Tải bản đầy đủ (.docx) (18 trang)

Vụ án thực tế tại Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.37 KB, 18 trang )

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIỂM SÁT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM
MÔN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Đề số 2: Tìm hiểu một số vụ án thực tế tại Tòa án (trên địa bàn Hà Nội) giải quyết
tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Nhóm 3
Lớp K2B

Hà Nội – 2016


LỜI NÓI ĐẦU
Cùng với quá trình đổi mới “ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, nền kinh tế
đang trên đà tăng trưởng cùng với đó là sự hội nhập văn hóa trong khu vực và thế
giới phát triển mạnh mẹ. Điều kiện đó đã mang lại những biến chuyển tích cực về
cả vật chất lẫn tinh thần trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội…trong đó có đời
sống của gia đình. Nhưng bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị
trường cũng kéo theo nó là những vấn đề xã hội trong đó có các vấn đề về hôn nhân
và gia đình.
Hôn nhân và gia đình là một vấn đề nhạy cảm vì nó liên quan tới tình cảm
của con người. Vì thế các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình từ năm 1945 đến
nay luôn điều chỉnh một cách khéo léo nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích của
các cặp vợ chồng khi họ kết hôn.Trong đó, vấn đề tranh chấp về tài sản của vợ và
chồng khi ly hôn cũng là một vấn đề quan trọng. Theo thống kê hàng năm của Tòa
án cho thấy, trong các tranh chấp dân sự và tranh chấp trong hôn nhân gia đình thì
tranh chấp hôn nhân và gia đình luôn chiếm gần một nửa. Vì vậy, bài viết sau đây
của nhóm sẽ làm rõ thực trạng vấn đề tranh chấp tài sản khi ly hôn của vợ chồng
thông qua thực tiễn áp dụng pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố có
số lượng tranh chấp ly hôn lớn và phức tạp.



NỘI DUNG
I. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ
TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN:
1.Căn cứ theo Bộ luật Dân sự:
Trước hết để có thể chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn Toà án đã căn cứ
vào các quy định của Bộ luật Dân sự về việc xác lập quyền sở hữu đối với khối tài
sản đem ra phân chia. Theo Điều 219 BLDS 2005 và nay là Điều 213 BLDS 2015
quy định về sở hữu chung của vợ chồng :


"1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức
của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài
sản chung.
3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu,
sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo
quyết định của Toà án."
Theo qui định của pháp luật, khối tài sản chung của vợ chồng được tính là tài
sản của hai vợ chồng cùng nhau tạo lập sau hôn nhân. Như vậy hai vợ chồng có
quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt một tài sản nào đó
trong khối tài sản chung. Nếu khi vợ chồng ly hôn tại Toà án mà hai bên không
thoả thuận phân chia được tài sản thì Toà án sẽ quyết định trên cơ sở qui định của
pháp luật. Bộ luật Dân sự chỉ quy định chung nhất, còn như thế nào là sở hữu
chung hợp nhất của vợ, chồng và việc vợ, chồng có quyền định đoạt khối tài sản
chung ra sao thì Luật Hôn nhân và gia đình cùng những văn bản hướng dẫn sẽ quy
định một cách cụ thể hơn.
2. Căn cứ theo Luật Hôn nhân và gia đình cùng các văn bản hướng dẫn:
Nếu như Luật Hiến Pháp, Bộ luật Dân sự chỉ quy định một cách chung nhất

về vấn đề đảm bảo tài sản của vợ chồng khi xảy ra tranh chấp thì Luật Hôn nhân và
gia đình lại quy định một cách cụ thể hơn bằng cách đưa ra nguyên tắc nhất định về
chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn (được quy định trong chương X Luật HN&GD
năm 2000 và Mục 1 Chương IV trong Luật HN&GD năm 2014).
Tại khoản 1 điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Việc chia tài
sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa
án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó”. Như
vậy, Điều luật này chỉ đặt ra vấn đề chia tài sản chung, còn không quy định việc
phân chia tài sản riêng của hai vợ chồng . Tuy nhiên, trong quá trình chung sống có


