Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của tôn giáo học Mácxít từ cách tiếp cận lịch đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.52 KB, 7 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Education Science, 2013, Vol. 58, No. 4, pp. 110-116
This paper is available online at

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
CỦA TÔN GIÁO HỌC MÁCXÍT TỪ CÁCH TIẾP CẬN LỊCH ĐẠI

Trần Đăng Sinh
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Tôn giáo có lịch sử ra đời từ rất sớm gắn liền với các giai đoạn phát triển
của lịch sử loài người. Mỗi giai đoạn phát triển thường có một kiểu tôn giáo đặc
trưng phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội của giai đoạn ấy. Tôn giáo là một hiện
tượng lịch sử xã hội, một hình thái ý thức xã hội, vì thế đương nhiên nó là sản phẩm
của xã hội. Để nghiên cứu tôn giáo, xác định đối tượng và phương pháp nghiên cứu
tôn giáo cần thiết phải bắt đầu từ cách tiếp cận lịch đại.
Từ khóa: Tôn giáo, thời đại, tôn giáo học, đối tượng và phương pháp nghiên cứu
của tôn giáo học.

1.

Mở đầu

Có nhiều cách tiếp cận đối tượng và phương pháp nghiên cứu tôn giáo. Tôn giáo
học mácxít là một cách tiếp cận trên cơ sở lí luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử. Đó chính là cách tiếp cận lịch đại. Từ cách tiếp cận này, chúng ta có
thể đưa ra một cách nhìn đầy đủ, chính xác, khách quan, khoa học về tôn giáo nói chung,
và đặc biệt là đối tượng và phương pháp nghiên cứu của tôn giáo học mac xit.

2.
2.1.


Nội dung nghiên cứu
Tôn giáo và thời đại

Tôn giáo ra đời cách đây khoảng 10 vạn năm. Sự ra đời của tôn giáo gắn liền với sự
ra đời của người Homosapien (người thông minh) thời nguyên thủy. Tôn giáo thời nguyên
thủy là sự phản sự bất lực của con người trước sức mạnh của giới tự nhiên, sức mạnh ấy
hàng ngày, hàng giờ thống trị lên cuộc sống của con người đang còn trong trạng thái mông
muội và dã man. Tôn giáo thời nguyên thủy là cách giải thích mang tính thần bí, hư ảo của
con người về giới tự nhiên, và sau đó là về xã hội. Tôn giáo thời nguyên thủy mang tính sơ
khai, đa thần. Nó tồn tại với các hình thức phong phú như tô - tem giáo, bái vật giáo, vật
linh giáo, ma thuật giáo, sa man giáo, tín ngưỡng phồn thực,... Chấm dứt tình trạng mông
muội và dã man, loài người bước vào thời đại văn minh - thời đại với sự phát triển vượt
bậc về lực lượng sản xuất, dẫn đến sự ra đời của giai cấp, của nhà nước, của khoa học,...
Ngày nhận bài: 14-9-2012. Ngày chấp nhận đăng: 16-4-2013
Liên hệ: Trần Đăng Sinh, e-mail:

110


Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học Mácxít...

Thời cổ đại gắn liền với sự ra đời và tồn tại của các nền văn minh cổ đại vào khoảng thiên
niên kỉ thứ I TCN như Trung Quốc, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp-La Mã.Thời cổ
đại cũng là thời đại bắt đầu hình thành và tồn tại của xã hội có giai cấp với chế độ chiếm
hữu nô lệ, trong đó sự áp bức bóc lột của giai cấp chủ nô đối với nô lệ là vô cùng dã man,
tàn bạo.
Tôn giáo thời cổ đại có sự biến đổi, nó phản ánh sự biến đổi của xã hội. Tôn giáo
đa thần không còn phù hợp với xã hội mà trong đó quyền lực tối cao thuộc về một người
(vua, hoàng đế) đã nhường chỗ cho sự tồn tại của tôn giáo độc thần. Các tôn giáo độc thần
ra đời gắn liền với sự ra đời của các quốc gia, dân tộc thời cổ đại. Trong đó, một số tôn

