Bảo vệ khu dự trữ sinh quyển là bảo vệ tương lai
Nguồn: diendan.camau.gov.vn
TTCT - Kỳ họp lần thứ 21 của Ủy ban Điều phối Quốc tế chương trình Con
người và Sinh quyển (MAB) tại Jeju (Hàn Quốc) ngày 26-5 đã đưa Cù Lao
Chàm (Hội An, Quảng Nam) và Mũi Cà Mau của VN vào danh sách các khu
dự trữ sinh quyển thế giới (kdtsqTG).
Theo định nghĩa của UNESCO, KDTSQ là “những khu vực hệ sinh thái bờ biển
và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học
với việc sử dụng bền vững khu vực đó”.
Khu dự trữ sinh quyển: Phòng thí nghiệm sống
Một cách đơn giản hơn, KDTSQ là “những phòng thí nghiệm sống” giúp thử
nghiệm việc quản lý đồng thời đất, nước và sự đa dạng sinh học. Các KDTSQ
cùng nhau tạo thành một mạng lưới trên toàn thế giới: mạng lưới các KDTSQ.
Hiện có hơn 500 KDTSQ được UNESCO công nhận ở 100 nước khác nhau.
Theo UNESCO.org, mỗi KDTSQ bắt buộc phải hoàn thành ba chức năng cơ bản.
Một là chức năng bảo tồn tự nhiên, tức đóng góp cho việc bảo tồn cảnh quan, hệ
sinh thái, sự đa dạng sinh học về nguồn gen và các loài. Hai là chức năng phát
triển, tức giúp ích cho đời sống con người về kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo
phát triển bền vững. Ba là chức năng hậu cần, tức cung cấp, hỗ trợ cho các dự án
nghiên cứu, kiểm tra, giáo dục và trao đổi thông tin liên quan tới các vấn đề địa
phương, quốc gia và toàn cầu về bảo tồn, phát triển.
Trong một cuộc trao đổi với TTCT, tổng thư ký của Ủy ban quốc gia UNESCO
VN Phạm Sanh Châu cho biết thêm: mô hình KDTSQ của VN được lựa chọn là
mô hình bảo vệ thí điểm bởi VN đã lồng ghép bảo tồn với phát triển bền vững.
KDTSQ không chỉ nhấn mạnh đến đa dạng sinh học mà còn chú trọng đến sự đa
dạng văn hóa, cộng đồng xã hội.
Theo đó, KDTSQ được dùng như một địa điểm để học tập về cách phát triển bền
vững, do lẽ phát triển bền vững cần đảm bảo cả ba yếu tố gồm phát triển kinh tế,
bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội. Hơn thế, với tình trạng ô nhiễm môi
trường ở mức độ cao và ngày càng gia tăng như hiện nay, việc UNESCO công
nhận hai KDTSQTG của VN sẽ mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong việc sử
dụng các KDTSQ để bảo tồn, phát triển bền vững.
VN đứng đầu Đông Nam Á về khu dự trữ sinh quyển thế giới
VN hiện nay vươn lên đứng đầu Đông Nam Á về số lượng các KDTSQTG với
tám khu. Sau khi được UNESCO công nhận là KDTSQTG thì Cát Bà đã chủ động
hợp tác trong “sáng kiến Jeju” với mục tiêu nhằm xác định các biện pháp bảo vệ
nguồn nước sạch trên thế giới. KDTSQTG Kiên Giang đã ký được hợp đồng trị
giá 2 triệu USD với một đơn vị của Đức trong việc bảo tồn và phát triển. Hiện nay,
các KDTSQTG đã có những chương trình hành động cụ thể để duy trì như
“Chương trình hành động của Madrid”, hệ thống KDTSQ Đông Á liên minh với
nhau nhằm mục đích học tập kinh nghiệm, chia sẻ cách bảo tồn, nghiên cứu loài
động vật khoa học...
Theo ông Phạm Sanh Châu, trong thời gian tới Ủy ban UNESCO VN dự định xây
dựng mạng lưới liên kết các KDTSQTG của VN lại với nhau. Tuy nhiên để có
những cơ hội hợp tác quốc tế, khu vực thì Mũi Cà Mau và Cù Lao Chàm cần sự
chủ động của ban quản lý.
Trước tiên, Mũi Cà Mau cần nhanh chóng thiết lập ban quản lý riêng, kế hoạch
đào tạo bồi dưỡng nhân lực, phân vùng bảo vệ.
Ông Châu nhấn mạnh: “Các KDTSQTG là sản phẩm mang thương hiệu quốc tế.
Bây giờ khi nói đến Mũi Cà Mau, đó không chỉ là mũi cực Nam mà còn là
KDTSQTG. Bên cạnh di sản văn hóa thế giới Hội An có Cù Lao Chàm với hệ sinh
thái đa dạng”. Theo ông Châu, hiện nay VN đang nghiên cứu học tập các mô hình
bảo tồn và phát triển của các quốc gia để áp dụng tại VN.
Bảo vệ các KDTSQ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia. Hăng năm, kế hoạch bảo tồn và
phát triển các KDTSQ cần được báo cáo lên UNESCO đánh giá thẩm định. Theo
ông Phạm Sanh Châu, hiệu lực đối với việc UNESCO công nhận KDTSQ là vô
thời hạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có các hành động không đúng kế hoạch, môi
trường tại các KDTSQ bị ô nhiễm thì UNESCO sẽ có khuyến cáo, nhắc nhở và
cuối cùng là có thể rút lại sự công nhận.
7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới
1. Khu vực đó có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh
vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người
không.
2. Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.
3. Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại
khu vực.
4. Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của
khu dự trữ sinh quyển.
5. Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp.
6. Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham
dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp để cùng thực hiện
những chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
7. Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.
Theo ủy ban UNESCO VN
8 khu dự trữ sinh quyển của VN được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển
thế giới
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM (2000)
2. Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm
Đồng và Đắc Lắc (2003)
3. Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng (2004)
4. Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng
thuộc các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Nghĩa Hưng (Nam
Định), Kim Sơn (Ninh Bình) (2004)
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang (2006)
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An vườn quốc gia Pù Mát, hai khu bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt (2007)
7. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009)
8. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009)