nhiều tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung. Việc xác định đâu là tài sản
riêng, đâu là tài sản chung đối với cơ quan xét xử là căn cứ để chứng minh rằng đó
là tài sản riêng của mình và tài sản riêng đó là bao nhiêu. Cũng theo nguyên tắc của
Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia Đình năm 2000 tại khoản 2 việc chia tài sản chung
theo nguyên tắc là chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài
sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản
này. Như vậy, trong trường hợp cả hai vợ chồng đều là lao động có thu nhập và thu
nhập của hai vợ chồng tương đối ngang bằng nhau thì chỉ cần áp dụng nguyên tắc "
tài sản chung của vợ chồng được chia đôi". Tuy nhiên, trong thực tế có không ít
trường hợp khối tài sản đó là do một bên tạo lập nên, vì vậy đặt ra vấn đề chia khối
tài sản đó như thế nào để có thể đảm bảo quyền lợi của người tạo lập khối tài sản
đó đồng thời cũng đảm bảo được quyền và lợi ích của bên kia. Trong trường hợp
này đòi hỏi cơ quan xét xử phải nghiên cứu, xem xét hồ sơ và hỏi tại phiên toà để
có thể làm rõ công sức đóng góp của các bên để có thể đưa ra quyết định đúng đắn,
hợp tình hợp lý để hai bên sau khi ly hôn không có sự thù hằn, căm ghét, nó có thể
là những nguyên nhân gây ra những hậu quả xấu sau khi ly hôn. Thông thường khi
chia tài sản của vợ chồng các hội đồng xét xử thường áp dụng khá linh hoạt các
điểm b, c, d khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 để có thể đảm bảo
quyền lợi của các bên khi ly hôn.

Đối với Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, lần đầu tiên chế độ tài sản theo
thỏa thuận được công nhận, tạo cơ sở pháp lý cho vợ chồng lựa chọn cách ứng xử
đối với tài sản mỗi bên có trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Đồng thời
vợ chồng cũng có thể thỏa thuận về việc chia tài sản chung. Điều này giúp giảm bớt
tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Theo đó, trong trường hợp vợ chồng
lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản ly hôn được áp
dụng theo nội dung mà vợ chồng đã thỏa thuận. trong trường hợp vợ chồng thỏa
thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng thì Tòa án áp dụng quy định tương ứng
như chế độ tài sản theo quy định của pháp luật để giải quyết. Trong trường hợp vợ


chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì tương tự như Luật HN&GĐ 2000,
khi ly hôn việc giải quyết tài sản do vợ chồng thỏa thuận. Nếu vợ chồng không thỏa
thuận được thì tòa án giải quyết theo yêu cầu của vợ chồng, áp dụng các quy định
tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật HN&GĐ 2014.
Vấn đề chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ phức tạp hơn nếu như trong
thời kỳ hôn nhân hai vợ chồng chung sống với gia đình (sống cùng với cha, mẹ và
các anh chị em), khi đó nếu khối tài sản chung đó có thể xác định theo phần thì
phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia (theo
khoản 2 Điều 96 Luật Hôn và Gia đình 2000 và khoản 2 Điều 61 Luật Hôn và Gia
đình 2014 quy định tương tự) còn nếu không xác định được theo phần và cũng
không thoả thuận được với gia đình về phần tài sản của vợ chồng đóng góp thì sẽ
yêu cầu Toà án giải quyết. Trong trường hợp này cũng đòi hỏi Toà phải xác định rất
cụ thể công sức đóng góp của từng thành viên trong gia đình để có thể tách phần tài
sản của vợ chồng ra để phân chia.
Vấn đề quyền sử dụng nhà, đất của vợ chồng khi ly hôn. Luật Hôn Nhân và
Gia Đình năm 2000 và năm 2014 Vẫn duy trì nguyên tắc tài sản riêng của bên nào
thì khi ly hôn vẫn thuộc bên đó, vì vậy khi ly hôn quyền sử dụng đất riêng của bên
nào vẫn thuộc về bên đó theo. Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi
ly hôn Được quy định rất cụ thể tại khoản 2,3 Điều 97 Luật HN&GĐ 2000 và

khoản 2,3 Điều 62 Luật HN&GĐ 2014 không có sự thay đổi. Tuy nhiên về việc
xác lập quyền sử dụng đất của cá nhân ở Việt Nam trước năm 2003 (trước khi ban
hành luật đất đai hiện hành) có nhiều bất cập, các văn bản chồng chéo không rõ
ràng minh bạch vì vậy để xác định ai có quyền sử dụng một lô đất nào đó là rất khó
khăn mà các cơ quan xét xử đã gặp phải không chỉ trong việc chia tài sản là quyền
sử dụng đất khi ly hôn mà cả trong các vụ việc dân sự khác có liên quan đến quyền
sử dụng đất. Thông thường để căn cứ vào các điều 95, 96, 97, 98, 99 của Luật Hôn
Nhân Và Gia Đình và các văn bản hướng dẫn thì sẽ không giải quyết được thấu đáo
và triệt để các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất khi ly hôn. Vì vậy, các cơ


