Phân Biệt Dị Ứng Thực Phẩm Và
Ngộ Độc Thực Phẩm
Dị ứng thực phẩm (Food Allergy):
Một trường hợp dị ứng thức ăn
Cơ thể con người thường hay dị ứng với một số thực phẩm khi ăn chúng như: Hải
sản (cá biển, sò, tôm, cua, mực…), đậu phộng, đậu nành, hạt điều… Các loại hóa
chất bảo quản thực phẩm như: Sodium sulfite, sodium, bisulfite, potassium
bisulfite, hàn the (borate sodium)…
Các loại hóa chất tạo mùi, tạo ngọt như: Bột ngọt (monosodium glutamate),
aspartame (NutraSweet)… và các loại hóa chất tạo màu như: Tartrazine (màu
vàng số 5)…
Khi ăn các loại thực phẩm trên, cơ thể tạo ra kháng thể đặc biệt Immunoglobine E
(IgE) để chống lại chất protein lạ, phóng thích ra chất Histamine, chất này gây ra
một số triệu chứng như: Nổi mề đay, ngứa, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu
chảy, chuột rút, khó thở… nếu tình trạng nặng không được điều trị kịp thời có thể
bị trụy tim mạch, tử vong.
Dị ứng thực phẩm kéo dài có thể gây ra bệnh hen suyễn. Cần phân biệt với dạng
uống sữa không tiêu được gọi là tình trạng không dung nạp thực phẩm (food
intolerance) do cơ thể thiếu enzyme để dung nạp lactose trong sữa; những người
này có thể dùng sữa chua.
Ngộ độc thực phẩm (Food poisoning) :
Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 80 triệu ca ngộ độc thực phẩm, gây thiệt hại ngân sách
y tế khoảng 7 tỷ USD. Một số loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn thường có trong
cá, thịt, rau củ quả… bảo quản không đúng cách, quá hạn sử dụng… hoặc do
người chế biến, dụng cụ chế biến, nguồn nước không hợp vệ sinh cũng có thể gây
ra ngộ độc thực phẩm.
Vi khuẩn Staphylococus aureus (Tụ cầu khuẩn vàng): Thường nhiễm qua vết
thương, mụn nhọt của người chế biến thực phẩm. Triệu chứng nhiễm độc thức ăn
do vi khuẩn này: Nôn mửa, tiêu chảy… nhưng ít khi gây sốt.
Vi khuẩn Salmonella thường có trong: Hải sản, thịt, cá… gây nhiễm trùng đường
ruột với các triệu chứng như: Đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt…
Vi khuẩn Clostridium botulinum: Là loại vi khuẩn yếm khí thường có trong các
loại thực phẩm đóng hộp, tiệt trùng không kỹ, bảo quản không đúng cách. Độc tố
vi khuẩn này thường gây ngộ độc thần kinh, mờ mắt, suy hô hấp, trụy tim mạch…
nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Vi khuẩn Vibrio para-haemolyticus: Thường có trong các loại thủy hải sản. Các
món hải sản sống thường hay nhiễm vi khuẩn này với các triệu chứng như: Nhức
đầu, sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy…
Vi khuẩn Escherichia coli: Gây ra các triệu chứng như: Đau bụng, nôn, tiêu
chảy… Dòng E. coli 0157 có thể gây ra xuất huyết đường ruột. Vi khuẩn này có
trong phân bệnh nhân lây lan qua nguồn nước.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes: Thường tồn tại trong môi trường ôn đới (máy
lạnh, tủ lạnh… không đủ độ lạnh). Khi nhiễm vi khuẩn này có triệu chứng giống
như cúm.
Vi khuẩn Campylobacter jejuni: Thường có trong protein động vật, nấm… gây
đau bụng, tiêu chảy, nôn, vọp bẻ…
Vi khuẩn Bacillus cereus: Thường có trong ngủ cốc lẫn với bùn đất, cát bụi gây
tiêu chảy nôn mửa…
Đề phòng ngộ độc thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi sống, bảo quản chế biến đúng
cách, nấu chín khoảng 1000C trong 10 phút; rau sống, trái cây cần phải rửa bằng
nước sạch nhiều lần, ngâm dung dịch nước muối hoặc thuốc tím, rửa lại bằng
nước sạch trước khi ăn. Nhân viên chế biến thực phẩm cần phải mang găng tay,
đeo khẩu trang, nhân viên phục vụ cần phải tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ; họ phải
được khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần). Nên tránh ăn các loại hải sản sống
(tôm, mực, cá… thái mỏng, ướp lạnh ăn với mù tạt). Đậy kín các loại thức ăn,
không ăn các loại thực phẩm thừa, ôi thiu, quá hạn sử dụng.