Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Một số biện pháp cải tiến trong sản xuất giống cá nàng hai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.37 KB, 3 trang )

Một số biện pháp cải tiến trong sản xuất giống cá nàng hai

Nguồn: vietlinh.com.vn
Hiện nay, cá nàng hai có giá trị kinh tế khá cao trên thị trường trong nước
cũng như xuất khẩu. Thịt cá có chất lượng tương đương cá thát lát, nhưng lại có
trọng lượng lớn hơn. Cá nàng hai có nhiều chấm còn được người nuôi cá kiểng rất
yêu thích. Tuy nhiên, cá nàng hai có nhược điểm là tỷ lệ sinh sản của cá rất thấp,
do đó vấn đề về giống đang đặt ra. Đề tài nghiên cứu khoa học Thử nghiệm cải
tiến một số biện pháp sản xuất giống cá nàng hai quy mô nông hộ tại Long An
của Thạc sĩ Phạm Phú Hùng - Giám đốc Trung tâm Thủy sản Long An và các
cộng sự đang được thực hiện, nhằm giúp người nông dân có thể tự nhân giống và
nuôi cá thành công ngay tại ao nhà.
Cá nàng hai (hay còn gọi là thát lát còm, cá đao, cá cườm) là loại cá nuôi
mới, chưa phổ biến. Cá có tên khoa học Notopterus chilata. Hiện nay, cá mới chỉ
nuôi nhiều ở tỉnh Hậu Giang (đã có thương hiệu riêng), ở Long An và một số tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long khác, cá chưa được nuôi chưa nhiều. Từ những hộ đã
nuôi cá thành công cho thấy, cá có giá trị cao trên thị trường, dễ tiêu thụ, ngoài
việc cung cấp cá thịt cho thị trường trong và ngoài nước, cá nàng hai to, đẹp, có
nhiều chấm còn dùng để bán cho dân chơi cá kiểng với giá cao.
Cá nàng hai trong tự nhiên thường sống ở vùng kênh, rạch, ao đầm, ruộng
trũng có thể chịu được nước có lượng ôxy thấp, vì cá có cơ quan hô hấp phụ.
Trong điều kiện tự nhiên, cá thường sống ở vùng tầng giữa, đáy của mực nước. Cá
thích sống trong môi trường có nhiều thực vật thủy sinh lớn, mực nước thích hợp
là loại nước trung tính có độ pH từ 6,5-7, nhiệt độ thích hợp 26-280c, tuổi thọ của
cá trên 10 năm tuổi và có thể có kích thước trên 90cm.
Hiện tại, phương pháp sản xuất giống vẫn áp dụng biện pháp thủ công như:
Vuốt trứng-tiêm kích dục tố rồi thả lại ao, cho đẻ tự nhiên. Tỷ lệ cá con sống rất
thấp vì các loài thiên địch và nếu ổ bị động cá quay lại ăn luôn trứng của mình. Cá
thường sinh sản vào mùa mưa và đẻ tập trung từ tháng 6-10 hàng năm. Cá có
chiều dài 20cm, có sức sinh sản tối đa khoảng 1.500 trứng. Cá nàng hai trong điều
kiện tự nhiên tự tái phát dục sau 7-10 tuần và có thể sinh sản 2 đến 3 lần trong


mùa mưa. Cá được nuôi trong ao, hồ có thể chủ động nuôi thành thục cho sinh sản
kéo dài từ tháng 2 đến tháng 11 nếu được nuôi dưỡng đúng mức và cho ăn đầy đủ
chất dinh dưỡng.
Thời gian gần đây, Trại giống thủy sản Bình Cách, xã Hiệp Thạnh, huyện
Châu Thành, Long An đã sản xuất thử nghiệm thành công nhân giống cá nàng hai.
Tuy nhiên, trong quá trình nhân giống các kỹ sư thủy sản thấy cần phải cải tiến,
hoàn thiện hơn nữa quy trình kỹ thuật để có thể sản xuất được nhiều giống chất
lượng cao, từ đó có thể hướng dẫn, chuyển giao cho người nuôi cá trong tỉnh áp
dụng. Vì hiện nay, số lượng giống mà Trại cá giống Bình Cách sản xuất không
đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi cá nàng hai.
Nội dung nghiên cứu của nhóm kỹ sư thủy sản thuộc Trung tâm thủy sản
Long An đang tập trung vào việc kích thích sinh sản cho cá nàng hai bằng một số
biện pháp khác nhau. Sự ảnh hưởng của thời gian cấp nước mới tới việc sinh sản
của cá. Theo Thạc sĩ Hùng, có thể dùng các ống nước PC cắm xuống ao cho cá đẻ
và nhô lên khỏi mặt nước để dễ nhận biết ổ trứng của cá. Khi cá đẻ xong, đến thời
điểm thụ tinh cho trứng thì nhẹ nhàng rút các ống mủ lên, tránh làm động ổ trứng.
Ngoài ra, nội dung nghiên cứu cũng nhắm tới việc xác định một số chỉ tiêu
kỹ thuật ương nuôi cá. Từ đó, đề ra các biện pháp cải tiến, hoàn thiện quy trình kỹ
thuật phù hợp với quy mô nông hộ tại tỉnh Long An, theo dõi một số chỉ tiêu môi
trường như, nhiệt độ, oxy, pH, độ trong...
Chương trình nghiên cứu đề tài khoa học của Thạc sĩ Hùng và các cộng sự
đang được gấp rút hoàn thành. Vào tháng 10-2008, đề tài sẽ được báo cáo và
nghiệm thu. Hy vọng, sau khi đề tài nghiên cứu hoàn tất và áp dụng thành công
trong thực tế sẽ giải quyết được vấn đề giống trong việc nuôi cá nàng hai, mở ra
một hướng mới trong việc nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Thạc sĩ Phạm Phú
Hùng chủ nhiệm đề tài cho biết, sau khi cho 3 nông hộ thực nghiệm bước đầu cho
thấy có hiệu quả, tuy nhiên chưa đến giai đoạn nghiệm thu đề tài vì cá còn nhỏ.
Việc nhân giống cá tại Trung tâm vẫn được tiến hành thường xuyên và đạt kết quả
khả quan sau khi áp dụng một số biện pháp cải tiến. Trung bình 1 năm Trung tâm
sản xuất 50.000 cá thát lát con cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh.


×