quan xét xử thường phải căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai và Luật Dân sự
để giải quyết, để xác định ai có quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó là tài
sản chung hay tài sản riêng, công sức đóng góp của mỗi bên vào tài sản đó như thế
nào (trong trường hợp đó là nhà thuộc sở hữu riêng của một bên).
Đặc biệt, tại Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2014 đã đưa vào nội dung quyền
lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn xuất phát từ khoản 1 điều 30 Nghị định
70/2001/NĐ-CP quy định về Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc
chồng để đảm bảo cuộc sống cho người không có tài sản:
“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi
ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó;
trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong
thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên
có thỏa thuận khác.”
Việc quy định quyền được lưu cư là quyền mới và nó rất có ý nghĩa. Nó đảm
bảo cho cuộc sống của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn được ổn định.
II - MỘT SỐ VỤ ÁN THỰC TIỄN VỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN CỦA VỢ
CHỒNG KHI LY HÔN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
1. Một số vụ án điển hình:
Vấn đề chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã được các văn bản luật và văn

bản dưới luật quy định một cách khá cụ thể và chi tiết, tuy nhiên trong thực tế nhiều
khi các cơ quan chức năng cũng đã lúng túng trước các vụ việc thực tế xẩy ra do
các sự việc này thường rất phức tạp, nhiều khi nó không trùng khớp với các quy
định của pháp luật. Sau đây nhóm em xin đưa một số vụ việc củ thể để thấy rõ điều
này
1.1.

Trích án số 08 ngày 12/3/2007:

Nguyên đơn: Nguyễn Duy Hưng- Sinh năm 1947- Nghề nghiệp: không
Bị đơn: Nguyễn Thị Mai- Sinh năm 1965- Nghề nghiệp: không.


Cùng trú tại: số 244 Lê Duẩn, Quận Đống Đa, Hà Nội
Anh Hưng và chị Mai kết hôn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, có đăng kí
kết hôn tại ủy ban nhân dân quận Đống Đa. Sau một thời gian chung sống khá dài
nhưng mâu thuẫn giữa hai người vẫn chưa khắc phục được anh Hưng đã làm đơn
đến Tòa án. Tòa án nhân dân quận Đống Đa sau nhiều lần hòa giải không thành đã
áp dụng điều 89, 90, 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và thông tư liên tịch
số 01/TTLT (19/6/1997) giữa VKSNDTC-TANDTC-BTP-BTC đã công nhận thuận
tình ly hôn cho anh Hưng và chị Mai. Các con của anh Hưng và chị Mai đã trưởng
thành nên không tính đến việc cấp dưỡng, nuôi con. Nhưng họ có yêu cầu Tòa án
chia tài sản chung là bất động sản vì họ không thống nhất được nên đã xảy ra tranh
chấp.Tài sản chung của họ gồm có:
- Một căn nhà ba tầng
- Khu nhà cấp bốn trị giá 389.872.000đ trên thửa đất có diện tích 492,2 m2 trị
giá 985.800.000đ.
- Một gian nhà ba tầng trên diện tích 425,10 m2, trị giá tiền đất là
850.200.00đ, tổng giá trị tài sản và đất là 1.085.350.000đ.
Tổng giá trị tài sản là bất động sản của họ là 3.218.487.000đ. Đối với tài sản là khu

nhà cấp bốn trên thửa đất 492,2m2 là tài sản riêng trước khi kết hôn của anh Hưng,
mặc dù anh đã hứa với chị Mai là nhập vào tài sản chung nhưng không có văn bản
nào chứng minh nên tài sản đó vẫn là tài sản thuộc về anh Hưng khi ly hôn. Còn
gian nhà ba tầng trên diện tích đất 425,10 m2 là tài sản được mẹ anh Hưng tặng cho
riêng cho anh Hưng trong thờ kì hôn nhân, đã làm giấy tờ chuyển nhượng đất và
nhà mang tên anh Hưng.
Với tổng giá trị tài sản như trên, Tòa án nhân dân quận Đống Đa quyết định:
Anh Nguyễn Duy Hưng được sở hữu 1/2 lô nhà ba tầng có toàn bộ cầu
thang, có diện tích 72,9 m2 và toàn bộ khu nhà cấp bốn trên thửa đất 492,2 m2 .
Tổng giá trị tài sản là 1.375.672.000đ.


