lời nói đầu
Nhu cầu thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích
quốc gia và đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phát triển đô thị, các dự
án sản xuất, kinh doanh là một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển kinh
tế- xã hội, đặc biệt đối với sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện hoá mà cả nước và
Thủ đô Hà Nội đang tiến hành. Thực tế hiện nay cho thấy công tác giải phóng
mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp,
tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế -xã hội.
Những năm qua, số lượng các dự án đầu tư ở cả khu vực nội thành và ngoại
thành Hà Nội đã tăng rất nhanh. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư thì
giải phóng mặt bằng (GPMB) là một khâu quan trọng và có tính dặc thù, không
những ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư mà còn liên quan đến sự ổn định
tình hình kinh tế, chính trị- xã hội.
Trong điều kiện quỹ đất cũng như các buồn tài nguyên khác ngày càng hạn
hẹp và nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì vấn đề lợi ích về kinh tế
của các tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất và giao đất ngày càng được
quan tâm hơn. Vì vậy, vấn đề đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất đã và
đang là một vấn đề mang tính thời sự cấp bách. Công tác đền bù giải phóng mặt
bằng còn là vấn đề phức tạp mang tính chất chính trị, kinh tế- xã hội tổng hợp,
đòi hỏi được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp, tổ chức và cá nhân. Đền
bù thiệt hại về đất không chỉ thể hiện bản chất kinh tế các mối quan hệ về đất đai
( giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân sử dụng đất, giữa các tổ chức kiinh
tế này với các tổ chức kinh tế khác và giữa cá nhân với nhau ), mà còn thể hiện
về các mối quan hệ về chính trị, xã hội....Thực tế đã khẳng định công tác giải
phóng mặt bằng trên địa bàn Thnàh phố trong những năm qua là điều kiện tiên
quyết khi triển khai thực hiện Dự án.
Trong thời gian qua, việc sử dụng đất để triển khai các dự án phát triển kinh
tế- xã hội Thủ đô một mặt đem lại những lợi ích rõ rệt về kinh tế, về hạ tầng đô
thị, làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, song mặt khác cũng gây
không ít khó khăn cho một bộ phận dân cư do bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất
mà mất đi tư liệu sản xuất chính ,mất nguồn thu nhập và kế sinh nhai .Theo
thống kê của các cơ quan nội chính, phần lớn các vụ khiếu kiện đông người
trong năm qua là khiếu kiện về đất đai và đền bù, giải phóng mặt bằng .
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch
sử dụng đất của Thành phố Hà Nội, thì chỉ trong thời gian 5 năm (1996-2000),
Hà Nội có 6.300ha đất chuyển sang xây dựng đô thị và các công trình công
nghiệp, dân dụng. Phần lớn diện tích đất này là đất hiện đang được sử dụng vào
mục đích sản xuất nông nghiệp.
Theo quy hoạch, kế hoach sử dụng đất của Thành phố Hà Nội đến năm
2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg
ngày 09/11/2001 thì diện tích đất nông nghiệp năm 2010 sẽ giảm so với năm
2000 là 10.200ha. Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2002 của UBND Thành phố
Hà Nội dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích xin chuyển mục đích
sử dụng vào các mục đích là 1.100ha, năm 2003 là 1.090 ha.
Qua đó cũng đủ thấy vấn đề đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên
địa bàn Thành phố Hà Nội là một vấn đề cực kỳ phức tạp và đặt ra nhiều thử
thách.
Để làm giảm những mâu thuẫn nêu trên, Thành phố Hà Nội đã có rất nhiều
cố gắng trong việc cải thiện các chính sách về đền bù thiệt hại cho người sử
dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã
hội Thủ đô. Năm 2002, Thành phố Hà Nội gọi là năm đồng khởi giải phóng mặt
bằng. Đến năm 2003 Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì là năm đồng khởi giải phóng
mặt bằng, đặc biệt là các công trình trọng điểm phục vụ Sea Games 2003.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa, các chính sách này cũng có những bất cập, hạn
chế nhất định, nhất là mức giá bồi thường thiệt hại và việc khôi phục mức sống
cho các hộ dân bị di chuyển đến nơi ở mới, hoặc mất nguồn thu nhập chính do
phải di chuyển, giải phóng mặt bằng.
Xuất phát từ thực tế trên, đồng thời góp phần hoàn thiện các chính sách về
đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội, em
mạnh dạn xin được thực hiện nghiên cứu đề tài “ Hoàn thiện chính sách và
phương thức đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Y nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:
Đề tài là công trình khoa học nghiên cưú một cách toàn diện và có hệ thống
về hệ thống các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội và đề xuất hướng hoàn thiện
chính sách kèm theo các giải pháp thực hiện.
Góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô, để Hà
Nội ngày càng văn minh , giàu đẹp, sánh vai với các Thủ đô lớn trong khu vực
và trên thế giới.
Góp phần hoàn thiện chính sách, phương thức đền bù thiệt hại của UBND
Thành phố khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.
Góp phần hạn chế, giải toả những bức xúc về khiếu kiện của công dân bị
thiệt hại do phải giải toả mặt bằng, bàn giao đất để triển khai các Dự án trên địa
bàn.
Mục đích nghiên cứu đề tài:
Đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng hệ thống chính sách mà
UBND Thành phố Hà Nội áp dụng.
Xác định và đề xuất hoàn thiện những hệ thống chính sách đố trên cơ sở
phù hợp Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Nghiên cứu toàn bộ văn bản chính sách có liên quan mà UBND Thành phố
Hà Nội đã từng áp dụng về đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi
đất trước và sau khi có Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai ngày 14/7/1993
( Chủ yếu là các chính sách ban hành sau khi có luật Đất đai 1993 đến nay ).
Phương pháp nghiên cứu đề tài:
- Phương pháp thu thập xử lý thông tin, số liệu.
- Phương pháp đánh giá phân tích tổng hợp.
- Phương pháp duy vật biện chứng.
- Phương pháp duy vật lịch sử.
Nội dung nghiên cứu của đề tài:
Nghiên cứu nội dung chính sách đền bù thiệt hại, tái định cư của Nhà nước
và Thành phố Hà Nội đang áp dụng thực hiện.
Ngoài lời mở đầu và kết luận chuyên đề được chia làm 3 chương:
Chương I: Cơ sở lý luận về đền bù thiệt hại Giải phóng mặt bằng .
Chương II : Thực trạng việc thực hiện chính sách đền bù thiệt hại trên địa
bàn Thành phố Hà Nội.
Chương III: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách đền bù, Giải
phóng mặt bằng , tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.