Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Kinh tế biển Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.54 KB, 9 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 145-153
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00046

KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM TRONG THỜI KÌ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP
Trần Thị Hồng Nhung

Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Với một vùng biển rộng lớn và giàu tài nguyên, lại có dân cư tập trung đông đúc
khu vực ven biển, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nền kinh tế biển. Trên cơ sở
đó, trong những năm gần đây, kinh tế biển của nước ta đã có mức tăng trưởng khá trên hầu
hết mọi lĩnh vực. Những chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia càng tiếp thêm
sức mạnh cho sự phát triển các ngành kinh tế biển. Kinh tế biển thực sự trở thành một bộ
phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên,
quá trình phát triển kinh tế biển Việt Nam không phải không có những trở ngại. Bài viết
này giới thiệu khái quát về tiềm năng, lịch sử khai thác và hiện trạng phát triển các ngành
kinh tế biển Việt Nam để từ đó đưa ra những định hướng chung nhất cho sự phát triển bền
vững trong thời gian sắp tới.
Từ khóa: Kinh tế biển, tiềm năng, lịch sử khai thác, hiện trạng phát triển, thời kì đổi mới
và hội nhập.

1.

Mở đầu

Với vị thế là một quốc gia biển, hàng ngàn năm nay biển đã gắn bó với con người và nền
kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam hội nhập và đổi mới, vai trò của
biển và kinh tế biển càng trở nên quan trọng. Đề cập đến vai trò kinh tế của đại dương và biển, các
nhà kinh tế đều thống nhất nhận định “Đại dương và biển là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về


lương thực, thực phẩm và các nguồn nguyên nhiên liệu ở thế kỉ XXI và tiếp tới” [4]. Vì vậy, việc
phát triển nền kinh tế hướng ra biển là một việc làm cần thiết của Việt Nam để thúc đẩy nền kinh
tế quốc gia tăng trưởng.

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Các điều kiện để phát triển kinh tế biển Việt Nam

2.1.1. Khái quát về Biển Đông và vùng ven biển Việt Nam
Vùng biển Việt Nam là một bộ phận của Biển Đông, một biển nửa kín, có diện tích khoảng
3,5 triệu km2 , trải rộng từ vĩ độ 3◦ lên đến vĩ độ 26◦ Bắc và từ kinh độ 100◦ đến 121◦ Đông [3].
Biển Đông có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể
thiếu trong Chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một
số cường quốc hàng hải khác trên thế giới.
Ngày nhận bài: 15/10/2014 Ngày nhận đăng: 20/5/2015
Liên hệ: Trần Thị Hồng Nhung, e-mail:

145


Trần Thị Hồng Nhung

Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với
diện tích lãnh thổ (không kể một số đảo). Tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km
bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng
đông, nam và tây nam, rất thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường đại dương. Vùng biển đặc quyền
kinh tế của Việt Nam rộng hơn một triệu km2 , lớn hơn gấp 3 lần phần đất liền với hơn 3.000 hòn
đảo mà nổi tiếng là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nước ta có 148 huyện thuộc các vùng biển,

đảo và ven biển (102 huyện ven biển, 34 quận, thị xã, thành phố ven biển trực thuộc tỉnh và 12
huyện đảo) thuộc 28 tỉnh (25 tỉnh và ba thành phố trực thuộc Trung ương); diện tích tự nhiên hơn
65.000km2 , chiếm khoảng 20% diện tích cả nước dân số vùng biển, đảo của nước ta là 30,6 triệu
người (theo Tổng cục thống kê, 2012), bằng 34,6% dân số cả nước.