Chị Nguyễn Thị Mai được sở hữu 1/2 lô nhà ba tầng và gian nhà ba tầng trên
diện tích thửa đất 425,10 m2. Tổng giá trị tài sản là 1.630.511.000đ. Chị Mai phải
trả tiền chênh lệch cho anh Hưng là 254.839.000đ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, anh Hưng có đơn yêu cầu thi hành
án mà chị Mai chưa trả số tiền trên thì hàng tháng chị Mai phải trả cho anh Hưng
khoản tiền lãi bằng mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định
tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Tuy nhiên, có thể thấy quyết định chia tài sản của Tòa án nhân quận Đống
Đa có phần chưa hợp lý. Mặc dù trên thực tế Tòa án chia tài sản chung theo đúng
nguyên tắc của khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là chia đôi,
có tính đến mức chênh lệch. Nhưng đối với tài sản là gian nhà ba tầng trên diện tích
thửa đất 425,10m2 là tài sản mẹ anh Hưng tặng cho riêng anh Hưng trong thời kì
hôn nhân nên về nguyên tắc đó vẫn là tài sản riêng của anh Hưng. Chỉ những tài
sản được tặng cho chung trong thời kì hôn nhân theo quy định tại điều 27 Luật Hôn
nhân và gia đình năm 2000 thì mới coi là tài sản chung, vậy tại sao Tòa án nhân
dân quận Đống Đa lại chia tài sản đó cho chị Mai.Nhóm nhận thấy có một số
nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Mặc dù anh Hưng và chị Mai cũng thừa nhận gian nhà ba tầng trên thửa đất

425,10 m2 là tài sản tặng cho nhưng anh Hưng không nói rõ đó là tặng cho
riêng hay tặng cho chung trong thời kì hôn nhân mà chỉ cung cấp cho Tòa án
giấy tờ nhà và đất.
- Tòa án nhân dân quận Đống đa khi biết đó là tài sản tặng cho nhưng không
yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu đó là tài sản được tặng cho chung hay
riêng. Mà theo quy định tại điều 467 Bộ Luật Dân sự 2005 thì:
“ Việc tặng, cho bất động sản phải được lập thành văn bản có chứng nhận
của Công chứng nhà nước hoặc có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm
quyền và phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu theo quy định của
pháp luật, bất động sản phải đăng kí quyền sở hữu.” Vì vậy, khi xem xét có giấy tờ


hợp pháp, tài sản đã đăng kí quyền sở hữu Tòa án đã vội kết luận đó là tài sản
chung của vợ chồng chị Mai và anh Hưng.
Như vậy tài sản chung của vợ chồng chị Mai và anh Hưng chỉ là căn nhà ba
tầng mà trong thời kì hôn nhân họ đã xây dựng nên.
Anh Hưng đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và
kèm theo giấy tờ chứng minh đất và tài sản trên thửa đất đó là tài sản được tặng cho
riêng của mình. Sau khi kiểm tra thực tế tình hình vụ án tòa án cấp phúc thẩm đã
kiểm tra, xác thực đó chính là tài sản riêng của anh Hưng được tặng cho riêng.
Đồng thời theo yêu cầu của anh Hưng tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định thành lập
Hội đồng định giá, định giá lại tài sản của vợ chồng anh Hưng và chị Mai. Kết quả
lại cho thấy có sự chênh lệch giữa giá cả của tài sản kể trên, cụ thể bản án phúc
thẩm đã quyết định như sau:
- Anh Hưng được hưởng 1/2 căn nhà ba tầng có toàn bộ cầu thang xây trên
79,2m2 , căn nhà cấp bốn và vật kiến trúc nằm toàn bộ trên diện tích đất sử
dụng là 492,2m2, tổng giá trị tài sản là 2.026.862.000đ và gian nhà ba tầng
trên diện tích đất 425,10m2.
- Chị Mai được hưởng 1/2 căn nhà ba tầng, tổng trị giá 1.191.625.000đ.
Trong vụ án kể trên cho thấy sự chênh lệch về giá khi định giá tài sản ở địa

phương giữa tòa cấp phúc thẩm và cấp sơ thẩm. Vì vây, cần có sự làm việc thật
chắc chắn và chính xác của Hội đồng định giá nhằm tránh những thiệt hại cho các
đương sự cũng như Nhà nước. Còn đối với tài sản được tặng cho là bất động sản
cần có những tài liệu theo quy định của pháp luật mới được công nhân. Đồng thời,
các đương sự khi bảo vệ cho quyền lợi của chính mình cần cung cấp đầy đủ các
thông tin, chứng cứ cho tòa án như vậy mới bảo đảm cho việc giải quyết vụ án
tranh chấp về tài sản đúng theo quyền lợi của các đương sự được hưởng.
1.2.

Trích án số 14 ngày 22/05/2006

Nguyên đơn: Chị Đàm Thị Hường - sinh năm 1964
Trú tại: số 6A, Ngõ 28, phố Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội


Bị đơn: Anh Trần Trung Tại - sinh năm 1959
Tạm trú: số 6A, Ngõ 28, phố Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chi nhánh ngân hàng Công thương 196
Thái Thịnh – Hà Nội.
Phần tài sản của các đương sự như sau:
Chị Hường và anh Tại xác nhận có những tài sản chung sau:
- 01 ngôi nhà ba tầng xây trên diện tích 115m 2 đất ở số 6A, Ngõ 28, phố Đỗ
Quang, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Giá trị cả nhà và đất là
800.000.000 đ. Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện Ngân hàng
Công thương Thái Thịnh);
- 01 thửa đất có diện tích 100m 2 tại xóm Làng Trong - Tân Dương - Thuỷ
Nguyên - Hải Phòng, giá trị 450.000.000đ. Đã có giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất (hiện Ngân hàng Công thương Thái Thịnh);
- 01 máy xúc cũ nhãn hiệu SOLAR200W, giá trị 150.000.000đ;
- 116.000.000đ tiền cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch (số cổ

phiếu này chị Hường đang giữ).
Về các khoản nợ:
Chị Hường anh Tại xác nhận có các khoản nợ chung với tổng các khoản nợ là
838.307.500đ; Nợ chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu 361.507.000đ (cả
hai hợp đồng); anh Hoàng Thế Linh 260.000.000đ; anh Trần Văn Viển
100.000.000đ; chị Bùi Thị Linh Năm 15.500.000đ; Công ty sản xuất vật liệu xây
dựng Quyết Tiến 20.000.000đ; anh Phan Tiến Dũng 2.194.500đ; chị Hoàng Thị
Thu Hà 12.000.000đ; anh Nguyễn Mạnh Hà 4.200.000đ; vợ chồng chị Bùi Thị
Điệp anh Phạm Đình Ninh 11.900.000 đ; anh Ngô Quang Trí 2.870.000đ; chị Bùi
Thị Kim Oanh 3.636.000đ; chị Ngô Thị Minh 23.000.000đ; anh Nguyễn Đình Khôi
7.000.000đ; anh Trần Văn Hùng 7.000.000đ và nợ vợ chồng chị Nguyễn Thị
Hương anh Nguyễn Đình Tám 7.500.000đ. Quan điểm của Ngân hàng tại văn bản
đề nghị ngày 19/12/2005, nhất trí để anh Tại trả nợ gốc và lãi của hợp đồng tín
dụng số 04050046/HĐTD ngày 29/03/2004; chị Hường trả gốc và lãi của hợp đồng


tín dụng số 04050119/HĐTD ngày 23/09/2004. Và Ngân hàng không tham gia tố
tụng tại toà án nhân dân quận Cầu Giấy. Quan điểm của các chủ nợ còn lại đều thừa
nhận anh Tại chị Hường có nợ họ số tiền như trên. Và các người này đều xác định
đây là việc nợ cá nhân tự đòi không yêu cầu toà án giải quyết.
Với nội dung trên toà án nhân dân quận Cầu Giấy căn cứ Luật hôn nhân và
gia đình, Bộ luật tố tụng dân sự quyết định về phần tài sản như sau:
- Chị Hường được quyền sở hữu toàn bộ cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì
Hoàng Thạch trị giá 116.000.000đ và được quyền sử dụng thửa đất 100m 2
tại xóm Làng Trong - xã Tân Dương - Thuỷ Nguyên - TP.Hải Phòng.
- Anh Tại được quyền sở hữu ngôi nhà ba tầng xây dựng trên diện tích đất ở
115m 2 số 6A, Ngõ 28, phố Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
và 01 máy xúc SOLAR200W.
Công nhận sự thoả thuận của các đương sự về nghĩa vụ trả nợ như sau:
- Chị Hường chịu trách nhiệm tự trả nợ Chi Nhánh Ngân hàng Công thương

Thái Thịnh là 172.820.000đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng tính đến thời
điểm trả hết nợ.
- Anh Tại chịu trách nhiệm trả nợ toàn bộ số nợ còn lại gồm nợ của chi nhánh
Ngân hàng Công thương là 188.687.000đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng
tính đến thời điểm trả hết nợ. Và nợ của anh Hoàng Thế Linh, anh Trần Văn
Viển, chị Bùi Thị Linh Năm, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Quyết Tiến,
anh Phan Tiến Dũng, chị Hoàng Thị Thu Hà, anh Nguyễn Mạnh Hà, vợ
chồng chị Điệp anh Ninh, anh Ngô Quang Trí, chị Bùi Thị Kim Oanh, anh
Nguyễn Đình Khôi, chị Ngô Thị Minh, anh Trần Văn Hùng, vợ chồng chị
Hương anh Tám.
Ngày 28/03/2006 , anh Trần Trung Tại kháng cáo với nội dung: chị Hường
được sở hữu phần tài sản có giá trị lớn hơn anh được sở hữu là 100.000.000đ, do
vậy anh yêu cầu chia đôi số tiền này, anh phải được sở hữu tiếp 50.000.000 đồng.
Ngày 08/05/2006, anh Tại có đơn bổ sung xin được chia đôi số tiền cổ phiếu. Về


