Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Phương pháp học tiếng anh và tiếng anh chuyên ngành pháp lý cho sinh viên trường đại học luật TP HCM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.47 KB, 8 trang )

PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG ANH VÀ TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH PHÁP LÝ CHO
SINH VIÊN ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LÊ HÀ HUY PHÁT – VÕ THỊ CẨM GIANG – 2018
TÓM TẮT
Việc học tập, nghiên cứu tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh chuyên ngành phải đáp ứng các mục
đích cụ thể về kiến thức cũng như kỹ năng. Để đạt được các mục đích này, người dạy và sinh
viên cần có những chuẩn bị và hành động cụ thể. Bài viết phân tích thực trạng cũng như đề xuất
liên quan đến phương pháp học hiệu quả, lộ trình bài bản và tài liệu hữu ích cho việc học tiếng
Anh phổ thông nói chung và tiếng Anh chuyên ngành pháp lý nói riêng cho sinh viên Trường Đại
học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp cho một sinh viên Trường
Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ quyết định về việc quy định chuẩn trình độ tiếng
Anh theo chương trình TOEIC cho sinh viên hệ chính quy thuộc các khóa tuyển sinh từ năm
2009 thì sinh viên chuyên ngành Luật Hình sự và Hành chính khi tốt nghiệp ra trường cần đạt
trình độ tiếng Anh tối thiểu là 450 điểm theo chuẩn TOEIC (hoặc có chứng chỉ TOEFL và IELTS
tương đương trong thời hạn 2 năm tính đến ngày ra trường). Tương tự, đối với sinh viên chuyên
ngành Luật Dân sự và Quốc tế là 470 điểm TOEIC, chuyên ngành Luật Thương mại là 500 điểm
TOEIC, chuyên ngành Quản trị - luật là 500 điểm TOEIC. Đối với sinh viên chuyên ngành Ngôn
ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý từ Khóa 41 trở đi phải đạt chuẩn tiếng Anh từ 7.0
IELTS trở lên cùng một trong năm ngoại ngữ đạt trình độ riêng biệt (tiếng Pháp: đạt từ DELF A2
trở lên; tiếng Nhật: đạt từ JLPT N4 trở lên; tiếng Nga: đạt từ TRKI 1 trở lên; tiếng Trung: đạt từ
HSK 3 trở lên; tiếng Đức: đạt từ ZD trở lên). Nếu sinh viên chuyên ngành Anh văn pháp lý
không đạt năng lực Ngoại ngữ thứ 2 của một trong năm ngoại ngữ theo quy định nêu trên thì
chuẩn trình độ tiếng Anh phải đạt từ 7.5 IELTS trở lên. Thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ của
sinh viên, theo kết quả tổng hợp việc nộp chứng chỉ ngoại ngữ của sinh viên Khóa 38 Trường
Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (tốt nghiệp tháng 8 năm 2017) thì đến cuối tháng 7 năm
2017, vẫn còn đến 473 sinh viên trong tổng số 1567 sinh viên toàn trường (chiếm tỉ lệ 30.19%)
chưa nộp chứng chỉ đủ chuẩn tốt nghiệp. Đây đã được xem là một trong những kết quả tốt nhất
trong những năm vừa qua của trường. Điều đó cho thấy rằng, một bộ phận không nhỏ sinh viên
còn chưa thực sự quan tâm cũng như tập trung vào việc học tiếng Anh bên cạnh việc học ở
trường và các hoạt động ngoại khóa. Trong bài viết, tác giả sẽ làm rõ: (i) Thực trạng học tiếng


Anh chưa hiệu quả của sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Đề xuất
phương pháp học hiệu quả tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh pháp lý cho sinh viên Trường Đại
học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Thực trạng học tiếng Anh chưa hiệu quả của sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố
Hồ Chí Minh
1.1. Các phương pháp học tiếng Anh
a. Phương pháp tự học