2.1.2. Tài nguyên biển
Theo kết quả thăm dò khảo sát, tiềm năng tài nguyên biển của nước ta tuy không được coi
là vào loại giàu có của thế giới, nhưng cũng rất đáng kể và có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với
phát triển đất nước.
- Khoáng sản biển
Trong số các nguồn khoáng sản biển, trước tiên phải kể đến dầu khí. Trên vùng biển Việt
Nam, có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi Việt
Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm
lục địa Việt Nam khoảng 10 tỉ tấn quy dầu. Có thể khai thác từ 30-40 nghìn thùng/ngày, khoảng
20 triệu tấn/năm [6]. Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn,
song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại
hoá nền kinh tế. Bên cạnh dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng 3 nghìn tỉ m3 /năm.
Ngoài dầu và khí, dưới đáy biển nước ta còn có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti-tan, đi-ri-con,
thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển
bình quân 3.500gr/m2 . Vùng ven biển nước ta cũng có nhiều loại khoáng sản có giá trị và tiềm
năng phát triển kinh tế như: than, sắt, ti-tan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.
- Nguồn năng lượng biển
Nước ta có thể thu được năng lượng từ sóng biển, dòng hải lưu, thủy triều để làm nguồn
năng lượng phục vụ đời sống con người. Tuy nhiên, muốn khai thác được nguồn năng lượng này
cần có vốn và kĩ thuật cao. Do việc đầu tư của chúng ta còn hạn chế nên đến nay mới đang ở giai
đoạn thử nghiệm.
- Khả năng phát triển cảng và vận tải biển
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải
quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 triệu tàu các loại qua lại
Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải

từ 30.000 tấn trở lên. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển
và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển
qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama [4].
Dọc theo bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số
nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, quy mô tương đối lớn (kể cả cảng trung chuyển quốc tế) như:
Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La,
Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... Riêng khu vực từ
Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có khả năng xây dựng cảng biển lớn,
146


Kinh tế biển Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập

nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ.
- Nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản nước ta vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi
chính, còn có nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Số liệu thống kê cho thấy, trong vùng biển
Việt Nam có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6
vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái biển - ven biển nước ta có năng suất sinh
học cao và quyết đinh hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Tiềm năng nguồn lợi
cá biển ước tính khoảng 3,1 - 4,2 triệu tấn, sản lượng khai thác bền vững khoảng 1,4 - 1,7 triệu tấn
[9]. Ngoài ra, trữ lượng nguồn lợi cá rạn san hô, vùng dốc thềm lục địa, vùng biển sâu hơn 150m
và nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đang được điều tra đánh giá. Đến nay đã xác định được 15
bãi cá lớn quan trọng, ngoài ra, còn có các bãi tôm quan trọng ở vùng biển gần bờ thuộc vịnh Bắc
Bộ và biển Tây Nam Bộ. Ven biển có trên 37 vạn ha mặt nước lợ, thích hợp để nuôi các loại thủy
sản xuất khẩu như: cá, tôm, cua, rong câu. . . Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha.
Ngoài ra còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long,
Phá Tam Giang, Vịnh Vân Phong. . . là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản
biển. Với tiềm năng trên, trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi, trồng hải sản một cách
toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.

- Tài nguyên du lịch biển
Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm trải đều từ Bắc vào Nam, đủ điều kiện thuận
lợi khai thác phát triển du lịch biển. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có hàng loạt bãi tắm đẹp như Trà
Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né,
Vũng Tàu, Hà Tiên. . . Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi
toàn cầu như Vịnh Hạ Long - hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, và là
một trong bảy kì quan thiên nhiên của thế giới; Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh
đẹp nhất hành tinh; bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến
rũ nhất hành tinh.
Việt Nam còn có hệ thống đảo và quần đảo phong phú, trải dài từ vùng biển Quảng Ninh
đến Kiên Giang. Theo thống kê, ven bờ nước ta có 2.773 đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích
vào khoảng 1.700 km2 . Trong đó có 24 đảo có diện tích tương đối lớn (trên 10 km2 ), 82 đảo có
diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng 1.400 đảo chưa có tên [3]. Các đảo này đều có các bãi biển đẹp,
môi trường trong lành nên khá thuận lợi để phát triển du lịch đảo, đặc biệt có ba đảo có diện tích
trên 100 km2 là Phú Quốc, Cái Bầu và Cát Bà. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển nước ta còn có nhiều
thế mạnh khác trong đất liền như các di tích, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống,
các lễ hội. Hiện nay Việt Nam có đến 6/7 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công
nhận đều nằm ở các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) nên
sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch biển phát triển mạnh hơn.
Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng
ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo
cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền. Tiềm
năng du lịch biển nước ta không thua kém bất kì một quốc gia nào trong khu vực.