phần lãi cổ phiếu năm 2005 trên số tiền gốc cổ phần 116.000.000đ là 17.400.000đ
(lãi 15%/năm) anh yêu cầu chia đôi, anh được sở hữu 8.700.000đ.
Anh đề nghị toà án buộc chị Hường phải thanh toán 02 khoản tiền trên như
sau:
Chị Hường phải thanh toán cho anh Nguyễn Đình Khôi 7.000.000đ và chị
Ngô Thị Minh 23.000.000đ, thanh toán tiền chênh lệch cho anh là 20.000.000đ. Và
phải thanh toán cho anh số tiền lãi cổ phiếu là 8.700.000đ. Như vậy các bên đã thoả
thuận được nghĩa vụ thanh toán về một số khoản công nợ với nhau. Tuy nhiên họ
lại không thống nhất về việc chia tài sản chung của vợ và chồng do giá trị tài sản là
rất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh tế của các bên đặc biệt là phần nhà
đất. Do vậy, đã dẫn đến tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên
toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Sau khi thảo luận và nghị án Toà
án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của anh

Trần Trung Tại và sửa bản án sơ thẩm về tài sản như sau:
Chia đôi số tiền cổ phiếu mà chị Hường đang quản lý. Chị Hường phải có
nghĩa vụ giao cho anh Tại 58.000.000đ tiền cổ phiếu ứng với từng loại cổ phiếu.
- Anh Tại được quyền sở hữu ngôi nhà ba tầng gắn liền với thửa đất 115m 2
đất ở tại số 6A, Ngõ 28, phố Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND Quận Cầu Giấy cấp
cho hộ anh Tại, chị Hường ngày 19/07/2004. Và anh Tại còn được sở hữu
chiếc máy xúc bánh lốp biển kiểm soát 29LA-0060 nhãn hiệu SOLAR và
58.000.000đ tiền cổ phiếu. Tổng cộng anh Tại được sở hữu 1.008.000.000đ.
Anh Tại chịu trách nhiệm trả nợ toàn bộ số nợ gồm nợ của chi nhánh Ngân
hàng Công thương Thái Thịnh là 188.687.000 đ tiền gốc và số tiền lãi tương
ứng tính đến thời điểm trả hết nợ. Và nợ của những người như án sơ thẩm đã
tuyên. Anh Tại phải thanh toán cho chị Hường 40.000.000đ tiền mặt.


- Chị Hường được quyền sử dụng thửa đất 100m 2 tại xóm Làng Trong - xã
Tân Dương - Thuỷ Nguyên - TP.Hải Phòng và được quyền sở hữu
58.000.000đ cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch, cùng với
40.000.000đ anh Tại thanh toán. Chị Hường chịu trách nhiệm trả nợ Chi
Nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu là 172.820.000đ tiền gốc và số
tiền lãi tương ứng tính đến thời điểm trả hết nợ.
Trong vụ án này anh Tại và chị Hường đều không đưa ra một chứng cứ nào
chứng minh ai có nhiều công sức đóng góp hơn trong khối tài sản chung do vậy đã
dẫn đến việc kháng cáo của anh Tại về việc chị Hường được sở hữu khối tài sản lớn
hơn của anh. Qua đó cho chúng ta thấy việc xác định công sức đóng góp của các
bên trong khối tài sản chung của vợ chồng là rất khó khăn. Bởi không bên nào đưa
ra được chứng cứ chứng minh mình đóng góp nhiều hơn vào khối tài sản chung.
Mặt khác do khối tài sản chung là rất lớn nên các bên đều muốn sở hữu phần nhiều
nhằm đảm bảo về mặt kinh tế sau khi ly hôn.
1.3.


Trích án số 09 ngày 05/01/2005

Nguyên đơn: anh Nghiêm Văn Duy – sinh năm 1964
Trú tại: số 131, tổ 22, phường Long Biên, quận Long Biên
Bị đơn: bà Nguyễn Thị Đào – sinh năm 1964
Trú tại: số 131, tổ 22, phường Long Biên, quận Long Biên
Người có quyền lợi liên quan: ông Nghiêm Văn Bẩy tức (Nghiêm Văn Thái) sinh
năm 1963.
Nội dung sự việc như sau:
Anh Duy kết hôn với chị Đào vào năm 1983 trên cơ sở tự nguyện, hai bên
chung sống hạnh phúc đến năm 1990 thì bắt đầu có mâu thuẩn.
Về tài sản: cả hai vợ chồng có khối tài sản chung là ngôi nhà 3 tầng cùng công trình
phụ trên diện tích đất là 122 m2 ở số 131, tổ 22, phường Long Biên, quận Long
Biên giá khối tài sản là 478.136.000.đ ngoài ra vợ chồng không còn tài sản nào
khác, không nợ ai , không ai nợ vợ chồng.