1


Hiện nay, nhiều sinh viên đang áp dụng phương pháp tạm gọi là phương pháp tự học. Ở đây, sinh
viên là người nắm thế chủ động. Cụ thể, sinh viên sẽ tự tìm kiếm các nguồn tài liệu thông qua
sách, website uy tín hoặc mạng xã hội. Hầu hết các tài liệu này đều có sẵn đáp án, một vài tài
liệu vừa có đáp án vừa có giải thích kèm theo. Sinh viên cũng dễ dàng tìm kiếm các video clip
hướng dẫn tự học trên mạng và học tập từ đó. Nói cách khác, sinh viên chủ động hoàn toàn từ
khâu chuẩn bị tài liệu, tìm hiểu nội dung, tự nghiên cứu. Phương pháp này rèn luyện một số kỹ
năng cho sinh viên như chủ động làm việc chứ không thụ động tiếp thu Anh văn. Vì phải chuẩn
bị bài nên phương pháp này giúp sinh viên phát triển kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc và vận dụng
nguồn tài liệu. Tuy nhiên, phương pháp này rất hạn chế về mặt kiến thức. Khi chỉ dựa vào kiến
thức cá nhân để tự thẩm thấu một lượng kiến thức đồ sộ, rộng lớn mà chính bản thân mình chưa
vững thì dễ dẫn đến hiểu không rõ, không sâu. Từ đó sẽ gây tiêu tốn nhiều thời gian hoặc trầm
trọng nhất là sai lầm trong lựa chọn lộ trình và tài liệu học.
b. Phương pháp học truyền thống
Bên cạnh phương pháp tự học, phương pháp học truyền thống cũng được rất nhiều sinh viên lựa
chọn. Ở đây, sinh viên sẽ tìm hiểu và lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ phù hợp với các tiêu chí
của bản thân (uy tín, học phí, địa điểm, chương trình học…). Ở mỗi chương trình học, sinh viên
sẽ được hướng dẫn kiểm tra năng lực và xếp vào các lớp phù hợp trình độ của mình. Sinh viên sẽ
được tiếp cận với các giáo viên dày dạn kinh nghiệm, giáo trình được chọn lọc và học trong môi
trường chung, tạo cơ hội phát triển tốt các kỹ năng, nhất là kỹ năng nghe và nói. Sau khi học và

thi cuối kỳ ở mỗi khóa, sinh viên sẽ được tiếp tục các chương trình học cao hơn. Đây là phương
pháp truyền thống nên sinh viên sẽ tiếp nhận dễ dàng, quen thuộc. Tuy nhiên, phương pháp này
vẫn có nhược điểm. Cụ thể, thỉnh thoảng các giáo trình được chuẩn bị sẵn sẽ dạy lại các kiến
thức sinh viên đã được học ở bậc phổ thông, điều này dễ dẫn đến tâm lý chán nản. Thêm vào đó,
sinh viên đôi khi thụ động tiếp thu kiến thức từ giáo viên nên không đảm bảo được khả năng tự
học (tìm kiếm thêm tài liệu, nghiên cứu thêm tài liệu…). Trong trường hợp sinh viên không
nghiêm túc thì còn tận dụng thời gian làm việc riêng tại lớp. Các trung tâm hiện nay thường
không có các biện pháp chế tài xử lý sinh viên nghỉ học nhiều hoặc không làm bài tập nên chất
lượng đôi lúc phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của sinh viên. Cuối cùng, mức học phí tại các trung
tâm uy tín hiện nay khá cao là một trở ngại cho một lượng lớn sinh viên muốn học tốt tiếng Anh
nhưng lại gặp khó khăn về tài chính.
c. Phương pháp học kèm
Phương pháp học kèm là một phương pháp cũng được sinh viên quan tâm lựa chọn. Đây là
phương pháp tối ưu dành cho sinh viên bị mất căn bản và cần sự giúp đỡ tuyệt đối từ giáo viên.
Sinh viên sẽ được hướng dẫn lại những chủ điểm ngữ pháp cơ bản, bổ sung từ vựng, luyện phát
âm và phát triển kỹ năng nghe. Sinh viên sẽ nhanh chóng xây dựng lại nền tảng kiến thức Anh
văn, nhất là những sinh viên còn nhiều “mặc cảm” khi học tiếng Anh. Vì giáo viên trực tiếp làm
việc với một sinh viên nên buộc sinh viên phải ý thức trong việc học, làm bài tập được giao và
chuẩn bị bài trước khi học kèm. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ có chi phí rất cao (giá trung bình
hiện nay là 200.000 - 400.000 đồng cho một giờ học kèm tùy giáo viên và chương trình học).
Ngoài ra, sinh viên sẽ bị hạn chế khả năng giao tiếp tiếng Anh trước đám đông cũng như kỹ năng
thuyết trình, phản biện.
2