2.1.3. Nguồn nhân lực vùng ven biển
Vùng ven biển Việt Nam có dân cư tập trung khá đông đúc, chiếm khoảng 30% tổng dân
số của cả nước. Số người trong độ tuổi lao động năm 2010 là 16,8 triệu người, chiếm 35,47% lao
động cả nước [2]. Đến năm 2012 dân số các tỉnh ven biển khoảng hơn 30 triệu người, trong đó gần
147



Trần Thị Hồng Nhung

18 triệu người ở độ tuổi lao động [7] .

2.2.

Thực trạng phát triển các ngành kinh biển Việt Nam trong thời kì đổi mới
và hội nhập

2.2.1. Kinh tế biển trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội Việt Nam thời kì đổi mới và hội nhập
Trong mấy thập kỉ gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách,
biện pháp quan trọng nhằm quản lí, bảo vệ, khai thác biển. Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành
Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, đưa ra một số quan điểm trong phát triển kinh tế biển. Đó là: “Thực hiện công nghiệp hoá,
hiện đại hoá kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ
làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lí, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo
tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”. Quan điểm này được cụ thể hoá bằng các
giải pháp: “Đầu tư thích đáng cho khoa học - công nghệ; tăng cường năng lực điều tra khảo sát,
nghiên cứu khí tượng- thuỷ văn và môi trường, thực trạng tài nguyên và dự báo xu thế biến động
trong những thập kỉ tới. Từ nay đến năm 2000 cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học
biển, tìm kiếm thăm dò dầu khí, khoáng sản biển, nguồn lợi hải sản và năng lượng biển, nghiên
cứu và bảo vệ môi trường biển, tiếp tục hiện đại hoá khí tượng- thuỷ văn” [9]. Thi hành Chỉ thị
này, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua như: Chiến lược phát triển thuỷ
sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010. . .
Bước sang thế kỉ XXI, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định mục tiêu: “Xây dựng
chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm
lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển.
Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí;

phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển
và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu
vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn
cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an
ninh trên biển” [9]. Những nội dung nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ X
(2006).
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007). Quan điểm chỉ
đạo được nêu trong phần định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là "nước ta phải
trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát
triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh,
bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn" [9]. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp
khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã
hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Để đạt được mục
tiêu tổng quát nêu trên, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trong đó, nhiệm vụ
chiến lược kinh tế "làm giàu từ biển" được chỉ đạo bởi quan điểm: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển
kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp
chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa.

148


Kinh tế biển Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập

2.2.2. Kinh tế biển Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của cộng đồng dân cư ven
biển, các ngành kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng keer. Theo thống kê
năm 2012, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48%
GDP cả nước, trong đó kinh tế thuần biển đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước [5]. Trong các

ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là
khai thác dầu khí, thủy sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển. Các ngành
kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí,
chế biến thủy sản, thông tin liên lạc,... bước đầu phát triển.
a. Về giao thông vận tải biển
- Đội tàu: Trong những năm qua, đội tàu biển quốc gia Việt Nam đã có những bước phát
triển đáng khích lệ, bình quân tăng gần 10%/năm về số lượng tàu và trên 10%/năm về trọng tải.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có trên 1.200 tàu với tổng trọng tải hơn 3,5 triệu DWT.
Năng lực vận tải tăng lên, đồng thời có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, tạo thêm
thị trường và trực tiếp tham gia thị trường khu vực, khách hàng nước ngoài đã sử dụng trên 50%
năng lực đội tàu của Việt Nam.
- Cảng biển và dịch vụ cảng biển
Hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ với khối lượng hàng hoá
thông qua cảng tăng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 17%/năm. Xu thế vận tải hiện
nay là sử dụng tàu có trọng tải lớn, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa
phương thức. Do vậy, việc xây dựng các cảng nước sâu với trang thiết bị hiện đại, công nghệ quản
lí điều hành tiên tiến là yêu cầu bức xúc. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hệ thống cảng biển
đối với phát triển kinh tế nên trong 10 năm qua Nhà nước đã tập trung vốn đầu tư cho một số cảng
trọng điểm như Cảng Hải Phòng (TP Hải Phòng), Cảng Cái Lân (Quảng Ninh), Cảng Sài Gòn (TP
Hồ Chí Minh) và một số cảng chuyên dùng như bến thứ nhất của cảng tàu Dung Quất (liên doanh
Việt Xô); Cảng Nghi Sơn (xi măng); Cảng Cát Lái (xi măng và container) và một số cảng ở khu
công nghiệp Gò Dầu, Hiệp Phước. . . Các cảng biển này đã, đang và sẽ đóng góp tích cực vào hoạt
động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.
- Về công nghiệp đóng tàu
Hiện nay, Việt Nam có hơn 60 nhà máy sửa chữa và đóng tàu, chủ yếu trực thuộc Bộ Giao
thông Vận tải (70% công suất đóng tàu của ngành). Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đẩy
mạnh đầu tư vào một gói thầu nhằm nâng cao hoạt động toàn ngành, đưa đóng tàu trở thành một
ngành xuất khẩu mũi nhọn. Kết quả là tính tới năm 2012, ngành đóng tàu đã đạt doanh thu tiêu thụ
trong nước là 251 triệu USD và 71 triệu USD từ xuất khẩu, dự kiến tăng tổng doanh thu lên 5,11
tỉ USD vào năm 2015. Các nhà máy đóng tàu Việt Nam từ chỗ chủ yếu đóng các tàu hàng và tàu