Theo anh Duy trình bày chị Đào cũng không có công sức đóng góp trong
khối tài sản chung mà toàn bộ tiền và công sức để xây dựng nên ngôi nhà 3 tầng là
do bố mẹ anh bỏ ra.
Phía ông Bẩy trình bày: ông đồng ý những lời khai của anh Duy và yêu cầu
vợ chồng anh Duy, chị Đào khi ly hôn phải thanh toán cho ông bà toàn bộ số tiền
đã bỏ ra xây dựng ngôi nhà đó của ông bà. cụ thể là khoảng 160 triệu.
Về phía chị Đào: chị đồng ý với lời khai của anh Duy về tài sản chung của
vợ chồng là đúng. Chị đề nghị khi ly hôn chị được sử dụng 1/2 ngôi nhà cùng đất ở.
Với nội dung như trên:
Tại án sơ thẩm: Toà tuyên anh Duy được sở hữu ngôi nhà 3 tầng nằm trên
diện tích đất là 70,4 m2 . chị Đào sử dụng phần sân và công trình phụ nằm trên
diện tích đất là 51,7 m2 và được nhận 20 triệu đồng tiền chênh lệch tài sản do anh

Duy trả.
Chị Đào không đồng ý và đã làm đơn kháng cáo, Toà án đã tiến hành hoà
giải tại biên bản hoà giải 30/12/2004.
Tại án phúc thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định sửa án
sơ thẩm phần tài sản như sau:
Công nhận anh Duy dược sở hữu ngôi nhà 3 tầng cùng công trình phụ trên
diện tích đất là 122m 2 tại thôn Mai Động – Hương Mạc.
Chị Đào được nhận số tiền là 175.000.000.đ do anh Duy trả lại .
Anh Duy phải trả lại cho ông Bẩy 80.000.000.đ tiền công và tiền làm nhà.
Như vậy qua đây có thể thấy, việc xác định phần tài sản của mỗi người khi
ly hôn là rất phức tạp do không xác định được chính xác công sức đóng góp của
mỗi người vào khối tài sản chung đó, do tài sản đó có nguồn gốc hình thành từ
nhiều người…
2. Nhận xét và khuyến nghị
2.1 Nguyên nhân xảy ra tình trạng tranh chấp tài sản khi ly hôn.
- Đối với tài sản là động sản:


+ Vợ hoặc chồng có thể vay mượn của bạn bè, gia đình, người thân của vợ
hoặc chồng và thường không có giấy tờ chứng minh. Khi xảy ra tranh chấp họ lại
không thừa nhận.
+ Đối với những tài sản là khoản tiền không xác định cụ thể đó là tài sản
chung hay là tài sản riêng cũng xảy ra tranh chấp giữa vợ và chồng. Ví dụ như :
khoản tiền được trợ cấp một lần trong thời kì hôn nhân…
+ Vợ hoặc chồng không chứng minh được những tài sản của mình là tài sản
riêng hoặc tài sản có truớc thời kì hôn nhân.
- Đối với tài sản là bất động sản:
+ Những tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất của vợ chồng có nguồn gốc rất
phức tạp, đôi khi nó chưa được sự thừa nhận hợp pháp của cơ quan Nhà nước. Khi
họ thực hiện những giao dịch liên quan đến bất động sản họ không thông qua cơ

quan kiểm soát của Nhà nước. Vì vậy, những tài sản đó không được Tòa án giải
quyết.
+ Việc vợ chồng được tặng cho, thừa kế chung nhưng không làm văn bản thì
khi họ ly hôn một bên sẽ từ chối quyền sử dụng đất của bên kia.
+ Khi vợ chồng sống chung với bố mẹ vợ hoặc chồng, khi ly hôn họ tranh
chấp với nhau về công sức đóng góp mà mỗi bên được hưởng.
+ Trường hợp chỉ có một bên được nhận nhà hoặc nhận đất còn bên kia được
nhận phần giá trị chênh lệch thanh toán bằng tiền. Điều này rất dễ xảy ra tranh chấp
vì có thể quyết định của Hội đồng định giá không đúng như ý muốn của vợ, chồng.
Chính vì một số những nguyên nhân trên đây mà những vụ án tranh chấp về
tài sản diễn ra ngày càng phức tạp.
2.2 Một số khuyến nghị về việc giải quyết tranh chấp tài sản trong các án kiện
ly hôn:
- Tranh chấp của vợ chồng khi tài sản là quyền sử dụng đất và nhà thường
khá phức tạp mà hầu hết các tài sản này là tài sản không chia được nên chỉ có một
bên nhận được hiện vật còn bên kia sẽ nhận được phần chênh lệch. Nhưng hầu hết


