 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Ngân
hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam với Kho bạc Nhà nước và Tổng cục
Hải quan về phối hợp thu ngân sách.
Với cơ sở vật chất đồng bộ và khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, cùng với
trên 2.200 chi nhánh và điểm giao dịch trên toàn quốc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Việt Nam đảm bảo thiết lập và vận hành hệ thống thông tin thanh toán,
đặc biệt là các điểm giao dịch được đặt tại các cửa khẩu toàn tuyến biên giới. Điều này
sẽ rất thuận tiện cho việc thanh toán biên mậu tại các cửa khẩu vùng cao, nơi chưa có
điểm thu của Kho bạc.
Việc ký kết thoả thuận về hợp tác thu ngân sách giữa Kho bạc Nhà nước, Tổng
cục Hải quan và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam còn là cơ
hội cho việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin đảm bảo an toàn và hiệu quả trong
hoạt động nghiệp vụ của các bên tham gia ký kết.
Sau lễ ký kết, cả ba cơ quan sẽ sẽ triển khai thí điểm việc phối hợp thu tại một số
cửa khẩu. Sau đó, sẽ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để có thể mở rộng phạm vi hợp tác
trong thời gian tiếp theo.
Đối với ngành Hải quan, việc thực hiện phối hợp thu ngân sách qua hệ thống
ngân hàng, kho bạc nằm trong chương trình triển khai thủ tục hải quan điện tử mà
ngành hải quan đang tiến hành. Quá trình này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông
qua việc giảm thời gian thông quan, giảm thời gian và chi phí đồng thời đảm bảo mục
tiêu thu nộp ngân sách Nhà nước.
2.2.3 Với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà
nước, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường thanh toán không dùng tiền
mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà
nước được tiếp cận các hình thức thu mới qua ngân hàng, đồng thời vẫn tuân thủ các
quy định pháp luật về thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước, ngày 18/8/2009, Kho
bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan và BIDV đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về tổ chức
phối hợp thu ngân sách Nhà nước tại quầy giao dịch các chi nhánh, các phòng giao dịch
của BIDV.
Theo thỏa thuận, Kho bạc Nhà nước sẽ ủy nhiệm cho BIDV thực hiện thu thuế
xuất nhập khẩu, phí và lệ phí Hải quan qua hệ thống BIDV trên cơ sở sự kết nối và chia
sẻ thông tin và dữ liệu về người nộp thuế và số thuế phải thu của Kho bạc Nhà nước,
Tổng cục Hải quan với BIDV. Trong năm 2009, công tác thu thuế Hải quan đã được
triển khai thí điểm tại địa bàn An Giang sau đó đã, đang tiếp tục mở rộng hơn nữa trong
hệ thống của BIDV.
Thỏa thuận phối hợp này được ký kết sau khi 3 bên nghiên cứu, trao đổi về chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và năng lực của mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả quản
lý quỹ NSNN qua Kho bạc Nhà nước, công tác quản lý thu NSNN của Tổng cục Thuế,
Tổng cục Hải quan, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng như việc tuân thủ pháp luật
về thuế và các khoản thu NSNN.
BIDV cam kết cung cấp các dịch vụ hiện đại, chất lượng cao cho các đối tượng
nộp thuế, đồng thời đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời ngân sách nhà nước, góp
phần vào công cuộc hiện đại hóa ngành tài chính.
Tổng cục Hải quan Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của BIDV trong việc
xúc tiến quá trình hợp tác giữa ba bên. Hơn nữa BIDV là ngân hàng thứ hai ký kết thỏa
thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan và Kho bạc nên đã có những thuận lợi nhất định.
Tổng cục Hải quan Việt Nam khẳng định việc thu thuế XNK cho ngân sách nhà nước
qua Ngân hàng sẽ còn được mở rộng hơn nữa, không chỉ với một ngân hàng mà với
nhiều ngân hàng nếu NH có đủ điều kiện. Điều này sẽ làm tăng thêm thuận lợi cho
người dân và doanh nghiệp khi nộp thuế, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận
lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và làm phong phú thêm hệ thống danh mục dịch vụ
của ngân hàng thương mại.
2.3 Thực trạng quan hệ hợp tác giữa KBNN, cơ quan Hải quan và các ngân hàng
thương mại trong công tác thu thuế XNK.
2.3.1 Kết quả hợp tác giữa KBNN, cơ quan Hải quan và các ngân hàng thương mại
trong công tác thu thuế XNK.
Dự án “Thu thuế XNK cho ngân sách nhà nước thông qua phát triển hợp tác giữa
KBNN, cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế và các ngân hàng thương mại Việt Nam” bắt
đầu triển khai từ đầu năm 2009 với 3 NHTM ban đầu là Vietinbank, BIDV và Agribank,
qua kết quả thí điểm tại 9 địa phương (Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Đà
Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa và Tiền Giang), với 34 chi nhánh
và 162 điểm thu, thì thấy số tiền các ngân hàng đã thu nộp ngân sách đạt gần 2.600 tỉ
đồng (2.577.976 triệu đồng), hoàn thành kế hoạch đặt ra cho các đơn vị khoán thu thí
điểm năm 2009.
Bên cạnh đó, dự án còn được đánh giá là thành công lớn khi bước đầu ghi nhận
số lượng khá nhiều hồ sơ của các NHTM đăng ký tham gia thu hộ ngân sách, cũng như
sự phấn khởi của các doanh nghiệp khi giảm được những thủ tục nộp thuế.
Phương thức thu ngân sách qua hệ thống NHTM đã thể hiện rõ nhiều lợi điểm,
ví như thu qua NHTM dễ dàng và nhanh chóng hơn thu qua Kho bạc Nhà nước vì số
điểm thu của các NHTM trải rộng trên các địa bàn (ví dụ, chỉ riêng Chi
nhánh Agribank Hai Bà Trưng - Hà Nội đã có tới 10 điểm giao dịch); thời gian thu nộp
dài hơn (ngân hàng thường đóng cửa muộn hơn kho bạc, và làm việc cả thứ 7, đặc
biệt, nếu thu qua thẻ ATM thì có thể áp dụng 24h trong ngày), thúc đẩy thanh toán
không dùng tiền mặt, giảm thiểu rủi ro; tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Đồng
thời, thu ngân sách qua NHTM giúp giảm bớt nghiệp vụ cho cơ quan thuế, các NHTM
thì phát triển được các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và tận dụng được số tiền lưu ngân hàng
do quá trình “trễ” trong quá trình luân chuyển ngân hàng…
2.3.2 Đánh giá kết quả hợp tác giữa KBNN, cơ quan Hải quan và các ngân hàng
thương mại.
2.3.2.1 Những thành tựu đạt được
Sau một thời gian thực hiện, sự phối hợp thu NSNN giữa Kho bạc Nhà nước –
Tổng cục Hải quan và các hệ thống ngân hàng thương mại kết quả đạt được cụ thể như