đánh bắt hải sản xa bờ có trọng tải trên dưới 4.000 tấn, thì đến nay đã có thể đóng các tàu container
có trọng tải 14.000 tấn, tàu chuyên chở 12.500 tấn, tàu chở hàng 6.500 tấn và tàu chở dầu 100.000
tấn. . . theo tiêu chuẩn kĩ thuật tương đương các nước trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, đã có 10
quốc gia trên thế giới đặt hàng tại Vinashin [5].
b. Thủy sản
Thủy sản là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và năng động nhất của nền kinh
tế Việt Nam. Nghề cá đã góp gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (không bao gồm giá trị gia tăng
đáng kể của chế biến, phân phối và thương mại thuỷ sản), góp phần đưa thuỷ sản trở thành một
trong những ngành mang lại nguồn ngoại tệ lớn nhất cho đất nước, chỉ sau dầu khí, may mặc, và
149


Trần Thị Hồng Nhung

giải quyết gần 4 triệu việc làm và thu nhập thêm cho hàng triệu lao động [2].
- Về đánh bắt (khai thác) hải sản
Đánh bắt hải sản là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, là lực lượng nòng cốt
trong việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam, đó là: khai thác
tiềm năng nguồn lợi hải sản tạo sản phẩm cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo
công ăn việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân các tỉnh ven biển; đảm bảo sự hiện diện,
bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Từ năm 1993, sau khi thuỷ sản được coi là ngành
kinh tế mũi nhọn, nghề đánh bắt thuỷ sản đã có những bước phát triển đáng kể. Trong giai đoạn
2000 - 2012, sản lượng thuỷ sản tăng bình quân gần 8,0%/năm, sản lượng khai thác tăng bình quân
6%/năm. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao
động dịch vụ nghề cá. Theo thống kê trong khoảng 12 năm (2000 - 2012), số lượng tàu thuyền
cũng tăng gấp 3,6 lần, tốc độ trung bình khoảng 9%/năm. Tổng công suất tàu khai thác hải sản xa
bờ cả tăng gấp 7 lần, tốc độ tăng trưởng công suất là 13%/năm [5].
- Về nuôi trồng hải sản
Tính trên phạm vi cả nước, diện tích có khả năng nuôi trồng hải sản trên biển gồm hơn
400.000 ha vùng vịnh và đầm phá; nhiều vùng biển có điều kiện phát triển như Quảng Ninh - Hải