giáo dân tộc đã vượt qua khỏi biên giới của một quốc gia, dân tộc và lan tỏa, phát triển
thành các tôn giáo khu vực và tôn giáo thế giới sau này như: đạo Phật, đạo Ki-tô,...Thời kì
này, nói như C.Mác: tôn giáo vừa là sự phản ánh hiện thực khốn cùng, đồng thời vừa là sự
phản kháng chống lại hiện thực khốn cùng đó. Mặt khác giai cấp thống trị cũng đã dùng
tôn giáo làm công cụ thống trị quần chúng nhân dân, bảo vệ địa vị và lợi ích của mình,
duy trì, ổn định trật tự xã hội.
Thời Trung cổ ở châu Âu tồn tại khoảng 1000 năm gắn liền với sự tồn tại của xã hội
phong kiến. Nhà nước phong kiến ở châu Âu đã lấy ý thức tôn giáo làm hệ tư tưởng thống
trị xã hội. Ki-tô giáo giữ vai trò độc tôn và có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, triết học, khoa học, văn hóa, nghệ thuật,... Có
thể nói đây là thời đại hoàng kim của tôn giáo (Ki-tô giáo) ở phương Tây. Ở phương Đông
chế độ phong kiến kéo dài mãi tới thế kỉ XVII, XVIII (Ấn Độ), và XIX đầu XX (Trung
Quốc, Việt Nam). Tôn giáo được giai cấp địa chủ phong kiến đề cao, sử dụng làm công
cụ tinh thần nhằm duy trì trật tự xã hội phong kiến. Thời Phục Hưng ở phương Tây (thế
kỉ XV đến XVI) là thời kì khủng hoảng tan dã của chế độ phong kiến, thời đại quá độ
từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản, thời tiền tư bản. Tôn giáo (Ki-tô giáo đã có dấu
hiệu khủng hoảng trước sự phát triển của tư tưởng khoa học, tư tưởng tự do tư sản. Những
phát minh khoa học có tính cách mạng trong nhận thức của Brunô, Côpécních, Galilê,...
được ví như “cuộc cách mạng trên bầu trời để chuẩn bị cho cuộc cách mạng trên mặt đất”
đã làm cho tôn giáo bị thất bại lần đầu tiên. Chủ nghĩa hoài nghi tồn tại phổ biến, niềm
tin tưởng một cách tuyệt đối vào Chúa, và những tín điều trong Kinh thánh bị phai nhạt.
Chân lí khoa học đã được dần sáng tỏ. Brunô chết vẫn khẳng định: dù sao trái đất vẫn
quay quanh mặt trời, trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ,... Giai cấp tư sản đấu
tranh đòi quyền tự do cho con người: tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm giàu, tự do hôn
nhân, tư do ngôn luận, tư to tín ngưỡng tôn giáo,... Điều đó làm cho vai trò của tôn giáo
trong xã hội bị suy giảm đáng kể. Hệ tư tưởng của giai cấp địa chủ phong kiến dần dần bị
phá vỡ.
Thời Cận đại ở phương Tây (thế kỉ XVII, XVIII, nửa đầu XIX) gắn liền với thành
công của các cuộc cách mạng tư sản. Cơ sở kinh tế của xã hội phong kiến bị phá vỡ, chủ
nghĩa tư bản khẳng định vai trò thống trị của mình trong xã hội. C.Mác cho rằng, giai cấp

tư sản đã dìm tất cả ánh hào quang của đạo đức phong kiến, sự thiêng liêng của tôn giáo
phong kiến xuống dòng nước giá ngắt của lòng vị kỉ, và thay vào đó là lối trả tiền ngay
không tình nghĩa. Các cuộc cải cách tôn giáo do Lútthơ, Can Vanh lãnh đạo dẫn đến sự
ra đời của đạo Tin Lành (tôn giáo của của giai cấp tư sản). Tư tưởng khoa học, vô thần,
tư tưởng tự do tư sản phát triển khiến cho tôn giáo (Ki-tô giáo) lâm vào tình trạng khủng
hoảng và suy thoái. Các nhà tư tưởng tư sản cho rằng, tôn giáo là một trong những nguyên
nhân dẫn đến sự khổ đau cho con người, cần phải loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã
111