các bên đều muốn chia tài sản có thể là do họ sợ thiệt thòi hoặc khi quyết định nhận
được nhà và đất họ lại muốn phải trả ít phần chênh lệch. Mà quyết định của Tòa án
lại phụ thuộc chủ yếu vào Hội đồng định giá. Trong khi đó Hội đồng định giá chưa
thực sự thống nhất, chuyên nghiệp và được quy định cụ thể. Mặc dù Tòa án nhân
dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng hiện tượng mỗi nơi, mỗi Hội
đồng định giá lại định giá một tài sản với nhiều giá trị khác nhau là hiện tượng phổ
biến. Vậy nên chăng cần có một quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này? Như
vậy sẽ vừa đảm bảo quyền lợi của các đương sự đồng thời làm cho việc giải quyết
tranh chấp được dễ dàng hơn, tránh sự khiếu kiện kéo dài.
- Trong nhiều án kiện ly hôn, trước khi Tòa án giải quyết ly hôn vợ, chồng đã
thực hiện hành vi phá tán, giấu giếm tài sản chung, điều này làm ảnh hưởng đến
quyền lợi đến một bên vợ hoặc chồng. Vì vây, pháp luật cũng cần có những quy

định kịp thời để giải quyết vấn đề này.
- Chứng cứ, tài liệu có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án
tranh chấp tài sản của vợ chồng, nó là căn cứ xác đáng để xác định tài sản chung,
tài sản riêng. Tuy nhiên,việc cung cấp chứng cứ là phụ thuộc vào các đương sự
nhưng trong một số trường hợp Tòa án phải tiến hành thu thập chứng cứ. Khi tiến
hành thu thập chứng cứ Tòa án gặp phải một số khó khăn đó là việc không cung
cấp, giấu giếm chứng cứ của các đương sự có thể vì họ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi
của họ. Đặc biệt, khi yêu cầu người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì càng khó khăn
hơn. Hơn nữa, khi điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức xã
hội nhất là trong trường hợp ủy thác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn, có thể vì
nhiều nguyên nhân khác nhau mà các cơ quan, tổ chức này trả lời chậm, có những
trường hợp trả lời chưa thật chính xác, đầy đủ hoặc không đúng. Việc thu thập
chứng cứ khó khăn như trên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải quyết vụ án dẫn
đến tình trạng vụ án được xét xử trong thời gian dài, Tòa án phải vất vả hơn, quyền
lợi của các đương sự vì thế cũng bị ảnh hưởng theo. Thực tế các văn bản pháp luật quy
định về vấn đề chưa đủ tính nghiêm khắc để buộc các chủ thể phải thực hiện đúng


nghĩa vụ của mình. Vì thế mà pháp luật cần quy định cụ thể hơn tạo điều kiện cho các
cơ quan tư pháp có thể giải quyết các tranh chấp tài sản trong các án kiện ly hôn được
nhanh chóng hơn.
- Riêng quan hệ tài sản trong các án kiện ly hôn quá trình giải quyết tại toà án
đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định công bằng đâu là tài sản riêng của
mỗi bên vợ chồng những tài sản nào thuộc khối tài sản chung. Khi chia tài sản là tài
sản riêng của mỗi bên vợ chồng đã có sự trộn lẫn ẩn chứa giữa các loại tài sản chung
và tài sản riêng trong thời kì hôn nhân. Việc xác định tài sản riêng Điều 32 có ghi “
người có tài sản riêng phải chứng minh được tài sản đó là tài sản của mình” . Theo quy
định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự thì các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh
hoặc cung cấp chứng cứ xác nhận quyền sở hữu của mình.


KẾT LUẬN
Thực tiễn ban hành luật Hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới
cũng như Việt Nam trong nhiều năm cho thấy các nhà làm luật luôn cố gắng bằng
những quy định của mình có thể làm cho hôn nhân và gia đình luôn ổn định, từ đó
có thể ổn định xã hội. Trong đó các nhà làm luật quy định rất cụ thể vấn đề tài sản
trong thời kì hôn nhân, cho thấy vấn đề này có ý nghĩa pháp lý nhất định trong hôn
nhân và gia đình. Khi có những tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng trong
các án kiện ly hôn nhà làm luật, thực thi pháp luật hầu hết đều dự liệu và giải quyết
rất triệt để đảm bảo quyền lợi của vợ, chồng. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng
pháp luật mà khi Tòa án giải quyết không tránh khỏi những sai sót, hạn chế. Vì vậy,
các quy định pháp luật đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình cần ngày càng hoàn
thiện hơn, đi sát thực tế hơn.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình – Đại học Kiểm sát Hà Nội, NXB
chính trị quốc gia.
2. Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình – Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an
nhân dân.
3. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
4. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
5. Bộ luật Dân sự 2005
6. Bộ luật Dân sự 2015
7. Nghị định số 70/ 2001/ NĐ-CP
Và một số tài liệu có liên quan khác



×