1.2. Nguyên nhân sinh viên học tiếng Anh chưa hiệu quả
a. Về khách quan
Người Việt Nam khá bất lợi khi học tiếng Anh so với người nước khác. Sự bất lợi này xuất phát
từ lý do người Việt phải sử dụng cơ miệng theo một cách hoàn toàn khác để phát âm được tiếng
Anh. So với tiếng Anh, tiếng Việt là một ngôn ngữ vô cùng độc đáo vì vừa có âm điệu vừa có

dấu. Hai yếu tố này làm cho tiếng Việt trở nên đặc biệt so với 6.500 ngôn ngữ khác trên thế giới.
Ví dụ, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết (nhiều âm trong một từ) và trong mỗi từ đa phần chỉ có
một trọng âm chính. Khái niệm này không có trong tiếng Việt, do đó, sinh viên Việt Nam thường
đọc sai trọng âm hoặc quên đọc trọng âm. Thêm nữa là việc phát âm âm cuối, trong tiếng Việt
hầu như không có âm cuối, nên khi nói tiếng Anh, đặc biệt các âm cuối /s/, /t/, /ch/, /k/… sinh
viên thường có thói quen biến đổi âm hoặc nuốt âm (“does” sẽ đọc thành “đơ”, “park” sẽ đọc
thành “pác”). Phát âm sai dẫn đến kỹ năng nghe và nói đều yếu.
b. Về nhận thức
Sinh viên hiện nay chưa thực sự đánh giá đúng tầm quan trọng và sự cần thiết của Anh văn trong
cuộc sống, học tập và công việc, do đó không chú trọng vào việc rèn luyện Anh văn bên cạnh các
môn học ở trường, các hoạt động ngoại khóa. Trên thực tế, chúng ta cần hiểu rằng, nhận thức
đúng đắn về vai trò của việc học tiếng Anh trong giao tiếp, hội nhập quốc tế, du lịch… mới có
thể tạo nên nguồn cảm hứng, động lực đúng đắn để nâng cao khả năng tiếng Anh. Chưa nhận
thức đúng đắn về vấn đề này làm cho phần lớn người học thiếu kiên nhẫn, dễ nản chí. Một số học
viên luôn mang tâm lý tự ti rằng mình không thể học tiếng Anh, cộng thêm sự nôn nóng, vội
vàng muốn đạt kết quả mà không kiên trì theo đuổi một lộ trình lâu dài. Nhiều sinh viên có tâm
lý học chỉ để thi mà không phải để ứng dụng. Từ đó sinh viên học với tâm lý đối phó, chỉ muốn
học vừa đủ vì nghĩa vụ hoàn thành chỉ tiêu tốt nghiệp, không quan tâm đến việc biến kiến thức
thành kỹ năng để sử dụng nhuần nhuyễn vào thực tế.
c. Về lộ trình
Qua quá trình giảng dạy tiếng Anh, tác giả nhận thấy rất nhiều sinh viên hiện nay chưa có một
phương pháp bài bản và một lộ trình hợp lý để có thể nâng cao hiệu quả học tập. Điều này dẫn
đến việc học nhiều nhưng lại không tiến bộ, không đạt kết quả mong muốn. Từ ý thức học đối
phó, sinh viên đã không phát huy tối đa 04 kỹ năng mà chỉ chú trọng 02 kỹ năng đọc và nghe. Vì
tâm lý học để thi chứ không để ứng dụng, sinh viên đã chỉ chú trọng vào “mẹo làm bài” mà
không chú trọng kiến thức, dễ rơi vào trường hợp “dục tốc bất đạt”. Bên cạnh đó, hiện nay phần
lớn sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa dành sự quan tâm đến việc
học và rèn luyện tiếng Anh chuyên ngành luật, dẫn đến thực trạng là: chưa kể những em không
tập trung học tiếng Anh mà ngay cả những em đã có ngoại ngữ tốt vẫn không thể ứng dụng
những kỹ năng nghe - nói - đọc - viết trong lĩnh vực pháp lý để học tập và có cơ hội việc làm tốt