Trần Đăng Sinh

hội. Phoiơbắc cho rằng, không phải Chúa sinh ra con người mà chính con người đã sinh ra
Chúa của mình, con người gắn cho Chúa tất cả những gì tốt đẹp nhất của con người như
tình yêu thương, lòng bác ái, sự thông minh, tính nghiêm khắc, do đó bản chất của Chúa
chính là bản chất của con người. Theo C.Mác, sự phê phán tôn giáo đã được kết thúc bởi
Phoiơbắc, ông đã có công khiến chủ nghĩa duy vật “trở lại ngôi vua”. Tuy nhiên do bản
chất thỏa hiệp của nó, sau khi giành được thắng lợi trong cách mạng, giai cấp tư sản lại
thỏa hiệp với giai cấp địa chủ phong kiến, với giáo hội, nhà thờ quay lại đàn áp, bóc lột
quần chúng nhân dân lao động đã từng là lực lượng cách mạng chủ yếu giúp cho sự thành
công của giai cấp tư sản trước đó. Chính vì thế, tôn giáo tưởng như thất bại hoàn toàn, nay
lại có cơ hội khôi phục những cái đã mất trong cách mạng.
Thời hiện đại được tính từ cuối thế kỉ XIX đến những năm 70 của thế kỉ XX, chủ
nghĩa tư bản đã phát triển đến đỉnh cao của nó, trở thành chủ nghĩa đế quốc gây chiến
tranh thế giới đe dọa nền văn minh nhân loại. Giai cấp tư sản lợi dụng tôn giáo để thực
hiện mưu đồ chính trị phản động. Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga thành công mở ra
một kỉ nguyên mới cho giai cấp vô sản, quần chúng nhân dân lao động và các dân tộc bị
áp áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Tư tưởng cách mạng, duy vật, vô thần phát triển mạnh
góp phần làm lành mạnh đời sống tinh thần xã hội. Con người được giác ngộ cách mạng
tin tưởng vào một thiên đường có thực trên trái đất (chủ nghĩa cộng sản) chứ không phải là

thiên đường sau khi chết. Tình yêu thương, sự bình đẳng giữa người với người được thực
hiện thông qua các chính sách xã hội và luật pháp ở các nước xã hội chủ nghĩa. Thời hiện
đại cũng là thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học - kĩ thuật hiện đại. Những phát hiện
mang tính “vạch thời đại” trong khoa học khiến cho nhận thức của loài người thay đổi sâu
sắc. Con người tin rằng, có thể hoàn toàn làm chủ, thống trị được tự nhiên với khoa học
và kĩ thuật hiện đại. Con người không cần phải cầu xin Chúa hay các thần, thánh. Do tư
tưởng cách mạng, tư tưởng duy vật, vô thần, khoa học phát triển mạnh, tôn giáo vì thế
mà lâm vào thời kì khủng hoảng, thoái trào, tưởng như không còn đất sống. Người ta đồn
rằng “Chúa đã chết”, nhà thờ, chùa chiền vắng bóng người qua. Tôn giáo được xem như
đồng nghĩa với mê tín, dị đoan, lạc hậu và do đó cần bị loại khỏi đời sống xã hội. Khoa
học được coi như ánh sáng, đối lập với tôn giáo, ánh sáng soi tỏa đến đâu thì bóng tối bị
xua tan tới đó. Ít người tin vào những tín điều tôn giáo. Có thể nói đây là sự thất bại lớn
nhất trong lịch sử hình thành và tồn tại của tôn giáo.
Từ những năm 70 của thế kỉ XX trở lại đây được coi là thời “hậu hiện đại”. Thời đại
này được đặc trưng bởi sự phát triển của cuộc cách mạng Khoa học - Công nghệ. Thành
tựu của cách mạng khoa học - công nghệ đã ảnh hưởng hết sức sâu sắc, trên quy mô toàn
thế giới tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo,
đạo đức, lối sống, phong tục tập quán,...
Có nhiều quan điểm khác nhau về đặc trưng của thời đại ngày nay. Có quan điểm
cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại tin học. “Cuộc sống số” là đặc trưng của xã hội hiện
đại. Thành tựu của công nghệ tin học đã thẩm thấu và ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội. Không có một lĩnh vực nào của đời sống xã hội lại không chịu ảnh hưởng
của tin học. Lại có quan điểm cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại của sinh học, thời đại
của cuộc cách mạng xanh. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng xanh đã làm thay
đổi rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống trong xã hội đương đại. Việc phát hiện ra bản đồ gien
người, nhân bản vô tính,... đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức làm thay đổi sinh hoạt văn
hóa, đạo đức, lối sống của con người. Có quan điểm khác lại cho rằng, thời đại ngày nay
là thời đại của văn hóa và phát triển. Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực
112



Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học Mácxít...

của sự phát triển, là nền tảng của đời sống xã hội. Chưa bao giờ các quốc gia, dân tộc trên
thế giới lại có sự giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu như
ngày nay. Giá trị văn hóa của một dân tộc trở thành giá trị văn hóa của chung cả nhân loại.
Với tôn giáo, sau một thời gian dài tưởng chừng như không còn đất sống, nay lại có
xu hướng phục sinh, thậm chí phát triển với một sinh khí mới. Các tôn giáo truyền thống
có xu hướng phục hồi, trên cơ sở canh tân, thích nghi, hội nhập để phát triển. Xuất hiện rất
nhiều loại hình “tôn giáo mới” tồn tại đan xen với các tôn giáo truyền thống ở cả những
nước phát triển. Các hiện tượng mê tín, mê tín dị đoan khá phổ biến trong xã hội. Các hủ
tục cũ chứa đựng những yếu tố mê tín có xu hướng được khôi phục. Khắp nơi xuất hiện
những người tự xưng là thầy, bà có thể mách bảo đoán định được tương lại, số phận của
con người. Hiện tượng cúng tế, lễ hội, xây sửa nơi thờ tự diễn ra trên phạm vi rộng, qui
mô lớn. Người ta lại tin vào tái sinh, nghiệp kiếp, số phận, ngày tận thế,... Trên cơ sở đó,
có quan điểm cho rằng thời đại ngày nay không phải là thời đại của khoa học, văn hóa mà
là thời đại của tôn giáo, rằng thế kỉ XXI là kỉ nguyên của tôn giáo, tôn giáo sẽ thay thế cái
mà khoa học chưa lí giải được.
Những nhận định trên về đặc trưng của thời đại ngày nay từ các cách tiếp cận khác
nhau cũng để chúng ta suy ngẫm. Song rõ ràng là lịch sử của tôn giáo luôn gắn liền với
lịch sử của nhân loại. Tôn giáo trong các thời đại lịch sử khác nhau thì đều có một vai trò,
vị trí nhất định ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hộị.

2.2.

Đối tượng nghiên cứu của Tôn giáo học

Tôn giáo học là khoa học nghiên cứu về tôn giáo. Thần học thời trung cổ không
phải là khoa học về tôn giáo mà chỉ là sự nghiên cứu để nhằm lí giải, chứng minh cho sự
tồn tại của Chúa, cho sự cứu rỗi của Chúa đối với con người, chứng minh cho tính đúng

đắn của Kinh thánh, coi Kinh thánh là chân lí tối cao, tuyết đối. Sự phê phán tôn giáo có
tính lí luận và hệ thống được bắt đầu bởi các đại biểu của giai cấp tư sản ở phương Tây từ
thời Phục hưng đến thời Cận đại. Sự phê phán tôn giáo của giai cấp tư sản ở phương Tây
được kết thúc bởi Phoiơbắc - nhà triết học Cổ điển Đức.
Sau đó có rất nhiều công trình của các học giả tư sản nghiên cứu lịch sử của tôn
giáo, tâm lí tôn giáo, mặt xã hội của tôn giáo và đạt được những thành tựu nhất định. Hình
thành lên ngành xã hội học tôn giáo, tâm lí học tôn giáo,... đầu tiên ở phương Tây với các
tên tuổi tiêu biểu như Tylor, Parsons, Durkheim, M.Weber,...
Tôn giáo học mácxít do C.Mác và Ph.Ăngghen đặt nền móng, V.I.Lênin phát triển.
Tôn giáo học mácxít nghiên cứu tôn giáo trên lập trường quan điểm của chủ nghĩa duy vật
biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tôn giáo được xem xét dưới góc độ là một hình
thái ý thức xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội, phản ánh và chịu sự qui định của tồn tại xã
hội. Cùng với đó, tôn giáo còn được xem xét như là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm
của xã hội, của con người. C.Mác cho rằng, chính con người đã sản sinh ra tôn giáo chứ
không phải tôn giáo sáng tạo ra con người. Mỗi một giai đoạn lịch sử đều gắn với lịch sử
các tôn giáo. Tôn giáo học mácxít còn xem tôn giáo như một yếu tố của kiến trúc thượng
tầng, nảy sinh từ cơ sở hạ tầng, là sự phản ánh cơ sở hạ tầng. Tôn giáo có quan hệ hữu
cơ với các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng như chính trị, triết học, pháp quyền, đạo
đức, nghệ thuật, khoa học,...
Trên cơ sở xác đinh rõ đối tượng nghiên cứu, tôn giáo học mácxít nghiên cứu 3 nội
dung lớn, đó là:
113