Phòng hơn 200.000 ha, khu vực ven biển miền trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bà Rịa - Vũng Tàu
hơn 41.000 ha, khu vực Đông và Tây Nam Bộ có hơn 62.000 ha, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)
20.000 ha... [2]. Giống loài thủy sản nuôi phong phú, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá song,
cá giò, cá cam, cá hồng, cá đù đỏ, cua, ghẹ, hải sâm, bào ngư, nuôi trai lấy ngọc, nuôi ngao, nghêu,
hầu, trồng rong sụn, nuôi sứa đỏ và san hô...
Ngoài hình thức nuôi ven biển còn có hình thức nuôi lồng bè, trong giai đoạn 2000-2012,
tổng số lồng bè nuôi hải sản trên biển đã tăng lên hơn 8,6 lần. (từ 24.989 lên đến 178.965 lồng).
Sản lượng nuôi lồng bè nước mặn năm 2000 chỉ đạt 2.635 tấn, năm 2012 đạt hơn 20.000 tấn [5].
Thủy sản nuôi trên biển có chất lượng và giá trị hàng hóa cao, có thị trường tiêu thụ rộng mở, được
khách hàng thế giới ưa thích. Vì vậy, hải sản nuôi trên biển có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu
của nước ta.
Việc phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo giúp các tổ chức, giúp người dân có
cơ hội đầu tư phát triển, góp phần điều chỉnh nghề khai thác ven bờ bằng phương tiện thủ công
sang nuôi trồng thủy sản biển (nhất là người dân ở các xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, hải đảo),
bảo vệ và phát triển được nguồn lợi thủy sản. Nuôi trồng thủy sản biển còn giúp người dân có điều
kiện tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, thay đổi cơ cấu kinh tế; góp phần bảo vệ an ninh vùng
biển và hải đảo.
- Về chế biến thủy sản
Cả nước đã có tổng số hơn 970 cơ sở - doanh nghiệp chế biến thủy sản. Trong đó, 548 cơ
sở - doanh nghiệp (chiếm gần 53%) đã đạt tiêu chuẩn của thị trường EU - một thị trường khó tính
vào bậc nhất thế giới; trên 600 cơ sở - doanh nghiệp được Hàn Quốc công nhận tiêu chuẩn chất
lượng. . . Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 140 nước và vùng lãnh thổ trên thế
giới, có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ.
Sản lượng thủy sản cả nước năm 2012 ước đạt 5,82 triệu tấn, (trong đó, sản lượng khai thác
đạt 2,76 triệu tấn và nuôi trồng 3,06 triệu tấn). Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản là 6,1 tỉ USD
[7]. Đây là con số đáng mừng chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của ngành thủy sản Việt Nam.
c. Khai thác và chế biến dầu khí
Trong gần 20 năm vừa qua, sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu của Việt Nam liên tục
150



Kinh tế biển Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập

gia tăng với tốc độ bình quân đạt gần 15%/năm. Tính từ năm 1995 đến năm 2012, Việt Nam đã
khai thác hơn 272 triệu tấn dầu thô [4], đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế
đất nước.
Song song với công việc khai thác dầu để xuất khẩu, công nghiệp khí cũng được triển khai
tích cực. Dòng khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ sau những năm đầu không được sử dụng, đến giữa
năm 1995 đã được dẫn vào bờ với công suất gần 1 triệu m3 /ngày sau đó tăng lên 3-4 triệu m3 /ngày
cung cấp cho các nhà máy điện, đạm Phú Mỹ. Đồng thời công trình này cũng đã cung cấp một
khối lượng lớn condensate và khí hóa lỏng LPG cho công nghiệp và dân sinh. Dự án khí Nam Côn
Sơn khai thác các mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ hàng năm cung cấp được 5-6 tỉ m3 khí thiên nhiên. Các
công trình đó đã tạo thành cụm công nghiệp khí-điện-đạm ở miền Đông Nam bộ. Sản phẩm chính
là điện và đạm cùng các sản phẩm phụ khác của cụm công nghiệp này đã góp phần quan trọng cân
đối nhu cầu phân bón, nhu cầu nguyên - nhiên liệu cho các ngành kinh tế khác.
d. Du lịch biển
Vùng biển và ven biển của Việt Nam tập trung tới ba phần tư khu du lịch tổng hợp và 10/17
khu du lịch chuyên đề của cả nước. Hàng năm, vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc
tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/ năm, và thu hút hơn 50% số lượt khách du
lịch nội địa, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Có thể nói những trung tâm du lịch biển
của Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc,... không thua kém về
độ hấp dẫn so với những trung tâm du lịch biển nổi tiếng ở Đông Nam Á như Pattaya, Phuket,
Ko-Samui (Thái Lan), Bali (Inđônêsia)... Thời gian gần đây, nhiều địa phương có lợi thế biển đã
và đang chọn mô hình phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, tăng nguồn thu, giải quyết
công ăn việc làm, là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế đầu tư, thương mại, văn hóa,
xã hội. Hệ thống cơ sở lưu trú vùng ven biển không ngừng tăng lên, đặc biệt số lượng những cơ sở
lưu trú từ 3 sao trở lên. Theo thống kê, vùng ven biển có gần 1.400 cơ sở lưu trú với trên 45.000
buồng. Đội ngũ lao động du lịch vùng ven biển hiện chiếm khoảng 65% tổng số lao động trực tiếp
làm du lịch của cả nước, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (trên
60%); Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng (8,5%); Hải Phòng - Quảng Ninh (8,1%). Bên cạnh đó, sự phát