hơn.
2. Đề xuất phương pháp học hiệu quả tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh pháp lý cho sinh
viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
2.1. Phương pháp và lộ trình học hiệu quả kỹ năng nghe tiếng Anh
3


Sinh viên thường phàn nàn người bản ngữ nói nhanh quá không nghe được, hoặc học nghe hoài
mà không tốt lên, hoặc không thể học nghe. Sau đây là lộ trình học mà người đọc có thể tham
khảo và tập luyện nghiêm ngặt để cải thiện kỹ năng nghe bằng phương pháp tự học.
- Nghe thụ động (“tắm ngôn ngữ”): Sinh viên cần nghe ở trình độ phù hợp của bản thân, sau đó
nâng cao dần lên, ban đầu chỉ nghe, không cần hiểu. Khi rảnh rỗi, sinh viên mở các bài nghe và
cứ lặp đi lặp lại những bài nghe ấy. Sinh viên không cần chú ý đến bài nghe, cứ làm việc của
mình (học bài, đọc sách…) song song với tiếng phát ra của bài tiếng Anh. Ngoài ra, những
chương trình truyền hình về du lịch (Star World), giải trí (Discovery), học thuật (Tedtalk) cũng là
những nguồn tư liệu luyện nghe thú vị và bổ ích. Thậm chí, sinh viên có thể nghe chính các bài
thi TOEIC hoặc IELTS. Công việc “tắm ngôn ngữ” này rất quan trọng vì nó cho phép chúng ta
nghe đúng với từng âm của một ngôn ngữ khác tiếng Việt, giai đoạn này có thể kéo dài từ 3 đến
6 tháng.
- Nghe chủ động: Sau bước nghe bị động, chúng ta nên tiến hành nghe chủ động theo các bước
sau đây:
Bước 1: Lấy nội dung của những bài mình từng nghe, đọc lại và nhớ lại, từ nào không hiểu nghĩa
thì tra từ điển.
Bước 2: Mở bài nghe lại, vừa nghe vừa tra từ vựng theo nội dung.
Bước 3: Cố gắng nghe rồi chép chính tả lại. Từ nào không biết hoặc không nghe được thì bỏ qua,
chép được bao nhiêu thì chép như cách học tiếng Việt thời tiểu học qua môn chính tả. Ở giai
đoạn này, ngoài việc nghe và nhớ được mặt chữ, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện lỗi phát âm sai
của mình. Ví dụ từ “audition” thường được phát âm là [au đí sần] nên có thể khi nghe sẽ không
hiểu được. Hầu hết trong tiếng Anh, chúng ta cần đọc âm [au] thành âm [o]. Như vậy nó sẽ phải
là [o đí sần], tương tự từ “august” hay từ “audience” cũng vậy.