Trần Đăng Sinh

Thứ nhất, vấn đề lí luận chung về tôn giáo. Tôn giáo học mácxít nghiên cứu những
vấn đề mang tính lí luận như: nguồn gốc, bản chất, chức năng, vai trò, tính chất của tôn
giáo, xu hướng vận động và biến đổi của tôn giáo trong xã hội hiện đại,...
Thứ hai, lịch sử các tôn giáo. Các tôn giáo đều có quá trình hình thành, tồn tại, biến

đổi của chúng. Nghiên cứu lịch sử các tôn giáo, Tôn giáo học mácxít nghiên cứu các kiểu
và hình thức tôn giáo trong lịch sử. Kiểu tôn giáo nguyên thủy với các hình thức phong
phú như tô - tem giáo, bái vật giáo, vật linh giáo, sa man giáo, ma thuật giáo Kiểu tôn giáo
dân tộc và các hình thức tín ngưỡng phổ biến ở Việt nam như đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo,
tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu,... Kiểu tôn giáo khu vực và tôn giáo thế giới
như đạo Hin Đu, đạo Ki tô, đạo Ixlam, đạo Phật,...
Thứ ba, những vấn đề thực tiễn tôn giáo. Tôn giáo học mácxít nghiên cứu những
vấn đề thực tiễn tôn giáo hiện nay như: quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chính sách, pháp luật của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay,
việc chấp hành chính sách tôn giáo của Đảng và chính phủ, công tác đối ngoại về vấn đề
tôn giáo. Các hiện tượng tôn giáo mới cũng là những nội dung được tôn giáo học mácxít
đề cập đến.

2.3.

Phương pháp nghiên cứu của tôn giáo học

Trên cơ sở xác định rõ đối tượng và nội dung nghiên cứu, Tôn giáo học mácxít chỉ ra
phương pháp nghiên cứu thích hợp nhất để thực hiện được mục đích và nhiệm vụ nghiên
cứu tôn giáo. Tôn giáo là hình thái ý thức thức xã hội phản ánh hiện thực vừa mang tính
thần bí vừa mang tính “hư ảo”, xa hiện thực nhất, lại được bao phủ bởi tính thiêng nên cần
có một hệ thống phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học mácxít đương nhiên phải đảm bảo tính
khách quan, khoa học, tính logic và tính hệ thống. Phương pháp chung nhất để nghiên cứu
tôn giáo là phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Phương pháp duy vật biện
chứng là sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật với phương pháp luận biện chứng. Thế
giới quan duy vật xem xét tôn giáo như một hình thái ý thức xã hội, phản ánh và chịu sự
qui định của tồn tại xã hội. Con người, xã hội sản sinh ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo
sáng tạo ra con người. Phương pháp luận biện chứng xem xét tôn giáo trong quá trình hình
thành, tồn tại, biến đổi của nó; trong sự tác động qua lại giữa tôn giáo với các hình thái

ý thức xã hội khác như triết học, chính trị, đạo đức, pháp quyền, nghệ thuật, khoa học,...
giữa các kiểu và hình thức tín ngưỡng, tôn giáo với nhau. Phương pháp duy vật lịch sử là
phương pháp vận dụng những nguyên tắc của phương pháp duy vật biện chứng để xem xét
tôn giáo như một hiện tượng trong đời sống xã hội, gắn với xã hội qua các gia đoạn lịch
sử, một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, phản ánh cơ sở hạ tầng và chịu sự qui định của
cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra Tôn giáo học mácxít còn sử dụng hệ thống các phương pháp khoa học
khác để nghiên cứu tôn giáo như phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, phân loại,
thống kê, điều tra xã hội học, phương pháp liên ngành,... Phương pháp phân tích đi từ cái
toàn diện đến cái cụ thể, xem tôn giáo như một chính thể gồm nhiều yếu tố, từ đó đi sâu
phân tích từng yếu tố một. Thí dụ, để hiểu được bản chất của tôn giáo là gì, ngoài việc
xem tôn giáo như là một hình thái ý thức xã hội, một hiện tượng của đời sống xã hội cần
phải chỉ ra kết cấu của tôn giáo. Phải xem tôn giáo được tạo thành bởi các yếu tố nào?
Hoặc nghiên cứu không gian thiêng (nơi thờ tự, cúng lễ) của một tổ chức tôn giáo cụ thể,
114


Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học Mácxít...

phải phân tích xem trong đó có những gì? Nếu là ngôi chùa của đạo Phật thì xem xét lần
lượt các yếu tố, bộ phận từ ngoài vào trong gồm: tam quan, sân, vườn, tháp, chính điện,
nhà đại bái, nhà tổ,... Trong một yếu tố, bộ phận lại nên đi sâu tìm hiểu các chi tiết, bộ
phận nhỏ trong đó. Thí dụ như trong điện thờ Phật thì xem xét các pho tượng tử trên xuống
dưới, từng pho một lại phải tìm hiểu lai lịch, xuất xứ,... Sau khi phân tích rõ các yếu tố, bộ
phận trong một chính thể thì dùng phương pháp tổng hợp để chỉ ra cái chung nhất mang
tính phổ biến của chỉnh thể đó. Phương pháp tổng hợp mang tính đối lập với phương pháp
phân tích, đi từ cái bộ phận đến cái toàn thể. Trên cơ cở có được kết quả từ sự phân tích,
xem xét chi tiết các yếu tố, bộ phận cần phải tổng hợp, khái quát tất cả lại để thấy được cái
bản chất, cái chung nhất của vấn đề nghiên cứu. Vẫn thí dụ trên, sau khi nghiên cứu tất cả
các yếu tố, bộ phận tạo lên ngôi chùa Phật với tư cách là một chỉnh thể, ta đưa ra nhận xét,

kết luận chung: đó là chùa thuộc tông phái Phật giáo nào? Đại thừa hay tiểu thừa? Ngôi
chùa đó được hình thành từ bao giờ? theo lối kiến trúc nào? Có vị trí và vai trò gì trong
đời sống tâm linh tôn giáo của nhân dân?
Khi nghiên cứu tôn giáo cần phải biết so sánh giữa các tôn giáo này với tôn giáo
khác trong các biểu hiện, chi tiết của chúng. Chỉ có so sánh chúng ta mới hiểu được sự
tương đồng và khác biệt giữa các tôn giáo hoặc giữa các bộ phận cấu thành của một tôn
giáo. Thí dụ, nghiên cứ đạo Phật ta không chỉ thấy đạo Phật là một tổ chức tôn giáo thế
giới mà còn phải biết đạo Phật có sự thống nhất trong tính đa dạng của nó. Để biết tính
đa dạng của nó ta nên so sánh sự khác nhau giữa đạo Phật ở quốc gia, dân tộc này với đạo
Phật ở quốc gia, dân tộc khác, đạo Phật trong giai đoạn phát triển này với giai đoạn phát
triển khác, giữa các tông phái của đạo Phật,... Hoặc khi nghiên cứu đạo Ki-tô cũng cần
phải so sánh sự khác nhau trong thuyết về sự sáng thế bởi Chúa của đạo Ki-tô có gì giống
và khác thuyết về sự sáng thế bởi thánh Ala của đạo Ixlam,... Khi nghiên cứu tôn giáo
cũng cần phải biết phân loại các kiểu và hình thức tôn giáo, các hình thức tín ngưỡng, các
giáo phái, các dòng tu. Có thể phân loại căn cứ vào đối tượng thờ cúng, vào nghi lễ thờ
cúng, không gian thờ cúng,... Thí dụ, để phân biệt các tôn giáo này với tôn giáo khác cần
thấy sự khác nhau về không gian thờ cúng như đình, chùa, đền, miếu, am, nhà thờ Ki-tô
giáo, nhà thờ đạo Tin lành, nhà thờ họ, thánh đường, thánh thất,... Đồng thời cũng cần biết
phân loại các hiện tượng trong đời sống tâm linh, tôn giáo, biết đâu là mê tín, tín ngưỡng,
tôn giáo, đâu là chính đạo, đâu là dị giáo, tà đạo,... Rồi cũng phải biết phân loại các tài
liệu nghiên cứu, xem đâu là tài liệu bằng hiện vật, đâu là tài liệu bằng văn bản, các hình
thức văn bản, tài liệu nào thì thích hợp với việc khai thác, bảo quản, cất giữ nào,... Phương
pháp thống kê, điều tra xã hội học cũng rất cần thiết khi nghiên cứu tôn giáo. Để hiểu rõ
sinh hoạt tôn giáo cần thiết phải có số lượng thống kê số tín đồ của mỗi tôn giáo, số tần
xuất tham gia các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, số lượng các cơ sở thờ tự như chùa, đình, nhà
thờ, thánh đường, thánh thất,... của mỗi tôn giáo. Cũng cần phát phiếu điều tra để nắm
được các thông tin đối với nhu cầu tâm linh tôn giáo của các tầng lớp cư dân. Hiện nay
ở các nước phát triển phương pháp điều tra xã hội học được sử dung tương đối phổ biến
trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giáo.
Để nghiên cứu tôn giáo có hiệu quả cần phải sử dụng phương pháp liên ngành. Bản