triển của du lịch biển còn tạo việc làm gián tiếp cho 60 vạn lao động là các dân cư ven biển [10].
e. Phát triển tổng hợp kinh tế biển
Vấn đề phát triển tổng hợp đã được nhà nước quan tâm và tập trung nghiên cứu và thực
hiện nhằm giúp khai thác có hiệu quả nguồn lợi phong phú của khu vực được thiên nhiên ưu đãi.
Các khu kinh tế tổng hợp ven biển (gọi tắt là Khu kinh tế) đã được quy hoạch nhằm thu hút nguồn
đầu tư trong và ngoài nước để phát triển. Khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam là Khu kinh tế mở
Chu Lai, thành lập năm 2003. Ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt
Nam đến năm 2020". Theo Vụ Quản lí các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến thời điểm
tháng 12/2012, cả Việt Nam có 15 khu trong quy hoạch nói trên đều đã được chính thức thành lập
là khu kinh tế hoặc được hưởng quy chế ưu đãi như khu kinh tế. Hiện nay (năm 2015), con số các
Khu kinh tế đã được nâng lên thành 18.

2.2.3. Những hạn chế trong phát triển kinh tế biển Việt Nam
Dù đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận trong những năm gần đây, một điều không
thể phủ nhận là kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và nhỏ bé so với các nước trong
khu vực và trên thế giới. Năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc, 1/20
của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/260 của thế giới. Quy mô kinh tế biển Việt Nam chỉ đạt
151


Trần Thị Hồng Nhung

khoảng hơn 10 tỉ USD; trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỉ USD, Nhật
Bản 468 tỉ USD, Hàn Quốc 33 tỉ USD [4]. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn
yếu kém, lạc hậu. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa
đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các
nước trong khu vực. Ngành du lịch biển vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển - đảo đặc sắc có
tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế và chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ
quốc tế [1].

Đến nay Việt Nam chưa có đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố,
khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Các sân bay ven
biển và trên một số đảo nhỏ, bé. Các thành phố, thị trấn, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển
đang trong thời kì xây dựng. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo
nhân lực cho kinh tế biển, các cơ sở quan trắc. Dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các trung tâm
tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn còn nhỏ bé, trang bị thô sơ.
Đối với lĩnh vực kinh tế biển liên quan trực tiếp đến biển như chế biến sản phẩm dầu khí,
chế biến thủy sản, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất muối biển công nghiệp, các dịch vụ kinh tế
biển và ven biển (như thông tin, tifm kiếm cứu nạn hàng hải, dịch vụ viễn thông công cộng biển
trong nước và quốc tế, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, xuất khẩu thuyền viên,...) hiện mới
bắt đầu được xây dựng và hình thành, quy mô còn nhỏ bé. Khai thác biển đảo đã đem lại những lợi
ích kinh tế - xã hội bước đầu quan trọng, nhưng việc sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu
bền vững. Trình độ khai thác biển của nước ta đang ở tình trạng lạc hậu nhất trong khu vực. Việt
Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát huy
đúng tiềm năng và thế mạnh.

2.3.