Mỗi ngày hãy thực hành với 1 - 2 bài nghe theo cách trên (từ 1 - 2 tiếng) trong 3 - 6 tháng. Sau
khi kỹ năng nghe đã khá lên, sinh viên nên tham gia các hội thảo, các buổi trao đổi học thuật
được trình bày bằng tiếng Anh bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp lý được tổ
chức tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tham gia, tham dự các phiên tòa giả
định, cuộc thi Moot Court Competition để phát triển tiếng Anh chuyên ngành. Tại nhà, sinh viên
có thể luyện nghe các bản tin pháp lý từ chuỗi chương trình VOA Learning English với giọng
đọc rõ ràng, phát âm chuẩn, tốc độ vừa đủ cùng với minh họa phụ đề. Chỉ cần mỗi ngày nghe 2 3 bản tin là đủ để não bộ tư duy và thích ứng với tiếng Anh chuyên ngành pháp lý.
2.2. Phương pháp và lộ trình học hiệu quả kỹ năng nói tiếng Anh
Nhiều sinh viên thậm chí người hành nghề luật thường phân vân nên học tiếng Anh giao tiếp phổ
thông hay tiếng Anh chuyên ngành pháp lý vì hầu hết họ nhầm lẫn tiếng Anh giao tiếp phổ thông
và tiếng Anh chuyên ngành khác hẳn nhau. Trên thực tế, tiếng Anh giao tiếp phổ thông và tiếng
Anh chuyên ngành có phần chung chiếm đến 90% là phục vụ công việc (trừ việc tiếp khách
hàng, đặt lịch hẹn qua điện thoại, đến việc tham gia các cuộc họp, đàm phán…). Phần khác nhau
là từ vựng chuyên ngành và chiếm khoảng 10% tổng lượng kiến thức cần trau dồi. Như vậy, dù
là tiếng Anh giao tiếp phổ thông hay tiếng Anh chuyên ngành thì khả năng phát âm và phản xạ
4


nghe nói là yếu tố quyết định, sau đó là từ vựng. Sinh viên nên áp dụng linh hoạt phương pháp tự
học và phương pháp học truyền thống để học tập kỹ năng này. Việc rèn luyện kỹ năng nói nên
thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Rèn luyện kỹ năng nghe. Với mỗi bài luyện kỹ năng nghe, sinh viên nên đọc theo để
làm quen với cách phát âm cũng như ngữ điệu nói của người bản xứ.
Bước 2: Học cách phát âm một cách chính xác.
Bước 3: Tìm một người bạn có cùng mục tiêu để có thể luyện tập giao tiếp, nghe nói bất cứ khi
nào. Tốt hơn hết là một người có thể nhìn thấy những lỗi sai cho mình, không ngần ngại chỉnh
sửa và hoàn thiện chúng.
Bước 4: Tự mô phỏng những tình huống giao tiếp bằng tiếng Anh. Mọi lúc, mọi nơi, sinh viên tự
đặt ra cho mình những tình huống giao tiếp, những câu hỏi mà mình có thể gặp như: phỏng vấn,
hỏi đường, yêu cầu giới thiệu bản thân, gọi thức ăn trong nhà hàng… Sinh viên có thể làm việc