thân tôn giáo không tồn tại độc lập, nó tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ với các hình thái
ý thức xẫ hội khác, với các yếu tố của kiến trúc thượng tầng khác, các lĩnh vực khác của
đời sống xã hội. Do vậy, Tôn giáo học mácxít thường sử dụng thành tựu nghiên cứu của
các ngành khoa học khác như sử học, dân tộc học, khảo cổ học, nhân học, tâm lí học, ngôn
ngữ học, văn hóa học,... để nghiên cứu các hiện tượng tôn giáo. Thí dụ như khi nghiên cứu
115


Trần Đăng Sinh

Phật giáo thời Lý - Trần không thể không dựa trên kết quả nghiên cứu của khoa học lịch
sử về thời đại đó. Việc Lý Công Uẩn lên ngôi và quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng
Long có liên quan tới cả sự phát triển của quốc gia Đại Việt và cả sự ảnh hưởng của Phật
giáo.
Nói tóm lại, phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học mácxít rất phong phú đa
dạng. Song thường không chỉ sử dụng một phương pháp mà sử dụng nhiều phương pháp,
không có phương pháp nào là tuyệt đối, tối ưu. Tùy theo từng đối tượng, hoàn cảnh, điều
kiện để sử dụng phương pháp nghiên cứu thích hợp. Mục đích nghiên cứu đạt được là thực
tiễn cho biết sử dụng phương pháp nghiên cứu có đúng và phù hợp hay không.
Tôn giáo là một vấn đề không dễ nghiên cứu, sự thành công của người nghiên cứu
không chỉ thuần túy phụ thuộc và phương pháp nghiên cứu khoa học mà còn đòi hỏi
người nghiên cứu có hội tủ mọi tố chất cần thiết khác như: có điều kiện thuận lợi, có ý
thức nghiêm túc và lòng say mê nghiên cứu.

3.

Kết luận

Như vậy, từ cách tiếp cận lịch đại chúng ta dễ dàng xác định được đối tượng và
phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học mácxít. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong

nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu tôn giáo. Trong lịch sử, hiện tại và trong tương lai, tôn
giáo đã, đang và sẽ còn tồn tại lâu dài, để có cách ứng xử phù hợp với tôn giáo cũng nên
chú ý cách tiếp cận lịch đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1997. Thông tin KHXH - chuyên đề tôn
giáo và đời sống hiện đại. Tập 1,2, Hà Nội.
[2] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
[3] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
[4] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2004. Pháp lệnh tôn giáo. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6] Thông tin khoa học chuyên đề, 1997-1998, Tôn giáo và đời sống hiện đại, Tập 1, 2, 3,
Hà Nội.
ABSTRACT
The object and method of Religious Marxist from diachronic approach
Religion appears very early associated with the other stages of development of human history. Each stage of development is often a characteristic type of religion which
reflects the economic-society conditions of this period. Religion is a social phenomenon,
a form of social consciousness, so, it is a product of society. For religious studies, the
defining object and method of marxist religious is so necessary and that begins from
diachronic approach.
116



×