Định hướng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Kinh tế biển Việt Nam hiện đã có bước chuyển biến đáng kể. Ngoài các ngành nghề truyền
thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kĩ thuật hiện đại như khai thác
dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Tuy nhiên,
điểm mấu chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam là hội nhập quốc tế.
Mục tiêu thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở
thành quốc gia mạnh về biển; làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với
cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài
hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch
xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân
vùng biển và ven biển.

Để xây dựng một nền khoa học kinh tế biển hiện đại, một quốc gia mạnh về biển với tầm
nhìn dài hạn, Việt Nam cần phải triển khai hàng loạt các giải pháp nghiên cứu về biển, cả chiến
lược, chính sách lẫn khoa học - công nghệ, trong đó tập trung vào các vấn đề phát triển giao thông
vận tải biển để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo,
huấn luyện thuyền viên; tập trung phát triển du lịch đảo và du lịch ven biển; tăng cường khai thác
năng lượng, khoáng sản, thủy sản biển; phát triển kết cấu hạ tầng biển trên cơ sở đầu tư nâng cấp
các cụm cảng, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu.

152


Kinh tế biển Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập

3.

Kết luận

Tóm lại, mục tiêu của Cộng đồng quốc tế nói chung và của từng quốc gia ven biển nói riêng
là phát triển bền vững như Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc đã đưa ra. Phát triển kinh
tế biển Việt Nam hiện chưa được coi là bền vững. Vì vậy, để phát triển một nền kinh tế biển hiệu
quả, bền vững và có khả năng hội nhập quốc tê cần có một phương pháp quản lí biển tổng hợp,
đảm bảo được an ninh sinh thái và an ninh xã hội ở vùng biển đảo và ven biển. Thêm nữa là phải
thay đổi cách tư duy về quản lí và khai thác tài nguyên biển, phải chinh phục biển và chế ngự biển
khơi, có như vậy, mục tiêu “trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020”
của Chính phủ Việt Nam mới có khả năng thành hiện thực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Thị Thanh Bình, 2012. Giải pháp phát triển kinh tế biển Việt Nam. Báo điện tử Đảng
Cộng sản Việt Nam.
[2] Nguyễn Huy Cường, Đoàn Văn Phụ, 2011. Đánh giá hiện trạng phát triển bền vững ngành
thủy sản Việt Nam. Kỉ yếu Hội thảo Quốc gia về Phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam:

các vấn đề và cách tiếp cận. Đồ Sơn, Hải Phòng, tr.32-39.
[3] Phùng Ngọc Đĩnh, 1999. Tài nguyên Biển Đông Việt Nam. Nxb Giáo dục.
[4] Nguyễn Chu Hồi, 2011. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm chủ quyền vùng
biển quốc gia. Báo Biên phòng, Số 51, tháng 3/2011.
[5] Nguyễn Xuân Thu, Bùi Tất Thắng, 2012. Phát triển kinh tế biển của Việt Nam: Thực trạng và
triển vọng. Báo điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 3/2012.
[6] Đoàn Thiên Tích, 2001. Dầu khí Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM.
[7] Tổng cục thống kê Việt Nam, 2013. Niên giám Thống kê Việt Nam 2012.
[8] Viện Đông Nam Á, 2006. Biển với người Việt cổ. Nxb Văn hóa Thông tin.
[9] Viện nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương, 2012. Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam. Thông
tin chuyên đề số 9/2012.
[10] Tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam – Trang thông tin điện tử Cục khai
thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam, tháng 11/2011.
ABSTRACT
Vietnam’s marine economy during integration and innovation
Located beside a large maritime territory with abundant natural resources and having dense
population in coastal regions, Vietnam has many favorable conditions for development of marine
economy. Based on these, in recent years, the country’s maritime economy has high growth rate.
The powerful transformation of the national economy also reinvigorates the development of these
economic sectors. Sea economy really becomes a vital part of Vietnam’s economy in the era of
innovation and integration. However, the development process of Vietnam’s maritime economy
is not without obstacles. This small article will introduce the outline on potentials, history and
current status of Vietnam’s marine economic development to find out the most effective solutions
for sustainable development in forthcoming time.
Key words: Marine economy, potentials, history, current marine economic development,
integration and innovation.

153




×