này bất cứ khi nào: trong giờ nghỉ, trên xe buýt… Phương pháp luyện tập này giúp củng cố
những từ vựng đã học, thúc đẩy tìm tòi thêm những từ vựng và cấu trúc giao tiếp mới. Ngoài ra,
điều này còn làm cho sinh viên chủ động và sẵn sàng trong mọi tình huống giao tiếp. Khi kỹ
năng nói đã khá lên, sinh viên có thể rèn luyện tiếng Anh chuyên ngành thông qua những buổi
thảo luận chuyên đề hoặc tham gia các phiên tòa giả định tiếng Anh.
2.3. Phương pháp và lộ trình học hiệu quả kỹ năng đọc tiếng Anh
Để phát triển kỹ năng đọc, điều kiện tiên quyết là vốn từ vựng. Cách học từ vựng sẽ được trình
bày ở phần sau. Ở phần này, để bắt đầu học tập tốt kỹ năng đọc, sinh viên cần tham khảo các
bước sau đây:
Bước 1: Giai đoạn mới bắt đầu, sinh viên nên đọc từ các mẩu chuyện dành cho trẻ em, vì đây là
các văn bản đơn giản, trong sáng, dễ đọc, dễ nhớ. Cố gắng đọc to văn bản đó, như vậy, kỹ năng
đọc được phát triển và tai cũng sẽ nghe nên đồng thời tốt cho kỹ năng nghe. Giai đoạn này kéo
dài cỡ một tháng, mỗi ngày luyện một tiếng.
Bước 2: Ở bước này, sinh viên nên tìm đọc các văn bản có độ khó cao hơn, ví dụ như các bài thi
TOEIC (phần 7), đề thi IELTS, báo nước ngoài. Khi đọc, sinh viên cố gắng đọc lướt qua toàn bài
để nắm được các mục, nếu bài đó có phần tóm tắt thì nên đọc phần tóm tắt kỹ (ví dụ trong Tạp
chí Khoa học Pháp lý luôn có phần tóm tắt trước mỗi bài viết). Sau đó, hãy dừng đọc, nhớ lại và
tự đặt các câu hỏi về ý của tác giả muốn viết gì trong văn bản đó. Lưu ý, nếu có từ mới chưa biết,
hãy bỏ qua nó. Chúng ta sẽ xem cách đọc và nghĩa ở từ điển (và học thuộc chúng) sau khi chúng
ta đã đọc hết đoạn văn bản. Đừng cố dừng lại dò từng từ, nó sẽ làm chúng ta quên hầu hết những
gì đã đọc trước đó và không nắm được ý của toàn bài.
Bước 3: Khi từ vựng và kỹ năng đọc đã khá lên, sinh viên cần đọc thêm các văn bản pháp luật
của Việt Nam bằng tiếng Anh, các hợp đồng, bản án, các tài liệu về Anh văn pháp lý. Qua đó,
sinh viên có thể nắm được những từ vựng chuyên ngành luật, những cấu trúc câu thường dùng
trong văn phong pháp lý để ứng dụng trong học tập và làm việc. Ví dụ, trong lĩnh vực pháp luật
dân sự thì quan tâm đến các thuật ngữ như “hợp đồng”, “người đưa ra lời đề nghị giao kết hợp
đồng”, “người được đề nghị giao kết hợp đồng”, “đề nghị giao kết hợp đồng”.
5



2.5. Phương pháp và lộ trình học hiệu quả kỹ năng viết tiếng Anh
Để phát triển kỹ năng viết, sinh viên cần chú trọng ngữ pháp, từ vựng cũng như áp dụng cả
phương pháp tự học và phương pháp truyền thống. Sinh viên có thể học ngữ pháp theo từng chủ
đề để phân loại, tổng hợp kiến thức như: các thì trong tiếng Anh, vị trí, chức năng của các loại từ:
danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ. Kỹ năng viết cần được rèn luyện mỗi ngày để làm
quen với tư duy và văn phong. Như vậy, sinh viên nên luyện tập theo các bước sau:
- Bước 1: Thu thập các bài viết hay. Việc sưu tầm các bài viết tiếng Anh có thể được thực hiện
thông qua nhiều nguồn tư liệu: sách báo, mạng xã hội, website… được tích lũy qua quá trình
luyện đọc hằng ngày. Bước này giúp sinh viên học hỏi được những cấu trúc, từ vựng phong phú,
mới lạ để vận dụng vào bài viết của mình.
- Bước 2: Luyện viết mỗi ngày. Bài viết có thể dựa trên bất cứ nội dung nào sinh viên thích và
sáng tạo ra như: dựa trên những câu chuyện hằng ngày, nhận định về một tin tức, sự kiện xã hội,
giải trí… được quan tâm, hay thậm chí chỉ là những mẩu truyện ngắn tự sáng tác. Việc luyện tập
hằng ngày không chỉ giúp phát huy trí tưởng tượng, cải thiện khả năng tư duy nhạy bén mà còn
tạo thói quen viết một cách tự nhiên. Khi viết, sinh viên cần xác định rõ ràng mục đích của bài
viết rồi lập dàn bài chi tiết. Giai đoạn này có thể kéo dài 3 tháng, mỗi ngày luyện viết khoảng 2
tiếng.
- Bước 3: Kiểm tra và đánh giá. Sau khi hoàn thành bài viết, sinh viên nhất định phải đọc lại, rà
soát những lỗi sai về ngữ pháp, từ vựng, trau chuốt câu từ. Bài viết có thể được hoàn thiện sau ít
nhất 3 lần chỉnh sửa khi ý tứ, cách hành văn trở nên rõ ràng, mạch lạc, súc tích. Ngoài việc tự
kiểm tra chính tả, sinh viên còn có thể sử dụng chức năng chính tả, ngữ pháp được tích hợp sẵn
trong phần mềm soạn thảo văn bản hoặc nhờ đến các website kiểm tra ngữ pháp như:
Grammarly, Grammar Check và Grammar Book…
- Bước 4: Nhờ người khác đọc bài viết của mình. Hãy nhờ một người có kỹ năng viết tốt để nhận
xét một cách khách quan, nhìn thấy những lỗi sai mà bản thân không thể tự nhận ra. Khi kỹ năng
viết đã khá tốt, sinh viên có thể học và làm việc theo nhóm hoặc xin thực tập tại các văn phòng
luật sư để thực hành soạn các văn bản pháp lý, hợp đồng, vận dụng các thuật ngữ chuyên ngành.
2.5. Phương pháp và lộ trình học hiệu quả từ vựng tiếng Anh
Sinh viên cần luyện tập nghiêm ngặt cách học từ vựng sau đây:
Bước 1: Mỗi ngày, sinh viên học 12 từ vựng. Sinh viên có thể tham khảo một số sách học từ

vựng theo chủ đề như: 600 Essential Words for the TOEIC (Dr. Lin Lougheed), The Oxford
Dictionary (Norma Shapiro - Jayme Adelson - Goldstein)… Giai đoạn này kéo dài 3 tháng, mỗi
ngày học 30 phút.
Bước 2: Dùng từ điển điện tử để nghe cách phát âm của một từ vựng 30 lần. Sau đó tự phát âm
lại 50 lần từ đó. Như vậy, sinh viên có thể vừa nhớ được từ, vừa hiểu nghĩa, vừa biết cách phát
âm. Cách làm này sẽ có những tác động tích cực đến kỹ năng nghe và nói.
Bước 3: Ôn tập thường xuyên. Như đã trình bày, mỗi ngày sinh viên học 12 từ vựng mới. Ngày
hôm sau, sinh viên cần phải ôn lại những từ đã học hôm qua kết hợp với việc học thêm 12 từ mới
của ngày hôm nay. Thực tế đã cho thấy rằng, việc ôn lại kiến thức với nhịp độ hợp lý, thường
6


xuyên sẽ khiến chúng ta luôn khắc sâu và ghi nhớ chúng một cách lâu dài. Do vậy, phương pháp
này sẽ khắc phục vấn đề của những sinh viên luôn tự ti rằng mình có trí nhớ kém, không thể nhớ
các từ vựng.

[1] Quyết định số 1938/TCHC-ĐHL ngày 30/10/2012 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về chuẩn
đầu ra ngoại ngữ.
[2] Quyết định số 1110/QĐ-ĐHL ngày 16/9/2010 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về chuẩn trình
độ tiếng Anh theo chương trình TOEIC cho sinh viên hệ chính quy thuộc các Khóa tuyển sinh từ năm 2009.
[3] Quyết định số 108/QĐ-ĐHL ngày 14/01/2016 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về việc quy
định và áp dụng chuẩn trình độ tiếng Anh theo chương trình TOEIC cho sinh viên hệ chính quy ngành Quản trị Luật khóa 40 (Khóa học 2015 - 2020).
[4] Quyết định số 2993/QĐ-ĐHL ngày 22/12/2016 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về việc quy
định và áp dụng chuẩn trình độ tiếng Anh cho sinh viên hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Anh từ khóa 41 trở đi.
[5] Tổng hợp danh sách sinh viên Khóa 38 và Quản trị - Luật khóa 37 nộp chứng chỉ ngoại ngữ, cập nhật đến hết
26/07/2017.
[6] Theo thống kê, hiện nay có khoảng 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên khắp thế giới và con số này ngày càng tăng
lên. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi và là ngôn ngữ quốc tế nhưng lại không thay thế các ngôn ngữ
khác. Thay vào đó, nó có chức năng hỗ trợ các ngôn ngữ khác.
[7] Benny Lewis, TED Talk on Rapid Language.Hacking,. />( truy cập ngày 06/01/2018.

[8] Sinh viên học theo dạng này thường không chú trọng đến ngữ pháp và từ vựng mặc dù đây là những kiến thức
đóng vai trò nền tảng nhằm cải thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một cách vững vàng và nhanh chóng nhất
[1] Sinh viên có thể thực hành ban đầu với clip
/>
“Why

I

must

come

out”

-

Tedtalk,

[2] Sinh viên có thể tham khảo chương trình dạy phát âm theo link này: />v=84c0rUgtBzA
– Kênh này có rất nhiều bài dạy và hướng dẫn cách phát âm chuẩn, chính xác và mở rộng vốn từ vựng mỗi ngày.
[3] Sid Efromovich, 5 Techniques to speak any foreign language, . />[4] Chẳng hạn, khi muốn diễn đạt bằng tiếng Anh câu: “Đối với tôi, vượt qua kỳ thi TOEIC là điều quan trọng nhất”.
Sinh viên có thể viết: “Passing the TOEIC test is the most important thing to me”. Đây là một câu đúng ngữ pháp,
nhưng lại khá bình thường. Sinh viên có thể viết hay hơn: “Passing the TOEIC test is the most essential stuf for me”.
Để trau chuốt thành câu hay hơn nữa, sinh viên phải biết sử dụng thành ngữ “be at the top of one’s agenda” để thay
thế cho cụm từ “the most essential stuf for somebody”. Do đó, câu trên có thể viết rất hay thành: “Passing the
TOEIC test is at the top of my agenda”. [5] Sách gồm 50 chủ đề trong cuộc sống, mỗi chủ đề bao gồm 12 từ vựng và
bài tập ứng dụng.
[6] Benny Lewis, TEDx Talk on Rapid Langage.Hacking,. />v=HZqUeWshwMs&t=102s
TÀI LIỆU THAM KHẢO


7


[1] Quyết định số 2993/QĐ-ĐHL ngày 22 tháng 12 năm 2016 về việc quy định và áp dụng chuẩn trình độ tiếng Anh
cho sinh viên hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Anh từ Khóa 41 trở đi
[2] Quyết định số 108/QĐ-ĐHL ngày 14 tháng 01 năm 2016 về việc quy định và áp dụng chuẩn trình độ tiếng Anh
theo chương trình TOEIC cho sinh viên hệ chính quy ngành Quản trị - Luật Khóa 40 (Khóa học 2015 – 2020)
[3] Quyết định số 1938/TCHC-ĐHL ngày 30 tháng 10 năm 2012 về chuẩn đầu ra ngoại ngữ [trans: Decision No.
1938/TCHC-DHL dated October 30, 2012 on the standard of foreign language output]
[5] [6] 10/21/2020 Phương pháp học tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành pháp lý cho sinh viên Đại học Luật
Thành phố Hồ Chí Minh
[4] Quyết định số 1110/QĐ-ĐHL ngày 16 tháng 9 năm 2010 về việc quy định chuẩn trình độ tiếng Anh theo chương
trình TOEIC cho sinh viên hệ chính quy thuộc các Khóa tuyển sinh từ năm 2009
[5] Gordon W.Brown and Kent D.Kauffman, Legal Terminology (Sixth Edition), Publishing House Pearson, 2013
[6] Benny Lewis, TED Talk on Rapid Language.Hacking,. />access on 06/01/2018

8



×